XVII.- Phẩn SÂN-HÂN.
(174).- Tích chuyện công-chúa Lỗ-hi-nhi.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Chùa Cây Sung, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến công-chúa Lỗ-hi-nhi, em của Trưởng-lão A-nâu-lâu-đà.
Thuở ấy, Trưởng-lão A-nâu-lâu-đà viếng thành Ca-tỳ-la-vệ. Trong thời-gian nầy, các thân-nhơn đều đến thăm-viếng Trưởng-lão, chỉ trừ người em ruột là công-chúa Lỗ-hi-nhi chẳng thấy đến. Trưởng-lão cho người đi mời. Công-chúa bấy giờ đang mắc bịnh cùi ( = hủi), lấy khăn quàng đầu, che các chỗ lở-lói, rồi mới đến chùa. Trưởng-lão liền hỏi công-chúa đã có làm được một việc thiện nào không? Công-chúa đáp, chưa. Trưởng-lão khuyên công-chúa nên đem các đồ nữ-trang và quần-áo đẹp của mình ra bán, lấy tiền xây cất một phòng ăn cho chư Tăng ở tu-viện. Công-chúa vâng lời làm theo lời dạy. Bấy giờ, Trưởng-lão lại khuyên công-chúa, mỗi ngày nên quét-tước chung quanh tu-viện, gánh nước đổ đầy lu trong chùa, trong khi phòng ăn được xây cất. Công-chúa đều tuân theo lời anh mình dạy.
Đến khi phòng ăn được xây cất xong và bàn-ghế được trang-hoàng
đẹp-đẽ, Trưởng-lão thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến tu-viện để
khánh-thành. Sau buổi ngọ-trai, Đức Phật cho mời vị thí-chủ đã
dưng-cúng phòng ăn. Công chúa được gọi đến trình-diện cùng Đức Phật.
Đức Phật ngỏ lời tán-thán công-đức cúng-dường của công-chúa, và hỏi
công-chúa có biết vì sao nay bị bịnh cùi không? Công-chúa thưa, chẳng
biết. Đức Phật mới kể lại tích xưa như sau:
Vào một thời xa xưa, có bà hoàng-hậu xứ Ba-la-nại, nhan-sắc đẹp-đẽ nhưng tánh-tình hay ghen-tuông. Nhà vua lại có một nàng cung-nữ trẻ đẹp muá hát thật khéo, được vua cưng-chiều lắm. Hoàng-hậu ganh-tị, lén cho người rắc thuốc ngứa vào chăn-chiếu của cô cung-nữ. Rồi trong khi nàng
múa hát, các tỳ-nữ theo lịnh của Hoàng-hậu, thoa phấn ngứa vào mình
người vũ-nữ, khiến cho quá ngứa ngáy, phải chạy lui về phòng, quấn mình
trong chăn, lại càng thêm ngứa-ngáy. Vì tội-ác đó, hoàng-hậu nay lại tái-sanh làm công-chúa Lỗ-hi-nhi với căn bịnh gớm-ghiếc. Nghe Đức Phật kể xong, công-chúa tỏ lòng ăn-năn, hết sức hối-tiếc tội-lỗi đã qua.
Bấy giờ Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó công-chúa Lỗ-hi-nhi chứng được sơ-quả Tu-đà-huờn, và bịnh cùi cũng từ từ khỏi:
Phải dẹp bỏ sân-hận,
Phải lià xa ngã-mạn,
Kết-sử phải vượt qua hết.
Chẳng luyến-ái danh-sắc
Thoát khỏi mọi lậu-hoặc,
Phiền-não sẽ chừa người nầy ra.
(Kệ số 221.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Lỗ-hi-nhi: tên vị công-chúa nầy, tiếng Pali là Rohinì.
- Chùa Cây Sung: tên ngôi tu-viện nầy, tiếng Pali là Nigrodàràma. Chữ Nigrodà có nghĩa là cây Sung.
- A-nâu-lâu-đà: còn được gọi là A-na-luật, tiếng Pali Anuruddha
- Ca-tỳ-la-vệ: thủ-đô nước Xá-vệ, quê-hương của Đức Phật Thích-ca; tiếng Pali là Kapilavatthu.
- Khánh-thành: Khánh = mừng; Thành = xong; Lễ khánh-thành là lễ ăn mừng việc xây-cất đã xong.
- Ngọ-trai: Ngọ = 12 giờ trưa; Trai = bữa ăn chay. Sau bữa ngọ-trai, chẳng được ăn thêm nữa suốt ngày, theo giới-luật Nam-tông.
- Thí-chủ: Thí = bố-thí, ban cho; Chủ: người đứng làm chủ. Thí-chủ hay Thí-giả, là người cho (= bố-thí), còn người nhận gọi là Thọ-giả.
- Tán-thán: khen ngợi.
- Tái-sanh: sanh trở lại, sau khi đã chết.
- Sơ-quả: Sơ = ban sơ, đầu-tiên. Sơ-quả là quả-vị đầu-tiên, tức là quả-vị Tu-đà-huờn.
- Ngã-mạn: kiêu-căng, tự xem mình là hơn kẻ khác, khoe giỏi.
- Kết-sử: Kết = ràng-buộc; Sử = sai-khiến. Kết-sử là những tình-cảm, tư-tưởng có tánh-cách ràng-buộc, thúc-dục, sai-khiến ta phải làm theo đường quấy. Tiếng Pali là Sanyojana, dịch là thúc-thằng; thúc = ràng-buộc; thằng = sợi dây; thúc-thằng là sợi dây trói buộc, dùng theo nghĩa bóng.
Theo giáo-lý Bắc-tông, có tất cả 10 kết-sử, chia ra:
a) ngũ-độn-sử: (1) thân-kiến, chấp lấy thân nầy làm cái Ta; (2) nghi, chẳng tin ở Chánh-pháp; (3) giới-cấm-thủ, mê-tín tin vào các nghi-thức cúng-tế tà-đạo; (4) tham, (5) sân, giận-hờn.
b) ngũ lợi-sử: (6) sắc-ái-kết, tham-luyến cảnh Sắc-giới; (7) vô-sắc-ái, tham-luyến cảnh Vô-sắc-giới; (8) mạn, kiêu-căng; (9) trạo, giao-động, bối-rối; (10) vô-minh, sự si-mê.
Khó mà nhớ đủ mười món kết-sử, cần nhớ năm món chánh nầy, để dẹp bỏ, là: tham, sân, si, mạn và nghi. Dẹp xong năm độn-sử chứng được quả-vị A-na-hàm; dẹp cả mười, chứng quả A-la-hán.
- Danh-sắc: Danh = tên gọi; Sắc = vật-chất. Chữ Danh-sắc có nghĩa là thân và tâm; thân trỏ vào sắc; còn tâm trỏ vào danh.
- Lậu-hoặc; Lậu = rỉ chảy; Hoặc = điều sai lầm. Chữ lậu-hoặc trỏ vào các điều sai-lầm trong tình-cảm, tư-tưởng, chảy lộ ra, bộc-lộ ra, bằng các hành-động xấu-ác. Cùng nghĩa với chữ phiền-não.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc công-chúa Lỗ-hi-nhi bị bịnh cùi, bởi
trong tiền-kiếp có tội-ác làm ngứa-ngáy một cung-nữ, vì bụng-dạ sân-hận
thúc-đẩy. Nay nhờ biết dưng-cúng phòng ăn cho chư Tăng, và làm công-quả ở chùa, mà được Đức Phật chỉ rõ lỗi-lầm đã qua, và nhờ biết ăn-năn, mà từ-từ khỏi được bịnh.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 221:
Bài Kệ kể ra những việc phải làm để phiền-não chừa mình ra: dẹp bỏ sân-hận, xa-lià ngã-mạn, vượt qua các kết-sử, bỏ luyến-ái thân-tâm, thoát mọi lậu-hoặc. Đây là cả một chương-trình tu dài hạn cả một đời, hay cả nhiều đời: chứng-quả A-la-hán, bằng cách diệt-tiêu tất cả mọi phiền-não. Nên bắt đầu bằng cách dẹp ngay Sân-hận.
(175).- Tích chuyện vị Thọ-thần.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tháp Ất-gia-la, gần thành A-la-vi, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến một vị thọ-thần, sống dựa vào cây cổ-thụ trong rừng.
Thuở ấy, có một vị tỳ-kheo muốn cất cho mình một cái am để tiện tu-tập. Vị ấy vào rừng, đốn một cây cổ-thọ, bên trên có gia-đình một vị thần-linh đang trú-ngụ. Vị thọ-thần bước ra năn-nỉ, xin đừng đốn cây, làm mất nơi nương-tựa cho gia-đình mình. Vị tỳ-kheo chẳng nghe theo, cầm cưa, cưa một nhánh lớn. Vị thọ-thần liền nghĩ, có lẽ để đứa con nhỏ trên nhánh cây, vị tỳ-kheo sợ nó té xuống mà ngưng đốn chăng. Chẳng ngờ lưỡi cưa đi quá nhanh, khiến đứa bé té gãy tay. Vị thọ-thần liền nổi giận, muốn giết chết vị tỳ-kheo. Vừa đưa tay lên định đấm vào vị tỳ-kheo, thì vị thọ-thần liền nghĩ lại: "Nếu ta giết chết một người đang tuân theo giới-luật, thì ta phải chịu quả-báo, sa vào địa-ngục. Các thọ-thần khác trong rừng, rồi cũng bắt chước theo lỗi của ta, và sẽ có nhiều vị tỳ-kheo khác bị hại sau nầy. Nhưng, tỳ-kheo tu-tập, tất có thầy dạy, chi bằng ta đến thưa cùng Đức Phật, xem Ngài phân-xử ra sao." Nghĩ xong, vị thọ-thần bồng con đến nơi Đức Phật đang ngụ và thuật lại cớ-sự. Đức Phật bảo: "Nầy nữ-thọ-thần, bà rất đáng khen, biết tự kềm-chế cơn giận. Nay bà cứ dọn về ở trong vườn, gần nơi hương-phòng của ta, chẳng ai đến khuấy rối nữa." Và ngay hôm đó, Đức Phật ra giáo-chỉ, cấm tất cả tỳ-kheo đốn cây.
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
Chận cơn giận-dữ nổi lên,
Như xe ngon trớn, thắng liền ngừng ngay.
Đấy là người đánh xe tài,
Các người khác chỉ là nài cầm cương.
(Kệ số 222.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Thọ-thần: Thọ = cây cổ-thọ, cây to sống lâu năm; Thần = thần-linh. Thọ-thần là thần-linh sống trên cây-cối; tiếng Pali: rukkha devatà
- Tháp Ất-gia-la, thành A-la-vi: tên các địa-danh nầy, tiếng Pali là tháp Aggàlava và thành Àlavi.
- Am = một căn nhà nhỏ, sơ-sài, dùng làm nơi trú-ngụ cho người ẩn-tu. Còn gọi là cốc, hay thất, hoặc tịnh-xá.
- Giới-luật: các điều răn-cấm trong đạo Phật mà vị tỳ-kheo phải tuân theo. Giữ đúng giới-luật là người có giới-đức thanh-tịnh.
- Quả-báo: kết-quả của việc ác sẽ xảy ra sau nầy cho kẻ làm ác.
- Điạ-ngục: Điạ = đất; Ngục = nhà giam tù. Theo thuyết Luân-hồi, kẻ làm ác, khi chết đi, phải sa vào nơi u-tối, chịu hình-phạt nặng-nề để đền lại tội-ác đã gây lúc còn sống.
- Kềm-chế: giữ-gìn chẳng cho xảy ra; thí-dụ muốn ăn đồ ngọt, nghĩ rằng chất ngọt dễ hư răng, ngưng lại chẳng ăn, đó là kềm-chế.
- Hương-phòng: căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là gandhakuti.
- Giáo-chỉ: Giáo =tôn-giáo; Chỉ = điều lịnh cấm-đoán. Giáo-chỉ là lịnh của Tăng-đoàn đưa ra, buộc mọi tỳ-kheo phải tuân theo.
- Thắng = cái thắng, bộ-phận làm ngừng xe đang chạy.
- Nài = người giữ ngựa, chỉ cầm cương, nhưng chẳng biết cách điều-khiển và làm chủ được con ngựa.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện kể lại một vị thọ-thần bị xâm-phạm nơi cư-trú, con bị gãy tay, nổi giận muốn giết người, nhưng kịp nghĩ lại, chận được niềm sân-hận. Đức Phật khen-ngợi sự biết kềm-chế sân-hận nầy.
Ý-nghĩa của Tích chuyện: đề-cao sự tự-kềm-chế để chống lại sự giận-dữ. Biết tự-kềm-chế là tự-thắng được mình, còn vẻ-vang hơn là thắng kẻ khác.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 222:
Bài Kệ ví sự tự-kềm-chế trước cơn giận-dữ, như người đánh xe có tài: thắng được xe đang ngon trớn; khác với người thường hay để cho cơn giận lôi-kéo mình vào đường tội-lỗi, ví như tên nài chỉ biết cầm cương ngựa mà chẳng điều-khiển nổi con ngựa.
Học thuộc bài Kệ, để khi cần, biết tự mình... vuốt giận lấy mình.
(176).- Tích chuyện cô tín-nữ Úc-ta-ra.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một cô tín-nữ tên là Úc-ta-ra.
Thuở ấy, có một người tín-nữ tên là Úc-ta-ra, con gái của gia-chủ Phú-na. Một hôm, gia-đình ông Phú-na dưng-cúng thực-phẩm cho Tôn-giả Xá-lợi-phất, sau khi Tôn-giả vừa xuất cơn diệt-tận-định; nhờ công-đức cúng-dường to-lớn nầy mà gia-đình ông Phú-na trở nên giàu-có. Trong khi cày ruộng, ông Phú-na bắt gặp được một khối vàng lớn, và sau đó, được Đức Vua phong chức Trưởng Ty Ngân-khố của hoàng-gia. Cô Úc-ta-ra về sau được gả chồng về một gia-đình ngoại-đạo, rất giàu-có trong vùng.
Từ khi về nhà chồng, cô Úc thường than-thở: "Tại sao cha ta lại gả ta về một nơi như tù-ngục thế nầy, cả tháng chẳng được trông thấy một vị tỳ-kheo đi khất-thực, cả năm chẳng được cúng-dường Đức Phật và Tăng-đoàn." Lời than-thở của cô Úc được cha cô nghe đến, mới gởi tới cho một số tiền to là mười lăm ngàn tiền vàng. Cô Úc liền thưa cùng chồng, muốn đem tiền ra thuê một người dâm-nữ, thay-thế cô trong mười lăm ngày để phụng-sự cho chồng. Còn cô, cô xin được phép tổ-chức lễ trai-tăng dâng-cúng thực-phẩm lên Tăng-đoàn trong thời-gian đó. Người chồng ưng-thuận và một cô dâm-nữ, tên là Sĩ-mã, nhan-sắc đẹp-đẽ được chọn về nhà thay-thế cho cô Úc.
Sáng sớm hôm ấy, cô Úc đang bận rộn nấu-nướng thực-phẩm trong nhà bếp, chồng cô đứng nhìn qua cửa sổ, miệng mỉm cười, nói lẩm-bẩm: "Sao mà nó ngu-dại đến thế! Chẳng biết ta đang hưởng thú-vui cùng người đẹp, mà cả buổi lại đi lo nấu-nướng cực nhọc thế kia!"Cô
dâm-nữ Sĩ-mã nghe thấy thế, tỏ lòng ghen-tức với người vợ chánh-thức là
cô Úc, quên mất phận mình là người vợ hờ trong nhà. Cô ta bỗng nổi lên
ý-định xấu-ác, muốn đem cả cái chảo bơ chiên nóng đổ lên đầu cô Úc cho bỏ ghét. Trong khi đó, lòng cô Úc lại rất nhẹ-nhàng, thanh-thản, nghĩ rằng, nhờ có Sĩ-mã mà mình mới được tự-do, có đủ thời-giờ chuẩn-bị lễ cúng-dường, và sẽ được nghe giảng Chánh-pháp nhiệm-mầu của Đức Phật. Bỗng đùng một cái, cô Sĩ-mã bước đến gần cô Úc, trút cả chảo bơ chiên nóng lên đầu cô Úc. Trong cơn bàng-hoàng, cô Úc nghĩ: ‘Nếu ta có ý oán-hờn Sĩ-mã, thì cho chảo bơ nầy làm phỏng hết đầu ta; nếu lòng ta chẳng có ý-định thù-oán Sĩ-mã, xin nguyện cho chảo bơ chẳng hại chi đến ta cả." Lạ thay, bơ vừa chảy đến tóc, liền nguội lại và cô Úc chẳng bị phỏng. Đầy-tớ xúm lại, chực đánh cô Sĩ-mã, thì cô Úc liền can, nói nhờ có cô Sĩ-mã mà mình mới được tự-do chuẩn-bị lễ trai-tăng. Cô Sĩ-mã, lòng đầy hối-hận, qùi xuống xin cô Úc tha tội cho. Cô Úc nói: "Hãy đợi Đức Từ-phụ đến đây, ta trình cớ-sự, mới biết phải tha-tội hay không." Cả nhà đều tưởng cô Úc sẽ mời ông Phú-na là cha ruột của cô đến để thưa hỏi, nhưng cô Úc lại bảo tiếp: "Ta nói Đức Từ-phụ, chẳng phải là cha ruột của ta là người đã đưa ta vào vòng sanh-tử của Luân-hồi nầy, mà chính là Đức Phật, vị Từ-phụ, người cha tinh-thần, đã chỉ cho ta biết con đường lành thoát khổ khỏi cõi Ta-bà nầy."
Đến trưa, khi Đức Phật và chúng tăng đến nhà thọ-thực xong, sau khi
nghe người nhà thuật lại việc xảy ra buổi sáng, Đức Phật liền hỏi: "Nầy
tín nữ Úc-ta-ra, khi bị cô Sĩ-mã đổ bơ nóng lên trên đầu, trong lòng tín-nữ đã nghĩ như thế nào?" Cô Úc thưa: "Bạch Thế-tôn, con lúc đó nghĩ rằng, nhờ có chị Sĩ-mã thay-thế cho con phục-vụ chồng con, mà con có được tự-do chuẩn-bị thực-phẩm cúng dường Tăng-đoàn, đó là một ơn lớn đối vớí con, nên lòng con chẳng hề oán-giận chị Sĩ-mã chút nào cả, trái lại tâm con lúc nào cũng rải lòng Từ đến chị Sĩ-mã." Đức Phật khen ngợi: "Lành thay! Lành thay! Tín-nữ Úc-ta-ra, với tấm lòng bao-dung, cô đã chinh-phục được người vì ganh-ghét đã làm hại cô; với tấm lòng vô-não-hại, cô đã chinh-phục được kẻ vì sân-hận đã hành-hung mình; với tấm lòng khoan-hậu, cô sẽ chinh-phục được những kẻ bủn-xỉn; với tấm lòng tôn-trọng Sự-Thật, cô sẽ chinh-phục được những kẻ nói dối."
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
Vô-sân chế-phục giận-hờn,
Điều thiện phải thắng, phải hơn điều tà.
Trị xan-tham, chính là bố-thí,
Chống hư-ngụy, Chơn-lý đề-cao.
(Kệ số 223.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
-Tín-nữ: Tín = tin-tưởng; Nữ = phụ-nữ, đàn-bà.Tín-nữ là người phụ-nữ có lòng tin-tưởng nơi Phật, Pháp và Tăng.Phái nam gọi thiện-nam.
- Úc-ra-ra, Phú-na, Sĩ-mã: tên các người nầy tiếng Pali là Uttara, Punna, Sirimà.
-Trúc-lâm, Vương-xá: tên tịnh-xá và thành nầy, tiếng Pali là vườn Veluvana, thành Rajàgaha. Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) xây cất tịnh-xá Trúc-lâm, trong vườn Trúc, dưng-cúng Đức Phật và Tăng-đoàn.
- Diệt-tận-định: Diệt = trừ dứt; Tận = hết cả; Định = tâm-trạng người tu Thiền đã lắng-đọng, an-ổn. Diệt-tận-định là tình-trạng tâm vắng-lặng, dứt được mọi cảm-giác và tri-giác, trong cơn đại-định, vượt qua khỏi cảnh-giới đệ-tứ-thiền.Tiếng Pali là Nirodha Samàpatti.
- Tôn-giả Xá-lợi-phất: tên vị đại-đệ-tử của Phật Thích-ca, tiếng Pali là Sariputta; người nổi tiếng là thông-minh vào bực nhứt.
- Ngoại-đạo = Ngoại = ở ngoài; Đạo: ở đây chỉ về đạo Phật. Ngoại-đạo là những giáo-phái tu-hành chẳng theo đạoPhật. Có tất cả sáu phái vào thời Đức Phật, gọi là lục-sư ngoại-đạo.
- Trưởng Ty Ngân-khố của hoàng-gia: Ngân-khố của hoàng-gia là kho bạc của Nhà Vua.Trưởng-ty Ngân-khố là vị giữ chức chủ kho bạc.
- Dâm-nữ = người đàn-bà bán sắc-đẹp để mua vui cho đàn-ông.
- Phụng-sự, phục-vụ = theo hầu-hạ, giúp-đỡ.
- Vợ hờ: người tạm-thời làm vợ, chẳng phải là vợ chánh-thức.
- Phỏng = da phồng, sưng lên; tiếng miền Bắc là bỏng.
- Bàng-hoàng = còn đang phân-vân, lo-ngại, chưa tỉnh-táo.
- Trai-tăng: Trai = bữa ăn chay; Tăng = tu-sĩ Phật-giáo. Lễ Trai-tăng là lễ dưng-cúng thực-phẩm lên cho các vị tỳ-kheo.
- Từ-phụ: Từ = từ-bi, hiền-lành, đem lòng thương muốn cứu-khổ cho kẻ khác; Phụ = cha. Đấng Từ-phụ tức là Cha lành, chỉ Đức Phật.
- Vòng sanh-tử của Luân-hồi: theo thuyết Luân-hồi, chúng-sanh chết đi, tùy theo nghiệp lành hay dữ mà tái-sanh lại ở cõi đời nầy.
- Cõi Ta-bà: cõi chúng ta đang sanh-sống đây. Đây là cõi Nhẫn-độ (Phạn = Saha) chúng-sanh phải kham-chịu sướng ít mà khổ nhiều.
- Thọ-thực:Thọ = nhận; Thực = ăn. Tiếng nhà chùa, có nghĩa là ăn.
- Rải lòng Từ = trong tâm nghĩ điều lành hướng về người kia.
- Bao-dung: Bao = che-chở; dung = dung-thứ, tha cho. Lòng Bao-dung là lòng nhơn-từ, hay tha thứ cho kẻ khác.
- Chinh-phục: Chinh = đánh lấy; Phục = hàng-phục, bắt phải theo lịnh mình. Chinh-phục được ai là khiến kẻ ấy phục và nghe theo mình. Cùng nghĩa với chữ Chế-phục.
- Vô-não-hại: Vô = chẳng; Não = phiền-não; Hại = hiếp-đáp. Lòng vô-não-hại là lòng từ-bi, chẳng hề làm hại ai, chẳng gây phiền-não cho ai. Tiếng Pali là ahimsa.
- Hành-hung: Hành = làm; Hung = hung-dữ, ác. Hành-hung ai là làm cho kẻ ấy phải chịu đau-đớn, khổ-sở.
- Khoan-hậu: Khoan = rộng-rãi, Hậu = dày, nhiều. Lòng khoan-hậu là lòng rộng-rãi, hay hiến-tặng nhiều cho kẻ khác.
- Xan-tham, Bủn-xỉn = Xan = bỏn-sẻn, rít-róng, quá hà-tiện. Tánh-tình xan-tham, bủn-xỉn chỉ biết ham cho mình có thật nhiều và chẳng hề chịu bố-thí chút gì cho ai cả.
- Vô-sân: Vô = chẳng;Sân = giận. Lòng vô-sân trái với sự giận-hờn.
- Hư-nguỵ: Hư = hư-dối, chẳng thiệt; Ngụy = giả-dối, chẳng đúng với Sự-thật. Hư-ngụy là giả-dối, giả-tạo, bầy đặt láo.
- Chơn-lý = Sự-Thật.
- Đề-cao: được nêu cao lên để mọi người bắt chước theo.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện tuy dài, có thể tóm gọn lại như sau: Cô Úc-ta-ra, mặc dầu bị đổ bơ nóng lên đầu, vẫn chẳng giận người làm quấy, mà còn rải lòng Từ-bi đến cho người đó. Đức Phật khen-ngợi thái-độ đáng quí đó và dạy ta những đức-tánh: vô-sân để kềm-chế sự giận-dữ; vô-não-hại để chinh-phục kẻ hành-hung; khoan-hậu để diệt bụng rít-róng; biết trọng Sự-thât để khuất-phục người nói dối.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 223:
Bài Kệ nầy khó nhớ vì có nhiều danh-từ chuyên-môn; xin chịu khó xem lại phần Tìm hiểu. Các đức-tánh kể trong bài Kệ giúp ta thắng được chính ta: thắng tánh hay giận của mình, thắng lòng bỏn-xẻn chẳng chịu bố-thí, thắng được sự hay binh-vực mình để nói sai Sự-thật. Tự thắng mình là chiến-thắng vẻ-vang nhứt, như Phật đã dạy.
(177).- Tích chuyện Tôn-giả Mục Kiền-liên hỏi Phật.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến các câu hỏi của Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên.
Thuở ấy, Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên, một hôm dùng thần-thông lên viếng trên cõi Trời. Tôn-giả thấy các thiên-nam, thiên-nữ đang vui sống thảnh-thơi trong các lầu-đài nguy-nga tráng-lệ. Tôn-giả mới hỏi các vị ấy: "Do đâu mà được sanh lên cõi Trời?" Một vị đáp: "Chẳng phải tôi đã bố-thí thật nhiều của-cải, hay chăm nghe Chánh-pháp mới được sanh lên cõi Trời. Tôi chỉ biết luôn luôn nói đúng theo Sự-thật, có làm sao thì tôi nói làm vậy, thôi." Môt vị thiên-nữ lại đáp: "Trong đời trước, tôi làm nô-lệ cho một ông chủ rất khó tánh; bị rầy, bị đánh, tôi chẳng hề giận hay oán chủ chút nào, nhờ đó mà được sanh lên đây."
Một vị thiên-nam khác lại nói: "Còn tôi, tôi nhớ chỉ có mấy lần tặng
cho kẻ khác một khúc mía, một trái cam, hay một bó rau; nhờ phước đó mà tôi được làm thiên-nam sống ở cõi trời nầy."
Khi trở về dương-thế, Tôn-giả đến bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, có phải chăng chỉ cần biết giữ lời nói đúng Sự-Thật, chỉ cần biết kềm-chế mình chẳng giận-hờn, chỉ cần hiến-tặng những vật nhỏ-mọn như khúc mía, bó rau, mà tất cả đều được sanh lên cõi Trời chăng?" Đức Phật đáp: ‘Nầy Mục-kiền-liên, sao ông còn lại hỏi; bộ ông chẳng chính mắt thấy, chính tai nghe các thiên-nam, thiên-nữ đã nói với ông những gì trước đó hay sao? Ông chớ có nghi-ngờ, một công-đức dù nhỏ bé, được làm với tấm lòng thành, cũng đưa ta tái-sanh lên cõi Trời, hưởng phước dài lâu."
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
Nói lên lời chánh-chơn,
Chẳng nổi cơn giận-hờn,
Ít, cũng cho, khi được hỏi:
Đấy là ba đường lên tới cõi Trời.
(Kệ số 224.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên: Tôn = đáng kính; Giả = người. Đại Mục-kiền-liên = tên của tôn-giả tiếng Pali là Mahà Moggallàna. Tôn-giả là vị đại-đệ-tử của Phật Thích-ca, giỏi nhứt về thần-thông.
- Thần-thông: các khả-năng đặc-biệt nhờ nơi định-lực cao, như bay trên không, đi trên mặt nước, v.v.
- Thiên-nam, Thiên-nữ: Thiên = trời; các chúng-sanh ở cõi Trời.
- Nô-lệ = đầy-tớ ở suốt đời với chủ, chẳng có tự-do cá-nhơn.
- Dương-thế: tức là cõi trần, nơi ta đang sống đây.
- Bạch = thưa hỏi với bực trưởng-thượng.
- Tái-sanh: Tái = một lần nữa; Tái-sanh là được sanh lại lần nữa.
- Công-đức: việc thiện tạo nên phước về sau.
- Chánh-chơn: chơn-chánh, đứng-đắn, đúng với Sự-Thật.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện kể lại việc Tôn-giả Mục-kiền-liên lên thăm-viếng cõi Trời, và nghe các thiên-nam, thiên-nữ cho biết do đâu mà được sanh lên trên đó: biết nói đúng theo Sự-thật, chẳng giận-hờn, tặng cho kẻ khác vài vật nhỏ mọn như khúc mía, bó rau, v.v. Đức Phật xác nhận, đường lên cõi Trời chỉ cần làm một công-đức nhỏ với tấm lòng thành mà thôi.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 224:
Bài Kệ vạch rõ con đường lên cõi Trời: (1) nói lời chơn-chánh; (2) chẳng nổi giận; (3) dầu có ít, nhưng được ai hỏi xin, cũng đem cho. Nếu biết làm đúng, với tấm lòng thành, Đức Phật nói sẽ được tái-sanh lên cõi Trời hưởng phước dài lâu.
Theo trong Kinh Thập Thiện Nghiệp-đạo, người nào giữ đúng mười điều lành nầy, sẽ sanh lên cõi Trời: (1) về thân, có ba việc là chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp, chẳng tà-dâm; (2) về miệng, có bốn việc là chẳng nói dối, chẳng nói đâm-thọc, chẳng nói lời thô-ác, chẳng lời vô-nghĩa ( = ngồi lê đôi mách), (3) về ý, có ba việc, chẳng tham, chẳng sân (giận), chẳng có tà-kiến (ý-kiến sai-lầm).
(178).- Tích chuyện một người Bà-la-môn tự-nhận mình là cha của Đức Phật.
Vào một thời kia, Đức Phật trú tại rừng An-già, gần thành Sa-kê, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người Bà-la-môn tự nhận mình là cha của Đức Phật.
Một hôm, Đức Phật và chư tỳ-kheo đi vào thành Sa-kê để khất-thực. Dọc đường, Ngài gặp một người Bà-la-môn già-cả đến gần và nói: "A! nầy con, sao lâu quá chẳng thấy con về nhà. Con hãy theo cha về, kẻo mẹ con trông con lắm đó." Rồi người ấy liền thỉnh Đức Phật và chư Tăng về nhà dưng-cúng thực-phẩm. Khi Đức Phật và các tỳ-kheo bước vào phòng khách, bà Bà-la-môn đã ân-cần nói: "Đã hèn lâu, con mới về nhà. Nào sắp nhỏ đâu, hãy mau ra chào đón người anh-cả của các con đây!"
Kể từ hôm đó, vợ chồng người Bà-la-môn già đó tiếp-tục hàng ngày cúng-dường Đức Phật và chư Tăng. Họ được nghe Đức Phật giảng-dạy Chánh-pháp, và chẳng bao lâu cả hai vợ chồng đều chứng-đắc được quả vị A-na-hàm. Đức Phật và chúng Tăng mới lưu lại rừng An-già trong ba tháng, nhờ đó, vợ chồng người Bà-la-môn chứng được quả-vị A-la-hán, rồi nhập Niết-bàn.
Chư Tăng rất ngạc-nhiên thấy tại sao vị Bà-la-môn và vợ lại tự nhận họ là cha mẹ của Đức Phật, và nay họ được tái-sanh về cõi nào. Đức Phật bảo: "Trong tiền-kiếp, cách đây một ngàn năm trăm đời, ông bà ấy đã có thời làm cha mẹ ta, đã có thời làm chú bác ta. Họ nay chứng được quả-vị A-la-hán rồi, chẳng còn phải tái-sanh nữa, hằng tự-tại trong cõi Niết-bàn an-lạc."
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
Người hiền chẳng hại nhân.
Thường tự-chế tâm-thân,
Hướng đến cõi Niết-bàn bất-diệt,
Đến đấy, phiền-muộn đều dứt hết.
(Kệ số 225.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Bà-la-môn: giai-cấp thứ nhứt của Ấn-độ xưa, hạng người tu-sĩ. Có bốn giai-cấp: (1) Bà-la-môn(Brahmana), tu-sĩ; (2) Sát-đế-lợi,(Khat-tiya) vua, quan; (3) Phệ-xá (Vessa), buôn-bán; (4) Thủ-đà-la (Suddà), công nhơn, nông-phu.
- Rừng An-già, thành Sa-kê: tên hai địa-danh nầy, tiếng Pali là rừng Anjana, thành Sàketa.
- Anh-cả: người con trai lớn nhứt trong gia-đình.
- A-na-hàm: quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn ( = các đệ-tử Phật, sống gần Phật, nghe kinh mà tu-tập.) Chứng được quả-vị nầy, hành-giả đã dứt trừ được năm món phiền-não: (1) thân-kiến ( =chấp thân nầy làm Ta), (2) nghi-ngờ về Chánh-pháp, (3) giới-cấm-thủ ( = tin theo các nghi-thức cúng-tế của ngoại-đạo), (4) tham, (5)sân ( = giận). Tiếng Pali:Anàgàmi, dịch là Bất-Lai, chẳng còn tái-sanh vào cõi người
- A-la-hán: quả-vị Thánh, cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Đến quả-vị nầy, hành-giả dẹp xong tất cả phiền-não, lìa xa mọi ham-muốn sống tự-tại trong cảnh-giới Niết-bàn. Pali là Arahant, theo nghĩa chuyên-môn là (1) vô-sanh, hết bị tái-sanh; (2)sát tặc, giết hết giặc phiền-não; (3) ứng-cúng, xứng-đáng được Trời và Người cúng-dường.
- Niết-bàn: tiếng Phạn là Nirvana; Pali là Nibbana, có nghĩa là ra khỏi rừng phiền-não u-tối, sống trong cảnh an-nhiên và tự-tại. Đây là cảnh-giới xuất-thế-gian, chẳng thể dùng lời nói thường mà giải-nghĩa được; ai chứng Niết-bàn, bấy giờ mới tự mình biết cảnh nầy ra sao.
- Tiền-kiếp: kiếp trước. Theo kinh-sách, kiếp, hay kiếp-ba (Phạn: Kalpa) là khoảng thời-gian rất dài; một tiểu-kiếp dài hơn16 trìệu năm, gồm có kiếp tăng, kiếp giảm, thành một trung-kiếp; bốn trung-kiếp: thành, trụ, hoại, diệt, thành một đại-kiếp, kéo dài khoảng 1tỷ 300 triệu năm; trong khi đó đời sống con người chẳng lâu hơn 100 năm.
- Tự-tại = tự-do; ngoài đời nói tự-do, trong Đạo gọi tự-tại.
- Hại-nhân: Nhân = người; Chẳng hại-nhân = chẳng làm hại người.
- Tâm-thân = thân-tâm, thân-thể và tâm-linh.
- Tự-chế: tự mình kềm-chế mình, giữ sao chẳng làm điều quấy-ác
- Bất-diệt: Bất = chẳng; Diệt = tiêu-diệt, mất. Bất-diệt là còn hoài.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện rất giản-dị: một người Bà-la-môn tự nhận đã làm cha của Đức Phật trong một tiền-kiếp. Điều nầy được Đức Phật xác-nhận là đúng. Tuy giản-dị, nhưng Tích chuyện mang hai ý-nghĩa rất quan-trọng về giáo-lý:
1) Đời sống con người chẳng phải chỉ thu-hẹp vào khoảng thời-gian trăm năm rồi hết luôn, mà đã bắt đầu từ nhiều đời trước, và sẽ kéo dài vào nhiều đời sau nữa. Đó là lý-thuyết vô-thuỷ ( = chẳng biết chắc được lúc khởi-thuỷ ) và vô-chung ( = chẳng biết được đến lúc nào chung-cuộc, sẽ chấm-dứt), của đời sống, của thế-giới, của vũ-trụ.
2) Chúng-sanh trôi-lăn trong vòng sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi, trong kiếp sống có thể làm cha, làm mẹ lẫn cho nhau. Vì lẽ nầy, trong Đạo Phật, dạy ta phải thương-yêu mọi chúng-sanh, có thể đó là thân-nhơn của ta trong kiếp trước hay vào kiếp sau. Đấy là căn-bản của lòng từ-bi, thương-yêu hết mọi chúng-sanh, chẳng còn phân-biệt.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 225:
Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:
1) Người hiền chẳng hại-nhân: Chữ Hiền ở đây có hai nghĩa: (a) theo nghĩa thường là hiền-lành; (b) theo nghĩa chuyên-môn, bực Hiền là những người đã chứng-đắc được một trong ba quả-vị đầu-tiên là Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Tính theo số lần phải tái-sanh, thì Tu-đà-huờn còn sanh lại bảy lần, gọi là Thất-Lai; Tư-đà-hàm còn sanh lại một lần, gọi là Nhất-Lai, còn A-na-hàm, chẳng phải tái-sanh vào cõi người nữa, nên gọi là Bất-Lai. Đến bực Hiền, tâm đã thanh-tịnh, dứt trừ được sân-hận, nên chẳng hề làm hại đến chúng-sanh nữa.
2) Thường tự-chế tâm-thân: vì lúc nào cũng tỉnh-giác, bực Hiền biết giữ-gìn ba nghiệp: thân, miệng và ý cho trong-sạch.
3) Hướng đến cõi Niết-bàn bất-diệt: lấy Niết-bàn làm mục-tiêu tu-tập, nghĩa là dứt trừ mọi phiền-não để được tự-tại mãi ( = bất-diệt)
4) Đến đấy, phiền-muộn đều dứt hết: "Đến đấy" là đến đâu? Đến được cảnh Niết-bàn; đó chẳng phải là một nơi chốn nào riêng-biệt trong trời đất, mà chính là ngay trong tâm, tâm đã thanh-tịnh.
(179).- Tích chuyện nô-tỳ Phú-na.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại núi Linh-thứu, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người nô-lệ gái tên là Phú-na.
Thuở ấy ở gần thành Vương-xá, có một người nô-lệ gái tên là Phú-na, mỗi đêm phải thức khuya để giã gạo. Trong phút chốc ngồi nghỉ mệt, Phú-na nhìn lên lưng-chừng núi thấy Trưởng-lão Đắc-ba đang hướng-dẫn các tỳ-kheo quay trở về tịnh-xá, sau khi nghe giảng-pháp. Phú-na suy-nghĩ: "Thân-phận tôi-đòi của ta phải thức khuya giã gạo nhọc-nhằn, thì đành rồi; còn các vị tu-sĩ hiền-lành kia, cớ sao lại chẳng đi nghỉ sớm, giờ nầy còn đang bận-rộn, có lẽ có tu-sĩ nào đang bị bịnh, hay có một con rắn nào đến khuấy rối chăng?"
Sáng sớm hôm sau, Phú-na thức dậy sớm, đem chỗ tấm-cám vụn giã thành bột, nhồi thành bánh và đem nướng. Cô định mang bánh ấy ra bờ ao ngồi ăn. Vừa lúc ấy, Đức Phật và chư Tăng đi khất-thực ngang qua đó. Cô muốn đem bánh dưng-cúng Phật, nhưng trong lòng còn ngại, chẳng biết Đức Phật có khứng nhận cho hay không. Nhìn cô, Đức Phật đọc được tư-tưởng bên trong, nên Ngài bảo Tôn-giả A-nan trải toạ-cụ bên bờ ao, để Ngài ngồi. Cô Phú-na ngập-ngừng đến dưng bánh. Đức Phật vui-vẻ nhận, ăn xong, bảo cô Phú-na ngồi bên cạnh nghe Ngài giải-đáp chỗ cô còn thắc-mắc đêm qua. Đức Phật bảo: "Nầy Phú-na, con chẳng được đi ngủ sớm, vì con còn công-việc giã gạo phải làm. Còn các vị tỳ-kheo đây, cũng chẳng đi ngủ sớm, vì họ phải luôn luôn tỉnh-giác và chuyên-cần tu-tập về đêm."
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà cô Phú-na chứng được sơ-quả Tu-đà-hườn:
Những người tỉnh-giác luôn luôn
Ngày đêm siêng tu Tam-Học,
Chuyên-tâm hướng về Niết-bàn,
Mọi lậu-hoặc được tiêu-tan.
(Kệ số 226.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Nô-tỳ, Nô-lệ: đầy-tớ ở suốt đời với chủ, chẳng có tự-do cá-nhơn
- Núi Linh-thứu: núi nầy gần thành Vương-xá, xứ Ma-kiệt-đà, tiếng Pali là Gijjhakùta. Hình ngọn núi giống chim kên-kên(chim thứu)
- Phú-na: tên cô nô-lệ nầy, tiếng Pali là Punna.
- Đắc-ba: tên vị trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Dabba.
- Toạ-cụ: Toạ = ngồi; Cụ = khí-cụ, vật-dụng. Toạ-cụ là tấm nệm nhỏ, còn gọi là bồ-đoàn, kê bên dưới để ngồi Thiền.
- Tỉnh-giác: Tỉnh = tỉnh-thức, chẳng mê; Giác = biết rõ. Người tỉnh-giác lúc đang làm, nói, nghĩ điều gì, thì trong tâm biết rõ và theo dỡi mình đang làm, nói và nghĩ điều ấy, và chỉ điều ấy mà thôi.
- Tam-Học: Tam = ba; Học = môn học. Tam-Học là Giới, Định, Huệ, còn gọi là Tam vô-lậu-học, ba môn học khiến cho mọi phiền-não, lậu-hoặc chấm-dứt. Nhờ giữ Giới, tự đặt mình trong kỷ-luật tu-hành mà tâm được an-định, chẳng chạy buông-lung nữa; khi tâm đã Định, thì trí-Huệ phát sáng lên, nhờ đó thấy rõ con đường giác-ngộ và giải-thoát. Theo học Tam-Học, là chọn con đường Bát-Chánh-Đạo.
- Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy; Hoặc = điều sái-quấy. Lậu-hoặc là các phiền-não như tham, sân, si, mạn, nghi, tà-kiến, từ trong tâm phát lộ ra hành-động bên ngoài. Người nào đã dứt hết lậu-hoặc, thì chứng quả A-la-hán, tự-tại trong cảnh Niết-bàn an-lạc.
- Sơ-quả Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt là Tu-đà-huờn, hay Thất Lai
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện so sánh sự cực-khổ của người nô-tỳ thức khuya giã gạo với sự kiên-trì, giữ sự tỉnh-thức trong tâm của các vị tu-hành chơn-chánh. Tỉnh-thức để theo môn Tam-học là con đường tiêu-diệt phiền-não và chứng-đắc Niết-bàn.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 226:
Bài Kệ khuyên ta hai điều quan-trọng: (1) luôn luôn chú-ý, hướng về bên trong, tâm hằng tỉnh-giác; (2) siêng tu Tam-học: giữ -gìn giới-luật thật cẩn-thận; giữ tâm hằng an-định thì trí-huệ sẽ phát-sáng. Theo được đầy đủ hai điều nầy là tiến gần đến cảnh an-lạc của Niết-bàn.
(180).- Tích chuyện chàng thanh-niên A-tu-la.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến thanh-niên A-tu-la và các bạn-hữu.
Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có chàng thanh-niên tên là A-tu-la cùng với đông-đảo bạn-bè, muốn được nghe giảng Chánh-pháp, mới đến gặp Trưởng-lão Lê-va-ta. Trưởng-lão nhìn họ, trầm-ngâm, chẳng nói lên lời nào, tựa như con sư-tử đang nằm yên trong động đá. Cả bọn rất thất-vọng bỏ đi, đến gặp Tôn-giả Xá-lợi-phất. Tôn-giả ân-cần thuyết-giảng cho họ nghe về Vi-diệu-pháp, lời
giảng thật thâm-trầm, ý-nghĩa thật sâu-xa với các chi-tiết thật cặn-kẽ.
Họ chẳng hiểu nổi lẽ huyền-diệu của thời pháp, nên cũng thất-vọng, cùng
nhau tìm đến Tôn-giả A-nan. Chuyến nầy, họ được Tôn-giả A-nan chỉ-dạy thật vắn-tắt thế nào là các điều căn-bản trong Giáo-pháp. Họ vẫn chưa thấu hiểu được nghĩa-lý, cho rằng bài giảng của Tôn-giả A-nan quá ngắn-ngủi, quá cô-đọng.
Sau cùng, họ dẫn nhau đến yết-kiến Đức Phật. A-tu-la bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, lòng chúng con muốn tìm hiểu cho rõ-ràng về Chánh-pháp. Chúng con lần-lượt đến gặp các vị Trưởng-lão thông-thái như Lê-va-ta thì chẳng chịu nói gì, như Xá-lợi-phất thì giảng tràng-giang đại-hải, còn A-nan thì lại quá tóm lược. Chúng con vẫn còn mù-tịt, chẳng biết đường nào mà tìm hiểu cho thật rõ-ràng Chánh-pháp của Thế-tôn."
Đức Phật bảo: "Nầy chư thiện-nam, chê-trách kẻ khác chẳng phải là điều gì mới lạ cả. Từ ngàn xưa, chẳng có ai là chẳng bị chê-trách. Thiên-hạ chê cả đức Vua, trách cả đức Phật. Nhưng bị người khờ-dại chê-trách cũng chẳng đưa đến đâu. Chỉ có lời phê-bình, khen hoặc chê, của bực hiền-trí mới thật là lời phán-đoán đúng-đắn, khiến ta nên mừng khi nghe khen, hay nên sửa đổi lại, khi bị chê."
Rồi Đức Phật mới nói lên các bài Kệ sau đây, nhờ đó mà A-tu-la cùng một số bạn-hữu chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:
Nầy A-tu-la, nên biết rõ,
Chẳng phải chỉ ngày nay mới có,
Tự ngàn xưa, việc đó cũng thường:
Họ chê người nín thinh,
Họ khinh kẻ lắm lời,
Nói vừa vừa cũng trách.
Thế-gian, chẳng có cách nào tìm được
Người chưa hề phải rước lấy lời chê.
(Kệ số 227.)
Từ xưa cho đến nay,
Mãi đến tận sau nầy,
Chưa hề có những ai
Hoặc hoàn-toàn bị chê-bai,
Hoặc trọn-vẹn được khen-ngợi.
(Kệ số 228.)
Ngày qua ngày, nhận xét rõ,
Người trí mới khen vị đó.
Đời sống chẳng tí vết nhơ,
Cả giới, định, huệ đều có.
(Kệ số 229.)
Ai dám khinh-chê vị ấy
Hạnh sáng tỏ tợ vàng ròng.
Các bực Trời khen hết lòng,
Cả đức Phạm-Thiên cũng vậy.
(Kệ số 230.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- A-tu-la: tên chàng thanh-niên nầy, tiếng Pali là Atula. Xin đừng lầm với chữ A-tu-la, phiên-âm tiêng Pali là Asura, dịch nghĩa là thần-linh, tức là hạng chúng-sanh có phép thần-thông, tánh thường nóng-giận, lại hay tranh-chiến với các bực Trời.
- Chánh-pháp: lời giảng-dạy của Đức Phật về con đường tu-hành để được giác-ngộ và giải-thoát.
- Lê-va-ta, Xá-lợi-phất, A-nan: tên các vị Tôn-giả nầy, tiếng Pali là Revata, Sariputta, Ànanda.
- Trầm-ngâm = giũ sự im-lặng, đang nghĩ-ngợi.
- Vi-diệu-pháp: Vi-diệu = nhiệm-mầu, cao-thâm; Pháp = pháp-tu. Vi-diệu-pháp (Abhidhamma), là phần Luận giảng về tâm-pháp, nhơn-sinh-quan ( =đời sống con người),vũ-trụ-quan ( =sự cấu-tạo của vũ-trụ.)
- Huyền-diệu: sâu-kín và khéo-léo.
- Thời-pháp: thời-gian giảng pháp, bài giảng pháp.
- Cô-đọng: rút lại thật ngắn-gọn, chỉ có điều chánh-yếu mà thôi.
- Yết-kiến: đến gặp bực trưởng-thượng để thưa hỏi.
- Thông-thái = bực hiểu-biết thật rộng-rãi và rõ-ràng.
- Tràng-giang đại-hải: Tràng =dài; Giang = sông; Đại = lớn; Hải = biển. Nói tràng-giang đại-hải là nói huyên-thiên, nhiều lời, khiến người nghe bị tràn-ngập chẳng hiểu được chỗ cốt-yếu.
- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành, Trí =trí-huệ. Chữ Hiền-trí ở đây chỉ vào các bực tu-hành đã chứng quả, có sự hiểu-biết đúng-đắn và rộng-rãi, thường chỉ dạy điều lành cho kẻ khác. Còn gọi là Thiện-tri-thức nữa.
- Quả-vị Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt trong hàng các đệ-tử sống gần bên Phật. Người chứng quả Tu-đà-huờn chẳng còn chấp thân-tâm làm Ta nữa, chấm-dứt sự nghi-ngờ về Chánh-pháp và bỏ các nghi-thức cúng-tế theo tà-đạo. Tiếng Pali là Sotapatti, dịch là Nhập-Lưu.
- Giới, Định, Huệ = còn gọi là Tam Học, hay Tam vô-lậu-học, ba môn học giúp ta diệt-trừ hết mọi phiền-não, chứng quả A-la-hán.
- Hạnh sáng = giới-hạnh, đức-hạnh thật trong-sạch, sáng-tỏ.
- Phạm-Thiên: Đức Vua cõi Trời Phạm, tiếng Pali là Brahma.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại A-tu-la và các bạn của anh, đến thưa hỏi các vị trưởng-lão, để được nghe giảng về Chánh-pháp. Họ chẳng hiểu nổi, nên chê trách Ngài Lê-va-ta giữ im-lặng, Ngài Xá-lợi-phất, nói nhiều quá, Ngài A-nan nói quá vắn-tắt. Họ đến gặp Phật và Phật dạy họ rằng, ở đời chẳng ai là khỏi bị chê: nín cũng bị chê, nói cũng bị chê, nói nhiều cũng trách, nói ít cũng trách. Đừng chú-trọng đến lời phê-bình của người khờ-dại, chỉ nên nghe lời phán-đoán của bực hiền-trí.
(2) Ý-nghĩa các bài Kệ số 227, 228, 229 và 230:
Bốn bài Kệ sắp chung lại thành ra hai bài: (1) Kệ số 227 và 228 nói về sự khen chê thường-tình của người đời; (2) Kệ số 229 và 230 nói về bực hiền đủ giới, định, huệ, được cả Trời, Người đều khen-ngợi.
Các bài Kệ khuyên ta giữ giới để lòng được an-định, nhờ đó mà trí-huệ phát-sanh, thấy rõ được con đường giác-ngộ và giải-thoát.
(181).- Tích chuyện sáu vị tỳ-kheo mang guốc.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến sáu vị tỳ-kheo mang guốc gỗ, gây ra nhiều tiếng động.
Thuở ấy, có sáu vị tỳ-kheo thường mang guốc đi đi, lại lại trên sân đá, tiếng guốc khua vang, làm kinh-động đến các vị tỳ-kheo khác đang ngồi Thiền. Tiếng guốc vang đến tịnh-xá, khiến Đức Phật phải gọi vị thị-giả là Tôn-giả A-nan vào hỏi tiếng động gì vang lên mãi thế. Khi biết sáu vị tỳ-kheo kia, mang guốc đi lại trong sân, Đức Phật ra giáo-chỉ, cấm tỳ-kheo chẳng được mang guốc gỗ nữa. Đức Phật lại dạy thêm, tỳ-kheo phải biết giữ-gìn ba nghiệp cho thật trong sạch: giữ thân chẳng hành-động sái-quấy, giữ miệng chẳng nói lời cộc-cằn, giữ tâm-ý chẳng nghĩ điều đen-tối.
Rồi Đức Phật mới nói lên các bài Kệ sau đây:
Đừng hờn-giận, giữ thân mình,
Chớ vì cau-có, thân sanh làm sằng.
Hành-vi xấu, thân hằng dứt bỏ;
Cử-chỉ lành, thân cố giữ-gìn.
(Kệ số 231.)
Đừng hờn-giận, giữ miệng mình,
Chớ vì cau-có, miệng sanh cộc-cằn.
Lời thô-ác, miệng hằng dứt bỏ;
Tiếng dịu-hiền, miệng cố giữ-gìn.
(Kệ số 232.)
Đừng hờn-giận, giữ ý mình,
Chớ vì cau-có, ý sanh dữ-dằn.
Tà-kiến ác, ý hằng dứt bỏ
Chánh-tư-duy, ý cố giữ-gìn.
(Kệ số 233.)
Bực hiền-trí chế-phục thân,
Giữ-gìn cửa miệng, giữ an tâm mình.
Giữ sao ba nghiệp: thân, miệng, ý
Thanh-tịnh hoàn-toàn, điều-phục xong.
(Kệ số 234.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Guốc: dép làm bằng gỗ, có quai. Ở Việt-nam, guốc làm bằng gỗ cây vông, nhẹ và ít tiếng kêu.
- Kinh-động = gây tiếng động làm giựt mình kẻ khác.
- Giáo-chỉ:Giáo = đạo;Chỉ = lịnh, sắc-chỉ.Giáo-chỉ là lịnh trong Đạo
- Nghiệp = hành-động thường làm, có ảnh-hưởng đến đời nầy và cả đời sau nữa. Có ba nghiệp: về thân, về miệng và về tâm-ý.
- Làm sằng = làm điều sằng-bậy, làm đìều sái-quấy.
- Cộc-cằn, thô-ác: lời nói xấu ác, dữ-dằn, mắng nhiếc, chửi rủa.
- Tà-kiến: ý-kiến sai-lầm, xấu-ác.
- Chánh-tư-duy = suy-nghĩ chơn-chánh, đúng-đắn.
- Chế-phục, Điều-phục = kềm-chế, giữ-gìn để tránh tội-lỗi.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện kể lại việc sáu vị tỳ-kheo thiếu ý-thức mang guốc đi lốp-cốp, khuấy-động các bạn đồng-tu trong việc ngồi Thiền. Đức Phật liền ra lịnh cấm mang guốc, và dạy ta phải biết giữ gìn ba nghiệp: thân, miệng, ý cho thật trong-sạch.
(2) Ý-nghĩa các bài Kệ aố 231, 232, 233 và 234:
Ba bài Kệ đầu dạy giữ-gìn thân-nghiệp, khẩu-nghiệp và ý-nghiệp cho thật trong-sạch. Bài Kệ sau tóm-tắt ý-nghĩa ba bài trước và chỉ cho ta thấy bực hiền-trí biết điều-phục thân-tâm để giữ cho ba nghiệp thanh-tịnh, nhờ đó mà được giải-thoát khỏi mọi khổ-đau nơi cuộc đời.
-ooOoo-