KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA )


Thiện Nhựt lược-dịch và tìm hiểu
08/09/2010 01:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 34319
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

IX.- Phẩm Ác.

(95).- Tích chuyện vợ chồng ông Cù-lê-kha.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc vợ chồng ông Cù-lê-kha.

Thuở ấy, có một đôi vợ-chồng người Bà-la-môn, tên là Cù-lê-kha, nhà nghèo, chỉ có một chiếc áo choàng bên ngoài mà thôi. Mỗi khi chồng ra đi, thì vợ phải ở lại nhà, vì chẳng có áo mặc. Họ rất mộ đạo, ban ngày, vợ mặc áo đến chùa Kỳ-viên, nghe Phật giảng-pháp; đến đêm, tới phiên người chồng mặc áo, đi nghe giảng đạo. Một đêm kia, vào lúc đầu hôm, người chồng mãi chăm-chú nghe Đức Phật thuyết-pháp, trong lòng cảm thấy một niềm vui-sướng vô-biên, định cổi áo ra dâng-cúng lên Đức Phật. Nhưng nghĩ đến vợ ở nhà, mai chẳng có áo đi ra ngoài, nên thôi. Đến nửa đêm, nghe tiếp, anh muốn dưng áo, nhưng suy-nghĩ một chốc, lại thôi. Đến hừng sáng, ý-định dâng-cúng bỗng trở nên mạnh-mẽ, anh cổi áo ra, đem đặt dưới chơn Phật, thốt lên ba lần: "Ta đã thắng!"

Bấy giờ trong hàng thính-chúng, có đức vua Ba-tư-nặc nghe thấy, mới sai viên quan hầu-cận, đến điều-tra sự-việc ra sao. Sau khi biết người kia đã đem chiếc áo độc-nhứt của vợ-chồng mình ra cúng-dường lên Đức Phật, đức Vua hết sức khen ngợi việc làm rất khó làm kia, nên sai quân mang một tấm vải tốt đến thưởng cho anh ta. Người chồng liền đem tấm vải đặt dưới chơn Phật. Vua thấy thế, liền bảo thưởng thêm cho người ấy hai tấm vải mới. Anh ta lại cũng dâng-cúng Đức Phật luôn. Đức Vua lại thưởng bốn tấm nữa, cứ mỗi lần tăng số tấm vải lên gấp đôi. Cho đến lúc được thưởng ba mươi hai tấm, anh ta mới giữ lại hai tấm, còn ba mươi tấm kia đều cúng-dường lên Đức Phật.

Sáng ngày, đức Vua sai quan về hoàng-cung chọn hai tấm gấm thật đẹp, ban cho người chồng. Sau khi nhận hai bức gấm, người ấy về nhà may hai chiếc lọng, một đem dâng tại hương-phòng của Đức Phật, còn một treo trước cửa nhà mình, để chờ đón chư Tăng khất-thực đi ngang qua. Lần sau, khi nhà vua vào chùa Kỳ-viên, thấy chiếc lọng, biết là do tấm gấm của mình ban cho anh nhà nghèo kia, mới tỏ lòng khâm-phục và ra lịnh ban thưởng cho anh thật là nồng-hậu. Số tặng-phẩm gồm có bảy thứ, mỗi thứ bốn món: bốn con voi, bốn con ngựa, bốn người nô-lệ gái, bốn người nô-lệ trai, bốn cậu trai nhỏ để sai-vặt, tiền thuế của bốn xã và bốn ngàn đồng tiền mặt.

Bấy giờ, chư Tăng nghe thấy sự việc ấy, mới đến thưa trình cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, vì cớ chi mà một hành-động thiện của người Bà-la-môn kia lại trỗ quả tốt ngay như thế?" Đức Phật bảo: "Nầy chư Tăng, nếu người Bà-la-môn dâng-cúng chiếc áo vào đầu hôm, thì sẽ được thưởng mười sáu chiếc; nếu dưng vào nửa đêm, sẽ được thưởng tám chiếc. Vì dưng vào lúc hừng sáng, nên chỉ được thưởng có hai chiếc. Thế cho nên, chư tỳ-kheo, khi phát tâm bố-thí, ta nên hăng-hái thi-hành ngay, nếu còn so-đo, ngại-ngùng rồi mới bố-thí, thì quả-báo tốt sẽ đến chậm hơn và thưa-thớt hơn. Mỗi khi gặp việc thiện đáng làm mà lại chần-chờ, thì dễ bỏ lỡ cơ-hội, vì tâm-ý thường thích quay theo việc chẳng lành."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Gấp gấp làm việc lành,
Mau mau tránh điều ác.
Chuyện thiện còn lần-khần,
Ý liền thích chỗ dữ.
(Kệ số 116.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Cù-lê-kha: tên người Bà-la-môn nầy, tiếng Pali là Cùlekasàtaka.

- Thính-chúng: Thính = nghe; Chúng = số đông. Thính-chúng là những người đang ngồi nghe.

- Ba-tư-nặc: tên vua nước Câu-tát-la ( =Kosala), người rất tôn-sùng đạo Phật. Tên tiếng Pali là Pasenadi.

- Hầu-cận: Hầu = hầu-hạ; Cận = gần bên.

- Điều-tra = tìm biết sự thật ra sao.

- Độc-nhứt = chỉ có một mà thôi.

- Hoàng-cung: Hoàng = hoàng-đế, vua; cung = cung-điện; đền-đài; Hoàng-cung là đền-đài chỗ vua ở.

- Lọng = giống như một cây dù lớn, phiá trên tròn, rộng vành, để che mát, trông rất trang-nghiêm.

- Hương-phòng: Hương = mùi thơm. Hương-phòng là căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật. Tiếng Pali là Gandhakuti.

- Tặng-phẩm: Tặng = ban-tặng, biếu; Phẩm = phẩm-vật. Ở đây, vua Ba-tư-nặc đã theo tục-lệ xưa, tặng bảy thứ, mỗi thứ bốn món; tiếng Pali là sabbacatukka (sabba = mỗi thứ; catukka = bốn món.)

- Trỗ quả: ý muốn nói, vì hành-vi thiện trước làm nguyên-nhơn, nên sau sanh ra kết-quả tốt, ví như trước có bông, sau nở ra trái cây vậy.

- Lần-khần: lừng-khừng, chần-chờ, chẳng chịu làm ngay.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một người nghèo-khổ đã dâng-cúng Đức Phật chiếc áo duy-nhứt của hai vợ-chồng. Làm được việc khó làm nầy, ông Cù-lê-kha được nhà Vua thưởng cho rất trọng-hậu. Nhơn việc nầy, Đức Phật dạy, khi gặp việc thiện, ta phải làm ngay, nếu chần-chờ sẽ mất cơ-hôi, vì tâm-trí ta thường hay nghĩ đến việc chẳng lành.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 116:

Bài Kệ thúc-dục ta phải mau mau: (1) làm ngay việc thiện; và (2) tránh ngay việc ác. Tại sao ta phải mau làm ngay việc thiện? Vì nếu chần-chờ, chẳng những lỡ mất cơ-hội để làm, mà ngay trong bụng ta cũng hay so-đo, tính-toán, rồi bỏ qua luôn. Tại sao phải gấp gấp tránh ngay việc ác? Vì nếu ta chẳng sớm tránh, việc ác sẽ theo cám-dỗ, rồi sớm muộn chi ta cũng bị sa-ngã.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ: gặp việc thiện nên làm liền; thấy việc ác cám-dỗ, nên tránh xa ngay.

(96).- Tích chuyện Tỳ-kheo Sĩ-gia-sa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc tỳ-kheo Sĩ-gia-sa.

Thuở ấy, có vị tỳ-kheo tên là Sĩ-gia-sa thường hay thủ-dâm. Thói xấu đó đến tai Đức Phật. Ngài quở-trách vị tỳ-kheo rất nặng-nề, dạy rằng tật xấu thủ-dâm sẽ dẫn người tu-sĩ rời xa khỏi con đường chứng được Đạo Quả. Đức Phật liền đặt ra điều giới-luật nghiêm-cấm tất cả các hành-vi có liên-quan đến dục-tình. Đức Phật bảo, người vi-phạm giới-luật nầy chẳng những sẽ bị trục-xuất ra khỏi Tăng-đoàn trong đời nầy, mà còn bị sa vào nẻo ác trong đời tới nữa.

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Trót lỡ làm việc ác,
Đừng lập lại nhiều lần.
Chớ ham-thích chỗ dở
Chứa ác, chịu khổ-sở.
(Kệ số 117.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Sĩ-gia-sa: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Seyyasaka.

- Thủ-dâm: Thủ = bàn tay; Dâm = dâm-dục; Thủ-dâm là dùng tay sờ vào bộ-phận sinh-dục để kích-thích dục-tình.

- Đạo, Quả: Đạo = con đường tu-hành, cách-thức tu-tập; tiếng Pali là Magga. Quả = kết-quả, sự thành-công của việc tu-hành, chứng-đắc được quả-vị; tiếng Pali là Phala.

- Giới-luật = những điều răn-cấm trong đạo Phật, để ngăn-ngừa hành-giả phạm tội-ác. Đối với người tu tại-gia, có ngũ-giới: (1) cấm sát-sanh; (2) cấm trộm-cướp; (3) cấm tà-dâm, (4) cấm nói dối, (5) cấm rượu.

- Nghiêm-cấm = ngăn-cấm nghiêm-ngặt.

- Hành-vi: Hành = Vi = làm. Đồng nghĩa với hành-động, việc làm.

- Trục-xuất = đuổi ra khỏi.

- Dục-tình: Dục =ham muốn, ham-muốn về xác-thịt; Tình = tình-cảm. Dục-tình là lòng ham-muốn thoả-mãn việc giao-hợp giữa trai gái.

- Tăng-đoàn: đoàn-thể gồm bốn, năm vị tỳ-kheo tu chung tại một nơi. Ở đây, chữ Tăng-đoàn có nghĩa là Giáo-hội. Tiếng Pali là Sangha, phiên-âm là Tăng-già.

- Sa vào = rơi vào, phải đầu-thai vào.

- Nẻo ác: có ba nẻo ác: (1) địa-ngục, (2) ngạ-quỉ, (3) súc-sanh. Chúng-sanh khi tái-sanh sẽ sanh vào một trong sáu nẻo, thường được gọi là Lục đạo Luân-hồi; có ba đường lành và ba nẻo ác. Ba đường lành: (1) cõi người; (2) cõi thần (còn gọi là A-tu-la, tiếng Pali là Asura), (3) cõi Trời

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một tỳ-kheo có thói xấu hay thủ-dâm. Đức Phật quở-trách vị ấy, dạy rằng việc dâm-dục trong hàng ngũ người tu-hành là một việc tệ, khiến cho người tu-hành phải xa rời Đạo-quả. Ngài đặt ra giới-luật nghiêm cấm các hành-động liên-quan đến tình-dục.

Theo giới-luật của tỳ-kheo, người tu-sĩ phải sống độc-thân, xa lánh hẳn dục-tình, để giải-thoát khỏi các ràng-buộc về thể-xác. Theo giới-luật của người tu tại-gia, đạo Phật cấm việc tà-dâm (tà =xiêng-xéo, xấu-ác), đã có vợ, chồng rồi mà còn dính-líu tình-dục, lang-chạ với người khác.

Tại sao lại ngăn-cấm việc dâm-dục? Vì dâm-dục là một tình-cảm nặng tính-chất về thể-xác khiến cho tâm mất sự trong-sạch, xa rời con đường tu-hành chơn-chánh.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 117:

Bài Kệ khuyên ta, nếu đã lỡ làm việc ác, đừng nên tái-diễn lại nhiều lần. Tại sao? Vì sự lập lại nhiều lần một hành-vi tệ-ác gây thành nghiệp xấu, khiến cho ta phải chịu khổ-sở, chẳng những ngay trong đời nầy, mà cả đến các đời sau nữa. Vậy, mỗi khi biết mình làm quấy, phải thành-tâm sám-hối, tự hứa từ rày sẽ chừa đi.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ các buổi lễ sám-hối vào đầu tháng và giữa tháng.

(97).- Tích chuyện Thiên-nữ Lã-giai.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Thiên-nữ tên là Lã-giai.

Thuở ấy, tại động Cây Tiêu, Tôn-giả Đại Ca-diếp nhập đại-định trong bảy ngày. Sau khi xuất-định, Tôn-giả sửa-soạn đi khất-thực. Tôn-giả nhìn quanh núi, thấy tại một túp lều dưới chơn núi có người đang rang bắp. Tôn-giả muốn cho người ấy được dịp may cúng-dường một bực tu-hành vừa xuất cơn đại-định, nên xuống núi, đến trước cửa lều, cầm bình-bát chờ được bố-thí. Người phụ-nữ đang rang bắp, liền đem hết số bắp đã rang, trút vào bát của Tôn-giả.

Sau khi cúng-dường xong, người ấy đi vòng quanh gốc cây để trở vào lều, chẳng may bị một con rắn độc cắn chết. Nhờ công-đức cúng-dường, người phụ-nữ được tái-sanh lên cõi Trời Đao-lợi và được gọi tên là Lã-giai. Thiên-nữ Lã-giai biết mình sở dĩ được sanh thiên là nhờ nơi ơn-đức của Tôn-giả Đại Ca-diếp. Thiên-nữ muốn báo đáp ơn sâu đó và cũng muốn được hưởng phước ở cõi Trời lâu-dài, nên mỗi sáng đến quét dọn, gánh nước đổ đầy lu và làm các việc lặt-vặt nơi Tôn-giả trú-ngụ. Mấy hôm đầu, Tôn-giả chẳng biết ai đã đến dọn-dẹp, cứ tưởng là các vị Sa-di trẻ tuổi đến giúp. Về sau, Tôn-giả biết được sự-tình, mới ngăn lại, và nói: "Nầy thiên-nữ, bà chớ nên đến đây nữa, vì sợ kẻ ngoài chẳng hiểu rồi đàm-tiếu." Thiên-nữ Lã-giai thấy Tôn-giả chẳng cho phép mình tạo thêm phước-đức, mới khóc-lóc, bảo rằng: ‘Ngài đành lòng nào làm tiêu-tán phước-báu của con!" Bấy giờ, tại hương-phòng, chùa Kỳ-viên, Đức Phật quán-thấy cảnh-tượng đó, mới đến bảo vị Thiên-nữ: "Nầy Lã-giai, con chớ buồn lòng, Ca-diếp vì bổn-phận người tu-hành nói với con như thế. Người làm việc thiện, nên tiếp-tục làm hoài, thì phước-báu sẽ gia-tăng."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó thiên-nữ chứng được quả Tu-đà-huờn:

Làm được một việc hay,
Nhiều lần, lập lại ngay.
Nên ham-thích chỗ tốt,
Tích thiện, hạnh-phước thay!
(Kệ số 118.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thiên-nữ: Thiên =Trời; Nữ =con gái. Chúng sanh cõi Trời có Thiên-nam, đàn-ông, Thiên-nữ. đàn-bà, cô gái, và Thiên-đế, vua Trời.

- Lã-giai: tên thiên-nữ nầy, tiếng Pali là Làjadevadhità (Làja = bắp rang; deva = chư Thiên; dhità =con gái của.)

- Động Cây Tiêu: động đá nầy gần núi Linh-thứu, tiếng Pali là Pippali, cây tiêu.

- Đại Ca-diếp: tên Tôn-giả bằng tiếng Pali là Mahàkassapa.

- Đại-định: cơn thiền-định thật thâm sâu.

- Xuất-định = chấm-dứt cơn thiền-định.

- Cõi Trời Đao-lợi: cõi Trời nầy thuộc về Dục-giới, các thiên-chúng lòng còn ham-muốn (dục = ham-muốn.) Tiếng Pali là Tàvatimsa.

- Sanh Thiên = được sanh lên cõi Trời.

- Sa-di: người mới tập-sự tu-hành ở chùa, chưa thọ-giới Tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmanera.

- Đàm-tiếu: Đàm = nói chuyện, phê-bình, đàm-luận; Tiếu = cười. Chữ đàm-tiếu có nghĩa là phê-bình, chê-cười.

- Hương-phòng: Xin nhắc lại, đây là căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là Gandhakutì.

- Tích-thiện: Tích = chứa, tích-luỹ; Thiện = điều lành.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị: nhờ cúng-dường cho Tôn-giả Đại-Ca-diếp mà một người phụ-nữ được sanh lên cõi Trời. Ý-nghĩa của Tích-chuyện là lời dạy của Phật: nên tiếp-tục làm việc thiện, để tăng thêm phước-báu.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 118:

Bài Kệ nầy dạy ta cố gắng sức làm nhiều việc thiện, càng nhiều càng quí; càng tích-thiện, càng được hạnh-phước.

HỌC TẬP:

- Học kỹ hai bài kệ số 117 và 118, để ghi nhớ chăm làm việc lành.

(98).- Tích chuyện Trưởng-giả Cấp-cô-độc.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Trưởng-giả tên Cấp-Cô-độc.

Trưởng-giả Cấp-cô-độc là người đã mua khu vườn của Thái-tử Kỳ-đà, nước Xá-vệ, xây cất chùa Kỳ-viên để cúng-dường lên Đức Phật và chư Tăng. Nhà rất giàu-có, Trưởng-giả thường bố-thí rộng-rãi, nuôi-dưỡng kẻ mồ-côi, cô-đơn, nên dân-chúng gọi ông là Trưởng-giả Cấp-cô-độc. Trưởng-giả là người rất mộ-đạo, mỗi buổi sáng dâng cơm cúng-dường lên chư Tăng, buổi trưa mang thuốc men, vật-dụng đến chùa, và buổi chiều đem hương-hoa và trái cây đến lễ Phật. Trưởng-lão chăm nghe lời Phật dạy, nên đã chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

Vì chẳng hề lưu-tâm đến việc làm giàu thêm, nên chẳng bao lâu tài-sản của Trưởng lần lần hao-hụt, và trở nên túng-thiếu. Vị thần giữ cửa nhà của Trưởng-giả, một hôm nói với Trưởng-giả rằng: ‘Nầy Trưởng-giả, tôi là người giữ cửa nhà của ông. Bấy lâu nay, tôi thấy ông chỉ lo việc cúng-dường cho Sa-môn Cồ-đàm mà chẳng liệu-lý đến gia-sản của mình, cho nên ngày nay ông phải sa-sút. Ông nên thôi, đừng cúng-dường, bố-thí nữa, mà hãy chăm lo việc nhà, tôi sẽ giúp ông trở lại cảnh giàu-sang sung-túc như ngày xưa." Nghe lời nói ích-kỷ đó, Trưởng-giả Cấp-cô-độc chẳng bằng lòng, và ra lịnh đuổi vị thần đi khỏi cửa. Vị thần giữ cửa kia chẳng dám cãi lời của một bực Tu-đà-huờn, đành phải ra đi bơ-vơ. Vị ấy lên đến cung Trời Đao-lợi, gặp được vua Trời Đế-thích, thuật lại việc mình bị đuổi ra khỏi nhà Trưỏng-giả Cấp-cô-độc. Vua Trời Đế-Thích mách cho cách trở về xin lỗi vị Trưởng-giả: "Hiện nay, có vài người thương-gia còn mắc nợ Trưởng-giả một số tiền là mười tám ngàn lượng vàng chưa trả, tổ-tiên của Trưởng-giả có chôn dấu trong vườn mười tám ngàn lượng vàng, chẳng ai biết chỗ; vậy nhà-ngươi dùng sức thần-thông của mình đi thâu góp số của-cải đó, đem về để trong phòng kín của Trưởng-giả, và ngỏ lời xin lỗi, thì Trưởng-giả sẽ tha tội cho." Vị thần-linh làm theo lời chỉ-dạy. Khi nghe vị thần-linh kể lại sự-tình, Trưởng-giả chấp-nhận lời sám-hối và cùng với vị ấy đến yết-kiến Đức Phật. Đức Phật bảo: "Có thể quả-báo của việc lành, hay việc ác sẽ chậm đến; nhưng hậu-quả của việc thiện, hay việc dữ chắc-chắn sẽ theo thời-gian mà xảy ra, chẳng hề sai."

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây:

Làm ác mà gặp việc lành,
Đó là quả dữ chưa sanh kịp thời.
Đến khi ác-báo chín muồi,
Ác thời gặp ác, đời đời chẳng sai.
(Kệ số 119.)

Làm lành gặp việc chẳng may,
Đó là phước báu chờ ngày trỗ sanh.
Đến khi trỗ được quả lành,
Ở hiền gặp lành, có lúc nào sai.
(Kệ số 120.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Trưởng-giả: Trưởng = lớn; Giả = người. Chữ Trưởng-giả có nghĩa là bực giàu-có, được mọi người kính-nể.

- Cấp-cô-độc: Cấp = cung-cấp, cho; Cô-độc = chỉ có một mình, nghèo-khó. Vì Trưởng-giả cứu-giúp người cô-đơn nghèo-khó, nên được gọi là Trường-giả Cấp-cô-độc. Tên thật bằng tiếng Pali là Anathapindika.

- Lưu-tâm = để-ý đến, lo-lắng đến.

-Sa-môn Cồ-đàm: Sa-môn, gốc chữ Phạn Samana, có nghĩa là tu-sĩ; Cồ-đàm: họ của Đức Phật Thích-ca, tiếng Phạn là Gautama.

- Liệu-lý: lo-liệu đến công-việc.

- Gia-sản: Gia = nhà; Sản = tài-sản, tiền-của.

- Sa-sút = trở nên nghèo-túng hơn trước.

-Sung-túc = đầy-đủ, có dư tiền-bạc.

- Ích-kỷ: Ích = có ích cho; Kỷ = mình, ta. Người ích-kỷ chỉ biết làm lợi cho mình, chẳng chịu giúp-đỡ ai cả.

- Đế-Thích: tên vị vua cõi Trời Đao-lợi, tên tiếng Pali là Sakka.

- Sám-hối: Sám, gốc chữ Phạn samma, là ăn-năn tội-lỗi; Hối, gốc chữ Hán, nghĩa là tiếc-rẻ lỗi đã lỡ làm. Khi sám-hối, trong lòng phải biết (1)nhận lỗi cũ của mình và (2)hứa xin chừa từ rày về sau, chẳng tái-phạm.

- Sức thần-thông = tài-lực khác thường, như bay cao, biến-hoá, v.v.

- Quả-báo: kết-quả về sau của một việc đã làm từ trước. Quả-báo tốt được gọi là phước-báu; quả-báo xấu gọi là ác-báo.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại công-đức của Trưởng-giả Cấp-cô-độc đã dưng-cúng Tînh-xá Kỳ-viên cho Tăng-đoàn và thường cứu-giúp người mồ-côi nghèo khổ. Công-đức bố-thí nầy về sau đem lại nhiều của báu cho Trưởng-giả. Chuyện kể lại lời nói của vị thần-linh giữ cửa, khuyên Trưởng-giả đừng bố-thí nữa. Đây là lời khuyên ích-kỷ, cho nên Trưởng-giả chẳng nghe theo, mới đuổi vị ấy ra khỏi nhà.

Ý-nghĩa quan-trọng trong Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật về Luật Nhơn-quả: hành-động nào, xấu hay tốt, cũng đem lại hậu-quả về sau, chỉ có chậm hay mau mà thôi. Sớm muộn chi, hễ làm ác, sẽ chịu ác-báo, hễ làm lành, sẽ được hưởng phước-báu, chẳng hề sai khác được.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 119 và 120:

Bài Kệ số 119 nói về ác-báo; bài Kệ số 120 nói về phước-báu. Vì còn chờ đủ cơ-duyên, hậu-quả của hành-động mới xảy ra về sau. Lý-do mau, chậm được nói rõ: phải chờ đủ thời-gian. Vì chẳng thấy được hậu-quả tức-thời, cho nên nhiều người lầm mà chẳng tin ở Luật Nhơn-Quả.

(3)Các hình-thức bố-thí:

Nhơn Tích chuyện nói về bố-thí, xin xét qua các hinh-thức của công-đức nầy, vốn là hạnh thứ nhứt của Bồ-tát-đạo:

(1) Tài-thí: hiến-tặng tiền-của, đồ-vật hay ra công giúp đỡ;

(2) Pháp-thí: chỉ-dạy cho kẻ khác biết điều lành mà theo, điều dữ mà tránh, biết cách tu mười điều thiện; hoặc giảng-pháp, in kinh;

(3) Vô-úy-thí: Vô-úy là chẳng sợ-hãi. Khi gặp người đang lo-lắng, sợ-hãi, dùng lời đứng-đắn khuyên-nhũ, an-ủi cho họ được yên lòng. Vị Đại-Bồ-tát Quán-thế-âm thường được gọi là vị vô-úy-thí-giả, vì Ngài nghe lời cầu-khẩn của các người lâm nạn mà cứu-khổ cho.

HỌC TẬP:

- Học kỹ hai bài Kệ, ghi nhớ và dùng hai bài ấy để khuyên dạy con.

(99).- Tích chuyện một vị tỳ-kheo cẩu-thả.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo tánh hay cẩu-thả

Thuở ấy, tại Kỳ-viên-tự có một vị tỳ-kheo tánh hay cẩu-thả, ít chịu giữ-gìn kỹ-lưỡng các đồ dùng trong chùa. Như khi, nhắc ghế ra ngồi ngoài hành-lang, vị ấy chẳng mang ghế trở vào, cứ để ghế đấy phơi mưa, phơi nắng. Nhiều vị tỳ-kheo khác thấy thế mới quở-trách; nhưng vị tỳ-kheo lại chẳng nghe lời, bảo rằng: "Tôi nào có ý-định phá hư cái ghế đâu; vả lại, nào đã có chút ít tổn-hại gì?" Mặc dầu được khuyên dạy nhiều lần, vị tỳ-kheo ấy vẫn thói nào tật nấy. Việc đến tai Đức Phật. Ngài cho gọi vị tỳ-kheo đến, dạy rằng: "Nầy tỳ-kheo, ông nên sửa ngay thái-độ lại; một lỗi-lầm dầu nhỏ, nếu được lập-lại nhiều lần theo thói quen, tích-chứa lại sẽ trở thành một tội to."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Đừng xem nhẹ phạm điều ác nhỏ,
"Nó chẳng đến gần", có hại chi!
Nước rơi từng giọt li-ti,
Bình kia hứng chứa, mấy khi cũng đầy.
Người ngu mà đắm-say trong ác-đạo,
Cũng vì ác tạo mỗi ngày một thêm.
(Kệ số 121.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tỳ-kheo: phiên-âm tiếng Phạn Bhikkhu, còn gọi là tỳ-khưu, nghĩa là tu-sĩ Phật-giáo theo giới-luật đi khất-thực ( =xin ăn).

- Cẩu-thả: thường được nói trại ra là ẩu-tả; nghĩa là chẳng cẩn-thận

- Kỳ-viên-tự = chùa Kỳ-viên; Tự = chùa.

- Li-ti = nhỏ xíu.

- Ác-đạo = đường ác. Có ba ác-đạo: (1) điạ-ngục, (2)ngạ-quỉ ( =quỉ-đói); (3) súc-sanh ( = thú-vật).

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại việc một tỳ-kheo có tánh cẩu-thả, cho rằng một lỗi nhỏ chẳng có hại chi. Đức Phật quở và dạy rằng: Một lỗi dầu nhỏ, nếu lập lại nhiều lần theo thói quen, tích chứa lại thì thành một tội lớn.

Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là đừng thấy lỗi nhỏ mà làm, vì đó là mình quá dễ-dãi đối với mình, rồi về sau, sẽ dễ vướng vào tội nặng; cần phải thận-trọng kềm-chế lòng mình, chớ cẩu-thả!

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 121:

Bài Kệ có ba phần:

1) Hai câu đầu dạy ta đừng quá dễ-dãi với mình, tự bào-chữa mỗi khi phạm một lỗi nhỏ.

2) Hai câu giữa nêu lên hình-ảnh rất sống-động của sự chất-chứa lỗi-lầm lâu ngày trong tâm, cũng như cái bình hứng từng giọt nước, lâu rồi cũng đầy.

3) Hai câu chót cho ta thấy hậu-quả tai-hại của người mê-lầm phạm nhiều tội tích-luỹ năm nầy qua tháng nọ, phải sống trong ác-đạo.

Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ: phải cẩn-thận giữ-gìn tâm-ý, chớ dễ-dãi với mình mà phạm tội, dầu đó là một lỗi nhỏ.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ: có biết năng tránh điều lỗi nhỏ, thì khi gặp điều lỗi lớn mới biết sợ mà tránh đi.

2.- Xin đề-nghị vài điều để tập tánh cẩn-thận trong lời nói, hành-động và tư-tưởng:

- trước khi nói, nên dừng lại một giây, suy-nghĩ xem lời sắp nói có hại cho ai chăng, có đúng sự-thật chăng,

- trước khi làm điều gì, nên suy-xét kỹ đến hậu-quả của hành-động; giả-dụ như ai làm điều đó cho mình, mình có buồn không.

- đừng bao giờ nghĩ trong đầu: nó ác quá, giá mà tao có súng, tao bắn cho nó chết ngay. Ý-nghĩ giết người dầu chỉ là ý-nghĩ suông, cũng đã là tội-lỗi rồi.

(100).- Tích chuyện ông nhà giàu Bình-lập.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ông nhà giàu tên là Bình-lập.

Thuở ấy, có một người ở nước Xá-vệ, một hôm nghe Đức Phật giảng về pháp bố-thí, rất xúc-động và quyết-tâm thực-hành lời dạy của Ngài. Anh ta cung-thỉnh Đức Phật và tất cả các vị tỳ-kheo ở chuà Kỳ-viên, ngày mai đến nhà anh để anh dưng cơm cúng-dường. Anh lại theo lời chỉ-dạy của Phật, đi khắp làng, mời thêm các thiện-nam, tín-nữ cùng tham-gia vào công-đức cúng-dường đó. Mỗi người, tùy theo khả-năng của mình, cùng đóng góp vào công-cuộc bố-thí.

Khi đến nhà một vị giàu-có lớn trong vùng, tên là Bình-lập, người ấy nói lên mục-đích cúng-dường vào ngày mai, và mời ông Bình-lập tham-gia. Ông Bình-lập nghe nói, trong lòng ngẫm-nghĩ: "Cái anh nầy sao lại bầy đặt như thế, tại sao chẳng tùy sức mình mà mời một số ít tỳ-kheo cũng đủ, lại đèo-bồng đi thỉnh tất cả chư Tăng, rồi chạy lăng-xăng đi kêu-gọi kẻ khác giúp-đỡ cho mình. Để ta thí cho hắn chỉ một bát cơm nhỏ thôi, cho bỏ ghét." Người đứng ra tổ-chức việc cúng-dường cũng vui lòng nhận bát cơm, cám ơn và để bát cơm riêng ra một bên. Ông Bình-lập nhìn thấy, ngạc-nhiên, lại ngẫm-nghĩ: "A! Anh ta để riêng bát cơm của mình, có lẽ để rồi sẽ đem ra bêu-riếu ta là kẻ rít-róng." Ông Bình-lập liền sai đầy-tớ theo dõi xem người ấy hành-động ra sao. Người đầy-tớ rình thấy người tổ-chức đem bát cơm, sớt ra từ phần nhỏ, để mỗi phần vào các tô đựng cà-ry và các thức ăn khác. Khi người đầy-tớ về thuật lại sự sắp-đặt như thế, ông Bình-lập chẳng hiểu ý làm sao. Hôm sau, ông ta cũng đến dự cuộc cúng-dường, mang theo một con dao nhọn, định bụng, nếu bị người tổ-chức mà nói xấu mình rít-róng, sẽ đâm chết anh ta.

Đến giờ ngọ trai, chủ nhà qùi bạch Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, buổi cúng-dường nầy là do sự đóng-góp của tất cả thiện-nam, tín-nữ, chẳng kể kẻ ít người nhiều, nhưng đều do lòng mộ-đạo nhiệt-thành và hảo-tâm chia-xẻ của mọi người. Ngưỡng mong công-đức cúng-dường mang đến phước-báu đồng-đều cho tất cả những ai đã đóng-góp." Nghe lời nói đó, ông Bình-lập cảm thấy mình trước đây đã nghĩ quấy đối với người tổ-chức, nên đến bên cạnh, ngỏ lời xin sám-hối.

Khi Đức Phật nghe được lý-do tại sao ông Bình-lập xin lỗi, Ngài dạy rằng: "Nầy các thiện-nam, tín-nữ, một việc thiện, dầu nhỏ mấy đi nữa, nếu được làm nhiều lần, tích chứa lại cũng thành công-đức lớn"

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Đừng xem nhẹ bỏ qua điều thiện nhỏ,
"Nó chẳng đến gần", nào có lợi chi!
Nước rơi từng giọt li-ti,
Bình kia hứng chứa, mấy khi cũng đầy.
Người hiền-trí vui say trong thiện-đạo,
Nhờ phước lành chất-chứa dài lâu.
(Kệ số 122.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bình-lập: tên thật ông nhà giàu nầy tiềng Pali là Bilàlapàdaka.

- Bố-thí: xin nhắc lại: Bố =rộng lớn, cùng khắp, chẳng sót; Thí = cho. Bố-thí hạnh tu thứ nhứt của Bồ-tát-đạo (gồm có sáu pháp Ba-la-mật: bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định và Bát-nhã.)

- Cúng-dường: xin nhắc lại: do đọc trại chữ Hán-Việt cung-dưỡng, nghĩa là cung-cấp để nuôi-dưỡng. Cúng-dường là dâng-hiến đồ-vật cho các tu-sĩ.

- Cung-thỉnh: Cung =cung-kính; Thỉnh = mời.

-Thiện-nam,tín-nữ: Thiện = lành; Nam = đàn-ông; Tín = tin-tưởng; Nữ = đàn-bà. Chữ Thiện-nam, tín-nữ trỏ vào các người tin-tưởng đạo Phật.

-Đèo-bồng = bầy-đặt thêm cho rắc-rối, để tỏ mình hơn người khác.

- Bêu-riếu: nói xấu ai để mọi người biết mà chê theo.

- Rít-róng = hà-tiện lắm, kẹo lắm, bỏn-xẻn.

- Ngọ-trai: Ngọ =mười hai giờ trưa; Trai = bữa cơm chay. Theo giới-luật Phật-giáo Nguyên-thủy, tỳ-kheo chỉ ăn mỗi ngày một bữa, vào buổi trưa mà thôi.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = có trí-huệ.

- Thiện-đạo = đường lành. Có ba thiện-đạo: (1)cõi người; (2) cõi thần, hay A-tu-la ( =Asura, tiếng Pali), (3) cõi Trời.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc cúng-dường chư Tăng, thường thấy ngày nay: nhiều người chung sức nhau lại để thực-hiện việc bố-thí. Đây là một công-đức tạo phước đáng quí.

Ý-nghĩa của Tích chuyện, cũng giống như bài trước, là ở lời Phật dạy: "Đừng bỏ qua điều thiện nhỏ mà chẳng làm." Thường làm điều thiện nhỏ, dễ làm hơn, sẽ tập được tánh-tốt có thói quen biết chia-xẻ cùng người khác.

Thái-độ của ông Bình-lập, nhận biết lỗi của mình mà xin sám-hối, rất đáng khen.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 122:

Hai bài Kệ số 121 và 122 giống nhau ở sự tích-chứa lâu ngày của các hành-vi đã làm: hễ làm được điều thiện nhỏ nhiều lần, thì phước-đức cũng gia-tăng lên theo. Nên nhớ: đừng bỏ qua một cơ-hội nhỏ để làm lành; và cũng đừng xem nhẹ mà phạm điều lỗi nhỏ.

Ý-nghĩa sâu-xa của hai bài Kệ là nói đến thói quen làm lành, hay làm ác; thói quen đó gây thành Nghiệp, rồi tuỳ theo nghiệp tốt hay xấu, mà con người sẽ được sung-sướng hay khổ-sở.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ, để ghi nhớ: tập thói quen làm lành, lánh dữ, dầu trong mọi việc nhỏ-nhặt.

2.- Xin đề-nghị vài điều giúp ta tập cho trẻ con có thói quen làm việc thiện:

- dẫn trẻ đi chơi, thấy có người ăn xin nghèo khó, móc tiền đưa cho trẻ, bảo mang đến tặng người ăn xin.

- bảo trẻ chọn các đồ-chơi cũ, lau chùi lại cho sạch, đem hiến-tặng các cơ-quan từ-thiện.

- dẫn trẻ đi chùa, đến giờ ăn, bưng dọn tiếp thức ăn; ăn xong giúp dọn-dẹp và lau rửa chén bát: đó là góp sức nhỏ mọn của mình vào việc thiện.

(101).- Tích chuyện thương-gia Đại Đà-na.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị thương-gia tên Đại-Đà-na.

Thuở ấy tại nước Xá-vệ có một vị thương-gia giàu-có lớn, tên là Đại-Đà-na, thường hay đi buôn xa. Ông đang chuẩn-bị một chuyến buôn lớn, đem theo nhiều xe bò chở hàng-hoá quí-giá, nghe tin có một đoàn tỳ-kheo sắp lên đường, theo chung một lộ-trình. Đại-Đà-na liền đến chùa, mời chư Tăng tháp-tùng với mình, nguyện cung-cấp lương-thực trong thời-gian du-hành. Chư tăng đồng-ý và hẹn ngày cùng khởi-hành.

Hành-trình sắp xuyên qua một khu rừng già, cây-cối um-tùm, vốn là sào-huyệt của một bọn cướp độc-ác giết người, giựt của. Đại-Đà-na dừng lại tại một ngôi làng gần ven rừng. Dân-chúng đến báo tin, bọn cướp đang chuẩn-bị phục-kích trong rừng, chờ đoàn khách-thương đến sẽ ra tay. Vì lo đến sự an-ninh của chư Tăng, Đại-Đà-na dừng lại, tạm-trú trong làng, và khuyên chư Tăng nên quay trở lại để tránh mối hiểm nguy.

Khi về đến chùa Kỳ-viên, chúng Tăng đến lễ Phật và thuật lại chuyến đi dở-dang cùng sự nguy-hiểm của cuộc du-hành, Đức Phật nhơn đó mới dạy rằng: "Nầy chư tỳ-kheo, thương-gia Đại-Đà-na thấy được mối hiểm-nguy nên tránh khỏi. Cùng thế ấy, người muốn sống lâu, chẳng đến gần nơi có thuốc độc; bực hiền-trí thông-hiểu ba cõi dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới có đầy cạm-bẫy gian-nan, nên tránh xa các tội-ác."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Như khách thương ít người đồng-bọn,
Của lại nhiều, chẳng chọn đường nguy.
Như người muốn sống lâu dài,
Thấy nơi thuốc độc, tránh ngay chẳng gần.
Cũng như thế, ở cõi trần,
Thấy điều dữ-ác là cần tránh xa.
( Kệ số 123.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đại-Đà-na: tên vị thương-gia nầy, tiếng Pali là Mahàdhana.

- Thương-gia: Thương =buôn-bán; Gia = nhà; Thương-gia là người chuyên lo việc buôn-bán.

- Lộ-trình: Lộ =đường đi; Trình = đi qua. Lộ-trình = đường vượt qua.

- Tháp-tùng = đi chung với ai.

- Du-hành: Du =du-lịch, đi chơi; Hành = đi. Du-hành là chuyến đi.

- Khởi-hành: Khởi = bắt đầu. Khởi-hành là bắt đầu đi.

- Hành-trình: Trình = đi qua. Hành-trình, lộ-trình là đường đi qua.

- Sào-huyệt: Sào = ổ; Huyệt = hang.Sào-huyệt là chỗ ở kín-đáo của bọn cướp.

- Phục-kích: Phục = nằm núp chờ; Kích = chống đánh. Phục-kích là núp chờ để đánh lén.

- Dở-dang = chẳng thành được, bỏ dở nửa chừng.

- Ba cõi: ba cảnh sống trên thế-gian, gồm có:1) cõi Dục-giới (tiếng Pali là Kàmabhava) có mười-một cảnh thuộc về các ham-muốn thể-xác; (2) cõi Sắc-giới (tiếng Pali là Rùpabhava) có mười-sáu cảnh còn hình-chất thuộc Trời Phạm-thiên thấp; (3) cõi Vô-sắc-giới (tiếng Pali là Arùpabhava) có bốn cảnh chẳng còn hình-sắc thuộc Trời Phạm-thiên cao.

- Đồng-bọn = chung một bọn, chung một đoàn.

- Cõi trần: Cõi = nơi sanh-sống; Trần = bụi-bặm. Cõi trần là cõi ta đang sống; coi như bụi-bặm chẳng đáng quí, vì nhỏ, ngắn và đầy khổ-sở.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Nhơn câu chuyện người thương-gia biết tránh chọn đường đi nguy-hiểm, Đức Phật dạy, ở đời phải biết tránh tội-ác, cũng nguy-hiểm như thuốc-độc, như bọn cướp vậy.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 123:

Ý-nghĩa bài Kệ được nói trong Tích chuyện là phải tránh xa tội-ác.

HỌC TẬP:

- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ: cần tránh xa tội-ác, xem tội-ác như bọn cướp đoạt công-đức của mình, như thuốc độc giết chết đời sống tu-hành.

(102).- Tích chuyện vợ chồng người thợ săn Khúc-cư.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến vợ chồng con cái người thợ săn tên là Khúc-cư.

Thuở ấy, ở thành Vương-xá có một thiếu-nữ, con nhà giàu-có, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Một hôm cô ra chợ, gặp người thợ-săn tên là Khúc-cư, đem da thú đi bán. Cô phải lòng người thợ-săn và ưng lấy người ấy. Hai vợ chồng sanh được bảy người con trai, và theo năm tháng, cũng lập gia-đình có vợ con.

Mùa hè năm ấy, Khúc-cư đi vào rừng, đặt bẫy săn thú. Sáng sớm hôm đó, Đức Phật trong cơn thiền-định, quán-sát khắp pháp-giới, thấy đã đủ cơ-duyên cho gia-đình của Khúc-cư chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Sau đó, Ngài lên đường đi vào rừng, dẫm dấu chơn lên gần chỗ đặt bẫy, rồi ngồi xuống bên gốc cây trong bụi rậm. Gần trưa, Khúc-cư đi thăm bẫy, thấy dấu chơn người đi, đến nơi chẳng thấy có thú nào mắc bẫy cả. Khúc-cư nghĩ, có lẽ ai đó đã bắt thú thả đi rồi, mới dò theo bước chơn, nom thấy Đức Phật đang ngồi trong lùm cây. Y nổi giận, định giương cung lên bắn, nhưng thấy Đức Phật ngồi yên, nên tay chơn của ý bủn-rủn, khiến cho mũi tên rớt xuống đất, rồi đứng bất động như bị Trời trồng. Các người con trai theo cha đi săn, nom theo dấu, nhìn thấy cha đang ủ-rủ trước một người lạ, tưởng đâu đó là kẻ thù của cha mình, định chạy đến đánh để cứu cha. Vừa lúc đó, vợ của Khúc-cư và bảy người dâu, mang cơm cho chồng cũng đến nơi. Bà Khúc-cư trông thấy các con sắp hành-hung, vội la lên: "Đừng có hỗn-láo với Cha lành của ta!" Nghe nói thế, Khúc-cư tưởng đó là cha-vợ của mình, còn bảy người con tưởng đó là ông ngoại của mình, nên trong lòng họ dẹp bỏ sự tức-giận mà khởi lên niềm yêu-thương. Bà Khúc-cư liền bảo: ‘Buông cung tên xuống hết, mau cúi đầu đảnh-lễ Đức Từ-phụ!" Mọi người cùng làm theo, bấy giờ Đức Phật nhận thấy thành-tâm của họ, mới vì họ mà giảng một bài pháp. Mọi người chăm-chú nghe xong, chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

Khi trở về đến tịnh-xá Trúc-lâm, Đức Phật thuật lại cho Tôn-giả A-nan cùng chúng tăng nghe việc Ngài vừa hoá-độ cho gia-đình Khúc-cư ở trong rừng. Có một vị tỳ-kheo qùi xuống bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, bà Khúc-cư trước đã chứng sơ-quả, nay có tội sát-sanh chăng, khi bà sửa-soạn cung, tên, lưới, bẫy giúp chồng đi săn thú?" Đức Phật dạy rằng, một vị Tu-đà-huờn chẳng hề giết-hại sanh-mạng. Bà Khúc-cư sửa-soạn cung tên cho chồng là tuân theo lịnh chồng mà làm, bà chẳng hề có ý-định sát-sanh, nên chẳng phạm tội. Đó cũng như một người có bàn tay chẳng bị trầy-trụa, nếu có cầm đến thuốc độc, cũng chẳng bị hại đến tánh-mạng của mình."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Bàn tay lành-lặn, chẳng trầy,
Dẫu cầm thuốc độc, chẳng gây hiểm-nghèo.
Cùng thế ấy, người theo thiện-đạo,
Điều dữ-ác chẳng tạo hiểm-nguy.
(Kệ số 124.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Khúc-cư: tên người thợ săn nầy, tiếng Pali là Kukkutamitta.

- Trúc-lâm: Trúc =cây trúc, cây tre; Lâm = rừng. Trúc-lâm là rừng tre trong vườn thượng-uyển của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara). Vua xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) nầy dưng-cúng khu vườn để xây tịnh-xá cho Đức Phật ngụ. Tên tịnh-xá Truc-lâm bằng tiếng Pali là Veluvana.

- Vương-xá: thủ-đô nước Ma-kiệt-đà, tên Pali là thành Ràjagaha.

- Tu-đà-huờn: quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn là những người đệ-tử sống gần bên Phật, nghe giảng kinh, tu theo Tứ-diệu-đế mà đắc-đạo. Quả Tu-đà-huờn, tiếng Pali là Sotàpatti, dịch là Nhập-Lưu, nghĩa là được bước vào giòng nước Thánh, còn được gọi là Thất-Lai, nghĩa là chỉ còn tái-sanh lại bảy lần nữa, thì chứng được Niết-bàn. Bực Tu-đà-huờn đã dứt bỏ được (1)thân-kiến, nghĩa là còn chấp lấy thân-tâm nầy là Ta, (2)nghi-hoặc, nghĩa là thiếu sự tin-tưởng vững-chắc vào Đạo-pháp; (3)giới-cấm-thủ, nghĩa là còn tin theo các sự cúng-tế thần-linh tà-đạo.

- Phải lòng = tin theo và thương-yêu, muốn nên vợ-chồng.

- Pháp-giới: danh-từ chuyên-môn Phật-học có nghĩa là thế-giới.

- Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; Duyên =duyên-cớ. Cơ-duyên là dịp.

- Bất-động: Bất = chẳng; Động = cử-động; Bất-động là đứng yên, chẳng nhúc-nhích được.

- Hành-hung: Hành = làm; Hung = dữ. Hành-hung là làm dữ.

- Đảnh-lễ = cúi đầu lễ lạy.

- Từ-phụ = Cha lành: tiếng để chỉ vào Đức Phật, trọng như Cha.

- Hoá-độ: Hoá = cải-hoá, sửa lại cho đúng; Độ = nghĩa gốc của chữ Hán-Việt độ là đưa qua sông; ở đây là giúp-đỡ cho. Chữ Hoá-độ trong Phật-học có nghĩa là chỉ dạy đạo-pháp cho ai, để người ấy biết cách mà tu-hành và trở nên người hiền-trí.

-Sơ-quả: Sơ = ban-sơ, buổi đầu; Quả = quả-vị, kết-quả của sự tu-hành thành-công. Sơ-quả, ở đây, chỉ vào quả-vị thứ nhứt là Tu-đà-huờn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại gia-đình người thợ-săn được Đức Phật hoá-độ và chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Tại sao họ được hoá-độ? Vì Đức Phật nhận thấy thành-tâm của họ, bỏ sự sân-hận mà khởi lòng mến đạo.

Trong phần thứ nhì của Tích chuyện, vị Tỳ-kheo hỏi, sửa-soạn cung tên giúp chồng đi săn, có bị tội sát-sanh không. Đức Phật bảo, phạm tội sát-sanh là khi nào có ý-định sát-hại trong tâm. Ý trong tâm là điều quan-trọng, tạo thành nghiệp; vì thế ta phải luôn giữ tâm cho trong-sạch.

Đức Phật còn dạy, với người theo thiện-đạo dẫu gặp điều dữ cũng chẳng hề chi, giống như bàn tay lành-lặn dẫu có cầm thuốc độc cũng chẳng nguy-hiểm. Ta nên cẩn-thận hiểu lời dạy nầy, biết đức-hạnh của mình có vững-chắc chưa mà dám gần kẻ dữ. Thôi thì, có gặp thuốc độc là nên tránh xa ngay, như lời Đức Phật đã dạy trong bài trước, an-toàn hơn!

(2)Ý-nghĩa của bài Kệ số 124:

Ý-nghĩa bài Kệ nầy dành cho các bực có đức-hạnh vững-vàng, dấn thân vào sống cùng bọn dữ-ác, để cải-hoá họ. Điều khó là phải giữ cho mình đừng bị nhiễm vào thói xấu của kẻ dữ ở gần bên, giữ thật cẩn-thận, như giữ tay chẳng cho trầy-trụa mới dám cầm thuốc độc mà chẳng bị hại.

HỌC TẬP:

- Học kỹ bài Kệ, để giữ tâm-ý mình khi phải sống gần kẻ dữ.

(103).- Tích chuyện người thợ săn Cổ-kha.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến người thợ săn Cổ-kha.

Thuở ấy ở nước Ma-kiệt-đà, có người thợ săn tên là Cổ-kha, buổi sáng sớm, dẫn đàn chó dữ đi vào rừng. Dọc đường, anh gặp một vị tỳ-kheo đang đi khất-thực. Anh cho đó là điềm xui-xẻo, có lẽ bữa nay chẳng săn được gì. Quả thật, hôm ấy anh chẳng bắt được thú rừng, bực-bội quay về, lại gặp vị tỳ-kheo ban sáng. Anh ta lẩm-bẩm, chỉ tại cái anh nầy mà mình về tay không. Vừa nghĩ, anh vừa xua đàn chó đến cắn vị tỳ-kheo cho bỏ ghét. Vị tỳ-kheo hoảng-hốt, vội leo lên thân cây bên lề đường để tránh chó. Dưới nầy, anh thợ-săn lại ác, lấy cây chĩa, thọt vào chơn vị tỳ-kheo. Đau quá, vị tỳ-kheo đánh rơi cả áo cà-sa, lại trúng ngay đầu anh thợ săn, trùm kín anh ta. Đàn chó vồ lại cắn xé, tưởng đó là người trên cây té xuống. Vị tỳ-kheo thấy tội-nghiệp, bẻ một cành cây, quơ xuống đuổi chó đi. Bấy giờ, bầy chó mới biết chúng đã cắn lầm đến chủ, liền bỏ chạy vào rừng. Xuống đến đất, vị tỳ-kheo đến bên người thợ săn để giúp đỡ, nhưng y đã bị chó dữ cắn chết mất rồi.

Về đến tịnh-xá, vị tỳ-kheo đến bên Phật xin sám-hối tội-lỗi, vô-tình gây nên cái chết cho người thợ săn. Đức Phật bảo: "Nầy tỳ-kheo, hãy an-tâm, con chẳng phạm tội chi cả, giới-đức của con chẳng bị tì-vết gì. Kẻ săn bắn kia đã có dã-tâm muốn hại con là người vô-tội, thì phải chịu lấy hậu-quả nghiêm-khắc đó."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Kẻ nào xâm-phạm người vô-tội,
Trắng-trong, lậu-hoặc dẹp xong rồi.
Cũng như tung bụi ngược gió thổi,
Ác quay trở lại, hại mình thôi.
(Kệ số 125.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa chữ:

- Cổ-kha: tên người thợ săn nầy, tiếng Pali là Koka.

- Các chữ: Trúc-lâm, Vương-xá, Ma-kiệt-đà, xin xem lại nghĩa ở bài trước, trang 322.

- Cà-sa: phiên-âm tiếng Phạn Kasaya, áo màu vàng choàng bên ngoài của tu-sĩ Phật-giáo.

- Tịnh-xá: Tînh = yên-tịnh, thanh-tịnh; Xá = nhà. Tịnh-xá là nơi cư-ngụ của người tu-hành, như chùa, tu-viện, am, cốc.

- Giới-đức: đức-hạnh giữ đúng các điều răn-cấm trong Đạo.

- Tì-vết: chỗ dơ, chỗ bị trầy-trụa. Ở đây, tì-vết có nghĩa là tội-lỗi.

- Dã-tâm = bụng dạ xấu-ác.

- Hậu-quả: Hậu = sau; Quả = kết-quả; Hậu-quả là kết-quả về sau của việc đã làm từ trước.

- Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy; Hoặc = lỗi-lầm. Chữ lậu-hoặc trong Phật-học dùng để chỉ các lỗi-lầm, phiền-não, từ trong tâm biểu lộ ( = rỉ chảy ra) ra bằng hành-động hay lời nói.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một người thợ săn vô-cớ xua chó cắn vị tỳ-kheo; nhưng vị tỳ-kheo chẳng bị hại gì vì leo kịp lên cây, còn kẻ ác kia lại bị chính đàn chó dữ của mình cắn chết. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là: hễ gieo việc ác thì phải chịu hậu-quả khốn-khổ về sau.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 125:

Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ: gây việc ác đến người vô-tội thì người gieo sẽ hứng chịu hậu-quả khốn-khổ về sau. Đó cũng như kẻ tung bụi ngược gió, bụi thổi ngược trở lại làm hại mắt mình.

Trong bài kệ có câu: ...phạm người vô-tội, trắng-trong, lậu-hoặc dẹp xong, có nghĩa là người nầy đã chứng được quả-vị A-la-hán, vì đã dứt trừ tất cả phiền-não bên trong và tâm trở nên trắng-trong.

HỌC TẬP:

- Học kỹ bài kệ, ghi nhớ để tự răn mình, đừng hại kẻ vô-tội.

(104).- Tích chuyện viên hồng-ngọc.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến viên hồng-ngọc và Trưởng-lão Thi-sa.

Thuở ấy ở nước Xá-vệ, có một người thợ kim-hoàn mỗi ngày cùng vợ hay dâng-cúng thực-phẩm cho một vị Trưởng-lão tên là Thi-sa đến khất-thực. Một hôm, vào buổi sáng, vị Trưởng-lão bước vào sân, chờ được bố-thí, thì có một sứ-giả của vua Ba-tư-nặc đem đến một viên hồng-ngọc để người thợ kim-hoàn mài-dũa. Lúc ấy, người thợ từ trong bếp bước ra, tay còn dính máu, nhận viên ngọc để trên bàn, rồi quay trở vào trong để rửa tay. Có con ngỗng nuôi trong sân, nhìn thấy viên ngọc bị dính máu, tưởng là món ăn, bước lại ngoạm và nuốt vào cổ.

Khi người thợ kim-hoàn trở ra, nhìn trên bàn chẳng thấy viên hồng-ngọc, mới hỏi vợ và con có ai lấy không. Không tìm thấy, người thợ mới nghi là vị Trưởng-lão đã lấy trộm viên ngọc, nhưng vị Trưởng-lão lắc đầu, bảo mình chẳng lấy. Mối nghi-ngờ nơi người thợ càng lúc càng gia-tăng, anh ta bực-tức, quên cả lễ-phép, sấn lại bên vị tu-hành, quát to: ‘Ông chẳng lấy viên ngọc, thì ai vào đây; nếu chẳng đưa ra, đừng trách ta tàn-ác."Miệng nói, tay nắm cổ vị Trưởng-lão đè xuống, dùng hèo đập mạnh. Máu đổ, người ngã, nhưng vị tu-sĩ già vẫn im-lìm. Người vợ ra can-ngăn cũng chẳng được. Bấy giờ, con ngỗng còn đứng gần đó, thấy có máu chảy quanh cổ vị Trưởng-lão, mới chạy đến, đưa mỏ vào hút uống. Đang cơn tức-giận, người thợ lấy chơn đá mạnh con ngỗng văng đi trúng vào vách tường, chết tốt. Vị trưởng-lão ngẩng đầu lên, hỏi: "Con ngỗng có thật đã chết rồi hay không?"Người thợ: "Cả ông nữa cũng sẽ chết như nó vậy, nếu chẳng chịu trả viên ngọc lại cho ta." Trưởng-lão từ-tốn bảo: ‘Nầy thí-chủ, chính con ngỗng đã nuốt viên ngọc!"

Nghe thế, người thợ liền xách con ngỗng vào bếp, lấy dao mổ bụng, quả thật viên ngọc đang nằm trong dạ-dày con ngỗng. Bấy giờ, anh ta quá ăn-năn, đến đỡ vị Trưởng-lão ngồi trên ghế. Vợ anh băng-bó, còn anh qùi xuống xin sám-hối. Trưởng-lão Thi-sa phều-phào nói: "Thí-chủ nên đứng dậy. Việc xảy ra là do lỗi của bần-đạo, khi đi khất-thực thì chẳng nên bước vào trong nhà, mà phải đứng chờ ngoài cổng." Nói xong, Ngài thở hơi cuối cùng.

Chiều hôm ấy, các vị tỳ-kheo đến thưa trình Đức Phật việc đáng tiếc xảy ra buổi sáng và hỏi: "Bạch Thế-tôn, chẳng biết các nhơn-vật nơi tiệm kim-hoàn sẽ thác-sanh về đâu?" Đức Phật bảo: "Nầy chư Tăng, con ngỗng được thác-sanh vào làm con trai của người thợ kim-hoàn; người chồng sẽ sa vào điạ-ngục, người vợ được sanh lên cõi Trời làm thiên-nữ. Còn Trưởng-lão Thi-Sa, đã chứng-đắc quả-vị A-la-hán lúc còn sống, nên nay chứng-nhập vào Vô-dư Niết-bàn."

Rồi đó, Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người thường từ bụng mẹ sanh ra.
Phải sa địa-ngục là kẻ dữ.
Bực hiền-lương đến được Thiên-đàng.
Chứng Niết-bàn là hàng Vô-nhiễm.
(Kệ số 126.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Hồng-ngọc: Hồng =màu hồng; Ngọc = viên đá quí. Hồng-ngọc là viên đá quí màu hồng, chói sáng.

- Kim-hoàn: Kim =vàng; Hoàn =chiếc vòng. Hiệu Kim-hoàn là tiệm làm và bán đồ nữ-trang.

- Thi-Sa: tên vị Trưởng-lão, tiếng Pali là Tissa.

- Sứ-giả = người mang tin đến cho kẻ khác.

- Ba-tư-nặc: tên vua xứ Câu-tát-la (Kosala), tiếng Pali là Pasedani.

- Hèo = cây gậy cứng nặng, dùng để đánh-đập.

- Từ-tốn = nói chẫm rãi và dịu-dàng.

- Thí-chủ: Thí =bố-thí; Chủ =chủ, chủ nhà. Thí-chủ là người bố-thí, còn gọi là Thí-giả. Trái lại, người nhận của bố-thí là thọ-giả.

- Dạ-dày = bộ-phận trong bụng để chứa đồ ăn ăn vào; thường gọi lầm là bao-tử.

- Sám-hối: xin nhắc lại: ăn-năn, hối-tiếc và hứa chẳng tái-phạm .

- Bần-đạo: Bần =nghèo; Đạo =đạo-sĩ; Bần-đạo là tiếng tự-xưng của các tu-sĩ; cũng như bần-tăng.

- Thác-sanh: tái-sanh; sanh trở lại.

-Thiên-nữ: Thiên = Trời; Nữ =phụ-nữ. Thiên-nữ là cô gái, đàn-bà trên cõi Trời. Đàn-ông là Thiên-nam. Còn Thiên-đế là vua cõi Trời.

- Vô-dư Niết-bàn: Theo giáo-lý Nguyên-thuỷ, người chứng được quả-vị A-la-hán lúc còn sống sống trong cảnh Hữu-dư Niết-bàn, Hữu = có; Dư = dư-y, tức là tấm thân còn chịu nốt những nghiệp-báo còn sót lại. Khi chết đi, rời thân-xác nầy, sống vĩnh-viễn trong cảnh tịch-diệt gọi là Vô-dư Niết-bàn, chẳng phải tái-sanh trong sáu đường Luân-hồi nữa.

- Thiên-đàng: ở đây có nghĩa là sanh lên các cõi Trời.

- Vô-nhiễm: Vô = chẳng; Nhiễm = dính dơ. Vô-nhiễm ở đây có nghĩa là chẳng còn bị các lậu-hoặc, phiền-não làm bợn nhơ tâm của mình. Nói cách khác, bực Vô-nhiễm là người đã hoàn-toàn giải-thoát.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất lâm-ly, thuật lại đức nhẫn-nhục của một vị Trưởng-lão, thà im-lặng chịu bị đánh-đập hơn là nói lên sư-thật có thể làm chết con ngỗng. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là nêu gương anh-dũng của đức nhẫn-nhục.

Trong phần sau của Tích chuyện, Đức Phật nói cho các tỳ-kheo biết nơi tái-sanh của các nhơn-vật tại tiệm kim-hoàn, đó là Ngài muốn cho các tỳ-kheo thấy rõ Luật Nhơn-quả: con ngỗng bị đá chết, sanh trở lại làm con người thợ kim-hoàn, để đòi nợ; người thợ phạm đến sanh-mạng của Trưởng-lão bị rơi vào điạ-ngục Vô-gián ( = bị hình-phạt chẳng ngừng-nghỉ); người vợ biết làm việc thiện, can-ngăn để cứu vị Trưởng-lão, nên được sanh lên Trời hưởng sung-sướng. Vị Trưởng-lão vì đã chứng quả-vị A-la-hán, chẳng còn bị tái-sanh, thì sống và chết ở cõi đời nầy, chẳng có chi khác-biệt mà phải sợ chết, tham sống.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 126:

Bài Kệ số 126 phân-biệt các cõi: (1) cõi người, sanh ra từ bụng mẹ; (2) cõi điạ-ngục, trừng-trị kẻ dữ; (3) cõi Trời, dành cho người hiền-lương; (4) cõi Niết-Bàn, dành cho bực Vô-nhiễm, đã hoàn-toàn giải-thoát.

(105).- Tích chuyện về ba nhóm Tỳ-kheo.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ba câu hỏi của ba nhóm tỳ-kheo

Thuở ấy, có ba nhóm tỳ-kheo khác nhau từ xa đến đảnh-lễ Đức Phật. Dọc đường, mỗi nhóm gặp phải một chuyện lạ, như sau:

1.- Nhóm thứ nhứt: Trên đường đi hướng về Kỳ-viên-tự, nhóm Tỳ-kheo nầy dừng chơn lại tại một ngôi làng, để khất-thực. Trong khi dân-chúng nấu cơm, sửa-soạn thức ăn, thì có một căn nhà bốc cháy lên dữ-dội. Tàn lửa bay lên cao; bỗng đâu một con quạ đen bay ngang qua, trúng lửa bị thiêu cháy rớt xuống chết. Các vị Tỳ-kheo chẳng biết duyên-cớ nào mà con quạ lại bị rủi-ro như thế, định khi đến gặp Phật sẽ hỏi.

2.- Nhóm thứ hai: Nhóm nầy dùng thuyền vượt biển để đi đến chùa Kỳ-viên. Giữa đường, thuyền bỗng dừng lại, chẳng di-động được. Các thủy-thủ trên thuyền dùng thẻ xâm để khấn xem ai là người trên thuyền nầy đã khiến cho thuyền bị nạn. Ba lần xin xâm đều nhằm vào người vợ của vị thuyền-trưởng. Ông nầy nói: "Nếu thần-linh đã bảo rõ như thế, thì phải quăng người đàn-bà nầy xuống biển, thì thuyền mới đi được." Nói xong, ông ra lịnh bắt trói người vợ, đeo vào cổ một viên đá nặng, rồi xô xuống biển. Các vị Tỳ-kheo chẳng rõ duyên-cớ nào mà người đàn-bà phải chịu số-phận hẩm-hiu như thế, định khi đến gặp Phật sẽ hỏi.

3.- Nhóm thứ ba: Nhóm Tỳ-kheo nầy đi đường bộ, gặp đêm tối, tìm chỗ tạm trú. Họ được chỉ một động-đá bên sườn núi. Bảy vị bước vào trong, bỗng đâu một hòn đá lớn lăn xuống, chận bít chỗ ra vào. Cả bọn hì-hục ngày đêm để đẩy hòn đá. Mãi đến ngày thứ bẩy, hòn đá mới xê-dịch, đủ để cho bảy vị bên trong thoát ra ngoài. Các vị Tỳ-kheo chẳng biết duyên-cớ gì đã khiến cho bảy vị thiếu may-mắn kia bị nhốt trong hang động, đói khát suốt bảy ngày. Họ định khi đến gặp Phật sẽ hỏi.

Một thời-gian sau, cả ba nhóm Tỳ-kheo đồng đến một lượt tại chùa Kỳ-viên. Sau khi đảnh-lễ Đức Phật, mỗi người trong mỗi nhóm thuật lại chuyện lạ xảy ra cho nhóm mình, và thỉnh-cầu Đức Phật giải-thích rõ duyên-do của mỗi việc. Đức Phật lần-lượt giải-đáp như sau:

1.- Nhóm thứ nhứt: ‘Nầy các Tỳ-kheo, trong một kiếp xa xưa, có một người nông-phu nuôi một con bò. Bò rất lười-biếng, cả ngày gâm cỏ xong thì nằm ngủ. Chủ bò tìm đủ cách để bắt nó đi làm, nhưng bò rất ngoan-cố chẳng chịu cất bước. Chủ bò giận quá, mới lấy dây rơm cột cổ bò lại và nổi lửa lên đốt. Bò chết. Vì hành-động tàn-ác đó, chủ bò phải sa vào địa-ngục; đến khi mãn hạn ở địa-ngục, được sanh vào hàng súc-sanh và phải chịu chết cháy trong bảy đời liên-tiếp."

2.- Nhóm thứ hai: "Nầy các Tỳ-kheo, trong một kiếp xa xưa, có một người đàn-bà nuôi một con chó, đi đâu cũng dẫn nó theo. Một hôm bà đi ra chợ, bị một bọn thanh-niên chê chọc con chó, bà mắc-cỡ quá, mới tính giết con chó đi. Bà lấy dây buộc một cái chậu đầy cát, đeo vào cổ chó và trấn nước nó. Chó bị chết chìm. Vì hành-vi tàn-ác đó, người đàn-bà phải sa vào địa-ngục; đến khi mãn hạn khỏi địa-ngục, phải chịu cảnh chết chìm trong nhiều kiếp tái-sanh."

3.- Nhóm thứ ba: ‘Nầy các Tỳ-kheo, trong một kiếp xa xưa, có bảy người chăn bò thấy một con kỳ-đà đang bò vào một cái hang dưới một mô đất cao. Tinh-nghịch, họ lấy các nhánh cây khô chận bít cả bảy ngách của hang, khiến cho con kỳ-đà bị nhốt chẳng ra được. Sau đó, mấy kẻ chăn bò bỏ đi, quên bẳng việc con thú bị nhốt. Đến khi họ nhớ lại, tới giở các nhánh cây ra, thì con kỳ-đà mới thoát ra được, sau bảy ngày nhịn đói. Vì hành-vi ác-độc đó, bảy kẻ chăn bò đó trong mười bốn kiếp tái-sanh, sẽ bị giam-nhốt trong hang và chịu đói khát bảy ngày."

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo thốt lên rằng: ‘Bạch Thế-tôn, con thấy chẳng có cách nào trốn thoát được ác-báo cả, cho dầu có bay trên trời cao, hay lặn xuống biển cả, hoặc chui vào hang đá, hễ gây nhơn xấu là phải chịu quả xấu." Đức Phật bảo: "Đúng như thế, trên thế-gian nầy, chẳng có nơi nào mà tránh khỏi ác-báo của hành-vi bất-thiện cả."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Dầu bay vút trên trời cao,
Hay lặn sâu dưới biển cả,
Hoặc chui rút vào hang đá,
Trốn làm sao được hậu-quả
Các điều ác đã tạo ra.
(Kệ số 127.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Di-động: Di = di-chuyển; Động = động-đậy.

- Thuỷ-thủ: Thuỷ = nước; Thủ = bàn tay; Thủy-thủ = người làm công trên tàu-bè.

- Xin xâm = tục-lệ dùng các thẻ tre, khấn vái, lắc ống cho thẻ rớt ra, theo đó mà suy-đoán ý-định của vị thần-linh. Có vẻ dị-đoan.

- Thuyền-trưởng: Thuyền =tàu-bè; Trưởng = lớn. Thuyền-trưởng là vị chỉ-huy một chiếc tàu.

- Hẩm-hiu = thiếu may-mắn, bị khốn-khổ.

- Duyên-cớ = Duyên-do = lý-do tại sao, vì cớ gì .

- Ngoan-cố = cứng đầu, chẳng chịu nghe lời dạy.

- Súc-sanh = thú-vật, chẳng có trí thông-minh.

- Trấn nước = nhận chìm xuống nước cho chết ngộp.

- Kỳ-đà = loài bò-sát thân to, thường sống cả trên bờ và dưới nước

- Ác-báo: Ác = tàn-ác, dữ-dằn; Báo = báo đền, báo thù. Ác-báo là hậu-quả xấu-ác xảy ra sau, do một hành-động ác trước đã gây ra.

- Nhơn, Quả: Nhơn = nguyên-nhơn, cớ; Quả = kết-quả, hậu-quả.

- Bất-thiện: Bất = chẳng; Thiện = lành. Bất-thiện là ác, chẳng lành.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Bài nầy có đến ba Tích chuyện, nhưng cùng chỉ đến hậu-quả của việc làm ác khi trước. Đó là ác-báo thế nào cũng xảy ra cho người đã làm việc bất-thiện, dầu trốn đi đâu cũng chẳng khỏi.

(2) Ý-nghĩa cvủa bài Kệ số 127:

Bay lên trên không-trung, lặn dưới biển-cả, chui rút vào hang đá, cứ tưởng đâu là nơi trốn-tránh được an-toàn, nhưng ý-nghĩa của bài Kệ dạy, chẳng có nơi nào thoát khỏi ác-báo của việc bất-thiện cả.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ và ghi nhớ Tích chuyện, để khuyên-răn trẻ-con chớ có hành-hạ, gây đau-đớn cho thú-vật.

2.- Khuyến-khích con-cái giúp-đỡ các Hội Bảo-vệ Súc-vật.

(106).- Tích chuyện vương-tử Thiện-giác .

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Cây Sung, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vương-tử Thiện-giác.

Thuở ấy, vương-tử Thiện-giác vốn dòng họ Thích-ca, là cha của Đề-bà-đạt-đa và công-chúa Da-du-đà-la, vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta. Vương-tử Thiện-giác mang niềm hiềm-hận đối với Đức Phật Thích-ca, vì hai lý-do. Thứ nhứt là trước kia, Thái-tử Tất-đạt-ta đi tu, bỏ công-chúa Da-du-đà-la ở lại một mình, khiến công-chúa phải sống trong cô-đơn. Thứ hai là về sau, vì hay binh con là Đề-bà-đạt-đa, khi vị nầy gia-nhập Tăng-đoàn, đã có thái-độ thù-nghịch với Đức Phật.

Một hôm, khi biết được Đức Phật và chư Tăng đi khất-thực trong thành Ca-tỳ-la-vệ, vương-tử Thiện-giác cùng bọn người hầu-cận ngồi uống rượu thật say, chận đường Đức Phật đi ngang qua. Khi Đức Phật cùng chúng Tăng đến nơi, vương-tử chẳng chịu dời tránh đi, bảo rằng: "Sa-môn Cồ-đàm nhỏ tuổi hơn ta, sao ta lại phải nhường đường cho ông ấy." Đức Phật mới quay đi sang đường khác. Vương-tử Thiện-giác liền cho người rình theo Đức Phật, xem Ngài có nói gì về ông ta không. Đi một đỗi đường, Đức Phật nói với thị-giả A-nan rằng: "Nầy A-nan, trong bảy ngày nữa, vương-tử Thiện-giác sẽ chết vì bị đất nứt hút xuống, ngay tại nấc thang bước vào thềm cung-điện." Người kia nghe được liền thuật lại cho vương-tử Thiện-giác. Ông ta cười bảo: ‘Ta sẽ có cách làm cho lời tiên-đoán của Sa-môn Cồ-đàm trở nên sai-bét!" Vương tử ra lịnh cho bọn thợ hồ cạy hết các bực thang trước thềm, làm một lối đi khác, và dặn người túc-trực ở đó để nhắc Vương-tử nếu quên mà đi ngang qua chỗ cũ.

Bảy ngày hôm sau, vương-tử Thiện-giác đang dùng bữa, bỗng đâu con ngựa quí của ông nổi chứng, chạy lồng-lộn vào. Vương-tử đứng lên chận ngựa lại, lôi kéo nhau, đến bên chỗ thềm cũ, rồi đất nứt ra, hút cả vừa ngựa vừa người, lọt xuống hang sâu chẳng thấy đáy.

Tin Vương-tử bị đất hút được các tỳ-kheo thưa trình lại với Phật. Đức Phật nói: "Nầy các tỳ-kheo, dầu bay cao trên trời, bơi ra khơi ngoài biển cả, hay chui rút vào hang đá, chẳng có nơi nào trên thế-gian nầy mà con người trốn khỏi tay của Thần Chết."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Dầu bay vút trên trời cao,
Hay lặn sâu dưới biển cả,
Hoặc chui vào hang đá,
Chẳng chỗ nào trên thế-gian
Trốn khỏi được tay Thần Chết.
(Kệ số 128.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vương-tử: Vương =vua; tử = con; Vương-tử là người dòng vua.

- Thiện-giác: tên thật vị vương-tử tiếng Pali là Suppabuddha.

- Chùa Cây Sung: tên ngôi chùa nầy tiếng Pali là Nigrodhàràma; Nigrodhà là loại cây to lớn, có trái nhỏ, tròn, trong có hột như hột mè, mùi-vị thơm, ngọt, tựa như trái sung ở nước Việt ta.

- Đề-bà-đạt-đa:tên thật bằng tiếng Pali là Devadatta, vị tỳ-kheo đã ba lần mưu-sát Đức Phật.

- Da-du-đà-la: tên thật công-chúa tiếng Pali là Yasodharà, rất đẹp và hiền, vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta (Siddhattha) trước khi đi tu thành Phật.

- Tất-đạt-ta: tên của Đức Phật Thích-ca, khi ngài còn là Thái-tử, con vua Tînh-phạn (Suddhodana), chưa đi tu. Tiếng Pali là Siddhattha.

- Ca-tỳ-la-vệ: tên thủ-đô của nước Xá-vệ, nơi Thái-tử Tất-đạt-ta sống khi chưa đi tu. Tiếng Pali là Kapilavatthu.

- Hiềm-hận = mối giận-hờn ghi sâu trong lòng.

- Cô-đơn = sống một mình.

- Sa-môn = tu-sĩ Phật-giáo, tiếng Pali là Samana.

- Cồ-đàm = họ của Đức Phật Thích-ca, tiếng Pali là Gotama.

- Một đỗi đường: một khoảng đường đã đi qua.

- Tiên-đoán: Tiên =trước; Đoán = nói về chuyện chưa xảy ra. Lời tiên-đoán là lời đoán trước sự việc sẽ xảy ra.

- Túc-trực = ở mãi tại một chỗ để canh-chừng.

- Nổi chứng = bỗng trở nên hung-hăng, khó trị.

- Thần Chết: sự chết-chóc. Người ta thường lầm-tưởng là khi sắp chết, con người bị một vị thần-linh đến bắt dẫn linh-hồn đi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại cái chết của Vương-tử Thiện-giác, tuy được Đức Phật báo trước, nhưng cũng chẳng thế nào tránh khỏi được. Chuyện kể việc đất nứt ra, hút sâu vào lòng đất, ngày nay ta khó tin, vì đất nứt chỉ xảy ra trong các cuộc động-đất. Nhưng rất có thể, vì chạy theo con ngựa

điên, bị lôi đến bực thềm, lọt xuống hố đào sẵn còn cây gỗ đá ngổn ngang, bị thương nặng mà chết. Ý-nghĩa của Tích chuyện là chẳng ai tìm được cách nào mà khỏi chết cả, hễ đã sanh ra có thân-thể, thì sẽ có ngày thân-thể ấy bị huỷ-diệt mà chết, chẳng cách nào trốn tránh được.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 128:

Bài Kệ nầy giống với bài Kệ trước, số 127, giống ở chỗ chẳng có nơi trú-ẩn an-toàn nào cả, và khác với bài Kệ trước, là trước thì trốn chạy ác-báo, còn sau thì cố tránh cho khỏi chết. Cả hai bài đều nói lên sự bất-khả-kháng ( =chẳng chống-cự nổi được) đối với ác-báo, và đối với cái chết. Đây là sự-thật muôn đời mà người học Đạo phải thấu rõ và phải có thái-độ đứng-đắn đứng trước các việc xấu-ác, cũng như trước sự chết.

Gặp việc xấu-ác, cần phải tránh xa, đó là con đường để thoát khỏi ác-báo về sau.

Đã sanh ra làm người, mang tấm thân tứ-đại nầy, có sanh thì có diệt, con người muốn tránh được cái chết trong cõi Luân-hồi, chỉ có cách là gắng công tu-tập để chứng được cảnh Vô-sanh, chẳng còn bị sanh-tử, tử-sanh ràng buộc nữa, để khỏi bị tái-sanh thì sao lại bị chết nữa được.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng cả hai bài Kệ, để ghi nhớ: con người chẳng thể trốn-tránh khỏi ác-báo nếu đã gây ra tội-lỗi, và cũng chẳng có ai là khỏi phải chết cả.

2.- Đừng nghe theo lời mê-tín chạy đi tìm thuốc "trường-sanh" để sống mãi chẳng già. Đó là lời dối-gạt, chớ nên tin theo, đã mất tiền, lại còn đem chất độc vào mình hại thân.

-ooOoo-

Âm lịch

Ảnh đẹp