18/08/2011 21:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 113449
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

37. TÁO BÓN

a. Kiến thức chung

Táo bón không phải là chứng bệnh nghiêm trọng. Nhưng gây khó chịu rất nhiều cho người bệnh, và là một chứng khá phổ biến đối với hầu hết mọi người. Riêng ở Hoa Kỳ, mỗi năm có ít nhất là 4 triệu rưỡi người chịu ảnh hưởng của chứng bệnh này.

Táo bón thông thường chỉ là phản ứng xảy ra cho cơ thể khi chế độ ăn uống không thích hợp hoặc cũng có thể do lạm dụng các loại thuốc nhuận tràng. Nếu đúng là do nguyên nhân này, việc dùng thuốc nhuận tràng sẽ càng làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, thay vì là giảm bớt.

Tuy nhiên, đôi khi táo bón cũng gây ra do những vấn đề sức khỏe khác. Những người đau đường ruột có thể bị táo bón. Nguyên nhân là vì hoạt động co bóp của các cơ thành ruột không được bình thường, dẫn đến việc phân nằm lại trong ruột lâu hơn và trở nên đen, cứng, rất khó đưa ra khỏi hậu môn.

Những bệnh nhân bị mất nước nhiều, hoặc các chứng đột quỵ, bệnh Parkinson... cũng có thể bị táo bón. Nguyên nhân là vì các bệnh này làm thay đổi, thường là ngăn trở, hoạt động của các cơ nơi thành ruột. Ngoài ra, các bệnh khác như hội chứng rối loạn tiêu hóa, tiểu đường, yếu thận... cũng gây ra táo bón.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng nhất khi táo bón là dấu hiệu cảnh báo của chứng ung thư ruột. Trong trường hợp này, có một số triệu chứng đi kèm theo như: biếng ăn, sụt cân nhanh, có máu trong phân, cơ thể rất mỏi mệt, suy nhược và đau thường xuyên trong bụng. Nếu bạn nhận ra một số các triệu chứng này đi kem với táo bón, cần đi khám bác sĩ ngay. Nếu không phát hiện ra ung thư sớm, bạn sẽ làm cho chứng bệnh này càng trở nên khó điều trị, bơi vì việc sử dụng các loại thuốc điều trị táo bón, nhất là thuốc nhuận tràng, sẽ không mang lại hiệu quả nào, chỉ làm chậm trễ việc điều trị ung thư.

Trong thành phần thức ăn của chúng ta, có một lượng khá lớn những chất bả mà cơ thể không hấp thụ được. Tuy nhiên, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể tống phân ra bên ngoài dễ dàng. Đó là các chất xơ thường có nhiều trong các loại thức ăn chứa tinh bột thô, như khoai lang, gạo lức... Các loại rau cải, trái cây... cũng cung cấp nhiều chất xơ. Khi chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ chất xơ, bạn rất dễ bị táo bón.

Nếu xác định táo bón không phải là dấu hiệu liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác nữa, thì việc điều trị thường không cần phải dùng đến thuốc men. Hay nói chính xác hơn, việc lạm dụng thuốc thường dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác, thay vì chỉ là cảm giác khó chịu của táo bón.

b. Những điều nên làm

– Dùng thức ăn có nhiều chất xơ như các loại ngũ cốc, rau cải. Một số dạng thuốc viên được bào chế để cung cấp chất xơ cũng có thể dùng được, như Metamucil hoặc FiberCon. Tuy nhiên, dùng thức ăn tự nhiên vẫn là giải pháp tốt hơn.

– Uống nhiều nước. Mỗi ngày bạn có thể uống đến 8 ly lớn nước lọc, hoặc nhiều hơn. Uống nhiều nước giúp đẩy nhanh tiến trình trao đổi chất trong cơ thể và không dẫn đến bất cứ phản ứng bất lợi nào. Trong rất nhiều trường hợp, chỉ riêng việc uống đủ lượng nước cơ thể cần đã đủ để giúp bạn thay đổi được vấn đề.

– Tránh dùng các loại thuốc nhuận tràng. Mặc dù tên gọi của thuốc nghe ra rất hấp dẫn khi bạn đang phải khó chịu vì táo bón, nhưng thực tế chúng không giúp gì nhiều. Trong khi đó, chúng là loại thuốc gây nghiện khi sử dụng nhiều lần và khi lạm dụng sẽ gây hại đến ruột, khiến cho chứng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày thường là một quyết định khôn ngoan và an toàn hơn.

– Cần hiểu đúng nghĩa thế nào là táo bón. Nhiều người lo lắng dùng thuốc chỉ đơn giản vì số lần đi tiêu của họ ít hơn những người khác. Cơ thể mỗi người có nhu cầu và điều kiện hoạt động hoàn toàn khác nhau. Theo các bác sĩ, bạn có thể đi tiêu từ ba lần mỗi ngày (nhiều nhất) cho đến chỉ ba lần trong một tuần (ít nhất) và vẫn được xem là bình thường nếu không có dấu hiệu khó chịu nào kèm theo, nhất là phân đi ra không có màu đen và quá cứng. Bạn không thể lo lắng chỉ vì số lần đi tiêu của mình ít hoặc nhiều hơn so với người khác. Nói cách khác, nếu bạn chỉ đi tiêu ba lần trong một tuần và không thấy có dấu hiệu gì khác, đừng cố tìm cách can thiệp để buộc cơ thể bạn phải làm khác đi.

– Tập thể dục đều đặn. Nếu điều kiện của bạn rất khó khăn, cũng phải thu xếp tối thieu là ba buổi tập một tuần, mỗi buổi chừng 20 đến 30 phút. Bạn có thể chạy bộ hoặc chọn bất cứ cách luyện tập nào bạn thích. Điều quan trọng là cần có sự vận động. Nhiều trường hợp táo bón xảy ra do cơ thể vận động quá ít. Những người già và phụ nữ mang thai cần chú ý những hoạt động nhẹ thường xuyên hàng ngày, vì những đối tượng này thường bị rơi vào trường hợp thiếu hoạt động do cơ thể có cảm giác mỏi mệt. Điều này dễ dàng dan đến táo bón.

– Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc nhét vào hậu môn để chống táo bón, hoặc biện pháp thụt tháo phân. Đây là những biện pháp can thiệp chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết, có chỉ định của bác sĩ. Sau mỗi lần thực hiện các biện pháp này, hoạt động co bóp của ruột thường giảm đi, và do đó làm cho chứng táo bón càng nặng nề thêm.

– Không nên hoãn việc đi tiêu khi bạn cảm thấy có nhu cầu. Thường thì cơn đau bụng sẽ qua đi, bạn không cần đi tiêu nữa. Lượng phân nằm lại trong ruột vào lúc đó sẽ cứng hơn bình thường và dẫn đến táo bón. Vấn đề thường không xảy ra tức thì, nhưng nếu bạn có thói quen hoãn việc đi tiêu quá thường xuyên, bạn sẽ tạo điều kiện làm phát sinh chứng táo bón.

– Luyện tập một thời khóa đều đặn cho cơ thể bạn. Bắt đầu từ việc ăn uống điều độ, đúng giờ. Sau đó, bạn sẽ dần dần có được thói quen đi tiêu vào một giờ nhất định trong ngày. Thường thì vào buổi sáng sớm là tốt nhất. Những người có thói quen đi tiêu vào một giờ nhất định đều đặn mỗi ngày thường rất ít khi bị táo bón. Một tách nhỏ cà phê buổi sáng đôi khi có thể giúp bạn có cảm giác muốn đi cầu. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ cơ chế tác động này của cà-phê, nhưng đây là hiệu quả có thật trong nghiên cứu thực tế. Cà-phê thúc đẩy bạn đi tiêu sau khi uống vào khoảng 4 phút. So với nam giới thì tác động này được thấy rõ hơn ở phái nữ. Cũng có thể do nam giới thường quen thuộc với loại thức uống này hơn.

– Không nên rặn mạnh khi đi tiêu. Hoạt động bình thường này của cơ thể không cần đến sự cố gắng của bạn. Thói quen rặn mạnh khi đi tiêu dẫn đến bệnh trĩ và một số vấn đề khác nữa. Khi ấy, bạn sẽ bị đau mỗi lần đi tiêu. Cơn đau có thể làm trì hoãn việc đi tiêu và thúc đẩy gây ra táo bón. Tốt nhất là đi tiêu khi nao bạn thực sự cảm thấy có nhu cầu, và đừng nôn nóng rút ngắn thời gian đi tiêu.

– Một số thuốc có tác dụng phụ gây ra táo bón. Nếu bạn đang dùng thuốc và bị táo bón, có thể hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ của loại thuốc đang dùng. Trong trường hợp này, cần tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ.


Âm lịch

Ảnh đẹp