38. TIÊU CHẢY
a. Kiến thức chung
Tiêu chảy có thể là phản ứng tức thì của cơ thể với một loại thức ăn nào
đó, nhưng cũng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột. Thông thường,
đây không phải là một bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu kéo dài nó gây
mất nước trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong, nhất là đối với người già
và trẻ em. Trong thực tế, mỗi nam ở Hoa Kỳ có chừng 30.000 người chết vì
tiêu chảy.
Trong rất nhiều trường hợp, chỉ cần ngưng đưa thức ăn vào cơ thể và cung
cấp đủ một lượng nước nhất định, rồi thì cơ thể có thể tự điều chỉnh vấn
đề.
Tuy nhiên, việc mất nước có thể khá nghiêm trọng. Khi đó, những thức
uống thông thường không đủ đáp ứng, mà cần dùng những chế phẩm đặc biệt
có cân đối các loại muối khoáng cần thiết cho cơ thể. Những dạng chế
phẩm này được hòa tan trong nước theo một liều lượng nhất định, và được
đưa vào cơ thể thay cho nước uống thông thường. Trong hầu hết các trường
hợp, người bệnh nên uống càng nhiều càng tốt để thỏa mãn nhu cầu cơ thể.
Tuy nhiên, nên chia uống thật nhiều lần, mỗi lần một ít tốt hơn là cố
uống vào một lần quá nhiều.
Sau chừng 24 giờ, thường thì có thể bắt đầu cho người bệnh ăn trở lại.
Nên ăn thức ăn nhẹ và ăn thật ít, trong khi vẫn tiếp tục cung cấp nước
uống.
Nếu là tiêu chảy do nhiễm trùng, việc can thiệp bằng kháng sinh là cần
thiết và bạn nhất thiết phải cần đến sự theo dõi điều trị của thầy
thuốc. Trong trường hợp này không nên để kéo dài mà cần điều trị ngay.
Tiêu chảy ở trẻ em, đặc biệt là trẻ còn quá nhỏ, cần đặc biệt chú ý vì
hậu quả có thể rất nghiêm trọng và thường xảy ra rất nhanh. Chỉ một hoặc
hai ngày cũng có thể làm trẻ kiệt sức khó hồi phục và kéo dài hơn có thể
dẫn đến tử vong.
b. Những điều nên làm
– Chú ý giữ vệ sinh thức ăn, tránh ăn những thức ăn lạ lần đầu tiên quá
nhiều.
– Đối với trẻ còn bú mẹ, cần dùng khăn sạch lau đầu vú mẹ trước mỗi lần
cho bú. Với trẻ có bu sữa bình càng phải chú ý tiệt trùng núm vú, nhất
là phải pha sữa đúng liều lượng.
– Cho bệnh nhân uống nhiều nước, ngay cả trong trường hợp có nôn mửa.
Nếu tiêu chảy kéo dài, dùng nước uống đặc biệt để cung cấp lượng nước có
muối khoáng cho bệnh nhân.
– Theo dõi kỹ diễn biến của bệnh và kịp thời đưa đến bệnh viện nếu có
những dấu hiệu bất thường.
– Trẻ em cần được theo dõi chăm sóc tại bệnh viện.
– Sau khi ngưng tiêu chảy, cần chu ý chế độ ăn uống hồi phục cho bệnh
nhân. Nên cho ăn từ từ, tăng dần từng ít một cho đến khi bằng với khẩu
phần ăn bình thường.