CHƯƠNG
02
Chiến
đấu để thành đạt Đạo Quả
"Làm
việc xấu xa và vô ích thì dễ, Nhưng làm được những điều
hữu ích và tốt đẹp, quả thật là rất khó." -- Kinh
Pháp Cú.
Cuộc
Chiến Đấu
Luôn
luôn gặp trở ngại, nhưng Đạo Sĩ Gotama không bao giờ nản
chí. Với tinh thần bất khuất, nay đây mai đó trong xóm Maghada
(Ma Kiệt Đà) để tìm trạng thái Thanh Bình An Lạc và Chân
Lý tối thượng. Một ngày kia, Đạo Sĩ đến Uruvela, thị
trấn của xứ Senani. Nơi đây Ngài tìm ra một địa điểm
giữa đám rừng tươi tốt, bên cạnh một dòng sông ngoạn
mục, uyển chuyển uốn mình trong lòng hai bãi cát trắng, không
xa có xóm làng thạnh vượng, hằng ngày có thể đến đó
trì bình khất thực. Ngài nghĩ như sau:
"Cảnh
vật quả thật hữu hình, cụm rừng đẹp đẽ, dòng sông
thú vị với bãi cát trắng và thôn xóm không xa. Ta có thể
dễ dàng đến đó trì bình. Đối với những mầm non đạo
đức quyết tâm cố gắng hướng đến mục tiêu cao quý, thì
đây quả thật là nơi thích hợp" [1].
Địa
điểm thích nghi với công phu hành thiền. Không khí an lành,
cây cỏ sum suê, phong cảnh xanh tươi. Ngài nhất định lưu
lại đây để thành tựu nguyện vọng.
Khi
hay tin Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) từ bỏ đền đài cung
điện để ra đi sống đời tu sĩ, Kondanna (Kiều Trần Như)
là vị đạo sĩ Bà La Môn trẻ tuổi đã tiên đoán rằng về
sau thái tử sẽ đắc Quả Phật, cùng với bốn người con
của bảy vị đạo sĩ khác tên Bhaddiya, Vappa, Mahanama và Assaji
cũng đi tìm Ngài để tu học.
Thuở
bấy giờ người Ấn Độ rất thiết tha trung thành với các
nghi lễ, các hình thức khổ hạnh và các thể thức cúng tế.
Theo sự tin tưởng ấy, nếu không ghép mình vào nếp sống
khắt khe khổ hạnh thì không thể giải thoát. Trưởng thành
trong tín ngưỡng này, Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm) và năm anh
em Kondanna (Kiều Trần Như) bắt đầu cuộc chiến đấu phi
thường kéo dài sáu năm trường, tự khép mình vào nếp sống
cực kỳ kham khổ cho đến một ngày kia thân hình tráng kiện
của Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm) chỉ còn là bộ xương bọc
da. Càng ép xác khổ thân, Ngài càng lìa xa mục tiêu.
Nhiều
bài kinh đã ghi chép lời của chính Đức Phật, mô tả đầy
đủ sự nỗ lực kiên trì, những phương pháp khác nhau mà
Ngài đã áp dụng , và sự thành công cuối cùng của Ngài,
trong cuộc tranh đấu vạn phần cam go đau khổ này.
Kinh
Maha Saccaka Sutta [2] mô tả hạnh tinh tấn của Bồ Tát như
sau:
"Lúc
ấy tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi:
"Hay
là ta cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nắp vọng, rồi
dùng tâm (thiện) đè nén, chế ngự, và tiêu diệt những tư
tưởng (bất thiện)!
"Rồi
tôi cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nắp vọng, và
nỗ lực đè nén, chế ngự, và tiêu diệt những tư tưởng
(bất thiện) bằng tâm (thiện). Lúc tôi chiến đấu như vậy
thì mồ hôi từ trong nách chảy tuôn ra.
'Như
người mạnh nắm lấy đầu hay hai vai một người yếu rồi
đè xuống, dùng sức cưỡng bách và khắc phục, không cho
ngóc lên, cũng dường thế ấy, tôi chiến đấu và khắc phục
(những tư tưởng bất thiện).
"Sự
tinh tấn của tôi quả thật kiên trì và bất khuất. Tâm niệm
của tôi thật là vững chắc và không hề chao động. Tuy nhiên,
thân tôi mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một cách
đau khổ -- thể xác phải chịu khuất phục trước sự nỗ
lực kiên trì. Mặc dầu những cảm giác đau đớn phát sanh
đến thân tôi, nó không làm tổn hại đến tâm tôi chút nào.
"Lúc
ấy tôi nghĩ như sau: Hay ta thử trau giồi pháp hành thiền
nín thở!
"Rồi
tôi kiểm soát chặt chẽ hơi-thở-vô và hơi-thở-ra, từ miệng
và mũi. Khi tôi kiểm soát hơi-thở-vô, thở-ra, ở miệng và
ở mũi, thì có luồng hơi thoát ra từ lỗ tai, tạo nên một
thứ âm thanh to lớn khác thường. Hơi gió thoát ra từ hai
ống thụt của anh thợ rèn kêu như thế nào thì lúc tôi ngừng
thở, luồng hơi từ lỗ tai thoát ra tạo một âm thanh cũng
to như thế ấy.
"Dẫu
sao, hạnh tinh tấn của tôi vẫn kiên trì và bất khuất. Tâm
niệm của tôi vẫn vững chắc và không hề chao động. Tuy
nhiên, thân tôi mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một
cách đau khổ -- thể xác phải chịu khuất phục trước sự
nỗ lực kiên trì. Mặc dầu những cảm giác đau đớn phát
sanh đến thân tôi, nó không làm tổn hại đến tâm tôi chút
nào.
"Rồi
tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi: Hay là ta thử trau giồi
pháp nín thở!
"Rồi
tôi kiểm soát hơi-thở-vô, thở ra từ miệng, mũi và tai.
Lúc ngừng thở bằng miệng, mũi và tai thì hơi (bị dồn ép)
đập mạnh trong đầu tôi. Như có người thật mạnh khoan
vào sọ tôi một lưỡi khoan thật bén, khi tôi ngừng thở,
hơi đập vào đầu tôi cũng làm đau đớn như vậy. Mặc dầu
những cảm giác đau đớn như vậy phát sanh ở thân tôi, nó
không ảnh hưởng đến tâm tôi chút nào.
"Lúc
ấy tôi tự nghĩ: Hay ta thử hành pháp thiền nín thở ấy
một lần nữa!
"Rồi
tôi kiểm soát hơi-thở-vô, thở-ra từ miệng, mũi và tai.
Và lúc tôi ngừng thở, đầu tôi nghe đau bưng lên. Trạng
thái đau đớn kinh khủng lúc bấy giờ giống như có một
lực sĩ dùng dây thừng siết chặt đầu tôi lại. Tuy nhiên,
hạnh tinh tấn của tôi vẫn một mực kiên trì. Những cảm
giác đau đớn ấy không gây ảnh hởng đến tâm tôi.
"Lúc
ấy tôi tự nghĩ: Hay ta thử hành thiền về pháp nín thở
một lần nữa!
"Rồi
tôi ngưng thở bằng miệng, mũi và tai. Khi tôi kiểm soát hơi
thở như thế ấy thì một luồng hơi mạnh thọc xuyên qua
bụng tôi. Tên đồ tể, thiện nghệ hay mới tập sự, dùng
dao bén rạch một đường trên bụng, làm đau đớn thế nào
thì luồng gió mạnh thọc xuyên qua bụng làm tôi đau đớn
dường ấy. Tuy nhiên tôi vẫn một mực kiên trì tinh tấn.
Những cảm giác đau đớn ấy không ảnh hưởng đến tâm
tôi.
"Lần
nữa tôi tự nghĩ: Hay ta thử hành thiền thêm về pháp nín
thở!
"Rồi
tôi kiểm soát hơi-thở-ra, thở-vào từ miệng, mũi và tai.
Và khi nín thở như vậy tôi cảm giác như có một ngọn lửa
to khủng khiếp bừng lên và bao trùm lấy tôi. Như có người
mạnh nắm chặt một người yếu và đặt lên ống lửa than
đang cháy đỏ cho đến lúc hoàn toàn thiêu rụi, lửa thiêu
đốt thân tôi lúc ngừng thở cũng nóng dường thế ấy. Tuy
nhiên, tôi vẫn kiên trì tinh tấn. Những cảm giác đau đớn
không gây tổn hại đến tâm tôi.
"Lúc
ấy có những vị Trời thấy tôi vậy thì nói với nhau: Đạo
Sĩ Gotama (Cồ Đàm) đã chết! Vài vị khác ghi nhận: Đạo
Sĩ Gotama chưa chết hẳn, nhưng đang chết dần! Trong lúc ấy
cũng có vị nói: Đạo Sĩ Gotama chưa chết hẳn cũng không
phải đang chết dần. Ngài là một vị A La Hán. Đây là lối
sống của một vị A La Hán."
Thay
đổi phương pháp: Tuyệt Thực
"Rồi
tôi nghĩ: Hay ta thử hành pháp tuyệt thực!
"Lúc
ấy có những vị Trời gần tôi và nói: "Bạch Ngài, xin Ngài
chớ nên hành pháp tuyệt thực. Nếu Ngài tuyệt đối không
dùng vật thực nữa thì chúng tôi sẽ rót trên thân Ngài những
chất bổ của cảnh Trời để cho nó thấm vào lỗ chân lông
và nuôi sống Ngài."
"Và
tôi nghĩ: Nếu ta hành pháp tuyệt thực mà các vị Trời lại
rót chất bổ của cảnh Trời để nuôi sống thân này thì
quả là một điều gian dối, nên tôi từ chối rằng: "Điều
ấy không cần thiết".
"Lúc
ấy tôi suy nghĩ như sau: Hay ta thử dùng chút ít vật thực,
mỗi lần chỉ một chút thôi, một ít nước đậu xanh hay
rau cỏ, hay đậu đỏ, hay đậu trắng.
"Khi
mà tôi chỉ dùng thật ít vật thực như thế, ở thể đặc
hay tể lỏng, thì thân tôi trở nên cực kỳ gầy yếu. Vì
thiếu vật thực, những bộ phận lớn và nhỏ trong thân tôi
ốm gầy không khác nào những cọng cỏ ống hay những cây
đăng tam thảo. Bàn tọa của tôi chỉ còn bằng cái móng của
con lạc đà. Xương sống tôi cũng như một xâu chuỗi dựng
đứng lên và cong vào. Xương sườn tôi tựa như một cái
sườn nhà bị sụp đổ. Trong mắt tôi không khác nào hình
ảnh của những ngôi sao mà ta có thể thấy dưới một cái
giếng sâu. Trái mướp đắng cắt ra lúc còn tươi rồi đem
phơi, gió và nắng làm da mướp teo lại, nhăn nhó và héo tàn
thế nào thì da đầu tôi lúc ấy, vì thiếu chất dinh dưỡng,
cũng nhăn nhó và héo tàn như thế ấy. Khi muốn rờ da bụng
thì tôi đụng nhằm xương sống. Và khi muốn rờ xương sống
thì tôi lại đụng nhằm da bụng. Vì thiếu vật thực, da
bụng tôi ép sát vào xương sống và, lúc muốn đứng dậy
đi tiểu tiện, thì tôi luống cuống té ngã xuống. Tôi đập
nhẹ trên chân, tay để làm cho thân mình sống lại. Than ôi,
lúc đập như thế, lông trên mình tôi lả tả rơi xuống đất
vì đã chết gốc. Thấy tôi như vậy, có người nói: 'Đạo
Sĩ Gotama đen'. Vài người nói: 'Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm) không
đen mà xanh dương'. Cũng có người nói: 'Đạo Sĩ Gotama không
đen mà cũng không xanh dương mà nâu sậm'. Màu da sáng sủa
và trong trẻo của tôi tàn tệ đến như thế ấy vì thiếu
vật thực.
"Rồi
tư tưởng sau đây phát sinh đến tôi: Dầu các đạo sĩ hay
các nhà tu khổ hạnh trong quá khứ đã chịu những cảm giác
nhức nhối, đau đớn, dữ dội hay xót xa như thế nào, thì
cũng đến mức này là cùng, không thể hơn nữa. Dầu các
đạo sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong tương lai sẽ chịu
những cảm giác nhức nhối, đau đớn, dữ dội hay xót xa
thế nào, thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn.
Tuy nhiên, đã trải qua bao nhiêu khắc khổ, khó khăn và đau
đớn mà ta không đạt được điều chi tốt đẹp, xứng đáng
với sự giác nộ cao thượng và trí tuệ vượt hẳn những
trạng thái cao thượng của loài người. Hay là còn con đường
nào khác dẫn đến Giác Ngộ chăng?"
Ma
Vương Ác Tâm Cám Dỗ
Ép
xác khổ hạnh dưới đủ hình thức, Đạo Sĩ Gotama vẫn không
thu hoạch được kết quả cứu cánh, mà chỉ kiệt sức. Mặc
dầu, nhờ lúc thiếu thời sống trong cảnh đầy đủ ấm
no sung túc nên có sức lực dồi dào và thân hình tráng kiện,
nhưng Ngài vẫn thấy không còn chịu đựng được nữa. Vóc
mình đẹp đẽ xưa kia nay đã trở nên gầy còm suy nhược,
màu da vàng tươi đã trở thành xanh lợt. Máu cạn, gân rút,
thịt teo, mắt thụt và mờ dần. Ngài chỉ còn là một bộ
xương có sự sống. Nhưng cái chết đã gần kề.
Giữa
tình trạng nguy ngập ấy, trong khi ý chí vững chắc của Ngài
ở mức độ cao nhất (Padhana), trong khi Ngài vẫn ngồi bên
bờ sông Neranjara (Ni-liên-thiền) nỗ lực kiên trì và suy niệm
để thành đạt cho được trạng thái châu toàn tuyệt đối
thì Namuci [3] đến gần và nói những lời sau đây [4]:
"Hỡi
này Đạo Sĩ, người gầy còm, thân hình tiều tụy, giờ chết
đã đến.
"Một
ngàn phần (trong thân hình người) đã chết mòn, chỉ còn
lại một phần sống. Hãy sống, hỡi Đạo Sĩ! Sống là hơn.
Có sống mới tạo được phước.
"Hãy
sống độc thân và hằng cúng tế Thần Lửa, người sẽ tạo
được nhiều phước. Ép mình sống đời khổ hạnh như thế
này để làm gì? Con đường kiên trì nỗ lực quả thật kham
khổ, khó khăn, và không phải dễ thành tựu."
Ma
Vương đứng trước mặt Đức Thế Tôn, nói những lời như
vậy. Để trả lời, Bồ Tát dạy:
"Này
con người xấu xa quỉ quyệt, thân quyến của tội lỗi và
lười biếng! Ngươi đến đây vì lợi ích riêng của ngươi.
"Đối
với ngươi, phước báu nào có giá trị gì, dầu bao nhiêu
phước cũng vô ích. Nhưng bổn phận của ngươi là phải nói
như vậy.
"Với
niềm tin vững chắc (saddha), tự kiểm soát tâm chặt chẽ
(tapo) [5], tinh tấn (viriya) và trí tuệ (panna), ta tu hành như
vậy. Ta đã quyết tâm như vậy, sao ngươi còn cật vấn ta
về đời sống?
"Gió
thổi mãi, một ngày kia cũng có thể làm cạn dòng suối, thì
máu huyết của người tu ép xác khổ hạnh (nhịn ăn, nhịn
uống) làm gì khỏi bị khô dần?
"Máu
cạn thì mật khô, thịt cũng hao mòn. Thịt càng hao mòn thì
tâm càng thanh tịnh. Tâm càng an tịnh, càng an trụ, càng sáng
suốt, thì tâm định càng vững chắc.
"Lúc
ấy cơ thể ta đau đớn vô cùng. Thể xác càng đau đớn,
tâm hồn càng xa lìa tham ái. Chừng ấy ta biết rõ thế nào
là trạng thái trong sạch của một chúng sanh!
"Tham
dục (Kama) là đạo binh số một của ngươi. Đạo binh thứ
nhì là Bất Mãn với đời sống thánh thiện (Arati). Ba là
Đói và Khát (Khuppipasa) [6]. Bốn là Ái Dục (Tanha). Năm là
Hôn Trầm Dã Dượi (Thina-Middha, uể oải, lười biếng và
hôn mê). Sáu là Sợ Hãi (Bhiru). Bảy là Hoài Nghi (Vicikiccha)
[7]. Tám là Phỉ Báng và Cố Chấp (Makkha-Thambha). Chín là Lợi
Lộc (Labha), Khen Tặng (Siloka), Vinh Dự (Sakkara) và Thinh Danh
Bất Chánh (Yasa), và đạo binh số mười là Sự Đánh Cao Quá
Mức Giá Trị Của Mình và Khinh Rẻ Kẻ Khác (Attukkamsanaparavambhana).
"Namuci,
đó là quân đội của ngươi. đó là khách luôn luôn lưu trú
bên trong hạng người xấu xa quỷ quái. Người hèn nhát ươn
yếu thì không thắng nổi, nhưng ai chế ngự được những
đạo binh ấy là tìm ra hạnh phúc.
"Ta
cột trên ngọn cờ của ta chùm cỏ Munja [8]. Đời sống trên
thế gian này rõ là khốn khổ. Thà ta chết trên chiến trường
còn hơn sống mà thất bại! [9]
"Kiểm
soát chặt chẽ dòng tư tưởng, và với chánh niệm kiên cố
vững chắc, ta sẽ đi bất định từ nơi này đến nơi khác,
rèn luyện một số đông môn đệ.
"Chuyên
cần tinh tấn, quyết định, và thực hành giáo huấn của
ta -- không quan tâm đến ngươi - những vị ấy sẽ đến tận
nơi mà không còn đau khổ."
Với
những lời cương quyết ấy, Đạo Sĩ Gotama cả thắng Ma Vương
Tâm Ác, và nhất định thành đạt cho kỳ được mục tiêu,
Đạo Quả Phật.
Con
Đường "Trung Đạo"
Sau
sáu năm tự bản thân kinh nghiệm, Đạo Sĩ Gotama đã nhận
thức chắc chắn rằng lối tu khổ hạnh không thể đem lại
lợi ích, mặc dầu các triết gia và các tu sĩ thời bấy giờ
quả quyết rằng đó là nếp sống tối cần thiết để đạt
đến cứu cánh. Thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí
thức và mệt mỏi tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ
lối tu ấy, cũng như trước kia đã từ bỏ lối sống lợi
dưỡng, chỉ làm chậm trễ tiến bộ khoa học, và chọn con
đường "Trung Đạo" mà sau sẽ trở thành một trong những
đặc điểm của Giáo Lý Ngài.
Hồi
tưởng lại khi còn thơ ấu, vào một buổi lễ Hạ Điền
kia, trong lúc vua cha và mọi người đang chăm chú cử hành
các cuộc vui, thì Ngài đã ngồi thế nào dưới tàng bóng
mát mẻ của một cây trâm, tham thiền, nhập định và đắc
Sơ Thiền.
Đó
mới thật là con đường dẫn đến Giác Ngộ.
Ngài
nhận định rằng vơí tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn
sáng suốt, một sức khỏe thích nghi rất cần thiết để
thành đạt tiến bộ tinh thần, nên quyết định không nhịn
đói nữa mà dùng những vật thực thô sơ.
Năm
vị tu sĩ thân tín bấy giờ lâu nay theo hầu cận với bao
nhiêu hy vọng, nay thấy Ngài đột ngột thay đổi phương pháp
tu tập như vậy thì lấy làm thối chí, bỏ đi Isipatana (Vườn
Lộc Giả) và nói rằng:
"Đạo
Sĩ Cồ Đàm đã trở lại ưa thích xa hoa, đã ngừng cố gắng,
và đã quay về đời sống lợi dưỡng."
Trong
lúc quyết định quan trọng như vậy, sự hỗ trợ bên ngoài
thật vô cùng khẩn thiết. Chính ngay lúc ấy, những người
bạn đồng tu lại bỏ ra đi. Nhưng Ngài không ngã lòng. Một
mình, trong cảnh cô đơn, giữa chốn rừng sâu, các bậc vĩ
nhân thường chứng ngộ những chân lý cao sâu thâm diệu và
giải quyết được những vấn đề phức tạp, khó khăn.
Bình
Minh Của Chân Lý
Sau
khi độ một vài vật thực thô sơ, Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm)
phục hồi sức khỏe và dễ dàng nhập Sơ Thiền (Jhana), tầng
thiền mà Ngài đã thành tựu trong buổi thiếu thời [10]. Rồi
từ đó dần dần Ngài nhập Nhị Thiền rồi Tam và Tứ Thiền.
Khi nhập thiền, tâm Ngài an trụ hoàn toàn vững chắc vào
một điểm, lắng dịu trong sáng như mặt gương lau chùi bóng
láng, và mọi sự vật đều có thể phản chiếu một cách
vô cùng trung thực. Rồi tư tưởng trở nên lắng dịu, tinh
khiết, trong sạch, không còn ô nhiễm, dễ uốn nắn, giác
tỉnh, vững chắc và không thể lay chuyển, Ngài hướng tâm
về tuệ giác có liên quan đến trạng thái "Hồi Nhớ Những
Kiếp Quá Khứ" (Pubbe-nivasanussati Nana, Túc Mạng Minh, tuệ hồi
nhớ tiền kiếp).
Ngài
nhớ lại nhiều kiếp sống qúa khứ như thế này: Đầu tiên
một kiếp, hai kiếp, rồi ba kiếp, rồi bốn, năm, mười,
hai mươi, đến năm mươi, rồi một trăm, một ngàn, một trăm
ngàn, rồi sự phân tán của nhiều chu kỳ thế gian, rồi sự
phát triển của nhiều chu kỳ thế gian, rồi cả hai, sự phân
tán và sự phát triển của nhiều chu kỳ thế gian. Ở đây
Ngài tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào,
kiêng cữ điều gì, vui thích và đau khổ thế nào, và chết
cách nào. Từ cảnh ấy ra đi, Ngài tái sanh vào cảnh nào,
có tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, kiêng
cữ điều gì, vui thích và đau khổ thế nào và chết cách
nào. Rồi từ đó ra đi, tái sanh vào cảnh này.
Như
thế ấy Ngài hồi nhớ cách thức tái sanh và nhiều chi tiết
về những kiếp sống quá khứ.
Đây,
hẳn vậy, là Tuệ Giác Đầu Tiên mà Ngài chứng ngộ vào
lúc canh một, đêm Thành Đạo.
Đã
phá tan lớp vô minh có liên quan đến qúa khứ, Ngài hướng
tâm thanh tịnh về tuệ "Tri Giác hiện tượng Diệt và Sanh
của Chúng Sanh" (Cutupapata Nana, Thiên Nhãn Minh).
Với
tuệ nhãn tinh khiết và siêu phàm, Ngài nhận thấy chúng sanh
chết từ kiếp này tái sanh vào một kiếp sống khác.
Ngài
chứng kiến cảnh tượng kẻ sang người hèn, kẻ đẹp người
xấu, kẻ hạnh phúc người đau khổ, tất cả đều trải
qua hiện tượng diệt và sanh, tùy hành vi tạo tác của mỗi
người.
Ngài
biết rằng người này, do hành động, lời nói và tư tưởng
bất thiện, nguyền rủa bậc Thiện Trí Cao Thượng, tin tưởng
không chân chánh và có nếp sống của người tà kiến, sau
khi thể xác phân tán và lìa đời, đã tái sanh vào những
trạng thái bất hạnh.
Ngài
biết rằng những người kia, do hành động, lời nói và tư
tưởng tốt đẹp, biết tôn trọng bậc Thiện Trí Cao Thượng,
có đức tin chân chánh và có nếp sống của người có chánh
kiến, sau khi thân hoại mạng chung, đã tái sanh vào những
cảnh Trời an vui hạnh phúc.
Như
vậy, với Thiên Nhãn Minh, Ngài mục kích tình trạng phân tán
và cấu hợp trở lại của chúng sanh.
Đây,
hẳn vậy, là Tuệ Giác Thứ Nhì mà Ngài chứng ngộ trong canh
giữa, đêm Thành Đạo.
Đã
phá tan lớp vô minh có liên quan đến tương lai, Ngài hướng
tâm thanh tịnh về "Tuệ Hiểu Biết sự Chấm Dứt các pháp
Trầm Luân" (Asavakkhaya Nana, Lậu Tận Minh) [11]. Đúng với thực
tại, Ngài nhận thức: "Đây là Phiền Não", "Đây là sự Chấm
Dứt Phiền Não". "Đây là Con Đường dẫn chấm dứt Phiền
Não".
Cùng
một thế ấy, đúng với thực tại Ngài nhận định: "Đây
là Ô Nhiễm". " Đây là sự Chấm Dứt Ô Nhiễm". "Đây là
con đường dẫn đến Chấm Dứt Ô Nhiễm".
Nhận
thức như thế, tâm Ngài giải thoát ra khỏi dục lậu (ô nhiễm
của dục vọng), hữu lậu (ô nhiễm của sự luyến ái đời
sống) và vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh).
Được
giải thoát, Ngài biết rằng: "Ta đã được giải thoát" [12]
và Ngài nhận thức: "Tái sanh đã chấm dứt, đời sống Phạm
Hạnh đã được viên mãn, đã làm xong những việc cần phải
làm, không còn trở lại trạng thái này nữa." [13]
Đây
là Tuệ Giác Thứ Ba mà Ngài chứng ngộ trong canh ba, đêm Thành
Đạo.
Màn
vô minh đã được giải tỏa và trí tuệ phát sanh. Đêm tối
đã tan và ánh sáng đến.
Chú
thích:
[1]
Majjhima Nikaya, Trung A -Hàm, Ariya-Pariyesana Sutta, số 26, Tập
I, trang 166.
[2]
Majjhima Nikaya - Trung A-Hàm, số 36, Tập I, trang 242.
[3]
Namuci là một tên khác của Ma Vương (Mara). Theo kinh sách, có
năm loại Ma Vương là: 1. Trời Ma Vương (Devaputta), Khát vọng
(Kilesa), 3. Hành (Abhisamkhara), 4. Uẩn (Khandha), và 5. Tử Thần
(Maccu).
[4]
Sutta Nipata, Padhana Suta, trang 74.
[5]
Tapo - trong bản thảo của Pali Text Society, danh từ này viết
là "Tato"
[6]
Đói và Khát, do sự tự nguyện nghèo khổ.
[7]
Hoài nghi ở đây hàm ý là sự bất định về mục tiêu. Xem
Chương 37
[8]
Thời bấy giờ, trước khi ra trận người chiến sĩ cột trên
ngọn giáo của mình chùm cỏ Munja, tỏ rằng không bao giờ
lùi bước trước quân địch.
[9]
Sangame me matam seyyo - Yan ce jive parajito.
[10]
Jhana, xem chú thích về Lễ Hạ Điền ở Chương 1
[11]
Asavas, pháp trầm luân, là những hoặc lậu, hay bợn nhơ trong
tâm. Nhìn về phương diện cảnh giới, là những ô nhiễm
ngủ ngầm trong tâm, trôi chảy theo luồng nghiệp cho đến
các cảnh giới cao nhất. Nhìn về phương diện luồng tâm,
là những ô nhiễm ngủ ngầm, trôi chảy theo luồng nghiệp
đến trạng thái Gotrabhu (chuyển tánh). Có bốn pháp trầm
luân là: Dục (Kama), Hữu (Bhava), Tà Kiến (Ditthi) và Vô Minh
(Avijja). Đoạn kinh này chỉ đề cập đến ba pháp hoặc lậu
mà thôi. Ở đây, Bhava hay Hữu có nghĩa là ý muốn tái sanh
vào những cảnh giới Sắc và Vô Sắc (Rupa và Arupa Bhava).
[12]
Vimutto'smi
[13]
Khina jati, vusitam brahmacariyam, katam karaniyam, naparam itthattaya.