KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA )


Thiện Nhựt lược-dịch và tìm hiểu
08/09/2010 01:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 33815
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

X.- Phẩm Hình-phạt.

(107).- Tích chuyện hai nhóm Tỳ-kheo đánh nhau.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến vụ đánh-lộn giữa hai nhóm Tỳ-kheo.

Thuở ấy có một nhóm Tỳ-kheo mười bảy vị đang lo tu-bổ và quét dọn sạch-sẽ một khu nhà bỏ trống trong chùa Kỳ-viên để làm nơi cư-ngụ. Lại có một nhóm Tỳ-kheo khác, gồm có sáu vị, thấy thế, mới đến chiếm lấy, bảo rằng: "Chúng tôi cao tuổi đạo hơn các bạn, các bạn phải nhường chỗ nầy lại cho chúng tôi ở." Mười bảy vị kia chẳng nhịn, sanh ra tranh-cãi nhau, rồi lại dùng võ-lực đánh nhau với sáu vị kia. Bấy giờ, việc ẩu-đả đó đến tai Đức Phật. Ngài quở trách cả hai nhóm Tỳ-kheo và đặt ra giới-luật nghiêm-cấm tỳ-kheo chẳng được đánh nhau.

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Ai cũng sợ run trước gậy-gộc,
Ai cũng hãi-hùng cuộc tử-vong.
Xét lòng mình, biết lòng người khác,
Đừng giết và cũng đừng bảo giết.
(Kệ số 129.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tu-bổ = sửa chữa lại cho đầy-đủ, cho tốt hơn.

- Cư-ngụ: Cư = cư-trú, ở; Ngụ =trú-ngụ, ở. Cư-ngụ = đến sống ở đó

- Tuổi đạo: cứ tham-dự một kỳ an-cư kiết-hạ là thêm một tuổi đạo.

- Võ-lực = sức mạnh về tay chơn. Dùng võ-lực là đánh nhau.

- Ẩu-đả: Ẩu =đánh-đập; Đả =đánh. Ẩu-đả là đánh nhau, đánh lộn.

- Giới-luật = điều luật răn cấm.

- Gậy-gộc = hèo, gậy, dùng để đánh nhau.

- Hãi-hùng = sợ-hãi, lo-lắng.

- Tử-vong: Tử =chết; Vong = mất. Cuộc tử-vong là sự chết-chóc.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại vụ ẩu-đả giữa hai nhóm Tỳ-kheo, một nhóm ỷ mình cao tuổi đạo, đến giành chỗ của một nhóm khác. Hai bên cãi và đánh nhau, bị Đức Phật quở.

Giới-luật cấm đánh nhau giữa các Tỳ-kheo, được Đức Phật đặt ra là ý-nghĩa của Tích chuyện, khuyên ta chớ tranh-cãi và đừng dùng võ-lực để giải-quyết mọi sự bất-hoà.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 129:

Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

- Câu 1: Ai cũng sợ run trước gậy-gộc: tâm-lý con người sợ bị đánh-đập đau đớn thân-thể. Găy-gộc là một loại vũ-khí bằng cây cứng.

- Câu 2: Ai cũng hãi-hùng cuộc tử-vong: ai cũng sợ chết cả.

- Câu 3: Xét lòng mình, biết lòng người khác: mình mà sợ thì phải biết kẻ khác cũng sợ như mình. Ta chẳng muốn, có ai lại muốn đâu?

- Câu 4: Đừng giết và cũng đừng bảo giết: lời khuyên nầy mới thật là đầy-đủ: chẳng giết, chưa đủ; phải chẳng giết và đừng sai bảo kẻ khác giết, thì mới đầy-đủ được. Sai người giết, tội còn nặng hơn là giết.

Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ nói lên tinh-thần hiếu-hoà, vô-tác-hại trong Phật-giáo: thà mình chịu nhẫn-nhục hơn là dùng võ-lực gây ra ẩu-đả, khiến cho cả hai phe đều bị thiệt-hại cả.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ khi giữ giới thứ nhứt của người tu tại-gia: chẳng sát-sanh. Dùng ý-nghĩa bài Kệ để giảng-giải cho trẻ, tập cho chúng biết tinh-thần bất-bạo-động trong Phật-giáo.

2.- Thử tập nhịn: nhịn ai, chẳng phải là vì sợ thua, mà chính là thắng được lòng mình muốn báo thù. Thắng được lòng mình, chẳng hờn-giận, chẳng cau-có, đó là chiến-thắng vẻ-vang nhứt mà chỉ một mình mình biết và cảm thấy niềm vui nhẹ-nhàng ở nội-tâm mình. Đừng ngại, hễ nhịn rồi sẽ bị lấn-hiếp tới: hãy cảnh-cáo cho kẻ kia biết rằng, mình đang nhịn, chớ chẳng phải mình đang sợ đâu.

(108).- Tích chuyện một nhóm Tỳ-kheo hay doạ-nạt.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một nhóm Tỳ-kheo thường hay doạ-nạt.

Thuở ấy, có một nhóm Tỳ-kheo gồm sáu vị, tranh-cãi và ẩu-đả với một nhóm tỳ-kheo khác gồm mười bảy vị, nhơn việc giành nhau khu nhà trống trong chùa Kỳ-viên. Sau khi Đức Phật quở trách và cấm các Tỳ-kheo, chẳng được đánh lộn với nhau, cả hai nhóm vẫn chưa hoà-thuận. Họ lại tranh-cãi nhau dữ-dội. Nhóm Tỳ-kheo cao tuổi hạ lại cung tay doạ-nạt nhóm Tỳ-kheo kia. Sự-việc đến tai Đức Phật. Một lần nữa, Đức Phật quở các vị Tỳ-kheo đã thiếu tinh-thần hoà-giải, chẳng biết đem đức-tánh bất-bạo-động ra cư-xử cùng nhau. Đức Phật liền ra điều giới-luật cấm tất cả tỳ-kheo, chẳng được cung tay ra doạ-nạt ai.

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Ai cũng sợ run trước gậy-gộc,
Ai cũng mến thương cuộc sống-còn.
Xét lòng mình, biết lòng người khác,
Đừng giết và cũng đừng bảo giết.
(Kệ số 130.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Doạ-nạt: hăm-he khiến cho người khác sợ-hãi.

- Hoà-giải: Hoà = hoà-thuận, bình-yên; Giải = cởi-mở. Hoà-thuận là vui-vẻ cùng nhau, chẳng hờn-giận nhau, chẳng cãi nhau.

- Bất-bạo-động: Bất = chẳng; Bạo = hung-bạo, tàn-ác; Động = hành-động. Tinh-thần Bất-bạo-động là tánh tốt chẳng dùng võ-lực, theo đường-lối hiền-hoà mà giải-quyết việc tranh-chấp.

- Sống-còn: tiếng Hán-Việt là Sanh-tồn; trái nghĩa với chữ Tử-vong.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện nầy liên-quan đến Tích chuyện số (107) ở bài trước. Hai nhóm tỳ-kheo tranh-chấp, dành chỗ ở, trước dùng võ-lực để giải-quyết, bị Đức Phật quở-trách. Sau họ chẳng dùng võ-lực nữa mà lại cung tay ra doạ-nạt nhau. Đức Phật khuyên dạy họ phải có tinh-thần hiếu-hoà và dùng tánh bất-bạo-động mà đối-xử cùng nhau.

Chẳng đánh nhau, mà lại cung tay doạ đánh, thì cũng như đánh nhau: đánh nhau bằng lời doạ-nạt, đó là ý-nghĩa của Tích chuyện.

(2) Ý-nghĩa bài Kệ số 130:

Bài Kệ nầy giống bài Kệ trước về ý-nghĩa cũng như về lời văn; chỉ khác nhau ở câu thứ nhì về cách hành-văn:

- Ở bài trước: Ai cũng hãi-hùng cuộc tử-vong,

- Ở bài sau: Ai cũng mến thương cuộc sống-còn,

Cả hai câu đều hàm ý-nghĩa: Ai cũng muốn được sống bình-yên.

Ý-nghĩa bài Kệ nầy cũng giống bài Kệ trước: đừng dùng võ-lực để đối-xử với nhau; phải biết áp-dụng tinh-thần bất-bạo-động của Phật-giáo trong cuộc sống chung ở xã-hội.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng cả hai bài Kệ số 129 và 130: để khi gặp dịp, biết nêu cao tinh-thần bất-bạo-động của Phật-giáo.

2.- Giải-thích cho trẻ-con trong nhà biết: giơ dao lên doạ chém còn nặng tội hơn là lỡ tay chém phải kẻ khác. Tại sao? Ý-định giết-hại nẩy sanh trong đầu là mầm của nghiệp ác. Lại nữa, doạ-nạt gây ra sợ-hãi cũng tai-hại như thật-sự làm hành-vi ác, đó là một cách đánh nhau bằng lời nói, đánh nhau bằng đòn tâm-lý.

3.- Răn-dạy trẻ-con như sau: lỡ tay làm ai chảy máu, chỉ cần xin lỗi; mà giơ dao lên doạ chém, thì bị đòn ba roi. Nhắc-nhở chúng rằng: Một cái giá dao bằng ba cái chém! (giá dao = giơ dao lên để doạ.)

(109).- Tích chuyện lũ trẻ đập rắn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến lũ trẻ-con đập một con rắn.

Vào một buổi sáng, Đức Phật đang cùng chư Tăng đi khất-thực trong thành Xá-vệ, dọc đường, Ngài gặp một lũ thiếu-niên cầm roi, gậy hò hét, đánh-đập một con rắn bên lề đường. Ngài dừng lại, hỏi tại sao chúng lại đập rắn như thế. Chúng trả lời, vì sợ bị rắn cắn, nên phải đập rắn cho chết đi. Đức Phật bảo: "Nếu chúng cháu sợ bị đau-đớn, sao các cháu lại làm đau-khổ cho kẻ khác? Nếu nay các cháu làm hại đến kẻ khác, thì trong kiếp sau, các cháu chẳng có được hạnh-phước đâu."

Rồi quay lại các vị Tỳ-kheo, Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Ai muốn cầu cho mình được hạnh-phước,
Dùng gậy-gộc đoạt-tước hạnh-phước người.
Về đời sau, kẻ ấy mất an-lạc.
(Kệ số 131.)

Ai muốn cầu cho mình được hạnh-phước,
Chẳng dùng gậy-gộc tước hạnh-phước người.
Về đời sau, kẻ nầy đầy an-lạc.
(Kệ số 132.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Khất-thực: Xin nhắc lại: Khất = xin; Thực =ăn. Đức Phật đặt ra giới khất-thực, buộc các vị Tỳ-kheo phải đi xin ăn, chớ chẳng được có nghề riêng sanh-sống, vì Ngài muốn Tỳ-kheo phải hạ mình xuống, dẹp bỏ lòng tự-ái, để có dịp gặp dân-chúng chỉ-dạy giáo-pháp cho họ.

- Xá-vệ = một nước ở miền Bắc Ấn-độ, quê-hương của Đức Phật Thích-ca. Tiếng Pali là nước Sàvatthi.

- Thiếu-niên: Thiếu = còn trẻ; Niên = năm, tuổi. Thiếu-niên là người còn trẻ, tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Sau tuổi thiếu-niên, là tuổi thanh-niên.

- Kiếp sau = đời sau. Theo thuyết Luân-hồi của nhà Phật, sau khi chết đi khỏi cõi đời nầy, chúng-sanh lại tái-sanh trong đời kế-tiếp.

- Hạnh-phước = sự may-mắn, sung-sướng, yên-vui trong dời sống.

- Tước-đoạt = cướp giựt.

- Gậy-gộc = khúc cây cứng, to, dùng để đánh-đập.

- An-lạc: An = yên; Lạc = vui. An-lạc là yên vui, sung-sướng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị: vì sợ bị rắn cắn, lũ trẻ đập rắn chết. Đức Phật trông thấy con rắn bị hành-hạ, khổ-sở đến chết, mới ngăn lũ trẻ, và dạy chúng, đừng vì muốn mình khỏi bị hại mà lại đi hại kẻ khác.

Có thể có người cho rằng, con rắn độc, nếu mình chẳng giết nó, nó sẽ hại mình. Mới nghe thì có lý; nhưng suy-nghĩ lại: đâu phải tự-nhiên vô cớ mà rắn cắn mình. Tại nình đạp nó, đi gần bên nó, nó mới cắn. Lời dạy của Đức Phật đặt trên căn-bản công-bằng: mình chẳng muốn mình bị hại, thì đừng hại ai. Lời dạy của Đức Phật còn đặt trên căn-bản từ-bi: thương-yêu tất cả mọi chúng-sanh, chẳng phân-biệt kẻ hiền, người dữ, bạn hay thù. Thái-độ đứng-đắn đối với các người dữ-ác và các độc-vật, là ta nên tránh xa, để khỏi bị hại, đồng thời cảnh-cáo người khác đừng gần.

(2) Ý-nghĩa của hai bài kệ số 131 và 132:

Cả hai bài Kệ nói về Luật Nhơn-Quả: đời nầy hại người, ác-báo sẽ đến vào đời kế; nay chẳng hại người, sau sẽ được yên-vui.

Tước-đoạt hạnh-phước của người là làm sao? Trong bài kệ nói dùng gậy-gộc, đó là nói đến dùng võ-lực để hành-hạ kẻ khác. Nhưng đoạt hạnh-phước còn có nhiều cách xấu-ác khác, dùng mưu-gian, lường-gạt, dụ-dỗ, v.v. cần phải tránh xa, vì đó là tạo nên ác-nghiệp.

Hạnh-phước to lớn nhứt là gì? Đó là hạnh-phước được sống-còn trong an-vui. Vì lẽ đó, giới thứ nhứt: cấm sát-sanh là để tôn-trọng sanh-mạng, đồng thời tôn-trọng hạnh-phước to lớn nhứt của chúng-sanh.

HỌC TẬP:

- Học kỹ hai bài Kệ, để ghi nhớ và dạy trẻ chớ bứt cánh bướm, chớ đuổi bắt chuồn-chuồn, chớ bắn chim, chớ câu cá, v.v...

(110).- Tích chuyện Trưởng-lão Khuôn-đà-na.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Khuôn-đà-na.

Thuở ấy, có vị Tỳ-kheo tên là Khuôn-đà-na, kể từ khi gia-nhập Tăng-đoàn, đi đâu cũng bị một hình-bóng mờ-mờ của môt người đàn-bà theo bên cạnh. Hình-bóng đó, các người chung quanh đều nhìn thấy, nhưng riêng vị Tỳ-kheo ấy lại chẳng nom ra, nên chẳng biết mình bị một người đàn-bà đeo theo mãi. Khi đi khất-thực, các người tín-chủ thường dâng-cúng hai phần ăn, bảo một phần dành cho Tỳ-kheo Khuôn-đà-na, còn phần kia dành cho người đàn-bà. Tiếng đồn có vị Tỳ-kheo dắt đàn-bà đi theo bên cạnh, lan rộng ra. Một người tâu lên vua Ba-tư-nặc việc đó, và xin vua hãy đuổi người Tỳ-kheo thiếu đức-hạnh đó ra khỏi nước.

Vua Ba-tư-nặc dẫn quân đến bao vây tịnh-xá nơi Tỳ-kheo Khuôn-đà-nà trú-ngụ. Nghe tiếng quân-lính ồn-ào, Tỳ-kheo Khuôn bước ra đứng trước cửa. Hình-bóng người đàn-bà hiện lên bên cạnh. Biết có vua đến, Tỳ-kheo Khuôn-đà-na liền thỉnh vua vào phòng. Khi Vua vào, hình-bóng người đàn-bà lại biến mất. Vua hỏi: "Người đàn-bà đi đâu rồi?" Vị Tỳ-kheo chẳng hiểu, hỏi lại: "Tâu đại-vương, người đàn-bà nào?" Nhà vua ngẫm-nghĩ một lát, mới bảo Tỳ-kheo Khuôn-đà-na hãy bước ra khỏi phòng xem sao. Khi vị Tỳ-kheo ra khỏi được vài bước, bóng người đàn-bà lại hiện lên, đi theo sau. Nhưng đến khi vị Tỳ-kheo trở lại vào phòng, thì hình-bóng ấy lại biến mất. Nhà vua kết-luận, hình-bóng người đàn-bà đó chỉ là ảo-ảnh, và Tỳ-kheo Khuôn-đà-na chẳng phải là người thiếu đức-hạnh mê nữ-sắc, nên mới mời ông đến hoàng-cung mỗi ngày để được cúng-dường thực-phẩm.

Các vị tỳ-kheo đồng-tu rất ngạc-nhiên trước quyết-định của nhà vua, mới bảo: ‘Nầy Tỳ-kheo Khuôn-đà-na, ông là người chẳng có giới-hạnh, đi đâu cũng dắt người đàn-bà theo bên cạnh. Nay nhà vua lại mời ông đến hoàng-cung để cúng-dường, ông sẽ bị đoạ xuống địa-ngục, không sai!" Nghe nói thế, Tỳ-kheo Khuôn-đà-na tức giận quát: ‘Chính ông mới sa vào địa-ngục, chính các ông mới dẫn người đàn-bà theo sau mãi bên mình!" Rồi sau đó hai bên cãi-vã om lên. Chuyện đến tai Đức Phật. Ngài cho gọi Tỳ-kheo Khuôn-đà-na đến và hỏi rằng: "Nầy Tỳ-kheo Khuôn-đà-na, ông có chính mắt thấy các vị tỳ-kheo kia dắt đàn-bà theo sau bên mình không?" Tỳ-kheo Khuôn-đà-na bạch: "Bạch Thế-tôn, con chẳng thấy người đàn-bà nào theo sau các vị Tỳ-kheo cả." Đức Phật lại bảo: "Ông chẳng thấy có người đàn-bà đi theo họ, cũng như họ đã thấy hình-bóng một người đàn-bà đi theo ông vậy. Ông có biết tại sao ông bị bóng người đàn-bà theo đuổi ông mãi vậy không? Đó là vì trong một kiếp trước, ông sanh lên cõi Trời, thấy có hai vị Tỳ-kheo khắn-khít với nhau, ông ghen tức, mới hoá hình làm thân người nữ, đeo theo một người, để phá rối họ. Vì hành-động xấu-xa đó, nên kiếp nầy, ông phải chịu quả-báo, bị bóng một người đàn-bà theo đuổi mãi. Kể từ rày, ông chớ nên cãi-cọ với các vị tỳ-kheo đồng-tu nữa, mà phải biết ngậm miệng im lặng như chiếc chuông bể chẳng tiếng ngân. Bằng cách ấy, ông tu-tập tinh-tấn, sẽ chứng được cảnh an-lạc của Niết-bàn."

Rồi đó, Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Nói lời thô-lỗ cộc-cằn,
Người nghe mắng lại cũng bằng lời thô.
Giọng phẫn-nộ xí-xô gây đau-khổ,
Lời qua tiếng lại, trở lại hại mình.
(Kệ số 133.)

Nếu biết giữ mồm trong yên-lặng,
Như chuông nứt bể chẳng tiếng ngân.
Đó là người chứng-đắc Niết-bàn,
Trong tâm chẳng mang niềm hiềm-hận.
(Kệ số 134.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Khuôn-đà-na: tên vị tỳ-kheo nầy tiếng Pali là Kondadhàna.

- Gia-nhập: Gia = tham-gia, dự vào; Nhập = đi vào. Gia-nhập Tăng-đoàn là được nhận vào làm Tỳ-kheo trong chùa.

- Khất-thực = xin nhắc lại: đi xin ăn (Khất =xin; thực = ăn).

- Tín-chủ: Tín =tin-tưởng; Chủ = người chủ. Tín-chủ là người tin-tưởng theo đạo, hay bố-thí nên còn được gọi là thí-chủ, thí-giả.

- Ba-tư-nặc: tên đức Vua xứ Câu-tát-la (Kosala), rất sùng-mộ đạo Phật. Tên tiếng Pali là Pasenadi.

- Ảo-ảnh: Ảo =giả, thấy như có thật, mà chẳng thật có; Ảnh = hình-bóng. Ảo-ảnh là hình bóng giả, như nhìn qua khung kiếng ở cửa sổ thấy có bóng mình trên kiếng; bóng ấy là ảo-ảnh.

- Mê nữ-sắc: Nữ =phụ-nữ, đàn-bà cô gái; Sắc =sắc đẹp.

- Hoàng-cung: Hoàng = hoàng-đế, vua; Cung = cung-điện. Hoàng-cung là đền-đài nơi vua ở.

- Giới-hạnh: Giới = điều răn-cấm trong đạo Phật; Hạnh = hạnh-kiểm, thái-độ, hành-động, cách cư-xử. Người có giới-hạnh tốt biết giữ điều răn.

- Quả-báo = Quả =kết-quả, hậu-quả; Báo = báo đền, báo-thù. Vì trước đã có hành-động xấu làm nguyên-nhơn, nên nay phải chịu quả-báo xấu, đó là Luật Nhơn-quả báo-ứng về sau.

- Xí-xô = ồn-ào, om-sòm.

- Niết-bàn: xin nhắc lại vắn-tắt: đó là tâm-trạng người đã dứt bỏ hết các phiền-não, sống an-nhiên, tự-tại trong niềm an-lạc.

- Hiềm-hận: Hiềm =thù-hiềm; Hận = sân-hận, giận-hờn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Trước khi tìm hiểu ý-nghĩa của Tích chuyện, xin bàn qua về điểm: Tích chuyện có thật không, hay mơ-hồ, huyền-hoặc, chẳng đáng tin? Theo lý mà xét, Tích chuyện mang vẻ huyễn-hoặc, mơ-hồ, khó tin, vì ngày nay ta chẳng thấy có ai bị một bóng-hình nào theo đuổi như trong trường-hợp của vị Tỳ-kheo Khuôn-đà-na. Nhưng nếu ta suy-nghĩ lại: việc kết-tập các Tích chuyện do người sau viết lại khi Đức Phật đã nhập Niết-bàn, có thể thêm ít nhiều chi-tiết vào, khiến câu chuyện mang vẻ huyền-bí, huyễn-hoặc, thì ta nên bỏ qua phần cốt chuyện, và chỉ chú-tâm vào lời dạy của Đức Phật ghi ở phần cuối. Lời dạy đó: đừng cãi-vã nhau, phải tập im-lặng và tinh-tấn tu-hành để sớm chứng được cảnh Niết-bàn an-lạc. Rất có thể, vì Tỳ-kheo Khuôn-đà-na có một dĩ-vãng xấu, nay tuy đi tu, vẫn còn bị dĩ-vãng xấu đó theo ám-ảnh mãi và những người khác khi thấy ông, họ nhớ đến dĩ-vãng đó, tựa như bóng ảo-ảnh bám theo ông vậy.

Thiện-Nhựt có biết một chuyện thật, hơi giống việc nầy. Trong xóm có anh Hai L. ghiền rượu, thường lén bắt chó của người ta, đem giết đi để ăn thịt. Hai L. đi đâu là mấy con chó trong xóm sủa vang lên. Dân chúng biết, bảo nhau rằng Hai L. bị mấy hồn oan của chó bị giết theo bám, cho nên đi đâu lũ chó trong xóm nghe thấy mới sủa vang lên như thế. Thiện-Nhựt bấy giờ còn nhỏ, tin theo; đến khi lớn lên, nghĩ lại, tại Hai L. hay đi bắt chó ăn thịt, nên lũ chó đánh hơi Hai L. là sủa vang để báo-động cho nhau. Cái tật bắt chó ăn thịt để nhậu-nhẹt của Hai L. đến loài chó cũng biết, huống là các người xung-quanh. So với việc ảo-ảnh người đàn-bà bám theo Tỳ-kheo Khuôn, chắc cũng chẳng khác bao nhiêu.

Như đã thưa trước, ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật: đừng cãi-vã nhau, hãy tập im-lặng, giữ khẩu-nghiệp cho trong sạch và tinh-tấn tu-hành để sớm chứng được cảnh an-vui Niết-bàn.

(2) Ý-nghĩa hai bài Kệ số 133 và 134:

Cả hai bài khuyên ta nên giữ-gìn khẩu-nghiệp cho trong-sạch. Giữ cách nào? Trước, đừng cãi-vã với ai. Sau, tập giữ im-lặng, đừng lắm lời, nhiều chuyện. Tập im-lặng cách nào? Thường ta nghe nói có người tu tịnh-khẩu, nghĩa là suốt ngày chẳng nói lời nào. Đây là việc khó, có miệng thì phải nói, nín làm sao được. Nhưng khi mình tịnh-khẩu, việc quan-trọng chẳng phải chỉ là câm cái miệng lại như chuông bể chẳng tiếng ngân, mà còn là: Trong tâm chẳng mang niềm hiềm-hận nữa. Nghe ai nói nặng, nín chẳng trả lời lại, tốt lắm! Nhưng nếu chẳng trả lời, mà trong bụng hờn-giận, ghi đó, để "khi tao hết tu tịnh-khẩu, tao sẽ cho nó một bài học". A! Nếu trong bụng còn sân-hận, thì tịnh-khẩu có ích-lợi gì, chẳng qua là dồn-nén đó, rồi khi gặp dịp bật ra, còn dữ-tợn hơn gấp bội.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ, ghi nhớ và để dạy trẻ biết nín nhịn.

2.- Giảng cho trẻ biết: hai người chưởi-bới nhau, cũng như cả hai đang lấy lọ-nghẹ bôi vào mặt nhau, một lát cả hai mặt đen thui, xấu lắm!

(111).- Tích chuyện các bà thọ Bát-quan-trai.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Đông-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các bà tín-nữ thọ Bát-quan-trai.

Chùa Đông-viên nằm về phía Đông chùa Kỳ-viên, do bà ưu-bà-di Vi-sa-kha xây cất và dâng-hiến cho Ni-đoàn. Dạo ấy, có hàng trăm vị phụ-nữ trong vùng đến chùa Đông-viên, để thọ Bát-quan-trai-giới.

Khi buổi lễ xả giới đã xong, bà Vi-sa-kha đến hỏi các người giới-tử lý-do vì sao họ tới đây để thọ Bát-quan. Những người già-cả đáp, họ mong-muốn được hưởng hạnh-phước sanh lên cõi Trời trong kiếp tới. Các bà trung-niên bảo, họ đến chùa thọ Bát là để khỏi phải sống cả ngày với các người vợ bé của chồng ở nhà. Còn các cô thiếu-nữ thì đáp, họ mong-mỏi sau nầy được gặp một người chồng tốt, xứng-đáng, để có hạnh-phước trong gia-đình. Sau đó, bà Vi-sa-kha đưa các nữ-giới-tử đến yết-kiến Đức Phật ở đại-sảnh-đường. Bà bạch Phật các lời ước-nguyện của các hạng giới-tử. Đức Phật liền giảng-dạy như sau: "Này tín-nữ Vi-sa-kha, Sanh, Già, Chết là những điều tất-yếu mà mọi chúng-sanh phải trải qua. Hễ đã sanh ra, thì sẽ lớn lên, già-yếu rồi chết đi, tái-sanh lại theo vòng lẩn-quẩn. Phải biết cách tu-tập để khỏi phải trôi lăn mãi trong sáu cõi của Luân-hồi."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người chăn bò tay cầm cây gậy,
Lùa đàn bò ra bãi cỏ xanh.
Cảnh già, cõi chết cũng như vậy,
Lùa mọi người đến chỗ tử-sanh.
(Kệ số 135.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bát-quan trai-giới: Bát =tám; Quan =đóng lại; Trai = (ăn) chay; Giới = điều răn-cấm. Lễ Bát-quan-trai-giới được Phật đặt ra để cho các người tu tại-gia, vì bận-bịu gia-đình, nghề-nghiệp, đến chùa tu trong 24 tiếng đồng-hồ, tuân theo tám điều giới-luật. Theo giáo-lý, ai thọ Bát-quan mà lòng trong-sạch, giữ gìn giới-luật thật thanh-tịnh, thì khỏi phải sa vào địa-ngục. Tám điều cấm trong lễ Bát-quan: (1) cấm sát-sanh, (2) cấm trộm-cắp, (3) cấm tà-dâm, (4) cấm nói dối, (5) cấm uống rượu, (6) chẳng ăn phi-thời (ăn sái giờ-giấc), (7)chẳng trang-điểm, nằm giường cao, (8) chẳng xem hát-xướng. Lễ Bát-quan, tiếng Pali là Uposatha Sila.

- Chuà Đông-viên: ngôi chùa nầy được bà Vi-sa-kha xây cất về phiá Đông chùa Kỳ-viên, dưng-cúng cho Ni-đoàn. Tên Pali là Pubbàràma.

- Ưu-bà-di: phiên-âm tiếng Phạn Upàsikà, nữ-cư-sĩ tu tại-gia của Đạo Phật. Tín-đồ của Đức Phật gồm có Tứ Bộ-chúng: (1)Tỳ-kheo (Bhikkhu) nam tu-sĩ xuất-gia; (2) Tỳ-kheo-ni (Bhikkhuni), nữ-tu-sĩ xuất-gia, (3) Ưu-bà-tắc (Upàsaka) nam cư-sĩ tu tại-gia, còn gọi là cận-sự-nam và (4) Ưu-bà-di, còn gọi là cận-sự-nữ.

- Ni-đoàn: Ni = tỳ-kheo-ni, nữ tu-sĩ xuất-gia.Ni-đoàn là đoàn-thể các vị ni-cô, từ bốn người trở lên, tu trong chùa.

- Xả giới: Xả =chấm-dứt; bỏ; Giới =giới-luật, điều răn-cấm trong Đạo. Lễ xả-giới là buổi lễ tổ-chức sau 24 tiếng đã thọ Bát-quan-trai. Khi mới bắt đầu tu, thì làm lễ thọ-giới, theo đó, thầy truyền-giới đọc các giới lên; sau mỗi giới, người thọ-giới qùi nói: ‘Nguyện vâng theo." Tuy gọi là xả-giới, nhưng người cư-sĩ vẫn tiếp-tục tuân theo các giới-luật, sau buổi lễ thọ Bát, trong cuộc sống hằng ngày ở nhà.

- Giới-tử: Giới = giới-luật, điều răn cấm trong Đạo; Tử = người, con. Giới-tử là người thọ giới; ở đây, chỉ các người tham-dự lễ Bát-quan.

- Trung-niên: Trung =trung-bình, vừa vừa; Niên =năm, tuổi. Bực trung-niên vào khoảng bốn, năm mươi tuổi; thường gọi là tuổi xồn-xồn.

- Đại-sảnh-đường: Đại = lớn; Sảnh = phòng; Đường = nhà. Đại-sảnh-đường là căn phòng lớn trong nhà, tức là phòng khách.

- Tất-yếu: Tất =bắt-buộc phải có; Yếu = trọng-yếu, quan-trọng. Điều tất-yếu là điều quan-trọng bắt buộc phải có, chẳng tránh được.

- Tái-sanh: Tái = trở lại, một lần nữa; Sanh = đẻ ra. Tái-sanh là sanh trở lại một lần nữa ở cõi đời nầy, sau khi đã chết. Đó là thuyết Luân-hồi của Đạo Phật. (Luân = bánh xe quay; Hồi = trở lại; tiếng Pali là samsàra.)

- Sáu cõi: còn gọi là Lục đạo: (1) địa-ngục, (2) ngạ-quỉ, (3) súc-sanh, (4) người, (5) thần (hay A-tu-la) và (6) Trời. Ba cõi trước là cõi dữ-ác

- Tử-sanh: Tử = chết; Sanh = sống. Cõi tử-sanh là cõi sống đi chết lại của cảnh Luân-Hồi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

(1)) Khuyên ta nên tham-dự một ngày thọ Bát-quan-trai-giới: đây là một lối tu dành cho những người còn bận-bịu việc gia-đình, được gia-nhập hàng ngũ xuất-gia trong 24 tiếng đồng-hồ. Đức Phật hứa rằng người thọ Bát biết giữ giới thanh-tịnh, lòng chí-thành trong-sạch, sẽ chẳng bao giờ sa vào địa-ngục. Lợi-ích thiết-thực nhứt cho người thọ Bát là gát hẳn các mối lo-âu hằng ngày, sống hoàn-toàn trong sự tĩnh-tâm.

(2)) Tu phước còn thua Tu Huệ để giải-thoát: Khi nghe bà Vi-sa-kha trình-bày ước-nguyện của các giới-tử, Đức Phật cho đó là tu-phước để tạo phước-báu đời nầy hay đời sau. Đức Phật dạy, phải tu-tập để thoát khỏi vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi, đó là đường-tu giải-thoát. Giải-thoát khỏi những gì? Giải-thoát khỏi các phiền-não trong tâm. Bằng cách nào? Mở-mang Trí-huệ để cắt đứt các phiền-não, bằng cách học-tập Kinh-kệ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 135:

Bài Kệ so-sánh Cảnh Già-Chết của con người với kẻ chăn bò dùng gậy lùa hết đàn bò ra bãi cỏ. Kẻ ấy lùa hết cả đàn bò, chẳng sót một con, cũng như Thần Chết chẳng chừa một ai sống-sót cả. Đó là định-luật rắn-chắc của kiếp nhơn-sanh. Muốn thoát khỏi, chỉ có một cách là phải tu-tập để được giải-thoát. Giải-thoát bằng Trí-huệ, vì thế phải chăm tu Huệ.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ Tu-Huệ quí hơn Tu-Phước.

2.- Đi chùa, làm công-quả, bố-thí cúng-dường là những công-tác đáng quí, nhưng đó là việc tu phước, còn chưa đủ. Phải lên Chánh-điện nghe Thầy giảng kinh, để biết cách tu-tập diệt-trừ phiền-não mới là đường-tu giải-thoát.

3.- Hùn tiền in kinh, ấn-tống kinh tạo nhiều phước-báu đáng quí. Nhưng ngồi chăm-chỉ nghe kinh, thưa hỏi để hiểu rõ kinh, cũng đáng quí, vì mở mang được Trí-huệ, trên đường-tu giải-thoát.

(112).- Tích chuyện con trăn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến chuyện một con trăn.

Thuở ấy, Tôn-giả Mục-kiền-liên cùng với Trưởng-lão Lạc-kha-na, vừa đi xuống lưng-chừng núi Linh-Thứu, bỗng Tôn-giả thấy một con trăn và lặng-lẽ mỉm cười một mình. Khi về đến chùa Kỳ-viên, trước mặt Đức Phật, Tôn-giả mới nói với Trưởng-lão Lạc-kha-na rằng, trong khi đi đường Tôn-giả đã gặp một con trăn lớn, dưới thân-hình một loài ngạ-quỉ, mình-mẫy bị lửa hừng thiêu-đốt.

Đức Phật liền bảo, chính Ngài trước đây, sau khi thành Đạo, cũng nom thấy một con trăn ngạ-quỉ, mình-mẫy bị đốt cháy như thế, nhưng Ngài chẳng nói với ai, vì ngại người ta chẳng tin. Đến nay có Mục-kiền-liên thấy được con ngạ-quỉ đó, Đức Phật mới kể lại sự-tích của con trăn, như sau: Vào thời Đức Phật Ca-diếp, có một tên trộm rất ác-tâm. Y đã bảy lần đốt nhà của một người trưởng-giả giàu-có. Còn chưa vừa lòng, hắn lại đốt luôn Hương-phòng mà trưởng-giả đã dâng-hiến lên Đức Phật Ca-diếp, khi Ngài đang đi khất-thực. Vì tội-ác to-lớn đó, tên trộm bị sa vào địa-ngục nhiều đời kiếp. Đến khi mãn hạn trong địa-ngục, lại phải đầu-thai làm ngạ-quỉ, dưới thân hình một con trăn to lớn, mình luôn luôn bị ngọn lửa đốt cháy lần lần từ đầu đến đuôi, rồi từ đuôi đến đầu, chẳng ngưng-nghỉ.

Đức Phật kết-luận: "Kẻ ngu-mê làm việc dữ mà chẳng ý-thức được hậu-quả xấu, nhưng kẻ ấy chẳng bao giờ thoát khỏi ác-báo cả."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người ngu hành-động lỗi-lầm,
Còn chưa ý-thức việc làm mình sai.
Bị ác-nghiệp chính tay mình tạo
Dày-vò áo-não như lửa thiêu.
(Kệ số 136.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tôn-giả: Tôn = tôn-trọng; Giả = người. Tôn-giả là bực đáng tôn-trọng.

- Mục-kiền-liên: Đại-Mục-kiền-liên = vị đại-đệ-tử của Đức Phật Thích-ca, giỏi nhứt về thần-thông. Tên bằng tiếng Pali là Mahà Moggallàna, giáo-lý Bắc-tông gọi là Đại Mục-kiền-liên.

- Lạc-kha-na: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Lakkhana.

- Con trăn: một loài giống như con rắn thật to, mình dài, gặp thú khác thì quấn chặt cho gảy xương, rồi hả miệng nuốt trộng.

- Ngạ-quỉ: một loài chúng-sanh trong ba đường dữ, thân hình rất ốm-o, đầu và bụng to mà cổ thì nhỏ, luôn luôn bị đói khát, nên thường được gọi là quỉ đói; tiếng Pali là Peta.

- Đức Phật Ca-diếp: Đức Phật Ca-diếp giáng trần trước Đức Phật Thích-ca, vị Phật thứ sáu của Hiền-kiếp, tiếng Pali là Kassapa Buddha.

- Ác-tâm: Ác =hung-ác; Tâm = lòng. Kẻ có ác-tâm là kẻ có bụng-dạ hung-dữ, tàn-ác.

- Trưởng-giả: Trưởng = lớn; Giả = người. Trong Phật-học, chữ Trưởng-giả là người giàu-có, đạo-đức cao, được mọi người kính-phục.

- Hương-phòng: Hương = mùi thơm; Phòng = căn phòng. Chữ Hương-phòng dùng để chỉ căn phòng riêng của Đức Phật ở. Tiếng Pali là Gandhakuti.

- Khất-thực: xin nhắc lại: Khất =xin; Thực = ăn. Theo giới luật của khát-sĩ của Đức Phật, tỳ-kheo chẳng được có nghề-nghiệp riêng để sanh-sống, mà phải đi xin ăn. Đó là vì Đức Phật muốn các tỳ-kheo phải dẹp lòng tự-ái, hạ mình xuống đi khất-thực; lại cũng có dịp cho các tỳ-kheo gặp-gỡ dân-chúng, để chỉ-dạy cho họ giáo-pháp mà tu-tập theo.

- Điạ-ngục: Địa = đất; Ngục = khám, trại giam. Theo sự tin-tưởng trong Phật-học, người nay làm ác, khi chết đi, sa vào địa-ngục tối-tăm, chịu hình-phạt khổ-sở chẳng ngừng. Địa-ngục là một trong ba cõi dữ.

- Đầu-thai: nhập vào thai mẹ để được sanh ra trong cõi đời, theo thuyết Luân-hồi (Luân = bánh xe quay; hồi = trở lại; sanh ra chết đi rồi sanh lại nữa.)

- Ý-thức: Ý =ý-tưởng trong đầu; Thức = biết. Có ý-thức về một việc gì, có nghĩa là, việc đang xảy ra, mình thấy và để-ý trong tâm về việc đó. Nhưng để-ý suông chưa đủ gọi là có ý-thức, phải hiểu rõ về việc đó, vào lúc đó, mới gọi là có ý-thức về việc đó. Ở đây, người ngu chưa ý-thức việc mình làm sai, có nghĩa là người ngu ấy đang làm một việc lỗi-lầm, mà chẳng biết đó là lỗi, lại chẳng biết về sau sẽ bị hậu-quả xấu nữa.

-Ác-nghiệp: Ác =xấu-ác, dữ-ác; Nghiệp: nghiệp-báo, tức là những hành-động cũ đã làm, tạo nên điều-kiện cho cuộc sống ngày nay. Ác-nghiệp sẽ gây nên những điều chẳng may khiến đời ta phải khổ-sở.

- Dày-vò: chà-đạp, đè-nén, áp-bức, tóm lại là làm cho khổ-sở.

- Áo-não = buồn-bã, than-khóc u-sầu.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc Tôn-giả Mục-kiền-liên trông thấy một con trăn quỉ-đói, Ngài mỉm cười chẳng nói gì. Đến khi thuật lại cho Trưởng-lão Lạc-kha-na biết việc ấy, trước mặt Phật, thì được Đức Phật kể lại tiền-kiếp của con quỉ-đói. Trong kiếp trước, hắn là tên trộm độc-ác đốt nhà người, đốt cả Hương-phòng của Phật Ca-diếp, nên khi chết bị sa địa-ngục; mãn hạn ở địa-ngục, phải tái sanh làm con trăn, mình-mẫy bị lửa hồng thiêu-đốt chẳng ngừng. Nhơn việc nầy, Đức Phật bảo, người ngu-mê chẳng ý-thức được việc ác mình làm, nên phải chịu khổ-sở vì quả-báo

Ý-nghĩa của Tích chuyện: trước khi làm một việc gì, phải suy-nghĩ chín-chắn, xét hậu-quả về sau, rồi mới thi-hành. Chẳng có ai làm ác mà tránh khỏi được ác-báo cả.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 136:

Ý-nghĩa của bài Kệ rất rõ-ràng: hễ làm ác là tạo ác-nghiệp, rồi sẽ bị ác-báo rồi khổ-sở cả đời.

Xin đặc-biệt lưu-ý hai câu chót: Ác-nghiệp do chính mình tạo nên trước, nay nó dày-vò mình phải chịu khổ-sở như đang bị lửa thiêu-đốt.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ, mình tạo nên nghiệp-báo cho chính mình; nay sung-sướng hay khổ-sở, là do hành-động của đời trước.

(113).- Tích chuyện Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến cái chết của Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên.

Thuở ấy có bọn ngoại-đạo loã-thể Ni-kiền-tử muốn dành ảnh-hưởng với Đức Phật, nên dự-định ám-sát Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên là vị đại-đệ-tử của Đức Phật. Chúng thuê bọn cướp giết người, rình-rập Tôn-giả đang ở làng Khả-la gần thành Vương-xá. Đến đêm chúng bao vây tịnh-xá nơí Tôn-giả trú-ngụ. Hay tin, Tôn-giả bỏ trốn, thoát được. Chúng lại tìm cách hại lần thứ hai, cũng thất-bại. Đến lần thứ ba, Tôn-giả quán-thấy trong tiền-kiếp mình, có làm một việc ác, nên nay phải chịu nốt quả-báo còn sót lại. Thế nên, Tôn-giả chẳng trốn-tránh nữa, nên bị bọn cướp bắt, đánh-đập tàn-nhẫn, lăn ra bất-tỉnh. Bọn cướp tưởng Tôn-giả đã chết, bỏ đi. Nhưng nhờ sức thần-thông nhập-định, Tôn-giả hồi-tỉnh lại và đi đến chùa Kỳ-viên bạch Phật rằng, Tôn-giả sẽ nhập Niết-bàn nay mai. Đức Phật bảo Tôn-giả nên hội-họp chúng Tăng lại và tuyên-dạy một bài pháp cuối cùng. Tôn-giả vâng lời, và sau thời-pháp, Tôn-giả qùi xuống lễ Phật bảy lạy, sau đó Tôn-giả nhập Bát-Đại-Niết-Bàn.

Tin Tôn-giả Mục-kiền-liên bị bọn cướp sát-hại đến tai vua A-xà-thế, Ngài liền ra lịnh truy-lùng, bắt được cả bọn đem thiêu sống. Nhưng các vị Tỳ-kheo tiếc thương Tôn-giả Mục-kiền-liên, mới đến bạch Phật, thưa hỏi tại sao một vị tu-sĩ giới-đức cao-dầy như Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên mà phải chết thê-thảm như thế. Đức Phật bảo: "Trong một tiền-kiếp, Mục-kiền-liên có phạm tội giết cha-mẹ, nên kiếp nầy, trước khi nhập Niết-bàn, phải trả nốt quả-báo xấu đó. Số là, kiếp xưa, cha mẹ Mục-kiền-liên đều mù-loà, sống nhờ con phụng-dưỡng. Mục-kiền-liên thờ-phụng cha-mẹ rất là hiếu-thảo. Đến khi có vợ, Mục-kiền-liên, nghe lời nói ra nói vào của vợ, mới dẫn cha-mẹ vào rừng, đánh chết, và dàn cảnh làm như hai cụ già bị bọn cướp giết chết. Vì tội-ác đó, Mục-kiền-liên phải sa vào địa-ngục A-tỳ trong nhiều đời; đến nay vào đời cuối cùng còn phải chết vào tay bọn cướp, để đền tội-ác." Đức Phật kết-luận: "Hễ ai làm ác hại đến người vô-tội, thì chắc chắn sẽ bị quả-báo khổ-sở nhiều đời."

Rồi Đức Phật mới nói các bài Kệ sau đây:

Dùng đao-trượng đập tơi-bời,
Hại người vô-hại, với người tay không,
Sớm muộn chi, khó lòng tránh thoát
Một trong mười quả ác, kể ra:
Một là nhức-nhối rên la;
Hai là tai-biến, ba là bị thương;
Bốn là mất trí, thường lú-lẫn;
Năm là bị lận-đận vua quan;
Sáu là trọng-tội vu-oan;
Bảy là thân-quyến họ-hàng ly tan;
Tám là bị tiêu-tan tài-sản;
Chín là phải chịu nạn hoả-tai;
Mười là khi bỏ hình-hài,
Sa vào địa-ngục, biết ngày nào ra.
(Các bài Kệ 137, 138, 139 và 140.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đại Mục-kiền-liên: tên Tôn-giả tiếng Pali là Mahà Moggallàna.

- Loã-thể: Loã = loã-lồ, chẳng có mảnh vải che thân; Thể = thân-thể. Nhóm tu-sĩ ngọai-đạo nầy chủ-trương loã-thể, di xin ăn, người cầm đầu tên là Ni-kiền-tử ( =Nigantha).

- Ám-sát = Ám =mờ-ám, lén-lút; Sát = giết. Ám-sát là rình giết lén.

- Làng Khả-la = tên làng nầy bằng tiếng Pali là Kàlalkà.

- Vương-xá: thủ-đô nước Ma-kiệt-đà (Magadha), trước được vua Tần-bìm-sa-la (Bimbisara) cai-trị, sau bị con cướp ngôi, là vua A-xà-thế (Ajàtasattu), cả bai vị vua đều tôn-sùng đạo Phật.

- Quán-thấy: xin nhắc lại: khi ngồi nhập-định, trong tâm thấy rõ sự việc cũ, hay việc tương-lai, đó là quán-thấy trong tâm thanh-tịnh.

- Thần-thông = sức lực mạnh-mẽ của người đang cơn thiền-định thâm-sâu. Có thể bay lên trời, lặn xuống nước, v.v.

-Hồi-tỉnh = Hồi = trở lại; Tình = tỉnh-táo. Tỉnh lại sau khi chết giấc.

- Nhập Niết-bàn: đi vào cảnh tịch-diệt, chẳng tái-sanh nữa.

- Truy-lùng: tìm kiếm cho ra kẻ thủ-phạm.

- Tiền-kiếp: Xin nhắc lại: trong một đời sống trước đời nầy.

- Nói ra nói vào: cứ nói mãi để người nghe phải chịu nghe theo lời mình. Thưiờng nói ra nói vào về ai là nói xấu kẻ đó.

- Điạ-ngục A-tỳ: đây là cõi âm, u-tối, trừng-phạt kẻ có tội. Địa-ngục nầy có tên là A-tỳ (tiếng Pali là Avìci), chịu hình-phạt chẳng ngưng.

- Đao-trượng = Đao = dao to; Trượng = gậy-gộc để đánh-đập.

- Người vô-hại: nghĩa ở đây là, người chẳng làm hại ai, người hiền

- Quả-ác = ác-báo; chuyện chẳng may xảy về sau làm khổ-sở.

- Lận-đận vua quan = mắc vòng tù-tội.

- Trọng-tội = Trọng = nặng-nề; Trọng-tội là tội nặng-nề.

- Hoả-tai = hoả = lửa; tai = tai-nạn; Hoả-tai là bị nạn lửa cháy.

- Hình-hài = thân-thể.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích-chuyện:

Tích chuyện kể lại việc Tôn-giả Mục-kiền-kiên chịu nốt quả-báo đời trước, vì đã giết chết cha-nẹ, nên nay phải bị đập chết, trước khi nhập Niết-bàn. Ý-nghĩa của tích-chuyện là lời dạy của Phật, chẳng ai thoát khỏi quả-báo đã gây ra, dầu đó là người đã tu-hành đạo-đức cao.

(2) Ý-nghĩa của các bài Kệ từ số 137 đến số 140:

Các bài Kệ kể lại mười quả-báo của người đã đánh-đập, giết hại kẻ vô-tội: khi còn sống phải chịu hiều tai-nạn; đến khi chết phải sa vào địa-ngục.

Ý-nghĩa của các bài Kệ khuyên ta nên tránh các tội-ác, nhứt là đừng hà-hiếp kẻ vô-tội, yếu-đuối chẳng đủ sừc để chống-đỡ.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để khuyên-răn những ai sắp làm tội-ác. Đừng thấy kẻ hiền-lành dễ ăn-hiếp mà lấn-áp, ác-báo sẽ xảy ra, chẳng chóng thì chầy, khó thoát được.

2.- Đề-nghị thực-tập lòng Từ-Bi, để dễ tránh sự độc-ác:

- Bị muỗi cắn, lấy quạt quạt cho nó bay đi, đừng đập chết.

- Đừng dùng thuốc sát trùng giết sâu bọ ngoài vườn rau.

(114).- Tích chuyện Tỳ-kheo Bá-hộ-Thăng.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề cập đến vị Tỳ-kheo tên là Bá-hộ-Thăng.

Thuở ấy, có một người rất là giàu-có ở nước Xá-vệ. Sau khi vợ mất, ông quyết-định di tu. Trước khi gia-nhập hàng ngũ Tỳ-kheo, ông xây cất một tịnh-xá khang-trang, có phòng riêng cho mình, có gian nhà chứa các đồ cần-dùng, song, chảo nồi, niêu. Mỗi khi ông muốn ăn thức gì các đầy-tớ của ông theo hầu nấu-nướng. Cuộc đời tu-hành của ông ta quá đầy đủ tiện-nghi, nên bạn đồng-tu mới đặt tên cho ông là Bá-hộ-Thăng.

Một hôm có một vị Tỳ-kheo mời Bá-hộ-Thăng đến yết-kiến Đức Phật. Vị ấy trình Đức Phật rằng, mặc dầu đã đi tu, ông Thăng vẫn sống cuộc đời quá sung-túc, đem theo nhiều đồ-đạc bên mình. Đức Phật bảo Tỳ-kheo Bá-hộ-Thăng: "Nầy Tỳ-kheo, đã bao lần, ta khuyên các Tỳ-kheo phải sống một cuộc đời đạm-bạc, cớ sao ông lại mang theo nhiều tài-sản vậy?" Nghe Đức Phật quở, Tỳ-kheo Thăng phật-ý, nói xẵng: "Bạch Thế-tôn, Ngài muốn con sống đạm-bạc, con xin vâng" Vừa nói, ông ta liền cổi áo cà-sa choàng bên ngoài ra, chỉ mặc chiếc áo cánh.

Đức Phật ôn-tồn bảo: ‘Này Bá-hộ-Thăng, trong kiếp trước ông tuy nghèo khó và chưa đi tu, nhưng lúc nào cũng giữ được tâm tàm biết hỗ-thẹn khi làm việc quấy, và tâm quí, biết lo-sợ tội-lỗi, sao nay đã là Tỳ-kheo rồi, ông lại cổi hai tâm-sở đó mà vứt xuống đất như thế?" Nghe Đức Phật trách như thế, Tỳ-kheo Thăng hối-ngộ, lòng biết-thẹn và lo-sợ tội-lỗi lại nổi kên trong tâm, ông liền quì xuống xin sám-hối. Đức Phật dạy: "Cởi bỏ áo cà-sa ra cũng chẳng làm cho Tỳ-kheo biết sống đạm-bạc, mà cần phải cởi bỏ dứt khoát sự nghi-hoặc trong lòng kia."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài kệ sau đây:

Đâu phải vì thân loã-thể đi rong;
Đâu phải vì bện tóc không gội đầu
;
Đâu phải vì bôi bùn vào bụng, ngực;
Đâu phải vì tuyệt-thực, ngồi xổm luôn;
Mà có thể thanh-lọc được tâm-hồm
Con người hoài-nghi còn chưa nhiếp-phục.
(Kệ số 141)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bá-hộ-Thăng: tên vị Tỳ-kheo nầy tiếng Pali là Bahubhandika.

- Khang-trang = đẹp-dẽ, đầy-đủ tiện-nghi.

- Sung-túc = đầy-đủ, dư-dả.

- Đạm-bạc: lạt-lẽo, đơn-sơ, chẳng cầu-kỳ.

- Phật-ý: chẳng bằng lòng.

- Nói xẵng: nói lời cau-có, có vẻ hờn-giận bên trong.

- Cà-sa = chữ Phạn Kasaya, áo màu vàng, tu-sĩ khoác bên ngoài.

- Tâm-tàm: đây là tâm-sở ( =một cõi lòng) biết hỗ-thẹn khi mình sắp làm điều quấy.

- Tâm quí: đây là tâm-sở biết lo-sợ tội-lỗi, nhờ đó mà tránh được.

- Hối-ngộ = biết mình đang có lỗi và muốn sửa lại.

- Sám-hối: xin lỗi và hứa chừa chẳng tái-phạm nữa.

- Nghi-hoặc = nghi ngờ, chưa vững tin.

- Loã-thể, bện-tóc, ngồi xổm: đây là những phái ngoại-đạo tu khổ-hạnh, mong rửa sạch tội-lỗi để được sanh lên cõi Trời Phạm-thiên. Ngày nay ở Ấn-độ, cũng còn các phái tu nầy.

- Thanh-lọc: Thanh = trong; lọc = lượt cho sạch. Thanh-lọc tâm-hồn là dứt bỏ tư-tưởng xấu và nuôi dưỡng tư-tưởng tốt.

- Hoài-nghi = nghi-hoặc, nghi-nhờ, chưa vững tin

- Nhiếp-phục = làm chủ được, dẹp bỏ được.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc Tỳ-kheo Bá-hộ-Thăng còn chưa dứt khoát rời bỏ của cải để đi tu. Đức Phật dạy, đi tu phải sống đạm-bạc, trong tâm phải biết hỗ-thẹn khi làm điều quấy và biết lo-sợ khi phạm tội-lỗi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 141:

Bốn câu đầu của bài Kệ chỉ rõ bốn cách tu khổ-hạnh, ép-xác chẳng đưa đến sự thanh-lọc thân-tâm. Muốn thanh-lọc thân-tâm, để được tái sanh lên cõi Trời, thì cần dứt bỏ sự hoài-nghi và tu theo Thập-thiện.

HỌC TẬP:

- Học kỹ bài Kệ, để ghi nhớ, chớ chạy theo ngoại-đạo, tà-giáo.

(115).- Tích chuyện vị đại-thần San-tạ-tị.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị đại-thần tên là San-tạ-tị.

Thuở ấy, vị đại-thần San-tạ-tị vâng lịnh vua Ba-tư-nặc, dẫn quân đi đánh dẹp một bọn phiến-loạn. Đắc thắng trở về, đại-thần San-tạ-tị được Vua trọng thưởng vàng-bạc rất nhiều và tặng thêm một người vũ-nữ tuyệt đẹp. Trong bảy ngày đêm, vị đại-thần hưởng các lạc-thú vật-chất, tiệc-tùng tưng-bừng, có cô vũ-nữ giúp vui. Quan tỏ ra rất bằng lòng, và yêu-mến cô ấy lắm. Sáng hôm sau, quan ra bờ sông để tắm rửa, gặp Đức Phật đang cùng chúng Tăng đi khất-thực. Quan San-tạ-tị gật đầu chào qua loa, rồi bước xuống dòng sông. Đức Phật mỉm cười. Ngài A-nan thấy vậy mới hỏi lý-do. Phật đáp: ‘’Chiều tối nay, vị đại-thần đó sẽ đến chùa, ta sẽ giảng pháp cho nghe, rồi chứng-đắc đạo-quả A-la-hán xong, liền nhập Niết-bàn."

Quan San-tạ-tị cùng đoàn tùy-tùng tắm xong, lên bờ bầy tiệc rượu, ca hát, đến chiều trở về dinh. Tiệc vui lại tiếp-tục, cô vũ-nữ trang-phục lộng-lẫy ra nhảy múa làm cho quang-cảnh thêm náo-nhiệt. Bỗng đâu, giữa tiếng nhạc réo-rắt, cô vũ-nũ ngã lăn ra bất-tỉnh, sùi bọt mép, rồi chết luôn. Đó là vì mấy ngày qua, cô cố nhịn ăn, để thân-hình được mảnh-khảnh cho đẹp, nên nay kiệt-sức mà chết. Quan San-tạ-tị rất đau buồn, sực nhớ buổi sáng gặp Đức Phật, muốn đến chùa để tìm nguồn an-ủi. Cả đoàn lên đường. Đến nơi, quan qùi xuống thưa với Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, xin Ngài giúp con qua khỏi cơn đau-khổ nầy, chỉ cho con làm cách nào để tâm con đuợc an-ổn." Đức Phật dạy: "Nầy quan đại-thần, nước mắt ông khóc người vũ-nữ trải qua bao kiếp Luân-hồi còn nhiều hơn nước biển ở các đại-dương. Nay ông muốn được an-tâm, hãy biết rằng, trong quá-khứ ông đã từng bấu-víu vào sự thèm-khát, hãy cởi bỏ nó đi. Trong tương-lai, đừng bao giờ để sự thèm-khát đến với ông nữa. Và ngay trong hiện-tại, cũng đừng bám chặt vào sự khao-khát nào, sự mê-đắm nào, tâm ông sẽ được an-nhiên và sớm chứng-đắc được cảnh-giới Niết-bàn."

Nghe giảng xong, Quan San-tạ-tị liền chứng đuợc quả A-la-hán, nhận thấy đời sống ở trần-thế của mình cũng sắp chấm-dứt mới xin phép Đức Phật được nhập Niết-bàn. Đức Phật im lặng nhận lời. Quan San-tạ-tị ngồi theo thế kiết-già dưới gốc cây, quán-tưởng về hoả-đại, nhập vào diệt-tận-định, rồi chứng-đắc cảnh-giới Niết-bàn. Bấy giờ, thân-thể bốc cháy, tro xương bay lên cao, rớt xuống trên tấm vải trắng do các Tỳ-kheo theo lịnh Đức Phật trải phiá dưới để hứng hài-cốt.

Sau đó, các tỳ-kheo mới thưa hỏi Đức Phật: ‘Bạch Thế-tôn, vị đại-thần nhập Niết-bàn trong trang-phục lộng-lẫy như thế, vậy Ngài là một sa-môn hay một bà-la-môn?" Đức Phật đáp: "Nầy chư Tăng, có thể gọi cả hai, sa-môn hay bà-la-môn cũng được."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Một người ăn-mặc tuy diêm-dúa,
Nhưng trầm-tĩnh, dục-vọng tiêu-trừ,
Trong phạm-hạnh, các căn rèn-dũa
Chẳng hại ai, đao-trượng khước-từ,
Đấy quả thật, là bực Phạm-chí,
Bực Sa-môn và bực Khất-sĩ.
(Kệ số 142.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đại-thần: quan lớn.

- San-tạ-tị: tên vị đại-thần nầy tiếng Pali là Santati.

- Ba-tư-nặc: tên vua xứ Câu-tát-la (Kosala), rất sùng đạo Phật, tiếng Pali là Pasenadi.

- Phiến-loạn: giặc-giả nổi lên trong xứ chống lại nhà cầm quyền.

- Đắc-thắng: thắng trận, dẹp yên được giặc.

- Vũ-nữ: Vũ =múa; Nữ = cô gái. Vũ-nữ là cô gái múa hát khéo-léo.

- Lạc-thú: Lạc = vui; Thú = thích-thú; Lạc-thú là trò vui ham-thích.

- Chào qua loa = chào cho có lệ, chẳng có ý tôn-trọng.

- Tuỳ-tùng: Tuỳ =đi theo, nghe lịnh; Tùng = theo hầu. Đoàn tuỳ-tùng là những người đi theo để hầu-hạ, sai khiến.

- Trang-phục lộmg-lẫy = áo quần thật đẹp-đẽ.

- Mảnh-khảnh = mảnh-mai, thon đẹp.

- Kiệt-sức: Kiệt = kiệt-quệ, mất hết cả sức-lực.

- Kiếp Luân-hồi = nhiều đời sống kế tiếp nhau chẳng dứt.

- Đại-dương = biển to. Nước Việt ta nằm ven bờ Thái-bình-dương.

- Quá-khứ: Quá =đã qua; Khứ = đi. Quá-khứ hay dĩ-vãng là thời-gian đã qua rồi.

- Tương-lai: Tương =gần đến; Lai = đến. Tương-lai hay vị-lai là thời-gian sẽ đến sau.

- Cảnh-giới Niết-bàn: Xin nhắc lại, đây là tâm-trạng người đã dứt hết các phiền-não, chẳng còn tái-sanh lại trong Luân-hồi, sống an-nhiên, tự-tại, trong cảnh tịch-diệt.

- A-la-hán: quả-vị cao nhứt trong hàng Thanh-văn ( = các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe kinh Tứ-Diệu-đế tu-tập), dứt hết phiền-não, chứng-đắc cảnh vô-sanh ( = chẳng tái-sanh nữa) của Niết-bàn. Tiếng Pali là Arahant.

- Kiết-già: thế ngồi Thiền, hai bàn chơn gát lên hai đùi, lưng thẳng.

- Quán-tưởng: ngồi suy-nghĩ sâu-xa về một đề-tài, trong tâm lặng-lẽ, chẳng bị vọng-tưởng trì-níu, cảnh-vật bên ngoài chẳng lôi-cuốn.

- Hoả-đại: Hoả = lửa; Đại = lớn; ở đây chữ Đại chỉ vào bốn nguyên-tố: đất, nước, gió và lưả.

- Diệt-tận-định: tâm-trạng người ngồi Thiền, vượt qua bốn cảnh Thiền, bốn cảnh định, đến cảnh diệt-tận-định, dứt được mọi cảm-xúc, mọi tri-giác. (Diệt-tận = tiêu mất hết.)

- Hài-cốt: Hài = thân-thể, hình-hài; Cốt = xương-cốt. Hài-cốt là xương-thịt còn sót lại sau khi chết.

- Sa-môn = tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Samana.

- Bà-la-môn = giai-cấp tu-sĩ ở Ấn-độ; tiếng Pali là Brahmana.

- Diêm-dúa = đẹp sặc-sỡ, loè-lẹt.

- Trầm-tĩnh: Trầm = trầm-lặng, chìm lặng; Tĩnh =yên-tĩnh.

- Dục-vọng = Dục = ham-muốn; Vọng = trông-mong. Dục-vọng là lòng ham-muốn, thèm-khát.

- Tiêu-trừ = dẹp hết, bỏ hết.

- Phạm-hạnh: Phạm = khuôn phép; Hạnh = hạnh-kiểm, hành-động. Phạm-hạnh là tánh-tình tốt đáng làm khuôn-mẫu cho kẻ khác.

- Các căn rèn-dũa: biết giữ-gìn các giác-quan, chẳng bị cảnh vật bên ngoài lôi-cuốn.

- Đao-trượng khước từ: chẳng dùng dao, gậy đánh chém ai.

- Phạm-chí: cùng một nghĩa với chữ Bà-la-môn.

- Khất-sĩ: Khất =đi xin ăn; Sĩ = người. Khất-sĩ là vị tỳ-kheo đi xin ăn để nuôi sống, chẳng có nghề riêng. Tiếng Pali là Bhikkhu, tỳ-kheo.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị đại-thần hưởng đầy-đủ thú-vui vật-chất, vì quá yêu người vũ-nữ trẻ đẹp phải chết bất-ngờ, nên đến gặp Đức Phật tìm nguồn an-ủi. Đức Phật dạy, muốn tâm được an-ổn, phải dẹp bỏ lòng thèm-khát bấu-víu vào các dục-lạc, trong dĩ-vãng, tương-lai và hiện-tại. Nghe giảng xong, chứng được quả A-la-hán, ông giữ nguyên y-phục trang-trọng của một vị đại-thần, ngồi kiết-già và nhập Niết-bàn.

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: (1) khi trong tâm đã thanh-tịnh, dứt bỏ mọi phiền-não, diệt được lòng khát-ái thì chứng được cảnh-giới Niết-bàn; (2) hình-dáng bên ngoài, y-phục diêm-dúa chẳng ngăn trở chi đến việc giữ tâm trầm-tĩnh, điều-phục các căn. Về điểm thứ hai nầy, bài Kệ sẽ giải-thích rõ thêm.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 142:

Ý-nghĩa bài Kệ: hình-dáng bên ngoài chẳng quan-trọng bằng tâm bên trong, về phương-diện giải-thoát. Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

- Một người ăn mặc tuy diêm-dúa: đây là hình-dáng bên ngoài.

- Nhưng trầm-tĩnh, dục-vọng tiêu-trừ: tâm bên trong hoàn-toàn thanh-tịnh, trầm-tĩnh, dứt được dục-vọng, phiền-não.

- Trong phạm-hạnh, các căn rèn-dũa: giới-hạnh thật trong-sạch, các căn ( =giác-quan) được điều-phục, chẳng bị cảnh ngoài lôi-cuốn nữa.

- Chẳng hại ai, đao-trượng khước-từ: có tâm Từ-bi, thương người, chẳng hề làm hại chúng-sanh.

- Đấy quả thật là bực Phạm-chí, bực Sa-môn, bực Khất-sĩ: xứng-đáng là bực đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát, nên chứng-đắc Niết-bàn

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: tu là tu Tâm, y-phục, hình dáng bên ngoài là điều thứ-yếu, chớ quan-tâm đến chi cho lắm.

(116).- Tích chuyện Trưởng-lão Phí-lộ-thi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Phí-lộ-thi.

Thuở ấy, Tôn-giả A-nan trong một buổi đi khất-thực, gặp một chàng thanh-niên áo-quần rách rưới, tay cầm cái chén đi ăn xin, trông rất thảm-thương. Tôn-giả động lòng thương-hại, mới nhận cho làm Sa-di trong chùa. Sa-di Phí-lộ-thi liền dấu quần-áo và cái chén trong bụi râm bên lề đường, theo thầy về chùa tu-hành. Một thời-gian sau, tuy được ăn-uống đầy-đủ, học-tập kinh-kệ, nhưng anh vẫn nhớ đến cuộc đời phóng-khoáng bên ngoài, mới trở lại bụi cây, nhìn đóng quần-áo cũ. Anh thầm nghĩ: "Sao mình lại muốn trở lại cuộc đời lang-thang, thật là hỗ-thẹn biết bao!" Rồi anh quay lại chùa. Lại một thời-gian nữa, anh muốn sống lại khoảng đời xưa, đến bên gốc cây, nhìn đống quần-áo và cái chén mẻ, anh lại tự-trách mình, sao chẳng tiếp-tục tu-hành theo con đường giải-thoát. Lại trở về chùa lần nữa. Đi đi lại lại mấy lần như thế, khiến cho các vị đồng-tu lấy làm lạ, mới hỏi đi đâu vậy. Anh đáp: "Tôi đến thăm người thầy cũ của tôi." (Ý anh muốn nói đến đống quần-áo cũ và cái chén mẻ.)

Bẵng đi một thời-gian lâu, chẳng thấy anh trở lại gốc cây nữa, các vị tỳ-kheo mới hỏi, sao bây giờ chẳng đến thăm thầy cũ như trước. Anh đáp: "Bây giờ mỗi khi tôi nhớ đến quần-áo cũ và cái chén mẻ, lòng tôi quán-chiếu đến cảnh vô-thường, vô-ngã, và khổ-đau của cuộc sống lang-thang, nên tôi chẳng còn thấy cần đến gặp chúng lại nữa. Tôi nay đã chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán rồi." Các Tỳ-kheo cho rằng Phí-lộ-thi chẳng nói đúng Sự-thật, mới cùng Phí-lộ-thi đi đến trình với Đức Phật. Đức Phật bảo: "Phí-lộ-thi đã nói đúng Sự-thật. Trước đây, Phí còn cần đến nhìn các vật cũ để quán-chiếu, nay đã biết tự mình phân-biệt được đường ngay với nẻo tà, thông-đạt được lẽ vô-thường, vô-ngã và đau-khổ của sự-vật, nên chứng được quả-vị A-la-hán. Vì thế, nên Phí chẳng còn giữ mối liên-hệ nào với "vị thầy cũ" của y nữa.

Rồi đó Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Thế-gian hiếm thấy được người
Giữ mình, biết thẹn, tránh lời rầy la,
Khéo như ngựa giỏi tránh roi da.
(Kệ số 143.)

Như ngựa hay, ngọn roi vừa chạm,
Hãy nhiệt-tâm, dũng-cảm, chuyên-cần.
Với niềm tin, giới-đức, hành-thiền,
Với trạch-pháp đi tìm Chơn-lý,
Minh-hạnh-túc, và trong chánh-niệm,
Hãy đoạn-trừ đau-khổ vô-biên.
(Kệ số 144.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Phí-lộ-thi: tên thật vị Trưởng-lão tiếng Pali là Pilotikatissa.

- A-nan: vị thị-giả ( =người theo hầu bên cạnh) của Phật, vốn là em họ của Phật, một vị đại-đệ-tử, nổi tiếng là đa-văn (nghe nhớ nhiều, hiểu rộng); trong các kinh Đại-thừa, mở đầu có câu: "Tôi nghe như vầy:", đó là lời Ngài A-nan thuật lại. Tên tiếng Pali là Ànanda.

- Sa-di: người mới được nhận vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ giới Tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmanera.

- Phóng-khoáng = rộng-rãi, tự-do, chẳng gì ngăn-cấm.

- Quán-chiếu: suy-nghĩ sâu-xa, lòng chẳng lo ra, chẳng bị cảnh-vật bên ngoài lôi-cuốn, trong khi ngồi Thiền.

- Vô-thường: Vô = chẳng; Thường = thường-hằng, còn hoài. Lẽ vô-thường là một chơn-lý quan-trọng trong Phật-học, theo đó mọi vật có hình-tướng đều bị biến-đổi rồi cùng với thời-gian mà bị tiêu-diệt. Đời sống con người cũng vô-thường.

- Vô-ngã: Vô = chẳng; Ngã = ta, tôi. Vô-ngã là một chơn-lý quan-trọng trong Phật-học, theo đó muôn sự-vật đều chẳng có cái ngã làm chủ, bổn-thể vốn rỗng-rang, gặp duyên thì thành, hết duyên thì tan-rả. Chính thân-tâm của ta đây cũng là vô-ngã.

- Đau-khổ: đây là chơn-lý thứ nhứt trong Tứ-Diệu-đế. Sanh ra là khổ, Già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ. Đời sống hiện tại nầy khổ nhiều mà sướng ít, vì thế phải tu-tập để theo con đường giải-thoát dứt khoát mọi khổ-đau.

- Quả-vị: Quả =kết-quả, thành-quả; Vị = ngôi-vị.

-Đạo-quả: Đạo = con đường; đường-lối tu-tập; Quả = kết-quả việc tu-hành thành-công. Tiếng Pali Magga =đạo; Phala =quả.

- A-la-hán: Xin nhắc lại, đây là đạo-quả cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Bực A-la-hán dứt hết các phiền-não, chứng được vô-sanh (chẳng còn bị tái-sanh trong cảnh Luân-hồi nữa), sống an-nhiên, tự-tại, trong cảnh tịch-diệt. Tiếng Pali là Arahant.

- Thông-đạt = hiểu thật rõ-ràng, thi-hành theo đúng.

- Nhiệt-tâm = Nhiệt =nóng; tâm = lòng. Nhiệt-tâm là tấm lòng nồng-nhiệt, chơn-thành, hăng-hái.

- Dũng-cảm: can-đảm, gan-dạ.

- Giới-đức = sự tuân-hành đúng-đắn các điều răn-cấm trong Đạo.

- Hành-thiền: Hành = làm; Thiền = đường-lối tu-hành khiến tâm được yên-tĩnh, hoặc ngồi, hoặc đi, trong các tư-thế, tâm lúc nào cũng an-nhiên, chẳng xao-động.

- Trạch pháp: Trạch = chọn lựa; Pháp = pháp-tu, pháp-môn. Trạch-pháp là sự lựa chọn lối tu phù-hợp với căn-cơ của mình.

- Minh-hạnh-túc: Minh = sáng, hiểu rõ; Hạnh = đức-hạnh; Túc = đầy-đủ. Trong Phật-học, chữ Minh-hạnh-túc là hiệu thứ tư trong mười hiệu của Đức Phật; Minh tam minh: (1) túc-mạng-minh, biết rõ đời sống mọi người trong quá-khứ, hiện-tại và tương-lai; (2)thiên-nhãn-minh, nhìn thấy xa các vật bị ngăn che;(3)lậu-tận-minh, dứt hết các lậu-hoặc ( =phiền-não) Hạnh chỉ về các thiện-nghiệp, các điều lành đã làm qua. Vậy, Minh-hạnh-túc có nghĩa là đầy-đủ trí-huệphước-báu ( = Phước-Trí vẹn toàn ).

- Chánh-niệm: Chánh =chơn-chánh, đứng-đắn; Niệm = ý-nghĩ trong tâm. Có chánh-niệm là đang làm gì, nói gì, nghĩ gì, thì trong lúc làm, nói, nghĩ, biết rõ mình đang làm, đang nói, đang nghĩ những gì. Nói cách khác, chánh-niệm theo dõi thật sát mọi biến-chuyển của tâm.

- Đoạn-trừ: Đoạn = cắt bỏ; trừ = dẹp trừ đi.

- Vô-biên: Vô = chẳng; Biên = bờ, mé. Vô-biên là vô-giới-hạn, minh-mông chẳng cùng-tận.

B.- Nghĩa Ý:

(1)Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị Sa-di, nhơn quán-chiếu các đồ-vật cũ khi chưa vào Đạo mà thông-đạt được lẽ vô-thường, vô-ngã và khổ-đau, nhờ đó mà chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Pháp-tu đó gọi là pháp-tu gì? Đó là pháp quán Tứ-niệm-xứ:(1) thân bất-tịnh, thân-thể bề ngoài xem đẹp-đẽ mà bên trong chứa nhiều chất dơ-bẩn; nhờ quán-thấy như thế mà chẳng tríu-mến vào thân; (2) thọ thị khổ, các cảm-thọ gây ra đau-khổ, dầu cho có sướng đôi chút, rồi sau đó cũng sanh đau-khổ; do đó mà chẳng chạy theo các thú-vui dục-lạc tạm-bợ; (3) tâm vô-thường, tâm luôn luôn xao-động, biến-chuyển mãi; do đó biết giữ-gìn tâm-ý cho thanh-tịnh; (4) pháp vô-ngã, chữ pháp ở đây chỉ vào muôn sự-vật; tất cả mọi sự-vật đều do duyên mà hợp-thành, hết duyên thì tan-rả, chẳng có ngã, chẳng có chủ; do đó chẳng bám-víu vào bất cứ sự-vật nào, dứt bỏ được thì giải-thoát. - Biết pháp Tứ-niệm-xứ là một lẽ, còn thực-hành theo đúng như thế, lại là một lẽ khác. Người tu-hành sở dĩ thành-công là do chuyên-cần quán-chiếu và ứng-dụng vào đời sống hằng ngày.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 143 và 144:

Bài Kệ số 143 rất rõ-ràng, dạy ta phải biết thẹn với lòng, chẳng cần đợi người rầy la, mỗi khi sắp làm điều quấy.

Bài Kệ số 144 là bài Kệ quan-trọng: chỉ cho ta con đường tu-hành để thành-công viên-mãn. Con đường ấy tóm tắt lại như sau: (1) trạch-pháp, trước phải biết chọn đúng con đường hợp với sức mình; (2) có niềm tin vững-chắc về pháp-tu đã chọn; (3) chuyên-cần tu-tập, nhứt là quán-chiếu, thiền-định để thanh-lọc thân-tâm cho thanh-tịnh; (4) phát-triển trí-huệ và tạo nhiều phước báu (minh-hạnh-túc ); (5) trong mọi thời, phải giữ đúng chánh-niệm, nghĩa là tâm phải giữ-gìn tâm, theo dõi mọi biến-chuyển trong tâm. - Để cho dễ nhớ, cần tập một điều thôi: giữ chánh-niệm sáng tỏ trong tâm; từ đó suy ra các điểm khác.

HỌC TẬP:

1.- Học kỹ bài Kệ số 144, ghi nhớ các điểm chánh về đường-lối tu.

2.- Xin đọc kỹ Phần Tìm Hiểu lại, có nhiều điểm giáo-lý quan-trọng

(117).- Tích chuyện vị Sa-di Sử-kha.

(Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (64) về Sa-di Phan-di-ta)

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Sa-di tên là Sử-kha.

Sử-kha vừa lên bảy tuổi đã được Tôn-giả Xá -lợi-phất nhận cho làm Sa-di. Vào ngày thứ tám sau khi nhập đạo, Sử-kha mang bát theo thầy đi khất-thực. Trên đường đi vào làng, thầy trò gặp một nhóm nông-phu đang đào mương dẫn nước vào ruộng. Đi một đỗi đường, họ thấy nhiều người đang ngồi vót thẳng khúc tre để làm tên bắn. Một chặp sau, họ đi ngang qua xưởng làm xe, thấy các thợ đang đẽo gỗ làm vòng xe. Sử-kha mới hỏi thầy: "Bạch Thầy, nước kia, tre đó với gỗ đây đều là vật vô-tình, bất-động, người ta có thể nào khiến cho chúng phải làm theo ý muốn của mình hay trở nên những món đồ theo ý mình muốn chăng?" Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp: "Được chớ!" Nghe thế, Sa-di Sử-kha ngẫm-nghĩ trong lòng, vật vô-tri còn có thể uốn-nắn theo ý mình được, thì tại sao ta chẳng thể bắt buộc và kềm-chế tâm mình để lắng lòng và giữ ý mà tu-tập thiền-định được hay sao? Nghĩ thế xong, Sa-di Sử-kha liền xin phép Thầy quay trở về tịnh-xá.

Về đến nơi, Sử-kha bước vào phòng riêng, khép cửa và bắt đầu thực-tập thiền-định trong khung-cảnh tịch-mịch, vắng-vẻ. Bấy giờ vua Trời Đế-Thích và chư Thiên hiện xuống canh giữ phiá ngoài tịnh-xá cho thật yên-tịnh. Với nỗ-lực hành-thiền vượt bực, ngay trong chiều hôm ấy, tám ngày làm Sa-di, Sử-kha đã chứng-đắc được quả-vị A-la-hán.

Tin Sa-di Sử-kha đắc quả-vị được các vị Tỳ-kheo đến trình cùng Đức Phật. Ngài bảo: "Nầy chư Tỳ-kheo, khi một người nỗ-lực thực-tập theo Chánh-pháp, thì chư Thiên đều đến ủng-hộ. Ta đây cũng cầm-giữ Xá-lợi-phất lại ở ngoài cửa, để khỏi làm phiền-rộn đến Sử-kha trong cơn thiền-định." Rồi Đức Phật mới nói lên bài kệ sau đây:

Người làm ruộng đào mương dẫn nước,
Kẻ làm tên chuốt vót nũi tên,
Bác thợ mộc uốn ngay tấm ván,
Bực đức-hạnh điều-phục tâm mình.
(Kệ số 145.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Sa-di: Xin nhắc lại: người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ giới tỳ-kheo; tiếng Pali là Sàmanera.

- Sử-kha: tên thật vị Sa-di nầy, tiếng Pali là Sukha.

- Nhập-đạo = vừa mới vào chùa đi tu.

- Vô-tình: Vô = chẳng; Tình = tình-cảm. Trong Phật-học, phân-biệt hai loại: (1) hữu-tình, các sanh-vật có tình-cảm, hiểu-biết; (2) vô-tình, các vật-thể bất-động, chẳng có tình-cảm lại vô-tri (chẳng có sự hiểu-biết).

- Bất-động: Bất = chẳng; Động = cử-động, động-đậy.

- Thiền-định: Thiền =lối tu-tập giúp tâm trở nên thanh-tịnh; Định = tâm-trạng của người mà lòng đã an-ổn, dừng ý-nghĩ lại, chẳng lo ra.

- Tịnh-xá: Tịnh = yên-tịnh; Xá = nhà. Tịnh-xá là căn nhà yên-tịnh để tu-hành, còn gọi là am, cốc, thất.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Cũng như Tích chuyện số (64) về Phan-di-ta, Sa-di Sử-kha được chư Thiên và cả Đức Phật hộ-trợ trong lúc hành-thiền, nên chứng được quả A-la-hán. Đây là trường-hợp hết sức đặc-biệt, một người còn nhỏ tuổi, vừa mới nhập đạo, mà chứng được quả-vị cao.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tâm có sự hiểu-biết dễ điều-khiển, uốn-nắn hơn là vật vô-tình, vô-tri như nước, như tre, như gỗ; chỉ cần nỗ-lực kềm-chế tâm chẳng cho nó chạy lang-thang nữa là có thể bước vào định. Vấn-đề khó cho người tập-luyện là phải giữ tâm định trong một thời-gian, muốn thế phải siêng-năng tu-tập hằng ngày mới có chút kinh-nghiệm.

(2)Ý-nghĩa của bài Kệ số 145:

Xin xem lại ý-nghĩa của bài Kệ số 80, trang 221. Cũng như Phan-di-ta, Sa-di Sử-kha bắt đầu quán-sát sự-vật bên ngoài: đào mương dẫn nước, chuốt vót tên cho thẳng, uốn ngay tấm ván, rồi quay vào bên trong quán-chiếu mọi biến-chuyển của Tâm, liền giữ Tâm an-tịnh mà đắc định.

HỌC TẬP:

- Đã thuộc bài Kệ số 80, thì bài Kệ số 145 cũng dễ nhớ: chỉ cần đổi hai chữ hiền-trí (câu 4) ra thành hai chữ đức-hạnh mà thôi.

Âm lịch

Ảnh đẹp