54. BÉO PHÌ
a. Kiến thức chung
Béo phì là trường hợp trọng lượng cơ thể tăng cao hơn mức bình thường,
một cách thiếu cân đối, có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe. Trọng
lượng cơ thể của một người được xem là bình thường khi các thành phần
trong cơ thể cân đối và không có các yếu tố dễ gây bệnh. Một người to
khỏe không được xem là béo phì, bởi vì cho dù trọng lượng cơ thể lớn
nhưng hoàn toàn cân đối, khỏe mạnh. Trọng lượng trung bình, cũng như hậu
quả của việc tăng cân thường khác nhau ở mỗi lứa tuổi.
Trong hầu hết các trường hợp, béo phì thường dễ nhận ra do lớp mỡ thừa
của cơ thể. Người béo phì thực ra không có sức khỏe bằng một người bình
thường có trọng lượng cơ thể tương đương. Ngoài ra, béo phì cũng là
nguyên nhân khiến cho dễ phát sinh nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Khi cơ thể bạn đột ngột tăng cân nhanh trong một giai đoạn nhất định nào
đó, bạn có thể có nguy cơ bị béo phì. Cơ thể bình thường tăng cân khá
chậm và đều đặn, do sự tăng đều các yếu tố trong cơ thể. Trong khi đó,
tăng cân nhanh đột ngột thường chỉ là sự tích lũy mỡ thừa, xảy ra khi sự
vận động của bạn không tiêu thụ hết năng lượng quá nhiều đưa vào cơ thể.
Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh
nguy hiểm khác, cao hơn nhiều so với người bình thường. Hơn nữa, trọng
lượng cơ thể gia tăng theo cách này thường làm cho bạn yếu đi, thay vì
là khỏe mạnh hơn. Điều may mắn là, béo phì hoàn toàn có thể khống chế
được bằng vào một số hiểu biết nhất định.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày là những nguyên nhân chính dẫn đến
béo phì, đồng thời cũng là những yếu tố quyết định để giúp bạn khôi phục
lại tình trạng bình thường của cơ thể.
Nếu bạn nghiện thuốc lá, khi bạn bỏ thuốc có thể sẽ tăng cân nhanh.
Trường hợp này chưa hẳn dẫn đến béo phì. Bởi vì kèm theo với tăng cân,
thường còn có nhiều biểu hiện tích cực khác của sự hoàn thiện sức khỏe.
Vấn đề được giải thích qua một cuộc nghiên cứu kéo dài 13 năm, với các
đối tượng theo dõi rộng rãi bao gồm đàn ông, phụ nữ, da đen, da trắng,
người nghiện thuốc, người không hút thuốc và người đã bỏ hút thuốc.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trung bình sau khi một người bỏ hút thuốc,
có thể tăng cân từ 2 đến 5 kilogam. Tuy nhiên, sau khi tăng cân, trọng
lượng cơ thể những người này được so thấy tương đương với nhóm người
không hút thuốc lá. Nói cách khác, khi bạn hút thuốc lá, bạn đã bị giảm
can, và khi bỏ thuốc lá, thực ra là bạn lấy lại được trọng lượng đã mất
mà thôi. Hơn nữa, không có dấu hiệu xấu nào khác kèm theo việc tăng cân.
Có thể bạn sẽ lo lắng khi thấy mình tăng cân nhanh. Tuy nhiên, một cuộc
nghiên cứu gần đây đi đến kết luận là sự tăng cân sau độ tuổi 75 không
còn là dấu hiệu đáng lo ngại nữa. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên
162 người đàn ông ở độ tuổi từ 75 trở lên, kéo dài hơn hai năm và ghi
nhận tình trạng sức khỏe cũng như tỷ lệ tử vong của họ.
Theo kết quả nghiên cứu, sự tăng cân sau tuổi 75 không còn có dấu hiệu
ảnh hưởng đến sức khỏe nữa. Ngược lại, tỷ lệ tử vong trong số những
người gầy hơn lại cao hơn, độ tuổi trung bình thấp hơn. Các nhà nghiên
cứu cho rằng, những người gầy hơn do có những chứng bệnh khác từ trước
–nguyên nhân khiến cho họ gầy hơn – nên sức khỏe không tốt bằng những
người tăng cân nhiều.
b. Những điều nên làm
– Cơ thể cần vận động đầy đủ. Nếu bạn làm những công việc thường ngày ít
vận động – công việc bàn giấy chẳng hạn – bạn cần có những chương trình
luyện tập, vận động bổ sung trong sinh hoạt thường ngày. Tập thể dục là
tốt nhất và phù hợp với mọi lứa tuổi. Nếu bạn đang độ tuổi sung sức, nên
chọn thêm một môn thể thao thích hợp để tham gia.
– Chọn các món ăn giảm chất béo, giàu chất xơ (fiber). Trong chế độ ăn
này, rau cải, trái cây, ngũ cốc đều là những loại có thể chọn. Thịt, mỡ
động vật là những thứ nên tránh.
– Quan tâm đặc biệt đến bữa ăn điểm tâm của bạn. Nhiều người nhịn ăn
điểm tâm khi muốn giảm cân. Điều đó không đúng. Bữa ăn sáng giúp bạn cân
đối nhu cầu, do đó bạn sẽ không ăn quá nhiều, thường là các thức ăn giàu
chất béo, vào các bữa ăn khác trong ngày. Một thực tế nữa là người không
ăn sáng thường có khuynh hướng hay ăn vặt, dẫn đen tăng cân thay vì giảm
cân.
– Khi chọn một chế độ dinh dưỡng để theo đuổi lâu dài, bạn cần có sự góp
ý của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng. Những bữa ăn được chọn lựa
đúng đắn đôi khi có thể có tác dụng hơn ca những phương thức điều trị
bằng thuốc, nhất là trong trường hợp béo phì.
55. SỐNG LÂU VÀ TUỔI GIÀ
a. Kiến thức chung
Tâm lý chung của hầu hết mọi người là nghỉ ngơi khi đến tuổi về hưu. Hầu
hết đều đã mệt mỏi với chặng đường đã qua, và muốn buông thả tất cả cho
những người còn trẻ.
Với những kết quả nghiên cứu mới, giờ đây người ta đã phải nhìn lại cách
suy nghĩ đó. Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận là, một cuộc sống
năng động, tích cực, chẳng những giúp hoàn thiện rất nhiều cho sức khỏe
của người già, mà còn có tác dụng kéo dài tuổi thọ nữa.
Một trong các kết quả được công bố làm mọi người ngạc nhiên là: phần lớn
tiến trình lão hóa của con người là một tiến trình tâm lý. Nói một cách
dễ hiểu hơn, vì bạn luôn nghĩ rằng mình đã già yếu, nên tất cả mọi hoạt
động của cơ thể bạn phải dần dần suy yếu theo với tâm lý đó. Nhưng thực
tế không phải vậy. Các nhà nghiên cứu giờ đây đồng ý với nhau rằng, bạn
có thể khôi phục và duy trì lâu dài hơn nhiều năng lực hoạt động của
tuổi trẻ, thay vì buông xuôi cho chúng thoái hóa đi. Để làm được điều
đó, bạn cần thực hiện thường xuyên những hoạt động vừa sức, và một tâm
lý tích cực, yêu đời, năng động.
Nghiên cứu được thực hiện với các đối tượng có độ tuổi từ 86 đến 96. Sau
một giai đoạn 8 tuần lễ tham gia vào chương trình rèn luyện thể lực
thích hợp, tất cả những người này đều có dấu hiệu khôi phục rõ rệt sức
mạnh của các cơ bắp.
Điều không may xảy ra cho hầu hết chúng ta là, trước khi nhận ra sự suy
yếu thực sự của cơ thể, chúng ta thường không mấy quan tâm đến việc rèn
luyện thể lực. Cho đến khi bước vào độ tuổi 50, nhiều sự thoái hóa đã
trở nên trầm trọng, khó lòng khôi phục hoàn toàn, như suy dinh dưỡng kéo
dài, loãng xương và sự suy yếu chung của hầu hết các chưc năng trong cơ
thể. Điều cần phải biết là, sự khôi phục lại những suy thoái này khó
khăn hơn rất nhiều so với việc phòng ngừa trước hoặc ngăn chặn chúng.
Mặc dù vậy, không bao giờ là quá trễ để thay đổi vấn đề. Trong hoàn cảnh
sức khỏe tồi tệ nhất, nếu bạn bắt đầu những chương trình rèn luyện thể
lực thích hợp, bạn vẫn sẽ có được những hoàn thiện đáng kể.
Phải thừa nhận là không ai có thể đẩy lui hoàn toàn tiến trình suy thoái
tư nhiên lúc tuổi già. Và bạn vẫn có thể mắc phải một vài chứng bệnh nào
đó vì suy yếu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh được nhiều căn bệnh
thường đi với tuổi già, như tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh tim
mạch...
Khi bạn chọn sống một cách sống năng động, tích cực hơn trong tuổi già,
với những chương trình rèn luyện thể lực nhẹ nhàng nhưng thường xuyên,
bạn sẽ hoàn thiện đáng kể những hoạt động của tim mạch, và nhờ đó tuổi
thọ được kéo dài hơn.
Khi chọn lựa các hoạt động và chương trình rèn luyện thể lực, bạn cần
phải hết sức thận trọng. Những hoạt động trong tuổi già có thể là bất cứ
hoạt động nào mà bạn ưa thích, nhưng phải gạt bỏ tất cả mọi áp lực tâm
lý, mọi sự lo lắng về hơn thua, thành bại. Lấy ví dụ, bạn vẫn có thể
tham gia công việc buôn bán hàng ngày trong cửa hiệu, nhưng giờ đây đó
chỉ là một hoạt động tiêu khiển, giúp đỡ con cái. Khác với trước đây bạn
luôn phải lo nghĩ về doanh thu cũng như các khoản lãi, lỗ. Và bạn hoàn
toàn có thể tự quyết thời gian làm việc theo với sức khỏe của mình,
không cần phải gắng sức thái quá. Điều này sẽ mang lại niềm vui sống và
sự hoàn thiện sức khỏe cho bạn rất nhiều, hơn là chỉ việc nằm yên chờ
thời gian nặng nề trôi qua.
Do mục tiêu của làm việc trong lúc này chỉ là duy trì sức khỏe và niềm
vui sống, nên công việc lý tưởng nhất mà bạn có thể chọn làm là các hoạt
động từ thiện. Bạn có thể làm bất cứ điều gì đó để nhắm đến giúp đỡ trẻ
em mồ côi, người tàn tật, người nghèo khổ... Và các tổ chức từ thiện
luôn sẵn lòng hướng dẫn cho bạn những phương thức thích hợp mà bạn có
thể tham gia.
Đối với việc luyện tập thể lực, tốt nhất là duy trì một số động tác thể
dục hàng ngày vào buổi sáng sớm. Các động tác phải vừa sức, không quá
nặng nề, nhưng phải đủ để giúp các cơ bắp của bạn được rèn luyện đúng
mức. Một số người già tập thói quen chạy bộ vào buổi sáng. Điều này cũng
rất tốt nếu bạn cảm thấy vừa sức. Không nên ăn uống trước và sau buổi
tập một giờ. Và nhất thiết phải dành thời gian làm nóng cơ thể trước
buổi tập, cũng như nghỉ ngơi thư giãn sau buổi tập. Những thời gian này
giúp cho bạn không có sự thay đổi quá đột ngột về huyết áp.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chọn lựa
một chương trình rèn luyện nào đó để theo đuổi lâu dài. Và điều quan
trọng nhất sau đó là, bạn phải có đủ kiên nhẫn để thường xuyên duy trì
sự rèn luyện.
Vấn đề dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng. Cùng với tuổi già, bạn thường
giảm đi cảm giác thèm ăn. Vì thế, nhiều người già thường ăn uống sơ sài,
qua loa, không quan tâm nhiều đến lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Tốt nhất, bạn nên có sự tính toán mot chế độ dinh dưỡng thích hợp, đơn
giản nhưng đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Việc tuân thủ chế độ ăn uống
này sẽ giúp bạn duy trì tốt sức khỏe, và khi đó bạn sẽ cảm thấy ngon
miệng hơn trong các bữa ăn.
Nhưng ngược lại, một chế độ dinh dưỡng dư thừa calori cũng không tốt lắm
cho người già. Nói một cách dễ hiểu hơn, nếu bạn tính toán mức calori
cung cấp cho cơ thể hợp lý, bạn sẽ có thể kéo dài tuổi thọ hơn so với
việc ăn uống quá dư thừa. Thử nghiệm trên cơ thể loài chuột đã xác nhận
rõ kết quả này, và các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng ý với nhau về lợi
ích của một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Tuy nhiên, giảm mức calori không đồng nghĩa với một chế độ ăn thiếu dinh
dưỡng. Cho nên, về vấn đề này bạn cần có sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc một
chuyên gia dinh dưỡng.
b. Những điều nên làm
– Người già cần được sự quan tâm chăm sóc của các thành viên khác trong
gia đình, đặc biệt là vấn đề ăn uống hàng ngày. Nên chọn một chế độ ăn
hợp lý, giảm chất béo và đạm động vật, tăng lượng vitamin và khoáng chất
bằng cách cung cấp nhiều rau cải, trái cây... Nên nhớ là những người già
rất thường có triệu chứng biếng ăn không có lý do.
– Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày. Chọn những động tác nhẹ nhàng, vừa
sức, và phải kiên nhẫn duy trì thường xuyên.
– Khám và điều trị ngay các vấn đề bất thường về sức khỏe. Thể lực người
già không còn mạnh mẽ như trước, nên sức đề kháng cũng suy giảm, cần có
sự can thiệp giúp đỡ kịp thời từ bên ngoài. Tốt nhất là người già nên
được khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ, để có thể phát hiện kịp thời
những chứng bệnh cần điều trị ngay.
– Sống tích cực, năng động. Chọn cho mình một niềm vui để theo đuổi. Có
thể là giúp đỡ con cháu, tham gia công việc từ thiện, hoặc thậm chí một
môn giải trí lành mạnh nào đó. Cần loại bỏ tâm lý buồn nản hoặc an phận
với tuổi già. Niềm vui sống là một liều thuốc vô giá cho tuổi già mà
không gì có thể thay thế được.
– Gạt bỏ mọi áp lực tâm lý trong đời sống. Giao phó trách nhiệm cụ thể
cho con cháu, tránh giữ lại trong lòng những mối lo lắng lâu dài. Người
già có thể làm việc tùy sức, càng nhiều càng tốt, nhưng không nên làm
việc vì bất cứ một áp lực tâm lý, một sự lo lắng nào. Hoạt động thể lực
vừa sức giúp duy trì sự năng động và sức khỏe, nhưng sự lo lắng, căng
thẳng sẽ làm suy sụp rất nhanh.