CHƯƠNG 32
Nghiệp báo và Tái sanh với người phương Tây
Thuyết Nghiệp
Báo và Tái Sanh là căn bản của nền triết học Plato. Con người trãi qua một
"chu kỳ của sự cần thiết". Tội lỗi mà con người gây ra ở phần phân
nửa đầu tiên của cuộc hành trình, con người phải trả trong phần phân nửa sau.
Trong quyển "Republic", Nghiệp Báo được biểu hiện trong nhân vật
Lachesis, con gái của "sự cần thiết", mà chúng sanh ở cảnh vô hình đã
chọn để đầu thai vào. Orpheus chọn hình thể một con thiên nga. Thersites chọn
hình con dã nhân. Agamemmon chọn hình con ó. Cùng một lối ấy, vài con thú trở thành
người rồi lại thành một người khác nữa. Người bất công trở thành man rợ, người
công minh chánh trực trở nên văn minh lịch sự.
Trong thời kỳ
tiền chiến của dân tộc Ba Tư, sự gặp gỡ Đông và Tây tạo nên cuộc cách mạng
chống lối "thế mạt luận"(eschatology - luận về cứu cánh tối hậu của
loài người sau khi chết và sau khi tận thế) giản dị của Homer, và con người bắt
đầu tìm một giải thích sâu hơn về đời sống. Cũng nên ghi nhận rằng cuộc tìm
kiếm ấy khởi đầu do những người Hy Lạp vùng Tiểu-Á-Tế-Á (Ionian Greek of Asia
Minor), mà những người nầy lại chịu ảnh hưởng của Ấn Độ.
Theo lời người
ghi chép lại tiểu sử của Pythagoras [1], ông sanh vào lối 588 trước D.L. tại
đảo Samos. Ông du lịch rất nhiều và đã nghiên
cứu giáo huấn của người Ấn. Chính Pythagoras đã truyền dạy thuyết Nghiệp Báo và
Tái Sanh cho người phương Tây.
Trong quyển
"Greek Thinkers", sử gia Garbe viết rằng: "Thật không phải quá
đáng khi qủa quyết rằng nhờ sự trung gian của người Ba tư (Persia) mà những
người Hy Lạp hiếu kỳ trong thời Đức Phật đã thâu thập những kiến thức ít nhiều chính
xác về thời kỳ văn hóa cực thịnh của phương Đông."
Thuyết Tái Sanh
Dưới Mắt Những Người Khác
Bhavagad Gita:
"Cũng như
người kia vứt bỏ bộ quần áo cũ để mặc y phục mới vào, người nọ vứt bỏ thể xác
quá cũ để nhập vào một thân hình mới."
"Con người
sanh ra chắc chắn phải chết, và chết rồi chắc chắn sẽ tái sanh trở lại."
Herodotus:
"Người Ai
Cập truyền bá lý thuyết chủ trương rằng linh hồn con người trường tồn bất diệt.
Khi thân xác hư hoại, linh hồn sẽ nhập vào một xác thân khác sẳn sàng đón
nhận."
Pythagoras:
"Tất cả
đều có linh hồn, tất cả là linh hồn lang thang, quanh quẩn trong thế gian hữu
cơ và diễn tiến theo ý nguyện hay định luật trường cửu."
Plato:
"Linh hồn
thọ hơn thể xác. Linh hồn liên tục sanh rồi tái sanh, tái sanh trở lại trên thế
gian."
Ovid viết về
Pythagoras, Dryden phiên dịch:
"Cái được
gọi là chết chỉ là vật chất cũ rít nằm trong hình thức mới.
"Cũng như
người ta thay một bộ y phục, và trong những bộ quần áo khác nhau, bị đẩy đưa từ
nơi nầy đến nơi khác, linh hồn vẫn là một, chỉ có hình thể đổi mới.
"Và cũng
như loại sáp mềm dẻo mà người ta đổ vào khuôn, mặt sáp sẽ ghi nhận hình ảnh của
cái khuôn, cùng một lúc hình ảnh cũ bị xóa bỏ. Chỉ có hình thức biến đổi, sáp
vẫn là sáp.
"Như vậy,
được sanh ra là bắt đầu trở thành một cái gì mới, khác hơn cái trước.
"Và những
hình thức mới ấy cũng biến đổi nữa. Không có cái gì giữ nguyên vẹn hình thể mà
không liên tục thay hình dổi dạng."
Schopenhauer:
"Ta thấy
rằng thuyết luân hồi khởi xuất từ thuở sơ khai, trong thời kỳ vàng son của nhân
loại, luôn luôn lan rộng trong dân gian, được coi là tín ngưỡng của phần lớn và
cũng là giáo lý của tất cả tôn giáo, ngoại trừ tín ngưỡng của người Do Thái và
hai tôn giáo xuất xứ từ hình thức rất tế nhị của tín ngưỡng ấy. Các thuyết luân
hồi đã biến chuyển đến rất gần chân lý mà Phật Giáo đề cập . Như vậy, trong lúc
Cơ Đốc Giáo tự an ủi với những ý tưởng sẽ tự gặp mình trở lại trong một thế
gian khác, và cũng sẽ tự nhận ra tức khắc, thì theo các tôn giáo khác, sự gặp
gỡ trở lại đã diễn tiến nhiều lần, nhưng ta không thể nhận ra. Trong những kiếp
tái sanh liên tục tái diễn, những người đã có liên quan mật thiết hoặc có tiếp xúc
ngay với nhau sẽ gặp lại nhau trong một kiếp sống vị lai, cũng lại có sự liện
hệ với nhau hoặc y hệt, hoặc tương tợ, và những tình cảm, thiện hay ác, đối với
nhau như trong kiếp sống nầy.
"Cũng như
đã được ghi chú trong kinh Phệ Đà (Vedas) và tất cả các kinh sách khác ở Ấn Độ,
thuyết luân hồi được xem là nền tảng của Bà La Môn Giáo và Phật Giáo. Cho đến
nay, phần lớn các dân tộc Á Đông không phải Hồi Giáo, hơn phân nữa nhân loại,
vẫn tin tưởng chắc chắn thuyết luân hồi và đời sống thực tế hằng ngày vẫn chịu
ảnh hưởng xâu sắc của thuyết ấy.
"Đó cũng
là tín ngưỡng của người Ai Cập, và từ Ai Cập, Orpheus, Pythagoras và Plato đã
nhiệt thành nhận lãnh, và đặc biệt giữ lại. Giáo lý nầy cũng được dạy trong
những bí ẩn của người Hy Lạp, chắc chắn không thể chối cải là theo quyển thứ
chín trong Định Luật của Plato."
"Sách Edda,
đặc biệt là trong tập "Volusna", cũng dạy thuyết luân hồi; không ít
hơn nền tảng của những người theo tín ngưỡng Druid (một hệ thống tín ngưỡng
trước thời Cơ Đốc Giáo).
"Theo như
tất cả những gì được trình bầy, sự tin tưởng nơi thuyết luân hồi tự nó là niềm
tin quả quyết tự nhiên của con người mỗi khi nghĩ đến vấn đề nầy mà không bị ám
ảnh trước ..." (The World As Will And Idea)
Hume:
"Thuyết luân
hồi là hệ thống duy nhất đề cập đến trạng thái vĩnh cửu trường tồn mà triết học
có thể quan tâm đến."
Disraeli:
"Không có
hệ thống nào vừa giản dị, vừa ít va chạm sự hiểu biết của chúng ta bằng thuyết
luân hồi. Thuyết ấy xem những đau khổ và lạc thú trong kiếp sống nầy như sự
thưởng hay phạt các hành động của ta trong một trạng thái khác."
Dante:
"Và đây
hỡi con, do nơi trọng lượng lúc chết, con sẽ trở lại xuống đây."
Emerson:
"Cái định
mệnh mà chúng ta phải lãnh là do chính ta đã chuẩn bị một cách hồn nhiên, vô ý
thức, trong rất nhiều kinh nghiệm mà ta không thấy nổi giá trị. Có lẽ chúng ta
còn tiếp tục nhận lãnh định mệnh ấy trong nhiều kiếp nữa, trước khi hoàn tất
công việc trả quả."
Lesling:
"Tại sao
tôi không thường trở lại đây để lãnh hội những hiểu biết mới, những kinh nghiệm
mới? Trong mỗi chuyến đi, tôi có đem theo đầy đủ kinh nghiệm và hiểu biết để
khỏi phải phiền phức trở lại không?"
Huxley:
"Cũng như
chủ thuyết tiến hóa luận, thuyết chuyển sinh linh hồn bắt nguồn từ thực tế.
"Kinh nghiệm
sống hằng ngày làm chúng ta quen dần với những sự kiện được gom lại dưới danh
từ truyền thống. Mỗi người chúng ta đều mang theo với mình những đặc điểm của
cha mẹ, đôi khi của thân quyến xa xôi. Riêng về những thói quen, những khuynh
hướng hành động mà ta gọi là "tâm tánh", thường được chuyển đi rất xa
theo chiều dọc, từ ông bà xuống con cháu, và theo chiều ngang, trong quyến
thuộc. Như vậy, ta có thể nói rằng tánh tình, tinh thần và tinh hoa trí thức
của con người, chắc chắn có thuyên chuyển từ người nầy sang người khác và từ
thế hệ trước đến thế hệ sau. Bên trong đứa trẻ sơ sinh đã có ngủ ngầm những đặc
điểm truyền thống, và cái "ta" chỉ là một khối năng lực tiềm tàng,
thêm vào chút gì khác. Nhưng tiềm năng ấy rất sớm nổi lên mặt và trở thành sức
mạnh thật sự, một thực lực, từ tuổi trẻ trở lên, biểu hiện lúc lu mờ khi sáng
tỏ, lúc yếu, lúc mạnh, lúc đúng, lúc sai lầm, và mỗi lần đổi sang từ thể xác
nầy đến một xác thân khác thì tâm tánh riêng biệt ấy lại bị một tâm tánh khác
biến đổi.
"Những triết
gia Ấn Độ gọi cái "Tánh" đồng nghĩa với Karma (nghiệp). Chính cái
nghiệp chuyển từ đời này đến đời khác và nối liền các kiếp sống trong một chuỗi
dài những kiếp chuyển sinh, và các triết học gia ấy chủ trương rằng trong mỗi
kiếp sống, cái nghiệp biến đổi, không những do truyền thống mà còn do chính
động của mình"
Tennyson:
"Hoặc nếu
tôi đến đây xuyên qua những kiếp sống thấp kém, mặc dầu cả mọi kinh nghiệm
trong quá khứ đã vững chắc đóng khuôn trong tâm, có thể tôi quên đi số phần yếu
kém của tôi. Bởi vì năm đầu tiên của chúng ta đã bị lãng quên, những vang âm
trí nhớ, vốn tới lui thường xuyên, không còn lai vãng."
Wordsworth:
"Cái sanh
của chúng ta chỉ là một giấc điệp và một sự lãng quên. Linh hồn vì tinh tú của
đời sống, xuất hiện với ta hôm nay, đã có cơ sở ở một nơi và sau đó, đến đây từ
phương xa: không trọn vẹn trong sự lãng quên, cũng không trơ trọi."
Shelley:
"Nếu không
có lý do nào để giả định rằng ta đã có sống trước thời kỳ hiện tại bắt đầu biểu
hiện, thì cũng không căn cứ vào đâu để giả định rằng chúng ta sẽ còn tiếp tục
sống nữa sau khi kiếp sống hiện tại chấm dứt."
Giáo sư Francis
Bowen của đại học Harvard viết như sau để kêu gọi tín đồ Cơ Đốc Giáo nên chấp
nhận thuyết tái sanh :
"Đời sống
của chúng ta trên một quả cầu là một qui phạm và một sự chuẩn bị tiến đến đời
sống sau này, cao thượng và vĩnh viễn hơn. Nhưng nếu phải bị giới hạn trong
thời gian của một kiếp sống thì thật là ngắn ngủi, và hình như khó đầy đủ mục
tiêu quan trọng như thế. Bảy mươi năm chắc chắn không đủ để chuẩn bị cho thời
gian vĩnh cửu vô cùng tận. Nhưng có gì bảo đảm cho ta rằng giai đoạn tập sự cho
linh hồn phải bị gò bó trong thời hạn hẹp hòi như vậy? Tại sao giai đoạn ấy
không thể tiếp tục kéo dài thêm hay lặp lại trong một chuỗi dài những thế hệ kế
tiếp, một cái tính tạo sinh khí cho một số thể xác vô định? Từ thân này đến
thân khác, và mang đến cho mỗi thể xác những kiến thức đã thâu lượm, tánh tình đã
tạo nên, khí chất và tâm tánh sẵn có trong những giai đoạn kế tiếp liền đó. Nó
không cần biết đến quá khứ của nó, mặc dầu đang mang quả và chịu sâu rộng của
quá khứ ấy trong thể chất hiện tại. Bao nhiêu đoạn dài của kiếp sống quá khứ đã
bị lãng quên hoàn toàn, mặc dầu đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng tâm và
trí. Do đó có sự khác biệt giữa người này và người kia. Trách nhiệm của chúng ta
không vì sự quên lãng ấy mà giảm kém đi. Hình như ta vẫn chịu ảnh hưởng của sự
lạm dụng thì giờ, mặc dầu đã quên hẳn ta đã phung phí như thế nào,và ở đâu.
Chính đến nay, chúng ta vẫn còn đang lập lại những quả đắng, do nơi sức khỏe
yếu kém, và tham vọng hư hèn của những hành động dễ duôi vô ý thức và tội lỗi
đã bị lãng quên, bị lãng quên vì chúng quá nhiều.
"Nếu mỗi
linh hồn tuyệt đối là một tạo vật mới, mỗi đời sống phải được tạo ra hoàn toàn,
thì một cách hợp lý, ta có thể hỏi tại sao các linh hồn có thể khác biệt nhau như
thế từ lúc đầu? Nếu thuyết di thể cũng nằm trong chương trình của một chánh
quyền trên thiên đàng để trị vì thế gian thì tất cả những khó khăn trên đều tự
nhiên tan biến cùng một lúc. Đứng về một phương diện, mọi người đều được sanh vào
trạng thái mà chính mình tạo trong lịch trình quá khứ của mình. Lý thuyết chủ
trương rằng mình phải chịu hậu quả của những tội lỗi mà tổ tiên gây nên là một
bài học khó. Nhưng không ai có thể phản đối về cái thân phận mà chính mình đã
thừa hưởng của chính mình, của chính tự ngã của mình trong một trạng thái ở
kiếp sống quá khứ. Cái mà ta gọi là chết chỉ là biến trạng đưa đến một đời sống
khác trên quả địa cầu và nếu đời sống ấy không được cao quí tốt đẹp hơn kiếp
sống cũa vừa chấm dứt thì chính là tại ta."
Tiền kiếp
" Tôi trải
mình nằm dài trên bãi biển
Và thả hồn thơ
mộng một không gian bé nhỏ.
Tôi nghe những
lượn sóng to tan vỡ và gầm thét.
Mặt trời ở ngay
trước mặt tôi.
"Những ngón
tay đen trên bàn tay dã dượi của tôi
Lười biếng nô đùa
với cát xám,
Những lượn sóng
vập vồ trườn lên bãi.
Những lượn sóng
rút về biển cả
vang động và vui
vẻ ,
"Những hột
cát vừa trong, vừa mịn,
Ấm áp nằm trên tay
tôi ,
Cũng như những
người bé nhỏ mà tôi thấy
Ngồi đó đây trên
bãi biển.
"Những hột
cát nhỏ, rực rỡ và mịn màng,
Lọt xuyên qua kẽ
tay tôi ;
Mặt trời rọi xuống
trên tất cả ...
Và tôi đã bắt đầu
mơ tưởng:
"Tất cả
những cái ấy trước kia là thế nào ?
Bao nhiêu năm đã
tôi qua, xa xôi trong dĩ vãng
Tôi đã nằm trên
bãi biển nào mà nay đã lãng quên,
Cũng như tôi đã
nằm đây hôm nay .
"Những lượn
thủy triều đã vươn lên.
Và chiếu sáng bãi
cát cũng như hôm nay .
Và trong lòng bàn
tay thuộc về thời thượng cổ của tôi
Những hột cát vẫn
ấm áp và mịn màng.
"Tôi đã
quên hẳn từ đâu tôi đến đây,
hay quê nhà của
tôi là thế nào.
Hay lúc ấy tôi gọi
cái biển gầm thét vang động này.
Bằng những danh từ
quái lạ và man rợ nào.
"Chỉ biết
rằng lúc ấy mặt trời đã rọi sáng xuống
cũng như rọi sáng
hôm nay,
và những hột cát
mịn màng
nằm trên ngón tay
dài thượt và đen xám của tôi. [2]
Chú thích:
[1] Pythagoras
nhớ lại đã tham dự trận chiến Trojan dưới tên Euphorbus. Empedocles đã có những
kiếp sống làm một thanh niên, một thiếu nữ, một con chim và một con cá trong
lòng biển cả (Frag. 117, Diels).
[2] Frances
Cornford, "An Anthology of Modern Verse", do A. Methuen, London, Methuen
and Co., chọn và trích đăng trong "The Buddhist Annual of Ceylon",
1927