KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA )


Thiện Nhựt lược-dịch và tìm hiểu
08/09/2010 01:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 33801
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

XIII.- Phẩm THẾ - GIAN.

(137).- Tích chuyện một Tỳ-kheo trẻ.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo trẻ tuổi.

Thuở ấy, có một tỳ-kheo trẻ tuổi cùng đi với một vị Trưởng-lão đến nhà bà nữ-cư-sĩ Vi-sa-kha để khất-thực. Sau khi nhận phần cháo, vị Trưởng-lão bỏ ra đi, vị tỳ-kheo trẻ tuổi còn nán lại. Bấy giờ, người cháu nội gái của bà Vi-sa-kha đang lọc nước để múc cho khách. Khi trông thấy bóng mình trên mặt nước trong lu, cô lặng-lẽ mỉm cười. Ngẩng đầu lên, thấy vị tỳ-kheo đang nhìn mình lom-lom, miệng lại cười, cô gái mắc-cỡ rồi giận-dỗi, xẵng giọng nói: "A, cái ông đầu cạo trọc nầy, sao lại cười ta?"Nghe nói thế, vị tỳ-kheo trẻ tuổi bỗng nổi cơn giận, chẳng giữ gìn lời nói, mắng lại: "Cô mới bị cạo đầu, cha cô, mẹ cô cũng trọc đầu!"Hai bên cãi qua cãi lại, cô gái bật lên khóc và chạy vào mét với bà Vi-sa-kha. Vừa lúc ấy, vị Trưởng-lão cũng quay lại. Hai vị lớn tuổi dùng lời khuyên-răn đôi bên, nhưng chẳng bên nào chịu im tiếng.

Một lát sau, Đức Phật đi tới nơi và nghe tiếng cãi-vã om-sòm. Ngài quán-thấy cơ-duyên đã đến cho vị tỳ-kheo trẻ tuổi được chứng quả-vị Tu-đà-huờn, nên dừng chơn lại trước nhà. Sau khi nghe kể qua sự-việc đáng tiếc, Đức Phật biết vị tỳ-kheo còn đang nóng-giận, mới dùng lời-lẽ dịu-dàng nói: "Nầy tín-nữ Vi-sa-kha, vì lý-do gì mà cô cháu nội gái bà sao lại mắng vị tỳ-kheo nầy là kẻ trọc đầu? Ai đi tu, muốn được gia-nhập Tăng-đoàn cũng đều phải cạo đầu cả, có đúng vậy hay không?" Nghe lời Đức Phật nói, vị tỳ-kheo dịu lại, quì xuống đảnh-lễ Đức Phật và bạch rằng: "Bạch Thế-tôn, chỉ có Ngài mới hiểu được con. Thầy con và bà tín-nữ, chẳng ai hiểu con cả." Bấy giờ Đức Phật biết chắc tâm-trạng của vị Tỳ-kheo đã lắng-dịu lại, sẵn-sàng nghe lời Ngài dạy, mới nói: "Nầy tỳ-kheo, mỉm cười nhìn gái dẹp, tâm khởi lên dục-vọng, là đang có tư-tưởng xấu-xa, cần nên tránh."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó vị tỳ-kheo chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Đừng theo đường ti-tiện
Chớ ôm-ấp tà-kiến,
Chẳng buông-lung và chớ kéo dài
Cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai.
(Kệ số 167.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vi-sa-kha: tên vị tín-nữ giàu lòng bố-hí, nổi tiếng thời Đức Phật. Bà dưng-cúng tu-viện Đông-viên cho Ni-đoàn. Tên tiếng Pali: Visakha

- Nhìn lom-lom = nhìn trân-trân, nhìn quá kỹ chẳng nháy mắt.

- Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; Duyên = duyên-cớ. Cơ-duyên là dịp may

- Tu-đà-huờn: quả-vị đầu-tiên, thấp nhứt; tiếng Pali là Sotàpatti. Người chứng quả Tu-đà-huờn dứt được (1) thân-kiến, chấp thân làm ngã; (2) nghi, chẳng tin vào Chánh-pháp; (3)giới-cấm-thủ, tin theo nghi-lễ của tà-giáo. Quả Tu-đà-huờn còn gọi là Nhập-Lưu, Thất-Lai.

- Đảnh-lễ: quì lạy, tỏ lòng kính-trọng.

- Tâm-trạng: Tâm = lòng; Trạng = tình-trạng. Tâm-trạng = cõi lòng

- Dục-vọng: Dục = ham-muốn; Vọng = mong-cầu. Chữ dục-vọng chỉ sự ham-muốn thú-vui vật-chất, được dùng theo nghĩa xấu.

- Ti-tiện: Ti =thấp; Tiện = hèn-hạ.

- Tà-kiến: Tà = xiêng-xéo;Kiến = ý-kiến; Tà-kiến là ý-kiến sái-quấy

- Buông-lung = chẳng biết tự kềm-chế mình, lười-nhác.

- Luân-hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Cõi Luân-hồi là cảnh chết đi sống lại qua nhiều đời kiếp. Tiếng Pali là samsàra.

- Trần-ai: Trần = bụi-bặm; ai = bi-ai, đau-khổ. Cõi trần-ai là cõi đời đầy đau-khổ nầy ở thế-gian.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một tỳ-kheo chẳng biết giữ-gìn các giác-quan, nhìn gái đẹp mà mỉm cười, lòng khởi lên dục-vọng. Được Đức Phật chỉ dạy, phải biết điều-phục các căn, vị tỳ-kheo chứng được quả Tu-đà-huờn. Ý-nghĩa của Tích chuyện là phải giữ-gìn các giác-quan, chẳng buông-lung chạy theo cảnh-vật bên ngoài, phải biết thanh-lọc tâm-ý, khiến cho khỏi phải mãi trôi lăn trong cảnh sanh-tử, tử-sanh của vòng Luân-hồi lẩn-quẩn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 167:

Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

1) Đừng theo đường ti-tiện: đường ti-tiện là đường thấp-kém, hèn-hạ. Đường nào? Đó là để cho các giác-quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chạy theo cảnh cám-dỗ bên ngoài mà thoả-mãn các thú-vui vật-chất tạm-bợ và chẳng thanh-cao.

2) Chớ ôm-ấp tà-kiến: Tà-kiến là ý-tưởng sái-quấy, như (1)chấp thân nầy thường-còn, là Ta, lo bảo-vệ mà quên phần tinh-thần để đi đến giác-ngộ và giải-thoát; (2) như chấp vào đoạn-kiến, cho rằng chết đi là hết, chẳng có Luân-hồi, quả-báo chi cả, nay còn sống, cứ lo hưởng-thọ trước, kẻo chết thì chẳng còn gì; (3) như chấp vào các thủ-tục cúng-tế của tà-giáo, giết thú-vật cúng tế các tà-thần để cầu phước. - Hễ ôm-ấp tà-kiến thì tâm chẳng thanh-tịnh, bị tà-kiến làm vẩn-đục, chẳng phát-triển được Trí-huệ.

3) Chẳng buông-lung và chớ kéo dài cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai: Hai câu nầy khuyên ta nên cố-gắng tu-tập tinh-tấn, để sớm chấm-dứt cuộc sống sướng ít khổ nhiều trên thế-gian. Buông-lung hay Phóng-dật, có nghĩa là lười-nhác, sống buông-trôi, chẳng biết tự-kềm-chế; như thế sẽ cứ phải hết đời nầy sang đời khác chịu nghiệp-báo mà tái-sanh mãi trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi. Cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai là gì? Đó là phải sanh ra chịu khổ, sống đời sướng ít khổ nhiều, đau bịnh rồi chết, lại phải tái-sanh lại nữa, vì thế mới gọi là cõi trần-ai, cõi đầy bụi-bặm, đầy đau-khổ.

Ý-nghĩa của bài Kệ khuyên ta nên sớm tỉnh-ngộ, nhận ra cõi đời nầy là khổ, phải biết cách tu-hành, để được giác-ngộ và giải-thoát khỏi cảnh sanh-tử Luân-hồi.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: muốn chẳng kéo dài cuộc sống trần-ai, phải tìm cách ra khỏi Luân-hồi, thân-tâm được giải-thoát.

2.- Răn dạy trẻ: chớ chọc người đầu trọc, phải kính bực tu-hành.

(138).- Tích chuyện vua Tịnh-phạn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Cây Sung, gần thành Ca-tỳ-la-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Vua Tịnh-phạn là cha của Thái-tử Tất-đạt-ta khi chưa xuất-gia đi tu thành Phật.

Thuở ấy, trong một dịp trở về viếng thăm lại thành Ca-tỳ-la-vệ, Đức Phật ngụ tại chùa Cây Sung; nơi đây Ngài đem Chánh-pháp ra giảng-dạy cho thân-nhơn trong dòng họ Thích-ca. Đức Vua Tịnh-phạn nghĩ rằng thế nào Đức Phật cũng đến hoàng-cung, nên chẳng thỉnh Đức Phật, mà lại lo chuẩn-bị thức ăn cho hơn cả ngàn tỳ-kheo, để chờ Đức Phật đến.

Sáng sớm hôm ấy, công-chúa Gia-du-đà-la, vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta, nhìn qua khung cửa sổ, thấy Đức Phật đang mang bình bát đi khất-thực từng nhà. Công-chúa vội đi báo với Vua Tịnh-phạn. Vua Cha tức-tốc chạy đến bên Đức Phật, bảo rằng, thật là nhục-nhã cho một người dòng Sát-đế-lợi mà phải đi ăn xin từng nhà. Đức Phật đáp lại rằng, khất-thực là một hạnh cao-quí, được tất cả chư Phật trong ba đời thi-hành, nên nay Ngài tuân-theo hạnh đó, là đang giữ đúng truyền-thống đó, có chi đâu là nhục-nhã.

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Hãy hăng-hái và đừng phóng-dật
Mà lãng-xao hạnh khất-sĩ nầy.
Trang-nghiêm chánh-hạnh hành-trì
Thế-gian hưởng lạc đời nầy, đời sau.
(Kệ số 168.)

Đừng theo tà-hạnh mà phóng-dật,
Hãy nghiêm-trì hạnh khất-sĩ nầy.
Trang-nghiêm chánh-hạnh hành-trì
Thế-gian hưởng lạc đời nầy, đời sau.
(Kệ số 169.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tịnh-phạn: tên vua cha của Thái-tử Tất-đạt-ta, Pali: Suddhodana

- Chùa Cây Sung: tạm dịch chữ Pali là Nigrodhàràma; chữ Nigrodha là một loại cây to như cây da, trái giống trái sung của ta.

- Ca-tỳ-la-vệ: thành nầy là nơi Thái-tử Tất-đạt-ta sống khi chưa đi tu, nay thuộc phần đất của Nepal. Tên tiếng Pali là Kapilavatthu.

- Gia-du-đà-la: vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta, tiếng Pali là Yasodhàra.

- Tức-tốc: Tức = lập-tức; Tốc = nhanh.Tức-tốc là thật nhanh.

- Sát-đế-lợi = giai-cấp vua quan ở Ấn-độ xưa, tiếng Pali: Khattiya

- Truyền-thống: Truyền = trao lại; Thống = nối tiếp theo. Truyền-thống là thông-lệ được truyền lại từ nhiều đời, để tuân theo.

- Lãng-xao = xao-lãng, bỏ phế, bỏ quên chẳng làm tiếp nữa.

- Khất-sĩ, Khất thực: Khất = đi xin; Sĩ = người; Thực = ăn. Hạnh khất-sĩ là hạnh đi xin ăn, chẳng có nghề riêng để sanh-sống. Đây là giới-luật Phật đặt ra, buộc tu-sĩ phải khuất mình đi xin ăn để nén lòng tự-ái xuống, và có dịp gặp dân-chúng để chỉ-dạy đường-lối tu-hành.

- Phóng-dật = lười-biếng, buông trôi, chẳng tha-thiết đến.

- Chánh-hạnh = hạnh tu căn-bản, lối tu chơn-chánh nhứt.

- Tà-hạnh = trái với chánh-hạnh. Tà-hạnh là hành-động xấu-ác.

- Hành-trì: Hành = làm; Trì = giữ-gìn. Hành-trì là chuyên làm theo.

- Thế-gian: Thế = đời; Gian = khoảng; Thế-gian ở đây có nghĩa là đời sống bình-thường, có gia-đình, còn chưa đi tu. Xuất-thế-gian có nghĩa là rời cuộc sống thế-tục, đi tu để được giải-thoát.

- Hưởng lạc: Lạc = vui sướng. Hưởng lạc = được vui-sướng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc Đức Phật về đến gần hoàng-cung xưa, mà vẫn đi khất-thực. Vua Cha cho đó là nhục-nhã. Đức Phật bảo, hạnh khất-sĩ cao-quí, nên nghiêm-trì mãi: đó là ý-nghĩa của Tích chuyện.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 168 và 169:

Hai bài Kệ giống nhau, nói về hạnh khất-sĩ, khuyên đừng vì phóng-dật, tà-hạnh mà xao-lãng hạnh khất-sĩ. Ngày nay, vì cuộc sống thay-đổi, hạnh nầy ít được thi-hành ở các chùa thuộc Bắc-tông.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng hai bài Kệ, ghi nhớ: hạnh khất-sĩ rất cao-quí, chớ chẳng phải vì lười-biếng chẳng có nghề sanh-sống mà phải đi xin.

(139).-Tích chuyện các tỳ-kheo quán-tưởng bọt nước.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các tỳ-kheo quán-tưởng về bọt nước.

Thuở ấy, có một nhóm khá đông tỳ-kheo được Đức Phật chỉ-dạy cho mỗi người một đề-tài thiền-quán, cùng đi vào rừng để thực-tập thiền-định. Mặc dầu họ đã cố-gắng tinh-tấn tu-hành, nhưng họ chẳng có chút tiến-bộ nào đáng kể. Họ định quay về chùa để thưa hỏi lại Đức Phật và được chỉ dạy thêm. Trên đường về, họ trông thấy một ảo-ảnh và quán-tưởng về ảo-ảnh đó. Đến khi bước chơn vào khuôn viên chùa, trời đổ mưa, nhiều hạt mưa to rơi từ mái ngói xuống vũng nước, bong-bóng nước lóng-lánh nổi lên, phập-phồng, rồi tan-vỡ. Nhìn các bọt nước nổi lên chẳng mấy chốc lại vỡ, họ liền suy-nghĩ sâu-xa: "Tấm thân tứ-đại nầy của ta, cũng chẳng khác chi các bọt nước kia, chẳng bền-vững, thường-còn; năm uẩn nơi thân-tâm nầy, rồi cũng rời nhau ra mà hoại-diệt theo lẽ vô-thường."

Bấy giờ, Đức Phật từ nơi hương-phòng, quán-thấy các tỳ-kheo ngoài hiên chùa, đang trầm-ngâm suy-tưởng về lẽ vô-thường, Ngài liền đi đến và bảo: ‘Nầy chư Tăng, các vị đang đi đúng đường-lối quán-tưởng, nhìn bọt nước mà biết được lẽ vô-thường của tấm-thân năm uẩn. Nên tiếp-tục theo con đường đó."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà số lớn các tỳ-kheo chứng được quả-vị A-la-hán:

Nhìn bọt nước thế nào,
Xem ảo-ảnh ra sao,
Quán thế-gian cũng vậy.
Muốn bắt được người ấy,
Thần Chết tìm chẳng thấy.
(Kệ số 170.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Quán-tưởng: Thiền-quán = suy-tưởng thật sâu-xa khi ngồi Thiền, nhập định. Khi tâm đã an-định, trí hành-giả bắt đầu cứu-xét về đề-tài thiền-quán, tư-tưởng tập-trung vào đề-tài, để phát-hiện lên Sự-thật.

- Ảo-ảnh: Ảo = giả, chẳng thật có; Ảnh = hình-bóng. Ảo-ảnh là hình-bóng giả-tạm, tuy mắt trông-thấy, nhưng bóng ấy chẳng thật có. Thí-dụ như lấy tay dụi mắt, nhìn lên thấy có nhiều đóm sáng như ngôi sao, các đóm đó chẳng thật có, nên gọi là ảo-ảnh.

- Thân tứ-đại: Tứ = bốn; Đại = lớn. Tứ-đại, trong Phật-học chỉ về bốn chất: đất, nước, gió, lửa; còn có nghĩa là bốn chất cứng, lỏng, hơi, nóng trong thân ta. Thân tứ-đại nầy do các chất đó hoà-hiệp với nhau mà thành, khi bốn chất ấy rời nhau ra, thì chết. Đó là lẽ vô-thường.

- Năm uẩn: Uẩn = nhóm họp và che-mờ. Phật-học phân-tách thân-tâm con người ra làm năm phần, gọi là năm uẩn ( = năm ấm): (1)sắc-uẩn ( =thân-thể vật-chất), (2) thọ-uẩn ( =các tình-cảm); (3)tưởng-uẩn ( =các tư-tưởng); (4) hành-uẩn ( = các hành-động); (5)thức-uẩn ( =các sự hiểu-biết). Bốn uẩn sau, thọ, tưởng, hành, thức, thuộc về tâm. Khi quán thấy năm uẩn hoà-hiệp nhau mà thành thân-tâm, hễ chúng rời nhay ra là chết, đó là quán-thấy được lẽ vô-thường của thân năm uẩn.

- Hương-phòng: căn phòng có hương thơm dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là Gandhakutì.

- Vô-thường: Vô =chẳng; Thường = thường-còn. Lẽ vô-thường là định-luật thiên-nhiên theo đó, chẳng có vật nào có hình-thể mà chẳng biến-đổi, rồi hư-hoại với thời-gian. Hiểu lẽ vô-thường là biết được sự tạm-bợ của muôn vật trên thế-gian, dứt bỏ sự tham-luyến và tìm về sự hằng-còn của cảnh-giới Niết-bàn an-lạc.

- A-la-hán: quả vị thứ tư, cao nhứt, dứt hết phiền-não, chẳng bị tái-sanh trong Luân-hồi nữa. Tiếng Pali là Arahant.

- Thần Chết tìm chẳng thấy = hễ Thần Chết tìm chẳng thấy, thì chẳng bị chết nữa, có nghĩa là đã đắc được A-la-hán, vào Niết-bàn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, chẳng có chi là ly-kỳ cả (!!!): một nhóm tỳ-kheo nhìn ảo-ảnh, bọt nước, mà suy ra lẽ vô-thường của thân-tâm và của muôn vật trên thế-gian. Ý-nghĩa: biết được lẽ vô-thường, liền rời sự tham-luyến, nỗ-lực tu-tập để chứng quả vô-sanh của Niết-bàn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 170:

Bài Kệ chia ra hai phần: (1) cách quán-tưởng bọt nước, ảo-ảnh thế-gian; (2)hai câu chót nói về kết-quả của việc quán-tưởng đã thành-công, chứng được vô-sanh, chẳng bị chết nữa vì hết tái-sanh.

Cách quán-tưởng bọt nước và ảo-ảnh như thế nào? Trước hết, ta phải biết quán-tưởng cho đúng cách. Như đã biết, quán-tưởng là suy-nghĩ thật sâu-xa, tâm nhìn vào bên trong tâm. Tâm nhìn vào bên trong tâm cách nào? Điều nầy có nghĩa là, các giác-quan chẳng hướng về cảnh-vật bên ngoài nữa, mắt tuy có mở nhưng chẳng thấy vật, tai còn đó nghe tiếng nhưng chẳng để-ý đang nghe gì, khiến cho tâm ở yên, vắng-lặng, rồi khởi lên hình-ảnh trong tâm, tâm chỉ nghĩ và chỉ thấy đến đề-tài quán-tưởng, đề-tài đó là bọt nước. Khi tâm nhìn thấy trong tâm, có bọt nước đó, nổi lên, lóng-lánh, phập-phồng, rồi chẳng mấy chốc, bọt nước lại bể phụt mất. Tâm nhìn bọt nầy bể, bọt kia phồng lên rồi bể, nhiều lần như thế, sẽ đi đến kết-luận, bọt nước chẳng bền, có đó rồi mất đó. Khi nghĩ ra được kết-luận đó, tâm đang thấy được lẽ vô-thường của mọi sự-vật) Cách quán ảo-ảnh cũng như thế. Chọn các ảo-ảnh: như bóng trăng rọi xuống mặt hồ nước, như đám mây bay trên trời trông giống hình con vật nào đó, v.v. Quán như trên về các ảo-ảnh vừa nói, để nhận ra sự giả-tạm của ảo-ảnh. Khi nghĩ ra được kết-luận về sự giả-tạm đó, là tâm đã quán đúng cách.

Bài Kệ nói: quán bọt nước, ảo-ảnh như thế nào, thì quán thế-gian cũng như thế ấy. Điều nầy có nghĩa là muôn vật có hình-tướng ở thế-gian, đều vô-thường như bọt nước, đều giả-tạm như ảo-ảnh. Vạn vật rất nhiều, trong một lúc chẳng nhìn thấy trong tâm hết cả được. Muốn biết muôn vật đều vô-thường giả-tạm, tâm ta hãy cố tìm xem, có vật nào trong vũ-trụ nầy, mà tồn-tại mãi mãi không. Câu trả lời là chẳng có, nhờ đó tâm quán thấy thế-gian vô-thường và giả-tạm.

Khi ngồi Thiền, quán-tưởng như trên có ích lợi gì? Nhờ quán-tưởng đúng cách, tâm lọc bỏ được các tà-kiến, các phiền-não, để trở nên trong-sạch hơn. Đó là cách thanh-lọc tâm-ý của phép tu tâm.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ lẽ vô-thường của muôn vật.

2.- Xin đọc lại nhiều lần trang nầy và áp-dụng lối quán-tưởng.

(140).- Tích chuyện Vương-tử Vô-uý.

(Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số 115 về vị đại-thần San-tạ-tị.)

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-viên, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Vương-tử Vô-úy.

Thuở ấy, vương-tử Vô-uý vừa đắc-thắng quân giặc ở biên-cương trở về thành, được vua Tần-bà-sa-la, nước Ma-kiệt-đà, ban-thưởng cho rất trọng-hậu. Món quà quí là một nàng vũ-nữ thật xinh đẹp, múa hát trong bảy ngày đêm để mua vui cùng Vương-tử. Đến đêm thứ bảy, vì quá cố sức, cô vữ -nữ ngã lăn ra chết về bịnh tim. Vương-tử rất đau buồn trước cái chết đột-ngột của người yêu, mới tìm đến Đức Phật để nghe lời an-ủi.

Đức Phật bảo Vương-tử Vô-uý rằng: "Nầy Vương-tử, số-lượng nước mắt mà Vương-tử đã khóc các người thân-yêu, trải qua các số-kiếp của Luân-hồi, còn nhiều hơn nước biển các đại-dương. Thế-gian của thân-tâm ngũ uẩn nầy đầy đau-khổ, chỉ có những người còn ngu-muội mới mê-say, chìm-đắm trong đó."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Nào, hãy nhìn cõi thế-gian nầy
Như xe Vua trang-hoàng lộng-lẫy.
Kẻ cuồng-dại đắm chìm cõi ấy,
Người hiền-trí chẳng chút mê-say.
(Kệ số 171.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vương-tử Vô-uý: Vương-tử = con cháu của Vua; chữ Vô-úy, có nghĩa là chẳng hề sợ-hãi, được dùng để dịch chữ Abhaya, tiếng Pali. Trọn tên của Vương-tử Vô-uý là Abhayaràjakumàra.

- Trúc-viên, Vương-xá: tịnh-xá nầy xây trong vườn Trúc, do Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) cúng cho Tăng-đoàn. Tên Pali Truc-viên Veluvana, thành Vương-xá Ràjagaha; nước Ma-kiệt-đà Magadha.

- Trọng-hậu = nhiều và quí-báu lắm.

- Vũ-nữ = người con gái múa hát, giúp vui cho đàn-ông.

- Đột-ngột = quá nhanh và chẳng ngờ được.

- Đại-dương = biển lớn, như Thái-bình-dương, Đại-tây-dương.

- Thân-tâm ngũ-uẩn: Ngũ = năm. Xin xem lại thân-tâm năm uẩn ở bài trước, trang 439.

- Thế-gian: Thế = đời; Gian = khoảng. Nghĩa thông-thường của chữ Thế-gian là nói đến vũ-trụ, vạn-vật; ở đây chữ Thế-gian được Đức Phật dùng theo nghĩa hẹp, chỉ vào thân-tâm, coi như một vũ-trụ nhỏ.

- Cuồng-dại = điên-khùng, chẳng có trí-huệ, còn ngu-si.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = trí-huệ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc Vương-tử Vô-uý đau-buồn mến tiếc người yêu là cô vũ-nữ xinh-đẹp đã chết đột-ngột. Đức Phật khuyên đừng luyến-tiếc tấm thân năm uẩn nầy, vì nó vô-thường.

Ý-nghĩa: đừng đắm-say thế-gian vô-thường, phải tìm cách tu-hành để vượt khỏi cảnh sanh-tử của Luân-hồi đau-khổ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 171:

Hai câu đầu của bài Kệ so sánh thế-gian nầy với chiếc xe Vua được trang-hoàng lộng-lẫy. Sự so-sánh nầy hơi khó hiểu; nhưng nếu ta biết Đức Phật xem thân-tâm nầy như một vũ-trụ nhỏ, một thế-gian thu-hẹp lại, thì sự so-sánh sẽ rõ-ràng. Tại sao trang-hoàng lộng-lẫy? Xe đó của Vua ám-chỉ vào thân-tâm ( = thế-gian), nên thân-tâm ấy được trang-sức đẹp-đẽ, dồi phấn thoa son, v.v.

Hai câu chót nêu sự khác-biệt về thái-độ giữa người còn ngu-si với người hiền-trí đã giác-ngộ.

Ý-nghĩa của bài Kệ khuyên ta chớ nên tham-luyến vào thân-tâm năm uẩn, tuy nay được chưng-diện đẹp-đẽ, nhưng rồi sẽ bị tan-hoại theo thời-gian.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: đừng say-đắm cảnh thế-gian.

2.- Thực-tập quán-tưởng về thân bất-tịnh, thân-tâm vô-thường.

(141).- Tích chuyện Trưởng-lão Sầm-mạc-gia.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Sầm-mạc-gia.

Thuở ấy có tỳ-kheo Sầm-mạc-gia cả ngày chỉ lo việc quét tước quanh chùa Kỳ-viên. Cùng tu-tập chung trong chùa có Trưởng-lão Lê-va-ta, trái lại, cả ngày chỉ ngồi Thiền nhập định. Tỳ-kheo Sầm thấy thái-độ của Trưởng-lão Lê, cả ngày chỉ ngồi yên, im-lặng, cho rằng Trưởng-lão đã lãng-phí thời-giờ. Một hôm, tỳ-kheo Sầm đến nói với Trưởng-lão: ‘Nầy ông Lê, cả ngày tôi thấy ông chỉ ngồi yên, chẳng làm gì cả. Như thế là lười-biếng, chỉ biết sống nhờ vào sự tín-thí của các đàn-việt mà thôi." Trưởng-lão Lê đáp: "Nầy đạo-hữu, một vị tỳ-kheo chẳng nên để trọn hết thì-giờ của mình mà quét-tước cả ngày. Vị ấy nên quét dọn vào sáng sớm, xong lên đường đi khất-thực. Trở về, thọ-trai xong, vị ấy hoặc quán-tưởng về thân-tâm năm uẩn nầy, để biết rõ bản-thể của các uẩn ấy, hoặc đọc-tụng kinh-điển cho đến chiều tối. Bấy giờ, nếu muốn, có thể ra quét sân thêm." Tỳ-kheo Sầm nghe kỹ lời dạy đó, chuyên-cần thực-hành theo đúng, nên chẳng bao lâu chứng-đắc được quả-vị A-la-hán.

Các vị tỳ-kheo khác nhận thấy dạo nầy, các đống rác quanh chùa chẳng thấy được quét dọn, mới hỏi tỳ-kheo Sầm-mạc-gia, sao bây giờ chẳng còn chăm quét-tước như trước nữa. Tỳ-kheo Sầm đáp: "Ngày trước, tâm tôi còn nhiều phiền-não và vọng-tưởng, thiếu sự tỉnh-giác, nên tôi phải quét cho sạch. Đến ngày nay, tâm tôi thanh-tịnh, lúc nào cũng tỉnh-giác, nên chẳng cần quét nữa." Các vị đồng-tu cho rằng tỳ-kheo chẳng nói đúng sự-thật, tự cho mình đã chứng A-la-hán, mới đến bạch cùng Phật. Đức Phật bảo: " Tỳ-kheo Sầm-mạc-gia đã nói đúng sự-thật, vì đã chứng-đắc được quả-vị A-la-hán."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Người trước kia buông-lung, phóng-dật,
Về sau, biết tỉnh-giác chuyên-cần,
Ánh quang-minh soi khắp thế-gian,
Như trăng sáng thoát mây che lấp.
(Kệ số 172.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Sầm-mạc-gia: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Sammajjana.

- Lê-va-ta: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng pa-li là Revata.

- Ngồi Thiền nhập Định: Thiền = chữ Phạn là Thiền-na (Dhyana), có nghĩa là tâm rời cảnh-vật bên ngoài, đang suy-nghĩ thật sâu-xa; Định = dịch chữ Phạn Tam-muội (Samadhi), có nghĩa là tâm an-tịnh, chẳng lay-động, ý dừng lại và chú-tâm vào cảnh vắng-lặng.

- Lãng-phí thời-giờ: buông-lung, sống thả trôi, chẳng làm việc chi có ích-lợi cả, làm mất thời-giờ.

- Tín-thí: Tín = tin-tưởng; Thí = cho, hiến-tặng. Sự tín-thí là sự bố-thí do lòng tin-tưởng của kẻ tại-gia tặng cho các vị tu-hành xuất-gia.

- Đàn-việt: phiên-âm tiếng Phạn Dânapati, dịch nghĩa là thí-chủ, người bố-thí giúp cho kẻ tu-hành.

- Đạo-hữu: Đạo = đường-lối tu-hành; Hữu = bạn-bè, bạn-hữu. Chữ đạo-hữu thường dùng để chỉ các người tu chung theo một tôn-giáo.

- Thọ-trai: Thọ = nhận; Trai = ăn cơm chay. Thọ-trai là tiếng nhà chùa, có nghĩa là dùng bữa cơm chay.

- Quán-tưởng = suy-nghĩ sâu-xa, trong sự an-tịnh, về một đề-tài.

- Thân-tâm năm uẩn: Uẩn = Ấm = nhóm họp lại và che-mờ. Thân-tâm năm uẩn thân tâm gồm có năm uẩn: (1)sắc-uẩn là tấm thân vật-chất; (2)thọ-uẩn là các tình-cảm; (3)tưởng-uẩn là các tư-tưởng; (4) hành-uẩn là các hành-động; (5) thức-uẩn là các sự hiểu-biết. Bốn uẩn sau: thọ, tưởng, hành, thức nhóm-hợp nhau lại mà thành cái tâm.

- Bản-thể của các uẩn: Bản-thể = thể-chất riêng-biệt và thật-sự. Nói "biết rõ bản-thể của các uẩn" là muốn nói, đã biết rõ các uẩn ấy rỗng-rang, vì sự nhóm-họp chung lại mà có, chớ tự chúng chẳng có một bản-thể nào riêng-biệt. Vì tập-hợp lại mà , nên khi rời nhau ra, thì trở nên không, đó là bản-thể rỗng-rang của năm uẩn.

- Quả-vị A-la-hán: Quả-vị = kết-quả của sự tu-tập đã thành-công; A-la-hán: bực Thánh, tu-hành đã dứt hết phiền-não, chẳng còn bị tái-sanh trong Luân-hồi nữa.Tiếng Pali:Phala = quả-vị; Arahant = A-la-hán.

- Quét cho sạch: chữ quét ở đây, chẳng những có nghĩa là quét tước cho sạch rác-rến bên ngoài, mà còn có nghĩa quét sạch hết các ý-tưởng vọng-động, lang-bang trong tâm, để tâm được thanh-tịnh.

- Tỉnh-giác: Tỉnh = thức-tỉnh, hết mê-mờ; Giác = biết rõ. Tìỉnh-giác là tình-trạng tâm an-tịnh, biết rõ mọi biến-chuyển bên trong, cũng như bên ngoài, luôn luôn giữ được sự chú-ý, chẳng hề lơ-là, xao-lãng.

- Phóng-dật: Phóng =buông-thả; Dật = lỗi-lầm. Phóng-dật là buông-trôi theo các lỗi-lầm, chẳng biết tự kềm-chế trong kỷ-luật.

- Quang-minh = ánh-sáng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một vị tỳ-kheo cả ngày chỉ lo quét tước quanh chùa, đến khi được một vị trưởng-lão dạy phải biết việc ngồi Thiền nhập-định là bổn-phận của kẻ tu-hành, nên mới chuyên-tâm tu-tập mà đắc được quả-vị A-la-hán.

Ý-nghĩa của Tích chuyện nằm trong chữ quét, quét cho sạch chẳng những các rác-rến quanh chùa, mà còn là quét cho sạch các vọng-tưởng, phiền-não trong tâm, để cho tâm được thanh-tịnh.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 172:

Thử phân-tách bài Kệ ra từng câu:

1) Người trước kia buông-lung, phóng-dật: đây là nói về người sống buông trôi, chẳng có định-hướng, chạy theo các thú-vui vật-chất, thỏa-mãn các nhu-cầu tầm-thường, chẳng lo việc tu-tập. Hai chữ buông-lung phóng-dật đồng nghĩa nhau, thường là làm biếng.

2) Về sau biết tỉnh-giác chuyên-cần: đây là nói về người đã thức-tỉnh, nhận ra được sự lỗi-lầm, lười biếng của mình, mà trở nên người tỉnh-giác, tâm biết quay vào bên trong tâm, lo dọn-dẹp sạch-sẽ tâm mình, bỏ vọng-tưởng lang-bang, dứt phiền-não tham, sân, si.

3) Ánh quang-minh soi khắp thế-gian, như trăng sáng thoát mây che-lấp: đây là nói ánh-sáng của Trí-huệ đang vẹt bỏ được sự u-tối của si-mê, ví với đám mây đang che mặt trăng sáng.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: tu là tu tâm, phải quét sạch các vọng-tưởng và phiền-não, để Trí-huệ được phát-triển.

2.- Xin ngưng một phút để tự-hỏi lòng mình: đã tỉnh-giác chưa?

(142).- Tích chuyện Trưởng-lão Vô-não.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Vô-não.

Thuở ấy ở nước Câu-tát-la, có người con trai của vị quốc-sư trong triều vua Ba-tư-nặc, tên là Vô-não. Chàng trai rất thông-minh, được cha gởi đi học ở thành Ta-xi-la. Vô-não rất siêng-năng và khéo vâng lời thầy dạy, nên rất được lòng thầy thương-mến, khiến cho các bạn đồng-học sanh ra ganh-tị. Họ đặt điều nói xấu, vu-oan cho Vô-não có dan-díu với vợ của thầy. Ban đầu, vị thầy chẳng tin việc đó, nhưng ngày lại ngày, nghe mãi lời ton-hót của bọn học-trò, khiến cho ông ta phải tin theo. Ông ta nghĩ nếu mình giết chết Vô-não thì chẳng những bị tù-tội mà còn bị quả-báo nặng-nề nữa. Ông tìm được một mưu-kế khác, còn tệ-hại hơn là ám-sát Vô-não. Ông liền kêu Vô-não lại và nói riêng: "Thầy có một phép bí-quyết thật cao-thâm, huyền-diệu, muốn truyền lại cho trò, nhưng phép ấy đòi hỏi mạng sống của một trăm người, trò phải giết chết đủ số đó, cả đàn-ông lẫn đàn-bà, đem nộp bằng-cớ cho thầy, thì thầy sẽ dạy cho." Vô-não rất muốn có được bí-quyết đó, nhưng còn ngần-ngại chẳng muốn sát sanh hại mạng. Nhưng về sau, lòng ham-muốn được phép-lực cao-thâm, huyền-diệu thúc-đẩy quá mạnh-mẽ, Vô-não bỏ vào rừng sâu ẩn-núp, rình giết người cho đủ số để nạp cho thầy.

Chẳng bao lâu, tiếng-tăm tàn-ác của Vô-não cướp của giết người, chặt lấy ngón tay, kết thành xâu chuỗi đeo ở cổ, khiến dân quá sợ-hãi, gọi Vô-não là tướng cướp Chỉ-man, và tâu-trình lên vua. Vua Ba-tư-nặc liền chỉnh-đốn quân-đội, định đem quân vây bắt Chỉ-man. Bà mẹ của Chỉ-man, vì lòng thương con, sáng hôm ấy, định vào rừng báo tin cho con. Cùng ngày ấy, vào lúc tinh-sương, Đức Phật nhập thiền-định, quán-thấy Vô-não sắp phạm tội ngũ-nghịch vì giết mẹ, rồi sẽ bị sa vào điạ-ngục A-tỳ, nên thương-xót, Ngài liền đi vào rừng để ngăn Chỉ-man. Tên tướng cướp sau một đêm mất ngủ, sáng ra đếm xâu chuỗi ngón tay lại, thấy còn thiếu một mạng nữa là đủ một trăm, mới quyết-tâm hôm nay hễ gặp ai là giết ngay cho đủ số, đem nộp cho thầy. Vừa đến ven rừng, Chỉ-man bỗng thấy Đức Phật đi tới. Anh liền khoa ngọn dao bén nhọn lên chực đâm; bỗng đâu tay chơn bủn-rủn vì mệt-mỏi, hắn ngẩng đầu lên nhìn Đức Phật mà thét lên: "Ớ nầy ông thầy tu, sao ông chẳng dừng lại?" Đức Phật dừng bước: "Này Chỉ-man, ta đã dừng từ lâu rồi, chỉ có anh là chưa chịu dừng đó thôi!" Chỉ-man còn chưa hiểu ý Đức Phật, mới hỏi; Đức Phật đáp: "Nầy Chỉ-man, đã từ lâu ta dừng nghỉ việc sát-hại chúng-sanh; còn anh, anh vẫn còn chưa chịu dừng lại việc giết người, cướp của đó." Nghe lời nói phải, trông dáng mạo trang-nghiêm đẹp-đẽ của người đứng trước mặt mình, Chỉ-man bỗng tỉnh-ngộ, biết đang gặp Đức Phật. Anh liền quăng dao đi, quì xuống xin qui-y cùng Đức Phật. Đức Phật vui-vẻ chấp-nhận và cùng với Vô-não trở về chùa Kỳ-viên.

Kể từ ngày gia-nhập Tăng-đoàn, Vô-não chuyên-cần, tinh-tấn tu-hành, nên chẳng bao lâu chứng được quả-vị A-la-hán. Một hôm, vào buổi sáng, đang đi khất-thực, Trưởng-lão Vô-não gặp một đám người đang đánh lộn, quăng đá vào nhau. Một hòn đá lớn va phải đầu của Trưởng-lão, gây thương-tích nặng, nhưng Trưởng-lão cũng ráng về đến chùa. Đức Phật đến thăm hỏi, và nói: "Nầy Vô-não, ngày trước con đã gây nhiều tội-ác giết người, lẽ ra phải sa vào địa-ngục A-tỳ; nhưng nay con đã ăn-năn sám-hối, tinh-tấn tu-hành, vậy con nên nhẫn-nhục mà chịu lấy quả-báo nầy, tránh cho con khỏi phải sa vào nẻo dữ." Trưởng-lão lắng nghe lời Phật dạy, lặng-lẽ nhập Niết-bàn.

Các vị tỳ-kheo muốn biết Trưởng-lão Vô-não được tái-sanh về đâu, mới thưa hỏi Phật. Nghe đáp Trưởng-lão đã nhập Niết-bàn, các vị tỳ-kheo rất đổi ngạc-nhiên. Đức Phật nói: "Trước kia, vì mê-lầm, chẳng có bạn hiền, nên Vô-não mới phạm tội ác. Về sau, biết ăn-năn sám-hối, chuyên-tâm tỉnh-giác làm việc thiện, tuân theo Chánh-pháp, tinh-tấn tu-hành, nên nay nhờ cơ-duyên lành của việc thiện chận đứng được ác-báo." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người trước kia trót gây tội-ác,
Nay sửa sai bằng các hạnh lành,
Ánh quang-minh soi khắp thế-gian,
Như trăng sáng thoát mây che lấp.
(Kệ số 173.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vô-não, Chỉ-man = tên vị trưởng-lão, cựu tướng cướp nầy, tiếng Pali là Ahimsaka, dịch là Vô-não, Bất-hại, chẳng hại ai; và Angulimàla, phiên-âm là Ưong-quật-ma-la, dịch là Chỉ-man, chùm ngón tay. (Não = não-hại; gây phiền-não; Chỉ = ngón tay; Man = chùm.)

- Quốc-sư: Quốc = nước; Sư = thầy; Quốc-sư là thầy dạy Đạo cho cả nước; thầy dạy Đạo cho Vua.

- Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la: tên vị vua nầy, tiếng Pali là Pasenadi, cai-trị nước Kosala, giáp ranh với nước Xá-vệ (Savatthi).

- Ta-xi-la: tên thị-trấn nầy, tiếng Pali là Taxila.

- Ton-hót: đặt điều láo-khoét nói tới nói lui mãi, để hại ai.

- Ám-sát: Ám = mờ-ám, lén; Sát = giết; Ám-sát là giết lén.

- Bí-quyết: Bí = bí-mật, kín; Quyết = pháp-thuật mầu-nhiệm.

- Huyền-diệu = sâu-kín, khéo-léo và nhiệm-mầu.

- Chỉnh-đốn = sắp sửa hàng-ngũ cho chỉnh-tề.

-Sáng tinh-sương = mờ-mờ sáng, mặt trời chưa lên, còn sương.

- Nhập Thiền-định, quán-thấy = ngồi Thiền và thấy rõ trong tâm.

- Tội ngũ-nghịch: năm tội lớn sẽ bị đoạ vào Điạ-ngục A-tỳ. Đó là: giết cha, mẹ, A-la-hán, chém Phật và phá sự hoà-hợp Tăng-đoàn.

- Điạ-ngục A-tỳ = tên điạ-ngục nầy, tiếng Pali là Avìci, dịch nghĩa là Vô-gián, tức là chịu hình-phạt liên-tục chẳng ngừng-nghỉ.

- Khoa dao = giơ cao con dao lên để đâm mạnh.

- Tỉnh-ngộ: Tỉnh = thức-tỉnh, hết mê; Ngộ = hiểu rõ; Tỉnh-ngộ là trở nên sáng-suốt, nhận biết mình lầm-lỗi, cần sửa lại.

- Qui-y: Qui = quay về; Y =nương-tựa; Qui-y là mình tìm về nương-tựa tinh-thần mình vào ai, hay vào sự-việc gì.

- Thương-tích: vết thương, đổ máu, gãy xương, v.v.

- Ăn-năn = Sám-hối: chịu nhận lỗi mình, tỏ ra hối-tiếc đã có lỗi và hứa xin chừa chẳng tái-phạm nữa.

- Nhẫn-nhục: chịu nhịn, bền gan chịu đựng mà chẳng oán-than.

- Quả-báo: Quả = kết-quả, hậu-quả; báo = báo đền,; Quả-báo là sự-việc xảy ra sau, do một hành-động cũ đã có trước làm nguyên-nhơn mà quả-báo là hậu-quả, chiếu theo Luật Nhơn-quả.

- Nhập Niết-bàn: lià bỏ xác thân, đi vào cõi tịch-diệt, vắng-lặng.

- Cơ-duyên lành = điều may-mắn tốt. Vì tu-hành, làm việc thiện nên được hưởng cơ-duyên lành.

- Ác-báo: Ác = xấu, dữ; Báo = quả-báo. Ác-báo là quả-báo xấu.

- Sửa sai = sửa đổi điều sai-lầm, theo con đường chơn-chánh.

- Hạnh lành = các hành-động tốt, giúp đỡ người khác.

- Ánh quang-minh = ánh-sáng rực-rỡ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang nhiều ý-nghĩa:

1) Nghe hoài lời ton-hót, rồi cũng tin theo: đây là một lỗi-lầm, cần tránh, bằng cách phải điều-tra sự-thật, khi nghe lời dèm.

2) Mưu-kế để hại Vô-não bằng cách xúi đi giết người, người bầy mưu có bị quả-báo không? Có, phải chịu quả-báo như chính mình đi giết vậy. Trong Kinh: cấm giết và cấm xúi, bảo giết.

3) Sao chẳng dừng lại? Chỉ-man hiểu chữ dừng dừng bước; còn Đức Phật nói dừng là ý muốn nói, thôi chẳng làm tiếp-tục nữa; tức là, từ-khước chẳng làm điều ác nữa. Đây là ý-nghĩa quan-trọng nhứt của Tích chuyện: mặc dầu đã trót làm điều dữ, nhưng biết dừng lại, thôi chẳng làm ác nữa, và làm điều thiện, thì quả-báo xấu chẳng có đủ cơ-duyên để trỗ quả, nhờ đó mà tạm-thời tránh được. Trong trường-hợp của Chỉ-man, nhờ biết ăn-năn tội-ác và quay về con đường lành, nên mới bị trúng đá mà chết, khỏi phải sa vào địa-ngục A-tỳ. Tích chuyện cho thấy, việc tu-hành chơn-chánh cải-đổi được nghiệp-báo; vì thế, nên siêng làm lễ sám-hối và gắng làm việc thiện.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 173:

Bài Kệ nầy giống bài Kệ trước, số 172, ở hai câu chót, nói về hiệu-quả tốt của sự bỏ điều quấy mà theo điều lành. Ý-nghĩa cũng giống bài trước: khuyên ta nên sớm cải tà qui chánh, ăn-năn tội-lỗi và siêng làm lành lánh dữ để cải-thiện nghiệp-lực của mình.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: có thể sửa được mạng-vận xấu, bằng cách siêng năng làm việc thiện và từ-khước hẳn việc ác.

(143).- Tích chuyện cô gái quay tơ.

Vào một thời kia, Đức Phật du-hành đến xứ Anh-huy, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một cô gái quay tơ.

Dạo ấy, sau buổi lễ trai-tăng ở Anh-huy, Đức Phật có giảng-pháp cho dân-chúng nghe. Hôm ấy, Ngài giảng-dạy về sự vô-thường của thân-tâm năm uẩn. Ngài nói: "Cuộc sống của ta thì vô-thường, còn sự chết lại là thường. Chắc-chắn rồi đây có ngày ta sẽ chết, đời ta chấm-dứt bằng sự chết-chóc. Cho nên, sống là vô-thường, còn chết là thường vậy." Đức Phật khuyên mọi người nên nhận rõ bản-thể chơn-thật của năm uẩn, chúng tạm-thời hoà-hiệp nhau mà thành sự sống, đến khi chúng rời nhau ra là cái chết đã tới nơi. Ngài nhấn mạnh: "Như một người cầm trong tay một cây gậy hay một ngọn chỉa nhọn sẵn-sàng đối-phó với kẻ thù, hay với một con rắn độc, người đời phải luôn luôn tỉnh-giác và trầm-tĩnh để đối-diện với cái chết. Có như thế, đến lúc ra đi vĩnh-viễn, mới chọn theo được đường lành." Lời giảng-dạy đó của Đức Phật chỉ được một số ít người lưu-tâm đến, trong số nầy, có một cô gái mười sáu tuổi, chuyên việc quay tơ cho cha dệt lụa. Sau buổi thuyết-pháp, Đức Phật lên đường trở về chùa Kỳ-viên.

Bẵng đi ba năm, một hôm Đức Phật nhập-định, quan-sát khắp pháp-giới, Ngài quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho cô gái quay tơ năm xưa chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Ngài liền lên đường trở lại xứ Anh-huy, để giảng Chánh-pháp một lần nữa. Hay tin Đức Phật đến xứ mình, cô gái quay tơ muốn đến ngay để nghe pháp; nhưng còn phải mang ba cuộn tơ đến xưởng dệt cho cha cô đang chờ.Trên đường đến xưởng, cô đi ngang qua nơi giảng-pháp, dừng lại, ngồi xuống phiá ngoài, tai lắng nghe lời Đức Phật. Đấng Thế-tôn nhìn thẳng vào cô gái, Ngài vừa quán-thấy cô gái sẽ tử-nạn ngay sau khi gặp cha, nếu chờ đến bận quay về thì lỡ mất cơ-hội để nghe được Chánh-pháp. Ngài liền ngưng nói, ngẩng nhìn chăm-chú vào cô gái. Cô gái liền bạo-dạn lách đám đông, đặt giỏ tơ xuống đất, quì trước Đức Phật mà đảnh-lễ. Đức Phật liền hỏi cô bốn câu và cô lễ-phép đáp ngay như sau:

1. Hỏi: Cô từ đâu tới?

Đáp: Con chẳng biết.

2) Hỏi: Cô đi về đâu?

Đáp: Con chẳng biết.

3) Hỏi: Cô biết không?

Đáp: Vâng, con có biết.

4) Hỏi: Cô biết được không?

Đáp: Không, con chẳng biết được.

Nghe lời đối-đáp của cô gái quay tơ, Đức Phật tỏ vẻ hài-lòng, nhưng các người ngồi nghe pháp lại chẳng hiểu ý-nghĩa thâm-sâu của bốn câu hỏi và bốn câu trả lời. Đức Phật liền bảo cô gái giải-thích, cô đã hiểu ra sao mà trả lời như thế.

Cô gái thưa: "Bạch Thế-tôn, về câu hỏi thứ nhứt, Ngài đã biết con từ nhà con mà tới đây, mà còn hỏi con, từ đâu tới?, con nghĩ ý Ngài muốn hỏi con, từ kiếp nào mà tới đây?, vì thế mà con đã thưa, con chẳng biết. Về câu hỏi thứ hai, con nghĩ khi hỏi con đi về đâu là ý Ngài muốn hỏi con có biết chăng, kiếp sau đi về đâu?, nên con thưa, con chẳng biết. Về câu hỏi thứ ba, Ngài hỏi con có biết không?, con nghĩ ý Ngài muốn hỏi con có biết mình sẽ chết không?, nên con mới đáp, Vâng, con có biết. Về câu chót, Ngài hỏi, có biết được không?, con nghĩ ý Ngài muốn hỏi con có biết được lúc nào sẽ chết không?, nên con mới trả lời, con chẳng biết được."

Đức Phật khen-ngợi cô gái quay tơ đã đáp rõ-ràng các câu hỏi đúng theo ý Phật, Ngài liền nói với các người ngồi nghe: "Trong số quí vị ngồi đây, cũng có ít người đã hiểu thấu ý-nghĩa sâu-xa các lời giải-đáp của cô thiếu-nữ quay tơ nầy. Những ai còn mê-mờ chẳng biết thì đang sống trong cảnh tối-tăm như kẻ mù-loà."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà cô gái quay tơ chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Thế-gian nầy đầy người mù-quáng;
Biết trông xa, loáng-thoáng vài người.
Như bầy chim, ít con thoát lưới,
Thật hiếm người lên tới Thiên-đàng.
(Kệ số 174.)

Sau đó, cô gái quay tơ lên đường đến xưởng dệt lụa. Cha cô chờ lâu đang ngủ gục bên khung cửi, nghe tiếng cô gọi, giựt mình thức dậy, tay quờ-quạng đụng nhằm chốt cửi, đánh bật văng con thoi ra, trúng mạnh vào ngực cô. Cô té xuống đất và thở hơi cuối cùng, đúng như lời tiên-đoán tai-nạn của Đức Phật. Cha cô hoảng-hốt đỡ con lên, nhưng chậm mất rồi. Ông khóc nức-nở, rồi bỏ nghề, vào chùa xin làm tỳ-kheo. Chẳng bao lâu, ông chứng được quả-vị A-la-hán.

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Xứ Anh-huy: tên phần đất nầy, tiếng Pali là àlavì.

- Trai-tăng: dưng cơm chay lên cho các vị Tăng.

- Vô-thường: Vô = chẳng; Thường = thường-hằng, thường còn hoài. Lẽ Vô-thường có nghĩa là sự biến-đổi chẳng thể tránh được của muôn sự-vật có hình-tướng, để về sau trở thành hư-hoại.

- Thân-tâm năm uẩn: Uẩn = Ấm = nhóm họp lại và che-mờ. Có năm uẩn hợp lại thành thân-tâm nầy: (1) sắc-uẩn, phần vật-chất, là Thân; (2) thọ-uẩn, các tình-cảm; (3) tưởng-uẩn, các ý-tưởng; (4) hành-uẩn, các hành-động; (5) thức-uẩn, các sự hiểu-biết; bốn uẩn sau lập thành Tâm. Năm uẩn khi hợp nhau lại thì có sự sống; khi rời nhau ra thì chết. Vì năm uẩn chỉ tạm-thời họp lại, mới gọi chúng là vô-thường

- Bản-thể chơn-thật của năm uẩn: Bản-thể = chỗ cội-rễ của một sự-vật; nguyên-thể; chơn-thật = thật sự, có thiệt. Tìm hiểu bản-thể của năm uẩn là phân-tách năm uẩn ra từng phần nhỏ, bỏ đi, xem lại coi còn chất nào, sự nào, việc nào chẳng bị tách ra được nữa, nếu có thì chất ấy là bản-thể; nhưng khi phân-tách năm uẩn ra, ta thấy thân-tâm chẳng còn gì nữa, nên mới gọi bản-thể chơn thật của năm uẩn không, rỗng-rang, vì thế mà chẳng thường-còn, nên mới nói rằng thân-tâm năm uẩn nầy là vô-thường.

- Tỉnh-giác = luôn luôn chú-ý biết mọi sự biến-chuyển trong và ngoài tâm. Trái với tỉnh-giác lơ-là, vô-ý, vô-tâm, thiếu sự chú-tâm, phóng-dật, buông-lung.

- Đối-diện = thấy hiện có ở trước mặt. Chữ đối-diện ở đây có nghĩa là đương-đầu, đối-phó với.

- Ra đi vĩnh-viễn = chết, lià thân-xác. (Vĩnh-viễn = mãi mãi.)

- Chọn theo được đường lành: Sau khi chết đời nầy, sẽ sanh vào đời sau, ở một trong sáu đường. Ba đường dữ: (1)địa-ngục,(2)ngạ-quỉ ( = quỉ đói);(3) súc-sanh( = thú-vật). Ba đường lành: (4)cõi người; (5) cõi A-tu-la( =Asura, thần-linh); (6) cõi Trời.

- Lưu-tâm = để-ý đến và hiểu rõ.

- Pháp-giới: thế-giới, vũ-trụ. Tiếng thường gọi là thế-giới; tiếng chuyên-môn Phật-học gọi là pháp-giới, cảnh-giới của toàn-thể sự-vật trong trời đất, trong vũ-trụ.

-Nhập-định, quán-thấy: khi ngồi Thiền, tâm an-định nhìn thấy rõ trong tâm. (Tâm an-định = nhập-định; thấy rõ trong tâm = quán-thấy.)

- Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; duyên = duyên-do. Cơ-duyên, ở đây, chỉ cho cơ-hội may-mắn.

- Quả-vị Tu-đà-huờn: khi tu thành-công, gọi là chứng quả-vị. Có bốn quả-vị: (1)Tu-đà-huờn ( = Sotàpatti, còn gọi là Nhập-Lưu, Thất-Lai); (2)Tư-đà-hàm ( =Sakadàgàmin, còn gọi là Nhứt-Lai); (3) A-na-hàm ( =Anàgàmin, còn gọi là Bất-Lai); (4) A-la-hán ( = Arahant). Ba quả-vị trước còn phải tái-sanh, nên được gọi là bực Hiền; quả A-la-hán, cao nhứt, chứng được vô-sanh ( = hết bị tái-sanh) là bực Thánh.

- Tử-nạn: Tử = chết; Nạn = tai-nạn; Tử-nạn = bị tai-nạn mà chết.

- Đảnh-lễ = qùi xuống lạy để làm lễ ra mắt.

- Hài lòng = ưng ý, vừa bụng, vui lòng.

- Giải-thích = cắt nghĩa rõ ra.

- Thế-tôn: Thế = thế-gian; Tôn = tôn-kính; Thế-tôn là bực được cả thế-gian tôn-kính. Đệ-tử gọi Phật là Thế-tôn, Phật tự-xưng là Như-lai.

- Kiếp: nghĩa thông-thường là đời sống; có kiếp trước, kiếp sau. Nhưng nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, một kiếp (kalpa = kiếp-ba) dài đến một triệu năm ( = bá vạn niên).

- Mù-loà = cặp mắt bị hư, chẳng thấy ánh-sáng.

- Mù-quáng = ở đây, nghĩa bóng là chẳng thấy biết con đường tu

- Loáng-thoáng = thưa-thớt, chẳng được bao nhiêu.

- Hiếm = rất ít.

- Thiên-đàng: cảnh sung-sướng trên cõi Trời. Trái với điạ-ngục.

- Khung cửi = máy bằng gỗ, đạp bằng chơn, dùng để dệt vải, lụa.

- Con thoi = ống chỉ bằng đồng chạy qua, chạy lại trên khung cửi.

- Tiên-đoán = Tiên = trước; Tiên-đoán là đoán biết trước được.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện có hai ý-nghĩa: lời Phật dạy về lẽ vô-thường của thân-tâm năm uẩn, và bốn câu hỏi của Phật nêu ra để chỉ về cái chết.

Về ý-nghĩa thứ nhứt, lẽ vô-thường của thân-tâm năm uẩn, trước ta phải biết năm uẩn là gì, mỗi uẩn gồm có những gì, kết-hợp với các uẩn khác ra sao, sau đó xét đến khi thiếu một uẩn thì thân-tâm trở nên thế nào, mà suy ra sự chẳng bền-vững của thân-tâm năm uẩn. Vì chẳng bền-vững, nên vô-thường; vì vô-thường, nên bất- toại-nguyện, chẳng vừa ý; vì bất-toại-nguyện, nên sanh ra đau-khổ; vì đau-khổ, nên tìm về sự tu-hành để giải-thoát. Đó là các chặn-đường quán-chiếu về thân-tâm vô-thường. Để dễ ghi nhớ lẽ vô-thường, nên thường thường quán-chiếu ảo-ảnh, bọt nước, sương mai, điện-chớp và thân bất-tịnh.

Về ý-nghĩa thứ hai của Tích chuyện là sự chết, Đức Phật nêu ra bốn câu hỏi: câu (1) về kiếp trước; câu (2) về kiếp sau; câu (3) về sự ai cũng phải chết; câu (4) về biết lúc nào sẽ chết. Hiểu rõ hai câu đầu về kiếp trước và kiếp sau là hiểu được cuộc sanh-tử trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi, nên mới có các đời trước, đời nầy và các đời sau. Hiểu rõ hai câu sau về cái chết và chết đến lúc nào là hiểu được thân-phận của con người chẳng trốn được cái chết. Khi hiểu rõ cả bốn câu, ta mới tự-hỏi, vậy có cách nào để khỏi phải chết, khỏi phải bị tái-sanh lẩn-quẩn mãi chăng? - Có cách, cách đó được dạy trong Chánh-pháp, ai biết tu-tập theo đúng sẽ được giải-thoát khỏi Luân-hồi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 174:

1.- Hai câu đầu: Thế-gian nhiều người mù-quáng, chẳng hiểu rõ lẽ sống-chết, mà lại ít có người biết trông xa, thấy rõ cảnh Luân-hồi.

2.- Hai câu chót: Chim thoát lưới ví cho những người thoát khỏi cảnh sanh-tử, tử sanh của vòng Luân-hồi khổ-đau lẩn-quẩn.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ về thân-phận sống-chết của mọi chúng-sanh trong vòng lẩn-quẩn, đầy đau-khổ của cõi Luân-hồi.

(144).- Tích chuyện ba mươi tỳ-kheo đắc thần-thông.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ba mươi vị tỳ-kheo đắc được thần-thông.

Thuở ấy, có ba mươi vỉ tỳ-kheo đến đảnh-lễ Đức Phật. Lúc bấy giờ, Tôn-giả A-nan đang hầu-cận bên Đức Phật, thấy Đức Phật có khách, nên mới bước ra ngoài, chờ đợi. Một hồi lâu sau, Tôn-giả A-nan trở vào trong, chẳng trông thấy các vị tỳ-kheo nữa, mới hỏi Đức Phật các vị ấy bây giờ đang ở đâu. Đức Phật bảo: "Nầy A-nan, các tỳ-kheo đó, sau khi nghe Ta giảng-pháp, đã chứng-đắc được quả-vị A-la-hán, nên họ mới dùng thần-thông phi giữa không-gian mà ra đi."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Thiên-nga bay theo đường mặt nhựt,
Bực thần-thông phi giữa không-gian.
Hàng hiền-trí thoát khỏi thế-gian,
Nhờ thắng Ma-vương và quyến-thuộc.
(Kệ số 175.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thần-thông: nhờ định-lực tâm-thần cao mà có được các quyền-năng siêu-nhiên, như bay trên không, biến-hoá, v.v.

- Đảnh-lễ: quì lạy để làm lễ ra mắt.

- Hầu-cận = hầu-hạ ở gần bên cạnh.

- Chứng-đắc quả-vị = tu-hành đã thành-công. (Chứng-đắc = đuợc; Quả-vị: Quả = kết-quả; Vị = ngôi-vị, điạ-vị.)

- A-la-hán: quả-vị cao nhứt trong hàng Thanh-văn( =đệ-tử sống bên Phật, nghe giảng Kinh mà tu-tập), diệt hết các phiền-não, chứng được vô-sanh( = hết bị tái-sanh trong Luân-hồi). Tiếng Pali là Arahant.

- Phi giữa không-gian = bay lên trên không-gian.

- Thiên-nga = ngỗng trời, lông màu trắng.

- Mặt nhựt = mặt trời.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = trí-huệ. Bực Hiền-trí là bực hiền-lành có trí-huệ sáng-suốt, thấm-nhuần Chánh-pháp.

- Ma-vương = vua loài Ma; còn gọi là Ma Ba-tuần.

- Quyến-thuộc = họ-hàng, bà-con. Ma-vương và quyến-thuộc, ở đây, ám chỉ các sự cám-dỗ, quyến-rũ, xúi-dục làm điều quấy.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ, kể lại việc ba mươi vị tỳ-kheo nhờ nghe Đức Phật giảng-pháp mà chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Theo Tích chuyện, các vị ấy sau khi đắc quả, dùng thần-thông, bay lên không-gian mà ra về, khiến cho Tôn-giả A-nan chẳng nhìn thấy được.

Vấn-đề đặt ra cho chúng ta ngày nay là: việc đắc thần-thông, bay lên trên không, có thật hay không? Xét theo lý, việc chưa thấy tận mắt, nghe tận tai, ta chẳng nên vội tin ngay; nhưng chính mình chưa thấy, chưa nghe, mình vẫn chẳng chưa có quyền quả-quyết là việc ấy chẳng có. Tại sao? Vì có thể việc ấy có thật mà mình còn chưa đủ điều-kiện để thấy nghe được. Thái-độ đứng-đắn là đối với các sự-việc có vẻ siêu-nhiên, ta nên tỏ ra dè-dặt: chớ vội tin theo, mà cũng chớ vội bác-bỏ, hãy dè-dặt mà chẳng nghi-ngờ, giữ thái-độ chờ và xem.

Việc chứng-đắc thần-thông vào thời Đức Phật, theo trong Kinh sách, chẳng phải là chẳng có. Nhưng điều ta phải tin, là tin vào lời Phật dạy. Về thần-thông, Phật dạy thế nào? Ngài thường nhắc-nhở các tỳ-kheo mong-cầu sớm đắc thần-thông rằng, việc chứng-đắc thần-thông, tự nó sẽ đến, khi tu-tập đàng-hoàng, giữ giới-đức vẹn-toàn, thân-tâm hoàn-toàn thanh-tịnh, chớ mong-cầu được sớm đắc thần-thông. Thiển-nghĩ, còn mong-cầu đắc thần-thông sớm, là còn tham, còn chưa dẹp sạch cái tham muốn có thần-thông để hơn người.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 175:

Ý-nghĩa của bài Kệ nằm trong hai câu chót: thoát khỏi thế-gian nhờ thắng Ma-vương. Thoát khỏi thế-gian, chẳng phải là bay trên trời, mà là dứt hết các phiền-não ở thế-gian. Thắng được Ma-vương, chẳng phải là dùng thần-thông đánh lộn với Ma, mà là tự thắng được sự cám-dỗ trong lòng mình. Dẹp hết các phiền-não, thắng được sự cám-dỗ, đó chưa phải là thần-thông hay sao?

(145).- Tích chuyện bà Chỉnh-ca-mã.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà Chỉnh-ca-mã đã phao-vu tội dâm cho Đức Phật.

Thuở ấy, các nhóm tu-sĩ khổ-hạnh ngoại-đạo rất ghen-ghét Đức Phật vì các tín-đồ của họ càng ngày càng bỏ họ mà quy-y với Đức Phật. Họ bàn mưu để làm mất danh-dự của Phật. Họ kêu một người nữ-đồ-đệ rất trung-thành với họ là bà Chỉnh-ca-mã đến và nói: "Nầy tín-nữ, vì quyền-lợi chung của giáo-phái chúng ta, tín-nữ nên làm như thế nầy, để nhục-mạ Sa-môn Cồ-đàm..." Bà Chỉnh vâng lời làm theo.

Mỗi buổi chiều, vào lúc chạng-vạng, bà Chỉnh, tay cầm bó hoa, đi hướng về chùa Kỳ-viên. Gặp ai hỏi đi đâu, bà đáp, đi vào ngủ trong chùa. Đến lúc trời tối, bà Chỉnh lẻn sang lều của các tu-sĩ khổ-hạnh ngoại-đạo. Sáng sớm ra, bà đi về, ai có hỏi đi đâu mà về sớm thế, bà đáp, vừa từ hương-phòng của Phật ra, sau một đêm ở đấy. Cứ như thế, bà Chỉnh đi đi về về trong bốn tháng. Sau đó, bà lấy khăn quấn bụng, độn to u-u lên, làm như đang có thai. Bảy, tám tháng sau, bà lấy nhiều vải bọc một miếng gỗ mỏng, buộc trước bụng to phồng lên, dùng thuốc thoa tay chơn sưng-vù lên, trông giống như người đàn-bà sắp đến kỳ sanh-đẻ. Bà giả-bộ mệt-mỏi, lê bước tới chùa Kỳ-viên, vào lúc xế chiều khi Đức Phật còn đang giảng-pháp cho các tỳ-kheo và thiện-nam, tín-nữ nghe. Bà ong-óng miệng nói to: "Ớ nầy ông Sa-môn Cồ-đàm! Ông ngồi êm trên bồ-đoàn kia, sướng quá hả, sao ông chẳng giúp đỡ gì cho người đàn-bà mà ông cho mang bầu là tôi đang sắp sanh đây? Ông chỉ biết hưởng thú-vui xác-thịt với tôi mà chẳng chịu nhận lấy trách-nhiệm với người mà ông đã ôm-ấp." Đức Phật ngưng giảng, ôn-tồn bảo: "Nầy chị, chỉ có chị với tôi mới biết rõ là chị có nói đúng sự-thật hay không." Bà Chỉnh tru-tréo: "Ừ! Phải đó, chuyện giữa hai ta, ai vào đó mà biết được?"

Bấy giờ, vua Trời Đế-Thích nhìn xuống, biết chuyện gay-cấn đang diễn ra tại chùa Kỳ-viên. Ngài liền sai bốn vị thiên-nam, biến hình thành bốn con chuột lắt, cắn đứt mấy sợi dây quấn bụng bà Chỉnh, khiến cho tấm ván mỏng rơi tuột xuống. Sự-thật được phơi-bày ra, dân chúng đang ngồi nghe, nổi giận lên, tống cổ bà Chỉnh ra khỏi chùa. Sượng-sùng, bà Chỉnh vừa ra khỏi cổng chùa, đất nứt ra, hút sâu bà sa vào điạ-ngục.

Tối hôm ấy, các vị tỳ-kheo bàn-tán về tấn bi-hài-kịch buổi xế, Đức Phật đi ngang qua, nghe thấy, mới bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, một người đã chà-đạp Sự-thật như thế, còn có điều ác nào mà y chẳng dám làm, chẳng hề nghĩ đến ác-báo vào kiếp sau."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Kẻ nào Chơn-lý mà vi-phạm,
Dùng lời vọng-ngữ nói rêu-rao,
Bác bỏ rằng chẳng có đời sau,
Còn có ác nào, hắn chẳng dám?
(Kệ số 176.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Chỉnh-ca-mã: tên người đàn-bà nầy, tiếng Pali là Cincamànavika

- Phao-vu: đặt điều nói xấu rêu-rao cho kẻ khác.

- Khổ-hạnh = đưòng-lối tu-hành ép-xác như nhịn đói khát, luôn ngồi xổm chẳng nằm, loã-thể, v.v.

- Tín-đồ: Tín = tin-tưởng theo; Đồ = đồ-đệ, học-trò đạo, đệ-tử.

- Quy-y: Quy = quay về, Y =nương-tựa; Quy-y là tìm về nương-tựa

- Chạng-vạng = lúc gần chiều tối, mờ mờ.

- Hương-phòng = căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là Gandhakutì.

- Ong-óng, Tru-tréo = lên cao giọng nói hỗn-hào, vô-lễ.

- Sa-môn: tu-sĩ, phiên-âm chữ Phạn là Sramana, có ba nghĩa: (1) cần-giả ( = siêng làm điều thiện); (2) tức-giả ( = ngưng bỏ các điều ác); (3) bần-giả ( = cam chịu thiếu-thốn).

- Cồ-đàm = họ của Đức Phật Thích-ca, tiếng Pali là Gotama.

- Bồ-đoàn = nệm để ngồi Thiền.

- Mang bầu: nghĩa bóng là có con trong bụng chưa sanh.

-Thiên-nam: Thiên = Trời; Nam = đàn-ông.

- Địa-ngục: Địa = đất; Ngục = nhà giam tù. Theo sự tin-tưởng trong Phật học, kẻ làm tội-ác dữ đời nầy sẽ phải chịu hình-phạt khổ-sở trong địa-ngục, khi chết về cõi âm.

- Tấn bi-hài-kịch: Tấn kịch = vở tuồng; Bi = buồn; hài = vui-cười. Tấn bi-hài kịch là màn đóng kịch vừa buồn, vừa tức cười.

- Ác-báo: Ác = dữ-ác; Báo = quả-báo, báo trả; Ác-báo là việc dữ xảy ra, do vì một tội ác trước đã qua làm nguyên-nhơn, nên nay sanh ra hậu-quả xấu là ác-báo.

- Chơn-lý = Sự-Thật.

- Vi-phạm = làm sai, phạm vào điều cấm.

- Vọng-ngữ: Vọng = giả-dối; Ngữ = lời nói. Vọng-ngữ là nói dối.

- Rêu-rao = nói lớn lên nhiều lần cốt để mọi người nghe mình.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc bà Chỉnh-ca-mã vu-oan tội dâm cho Đức Phật. Chuyện bà độn bụng, bị lộ, thật buồn cười, nhưng sau đó bà bị đất nứt, sa vào địa-ngục.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là ngoài việc kẻ nào đặt điều nói láo để hại người khác, thì sẽ bị sa vào địa-ngục; lại còn có sự ngu-ác chẳng chịu tin-tưởng theo giáo-lý là có kiếp sau của Luân-hồi, cứ tưởng-lầm, hễ chết đi là hết (đó gọi là đoạn-kiến, vốn là một tà-kiến.)

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 176:

Bài Kệ dạy rằng, kẻ nào rêu-rao chê-bai chẳng có đời sau hay kiếp sau là vi-phạm vào Chơn-lý, vào Sự-Thật của việc tái-sanh trong vòng Luân-hồi. Đối với kẻ ấy, chẳng có điều ác nào làm cho y sợ-hãi, vì y cho rằng chỉ có một đời thôi, hãy cứ hưởng-thọ điều sung-sướng, hãy cứ dùng mọi cách, tốt xấu chẳng hề gì, miễn là mình được lợi mà thôi, nào có quả-báo Luân-hồi chi ở đời sau mà lo.

Hậu-quả của tà-kiến nầy, cho rằng hễ chết là hết cả, là sẽ sa vào địa-ngục chịu hình-phạt khổ-sở để đền tội.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ: quả-báo, nhơn-quả, trải qua ba đời: các đời trước, đời nầy và các đời sau.

(146).- Tích chuyện công-đức Đại-Bố-thí.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến công-đức Đại-Bố-thí của vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la.

Thuở ấy, vua Ba-tư-nặc có cung-thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến hoàng-cung để làm đại-lễ trai-tăng bố-thí. Các vị quan đại-thần cũng tranh nhau cúng-dường Đức Phật và Tăng-đoàn, để thi-đua với nhà Vua. Theo đề-nghị của Hoàng-hậu Mạt-lợi, vua Ba-tư-nặc cho dựng lên một căn lều vĩ-đại, trang-hoàng rực-rỡ, có năm trăm cái lọng bằng tơ trắng, giương ra, được năm trăm con voi trắng cầm, để che mát cho năm trăm vị tỳ-kheo thọ-thí. Ngay giữa lều, mười chiếc đại-thuyền chở đầy hương-hoa thơm ngát; lại có hai trăm năm mươi nàng công-chúa trẻ đẹp cầm quạt, đứng quạt hầu cho các vị tỳ-kheo. Các quan trong triều chẳng tìm đâu ra đủ số lọng trắng, voi trắng và các nàng công-chúa nào, nên đành chịu thua.

Đến ngày đại-lễ, quan đại-thần Dung-hạ nhìn quang-cảnh tráng-lệ, hết lời khen ngợi nhà Vua và tỏ ra rất vui-mừng thấy Vua thực-hiện được công-đức bố-thí vĩ-đại đó. Ông nghĩ rằng công-đức vô-lượng của việc đại-bố-thí nầy, nhà vua sẽ hồi-hướng cho chúng-sanh mọi miền, và chính ông cũng được dự hưởng.Trái lại, quan đại-thần Khả-la thì nghĩ khác; ông cho rằng chỉ trong một ngày mà nhà Vua đã tiêu-phí đến hàng vạn tiền vàng để tổ-chức bố-thí. Theo ông, đó là một sự phí-phạm lớn, làm hao-tổn công-quỹ, các vị tỳ-kheo nên lãnh phần ăn rồi ra về chùa tụng kinh xong đi ngủ là tốt nhứt. Đức Phật quán-thấy tâm-trạng bủn-xỉn của quan Khả-la, Ngài nghĩ rằng, nếu nay Ngài giảng một bài pháp dài để tán-thán công-đức nhà Vua, thì quan đại-thần Khả-la sẽ bất-mãn, và hậu-quả là đời sau, ông ấy sẽ đoạ vào các đường dữ. Vì thế, Đức Phật chỉ giảng một bài pháp thật vắn-tắt, rồi ra về. Vua Ba-tư-nặc thất-vọng, tưởng rằng trong khi cúng-dường, mình có sơ-sót điều chi, nên ngày hôm sau, vua đến yết-kiến Đức Phật.

Vừa trông thấy vua Ba-tư-nặc đến, Đức Phật liền nói: "Hôm qua, nhà vua đã tổ-chức một cuộc đại-bố-thí vô cùng trọng-thể, thật là công-đức vô-biên. Mọi người đều khen-ngợi, chỉ trừ có quan đại-thần Khả-la chẳng thích việc bố-thí, xem đó như lãng-phí tiền-của. Nếu Như-lai thuyết-giảng dài-dòng, ông ta sẽ bất-mãn và trong tâm sẽ nổi lên sự chê-bai việc bố-thí; điều đó khiến cho đời nầy, ông ta chẳng được sung-sướng, mà đời sau lại càng khổ-sở. Vì lẽ ấy mà hôm qua Như-lai chỉ nói vắn-tắt vài lời mà thôi." Đức Phật lại nói tiếp: "Nầy Đại-vương, kẻ ngu-dại chẳng hề khen-ngợi sự bố-thí rộng-rãi của người khác, y sẽ sanh vào cõi dữ. Còn người hiền-trí biết tán-thán lòng từ-thiện của kẻ khác, biết tuỳ-hỉ công-đức, chia xẻ được lợi-lạc cùng người thí-giả và sẽ sanh lên cõi Trời vào đời sau."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Kẻ bủn-xỉn chẳng được sanh Thiên,
Người ngu-dại chẳng khen bố-thí.
Vui với lòng từ-thiện, bực hiền
Đời sau hưởng hạnh-phước vô-biên.
(Kệ số 177.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đại-Bố-thí: Đại = lớn; Bố = rộng lớn, cùng khắp; Thí = cho. Đại-bố-thí là lễ hiến-tặng thực-phẩm, của-cải thật lớn lao cho nhiều người.

- Vua Ba-tư-nặc xứ Câu-tát-la: Xin nhắc lại, đây là vị vua rất tôn-sùng đạo Phật. Tiếng Pali: vua Pasenadi, nước Kosala.

- Thi-đua = tranh hơn.

- Mạt-lợi: hoàng-hậu rất sùng đạo Phật nầy, tiếng Pali là Mallikà.

- Lọng = cây dù lớn và cao, bên trên mặt bằng, giương ra che mát, trông rất trang-nghiêm, để đón-tiếp các bực quí-trọng.

- Dung-hạ: tên vị quan-lớn nầy, tiếng Pali là Junha.

- Công-đức vô-lượng = hành-động thiện rất rộng lớn. (Công-đức = hành-động thiện-lành, đem lại phước-báu cho người làm; Vô-lượng = chẳng thể tính-toán hết nổi, vì quá rộng lớn.)

- Hồi-hướng: Hồi = quay trở về; Hướng = hướng về, chiếu về; Hồi-hướng là tâm nghĩ đến việc chia xẽ lợi-lạc của công-đức đến kẻ khác.

- Công-quỹ: kho tiền của nhà-nước.

- Bủn-xỉn = keo-kiệt, kẹo, rít-róng, chẳng chịu tốn tiền của mình.

- Khả-la = tên vị đại-thần nầy, tiếng Pali là Kàla.

- Bất-mãn: Bất = chẳng; Mãn = thoả-mãn, vừa lòng. Bất-mãn là chẳng vừa ý, chẳng vui lòng.

- Đường dữ: dịch tiếng Hán-Việt là ác-đạo. Theo Phật-học, chúng-sanh sẽ sanh lại vào một trong sáu đường, ba đường ác ( =ác-đạo) và ba đường lành ( =thiện-đạo). Xin nhắc lại: Ba ác-đạo: (1) điạ-ngục, (2)ngạ-quỉ ( = quỉ đói); (3) súc-sanh ( =thú-vật). Ba thiện-đạo là: (4) cõi người;(5)cõi A-tu-la (Asura, thần-linh);(6) cõi Trời( = sanh Thiên)

- Tán-thán = khen ngợi.

- Từ-thiện: Từ = thương và giúp người; Thiện = lành; Từ-thiện, ở đây, trỏ vào lòng thương người và siêng-năng làm việc bố-thí.

- Tuỳ-hỉ công-đức: Tùy = theo; hỉ = vui. Tuỳ-hỉ công-đức là khi thấy người khác làm việc thiện, mình tỏ lòng vui-mừng cùng với người ấy, mà chẳng hề ganh-ghét. Đây cũng là một công-đức lành cho người biết tuỳ-hỉ, được chia-xẻ phước-báu với kẻ làm việc thiện.

- Vô-biên = chẳng có bờ bến nào, vì quá lớn (Biên = bờ ranh).

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại công-cuộc đại-bố-thí của Vua Ba-tư-nặc, một vị đại-thần biết ngợi-khen công-đức và biết tuỳ-hỉ công-đức ấy. Trái lại quan Khả-la lại chê-bai việc bố-thí, Đức Phật bảo ông ta chẳng được sung-sướng trong đời nầy, và đời sau, sẽ tái-sanh vào đường dữ.

Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là việc Tuỳ-hỉ công-đức. Đây là một trong mười hạnh của Bồ-tát Phổ-Hiền, vui mừng khi thấy có người làm việc thiện. Khi tuỳ-hỉ, ta diệt được lòng ganh-ghét kẻ khác khi thấy họ làm được việc khó làm, có ích lợi cho chúng-sanh. Khi tuỳ-hỉ, ta chia-xẻ được phước-báu với người đang làm việc thiện: người ấy vui vì làm được việc thiện, ta cũng vui vì thấy người khác thành-công.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 177:

Ý-nghĩa bài Kệ cũng giống với ý-nghĩa Tuỳ-hỉ của Tích chuyện.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, đọc lên để nhắc-nhở những kẻ bủn-xỉn, đã chẳng bố-thí, lại chẳng biết tuỳ-hỉ công-đức bố-thí của kẻ khác.

(147).- Tích chuyện con trai ông Cấp-cô-độc.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ngưòi con trai của ông Cấp-cô-độc, tên là Khả-la.

Ông Cấp-cô-độc là một người đệ-tử tu tại-gia rất thuần-thành của Đức Phật. Ông rất chăm làm việc bố-thí, cứu-giúp kẻ nghèo-khó, cô-đơn, nên được người đời tặng cho danh-hiệu là Cấp-cô-độc. Chính ông đã đem vàng ra trải lên mặt đất để mua khu vườn của Thái-tử Kỳ-đà, cất chùa Kỳ-viên, dưng-cúng Đức Phật và Tăng-đoàn. Nhưng ông có người con trai, tên là Khả-la, lại chẳng chịu nghe Chánh-pháp, mỗi khi Đức Phật đến nhà thuyết-pháp, thì cậu ta lại bỏ đi chơi. Ông Cấp-cô-độc nghĩ ra một cách để cho con mình biết trọng Chánh-pháp. Biết chàng thiếu-niên nầy muốn có tiền riêng để tiêu-phí, ông Cấp-cô-độc liền bảo rằng: "Nầy Khả-la, nếu con chịu vào chùa thọ Bát-quan-trai trong một ngày, cha sẽ cho con mười đồng tiền vàng." Khả-la bằng lòng, vào chùa, trong hai mươi bốn tiếng, phần lớn là ngồi ngủ gục, chẳng nghe Đức Phật giảng-pháp. Hôm sau về nhà, trước khi ăn cháo buổi sáng Khả-la đã ngửa tay ra đòi tiền ... công đi tu!

Cách đó mấy ngày, ông Cấp-cô-độc bảo con: "Nầy con, cha muốn nghe một bài Kệ của Đức Phật, con hãy vào chùa ngồi nghe giảng-pháp và học thuộc lòng một bài Kệ về đọc lại cho cha nghe, cha sẽ thưởng con hai mươi đồng tiền vàng." Khả-la thích tiền nhiều hơn kỳ trước, đi ngay vào chùa, thưa với Đức Phật xin nghe giảng pháp và học một bài Kệ. Đức Phật giảng một bài pháp ngắn và đọc lên bốn cây Kệ. Nghe xong, Khả-la đọc nhẩm lại trong đầu, nhưng chẳng nhớ hết. Được Phật nhắc lại, Khả-la ráng học thuộc, đọc đi đọc lại nhiều lần cho nhuần, rồi chạy thẳng về nhà, đọc lên vanh-vách, và đòi ... tiền công.

Trong vòng nửa tháng, Khả-la lãnh được nhiều tiền mà trong tâm cũng thuộc được nhiều bài Kệ. Nhờ đọc đi đọc lại nhiều lần cho thật thuộc để nhắc lại cho cha nghe, nên tâm-trí Khả-la bắt đầu hiểu được nghĩa sâu-xa của các bài Kệ, tồi từ đó mà lần lần mến-thích Đạo-pháp. Chẳng bao lâu, Khả-la chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

Hôm ấy, Khả-la thọ Bát ở chùa xong, liền tháp-tùng cùng chư Tăng, theo Đức Phật, trở về nhà, vì ông Cấp-cô-độc đang sửa-soạn thực-phẩm để cúng-dường. Khả-la vào nhà, liền ra ngồi nghiêm-chỉnh lắng nghe bài thuyết-pháp của Đức Phật, lòng nghĩ thầm: "Cầu mong cha ta đừng đem tiền ra thưởng ta trước mặt Đức Phật, ta chẳng muốn Ngài biết rằng ta đi thọ Bát chỉ để lãnh tiền công tu." Nhưng sau thời pháp, ông Cấp-cô-độc mang tiền ra cho con, ngạc-nhiên thấy Khả-la từ-chối chẳng nhận. Ông liền bạch Phật: "Sao bây giờ, thằng Khả-la của con, tánh-tình lại đổi khác như thế? Mấy tháng nay, hễ nó vào chùa học thuộc được bài Kệ nào, đọc lại cho con nghe, thì được thưởng tiền, nay số tiền nầy lên đến cả ngàn, sao nó lại chê?" Đức Phật vui-vẻ bảo; ‘Khả-la nay đã chứng được quả-vị Tu-đà-huờn, lòng đã dứt được sự tham-luyến tiền-của. Đắc được quả-vị Tu-đà-huờn còn quí hơn là ngai vàng của vị bá-chủ hoàn-cầu, của chư Thiên và của các Phạm-thiên."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hơn quyền bá-chủ hoàn-cầu,
Hơn ngôi Thiên-chủ trên bầu Trời xanh;
Chủ-tể càn-khôn tranh chưa nổi,
Chính là quả-vị Tu-đà-huờn.
(Kệ số 178.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

-Cấp-cô-độc: tên vị cư-sĩ nổi-danh nầy, tiếng Pali: Anàthapindika

- Thuần-thành = rất mộ-đạo và chăm chỉ tu-hành.

- Cô-đơn, Cô-độc = ở một mình chẳng có cha-mẹ, bà-con giúp.

- Thọ Bát-quan-trai: Xin nhắc lại: thọ Bát là vào chùa tu trong 24 giờ, tuân theo 8 điều giới-cấm.

- Tu-đà-huờn: tiếng Pali là Sotapatti, dịch là Nhập-Lưu, nghĩa là được bước vào dòng nước Thánh ( = đã tu đúng đường rồi), còn gọi là Thất-Lai, nghĩa là chỉ còn phải tái-sanh bảy lần nữa, mới chứng quả Thánh, khỏi phải sanh-tử trong cảnh Luân-jồi khổ-đau và lẩn-quẩn.

- Tham-luyến = tham-lam và luyến-tiếc, chẳng dứt bỏ đi được.

- Ngai vàng = cái ghế bằng vàng dành cho Vua ngồi.

- Bá-chủ hoàn-cầu: vị chúa-tể cai trị cả hoàn-cầu ( = trái đất.)

- Thiên-chủ = vua Trời.

- Càn-khôn = vũ-trụ, hoàn-cầu, thế-giới.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc dạy con theo Đạo-pháp, rất khôn-khéo của ông Cấp-cô-độc: dùng sự tưởng-thưởng để từ từ khuyến-khích con đi theo con dường đạo-đức.

Ta có thể ứng-dụng cách dạy con nầy vào việc sửa đổi lần lần tánh-nết của con:

- tập cho con tánh có trật-tự và sạch-sẽ: mỗi khi chúng chơi xong, nhắc chúng dọn-dẹp đồ chơi lại cho có thứ-tự, rồi thưởng cho một món đồ chơi mà nó thích.

- Mừng ngày Sinh-nhựt của mẹ, bảo trẻ đọc một bài Kệ ngắn, gọi là đền ơn mẹ, v.v.

(2) Ý-nghĩa của Bài Kệ số 178:

Bài Kệ nêu lên sự quí-báu của quả-vị Tu-đà-huờn là quả-vị đầu-tiên trong hàng Thanh-văn. Tại sao lại quí-báu:

- quí hơn ngôi bá-chủ hoàn-cầu, vì, vị bá-chủ đó khi hưởng hết phước làm bá-chủ sẽ phải tái-sanh lại, có thể sa vào các đường dữ, nếu trong khi còn sống chẳng làm lành. Còn vị đã chứng quả Tu-đà-huờn khi tái-sanh lại bảy lần, đều sanh vào ba đường lành.

- quí hơn các bực Trời, các vị chủ-tể càn-khôn, vì, các bực Trời, các bực chủ-tể, khi hưởng hết phước, tái-sanh lại có thể được làm người hay phải sa vào đường dữ.

Điểm quí-báu nhứt của quả-vị Tu-đà-huờn là đã đi đúng con đường Thánh-đạo, tiếp-tục đi tới chẳng thoái chuyển, sau bảy đời sẽ chứng quả vô-sanh của bực Thánh, an-nhàn trong cõi Niết-bàn.

HỌC TẬP:

1.- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ: sự quí-báu của quả-vị Tu-đà-huờn.

2.- Khuyến khích sắp nhỏ theo bà ngoại đi chùa, về nhà sẽ khen.

-ooOoo-

Âm lịch

Ảnh đẹp