18/08/2011 21:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 113435
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

4. BỆNH TÂM THẦN

a. Kiến thức chung

Một trong những chứng bệnh tâm thần quan trọng được biết đến hiện nay là bệnh Alzheimer, gây cho bệnh nhân mất trí nhớ và nhiều suy sụp hầu hết các chức năng của não bộ, như khả năng giao tiếp ngôn ngữ, khả năng suy luận... Hiện nay các nhà khoa học tạm thời phân biệt hai dạng khác nhau của loại bệnh này.

Loại thứ nhất, được xem là có quan hệ chặt chẽ đến tiền sử trong gia đình, thường là di truyền trực tiếp từ cha hoặc mẹ sang con cái. Đôi khi bệnh này ảnh hưởng đến hầu hết con cái trong gia đình. Bệnh thường phát lộ vào khoảng độ tuổi 40 hoặc 50. Nguyên nhân hiện được xem là do các gen di truyền từ cha mẹ.

Loại thứ hai, được xem là không phải do di truyền, ảnh hưởng đến người bệnh thường phải ở độ tuổi trên 70. Một số thống kê y tế hiện nay cho thấy có khoảng một nửa số người già trên 85 tuổi mắc phải bệnh này.

Một số yếu tố được xem là có liên quan đến loại bệnh này là:

_ Nhôm (Aluminum)

Trong chế độ ăn uống hàng ngày, chúng ta đưa vào cơ thể một lượng nhôm nhất định, ở dạng muối khoáng kim loại lẫn trong thức ăn. Tuy nhiên, theo hiểu biết hiện nay của các nhà khoa học, lượng nhôm này gần như hoàn toàn không có ích gì mặt dinh dưỡng.

Mặt khác, trong não của những người mắc bệnh Alzheimer, người ta tìm thấy một lượng nhôm cao đến mức bất thường. Với nồng độ cao như thế, nhôm trở thành một chất độc hại đối với não.

Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn chưa đi đến được một kết luận về hiện tượng này: liệu khối lượng nhôm tích tụ trong cơ thể đã gây ra bệnh, hay là chính bệnh này đã làm cho nhôm tích tụ lên não?

Một cuộc nghiên cứu kết hợp ở Anh và Pháp mới đây còn cho thấy lượng nhôm hiện diện trong cơ thể trở nên cực kỳ độc hại đối với những người mắc bệnh thận. Các nhà nghiên cứu đã liên kết được một mối quan hệ giữa một hàm lượng của nhôm ở mức độ cao với tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer cao hơn, cũng như một lượng nhôm tích tụ trong xương người bệnh cao đến mức đáng kể. Các nhà nghiên cứu cũng đi đến một cảnh báo cho những người mắc bệnh thận đang điều trị bằng phương pháp lọc máu nhân tạo. Họ cho biết rằng những người này chịu sự đe dọa rất lớn từ việc nhiễm độc, ngay cả với một hàm lượng nhôm rất nhỏ. Hiện nay, phương pháp điều trị này được áp dụng cho các bệnh nhân bị yếu thận. Máu của người bệnh được lọc sạch và loại bỏ những tạp chất. Nhưng các loại thuốc dùng trong điều trị lại thường có chứa một lượng nhôm nhất định.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra đề nghị thay đổi phương thức trị liệu hiện tại đối với bệnh nhân suy thận. Người đứng đầu cuộc nghiên cứu này , I.B.Salusky, đề nghị thay hoạt chất có nhôm aluminum hydroxide bằng calcium carbonate trong việc làm hạ thấp lượng phosphorous trong máu bệnh nhân. Bác sĩ Donald J.Sherrard đã đặt vấn đề với cuộc nghiên cứu này là: “Liệu có một hàm lượng nhôm nào – dù ít đến đâu – có thể được xem là an toàn đối với bệnh nhân suy thận hay chăng?”

Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận trường hợp một bệnh nhân suy thận đang điều trị đã đột ngột tử vong sau khi tự ý dùng một liều thuốc giảm đau có chứa citrate. Họ đưa ra nhận xét rằng, citrate là một hợp chất thông thường có khả năng làm gia tăng mức hấp thụ nhôm trong cơ thể những người suy thận. Thêm vào đó, bác sĩ Sherrard cũng lần đầu tiên nêu vấn đề trên một tạp chí y khoa lớn của Hoa Kỳ về “một nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân số” gây ra bởi lượng nhôm đưa vào cơ thể trong chế độ ăn uống thường ngày.

Hiện nay, đa số bác sĩ trị liệu vẫn còn ngần ngại trong việc nêu rõ tác hại của nhôm. Thực tế thì đây là nguyên tố kim loại phổ biến vào hàng thứ ba trên thế giới. Nó hiện diện hầu như ở khắp mọi nơi: trong thành phần tự nhiên của rau cải, trong hóa chất xử lý nước sạch, và còn là thành phần phổ biến trong hầu hết các dược phẩm thông dụng, từ các loại thuốc chống acid cho đến thuốc khử mùi hôi nách.

Thật ra thì từ lâu các nhà nghiên cứu ở Anh quốc và Âu Châu cũng đã hoài nghi về sư vô hại của nhôm như các nhà bào chế dược phẩm vẫn mặc nhiên thừa nhận.

Một cuộc khảo sát của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 1987 đã ước tính rằng mỗi ngày trung bình một người đã đưa vào cơ thể từ 9 đến 14 miligam nhôm qua các thức ăn uống tự nhiên thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng những thực phẩm chế biến có các chất phụ gia, lượng nhôm có thể tăng thêm từ 20 đến 50 miligam nữa. Trong khi đó, theo Aluminum Association, Inc. thì lượng nhôm hòa tan ra từ các dụng cụ nấu ăn làm bằng nhôm có thể đưa thêm vào cơ thể chúng ta từ 3 đến 4 miligam mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu ở Wichita State (Kansas) University đã tiến hành việc kiểm tra lượng nhôm trong nước uống sau khi đun sôi bằng một ấm nhôm điện mới, và thấy hàm lượng nhôm đó tăng lên cao gấp 30 lần so với mức giới hạn cho phép hiện nay. Họ tính toán rằng lượng nhôm sau khi đun đã tăng lên khoảng 74 lần so với trước đó.

Nếu bạn dùng các loại thuốc trung hòa acid, bạn có thể hấp thụ thêm vào cơ thể một lượng nhôm lên đến 1.000 miligam mỗi ngày. Mỗi một viên thuốc loại này chứa đến 50 miligam nhôm.

Trẻ con dùng các loại sữa qua công nghiệp chế biến từ đậu nành cũng hấp thụ một lượng nhôm cao hơn gấp 100 lần so với trẻ bú sữa mẹ.

Theo Aluminum Trade Association, cơ thể bắt đầu quá trình tích tụ nhôm lại – thay vì thải bỏ ra – khi bạn đưa vào một lượng nhôm nhiều hơn 125 miligam mỗi ngày. Và khi đó những rối loạn sức khỏe bắt đầu có khả năng xuất hiện.

Bất chấp những kết quả đã được công bố và những mối quan ngại về tác hại của nhôm, hiện nay Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Hoa Kỳ vẫn còn xem nhôm là một nguyên tố vô hại đối với sức khỏe con người.

_ Di truyền

Rất nhiều cuộc nghiên cứu đã tập trung vào một chất hiện diện trong cơ thể được biết với tên là amyloid precursor protein. Một số nhà nghiên cứu cho rằng loại protein này có quan hệ đến những gen di truyền được cho là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer.

_ Chấn thương đầu

Thống kê cho thấy những người đã từng gặp phải một tai nạn gây chấn thương ở đầu sẽ có khả năng mắc phải bệnh Alzheimer với tỷ lệ cao gấp 3 lần so với người bình thường.

_ Thuốc lá

Một cuộc nghiên cứu gần đây cho rằng những người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer cao hơn gấp 4 lần so với những người không hút thuốc.

_ Kẽm (Zinc)

Loại nguyên tố kim loại này cần thiết để điều chỉnh chức năng của não bộ và các tế bào thần kinh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hàm lượng kẽm trong cơ thể quá thap dẫn đến việc mắc bệnh Alzheimer.

Trong khi vẫn còn tranh cãi nhau về các nguyên nhân của bệnh Alzheimer, thì các nhà khoa học lại hoàn toàn nhất trí nhau về việc đánh giá bệnh. Hiện nay đây vẫn là một bệnh chưa có thuốc trị và luôn luôn dẫn đến tử vong, thường là trong vòng 5 năm kể từ khi có triệu chứng đầu tiên của bệnh. Riêng tại Hoa Kỳ, có chừng 100.000 người chết mỗi năm do bệnh này, xếp vào hàng thứ tư trong các nguyên nhân gay tử vong hàng năm.

Các nhà khoa học cũng đồng ý với nhau ít nhất là có hai yếu tố chống lại loại bệnh này hiện nay:

_ Thuốc aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm nhiễm như ibuprofen, các thuốc thuộc nhóm cortisone và thuốc điều trị sốt rét. Alzheimer và các bệnh mất trí khác hiếm khi thấy xuất hiện trong số những người mắc chứng viêm thấp khớp, có thể là vì những người này sử dụng các loại thuốc giảm đau gần như hàng ngày.

_ Fluoride, đặc biệt là sodium fluoride. Một báo cáo khoa học ở Canada cho biết rằng nhôm và fluoride đối kháng nhau trong hệ tiêu hóa của chúng ta. Lượng fluoride trong thức ăn càng cao thì lượng nhôm bị hấp thụ vào cơ thể càng giảm thấp.

Ngoài bệnh Alzheimer, một số hiện tượng bệnh tâm thần khác cũng cần được chú ý. Trong đó có chứng phát sinh ảo giác do giảm lượng phosphorus trong máu.

Các nhà nghiên cứu lưu tâm đến hiện tượng này lần đầu tiên sau một ca bệnh của một bệnh nhân nữ 59 tuổi. Bà này được đưa vào bệnh viện để điều trị chứng tiểu đường. Khi nhập viện, tinh thần bà hoàn toàn tỉnh táo.

Sau 24 giờ điều trị trong bệnh viện, bà bắt đầu phát sinh những ảo giac kinh khiếp. Qua xem xét, bà hoàn toàn không có tiền sử về các chứng tâm thần, cũng không nghiện rượu hoặc lạm dụng thuốc.

Khi hiện tượng ảo giác ở bệnh nhân lên đến cao độ, người ta bắt đầu thử máu và phát hiện ham lượng phosphorus thấp hơn nhiều so với mức bình thường.

Phương án điều trị cấp thời là nâng cao lượng phosphorus trong máu, và chỉ sau 4 giờ, những ảo giác của bệnh nhân đã hoàn toàn mất hẳn.

Hiện tượng này được gọi là hypophosphatemia, có thể gặp ở các bệnh nhân tiểu đường hoặc những người nghiện rượu. Các nhà nghiên cứu cũng đã đề nghị những biện pháp điều hòa lượng phosphorus một cách thường xuyên cho các đối tượng này.

Một số thức ăn tự nhiên có chứa phosphorus là thịt, trứng, cá, ngũ cốc và các hạt họ đậu.

Một hiện tượng tâm thần khác được bất ngờ phát hiện và điều trị ở 3 bệnh nhân nam có độ tuổi trên 70. Những người này bị mất khả năng phán đoán chính xác và nhiều biểu hiện tâm thần khác chỉ ngay sau khi họ có vấn đề về đường tiểu. Do đường bài tiết này bị nghẽn, bệnh nhân đã tích tụ quá nhiều nước tiểu trong bàng quang. Và điều không ngờ là đây lại la nguyên nhân dẫn đến biến chứng về tâm thần của họ.

Sau khi được can thiệp y khoa để giải tỏa hết số nước tiểu trong bàng quang, cả ba người này đều trở lại trạng thái tỉnh táo bình thường chỉ trong vòng mấy phút.

Phát hiện mới này cho phép các bác sĩ biết thêm được một mối liên hệ giữa lượng nước tiểu tích tụ trong bàng quang của người già với sự rối loạn về tâm thần. Biết được nguyên nhân này thì việc điều trị không mấy khó khăn nữa.

b. Những điều nên làm

– Trước hết, giảm thiểu đến mức tối đa lượng nhôm đưa vào cơ thể. Để đảm bảo điều này, bạn cần chú ý:

_ Nguồn nước.

Nếu nguồn nước sinh hoạt nơi bạn ở bị nghi ngờ là có hàm lượng nhôm cao hơn mức cho phép, tốt nhất là bạn nên sử dụng một hệ thống lọc để được an toàn. Chú ý là phương pháp lọc bằng than hoạt tính không có tác dụng mấy đối với nhôm. Một hệ thống lọc theo phương pháp thấm thấu sẽ tốt hơn.

_ Thức ăn

Chú ý các loại thức ăn đóng hộp sẵn, kể cả một số nước ngọt trong lon nhôm đều có thể có một lượng nhôm cao hơn mức thông thường. Đôi khi các loại thực phẩm chế biến sẵn này có lượng nhôm cao là do nguồn nước đã sử dụng khi chế biến, hơn là do chúng hòa tan từ hộp chứa. Vì thế mà cũng phải cảnh giác với cả một số thực phẩm khác như bột nhào sẵn để làm bánh, các loại rau cải muối chua...

_ Thuốc

Hầu hết các loại thuốc chống acid đều có chứa nhôm. Một số loại thuốc được bán rộng rãi khác như thuốc chống tiêu chảy, thuốc thụt rửa âm hộ, thuốc trị bệnh trĩ... cũng thường có chứa một lượng nhôm trong thành phần. Nhôm cũng là hoạt chất trong các loại thuốc trị hôi nách. Hỗn hợp có nhôm được đưa vào các loại thuốc này khi chà xát lên da sẽ ngăn chặn các tuyến bài tiết mồ hôi trong một thời gian ngắn. Nhưng để có được hiệu quả này, hỗn hợp ấy cần phai được hấp thụ vào da. Một số kem thoa mặt cũng có chứa nhôm ở dạng có thể bị hấp thụ vào cơ thể.

_ Dụng cụ nấu ăn bằng nhôm

Các loại dụng cụ dùng trong việc nấu ăn được làm bằng nhôm, đặc biệt là soong nồi, khi tiếp xúc với các loại thức ăn có độ acid cao, như cà chua chẳng hạn, có thể bị hòa tan một số nhôm vào thực phẩm. Như vậy, tránh nấu nướng, nhất là chứa đựng các thức ăn có độ acid cao trong những vật chứa bằng nhôm.

Mot cuộc nghiên cứu ở Sri Lanka còn cho thấy khi dùng nước có chứa flouride để nấu thức ăn trong nồi nhôm sẽ gia tăng lượng nhôm trong thực phẩm lên đến 1.000 lần so với dùng nước không có chứa flouride.

– Một biện pháp đơn giản để bồi bổ trí nhớ là sử dụng một lượng đường vừa phải. Các nhà khoa học đã tiến hành một thử nghiệm trên 17 người tình nguyện ở độ tuổi từ 62 đến 84 về tác động của đường đối với trí nhớ của họ. Những người tham gia thử nghiệm nhịn ăn vào buổi tối, sáng hôm sau họ đến phòng thí nghiệm và uống một ly lớn nước chanh. Một số ly nước chanh được pha đường và số còn lại được làm ngọt bằng saccharin, một chất thay thế cho đường. Sau đó, tất cả cùng tham gia những cuộc kiểm tra trí nhớ với mức độ tương tự như nhau. Kết quả là, những người uống nước chanh pha đường có trí nhớ tốt hơn những người uống nước chanh với saccharin. Các nhà khoa học cho rằng đường giúp tăng trí nhớ lâu dài, thông qua việc gia tăng tiến trình trao đổi chất trong não bộ. Tuy vậy, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng lạm dụng quá nhiều đường không phải là một chế độ dinh dưỡng tốt, và có nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường.


Âm lịch

Ảnh đẹp