CHƯƠNG 36
Con đường Niết Bàn (II)
"Một con đường để thành đạt lợi ích thế gian,
Một con đường
khác dẫn đến Niết Bàn"
Kinh Pháp Cú.
Tâm Định (Samadhi)
Đã vững vàng
trên nền tảng Giới luật, hành giả bước vào con đường cao thượng hơn - hành
thiền - để tiến đến tâm Định (samadhi), tức là kiểm soát và trao giồi tâm, giai
đoạn thứ nhì của con đường trong sạnh (Thanh Tịnh Đạo).
Định (samadhi)
là giữ tâm an trụ vào một điểm, gom tâm vào đề mục, và hoàn toàn không để ý gì
khác, ngoài đề mục ấy.
Theo Phật Giáo,
có bốn mươi đề mục thành thiền khác nhau, tùy tâm tánh của mỗi cá nhân. Bốn
mươi đề mục hành thiền là:
a.-- Mười đề
mục để niệm (kasina, biến xứ): [1]
1. Dùng đất để
làm đề mục, 2. Dùng nước để làm đề mục, 3. Dùng lửa làm đề mục, 4. Dùng không
khí làm đề mục, 5. Dùng vật có màu xanh làm đề mục, 6. Dùng vật có màu vàng làm
đề mục, 7. Dùng vật có màu đỏ để làm đề mục, 8. Dùng vật có màu trắng để làm đề
mục, 9. Dùng ánh sáng làm đề mục, 10. Dùng không gian làm đề mục.
b.-- Mười đề
mục về tử thi (asubha, ô trược) [2], là mười loại tử thi kể sau:
1. Tử thi sình
(uddhumataka), 2. Tử thi đã đổi màu sắc (vinolaka), 3. Tử thi đã rã ra, chảy
nước (vipubbaka), 4. Tử thi bị cắt đứt đoạn (vicchidaka), 5. Tử thi bị đục
khoét ra từng mảnh (vikkhayidaka), 6. Tử thi văng ra từng mảnh (vikkhittaka),
7. Tử thi bị cắt đứt và rời ra vung vẩy tản mác (hatavikkhitaka), 8. Tử thi bị
đẩm máu (lohitaka), 9. Tử thi bị vòi đục (pulapaka), và 10. Tử thi chỉ còn bộ
xương (atthila)
c.-- Mười đề
mục suy niệm (anussati, niệm niệm) [3]:
1. Niệm Phật
(Buddhanussati), 2. Niệm Pháp (Dhammanussati), 3. Niệm Tăng (Sanghanussati), 4.
Niệm Giới (Silanussati), 5. Niệm tâm bố thí (Caganussati), 6. Niệm chư Thiên
(Devatanussati), 7. Niệm trạng thái thanh bình an lạc (Upasamanussati), 8. Niệm
sự chết (Marananussati), tuần tự, và cùng với, 9. Niệm Thân (Kayagatasati), và
10. Niệm hơi thở (Anapanasati)
d.-- Tứ Vô
Lượng Tâm, hay bốn phẩm hạnh cao thượng (Brahmavihara):
Từ, Bi, Hỷ và
Xả
e.-- Một đề mục
quán tưởng (Sanna, tưởng, tri giác):
Quán tưởng tánh
cách ô trược của vật thực [4].
f.-- Một đề mục
phân tách (catudhatuvavatthana) [5]: như phân tách bốn nguyên tố cấu tạo vật
chất (Tứ Đại: đất, nước, lửa, gió).
g.-- Bốn Thiền
Vô Sắc:
1. Cảnh giới
Không Gian Vô Cùng Tận (Akasanancayatana), 2. Cảnh giới Thức Vô Cùng Tận
(Vinnanancayatana), 3. Cảnh giới Hư Không (Akincannayatana), và 4. Cảnh giới
Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (N'eva sanna n'asannayatana).
Đề mục thích
hợp với những bẩm tánh khác nhau
Theo kinh sách,
mười đề mục về tử thi và niệm thân, như 32 phần ô trược, thích hợp với bẩm tánh
tham ái, vì những đề mục nầy có khuynh hướng tạo sự nhờm chán cơ thể vật chất
mà giác quan bám níu.
Tứ Vô Lượng Tâm
và bốn Kasinas màu,thích hợp với bẩm tánh sân hận.
Những đề mục
suy niệm về Đức Phật, v.v... thích hợp với bẩm tánh của người có nhiều đức tin.
Những đề mục
suy niệm về sự trạng thái thanh bình an lạc, quán tưởng đến sự nhàm chán vật
thực, và phân tách Tứ Đại, thích hợp với những bẩm tánh thiên về trí thức.
Những đề mục
như suy niệm về Đức Phật, tâm Từ, niệm thân và niệm về sự chết, thích hợp với
tất cả bẩm tánh.
Có sáu loại bẩm
tánh (carita) là:
1. Bẩm tánh
tham ái (ragacarita),
2. Bẩm tánh sân
hận (dosacarita),
3. Bẩm tánh si mê
(mohacarita),
4. Bẩm tánh có
nhiều đức tin (saddhacarita),
5. Bẩm tánh thiên
về trí thức (budhicarita), và
6. Bẩm tánh phóng
dật (vitakkacarita).
"Carita"
là bẩm tánh, hay bản chất cố hữu của một người. Bản chất này biểu lộ khi ở
trạng thái bình thường, không có gì làm giao động. Bẩm tánh của mỗi người khác
nhau là do nơi hành động quá khứ, hay nghiệp khác nhau của mỗi người. Những
hành động quen thuộc có khuynh hướng tạo bẩm tánh riêng biệt.
Bên trong của
một số người, "raga" hay tham ái, có năng lực mạnh hơn các tánh kia,
trong khi "dosa" hay sân hận, oán ghét ác ý, trội hơn nơi người khác.
Phần đông chúng sanh thuộc về hai loại ấy. Có một phần ít, kém thông minh và ít
nhiều si mê (mohacarita). Gần với những hạng si mê có những người có bẩm tánh
phóng dật, không thể chú tâm vào một việc (vitakkacarita). Vài người lại có tâm
đạo đặc biệt nhiệt thành, đức tin vững chắc (saddhacarita), người khác thì đặc
biệt thông minh sáng suốt (buddhicarita).
Phối hợp những
bẩm tánh ấy lại với nhau có 63 loại. Tính chung với bẩm tánh khảo sát
(ditthicarita) là 64 loại.
Những đề mục
hành thiền có thể, ít hay nhiều, thích hợp với mỗi bẩm tánh và mỗi hạng người.
Trước khi thực
hành thiền tập, hành giả nên thận trọng quan sát đề mục tham thiền. Thuở xưa,
muốn hành thiền phải tìm đến sự hướng dẫn của một vị thầy có khả năng và nhờ sự
giúp đỡ của vị này, chọn một đề mục thích hợp với bẩm tánh mình. Ngày nay, hành
giả phải tự mình xem xét lấy và chọn đề mục mà mình cho là thích hợp nhất.
Khi đề mục đã
chọn, hành giả phải rút vào một nơi yên tĩnh, càng ít bị giao động càng tốt.
Một cụm rừng, một hang đá, hoặc nơi vắng vẻ nào khác cũng có thể thích nghi. Ở
những nơi ấy hành giả ít bị phiền nhiễu trong khi hành thiền.
Nên biết rằng
cảnh vắng lặng bên trong của tất cả mọi người. Nếu tâm không an, dầu ở giữa
rừng sâu tĩnh mịch cũng không thích hợp. Nhưng nếu tâm không bị giao động thì ở
trung tâm thành phố cũng được. Khung cảnh chung quanh chỉ tác động một cách
gián tiếp, giúp tâm an trụ.
Điều kế đó mà
hành giả phải quyết định là giờ giấc, lúc mà hành giả và khung cảnh chung quanh
có nhiều điều kiện thuận tiện nhất để tham thiền.
Sáng sớm tâm
trí còn tươi tĩnh, hoặc tối, trước khi đi ngủ, nếu không quá mệt, thường là lúc
thích hợp nhất để hành hiền. Tuy nhiên, dầu thì giờ nào mà ta đã chọn, nên cố
giữ đúng giờ ấy mỗi ngày, để cho tâm được quen, có ảnh hưởng tốt đẹp đến pháp
hành.
Cách ngồi cũng
có thể giúp ích cho việc gom tâm. Người phương Đông thường ngồi tréo chân mặt
đặt trên vế trái và chân trái đặt trên vế mặt, thân mình ngay thẳng. Đó là lối
ngồi kiết già. Nếu không quen ắt thấy khó ngồi như thế. Nhiều người ngồi bán
già dễ dàng hơn. Chỉ để chân mặt đặt trên vế trái, còn chân trái thì để dưới
luôn, khỏi phải tréo lên.
Khi ngồi theo
điệu tam giác ấy thì thân mình vững vàng. Tay
mặt đặt trên tay trái, cổ ngay, giữ mũi nằm trên một đường thẳng góc với rún.
Lưỡi ép sát trên nóc vọng. Sắp sửa quần áo ngay ngắn và lưng quần không nên
thắt chặt lắm. Vài người chịu nhắm mắt lại để không còn nhìn thấy gì nữa.
Nhắm kín mắt
cũng có lợi, nhưng thường hay làm buồn ngủ. Đến lúc muốn ngủ rồi thì hành giả
không còn kiểm soát được tâm nữa. Những tư tưởng bất định phát sanh, không còn
giữ thân ngay ngắn, vô tình mở mệng, chảy nước dãi và gục đầu.
Chư Phật thường
ngồi kiết già, hình đóa sen búp, mắt nhắm phân nửa, nhìn theo chót mũi đến chí
đất, không xa hơn lối một thước hai.
Người nào thấy
lối ngồi kiết già khó khăn, có thể thuận tiện ngồi trên ghế, hay chỗ nào khác,
vừa đủ cao để hai bàn chân gác trên mặt đất.
Thế ngồi không
quan trọng. Hành giả tùy tiện, ngồi thế nào cũng được, miễn là thấy thoải mái
và dễ dàng là được.
Người có chú
nguyện cố gắng gom tâm vào một điểm phải nỗ lực kiểm soát những tư tưởng ô
nhiễm mỗi khi nó vừa khởi sanh.
Hành giả có thể
bị mười đạo binh của Ma Vương tấn công như có ghi trong kinh Sutta Nipata [6].
Mười đạo binh ấy là:
1. tham dục (kama), 2. nản chí (arati), 3. đói và khát (khuppipasa),
4. ái dục (tanha), 5. dã dượi hôn trầm (thina-middha), 6. sợ sệt (bhaya), 7.
hoài nghi (vicikiccha), 8. phỉ báng, gièm pha và ngoan cố (makkha, thambha), 9.
thâu đoạt một cách bất chánh tiếng tốt, danh vọng, những lời tán dương khen
tặng và lợi lộc (labha, siloka, sakkara, micchayasa), và 10. tự phụ và khinh
miệt kẻ khác (attukkamsanaparavambhana).
Tùy trường hợp,
những lời gợi ý sau đây của Đức Phật về pháp hành thiền có thể bổ ích cho tất
cả mọi người.
1. Cố tạo những
tư tưởng tốt, trái nghịch với tư tưởng trở ngại. Như bị lòng sân trở ngại, cố
tạo tâm từ.
2. Suy niệm về
hậu quả xấu có thể xẩy ra. Như nghĩ rằng sân hận có thể đưa đến tội lỗi, sát
nhân v.v...
3. Không để ý,
cố lãng quên những tư tưởng xấu ấy.
4. Đi ngược
dòng tư tưởng, phăng lần lên, tìm hiểu do đâu tư tưởng ô nhiễm ấy phát sanh và
như vậy, trong tiến trình ngược chiều ấy, hành giả quên dần điều xấu.
5. Gián tiếp
vận dụng năng lực vật chất. Cũng như một người mạnh mẽ tráng kiện khắc phục một
người khác, suy nhược yếu ớt, ta phải vận dụng sức lực của cơ thể để chế ngự
những tư tưởng xấu xa. Đức Phật khuyên: "Cắn chặt răng lại và ép lưỡi sát
vào nóc vọng phía trên, hành giả vận dụng hết năng lực để kiềm chế tâm và như
vậy, khi cắn răng lại và ép lưỡi sát phía trên, cưỡng bách và kiềm chế tâm,
những tư tưởng xấu xa và nguy hại sẽ suy nhược dần và tiêu tan. Do đó tâm sẽ
lắng dịu, an trụ, thuần nhất và định". [7]
Khi đã trải qua
những giai đoạn cần thiết ấy, hành giả tìm một nơi ẩn dật và đặt niềm tin vào ý
chí quyết thành tựu cho kỳ được mục tiêu, tận lực và tliên tục cố gắng phát
triển tâm định.
Một vật để như
hình tròn Kasina chỉ có thể giúp hành giả đạt đến tâm định. Như một đức tánh
như tâm từ có lợi ích đặc biệt là tạo nên tâm tánh hay bản chất con người.
Trong lúc hành
thiền, hành giả có thể lặp lại một cách có thể hiểu biết những lời, hay những
câu kệ đặc biệt, vì những chữ hay gợi cho hành giả những lý tưởng mà nó tượng
trưng.
Dầu quyết tâm
nỗ lực đến đâu, người hành giả còn sơ cơ vẫn phải trải qua những giai đoạn khó
khăn, những vấp váp lúc ban đầu. "Tâm phóng, những ý tưởng ngoài đề mục sẽ
phát sinh và vẩn vơ trước mắt, cảm thấy sốt ruột, thấy tiến bộ chậm chạp lên
nản lòng, do đó mất nhẫn nại, kém cố gắng." Nhưng hành giả phải bền chí,
không chịu thất bại. Cố gắng thêm, thêm nữa, để khắc phục mọi trở ngại, vượt
qua khó khăn để nhìn thẳng vào đề mục và kềm giữ tâm không một giây xao lãng.
Thí dụ như hành
giả dùng Kasina đất làm đề mục hành thiền (Kammatthana):
Trước tiên lấy
đất sét nhồi làm thành dĩa tròn bằng độ ba tấc bề kính, cạo gọt cho trơn bén,
tô mặt thật láng và đều đặn. Cái đĩa tròn Kasina để tham thiền này được gọi là
đề mục sơ khởi (parikamma nimitta). Đặt cái Kasina ấy cách chỗ mình ngồi một
thước, hành giả chăm chú nhìn vào đó và niệm "pathavi, pathavi" (đất,
đất) cho đến lúc tâm hoàn toàn an trụ, không còn ý tưởng ngoại lai nào khác. Và
khi hành như thế ít lâu - có khi vài tuần, có khi vài tháng, vài năm hay hơn
nữa - hành giả có thể hình dung đề mục nghĩa là lúc nhắm mắt vẫn còn thấy cái
vòng Kasina. Đó là hình ảnh của đề mục phát hiện trong tâm (uggaha nimitta).
Tếp tục cố gắng, hành giả chăm chú vào uggaha nimitta nầy và phát triển hình
ảnh khái niệm của đề mục (patibhaga nimitta).
Theo sách Thanh
Tịnh Đạo (Visuddhi Magga), sự khác biệt giữa hai hình ảnh ấy là: "Trong
'uggaha nimitta' hành giả còn thấy rõ cái dĩa tròn kasina, tỷ như trên ấy có
lồi lõm vv... còn trong 'patibhaga nimitta' dĩa tròn kasina xuất hiện như một
cái gương tròn mới lấy từ trong bao ra, hoặc như vỏ ốc xa cừ trau giồi bóng
loáng, hoặc như mặt trăng rằm xuất lộ giữa những đám mây."
Hình ảnh khái
niệm (patibhaga nimitta) không có màu sắc, cũng không có hình thể. Nó chỉ là
hình thức xuất lộ do tri giác tạo nên.
Bấy giờ hành
giả nỗ lực chú tâm vào hình ảnh khái niệm trừu tượng ấy và đạt đến mức độ gọi
là" cận định" (upacara samadhi, tâm gần nhập định). Lúc ấy, năm
chướng ngại tinh thần cố hữu, dính liền với chúng sanh (nivarana, năm pháp
triền cái, hay năm pháp che lấp) tạm thời được khắc phục do tâm an trụ, hay
nhất điểm tâm (ekaggata), phỉ (pity), tầm (vitakka), lạc (sukha), và sát
(vicara), kể theo thứ tự. Lúc bấy giờ, có thể nhập toàn định và đắc thiền, thọ
hưởng trạng thái yên tĩnh và vắng lặng của tâm nhất điểm. Tâm nhất điểm này
được thành tựu nhờ hành giả đã vượt qua các pháp triền cái (nivarana), thành
tựu trạng thái gọi là cittavisuddhi (Tâm Tịnh), giai đoạn thứ nhì của Thanh
Tịnh Đạo.
Nếu hành giả
dùng kasina nước làm đề mục hành thiền thì nên lấy một bát nước đầy chí miệng,
tốt nhất là nước mưa trong sạch, không màu sắc và chăm chú nhìn vào đấy, rồi
niệm "apo, apo" (nước, nước) cho đến khi tâm lắng dịu, an trụ vào đề
mục nước.
Muốn dùng
kasina lửa làm đề mục, hành giả đốt một ngọn lửa nhỏ trước mặt mình rồi chăm
chú nhìn vào đấy ,xuyên qua một cái lỗ cỡ bốn ngón tay bề kính trong một tấm
vải, tấm đệm hay một tấm da.
Với đề mục
kasina gió, hành giả nhìn vào ngọn gió thổi xuyên qua cửa sổ hoặc một cái lỗ
trong vách và chăm chú niệm "vayo, vayo" (gió, gió).
Nếu muốn hành
đề mục dùng màu sắc thì dùng cái đĩa tròn kasina có màu sắc như xanh, vàng, hoặc
đỏ, hoặc trắng rồi chăm chú nhìn vào và niệm màu sắc ấy như "xanh,
xanh" (nilam, nilam) cũng như đề mục đất v.v... Hành giả cũng có thể nhìn
vào cành hoa hoặc xanh, hoặc vàng v.v... để niệm màu sắc ấy.
Hành giả muốn
niệm đề mục ánh sáng có thể nhìn mặt trăng, hoặc một ngọn đèn không chao động,
hoặc ánh sáng có hình ảnh mặt trăng hay mặt trời, chiếu xuyên qua lá cây hay
xuyên qua vách, in trên tường hay dưới mặt đất, và niệm "aloka,
aloka" (ánh sáng, ánh sáng).
Có thể phát
triển và trau giồi đề mục không gian bằng cách nhìn lên trời, xuyên qua cái lỗ
độ bốn ngón tay bề kính, khoét trên vách, hay trên miếng vải hoặc miếng da.
Đề mục Tử thi
(Asubha)
Ở Ấn Độ thời
xưa, người ta không chôn người chết, cũng không hỏa thiêu mà chỉ đem ra để
ngoài nghĩa địa. Do đó, có mười loại tử thi làm đề mục hành thiền. Ngày nay,
phong tục ấy không còn nữa. Như vậy, mười đề mục tham thiền về tử thi không thể
đặt thành vấn đề.
Niệm về Hồng ân
của Đức Phật (Buddhanussati)
Là suy niệm về
các phẩm hạnh của Đức Phật như sau:
"Đức Thế
Tôn hẳn thật là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế
Tôn." .
Niệm về những
đặc tánh của Giáo Pháp (Dhammanussati)
Là suy niệm về
các đặc tánh của Giáo Pháp như sau:
"Giáo Pháp
mà Đức Thế Tôn khéo giảng dạy và được truyền bá đầy đủ là để tự chứng ngộ, có
hiệu năng tức khắc, khuyến khích sự tìm tòi suy gẫm, dẫn đến nơi (Niết Bàn), để
bậc thiện trí an hiểu, mỗi người cho riêng mình."
Niệm về Tăng
Già (Sanghanussati)
Là suy niệm về
phẩm hạnh tinh khiết của các hội viên Giáo Hội như sau:
"Giáo Hội
của các đệ tử của Đức Thế Tôn có đức hạnh toàn hảo. Các Ngài có phẩm hạnh bậc
trí tuệ. Các Ngài là những vị đã thành đạt bốn Đạo và bốn Quả Thánh. Giáo Hội
của các đệ tử của Đức Thế Tôn là bậc xứng đáng lãnh nhận những vật cúng dường
và chỗ ở. Các Ngài là bậc xứng đáng được lễ bái, là phước điền vô thượng trên
thế gian."
Niệm về Giới
đức (Silanussati)
Là suy niệm về
phẩm hạnh có tính hoàn hảo của chính mình.
Niệm về tâm bố
thí (Caganussati)
Là suy niệm về
bản chất khoan hồng rộng lượng của chính mình.
Niệm về chư
thiên (Devanussati)
Là suy niệm như
sau:
"Các vị
trời đã sanh vào những cảnh giới đáng phấn khởiấy do nhờ niềm tin và những đức
tánh khác của các Ngài. Ta cũng có những đức tánh ấy".
Suy niệm như
thế nhiều lần.
Niệm về những
đặc tính của Niết Bàn (Upasamanussati)
Là suy nệm về
đặc tính tịch tịnh của Niết Bàn, như chấm dứt đau khổ và tương tự.
Niệm về sự chết
(Marananussati)
Là suy niệm về
sự chấm dứt đời sống tâm-vật-lý. Quán tưởng về cái chết giúp hành giả thấu hiểu
bản chất tạm bợ của đời sống. Khi quán triệt rằng chết là điều chắc chắn phải
đến và sống là tạm bợ, nhất thời, hành giả sẽ cố gắng tận dụng kiếp sống nầy để
tự trau giồi, tự phát triển và giúp kẻ khác mở mang, thay vì phung phí thì giờ
trong dục lạc, dễ duôi. Kiên trì hành thiền, suy niệm cái chết không làm cho
hành giả trở thành bi quan yếm thế và sống tiêu cực mà trái lại, càng tích cực
và tinh tấn hơn. Ngoài ra, hành giả còn có thể ứng phó với cái chết một cách
bình tĩnh, thản nhiên. Khi quán tưởng sự chết, hành giả có thể suy niệm rằng
đời sống như ngọn đèn dầu, hoặc suy niệm rằng cái được gọi chúng sanh chỉ là sự
biểu hiện tạm thời và bề ngoài của luồng nghiệp lực vô hình, không khác nào ánh
sáng của ngọn đèn điện là biểu hiện tạm thời của luồng điện lực vô hình ở trong
sợi dây điện.
Hành giả có thể
hình dung đời sống theo nhiều lối khác, quán tưởng về tánh cách vô thường cùa
kiếp nhân sinh và sự kiện hiển nhiên chắc chắn là cái chết phải đến.
Niệm Thân
(Kayagatasati)
Là suy niệm về
ba mươi hai phần ô trược của cơ thể như tóc, lông, móng tay, móng chân, răng,
da, thịt, gân, xương, tủy, tận, tim, gan, lá lách, mật, phổi, ruột, bao tử
v.v...
Quán tưởng về
tánh cách ô trược của cơ thể giúp hành giả chế ngự tâm luyến ái đối với bản
thân mình. Nhiều vị tỳ khưu thời Đức Phật đã đắc quả A La Hán nhờ hành thiền
với đề mục này.
Người không
thích hợp với tất cà ba mươi hai phần ô trược có thể chọn một vài phần như
xương, thịt, da cũng được. Bên trong thân này là bộ xương. Đầy bên ngoài bộ
xương là thịt, và bên ngoài, chỉ là một lớp da bao bọc lấy thịt và xương. Khi
suy niệm như thế về cơ thể vật chất, hành giả dần dần giảm bớt luyến ái thân
mình.
Đối với người
không chú trọng đến nhục dục, đề mục nầy có thể không thích hợp. Hành giả có
thể quán tưởng khả năng tạo tác cố hữu của guồng máy phức tạp này mà ta gọi là
con người.
Niệm hơi thở
(Anapanasati)
Là pháp suy
niệm về hơi thở, Ana có nghĩa là thở vô, Apana là thở ra.
Tham thiền,
niệm hơi thở là phương pháp luyện tập cho tâm an trụ, đồng thời giúp hành giả
chứng ngộ minh sát tuệ và dẫn đến Đạo Quả A La Hán.
Đây là đề mục
hành thiền rất lợi ích và có thể thích hợp với tất cả mọi người. Xưa kia Đức
Phật cũng đã áp dụng pháp hành thiền về Sổ Tức Quán nầy trước khi Ngài đắc quả
Chánh Đẳng Chánh Giác.
Kinh
Satipatthana Sutta (Tứ Niệm Xứ) và sách Thanh Tịnh Đạo có trình bày pháp môn bổ
ích này với đầy đủ chi tiết.
Sau đây là một
vài điều cho người hành giả sơ cơ:
Nên chọn lối
ngồi thích hợp. Giữ thân hình ngay ngắn. Đặt tay mặt lên tay trái. Mắt nhắm
hoặc mở hi hí.
Trước khi khởi
niệm, từ từ thở ra dài bằng miệng, rồi ngậm lại. Kế đó thở vô bằng mũi, như
thường, không cố sức thở mạnh quá mà cũng không yếu quá. Lúc thở vô đếm thầm,
Một. Rồi thở ra, đếm Hai. Luôn luôn chú tâm theo hơi thở, không tưởng nhớ đến
điều chi khác. Và cứ thở vô đếm Ba, thở ra đếm Bốn, như thế đến Mười. Trong khi
niệm, tâm hành giả có thể xao lãng phóng túng. Nhưng không nên ngã lòng. Hãy cố
gắng cho đến khi kềm giữ được tâm vào hơi thở. Từ từ hành giả có thể tăng thêm
loạt số, như đếm đi đếm lại đủ năm loạt từ Một đến Mười chẳng hạn. Về sau, hành
giả có thể chú tâm vào hơi thở mà không cần đếm. Có người thích đếm, vì đếm gom
tâm được dễ dàng. Cũng có nhiều người không thích. Điều chánh yếu là gom tâm.
Đếm là phụ thuộc.
Khi thực hành
pháp thiền này, hành giả cảm thấy thân nhẹ nhàng và rất an lạc. Sau khi khi
kinh nghiệm một thời gian, ngày kia hành giả thông hiểu được rằng cái mà người
ta gọi là thân đây chỉ sống nhờ vào hơi thở, và khi hơi thở chấm dứt thì thân
này phải chết. Tức khắc hành giả nhận định lý Vô thường của vạn hữu. Nơi nào
biến đổi vô thường thì nơi ấy không thể có thực tồn, hay linh hồn bất diệt.
Chừng ấy tuệ minh sát được triển khai để chứng ngộ Đạo Quả A La Hán.
Điều này rõ
ràng chứng tỏ rằng mục tiêu của pháp hành thiền về hơi thở chẳng những là trau
giồi tâm an trụ mà còn khai thông minh sát tuệ để thành đạt giải thoát cuối
cùng.
Đây là phương
pháp giản tiện và vô hại mà tất cả mọi người đều có thể thực hành.
Để có đầy đủ
chi tiết, đọc giả có thể tham khảo bộ Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo).
Theo Kinh Tứ
Niệm Xứ (Satipatthana), pháp niệm hơi thở có thể thực hành như sau:
"Thở vô,
hành giả ghi nhận thở vô. Thở ra, hành giả ghi nhận thở ra.
1.- "Khi
thở vô dài, hành giả biết: 'Ta thở vô dài'. Khi thở ra dài, hành giả biết: 'Ta
thở dài'.
2.- "Khi
thở vô ngắn, hành giả biết: 'Ta thở vô ngắn'. Khi thở ra ngắn, hành giả biết:
'Ta thở ra ngắn'.
3.- "Tri
giác rõ ràng và trọn vẹn tiến trình của hơi thở (tức chặng đầu, chặng giữa và
chặng cuối), 'ta sẽ thở vô' hành giả tự luyện tập lấy như thế; tri giác rõ ràng
và trọn vẹn tiến trình của hơi thở, 'ta sẽ thở ra', và hành giả tự luyện tập
lấy như thế.
4.- "Làm
cho hơi thở êm dịu, 'ta sẽ thở vô' , hành giả tự luyện tập lấy như thế. Làm cho
hơi thở êm dịu, 'ta sẽ thở ra' , hành giả tự luyện tập như thế."
Tứ Vô Lượng Tâm
(Brahmavihara)
Nơi đây Brahma
có nghĩa là cao thượng, hay cao nhã như trong danh từ "brahmacariya"
(lối sống cao thượng).Vihara có nghĩa là phương thức hay trạng thái của phẩm
hạnh, hay trạng thái của đời sống. Những trạng thái này cũng được gọi là
"appamanna", vô lượng, vô biên. Bởi vì những tư tưởng này được rải
khắp cho tất cả chúng sanh, không có giới hạn, không có sự ngăn trở.
Metta (sanskrit
là "maitri") tâm từ, lòng từ ái, hảo tâm, thiện ý, được định nghĩa là
cái gì làm cho tâm êm dịu. Tâm Từ (metta) không phải là tình thương có liên
quan đến nhục dục ngũ trần hay lòng trìu mến cá nhân đối với một người nào. Kẻ
thù trực tiếp của tâm từ là sân hận, oán ghét, hay ta không ưa thích, bực mình
(kodha). Kẻ thù gián tiếp là lòng trìu mến cá nhân (pema). Tâm Từ bao trùm tất
cả chúng sanh, không loại bỏ và không phân biệt chúng sanh nào. Đến mức cùng
tột, tâm Từ là tự đồng hóa tất cả chúng sanh (sabbattata), tự mình chan hòa
trong toàn thể, thấy vạn vật và mình là một. Tâm Từ là lòng chân thành ước mong
cho tất cả chúng sanh đều được an lành vui vẻ. Thái độ từ ái là đặc điểm chánh
yếu của tâm Từ. Tâm Từ lánh xa sân hận, oán ghét.
Tâm Bi (karuna)
là cái gì cho ta rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, là cái gì thoa dịu nỗi
khổ của người. Đặc tính của tâm Bi (karuna) là ý muốn giúp người khác thoát ra
một cảnh khổ. Kẻ thù trực tiếp của tâm Bi là sự ươn hèn suy nhược (himsa), và
kẻ thù gián tiếp là ưu sầu, phiền muộn (domanassa). Tâm Bi bao trùm những chúng
sanh đau khổ và tiêu trừ mọi hành động độc ác tàn bạo.
Tâm Hỷ (Mudita)
không phải là trạng thái thỏa thích suông, mà là lòng hoan hỷ, có thiện cảm,
trước hạnh phúc của người khác. Ganh tỵ (issa) là kẻ thù trực tiếp của tâm Hỷ,
và thái độ hỷ hạ vui vẻ là kẻ thù gián tiếp. Đặc điểm chánh yếu của tâm Hỷ là
hoan hỷ với sự thạnh vượng và thành công (anumodana) của người khác. Tâm Hỷ bao
trùm những chúng sanh hữu hạnh. Tâm Hỷ là đức tánh thành thật chung vui, chung
mừng và ngợi khen. Tâm Hỷ loại trừ mọi hình thức bất mãn (arati) trước sự thạnh
vượng của người khác.
Tâm Xả
(Upekkha) theo sát nghĩa, là nhận định vô tư, tức không luyến ái cũng không
ghét bỏ. Xả không phải là lạnh lùng, lãnh đạm mà trạng thái thản nhiên, hoàn
toàn không chao động, là tâm tuyệt đối quân bình. Đây là tâm trạng bình thản
của tâm giữa những hoàn cảnh thăng trầm của đời sống, như tán dương và khiển
trách, hạnh phúc và đau khổ, được và thua, danh thơm và tiếng xấu. Người thù trực
tiếp của tâm Xả là luyến ái (raga), và kẻ thù gián tiếp là thái độ lạnh lùng,
vô tình. Thái độ vô tư là đặc điểm chánh yếu của tâm Xả (Upekkha).
Ở đây, danh từ
Upekkha không có nghĩa là tâm vô ký, không-hạnh-phúc - không-phiền-não, mà rõ
ràng hàm xúc ý nghĩa một phẩm hạnh. Bình thản, tâm quân bình được xem như sát
nghĩa nhất. Tâm Xả bao trùm cả tốt lẫn xấu, những điều khả ái và khả ố, thích
thú cũng như nghịch lòng.
Sách Thanh Tịnh
Đạo (Visuddhi Magga) mô tả với đầy đủ chi tiết phương pháp phát triển Tứ Vô
Lượng Tâm để phát triển các tầng Thiền-na (jhana).
Một khi đã
thành công phát triển và trau giồi đầy đủ Thiền (jhana), hành giả có thể dễ
dàng phát triển các năng lực thần thông (abhinna) như thiên nhãn (dibacakkhu),
thiên nhĩ (dibbasota), hồi nhớ tiền kiếp (pubbe nivasanusstinana), tha tâm
thông (paracittavijanana) và nhiều năng lực thần thông khác (iddhividha).
Mặc đầu tâm
định( samadhi) và các năng lực tinh thần này chắc chắn đen lại nhiều lợi ích
cho hành giả, ta lên ghi nhận rằng đó không phải là điều chánh yếu để thành đạt
Đạo Quả A La Hán. Có những vị A La Hán gọi là Sukkhavipassaka, đi thẳng đường,
và chứng đắc đạo Quả A La Hán bằng cách hành thiền Minh sát (vipassana), không
qua sự hỗ trợ của Thiền-na (jhana). Nhiều người ở thời Đức Phật, nam cũng như
nữ, đã đắc Quả A La Hán mà không có đắc Thiền (jhana).
Chỉ có những vị
đã đắc thiền mới phát triển được năm loại năng lực thần thông (abhinna) là:
1) Dibbacakkhu,
thiên nhãn, cũng được gọi là huệ nhãn, là khả năng thấy được những việc ở cảnh
việc ở cảnh trời hay cảnh người, xa hay gần, mà ắt người không thể thấy.
2)
Cutupapatanana, tri kiến có liên quan đến cái chết và sự xuất hiện trở lại của
chúng sanh, cũng đồng nghĩa với thiên nhãn, hay nhãn thông. Anagatamsanana, tri
kiến có liên quan đến tương lai, và Yathkammupagatanana, tri kiến về sự ra đi
của chúng sanh tùy hành động thiện hay bất thiện,là hai loại hiểu biết nằm
trong phân hạng nầy.
3) Dibbasota,
thiên nhĩ, cũng gọi là nhĩ thông hay huệ nhĩ, là khả năng nghe được những âm
thanh, vi tế hay thô kịch, xa hay gần.
4)
Pubbenivasanussatinana, là khả năng hồi nhớ các tiền kiếp, của mình và của
người khác. Về điểm này, năng lực của Đức Phật không có giới hạn. Ngài có thể
nhớ được vô lượng tiền kiếp. Nhưng đối với người khác thì năng lực này có giới
hạn, tùy theo mức độ trau giồi.
5)
Paracittavijanana, tha tâm thông, là năng lực tinh thần có thể đọc tư tưởng của
người khác.
6) Iddhividha
là những năng lực thần thông như bay trên không trung, đi trên mặt nước, chun
dưới đất, tạo những hình thể mới v.v...
Chú thích:
[1]
"Kasina" ở đây có nghĩa là trọn vẹn, tất cả, đầy đủ. Gọi như vậy bởi
vì ánh sáng tủa ra từ hình ảnh khái niệm của đề mục "Kasina" phải bao
trùm trọn vẹn, tất cả, không giới hạn.
Trong trường
hợp dùng đất làm đề mục, ta phải làm một cái dĩa hình tròn, bề kính độ một gang
bốn ngón tay. Lấy đất sét màu da trời lúc bình minh, nhồi nhuyển, đắp lên, rồi
cạo gọt thật kỹ, thật láng. Nếu không có đủ đất màu da trời lúc bình minh thì
làm mặt, rồi dùng đất màu khác cũng được, để đắp phía dưới. Cái vật tròn bằng
đất để suy niệm ấy gọi là "kasina mandala".
Các loại Kasina
khác cũng làm tương tợ như vậy. Sách Thanh Tịnh Đạo có mô tả từng chi tiết.
Cũng nên ghi nhận rằng đề mục ánh sáng và không gian không có trong kinh điển.
Nếu không kể hai đề mục nầy, thì còn lại ba mươi tám đề mục hành thiền tất cả.
[2] Vào thời
Đức Phật có nhiều tử thi còn quàng lại trong các nghĩa địa, chờ ngày chôn hoặc
thiêu, còn làm mồi ngon cho thú và chim. Ngày nay, không thể có tử thi như vậy
nữa để dùng làm đề mục hành thiền.
[3]
"Anussati" là niệm niệm, không ngừng niệm.
[4] "Ahare
patikkulasanna" - như quán tưởng tánh cách ghê tởm của vật thực khi đi
tìm, lúc ăn, lúc tiết ra, lúc tiêu hóa, lúc thoát ra, v.v...
[5] Thí dụ như
qua sát bốn yếu tố: đất, có tánh cách duỗi ra (pathavi); nước, dính liền lại
(apo); lửa, nóng hay lạnh (tejo); và gi, di động (vajo). Xem xét những đặc tánh
riêng biệt.
[6] Padhana
Sutta, trang 28.
[7] Majjhima
Nikaya, Vitakka Santhana Sutta, số 20.