KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA )


Thiện Nhựt lược-dịch và tìm hiểu
08/09/2010 01:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 33802
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

XXV.- Phẩm TỲ-KHEO.

(252).- Tích chuyện năm vị tỳ-kheo cãi về năm căn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc cãi nhau của năm vị tỳ-kheo về sự điều-phục năm căn.

Thuở ấy, có năm vị tỳ-kheo ở nước Xá-vệ, mỗi người tu-tập cách chế-phục một trong năm căn; người lo điều-phục mắt, người tiết-chế tai, kẻ tự-chế về mũi, kẻ lo kềm-giữ lưỡi, người khắc-phục thân. Người nào cũng nói việc chế-phục một giác-quan riêng-biệt của mình là khó nhứt, chẳng ai đồng-ý với ai. Họ liền đến thỉnh-ý của Đức Phật. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, điều-phục căn nào cũng khó như nhau; nhưng người tu-hành phải đồng thời kềm-giữ cả năm căn, có khắc-phục được cả năm thì mới thoát khỏi vòng tử-sanh Luân-hồi lận-đận."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Mắt đây, chế-phục, lành thay!
Lành thay biết chế-ngự hai tai nầy!
Khéo điều-phục mũi, lành thay!
Lành thay, nhiếp-phục lưỡi nầy cho yên!
(Kệ số 360.)

Lành thay, chế-phục thân-hành!
Tiết-chế khẩu-nghiệp đã rành, lành thay!
Lành thay, ý-nghiệp tịnh ngay!
Chế-phục tất cả đủ-đầy, lành thay!
Mọi điều tự-chế khéo, hay,
Tỳ-kheo giải-thoát được ngay khổ-sầu.
(Kệ số 361.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tỳ-kheo: tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Bhikkhu, thường đọc là tỳ-khưu, hoặc bí-sô, dịch nghĩa là Khất-sĩ (Khất = đi ăn xin; sĩ = người). Theo giới-luật, Tỳ-kheo chẳng được có nghề riêng sanh-sống, phải đi xin ăn, để dẹp lòng tự-ái xuống, lại có dịp gần dân, dạy đạo cho họ.

- Năm căn = năm giác-quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và da trên thân.

- Điều-phục, Khắc-phục, chế-phục, nhiếp-phục, tiết-chế, chế-ngự, tự-chế = những chữ nầy có nghĩa là kềm-giữ, giữ-gìn chẳng cho chạy buông-lung theo cảnh-vật bên ngoài, nhờ đó tâm bên trong mới an-định.

- Thỉnh-ý: Thỉnh = mời; Thỉnh-ý là nhờ người trên cho ý-kiến.

- Thân-hành: Thân = thân-thể; Hành = hành-động.

- Khẩu-nghiệp, Ý-nghiệp = Khẩu = miệng; Ý = ý-tưởng; Nghiệp = hành-động. Nghiệp có ba thứ: thân-nghiệp, khẩu-nghiệp ý-nghiệp. Nghiệp là hành-động, lời nói, tư-tưởng hoặc đã qua, hoặc đang làm, gây ra hậu-quả khiến ta phải mang lấy vận-mạng tốt xấu ở cõi đời. Chính nghiệp dẫn-dắt ta phải tái-sanh và trôi lăn mãi trong Luân-hồi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ, năm vị tỳ-kheo cãi nhau về cách điều-phục các giác-quan. Đức Phật dạy, khi điều-phục các căn, căn nào cũng khó giữ, nhưng phải đồng thời điều-phục đủ cả năm mới thoát khỏi được khổ trong vòng sanh-tử lẩn-quẩn của cõi Luân-hồi lận-đận.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 360 và 361:

Nhờ các giác-quan mà ta giao-tiếp được với cảnh-vật bên ngoài. Nhưng nếu để cảnh-vật lôi-cuốn, tâm chẳng an-định; muốn định tâm, trước phải biết kềm-giữ các căn, cũng như nhà ( =thân-tâm) có sáu cửa, phải canh đủ sáu cửa, mới giữ được trộm giặc len vào. Đó là ý-nghĩa sâu-xa của bài Kệ số 360.

Bài Kệ số 361 có sáu câu, chia ra hai phần: ba câu đầu nói về ba nghiệp: thân, miệng, ý; ba câu sau khen vị tỳ-kheo đã khéo tự-chế đầy-đủ ba nghiệp, được giải-thoát cái khổ của Luân-hồi (hết tái-sanh).

HỌC TẬP:

1.- Chế-phục mắt: đừng tưởng lầm là phải nhắm mắt lại, trái lại phải biết chỉ nhìn vào chỗ đáng nhìn, và khi thấy vật, chỉ biết đang có vật mà chẳng sanh lòng quá thích đeo theo, hay quá ghét muốn bỏ.

2.- Điều-phục các căn là để giữ tâm an-định khi tiếp-xúc bên ngoài, khác hẳn với thái-độ tự-đóng-kín như kẻ vừa mù, câm và điếc.

(253).- Tích chuyện vị tỳ-kheo giết con thiên-nga.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo khoe tài quăng đá, đã giết chết một con thiên-nga.

Thuở ấy, có một vị tỳ-kheo có tài ném đá, trăm phát trúng cả trăm. Một hôm, cùng với bạn đồng-tu đang tắm gội bên bờ sông A-xi-ra, bỗng trông thấy hai con ngỗng trời nhởn-nhơ bơi lội bên dòng nước. Vị tỳ-kheo ấy khoe tài với bạn, bảo có thể ném trúng một con. Hai con ngỗng nghe tiếng người nói, quay lại nhìn và cất cánh bay lên. Vị tỳ-kheo lấy hòn đá cuội, ném mạnh, trúng vào con mắt bên trái, viên đá xuyên qua đầu con ngỗng và lọt ra khỏi mắt bên mặt. Con vật kêu đau thương, rơi xuống chết.

Các vị tỳ-kheo khác về thưa trình cùng Đức Phật. Đức Phật cho gọi vị tỳ-kheo ném đá đến quở-trách và chỉ dạy rằng: "Nầy tỳ-kheo, tại sao lại giết chết con vật vô-tội? Một người đã gia-nhập Tăng-đoàn phải luôn luôn tỏ lòng Từ-bi đến muôn loài chúng-sanh, phải biết làm chủ chơn tay mình, và cả cái lưỡi hay khoe-khoang kia!"

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Người chế-phục tay chơn, lời nói,
Tận đỉnh đầu trên cao vòi-vọi,
Lòng thoả-thích trong cơn thiền-định,
Biết đủ, sống độc-cư, trầm-tĩnh,
Người ấy xứng danh là tỳ-kheo.
(Kệ số 362.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thiên-nga = ngỗng trời, lông trắng như tuyết.

- A-xi-ra: tên sông nầy, tiếng Pali là Aciravatì.

- Tăng-đoàn: Tăng = chữ Pali là Sangha; cứ bốn người trở lên tu chung với nhau thành một Tăng-đoàn.

- Từ-Bi: Từ = ban vui; Bi = cứu khổ. Lòng Từ-bi thương cả mọi loài.

- Chế-phục: kềm-giữ và làm chủ được.

- Thiền-định: tu thiền, giữ tâm an-tịnh, chẳng xao-lãng.

- Biết đủ: chữ Hán-Việt là tri-túc, biết vừa đủ, chẳng ham đòi quá

- Sống độc-cư: Độc = ở một mình; Cư = ở. Người sống độc-cư tránh nơi ồn-ào, biết sống một mình, tĩnh-tu nên tâm sớm an-định.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một vị tỳ-kheo muốn khoe tài ném đá, trong khi đang tắm với bạn, thấy hai con ngỗng, ném chết một con. Đức Phật nghe được việc ấy, quở-trách và dạy, tỳ-kheo phải làm chủ chơn tay mình, chớ khoe-khoang.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: vì khoe tài mà phạm tội sát-sanh, chẳng xứng-đáng là người tu-hành có lòng từ-bi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 362:

Bài Kệ số 362 dạy người tu-hành phải luôn luôn giữ gìn thân-tâm cho đứng-đắn trong bốn tư-thế, gọi là tứ oai-nghi: nằm, ngồi, đi đứng. Nằm ngay-ngắn chẳng ưỡn-ẹo, ngồi thẳng-thớm chẳng kề dựa, đi chửng-chạc chẳng hấp-tấp, đứng nghiêm-chỉnh chẳng ngả-ngớn. Muốn xứng danh là một vị tỳ-kheo, còn cần phải có đủ các đức -tánh: biết vừa đủ, sống độc-cư và tâm trầm-tĩnh luôn tỉnh-giác.

Xin phân-tách từng câu bài Kệ:

1) "Người chế-phục tay chơn, lời nói, Tận đỉnh đầu trên cao vòi-vọi": sự kềm-thúc ba nghiệp: thân, miệng, ý được thi-hành thật kỹ-lưỡng: tay chơn chẳng buông lung, lời nói phải hoà-nhã, ý-tưởng trong đầu phải thanh-tịnh, cao-cả.

2) "Lòng thoả-thích trong cơn thiền-định": nơi mọi tư-thế của thân-thể, bên trong hằng tỉnh-giác, theo dõi mọi cử-động, mọi lời nói, mọi ý-nghĩ, nên tâm mới thoả-thích an-trú trong chánh-niệm.

3) "Biết đủ, sống độc-cư, trầm-tĩnh": ba đức-tánh quan-trọng của người tu-hành: biết vừa đủ là dẹp được lòng ham muốn, sống độc-cư tránh chỗ ồn-ào, hằng "làm bạn" với tâm của mình, là giữ tâm thanh-tịnh; trầm-tĩnh, chẳng vọng-động, là luôn được an-nhiên, tự-tại. Ba đức-tánh đó đưa ta sớm đến ngưỡng cửa của Niết-Bàn, yên-vui và giải-thoát.

(254).- Tích chuyện tỳ-kheo Cơ-khả-ly.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị tỳ-kheo Cơ-khả-ly.

Thuở ấy, có vị tỳ-kheo tên Cơ-khả-ly, vì bất-mãn nói nhiều lời hỗn-láo với hai Tôn-giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì hành-vi bất-thiện nầy, tỳ-kheo Cơ-khả-ly bị đất nứt hút sa xuống điạ-ngục. Khi nghe kể lại thân-phận của Cơ-khả-ly, các vị tỳ-kheo nhận xét rằng, vì chẳng biết kềm-giữ lưỡi của mình mà Cơ-khả-ly phải sa điạ-ngục. Đức Phật dạy: "Nầy chư tỳ-kheo, tỳ-kheo phải kềm-chế cái lưỡi của mình, hạnh-kiểm phải đoan-nghiêm, tâm-tư phải bình-thản, an-định, chẳng để tâm buông-lung, chạy lang-thang đây đó."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Tỳ-kheo đã chế-phục miệng lưỡi,
Khiêm-nhường, khéo nói, chẳng thừa lời,
Giải-thích rõ nghĩa Pháp sáng ngời,
Ngọt-ngào thay, lời nói Tỳ-kheo!
(Kệ số 363.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Cơ-khả-ly: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Kolàlika.

- Bất-mãn: chẳng vừa lòng, tức-giận.

- Tôn-giả: Tôn = tôn-kính; Giả = người. Tôn-giả là bực đáng kính

- Xá-lợi-phất: tên của Tôn-giả, tiếng Pali là Sariputta.

- Mục-kiền-liên: tên của Tôn-giả, tiếng Pali là Moggallàna.

- Điạ-ngục: Điạ =đất, Ngục = nhà giam tù. Theo sự tin-tưởng trong Phật-học, kẻ làm ác khi sống, chết đi phải chịu hình-phạt khổ-sở và lâu-dài nơi cõi âm u-tối.

- Đoan-nghiêm = đoan-trang và nghiêm-nghị, đàng-hoàng.

- Chế-phục: kềm-giữ, lấy quyền làm chủ lại, sửa cho đúng.

- Khiêm-nhường: biết nhún-nhường, khiêm-tốn, chẳng phách-lối.

- Chẳng thừa lời: lời nói vừa đủ, chẳng dư thừa, chẳng dài-dòng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại việc vì bất-mãn, một vị tỳ-kheo có lời hỗn-láo với hai vị đại-đệ-tử của Đức Phật, mà bị sa điạ-ngục. Nhơn đó, Đức Phật dạy các tỳ-kheo phải giữ-gìn lời nói, tâm phải hằng tỉnh-giác.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: nói lời thô-ác là vi-phạm vào giới-luật thứ tư của người tu tại-gia.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 363:

Bài Kệ dạy ta phải giữ-gìn miệng-lưỡi, chớ nói lời thô-ác. Muốn giữ gìn lời nói, trước phải giữ tâm cho thanh-tịnh, chẳng để tâm buông-lung, chạy đi lang-thang, thiếu kềm-chế mới lỡ lời nói quấy.

1) "Tỳ-kheo đã chế-phục miệng-lưỡi, Khiêm-nhường, khéo nói, chẳng thừa lời": khi biết giữ gìn miệng-lưỡi, trước khi nói suy-nghĩ chín-chắn thì lời nói sẽ dịu-dàng, khéo-léo; chẳng nói dông-dài chán tai người nghe, lại biết nhún-nhường chẳng tự khoe mình.

2) "Giải-thích rõ nghĩa Pháp sáng ngời": lời nói chín-chắn dùng giải nghĩa Chánh-pháp, sẽ rõ-ràng, thông-suốt, giúp cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thì-hành theo.

3) "Ngọt-ngào thay, lời nói Tỳ-kheo!": lời nói được ngọt-ngào nhờ đượm đầy pháp-vị ( = đầy ý-nghĩa tu-hành) nhẹ-nhàng chỉ dạy rõ-ràng đường-lối tu-hành giải-thoát cho người nghe.

HỌC TẬP:

1.- Trong Kinh Thập-Thiện, dạy mười điều lành, có bốn điều răn về lời nói: (1) chẳng nói dối, nói đúng theo Sự-thật, có sao nói vậy; (2) chẳng nói thêu-dệt, chẳng thêm-thắt, chẳng đặt điều "thêm mắm thêm muối"; (3) chẳng nói đâm-thọc, gặp người nầy nói vầy, gặp người kia nói khác, để gây bất-hoà; (4) chẳng nói lời thô-ác, lời vô-nghĩa: lời thô-ác khiến người tức-giận; nói lời vô-nghĩa là khi ngồi lê đôi mách, kháo nhau chuyện hàng xóm cho vui.

2.- "Nói là bạc, nín là vàng": lời khuyên quí: biết kềm cái lưỡi lại, giữ im-lặng để lắng nghe."Quay lưỡi bảy lần trước khi nói" vẫn còn thua "thủ khẩu như bình" ( = miệng giữ im như miệng ... cái bình! )

(255).- Tích chuyện Trưởng lão Pháp-hỉ.

Tích chuyện nầy giống với các Tích chuyện trong Tập 3, số (136) trang 431,

về Trưởng-lão Ất-tha-đạt và số (163), trang 503, về Trưởng-lão Thi-sa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Pháp-Hỉ.

Thuở ấy, khi nghe Đức Phật Thích-ca tuyên-bố, bốn tháng nữa Ngài sẽ nhập Đại-Bát-Niết-Bàn, các vị tỳ-kheo còn chưa chứng-đắc được Đạo Quả, rất lo-lắng, hằng ngày cứ quanh-quẩn gần bên Đức Phật. Riêng Trưởng-lão Pháp-Hỉ, lui về am vắng, nỗ-lực hành Thiền. Các vị tỳ-kheo khác cho rằng Trưởng-lão Pháp-Hỉ chẳng có lòng thương-mến Phật, mời trình lên Đức Phật. Khi nghe Trưởng-lão thưa-bày sự cố-gắng của mình để chứng được quả-vị A-la-hán, trước khi Đức Phật nhập-diệt, Đức Phật khen-ngợi thái-độ đó và khuyên các tỳ-kheo khác noi gương Trưởng-lão Pháp-Hỉ, hơn là lẩn-quẩn bên Phật.

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó Trưởng-lão chứng-đắc được ngay quả-vị A-la-hán:

Tỳ-kheo nào trú trong Chánh-pháp.
Thoả-thích suy-tư theo Chánh-pháp,
Tâm-niệm hằng tưởng nhớ Chánh-pháp,
Ắt chẳng sa-đọa lìa Chánh-pháp.
(Kệ số 364.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Trưởng-lão Pháp-Hỉ: tên vị Trưởng-lão, tiếng Pali là Dhammaràma.

- Nhập Đại-Bát-Niết-Bàn: vào cảnh-giới tịch-diệt. Đại-Bát-Niết-Bàn, tiếng Pali là Parinibbàna. Chữ Nhập-diệt có nghĩa là chết.

- Đạo, Quả: Đạo = đường-lối tu-hành, Pali là Magga; Quả = kết-quả việc tu-hành thành-công, Pali là Phala.

- Am = cốc, căn nhà nhỏ, vắng-vẻ, để tu-hành hay thờ-phượng.

- A-la-hán: quả-vị thứ tư, cao nhứt, tiếng Pali là Arahant. Bực A-la-hán diệt xong các phiền-não, chứng được vô-sanh ( =chẳng còn bị tái-sanh trong cõi Luân-hồi nữa), vào cảnh-giới Niết-bàn.

- Trú trong Chánh-pháp: tâm an-trú trong Chánh-pháp, chẳng lúc nào quên Chánh-pháp.

- Sa-đoạ: bị rớt xuống chỗ thấp-kém.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Ý-nghĩa Tích chuyện: cách tốt nhứt để tỏ lòng thương-mến người sắp mất là thực-hiện được lời người ấy dạy, trước khi người ấy lià đời.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 364:

Ý-nghĩa bài Kệ rất rõ-ràng: tỳ-kheo nào thoả-thích an-trú trong Chánh-pháp, chắc-chắn khỏi bị sa-đoạ.

(256).- Tích chuyện vị tỳ-kheo muốn ngả theo nhóm Đề-bà-đạt-đa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo muốn ngả theo nhóm Đề-bà-đạt-đa.

Thuở ấy, Đề-bà-đạt-đà vốn là em họ của Đức Phật, tu-hành đắc được thần-thông, lòng sanh kiêu-mạn, viện cớ Đức Phật đã già-cả, yêu-cầu Đức Phật nhường cho y cầm đầu Tăng-đoàn. Bị từ-chối, Đề-bà-đạt-đa thành-lập một Giáo-hội mới và cũng được một số tỳ-kheo theo y. Bấy giờ, có một vị tỳ-kheo tu-tập ở chùa Kỳ-viên, đi theo một người bạn đến chơi ở tu-viện của Đề-bà-đạt-đa và lưu lại đấy ba bốn ngày, lòng rất thích-thú vì được ăn ngon, ngủ kỹ, hưởng đầy-đủ mọi tiện-nghi vật-chất. Các bạn đồng-tu thưa trình sự-việc lên Đức Phật. Đức Phật cho gọi vị tỳ-kheo ấy đến, quở-trách và dạy: "Nầy tỳ-kheo, mặc dầu chưa theo hẳn với Đề-bà-đạt-đa, nhưng thái-độ của ông xem ra như là đồ-đệ của y. Một tỳ-kheo đứng-đắn chẳng hề ham lợi-dưỡng, phải biết đủ với những gì mình đi khất-thực được và chẳng hề ganh-tị với những người được cúng-dường nhiều. Tham-lam và ganh-tị trong lòng khiến ta chẳng đắc được định-tâm khi hành Thiền, thì biết đến bao giờ chứng được đạo-quả Niết-Bàn."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Chẳng khinh-rẻ những gì mình lãnh-thọ,
Chẳng hờn-ganh kẻ khác được người cho.
Tỳ-kheo còn ganh hiền ghét ngỏ,
Hành thiền, chẳng đắc định bao giờ.
(Kệ số 365.)

Tuy nhận ít mà chẳng hề chê,
Sống thanh-tịnh đúng bề Chánh-mạng,
Chẳng lười-nhác nên được lời xưng-tán
Của Chư Thiên gởi đến vị Tỳ-kheo.
(Kệ số 366.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đề-bà-đạt-đa: anh của Tôn-giả A-nan, em họ của Phật Thich-ca, tên tiếng Pali là Devadatta. Tánh hay kiêu-mạn, Đề-bà-đạt-đa chống-đối với Đức Phật Thích-ca, lập một Giáo-hội khác, phá sự hoà-hợp giữa chư Tăng.

- Thần-thông = khả-năng đặc-biệt có được nhờ tu định-lực cao, như bay bỗng trên không, đi được trên mặt nước, v.v.

- Kiêu-mạn = kiêu-căng, ngã-mạn, tự coi mình hơn mọi người.

- Lợi-dưỡng = các mối lợi để nuôi-dưỡng; ý nói các phẩm-vật được hiến-tặng để nuôi mạng sống.

- Đạo-quả Niết-Bàn = đường-lối tu-hành đưa đến cảnh-giới tịch-diệt hằng an-vui.

- Lãnh-thọ = nhận lãnh của hiến-tặng.

- Hờn-ganh = ganh-tị, cà-nanh, đòi bằng hay hơn kẻ khác.

- Ganh hiền ghét ngỏ = ganh-ghét những người hơn mình.

- Hành-thiền = tu Thiền.

- Đắc định = khi tu Thiền, tâm trở nên vắng-lặng, an-tịnh.

- Chánh-mạng: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Mạng = mạng sống. Chánh-mạng là lối mưu-sanh đứng-đắn bằng nghề-nghiệp chơn-chánh. Chánh-mạng là một ngành trong Bát-Chánh-đạo.

- Xưng-tán = khen ngợi.

- Chư Thiên = các bực trên cõi Trời.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một tỳ-kheo ở chùa Kỳ-viên đến tu-viện riêng của Đề-bà-đạt-đa, thấy thoả-thích trong việc thọ-hưởng các tiện-nghi vật-chất và các phẩm-vật được cúng-dường ở đấy. Vì Đề-bà-đạt-đa chống-đối Đức Phật, gây chia-rẽ trong Tăng-đoàn, nên các vị đồng-tu mới trình sự-việc lên Đức Phật. Đức Phật quở trách vị tỳ-kheo kia và dạy, chẳng nên ganh- tị với người được cúng-dường, chớ tham lợi-dưỡng, thì hành Thiền mới đắc được định-tâm, mau chứng được đạo-quả Niết-Bàn.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: đừng theo con đường ham-mê lợi-dưỡng mà sanh tâm ganh-tị với các bực được cúng-dường.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 365 và 366:

Cả hai bài Kệ nói về thái-độ của tỳ-kheo đối với vấn-đề lợi-dưỡng: chẳng khinh-chê những gì mình được hiến-tặng, chẳng ganh-tị với bạn đồng-tu được cúng-dường.

Phân-tách bài Kệ số 365:

1) "Chẳng khinh-rẻ những gì mình lãnh-thọ": chẳng nên chê-bai các món đi khất-thực được, vì thức-ăn chỉ là một "món thuốc" để trị bịnh đói của mình, chớ chẳng phải để cho khoái-khẩu (ngon miệng)

2) "Chẳng hờn-ganh kẻ khác được người cho": chẳng phân-bì, so-đo với người được tặng nhiều, còn mình thì được cho ít.

3) "Tỳ-kheo còn ganh hiền ghét ngỏ, Hành thiền, chẳng đắc định bao giờ": Tạo sao chẳng đắc định được? Vì trong tâm còn vấn-vương sự so-đo, sự ganh-ghét, chẳng an-tịnh được mà đắc định.

Phân-tách bài Kệ số 366:

1) "Tuy nhận ít mà chẳng hề chê": đây là vị tỳ-kheo tri-túc, biết vừa đủ, chẳng ham-muốn để đòi hỏi thêm.

2) "Sống thanh-tịnh đúng bề Chánh-mạng": Chánh-mạng của tỳ-kheo là theo hạnh khất-sĩ, xin được bao nhiêu, sống với bấy nhiêu.

3) "Chẳng lười nhác nên được lời xưng-tán, Của chư Thiên gởi đến vị tỳ-kheo": siêng-năng hành Thiền chẳng hề lười nhác, nên vị tỳ-kheo được chư Thiên khen ngợi.

(257).- Tích chuyện người bố-thí hoa-quả đầu mùa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến người nông-phu Bà-la-môn thường đem ra bố-thí hết hoa-quả đầu mùa vừa gặt hái được.

Thuở ấy, có một người Bà-la-môn theo nghề làm ruộng, thường đem hết những gì gặt-hái được vào đầu mùa ra bố-thí. "Đầu muà" đối với ông ấy có bốn nghĩa, là: số lúa vừa gặt-hái được, số gạo vừa giã và sàng xong, số cơm vừa nấu chín, và phần ăn trên dĩa sắp đem ra dùng. Một hôm, vợ chồng ông đang ăn sáng, bỗng có Đức Phật và chư Tăng đến khất-thực. Chồng ngồi quay mặt vào trong, còn vợ ngồi ngó ra, trông thấy các tỳ-kheo, mới đứng án mặt chồng, che khuất Đức Phật. Bà ta nghĩ, nếu chồng mình trông thấy Đức Phật, sẽ bưng hết phần ăn ra dưng-cúng, bà ta lại phải vào bếp nấu-nướng nữa cho chồng ăn. Bà bước ra cửa, đến gần bên Đức Phật, nói nho-nhỏ: "Bạch Ngài, hôm nay con chẳng có chi để cúng-dường, xin Ngài đi đến nơi khác." Đức Phật lẵng-lặng, chẳng nói gì, chỉ lắc đầu. Thấy cử-chỉ đó, người đàn-bà bỗng bật lên tiếng cười. Người chồng quay lại, nhìn thấy Đức Phật, vội chạy ra, tạ lỗi rối rít: "Bạch Thế-tôn, xin Thế-tôn tha lỗi cho vợ con và nhận dĩa thực-phẩm nầy, con vừa mới dùng có mấy muỗng." Đức Phật ôn-tồn đáp: "Nầy Bà-la-môn, ta vui lòng nhận mọi thức ăn, dầu đã được ăn dở, hay đã ăn hết phân-nửa, hoặc cả khi chỉ còn lại một muỗng thôi." Nghe Phật nói, người Bà-la-môn rất ngạc-nhiên mà cũng rất sung-sướng được cúng-dường Đức Phật. Ông mới thưa hỏi: "Bạch Thế-tôn, thế nào mới xứng-danh là một vị tỳ-kheo?" Đức Phật dạy: "Nầy Bà-la-môn, thân nầy gọi là sắc, tâm nầy gọi là danh; vị tỳ-kheo xứng-danh chẳng hề mê-luyến danh-sắc."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà vợ-chồng người nông-phu chứng được quả-vị thứ ba là A-na-hàm:

Đối với thân-tâm là danh-sắc,
‘Ta’ và ‘của Ta’ chẳng thắc-mắc,
Chẳng lo-âu những gì chưa đắc,
Đó mới xứng danh là Tỳ-kheo.
(Kệ số 367.)

TÌM HIỂU:

A.- Giải-nghĩa:

- Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ trong xã-hội xưa ở Ấn; tiếng Pali là Brahmana. Có bốn giai-cấp xưa ở Ấn-độ: (1) Bà-la-môn; (2) Sát-đế-lợi (Khattiya), vua, quan; (3) Phệ-xá (Vessa), buôn-bán; 4) Thủ-đà-la (Sudda), nông-phu, công-nhơn.

- Khất-thực: Khất = đi xin; Thực = ăn. Khất-thực giới-luật nhà Phật, buộc tỳ-kheo chẳng được có nghề riêng để sanh-sống, phải đi xin ăn để dẹp lòng tự-ái, và có dịp gặp dân-chúng để dạy giáo-lý .

- Thế-tôn: Thế = thế-gian; Tôn = tôn-kính. Thế-tôn chỉ Đức Phật là bực được cả thế-gian tôn-kính.

- Cúng-dường: đọc trại chữ cung-dưỡng, cung-cấp để nuôi-dưỡng.

- A-na-hàm: quả-vị thứ ba, tiếng Pali là Anàgàmi, dịch là Bất-Lai, chẳng còn phải sanh lại ở cõi người nữa.

- Danh-sắc = thân-tâm; danh là tên, tâm; sắc là vật-chất, thân-thể

- Tỳ-kheo: tiếng Pali là Bhikkhu, âm là bí-sô, dịch là khất-sĩ, tu-sĩ theo đạo Phật, phải tuân hành 250 điều giới-luật.

- Của Ta: chữ Hán-Việt là Ngã-sở (Ngã = ta; Sở = chỗ), tức là những gì thuộc về của Ta, như thân của ta, nhà của ta, con cái của ta.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại vợ-chồng người Bà-la-môn đang ăn sáng, Đức Phật đến khất-thực. Người vợ đứng án che chẳng cho chồng thấy Phật. Nhưng người chồng biết được, đem dưng cả diã thực-phẩm. Đức Phật nhơn đó dạy họ, chớ nên mê-luyến thân-tâm quá đáng, đừng bám-víu quá chặt vào "Ta" "của Ta".

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 367:

Bài Kệ nầy định-nghĩa, thế nào mới xứng-đáng là một vị tỳ-kheo: chẳng mê-luyến danh-sắc ( = thân-tâm); chẳng bám-víu vào "Ta" "của Ta". Đây là nguyên-tắc Vô-ngã, cửa cuối-cùng trong ba cửa giải-thoát (tam giải-thoát-môn) là: vô-thường, khổ và Vô-ngã.

Sao gọi Thân-tâm Danh- Sắc? Thân nầy tạm thời có hình-dạng là do các yếu-tố vật-chất (Sắc) hoà-hợp lại tạo nên, ngày kia sẽ tan rả. Tâm nầy biến chuyển luôn, chỉ có tên (Danh) mà chẳng có

(258).- Tích chuyện mẹ của Trưởng-lão Sơn-na.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến người mẹ của Trưởng-lão Sơn-na.

Thuở ấy, ở thành Cưu-ra-ga, có một vị phu-nhơn rất giàu-sang sanh được một người con trai, tên là Sơn-na, đi tu từ lúc còn nhỏ. Một hôm, tỳ-kheo Sơn-na đi ngang qua làng cũ. Bà mẹ hay tin, mướn người dựng một đài cao và rộng, tổ-chức một buổi lễ bố-thí thật lớn để mừng con và mời dân-chúng tối đến để nghe Trưởng-lão Sơn-na giảng pháp. Tối hôm ấy, vị phu-nhơn cùng với tất cả thân-nhơn trong nhà đến dự, chỉ lưu lại một đứa tớ gái nhỏ trông nom cửa nhà.

Bấy giờ, có một bọn cướp đông người gần trăm tên, thừa cơ nhà vắng, mới đến cướp-bóc. Tên đầu-đảng lại đến đài giảng-pháp, ngồi gần vị phu-nhơn để canh-chừng, với ý-định gây cản-trở, nếu phu-nhơn bất-thần trở về. Đến nửa đêm, đứa tớ gái chạy đến đài, thưa với phu-nhơn, rằng nhà bị trộm-cướp vào. Phu-nhơn đang chăm-chú nghe pháp, quay lại bảo nó: "Cứ mặc kệ chúng, con trở về đi, đừng làm rộn, để bà nghe pháp." Con bé vâng lời ra về; lát sau, nó trở lại thưa: "Bà ơi, bọn trộm đang lấy hết các choé bạc ở nhà ngang rồi!" Vị phu-nhơn quở nó: "Sao con cứ làm rộn bà, ai muốn lấy gì cứ lấy, con để yên cho bà nghe pháp, về đi." Đứa tớ chẳng dám cãi lời, bước đi; độ nửa giờ sau, nó hộc-tốc chạy trở lại: "Bà ơi, bọn cướp phá cửa phòng riêng của bà, khuân hết vòng vàng, ngọc-ngà, châu-báu rồi!" Vị phu-nhơn quắc mắt bảo nó: "Mầy thật chẳng biết nghe lời bà, cứ theo làm bà chẳng chú-ý đến hết bài pháp. Về ngay đi, còn mất gì bà cũng chẳng cần!" Tự đầu hôm, tên chúa đảng đã nghe rõ từng lời của vị phu-nhơn, anh ta rất ngạc-nhiên, bỗng tỉnh-ngộ, ta cướp giựt bất-lương như thế, rồi sẽ bị quả-báo không sai. Biết đâu lại bị sét đánh bể đầu, hay bị đất nứt sa vào địa-ngục. Anh ta liền chạy đi, hét đồng-bọn đem trả lại hết tài-vật, rồi cả lũ đến đài giảng-pháp, qùi xuống lạy xin lỗi vị phu-nhơn. Bài pháp vừa dứt, Trưởng-lão Sơn-na vừa bước xuống đài, cả bọn cướp đến xin cải tà qui chánh.

Hôm sau, Trưởng-lão dẫn cả trăm tên đầu trộm đuôi cướp đang ăn-năn bước theo sau, đến chùa Kỳ-viên, xin xuất-gia tu-hành. Đức Phật tuỳ căn-cơ mỗi người mà nói lên chín bài Kệ sau đây:

Tỳ-kheo, tâm từ-bi an trú,
Tín-thành hành giáo-pháp Phật-đà;
Cảnh tịch-tĩnh Niết-bàn thành-tựu,
Các hành hữu-lậu được an-hoà.
(Kệ số 368.)

Thuyền rỗng-không nầy ví tấm thân,
Tỳ-kheo mau tát cho khô nước,
Hãy dập tắt ngay lửa tham-sân,
Thuyền nhẹ đi nhanh đến Niết-bàn.
(Kệ số 369.)

Cắt đứt NĂM là ngũ độn-sử,
Dứt bỏ NĂM là ngũ lợi-sử,
Trau-dồi NĂM là ngũ-lực,
Vượt khỏi NĂM là ngũ phược,
Đó gọi là bực "Vượt Bộc-lưu" .
(Kệ số 370.)

Tỳ-kheo, hãy hành thiền tinh-tấn,
Chớ thả tâm quanh-quẩn thú vui.
Phóng-dật, nuốt hòn sắt nóng đỏ,
Lửa điạ-ngục thiêu, chớ than khổ!
(Kệ số 371.)

Chẳng có định-tâm nơi người thiếu trí,
Chẳng có trí nơi kẻ thiếu định-tâm.
Vị nào được cả hai: định, huệ,
Vị ấy kề bên bệ Niết-bàn.
(Kệ số 372.)

Tỳ-kheo đến ẩn nơi vắng-vẻ,
Tâm-tư thường lặng-lẽ an-nhiên.
Chứng thông Giáo-pháp hành thiền,
Hưởng nguồn phỉ-lạc siêu-nhiên thoát trần.
(Kệ số 373.)

Mỗi khi quán-tưởng và thấu rõ
Các uẩn khởi-sanh rồi hoại-diệt,
Phỉ và lạc, tỳ-kheo hưởng-thọ,
Chỉ bực Bất-tử mới được biết.
(Kệ số 374.)

Đây là chỗ bắt đầu nỗ-lực,
Tỳ-kheo có trí, biết tri-túc,
Các giác-quan đều được thu-thúc,
Giới-luật căn-bản luôn nghiêm-trì.
(Kệ số 375.)

Bạn hiền gần-gũi khéo kết thân,
Đúng chánh-mạng, cử chỉ đoan-trang,
Do đó, thấm-nhuần trong phỉ-lạc,
Phiền-não sớm dứt, hướng Niết-bàn.
(Kệ số 376.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Sơn-na: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Sona.

- Cưu-ra-ga: tên thành nầy, tiếng Pali là Kuraraghara.

- Tỉnh-ngộ = nhờ suy-nghĩ biết trước mình đã lầm, nay sửa lại.

- Bất-lương: Bất = chẳng; Lương = tốt. Bất-lương là chẳng ngay.

- Quả-báo: Quả = kết-quả, hậu-quả; Báo = báo ứng. Hễ làm điều lành, hưởng được lành, gọi là được quả-báo tốt. Ác-báo thì ngược lại.

- Cải tà qui chánh: Cải = sửa lại; Tà = quấy; Qui = theo về; Chánh = đúng, phải. Cải tà qui chánh là bỏ điều quấy để theo điều lành.

- Xuất-gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà. Xuất-gia là bỏ đời sống có gia-đình trong xã-hội, vào chùa đi tu.

- Căn-cơ: tâm-tánh hay trí-huệ riêng-biệt của mỗi người.

- Từ-bi: Từ = ban vui; Bi = cứu-khổ. Tâm từ-bi rộng thương mọi loài

- Tín-thành: Tín = tin-tưởng; Thành = thật-tình. Tín-thành là lòng tin

- Phật-đà: tiếng Pali là Buddha; Phật giác, là hiểu biết rõ.

- Tịch-tĩnh: Tịch = vắng; Tĩnh = yên-lặng.

- Các hành hữu-lậu: chữ Hành dịch nghĩa chữ Pali sankhàra, nghĩa rất rộng, ở đây, chỉ xin lấy một nghĩa hẹp là các hiện-tượng tâm-linh bên trong tâm; chữ hữu-lậu, hữu là có; lậu là (chất dơ) rỉ chảy ra. Các hành hữu-lậu nếu được hiểu gọn là phần tâm-linh bên trong bị nhiễm-ô thành các phiền-não như tham-sân, si, v.v., bộc lộ ra bằng các hành-động, lời nói, hay ý-tưởng chẳng lành. "Các hành hữu-lậu được an-hoà", là giữ cho thân-tâm được quân-bình, tỉnh-lặng.

- Ngũ độn-sử = năm món kết-sử thấp (kết =buộc; sử = sai khiến): (1) thân-kiến, chấp Thân làm Ta; (2) nghi, chẳng tin Chánh-pháp; (3) giới-cấm-thủ, tin theo các nghi-thức cúng-tế tà-đạo; (4) tham; (5)sân,

- Ngũ lợi-sử = năm món kết-sử cấp cao: (1) sắc-ái-kết, mê-luyến cảnh sắc-giới; (2) vô-sắc ái, mê-luyến cảnh vô-sắc-giới; (3) mạn, kiêu-căng; (4)trạo, giao-động, bối-rối; (5) vô-minh, si-mê, ngu-tối.

- Ngũ lực = năm sức mạnh tinh-thần: (1) tín-lực, niềm tin vững; (2) tinh-tấn-lực, nỗ-lực, cố-gắng; (3) niệm-lực, suy-nghĩ để phá các ác-kiến; (4) định-lực, tâm an-định phá các vọng-tưởng; (5) huệ-lực, trí sáng phá sự ngu-tối.

- Ngũ phược: (Phược = lấy dây mà trói buộc) = năm sự trói-buộc; đó là: tham, sân, si, mạn tà-kiến.

- Vượt Bộc-lưu: Bộc-lưu là thác nước, từ trên cao cứ đổ xuống mãi. Bực Vượt Bộc-lưu là hàng Thánh đã phá mười kết-sử, dẹp năm sự trói-buộc, được năm sức-mạnh, tóm lại, đã giác-ngộ và giải-thoát.

- Phóng-dật = lười-biếng, buông-lung, chẳng cố-gắng.

- Kề bên bệ Niết-bàn: đến nơi ngưỡng cửa( = bệ) của Niết-bàn.

- Phỉ-Lạc: = niềm vui sướng. Phỉ, dịch chữ Pali Piti, niềm vui khi ngồi thiền đắc định. Lạc là các thú-vui, ở đây, chỉ thú vui tinh-thần.

- Siêu-nhiên: Siêu = vượt lên trên; Nhiên = tự-nhiên; Siêu-nhiên là khác với thế-tục, trần-thế; Thoát trần là vượt cảnh thường-tình.

- Quán-tưởng: khi ngồi định tâm, suy-nghĩ sâu-xa về một đề-tài.

- Uẩn: còn gọi là ấm, nghĩa là tập-hợp chung lại và che mờ. Thân-tâm con người có năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

- Bất-tử: Bất = chẳng; Tử = chết. Bực Bất-tử là bực đã chứng được vô-sanh, chẳng còn sanh lại nữa nên chẳng hề chết đi.( Bực A-la-hán)

- Tri-túc: Tri = biết;Túc = đủ. Tri-túc là biết vừa đủ, chẳng đòi thêm

- Thu-thúc: kềm-giữ, nhiếp-phục, điều-phục.

- Nghiêm-trì: Trì = giữ-gìn; Nghiêm-trì là tuân theo cẩn-thận.

- Chánh-mạng: Chánh = chơn-chánh; đứng-đắn; Mạng = mạng sống.Chánh-mạng là cách mưu-sanh đứng-đắn bằng nghề chơn-chánh

- Đoan-trang = nghiêm-trang và đứng-đắn.

- Niết-Bàn: tiếng Phạn Nirvana; Pali Nibbàna, tâm-trạng người dứt phiền-não, lìa mọi ham-muốn, chứng được vô-sanh, sống tự-tại.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một vị phu-nhơn chăm-chú nghe Pháp, chẳng thèm lưu-tâm đến việc nhà đang bị trộm-cướp. Ý-nghĩa rất hứng-thú của Tích chuyện là thái-độ của vị phu-nhơn chẳng màng việc mất cả tài-sản, chỉ lo theo dõi bài giảng-pháp, đã làm thức-tỉnh được tên chúa-đảng khiến y và đồng-bọn biết cải-tà qui-chánh.

(2) Ý-nghĩa các bài Kệ từ số 368 đến số 376:

Mặc dầu các bài Kệ được Đức Phật đọc để dạy các tỳ-kheo, nhưng người tu tại-gia cũng có thể học-tập theo. Để tiện phân-tách chín bài Kệ, xin sắp xếp lại thành ra ba nhóm:

- Nhóm 1)Bốn bài dành cho người mới bắt đầu tu: số 375, 376, 368 và 369;

- Nhóm 2) Bốn bài khuyên tu Thiền: số 371, 372, 373 và 374.

- Nhóm 3) Một bài dành cho bực thượng-căn: số 370.

Nhóm 1:

Bài Kệ số 375: đây là bài Kệ quan-trọng, chỉ rõ khi mới vào tu phải làm những gì trước:

(a) có trí, tức là phải siêng-năng học-hỏi giáo-lý;

(b) biết tri-túc, tức là dẹp bỏ mọi đòi hỏi, biết vừa đủ;

(c)các giác-quan đều được thu-thúc, tức là kềm-giữ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, chẳng đua đòi chạy theo cảnh-vật bên ngoài;

(d) giới-luật căn-bản luôn nghiêm-trì, tức là theo đúng thật kỹ-lưỡng mọi điều ngăn-cấm, tự đặt mình trong vòng kỷ-luật khắt-khe, để buộc thân-tâm vững tiến trên đường tu-tập.

Bài Kệ số 376: dạy phải noi gương theo những gì để tu-tập:

(a) gần-gũi, kết thân với bạn hiền: được khuyên-nhũ làm điều lành, được an-ủi khi lo-lắng, được vui khi cùng tu với nhau;

(b) đúng Chánh-mạng: nếu xuất-gia, theo đúng hạnh khất-sĩ, dẹp được lòng tự-ái, ngã-mạn khi đi xin; nếu tại-gia, làm tròn nhiệm-vụ trong khi hành-nghề chơn-chánh;

(c)cử-chỉ đoan-trang: trong các oai-nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, nói và nín, đều nghiêm-trang, tập theo cách của người bạn hiền đi trước;

(d) phiền-não dứt, được phỉ-lạc, hướng đến Niết-bàn: nhờ có bạn hiền cùng tu, nên phiền-não sớm dứt, được niềm vui thanh-cao, hướng đ(c) sớm chứng được cảnh tịch-tĩnh Niết-bàn, nhờ các hành hữu-lậu ( = các phiền-não nơi thân-tâm) trở nên an-hoà: đây là kết-quả từ-từ trên bước đường tu-tập, vui mà nhận thấy mình có tiến-bộ.

Bài Kệ số 369: đây là bài Kệ nên học thuộc lòng, vì hình-ảnh "chiếc thuyền rỗng-không" đáng ghi-nhớ mãi trong tâm-khảm:

(a) Thuyền rỗng-không nầy ví tấm thân: thân-tâm nầy do năm uẩn tạm hợp, sẽ tan-rả, nên xét kỹ mà thấy nó thật là rỗng-không;

(b) Tát cho khô nước tức là dập tắt ngay lửa tham, sân: thuyền khô nước trở nên nhẹ-nhàng, thân-tâm dẹp sạch tham-sân trở nên thanh-tịnh, đó là điều-kiện tốt để sớm chứng được cảnh Niết-bàn;

(c) Thuyền nhẹ đi nhanh đến Niết-bàn: hình-ảnh ngồi thuyền đi nhanh đến Niết-bàn rất ư là ... thơ-mộng.

Tóm lại, các bài Kệ thuộc nhóm 1 đặt căn-bản cho việc bắt đầu tu-tập: niềm tin vững-chắc, giới-luật nghiêm-trì, kết thân bạn hiền, phát tâm Từ-Bi, dẹp lòng tham-sân.

Nhóm 2: ghi rõ các bước để tu Thiền:

Bài Kệ số 371: bước đầu tu Thiền là tập gom Tâm lại, tức là hết sức ến sự giác-ngộ và giải-thoát của Niết-bàn.

Bài Kệ số 368: dạy hai đức-tánh căn-bản của người tu-hành: tâm Từ-Bi niềm tin vững-chắc:

(a) Tâm an-trú trong Từ-Bi: luôn luôn đem nguồn vui đến cho mọi người, cứu khổ cho mọi loài;

(b) Tín-thành theo giáo-pháp Phật-đà: Tâm Bồ-đề thật kiên-cố, dẹp mọi nghi-ngờ, tránh được sự thối-chí;

chú-ý và tập-trung tư-tưởng.

(a) ...hành Thiền tinh-tấn, chớ thả Tâm quanh-quẩn thú-vui: theo dõi hơi thở, giữ chánh-niệmtỉnh-giác thì Tâm phải ngừng lại, chẳng thể nào chạy lang-thang theo thú-vui bên ngoài được;

(b) Phóng-dật, nuốt hòn sắt nóng đỏ, Lửa điạ-ngục thiêu, chớ than khổ!: Tỳ-kheo nhận của bố-thí mà chẳng lo tu-hành, phóng-dật, lười-biếng thì sẽ sa điạ-ngục, nuốt sắt nóng đỏ, uống nước đồng sôi. Người tại-gia tu thiền mà giãi-đãi, lúc tu lúc không, sẽ bị ngoại-cảnh lôi-cuốn theo các thú-vui vật-chất thấp-kém, khiến sa vào cõi ác khi tái-sanh. Đây là lời Phật cảnh-cáo cho cả xuất-gia và tại-gia.

Bài Kệ số 372: tu Thiền đắc được Định Huệ, tiến đến cảnh giác-ngộ và giải-thoát của Niết-bàn.

(a) Chẳng có định-tâm nơi người thiếu trí: người thiếu trí khi tu Thiền chẳng biết cách gom tâm lại để kéo dài sự chú-ý, thì làm sao mà tâm an-định được;

(b) Chẳng có trí nơi người thiếu định-tâm: điều nầy dễ thấy, vì người để tâm chạy lang-thang, chẳng chú-ý, làm sao nhìn rõ, thấy rõ, biết rõ cho được, đó chẳng phải thiếu trí hay sao;

(c)... được cả hai Định, Huệ, ... kề bên bệ Niết-bàn: Tâm an-định, Trí-huệ phát-sáng, thấy đúng đường-lối tu-hành, thì ngày chứng được Niết-bàn đã gần kề.

Bài Kệ số 373: phương-cách tập Thiền, chọn nơi vắng-vẻ.

(a) Tỳ-kheo đến ẩn nơi vắng-vẻ: Đức Phật thường khuyên tỳ-kheo nên vào rừng vắng để dễ tu Thiền; ngày nay ta có thể chọn căn phòng vắng, vào giờ thuận-tiện sáng sớm, hay khuya trước khi đi ngủ, tâm dễ lắng yên, chẳng bị ngoại-cảnh chi-phối;

(b) Tâm-tư thường lặng-lẽ an-nhiên: đến nơi vắng chưa đủ, tâm còn phải vắng nữa, phải lặng-lẽ nữa, mới đủ điều-kiện để tập Thiền. Tâm lặng-lẽ cách nào? Dẹp bỏ hết mọi ý-nghĩ vẩn-vơ, đuổi hết các ý-nghĩ giận người nầy, thương người kia, ganh-tị với bạn-bè, v.v.

(c) Chứng thông giáo-pháp hành-thiền: tu Thiền, nên có Thầy hướng-dẫn, chẳng những tránh được các đường tẻ, khỏi lọt vào tà-kiến, tà-định, mà còn biết những điểm còn thiếu-sót để sửa-chữa.

(d) Hưởng nguồn phỉ-lạc siêu-nhiên thoát trần: trong khi ngồi Thiền, quên được các mối lo-âu nơi cuộc sống thế-tục, chính giờ phút đó là đang hưởng nguồn phỉ-lạc, vui-sướng vì tâm-trí được nhẹ-nhàng.

Bài Kệ số 374: cách quán-tưởng khi ngồi Thiền.

(a) Mỗi khi quán-tưởng thấu rõ, Các uẩn khởi-sanh rồi hoại-diệt: đây là chọn đề-tài quán-tưởng về thân-tâm ngũ-uẩn. Ngồi Thiền, khi tâm bắt đầu an-định, nhờ sức quán-tưởng mạnh ( = chú-tâm), chiếu soi được các khía-cạnh của đề-tài, lần-lượt nhận ra được chơn-lý. Trong đề-tài quán thân-tâm ngũ uẩn, nhìn biết rõ sự khởi-sanh của các ý-tưởng bên trong, sự kéo dài trong khoảnh-khắc và sự biến mất của chúng, đó là theo dõi được sự khởi-sanh và hoại-diệt của một ý-tưởng trong tưởng-uẩn. Với kinh-nghiệm, sẽ chứng tánh-cách vô-thường, vô-ngã của mỗi uẩn, mà nhận ra thân-tâm năm uẩn vốn rỗng-không.

(b) Phỉ và lạc, tỳ-kheo hưởng-thọ, Chỉ bực Bất-tử mới được biết: Chứng được định-tâm, hành-giả cảm thấy thân-tâm nhẹ-nhàng, thấm nhuần một niềm vui thanh-khiết, đó là phỉ. Vì biết rõ trong thời gian tịnh-tu, tâm rỗng-rang, chẳng vướng-bận lo-lắng, ưu-phiền, đó là sự vắng-mặt của Khổ, tức là đang hưởng Lạc, vui vì hết khổ trong lúc ấy. Kéo dài được tâm-trạng thanh-thản, an-nhiên nầy, là các bực đã chứng được các quả vị Thánh, gọi là bực Bất-tử ( = hết bị tái-sanh.)

Tóm lại, đường lối tu Thiền: chọn nơi vắng-vẻ, dọn sạch Tâm, chú-ý mạnh, quán-tưởng sâu, đắc định, huệ sẽ chói-sáng.

Nhóm 3:

Bài Kệ số 370: dành cho bực căn-cơ cao, dạy phải dẹp mười kết-sử, vượt qua năm dây ràng-buộc, trau-dồi năm sức mạnh tinh-thần

(a) Cắt đứt năm độn-sử: trong số nầy, có ba kết-sử chẳng quá khó vượt qua, để chứng được quả thứ nhứt là Tu-đà-huờn: đừng chấp chặt vào thân; dứt nghi về Chánh-pháp; bỏ mọi mê-tín tà-đạo.

(b) Dứt bỏ năm lợi-sử: năm lợi-sử khó dẹp là vì thiếu sự quân-bình giữa định và huệ; giữ định, huệ bằng nhau, nhờ giới phụ giúp vào, sẽ chiến-thắng nốt năm lợi-sử.

(c) Bực"Vượt Bộc-lưu" là bực Thánh đã vượt qua được thác gành, nhờ trau-dồi năm sức-mạnh, để dẹp năm dây trói-buộc. Kể ra thì nhiều, 5x4 món tất cả, người tu tại-gia chỉ cần nhớ ba món độc: tham, sân, si, dồn nỗ-lực để tiêu-diệt chúng là được kề bên Niết-bàn.

(259).- Tích chuyện các vị tỳ-kheo nhìn hoa lài rơi trong khi ngồi Thiền.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến các vị tỳ-kheo nhìn hoa lài rơi rụng trong giờ tập Thiền.

Thuở ấy có năm trăm vị tỳ-kheo được Đức Phật chỉ-dạy cho mỗi người một đề-tài thiền-quán, liền đi vào rừng vắng, nỗ-lực tu-tập Thiền-định. Nơi đây, họ nhìn thấy các bông hoa lài nở tươi-đẹp vào buổi sáng, rồi đến chiều thì tàn-tạ, lả-tả rơi khỏi cành. Trông thấy cảnh ấy, các vị tỳ-kheo mới cố-gắng dẹp bỏ mọi lậu-hoặc trong tâm, cũng như cành lài rủ bõ các bông-hoa tàn-héo. Bấy giờ, Đức Phật, từ nơi hương-phòng, quán thấy tâm-trạng của các vị tỳ-kheo, Ngài phóng đạo hào-quang đến khu rừng, khiến các vị tỳ-kheo nhìn thấy Đức Phật trong tâm họ, và nghe lời dạy rằng: "Nầy chư tỳ-kheo, cũng như cây lài giũ bỏ các cánh hoa tàn-héo, tỳ-kheo nỗ-lực dẹp bỏ mọi lậu-hoặc trong tâm, để sớm ra khỏi vòng tái-sanh lận-đận của Luân-hồi."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó nhiều vị tỳ-kheo đã chứng được quả-vị A-la-hán:

Như cây lài rủ bỏ hoa tàn-héo,
Tỳ-kheo, nên khéo trút sạch tham-sân.
(Kệ số 377.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đề-tài thiền-quán: một đầu-đề để suy-nghĩ sâu-xa khi ngồi Thiền

- Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy ra; Hoặc = điều sai-lầm. Lậu-hoặc là các phiền-não tham, sân, si,v.v. khởi nơi tâm, lộ ra bằng hành-động xấu.

- Hương-phòng: căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật, tiếng Pali là Gandhakuti.

- Hào-quang: ánh-sáng rực-rỡ toả chiếu từ vị tu-hành định-lực cao.

- Luân-Hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Theo giáo-lý nhà Phật, chúng-sanh khi chết đi phải tùy nghiệp mà tái-sanh trở lại, để rồi chết nữa, lẩn-quẩn mãi, tựa như bánh xe cứ lăn tròn vòng (Pali: Samsàra.)

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ: các vị tỳ-kheo khi tập Thiền, nhơn nhìn thấy hoa lài rơi tàn-tạ khỏi cành cây, quyết nỗ-lực dẹp bỏ lậu-hoặc tham, sân, si... ra khỏi tâm, như cành cây giũ bỏ hoa héo.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 377:

Bài Kệ cũng rất rõ nghĩa: khi tu Thiền, phải dẹp ra khỏi tâm các lậu-hoặc tham, sân, mới mong sớm đắc dược định-tâm.

(260).- Tích chuyện Trưởng-lão San-ta-kha.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến Trưởng-lão San-ta-kha.

Thuở ấy, ở chùa Kỳ-viên, có một vị tỳ-kheo tên là San-ta-kha, tánh-tình rất trầm-tĩnh, đi đứng nghiêm-trang, thường ngồi, nằm nơi vắng-vẻ, ít nói, ít tiếp-chuyện với bạn đồng-tu. Các vị tỳ-kheo cho thái-độ lặng-lẽ đó có vẻ khác thường, mới đến thưa-trình cùng Đức Phật. Đức Phật bảo: "Nầy chư Tăng, tỳ-kheo San-ta-kha kiếp trước là một con sư-tử chúa, dáng-điệu rất oai-vệ, săn được mồi, ăn xong liền nằm im, lặng-lẽ. Thái-độ trầm-tĩnh ngày nay của tỳ-kheo San-ta-kha rất đáng khen ngợi, các tỳ-kheo nên noi theo gương đó."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Thân an-tịnh, lời cùng an-tịnh,
Ý an-tịnh, tâm thường giác-tỉnh.
Mọi thế-sự, tỳ-kheo dẹp qua,
Mới xứng danh là "Bực tịch-tịnh"
(Kệ số 378.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- San-ta-kha: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Santakàya, có nghĩa là thân an-tịnh.

- Trầm-tĩnh: Trầm = chìm; Tĩnh = yên-lặng; Trầm-tĩnh là an-tịnh.

- Giác-tỉnh: Tỉnh-giác: Tỉnh = thức-tỉnh, chẳng mê; Giác = biết rõ. Tâm giác-tỉnh là luôn luôn giữ chánh-niệm, làm gì, nói gì, nghĩ gì, tâm đều đang biết rõ điều ấy và chỉ điều ấy mà thôi, chẳng lo ra việc khác.

- Thế-sự: Thế = đời; Sự = việc. Thế-sự là việc đời, việc thiên-hạ.

- Bực tịch-tịnh: dịch chữ Pali Muni, chữ Hán-Việt là Mâu-ni, có nghĩa là trầm-tĩnh, an-nhiên. Mâu-ni là danh-hiệu PhậtThích-ca Mâu-ni

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc các tỳ-kheo hiểu lầm thái-độ trầm-tĩnh, ít nói của Trưởng-lão San-ta-kha, cho đó là khác thường. Nhưng Đức Phật nhắc đến tiền-kiếp làm sư-tử chúa của Trưởng-lão, đi đứng oai-vệ, nằm ngồi lặng-lẽ và khuyên các tỳ-kheo nên noi gương trầm-tĩnh đó của Trưởng-lão.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là: phải giữ thân-tâm an-tịnh, bằng cách giữ thân trầm-tĩnh, lời nói trầm-tĩnh và ý-nghĩ trầm-tĩnh, cả ba nghiệp đều thanh-tịnh.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 378:

Bài kệ dạy ta một điều rất quan-trọng trong việc tu-hành: giữ thân-tâm cho an-tịnh, đó là đường-lối tu tâm.

Xin phân-tách từng câu:

1) Thân an-tịnh, lời cùng an-tịnh: đây là nói về nghiệp thân nghiệp khẩu ( = miệng). Thân an-tịnh có cử-chỉ từ-tốn, chẳng vụt-chạc, nghiêm-trang. Lời nói an-tịnh thì dễ nghe, dịu-dàng, ôn-tồn, khiến người nghe được vui lòng. Hai nghiệp nầy mà tịnh được thì tránh được biết bao tội-ác, gây thêm được biết bao căn lành.

2) Ý an-tịnh, tâm thường giác-tỉnh: đây là nói về ý-nghiệp, quan-trọng nhứt trong ba nghiệp, ý-nghiệp dẫn ta đi thác-sanh. Tâm tỉnh-giác được là nhờ luôn luôn giữ chánh-niệm, làm gì, nói gì, nghĩ gì, đều biết rõ cả, chẳng buông-lung chạy theo ngoại-cảnh.

3) Mọi thế-sự, tỳ-kheo dẹp qua, Mới xứng danh là "Bực tịch-tỉnh": dẹp chuyện Đời qua một bên, để lo chuyện Đạo, tức là lo tu sửa tâm-tánh mình. Người biết sống một mình, hằng theo dõi mọi biến-chuyển trong tâm mình, mới xứng danh là người theo gót Đức Mâu-ni.

(261).- Tích chuyện Trưởng-lão Nan-ga-la.

Tích chuyện nầy hơi giống với Tích chuyện số (116), về Trưởng-lão Phí-lộ-thi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Nan-ga-la.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có một người nông-phu nghèo khó phải đi cày ruộng mướn cho chủ, rất cực-khổ. Một hôm, một vị tỳ-kheo đi ngang qua, thấy anh ngồi nghỉ bên bờ ruộng, mới hỏi thăm. Biết cảnh khó-nhọc của kẻ làm mướn chẳng đủ ăn, vị tỳ-kheo hỏi anh có muốn đi tu không. Anh đồng-ý, theo vào chùa, làm lễ xuất-gia. Theo lời thầy dạy, vị tỳ-kheo mới đem cái cày và quần-áo cũ rách-rưới của mình, ra bỏ nơi gốc cây gần chùa. Thời-gian sau, ăn uống no đủ, anh mập-mạp ra, nhưng trong lòng lại nhớ đến cảnh sống ngày xưa và bắt đầu chán-ngán cuộc đời tu-hành. Anh liền đi đến bên gốc cây, nhìn lại chiếc cày và đống quần-áo cũ, thầm trách mình: "Sao mình chẳng biết hổ-thẹn, đã đi tu để được giải-thoát, lại còn muốn quay về với cuộc đời bần-cùng với chiếc cày nặng, với đống giẻ rách nầy?" Tự-trách mình như thế, ý-tưởng quay về đời sống thế-tục liền tan biến, anh trở lại chùa. Rồi độ bốn năm ngày sau, ý ấy lại khởi lên trong tâm anh, anh cũng trở lại gốc cây, cũng tự-trách như trước nữa. Các vị tỳ-kheo khác thấy anh mỗi tuần hai lần đi thăm chiếc cày như thế, mới đặt tên anh là tỳ-kheo Nan-ga-la, có nghĩa là chiếc cày.

Bẵng đi một dạo, chẳng thấy Nan-ga-la đi thăm gốc cây nữa, các vị tỳ-kheo lấy làm lạ, mới hỏi lý-do. Nan-ga-la đáp: "Trước kia tôi thường đến đấy, để thăm "thầy tôi" và học-hỏi thêm, nay tôi thấy chẳng còn cần-thiết nữa, nên thôi." Cho rằng Nan-ga-la có ý bảo ngầm rằng, mình nay đã thành bực vô-học, các vị tỳ-kheo ấy mới đến thưa cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, tỳ-kheo Nan-ga-la tự-phụ bảo mình là bực vô-học chứng quả A-la-hán." Đức Phật bảo: ‘Nầy chư Tỳ-kheo, Nan-ga-la là người biết tự quán-sát mình, tự-trách mình và tự tu sửa mình, quả thật, đã chứng được quả-vị A-la-hán."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Tỳ-kheo, hãy tự kiểm-thảo mình,
Tự mình phòng-hộ và dò soát.
Tâm-tư hằng tỉnh-giác,
Cuộc sống được an-lành.
(Kệ số 379.)

Mình là nơi mình đang nương-tựa,
Ta đi tìm ẩn-trú nơi ta.
Thế nên tự-chế, chớ lơ-là,
Như khách thương luyện thuần bầy ngựa.
(Kệ số 380.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Nan-ga-la: biệt-hiệu của vị Trưởng-lão nầy, Pali là: Nangalakula

- Xuất-gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà; Xuất-gia là bỏ đời sống thế-tục, rời gia-đình, vào chùa tu.

- Thế-tục: Thế = đời; Tục = thường; Đời Thế-tục là đời sống của thường-nhơn có gia-đình trong xã-hội.

- Vô-học: dịch chữ Pali Asekha, bực đã học-hỏi xong cách diệt-trừ các phiền-não và tu-tập thành-công. Trái với bực vô-học, là bực hữu-học (Sekha), thấp hơn, còn phiền-não, cần học-tập cách tận-diệt các lậu-hoặc. Chứng được quả Thánh A-la-hán mới lên hàng Vô-học.

- Tự-phụ = khoe-khoang, tự-cao, xem mình là hơn.

- Tự-kiểm-thảo: tự mình xét lấy lỗi mình để tu sửa lại

- Phòng-hộ = bảo-vệ, giữ-gìn cẩn-thận.

- Tự-chế = tự mình kềm-chế lấy mình, chẳng buông lơ.

- Khách thương = người buôn-bán, làm nghề thương-mãi.

- Luyện thuần = huấn-luyện cho thuần-thục, nhuần-nhã, dễ khiến

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một người nông-phu đi tu, mỗi khi trong tâm khởi lên ý-tưởng muốn quay về đời sống thế-tục, mới đến bên gốc cây, nhìn chiếc cày và đống quần-áo cũ, mà tự-trách mình sao chẳng chuyên-tu. Nhờ biết tự kiểm-thảo như thế, chẳng bao lâu người ấy trở thành bực vô-học, chứng quả Thánh.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 379 và 380:

Hai bài Kệ khuyên ta phải biết thường thưòng xét lỗi của chính mình, để tu sửa lại, chẳng nên lơ-là.

Bài Kệ số 379: khuyên hai điều: (1) tự kiểm-soát; (2) tỉnh-giác

1) Tỳ kheo, hãy tư kiểm-thảo mình, Tự mình phòng-hộ và dò-soát: Tự mình kiểm-thảo, phòng-hộ, dò-soát là biết nhìn vào trong tâm mình, xét thấy các lỗi-lầm của mình và tự mình sửa lại.

2) Tâm-tư hằng tỉnh-giác, Cuộc sống được an-lành: Muốn tự mình kiểm-thảo lấy mình cho đúng-đắn, tâm phải luôn luôn tỉnh-giác, nghĩa là mọi biến-chuyển trong lòng, đều được chánh-niệm theo dõi.

Chánh-niệm là gì? Chánh-niệm niệm-giác, ý-nghĩ đứng-đắn khởi lên trong tâm để nhận-biết các ý-niệm khác vừa xảy ra trong tâm, ngay lúc chúng đang khởi lên, trong lúc chúng đang kéo dài, và lúc chúng đã tan biến đi. Niệm-giác chính là tâm đang nhìn chính tâm, biết rõ những gì đang diễn-biến nơi tâm. Đó cũng như vị cảnh-sát từ bên trong tâm, đang đứng ra canh-chừng tâm, tuy chẳng chuyên-chở thêm một ý-tưởng nào, một ý-niệm nào, nhưng lại biết rõ tất cả các niệm khác vừa hiện-diện nơi tâm.

Thông-thường, ta cứ để tâm muốn chạy đi đâu cũng chẳng để-ý, đó là cảnh thất-niệm tức là đang đánh mất chánh-niệm. Thắp sáng lên Chánh-niệm là ngay trong lúc lơ-là, liền bừng-tỉnh lại, chú-tâm nhìn vào tâm, ấy là gọi chánh-niệm chổi dậy nơi mình để theo dõi tâm.

Tu tâm là phải bắt đầu thắp sáng lên Chánh-niệm nơi tâm, giữ-gìn mãi chánh-niệm ấy, chẳng phút lơ-là, chẳng phút thất-niệm.

Bài Kệ số 380: khuyên ta phải biết tự-chế, chớ lơ-là, chớ buông-lung cho tâm chạy lang-thang.

1) Mình là nơi mình đang nương-tựa: chẳng có nơi nương-tựa nào an-toàn bằng chính tâm thanh-tịnh của mình. Muốn tâm mình an-tịnh, phải biết tự-chế, nghĩa là thắp sáng Chánh-niệm để luôn luôn tự kiểm-soát lấy mình, chận-đuổi mọi vọng-tưởng khởi lên trong tâm.

2)...Nên tự-chế,...như khách thương luyện thuần bầy ngựa: dùng Chánh-niệm dẹp yên "bầy ngựa ý" trong tâm, cũng giống như vị khách thương tập-luyện bầy ngựa, nghĩa là phải bền-chí, kiên-nhẫn.

(262).- Tích chuyện tỳ-kheo Hoa-kha-ly.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị tỳ-kheo Hoa-kha-ly.

Thuở ấy ở nước Ma-kiệt-đà, có người tên là Hoa-kha-ly, một hôm trông thấy Đức Phật đi khất-thực, nhìn dáng-mạo trang-nghiêm của Ngài, nên sanh lòng ngưỡng-mộ, muốn đi tu. Từ khi được gia-nhập Tăng-đoàn, Hoa-kha-ly cứ lẩn-bẩn gần bên Đức Phật, mà xao-lãng các bổn-phận của một vị tỳ-kheo, lơ-là việc hành Thiền. Đức Phật thấy thế mới bảo: "Nầy Hoa-kha-ly, ông cứ đứng mãi bên ta, có được ích lợi gì? Gần Phật, thấy được Như-lai, là phải biết gần Chánh-pháp, học-tập Chánh-pháp kia. Thôi, ông hãy lui ra, đừng đến trước mặt ta nữa."

Nghe Phật dạy thế, lòng Hoa-kha-ly buồn vô-cùng, chán-nản lui ra và nẩy ý-định leo lên núi Linh-thứu nhảy xuống tự-tử. Đoán biết tâm-trạng của Hoa-kha-ly, Đức Phật lên đỉnh Linh-sơn trước. Khi Hoa-kha-ly sắp thực-hiện ý-định đen tối, Ngài phóng hào-quang chiếu lên rực-rỡ. Hoa-kha-ly nhìn thấy, lòng hân-hoan dào-dạt, hết muốn tìm cái chết nữa, liền qùi xuống đảnh-lễ. Bấy giờ Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó Hoa-kha-ly tỉnh-ngộ, nỗ-lực tu-tập, chẳng bao lâu chứng được quả-vị A-la-hán:

Tỳ-kheo thường hân-hoan dào-dạt,
Vững niềm tin giáo-pháp Phật-đà.
Cảnh-giới tịch-tịnh sớm chứng qua,
Các hành hữu-lậu được tịnh-lạc.
(Kệ số 381.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Hoa-kha-ly: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Vakkali.

- Trúc-lâm, Vương-xá, Ma-kiệt-đà: Tịnh-xá Trúc-lâm (Veluvana), do vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) cất trong vườn trúc, gần thành Vương-xá (Ràjagaha), thủ-đô xứ Ma-kiệt-đà (Magadha), miền Bắc Ấn-độ xưa.

- Như-Lai: tiếng tự-xưng của Đức Phật, chỉ pháp-thân Phật; tiếng Pali là Tathàgata ( = bực đã đến đây như thế ) (Như = như thế; Lai =đến)

- Linh-thứu: tên đỉnh núi giống hình chim kên-kên (Gijjhakuta).

- Hân-hoan dào-dạt = vui mừng hết sức.

-Phật-đà: phiên âm chữ Buddha. Phật có nghĩa là giác, hiểu biết thấu-đáo về tất cả muôn loài. Đức Phật là bực đại-giác.

- Cảnh-giới tịch-tịnh: Cảnh-giới là cõi; Tịch-tịnh là vắng-vẻ và lặng-lẽ;Cảnh-giới tịch-tịnh, ở đây, là cảnh-giới Niết-bàn yên-vui, tự-tại

- Các hành hữu-lậu: Các hành chỉ thân-tâm; hữu-lậu là chứa các phiền-não, dơ-xấu, rỉ chảy ra., thành hành-động bất-thiện.

- Tịnh-lạc = Tịnh = thanh-tịnh, trong-sạch; Lạc = vui. Các hành hữu-lậu được tịnh-lạc = thân-tâm còn phiền-não nầy được thanh-tịnh-hoá.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một vị tỳ-kheo chỉ vì quá ngưỡng-mộ thân-tướng trang nghiêm đẹp-đẽ của Đức Phật mà xin đi tu để được gần luôn bên Phật. Đức Phật bảo, thấy Như-Lai, gần Như-Lai, là biết đến Chánh-pháp, học-tập để thấy được pháp-thân của Phật, chớ lẩn-bẩn bên Phật mà chẳng lo tu-tập, thì chẳng được ích-lợi gì. Vị tỳ-kheo hiểu được lời Phật, nỗ-lực tu-tập, sớm chứng được quả-vị Thánh.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: ngưỡng-mộ Phật là biết đem Chánh-pháp Phật dạy ra tu-tập để được giác-ngộ và giải-thoát.

Về một phương-diện khác, nghe nói Kinh nầy linh-thiêng lắm, thỉnh về, đóng bià da, mạ chữ vàng, kính-cẩn đặt trên bàn thờ Phật, mà chẳng hề mở ra đọc-tụng, thì sự linh-thiêng kia chẳng cảm-ứng được đạo-tâm của mình, làm sao mà hưởng được sự lợi-lạc!

(2) Ý-nghĩa cửa bài Kệ số 381:

Bài Kệ khuyên ta nên vững tin nơi Giáo-pháp, hân-hoan học-tập, để thanh-tịnh-hoá thân-tâm, sớm chứng được cảnh an-vui Niết-bàn.

1) Tỳ-kheo thường hân-hoan dào-dạt, Vững niềm tin giáo-pháp Phật-đà: đây là hai đức-tánh quan-trọng của một vị tỳ-kheo: (1) niềm tin ở Tam-Bảo thật vững chắc, (2) vui-thích trong nỗ-lực tu-hành.

2) Cảnh-giới tịch-tịnh sớm chứng qua: nhờ nỗ-lực tu-tập, mà sớm chứng được cảnh-giới tịch-tịnh, an-vui và vắng-vẻ của Niết-Bàn, tức là sớm có được tâm-trạng an-nhiên và tự-tại, trong đời sống tu-hành.

3) Các hành hữu-lậu được tịnh-lạc: thân-tâm năm uẩn đầy phiền-não nầy sẽ sớm được thanh-tịnh-hoá, mà dẹp sạch được các lậu-hoặc.

(263).- Tích chuyện Sa-di Sử-mã.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tu-viện Đông-viên, nước Xá-vệ, trong kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị sa-di trẻ tuổi tên là Sử-mã.

Sa-di Sử-mã, đệ-tử của Trưởng-lão A-na-luật, tuy mới lên bảy tuổi mà tu-tập rất giỏi, chứng được quả Thánh A-la-hán, đắc được thần-thông. Khi Trưởng-lão A-na-luật trú gần dãy Hi-mã-lạp-sơn, một hôm bị bịnh, sa-di Sử-ma đã bay đến hồ An-nô-ta cách đó hơn trăm dặm, lấy nước về cho thầy dùng. Đến khi Trưởng-lão trở về Xá-vệ, tới đảnh-lễ Đức Phật, có dẫn sa-di Sử-mã đi theo.

Tại tu-viện Đông-viên, các chú tiểu thấy sa-di còn trẻ, cứ theo chọc-ghẹo, kẻ véo tai, người cú đầu, mà Sử-mã cũng chẳng chút nào hờn-giận. Bấy giờ, Đức Phật trông thấy, Ngài mới nghĩ cách khiến cho mọi người phải thán-phục sa-di Sử-mã, liền cho gọi Tôn-giả A-nan vào bảo, Ngài cần dùng một lu lớn chứa nước từ hồ An-nô-ta đem về. Chẳng vị tỳ-kheo, hay sa-di nào đi lấy nước được, vì hồ An-nô-ta cách đây hơn mấy trăm dặm, mà cái lu lại vừa to vừa nặng. Sau cùng, sa-di Sử-mã tình-nguyện đi lấy nước. Trong khoảnh-khắc, với sức thần-thông, sa-di Sử-mã vác lu bay đến hồ múc nước rồi trở về chờ lịnh. Mọi người tập-họp ở giảng-đường, hết lời khen-tặng kỳ-công của Sử-mã. Đức Phật nói: "Nầy chư Tăng, người tu-tập theo Chánh-pháp ngày đêm chuyên-cần, chứng được quả-vị quả-vị Thánh và đắc thần-thông, mặc dầu còn trẻ tuỗi, như sa-di Sử-mã đây."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Tỳ-kheo dẫu tuổi đời còn trẻ,
Siêng tu theo pháp Phật hằng ngày,
Sáng soi rực-rỡ thế-gian nầy,
Như vầng trăng vừa thoát khỏi mây.
(Kệ số 382.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Sa-di: người mới vào chùa tập-sư tu-hành, chưa thọ-giới tỳ-kheo; trong chùa thường gọi là chú tiểu. Tiếng Pali là Sàmanera.

- Sử-mã: tên vị Sa-di nầy, tiếng Pali là Sumana.

- Tu-viện Đông-viên: do bà Vi-sa-kha cất, ở phiá Đông chùa Kỳ-viên; tên tiếng Pali là Pubbàràma.

- A-na-luật: còn gọi là A-nâu-lâu-đà, đại-đệ-tử của Đức Phật Thích-ca; tên tiếng Pali là Anuruddha.

- A-nan: tên vị thị-giả hầu bên Phật, tiếng Pali là Ànanda.

- Hi-mã-lạp-sơn: tên dãy núi cao nhứt thế-giới ở biên-giới Ấn-độ và Trung-hoa; tiếng Pali là Himalaya, có nghĩa: quanh-năm có tuyết.

- An-nô-ta: tên hồ nước nầy, tiếng Pali là Anotatta.

- Thần-thông: khả-năng đặc-biệt như bay bổng trên không, đi trên mặt nước v.v. nhờ định-lực tu-tập cao.

- A-la-hán: quả-vị thứ tư, cao nhứt; tiếng Pali là Arahant. Chữ A-la-hán có ba nghĩa: (1) ứng-cúng, xứng-đáng được Trời, Người cúng-dường; (2) sát-tặc, giết hết giặc, giặc phiền-não; (3)vô-sanh, chẳng còn bị tái-sanh ở cõi Luân-hồi nữa.

- Tuổi đời: tuổi đời khác với tuổi đạo; cứ tham-dự mỗi muà an-cư kiết-hạ là tăng thêm một tuổi đạo; tuổi đạo còn gọi là lạp-tuế.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị sa-di bảy tuổi đời, học đạo rất giỏi đắc được thần-thông, chứng quả A-la-hán. Vị ấy mang lu nặng từ chùa Đông-viên bay đến hồ An-nô-ta lấy nước, cách đó hơn mấy trăm dặm, đem về cho Phật, được mọi người thán-phục.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: mặc dầu nhỏ tuổi, nếu tu-tập chuyên-cần, cũng chứng được quả-vị cao.

(2) Ý-nghĩa bài Kệ số 382:

Bài Kệ ý-nghĩa rất rõ-ràng: tu-hành tinh-tấn, mặc dầu còn trẻ tuổi, cũng chứng được quả-vị cao, đức-hạnh sáng ngời như vừng trăng thoát khỏi mây mờ.

HỌC TẬP:

Chẳng phải vì mong đắc được thần-thông mà cố sức tu-tập đêm ngày; chính sự phá tan các phiền-não, giải-thoát được thân-tâm, khỏi cảnh khổ tái-sanh lận-đận, mới là mục-đích chơn-chánh.

-ooOoo-

Âm lịch

Ảnh đẹp