12. VẾT BỎNG NGOÀI DA
a. Kiến thức chung
Vết bỏng thường gây ra do nhiều nguyên nhân, nói chung là khi da bạn
tiếp xúc với nhiệt độ quá cao. Bỏng do chạm vào những vật nóng, do các
chất dễ cháy như xăng, dầu bám vào người và bắt lửa, nhưng thường gặp
nhất là vết bỏng gây ra do nước sôi. Khi da bạn bị bỏng, ngay lập tức
bạn có cảm giác như có lửa bốc cháy lên ở nơi ấy. Tùy thuộc vào nhiệt độ
gây bong, cũng như các điều kiện tiếp nhiệt, các vết bỏng có thể có
những mức độ nghiêm trọng khác nhau. Thường người ta chia ra 3 cấp độ là
độ 1, độ 2 và độ 3.
Vết bỏng độ 1 là vết bỏng ít nghiêm trọng nhất. Thường thì bạn có thể tự
chăm sóc, xử lý những vết bỏng loại này tại nhà mà không cần đến sự giúp
đỡ của bác sĩ. Chỗ da bỏng loại này có màu đỏ và đau rát, nhưng da vẫn
nguyên vẹn không có tổn thương gì, và không có những nốt phồng rộp bọng
nước nổi lên. Những vết bỏng này thường gây ra do chạm phải một vật nóng
như bàn ủi quần áo, hoặc nhấc một chảo nóng mà không có vải lót, hoặc
bỏng do nước sôi đã giảm nhiệt độ đi khá nhiều ...
Vết bong độ 2 là vết bỏng nghiêm trọng hơn. Chỗ da bỏng có màu đỏ và đau
rát, đồng thời nổi lên những vết phồng rộp rãi rác trên da, có nước bên
trong. Những vết bỏng loại này thường do chạm phải vật quá nóng như than
lửa, chảo nung, hoặc do nước sôi, dầu ăn trong chảo nóng đổ vấy lên
da... Tùy nơi vị trí bị bỏng, bạn có thể cẩn thận chăm sóc loại vết bỏng
này, dùng thêm một ít thuốc men thích hợp hoặc cũng có thể cần đến bác
sĩ nếu có dấu hiệu nguy hiểm.
Vết bỏng độ 3 là vết bỏng nghiêm trọng nhất. Chỗ da bỏng có thể bị xém
đen hoặc có màu trắng bệt. Vết bỏng loại này gây ra do tiếp xúc trực
tiếp với lửa, chẳng hạn các đám cháy, hoặc do điện giật, bỏng acid...
Loại vết bỏng này nhất thiết phải đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Việc
xử lý chậm chạp có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nơi vết bỏng rất
nguy hiểm.
Mặc dù có một số điều bạn cần biết và có thể làm được đối với các vết
bỏng, nhưng trong những trường hợp sau đây bạn nhất thiết phải gọi ngay
bác sĩ hoặc đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất:
_ Khi vết bỏng thuộc độ 3.
_ Khi vết bỏng nằm ở trên mặt, nơi vị trí của mắt, ở lòng bàn tay, lòng
bàn chân hoặc ở vùng cơ quan sinh dục.
_ Khi vết bỏng có dấu hiệu nhiễm khuẫn. Vết bỏng nhiễm khuẫn thường sưng
tấy, sờ thấy nóng ấm, có nước màu vàng hoặc màu xanh chảy ra.
_ Khi vết bỏng không có dấu hiệu giảm nhẹ sau 10 ngày.
_ Khi nạn nhân là trẻ con.
b. Những điều nên làm
– Đối với vết bỏng độ 1, rửa sạch và ngâm trong nước mát chừng 15 phút,
sau đó lau nhẹ bằng vải mềm cho thật khô. Tiếp theo, băng phu lên một
tấm gạc trong chừng 24 giờ. Chỉ đặt nhẹ lên bề mặt vết bỏng, không ép
chặt hoặc bó sát. Trong thời gian này để yên cho vết bỏng tự lành, không
can thiệp bất cứ biện pháp nào khác nữa. Sau 24 giờ, có thể xử lý vết
bỏng bằng thuốc mỡ hoặc thuốc nước nhằm làm giảm bớt cảm giác đau, ngứa.
Cần chú ý bảo vệ vết bỏng, trong thời gian này không tắm nước nóng bằng
vòi sen. Nếu vết bỏng có cảm giác ngứa, đó là dấu hiệu đang dan dần hồi
phục, có thể bắt đầu sử dụng một loại kháng histamin như Belnadrin chẳng
hạn. Hoặc cũng có thể dùng một loại thuốc mỡ chống ngứa, nhưng tuyệt đối
không dùng tay chà, gãi vào vết bỏng. Nếu bình thường, mọi viec sẽ qua
đi trong vòng 10 ngày. Nếu ngược lại, vết bỏng có bất cứ dấu hiệu thay
đổi lạ nào như sưng đỏ, chảy nước ... cần khám bác sĩ ngay.
– Đối với vết bỏng độ 2, rửa sạch và ngâm trong nước mát. Sau đó lau nhẹ
vết bong cho thật sạch và thật khô bằng vải mềm. Tiếp theo, bôi đều lên
một lớp kem chống nhiễm khuẫn. Không trực tiếp dùng ngón tay để bôi kem
lên vết bỏng. Thay vì vậy, mang găng tay cao su đã sát trùng, hoặc dùng
một dụng cụ thích hợp nào khác, nhưng phải sát trùng kỹ. Trong trường
hợp không có gì khác, có thể dùng một miếng bông gòn vô trùng để thấm
kem mà bôi cũng được. Phủ trên lớp kem kháng sinh này một lớp vải không
dính, và giữ yên lớp vải này bằng một tấm gạc đặt lên trên nữa. Liên tục
rửa và bôi thuốc, đắp gạc như trên mỗi ngày 3 lần. Đối với những chỗ
phồng rộp lên, đừng đụng đến. Cứ để chúng tự nhiên dần dần mất đi. Nếu
có chỗ phồng bị vỡ ra và chảy nước, dùng xà phòng khử trùng và nước sạch
để rửa, rồi bôi kem kháng sinh lên đó. Khi vết bỏng bắt đầu giảm nhẹ và
các chỗ phồng đã mất đi, bạn có thể tiếp tục xử lý như với các vết bỏng
độ 1. Nhớ là không bao giờ chà xát hoặc cào gãi lên vết bỏng khi có cảm
giác ngứa.
– Không nên tin nhảm vào các phương thuốc gọi là “gia truyền” để xử lý
vết bỏng. Nếu bạn đắp bất cứ loại thuốc lạ nào lên vết bỏng, đều có nguy
cơ bị nhiễm trùng. Những vết bỏng loại này rất nhạy cảm.
– Không dùng các loại thuốc gây tê hay bất cứ loại thuốc lạ nào để nhằm
mục đích giảm ngứa hoặc giảm đau. Bạn có thể sẽ lãnh chịu hậu quả còn tệ
hại hơn nhiều so với cảm giác đau ngứa tạm thời đó.
– Phải đảm bảo là hạn chích ngừa phong đòn gánh của bạn trong lần trước
vẫn còn hiệu lực. Nếu không, hỏi ý kiến bác sĩ ngay về việc này.
– Khi có bất cứ dấu hiệu lạ nào mà bạn không hiểu rõ, cần khám bác sĩ
ngay. Do vị trí của vết bỏng, đôi khi có những biến chứng lạ rất nguy
hiểm.
– Ngay trong lúc bạn còn chưa gặp rủi ro nào, cần chuẩn bị trước và
hướng dẫn cho tất cả mọi người trong gia đình về một lối thoát hiểm an
toàn khi có hỏa hoạn.