20. THUỐC DIỆT CÔN TRÙNG
a. Kiến thức chung
Khi bạn chuẩn bị cắm trại ở một vùng đồi núi hoặc thôn quê, ngoài các
thứ vật dụng thông thường như vải bạt, dụng cụ nấu ăn, thức ăn... nếu
cẩn thận, thế nào bạn cũng sẽ nghĩ đến một bình nhỏ thuốc phun trừ muỗi
và để xua đuổi các loại côn trùng khác.
Trong gia đình, việc dùng thuốc diệt muỗi đôi khi cũng là nhu cầu cần
thiết ở một số nơi, do điều kiện ẩm thấp sinh sản quá nhiều muỗi. Khi
đó, việc thiếu thuốc trừ muỗi hàng ngày sẽ làm cho cuộc sống của bạn cực
kỳ khó chịu.
Tuy nhiên, nếu thiếu những kiến thức cơ bản về độ an toàn khi sử dụng
các loại thuốc diệt côn trùng, chúng có thể trở thành tai họa cho bạn
hoặc người thân trong gia đình.
Mức độ an toàn của các dạng chế phẩm này chỉ được tính toán trong trường
hợp bạn sử dụng chúng một cách thích hợp, nghĩa là phun trong môi trường
ở một nồng độ nhất định. Không có loại thuốc diệt côn trùng nào là an
toàn khi bạn để vấy chúng vào mắt hoặc vô tình nuốt phải chúng. Những
chỗ da bị trầy xướt đôi khi cũng rất nhạy cảm với các loại thuốc này.
Một số thuốc diệt côn trùng có mức độ an toàn và yêu cầu bảo quản khác
nhau. Khi chọn dùng, trước hết bạn cần phải đọc kỹ các hướng dẫn kèm
theo hoặc ghi trên bao bì. Ngoài ra, các biện pháp xử lý cần thiết khi
có dấu hiệu ngộ độc thường cũng được nhà sản xuất ghi rõ, bạn cần đọc
trước để có thể ứng dụng kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp.
Nếu là các loại thuốc dùng bôi trực tiếp trên da – chống muỗi đốt chẳng
hạn – càng phải chú ý nhiều hơn đến liều lượng và hạn sử dụng của thuốc.
Tuy nhiên, tốt nhất nên tránh dùng khi da đang có vết thương.
Khi ở ngoài trời, bạn cũng có thể xua đuổi côn trùng theo phương thức tự
nhiên an toàn hơn nhiều. Đốt một đống lửa nhỏ và dùng cỏ tươi hoặc lá
cây tươi cho vào để tạo nhiều khói. Cách làm này đặc biệt công hiệu đối
với muỗi rừng.
b. Những điều nên làm
– Chỉ dùng liều lượng tối thiểu đủ để đạt hiệu quả cần thiết.
– Nếu là thuốc bôi trực tiếp lên da, nên bôi lên một vùng da nhỏ để thử
phản ứng. Khi xác định là an toàn, mới bôi lên những nơi khác. Nếu có
dấu hiệu khác lạ như da ửng đỏ hoặc ngứa... ngưng sử dụng ngay loại
thuốc đó.
– Tránh dùng thuốc trong những môi trường chật hẹp, khép kín, như phòng
tắm chẳng hạn. Nồng độ thuốc khi đó có thể tăng lên rất cao và tạo những
hiệu quả có hại.
– Không bôi thuốc lên tay trẻ con. Chúng có thể vô tình đưa tay vào
miệng hoặc bôi lên mắt.
– Sau khi sử dụng thuốc qua thời gian cần thiết, nhất thiết phải tắm gội
sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Giặt sạch tất cả quần áo đã có dính
thuốc vào.
– Khi rủi ro bị vấy thuốc vào mắt, cần ngâm mắt vào nước ngay. Lấy một
bát nước đầy, dùng hai ngón tay vạch mắt ra rồi cúi xuống ngâm vào đó.
Bạn có thể thấy khó chịu, nhưng nước sẽ giúp giảm mạnh nồng độ thuốc và
tránh cho bạn nhiều vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, đến bác sĩ ngay càng
nhanh càng tốt. Tương tự, nếu bạn vô tình đưa thuốc vào miệng, súc miệng
với nước sạch thật nhiều lần. Nếu có bất cứ dấu hiệu gì khác lạ, cần
khám bác sĩ ngay.
– Khi dùng bất cứ loại thuốc diệt côn trùng nào, luôn luôn phải có ý
thức đầy đủ về tính độc hại của nó. Vì thế, sự cẩn thận và hạn chế bao
giờ cũng cần thiết. Không bao giờ để tập thành thói quen lạm dụng các
loại thuốc này trong môi trường. Ngoài ra, những đối tượng như phụ nữ
mang thai và trẻ con cần đặc biệt chú ý bảo vệ.