47. MÙI HÔI CỦA CƠ THỂ
a. Kiến thức chung
Điều bạn nên nhớ trước hết là, cơ thể mỗi người đều có một mùi riêng
biệt. Điều đó hoàn toàn tự nhiên, do các tuyến mồ hôi của bạn tiết ra,
và việc tiết mồ hôi là phương thức tất nhiên cơ thể dùng để điều hòa
thân nhiệt.
Tuy nhiên, cơ thể có mùi hôi quá nặng là điều gây khó chịu, và đôi khi
bạn có thể kiểm soát được điều đó. Mức độ tiết mồ hôi của mỗi người còn
tùy thuộc vào hoạt động cũng như mức căng thẳng tâm lý nữa.
Trong một số ít trường hợp, mùi hôi rất nặng có thể là dấu hiệu nhiễm
trùng da hoặc một vấn đề bất thường nào khác.
b. Những điều nên làm
– Tắm rửa sạch mỗi ngày, nhất là sau những lúc cơ thể ra nhiều mồ hôi.
Mồ hôi đọng lại trên da không được làm sạch là nguyên nhân tạo ra mùi
hôi.
– Phụ nữ nhiều mồ hôi nên cạo sạch lông trong nách, tránh tạo điều kiện
cho mồ hôi tích tụ nơi đó.
– Sau mỗi lần tắm, nên lau khô da ngay. Nên dùng loại khăn tắm hơi có độ
cứng. Khăn quá mềm đôi khi không làm khô da tốt.
– Hạn chế sử dụng các loại nước hoa và phấn thơm. Những hợp chất này
thường kết hợp với mồ hôi của cơ thể bạn tạo thành mùi khó chịu.
– Thường xuyên giặt sạch quần áo. Nên dùng quần áo thoáng rộng, không
quá chật. Da của bạn cũng cần có đủ độ thoáng để “thở”, đừng dùng các
loại quần áo lót bằng nylon vốn ngăn không cho thoát hơi tốt.
– Không tắm quá nhiều lần trong ngày. Mặc dù là làm sạch da, nhưng đồng
thời bạn cũng diệt mất những vi khuẩn quý giá bảo vệ cho da. Trong một
số trường hợp, điều làm cho vấn đề trở nên tệ hại hơn nhiều.
– Một số thức ăn, như rau mùi tây chẳng hạn, chứa chlorophyll, một chất
khử mùi trong tự nhiên, có thể giúp giảm bớt mùi hôi của cơ thể. Ngược
lại, một số thức ăn khác như hành, tỏi, phó-mát đôi khi tạo ra mùi hôi
hoặc làm tăng thêm mùi hôi của cơ thể.