18/08/2011 21:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 116043
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

22. ĐAU LƯNG

a. Kiến thức chung

Đau lưng là một triệu chứng khá thông thường. Khi bạn bắt đầu lớn tuổi, chắc chắn bạn không xa lạ gì với triệu chứng này. Một ngày làm việc mệt mỏi cũng đủ là nguyên nhân của đau lưng. Đau lưng loại này thường không thay có ở lứa tuổi thanh niên, khi mà mọi hoạt động của cơ thể đều còn đang trong thời kỳ sinh động. Những chăm sóc đúng mức có thể làm nhẹ bớt những cơn đau lưng này, cũng như giảm bớt được tần số xuất hiện của chúng. Tuy vậy, nếu không chăm sóc đúng mức, đau lưng thường xuyên và kéo dài có thể trở thành chứng bệnh kinh niên rất khó trị và làm giảm năng suất làm việc của bạn đáng kể.

Đau lưng cũng có thể là biểu hiện của một số van đề liên quan đến hệ thần kinh. Đau lưng loại này là những cơn đau thường xuyên mà bạn không thể nói rõ nguyên do, thường kèm theo một số triệu chứng khác như cảm giác ngứa ngáy hoặc đau nhói như kim châm, tê cóng, mất cảm giác ở một số nơi, hoặc mất các phản xạ thông thường. Đau lưng loại này là một bệnh nghiêm trọng, cần điều trị càng sớm càng tốt với sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

b. Những điều nên làm

– Luôn luôn chú ý giữ cột sống của bạn thẳng đứng trong mọi tư thế, ngồi, đứng, đi. Khi nằm cũng tránh tư thế nàm nghiêng và cong lưng lại.

– Bố trí bàn và ghế ở nơi làm việc cũng rất quan trọng. Ghế ngồi phải thoải mái, giúp bạn có thể ở tư thế ngồi thẳng khi làm việc, và thỉnh thoảng có thể tựa ra sau để nghỉ ngơi trong chốc lát. Tránh tư thế ngồi cong lưng khi làm việc.

– Nếu làm việc với máy vi tính, phải tính toán độ cao của màn hình vừa tầm với mắt bạn, để khi làm việc được thoải mái không phải cúi xuống hoặc ngước lên.

– Trong thời gian làm việc, tránh giữ nguyên cùng một tư thế trong thời gian quá lâu. Những cử động nhỏ hoặc thay đổi tư thế rất cần thiết để tránh cho bất kỳ một bộ phận nào đó của cơ thể trở nên quá mỏi mệt.

– Ít nhất là mỗi giờ một lần, dành tối thiểu từ 2 đến 5 phút để đứng dậy, vươn vai hoặc đi quanh phòng một chút. Đừng cho rằng thời gian này là vô ích. Chính nó sẽ giữ cho bạn không phải mất hàng ngày nằm liệt trên giường sau này.

– Khi bạn nhặt một vật gì dưới đất – một tấm danh thiếp rơi xuống chẳng hạn – chú ý tập thói quen ngồi xuống nhặt, tốt hơn là đứng cong lưng xuống. Khi bạn cong lưng theo cách này, bạn đã buộc cột sống rán sức một cách không cần thiết. Nói cách khác, phải biết tận dụng độ cong ở các khớp đầu gối và ngang hông, để giữ cho cột sống vẫn thẳng, không cần phải cong xuống.

– Khi với cao để lấy một vật gì, luôn luôn đứng ở tư thế chân trước chân sau, rồi dùng chân sau đẩy mạnh để đưa thân hình lên trong khi lưng vẫn thẳng. Nhưng hãy cẩn thận không rướn quá cao. Bạn có những cách khác an toàn hơn để đạt tới độ cao ấy.

– Khi đứng dậy khỏi ghế hoặc giường, tập thói quen nhích người ra cạnh ghế hoặc cạnh giường, rồi dùng sức ở cả hai chân và hai tay để nâng người lên. Dùng sức cân đối như vậy sẽ an toàn cho lưng bạn.

– Nếu bạn phải nằm nghỉ vì đau lưng, chú ý không kéo dài quá 2 ngày. Nghiên cứu cho thấy việc nằm nghỉ trên giường quá lâu có tác dụng xấu đến hồi phục chức năng bình thường như trước. Khi bạn nghỉ quá lau, các cơ bắp trở nên yếu đi và mất tính linh hoạt. Vì thế, khi trở lại với những hoạt động bình thường, bạn có thể sẽ dễ đau lưng hơn trước đây nữa. Tốt nhất là sau vài ngày nghỉ ngơi, bạn nên có những hoạt động nhẹ nhàng nào đó để đi lại, rèn luyện cơ thể.

– Nếu có những triệu chứng đi kèm theo đau lưng như cảm giác ngứa ngáy hoặc đau nhói như kim châm, tê cóng, mất cảm giác ở một số nơi, hoặc mất các phản xạ thông thường, cần phải đi khám bác sĩ ngay càng sớm càng tốt, vì đây là triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh.


Âm lịch

Ảnh đẹp