18/08/2011 21:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 113444
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

32. NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

a. Kiến thức chung

Thực phẩm chỉ chung tất cả những gì bạn ăn uống vào để lấy dinh dưỡng nuôi sống cơ thể. Thật không may là đôi khi trong thực phẩm không chỉ thuần dinh dưỡng. Một số bệnh đường ruột có nguyên nhân từ thực phẩm ăn vào đã bị nhiễm trùng. Một số khác gây vấn đề do sự chế biến, bảo quản không đúng cách. Và một số khác nữa là những thứ không ăn được lẫn vào trong thực phẩm nên gay hại.

Theo thống kê, có chừng 30% các bệnh gây ra từ thực phẩm là do sự chế biến, bảo quản không đúng cách. Và bạn có thể thoát khỏi vấn đề này nếu có được một số hiểu biết đơn giản về thực phẩm. Điều cần nhớ trước tiên là, có rất nhiều loại vi khuẩn trong môi trường luôn sẵn sàng xâm nhập vào cơ thể bạn, và thông qua con đường thực phẩm là một con đường rất dễ dàng đối với chúng. Những loại vi khuẩn này một khi đã vào được cơ thể bạn, có thể gây ra rất nhiều loại bệnh tật. Khi ấy, chúng sẽ đe dọa tính mạng và cuộc sống bình yên của bạn, làm cho bạn phải tốn kém hơn gấp nhiều lần so với những chi phí phải bỏ ra để bảo quản, chế biến thực phẩm đúng cách, mà lâu nay có thể bạn vẫn xem thường.

Một số thực phẩm gây tác hại cho cơ thể bạn ngay khi ăn vào. Chúng có chứa trong đó những chất độc nào đó gây phản ứng mạnh mẽ cho cơ thể. Các triệu chứng thông thường khi ngộ độc thực phẩm loại này có thể là bụng đau dữ dội, quặn thắt lại, tiêu chảy, ói mửa, đau đầu, sốt cao, mệt rũ rượi, và đôi khi có máu hoặc mủ ra theo trong phân.

Các triệu chứng thường là xuất hiện ngay chừng 30 phút sau khi bạn ăn xong thức ăn có độc. Nhưng trong một số trường hợp, cũng có thể chúng xuất hiện sau nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần lễ. Những triệu chứng ấy thường chỉ kéo dài trong vòng một hoặc hai ngay, nhưng cũng có đôi khi chúng lên đến 10 ngày.

Đối với đa số những người khỏe mạnh bình thường, những lần ngộ độc này không đến nỗi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, chúng đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ con, phụ nữ đang mang thai và những người mắc bệnh cơ thể đang suy yếu. Với các đối tượng này, khi có các dấu hiệu nhiễm độc cần đưa đến những nơi có đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề vẫn là làm thế nào để ngăn ngừa trước khi việc ngộ độc xảy ra. Những biện pháp này thường đòi hỏi một số hiểu biết và quan tâm ngay từ khi bạn đi mua thực phẩm.

Thực phẩm chế biến sẵn ở các cửa hàng thường dễ có vấn đề. Thực tế, người ta không có đủ điều kiện để bảo quản thực phẩm chống lại mọi nguồn nhiễm trùng trong một môi trường quá rộng lớn và phức tạp. Không khí, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm, ngay ca bao bì đóng gói đều là những nguồn nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách. Thậm chí thực phẩm còn có thể nhiễm trùng trên đường bạn mang về nhà nữa.

Một trong các loài vi khuẩn gây nhiễm độc thường thấy nhất là Listeria monocytogene. Vi khuẩn này đã được phát hiện từ rất lâu, và chúng cũng dễ diệt trừ. Bạn chỉ cần nấu chín thực phẩm là có thể giết chết tất cả loại vi khuẩn này. Nhưng điều đơn giản đó nhiều khi không được tuân thủ đúng mức.

Điều phức tạp đối với vi khuẩn Listeria là không phải mọi người đều có triệu chứng nhiễm bệnh khi ăn thức ăn có loại vi khuẩn này. Thực tế, đa số người khỏe mạnh không nhiễm bệnh và thậm chí không có cả những dấu hiệu nhiễm trùng nữa. Thế nhưng, chúng đe dọa những người đang ốm, những người già, trẻ con và phụ nữ có thai. Khi những người này nhiễm trùng, triệu chứng thường là sốt cao, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, mệt rũ rượi... Các biến chứng tiếp theo có thể dẫn đến là nhiễm trùng não, nhiễm trùng máu, và phụ nữ có thai có thể có những nguy hiểm đe dọa đến thai nhi. Mức độ diễn tiến cuối cùng của bệnh là tử vong.

Mức độ nguy hiểm của loại vi khuẩn này với các đối tượng đã nói là rất lớn. Một cuộc nghiên cứu rộng rãi ở 4 tiểu bang của Hoa Kỳ, bao gồm California, Tennessee, Oklahoma và Georgia đã ghi nhận là có đến 23% tử vong trong số những người nhiễm loại vi khuẩn này. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính là có chừng 1.850 người mắc bệnh loại này mỗi năm ở Hoa Kỳ, và trong đó có chừng 425 trường hợp tử vong.

Các nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét la, hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều xuất phát từ việc mua thức ăn ở các cửa hàng thực phẩm chế biến sẵn.

Nhiễm độc từ bao bì đựng thực phẩm cũng là một vấn đề thường gặp. Một khảo sát gần đây đã phát hiện một hiện tượng nhiễm độc từ loại bao bì có mực in chứa kim loại chì.

Mặc dù tất cả bao bì dùng chứa thực phẩm đều đã được kiểm nghiệm trước khi mang ra sử dụng, nhưng nhiễm độc thực phẩm xảy ra khi người dùng sử dụng những bao bì đó không đúng quy định. Ví dụ điển hình cho hiện tượng này được phát hiện khi loại bao chứa bánh mỳ được người sử dụng lộn ngược lại để chứa một loại thực phẩm khác.

Khi nhãn hiệu nằm bên ngoài bao bì, vấn đề nhiễm độc không xảy ra. Sau khi dùng hết bánh mỳ, người dùng lấy các bao chứa đó lộn ngược phía ngoài vào trong để không nhìn thấy các nhãn hiệu, rồi dùng để chứa một loại thực phẩm khác. Khi ấy, mực in trên bao bì bắt đầu ngấm dần vào thực phẩm. Trong mực in có chứa một hàm lượng chì đáng kể, và do đó gây ngộ độc cho người dùng. Người ta nhận thấy ở một số thực phẩm có độ hấp thụ chì cao, chỉ trong 10 phút có thể có đến 5% lượng chì trong mực được ngấm vào thực phẩm.

Nhiễm độc chì là một hiện tượng rất nguy hiểm. Nếu lượng chì trong máu đủ độ đậm đặc, chúng có thể dẫn đến hủy hoại não.

b. Những điều nên làm

– Khi bạn cần phải mua thức ăn chế biến sẵn, thì các loại thực phẩm đóng hộp với công nghệ cao là an toàn hơn hết. Tốt nhất là không nên dùng các loại thực phẩm được chế biến thủ công với phương tiện gia đình được bán ở các cửa hàng nhỏ.

– Không mua các loại thực phẩm đóng hộp hoặc đóng bao khi có dấu hiệu không còn nguyên vẹn. Chẳng hạn hộp bị móp méo, bao bị rách... Nếu là loại thực phẩm có ghi hạn sử dụng thì không dùng khi chúng đã quá hạn. Nếu bạn mua để dùng trong một thời gian lâu, bạn phải tính cả thời gian tồn trữ đó.

– Khi mua trứng, không mua những quả trứng đã rạn vỡ, mặc dù chúng có thể rẻ hơn nhiều. Bạn không thể đảm bảo điều kiện vô trùng cho đến lúc sử dụng chúng.

– Điều kiện vệ sinh ở nơi bạn mua thực phẩm là rất dễ nhận ra, và chúng vô cùng quan trọng. Không mua thực phẩm ở những nơi mà bạn cảm thấy không được sạch sẽ, gọn gàng.

– Nếu bạn dùng tủ lạnh để giữ thức ăn, cần hiểu biết về nhiệt độ và phương thức bảo quản thích hợp riêng cho từng loại thức ăn.

– Lượng thức ăn được làm lạnh trong tủ lạnh có một giới hạn nhất định. Bạn không được chứa quá nhiều thức ăn cần làm lạnh trong tủ. Như vậy, chúng sẽ không được làm lạnh đúng mức và dẫn đến hư hỏng tất cả.

– Những thức ăn còn thừa lại phải được quan tâm đặc biệt. Đôi khi, vất bỏ chúng đi lại là một quyết định khôn ngoan hơn là cố đưa vào bữa ăn khi chúng không được giữ trong điều kiện tốt.

– Điều kiện vệ sinh cần được quan tâm ở mọi lúc, mọi nơi. Giỏ đi chợ, nhà bếp, dụng cụ nấu ăn... nói chung là tất cả những gì liên quan đến bữa ăn của bạn, đều phải được giữ sạch ở mức có thể được. Và quan trọng hơn hết là phải rửa tay thật sạch, trước khi nấu ăn, trước khi ăn và cả sau khi ăn nữa.

– Khi bạn cắt thức ăn trên thớt thì đó là một nơi dễ nhiễm trùng nhất nếu thớt không được rửa sạch thường xuyên. Một thực tế là, khi bảo quản sạch thì thớt gỗ tốt hơn loại thớt bằng plastic, vì chúng không để cho vi khuẩn đeo bám và sống lâu trên bề mặt.

– Một lỗi nhỏ nhưng quan trọng thường mắc phải là dùng cùng một thứ đồ chứa (bát, đĩa...) cho thức ăn khi chưa nấu và thức ăn sau khi nấu. Hạn chế điều này, bởi vì cho dù bạn có rửa sạch trước khi dùng lại thì bề mặt chúng vẫn còn bám một lớp nước, không đảm bảo vô trùng. Nếu dùng một món đồ chứa khác, đã rửa sạch và làm khô trước đó, sẽ đảm bảo an toàn hơn.

– Dùng nước sạch để rửa các món ăn sống như rau cải, trái cây... tốt hơn là dùng các loại nước rửa không đảm bảo.

– Thức ăn còn lại sau bữa ăn, nếu muốn bảo quản cho bữa ăn sau đó, thì phải được mang đi bảo quản ngay sau khi ăn xong.

– Nếu giữ thịt trong tủ lạnh, nên cắt thành miếng nhỏ, hoặc lát mỏng để bảo quản tốt hơn.

– Trong bất cứ trường hợp nào, nếu bạn thấy thức ăn đổi màu, có mùi lạ... tốt nhất là không nên dùng nữa.

– Hạn chế các loại thức ăn chế biến không đủ độ chín như thịt tái, gỏi sống...

– Các chế phẩm từ sữa rất dễ nhiễm trùng. Chỉ dùng những loại sản phẩm mà bạn biết chắc là áp dụng các phương pháp tiệt trùng đáng tin cậy.

– Thức ăn còn lại từ những bữa ăn trước, không chỉ hâm nóng mà luôn luôn phải đảm bảo đun sôi trở lại trước khi ăn.

– Những thức ăn lạnh không nên lấy ra khỏi tủ lạnh trước bữa ăn quá hai giờ. Chỉ nên lấy ra trước khi ăn hoặc đã gần đến bữa ăn.


Âm lịch

Ảnh đẹp