31. TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC
a. Kiến thức chung
Sử dụng thuốc là một nhu cầu của tất cả mọi người. Mỗi một loại thuốc
mới được phát minh đều mang lại cho chúng ta thêm một khả năng loại trừ
bệnh tật. Con người ngày nay khó mà tưởng tượng được một cuộc sống không
có thuốc men.
Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi, hầu như moi loại thuốc đều có những
tác dụng phụ của nó. Từ những triệu chứng đơn giản như nhức đầu, chóng
mặt, buồn nôn, buồn ngủ... cho đến những phản ứng nặng nề hơn như nôn
mửa, choáng váng...
Một số loại thuốc khi kết hợp với nhau lại phát sinh những tác dụng phụ
mà khi dùng riêng từng loại thì không có. Một số khác phát sinh tác dụng
phụ khi bạn ăn hoặc uống những thứ nhất định nào đó trong thời gian dùng
thuốc. Phức tạp hơn nữa, một số thuốc gây tác dụng phụ với một số người
nhưng lại an toàn với nhiều người khác.
Mặc dù bất cứ loại thuốc nào trước khi lưu hành cũng đều qua thử nghiệm
và kiểm tra rất chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn, cũng như tiên liệu
trước những tác dụng phụ có thể có, nhưng cũng có những trường hợp một
loại thuốc được đưa ra sử dụng rất lâu rồi các bác sĩ mới nhận ra được
tác dụng phụ của nó.
Nhằm mục đích điều trị bệnh, các bác sĩ thường luôn luôn cân nhắc các
tác dụng phụ của mỗi loại thuốc, để đảm bảo hiệu quả điều trị có giá trị
xứng đáng để bệnh nhân chấp nhận những tác dụng phụ đó. Tuy nhiên, để
tránh những hậu quả đáng tiếc do tác dụng phụ của thuốc, bạn cần phải
hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ có thể xảy ra.
Ngoài việc tự mình quan tâm ghi nhớ và tuân thủ những hướng dẫn của bác
sĩ điều trị trong thời gian dùng thuốc, bạn còn cần phải tích cực hợp
tác với bác sĩ khi kê toa mới có thể đạt được hiệu quả an toàn cao cho
đơn thuốc. Điều đó có nghĩa là bác sĩ cần những thông tin cá nhân chính
xác từ nơi bạn để có thể kê một đơn thuốc thích hợp và an toàn.
Cần phân biệt giữa tác dụng phụ, nghĩa là những tác dụng đương nhiên sẽ
có khi bạn dùng thuốc, và bạn đã chấp nhận điều đó để đánh đổi lại hiệu
quả điều trị của loại thuốc ấy, với những nguy hiểm mang lại khi bạn
dùng thuốc không đảm bảo các điều kiện an toàn, chẳng hạn như thuốc đã
quá hạn, thuốc không được bảo quản đúng cách, hoặc thuốc giả mạo không
đúng chất lượng như tên hiệu mang trên bao bì.
Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ khá nguy hiểm, nhưng có thể dễ dàng
tránh được. Như trường hợp của các loại thuốc lợi tiểu diuretic chẳng
hạn. Mặc dù có những báo cáo về nhiều trường hợp nguy hiểm xảy ra do tác
dụng phụ của thuốc, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng, hầu hết các
trường hợp đều do bệnh nhân đã dùng quá liều quy định. Giữ đúng liều
lượng thuốc là một điều thật đơn giản, nhưng có thể đảm bảo cho bạn
không gặp nguy hiểm.
Gần đây, sau một thời gian sử dụng đã kha lâu, các nhà nghiên cứu mới
biết thêm được một tác dụng phụ nữa của các loại thuốc điều trị cao
huyết áp thuộc nhóm thuốc ức chế ACE. Những loại thuốc này giúp bệnh
nhân giảm huyết áp, nhưng đồng thời chúng tạo ra những cơn ho khan dai
dẳng rất khó chịu.
Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy trong một cuộc thử nghiệm với 20 người
đang điều trị với thuốc thuộc nhóm ACE, tất cả có những cơn ho khan dai
dẳng, càng nặng hơn khi về đêm và kéo dài trong nhiều tuần lễ nhưng
không ai biết nguyên do. Trong số này, có những người ho quá nặng đến
nỗi có những biến chứng nghiêm trọng hơn, như không thể nín tiểu được
hoặc căng thẳng các cơ ở trực tràng và âm đạo. Các nhà nghiên cứu ghi
nhận là sau 5 ngày ngưng dùng thuốc thuộc nhóm ACE thì tất cả cũng đều
ngưng hẳn những cơn ho. Một số hiệu thuốc thuộc nhóm này là Capoten,
Captopril, Capozide, Captopril-hydrochlorothiazide, Lisinopril, Vasotec
I.V., Enalaprilat, Enalapril maleate, Zestoretic, và các loại thuốc dạng
viên như Prinivil, Prinzide, Vaseretic, Vasotec, Zestril.
Trong một số trường hợp khác, các bác sĩ cũng cảnh báo về khả năng có
những tác dụng nguy hiểm thậm chí là sau nhiều năm dùng nhóm thuốc ACE.
Theo đó, bạn có thể đã sử dụng một loại thuốc trong nhiều năm và không
có gì nguy hiểm xảy ra, cũng không có nghĩa là đã thật sự an toàn. Cơ
thể bạn có thể đang phát triển dần một khả năng nhạy cảm đối với thuốc,
để rồi một ngày nào đó đột nhiên bùng phát một phản ứng cực kỳ nghiêm
trọng. Khả năng xảy ra thường là do dị ứng với thuốc. Phản ứng loại này
có thể dẫn đến sưng lưỡi, ngạt thở hoặc không nuốt được.
Để cảnh giác, bạn cần báo ngay với bác sĩ điều trị bất cứ triệu chứng lạ
nào xảy ra với bạn khi đang dùng thuốc, cho dù chỉ là một triệu chứng
nhẹ và tự nhiên qua đi. Điều quan trọng ở đây là, những triệu chứng có
khả năng lập lại với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Một yếu tố quan trọng khác làm tăng thêm mức độ nguy hiểm vốn có của các
tác dụng phụ khi dùng thuốc là tuổi già. Những người già thường dễ quên
mất những điều cần phải nhớ về loại thuốc mà họ đang dùng, khiến cho
hiệu quả thuốc giảm đi nhiều và bác sĩ điều trị buộc phải dùng nhiều
thuốc hơn trong thời gian điều trị lâu hơn. Điều đó cũng có nghĩa là
tăng thêm mối nguy hiểm về tác dụng phụ của thuốc. Hơn thế nữa, người
già thường cũng là đối tượng nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ. Những
yếu tố này kết hợp lại làm thúc đẩy gia tăng hơn nữa một thực tế là,
người gia thường mắc bệnh nhiều hơn và dùng thuốc nhiều hơn, nên chịu
ảnh hưởng các tác dụng phụ của thuốc càng nhiều hơn nữa.
Các loại thuốc mà khi sử dụng không nhớ rõ các thông tin hướng dẫn quan
trọng về chúng có thể dẫn đến nguy hiểm thường gặp nhất là: furosemide,
theophylline, warfarin, prednisone, aspirin, insulin, nytroglycerin,
methyldopa, verapamil.
Một vài loại thuốc dùng để làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, như
lovastatin, có thể dẫn đến các triệu chứng khác lạ như sưng đau các khớp
xương, hơi vàng da, mệt mỏi, sốt cao. Nếu các triệu chứng này xuất hiện,
tốt nhất là nên ngưng sử dụng thuốc ngay và báo rõ với bác sĩ điều trị.
b. Những điều nên làm
– Sử dụng liều thấp nhất cho phép có thể đạt hiệu quả điều trị. Nên biết
việc dùng liều cao không có nghĩa là bạn sẽ mau khỏi bệnh, nhưng lại làm
tăng mức độ nguy hiểm của các tác dụng phụ.
– Khám và điều trị ở một bác sĩ duy nhất, cho dù có thể bạn đồng thời
điều trị hai căn bệnh. Điều này đảm bảo bác sĩ theo dõi tất cả số thuốc
bạn dùng và có thể cân nhắc các tác dụng phụ khi ra toa.
– Mua thuốc ở một hiệu thuốc duy nhất và có đủ uy tín. Điều này đảm bảo
bạn không mua phải các loại thuốc dỏm, thuốc giả, đồng thời cũng nhận
được những thông tin hướng dẫn việc sử dụng thuốc được nhất quán và đầy
đủ.
– Khi tái khám ở bác sĩ, cần nhắc lại với bác sĩ, hoặc tốt nhất là mang
theo toa thuốc cũ, để bác sĩ nắm rõ tiến trình điều trị bạn đang theo
đuổi. Điều này tuy là trách nhiệm của bác sĩ, nhưng không phải bao giờ
nó cũng được ông ta nhớ đến đầy đủ.
– Tuân thủ các hướng dẫn khi dùng thuốc. Bạn phải có đủ kiên nhẫn dùng
thuốc một thời gian ngay cả khi không cảm thấy được tiến triển nào. Một
số loại thuốc không thể có hiệu quả tức thời trong thời gian ngắn.
– Khi mua thuốc cần chú ý, không mua các loại thuốc mà hạn sử dụng ghi
trên bao bì đã hết, hoặc bị xóa mất. Cũng không mua những loại thuốc mà
bao bì không còn được bảo quản nguyên vẹn, hoặc có dấu hiệu hư hỏng.
– Tuân thủ đúng loại thuốc mà bác sĩ đã kê toa. Một số hiệu thuốc thường
đề nghị bạn mua một loại khác thay thế khi họ không sẵn có loại thuốc
bạn cần. Loại thuốc thay thế này có thể tương đương về hiệu quả điều trị
thật, nhưng chưa hẳn đã giống nhau về các tác dụng phụ mà bác sĩ của bạn
đã tính đến.
Nếu bắt buộc phải thay đổi, bạn cũng phải hỏi ý kiến bác sĩ trước.
– Khi khám bệnh, bạn cần cung cấp chính xác cho bác sĩ một số thông tin
về mình như:
_ Các loại thuốc mà bạn đang dùng vào thời điểm đó.
_ Những triệu chứng dị ứng với bất cứ loại thuốc nào mà bạn có thể đã có
trước đây.
_ Các tác dụng phụ nguy hiểm nào mà bạn đã gặp phải trước đây khi dùng
thuốc.
_ Nếu bạn đang có thai hoặc đang dự tính sẽ có thai vào thời gian tới.
– Bạn cũng cần phải hỏi bác sĩ một số vấn đề như:
_ Các thông tin liên quan đến loại thuốc mà bạn sẽ dùng và công năng cụ
thể của nó.
_ Thời gian và liều lượng, cách dùng thuốc.
_ Các loại thức ăn, thức uống hoặc bất cứ loại thuốc nào khác cần phải
tránh trong thời gian dùng thuốc.
_ Các tác dụng phụ đã biết của thuốc, và những điều cần làm nếu chúng
xảy ra và trở nên nghiêm trọng.