18/08/2011 21:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 113461
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

55. THUỐC THẢO MỘC

a. Kiến thức chung

Các nước vùng Á Đông đều có những kinh nghiệm chữa bệnh bằng các loại cay cỏ trong tự nhiên, được truyền lại từ nhiều thế hệ đã qua. Rất nhiều bài thuốc đơn giản nhưng có công hiệu tốt. Tuy nhiên, có một số bài thuốc hoặc phương thức chữa trị thường không cụ thể, do đó khó truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số người có nhiều kinh nghiệm trị liệu nhưng lại theo quan điểm “gia truyền”, nghĩa là chỉ truyền dạy riêng cho con cháu trong nhà. Cách nghĩ này dẫn đến đôi khi làm thất truyền đi nhiều kinh nghiệm quý giá.

Trong điều kiện thông tin hiện nay, các phương thức, bài thuốc trị liệu bằng các loại cây thuốc ngày càng được phổ biến rộng rãi. Bạn có thể dễ dàng đọc thấy trên sách báo, các tạp chí y học, hoặc thậm chí được nghe hướng dẫn trên đài phát thanh, đài truyền hình. Vì vậy, hầu như ai cũng có thể áp dụng được những phương thức trị bệnh bằng cây thuốc.

Song song theo đó, những thầy thuốc chuyên trị bệnh bằng thuốc thảo mộc cũng phát triển ngày càng nhiều, nhất là ở các vùng thôn quê hẻo lánh, khi mà những điều kiện y học hiện đại chưa thể phổ cập đến.

Tuy nhiên, nên sử dụng các loại thuốc thảo mộc trong những trường hợp nào? Bởi vì, nếu bạn không hiểu biết đầy đủ, đôi khi có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng cho sức khỏe. Trong một số trường hợp, bạn có thể nên dùng các loại thuốc thảo mộc và tin cậy vào sự chữa trị của các vị thầy thuốc miền quê, nhưng trong một số trường hợp khác, nhất thiết phải cần đến sự khám và điều trị bằng y học hiện đại. Chẳng hạn, bạn không thể để bệnh nhân đang có cơn đau ruột thừa nằm chờ công hiệu của một thang thuốc thảo mộc, mà phải tranh thủ từng giây một để đưa ngay đến bệnh viện. Nếu không, hậu quả sẽ khó lường.

Có nhiều vị lương y trong lãnh vực y học cổ truyền rất tài giỏi, đã từng có những thành tích trị liệu gây ngạc nhiên cho các bác sĩ y học hiện đại. Nhưng ngược lại, cũng có không ít những ông thầy vườn, thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ mà vẫn “bạo tay” chữa trị nhiều căn bệnh nguy hiểm, dẫn đến tai hại rất nghiêm trọng cho bệnh nhân. Chưa có một hệ thống phân loại nào, hoặc các tiêu chí cụ thể nào để người bệnh có thể “chọn đúng thầy, theo đúng thuốc”. Vì vậy, điều tốt nhất là bạn cần có một số hiểu biết khái quát về vấn đề này.

Đối vơi các bệnh thông thường như cảm lạnh, ho, tiêu chảy, ăn không tiêu... nếu đã xác định không phải là dấu hiệu của các bệnh khác nguy hiểm hơn, thì việc trị liệu bằng các bài thuốc thảo mộc đôi khi tốt hơn là dùng thuốc tây, bởi vì vừa rẻ tiền vừa có hiệu quả tương tự, và đôi khi tránh được các tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy là dấu hiệu của nhiễm trùng ruột chẳng hạn, bạn cần phải được điều trị bằng kháng sinh với sự theo doi của bác sĩ.

Một số bệnh kéo dài như cao huyết áp, yếu gan, suy thận... dùng thuốc thảo mộc thường xuyên đôi khi có tác dụng trị liệu tốt hơn, vì chúng phù hợp với điều kiện tự nhiên của cơ thể. Ngược lại, dùng thuốc tây lâu dài bao giờ cũng có những tác hại đi kèm cho cơ thể.

Nói tóm lại, trong những trường hợp có thể điều trị bằng thuốc thảo mộc, bạn nên chọn dùng vì có được hai ưu điểm lớn: rẻ tiền và ít gây tác hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, nếu bạn quyết định sai lầm, bạn cũng có nguy hiểm khi dùng thuốc thảo mộc: làm kéo dài thời gian, gây khó khăn thêm cho việc điều trị. Một số thuốc thảo mộc có dược tính mạnh nếu dùng không đúng bệnh cũng có thể gây nguy hiểm.

Một điều đáng lưu ý nữa khi dùng thuốc thảo mộc là phải đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn chung. Nhiều bài thuốc dấu ngày xưa tạo tác động tâm lý lên người bệnh bằng những cách pha chế không hợp vệ sinh, bạn không nên tin cậy vào đó. Bất kỳ thức ăn uống nào đưa vào cơ thể cũng đều cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh. Bạn không thể vì trị một căn bệnh này mà bị nhiễm trùng gây ra một căn bệnh khác. Một thầy thuốc chân chính ngày nay bao giờ cũng đồng ý với điều này. Đây cũng là một tiêu chí giúp bạn dễ dàng phân biệt họ với những ông “thầy vườn” thiếu hiểu biết.

b. Những điều nên làm

– Khi bị bệnh, nhất thiết phải đi kham ở bác sĩ, với những điều kiện xét nghiệm cụ thể, hiện đại, nhằm xác định đúng bệnh.

– Chỉ dùng thuốc thảo mộc sau khi đã biết chắc đó không phải là một bệnh nguy hiểm ngoài sự hiểu biết của mình.

– Cho dù là dùng loại thuốc nào, theo phương thức trị liệu nào, đều phải đảm bảo tuyệt đối điều kiện vệ sinh.

– Không nên đặt niềm tin ở những ông thầy vườn thiếu hiểu biết, nhất là những người trị bệnh theo lối bùa phép, mê tín.

– Thuốc thảo mộc cũng là thuốc trị bệnh, nghĩa là khi dùng cũng phải tuân thủ các yếu tố như liều lượng, thời gian dùng thuốc, chống chỉ định của thuốc. Nhiều người cho rằng dùng thuốc thảo mộc không có gì nguy hiểm. Điều đó không đúng. Một số vị thuốc dùng bừa bãi có thể gây sẩy thai chẳng hạn.

– Cho dù một bài thuốc mà bạn tin dùng có thể không trực tiếp gây ra nguy hiểm gì cả. Nhưng nếu không mang lại hiệu quả điều trị, nó sẽ kéo dài thời gian bệnh, gây khó khăn cho việc chữa trị sau đó. Vì vậy, bạn phải cân nhắc thận trọng trước khi dùng.

– Một số phương thức trị liệu kèm theo với dùng thuốc thảo mộc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... đều có cơ sở khoa học, có thể tin cậy được. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo điều kiện vô trùng khi thực hiện. Nếu thầy thuốc tỏ ra không quan tâm đến yếu tố này, đó là dấu hiệu bạn nên tránh xa ông ta càng sớm càng tốt.

– Các bệnh thuộc khoa ngoại hầu như luôn luôn cần đến sự can thiệp kịp thời tại bệnh viện. Ví dụ một cái chân gãy nhất thiết phải được chụp X-quang ngay, xác định vết gãy như thế nào và can thiệp thích hợp. Trong trường hợp này bạn không thể tin cậy vào sự sờ nắn, bó lá cây một cách đơn giản được. Nếu không, bạn có thể sẽ phải mang dị tật suốt đời.


Âm lịch

Ảnh đẹp