KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA )


Thiện Nhựt lược-dịch và tìm hiểu
08/09/2010 01:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 34286
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

XI.- Phẩm Già

(118).- Tích chuyện về các bạn đạo của bà Vi-sa-kha.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các bạn đạo của bà Vi-sa-kha.

Bà Vi-sa-kha là một ưu-bà-di rất nổi tiếng vào thời Đức Phật Thích-ca. Nhà giàu-có lớn, bà xây cất chùa Đông-viên để cúng-dường cho Ni-đoàn. Bà rất được dân-chúng tín-phục, nên có nhiều gia-đình trong vùng cho vợ con đi theo bà, làm bạn đạo với bà, để noi gương đức-hạnh của bà. Vào một dịp lễ lớn kéo dài cả tuần, các bà bạn đạo, nhơn lúc vắng bà Vi-sa-kha, lấy rượu còn dư lại của các ông chồng, đem ra cùng nhau uống say-sưa. Đến khi tỉnh lại, họ xin bà Vi-sa-kha dẫn họ tới chùa Kỳ-viên để đảnh-lễ Phật và nghe giảng-pháp. Lúc ra đi, họ dấu nhiều chai rượu nhỏ trong áo, lén lút uống dọc đường, xong rồi quẳng chai đi. Tới cổng chùa, họ đã say mèm, múa chơn múa tay, miệng hát nhảm-nhí. Bà Vi-sa-kha mới thỉnh-cầu Đức Phật giảng-dạy Chánh-pháp cho họ nghe.

Đức Phật nhìn thấy quang-cảnh như thế, biết bọn đàn-bà đang bị Ma men khuấy rối. Ngài dùng sức thần-thông tắt hết đèn đuốc trong phòng. Một cảnh tối om, dầy-dặt bao trùm lên tất cả. Bọn đàn-bà ngơ-ngác, tỉnh cả rượu. Bấy giờ, Đức Phật mới phóng một đạo hào-quang sáng chói rọi lên khắp nơi. Sau khi họ đã tỉnh-táo lại, qùi xuống đảnh-lễ, Đức Phật mới bảo họ: "Nầy các tín-nữ, các bà chẳng nên uống nhiều rượu đến nổi say-sưa rồi lại vào chùa trong tư-cách thật đáng hổ-thẹn như thế. Các bà đã bị Ma men làm cho mất trí, múa hát, cười-cợt, hò-hét om-sòm như bọn người điên. Hãy mau thức-tỉnh lại."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Cười sao được, sướng vui sao được,
Lửa hồng đang thiêu-đốt thế-gian.
Bị màn đêm bao phủ tối đen,
Sao chẳng tìm theo ánh ngọn đèn?
(Kệ số 146.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vi-sa-kha: tên thật của bà bằng tiếng Pali là Visakha.

- Ưu-bà-di: đàn-bà tu tại-gia, đến chùa làm công-quả và học Đạo. Đức Phật có bốn hạng đệ-tử, gọi là Tứ bộ-chúng: (1)Ty-kheo (Bhikkhu); (2)Tỳ-kheo-ni (Bhikkhuni); đó là hai hạng xuất-gia; (3) Ưu-bà-tắc hay là cận-sự-nam (Upàsaka); (4) Ưu-bà-di hay là cận-sự-nữ (Upàsikà), hai hạng sau là cư-sĩ tu tại-gia.

- Chùa Đông-viên: chùa nầy nằm về phiá Đông chùa Kỳ-viên, do bà Vi-sa-kha xây cất; tên tiếng Pali là Pubbàràma.

- Ni-đoàn: Ni = tỳ-kheo-ni, nữ tu-sĩ Phật-giáo. Ni-đoàn là đoàn-thể các vị nữ-tu-sĩ.

- Ma men = chất men rượu uống vào làm mất trí như bị Ma phá.

- Sức thần-thông: sức mạnh phi-thường do nơi đạo-lực cao.

- Hào-quang = ánh-sáng rực-rỡ toả ra từ bực tu-hành đạo-lực cao.

-Tín-nữ:Tín = tin-tưởng; Nữ = đàn-bà. Còn đàn-ông, gọi là thiện-nam

- Lửa hồng: nghĩa bóng là sự say-đắm, tham-mê.

- Ánh ngọn đèn: nghĩa bóng là ánh-sáng của Trí-huệ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc các người đàn-bà uống rượu say-sưa, bị Đức Phật quở-trách. Giới thứ năm của những người tu tại-gia là cấm uống rượu, vì khi say thì trí thông-minh bị mờ-ám, làm nhiều điều sằng bậy.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 146:

Thử phân-tách từng câu bài Kệ:

- Hai câu đầu: Chẳng vui cười được ở thế-gian, vì đang bị lửa hồng thiêu-đốt. Lửa gì? Lửa tham-mê, say-đắm, thúc-đẩy con người sa vào tội-lỗi, rồi phải chịu đau-khổ mãi trong kiếp Luân-hồi.

- Câu 3: Màn đêm tối đen, nghĩa bóng là sự si-mê, ngu-tối.

- Câu 4: Ánh ngọn đèn đây là ánh-sáng của Trí-huệ.

HỌC TẬP:

1- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ Tích chuyện, để giữ giới cấm uống rượu.

2.- Trong các tiệc vui, nên dùng nước trái cây thay cho rượu.

(119).- Tích chuyện nàng Sĩ-mã.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến nàng dâm-nữ tên là Sĩ-mã.

Thuở ấy ở thành Vương-xá có một người dâm-nữ tên là Sĩ-mã, nhan-sắc rất đẹp-đẽ, thường dâng-cúng thực-phẩm cho tám vị tỳ-kheo đi khất-thực. Một vị tỳ-kheo khen sắc đẹp của nàng Sĩ-mã và thực-phẩm nàng hiến-tặng rất thơm ngon. Một vị tỳ-kheo trẻ tuổi nghe thấy, mới tháp-tùng với bạn đồng-tu, ghé qua nhà nàng Sĩ-mã. Hôm ấy, nàng Sĩ-mã bị bịnh, nhưng cũng gượng đau ra dâng thực-phẩm cúng-dường. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi nhìn nàng dâm-nữ, nghĩ trong lòng, tuy nàng đang bị bịnh nhưng vẻ đẹp vẫn rất sắc-sảo, rồi trong tâm khởi lên yêu-mến nàng.

Tối hôm ấy, trở cơn đau nặng, nàng Sĩ-mã chết. Vua Tần-bà-sa-la hay tin đó, đến thưa trình cùng Đức Phật, rằng người em gái của vị y-sĩ Kỳ-bà, tên là Sĩ-mã đã qua đời. Đức Phật dạy, hãy mang thi-thể nàng Sĩ-mã ra nghĩa-địa, khoan mai-táng, và trong vài ba ngày, cho người canh-chừng thú rừng hay chim kên-kên đến ăn thịt. Nhà vua tuân theo lời Phật dặn. Đến ngày thứ tư, Đức Phật cùng chư Tăng, Vua quan và dân-chúng ra nghĩa-địa. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi cũng đi theo, nhưng vẫn chưa biết tin nàng Sĩ-mã đã chết.

Đến nghĩa-địa, Đức Phật tới gần thi-thể nàng Sĩ-mã, mọi người đứng vòng quanh. Đức Phật bảo nhà Vua sai một người lính to tiếng xướng lên rằng, ai muốn được ở cùng nàng Sĩ-mã trong một đêm thì hãy trả một ngàn quan tiền. Mọi người nhìn thi-thể tái-nhợt, nằm sóng-sượt đó, chẳng ai đáp. Đức Phật lại bảo người lính xướng lên, ai muốn được ở với nàng Sĩ-mã một đêm thì chỉ trả năm trăm, một trăm, một chục, rồi một quan thôi. Chẳng ai trả lời cả. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi kia cũng im-lặng. Bấy giờ Đức Phật mới nói: ‘Nầy chư Tăng! Hãy nhìn nàng Sĩ-mã. Trước kia, khi còn sống, muốn gần nàng một đêm, phải trả đến ngàn tiền, nay nàng nằm đó, chẳng ai muốn cả, dầu chẳng phải tốn kém gì. Thân-thể con người, ai cũng vậy, suy-yếu, già-lão rồi tàn-tạ như thế."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hãy nhìn thân, bề ngoài xinh-xắn,
Còn bên trong, một đống vết thương.
Gây khổ đau, sao còn vướng-bận,
Thân nầy đâu bền-vững, hằng thường.
(Kệ số 147.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Sĩ-mã: tên nàng dâm-nữ nầy bằng tiếng Pali là Sirimà.

- Vương-xá = thủ-đô Ràjagaha của xứ Ma-kiệt-đà ( =Magadha).

- Dâm-nữ: người phụ-nữ bán sắc đẹp cho đàn-ông mua vui.

- Tần-bà-sa-la: tên vị vua nước Ma-kiệt-đà, rất tôn-sùng đạo Phật; tiếng Pali là Bimbisara.

- Kỳ-bà: tên vị y-sĩ nổi tiếng thời Đức Phật, có trị vết thương cho Đức Phật khi Ngài bị Đề-bà-đạt-đa lăn đá. Tên tiếng Pali là Jìvaka.

- Thi-thể = thân-xác người chết.

- Nghĩa-địa = nơi chôn-cất người chết.

- Mai-táng = chôn người chết.

- Xướng = nói thật to tiếng cho mọi người nghe được.

- Hằng-thường = thường-hằng, còn hoài hoài.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một nàng dâm-nữ nhan-sắc đẹp-đẽ khi còn sống được mọi người yêu-chuộng, đến khi chết đi, chẳng ai muốn gần thi-thể của nàng. Đức Phật nhơn đó giảng về phép quán thân bất-tịnh, để dứt bỏ sự tríu-mến về tấm thân vật-chất, và phép quán thi-thể người chết để suy ra lẽ vô-thường của mọi sự-vật.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 147:

Ý-nghĩa của bài Kệ dạy ta chẳng nên quá tríu-mến tấm thân vật-chất và đừng mê-đắm các thú-vui xác-thịt.

HỌC TẬP:

- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ: muốn dẹp bỏ lòng dâm-dục, cần phải quán thân bất-tịnh ( = chẳng sạch, vì bên trong chứa các chất dơ-bẩn).

(120).- Tích chuyện Tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra.

Thuở ấy có vị tỳ-kheo-ni tên là Úc-ta-ra, đã trên trăm tuổi, mỗi ngày vẫn ôm bình bát đi khất-thực. Một hôm, bà gặp một vị tỳ-kheo đi khất-thực về, chẳng được chi cả, bà liền hiến cả phần ăn của mình cho vị ấy. Hôm đó, bà phải nhịn đói. Luôn cả hai hôm, bà cũng gặp vị tỳ-kheo đó và cũng hiến hết phần ăn của mình. Đến hôm thứ tư, bà đang đi khất-thực, bỗng gặp Đức Phật đang đi trên đường, bà vội nép vào lề, qùi đảnh-lễ Đức Phật. Chẳng may, vì kiệt-sức, bà dẫm lên vạt áo cà-sa của mình và ngã lăn xuống. Đức Phật đỡ dậy, thấy đầu cổ bà bị thương, chảy máu. Băng bó xong, Đức Phật nói: "Nầy tỳ-kheo-ni, thân-thể của bà đã quá già-yếu, đi đứng chẳng còn được vững-vàng nữa, chẳng bao lâu sẽ tàn-tạ."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà Tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Thân nầy bị tuổi già tàn-tạ,
Là ổ chứa bịnh-tật, mong-manh.
Khối dơ-bẩn ấy rồi tan-rả,
Chết đến là hết mạng chúng-sanh.
(Kệ số 148.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tỳ-kheo-ni: nữ tu-sĩ Phật-giáo, tiếng Pali là Bhikkhuni.

- Úc-ta-ra: tên vị tỳ-kheo-ni nầy, tiếng Pali là Uttarà.

- Bình bát: cái nồi nhỏ bằng sành, bằng gỗ hay bằng đồng, các vị tỳ-kheo dùng để đựng thức ăn khi đi khất-thực.

- Kiệt-sức = mất hết cả sức-lực, yếu-ớt lắm.

- Cà-sa: áo màu vàng, choàng bên ngoài của tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni; tiếng Pali là Kasaya.

- Quả-vị: Quả =kết-quả, thành-quả, việc tu đã thành-công; Vị = ngôi-vị. Quả-vị là cấp-bực trong hàng các tu-sĩ chứng-đắc .

- Tu-đà-huờn: Xin nhắc lại, đây là quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn, còn gọi là Nhập-Lưu hay Thất-Lai. Tiếng Pali là Sotàpatti.

- Mong-manh = yếu-ớt, dễ bị đau, dễ bị hư.

B.- Nghĩa Ý:

(1)Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

1) Việc vị tỳ-kheo trút hết thực-phẩm trong bát của bà tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra là một hành-vi thiếu suy-xét, ích-kỷ, chẳng nghĩ đến hoàn-cảnh của kẻ khác. Sau vụ nầy, Đức Phật đặt ra điều giới-luật: "Nếu một tỳ-kheo thọ-dụng thức ăn, hoặc cứng hoặc mềm, đã tự tay mình nhận thức ăn ấy từ một tỳ-kheo-ni, chẳng có liên-hệ với mình, đã đi khất-thực được, vị tỳ-kheo ấy phải nhận lỗi và thưa với một tỳ-kheo khác rằng: "Thưa đạo-hữu, tôi vừa phạm một lỗi đáng trách và phải nhận tội. Tôi thú-nhận đã vi-phạm vào giới-luật Pàtidesanìya." (Pàtidesanìya = tội-lỗi cần được thú-nhận và xin sám-hối.)

2) Bà tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra nghe lời dạy và bài Kệ của Đức Phật xong, chứng được quả-vị Tu-đà-huờn, là nhờ hiểu thấu được lẽ vô-thường của muôn pháp. Nói cách khác, bà nhận ra tấm-thân thể-chất nầy bị biến-đổi, chẳng giữ được nguyên-vẹn sức-khoẻ, theo tuổi già mà mang lấy bịnh-tật và tàn-tạ theo thời-gian. Thông-đạt được lẽ vô-thường, người tu-hành chẳng còn quá tríu-mến về phần vật-chất, mới quyết-tâm theo con đường giải-thoát khỏi cảnh sanh, già, bịnh, chết trong cõi Luân-hồi.

(2) Ý-nghĩa bài Kệ số 148:

Ý-nghĩa bài Kệ nầy cũng giống bài Kệ trước, số 147. Cả hai bài dạy ta phải ý-thức được lẽ vô-thường của tấm-thân thể-chất, bị sự già-lão làm suy-yếu, bị bịnh-tật hành-hạ, rồi sẽ tan-rả khi mạng hết. Vì thế, hiện còn sức-khoẻ, phải cố-gắng tu-tập để được giải-thoát khỏi cảnh khổ Luân-hồi

HỌC TẬP:

- Học kỹ hai bài Kệ, ghi nhớ lẽ vô-thường của đời sống con người.

(121).- Tích chuyện các tỳ-kheo tự-phụ.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị tỳ-kheo tự-phụ.

Thuở ấy, có một nhóm tỳ-kheo đến thưa-thỉnh Đức Phật và được chỉ-dạy cho mỗi người một đề-tài thiền-quán. Họ liền rời chùa đi vào rừng ẩn-tu trong một thời-gian. Nhờ sự cố-gắng tinh-cần, họ tập-trung được tư-tưởng và sớm nhập vào cơn thiền-định. Đắc được định-lực, họ tưởng rằng đã diệt xong được mọi ham-muốn về nhục-dục và chứng được quả-vị A-la-hán. Thật ra, họ đã tự đánh-giá quá cao và trở nên tự-phụ. Họ liền quay về chùa Kỳ-viên, để trình lên Đức Phật việc họ tưởng họ đã chứng quả.

Khi họ về đến cổng chùa, Đức Phật nom thấy, bảo Tôn-giả A-nan rằng: "Các tỳ-kheo kia sắp vào chùa, nếu họ đến gặp ta ngay thì chẳng được lợi-ích chi nhiều cho họ. Nên bảo họ đi ra quán-sát ngoài nghĩa-địa xong, trở về sẽ gặp ta." Tôn-giả A-nan chuyển lại lời căn-dặn của Đức Phật. Các vị tỳ-kheo nghe lời, chẳng vào chùa ngay và cùng nhau đi hướng về nghĩa-trang.

Đến nơi, họ nhìn thấy chỗ nầy có nhiều thi-thể sình-chướng, mùi hôi thối bốc lên; chỗ kia, nhiều khúc xương còn dính thịt bầy-nhầy; xa xa nhiều mảnh xương trắng-hếu nằm lăn-lóc. Trong lòng họ mới khởi lên sự nhàm-chán tấm-thân vật-chất đang bị tan-rả, hôi-thối kia, và suy-nghĩ sâu-xa về lẽ vô-thường của cuộc sống. Khi họ quay về chùa, Đức Phật hỏi: "Nầy các tỳ-kheo, nhìn thấy các khúc xương trắng ngổn-ngang trong nghĩa-địa, các ông còn giữ sự ham-muốn về nhục-dục, bám-víu vào tấm-thân vật-chất nữa hay không?"

Rồi đó, Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà các vị tỳ-kheo tự-phụ kia được giác-ngộ và chứng-đắc quả-vị A-la-hán:

Khúc xương màu trắng bồ-câu,
Tựa như trái bầu mùa thu bị vứt,
Thích-thú chi khi nhìn đến chúng?
(Kệ số 149.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tự-phụ = tự xem mình cao hơn kẻ khác, tự đánh-giá mình quá cao; hợm mình.

-Đề-tài Thiền-quán: Xin nhắc lại: đề-tài thiền-quán là một vấn-đề đem ra quán-tưởng sâu-xa khi ngồi Thiền. Đề-tài có thể là: quán thân bất-tịnh, quán-tưởng về Đức Phật A-di-đà, v.v. nhờ đó mà đắc định.

- Ẩn-tu: tu-hành nơi xa vắng người.

- Tập-trung tư-tưởng = giữ sao cho tâm chú-ý vào một đề-tài duy-nhứt, chẳng xao-lãng, chẳng lo ra, chẳng nghĩ lang-bang.

- Định, định-lực = trong khi ngồi Thiền, tư-tưởng dừng lại, tâm vắng-lặng, an-ổn, nhẹ-nhàng.

- Nhục-dục: Nhục = thịt; Dục = ham-muốn; Nhục-dục là ham-muốn về thể-xác.

- A-la-hán: Xin nhắc lại: đây là quả-vị cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Bực A-la-hán dứt sạch các phiền-não, lậu-hoặc, chứng được vô-sanh nghĩa là chẳng phải tái-sanh trong vòng lẩn-quẩn khổ-đau của Luân-hồi. Tiếng Pali là Arahant.

- Nghĩa-địa, Nghĩa-trang: nơi chôn-cất người chết. Ngày xưa, ở Ấn-độ, xác người chết hoặc được thiêu, hoặc để bỏ ngoài thi-lâm (thi = thi-thể; lâm = rừng; khu rừng để các xác chết chưa chôn.)

- Thi-thể = thể-xác người chết, thây-ma.

- Vô-thường: Xin nhắc lại: Vô = chẳng; Thường = thường-hằng, còn hoài-hoài. Lẽ vô-thường là Chơn-lý, theo đó mọi sự-vật có hình-tướng phải chịu sự biến-đổi rồi suy-tàn để đi đến sự tiêu-diệt.

- Giác-ngộ: Giác = biết rõ; Ngộ = hiểu thấu. Người giác-ngộ là người đã hiểu thấu rõ lẽ sống-chết, biết rõ con đường thoát khỏi mọi khổ-đau của vòng lẩn-quẩn Luân-hồi. Thông-thường chữ giác dùng để dịch chữ Bồ-đề, hay chữ Phật. Đức Phật là bực đại-giác.

- Khúc xương màu trắng bồ-câu = khúc xương khô, màu trắng, giống như màu lông chim bồ-câu.

- Trái bầu mùa thu bị vứt: vào mùa thu, bầu chín rụng xuống đất, chẳng ai thèm hái lượm để ăn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

1) Các vị tỳ-kheo lầm tưởng mình đã chứng quả, vô-tình mắc tội tăng-thượng-mạn, (tăng = thêm; thượng = cao; mạn = chữ Phạn là mano, có nghĩa là ngạo-mạn, làm phách, kiêu-căng). Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, các tăng-ni đắc quả, còn cần được Phật chứng-minh cho, mới biết chắc là mình đắc quả. Trong Tích chuyện, các vị tỳ-kheo chỉ đắc được định-lực, nhưng các phiền-não, lậu-hoặc vẫn còn, nên chưa chứng quả A-la-hán. Trong việc tu-hành, đừng mong được đắc quả; nếu còn mong-muốn là còn tham-mê, đó cũng là một điều phiền-não chưa sạch.

2) Đức Phật bảo các vị tỳ-kheo ra nghĩa-địa quán-sát các xác chết, đó là dạy phép cửu-tưởng-quán (cửu = chín; tưởng = tư-tưởng; quán = suy-nghĩ sâu-xa.) Theo phép quán nầy, hành-giả quán-sát chín giai-đoạn tan-rả của thân người chết: (1) xác sình lên; (2) xác bị dòi, bọ ăn; (3) xác chỉ còn bộ-xương dính chút ít thịt; (4) bộ-xương còn dính chút ít máu; (5)các đốt xương còn dính với nhau; (6) các khúc xương đã rời nhau ra; (7) chỉ còn một đống xương trắng-hếu; (8)chỉ còn một mớ xương khô; (9)chỉ còn vài khúc xương đã mục. Phép quán cửu-tưởng có hiệu-quả khiến cho hành-giả nhận rõ các giai-đoạn tan-hoại của tấm thân vật-chất, mà sanh ra nhàm-chán các thú-vui nhục-dục tạm-bợ, chẳng chấp thân nầy là thường-còn, suy ra được lẽ vô-thường của cuộc sống.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 149:

Thử phân-tách từng câu bài Kệ:

1) Câu 1: Khúc xương màu trắng bồ-câu: đây là giai-đoạn (7) của cửu-tưởng-quán, thân-thể tan-rả chỉ còn một đống xương trắng-hếu;

2) Câu 2: Tựa như trái bầu mùa thu bị vứt: đây là giai-đoạn (3) của cửu-tưởng-quán, thân-thể rã-rời, như trái bầu thúi rụng xuống đất;

3) Câu 3: Thích-thú chi...: sự nhàm-chán thân-thể vật-chất.

HỌC TẬP:

- Học kỹ bài Kệ, để ghi nhớ: thân nầy chẳng mấy chốc rồi cũng tan-hoại, theo lẽ vô-thường, và gắng công tu-tập để thoát vòng sanh-tử.

(122).- Tích chuyện công-chúa Gia-nhã-ba.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến công-chúa Gia-nhã-ba.

Thuở ấy, có một vị công-chúa tên là Gia-nhã-ba, nhan-sắc rất đẹp-đẽ, vốn là con của người dì của Đức Phật Thích-ca. Công-chúa kết-hôn với hoàng-tử Nan-đà, nhưng vào ngày làm lễ cưới, hoàng-tử lại theo Đức Phật vào chùa đi tu. Chính bà mẹ của công-chúa cũng quy-y Đức Phật và trở thành một vị tỳ-kheo-ni. Trong cảnh cô-đơn, công-chúa nghĩ: "Mẹ ta, chồng ta đều đi tu cả. Thôi, ta cũng đi tu theo luôn!." Công-chúa liền vào chùa, xin xuất-gia và trở thành một tỳ-kheo-ni, chẳng phải vì lòng tin nhiệt-thành nơi ngôi Tam-Bảo, mà vì muốn bắt chước theo mẹ và chồng, chọn con đường tu-hành, cho mình bớt lẻ-loi.

Tỳ-kheo-ni Gia-nhã-ba được nghe các bạn đồng-tu bảo Đức Phật thường giảng-dạy rằng thân-tâm ngũ-uẩn nầy là vô-thường, vô-ngãbất-toại-nguyện. Vì còn chưa hiểu thấu rõ-ràng nghĩa-lý của tánh-cách vô-thường, vô-ngã bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ-uẩn, bà tưởng lầm rằng Đức Phật chẳng khen ngợi chi đến sắc-đẹp lộng-lẫy của bà, nên bà thường tránh các dịp được gặp Đức Phật. Nhưng các vị đồng-tu lúc nào cũng tán-thán Đức Phật, nên bà mới quyết-định đi theo họ đến chùa Kỳ-viên để đảnh-lễ.

Khi Đức Phật trông thấy công-chúa Gia-nhã-ba đến chùa, Ngài nghĩ rằng: "Đạp gai thì phải lấy gai mà lể. Tỳ-kheo-ni Gia-nhã-ba quá hãnh-diện và quá tríu-mến đến thân-sắc của mình, phải làm sao cho công-chúa thấy rõ sắc-đẹp chóng tàn-phai để dẹp bỏ sự hãnh-diện và lòng tham-luyến vào nhan-sắc lộng-lẫy của mình ." Khi các tỳ-kheo-ni đảnh-lễ, Đức Phật dùng sức thần-thông của Ngài, tạo hình-ảnh một thiếu-nữ tuổi chừng mười sáu, rất đẹp-đẽ, mỹ-miều, đang cầm quạt, phe-phẩy quạt sau lưng Đức Phật, mà chỉ riêng có Gia-nhã-ba mới nhìn thấy được mà thôi. Gia-nhã-ba ngẩng đầu lên nhìn, thấy cô thiếu-nữ nhan-sắc đẹp tuyệt-trần, so với nhan-sắc của nàng còn hơn gấp bội. Gia-nhã tiếp-tục nhìn mãi, bỗng cô thiếu-nữ từ-từ trở thành một người thiếu-phụ ba mươi tuổi, vẻ đẹp có phần sút-giảm đi. Nhìn hồi lâu, bóng người thiếu-phụ hoá thành một người đàn-bà trung-niên, tóc đã hoa râm, trên làn da mặt đã bắt đầu có vết nhăn. Bấy giờ, trong lòng Gia-nhã-ba mới nghĩ ra được sự chóng tàn-phai của sắc-đẹp, cùng sự suy-yếu, già-lão từ-từ đến với tấm thân vật chất. Vào lúc ấy, bóng người đàn-bà ngồi sau lưng Đức Phật đã biến thành một cụ già, run-rẩy mệt-nhọc cầm cây quạt, tay quạt hết muốn nổi. Sau cùng, cụ già đó lại lăn đùng ra chết. Mắt Gia-nhã-ba lại trông thấy thân-thể cụ già sình lên, dòi, bọ nhung-nhúc. Lòng nàng nghĩ, thân-thể của ta rồi đây sẽ cũng lại như thế, chẳng cách nào tránh khỏi sự chết-chóc được.

Đức Phật đoán biết sự đổi thay tâm-trạng của Gia-nhã-ba, liền thâu phép thần-thông lại, và Ngài mới bắt đầu giảng bài pháp về tánh-cách vô-thường, vô-ngã bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ-uẩn. Gia-nhã-ba lắng nghe và nhờ đó mà chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn.

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Thành-trì thân nầy dựng bằng xương,
Đắp bằng thịt và tô bằng máu,
Chất-chứa bên trong cảnh già-lão,
Chết-chóc, ngã-mạn và lừa-đảo.
(Kệ số 150.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Công-chúa: con gái của Vua.

- Gia-nhã-ba: tên công chúa nầy tiếng Pali là Janapadakalyànì.

- Hoàng-tử: con trai của Vua.

- Quy-y: Quy =quay về; Y = nương-tựa. Quy-y là lòng thề-nguyện quay về nương-tựa nơi Đức Phật và tin làm theo lời dạy của Ngài.

- Tỳ-kheo-ni: nữ tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Bhikkhuni.

- Cô-đơn = lẻ-loi, ở một mình chẳng có người bầu-bạn.

- Xuất-gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà. Chữ Xuất-gia trong Phật-học có nghĩa là rời bỏ nếp sống ở gia-đình, vào chùa đi tu.

- Tam-Bảo: Tam = ba; Bảo = ngôi báu, điều quí-báu. Ba ngôi Tam-Bảo Phật-bảo ( = Đức Phật), Pháp-Bảo ( = lời dạy của Đức Phật, kinh, kệ) và Tăng-Bảo ( =người xuất-gia tu-hành theo đường-lối của Đức Phật.)

- Thân-tâm ngũ-uẩn: Ngũ = năm; uẩn = sự tập-hợp có tánh-cách che-mờ. Ngũ uẩn gồm có: (1)sắc-uẩn, tấm thân vật-chất; (2)thọ-uẩn, các tình-cảm như vui, buồn; (3)tưởng-uẩn, các ý-tưởng trong lòng; (4) hành-uẩn, các hành-động, các biến-chuyển trong tâm; (5)thức-uẩn, các sự hiểu-biết trong tâm. Bốn uẩn sau thuộc về tâm; còn sắc-uẩn thuộc về thân.

- Vô-thường = Xin nhắc lại: vô-thường là chẳng bền-vững, hay biến-đổi, rồi bị hủy-diệt.

- Vô-ngã: Vô =chẳng; Ngã = ta, tôi. Vô-ngã là chẳng có chủ, không có thực-thể thường-còn, rỗng-rang, do sự tập-hợp mà có, hễ hết duyên thì rời nhau ra mà bị diệt đi.

- Bất-toại-nguyện: Bất =chẳng; toại =vừa ý; nguyện = mong-muốn. Bất-toại-nguyện là chẳng làm vừa lòng ta được, tức là gây ra khổ-đau.

- Tán-thán = khen-ngợi bực cao-quí.

- Đạp gai phải lấy gai mà lể: thành-ngữ nầy có nghĩa đen là, khi đạp gai nhọn, phải dùng kim nhọn mà lể (lể = cạy bật mũi gai ra). Ta thường nói: lấy độc trị độc. Ở đây, theo nghĩa bóng, vì Gia-nhã-ba quá mê-luyến sắc-đẹp, nên Đức Phật mới dùng sắc-đẹp chóng tàn-phai của cô thiếu-nữ để giúp Gia-nhã-ba bỏ được sự hãnh-diện về thân-sắc mình.

-Tríu-mến: quá yêu-chuộng, quá mê-thích và bấu-víu vào việc gì.

- Hãnh-diện = tự-cao, tự cho mình là hơn hết.

- Thần-thông = sức định-lực mạnh-mẽ của bực tu-hành cao, có thể làm các việc khác thường, như bay cao, biến-hoá, v.v.

- Mỹ-miều: rất đẹp và hiền-từ.

- Tuyệt-trần = vào hạng nhứt ở trần-gian.

- Trung-niên: Trung = trung-bình, ở giữa; Niên = tuổi, năm; Tuổi trung-niên vào khoảng bốn, năm mươi.

- Tóc hoa râm: trên mái tóc đã có nhiều sợi màu bạc trắng.

- Nhung-nhúc =nhiều lắm, bò ngổn-ngang.

-Tâm-trạng: Tâm =lòng; Trạng = tình-trạng; Tâm-trạng là cõi lòng đang vui, buồn, giận, ghét, v.v. sự thay-đổi về ý-nghĩ ở trong lòng.

- Tu-đà-huờn: Xin nhắc lại: đây là quả-vị thứ nhứt trong hàng Thanh-văn, còn gọi là Nhập-Lưu hay Thất-Lai. Người chứng quả Tu-đà-huờn dẹp bỏ được sự cố-chấp vào thân (thân-kiến), sự nghi-ngờ (hoài-nghi ) và sự tin theo các nghi-thức cúng-tế của tà-giáo (giới-cấm-thủ.)

- Thành-trì thân nầy: xem thân-thể vật-chất nầy bền-vững như thành-trì, như chẳng thể bị phá-huỷ được vậy.

- Ngã-mạn = kiêu-căng, phách-lối, quá tự-cao, quá hãnh-diện.

- Lừa-đảo: dối-gạt, gạt-gẫm.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc nhờ đâu mà công-chúa Gia-nhã-ba, người rất hãnh-diện về thân-sắc của mình, đã dẹp bỏ thân-kiến ra được khỏi tâm mà chứng-đắc quả-vị Tu-đà-huờn. Công-chúa đã chấp thân-tâm làm ngã, xem đó như bền-vững mãi với thời-gian, nay được Phật cho thấy, trước mắt, một thiếu-nữ trẻ đẹp, từ từ trở thành già-yếu rồi lăn ra chết; nhờ đó mà tâm-trí của công-chúa hiểu thấu lẽ vô-thường, vô-ngã bất-toại-nguyện của thân-tâm năm uẩn.

Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là một khi đã hiểu rõ được lẽ vô-thường, vô-ngã bất-toại-nguyện của thân-tâm, ta chẳng còn chấp chặt thân-thể nầy thường-còn mãi-mãi, thân ấy chẳng phải là ta; ta chính là phần tinh-thần có sự hiểu-biết, hằng còn, gọi là chơn-ngã ( = cái Ta thật-sự), hay là pháp-thân ( = tấm thân vô-hình, chẳng bị hư-hoại), còn được gọi là Phật-tánh ( = khả-năng giác-ngộ và giải-thoát như Đức Phật.) Tâm bỏ được việc xem thân-thể nầy là của Ta, là Ta, và nhận ra được Phật-tánh có sẵn nơi mình, còn mãi, tuy nay bị che-mờ vì sự si-mê, đó là tâm đã giác-ngộ, chỉ cần tu-tập theo đúng đường-lối của Phật dạy là vượt qua đến được bờ giải-thoát, chẳng còn phải khổ-đau, bất-toại-nguyện, trong cảnh sống Luân-hồi nữa.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 150:

- Hai câu đầu: đừng xem tấm thân nầy bền-vững như thành-trì, vì nó được đắp lên bằng xương, thịt và máu, rất dễ bị tan-rả.

- Hai câu sau: nằm bên trong thân vật-chất nầy, có sẵn sự già-yếu, sự chết-chóc rồi. Vì thế chẳng nên quá hãnh-diện về thân-sắc mà sanh ra ngã-mạn, lừa-dối kẻ khác bằng sự trau-chuốt thân-hình bề ngoài.

HỌC TẬP:

- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ lẽ vô-thường và đừng chấp vào thân-kiến.

(123).- Tích chuyện Hoàng-hậu Mạt-lợi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà hoàng-hậu Mạt-lợi.

Hoàng-hậu Mạt-lợi là vợ Vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la; cả hai vị rất tôn-sùng Đức Phật, thường đến nghe Đức Phật giảng-pháp. Hoàng-hậu có nuôi một con chó đực, cưng chiều như con. Một hôm, hoàng-hậu vào phòng tắm rửa mặt, con chó chạy theo. Khi Hoàng-hậu đến bên bồn nước, mắt nhìn qua khung cửa sổ, chó liền nhảy chồm lên, liếm liếm vào váy của bà. Thấy nhột-nhột có cảm-giác thích-thú, hoàng-hậu để yên cho chó liếm. Nào ngờ, bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc ngồi phía ngoài, nhìn thấy được cảnh ấy. Khi Hoàng-hậu trở ra, đức Vua giận-dữ nói: "Bà là người xấu-xa, bỉ-ổi, để cho con chó đực liếm váy bà." Hoàng-hậu giựt mình, liền nghĩ ra cách đối-đáp: "Tâu Hoàng-thượng, Ngài có nhìn lầm chăng? Căn phòng tắm nầy lạ-thường lắm. Kẻ nào vào phòng mà nhìn qua cửa sổ, ai ở bên ngoài nhìn vào phòng thấy rõ có cả hai người đấy. Nếu Hoàng-thượng chẳng tin, xin cứ bước vào, xem sao." Nhà Vua liền bước vào phòng tắm. Khi trở ra, Hoàng-hậu làm ra vẽ ngạc-nhiên, bảo: "—! Sao Hoàng-thượng lại dắt con dê-cái vào phòng, kỳ-cục quá vậy!" Nhà vua nhẹ dạ dễ tin, cứ tưởng đó là sự thật.

Kể từ hôm nói dối nhà Vua như thế, Hoàng-hậu rất ăn-năn tội-lỗi. Chẳng bao lâu, Hoàng-hậu bị bịnh, rồi mất, tâm-thần vẫn còn ân-hận việc đã dối vua, quên hết tất cả các công-đức bố-thí cúng-dường đã cùng nhà vua thi-hành lúc còn sống, Vì thế, bà bị sa vào điạ-ngục. Sau khi chôn-cất Hoàng-hậu xong, đức Vua đến yết-kiến Đức Phật, định thưa hỏi, chẳng biết Hoàng-hậu Mạt-lợi tái-sanh về cõi nào. Đức Phật chẳng muốn làm vua buồn lòng, nên hỏi sang chuyện khác, khiến nhà Vua quên mất ý-định tìm biết nơi thác-sanh của Hoàng-hậu.

Bảy ngày sau đó, Hoàng-hậu Mạt-lợi mãn hạn ở điạ-ngục, được thác-sanh lên cõi Trơì Đâu-suất, nhờ ở công-đức bố-thí, cúng-dường khi còn sống. Vào ngày hôm ấy, Đức Phật cùng chư Tăng đi đến hoàng-cung để khất-thực. Sau buổi ngọ-trai, nhà Vua sực nhớ đến câu hỏi dự-định hỏi Đức Phật khi trước, mới bạch với Phật. Đức Phật liền nói: "Hiện nay, Hoàng-hậu Mạt-lợi được tái-sanh trên cung Trời Đâu-suất." Nhà Vua rất vui mừng bạch cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, đệ-tử rất vui lòng khi được biết Hoàng-hậu sanh lên cõi Trời. Khi còn sống, Hoàng-hậu rất siêng-năng bố-thí và trông mong có dịp cung-thỉnh Đức Phật cùng chư Tăng đến hoàng-cung để cúng-dường. Nay Hoàng-hậu đã mất rồi, đệ-tử chẳng biết ngày ngày làm gì đây nữa." Đức Phật liền bảo: "Nhà vua chớ qua ưu-phiền, luyến-tiếc đến Hoàng-hậu. Nầy, Hoàng-thượng hãy nhìn chiếc long-xa kia, khi xưa Vua Cha đã trang-hoàng lộng-lẫy để lại cho Hoàng-thượng, nay nó đã cũ-kỹ, bỏ nằm yên trong góc phòng. Muôn sự-vật, kể cả tấm thân con người, đều theo lẽ vô-thường mà biến-đổi rồi bị hủy-diệt. Chỉ có Chánh-pháp mới chẳng bị sự già-lão làm cằn-cỗi!"

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Xe lộng-lẫy của Vua rồi cũng cũ,
Thân-thể nầy rồi cũng còm-cõi,
Chánh-pháp thiện-nhơn đâu cằn-cỗi,
Các bực chí-thiện thường nhắn-nhủ.
(Kệ số 151.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Hoàng-hậu = vợ chánh của Vua.

- Mạt-lợi: tên thật của Hoàng-hậu, tiếng Pali là Mallikà.

- Vua Ba-tư-nặc xứ Câu-tát-la: tên vị vua rất tôn-sùng đạo Phật nầy, tiếng Pali là Pasenadi, nước Kosala.

- Váy: quần của phụ-nữ, dài quá gối, chỉ có một ống.

- Bỉ-ổi = thô-xấu, đáng chê-khinh.

- Tâu Hoàng-thượng = lời nói cung-kính trình lên đức Vua.

- Ân-hận = ăn-năn, hối-tiếc.

- Thác-sanh = khi chết đi được sanh lại cõi khác.

- Trời Đâu-suất: cõi Trời cao nhứt của Dục-giới, nơi có Đức Di-Lặc giảng-pháp; tiếng Pali là Tusita.

- Hoàng-cung = cung-điện nhà Vua, nơi Vua ở.

- Ngọ-trai: Ngọ = 12 giờ trưa; Trai = bữa ăn chay.

- Bạch = thưa trình khi nói với bực tu-hành cao-quí.

- Long-xa: Long = con rồng; Xa = chiếc xe. Xe của vua ngự được gọi là long-xa.

- Vô-thường = Xin nhắc lại: vô-thường là chẳng thường-còn, hay biến-đổi, suy-tàn rồi bị huỷ-diệt.

- Cằn-cỗi = già-cả, khô-héo, mất hết sanh-lực đi.

- Còm-cõi = quá già-nua, lưng còng, da nhăn, gầy-yếu.

- Chánh-pháp = lời dạy của Đức Phật về đường-tu để được giác-ngộ và giải-thoát.

- Thiện-nhơn, Chí-thiện: Thiện = lành; Nhơn = người; Chí = đến, hết sức, thật cao. Bực Chí-thiện là người hết sức lành; ý muốn nói bực Thánh.

- Nhắn-nhủ: nhắc-nhở, thường chỉ-dạy cho.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

1) Vì nói dối, hoàng-hậu Mạt-lợi mặc dầu có công-đức bố-thí, cũng vẫn bị sa địa-ngục. Giới thứ tư của người tu tại-gia là cấm nói dối.

2) Lẽ vô-thường ( = chẳng thường-còn, bị biến-đổi và hủy-diệt) ứng vào các sự-vật có hình-tướng, như chiếc xe của vua, lâu rồi cũng bị cũ và hư. Nhưng với Chánh-pháp, lời giảng-dạy của Đức Phật lúc nào cũng đúng và ở đâu cũng đúng, nên thoát ra ngoài lẽ vô-thường.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 151:

Cũng như các bài Kệ trước, từ số 147, bài Kệ nầy dạy ta về lẽ vô-thường, lấy chiếc long-xa ra làm thí-dụ. Xe vua lộng-lẫy rồi cũng cũ, mà thân người ngồi trên xe ấy, với thời-gian, cũng sẽ già-nua, còm-cõi. Chỉ có Chánh-pháp, được các bực Thánh-nhơn tuyên-dạy rõ mới chẳng bị lẽ vô-thường chi-phối.

HỌC TẬP:

1.- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ mọi sự-vật có hình-tướng đều bị lẽ vô-thường chi-phối cả; chớ nên quá luyến-tiếc khi tài-sản của mình bị hư-tán.

2.- Nói dối thường là bịa chuyện khác ra để tránh tội; nhưng còn có một hình-thức nói dối nữa là im-lặng, dấu tội mình chẳng dám nói ra.

(124).- Tích chuyện tỳ-kheo Lã-lưu.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị tỳ-kheo tên là Lã-lưu.

Thuở ấy, có vị tỳ-kheo tên là Lã-lưu, ít trí thông-minh, tánh lại hay lơ-đãng. Vị ấy vụng-về, ít khi biết nói những lời cho hợp thời, hợp cảnh. Gặp việc vui, vị ấy lại đem chuyện buồn ra nói; còn khi gặp dịp đau-buồn, vị ấy lại nhắc đến chuyện tức-cười. Nhiều bạn đồng-tu đã nhắc-nhở cho tỳ-kheo Lã-lưu nên tế-nhị, nói cho đúng lúc, hợp tình, nhưng chứng nào tật nấy, Lã-lưu chẳng mở-mang thêm trí-huệ chút nào cả. Sự-việc đến tai Đức Phật, Ngài bảo: "Người kém trí như tỳ-kheo Lã-lưu, chẳng có kiến-thức chi, cũng giống như con bò, thân-thể có to-lớn thêm theo năm tháng, mà trí-óc vẫn tối-mò."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Già đời người ít học,
Chẳng khác chi con bò.
Bắp-thịt có thêm to,
Trí-huệ vẫn tối-mò.
(Kệ số 152.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Lã-lưu: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Làludàyì.

- Lơ-đãng = ít có sự chú-ý, thiếu sự chú-tâm, hay vô-ý.

- Tế-nhị: Tế = nhỏ-nhắn, xinh-xắn;Nhị = bóng mượt. Chữ tế-nhị dùng ở đây theo nghĩa là khéo-léo, suy-nghĩ kỹ-lưỡng trước khi nói hay làm. Người tế-nhị chẳng bật cười khi thấy có người trợt té.

- Kiến-thức: Kiến = thấy; Thức = hiểu-biết. Kiến-thức là sự hiểu-biết do học-tập mà có được.

- Trí-huệ: trí thông-minh. Trong Phật-học, chữ Trí-huệ có nghĩa đặc-biệt, chỉ trí thông-minh sáng-suốt đã giác-ngộ được Chơn-lý, dùng để dịch chữ Bát-nhã (Pali:Prajna), Trí vượt qua bờ giác-ngộ và giải-thoát.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ kể lại việc một vị tỳ-kheo tánh hay lơ-đãng, lại ít học nên trí-huệ chẳng mở-mang. Đức Phật ví người kém trí như con bò, thân-thể có to-lớn thêm, nhưng tâm-trí vẫn si-mê, u-tối.

Ý-nghĩa của Tích chuyện khuyên ta, trong sự tu-hành, phải biết học-tập mở-mang kiến-thức, phát-triển trí-huệ, để được giác-ngộ và giải-thoát. Vấn-đề đặt ra là làm thế nào để có được Trí-huệ? Xin thử xét qua các điểm quan-trọng về vấn-đề Trí-huệ trong Đạo Phật.

1.- Đạo Phật lấy Từ-bi và Trí-huệ làm tôn-chỉ: điều nầy có nghĩa là người tu-hành phải luôn luôn: (a) thương-yêu và giúp-đỡ mọi chúng-sanh; (b) mở-mang tâm-trí để biết chọn điều lành, bỏ điều ác và giữ-gìn tư-tưởng cho trong-sạch, hướng về con đường giác-ngộ và giải-thoát.

2.- Trí-Huệ trong Đạo Phật khác với Trí thông-minh ngoài đời: người đời cho mình là khôn khi khéo biết làm lợi cho mình, cho gia-đình mình, đó là thế-trí, cái Trí của người đời chưa tu-hành. Trong đạo Phật, Trí-huệ chẳng những khéo-léo biết làm lợi mình mà lợi cả cho người ngoài, và nhứt là thấy được con đường giải-thoát mọi khổ-đau của cuộc đời. Vì lẽ nầy, Trí-huệ còn được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật (tiếng Pali: Prajna Paramita) giúp ta vượt qua bờ bên kia, nghĩa là bờ giác-ngộ và giải-thoát, chẳng còn phải bị tái-sanh trong cõi Luân-hồi khổ-đau nữa.

3.- Tam-Học Giới-Định-Huệ giúp ta phát-triển Trí-huệ: Con đường phát-triển Trí-huệ là con đường Tam-Học, gồm có ba điều: (1)Giới, giữ-gìn thật châu-đáo các điều giới-cấm; đây là kỷ-luật tự-giác, tự mình kiểm-soát lấy mình; (2) Định, giữ-gìn các giác-quan chẳng để cảnh bên ngoài lôi-cuốn và nhứt là bên trong, tâm chẳng chạy lang-bang, chẳng lo ra, luôn luôn biết chú-tâm và dẹp bỏ các ý-nghĩ sai-lầm; (3)Huệ, sáng-suốt nhận-định điều lành để theo, việc ác để tránh, hiểu thấu-đáo thân-phận con người và bổn-thể rỗng-rang của muôn sự-vật, biết và làm theo con đường giác-ngộ và giải-thoát.

Tuy phân ra ba việc Giới, Định, Huệ, nhưng khi thực-hành, phải làm cùng một lúc cả ba việc, chẳng sót việc nào. Tại sao? Vì biết giữ giới, theo đúng kỷ-luật tự-giác, tâm-trí sẽ dừng lại, chẳng chạy lung-tung, nhờ đó mà được Định; có được định-lực, thì Trí-huệ mới phát-triển lên.

Ngược lại, nhờ có Trí-huệ, tâm-trí được an-định biết khép mình vào kỷ-luật, do đó việc giữ giới sẽ dễ-dàng và châu-đáo hơn.

4.- Muốn phát-triển Trí-Huệ nhanh-chóng, cần theo đúng đường-lối Văn-Huệ, Tư-Huệ và Tu-Huệ, gọi tắt là Văn, Tư, Tu.

Thế nào là Văn, Tư, Tu?

(a) Văn là nghe. Nghe gì? Nghe và hiểu rõ về Kinh, Kệ bằng cách theo dõi các buổi giảng-pháp ở chùa, hay đọc sách dạy về giáo-lý;

(b) là suy-nghĩ; suy-nghĩ thật sâu-xa và tìm cách áp-dụng vào đời sống những lời dạy của Đức Phật nói trong Kinh-Kệ;

(c) Tu là sửa đổi. Sửa đổi cái chi? Sửa đổi tánh-tình cho có đức-hạnh, biết suy-nghĩ cho chín-chắn, chẳng lo ra, chẳng nghĩ lang-bang.

Áp-dụng đường-lối Văn, Tư, Tu là mỗi tuần phải đi chùa nghe giảng-pháp; nghe xong, phải hiểu rõ lời Phật dạy, suy-nghĩ cho kỹ, hễ còn chút nghi-ngờ chưa thấu, phải thưa hỏi lại ngay; và ghi nhớ thật đầy-đủ áp-dụng vào đời sống tu-hành của mình những điều đã học-hỏi được. Điều quan-trọng trong pháp Văn, Tư, Tu là phải biết quay về bên trong tâm mình, xét xem điều mình nghe, mình đã hiểu rõ chưa, đã suy-nghĩ sâu-xa về điều mình vừa mới hiểu thêm chưa, và chính mình đã áp-dụng điều mình vừa nghe chưa. Có quay về với lòng mình như thế, thì pháp Văn, Tư, Tu mới có hiệu-quả thiết-thực cho đời sống tu-hành của mình.

5.- Chẳng cần có nhiều kiến-thức, thà biết ít mà biết chắc: học cho nhiều, biết cho lắm, mà chưa sắp-xếp cho có thứ-tự, thì thành ra rối Trí, có hại cho việc phát-triển Trí-huệ. Vì thế, nên chọn một pháp-môn duy-nhứt và chỉ nên nghe, học, suy-nghĩ, và thực-hành cho kỹ pháp-môn ấy.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 152:

Bài Kệ chẳng có chữ nào khó hiểu; nhưng ý-nghĩa rất sâu-xa, dạy ta phải biết phát-triển Trí-huệ, để được giác-ngộ và giải-thoát, theo đúng điều thứ hai trong Tôn-chỉ của Đạo Phật: Từ-bi và Trí-huệ.

Tu theo đạo Phật chẳng phải là chờ Phật độ cho mình thành Phật, mà là phải học hỏi lời Phật dạy, hiểu và thi-hành theo, để tự-mình tu-tập hầu đời nầy hay vào các đời sau mình được giải-thoát như Đức Phật.

HỌC TẬP:

- Học kỹ bài Kệ, đọc cho con-cái nghe khi chúng làm biếng học.

(125).- Tích chuyện Đức Phật thành Đạo.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp theo lời thỉnh-cầu của Tôn-giả A-nan, có đề-cập đến sự-tích Thành-Đạo của Đức Phật Thích-ca.

Thái-tử Tất-đạt-ta, họ Cồ-đàm, là con của Vua Tịnh-phạn và Hoàng-hậu Ma-gia, trị-vì tại thành Ca-tỳ-la-vệ. Đến năm hai mươi chín tuổi, Thái-tử rời cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn, xuất-gia đi tu thành một người ẩn-sĩ khổ-hạnh, dạo khắp châu-thổ sông Hằng, tìm thầy học Đạo. Các vị thầy đều dạy Thiền, nhưng giáo-lý của họ chẳng làm thoả-mãn lòng tìm kiếm Chơn-lý của Thái-tử Tất-đạt-ta, nên Ngài quyết-tâm theo con đường riêng của mình. Ngài sống khổ-hạnh trong sáu năm nơi rừng sâu, ép mình theo một kỷ-luật khắc-khổ. Cho đến khi bị ngất xỉu và được thôn-nữ Thiện-Sanh dâng bát sữa, Ngài tĩnh-ngộ, bỏ lối tu khắc-khổ, chọn con đường Trung-Đạo, lánh xa hai cực-đoan: lợi-dưỡng và khổ-hạnh. Con đường Trung-Đạo chính là Bát-Chánh-đạo gồm có: Chánh-kiến, Chánh-tư-duy, Chánh-ngữ, Chánh-nghiệp, Chánh-mạng, Chánh tinh-tấn, Chánh niệm và Chánh-định, đưa đến cảnh-giới an-lạc, vắng-lặng của Niết-Bàn.

Sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi nhập-định dưới cội cây Bồ-đề, bên bờ sông Ni-liên-thiền, thái-tử Tất-đạt-ta chứng-đắc được quả-vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, vào năm ba mươi lăm tuổi. Vào khoảng canh đầu đêm ấy, Thái-tử chứng được Túc-mạng-minh biết rõ được vô-số kiếp đã qua. Đến canh giữa, Ngài chứng được Thiên-nhãn-minh, thấy rõ nguyên-nhơn khiến cho chúng-sanh phải tái-sanh ở cõi nầy, cõi nọ. Vào khoảng canh cuối cùng của đêm, Ngài chứng được Lậu-tận-minh, dứt mọi lậu-hoặc, giải-thoát được cảnh sanh-tử của Luân-hồi với Lý-thuyết Thập-Nhị Nhơn-Duyên theo hai chiều lưu-chuyển và hoàn-diệt. Đến khi bình-minh ló dạng, Thái-tử Tất-đạt-ta chứng được bốn Chơn-lý nhiệm-mầu là Tứ Diệu-Đế. Với Trí-huệ hoàn-toàn sáng-suốt Ngài chiếu-soi bốn Chơn-lý: Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế và Đạo-đế, thấy rõ bổn-thể của mỗi Chơn-lý, sự cần-thiết phải thực-hiện về mỗi Chơn-lý và sự hoàn-tất việc thực-hiện về mỗi Chơn-lý; do đó, Ngài chứng-đắc được Trí-huệ đại-giác của Phật-đà, trở thành Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

Chỉ sau khi bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu hiện lên thật rõ-ràng, trong-suốt nơi tâm thanh-tịnh của Ngài, với ba lần chuyển và mười hai hành-tướng, Ngài mới tuyên-bố lên cho tất cả ở cõi Người, cõi Trời và cõi Phạm-thiên biết rằng Ngài đã chứng-đắc được quả-vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

Liền sau khi đã giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn, Ngài thốt lên bài Chứng-đạo-ca, diễn thành ra hai bài Kệ sau đây:

Lang-thang qua bao kiếp Luân-hồi,
Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp
Kẻ xây dựng lên ngôi nhà nầy,
Cứ mãi tái-sanh, khổ-sở thay!
(Kệ số 153.)

Ô kià! Anh thợ làm nhà!
Nay ta bắt gặp, khó mà xây thêm.
Cây đòn-tay bên thềm gẫy đổ,
Rui mè, kèo cột bỏ ngổn-ngang.
Ta nay chứng-đắc Niết-Bàn,
Ái-tham, dục-vọng, hoàn-toàn tiêu-vong.
(Kệ số 154.)

TÌM HIỂU:

Xin Lưu-Ý:

Tích chuyện Thành-Đạo của Phật Thích-Ca vừa được đọc qua vốn được kết-tập dựa theo Kinh Chuyển Pháp-Luân. Kinh nầy được Đức Phật, sau khi chứng-đắc quả-vị Phật, tuyên-giảng cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe, tại vườn Lộc-uyển, thành Ba-la-nại.

Vì ý Kinh rất thâm-sâu và Tích chuyện lại dùng nhiều danh-từ chuyên-môn khó hiểu, Thiện-Nhựt mạn phép viết lại hai đoạn chót của Tích chuyện theo lời-lẽ thông-thường, trước khi bắt đầu việc TÌM HIỂU:

" ... Sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi thiền dưới cội cây Bồ-đề, Thái-tử Tất-đạt-ta chứng được quả-vị Phật. Vào đêm cuối, Ngài lần-lượt chứng được Túc-mạng-minh, nhớ được các kiếp sống đã qua, Thiên-nhãn-minh, nhìn thấy chúng-sanh phải tái-sanh mãi trong cảnh Luân-hồi và Lậu-tận-minh, dứt-khoát dẹp tan mọi lậu-hoặc nơi thân-tâm mình. .

Khi bình-minh vừa ló dạng, Ngài chứng-đắc được bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu là Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế, và Đạo-đế. Tâm-trí thanh-tịnh của Ngài lần-lượt chiếu-soi từng Chơn-lý, thấy rõ thế nào là Khổ ( = Khổ-đế) cần được hiểu rõ; nguyên-nhơn đã gây ra Khổ ( = Tập-đế) cần được đoạn-tận; đến sự tận-diệt của Khổ ( = Diệt-đế), cần được chứng-ngộ và con đường đi đến sự tận-diệt Khổ ( = Đạo-đế), cần được tu-tập. Về mỗi Chơn-lý, tâm-trí thanh-tịnh của Ngài lần-lượt chuyển-động qua ba giai-đoạn gọi là ba lần chuyển: (1)thấy rõ, (2) đang hiểu và (3) đã thông-đạt chẳng còn chút nghi-ngờ; ba lần chuyển-động như thế cho bốn Chơn-lý thành ra là mười hai hành-tướng.

Bấy giờ, biết chắc mình đã chứng được Trí-Huệ Bát-nhã Ba-la-mật, Ngài mới tuyên bố cùng mọi chúng-sanh trong ba cõi, rằng Ngài đã đạt được ngôi-vị Phật. Sau đó, Ngài thốt lên bài Chứng-đạo-ca, tức là hai bài Kệ số 153 và 154.

A.- Nghĩa Chữ:

- Sự-tích Thành-Đạo: những sự-việc có thật đã xãy ra khi Thái-tử Tất-đạt-ta hoàn-thành việc tu-tập để chứng-đắc ngôi-vị Phật.

- Thái-tử: con trai lớn của Vua, sẽ nối ngôi Vua.

- Tất-đạt-ta: tên của Đức Phật Thích-ca, khi chưa xuất-gia; tiếng Pali là Siddhattha.

- Cồ-đàm: họ của thái-tử Tất-đạt-ta; tiếng Pali là Gotama.

- Tịnh-phạn = tên Vua cha của Thái-tử Tất-đạt-ta, tiếng Pali là Suddhodana.

- Ma-gia: tên của Hoàng-hậu, mẹ của Thái-tử Tất-đạt-ta, tiếng Pali là Màyà.

- Ca-tỳ-la-vệ: thủ-đô nước Xá-vệ, quê-hương của Thái-tử, nay thuộc phần đất của vương-quốc Nepal; tiếng Pali là Kapilavatthu.

- Vợ đẹp con khôn: Vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta là công-chúa Gia-du-đà-la ( Yasodharà); con của Thái-tử là La-hầu-la (Rahula).

- Châu-thổ: Châu = cồn, bãi cát đất; Thổ = đất. Châu-thổ là khu-vực hai bên dọc theo dòng sông.

- sông Hằng: một con sông lớn ở Ấn-độ, tiếng Pali là Gangà.

- Chơn-lý = Sự-Thật. Ở đây, ý muốn nói đến Sự-Thật thoát được mọi khổ-đau trong thân-phận của mọi chúng-sanh.

- Khổ-hạnh = Khổ = khắc-khổ; Hạnh = hạnh-kiểm; hành-động. Khổ-hạnh là cuộc sống khắc-khổ, thiếu-thốn; tương-truyền rằng khi tu khổ-hạnh, thái-tử Tất-đạt-ta chỉ ăn mỗi ngày có mấy hột mè, thân-thể gầy-yếu, chỉ còn da bọc xương.

- Thiện-Sanh: dịch nghĩa tên của nàng thôn-nữ, tiếng Pali là Sujàtà

- Tĩnh-ngộ: thức-tỉnh, nhận biết mình đã lầm.

- Trung-Đạo: Trung = ở giữa; Đạo = con đường. Trung-Đạo là con đường ở giữa, tránh xa cả hai nẻo khắc-khổ hưởng-thọ. Trung-Đạo, tiếng Pali là Majjhinapatipadà.

- Cực-đoan: Cực = rất, cùng-cực, quá-mức; đoan = đầu cùng; mức cuối; Cực-đoan là chỗ quá mức; ở đây nói về lối sống, có hai cực-đoan: một đầu chỉ lo hưởng thọ vật-chất đầy-đủ, phủ-phê, gọi là lợi-dưỡng; còn một đầu nhịn ăn, chịu đói lạnh, ép-xác, gọi là khổ-hạnh.

- Lợi-dưỡng = hưởng lợi thật đầy-đủ về vật-chất.

- Chánh-kiến = ý-kiến đứng-đắn, chơn chánh.

- Chánh tư-duy = suy-nghĩ đứng-đắn, chơn-chánh.

- Chánh ngữ = lời nói đứng-đắn, chơn-chánh

- Chánh nghiệp = việc làm, hành-động, sự-nghiệp đứng-đắn, chơn-chánh.

- Chánh-mạng = nghề-nghiệp sanh-sống đứng-đắn, chơn-chánh.

- Chánh-tịnh-tấn = nỗ-lực, cố-gắng đứng-đắn, chơn-chánh.

- Chánh-niệm = ý-nghĩ, tư-tưởng trong tâm đứng-đắn, chơn-chánh

- Chánh-định = tâm-ý dừng lại, chẳng nghĩ ngợi lang-bang, giữ trong sự lặng-lẽ đứng-đắn, chơn-chánh.

- An-lạc: An = yên; Lạc = vui; cảnh an-lạc là cảnh yên-vui, sướng.

- Niết-Bàn: tâm-trạng của người đã dứt bỏ hết mọi phiền-não, chẳng còn tái-sanh nữa. Theo tiếng Phạn Nirvana, có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối, tức là thoát khỏi mọi phiền-não, mê-lầm, ngu-tối.

- Nhập-định: Nhập = vào; Định = ở yên. Nhập-định là ngồi Thiền, tâm-trí vắng-lặng, yên-ổn, ý-tưởng dừng lại, chẳng xao-lãng.

- Bồ-đề: chữ Phạn là Bodhi, nghĩa là giác-ngộ, hiểu rõ lẽ sống chết của chúng-sanh. Nguyên là cây Pippala, thân cao trên 10 thước, cành to, lá hình trái-tim, hột to có thể kết thành chuỗi, Thái-tử Tất-đạt-ta ngồi Thiền 49 ngày đêm dưới gốc cây nầy, thành Phật, nên gọi là cây Bồ-đề.

- Sông Ni-liên-thiền: sông khá rộng ở Ấn-độ, tên tiếng Pali là Neranjarà.

- Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác: Vô-thượng = cao nhứt, chẳng có gì cao hơn; Chánh-đẳng = ở vào hàng cao-quí, chơn-chánh nhứt; Chánh-giác = giác-ngộ chơn-chánh nhứt. Quả-vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác dịch nghĩa chữ Phạn Anouttara Samyas Sambôdhi, còn gọi là Vô-thượng Bồ-đề, hay nói gọn hơn nữa là thành Phật.

- Canh đầu, canh giữa, canh cuối: ở Ấn-độ, ban đêm chia ra ba canh; khác với Việt-nam, đêm có năm canh, mỗi canh hai giờ.

- Túc-mạng-minh: Túc = ngày xưa; Mạng = đời, kiếp sống; Minh = biết rõ. Túc-mạng-minh là khả-năng nhớ được các đời sống đã qua; tiếng Pali là Pubbenivàsànussati nàna.

- Thiên-nhãn-minh: Thiên = Trời; Nhãn = con mắt; Minh = biết rõ. Thiên-nhãn-minh là khả-năng nhìn thấy được các sự-vật bị ngăn-che; tiếng Pali là Dibbacakkhu nàna.

- Lậu-tận-minh: Lậu = lậu-hoặc, các phiền-não từ bên trong rỉ chảy lộ ra thành hành-động xấu-ác; Tận = dứt hết; Minh = biết rõ. Chứng được Lậu-tận-minh thì dứt hết các phiền-não bên trong mà trở nên giải-thoát.

- Thuyết Thập-nhị Nhơn-Duyên: Thuyết = lý-thuyết; Thập-nhị = mười hai; Nhơn-duyên = nguyên-cớ. Thuyết nầy được dịch là thuyết Mười hai Nhơn-duyên, tiếng Pali là Paticcasamuppàda.

Thuyết nầy có hai chiều;

(a) chiều lưu-chuyển là (1)Vô-minh( = sự ngu-tối) duyên Hành ( =hành-nghiệp, hành-động); (2)Hành duyên Thức ( = sự hiểu-biết); (3) Thức duyên Danh-sắc ( =tên hay tâm và vật); (4) Danh-sắc duyên Lục-nhập ( = sáu giác-quan); (5) Lục-nhập duyên Xúc ( = sự va-chạm); (6) Xúc duyên Thọ ( = cảm-giác); (7) Thọ duyên Ái ( = yêu thích); (8) Ái duyên Thủ ( = chấp chặt giữ lấy); (9) Thủ duyên Hữu ( = đời sống); (10) Hữu duyên Sanh ( =sự sanh-đẻ ra, tái-sanh); (11) Sanh duyên Tử ( = chết); (12) Tử duyên Vô-minh. Theo chiều lưu-chuyển nầy, thì cứ mãi mãi sanh-tử, tử-sanh trong vòng Luân-hồi (Chữ duyên dùng ở đây có nghĩa là: do đó mà sanh ra)

(b) chiều hoàn-diệt là: (1) Hết-vô-minh thì dứt Hành; (2) Hành dứt thì Thức dứt; (3) Thức dứt thì Danh-sắc dứt; (4)Danh-sắc dứt thì Lục-nhập dứt; (5) Lục-nhập dứt thì Xúc dứt; (6)Xúc dứt thì Thọ dứt; (7) Thọ dứt thì Ái dứt; (8) Ái dứt thì Thủ dứt; (9)Thủ dứt thì Hữu dứt; (10) Hữu dứt thì Sanh dứt; (11)Sanh dứt thì Tử dứt. Theo chiều hoàn-diệt nầy thì ra khỏi được vòng sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi, đắc quả-vi Duyên-giác.

- Lưu-chuyển: Lưu =chảy; Chuyển = chuyển-động. Chiều Lưu-chuyển của Thuyết 12 Nhơn-duyên cho thấy rõ tại sao chúng-sanh phải trôi lăn mãi trong cõi đau-khổ của Luân-hồi. Tiếng Pali gọi chiều lưu-chuyển Anuloma. Về chữ duyên dùng trong chiều lưu-chuyển, như nói "Vô-minh duyên Hành", có nghĩa là gây nên, tạo ra cơ-hội cho việc sau xãy đến; tức là: "Vì đã có Vô-minh, nên Hành mới sanh ra, mới có theo."

- Hoàn-diệt: Hoàn = trở lại; Diệt = tiêu mất. Theo chiều hoàn-diệt thì phá vỡ được vòng lẩn-quẩn sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi. Hễ phá-vỡ được một nguyên-nhơn trong mười hai nhơn-duyên, là vòng tròn lẩn-quẩn bị đứt, nhờ đó mà giải-thoát được khỏi Luân-hồi. Tiếng Pali gọi chiều Hoàn-diệt Patiloma.

- Tứ-Diệu-Đế: Tứ = bốn; Diệu = nhiệm-mầu; Đế = Chơn-lý.

- Khổ-đế = Chơn-lý về sự đau-khổ của thân-phận chúng-sanh trong cõi Luân-hồi. Phật-học Bắc-tông phân-biệt tám sự Khổ, được gọi là Bát-Khổ: (1) Sanh là Khổ; (2)Lão, già là Khổ;(3)Bịnh, đau-ốm là Khổ; (4)Tử, chết là Khổ; (5)Ái biệt-ly, thương nhau phải xa nhau là Khổ; (6)Oán tăng hội, ghét nhau mà phải gần nhau là Khổ; (7)Cầu bất đắc, mong-cầu mà chẳng được là Khổ; (8)ngũ-ấm xí thạnh, thân năm uẩn phát-triển quá mạnh và thiếu thăng-bằng, là Khổ. Tiếng Pali gọi Khổ-đế là Dukkha Ariya Sacca.

- Tập-đế = Chơn-lý về nguyên-nhơn của Khổ, tức là sự tham-ái; còn gọi là khát-ái, ái-dục. Tiếng Pali gọi Tập-đế là Samudaya Ariya Sacca

- Diệt-đế = Chơn-lý về sự tiêu-diệt mọi Khổ-đau, tức là chứng-đắc được cảnh an-lạc của Niết-Bàn. Tiếng Pali gọi Diệt-đế là Nirodha Ariya Sacca.

- Đạo-đế = Chơn-lý về con đường đưa đến sự giác-ngộ và giải-thoát, tức là Bát-Chánh-Đạo, hay Bát-Thánh-Đạo, hay con đường Trung-Đạo. Con đường nầy có tám ngành, được kể ra trong Tích chuyện. Tiếng Pali gọi Đạo-đế là Magga Ariya Sacca.

- Đại-giác: Đại = lớn; Giác = biết rõ. Đại-giác là hoàn-toàn giác-ngộ.

- Phật-đà: phiên-âm chữ Phạn Buddha, có nghĩa là Đại-giác.

- Mâu-ni: phiên âm chữ Phạn Mouni, có nghĩa là bực nhơn-từ, đức-hạnh và tịch-tĩnh. Trong Phật-hiệu Thích-ca Mâu-ni, chữ Thích-ca là dòng họ, chữ Mâu-ni là tiếng tôn-xưng Ngài là bực nhơn-từ, tịch-tĩnh.

- Ba lần chuyển: ba lần tâm chuyển-động; đó là: (1)biết đang thấy, (2)biết đang hiểu, (3)biết đã hiểu chẳng còn nghi-ngờ.

- Mười hai hành-tướng: Hành-tướng =hình-tướng chuyển-động của Tâm. Mười hai hành-tướng đó là ba lần chuyển cho mỗi Chơn-lý, nhơn lên cho bốn Chơn-lý, thành ra mười hai hành-tướng của Tâm.

- Chứng-đạo-ca: Chứng = chứng-đắc, biết chắc đã được; Đạo = đường-lối tu-hành; Ca = bài thơ, bài Kệ, bài hát. Các bực tu-hành khi được đắc-đạo, thường thốt ra lời cảm-xúc nói lên sự chứng-đạo của mình.

- Ngôi nhà nầy = nghĩa bóng, ngôi nhà ở đây thân-tâm.

- Tái-sanh = sanh trở lại cõi đời sướng ít khổ nhiều nầy.

- Cây đòn-tay = xà ngang, khúc gỗ lớn nằm ngang trên sườn nhà.

- Rui, mè, kèo = những khúc gỗ để dựng lên nóc nhà.

- Ái-tham: Ái =yêu, thích; Tham = ham quá.

- Dục-vọng: Dục = ham-muốn; Vọng = vọng-cầu.

- Tiêu-vong = tiêu mất đi hết cả. (Vong = mất.)

- Kết-tập = dựa theo lời Phật giảng mà ghi nhớ lại và chép lại thành Kinh, sách, cho người sau đọc.

- Kinh Chuyển Pháp-Luân: Chuyển = quay, chuyển-động; Pháp = pháp-tu; Luân = bánh xe; Chuyển Pháp-Luân là quay bánh xe Pháp, tức là đem Chánh-pháp ra giảng-dạy. Kinh nầy là bài pháp đầu-tiên của Đức Phật Thích-ca, ngay sau khi Thành-Đạo.

- Kiều-trần-như: tên của vị tu-sĩ tu khổ-hạnh, vốn là bạn đồng-tu với Thái-tử Tất-đạt-ta. Sau khi nghe Kinh Chuyển Pháp-Luân, ông Kiều trần-như đắc quả A-la-hán. Tèn tiếng Pali là Annatàkondanna.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại sự-tích có thật của việc thành Đạo của Đức Phật Thích-ca, vì thế rất quan-trọng cho người Phật-tử, để có đầy-đủ lòng tin vào Đức Phật. Tích chuyện mang nhiều ý-nghĩa quan-trọng sau đây:

1) Sự-tích của Đức Phật Thích-ca là việc có thật: còn rất nhiều chứng-tích chứng thật lịch-sử của Đức Phật ở Ấn-độ, ở Nepal, như các trụ-đá của vua A-dục, tháp Đại-giác, Bồ-đề đạo-tràng, núi Linh-thứu, vuờn Lâm-tỳ-ni, thành Ca-tỳ-la-vệ, v.v. Người Phật-tử biết vị giáo-chủ của mình, trước cũng là người như mình, chớ chẳng phải Thần-thánh chi, chính nhờ tu-tập mà Ngài mới thành Phật.

2) Sự tu-hành khổ-hạnh sáu năm của Thái-tử Tất-đạt-ta chẳng phải là vô-ích, mặc dù về sau con đường Trung-Đạo khuyên nên tránh đi. Tại sao? Vì sự khổ-hạnh luyện cho ta biết tuân theo một kỷ-luật chặt-chẽ để tu-hành; tu mà chẳng theo một kỷ-luật, vui thì tu, chán thì thôi, làm sao mà thành-công được. Ngày nay, ta có tránh là tránh ép-xác, vì có hại cho sức khoẻ; nhưng phải biết khép mình vào kỷ-luật tu-tập hằng ngày.

3) Thời-gian dài nhập-định bốn mươi chín ngày đêm có vẻ khó tin được, vì còn các nhu-cầu về thể-xác như ăn-uống, tiểu-tiện. Nhưng khoa-học đã chứng-minh, khi thân-tâm hoàn-toàn trong tư-thế tĩnh-lặng, các bộ máy tiêu-hoá, bài-tiết bên trong đều chạy chậm lại. Ý-nghĩa quan-trọng cho người Phật-tử là khi ngồi Thiền, phải bền gan chịu đựng sự tê chơn, mỏi lưng, v.v. mới có thể điều-phục được tâm-ý trong một thời-gian lâu mà nhập-định.

4) Một điểm quan-trọng nhứt về Bốn Chơn-Lý Nhiệm-mầu: Khổ, Tập, Diệt, Đạo: khi quán-chiếu rõ-ràng và trước khi tuyên-bố đã đắc-đạo, tâm-trí của Đức Phật trải qua ba lần chuyển và mười hai hành-tướng.

Điều đó có nghĩa là gì? Mười hai hành-tướng là mười hai lần chuyển-động của Tâm. Chuyển-động như thế nào? Mỗi lần quán-chiếu một Chơn-lý, Tâm ghi-nhận: (1)quán-thấy được Chơn-lý, thấy được bổn-thể của nó; (2)soi-thấu được sự cần-thiết cần phải thực-hành về Chơn-lý đó, tức là đang hiểu rõ về Chơn-lý đó; (3)chiếu-nhận đã hoàn-tất việc thực-hiện Chơn-lý đó, tức là đã hiểu rõ và thi-hành xong về Chơn-lý đó, chẳng còn chút nghi-ngờ nào cả.

Riêng khi ghi-nhận lần thứ nhì, soi-thấu sự cần-thiết cần phải thực-hành về Chơn-lý đó, thì mỗi Chơn-lý mỗi khác:

- về Khổ-đế, cần phải liễu-tri, nghĩa là biết thật rõ-ràng;

- về Tập-đế, cần phải đoạn-tận, nghĩa là phải tiêu-diệt cho hết nguyên-nhơn gây ra đau-khổ là sự tham-ái.

- về Diệt-đế, cần phải chứng-ngộ, nghĩa là phải tu-hành thế nào để đắc cho được cảnh-giới Niết-Bàn an-lạc;

- về Đạo-đế, cần phải tu-tập, nghĩa là phải áp-dụng vào đời sống tu-hành, cả tám ngành của Bát-Chánh-Đạo.

Trong mỗi lần Tâm chuyển-động, khi quán-chiếu Tứ-Diệu-Đế, Thái-tử Tất-đạt-ta đều ghi-nhận rõ-ràng mỗi hành-tướng; như thế, tâm-trí Ngài hoàn-toàn theo dõi và kiểm-soát được chính tâm của Ngài; đó chính là tâm chiếu lấy tâm, trong sự thanh-tịnh hoàn-toàn. Đây là bài học vô-cùng quí-giá cho những người hành Thiền, nhập Định.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 153 và 154:

Hai bài Kệ nầy quan-trọng vào bực nhứt, người Phật-tử cần học thật kỹ. Các nhà văn trên thế-giới xem đấy như là một trong các bài thơ tuyệt-tác của nhơn-loại. Thiện-Nhựt rất lo-ngại chẳng biết khi chuyển-dịch sang tiếng Việt, có còn giữ được ý-vị của bài Kệ nguyên-tác hay chăng.

Cả hai bài Kệ, đúng ra chỉ là một bài, bài Chứng-Đạo-ca của Đức Phật Thích-ca, nói lên sự cảm-xúc vô-cùng vui-sướng khi đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát. Giác-ngộ được gì? Giác-ngộ được rằng thể-xác nầy gây đau-khổ qua bao kiếp sống Luân-hồi, và do chính nguyên-nhơn Ái-tham đã khiến ta phải mang lấy thể-xác đó. Giải-thoát khỏi được những gì? Giải-thoát khỏi mọi phiền-não từ bên trong thân nầy gây ra, vì kể từ đây chẳng còn phải tái-sanh để mang thân ấy nữa. Tóm lại, sự vui-mừng đó, là do chứng được cõi vô-sanh của Niết-bàn an-lạc.

Thử phân-tách từng câu:

- "Lang-thang qua bao kiếp Luân-hồi": Tại sao phải lang-thang? Vì ở mỗi đời sống bị khổ-đau chồng-chất, chẳng biết hướng để thoát khổ.

- "Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp": Tại sao tìm chẳng gặp? Vì tâm-trí còn bị vô-minh ( = sự ngu-tối) che-lấp nên tìm chẳng thấy được.

- "Kẻ xây dựng lên ngôi nhà nầy": Ngôi nhà nào? Đó là tấm-thân mà ta mang lấy để che-chở cho ta. Kẻ xây-dựng nhà nầy là ai? Đó là sự Ái-tham, lý-do khiến ta phải mang lấy tấm-thân nầy hết đời nầy sang đời khác. Nói khác đi, kẻ xây-dựng nên ngôi nhà nầy, chính là sự Ái-tham từ bên trong thân-tâm nầy, đã khiến ta tái-sanh mãi để mang lấy thân-xác.

- "Cứ mãi tái-sanh, khổ-sở thay!": Tại sao mãi tái-sanh? Vì quá tham-luyến vào thân-xác, quá ham sống sợ chết, nên phải tái-sanh để có thân-xác mà sống. Tại sao lại khổ-sở thay? Vì cuộc sống trong cảnh Luân-hồi sướng ít, khổ nhiều, như đã xét qua về Bát-Khổ.

- "Ô kià! Anh thợ làm nhà!": đây là lời vui-mừng vì đã tìm thấy ra điều mình đang tìm kiếm suốt nhiều đời kiếp qua mà chưa gặp được. Anh thợ làm nhà nào đó? Đó là kẻ khiến ta có được căn nhà nầy, tức là có tấm-thân nầy; kẻ ấy chính là sự Ái-tham, sự quyến-luyến, tríu-mến bám vào thân thể-xác để được sống, dầu là sống mãi trong sự đau-khổ.

- "Nay ta bắt gặp, khó mà xây thêm": Nhờ đâu mà bắt gặp được? Chính nhờ ở Trí-huệ sáng-suốt khám-phá ra "anh thợ ấy" chẳng ở đâu xa, mà chính ngay bên trong ta, chính là sự Ái-tham của ta. Đã ở bên trong ta, do ta tự-tạo nên, thì sự ái-tham cũng sẽ bị chính ta diệt bỏ đi, bởi thế cho nên "anh thợ làm nhà =Ái-tham" đó mới "khó mà xây thêm" Xây thêm làm sao được, vì ta chẳng còn ham-muốn căn nhà của anh nữa. Nói khác đi, kể từ nay, ta chẳng còn muốn tái-sanh nữa.

- "Cây đòn-tay bên thềm gẫy đổ": Cây đòn-tay nào? Trên sườn nhà, cây đòn-tay chống-đỡ cả ngôi nhà, nghĩa bóng ở đây, chính là sự vô-minh ( =ngu-tối); vì vô-minh mà phải bị tái-sanh; nay hết-vô-minh thì cũng như cây đòn-tay bị gẫy-đổ, làm gì mà dựng được căn nhà? Nói khác đi, ta nay đã được Trí-huệ, thì vô-minh bị vẹt tan, hết vì ngu-muội mà tham-ái nữa, hết vì mê-lầm mà quá tríu-mến vào thân-xác nầy nữa.

- "Rui, mè, kèo, cột bỏ ngổn-ngang": các vật-liệu xây-cất bị bỏ ngổn-ngang chẳng được dùng nữa, thì làm sao mà cất nhà mới nổi? Nghĩa bóng của rui, mè, kèo, cột, ở đây là các lậu-hoặc, phiền-não như tham, sân, si, mạn, nghi, v.v.

- "Ta nay chứng-đắc Niết-Bàn": "Chứng-đắc Niết-bàn" theo nghĩa dễ hiểu là gì? Đó là kể từ nay, ta chẳng phải còn tái-sanh nữa, chứng được cõi vô-sanh, sống mãi mãi với pháp-thân ( = tấm thân đạo-lý, vô-hình-tướng, chẳng sanh mà chẳng diệt, hằng-còn) trong cảnh an-lạc và tịch-diệt.

- "Ái-tham, dục-vọng hoàn-toàn tiêu-vong": Khi ái-tham dục-vọng đã mất bặt luôn khỏi tâm thì hành-giả đã đắc được tâm thanh-tịnh và chứng-đắc quả-vị A-la-hán, hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát.

HỌC TẬP:

1.- Đọc thật kỹ Tích chuyện, ghi nhớ các điểm chánh, vì đó là Lịch-sử của Đức Phật. Muốn xứng đáng là Phật-tử, phải biết rõ lịch-sử của đấng Từ-phụ.

2.- Học thuộc lòng hai bài Kệ, vì đây là bài Chứng-Đạo-ca của Đức Phật Thích-ca; nghĩa-lý thâm-sâu giúp ta vững tin nơi Phật-đạo và tinh-tấn tu-hành theo Chánh-pháp.

3.- Tích chuyện và hai bài Kệ là bản tóm-tắt sơ-lược tất cả giáo-lý nhà Phật. Thiện-Nhựt rất tiếc mình chẳng đủ sức để TÌM HIỂU gọn-gàng và dễ đọc hơn như đã làm. Xin người đọc còn chỗ nào chưa rõ, nên đến thưa hỏi thêm các bực xuất-gia cùng các thiện-tri-thức.

(126).- Tích chuyện con ông Đại-Đà-na.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại rừng Mi-già, gần thành Ba-la-nại, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến người con trai của ông Đại-Đà-na.

Thuở ấy, ở thành Ba-la-nại có một người giàu-có tên là Đại-Đà-na. Ông có người con trai lúc còn nhỏ chẳng chịu học-hành gì, đến khi trưởng-thành, cưới được một người vợ, con gái của một người cũng rất giàu-có. Người vợ cũng giống chồng, chẳng có sự giáo-dục khi còn trẻ. Khi cha mẹ hai bên qua đời, vợ chồng người ấy được thừa-hưởng gia-tài to-lớn của bên chồng và bên vợ. Cả hai người đều là người dốt-nát, chẳng biết giữ-gìn của-cải, chẳng hiểu cách làm-lụng để của-cải được sanh lợi thêm, cả ngày họ chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, uống rượu, đánh bạc, vui đùa mà thôi. Chẳng bao lâu, tài-sản của họ lần lần tiêu-tán, họ trở nên thiếu-thốn. Bấy giờ họ bán cả đất cát, ruộng vườn để trả nợ, và sau cùng phải bán luôn ngôi nhà đang ở cùng các bàn ghế, rồi lang-thang nơi đầu đường xó chợ đi ăn xin, sống nhờ vào sự bố-thí của kẻ khác.

Một hôm, Đức Phật nhìn thấy con trai ông Đại-Đà-na, ăn mặc rách-rưới, thân-thể gầy-yếu, già-nua, đang đứng dựa lưng vào vách tường chùa, chờ các vị Sa-di đem các thức ăn còn thừa ra cho mà ăn. Đức Phật mỉm cười; lúc ấy Tôn-giả A-nan đứng bên cạnh mới thưa hỏi tại sao Phật lại cười.

Đức Phật bảo: "Nầy A-nan, hãy nhìn con trai ông Đại-Đà-na đang đứng dựa tường kia. Con nhà giàu-có, anh ta lúc thiếu-thời chẳng học-hành chi cả, sống một cuộc đời thật là vô-dụng. Nếu vào buổi đầu của cuộc đời, anh ta biết bảo-tồn tài-sản của mình, anh sẽ trở thành một nhà cự-phú. Hay nếu biết xuất-gia, thọ-giới Tỳ-kheo, thì nay anh có thể đắc được quả-vị A-la-hán và vợ anh, nếu biết tu-hành cũng có thể chứng được quả-vị A-na-hàm. Nếu vợ chồng anh, vào tuổi trung-niên, biết làm-lụng để của-cải sanh lợi, thì nay cả hai cũng khá-giả. Hay nếu họ đi tu vào thời đã đứng tuổi,thì nay chồng cũng chứng được quả A-na-hàm, vợ được quả Tư-đà-hàm. Nếu hai người ấy vào lúc tuổi đã xế chiều, biết giữ-gìn tiền-của, thì nay hai vợ chồng già cũng có đủ ăn. Hay nếu về già, họ đi tu, thì nay chồng cũng đắc được quả Tư-đà-hàm, vợ cũng chứng quả Tu-đà-huờn. Tuy nhiên, vì cả trong ba giai-đoạn thời-gian của đời sống, họ đã chẳng biết làm điều lợi-ích nào, cho nên họ đã mất hết cả tài-sản, bỏ qua những cơ-hội quí để chứng-đắc được các Đạo Quả."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Lúc thiếu-thời, chẳng sống đời Phạm-hạnh,
Chẳng đi làm để được lãnh tiền lương.
Đến tuổi già, trông giống con cò hương
Ủ-rũ bên hồ thường vắng cá tôm.
(Kệ số 155.)

Lúc thiếu-thời, chẳng sống đời Phạm-hạnh,
Chẳng đi làm để được lãnh tiền lương.
Đến tuổi già, nằm dài như cung gãy,
Nhìn dĩ-vãng, than-thở nhớ thương.
(Kệ số 156.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đại-Đà-na: tên vị nhà giàu nầy, tiếng Pali là Mahàdhana.

- Ba-la-nại: tên thành-phố lớn của Ấn-độ; tiếng Pali là Varanasì.

- Thừa-hưởng = nhận lãnh để hưởng-dụng.

- Sa-di = Xin nhắc lại: người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới Tỳ-kheo; tiếng Pali là Samanera.

- A-nan: tên vị thị-giả của đức Phật Thích-ca; tiếng Pali là Ànanda

- Thiếu-thời: Thiếu =còn trẻ, nhỏ tuổi; Thời = thời-gian. Thiếu-thời là vào khoảng còn trẻ, chưa đến hai mươi tuổi.

- Vô-dụng: Vô = chẳng; Dụng = dùng được. Vô-dụng là chẳng có ích-lợi gì, chẳng dùng được vào việc gì.

- Bảo-tồn: Bảo = bảo-vệ, giữ-gìn; Tồn = còn. Bảo-tồn là giữ-gìn cho còn nguyên-vẹn.

- Cự-phú: Cự = to lớn; Phú = giàu-có. Cự-phú là giàu-có lớn.

- Trung-niên: Trung = giữa; Niên = tuổi. Tuổi trung-niên vào khoảng bốn, năm mươi tuổi; còn gọi là đứng tuổi.

- Tuổi đã xế chiều: đến tuổi già, như mặt trời về chiều sắp lặn.

- Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán: Bốn quả-vị, từ thấp đến cao, của hàng Thanh-văn( =các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe kinh mà tu-tập).(1) Tu-đà-huờn còn gọi là Nhập-Lưu ( = bước vào dòng nước Thánh) hay là Thất-Lai ( = còn tái-sanh bảy lần nữa); tiếng Pali là Sotàpatti. (2) Tư-đà-hàm còn gọi Nhứt-Lai, chỉ còn tái-sanh một lần nữa thôi; tiếng Pali là Sakadàgàmì. (3)A-na-hàm còn gọi là Bất-Lai, chẳng sanh lại cõi người nữa, chỉ sanh lên Trời, tiếp-tục tu; tiếng Pali là Anàgàmì. (4)A-la-hán, chứng được vô-sanh, hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát; tiếng Pali là Arahant.

- Đạo Quả: Đạo = con đường, đường-lối tu-hành dẫn đến sự chứng-đắc; tiếng Pali là Magga. Quả = quả-vị, ngôi-vị, kết-quả thành-công trong việc tu-hành được sự chứng-đắc; tiếng Pali là Phala.

- Phạm-hạnh: Phạm =Phạm-ma,Pali là Brahma, Bà-la-môn; Hạnh = hạnh-kiểm, đức-hạnh. Sống đời Phạm-hạnh là tu theo đường-lối của đạo Bà-la-môn, cắt-đứt sự dâm-dục, khi chết sẽ sanh lên cõi Trời Phạm-Thiên.

- Cò hương = một loài chim cò, chơn cao, mỏ dài, nhưng ốm-gầ-y.

- Dĩ-vãng: thời-gian đã qua; trái với tương-lai là việc sẽ đến.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại một người nhà giàu, lúc nhỏ chẳng chịu học-hành, lớn lên chẳng có nghề làm việc mưu-sanh, nên về già phải nghèo-khổ, đi ăn xin.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời Phật dạy: lúc nhỏ chẳng học-hành, chẳng có nghề, thì về già sẽ nghèo-khó. Trong suốt cuộc đời nếu bỏ qua các dịp quí-báu để tu-hành, thì chẳng chứng-đắc được đạo-quả nào cả.

(2)Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 155 và 156:

Hai bài Kệ rất giống nhau về ý-nghĩa: lúc còn nhỏ mà chẳng sống cuộc đời đức-hạnh, chẳng có nghề-nghiệp mưu-sanh, thì về già sẽ nghèo-khổ. Bài Kệ trước ví người già nghèo khó như con cò hương gầy-ốm chẳng tìm thấy cá, tôm ở bên hồ. Bài Kệ sau ví người già nghèo khó như cây cung gẫy nằm dài, bị bỏ xó, nhớ tiếc thời xưa.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc hai bài Kệ, ghi nhớ, dùng để nhắc-nhở con-cái phải chăm-chỉ học-hành khi còn trong tuổi thanh-niên.

2.- Nếu có quyết-tâm tu-hành, nên sắp-xếp công-việc và thời-giờ để tu-học. Các khó-khăn trong việc tu-học, phần lớn do chính bên trong mình mà ra: tánh hẹn lần, để khi rỗi-rảnh sẽ tu, đó là chẳng bao giờ tu được cả. Nên nhớ, còn đủ sức-khoẻ cường-tráng là có đủ cơ-duyên để học Đạo; đến khi tuổi già, bịnh-hoạn liên-miên, khó mà tu-tập được.

-ooOoo-

Âm lịch

3/2025
CN T2 T3 T4 T5 T6 T7
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
1
2/2
2
3
3
4
4
5
5
6
6
7
7
8
8
9
9
10
10
11
11
12
12
13
13
14
14
15
15
16
16
17
17
18
18
19
19
20
20
21
21
22
22
23
23
24
24
25
25
26
26
27
27
28
28
29
29
1/3
30
2
31
3
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ảnh đẹp