41. NẤC CỤT
a. Kiến thức chung
Có lẽ không cần mô tả thế nào là nấc cụt. Vấn đề thật ra không có gì
quan trọng. Nhưng hãy tưởng tượng vào lúc bạn sắp đọc một bài diễn văn
quan trọng, chuẩn bị phát biểu trước một đám đông, hoặc thậm chí vừa đến
chỗ hẹn và mở lời chào một người bạn gái... Thật không còn gì bối rối
hơn nữa. Và khổ thay, bạn có vẻ như không thể nào ngăn lại cơn nấc cụt
vô cùng khiếm nhã và ... kỳ cục ấy.
Chúng ta không biết gì nhiều lắm về nguyên nhân gây nấc cụt, nhưng có vẻ
như có sự tương quan tâm lý rất chặt chẽ: mỗi khi bạn hồi hộp, căng
thẳng vì một việc gì sắp đến, bạn dễ bị nấc cụt. Cũng có nhiều trường
hợp khác, nấc cụt thường xảy ra sau khi ăn hoặc uống, thậm chí khi bạn
đang ăn nữa.
Có khá nhiều biện pháp mà nhiều người tin là có thể làm mất cơn nấc cụt,
và chẳng ai giải thích được mối tương quan vì sao mà các biện pháp ấy
mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn thường hay nấc cụt, bạn có thể thử
từng cách một xem sao. Dù sao, chúng cũng chỉ là những biện pháp hoàn
toàn “vô thưởng vô phạt”.
b. Những điều nên làm
– Dùng ngón tay chà xát vào hai dái tai, chỗ thịt mềm bên dưới vành tai.
– Ngậm khoảng một muỗng nhỏ đường. Ngậm và nuốt dần cho đến khi đường
tan hết.
– Nín thở, kéo dài thời gian hết mức, và nuốt hơi vào mỗi khi muốn nấc
cụt. Thường thì chỉ ba hoặc 4 lần như vậy, cơn nấc cụt sẽ qua đi.
– Lấy một tách nước nhỏ, đứng ngay, rồi gập người cúi xuống về phía
trước. Nín thở trong tư thế này và uống nước. Sau khi bạn nuốt hết tách
nước, cơn nấc cụt sẽ qua đi. Đứng ngay người và thở lại bình thường.
– Uống thẳng một hơi dài hết một ly nước lọc.
– Nhai một mẩu bánh mỳ khô.
– Ngồi bệt xuống sàn nhà, co hai đầu gối về phía ngực. Choàng cả hai tay
ôm qua hai đầu gối và siết chặt vào ngực. Động tác này ép lồng ngực lại
và đẩy mạnh không khí ra khỏi phổi. Giữ nguyên tư thế trong một lúc, sau
đó buông ra và thư giãn.
– Nhắm mắt lại và dùng ngón tay chà xát lên hai mi mắt. Cũng có thể ấn
mạnh vào và giữ nguyên một lát.