CHƯƠNG 30
Trách nhiệm tinh thần
"Chính ta làm cho ta ô nhiễm,
Chính ta làm
cho ta trong sạch."
Kinh Pháp Cú
Có phải chính
người hành động (tạo nghiệp) gặt quả trong kiếp tương lai? [1]
Nói một cách
tuyệt đối rằng chính người gieo nhân sẽ gặt quả là một cực đoan, mà nói rằng
người gieo nhân và người gặt quả là hai người hoàn toàn khác biệt là rơi vào
một cực đoan khác. Tránh hai cực đoan trên, Đức Phật truyền dạy một Giáo Pháp
"Trung Đạo" căn cứ trên lý Nhân Quả:
"Không
tuyệt đối là một người, cũng không phải là hai người hoàn toàn khác biệt"
(Naca so, naca anno), Đại đức Budhhaghosa viết như vậy trong sách Thanh Tịnh
Đạo (Visuddhi Magga). Sự biến thể của loài tằm có thể là một thí dụ. Khởi đầu
là một cái trứng. Trứng nở ra tằm. Tằm thành nhộng, nhộng thành bướm và bướm đẻ
trứng.
Trong trường
hợp nầy, sự biến thể diễn tiến trong một kiếp sống. Và trong một kiếp sống,
bướm không tuyệt đối giống tằm, mà cũng không hoàn toàn khác. Chỉ có một luồng
sống, một diễn tiến của đời sống, hay một sự liên tục.
Để giải thích
điểm nầy, Đại đức Nagasena dùng thí dụ ngọn đèn dầu thấp trong đêm tối. Ánh
sáng của ngọn đèn lúc đầu không tuyệt đối giống hệt ánh sang của nó lúc về
khuya. Tuy nhiên, ánh sáng lúc đầu hôm và lúc khuya vẫn tùy thuộc nơi cây đèn.
Trường hợp nầy cũng vậy, trong ánh sáng có một sự liên tục. Mỗi giai đoạn trong
sự liên tục ấy tùy thuộc nơi giai đoạn trước kế đó.
-- Nếu không có
một linh hồn trường cửu, có thể có trách nhiệm tinh thần không?
Có thể có, bởi
vì có sự liên tục, hay nói cách khác, có sự giống nhau trong tiến trình biến
đổi.
Một em bé trở
nên một người trưởng thành. Người kia không hoàn toàn là em bé, bởi vì các tế
bào trong thân thể người ấy đã hoàn toàn đổi mới, tuy nhiên người kia và em bé
cũng không phải tuyệt đối là hai người, bởi vì cả hai chỉ là hai giai đoạn khác
nhau trong tiến trình của một đời sống. Mặc dầu vậy, cá nhân người kia phải
chịu trách nhiệm về tất cả những hành động của em bé. Dầu tiến trình của đời
sống chấm dứt ở một nơi và biểu hiện lại ở một nơi khác, hay tiến trình ấy diễn
tiếp trong một kiếp sống, yếu tố chánh vẫn là sự liên tục. Thí dụ như người kia
là ông A trong kiếp sống trước và ông B trong kiếp nầy. Với cái chết của ông A,
hiện tượng vật chất và tinh thần do đó nghiệp lực biểu hiện đã tiêu tan. Với
cái sanh của ông B một môi vật mới xuất khởi. Hình thể bề ngoài tuy có biến
đổi, nhưng luồng tâm trôi chảy liên tục (citta santati), không bị cái chết làm
gián đoạn, vẫn tiếp tục diễn tiến, và mang theo tất cả cảm giác do ngũ quan đã
thâu nhận.
Một cách mặc
ước, ta tự hỏi phải chăng ông B bị bắt buộc phải chịu trách nhiệm về hành vi
của ông A ở kiếp trước?
Vài người cũng
có thể phản đối, cho rằng ông B không nhớ gì về hành động của ông A hết, sao
lại phải chịu trách nhiệm củavề hành vi của ông A?
Tuy nhiên,
trạng thái giống hệt nhau cũng như trí nhớ có phải là yếu tố chánh yếu trong
vấn đề trách nhiệm tinh thần không? Thí dụ như người kia cố ý giết chết một
người và sau đó mất trí, không còn nhớ gì đến chuyện ấy hết. Người ấy có chịu
trách nhiệm về hành động sát nhân hay không? Sự mất trí nhớ không giúp cho
người kia tránh khỏi trách nhiệm của hành động cố ý sát nhân. Ta lại hỏi:
"Hình phạt một người đã mất trí nhớ thì có ích gì? Người ấy không còn nhớ
rằng mình chịu hình phạt nầy vì đã phạm tội kia. Vậy đâu là công lý?"
Người Phật tử
tin tưởng nơi lý nhân quả, công bình và hợp lý, báo ứng một cách tự nhiên,
khách quan, tự động. Lý nhân quả căn cứ trên Nhân và Quả. Ta không thể coi đó
là một hình thức thưởng hay phạt. Nếu người kia làm một chuyện gì trong lúc
ngủ, chẳng hạn như trong lúc đang ngủ mà đứng dậy đi ra ngoài hành lang, rồi đi
trên lan can. Tức nhiên là ông ta sẽ té xuống đường và trong những trường hợp
tương tợ, có thể gãy tay hay gãy chân. Khi nằm trên giường bệnh, ông không còn
nhớ gì đến sự đi trên lan can, vừa đi vừa ngủ, nhưng dĩ nhiên, ông phải biết
hậu quả của việc làm ấy.
Sự kiện ông
không còn nhớ gì đến hành động trước không thay đổi một tí nào hậu quả của hành
động ấy. Cánh tay gãy, hay một cái chân què, làm cho ông đau đớn vô cùng. Vì lẽ
ấy người Phật tử cố gắng không đi trên lan can hay một nơi nguy hiểm nào khác,
trong lúc ngủ hay lúc thức, để tránh việc làm tổn thương cho chính mình hay gây
thương tích cho người khác ở dưới đất nếu ta té vào người.
Sự quên mất dĩ
vãng của mình không gây trở ngại nào cho sự nhận định khôn ngoan về lối báo ứng
của định luật Nghiệp Báo. Chính nhờ sự hiểu biết lý nhân quả, đã gieo nhân thì
phải gặt quả, lúc nào cũng trong vòng luân hồi, mà người Phật tử cố gắng tu
dưỡng tâm tánh mình.
Chú thích:
[1] Xem
"The Questions of Milinda", phần 1, trang 111; và Dr Dahike,
"Budhism and Science", trang 64.