18/08/2011 21:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 116076
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

52. SAY NẮNG

a. Kiến thức chung

Những tháng mùa hè có thể mang lại cho bạn những ngày nghỉ tuyệt vời, nhưng cũng là mối đe dọa cho những người thường say nắng.

Hiện tượng này xảy ra khi thân nhiệt lên cao đột ngột, đến mức làm rối loạn khả năng điều tiết của cơ thể. Vì thế, mặc dù thân nhiệt rất cao nhưng thường không thấy mồ hôi toát ra nhiều. Kèm theo đó là hàng loạt triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, hoặc ngất xỉu.

Có ba trường hợp thông thường gây ra say nắng. Say nắng do làm việc quá sức trong điều kiện nhiệt độ cao, say nắng do nhiệt độ quá cao và say nắng do tác dụng của một loại thuốc nào đó kèm theo nhiệt độ cao.

Các trường hợp say nắng thường xảy ra cho những người:

– Quá mập béo, với lượng mỡ thừa rất cao trong cơ thể.

– Khô khát, không uống đủ lượng nước theo nhu cầu của cơ thể.

– Di chuyển đột ngột từ môi trường thoáng mát sang môi trường quá nóng.

– Vừa qua khỏi cơn sốt cao hoặc tiêu chảy gây mất nước.

– Thể lực quá yếu ớt.

– Mặc y phục quá chật chội, nặng nề, ngăn cản sự thoát nhiệt của cơ thể.

– Dùng một loại thuốc nào đó có tác dụng ngăn cản sự thoát nhiệt của cơ thể.

Ngoài ra, một số chứng bệnh cũng làm cho người bệnh dễ say nắng, như tiểu đường, các bệnh tim mạch... Người mắc những chứng bệnh này rất dễ say nắng vào những tháng nóng nực trong năm.

Cơ thể thường thoát nhiệt chủ yếu thông qua việc toát mồ hôi. Những người không bài tiết nhiều mồ hôi vì lý do nào đó, cũng rất dễ bị say nắng. Trong số những lý do này, có việc bỏng da hay một số bệnh gây tổn thương da.

Người lớn tuổi dễ say nắng hơn vì hai lý do: khả năng bài tiết mồ hôi suy giảm và cảm giác khát nước không chính xác, dẫn đến không uống đủ lượng nước cần cho cơ thể.

Các loại thuốc dễ gây say nắng là do cơ chế hoạt động của chúng làm thay đổi khả năng thoát nhiệt tự nhiên của cơ thể. Nếu bạn đang dùng một loại thuốc nào đó và có cảm giác nghi ngờ về tác dụng phụ này, nên trình bày với bác sĩ của bạn ngay.

b. Những điều nên làm

– Uống nhiều nước, nhất là những khi bạn phải làm việc ngoài trời hoặc đi xa vào những ngày nắng nóng. Mang đủ nước theo là một nhu cầu quan trọng không nên xem thường.

– Không uống các loại rượu, bia. Những thứ này có khả năng lợi tiểu, làm cho bạn bài tiết nhiều nước hơn ra khỏi cơ thể, và ngăn không cho bạn có cảm giác khát nước đúng lúc. Vì thế sẽ làm cho cơ thể bị thiếu nước.

– Hạn chế việc phơi dưới ánh nắng trực tiếp, nhất là vào những giờ nhiệt độ cao trong ngày.

– Nếu phải làm việc ngoài trời, nên có những khoảng nghỉ xen kẻ để vào chỗ thoáng mát. Không nên kéo dài liên tục quá lâu thời gian làm việc dưới nắng.

– Nếu bạn lần đầu tiên bắt đầu một công việc ngoài trời, cần có một thời gian để cơ thể bạn kịp thích nghi với điều kiện làm việc mới. Tăng dần dần thời gian làm việc, đừng đột ngột bắt cơ thể phải chịu đựng ngay một thời gian qua lâu dưới nắng.

– Tránh những công việc quá sức vào những ngày nắng nóng. Nếu bạn đang theo đuổi chương trình rèn luyện thể lực, đừng bao giờ xếp thời gian luyện tập vào những giờ quá nóng trong ngày. Những công việc nặng cũng nên được bố trí vào sáng sớm hoặc khi chiều mát.

– Nếu bắt đầu có cảm giác chóng mặt, buồn nôn khi đang ở dưới nắng, cần vào chỗ mát ngay và tìm mọi cách hạ thấp kịp thời thân nhiệt. Uống nước mát, đắp khăn lạnh, cởi bỏ quần áo khoác, thay y phục thoáng rộng thoải mái. Nếu thân nhiệt không hạ thấp mà các triệu chứng khó chịu tiếp tục tăng cao, hoặc người bệnh ngất xỉu, cần đưa đi cấp cứu ngay, không nên chờ đợi.


Âm lịch

Ảnh đẹp