CHƯƠNG 04
Sau khi Thành Đạo
"Trên thế gian, không luyến ái là hạnh phúc" -- Udana
Trong buổi
sáng, ngay trước ngày Thành Đạo, lúc Bồ Tát ngồi dưới gốc cây cổ thụ Ajapala
gần cội Bồ Đề, thì có một bà giàu lòng quảng đại tên Sujata thình lình dâng đến
Ngài một vật thực bằng gạo với sữa mà bà đã công khó tự tay tỉ mỉ làm lấy. Sau
khi thọ xong bữa ăn có nhiều chất dinh dưỡng ấy, Đức Phật nhịn đói luôn suốt
bảy tuần nhật. Ngài trải qua thời gian bốn mươi chín ngày yên lặng để suy niệm,
quanh quẩn dưới gốc cây Bồ Đề.
Tuần Lễ Đầu
Tiên
Suốt thời gian
bảy ngày đầu tiên sau khi Thành Đạo Đức Phật ngồi không lay động dưới tàng cây
Bồ Đề [1] để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (Vimutti Sukha). Trong đêm cuối
tuần, Ngài xuất thiền và suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada)
[2] theo chiều xuôi như sau: "Khi có cái này (nguyên nhân), thì cái này
(hậu quả) có. Với sự phát sanh của cái này (nhân), cái này (quả) phát
sanh".
- Tùy thuộc nơi
Vô Minh (avijja), Hành (samkhara), thiện và bất thiện, phát sanh
- Tùy thuộc nơi
Hành, Thức (vinnana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi
Thức, Danh-Sắc (nama-rupa) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi
Danh-Sắc, Lục Căn (salayatana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi
Lục Căn, Xúc (phassa) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi
Xúc, Thọ (vedana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi
Thọ, Ái (tanha) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi
Ái, Thủ (upadana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi
Thủ, Hữu (bhava) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi
Hữu có Sanh (jati).
- Tùy thuộc nơi
Sanh, phát sanh Bệnh (jara), Tử (marana), Sầu Não (soka), Ta Thán (parideva),
Đau Khổ (dukkha), Buồn Phiền (domanassa) và Thất Vọng (upayasa).
Toàn thể khối
đau khổ phát sanh như thế ấy.
Lúc bấy giờ đã
thấu hiểu ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau:
"Quả thật
vậy, khi các Chân Lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân (Brahmana) [3] đã
kiên trì cố gắng và suy niệm thâm sâu, bao nhiêu hoài nghi đều tan biến vì vị
này đã thấu triệt chân lý cùng với các nguyên nhân".
Khoảng canh
giữa trong đêm, Đức Phật suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên theo chiều ngược như
sau: "Khi nguyên nhân này không còn thì hậu quả này cũng không còn. Với sự
chấm dứt của nhân này, quả này cũng chấm dứt".
- Với sự chấm
dứt của Vô Minh, Hành chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Hành, Thức chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Thức, Danh-Sắc chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Danh-Sắc, Lục Căn chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Lục Căn, Xúc chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Xúc, Thọ chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Thọ, Ái chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Ái, Thủ chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Thủ, Hữu chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Hữu, Sanh chấm dứt.
- Với sự chấm
dứt của Sanh, Bệnh, Tử, Sầu Não, Ta Thán, Đau Khổ, Buồn Phiền và Thất Vọng chấm
dứt.
Như thế ấy,
toàn thể khối đau khổ chấm dứt.
Lúc bấy giờ đã
thấu hiểu ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau:
"Quả thật
vậy, khi các Chân Lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân (Brahmana) đã kiên
trì cố gắng và suy niệm thâm sâu, bao nhiêu hoài nghi đều tan biến vì vị này đã
thấu triệt sự tận diệt các nguyên nhân".
Đến canh ba,
Đức Thế Tôn suy niệm về pháp "Tùy Thuộc Phát Sanh" theo chiều xuôi và
chiều ngược như sau: "Khi nhân này có, thì quả này có. Với sự phát sanh
của nhân này, quả này phát sanh. khi nhân này không có thì quả này không có.
Với sự chấm dứt này, quả này chấm dứt."
- Tùy thuộc nơi
Vô Minh, Hành phát sanh v.v...
Như thế ấy,
toàn thể khối đau khổ phát sanh.
- Với sự chấm
dứt của Vô Minh, Hành chấm dứt v.v...
Như thế ấy,
toàn thể khối đau khổ chấm dứt.
Lúc bấy giờ đã
thấu hiểu ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau:
"Quả thật
vậy, khi các Chân Lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân (Brahmana) đã kiên
trì cố gắng và suy niệm thâm sâu, thì Ngài vững vàng phá tan vây cánh cửa của
Ma Vương cũng như ánh sáng thái dương phá tan đêm tối và rọi sáng bầu
trời".
Tuần Thứ Nhì
Tuần lễ thứ nhì
trải qua một cách bình thản, nhưng trong sự yên lặng ấy Đức Phật đã ban truyền
cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với
cây Bồ Đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu
để thanh đạt Đạo Quả, Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cây Bồ Đề
trọn một tuần không nháy mắt. [4]
Noi theo gương
lành cao quý và để kỷ niệm sự thành công vẻ vang, hàng tín đồ của Đức Phật đến
ngày nay vẫn còn tôn kính, chẳng những chính cây ấy mà đến các cây con, cháu
của cây ấy. [5]
Tuần Thứ Ba
Vì Đức Phật
không rời nơi trú ngụ mà vẫn còn quanh quẩn ở cội Bồ Đề nên chư Thiên lúc bấy
giờ còn nghi ngờ, không biết Ngài đã đắc Quả Phật chưa. Đức Phật đọc được tư
tưởng ấy, dùng oai lực thần thông tạo một "đường kinh hành quý báu" (ratana
camkamana) và đi lên đi xuống thiền hành suốt trọn tuần.
Tuần Thứ Tư
Trong tuần lễ
thứ tư, Đức Phật ngự trong "bảo cung" (ratanaghara, cái phòng bằng
ngọc, trong ý nghĩa "cái phòng quý báu") để suy niệm về những điểm
phức tạp của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma, giáo lý cao siêu) [6]. Kinh sách ghi
nhận rằng khi Ngài suy tưởng về lý Nhân Quả Tương Quan (Patthana), bộ khái luận
thứ bảy của Tạng Vi Diệu Pháp, tâm và thân Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết và
do đó phát tủa ra một vầng hào quang sáu màu [7].
Tuần Thứ Năm
Trong tuần thứ
năm, Đức Phật ngồi dưới cội Ajapala trứ danh, chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát
(vimutti sukha). Vào cuối tuần, khi Ngài xuất ra khỏi trạng thái siêu thế ấy có
một vị Bà-la-môn ngã mạn (huhumka jakita) đến gần chào hỏi theo lễ nghi rồi
nói: "Này Tôn Giả Gotama (Cồ Đàm), đứng về phương diện nào ta trở thành
một thánh nhân (Brahmana) và những điều kiện nào làm cho ta trở thành thánh
nhân?"
Để trả lời, Đức
Phật đọc lên bài kệ:
"Người kia
đã xa lánh mọi điều xấu xa tội lỗi, không còn ngã mạn (huhumka), đã thanh lọc
mọi ô nhiễm, thu thúc lục căn, thông suốt các pháp học và đã chân chánh sống
đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là thánh nhân (Brahmana). Đối với
người ấy không còn có sự bồng bột, dầu ở nơi nào trên thế gian." [8]
Theo bản Chú
giải Túc Sanh Truyện, cũng trong tuần lễ này, ba người con gái của Ma Vương -
Tanha, Arati và Raga [9] - cố gắng lấy nhan sắc quyến rũ Đức Phật, nhưng thất
bại.
Tuần Thứ Sáu
Từ cây Ajapala
Đức Phật sang qua cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm Hạnh
Phúc Giải Thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẫm tối dưới lớp
mây đen nghịt và gió lạnh thổi suốt nhiều ngày.
Vào lúc ấy
Mucalinda, mãng xà vương, từ ổ chun ra, uốn mình quấn xung quanh Đức Phật bảy
vòng và lấy cái mỏ to che trên đầu Ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động
đến thân Đức Phật. Đến cuối ngày thứ bảy, thấy trời quang mây tạnh trở lại,
Mucalinda tháo mình trở ra và bỏ hình rắn, hiện thành một thanh niên, chấp tay
đứng trước mặt Đức Phật. Đức Phật đọc bài kệ như sau:
"Đối với
hạng người tri túc, đối với người đã nghe và đã thấy chân lý thì sống ẩn dật là
hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, có thiện chí, người biết tự kiềm
chế, thu thúc lục căn đối với tất cả chúng sanh là hạnh phúc. Không luyến người
ái, vượt lên khỏi dục vọng là hạnh phúc. Phá tan được thành kiến 'ngã chấp' quả
thật là hạnh phúc tối thượng."
Tuần Thứ Bảy
Vào tuần thứ
bảy, Đức Phật bước sang cội cây Rajayatana và ở đó chứng nghiệm Quả Phúc Giải
Thoát.
Một Trong Những
Phật Ngôn Đầu Tiên
"Xuyên qua
nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai mãi đi tìm
mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời
sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ
làm nhà,
Như Lai đi tìm
được ngươi.
Từ đây ngươi không
còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà
đều gãy,
Cây đòn dong của
ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng
nghiệm Quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục". [10]
Vừa lúc bình minh,
vào ngày Ngài chứng đắc Quả Vô Thượng, Đức Phật đọc lên bài kệ hoan hỷ này, mô
tả sự chiến thắng tinh thần vô cùng vẻ vang rực rỡ.
Đức Phật nhìn
nhận cuộc đi thênh thang bất định trong nhiều kiếp sống quá khứ đầy khổ đau
phiền lụy.
Đây cũng là sự
kiện hiển nhiên, chứng minh niềm tin nơi thuyết tái sanh.
Ngài phải đi
bất định và do đó phải chịu khổ đau, bởi vì chưa tìm ra người đã xây dựng cái
nhà, tức cơ thể vật chất này.
Trong kiếp sống
cuối cùng, giữa khung cảnh cô đơn tịch mịch của rừng thiêng, lúc đi sâu vào
công trình hành thiền mà Ngài đã dày công trau dồi từ xa xôi trong quá khứ,
trải qua cuộc hành trình bất định, Ngài khám phá ra anh thợ cất nhà hàng mong
mỏi muốn biết.
Anh thợ này
không ở đâu ngoài, mà ẩn tàng sâu kín bên trong Ngài. Đó là ái dục, sự tự tạo,
một thành phần tinh thần luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người. Ái dục
xuất phát bằng cách nào thì không thể biết.
Cái gì ta tạo
ra ắt ta có thể tiêu diệt. Vị kiến trúc sư đã tìm ra anh thợ cất nhà, tức đã
tận diệt ái dục, khi đắc Quả A La Hán, mà ý nghĩa được bao hàm trong những danh
từ "chấm dứt ái dục".
Cái sườn của
căn nhà tự tạo ấy là những ô nhiễm (kilesas) như tham (lobha), sân (dosa), si
(moha), ngã mạn (mana), tà kiến (ditthi), hoài nghi (vicikiccha), dã dượi
(thina), phóng dật (uddhacca), không hổ thẹn tội lỗi, những hành động bất thiện
(ahirika), không ghê sợ hậu quả của hành động bất thiện (anottappa).
Cây đòn dong
chịu đựng cái sườn nhà là vô minh, căn nguyên xuất phát mọi dục vọng.
Phá vỡ được cây
đòn dong vô minh bằng trí tuệ là đã làm sập được căn nhà.
Sườn và đòn
dong là vật liệu mà anh thợ dùng để xây cất cái nhà không đáng cho ta ham muốn.
Nếu hết vật liệu, tức nhiên anh thợ không còn cất nhà được nữa.
Khi nhà đã bị
phá vỡ tan tành thì cái tâm mà trong câu chuyện không được đề cập đến, đã đạt
đến trạng thái vô vi, Vô Sanh Bất Diệt, Niết Bàn.
Tất cả những gì
còn tại thế đều phải bị bỏ lại phía sau và chỉ còn có trạng thái siêu thế, Niết
Bàn.
Chú thích:
[1] Bồ Đề là
cội cây trứ danh thuộc loại Pipal, tại Buddha Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), miền Bắc
xứ Ấn Độ, đã che mưa đỡ nắng cho Đức Phật trong khi Ngài chiến đấu để thành đạt
Đạo Quả.
[2] Xem Chương
25.
[3] Brahmin là
một danh từ có nghĩa "người có học kinh Phệ Đà", hàm ý người tu sĩ Bà
La Môn. Đôi khi Đức Phật dùng danh từ này với nghĩa "người đã xa lánh mọi
điều xấu xa tội lỗi", một thánh nhân. Trong sách này, danh từ
"Brahmana" được dùng để chỉ một thánh nhân, và danh từ
"Brahmin" có nghĩa là một người thuộc giai cấp Bà La Môn.
[4] Về sau,
chính nơi Đức Phật đứng trọn một tuần lễ để nhìn cây Bồ Đề, vua Asoka (A Dục)
có dựng lên một bảo tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya, đến nay vẫn còn.
[5] Một nhánh,
chiết từ phiá tay mặt của cây Bồ Đề nguyên thủy này được Ni sư Sanghamitta
Theri đem từ Ấn Độ sang Tích Lan (Sri Lanka)
và Vua Devanampiyatissa trồng tại Anuradhapura,
cố đô xứ Tích Lan. Cây này vẫn còn sum suê tươi tốt.
[6] Vì lẽ ấy,
nơi này được gọi là Ratanaghara, bảo cung.
[7] Sáu màu là:
xanh dương (nila), vàng (pita), đỏ (lohita), trắng (odata), cam (manjettha) và
thứ sáu là năm màu pha lẫn (pabhassara).
[8] Udana,
trang 1.
[9] ba người
này không thể là ba dục vọng vì việc này xảy ra sau khi Đức Phật đã Đắc Quả,
nghĩa là đã tận diệt mọi dục vọng.
[10] Bài kệ
hoan hỷ trứ danh này chỉ thấy trong Dhammapada (Kinh Pháp Cú), câu 153-154.