17. VẾT PHỒNG TRÊN DA
a. Kiến thức chung
Những vết phồng trên da xuất hiện khi da bị cọ xát mạnh và liên tục,
nhất là khi mới bắt đầu một công việc nặng nhọc nào đó mà làn da bạn từ
trước chưa quen chịu đựng. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như
vết cắn của côn trùng, vết bỏng, nhiễm trùng, hoặc tiếp xúc với hóa
chất.
Những vết phồng do sự cọ xát sinh ra và do bỏng nhẹ là những vết phồng
bạn có thể tự xử lý ở nhà. Các nguyên nhân khác cần có ý kiến bác sĩ và
sự hổ trợ điều trị bằng thuốc men.
Chỗ da phồng có hình dạng như những bong bóng nước, và chúng cũng thực
sự chứa đầy nước bên trong, gây cảm giác đau rát, khó chịu. Thường thì
chúng tự khỏi trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu thiếu hiểu biết, bạn
có thể sẽ làm cho vấn đề tồi tệ thêm nhiều.
b. Những điều nên làm
– Đừng bao giờ cố ý làm vỡ các chỗ phồng ra, trừ khi chúng phát triển
quá lớn hoặc tạo cảm giác rất đau đớn. Nếu muốn chọc vỡ, cần hết sức
thận trọng trong việc sát khuẩn. Chỉ cần dùng một cây kim nhỏ đã sát
khuẩn chọc vào chỗ phồng sau khi đã dùng nước sát khuẩn lau sạch cả vùng
da đó. Khi nước bên trong đã chảy ra hết, dùng một miếng băng để bảo vệ
da cho đến khi lành hẳn, thường là 3 đến 4 ngày sau.
– Để tránh những vết phồng nơi bàn chân, phải chọn cỡ giày thích hợp,
không quá chật cũng không quá rộng. Không nên dùng loại giày làm bằng
nguyên liệu thô, cứng. Dùng loại vớ dệt liền không có mối nối và mềm
mại, hút ẩm tốt. Tuy nhiên, hạn chế thời gian mang giày là tốt nhất. Giữ
chân sạch, thường xuyên rửa chân bằng nước ấm với xà phòng sát khuẩn.
– Để tránh những vết phồng nơi bàn tay, chọn mang loại găng tay mềm và
dày. Thay đổi tư thế làm việc của bàn tay thường xuyên. Nếu bạn đang
chuẩn bị làm một công việc nặng nhọc nào đó đòi hỏi sức chịu đựng của
bàn tay, có thể dùng cồn biến chất xoa bóp lên tay mỗi ngày 3 lần trong
chừng vài tuần lễ để làm tăng sức chịu đựng của da tay. Khi làm việc cần
tiếp xúc trực tiếp với những vật nặng có bề mặt thô nhám và cứng, nhất
thiết phải tập thói quen mang găng tay.