18/08/2011 21:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 116080
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

29. CHẾ ĐỘ ĂN KHI ĐANG DÙNG THUỐC

a. Kiến thức chung

Đa số trong chúng ta, sau khi đi khám bác sĩ và nhận được một toa thuốc điều trị cho căn bệnh của mình, đều nghĩ rằng việc còn lại chỉ đơn giản là uống thuốc.

Tuy nhiên, thực tế vấn đề lại không quá đơn giản đến như thế. Việc sử dụng thuốc đòi hỏi tuân thủ thêm nhiều hướng dẫn cặn kẽ cho mỗi loại thuốc mà một số bác sĩ đôi khi vì quá đông bệnh nhân nên có thể lơ là bỏ qua.

Hiệu quả của một loại thuốc thường phụ thuộc rất nhiều vào phương thức mà bạn sử dụng nó. Có loại cần phải uống với thật nhiều nước lọc. Có loại phải uống với nước ấm. Một số cần uống khi bụng no và một số khác phải uống khi bụng đang đói. Theo sát những hướng dẫn thích hợp cho từng loại là cách tốt nhất để phát huy hết tác dụng của thuốc. Dùng thuoc không đúng theo hướng dẫn có thể làm giảm hiệu quả thuốc nhiều hoặc ít, hoặc cũng có khi khiến cho thuốc không mang lại tác dụng gì cả.

Điều quan trọng hơn nữa là chế độ ăn uống khi đang dùng thuốc. Có thể nói một cách hoàn toàn chính xác rằng, những thức ăn uống hàng ngày của bạn có thể làm tăng hay giảm hiệu quả dùng thuốc, thậm chí đôi khi dẫn đến những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy nước ép quả nho sử dụng làm nước uống đã ảnh hưởng như thế nào đến các loại thuốc điều trị cao huyết áp.

Tiến sĩ David Bailey của trường đại học Western Ontoria tiến hành một cuộc thử nghiệm với 6 bệnh nhân có huyết áp cao đang điều trị.

Cả 6 bệnh nhân này đều được điều trị với một loại thuốc tên là felodipine. Tuy nhiên, có người được uống với nước lọc, có người uống với nước cam vắt, và có người uống với nước ép quả nho.

Kết quả thử nghiệm đã gây ngạc nhiên bất ngờ cho các nhà nghiên cứu.

Hiệu quả tác động của thuốc đối với các bệnh nhân uống nước ép quả nho là làm giảm 20% huyết áp. Trong khi đó, những người uống thuốc với nước lọc chỉ giảm 10% huyết áp. Những người uống thuốc với nước cam không thấy thay đổi gì cả.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, bằng cách nào đó, nước ép quả nho giúp gia tăng mức độ hấp thụ của cơ thể đối với loại thuốc này.

Một vài người trong số tham gia thử nghiệm có những tác dụng phụ thường gặp với các loại thuốc điều trị cao huyết áp, như hơi nhức đầu, da mặt ửng đỏ hoặc choáng váng. Những tác dụng phụ này có vẻ như xảy ra nhiều hơn khi dùng thuốc với nước ép quả nho.

Thử nghiệm như trên sau đó được lập lại tương tự với một loại thuốc điều trị cao huyết áp khác có tên là nifedipine, vốn cũng có tác dụng hạ huyết áp. Lần này, các nhà nghiên cứu không sử dụng nước cam vắt.

Lần này, không có khác biệt giữa những bệnh nhân uống thuốc với nước lọc và nước ép quả nho. Điều này có nghĩa là, không phải tất cả các loại thuốc đều chịu tác động của nước ép quả nho.

Một kết quả nghiên cứu đáng ngạc nhiên khác cho thấy tác động của hai loại thuốc điều trị các vết loét là cimetidine (Tagamet) và ranitidine (Zantac) trong việc làm gia tăng nồng độ cồn trong máu.

Cimetidine và ranitidine thuộc nhóm thuốc có tác dụng ưc chế phản ứng của một loại acid trong dạ dày được biết với tên là gastric alcohol dehydrogenase. Làm giảm hoạt tính của loại acid này giúp điều trị tốt các vết loét. Tuy nhiên, tác dụng kèm theo của thuốc là làm tăng them lượng cồn hòa tan vào trong máu.

Để cụ thể hóa lý thuyết này, các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm trên 20 người đàn ông khỏe mạnh, ở độ tuổi từ 24 đến 46.

Tất cả những người tham gia thử nghiệm trước hết được dùng một bữa điểm tâm thông thường kèm theo với nước cam vắt pha vào một lượng cồn tương đương với 1,5 ly rượu vang.

Sau đó, các nhà khoa học đo nồng độ cồn trong máu của từng người, ghi nhận lại để làm mức đối chiếu.

Trong vòng một tuần lễ tiếp theo, 8 người trong nhóm được cho uống 300 miligam ranitidine mỗi ngày, 6 người khác uống 1.000 miligam cimetidine mỗi ngày, và 6 người còn lại dùng một loại thuốc khác.

Qua hết tuần lễ thử nghiệm, cả nhóm được cho uống lượng nước cam vắt pha rượu tương đương như vào đầu cuộc thử nghiệm. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành đo nồng độ cồn trong máu của từng người và mang ra so sánh với mức đối chiếu trước đó.

Những người uống ranitidine có độ cồn trong máu tăng 34%. Những người dùng cimetidine có độ gia tăng đáng kinh ngạc: 92%. Trong khi đó, nhóm sử dụng loại thuốc thứ ba không có thay đổi đáng kể.

Như vậy, ranitidine và cimetidine có tác dụng làm tăng cao độ cồn trong máu, ngay cả khi bạn chỉ uống vào một lượng rượu rất ít. Vì thế, những người đang điều trị bằng hai loại thuốc này có thể bất ngờ chịu những tác dụng nặng nề của rượu không giống như lúc bình thường. Sự tăng cao độ cồn trong máu có thể ảnh hưởng đến mức độ tỉnh táo của bệnh nhân và nhiều tác hại khác.

b. Những điều nên làm

Khi bạn đang dùng một loại thuốc nào đó, có thể tham khảo các hướng dẫn chung cho cac nhóm thuốc như sau đây:

– Nhóm thuốc kháng acid. Nhóm này có công dụng trung hòa độ acid, được dùng trong điều trị các bệnh về tiêu hóa, dạ dày... với các biệt dược nổi tiếng như Alka-Seltzer, Maalox, Mylanta, Gaviscon, Soda Mints và Riopan. Khi đang dùng các loại thuốc thuộc nhóm này, bạn không nên ăn uống các thứ nước ép trái cây, soda và rượu vang. Giảm tối đa lượng cà phê và hạn chế ăn sô-cô-la.

– Nhóm thuốc chống đau khớp. Nhóm này có công dụng làm giảm sự tích tụ các tinh thể urate nơi các khớp xương, gây ra một trong các dạng đau khớp. Thuốc loại này cũng giúp làm giảm lượng uric acid trong máu, vì khi lượng uric acid trong máu cao sẽ dẫn đến tích tụ các tinh thể urate nơi khớp xương. Tên biệt dược quen thuộc trong nhóm này là Probenecid. Khi dùng thuốc này tránh uống cà phê, trà, soda và các loại rượu bia. Tránh không ăn các loại như cá trích, cá trồng, gan và thận động vật cũng như các loại thịt chế biến sẵn. Nguyên nhân là vì các loại thức ăn này làm tăng cao độ đạm trong máu.

– Nhóm thuốc kháng histamin. Nhóm này thường được dùng để giảm nhẹ các triệu chứng của cảm lạnh và các triệu chứng dị ứng khác, với các biệt dược thường gặp là Benadryl, Nytol và Actifed. Tránh không uống nhiều sữa hoặc ăn thức ăn có bơ, sữa. Ăn nhiều các loại rau cải, ngũ cốc, loại trừ bắp và đậu lăng. Tránh các loại trái cây, trừ ra có thể ăn mận hoặc mận khô.

– Nhóm thuốc aspirin. Nhóm thuốc thông dụng nhất dùng để giảm đau đầu, hạ nhiệt hoặc giảm đau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các loại biệt dược khác nhau thuộc nhóm này có thể kể đến là Bufferin, Anacin, Excedrin và Midol. Dùng thuốc loại này không đòi hỏi hạn chế các món ăn, nhưng phải nhớ đừng uống thuốc khi bụng đói. Nên ăn nhẹ hoặc dùng một ly sữa trước khi uống thuốc. Aspirin có thể gây khó chịu cho dạ dày nếu bạn uống vào lúc đói.

– Nhóm thuốc chứa cimetidine. Thường dùng trong điều trị các vết loét bao tử. Biệt dược nổi tiếng nhất là Tagamet. Dùng thuốc này không được uống các loại rượu bia và thức uống có ca cao, cà phê. Không ăn các loại gia vị mạnh như tiêu, ớt...

– Nhóm thuốc giảm ho có chứa codeine. Nhóm thuốc này rất đa dạng. Thường được dùng để giảm đau nhẹ và kiềm chế bớt các cơn ho. Các bác sĩ cũng rất thường cho kèm một dạng aspirin với codeine, hoặc các loại sy-rô ho có chứa codeine. Khi đang dùng thuốc này tránh ăn các loại thịt nướng và cải bắp.

– Nhóm thuốc bronchodilator. Nhóm thuốc này có các hiệu như Albuterol, Ephedrin, Epinephrine, và Terbutaline. Những người có bệnh đường hô hấp thường phải dùng đến nhóm thuốc này để giúp làm sạch đường dẫn không khí vào phổi. Các chứng viêm phổi hay phế quản cũng nhờ đến loại thuốc này để giúp de thở hơn. Cơ chế hoạt động của các loại thuốc thuộc nhóm này là kích thích hệ thần kinh. Vì thế, khi dùng thuốc bạn cần phải tránh không dùng các thức ăn uống có cùng tác dụng, chẳng hạn như cà phê, sô-cô-la.

– Nhóm thuốc corticosteroid. Nhóm thuốc này được dùng cho khá nhiều mục đích khác nhau, nhưng thông dụng nhất là giảm sưng đau do nhiễm trùng. Biệt dược nổi tiếng nhất trong nhóm này là Prednisone. Khi dùng thuốc thuộc nhóm này tránh ăn các loại pho-mát chế biến và thức ăn đóng hộp, dưa cải, cá trích.

– Nhóm thuốc digoxin. Đây là nhóm thuốc quan trọng dùng trong việc điều hòa nhịp tim. Các hiệu thuốc trong nhóm này thường gặp nhất là Inderal và Lanoxin. Bạn phải tránh dùng các thức uống có pha nhiều cà phê khi đang dùng thuốc loại này, và không uống sữa cũng như không dùng các chế phẩm từ sữa trong vòng ít nhất là 2 giờ trước khi uống thuốc, và 2 giờ nữa sau khi uống thuốc.

– Nhóm thuốc diuretic. Nhóm thuốc này lợi tiểu, được dùng để giúp cơ thể loại trừ lượng nước thừa, ví dụ nơi các vết sưng phồng, bụng ách nước... Nhiều người bị cao huyết áp cũng dùng thuốc này để làm giảm huyet áp. Các loại thường gặp trong nhóm này là Lasix, Diuril, Hygroton, HydroDIURIL, Esidrix, Oretic, Lozol, Enduron, Zaroxolin, Diulo, Mykrox và Renese. Khi dùng thuốc thuộc nhóm này, bạn phải ăn các thức ăn giàu potassium, chẳng hạn như cà chua, chuối, bơ đậu phộng, hạt hạnh nhân, hạt hướng dương, măng tây, các loại trái cây, rau cải, các loại đậu, thịt, sữa. Thường thì bác sĩ sẽ cho dùng kèm thuốc này với potassium, bạn có thể hỏi thêm về nhu cầu potassium bạn cần có trong thức ăn.

Tuy nhiên, có một số thuốc khác đặc biệt hơn cũng thuộc nhóm này, được gọi là potassium-sparing diuretic. Một số biệt dược loại này là Midamor, Aldactone và Dyrenium. Nếu bạn dùng những thuoc này, bạn không được dùng thêm thức ăn chứa potassium, vì có thể gây ra hiện tượng gọi là hyperkalemia, khi có quá nhiều potassium trong máu. Bạn cần hỏi kỹ bác sĩ điều trị xem mình đang dùng thuốc diuretic thuộc loại nào.

– Nhóm thuốc kháng sinh erythromycin. Đây là một trong các nhóm kháng sinh thông dụng nhất được các bác sĩ chỉ định để chống rất nhiều bệnh nhiễm trùng. Sau khi uống thuốc loại này trong vòng một giờ, không được uống bất cư loại thức uống nào có độ acid cao, chẳng hạn như nước cam vắt, nước chanh, soda, rượu vang...

– Nhóm thuốc estrogen. Đây là loại thuốc được dùng thay thế cho một nội tiết tố của cơ thể. Nhóm thuốc này được dùng để giảm bớt những cơn nóng và đổ mồ hôi về đêm của phụ nữ khi có kinh. Thuốc cũng được dùng để ngăn ngừa chứng loãng xương. Một hiệu thuốc thông dụng nhất thuộc nhóm này là Premarin. Phụ nữ khi dùng thuốc này cần phải giảm lượng muối ăn trong khẩu phần, và không được hút thuốc lá.

– Nhóm thuốc laxative. Thuốc nhóm này được dùng khá rộng rãi để nhuận tràng, chống táo bón, đôi khi không cần toa bác sĩ, chẳng hạn như các hiệu Ex-Lax hay Correctol. Tuy nhiên, chú ý tránh lạm dụng thuốc quá liều quy định. Khi dùng quá liều các loại thuốc thuộc nhóm này, có thể dẫn đến thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất. Khi dùng thuốc, không được uống sữa hoặc dùng các chế phẩm từ sữa, cũng như các loại thuốc kháng acid ít nhất là trong vòng một giờ.

– Nhóm thuốc nitroglycerin. Đây là nhóm thuốc nổi tiếng được dùng để giảm triệu chứng đau thắt ngực. Khi uống thuốc thuộc loại này cần tranh các thức ăn có nhiều muối, như các loại thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp. Không uống các loại rượu, bia.

– Nhóm thuốc thyroid hormone. Nhóm thuốc này dùng thay thế nội tiết tố do tuyến giáp tiết ra khi hoạt động của tuyến này bị yếu đi trong một hội chứng gọi là hypothyroidism. Khi dùng thuốc loại này tránh ăn nhiều các loại cải bắp, súp lơ, cải xoăn, củ cải, cà-rốt, các loại đậu và các món chế biến từ đậu nành.


Âm lịch

Ảnh đẹp