VIII.- Phẩm NGÀN.
(81).- Tích chuyện người đao-phủ Tam-bá-đà.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc người đao-phủ-thủ tên là Tam-bá-đà.
Thuở ấy, có người đao-phủ-thủ, tên là Tam-bá-đà, chuyên nghề chặt đầu các tội-phạm đã bị nhà Vua xử tử-hình. Tam làm nghề đao-phủ
trong năm mươi lăm năm, vừa nghĩ việc về hưu. Sáng hôm ấy, anh ta vừa
nấu xong một nồi cháo, định xuống sông tắm rửa rồi sẽ ăn sáng. Bấy giờ,
Trưởng-lão Xá-lợi-phất vừa xuất cơn diệt-tận-định, là cõi thiền-định cao nhứt, lên đường đi khất-thực. Khi sắp bước vào nhà, Tam nhìn thấy Trưởng-lão Xá-lợi-phất đang cầm bình bát đứng trước cửa, chờ được bố-thí. Tam nghĩ trong lòng, mấy chục năm qua, ta theo nghề chặt đầu tội-nhơn, chẳng có dịp làm được một việc thiện nào, nay chính là lúc nên đem cả nồi cháo ra cúng-dường cho vị Trưởng-lão nầy để tạo phước. Nghĩ xong, anh ta thỉnh Trưởng-lão vào nhà và bưng cháo ra dâng-cúng.
Sau khi thọ-thực, Trưởng-lão Xá-lợi-phất liền đem Chánh-pháp ra giảng-dạy cho Tam-bá-đà nghe, nhưng lúc ấy Tam chẳng thể nào chú- tâm nghe hiểu được, vì trong lòng cứ mãi nhớ cả đời đao-phủ-thủ của mình chỉ chuyên đi giết người. Đoán biết tâm-trạng đó, Trưởng-lão Xá-lợi-phất mới khéo-léo hỏi rằng: "Trong mấy mươi năm qua, ông giết người vì theo lịnh của Vua hay vì chính anh thích giết?" Tam liền đáp, vì theo lịnh Vua mà giết. Trưởng-lão bảo:"Như thế, nếu chẳng có ác-ý giết người, thì đâu có tội sát-sanh." Nghe nói thế, lòng của Tam-bá-đà trở nên thanh-thản mới chăm-chú nghe giảng và thông-hiểu được Chánh-pháp. Bấy giờ, anh chứng được tuệ thuận-thứ của Tu-đà-huờn-đạo. Khi Trưởng-lão chấm-dứt thời pháp, Tam theo tiễn đưa Ngài một quảng đường; khi trở về, rũi thay, Tam-bá-đà bị một con bò điên húc chết.
Chiều hôm ấy, khi hay tin Tam-bá-đa đã chết, các vị tỳ-kheo mới thưa trình Đức Phật và hỏi Ngài, chẳng biết Tam-bá-đà nay được tái-sanh về đâu. Đức Phật bảo, mặc dầu Tam-bá-đa suốt đời có phạm tội giết người theo lịnh Vua, nhưng trước khi chết, đã thông-hiểu được Chánh-pháp, chứng-đắc được tuệ thuận-thứ, nên nay được tái-sanh lên cõi Trời Đâu-suất. Các vị tỳ-kheo tỏ vẻ ngạc-nhiên khi thấy Tam-bá-đa chỉ nghe Chánh-pháp được tuyên-giảng có một lần mà đắc được đạo-quả và sanh lên Trời, Đức Phật liền bảo, chẳng phải thuộc làu muôn kinh ngàn kệ trong Chánh-pháp là điều quan-trọng, mà chỉ cần hiểu rõ một câu thật có ý-nghĩa trong Chánh-pháp là được hưởng phước-lạc cao.
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
Dầu có nói ngàn lời vô-dụng,
Chẳng theo đúng đạo-quả Niết-bàn.
Sao bằng thốt một lời ý-nghĩa,
Nghe xong rồi tâm được bình-an.
(Kệ số 100.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Đao-phủ-thủ: Đao = cây dao lớn để chém; Phủ = cái búa lớn; Thủ = tay; Đao-phủ-thủ là người chém đầu các tội-nhơn bị xử tử-hình.
- Tam-bá-đà: tên kẻ đao-phủ-thủ nầy tiếng Pali là Tambadàthika.
- Tử-hình: Tử = chết; Hình = hình-phạt. Tử-hình là phải tội chết.
- Về hưu: thôi việc về nghĩ, sau một thời-gian làm nhiều năm.
- Diệt-tận-định = cơn đại-định cao nhứt trong tám cõi Thiền và Định, trong đó hành-giả đã chấm dứt được tất cả các cảm-thọ và tri-giác. Danh-từ Pali là Jhàna samàpatti.
- Tội-nhơn: Tội =lỗi lớn; Nhơn =người. Tội-nhơn là kẻ phạm tội nặng
- Sát-sanh: Sát = giết; Sanh = sanh-mạng, mạng sống.
- Thanh-thản = nhẹ-nhàng, chẳng còn lo-âu, sợ-hãi nữa.
- Tuệ thuận-thứ: Tuệ =trí-huệ, tâm-trí; Thuận = theo đúng chiều-hướng; Thứ = thứ lớp trước sau. Theo Thiền Minh-sát (Vipassanà), đây là giai-đoạn định-tâm khiến cho sự nhận-thức của hành-giả về Danh-Sắc (Nàmarùpa) diễn-tiến theo đúng chiều-hướng của Đạo (Magga).
-Tu-đà-huờn-đạo: còn gọi là Tu-đà-huờn-hướng (Sotàpatti Magga), theo đó hành-giả đã theo đúng con đường đưa đến quả-vị Tu-đà-huờn.
- Húc = bị con bò điên đâm đầu vào và đạp lên.
- Tái-sanh: Tái = một lần nữa; Sanh = sanh ra. Theo thuyết Luân-hồi, chúng-sanh sau cõi đời nầy, chết đi tuỳ theo nghiệp mà sanh trở lại nữa.
- Đâu-suất: cõi Trời cao hơn cõi Trời Tứ-thiên-vương và cõi trời Đao-lợi. Tiếng Pali là Tusita.
- Tuyên-giảng: Tuyên = nói lên cho mọi người biết; Giảng = nói rõ.
- Thuộc làu = nhớ và đọc lại vanh-vách.
- Phước-lạc: Phước =hạnh-phước; Lạc = vui. Phước-lạc là điều vui.
- Vô-dụng: Vô =chẳng; Dụng =dùng. Vô-dụng là chẳng dùng được vào việc gì có ích-lợi cả.
- Đạo-quả Niết-bàn: Đạo là con đường tu-tập (Magga).Quả là quả-vị, sự tu đã thành-công (Phala). Đạo-quả Niết-bàn là đường-lối tu-tập để chứng Niết-bàn (Niết-bàn = tâm-trạng của người đã dứt sạch các phiền-não, chẳng còn bị tái-sanh nữa.)
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại một người chuyên hành-hình tội-nhơn, nhờ nghe hiểu được một câu trong Chánh-pháp mà được tái-sanh lên cõi trời Đâu-suất. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện gồm có bốn đìểm chánh:
1) Phương-tiện khéo-léo của Trưởng-lão Xá-lợi-phất dùng câu hỏi để khiến cho người nghe bớt lo-lắng mà chú-tâm vào việc nghe giảng pháp: Trưởng-lão biết ông Tam đang lo-sợ vì tội suốt đời đã
giết chết nhiều người, nên chẳng thể chú-tâm nghe pháp, mới dùng câu
hỏi khiến cho ông Tam nhận-thức rằng, mình chẳng có ác-ý gây tội
sát-sanh, để lòng được thanh-thản mà nghe pháp.
2) Đây chỉ là một phương-tiện khéo thôi, chớ ông Tam vẫn có tội sát-sanh. Tại sao? Vì tuy chẳng có ác-ý sát-sanh, nhưng hành-động của nghề đao-phủ là giết người; tội nầy do vì ông đã chẳng biết chọn đúng được một nghề sanh-sống chẳng làm hại mạng chúng-sanh. Chọn nghề đúng-đắn để mưu-sanh, trong Bát Chánh-Đạo, gọi là Chánh-mạng. Theo đúng Chánh-mạng, ta chẳng chọn các nghề như đánh cá, săn-bắn, chế-tạo khí-giới, bán rượu mạnh; dĩ nhiên, nghề đao-phủ cũng là nghề chẳng chánh-đáng.
3) Tại sao biết ông Tam vẫn có tội mà Trưởng-lão lại đưa ra câu hỏi khiến cho ông Tam tưởng-lầm là mình vô-tội? - Đó là vì Trưởng-lão muốn cho lòng ông Tam bớt lo-lắng, để có thể chú-tâm vào lời giảng, và nhờ hiểu rõ lời giảng nên mới có đủ phước-duyên để chứng đạo-quả Tu-đà-huờn, thoát được cảnh ác, mà sanh lên cõi Trời. Đấy là phương-tiện khéo giúp người tạo thêm duyên lành để
tránh được ác-báo. Điều nầy giúp ta vững tin rằng, một người tuy mắc
phải tội-lỗi, nếu biết sớm quay về con đường phải của Chánh-pháp, tạo
được phước lành, thì ác-báo sẽ chẳng có đủ cơ-duyên để khởi lên được.
4) Chẳng phải cần thông-thuộc tất cả Kinh-điển, chỉ cần hiểu-biết thật rõ một câu có ý-nghĩa trong Chánh-pháp là có thể được hưởng phước-lạc cao. Phước-lạc đó, đối với ông đao-phủ-thủ Tam-bá-đà là khỏi phải sa vào cõi điạ-ngục vì tội đồng-loã sát-sanh, mà lại được sanh lên cảnh Trời Đâu-suất, hưởng phước thanh-nhàn. Ứng-dụng điểm nầy, khi học-tập về Kinh-kệ, ta chớ nên tham-lam học cho nhiều bài, chỉ cần hiểu rõ một bài, một câu, có ý-nghĩa liên-quan đến sự giác-ngộ và giải-thoát, đủ để tu-tập sao cho tâm được thanh-tịnh và bình-an.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 100:
Bài Kệ nầy rất quan-trọng, dạy ta khi học-tập Kinh-kệ, chớ nên
tham-lam thâu góp cho thật nhiều, mà phải biết nghe hiểu một lời thật
có ý-nghĩa, khiến cho tâm được bình-yên. Khi nào tâm bình-yên? Khi nhờ nghe Chánh-pháp mà lòng ta trở nên trong-sạch, thanh-thản, thấy rõ con đường tu-tâm để giải-thoát khỏi các phiền-não.
HỌC TẬP:
1.- Học thuộc lòng bài Kệ nầy, để ghi nhớ, khi học-tập Kinh-kệ, chẳng phải cầu lấy số nhiều, mà phải biết hiểu rõ câu nào, lời nào giúp cho tâm được thanh-tịnh, bình-an.
2.- Một bài kệ tóm-tắt được cả Chánh-pháp:
- Chớ làm điều ác,
- Siêng làm việc lành,
- Tâm-ý thanh-tịnh,
- Là lời Phật dạy.
(82).- Tích chuyện về Bá-hi-gia.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc người lái buôn Bá-hi-gia.
Thuở ấy có một nhóm thương-gia ngồi thuyền vượt biển đi buôn xa. Chẳng may, thuyền bị bão-tố lớn đánh chìm, các thương-gia bị chết đuối, chỉ trừ một người sống-sót, tên là Bá-hi-gia. Nhờ ôm được mợt khúc gỗ, Bá trôi dạt vào bờ, tấp vào hải-cảng Sử-pha-kha. Mình trần truồng, Bá lấy miếng ván che thân, lượm được một cái bát, mới đến chỗ có người qua lại, để ăn xin. Nhiều khách bộ-hành thương-tình đem cơm cháo đến bố-thí, có kẻ lại đem quần-áo cho để che thân, nhưng Bá từ-chối, vì sợ nếu ăn mặc theo người thường, sẽ ít được người bố-thí. Lại có nhiều người trông thấy cảnh Bá che thân bằng tấm ván, tưởng đâu đó là bực tu-hành khổ-hạnh, đã chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Tiếng đồn vang xa, rồi chính Bá cũng tưởng đâu mình là một bực A-la-hán thật, cứ tiếp-tục sống trong tà-kiến như thế.
Cho đến một đêm kia, Bá-hi-gia đang ngủ, bị một người đánh thức dậy. Người ấy là một bực chơn-tu vốn là bạn thân với Bá-hi-gia trong một tiền-kiếp. Người bạn nói: ‘Nầy anh Bá-hi-gia, anh đâu phải là người đã chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán, sao anh lại dám nhận như thế?" Bá-hi-gia thật-tình thưa: "Tôi cũng biết tôi có tội lớn, chẳng có tu-hành chi mà chứng-đắc được. Anh có biết trên thế-gian nầy ai là người đã chứng được ngôi-vị A-la-hán không?" Người bạn đáp: ‘Tôi có biết. Cách đây hơn trăm dặm đường, tại chùa Kỳ-viên, có tu-sĩ Cồ-đàm chứng-đắc được quả-vị A-la-hán, là bực đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát." Bá-hi-gia mừng-rỡ nói: "Tôi phải đến đây để xin Ngài chỉ-dạy." Liền đó, Bá-hi-gia nhờ người bạn chỉ đường, lặn-lội cả đêm ngày để đến chùa Kỳ-viên.
Vào sáng sớm hôm ấy, Đức Phật cùng chư Tăng đang đi khất-thực. Bá-hi-gia quần-áo rách-rưới, chân cẳng bị trầy sướt, qùi bên đàng và thưa với Đức Phật: "Bạch Ngài, con lặn-lội đường xa đến đây, mong Ngài đem Chánh-pháp ra chỉ dạy cho con." Đức Phật đáp, nay còn chưa phải thời, vì đang đi khất-thực, hãy để đến khi khác. Nhưng Bá-hi-gia cố nài-nỉ thưa rằng, đời người quá ngắn-ngủi, chẳng biết rồi đây có bị tai-nạn gì mất mạng sống đi chăng, xin Đức Phật thương-tình mà chỉ dạy ngay cho.
Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho Bá-hi-gia chứng đắc
đạo-quả, nên Ngài liền dừng lại bên đường, giảng vắn-tắt cho Bá-hi-gia
nghe: "Nầy thiện-nam-tử, khi mắt nhìn một vật, chỉ nên thấy có vật; khi
tai nghe tiếng, chỉ để-ý đến tiếng; khi mũi ngửi, chỉ biết đến mùi hương; khi lưỡi nếm, chỉ nhận ra vị; khi có sự đụng-chạm, chỉ cảm-nhận được cảm-giác; khi nghĩ đến một việc, chỉ ý-thức đến việc ấy mà thôi." Khi chăm-chú nghe xong lời Đức Phật giảng, tâm-trí của Bá-hi-gia liền khai-ngộ và chứng-đắc ngay quả-vị A-la-hán. Bá-hi-gia liền thỉnh-cầu Đức Phật cho gia-nhập Tăng-đoàn. Đức Phật bảo Bá-hi-gia hãy đi lấy áo cà-sa, bình-bát và các thứ cần-dùng của một tỳ-kheo đem đến. Bá-hi-gia vâng lời; trên đường đi, rủi thay lại bị một con bò điên húc vào và ngả ra chết trên đống rác. Sau khi thọ-trai xong, các tỳ-kheo phát-giác thi-thể của Bá-hi-gia, vào trình Đức Phật. Đức Phật bảo làm lễ hoả-táng cho Bá-hi-gia và lấy tro xương đem thờ nơi tháp.
Trở về chùa Kỳ-viên, Đức Phật bảo chúng Tăng rằng, sau khi nghe Phật giảng mấy câu về Chánh-pháp, Bá-hi-gia đã thấu-hiểu nhanh-chóng, đắc được đạo và quả A-la-hán, nên nay
nhập vào cảnh-giới Niết-bàn. Trước sự ngạc-nhiên của các tỳ-kheo thấy
Bá-hi-gia chỉ nghe có mấy câu trong Chánh-pháp mà chứng-đắc được quả-vị Niết-bàn, Đức Phật mới bảo: "Một bài pháp đem lại lợi-ích cho người, đâu cần phải dài-dòng."
Rồi Đức Phật mới thốt lên bài Kệ sau đây:
Dầu có đọc một ngàn câu Kệ
Chẳng liên-hệ đạo-quả Niết-bàn,
Sao bằng nói một câu Chánh-pháp,
Nghe xong rồi, tâm được bình-an.
(Kệ số 101.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Bá-hi-gia: tên người nầy tiếng Pali là Bàhiyadàruciriya.
- Sử-pha-kha: tên hải-cảng nầy tiếng Pali là Suppàraka.
- Hải-cảng: Hải =biển; Cảng =cửa biển. Hải-cảng là cửa sông đổ ra biển, nơi tu-tập ghe thuyền buôn-bán.
- Khổ-hạnh: Khổ = khổ-sở; Hạnh = hạnh-kiểm, lối sống. Tu-hành Khổ-hạnh là tu theo lối ép-xác, chịu cực-khổ thái-quá.
- Đạo và Quả A-la-hán: Đạo = con đường, đường-lối tu-hành (Magga); Quả =quả-vị, sự tu đã thành-công (Phala).A-la-hán = quả-vị Thánh, cao nhứt trong hàng Thanh-văn(Sravaka), đã diệt được hết các lậu-hoặc, phiền-não, chẳng còn tái-sanh trong cảnh Luân-hồi nữa.
- Tà-kiến: Tà =xiêng-xéo, sai-lầm; Kiến =ý-kiến. Tà-kiến là ý-kiến sai-lầm.
- Chơn-tu: Chơn = chơn-lý, đúng sự-thật. Bực chơn-tu là bực tu-hành có đức-hạnh cao.
- Tiền-kiếp = xin nhắc lại, đó là đời, kiếp trước, xưa hơn đời nầy.
- Cồ-đàm: họ của Đức Phật Thích-ca; tiếng Pali là Gautama.
- Hoàn-toán giác-ngộ và giải-thoát = tức là thành Phật. Giác-ngộ là thông-hiểu tất cả mọi sự-việc, đúng theo Chơn-lý; Giải-thoát là thoát khỏi mọi phiền-não, lậu-hoặc, chẳng còn bị tái-sanh trong cõi Luân-hồi nữa.
- Chưa phải thời = chưa phải lúc thuận-tiện.
- Quán-thấy: nhìn thấy rõ trong tâm.
- Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; Duyên = duyên-cớ. Chữ cơ-duyên hàm ý nghĩa là cơ-hội may-mắn đang đến.
- Thiện-nam-tử: Thiện = lành; Nam = đàn-ông; Tử =người, con, đệ-tử. Chữ Thiện-nam-tử trong Phật-học, dùng để chỉ đến các người đàn-ông có lòng tin-tưởng vào Đạo Phật, biết làm lành, lánh dữ. Về phiá phụ-nữ, gọi là Thiện-nữ-nhơn.
- Ý-thức: Ý = ý-tưởng; Thức = biết rõ. Có ý-thức về việc gì có nghĩa là biết mình đang nghĩ-ngợi và hiểu-biết về điều ấy. Nhưng nếu biết mà chẳng để-ý, thì chẳng gọi là có ý-thức được.
- Khai-ngộ: Khai = mở ra; Ngộ = hiểu rõ. Trước còn chưa hiểu, nay nhờ nghe và suy-nghĩ mà hiểu, mà biết, đó gọi là khai-ngộ.
- Xin gia-nhập Tăng-đoàn = xin vào làm tỳ-kheo để tu-hành.
- Cà-sa = xin nhắc lại: áo vàng khoác bên ngoài của Tỳ-kheo.
- Bình-bát = cái bình giống như cái nồi nhỏ, để đựng cơm khi đi khất-thực; bằng sành, bằng gỗ hay bằng đồng.
- Hoả-táng: Hoả =lửa; táng =đám ma. Hoả-táng là lễ thiêu-đốt xác người chết.
- Tháp = ngôi mộ xây nhọn lên cao, thờ tro, xá-lợi các bực tu-hành.
- Chẳng liên-hệ đạo-quả Niết-bàn: ý muốn nói, dầu có nhiều lời chẳng dính-dấp chi đến việc tu-hành để được giác-ngộ và giải-thoát, để chứng được cảnh an-vui, vắng-lặng của Niết-bàn.
- Tâm bình-an = tâm yên-ổn. Ở đây, có nghĩa là tâm của bực A-la-hán, đã diệt xong các phiền-não mà trở nên thanh-tịnh, quân-bình; và đang sống tự-tại trong cảnh-giới Niết-bàn, chẳng còn phải tái-sanh khổ-sở nữa mà trở nên an-nhiên.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc một người biết ăn-năn lỗi-lầm gạt kẻ khác là mình đã chứng-đắc quả-vị A-la-hán, đến xin Đức Phật chỉ-dạy cách tu-hành để được giác-ngộ và giải-thoát. Với một bài pháp ngắn, Đức Phật dạy cách điều-phục các căn: khi thấy, nghe, ngữi, nếm, sờ, nghĩ, chẳng để cho tâm bị cảnh-vật bên ngoài và ý-tưởng bên trong trì-níu, lôi-cuốn. Đó là pháp khiến tâm an-tịnh, để bước vào ngưỡng cửa Niết-Bàn.
Đấy là ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 101:
Cũng như bài Kệ số 100, bài Kệ nầy dạy ta phải biết nghe và hiểu Chánh-pháp, thế nào để ứng-dụng tu tâm. Chẳng phải học thuộc lòng muôn kinh ngàn kệ mà được giác-ngộ và giải-thoát. Hiểu rõ một câu và chí-thành áp-dụng, mới đem lại ích-lợi thiết-thực cho đường tu.
(3) Một thắc-mắc cần được giải nghi:
Trong hai Tích chuyện vừa qua, cả hai người, Tam-bá-đa và Bá-hi-gia, vừa nghe và hiểu xong Chánh-pháp, khi ra về lại bị một con bò điên húc chết. Thắc-mắc: họ nghe pháp rồi bị chết như thế thì có lợi-ích chi đâu? Đừng nghĩ lầm như thế! Cả hai người vừa chứng được đạo-quả, hai cái chết đột-ngột đến chỉ là dịp cuối cùng cho họ trả xong được nghiệp-báo đã qua, nếu không họ còn phải kéo dài cuộc sống khổ, trước khi sanh lên Trời, hay được nhập Niết-bàn.
HỌC-TẬP:
- Đọc kỹ lại lời dạy của Đức Phật về cách điều-phục các căn.
(83).- Tích chuyện Ni-cô Khuôn-đà-la.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Ni-cô Khuôn-đà-la.
Thuở ấy ở thành Vương-xá, có một người thiếu-nữ con của một gia-đình thật giàu-có, tên là Khuôn-đà-la. Một hôm, cô Khuôn đi ra ngoài đường, thấy lính giải một tên trộm đi hành-hình. Lòng cô cảm thấy thương-mến người phạm tội đó, nên xin tiền cha-mẹ để chuộc tội cho kẻ trộm, và sau đó, cô lại ưng lấy người ấy làm chồng. Tên kẻ trộm chẳng yêu thương gì người vợ đã cứu mình, chỉ thích tài-sản của cô mà thôi. Ít lâu sau, hắn bảo vợ cùng hắn lên núi, để làm lễ tạ-ơn thần-thánh đã cứu mạng y. Cô Khuôn theo chồng leo lên đỉnh núi. Bấy giờ, tên trộm mới bảo thật là sắp giết cô, để lột lấy hết nữ-trang. Cô Khuôn năn-nỉ chồng, cứ lấy vòng-vàng
mà tha cho mạng sống. Nhưng tên gian-ác chẳng thuận. Cô nghĩ, nếu chẳng
thanh-toán kẻ bất-lương nầy, thì mạng mình khó sống. Cô liền nói: " Chỉ
trong giây lát nữa là vợ chồng ta phải lìa nhau, xin anh cho phép em đi nhiễu quanh anh ba vòng, để tỏ lòng kính-yêu anh, trước khi em chết." Người chồng đồng-ý. Cô Khuôn chẫm-rãi bước quanh chồng, rồi thừa dịp chàng ta sơ-ý, vụt xô chồng xuống núi.
Sau đó, cô Khuôn cảm thấy hết muốn trở về nhà nữa, liền cổi hết nữ-trang treo lên cành cây. Cô xuống núi, đi lang-thang, lại gặp một nhóm nữ-du-sĩ khất-thực ngoại-đạo, cô liền xin theo họ làm đệ-tử. Họ dạy cho cô Khuôn cả ngàn câu ngụy-biện, để tranh-luận với các tu-sĩ. Vốn là người thông-minh, cô Khuôn chẳng bao lâu trở thành một nhà biện-thuyết có tài thuyết-phục người; cô liền đi khắp đó đây, vun lên một mô đất, lấy một cành cây cắm vào, rồi ngồi đấy
để thách-thức mọi người đến đối-đáp với cô. Chẳng ai thắng được cô cả,
cho đến một hôm Tôn-giả Xá-lợi-phất đi khất-thực ngang qua đó. Tôn-giả
nhận sự thách-thức, giải-đáp tường-tận các câu hỏi bí-hiểm của cô
Khuôn. Đến phiên Tôn-giả hỏi lại có một câu: "Vậy chớ, một là gì? ‘’, cô Khuôn chẳng đáp được, mới xin Tôn-giả chỉ-dạy cho. Tôn-giả bảo, muốn học câu đáp, trước phải xuất-gia làm tỳ-kheo-ni. Cô Khuôn liền xin Tôn-giả nhận mình làm đệ-tử. Chẳng bao lâu, ni-cô Khuôn-đà-la chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.
Bấy giờ, chư Tăng bàn-luận về trường-hợp Ni-cô Khuôn-đà-la đã thắng được người chồng gian-ác và nhờ nghe có một câu trong Chánh-pháp mà đắc được đạo-quả A-la-hán, mới thưa hỏi nguyên-do cùng Đức Phật. Đức Phật liền đáp lại bằng hai bài Kệ như sau:
Dầu đọc tụng một trăm bài kệ
Chẳng liên-hệ đạo-quả Niết-bàn,
Sao bằng đọc một câu Chánh-pháp,
Nghe đọc xong, tâm được bình-an.
(Kệ số 102.)
Chiến-thắng ngàn ngàn người nơi quân-trận
Chưa vẻ-vang bằng mình thắng được mình.
(Kệ số 103.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Ni-cô = nữ tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Bhikkhuni, phiên-âm là Tỳ-kheo-ni. Bên nam-giới là Tỳ-kheo (Bhikkhu, còn gọi là Bí-sô, Tỳ-khưu).
- Khuôn-đà-la: tên vị ni-cô tiếng Pali là Kundalakesi.
- Vương-xá: tên địa-danh nầy tiếng Pali là Ràjagaha.
- Hành-hình: Hành = thi-hành; Hình = hình-phạt. Đem đi hành-hình ở đây, có nghĩa là đem giết chết.
- Thanh-toán: Thanh = làm cho xong việc; Toán = tính-toán. Chữ Thanh-toán ở đây, có nghĩa là làm cho tiêu mất, tức là giết chết.
- Bất-lương: Bất = chẳng; Lương = lương-thiện, ngay thẳng. Bất-lương là gian-tà, xấu-ác, làm việc quấy.
- Đi nhiễu = bước đi chầm-chậm chung-quanh một người để tỏ lòng kính-ngưỡng.
- Du-sĩ khất-thực ngoại-đạo: Du-sĩ = người chẳng chỗ ở nhứt-định; Khất-thực = đi ăn xin; Ngoại-đạo: Ngoại = ngoài. Các du-sĩ nầy tu theo lối khổ-hạnh, đi khất-thực, nhưng chống đối với Phât-giáo, vì thế nên được gọi là ngoại-đạo. Vào Thời Đức Phật, tại Ấn-độ có sáu phái ngoại-đạo.
- Đệ-tử: Đệ = em, Tử =con. Đệ-tử là học-trò học Đạo.
- Ngụy-biện: Ngụy =giả-dối, chẳng chơn-thật; Biện = biện-luận, bàn-cãi. Ngụy-biện là dùng lời nói khéo đem chuyện dối-trá nói thành như sự thật để gạt-gẫm kẻ khác nhẹ dạ tin theo.
- Biện-thuyết: Biện = biện-luận; bàn-cãi; Thuyết = nói. Nhà biện-thuyết nói khéo đưọc nhiều người tin theo, còn gọi là hùng-biện.
- Bí-hiểm:Bí =bí-mật; Hiểm = hiểm-hóc. Bí-hiểm là câu nói khó hiểu.
- Một là gì?: Nguyên-văn tiếng Pali là Ekam nàma kim?. Ba tiếng nầy chẳng có chữ nào nào khó, nhưng tìm ra được sự-việc gì chỉ có một là điều rất khó. Thiện-Nhựt chẳng thấy trong Kinh giải-thích, nên đoán mò rằng, "Một" đó là Phật-tánh, cái khả-năng có sẵn của mọi người để hiểu-biết và tu-hành thành Phật. Thiện-Nhựt xin người đọc hãy dè-dặt.
- Ngàn ngàn = ngàn lần một ngàn, tức là một triệu.
- Quân-trận = nơi chiến-trường, chỗ đánh giặc.
B.- Nghĩa Ý:
(1)Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc một cô gái cứu một kẻ trộm khỏi chết, lấy y làm chồng rồi sau đó, vì
mạng sống của mình lại giết chết y. Như thế, ta tự hỏi, cô có tội
sát-sanh không; nếu có, sao lại chẳng bị quả-báo? Tích chuyện chỉ nói,
sau khi làm tỳ-kheo-ni, cô chứng được quả A-la-hán. Theo đây mà suy-đoán, cô Khuôn nhờ biết theo Chánh-pháp tu-hành khiến cho ác-báo chẳng đủ cơ-duyên để nảy sanh được. Vậy, ý-nghĩa của Tích chuyện là: hễ ăn-năn việc cũ, tinh-tấn tu-hành, thì tránh được ác-báo.
(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 102 vá 103:
Ý-nghĩa của bài Kệ số 102 giống hai bài Kệ trước, số 100 và 101. Ý-nghĩa của bài Kệ số 103 là: thắng nhiều người nơi chiến-trường chưa vẻ-vang bằng mình thắng được mình. Tại sao? Thắng nhiều người nơi chiến-trường chỉ cần nỗ-lực trong một lúc đánh nhau mà thôi; còn muốn mình tự-thắng mình, phải nỗ-lực dài lâu hơn; vả lại kẻ thù nơi mình chính là các tật xấu, rất khó mà tận-diệt cho xong hết, vì mình hay binh mình.
HỌC TẬP:
- Học kỹ bài Kệ số 103, để ghi nhớ phải thắng tật xấu của mình.
(84).- Tích chuyện về Phạm-chí Anh-tha-bút.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến thanh-niên Anh-tha-bút.
Thuở ấy có một chàng thanh-niên Bà-la-môn tên là Anh-tha-bút đến yết-kiến Đức Phật và thưa rằng: "Bạch Ngài, có phải là Ngài chỉ biết rõ những hành-động nào đem lại lợi-ích cho ta và Ngài chẳng rõ được các hành-động nào có hại cho ta chăng?" Đức Phật đáp, Ngài hiểu rõ cả các hành-động nào chẳng những chẳng đem lợi-ích cho ta mà còn có hại đến thân nữa. Rồi Đức Phật bảo: "Có sáu hành-động khiến cho tài-sản phải sớm tiêu-tan. Đó là: (1) thức dậy trễ, mặt trời đã lên cao; (2) thuờng lười-biếng; (3) bạo-ác; (4) uống rượu mạnh hay dùng các chất say; (5) đi lang-thang vơ-vẩn ngoài đường vào đêm khuya; (6) tà-dâm.
Kế đó, Đức Phật lại hỏi chàng thanh-niên đang làm nghề gì để sanh-sống. Anh ta đáp, sống về nghề cờ-bạc. Đức Phật lại hỏi tiếp: "Có được khá không?". "Thưa có khi thắng, có khi thua." Đức Phật bảo: "Đánh thắng các con bạc sao cho bằng tự-mình khắc-phục được tất cả các lậu-hoặc trong tâm mình."
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
Thắng được mình, quả thật, vẻ-vang,
Còn vẻ-vang hơn thắng kẻ khác.
Dầu Trời, Nhạc-thần hoặc Ma-vương,
Cả Phạm-thiên cũng đâu thắng nổi
Con người từng biết khắc-phục mình.
(Kệ số 104 và 105.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ. Ở Ấn-độ xưa, có bốn giai-cấp: (1)Bà-la-môn; (2)Sát-đế-lợi (vua quan); (3)Phệ-xá (buôn-bán); (4) Thủ-đà-la (nông-phu, công-nhơn). Còn hàng Chiên-đà-la thì làm nghề hạ-tiện.
- Anh-tha-bút: tên người nầy tiếng Pali là Anathapucchaka.
- Yết-kiến = đến gặp người đáng tôn-kính.
- Bạo-ác: Bạo = tàn-bạo; Ác = xấu, có hại cho kẻ khác.
- Tà-dâm: Tà = gian-tà; Dâm = dâm-đãng. Tà-dâm là đã có gia-đình rồi mà còn lấy vợ hay chồng của kẻ khác.
- Con bạc = người chơi bài, đánh bạc.
- Khắc-phục = chống-cự và thắng được. Ở đây, Khắc-phục nghĩa là tự mình thắng được các tật xấu nơi mình, để trở lại người tốt như xưa.
- Lậu-hoặc: Xin nhắc lại, đó là các phiền-não từ bên trong lộ ra hành-động bên ngoài.
- Nhạc-thần: chúng-sanh cõi Trời chuyên lo về âm-nhạc, tiếng Pali là Gandhabba, thường được phiên-âm trong kinh là Càn-thát-bà.
- Phạm-thiên = cõi Trời thuộc Sắc-giới, về cảnh Sơ-thiền.
- Ma-vương = Vua các loài thiên-ma, thường hiện ra khuấy-rối, cám-dỗ người tu-hành.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện rất giản-dị, chàng thanh-niên Bà-la-môn được nghe Phật giảng năm tật xấu có hại cho mình, để tránh. Khi nghe chàng ta nói sống về nghề cờ-bạc, có khi thắng, có khi thua, Đức Phật dạy thêm, người mà thắng được các tật xấu nơi mình, mới là chiến-thắng vẻ-vang.
(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 104 và 105:
Hai bài Kệ nhắc lại ý-nghĩa của Tích chuyện: tự thắng mình mới vẻ-vang hơn thắng kẻ khác. Tự-thắng là tự-thắng điều chi? Tự thắng được các phiền-não, lậu-hoặc, khiến cho tâm được bình-an và thanh-tịnh. Tại sao Trời, Nhạc-thần và Ma-vương chẳng thắng nổi người từng biết khắc-phục mình? Trời có thể giáng họa, ban phước, nhưng với người tâm đã thanh-tịnh, vui hay buồn chẳng hề làm tâm xao-xuyến. Nhạc-thần quyến-rũ, Ma-vương cám-dỗ, nhưng với người tâm đã thanh-tịnh thì sự quyến-rũ cùng việc cám-dỗ chẳng thể nào làm cho tâm lay-chuyển được.
HỌC TẬP:
- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ: nên tranh-đấu với chính mình chống lại thói hư tật xấu của mình, hơn là ganh-đua với kẻ khác.
(85).- Tích chuyện người cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-viên, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất, là người theo phái ngoại-đạo.
Cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất là người Bà-la-môn, tin theo phái ngoại-đạo loã-thể Ni-kiền-tử. Một hôm, Tôn-giả hỏi cậu: "Từ trước đến giờ, cậu có làm một việc phước-đức nào không?" Người cậu trả lời là có, hàng tháng thường cúng-dường cho các tu-sĩ phái loã-thể, số tiền nay lên đến cả ngàn, hi-vọng rằng trong kiếp tới sẽ được sanh về cõi Trời Phạm-thiên. Tôn-giả bảo các tu-sĩ ngoại-đạo loã-thể đó đã gieo niềm hi-vọng sai-lầm cho cậu, vì chính họ cũng chẳng biết rõ con đường lên đến cõi Phạm-thiên. Tôn-giả mời cậu đi đến gặp Đức Phật, để nghe giảng-dạy về Chánh-pháp, nhờ đó mà sẽ được sanh lên cõi Phạm-thiên.
Đức Phật bảo người cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất: "Nầy Bà-la-môn, cúng-dường một tô cơm cho tỳ-kheo đi khất-thực còn đem lại nhiều phước-đức hơn là dâng cả ngàn tiền cho bọn loã-thể."
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:
Dầu thường cúng-tế ngàn vàng,
Tháng nầy tháng nọ, kể hàng trăm năm,
Sao cho bằng thành-tâm kính-mộ
Bực Thánh-nhơn, chỉ độ phút giây.
Kính người đức-hạnh cao dầy,
Còn hơn cúng-tế kéo dài trăm năm.
(Kệ số 106.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Tịnh-xá Trúc-viên: Vua Tàn-bà-sa-la (Bimbisara), nước Ma-kiệt-đà (Magadha) xây cất tịnh-xá trong vườn Trúc, để cúng-dường Đức Phật. Tên tịnh-xá bằng tiếng Pali là Veluvana.
- Vương-xá: thủ-đô nước Ma-kiệt-đà; tiêqng Pali là Ràjagaha.
- Ngoại-đạo: Ngoại = ngoài; Ngoại-đạo là muốn nói đến những giáo-phái khác hơn Đạo Phật. Vào thời Đức Phật có sáu môn-phái tu-sĩ chống-đối với Đức Phật, gọi là lục sư ngoại-đạo (lục = sáu; sư = thầy.)
- Loã-thể: Loã = loã-lồ, trần-truồng; Thể = thân-thể. Loã-thể là chẳng mặc quần-áo, chí đóng khố che phiá dưới.
- Ni-kiền-tử: phiên-âm tiếng Pali là Nigantha, nhóm tu-sĩ loã-thể tu khổ-hạnh. Nhóm nầy vẫn còn tồn-tại ở Ấn-độ ngày nay.
- Phạm-thiên: cõi Trời Sắc-giới, thuôc cảnh Sơ-thiền.
- Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt (còn gọi là sơ-quả) trong hàng Thanh-văn ( =các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe giảng kinh mà tu-tập). Tiếng Pali là Sotàpatti, có nghĩa là được gia-nhập vào dòng nước Thánh, nên được dịch là Nhập-Lưu (nhập = vào; lưu = dòng nước), còn gọi là Thất Lai (thất = bảy; lai = đến, trở lại), nghĩa là chỉ còn phải tái-sanh bảy lần nữa trong cõi Luân-hồi, rồi sẽ chứng được quả Thánh.
- Thánh-nhơn: Thánh = bực Thánh, trái với phàm-phu; Nhơn = người. Ba quả-vị đầu-tiên: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm, vì còn phải tái-sanh nên gọi là bực Hiền; đến quả-vị thứ tư, cao nhứt, là A-la-hán, chứng được vô-sanh ( = hết bị tái-sanh nữa), nên được gọi là bực Thánh.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc người cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất lầm tưởng hễ cúng-dường cho phái loã-thể là được tái-sanh lên cõi Trời Phạm-thiên. Được nghe Đức Phật giảng Chánh-pháp, khuyên nên bố-thí cho các tỳ-kheo là những người tu-hành chơn-chánh sẽ được phước nhiều hơn,người cậu chứng được quả-vị Tu-đà-huờn, gia-nhập vào dòng Thánh.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 106:
Bài Kệ khuyên ta nên cúng-dường các bực tu-hành chơn-chánh, đừng nhẹ dạ tin theo lời của bọn ngoại-đạo.
HỌC TẬP:
- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để biết cúng-dường đúng cách, đúng chỗ.
(86).- Tích chuyện người cháu của Tôn-giả Xá-lợi-phất.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến người cháu của Tôn-giả Xá-lợi-phất, theo đạo thờ lửa.
Một hôm, Tôn-giả Xá-lợi-phất hỏi người cháu vốn thuộc giai-cấp Bà-la-môn, rằng: "Từ trước đến giờ, cháu có làm được một việc phước-đức nào không?" Người cháu đáp, mỗi tháng anh ta đều giết một con dê để cúng-tế thần lửa, với niềm tin là mình sẽ được tái-sanh lên cõi Trời Phạm-thiên. Tôn-giả liền giải-thích cho cháu nghe, các vị thầy thờ thần-lửa của cháu đã gạt cháu, vì chính họ cũng chẳng biết đường-lối nào để lên đến cõi Phạm-thiên.
Được dẫn đến yết-kiến Đức Phật, người cháu của Tôn-giả Xá-lợi-phất
được nghe Đức Phật giảng về Chánh-pháp, chỉ rõ đường-lối tu-hành để
được sanh lên Trời. Đức Phật bảo: ‘Nầy thanh-niên Bà-la-môn, tỏ lòng
kính-mộ một vị tỳ-kheo tu-hành chơn-chánh còn đem cho ta nhiều phước-đức hơn là giết dê để tế thần lửa cả trăm năm."
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà chàng thanh-niên kia chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:
Dầu thường đốt lửa rừng hoang,
Cúng thờ thần lửa kể hàng trăm năm
Sao cho bằng thành-tâm kính-mộ
Bực thánh-nhơn chỉ độ phút giây,
Kính người đức-hạnh cao-dầy
Còn hơn thờ lửa kéo dài trăm năm.
(Kệ số 107.)
TÌM HIỂU và HỌC-TẬP:
Trong bài nầy, Tích chuyện và Kệ cũng giống với bài trước, xin xem các chữ khó và ý-nghĩa ở bài trước. Xin nói thêm về việc thờ thần-lửa, ở Ấn-độ, phái ngoại-đạo nầy đốt lửa cháy suốt ngày đêm để thờ.
(87).- Tích chuyện người bạn của Tôn-giả Xá-lợi-phất.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-viên, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến một người bạn của Tôn-giả Xá-lợi-phất, là người hay cúng-tế và bố-thí.
Một hôm, Tôn-giả Xá-lợi-phất gặp một người bạn, vốn thuộc giai-cấp
Bà-la-môn, mới hỏi rằng: "Nầy bạn, từ trước tới nay, bạn có làm được một việc phước-đức nào không?" Người bạn đáp có, thường giết thú-vật để cúng-tế và mở hội bố-thí rộng-rãi, với hi-vọng được sanh lên cõi Trời, theo như lời dạy của các vị thầy của mình. Tôn-giả Xá-lợi-phất bảo, đó là các thầy của anh đã cho anh một ảo-vọng sanh Thiên, chớ chính họ cũng còn chưa biết đúng được theo con đường nào mà lên đến cõi Trời. Tôn-giả liền mời bạn đến yết-kiến Đức Phật để nghe giảng Chánh-pháp, Ngài sẽ chỉ cho đường-lối tu-hành để được sanh lên cõi Trời.
Đức Phật bảo người bạn của Tôn-giả Xá-lợi-phất: "Nầy ông Bà-la-môn, kính-lễ bực Thánh, dầu chỉ trong giây lát cũng đem lại công-đức nhiều hơn là suốt năm giết thú-vật để tế-thần mà cầu phước."
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà người bạn của Tôn-giả Xá-lợi-phất chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:
Trên thế-gian, bất luận tế-vật nào
Hay tặng-phẩm, suốt năm đem hiến trao,
Phước tạo được, thua phần-tư công-đức
Chí thành đảnh lễ bực đức-hạnh cao.
(Kệ số 108.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Bố-thí: xin nhắc lại: Bố =rộng-rãi, cùng khắp; Thí = cho. Bố-thí là hiến-tặng tiền-của, công-sức, lời an-ủi đến cho người khác đang thiếu.
-Ảo-vọng: Ảo = giả, chẳng có thật; Vọng =hi-vọng, mong-mỏi. Ảo-vọng là sự hi-vọng hão-huyền, chẳng thể thực-hiện được.
- Sanh Thiên = sanh lên cõi Trời, được hưởng phước sung-sướng.
- Bực Thánh = bực tu-hành đã chứng quả-vị A-la-hán, chẳng còn phải tái-sanh nữa. Trái với phàm-phu, chưa tu. Tiếng Pali là Ariya.
B.- Nghĩa Ý:
Về Tích chuyện và bài Kệ, ở đây, cũng giống ý-nghĩa ở hai bài trước, xin xem lại. Nhơn đây, xin có vài ý-kiến về sự CÚNG-TẾ và BỐ-THÍ:
1.- Cúng-tế là tỏ lòng kính-mến đến các bực vô-hình. Thành-tâm tưởng-niệm trong khi cúng mới quí, quí hơn các lễ-vật dưng-cúng.
2.- Cúng-tế để cầu phước, xét cho kỹ, nào có khác gì "lo-lót"các thần-linh. Giết thú-vật cúng-tế cho các tà-thần gây thêm tội-ác (sát sanh), phước đâu chẳng thấy, trước mắt chỉ thấy sự đau-đớn thú-vật bị hy-sanh.
3.- Trong các lễ giỗ, đám cưới, đám ma, chẳng nên quay heo, giết gà-vịt để cúng. Theo các sách luận, người được cúng chẳng những chẳng có được lợi-ích gì, lại còn phải chịu chia-xẻ tội sát-sanh. Nếu cần có thức ăn mặn để đãi khách trong bữa tiệc, sao lại chẳng đi mua? Dùng thịt mà mình chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng biết người ta vì mình mà giết thú-vật, thịt đó gọi là tịnh-nhục, được phép ăn, theo gìới-luật Nguyên-thủy.
4.- Bố-thí là hạnh thứ nhứt của Bồ-tát-đạo: hạnh nầy giúp người thí-giả diệt được lòng bỏn-xẻn (rít-róng), giúp người thọ-thí qua được cơn túng-thiếu, khổ-sở. Nếu được thi-hành một cách rốt-ráo, sự bố-thí trở nên bố-thí Ba-la-mật, nghĩa là hạnh-tu khiến ta đến được bờ bên kia là bờ giác-ngộ và giải-thoát.
5.- Khi bố-thí, cần tránh sự khoe-khoang, chẳng vì cầu danh khen mà bố-thí. Gởi tiền, đồ-vật để tặng các hội từ-thiện là hành-vi bố-thí tốt.
6.- Tuy chẳng nên phân-biệt người nhận khi mình cho, nhưng cần tránh trường-hợp dung-dưỡng sự lười-biếng của những hạng người lấy việc ăn-xin, khêu gợi lòng trắc-ẩn của kẻ khác, mà làm nghề sanh-sống.
7.- Đến chùa làm công-quả cũng là một hình-thức cúng-dường, bố-thí. Nhưng đến giờ giảng kinh, phải chịu khó lên nghe, chớ ở miết sau nhà bếp, ngại nghe chẳng hiểu. Nếu chẳng hiểu, sao lại chẳng hỏi Thầy?
HỌC TẬP:
- Xin đọc lại Mục B: vài ý-nghĩ về Cúng-tế và Bố-thí, và bàn-luận thêm với bạn-đạo: các thái-độ sai-lầm bấy lâu nay về Cúng-tế và Bố-thí.
(88).- Tích chuyện về cậu bé Trường-Thọ.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại một tu-viện ở làng Đích-hạ-lan, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến cậu-bé tên là Trường-Thọ.
Thuở ấy có hai người ẩn-sĩ tu-hành khổ-hạnh trong bốn mươi tám năm. Sau đó, một người quay về đời sống xã-hội, lập gia-đình và sanh được một đứa con trai. Một hôm, hai vợ chồng bồng con đến thăm người bạn đạo cũ. Vị nầy ngõ lời chào: "Chúc anh chị được sống lâu!", nhưng vị ấy nhìn đứa bé mà chẳng nói lời chúc-tụng nào cả. Hai vợ chồng ngạc-nhiên, hỏi. Đáp, cháu nó vô-phước quá, chỉ còn sống thêm được bảy ngày nữa mà thôi. Người chồng liền xin bạn cứu mạng cho con. Đáp, ta chẳng đủ pháp-lực làm việc đó. Gần nơi đây, có Đức Phật Cồ-đàm đang ở trong tu-viện kia, mới đủ sức cứu nó được.
Cha mẹ đứa bé liền bồng con đến yết-kiến Đức Phật và xin Ngài cứu-mạng cho nó. Đức Phật dạy, về nhà cất một ngôi miễu nhỏ bên cạnh cửa ngõ, đặt con nằm trên chõng, và mời các thầy tỳ-kheo đến tụng kinh Tiêu-tai cho nó. Cha mẹ đem con về, làm y theo lời dặn. Đến ngày thứ bảy, Đức Phật cùng chư Tăng đến bên ngôi miễu, thăm đứa bé. Bấy giờ, tên ác-quỉ định bắt đứa bé, thấy Đức Phật, chư Tăng cùng chư Thiên đứng bao quanh, chẳng dám bén mảng tới, đứng đằng xa chờ đợi. Cả đêm ấy, chư Tăng tiếp-tục tụng kinh đến sáng. Sáng hôm sau, cha mẹ đứa bé bồng con đến tu-viện tạ-ơn Đức Phật. Ngài chúc lành cho nó: "Nguyện con được trường-thọ!" Người cha thưa hỏi Đức Phật, con mình sẽ sống được bao lâu. Đức Phật đáp, nó sẽ sống đến một trăm hai mươi tuổi. Cha mẹ nó mừng lắm, và từ đó gọi tên nó là Trường-Thọ.
Khi cậu bé lớn lên, chăm lo tu-hành, hướng-dẫn một số bạn-bè đến chùa Kỳ-viên đảnh-lễ Đức Phật. Bấy giờ, có vài vị tỳ-kheo năm xưa biết mặt cậu, nhận ra, mới đến thưa cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, làm người sống ở đời, có cách nào để được sống trường-thọ không?" Đức Phật đáp: ‘Biết kính-lễ bực trưởng-thượng và bực cao-đức, con người chẳng những được sống dài lâu, mà còn được hưởng giàu-sang, sắc-đẹp và hạnh-phước.’
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
Kính-nễ, tôn-vinh bực trưởng-thượng,
Được bốn phước lành càng tăng-trưởng:
Sức-khoẻ dồi-dào, lại đẹp tươi,
Hạnh-phước, sống lâu mà an-hưởng.
(Kệ số 109.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Trường-Thọ: Trường =dài lâu; Thọ = tuổi. Trường-thọ là sống dai. Tên cậu bằng tiếng Pali là àyuvaddhanakumàra.
- Đích-hạ-lan: tên làng nầy tiếng Pali là Dighalanghika.
- Ẩn-sĩ: Ẩn =dấu mình kín-đáo, sống xa người; Sĩ = người, tu-sĩ.
- Cồ-đàm = họ của Đức Phật Thích-ca, tiếng Pali là Gautama.
- Pháp-lực: Pháp = phép-lực, tài-sức; Lực = sức. Pháp-lực là sức mạnh tinh-thần của người tu-hành cao.
- Miễu = cái am, cốc nhỏ để thờ-cúng.
- Tiêu-tai: Tiêu = tiêu mất đi; Tai = tai-nạn. Chữ Tiêu-tai nầy, có nghĩa là cầu an, được tạm dùng để dịch nghĩa chữ Pali là Paritta.
- Trưởng-thượng: Trưởng = lớn;Thượng =trên. Người lớn tuổi.
- Tôn-vinh: Tôn = tôn-kính; Vinh = vinh-dự, khen ngợi.
- Tăng-trưởng: Tăng = thêm lên; Trưởng = lớn.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện kể lại việc Đức Phật cứu mạng sống cho một đứa bé. Ý-nghĩa của Tích chuyện nằm trong lời Đức Phật dạy, phải biết tôn-kính bực trưởng-thượng và bực tu-hành có đức-hạnh.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 109:
Bài Kệ kể ra bốn lợi-ích của sự tôn-kính bực trưởng-thượng: (1) có sức-khoẻ, (2) có sắc đẹp, (3) hạnh-phước, (4) sống lâu. Nhưng ta chẳng đợi được bốn điều ấy mới kính người già-cả, ta kính chỉ vì các cụ lớn tuổi.
HỌC TẬP:
- Dạy trẻ học thuộc bài Kệ, để tập chúng biết chào kính các cụ già.
(89).- Tích chuyện Sa-di Sầm-khí-ca.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến vị Sa-di Sầm-khí-ca.
Thuở ấy, có ba mươi vị tỳ-kheo được Đức Phật dạy cho mỗi người một đề-tài thiền-quán, đi đến một làng nọ cách chùa Kỳ-viên hơn trăm do-tuần, để tu-tập. Lại có một đảng cướp hung-ác đang lập sào-huyệt trong khu rừng già gần ngôi làng. Sáng hôm ấy, chúng đánh vào làng, cướp của và đòi bắt theo một người đem vào rừng giết lấy máu để tế-thần. Thấy dân làng sợ-hãi, chư Tăng mới đứng ra nhận việc hy-sanh để bọn cướp bắt đi. Từ vị lớn tuổi nhứt đến các vị còn trẻ, ai cũng tình-nguyện chịu bị cướp bắt. Bấy giờ, trong số có một cậu Sa-di bảy tuổi, đệ-tử của Tôn-giả Xá-lợi-phất, đứng lên thưa rằng: "Bạch các Tôn-giả, khi ra đi, thầy của đệ-tử đã đoán biết việc nầy, nên cho con tháp-tùng cùng quí vị và dặn con thay quí-vị mà đi vào rừng với các vị "anh-hùng" nầy." Các tỳ-kheo nghe thế, ngậm-ngùi mà tiễn-đưa cậu Sa-di đi vào cõi chết.
Đến bìa rừng, bọn cướp dẫn Sa-di Sầm-khí-ca đến một mô đất, bắt ngồi
xuống, chờ tên đầu-đảng ra tay. Sầm ngồi theo thế kiết-già, tâm-trí
đang vào cơn đại-định. Chúa đảng vung gươm ra chém. Lạ thay lưỡi gươm
chẳng chạm được vào đầu vị Sa-di trẻ mà lại bật ngược ra ngoài. Tướng
cướp ngạc-nhiên, vuốt lại lưỡi gươm, vung mạnh lên chém xuống. Lần nầy,
lưỡi gươm cong oằn lại cuốn ngược vào đến cán. Tướng cướp hoảng-hốt, biết đang gặp phải một bực tu-hành đã đắc đạo-quả Thánh. Y liền qùi xuống, xin sám-hối; trong khi đó, cả đảng cướp cũng răm-rắp làm theo. Vừa xuất cơn đại-định, vị A-la-hán Sầm-khí-ca chấp-nhận lời sám-hối. Cả bọn liền xin cải tà qui chánh, và được dẫn trở về làng. Khi thấy Sầm đi đầu, theo sau các tướng cướp, các vị tỳ-kheo trong làng mừng mừng tủi-tủi. Rồi tất cả cùng lên đường về chùa Kỳ-viên.
Đức Phật bảo các vị tỳ-kheo vừa gia-nhập Tăng-đoàn: "Nầy chư tỳ-kheo, nếu các ông tiếp-tục cướp của, giết người, đời sống của các ông thật là vô-ích, dầu có kéo dài đến trăm năm. Thà chỉ sống một ngày đức-hạnh, còn hơn sống trăm năm trong tội-lỗi"
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
Nếu phải sống trăm năm trong phóng-dật,
Chẳng thà tu thiền-định, sống một ngày.
(Kệ số 110.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Sa-di: người tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới tỳ-kheo (Sàmanera.)
- Sầm-khí-ca: tên vị Sa-di nầy, tiếng Pali là Samkicca.
- Đề-tài thiền-quán: xin nhắc lại, đó là một đầu-đề để suy-nghĩ sâu-xa trong khi ngồi Thiền nhập đînh.
- Do-tuần: xin nhắc lại, đó là đơn-vị đo đường dài, khoảng một dặm (hơn một cây-số, km), tiếng Pali là yojana.
-Sào-huyệt: Sào = ổ chim, chỗ ở; huyệt = hang, hầm-hố. Sào-huyệt có nghĩa là nơi xa-vắng, ẩn-kín bọn cướp dùng làm chỗ trú-đóng.
- Tháp-tùng = đi theo.
- Kiết-già = thế ngồi của người tu Thiền, hai bàn chơn tréo lên đùi.
- Đại-định: Đại =lớn; Định = yên, chẳng xao-động. Đại-định là tâm-trạng vắng-lặng, an-ổn của người ngồi thiền, chẳng bị cảnh bên ngoài lôi-cuốn, chẳng bị ý bên trong trì-níu.
- Quả Thánh = quả-vị của bực Thánh-nhơn; ở đây, muốn nói đến bực đã tu đắc quả A-la-hán. Bực Thánh, trong Phật-học, là bực đã diệt được các phiền-não, chẳng còn phải tái-sanh trong Luân-hồi.
- Sám-hối: Sám = tiếng Phạn là samma, nghĩa là ăn-năn; Hối = tiếng Hán, nghĩa tiếc-rẻ. Sám-hối là xin thú tội, gồm có hai việc: (1)nhận rõ tội-lỗi của mình đã làm; (2)hứa từ rày sẽ chừa, chẳng tái-phạm nữa.
- Cải tà qui chánh: Cải =sửa lại; Tà = sái-quấy; Qui = quay trở về; Chánh =ngay thẳng. Cải tà qui chánh là ăn-năn bỏ việc lỗi-lầm cũ mà quay về theo con đường chơn-chánh.
- Phóng-dật = buông trôi theo tội-lỗi, chẳng biết tự kềm-chế. Đồng nghĩa với: buông trôi, lười biếng, buông-lung, phóng-đãng.
- Thiền-định: đường-lối tu-hành thanh-lọc tâm-ý, giữ tâm yên-ổn. Thiền, chữ Pali là Jhàna, phiên-âm là thiền-na. Có bốn cảnh Thiền, từ Sơ-thiền đến tứ-thiền, và bốn định.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại sự hy-sinh của một cậu bé ngồi chịu chết đã cảm-hoá được bọn cướp phải cải tà qui chánh. Việc đã xảy ra vào thời xa xưa, ngày nay những người có tinh-thần khoa-học khó tin theo; nhưng đứng về lý mà xét, chẳng phải là hoang-đường: trước cảnh một đứa bé ngây-thơ, ngồi im-lìm chịu chết, tên cướp kia đã quá cảm-động, run tay nên chẳng thể vung gươm chém đúng được, là việc rất có thể xảy ra. Huống chi, còn có sức mạnh tâm-linh và luồng tư-tưởng từ-bi phát ra từ người nhập-định, đã ảnh-hưởng mạnh-mẽ đến tinh-thần của các tướng cướp. Nhưng ý-nghĩa của Tích chuyện, chẳng phải là để kể lại chuyện nhiệm-mầu, mà muốn nói đến sự xúc-động của kẻ gian-ác đã biết rời bỏ con đường tội-lỗi mà theo con đường chánh-đạo.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 110:
Bài Kệ ngắn nầy so-sánh sự hơn kém giữa hai lối sống: buông trôi theo năm tháng trong tội-lỗi và biết tinh-tấn tu-hành dù chỉ trong một ngày. Sự hơn-kém rất là rõ-rệt: người phóng-dật năm nầy tháng nọ làm nô-lệ cho các tật xấu, sống cuộc đời vô-ý-nghĩa; còn người tinh-tấn tu-hành, tự chiến-thắng mình dầu trong giây lát, khiến cho cuộc sống mới có ý-nghĩa.
Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ là phải tìm thấy được nghĩa-lý của cuộc sống::sống chẳng phải là buông trôi theo ngày tháng, mà sống để tìm đường giác-ngộ và giải-thoát.
HỌC TẬP:
1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ mỗi khi viện cớ nầy hay cớ nọ mà xao lãng việc đi chùa, tụng kinh hay ngồi Thiền.
2.- Nếu biết thích mỗi buổi sáng ngồi nhâm-nhi ly cà-phê, đọc báo để xem tin-tức khắp hoàn-cầu, tại sao lại chẳng biết thích dành vài phút ngồi yên-lặng, tĩnh-tâm, để mình sống với lòng mình?
(90).- Tích chuyện Tôn-giả Khuôn-đà-na.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Tôn-giả Khuôn-đà-na.
Thuở ấy có tỳ-kheo Khuôn-đà-na, sau khi được Đức Phật chỉ-dạy cho một đề-tài thiền-quán, mới đi vào khu rừng già, tu-tập thiền-định và chẳng bao lâu chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Bấy giờ, Tôn-giả Khuôn-đà-na quay về chùa Kỳ-viên để đảnh-lễ Đức Phật. Trên đường về, trời tối, Tôn-giả mỏi-mệt, mới ngồi nghỉ trên một tảng đá, và tâm-trí liền đi vào thiền-định. Vào lúc ấy có một đảng cướp vừa đánh phá một làng bên cạnh, vào khu rừng tạm nghỉ. Chúng đem các bao đựng đồ-vật cướp được, máng lên đầu, lên vai của vị tỳ-kheo, tưởng đó là một gốc cây khô-trụi. Sáng ra, nhìn thấy Tôn-giả còn đang trong cơn đại-định, chúng lại tưởng đó một hung-thần hiện lên đến bắt chúng. Chúng sợ-hãi, bỏ chạy. Vừa xuất cơn đại-định, Tôn-giả Khuôn-đà-na gọi họ lại, bảo cho biết mình là người tu-hành, chẳng làm hại ai cả. Tôn-giả lại giảng cho họ nghe về Chánh-pháp mình đang tu-tập. Bọn cướp cảm-phục, liền bỏ nghề hung-ác, xin được theo Tôn-giả đi tu. Bấy giờ, cả đoàn lên đường, hướng về chùa Kỳ-viên tiến bước.
Nơi chùa Kỳ-viên, sau khi được nghe Tôn-giả Khuôn-đà-na thưa trình lại sự-việc vừa qua trong rừng, Đức Phật khen ngợi các vị tỳ-kheo mới, biết cải-tà qui-chánh. Ngài nói: "Nầy các tỳ-kheo, sống trăm năm trong sự mê-mờ và hành-động điên-cuồng, bạo-ác như trước kia, là sống vô-dụng. Nay các vị đã thấy được Chơn-lý, biết được Chánh-pháp, trở nên người hiền-trí, sống một ngày như thế mới là đáng sống."
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
Sống trăm năm si-mê, không tự-chế,
Thua một ngày có trí-huệ, hành thiền.
(Kệ số 111.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Tôn-giả: Tôn =tôn-trọng; Giả = người. Tôn-giả là người đáng kính
- Khuôn-đà-na: tên thật của Tôn-giả tiếng Pali là Kondanna.
- Đề-tài Thiền-quán: xin nhắc lại, đó là một đầu-đề để suy-nghĩ thật sâu-xa trong khi ngồi Thiền.
- Đại-định: xin nhắc lại, đó là tâm-trạng của người ngồi Thiền chẳng còn bị cảnh-vật bên ngoài lôi-cuốn, bên trong tập-trung tư-tưởng vào đề-tài Thiền-quán.
- Xuất cơn đại-định: Xuất = ra khỏi. Xuất-định = chấm dứt việc ngồi Thiền.
- Cải-tà qui-chánh: xin nhắc lại, đó là bỏ điều dữ theo việc lành.
- Mê-mờ: ngu-tối, si-mê.
- Hiền-trí: Hiền = hiền-từ; Trí = trí-huệ.
- Tự-chế: Tự = chính mình; Chế = chế-phục. Tự-chế là tự mình kềm-chế lấy mình, nghĩa là biết bỏ thói xấu của mình mà tập tánh tốt.
- Hành Thiền: Hành =làm, tu-hành. Hành-Thiền là tu-tập Thiền-định.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Cũng giống như bài trước về Sa-di Sầm-khí-ca. Xin xem lại.
(2) Ý-nghĩa bài Kệ số 111:
Bài Kệ nầy ý-nghĩa cũng giống bài Kệ số 110, tuy có thay đổi vài chữ; thay vì dùng chữ phóng-dật, ở đây nói đến si-mê và không tự-chế. Chẳng biết tự mình kềm-chế mình, đó là phóng-dật.
Tại sao phóng-dật, chẳng tự-chế lại là si-mê? Vì chẳng biết suy-xét, cứ bị các tật xấu cám-dỗ mà chẳng biết khuất-phục chúng, để theo con đường giác-ngộ và giải-thoát.
Tại sao hành Thiền đem đến Trí-huệ cho ta? Thật ra, hành Thiền chẳng đem đến Trí-huệ. Trong khi hành Thiền, biết nghĩ-suy thâm-sâu, thì Trí-huệ đã có sẵn nơi ta mới khỏi bị mê-mờ, và được phát-triển thêm lên.
HỌC TẬP:
- Học thuộc lòng hai bài Kệ số 110 và 112, để cố gắng học-tập ngồi Thiền, cho tâm được an-tịnh và Trí-huệ phát-triển.
(91).- Tích chuyện Trưởng-lão Xà-nô.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Xà-nô.
Thuở ấy, có một vị tỳ-kheo nỗ-lực tu-tập ngày đêm chẳng ngừng nghỉ, cảm thấy chán-nản với cuộc sống trong tu-viện. Vị ấy lại chẳng muốn trở về đời sống thế-tục, vì
ngại thẹn với bạn-bè cũ. Vì thế, vị ấy nghĩ chỉ có cách tốt nhứt là
quyên-sinh. Vị ấy thò ngón tay vào một cái hủ có nhốt một con rắn độc. Nhưng rắn chẳng cắn, vì ở tiền-kiếp, rắn đã làm nô-lệ cho vị ấy. Bấy giờ, trong số chư Tăng có người biết chuyện đó, mới kể lại cho mọi người hay. Và kể từ ấy, mọi người gọi vị tỳ-kheo đó là Xà-nô, người chủ của con rắn nô-lệ.
Ít lâu sau, tỳ-kheo Xà-nô lại muốn tự-tử nữa. Ông tìm đến một chỗ vắng người, lấy con dao cạo thật bén, định cắt yết-hầu của mình. Nhưng khi lưỡi dao chạm vào cổ, vị tỳ-kheo nhớ lại cuộc đời đức-hạnh của mình, suy-nghĩ sâu-xa về con đường tu-hành đã đi qua, bỗng nhiên
trong tâm khởi lên một niềm phỉ-lạc, khiến toàn thân cảm thấy tràn ngập
một niềm vui-sướng vô-biên. Sau cơn phỉ-lạc, tâm-trí liền nhập vào đại-định và chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.
Khi quay trở lại chùa, chư Tăng thấy tay tỳ-kheo Xà-nô còn cầm con dao cạo, mới hỏi đi đâu về. Tỳ-kheo Xà-nô đáp: "Tôi vừa có ý-định dùng dao để cắt đứt cuống họng tôi, nhưng với lưỡi dao Trí-Huệ, tôi đã cắt đứt được tất cả mọi phiền-não, lậu-hoặc trong tâm tôi." Chư Tăng còn chưa tin lời nói đó, mới đến thưa trình cùng Đức Phật, rằng: "Bạch Thế-tôn, tỳ-kheo Xà-nô bảo mình chứng được quả-vị A-la-hán ngay trong lúc đưa con dao lên sắp cắt cổ mình, như thế có đúng với Sự-thật chăng?" Đức Phật đáp: ‘Nầy chư Tăng, với một người đã nỗ-lực ngày đêm, tinh-tấn tu Thiền-định, quả-vị A-la-hán có thể chứng-đắc được ngay trong phút-giây. Cả khi đang đi kinh-hành, giở một chơn lên để bước tới, chơn chưa đụng đất, đã chứng ngay được đạo-quả A-la-hán."
Rồi Đức Phật mới thốt lên bài kệ sau đây:
Sống trăm năm buông-lung và thụ-động,
Thua một ngày tinh-tấn và hành-thiền.
(Kệ số 112.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Xà-nô: Xà = con rắn; Nô =nô-lệ, tôi-tớ ở đời với chủ, sanh-mạng và tự-do thuộc về chủ. Chữ Xà-nô ở đây, dùng để dịch nghĩa tên của vị tỳ-kheo bằng tiếng Pali là Sappadàsa: Sappa là con rắn; Dàsa là nô-lệ.
- Đời sống thế-tục = đời sống của người thường, chưa tu, có gia-đình, bận-bịu việc làm ăn.
- Quyên-sinh: tự-tử. Quyên = bỏ đi; Sinh = sanh-mạng, mạng sống.
- Yết-hầu = nơi cổ họng.
- Niềm phỉ-lạc: Phỉ = vui vì đã thoả-mãn, được vừa lòng; Phỉ, tiếng Pali là Pìti. Lạc cũng là vui, thú vui tinh-thần, dứt được mọi khổ-não; Lạc, tiếng Pali là Sukha, trái ngược với Khổ là Dukkha. Tâm-trạng phỉ, lạc thường chứng được khi tu đến cấp sơ-thiền và nhị-thiền.
- Đại-định: xin nhắc lại, đây là tâm-trạng của thiền-giả đã hoàn-toàn vắng-lặng, cảnh bên ngoài chẳng lôi-cuốn được, ý-tưởng bên trong chẳng trì-níu nổi, lòng đắm trong cõi tịch-diệt, yên-vắng.
- Đạo-quả A-la-hán: Xin nhắc lại: Đạo là con đường, đường-lối tu-hành đưa đến quả-vị, tiếng Pali là Magga; Quả là kết-quả của việc tu-hành đã thành-công; tiếng Pali là Phala. Chứng Đạo-Quả là đã biết rõ và đã thi-hành theo đúng con đường đưa đến sự tu-hành thành-công. A-la-hán là bực Thánh, đã dứt hết các phiền-não trong tâm, chẳng còn phải tái-sanh nữa; tiếng Pali là Arahant. Quả-vị A-la-hán là quả-vị thứ tư cao nhứt trong hàng các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe Phật giảng kinh mà tu-tập, các đệ-tử nầy được gọi là hàng Thanh-văn (Thanh =tiếng nói; Văn = nghe), tiếng Phạn là Sravaka.
- Lưỡi dao Trí-huệ: đây là lời nói thí-dụ, ví Trí-Huệ có sức bén như con dao, dùng để cắt bỏ, diệt-trừ được tất cả các phiền-não, si-mê.
- Lậu-hoặc: Xin nhắc lại: Lậu = rỉ chảy ra; Hoặc = sự sai-lầm. Lậu-hoặc là các phiền-não, như tham, sân, si, bộc-lộ ra với hành-động xấu-ác.
- Kinh-hành: Kinh = kinh, kệ; Hành = đi. Sau khi ngồi thiền, để chơn cẳng thoải-mái hơn, ta đi kinh-hành, bước chầm-chậm, lòng vắng-lặng, vừa niệm thầm, hay niệm ra tiếng, lời kinh hay danh-hiệu Phật.
- Buông-lung = thả trôi, chẳng kềm-chế; nói cách khác là lười-biếng
- Thụ-động: Thụ =nhận-chịu; Động = hành-động. Người thụ-động là người lười, chẳng ham hoạt-động, như kẻ "chết chưa chôn".
- Tinh-tấn = nỗ-lực, cố gắng mãi lên cho có sự tấn-bộ.
- Hành Thiền = tĩnh-tâm và tu-tập Thiền.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Trước khi nói đến Ý-nghĩa của Tích chuyện, xin được bàn qua vài chi-tiết có vẻ khó-tin được trong Tích chuyện:
1) Thò tay vào cho rắn độc cắn mà chẳng bị rắn cắn: chuyện khó tin thật, nhưng ý của người kết-tập Kinh nầy chẳng phải muốn ta tin việc đó, mà phải nên suy-nghĩ thêm rằng, bên trong tâm ta có ba món độc lớn là tham, sân, si, cũng như con rắn độc, luôn luôn sai-khiến ta làm những hành-động xấu-ác.
2) Đưa lưỡi dao cạo lên cắt cổ mà chẳng chết: chuyện khó tin thật, nhưng ý của người kết-tập Kinh nầy chẳng phải muốn ta tin vào việc ấy, mà phải nên suy-nghĩ thêm rằng, Trí-huệ có sẵn trong tâm ta, nếu được tu-tập thiền-định, sẽ trở nên bén nhạy, giúp ta cắt đứt bỏ được các phiền-não, các món độc lớn, vậy Trí-huệ còn bén hơn lưỡi dao cạo nữa.
3) Điểm khá quan-trọng cần bàn-luận thêm cho rõ là: ý-định tự-tử của vị tỳ-kheo. Tại sao vị ấy lại muốn tự-tử? Vì vị ấy chán hết muốn sống cuộc đời đau-khổ. Khi quán-niệm thân bất-tịnh, nhận thấy thân-thể nầy chứa đầy chất dơ-bẩn, sanh ra chán-ghét, hết muốn sống: đây là tu thiền-quán Tứ-niệm-xứ chẳng đúng cách. Phật dạy quán thân bất-tịnh chỉ là để cho ta đừng quá tríu-mến thân, phải nghĩ đến việc giải-thoát thân-tâm khỏi cảnh tái-sanh đau-khổ, chớ chẳng phải là để bỏ trốn khỏi thân nầy. Ta phải nhớ lời Phật đã dạy: Được sanh ra làm người rất khó, rất quí; phải dùng thân-tâm nầy tu-học cho đến khi được giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn.
Sau khi đã vẹt bỏ các sự hiểu-lầm có thể có, về Tích chuyện, ta hãy tìm hiểu về Ý-nghĩa của Tích chuyện nầy: Vì quá nỗ-lực ngày đêm chẳng ngừng-nghỉ, một vị tỳ-kheo sanh ra chán sống, muốn tự-tử. Nhưng khi nghĩ sâu-xa lại khoảng đời đức-hạnh vừa qua của mình, cùng con đường tu-hành chơn-chánh đã theo, vị ấy cảm thấy một niềm phỉ-lạc, rồi nhập định, chứng được quả-vị A-la-hán. Ý-nghĩa của Tích chuyện nằm gọn trong lời Phật dạy chư Tăng: "Nầy chư Tăng, với một người đã nỗ-lực ngày đêm, tinh-tấn tu Thiền-định, quả-vị A-la-hàn có thể chứng-đắc được ngay trong phút-giây. Cả khi đi kinh-hành, giở một chơn để bước tới, chơn chưa đụng đất, đã chứng ngay được đạo-quả A-la-hán."
Ta nên suy-nghĩ sâu-xa về lời dạy của Đức Phật, đừng quá nôn-nóng muốn chứng được quả-vị, mà phải nên bền-chí nỗ-lực, ngày tu-hành thành-công sẽ đến trong đời nầy, hay trong đời sau, có chi đâu mà phải quá vội-vàng mong-mỏi.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 112:
Cũng như hai bài Kệ trước, số 110 và 111, bài Kệ nầy khuyên ta chớ
nên lười-biếng, buông-lung, mà phải tinh-tấn tu-hành, ngồi Thiền, để cho Trí-huệ khỏi bị che-mờ và phát-triển lên, hầu cắt đứt được mọi phiền-não, lậu-hoặc trong tâm.
HỌC TẬP:
1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ mỗi khi thiếu sự
hăng-hái trong việc tu-hành, thường viện lý-do quá bận-rộn mà bỏ qua
một ngày chẳng đọc Kinh, lễ Phật.
2.- Để dễ tự khép mình vào kỷ-luật tu-hành, nên đặt ra cho mình một thời-khoá trong ngày để tụng-niệm hay ngồi Thiền. Chẳng cần phải có dư thời-giờ một hai tiếng, chỉ cần độ mười lăm phút mà lòng mình thanh-thản, tâm-trí chú vào lời Kinh, câu Kệ là đủ. Xin đề-nghị chọn vào buổi sáng, sau khi rửa mặt đánh răng xong; hoặc buổi tối, trước khi lên giường đi ngủ. Điều quan-trọng là mỗi ngày phải tập, đừng có ngày tập, ngày bỏ qua. Nhứt là, trong khi tập, phải thành-tâm, đừng làm lấy lệ, chớ đọc-tụng một cách máy-móc theo kiểu trả nợ quỷ-thần cho xong!
(92).- Tích chuyện Nữ-Trưởng-lão Phả-tha-ca.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến Nữ-Trưởng-lão Phả-tha-ca.
Thuở ấy, cô Phả-tha-ca là người có nhan-sắc đẹp, con nhà giàu-có lớn, ở nước Xá-vệ. Cô lại thương-yêu một người hầu-cận trong nhà, trốn cha-mẹ, theo chàng trai, sống cuộc đời nghèo-khó. Chẳng bao lâu, cô mang thai, mới về nhà cha-mẹ để sanh-nở. Người chồng rượt theo, định bắt lại, nhưng cô chuyển bụng và sanh ngay bên bụi cây một đứa con trai. Sống với chồng con một thời-gian sau, cô lại mang thai và cũng đòi về nhà cha-mẹ, để
mẹ con được chăm-sóc. Người chồng dẫn đứa con trai đi theo, để bắt vợ
về, nhưng lại một lần nữa, cô Phả đau bụng nặng, sắp giở dạ. Anh chồng
bước vào trong một lùm cây rậm, tìm chỗ cho vợ nằm đẻ. Chẳng may, anh bị rắn độc cắn chết. Chờ lâu chẳng thấy chồng trở lại, sau khi sanh con, cô Phả đi tìm, thấy xác chồng nằm bất-động bên bụi cây, cô khóc-lóc, rồi tay bồng, tay dắt, ba mẹ con cô thất-thểu lên đường về quê ngoại.
Lúc bấy giờ, trời đổ mưa tầm-tã, nước sông A-xi-ra dâng cao lên, tràn ngập cả hai bên bờ. Cô Phả chẳng thể nào cùng một lúc bồng cả hai con lội qua sông, mới để đứa lớn đứng chờ ở bờ bên nầy, ẵm đứa nhỏ bơi qua sông, rồi đặt nó bên mô đất cao, định quay lại rước đứa kia. Cô vừa ra đến giữa dòng nước, bỗng đâu một con chim ó to lớn bay đến thấy đứa bé sơ-sanh tưởng là một miếng thịt ngon, xớt thằng nhỏ, bay đi. Cô Phả trông thấy hò hét lên đuổi chim, nào
ngờ thằng con trai lớn ở bờ bên kia, tưởng là mẹ gọi, bước lại gần mé,
bị nước-lũ cuốn trôi theo dòng. Trong khoảnh-khắc, cô Phả đã mất chồng và cả hai con, ngồi khóc than thảm-thiết bên bờ sông. Bấy giờ, có người bộ-hành từ thành Xá-vệ đi tới, cô Phả hỏi thăm tin tức cha-mẹ, tính về quê cũ nương thân. Người bộ-hành cho biết, cách đây mấy hôm, một trận cuồng-phong đã tàn-phá nhiều nhà cửa dân-chúng ở Xá-vệ, và cả gia-đình, cha-mẹ, anh em của cô Phả đều bị chôn-vùi dưới đống gạch vụn. Nghe đến đó, lòng cô Phả quá đau-đớn, phát điên lên, xé áo quần, loạng-choạng bước đi, dưới cơn mưa to, miệng hét: "Chồng đâu, con đâu, cha mẹ anh em tôi đâu?!
Vừa đi vừa than-khóc, cô Phả lang-thang khắp các nẻo đường, duyên may lại đi hướng về chùa Kỳ-viên, bấy giờ Đức Phật đang giảng pháp. Từ trong đại-sảnh-đường, Đức Phật đã quán-thấy cảnh khổ của cô Phả. Khi người giữ cửa chẳng cho cô vào chùa, Đức Phật bảo cứ mời cô vào để Đức Phật an-ủi. Bước vào
trong ấm-áp, cô Phả tỉnh lại, cảm thấy hổ-thẹn vì chẳng có mảnh áo che
thân. Một vị tỳ-kheo thương tình cổi áo ra khoác lên người cô. Đức Phật hỏi sự-tình, cô Phả thuật lại chỉ trong một ngày mà mình đã mất cả chồng lẫn hai con, cha mẹ và anh em cùng chết cả, Đức Phật mới bảo: "Nầy tín-nữ Phả-tha-ca, nước mắt cô đã
khóc các cái chết của cha, của mẹ, của chồng, của con, của anh chị em,
qua các kiếp sống Luân-hồi, so ra còn nhiều hơn nước ở bốn biển nữa."
Rồi Đức Phật liền giảng Kinh Tương-Ưng Vô-thỉ vạch rõ vô-lượng kiếp sống đã qua, khiến cho cô Phả-tha-ca cảm thấy được nhiều an-ủi. Ngài kết-thúc thời pháp: "Chớ quá đau-đớn nhớ mãi đến những người đã qua đời, mà hiện nay, cần phải thanh-lọc tâm-thần cho trong-sạch, nỗ-lực tu-tập để chứng-đắc Niết-bàn, sống vĩnh-viễn an-vui trong cõi tịch-diệt." Sau thời pháp, cô Phả chứng được sơ-quả Tu-đà-huờn, và xin đi tu.
Tỳ-kheo-ni Phả-tha-ca tu-hành rất tinh-tấn. Một hôm, bà đến bên bờ suối, múc nước rửa chơn, xối lên cẳng ba lần, bùn sình theo nước trôi đi, lòng bà trở nên nhẹ-nhàng, nghĩ đến ba cảnh: sanh, già, chết của đời người. Trong cơn đại-định, tâm bà quán-thấy Đức Phật đang thốt lên: "Nầy tỳ-kheo-ni Phả-tha-ca, tâm con đang đi đúng đường và nhận thấy rõ tánh-cách vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ uẩn. Ai đã thấu-đạt được thân-tâm ngũ-uẩn với ba đặc-tánh như thế, dầu chỉ sống được một ngày, vẫn còn hơn kẻ sống trăm năm mà mê-mờ về thân-tâm ngũ uẩn." Sau đó, bà Phả chứng-đắc được quả-vị A-la-hán.
Bấy giờ tại Kỳ-viên-tự, Đức Phật thốt lên bài Kệ như sau:
Sống trăm năm mê-mờ thân ngũ-uẩn
Sanh rồi diệt, cứ sanh-diệt thăng-trầm,
Sao bằng sống một ngày mà rành-rẽ
Lẽ vô-thuờng sanh-diệt của thân-tâm.
(Kệ số 113.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Nữ Trưởng-lão: Nữ =phụ-nữ, đàn-bà;Trưởng =lớn; Lão =già. Chữ Nữ-trưởng-lão được dùng ở đây để dịch nghĩa chử Pali là Theri, nữ-tu-sĩ Phật-giáo đã dứt hết phiền-não, lậu-hoặc, chứng được A-la-hán. Bên Tăng, gọi là Thera, Trưởng-lão.
- Phả-tha-ca: tên vị Nữ-trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Patàcàrà.
- Hầu-cận: Hầu =hầu-hạ, theo giúp việc; Cận =gần bên. Người hầu-cận là người ở làm công, theo hầu người chủ trong nhà.
- Mang thai: có con trong bụng.
- Chuyển bụng: nói về người đàn-bà có thai sắp sanh con ra.
- Giở dạ: Dạ = bụng dạ. Giở dạ là sắp đẻ con ra, chuyển bụng.
- Bất-động: Bất =chẳng; Động = lay-động. Bất-động là nằm trơ, chẳng lay-động, tức là đã chết rồi nên chẳng nhúc-nhích.
- Thất-thểu = dáng đi buồn-khổ, đầy vẻ thất-vọng, chán-chường.
- Sông A-xi-ra: tên con sông nầy tiếng Pali là Aciravatì.
- Sơ-sanh: Sơ = vừa mới đó; Sanh = đẻ ra; Sơ-sanh = vừa mới đẻ ra
- Nước-lũ = nước lụt, nước dâng lên cao, ngập tràn khắp cả.
- Khoảnh-khắc = trong một lúc ngắn.
- Bộ-hành = người đi bộ.
- Cuồng-phong: Cuồng =điên-cuồng; Phong =gió. Cuồng-phong là cơn gió lớn, bão-tố, thổi mạnh làm sập nhà cửa.
- Loạng-choạng = bước đi chập-choạng, vừa bước vừa té.
- Đại-sảnh-đường: Đại = lớn; Sảnh = phòng; Đường = nhà. Căn đại-sảnh-đường là căn phòng khách, lớn nhứt trong nhà.
- Quán-thấy: xin nhắc lại, quán-thấy là nhìn thấy trong tâm; người tu Thiền cao, nhìn thấy, bằng tâm, các việc ở xa được.
- Tín-nữ: Tín = tin-tưởng; Nữ = phụ-nữ. Chữ Tín-nữ trong Phật-học dùng để chỉ người đàn-bà có lòng tin-tưởng vào Đạo Phật. Bên nam-phái thì gọi là Thiện-nam (thiện = lành).
- Các Kiếp sống Luân-hồi: các đời sống đã qua, sanh ra rồi lại chết đi, sanh ra nữa, liên-tiếp chẳng biết bao nhiêu đời. Luân-hồi: Luân là bánh xe, cứ quay mãi; Hồi là trở lại; Luân-hồi là cứ phải sống chết, sống chết mãi mãi, chẳng ngưng.
- Kinh Tương-Ưng Vô-thỉ: Kinh Anamatagga Samyutta trong Trung-Bộ-Kinh thuộc Kinh-Tạng (Suttanta Nikàya). Tương-Ưng là có liên-hệ với nhau; các bài Kinh cùng nói về một đề-tài; Vô-thỉ: Vô =chẳng; Thỉ = Thủy = chỗ bắt đầu. Trong Phật-học, nói về thời-gian, kinh-sách bảo là vô-thỉ, vô-chung, có nghĩa là về thời-gian, ta chẳng biết lúc nào là lúc khởi đầu, cũng chẳng thể biết lúc nào là lúc chấm-dứt. Chung = lúc tận-cùng.
- Vô-lượng: Vô =chẳng; Lượng =tính đếm. Vô-lượng là nhiều, tính đếm chẳng xuể.
- Niết-Bàn: xin nhắc lại: Niết-Bàn có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối, tức là diệt hết các phiền-não, mê-mờ, và chứng được cảnh vô-sanh, chẳng còn phải tái-sanh trong cảnh Luân-hồi nữa. Tiếng Pali là Nibbàna. Đây
chẳng phải là một nơi chốn nào trong không-gian, mà là tâm-trạng của
người đã dứt hết lậu-hoặc, mê-lầm, sống an-nhiên, tự-tại và vắng-lặng.
- Vĩnh-viễn:Vĩnh = lâu-bền; Viễn = xa. Vĩnh-viễn = mãi mãi.
- Tịch-diệt:Tịch = yên-lặng; Diệt = tiêu mất hết. Tịch-diệt =vắng-lặng
- Sơ-quả: Sơ =mới bắt đầu, thấp nhứt; Quả = kết-quả. Sơ-quả tức là quả-vị đầu-tiên, thấp nhứt; đó là quả Tu-đà-huờn, còn gọi là Nhập-Lưu.
- Đại-định: Đại = lớn; Định =an-định. Đại-định là tâm-trạng người tu-thiền đã vắng-lặng, bên ngoài cảnh-vật chẳng ảnh-hưởng đến, bên trong các ý-tưởng chẳng trì-níu, đang suy-tư thâm-sâu.
- Đang đi đúng con đường: Con Đường ở đây chính là Đạo, tiếng Pali là Magga, sẽ dẫn đến Quả, tu-hành thành-công, tiếng Pali là Phala.
- Vô-thường: Vô =chẳng; Thường = thường-hằng, chẳng biến-đổi, chẳng hư-hoại. Vô-thường là bị biến-đổi, bị hư-hoại, có đó rồi mất đó.
- Vô-ngã: Vô = chẳng; Ngã = ta. Vô-ngã là chẳng có ai làm chủ, để gọi đó là Ngã, là Ta cả; chẳng có đặc-tánh gì riêng-biệt, vốn rỗng-rang.
- Bất-toại-nguyện: Bất = chẳng; Toại = vừa ý, vừa lòng; Nguyện = mong-ước. Bất-toại-nguyện là còn thiếu-sót, chẳng làm ta vừa lòng được.
- Ngũ-uẩn: Ngũ = năm; uẩn = còn gọi là ấm, có nghĩa là tập-họp chung lại, và che-mờ. Phật-học dùng chữ Ngũ uẩn để chỉ năm thành-phần tạo nên thân-tâm con người: (1)sắc-uẩn = tấm thân vật-chất; (2)thọ-uẩn = các cảm-gíác; (3) tưởng-uẩn = các tư-tưởng; (4)hành-uẩn = các hành-động; (5) thức-uẩn = các sự hiểu-biết. Bốn uẩn sau hợp lại thành tâm.
- Sanh-diệt = Sanh = sanh ra, sanh-sống; Diệt = tiêu mất, chết đi.
- Thăng-trầm: Thăng = lên cao; Trầm = chìm lắng xuống.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện rất dài; phần đầu kể lại trong trường-hợp nào cô Phả đã mất chồng con, cha mẹ và anh em; phần sau là những lời an-ủi và chỉ dạy của Đức Phật. Xin hãy lướt qua phần đầu và xét kỹ thêm về phần sau.
Phật an-ủi bà Phả bằng cách giảng Kinh Tương-Ưng Vô-Thỉ. Ta chẳng có trong tay bản Kinh nầy, nhưng ý-kinh được nói rõ: "Nước mắt khóc các cái chết của vợ-chồng, con cái, cha mẹ anh em, trong các kiếp sống Luân-hồi còn nhiều hơn nước ở bốn biển". Cho nên, người ta thường nói, đời là biển khổ. Biết sống trong cảnh Luân-hồi là đang ở trong biển khổ, vậy, muốn tìm cách ra khỏi, phải biết tu-tập để chứng-đắc được Niết-bàn. Mà bước đầu tu-tập chính là phải thanh-lọc thân-tâm.
Thanh-lọc thân-tâm bằng cách nào? Bà Phả được Phật dạy rằng: "Tâm con đang đi đúng đường, nhận thấy rõ tánh-cách vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ-uẩn". Bản kinh Tứ-niệm-xứ dạy ta cách quán-chiếu thân-tâm ngũ-uẩn là vô-thường, vô-ngã, và bất-toại-nguyện: (1)thân bất-tịnh, (2)thọ thị khổ, (3)tâm vô-thường, (và 4)pháp vô-ngã.
Tóm lại, ý-nghĩa của Tích chuyện khuyên ta phải năng quán-chiếu thân-tâm năm uẩn nầy, thanh-lọc tâm-ý, để tiêu-diệt các phiền-não.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 113:
Bài Kệ nhấn-mạnh tánh-cách vô-thường của thân-tâm năm uẩn. Giản-dị mà nói, thân nầy, nay tuy còn khoẻ, còn đẹp, nhưng với thời-gian, sẽ già, sẽ yếu, sẽ còm-cõi; vậy chớ quá bấu-víu vào thân, mà phải quán thấy các chỗ dơ-bẩn bên trong thân để biết nhàm-chán các thú vui vật-chất. Tâm-trí nầy
nay tuy còn minh-mẫn, nhưng với số tuổi càng cao, sẽ có ngày già-lẫn,
lú-lộn; vậy ngay bây giờ, phải biết học-tập Kinh-kệ, kẻo đến lúc tuổi già, mau quên và chậm hiểu.
HỌC TẬP:
- Học kỹ bài Kệ, để ghi nhớ tánh-cách vô-thường của thân-tâm.
(93).- Tích chuyện Nữ-Trưởng-lão Kỷ-sa-cơ.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Nữ-trưởng-lão Kỷ-sa-cơ.
Thuở ấy có cô Kỷ-sa-cơ là con gái của một nhà hào-phú ở nước Xá-vệ, chồng cô cũng là người giàu-có. Hai vợ chồng có được một đứa con trai kháu-khỉnh. Rủi thay, đứa bé vừa biết đi lẫm-đẫm thì bị bịnh nặng rồi chết. Cô Kỷ-sa-cơ khóc than thảm-thiết, bồng con lên đi khắp các nẻo đường, gặp ai cũng hỏi thuốc cứu mạng sống cho con. Nhiều người khuyên cô, kẻ đã chết rồi thì có thuốc nào đâu để cải-tử huờn-sanh được. Nhưng cô vì quá đau buồn chẳng chịu rời xác con ra. Vừa may, cô gặp được một cụ già hiền-lành và mộ-đạo, mách cho cô, nên đến gặp Đức Phật, Ngài sẽ có thuốc chữa cho cô.
Tại chùa Kỳ-viên, Đức Phật bảo cô Kỷ-sa-cơ, hãy tìm đến nhà nào chẳng có người chết để
xin một ít hột cải đem về đây, Ngài sẽ chỉ thuốc cho. Bồng xác con trên
tay, cô Kỷ đi từ đầu làng tới cuối làng, đến nhà nào cũng hỏi và ai
cũng đáp, ở nhà trước đây đã có người chết rồi. Cuối cùng, cô chán-nản, quay lại chùa, đặt con bên lề đường, vào yết-kiến Đức Phật. Ngài bảo: "Nầy Kỷ-sa-cơ, cái chết đến với mọi nhà, chẳng phải chỉ riêng có một mình cô mới khóc cái chết của con mình. Như cô đã thấy, cái chết đến với mọi chúng-sanh chẳng chừa ai, ngay cả trong lúc mà mọi ước-mong về cuộc đời còn chưa thoả-mãn hết." Bình-tâm nghe Đức Phật nói, cô Kỷ-sa-cơ bỗng ngộ được lẽ vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm năm uẩn nầy, và chứng-đắc được sơ-quả Tu-đà-huờn.
Sau khi thiêu xác con xong, cô Kỷ trở lại chùa, xin làm Tỳ-kheo-ni. Một hôm, cô đang đốt lửa thắp đèn, nhìn ngọn lửa loé lên rồi phụt tắt, cô liền suy-nghĩ sâu-xa đến mạng-sống con người lại cũng như thế, khởi lên rồi chấm-dứt đột-ngột như ngọn lửa kia. Rồi tâm cô đi vào thiền-định, quán-thấy Đức Phật nói với cô: " Con đang đi đúng đường, hãy tiếp-tục quán-chiếu cho thật thâm-sâu về lẽ vô-thường của kiếp nhơn-sanh mà lo tu-tập để chứng-đắc cõi vô-sanh của Niết-bàn." Ít lâu sau, tỳ-kheo-ni Kỷ-sa-cơ tinh-tấn tập thiền-định và chứng được đạo-quả A-la-hán.
Bấy giờ, Đức Phật mới thốt lên bài Kệ sau đây:
Sống trăm năm mê-mờ cảnh Bất-diệt,
Thua sống một ngày ngộ cảnh Vô-sanh.
(Kệ số 114.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Các chữ: Nữ-trưởng-lão, Vô-thường, Vô-ngã, Bất-toại-nguyện, thân-tâm năm uẩn, sơ-quả Tu-đà-huờn, Niết-bàn, A-la-hán, xin xem lại lời giải-nghĩa ở bài trước.
- Kỷ-sa-cơ: tên vị tỳ-kheo-ni nầy tiếng Pali là Kisàgotami.
- Hào-phú: Hào = có thế-lực; Phú = giàu. Hào-phú là giàu-có lớn.
- Kháu-khỉnh = khoẻ-mạnh và dễ thương.
- Đi lẫm-đẫm: mới biết đi, đi còn chưa vững.
- Cải-tử huờn-sanh: Cải =sửa; Tử = chết; Huờn = hoàn, trả lại; Sanh =sống. Cải-tử huờn-sanh là làm cho kẻ chết sống lại.
- Mộ-đạo: Mộ = sùng-mộ, tin-tưởng nhiều.
- Yết-kiến: đến gặp người trưởng-thượng.
- Chúng-sanh: Chúng = số đông; sanh =sống. Trong Phật-học, chữ chúng-sanh dùng để chỉ tất cả các sanh-vật có mạng sống.
- Bình-tâm: Bình = bằng-phẳng, chẳng xao-động; Tâm = lòng. Bình-tâm là lòng đã yên-ổn, chẳng xao-động nữa.
- Tỳ-kheo-ni: tiếng Pali là Bhikkhuni, nữ tu-sĩ đạo Phật, thường được gọi tắt là ni-cô.
- Ngộ được = hiểu được thật thấu-đáo, rành-rẽ.
- Vô-sanh: Vô = chẳng; Sanh = sống. Lẽ Vô-sanh có nghĩa là chẳng còn phải tái-sanh nữa trong cảnh Luân-hồi. Đừng hiểu-lầm Vô-sanh là chẳng còn sống nữa; trái lại, chứng được vô-sanh thì chẳng bao giờ phải chết, vì có sanh ra đâu mà lại phải chết. Chứng vô-sanh có nghĩa là nhập vào cảnh Niết-bàn, sống an-nhiên, tự-tại, trong cảnh vắng-lặng.
- Bất-diệt: Bất = chẳng; Diệt = tiêu-diệt, mất đi. Cảnh Bất-diệt nói ở đây là cảnh-giới Niết-bàn; vì chẳng còn tái-sanh nữa, nên chẳng thể bị tiêu-diệt đi. Thế thì sống bằng gì? Bằng Phật-tánh, cái khả-năng tu-tập để thành Phật.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc một người mẹ bồng xác con chết, đi tìm thuốc để cứu sống con lại. Khi gặp Đức Phật, Ngài giảng cho hiểu, sự chết chẳng chừa một ai, phải biết tu-hành để chứng-đắc Niết-bàn, khỏi bị tái-sanh nữa thì sống mãi trong cảnh tịch-diệt.
Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là dạy ta phải có thái-độ đứng-đắn trước cái chết: ai rồi cũng phải chết, vì chẳng ai giữ mãi được tấm thân thể-xác nầy còn hoài được. Chết là gì? Đó là sự sống đã rời khỏi thân. Rời đi đâu? Rời để đi tìm một tấm thân mới, rồi về sau lại phải chết nữa, cứ thế mà luân-chuyển mãi chẳng ngừng trong cõi Luân-hồi. Muốn chẳng bị chết, chỉ có cách là làm sao khỏi phải sanh lại. Phật dạy, muốn khỏi phải tái-sanh, thì phải tu-hành diệt-trừ hết các phiền-não để chứng được cảnh Vô-sanh của Niết-bàn. Chừng nào chứng được Niết-bàn, thì ta còn chưa biết chắc; điều ta biết chắc là trong tâm ta hiện còn nhiều phiền-não, một trong số đó là sự ham sống và sợ chết . Người nào biết chẳng ham sống và sợ chết là người có thái-độ thản-nhiên trước cái chết. Sợ, đau-buồn, thương-tiếc, nào có đem sự sống trở lại đâu! Nếu đã chắc, sau cuộc đời khổ nhiều, sướng ít nầy, một cuộc sống an-nhiên, tự-tại vẫn còn có thể có được, thì sao lại đi sợ chết?
Phần sau của Tích chuyện thuật lại việc ni-cô nhơn khi thắp đèn, nhìn ngọn lửa loé lên rồi phụt tắt, nghĩ đến mạng sống con người cũng lại như thế, nhờ đó mà quán-tưởng đến lẽ vô-thường, chẳng bền-vững của thân-tâm năm uẩn. Đó cũng giống như Tích chuyện ở bài trước, ni-cô Phả-thi-ca nhìn dòng nước cuốn mà nghĩ đến cảnh sanh, già, chết của đời người. Ý-nghĩa quan-trọng nầy của Tích-chuyện nhắc nhở ta phải năng tập quán-chiếu về lẽ vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của năm uẩn.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 114:
Trong bài Kệ có hai danh-từ Bất-diệt và Vô-sanh, mới đọc tưởng như đối chọi nhau, thật-sự lại cùng một nghĩa, đó là cảnh-giới Niết-bàn.
HỌC TẬP:
- Học kỹ cả hai bài Kệ số 113 và 114, ghi nhớ đừng quá sợ chết.
(94).- Tích chuyện Nữ-Trưởng-lão Bá-hư-phù.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị nữ-trưởng-lão Bá-hư-phù.
Thuở ấy, ở nước Xá-vệ có một cặp vợ chồng giàu-có, sanh đặng bảy người con trai và bảy người con gái. Sau khi đã dựng vợ gả chồng cho các con, người cha từ-trần. Bà mẹ sống một mình trong dinh-cơ rộng lớn. Các người con khuyên mẹ nên đem chia gia-tài cho các con để có đủ thời-giờ an-hưởng tuổi già. Sau một thời-gian ngần-ngại, bà cụ mới chia hết gia-tài cho các con, chẳng giữ lại chi cho mình. Từ ấy, cứ mỗi tháng, bà đến ở nhà một người con, tháng sau đến nhà đứa kế, luân-chuyển như thế mãi. Cho đến khi, các con dâu và các chàng rể nói ra nói vào, bà buồn lòng, thấy sự kính-trọng của con cái đối với bà chẳng còn nể-nang như xưa nữa. Chán tình đời đen bạc, bà vào chùa xin đi tu.
Nghĩ mình đã lớn tuổi mới bước vào đường tu, bà Bá-hư-phù cố-gắng tu-tập ngày đêm, tuân theo giới-luật, học-hỏi kinh-kệ, chẳng bao lâu bà đã thấm nhuần Chánh-pháp. Một đêm, ngồi Thiền, bà quán-thấy trong tâm có Đức Phật hiện đến và dạy rằng: ‘Nầy tỳ-kheo-ni, kẻ nào dầu sống đến trăm năm mà chẳng hiểu-biết đến Chánh-pháp do Như-Lai giảng-dạy, thì cũng chẳng bằng một người, thà chỉ sống một ngày, mà hiểu thật thấu-đáo con đường giác-ngộ và giải-thoát của Như-Lai."
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ như sau:
Sống trăm năm chưa rành Pháp vô-thượng,
Thua sống một ngày hiểu Pháp tối-tôn.
(Kệ số 115.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Bá-hư-phù: tên vị tỳ-kheo-ni nầy tiếng Pali là Bahuputtikà, có nghĩa là bà mẹ có đông con cái.
- Từ-trần: Từ =giả-từ, lìa; Trần = trần-thế, cõi đời nầy. Từ-trần = chết
- Dinh-cơ = nhà cửa rộng-lớn, có thật nhiều của-cải.
- Luân-chuyển = lần-lượt thay đổi theo thứ-tự.
- Nói ra nói vào = tìm cách nói xấu ai. Bị ai nói ra nói vào là bị dèm
- Tình đời đen-bạc = ý nói, tình đời chẳng tốt.
- Chánh-pháp: Chánh = chơn-chánh, đúng-đắn; Pháp = pháp-tu. Chánh-pháp là đường-lối tu-hành Đức Phật dạy trong Kinh-kệ.
- Như-Lai: Như = như thế; Lai = đến. Như-Lai là lời tự-xưng của Đức Phật, đệ-tử gọi Phật bằng Thế-tôn. Như-Lai, tiếng Pali là Tathàgata.
- Vô-thượng: Vô = chẳng; Thượng =trên. Vô-thượng là cao nhứt, trên đó chẳng còn gì cao hơn nữa.
- Tối-tôn: Tối = hết sức; Tôn = tôn-kính. Tối-tôn là đáng kính nhứt.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện rất giản-dị, kể lại việc một bà cụ chia hết gia-tài cho đàn con đông-đảo; về sau, thấy các con chẳng thuơng-kính mình nữa, mới đi tu. Bà chí tâm học đạo, tu-tập ngay đêm, nên tâm trở nên thanh-tịnh, quán-thấy Phật đến khuyến-khích.
Ý-nghĩa của Tích chuyện: "Thà sống một ngày mà biết được Chánh-pháp, còn hơn sống trăm năm chẳng hiểu biết đường tu."
Tại sao vậy? Vì người thông-hiểu Chánh-pháp, biết được và thi-hành theo con đường giác-ngộ và giải-thoát, tất phải hơn người mãi sống trong mê-mờ, trọn kiếp trôi-lăn trong biển khổ của Luân-hồi sanh-tử.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 115:
Bài Kệ khen người biết đến Chánh-pháp, và chê người chẳng biết tu-hành. Tại sao phải tu-hành? Tu-hành để sửa đổi tâm-tánh hiện nay cho hiền-lương khiến tâm được thanh-tịnh, nhẹ-nhàng, sống trong an-vui và tự-tại. Tu-hành để sau này được
giải-thoát khỏi cảnh sanh-tử của Luân-hồi, khỏi phải trôi lăn kiếp nầy
qua kiếp khác, trong cuộc sống sướng ít, khổ nhiều nầy. Tu cách nào cho đúng? Phải theo đúng Chánh-pháp, được Đức Phật giảng-dạy trong Kinh-kệ.
HỌC TẬP:
- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ việc học-hỏi Kinh-kệ mỗi ngày.
-ooOoo-