KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA )


Thiện Nhựt lược-dịch và tìm hiểu
08/09/2010 01:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 34334
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

XVI.-Phẩm THÂN - ÁI.

(165).- Tích chuyện ba người khất-sĩ.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến một gia-đình, chồng, vợ và con đi tu chung tại một chùa.

Thuở ấy, ở Xá-vệ có một người thanh-niên xuất-gia vào một tu-viện làm tỳ-kheo. Chẳng bao lâu sau, người cha cũng rời bỏ đời sống thế-tục, gia-nhập Tăng-đoàn ở tu-viện ấy. Sau cùng, người mẹ cũng theo chơn chồng và con đi tu luôn. Họ sống chung với nhau trong một ngôi chùa, cùng đi khất-thực, cùng ăn, cùng ngủ, chuyện-trò, bàn-cãi nhau như lúc còn ở nhà. Đìều nầy khiến cho các vị tỳ-kheo khác cảm thấy khó-chịu, mới đến thưa-trình cùng Đức Phật. Đức Phật cho gọi cả ba người, cha, mẹ và con đến và bảo họ: "Đã xuất-gia, thọ giới theo Giáo-hội, các người chẳng nên tiếp-tục sống khắng-khít bên nhau như trong một gia-đình riêng-biệt nữa. Xa người mình thương, gần người mình chẳng thích, cả hai đều đau-khổ. Các người đừng quá thân-yêu, quyến-luyến với bất cứ ai, với bất cứ sự-vật nào."

Rồi Đức Phật mới nói lên ba bài Kệ sau đây:

Cố đuổi theo điều nên xa lánh,
Việc đáng theo mà tránh chuyên-cần;
Bỏ mục-tiêu, lại gần dục-lạc,
Để rồi ganh-tị bực chuyên-tu.
(Kệ số 209.)

Chớ gần-gũi quá người mình thương,
Đừng ở gần bên người mình ghét.
Thương chẳng gặp, ghét lại gặp thường,
Cả hai đường đều đau-khổ hết.
(Kệ số 210.)

Do vậy, chớ bao giờ quá thân-yêu,
Yêu phải xa nhau, yêu là đau-khổ.
Cả yêu lẫn ghét đều lià bỏ
Mọi dây ràng-buộc bị diệt tiêu.
(Kệ số 211.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Khất-sĩ: Khất = đi xin; Sĩ =người. Cả ba danh-từ: khất-sĩ, tỳ-kheo, bí-sô đều chỉ vào các tu-sĩ Phật-giáo, hằng ngày đi xin ăn, để dẹp lòng tự-ái và có dịp dạy đạo cho dân. Tiếng Pali: Bhikkhu.

- Xuất-gia: Xuất = ra; Gia = nhà. Xuất-gia chẳng những là rời nhà vào chùa mà còn có nghĩa sâu: rời bỏ căn nhà phiền-não, dứt tríu-mến

- Thế-tục: Thế = đời; Tục = thông-thường. Đời Thế-tục là đời sống của người thường chưa đi tu sống trong gia-đình, sanh-hoạt ở xã-hội.

-Thọ-giới: Thọ =nhận; giới = giới-luật; Thọ-giới là nhận tuân theo các điều răn-cấm, như chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp,v.v

- Tăng-đoàn: Tăng = nam tu-sĩ Phật-giáo. Cứ bốn vị Tăng tu chung nhau, trở lên, làm thành một Tăng-đoàn.

- Mục-tiêu: Mục = con mắt; Tiêu = cái mốc để nhìn vào mà bắn. Ở đây, chữ mục-tiêu có nghĩa là điều mình đang đeo đuổi, muốn có.

- Dục-lạc: Dục = muốn; Lạc = vui. Ở đây, dục-lạc có nghĩa là các điều ham-muốn thấp-kém về vật-chất.

- Ganh-tị: ghen-ghét, cà-nanh, đố-kỵ.

- Chuyên-cần: siêng-năng. Chuyên-tu: siêng tu.

-Dây ràng-buộc: dùng theo nghĩa bóng, dịch chữ Hán-Việt: triền-phược. (Triền = vấn xung-quanh; phược = buộc dây). Đây là nói đến các tình-cảm trong tâm, có tánh-cách ràng-buộc, như thương, như ghét. Vì thương ai, nên tâm quyến-luyến nhớ người ấy; vì ghét ai, thì nhớ mãi tên, hay gương mặt của người ấy trong tâm mình.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc cả gia-đình ba người: chồng, vợ và con, đều xuất-gia tại cùng một tu-viện, nhưng họ vẫn còn quyến-luyến nhau, chẳng rời nhau ra được. Đức Phật dạy, hễ đã xuất-gia, phải dứt bỏ mọi tríu-mến, dầu đó là cha-mẹ hay con-cái; vì có dứt bỏ được, tâm mới chẳng còn bị ràng-buộc nữa mà trở nên thanh-tịnh.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: xuất-gia là bước chơn ra khỏi căn nhà phiền-não, chớ chẳng phải chỉ ra khỏi ngôi nhà che mưa trú nắng.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 209:

Bài Kệ chê-trách những người tu-hành thiếu sự tinh-tấn rồi sanh ra ghen-ghét với các bực chuyên-tu.

1) Hai câu đầu: Cố đuổi theo điều nên xa lánh, Việc đáng theo mà tránh chuyên-cần: đây là đang làm ngược lại với sự tinh-tấn: điều ác chưa sanh, phải tránh đừng cho xảy ra; điều lành còn chưa làm, phải gắng thực-hiện ngay;

2) Câu thứ ba: Bỏ mục-tiêu, lại gần dục-lạc: quên mất mục-tiêu giác-ngộ và giải-thoát của đường tu, vì đang chạy theo các thú-vui vật-chất;

3) Câu chót: Để rồi ganh-tị bực chuyên-tu: hậu-quả là thấy bạn đồng-tu tinh-tấn trên đường đạo thì lại sanh ra ghen-ghét, mà chẳng xét đến lỗi mình đã thiếu nỗ-lực trong việc tu-hành.

(3) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 210 và 211:

Hai bài Kệ nầy nhập chung lại thành một bài, khuyên ta phải dứt bỏ sự luyến-ái, sự bấu-viú, mà phải tập hạnh xả-ly.

Bài Kệ số 210 nêu lên hai nỗi khổ, trong tám cái khổ ở đời: (1) thương nhau mà phải xa nhau; (2) ghét nhau mà phải gần bên nhau. Tại sao khổ? Thương nhau mà xa nhau, thì nhớ mong, trông sớm được ngày gặp lại nhau. Thời gian chờ mong, thương nhớ làm cho tâm chẳng được yên. Ghét nhau mà phải gần bên nhau, thì sự bất đồng ý-kiến xảy ra hằng ngày, khiến cho cuộc sống chung trở nên nặng-nề, chẳng những giữa hai người trong cuộc, mà còn lây sang đến những người chung quanh.

Hai câu chót của bài Kệ số 210: Thương chẳng gặp, ghét lại gặp thường, Cả hai đường đều đau-khổ hết dẫn ta đến kết-luận được chỉ rõ trong bài Kệ số 211: Cả yêu lẫn ghét đều lià bỏ, Mọi dây ràng buộc bị diệt-tiêu. Kết-luận nầy nêu cao mục-tiêu tu-tập: giác-ngộ và giải-thoát. Giác-ngộ được gì? Giác-ngộ rằng cả hai tình-cảm:thương và ghét, tuy đối chọi nhau nhưng cùng có hiệu-lực ràng-buộc ta. Giải-thoát khỏi những gì? Giải-thoát khỏi những sự trói-buộc do chính tâm mình tạo ra cho mình. Vì lẽ nầy mà trước khi xuất-gia, người tu-hành phải dứt-khoát bỏ qua hết mọi luyến-lưu vào gia-đình và sự-nghiệp.

(166).- Tích chuyện một gia-chủ giàu-có.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến một vị gia-chủ giàu-có quá đau buồn vì con trai chết.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có một người gia-chủ rất giàu-có vì đứa con trai chết mà quá đau-buồn, mỗi ngày đều ra nghĩa trang khóc-lóc, than-thở. Sáng sớm hôm ấy, trong cơn thiền-định, Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho người gia-chủ ấy chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Ngài liền cùng với các vị tỳ-kheo đi đến nhà vị gia-chủ đó, để khất-thực. Thấy vẻ mặt buồn-thảm của người gia-chủ, Đức Phật mới hỏi nguyên-do. Người ấy thuật lại việc đứa con trai của mình bị bịnh vừa qua đời, khiến cho lòng mình thương-cảm và âu-sầu. Đức Phật ân-cần khuyên: "Nầy gia-chủ, cái chết chẳng phải chỉ đến ở một nơi. Mọi chúng-sanh đã sanh ra, tất có ngày phải chết đi; cuộc sống luôn luôn chấm-dứt bằng cái chết. Gia-chủ đừng nghĩ rằng, chỉ có đứa con yêu-dấu của mình mới bị Thần Chết bắt mang đi. Gia-chủ đừng tỏ ra quá ưu-sầu, chán-nản, lo-lắng đến độ đó. Sự ưu-sầu, sự sợ-hãi chính do từ niềm thương-yêu luyến-ái quá mức mà sanh ra."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà người gia-chủ chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn:

Thân-ái sanh ra sầu-muộn,
Thân-yêu sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ thân-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 212.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Gia-chủ: Gia = nhà; Chủ = chủ; Gia-chủ là chủ nhà.

- Nghĩa-trang = nghĩa-địa, nơi chôn-cất người chết.

- Quán-thấy: Xin nhắc lại: trong cơn thiền-định, nhìn thấy rõ trong tâm.

- Cơ-duyên: Xin nhắc lại: đã đủ duyên lành, được dịp may.

- Tu-đà-huờn: quả-vị đầu-tiên trong hàng Thanh-văn, đệ-tử sống gần bên Phật. Tiếng Pali là Sotàpatti, dịch là Nhập-Lưu, nghĩa là được gia-nhập vào dòng nước Thánh, hay là Thất-Lai, nghĩa là chỉ còn phải bị tái-sanh bảy lần nữa thì chứng được quả Thánh.

- Luyến-ái: Luyến = quyến-luyến, rời ra chẳng được. Ái = thương; Luyến-ái = lòng thương quá mức, đến độ rời nhau ra chẳng được.

- Thân-ái, thân-yêu: cùng là thương-yêu cả, nhưng hàm ý-nghĩa quá quyến-luyến, quá tríu-mến. Chính sự quá tríu-mến mới là chỗ Đức Phật dạy phải bỏ đi, vì nó ràng-buộc tâm ta, làm ta đau-khổ sau nầy.

- Dây-nhợ = nghĩa bóng là ràng-buộc, trói-buộc.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, kể lại sự đau-buồn của một người cha bị mất đứa con trai, được Đức Phật khuyên-giải.

Lời Phật dạy: "Cái chết chẳng đến ở một nơi"; câu nầy nói lên lẽ Vô-thường trong Phật-học: mọi vật có hình-tướng đều bị biến-đổi và hủy-diệt. Hiểu rõ lẽ vô-thường, ta chẳng bám-víu vào bất cứ ai, bất cứ sự-vật gì, vì hễ còn bám-víu là còn bị khổ-đau khi bị mất-mát. Ứng-dụng vào đời sống: chấp-nhận lẽ vô-thường, xem sự chết dĩ-nhiên sẽ đến với mọi người, phải giữ tâm an-nhiên, chớ quá xúc-động.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 212:

1.- Thân-ái sanh ra sầu-muộn: mới đọc qua, thấy có vẻ mâu-thuẫn, vì khi thân-ái nhau thì sung-sướng, vui-thích hơn, chớ sao lại sầu-muộn? Nhưng, vì đã quá thân-ái nhau, nên khi lià nhau, sầu-muộn sẽ sanh ra. Có ai ở mãi bên nhau mà chẳng có lúc lìa nhau?

2.- Thân-yêu sanh ra lo-sợ: Tại sao? Vì sợ mất ngưòi hay vật mình thương.

3.- Ai cắt-đứt dây nhợ thân-ái: Ai vậy? Đó là người đã giác-ngộ, biết rõ sự ràng-buộc do tự tâm mình quá luyến-ái mà sanh ra.

4.- Chẳng sầu, sao có sợ? Khi nào sầu? Sầu khi gặp việc chẳng vừa lòng. Tại sao sợ? Sợ vì ngại việc chẳng vừa lòng sẽ xảy ra cho mình. Vậy muốn chẳng sầu, chẳng sợ, thì đừng quá vừa lòng việc gì cả, giữ tâm thật bình-đẳng, xem mọi việc đều ngang nhau.

(167).- Tích chuyện bà Vi-sa-kha khóc cháu.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến bà Vi-sa-kha quá đau buồn vì mất đứa chúa gái.

Thuở ấy, bà tín-nữ Vi-sa-kha, vị nữ thí-chủ rất nổi tiếng vào thời đức Phật, người đã xây cất và cúng-dường nữ tu-viện Đông-viên cho Ni-đoàn ở nước Xá-vệ, có đứa cháu tên Sử-đạt-ta vừa qua đời. Bà rất thuơng-tiếc, khóc lóc đau buồn thảm-thiết. Bà đến yết-kiến Đức Phật và được Đức Phật dạy rằng: "Nầy nữ thí-chủ Vi-sa-kha, sao bà chẳng biết mỗi ngày tại nước Xá-vệ nầy, có nhiều người đã chết? Nếu bà xem mỗi người đã qua đời là người thân mà bà thương-tiếc như một đứa cháu của bà, thì có lẽ chẳng có lúc nào bà ngưng chảy nước mắt cả. Bà chẳng nên để cái chết của đứa cháu thân-yêu làm khủng-hoảng tinh-thần bà như thế. Ưu-sầu và sợ-hãi sanh ra do sự quá luyến-ái đó."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Luyến-ái sanh ra sầu-muộn,
Tríu-mến sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ luyến-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 213.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vi-sa-kha: tên vị nữ thí-chủ đã dưng-cúng rất nhiều cho Ni-đoàn vào thời đức Phật, tiếng Pali là Visakha.

- Nữ tu-viện Đông-viên: tên ngôi chùa của bà Vi-sa-kha dưng-cúng, ở phiá Đông chùa Kỳ-viên, tiếng Pali là Pubbàràma

- Sử-đạt-ta: tên cháu gái bà Vi-sa-kha, tiếng Pali là Sudattà.

- Yết-kiến: đến gặp bực trưởng-thượng, để nghe chỉ-dạy.

- Làm khủng-hoảng tinh-thần: khiến cho mất tinh-thần, khiến cho lòng chẳng yên, trở nên đau buồn.

- Ưu-sầu: đau buồn trong lòng.

- Luyến-ái, Tríu-mến: cùng là tình thương cả, nhưng trong sự luyến-ái, trong sự tríu-mến, có sự bám-víu quá vào người mình thương, vào vật mình mến, cho nên đến khi phải lìa nhau thì sanh ra đau-khổ nhiều. Chính sự bấu-víu nầy là chỗ Đức Phật dạy phải rời bỏ, chớ chẳng phải là bỏ đi tình thương.

- Dây nhợ luyến-ái: Xin nhắc lại, đây là nghĩa bóng, chỉ vào sự ràng-buộc, chính từ nơi tâm mình sanh ra luyến-ái, rồi chính sự luyến-ái ấy lại trói buộc lấy tâm mình.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện nầy cũng rất giản-dị như Tích chuyện trước: bà Vi-sa-kha mất đứa cháu gái thân-yêu, khóc lóc, đau buồn, được Đức Phật khuyên-giải.

Ý-nghĩa của Tích chuyện nằm trong lời Đức Phật dạy: "Nếu bà xem mỗi người đã qua đời là người thân mà bà thương-tiếc như nột đứa cháu của bà, thì có lẽ chẳng có lúc nào bà ngưng chảy nước mắt cả..." Cái chết đến khắp nơi, chẳng riêng một nhà, đó là lẽ vô-thường của cuộc sống. Người hiểu lẽ vô-thường, biết chấp-nhận cái chết đến cho người thân, mà chẳng quá đau-buồn, chẳng để tâm mình phải mất sự an-tịnh.

Về tình thương, Đức Phật dạy phải trải rộng tình thương đến mọi người, mọi loài, chẳng phân-biệt; đó là tâm Từ-bi, khác rất xa với sự luyến-ái, vì sự luyến-ái còn hạn-chế, thu-hẹp vào một người hay một vật. Vì lẽ mở rộng tình thương đến mọi người, mọi loài nên tâm Từ-bi được gọi là tâm vô-lượng.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 213:

Ý-nghĩa bài Kệ nầy cũng giống với ý-nghĩa bài Kệ trước, số 212: sự luyến-ái sanh ra sầu-muộn và lo-sợ. Vì thế, ta phải cắt đứt dây nhợ của sự luyến-ái, để có thể trải rộng tình thương đến mọi người, mọi loài, chẳng phân-biệt xa hay gần, thân hay thù.

HỌC TẬP:

- Học thuộc hai bài Kệ, ghi nhớ: cắt đứt luyến-ái, chính là để trải rộng tình thương đến mọi người, mọi loài, theo tâm Từ-Bi.

(168).- Tích chuyện các ông hoàng xứ Ly-xa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Chùa Nóc-Nhọn ở xứ Tỳ-da-ly trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị hoàng-tử xứ Ly-xa.

Thuở ấy, vào một ngày hội-hè vui-nhộn, Đức Phật đi vào thành Tỳ-da-ly, cùng với đông-đảo tỳ-kheo. Dọc đường, Đức Phật gặp một đoàn xe trang-hoàng thật đẹp-đẽ chở các ông hoàng xứ Ly-xa đi du-ngoạn. Họ lên đường đến một công-viên để dự hội. Nơi đây, họ tranh dành nhau một người dâm-nữ, rồi sanh ra ẩu-đả nhau, nhiều người bị thương-tích nặng, phải dùng xe để chở về. Bấy giờ, Đức Phật và các tỳ-kheo đi khất-thực xong, trở về tịnh-xá, trông thấy cảnh-tượng đó.

Một vị tỳ-kheo nói: "Chỉ vì tranh nhau một người dâm-nữ, mà các ông hoàng ăn-mặc sang trọng kia, phải bị thương-tích nặng-nề." Đức Phật dạy: "Nầy các tỳ-kheo, chạy theo các thú-vui vật-chất tạm-bợ như thế, chỉ đưa đến sầu-muộn. Ai biết dứt bỏ dục-lạc của các thú-vui thể-xác, đâu còn phải đau-khổ, sợ-hãi nữa."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hỉ-ái sanh ra sầu-muộn,
Thích vui vật-chất sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ hỉ-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 214.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Chùa Nóc-Nhọn: dịch tiếng Pali là Kutàgàra, có nghĩa là một tu-viện có nóc nhọn nhô lên như ngọn tháp. Tu-viện nầy nằm trong xứ Tỳ-da-ly (tiếng Pali là Vesàlì.)

- Ly-xa: một bộ-tộc miền Bắc Ấn-độ xưa, tiếng Pali là Licchavì.

- Dâm-nữ: người đàn-bà dùng sắc-đẹp thể-xác mình mua vui cho bọn đàn-ông.

Ẩu-đả: đánh lộn nhau tơi-bời.

- Dục-lạc: Dục = ham-muốn; Lạc = vui. Ở đây, chữ dục-lạc được dùng với nghĩa rộng, chỉ các thú-vui vật-chất, nhứt các thú-vui về nhục-dục, về thể-xác.

- Hỉ-ái: Hỉ = vui; Ái = thương, thích. Ở đây chữ hỉ-ái được dùng theo nghĩa rộng, chỉ các thú-vui vật-chất tạm-bợ, chỉ làm thoả-mãn các giác-quan, bỏ qua niềm vui cao hơn về tinh-thần.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại các ông hoàng xứ Ly-xa vì tranh nhau một nàng dâm-nữ, ẩu-đả nhau mà mang thương-tích. Trông thấy cảnh-tượng đó, Đức Phật dạy các tỳ-kheo: "Chớ chạy theo thú-vui vật-chất tạm-bợ, phải cắt đứt dây nhợ hỉ-ái."

Ý-nghĩa của Tích chuyện là sự thiếu suy-xét của các ông hoàng xứ Ly-xa: vì tranh dành nhau một phút ngắn-ngủi được gần người dâm-nữ mà sanh ra ẩu-đả khiến phải bị thương-tích nặng-nề. Thú-vui vật-chất tạm-bợ trong chốc-lát chẳng bù được sự khổ-sở đau-đớn về xác-thịt tiếp theo đó.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 214:

Thử phân-tách bài Kệ ra từng câu:

1) Hỉ-ái sanh ra sầu-muộn: Chữ Hỉ-ái, thích vui, ở đây có nghĩa rộng là thích các sự vui về thể-xác tạm-bợ trong chốc-lát, như thú-vui nhục-dục giữa trai gái. Vì cơn vui quá ngắn muốn kéo dài mãi mà chẳng được, cho nên sanh ra sầu-muộn.

2) Thích vui vật-chất sanh ra lo-sợ: Thích vui vật-chất, ở đây, chỉ vào các thoả-mãn nhu-cầu của các giác-quan: mắt muốn nhìn sắc-đẹp cho "mãn-nhãn"; tai muốn nghe tiếng thật du-dương cho "khoái lỗ-nhĩ", lưỡi muốn nếm chất thật béo-ngọt cho "đã khẩu-vị", tay muốn sờ vuốt vào vật hết sức trơn-láng cho "đê-mê", nên sanh ra lo-sợ mỗi khi chẳng thoả-mãn được.

3) Ai cắt đứt dây-nhợ hỉ-ái; Chẳng sầu, sao có sợ?: Dây-nhợ hỉ-ái, ở đây, chỉ vào sự ràng-buộc do sự ham-thích các thú-vui vật-chất gây ra. Vì sự thèm-khát từ trong tâm mình sanh ra, tạo nên dây-nhợ hỉ-ái, nay với ý-chí cương-quyết dẹp sự khát-ái qua một bên, ta dứt được sầu-muộn, lo-sợ, tâm trở nên yên-ổn.

(169).- Tích chuyện chàng thanh-niên Anh-thi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một chàng thanh-niên tên Anh-thi, quá đau-buồn trước cái chết của vị-hôn-thê.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ có chàng thamh niên tên là Anh-thi, sắp cưới một cô thiếu-nữ nhan-sắc đẹp lộng-lẫy ở thành Sa-ga-la, thuộc xứ Mạch-đạt. Đến ngày thành-hôn, cô thiếu-nữ lên đường từ Sa-ga-la về nhà chồng, dọc đường ngã bịnh nặng rồi từ-trần. Chàng Anh-thi nghe tin vị-hôn-thê chết, cõi lòng tan-nát, đau-buồn chẳng kể xiết.

Sáng sớm hôm ấy, trong cơn thiền-định, Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho thanh-niên Anh-thi chứng-đắc sơ-quả, Ngài liền cùng chư tỳ-kheo lên đường đến nhà Anh-thi để khất-thực. Cha mẹ chàng trai dưng cúng thực-phẩm. Sau buổi ngọ-trai, Đức Phật cho mời chàng Anh-thi ra hỏi chuyện. Trông vẻ thiểu-não của chàng trai, Đức Phật mới hỏi duyên-cớ. Chàng kể lại cõi lòng tan-nát vì người yêu vừa qua đời. Đức Phật khuyên-giải: "Nầy Anh-thi, ái-dục sanh ra sầu-muộn. Chỉ vì ham-thích các thú-vui nhục-dục, mà con người phải chịu đau-khổ và lo-lắng."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà chàng thanh-niên Anh-thi chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Dục-ái sanh ra sầu-muộn,
Thích vui nhục-dục sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ dục-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 215.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

Các tên Pali được Việt-hoá cho dễ đọc:

-Anh-thi = Anitthigandha; Sa-ga-la = Sàgala; Mạch-đạt = Maddas

- Vị hôn-thê: vợ chưa cưới.

- Từ-trần = chết.

- Trong cơn thiền-định, quán-thấy: trong khi ngồi Thiền, tâm an-định, nhìn thấy rõ trong tâm...

- Đủ cơ-duyên: đã đến lúc thuận-tiện, được đủ cơ-hội may-mắn.

- Sơ-quả: quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn, tức là các vị đệ-tử của Đức Phật, sống gần bên Phật, nghe kinh mà tu-tập. Đây là quả-vị Tu-đà-huờn, còn gọi là Nhập-lưu, hay Thất-Lai; tiếng Pali là Sotàpatti. Nhập-Lưu có nghĩa là bước chơn vào dòng Thánh; Thất-Lai có nghĩa là chỉ phải tái-sanh lại cõi người bảy lần nữa, rồi chứng được Thánh-quả A-la-hán, tự-tại mãi trong cõi Niết-bàn.

- Khất-thực: đi xin ăn. Theo giới-luật nhà Phật, tỳ-kheo chẳng được phép có nghề riêng để sanh-sống, mà phải đi xin ăn, để diệt lòng tự-ái và có dịp gặp dân-chúng để chỉ-dạy giáo-lý cho họ.

- Ngọ-trai: Ngọ = 12 giờ trưa; Trai = bữa ăn chay. Ngọ-trai là bữa cơm chay vào 12 giờ trưa; sau đó suốt ngày, chẳng ăn nữa.

- Ái-dục: Ái = thương, thích; Dục = muốn. Chữ Ái-dục ở đây được dùng theo nghĩa rộng, chỉ sự ham-muốn thoả-mãn về thể-xác, nhục-dục, giữa trai-gái.

- Nhục-dục: Nhục = thịt; Dục = ham-muốn; Thú-vui nhục-dục là thú-vui thể-xác khi có sự giao-hợp giữa trai-gái.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tídh chuyện thuật lại việc đau-buồn của một chàng trai vì vị hôn-thê chết trước khi cưới. Đức Phật khuyên-giải, sự ham-thích các thú-vui nhục-dục đưa đến sự lo-lắng, sầu-muộn vì muốn kéo dài sự thích-thú chẳng được và sợ mất đi nguồn vui tạm-bợ nầy. Vì thế, muốn khỏi phải sầu-muộn và lo-lắng, thì nên xa lìa sự ham-thích các thú-vui nhục-dục tạm-bợ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 215:

Cũng như các bài Kệ trước, bài Kệ số 215 khuyên ta cắt đứt dây nhợ của các sự: thân-ái, luyến-ái, hỉ-ái, dục-ái. Cùng là sự yêu-thích cả, do lòng thương = ái, sanh ra nơi tâm mình, nay muốn cắt-đứt dây nhợ đó, phải có ý-chí cương-quyết dẹp chúng qua một bên. Chỉ vì mình thích, mình thương, mà sanh ra ràng-buộc, nếu nay tự mình biết chẳng thích, chẳng thương nữa, mối ràng-buộc tự nó chấm-dứt vậy.

(170).- Tích chuyện người nông-phu Bà-la-môn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người nông-phu thuộc giai-cấp Bà-la-môn.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có một người nông-phu thuộc giai-cấp Bà-la-môn, chẳng tin theo giáo-lý của Đức Phật. Đức Phật quán-thấy người ấy có đủ cơ-duyên để chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn, nên trên đường đi khất-thực, Ngài dừng lại bên thửa ruộng người nông-phu đang cầy cấy. Nghe Đức Phật thăm hỏi về công-việc làm ăn của mình, người nông-phu vui-vẻ bàn-luận về mùa-màng cùng Đức Phật. Người ấy nói: "Nầy Sa-môn Cồ-đàm, chẳng bao lâu nữa, đến mùa gặt hái, tôi sẽ tặng-hiến cho tu-sĩ một số lúa gạo, trước khi tôi đem ra dùng cho gia-đình tôi." Đức Phật ngỏ lời cám ơn, nhưng Ngài lại biết trước, trong tương-lai, người Bà-la-môn ấy gặp chuyện chẳng may, sẽ chẳng thực-hiện được lời hứa đó, nhưng Ngài im-lặng chẳng nói ra.

Cách đó ít lâu, vào một đêm trước khi gặt hái, một cơn mưa dầm thật to lớn đã khiến cho cả thửa ruộng bị nước lũ cuốn trôi hết. Sáng ra, người nông-phu nhìn cảnh tàn-phá trên thửa ruộng, lòng hết sức buồn-bã, nhớ đến lời hứa sẽ tặng thóc gạo cho Sa-môn Cồ-đàm mà sanh ra phiền-muộn. Khi Đức Phật đến nhà, người nông-phu thuật lại cảnh tai-biến đã xảy ra cho gia-đình mình, Đức Phật khuyên-giải: ‘Nầy Bà-la-môn, ông chẳng biết được nguyên-nhơn sanh ra phiền-muộn trong lòng ông, chớ tôi, tôi biết rõ. Đó là vì lòng khát-ái mà sầu-muộn và sợ-hãi đã nổi lên trong lòng ông. Vì quá mong-cầu được gặt hái nhiều thóc gạo, mà nay lòng ông thất-vọng mới sanh ra quá buồn-rầu đó."

Rồi Đức Phật mới nới lên bài Kệ sau đây, nhờ đó người nông-phu Bà-la-môn chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Khát-ái sanh ra sầu-muộn,
Thích tham-cầu sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ khát-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 216.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bà-la-môn: tiếng Pali là Brahmanà, giai-cấp tu-sĩ ở Ấn-độ xưa. Có 4 giai-cấp: (1) Bà-la-môn, tu-sĩ; (2) Sát-đế-lợi (Khattiyà), vua quan; (3) Phệ-xá (Vessà), buôn-bán; (4) Thủ-đà-la (Suddà), nông-công nhơn.

- Quán-thấy... đủ cơ-duyên... chứng quả Tu-đà-huờn: xin xem lại phần Tìm hiểu ở bài trước.

- Sa-môn: tiếng Phạn là Sramana, tu-sĩ Phật-giáo, gồm có ba nghĩa: (1) Cần-giả, người siêng làm điều thiện; (2) Tức-giả, người ngưng bỏ các điều ác; (3) Bần-giả, người cam chịu sự nghèo khó.

- Cồ-đàm: tiếng Pali là Gotama, họ của Đức Phật Thích-ca.

- Cảnh tai-biến: Tai = tai-nạn; Biến = biến-cố; Tai-biến = việc rủi-ro

- Khát-ái: dịch chữ Pali Tanha, lòng thèm-khát, ham-muốn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc thất-bại mùa màng của một nông-phu, khiến ông ta lo-buồn. Đức Phật khuyên-giải, vì quá mong-cầu muốn được mùa màng tốt-đẹp, nên khi gặp thiên-tai, phải chịu đau-buồn. Muốn khỏi lo buồn, đừng quá mong-cầu, dẹp được lòng khát-ái, thì tâm trở nên an-tịnh, chẳng bị xao-xuyến khi gặp nghịch-cảnh.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 216:

Bài Kệ nầy, cùng với bốn bài Kệ trước, nói về sự sầu-muộn, lo-sợ sanh ra do bởi lòng thương khởi lên từ trong tâm. Lòng thương vốn là một tình-cảm tốt, đáng quí, nhưng tại sao giáo-lý nhà Phật lại bảo phải gát qua một bên. Đó là vì lòng thương sanh ra mối ràng-buộc. Ràng-buộc như thế nào? Khi mình thương một người, mà chẳng gần được người ấy, thì sanh ra nhớ-nhung. Khi mình thích một vật, mà vật đó bị mất đi, mình tiếc nhớ. Khi mình muốn thoả-mãn các nhu-cầu giác-quan cho thỏa-thích mà chẳng được, mình trở nên bực-dọc. Khi mình mong-muốn được sống cùng người yêu mà chẳng được, mình sanh ra đau-khổ. Khi mình mong-cầu việc gì mà chẳng được, mình thất-vọng. Vì các lẽ đó, mà lòng thương nên được gát qua một bên: xem mọi người, mọi vật đều ngang nhau, chẳng luyến vật nầy, ghét bỏ vật kia, đó là con đường giải-thoát khỏi các mối ràng-buộc.

(171).- Tích chuyện các thanh-niên kính-mộ Tôn-giả Đại-Ca-diếp.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các chàng thanh-niên kính-mộ Tôn-giả Đại-Ca-diếp.

Thuở ấy, vào một ngày hội vui-vẻ, Đức Phật cùng đoàn tỳ-kheo lên đường đi khất-thực ở thành Vương-xá. Dọc đường, có một đoàn thanh-niên tay mang giỏ đựng các bánh chiên, đi hướng về công-viên để vui đùa, mà chẳng dưng-cúng Đức Phật cùng chư tăng. Đức Phật dừng lại, nói với chư tỳ-kheo: "Nầy chư tỳ-kheo, hôm nay chúng ta sẽ ăn các bánh chiên trong giỏ kia. Người chủ các bánh chiên đó đang đi gần tới đây. Chúng ta hãy ngồi lại trong chốc lát, đợi bánh đem đến, ăn rồi sẽ đi." Đức Phật và chư tăng vừa ngồi xuống dưới gốc cây bên lề đường, thì đàng xa, Tôn-giả Đại-Ca-diếp cũng vừa đi tới. Các thanh-niên liền qùi xuống đảnh-lễ Tôn-giả và dưng-hiến bánh chiên. Tôn-giả Đại-Ca-diếp bảo: "Nầy các bạn thanh-niên, Thầy ta là Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây kia với các tỳ-kheo. Các bạn nên đến đảnh-lễ và dưng bánh lên cúng-dường." Các thanh-niên vâng lời dạy, đến qùi dâng bánh lên Đức Phật và chư tỳ-kheo. Đức Phật vui vẻ thọ-nhận, xong Ngài tiếp-tục lên đường.

Bấy giờ, có vị tỳ-kheo bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, các thanh-niên đã tỏ ra thiên-vị, tôn-trọng Tôn-giả Đại-Ca-diếp hơn cả Tăng-đoàn." Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, tỳ-kheo nào có đầy-đủ giới-đức như Đại-Ca-diếp thì được cả Trời, Người đều kính-trọng, dưng-hiến cho thật đầy-đủ tứ-sự cúng-dường."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Người tuệ-giác, giới-hạnh đầy-đủ,
Trú Chánh-pháp, Chơn-lý chứng-ngộ;
Việc phải làm, nay đã làm xong,
Người ấy được công-chúng kính-mộ.
(Kệ số 217.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Kính-mộ: Kinh = kính-trọng; Mộ = ái-mộ. Kính-mộ = tôn-trọng và thương-mến.

- Đại-Ca-diếp: vị đại-đệ-tử của Phật Thích-ca, giỏi nhứt về hạnh đầu-đà, cầm đầu Giáo-hội, sau khi Phật nhập Niết-bàn.Tiếng Pali là: Mahà Kassapa.

- Đảnh-lễ = cúi đầu xuống, chào kính để ra mắt.

- Thiên-vị: Thiên = nghiêng một bên; Vị =vị-nể. Tỏ ra thiên-vị là thiếu sự công-bằng, trọng người nầy hơn người khác.

- Giới-đức: Giới = điều răn-cấm trong đạo; Đức = đức-hạnh, tánh-hạnh. Giới-hạnh đầy-đủ là giữ tròn các giới cấm, tánh-tình đáng quí.

-Tứ sự cúng-dường: Tứ = bốn;Sự = việc;Cúng-dường = cung-dưỡng, cung-cấp để nuôi-dưỡng. Đây là bốn việc mà người tín-đồ dưng-cúng cho các tỳ-kheo: thực-phẩm, quần-áo, giường nằm và thuốc men.

- Tuệ-giác: Tuệ = trí-huệ; Giác = biết rõ; Người tuệ-giác là người lúc nào cũng tỉnh-táo, biết rõ mình đang nói, làm, nghĩ những gì.

- Trú Chánh-pháp: Trú = ở yên nơi đó; Chánh-pháp = lời dạy của Đức Phật.Người trú trong Chánh-pháp là người luôn tuân Chánh-pháp.

- Chơn-lý chứng-ngộ: đã chứng-ngộ được Chơn-lý, tức là đã giác-ngộ, hiểu rõ lẽ sống-chết và con đường giải-thoát khỏi Luân-hồi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, các thanh-niên dưng cúng bánh chiên cho Tôn-giả Đại-ca-diếp, mà chẳng cúng Phật, vì họ chẳng biết Đức Phật là thầy của Tôn-giả. Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Phật: hễ giữ đúng giới-đức, chứng-ngộ Chơn-lý, tuân theo Chánh-pháp là được sự kính-mộ của Trời và Người.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 217:

Bài Kệ nêu rõ những đức-tánh của người đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát, nên được sự kính-mộ của Trời và Người: luôn luôn tỉnh-giác, giới-hạnh đầy-đủ, thông-thạo Chánh-pháp và chứng-ngộ Chơn-lý. Việc phải làm đã làm xong, đó là việc giải-thoát được tất cả phiền-não, chứng quả A-la-hán và thoát khỏi sự tái-sanh trong cõi Luân-hồi.

(172).- Tích chuyện vị Trưởng-lão đắc quả A-na-hàm.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Trưởng lão kia đã chứng quả A-na-hàm rồi mà chẳng nói cho các đệ-tử mình biết.

Thuở ấy, có vị Trưởng-lão tu-tập rất chuyên-cần, chứng đắc được quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn là quả-vị A-na-hàm. Nhưng Trưởng-lão chẳng tiết-lộ mình đã chứng quả-vị, khi các đệ-tử của ông hỏi ông đã chứng được quả-vị nào chưa. Ông nghĩ, hãy cố-gắng hơn nữa để chứng quả A-la-hán, cao nhứt, bấy giờ sẽ cho các đệ-tử biết. Nhưng chẳng bao lâu, Trưởng-lão qua đời mà chưa đắc được quả-vị A-la-hán. Các người đệ-tử có lòng thương-tưởng đến vị thầy của mình, mới đến thưa hỏi cùng Đức Phật, chẳng biết Trưởng-lão được tái-sanh vào cảnh-giới nào. Đức Phật bảo: "Nầy các tỳ-kheo, thầy của các vị đã chứng được quả-vị thứ ba là A-na-hàm rồi trước khi rời bỏ thân-xác, nay được tái-sanh lên cõi Trời Phạm-thiên. Vì đã diệt-bỏ mọi ham muốn về các thú-vui vật-chất, và nỗ lực tinh-cần, vị Trưởng-lão đó sẽ chứng-đắc quả-vị A-la-hán sau nầy."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó một số tỳ-kheo chứng được quả-vị A-la-hán:

Ước-vọng đắc Niết-bàn, pháp ly-ngôn,
Ba quả-vị bực Hiền, trí chứng xong.
Tâm giải-thoát hoàn-toàn khỏi dục-lạc,
Đấy, bực Thượng-Lưu vượt trên giòng.
(Kệ số 218.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- A-na-hàm: quả-vị thứ ba hàng Thanh-văn, còn gọi là Bất-Lai, nghĩa là chẳng phải tái-sanh vào cõi người nữa, nơi cõi Phạm-thiên tiếp-tục tu-hành để chứng quả thánh A-la-hán. Tiếng Pali: Anàgàmi.

- Hàng Thanh-văn: các đệ-tử sống gần bên Đức Phật nghe Phật giảng kinh (= thanh văn, Sravaka, Sàvaka) mà tu-tập đắc quả.

- Tiết-lộ = nói rõ cho người khác biết đến.

- Quả-vị: Quả = kết-quả của sự tu-tập; Vị = chỗ ngồi. Quả-vị là cấp-bực chứng-đắc khi tu-hành thành-công. Có bốn quả-vị trong hàng Thanh-văn: (1) Tu-đà-huờn, hay Nhập-Lưu, hay Thất-Lai, (Sotàpatti); (2) Tư-đà-hàm, hay Nhứt-lai, (Sakadàgàmi), (3) A-na-hàm, hay Bất-Lai, (Anàgàmi); ba quả-vị nầy, vì còn phải tái-sanh, nên được gọi là bực Hiền; (4) A-la-hán (Arahant), với ba nghĩa: (a)sát-tặc, giết hết các giặc phiền-não; (b)ứng-cúng, xứng-đáng được Trời, Người cúng-dường; (c),vô-sanh, chẳng còn bị tái-sanh nữa; đây là quả-vị Thánh, cao nhứt.

- Tái-sanh: Tái = trở lại lần sau; Sanh = sanh ra. Theo thuyết Luân-hồi, chúng-sanh sau khi chết đi, tùy theo nghiệp mà sanh lại dưới một hình-thức khác, trong một cảnh-giới khác.

- Cảnh-giới: cõi sống, nơi được tái-sanh, như sanh vào hàng người, Trời, hay thú-vật, v.v.

- Phạm-Thiên: cõi Trời Phạm, Brahma. Đây là từng trời thuộc Sắc-giới, ở vào cõi Thiền thứ nhứt.

- Niết-bàn: tiếng Phạn là Nirvana, tiếng Pali là Nibbana. Theo nghĩa tiếng Phạn, Nir là ra khỏi, Vana là rừng u-tối; Niết-bàn là cảnh-giới người tu-hành chứng-đắc khi đã diệt-trừ được hết các phiền-não, bỏ hết mọi dục-lạc, tự-tại trong cảnh an-vui, vắng-lặng. Có hai cảnh Niết-bàn: (1) Hữu-dư Niết-bàn (Sopàdisesa Nibbàna), chứng đắc khi còn giữ thân-tâm ngũ-uẩn; (2) Vô-dư Niết-bàn (Anupadisesa Nibbàna), khi đã lià bỏ thân-xác nầy.

- Pháp ly-ngôn: Ly =lià; Ngôn = lời nói. Vì cảnh-giới Niết-bàn thuộc về xuất-thế-gian, nên chẳng thể dùng lời nói của người thế-tục mà diễn-tả ra đầy-đủ được. Chỉ khi chứng được Niết-bàn, mới biết rõ.

- Ba quả-vị bực Hiền: ba quả-vị đầu: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm, vẫn còn phải tái-sanh.

- Dục-lạc: Dục = ham-muốn; Lạc = vui. Dục-lạc là các thú-vui vật-chất, tạm-bợ.

- Thượng-Lưu: Thượng = trên; Lưu = giòng nước. Chữ Thượng-lưu theo nghĩa bóng, nói đến các bực đã vượt lên trên các thường-nhơn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại việc một vị trưởng-lão đã chứng-đắc được quả-vị A-na-hàm, mà chẳng nói cho các đệ-tử biết, vì còn chờ đến lúc chứng được quả thánh: A-la-hán.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật: người đã diệt-bỏ mọi thú-vui dục-lạc, nỗ-lực tinh-cần, sẽ chứng được quả-vị Thánh, A-la-hán.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 218:

Bài Kệ nầy nói về vị Trưởng-lão đã chứng-đắc quả-vị A-na-hàm mà chẳng nói ra. Đó là một đức-tánh quí của người tu-hành chơn-chánh, chẳng khoe-khoang quả-vị.

Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

1) Ước-vọng đắc Niết-bàn, pháp ly-ngôn: Mong-ước được chứng cảnh-giới Niết-bàn, đó là mục-tiêu tu-hành chơn-chánh. Niết-bàn là cảnh-giới xuất-thế-gian, chẳng thể dùng lời nói (pháp ly-ngôn) để diễn-tả được. Chỉ khi đã chứng đắc Niết-bàn, mới biết rõ Niết-bàn như thế nào.

2) Ba quả-vị bực Hiền, trí chứng xong: Trí-huệ đã chứng-đắc được ba quả-vị đầu-tiên, gọi là bực Hiền, vì đã dẹp xong tất cả phiền-não trong tâm, nên Trí trở nên thanh-tịnh, thấy biết rõ ràng Chơn-lý.

3) Tâm giải-thoát hoàn-toàn khỏi dục-lạc: mọi ham-muốn về các thú-vui vật-chất, tạm-bợ đã dẹp bỏ xong, Tâm trở nên thanh-tịnh, cắt đứt mọi ràng-buộc.

4) Đấy, bực Thượng-Lưu vượt trên giòng: đó là bực thượng-lưu trí-thức đã vượt qua mọi ràng-buộc, hoàn-toàn giải-thoát, đứng trên tất cả mọi phàm-phu còn đang trôi lăn trong vòng sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi khổ-đau lận-đận.

(173).- Tích chuyện gia-chủ Nan-đi-gia.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại vườn Lộc-uyển, gần thành Ba-la-nại, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến gia-chủ Nan-đi-gia.

Nan-đi-gia là một gia-chủ rất giàu-có ở thành Ba-la-nại. Sau khi nghe Đức Phật giảng về công-đức lập chùa-chiền để cúng-dường cho chư Tăng, Nan-đi-gia liền xuất tiền ra mướn công-nhơn xây-dựng ngôi Đại-tu-viện tại vườn Lộc-uyển. Cơ-sở kiến-trúc thật đồ-sộ, lầu tháp nóc nhọn cao vút, đầy đủ bàn-ghế, phòng ốc trang-hoàng rực-rỡ. Sau khi Đại-tu-viện được dưng-cúng lên Đức Phật, thì một lâu-đài nguy-nga, tráng-lệ nổi lên trên cõi Trời Đao-lợi, dành riêng cho Nan-đi-gia.

Một hôm, Tôn-giả Đại-Mục-kiền-liên vận-dụng phép thần-thông lên cõi Trời Đao-lợi, nhìn thấy lâu-đài tráng-lệ dành sẵn cho Nan-đi-gia, khi trở về, mới đến bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, phải chăng những người đã có công-đức to-lớn cúng-dường, được dành sẵn lâu-đài tráng-lệ trên cõi Trời Đao-lợi?" Đức Phật bảo: "Nầy Mục-kiền-liên, sao ông còn lại hỏi? Ông chẳng thấy ngôi lâu-đài nguy-nga trên cõi Trời Đao-lợi dành sẵn cho Nan-đi-gia, người đã dưng-cúng Đại-tu-viện nầy ở vườn Lộc-uyển đó hay sao? Chư Thiên trên cõi Trời Đao-lợi đang chờ ngày đón tiếp Nan-đi-gia, như những thân-nhơn chờ ngày người bà-con đi xa trở về. Những người làm điều thiện, khi lià bỏ cõi trần nầy, sẽ được chư Thiên trên cõi Trời Đao-lợi đón tiếp nồng-hậu."

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây:

Người rời nhà từ lâu xa vắng,
Nay quay trở lại đặng an-toàn.
Bà con, bè-bạn hân-hoan
Đón mừng người ấy bình-an trở về.
(Kệ số 219.)

Cũng vậy, người chuyên bề hành thiện
Trải từ đời trước đến đời sau,
Quả lành chờ sẵn đón chào
Như mừng người bạn đi lâu mới về.
(Kệ số 220.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Gia-chủ: Gia = nhà; Chủ = người chủ. Gia-chủ là chủ nhà.

- Nan-đi-gia: tên người gia-chủ nầy, tiếng Pali là Nandiya.

- Vườn Lộc-uyển: Lộc = con nai; Uyển: vườn. Đây là khu vườn nơi Đức Phật thuyết-giảng Kinh Chuyển-Pháp-Luân, lần đầu-tiên cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe, sau khi Ngài thành Đạo. Còn gọi là Vườn Tiên, tiếng Pali là Isipatana, vì trước ở đây có nhiều vị tiên tu.

- Ba-la-nại: tên thành-phố lớn ở Ấn-độ, nay gọi là Vaàrànasì.

- Kiến-trúc = xây-cất.

- Đồ-sộ = to lớn.

- Tráng-lệ = thật đẹp-đẽ.

- Đao-lợi = cõi Trời thuộc Dục-giới, còn gọi là cõi Trời Tam-thập-tam-thiên, có 33 cảnh, ở giữa có cung-điện của Vua Trời Đế-Thích. Tiếng Pali gọi cõi Trời nầy là Tàvatimsa.

- Thần-thông: pháp-lực khác thường như có thể bay trên không, đi trên mặt nước, v.v. do nhờ định-lực cao trong khi tu Thiền.

- Lià bỏ cõi trần: rời cuộc sống ở kiếp người, tức là chết đi.

- Hành-thiện:Hành = làm;Thiện = điều lành. Hành-thiện = làm lành

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc người gia-chủ Nan-đi-gia xây chùa ở vườn Lộc-uyển, được dành sẵn lâu-đài tráng-lệ trên cõi Trời Đao-lợi.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là, hễ làm lành thì quả lành chờ sẵn, cũng như bà-con chờ đón người thân đi xa trở về. Việc thiện, cũng như điều ác, một khi đã làm, thì kết-quả, tốt hay xấu, sẽ chờ sẵn, khi đủ dịp sẽ trỗ ra; đó là Luật Nhơn-quả.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 219 và 220:

Hai bài Kệ thật ra chỉ là một bài, nói về quả-báo lành đang chờ ngày trỗ quả đến cho người đã hành-thiện. Nên lưu-ý hai câu: "Người chuyên bề hành-thiện, Trải từ đời trước đến đời sau", và nhớ rằng, quả-báo lành tuy nay chưa xảy ra, nhưng sớm muộn chi cũng có ngày trỗ quả, vậy cứ chuyên-tâm làm lành, phước sẽ đến về sau, chẳng mất.

-ooOoo-

Âm lịch

Ảnh đẹp