KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA )


Thiện Nhựt lược-dịch và tìm hiểu
08/09/2010 01:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 33814
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

XV.- Phẩm AN-LẠC

(157).- Tích chuyện cuộc giải-hoà giòng-họ Thích-ca.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến sự tranh-chấp giữa dòng-họ Thích-ca và bộ-tộc Cô-ly-gia, cùng sống ở hai bên bờ sông Lỗ-hi-ni.

Thuở ấy, thành Ca-tỳ-la-vệ của dòng họ Thích-ca nằm bên bờ sông Lỗ-hi-ni, còn bên kia bờ có thành Cô-ly-gia của bộ-tộc nầy. Cả hai bộ-tộc đều nhờ vào nước sông mà trồng-trọt sanh-sống. Vào một năm kia, trời hạn-hán, nước sông cạn dần, chẳng đủ cho dân hai bên bờ dùng. Dân bộ-lạc Cô-ly-gia dùng cuốc xẻng, đào sông, dẫn dòng nước chảy sang địa-phận mình, khiến đồng ruộng bên phiá bộ-lạc Thích-ca trở nên khô-khan, lúa mạ uá héo hết. Sự tranh-chấp giưã nông-phu hai bên bờ sông càng ngày càng gây cấn, khiến cho dân-chúng và vua quan ở hai thành chuẩn-bị chiến-tranh để đánh nhau, giành độc-quyền xử-dụng nguồn nước sông.

Sáng sớm hôm đó, Đức Phật trong cơn thiền-định, quán-thấy các người trong bộ-tộc Thích-ca đang sửa-soạn khí-giới để đánh nhau với bộ-tộc Cô-ly-gia, Ngài mới dùng sức thần-thông bay đến giữa dòng sông, rồi ngồi lơ-lửng trên không. Bấy giờ, ở bờ sông bên nầy, các thân-nhơn của Đức Phật nhìn thấy Ngài đang ngồi nhập-định trên cao, liền buông hết khí-giới, chấp tay đảnh-lễ. Ở bờ bên kia, dân-chúng bộ-tộc Cô-ly-gia cũng vứt bỏ dao, gậy xuống và qùi lạy Đức Phật. Ngài bảo: "Nầy dân chúng bộ-tộc Thích-ca và Cô-ly-gia, các người đánh nhau đổ máu, để giành vài giọt nước sông, mà quên mất tánh-mạng mình còn quí-báu hơn nhiều. Nếu các người chẳng chịu hoà-giải với nhau, máu đôi bên sẽ chảy còn nhiều hơn nước sông kia!"

Rồi Đức Phật mới nới lên ba bài Kệ sau đây:

Hạnh-phước thay, ta sống không thù-hận
Giữa những người còn đang mãi hận-thù!
Hạnh-phước thay, ta chẳng hề oán-giận
Giữa những người hiềm-hận chẳng hề nguôi!
(Kệ số 197.)

Hạnh-phước thay, ta đang sống mạnh-khoẻ
Giữa những người còn ươn-yếu, ốm đau!
Hạnh-phước thay, sức khoẻ ta dồi-dào
Giữa nhưng người bịnh-tật làm kiệt-quệ!
(Kệ số 198.)

Hạnh-phước thay, ta sống chẳng khao-khát,
Giữa những người tham-dục còn rộn-ràng!
Hạnh-phước thay, ta chẳng màng tham-dục,
Giữa những người lòng dục đang gia-tăng!
(Kệ số 199.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thích-ca: tên bộ-tộc nầy, tiếng Pali là Sakya.

- Cô-ly-gia: tên bộ-tộc nầy, tiếng Pali là Koliya.

- Ca-tỳ-la-vệ: tên thành nơi Thái-tử Tất-đạt-ta ở khi chưa đi tu thành Phật, tiếng Pali là Kapilavatthu.

- Lỗ-hi-ni: tên con sông nầy, tiếng Pali là Rohini

- Bộ-tộc: Bộ =bộ-lạc, nhớm gia-đình cùng một họ sống chung nhau vào đời thật xa-xưa; Tộc = họ. Bộ-tộc = bộ-lạc.

- Hạn-hán: nắng nhiều, chẳng có mưa nên khô-khan, thiếu nước.

- Độc-quyền: Độc = riêng một mình. Độc-quyền là quyền chỉ riêng mình có, người khác chẳng chia-xẻ được, chẳng cho ai chia-xẻ.

- Thiền-định = ngồi thiền, nhập-định; giữ tâm yên-vắng.

- Thần-thông = pháp-lực cao-cường, khác thường, như bay trên không, đi trên nước. Có được thần-thông nhờ ở định-lực cao.

- Đảnh-lễ: qùi lạy, làm lễ chào ra mắt.

- Hoà-giải = vui-vẻ cùng nhau, bỏ qua điều tranh-chấp, quên đi sự thù-hận, làm lành với nhau.

- Hiềm-hận: Hiềm = nghi, chẳng vừa ý; Hận = giận ngầm và dai.

- Kiệt-quệ = tàn-tạ, khô-héo

- Tham-dục = tham-lam và ham-muốn

- An-lạc: An = yên-ổn; Lạc = vui-vẻ. An-lạc = hạnh-phước.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại cuộc hoà-giải của Đức Phật khiến cho hai bộ-tộc Thích-ca và Cô-ly-gia tránh được sự đổ máu vì tranh-chiến.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: hận-thù gây ra chiến-tranh khiến cả hai bên đều khổ-sở. Sớm biết hoà-giải cùng nhau sẽ mang lại hạnh-phước chung cho nhau.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 197:

Bài Kệ số 197 nói lên hạnh-phước của người sống chẳng hận-thù. Tại sao lại có được hạnh-phước? Vì trong lòng thanh-thản, nhẹ-nhàng, chẳng mang niềm oán-ghét ai và cũng chẳng sợ ai oán-ghét mình. Người mang lòng thù-hận ai, trong lòng lúc nào cũng tìm cách hại kẻ thù, cho nên chẳng an-tâm, vì thế mà thiếu niềm an-lạc.

(3) Ý-nghĩa bài Kệ số 198:

Bài Kệ số 198 nói lên sự sung-sướng của người đầy-đủ sức khoẻ. Hạnh-phước của người khoẻ-mạnh nổi bật lên giữa những bị bịnh-tật, đau-yếu. Cho dầu có nhiều tiền-của, quyền-thế, mà thiếu sức-khoẻ, thì cũng chẳng hưởng được; nay đau mai ốm, tinh-thần vì thế mà suy-nhược, chán đời.

(4) Ý-nghĩa của bài Kệ số 199:

Bài Kệ số 199 nói lên hạnh-phước của người biết dứt-bỏ mọi ham muốn. Đây là hạnh-phước mà người thường ít thấy, ít hiểu để mà biết hưởng. Giản-dị mà nói, thí-dụ như muốn đi nghe một buổi trình-diễn ca-nhạc của ban nhạc danh-tiếng, phải xếp hàng cả buổi chờ mua được vé; người chẳng còn ham-thích theo thú-vui của ... lỗ tai, biết điều-phục nhĩ- căn, đâu phải bắt thân chịu khổ đứng chờ lâu.

Người nào đã hoàn-toàn ly-dục, dứt bỏ mọi tham-muốn, là bực đang chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.

HỌC TẬP:

- Học thuộc ba bài Kệ, ghi nhớ: hạnh-phước bắt nguồn từ trong tâm ta; hễ tâm biết lià bỏ khát-vọng là thân-tâm đang được an-lạc.

(158).- Tích chuyện Ma-vương khuấy Phật.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ gần làng Ngũ-sảnh, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến việc Ma-vương đến khuấy phá Đức Phật.

Thuở ấy, vào một buổi sáng sớm, Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên giúp cho một số đông phụ-nữ ở làng Ngã-sảnh chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn, Ngài liền lên đường đi khất-thực nơi làng ấy. Đến đầu làng, Ngài gặp một đám đông phụ-nữ cùng nhau ra bờ sông tắm gội, xong họ vội-vã trang-sức diễm-lệ để đi dự hội, mà chẳng lo việc cúng-dường bố-thí cho chư Tăng, vì tâm của họ đang bị Ma-vương ám-ảnh, cám-dỗ mau mau đi đến chỗ vui-đùa.

Trên đường trở về tịnh-xá, Đức Phật gặp Ma-vương, y mỉa-mai hỏi Phật, khất-thực có đầy-đủ thức ăn chăng? Đức Phật quán-thấy, biết Ma-vương khuấy rối Ngài, đáp: "Nầy Ma-vương, chính bàn tay tội-lỗi của ông đã lôi kéo các vị phụ-nữ trong làng xao-lãng công-đức cúng-dường chư Tăng đó." Ma-vương chẳng cải-chánh, lại muốn tìm cách khuấy thêm, liền bảo Phật: "Sao Ngài chẳng trở lại làng, xem lần nầy có được ai cúng-dường chăng?"

Vừa lúc ấy, các bà đi dự hội ra về, trông thấy Đức Phật, họ liền qùi xuống đảnh-lễ. Ma-vương cười bảo: "Hôm nay, Đức Phật chẳng được gì để ăn, nên đang đói bụng lắm đấy!" Đức Phật: "Nầy Ma-vương, mặc dầu chư Tăng chẳng được cúng-dường sáng nay, nhưng chúng ta sống chẳng phải chỉ nhờ vào thực-phẩm mà thôi. Cũng như chư Thiên trên cõi Trời Quang-âm, chúng ta sống nhờ vào phỉ lạc trong Chánh-pháp."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà một số đông các vị phụ-nữ của làng Ngũ-sảnh chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Hạnh-phước thay, ta sống không chướng-ngại;
Những gì của ta, chẳng hề giữ lại.
Bằng niềm phỉ-lạc, ta dưỡng-nuôi ta,
Như chư Thiên Quang-Âm thường tự-tại.
(Kệ số 200.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ma-vương = Vua Ma, còn gọi là Ma Ba-tuần, tượng-trưng cho sự cám-dỗ, sự xúi-dục làm điều quấy.

- Ngũ-sảnh: dịch tiếnf Pali: Pancasàlà, Panca =Ngũ, năm; Sàla = đại-sảnh, phòng lớn. Tên làng là "Làng có năm đại-sảnh".

- Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt, còn gọi là Nhập-Lưu, tiếng Pali là Sotàpatti.- - Diễm-lệ = đẹp-đẽ.

- Cúng-dường: đọc trại chữ Hán-Việt cung-dưỡng, cung-cấp để nuôi-dưỡng. Tiếng nhà chùa nghĩa là dưng cúng thực-phẩm, tiền-bạc.

- Chư Thiên cõi Trời Quang-Âm = Trời Quang-âm là cõi cao nhứt trong đệ-nhị Thiền của Sắc-giới. Chư Thiên cõi nầy chẳng dùng lời nói mà dùng ánh-sáng ( =quang) để thay-thế tiếng ( =âm) khi giao-thiệp.

- Phỉ = niềm vui sướng trong-sáng; tiếng Pali là piti.

- Lạc = sự sung-sướng; tiếng Pali là sukha.

- Chướng-ngại: sự ngăn-trở. Ở đây, chữ chướng-ngại dịch chữ Kincanam, trỏ vào các phiền-não tham, sân, si làm chướng-ngại trên đường tu-tập của hành-giả.

- Tự-tại = tự-do. Ngoài đời, nói tự-do; trong đạo, nói tự-tại.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại Ma-vương khuấy phá việc khất-thực, bằng cách cám-dỗ các phụ-nữ ham vui, lãng quên công-đức cúng-dường. Tuy bị đói bụng, nhưng Đức Phật nói Ngài và chư Tăng sống nhờ phỉ-lạc, chớ chẳng phải chỉ nhờ vào thực-phậm không thôi. Ma-vương khuấy chẳng thành-công, vì sau khi dự hội trở về, dọc đường gặp Phật, các người đàn-bà liền đảnh-lễ, nghe Phật giảng-pháp và chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn.

(2) Ý-nghĩa của Bài Kệ số 200:

Bài Kệ nêu lên sự cao-quí của hạnh dứt-bỏ: bỏ tất cả chướng-ngại trong tâm là tham, sân, si; bên ngoài, bỏ tất cảngã-sở ( =những gì của ta đang có), để sống trong niềm vui phỉ-lạc của Chánh-pháp.

HỌC TẬP:

- Học bài Kệ: ghi nhớ: An bần lạc đạo = thà nghèo mà an vui với Đạo.

(159).- Tích chuyện vua xứ Câu-tát-la thất trận.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến việc thất-trận của vua xứ Câu-tát-la.

Thuở ấy, vua xứ Câu-tát-la có người em gái gả cho vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà, phong làm Hoàng-hậu Vi-đề-hy. Bà Vi-đề-hy sanh ra người con là A-xà-thế, khi lớn lên lại chống-đối với cậu mình là vua xứ Câu-tát-la. Đã ba lần chiến-đấu với A-xà-thế, vua xứ Câu-tát-la đều thất-trận. Nhà Vua rất thất-vọng, đau buồn, than-thở rằng: "Thật là nhục-nhã biết bao cho ta, đánh chẳng lại một đứa con-nít, miệng còn hôi-sữa! Nhục quá! Ta còn sống làm gì nữa!" Quá chán-chường, Nhà Vua bỏ cả ăn-uống, cứ nằm dài mãi trên giường.

Tin vua xứ Câu-tát-la bị buồn-nản vì thất-trận đến tai Đức Phật. Ngài nói với các tỳ-kheo: "Nầy chư Tăng, kẻ chiến-thắng gây thêm thù-hận; còn người thất-trận phải chịu khổ-đau, áo-não!"

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Chiến-thắng gây thù-hận,
Thất-bại chịu khổ-đau.
Vui thay, sống an-hoà,
Thắng bại bỏ lại sau.
(Kệ số 201.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Xứ Câu-tát-la: tên xứ nầy, giáp với nước Xá-vệ và Ma-kiệt-đà, tiếng Pali là Kosala.

- Thất-trận: đánh giặc bị thua.

- Vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà: tên vua nước nầy, tiếng Pali là Bimbisara, nước Magadha, giáp với nước Câu-tát-la.

- Vi-đề-hy: tên của Hoàng-hậu, tiếng Pali là Vedehì.

- A-xà-thế: phiên-âm tên vị nầy, tiếng Pali là Ajàtasattu.

- Chiến-đấu = chống-cự lại, tranh-đấu.

- Áo-não = phiền-não, khổ-sở, đau-đớn về tinh-thần.

- An-hoà: An = yên; Hoà = hợp, chẳng chống-đối. Sống an-hoà là sống hiền-lành, chẳng gây-gổ với ai, chẳng chống-đối ai.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, kể lại sự chán-chường vì thất-trận của vua xứ Câu-tát-la. Đức Phật bảo: "Thắng ai là gây thêm thù-hận; thua ai thì thêm đau-khổ; kẻ sống an-hoà, chẳng gây-gổ với ai, mới là sung-sướng."

Thông-thường, khi thất-bại, người đời thường khuyên nhau, hãy giữ vững tinh-thần, chuẩn-bị để tranh-đấu cho đến thành-công. Đây là lời khuyên đứng-đắn, nhưng chẳng đúng với tinh-thần bất-tác-hại của đạo Phật. Tại sao? Vì trả thù, sẽ gây thên thù-oán. Thành-công, sau khi thất-trận, là tìm thấy những khuyết-điểm của mình mà sửa đổi lại, chớ chẳng phải tìm nhược-điểm của đối-phương để tấn-công vào. Càng chống-đối nhau, càng gây thêm đau-khổ cho đôi bên.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 201:

Bài Kệ số 201 nêu ra ba thái-độ: thắng, thua hiếu-hoà ( = mến sự an-hoà).

Chiến-thắng gây thù-hận: tại sao? Vì người thua sẽ tìm cách trả thù, như thế, chiến-thắng còn chưa trọn-vẹn.

Thất-bại chịu khổ-đau: tại sao? Dĩ nhiên, vì thua kém, vì bị chèn-ép. Cả hai thái-độ: thắng thua, đều do sự chống-đối nhau mà sanh ra sự bất-lợi, bất lợi ngay cho người thắng, chớ chẳng riêng cho người thua.

Thái-độ thứ ba: sống an-hoà, chẳng những thoát ra khỏi các bất-lợi của hai thái-độ trước, nó còn chứng-tỏ sự thông-minh của người hiếu-hoà, biết tránh trước những hậu-quả khó-khăn của sự tranh-đấu, nó còn đem lại hoà-bình, an-vui trong gia-đình, ngoài xã-hội.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ: sống an-hoà chẳng phải là chẳng tranh-đấu; người hiếu-hoà vẫn tranh-đấu chống lại hận-thù nơi tâm mình.

(160).- Tích chuyện đôi vợ chồng sắp cưới.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc đôi thanh-niên nam-nữ sắp làm lễ thành-hôn, chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

Thuở ấy, có một gia-đình kia sắp gả con gái, mới làm lễ cúng-dường thực-phẩm lên Đức Phật và tám mươi vị tỳ-kheo. Chàng rể tương-lai cũng được mời đến phụ-giúp việc chuẩn-bị. Trong khi bưng dọn thức ăn, chú rể có dịp đến gần bên cô dâu, nên trong lòng tỏ ra rộn-rã, thiếu sự chú-tâm để phục-vụ chu-đáo đến chư Tăng. Đức Phật nom thấy, biết chàng ta đang say-đắm nghĩ đến người yêu, chẳng để hết lòng thành vào việc dưng-cúng, nên Ngài mới nói cùng chàng: "Nầy thiện-nam, chẳng có ngọn lửa nào nóng bằng lửa tham-dục ở nội-tâm, chẳng có cơn gió nào thổi mạnh bằng gió sân-hận nổi lên trong lòng, chẳng có gánh nặng nào đè lên vai bằng thân-tâm năm uẩn nầy, và cũng chẳng có hạnh-phước nào to lớn và bền-vững bằng cảnh an-lạc hoàn-toàn của Niết-bàn tịch-diệt." Chàng rể lắng nghe, tỉnh-ngộ, dẹp qua một bên mối dục-tình vừa nhen-nhúm trong lòng và chú-tâm đến việc cúng-dường.

Sau buổi lễ trai-tăng, Đức Phật giảng-pháp, cả hai cô dâu và chú rể đều theo dõi lời Phật dạy. Rồi Đức Phật mới nói lên bài bài kệ sau đây, nhờ đó, đôi vợ chồng sắp cưới chứng đuợc quả-vị Tu-đà-huờn:

Lửa nào sánh lửa tham,
Ác nào bằng ác sân,
Khổ nào so khổ năm ấm,
An-lạc nào hơn tối-thượng Niết-bàn.
(Kệ số 202.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Quả-vị Tu-đà-huờn: Xin nhắc lại: đây là quả-vị thứ nhứt, còn gọi là Nhập-Lưu, hay Thất-Lai, tiếng Pali là Sotàpatti, được bước chơn vào dòng nước Thánh, đi đúng đường rồi, tu tiếp sẽ thành bực Thánh.

- Lễ thành-hôn = làm đám cưới, cưới vợ, gả chồng.

- Tỳ-kheo: tu-sĩ Phật-giáo, phiên-âm tiếng Pali: Bhikkhu, hay bí-sô, dịch là khất-sĩ ( = tu-sĩ đi xin ăn). Phái nữ là tỳ-kheo-ni = Bhikkhuni.

- Phục-vụ = phụ-giúp, hầu-hạ ở bên cạnh.

- Thiện-nam: Thiện = lành; Nam = đàn-ông.Phật-học gọi các trai lành là thiện-nam, các gái hiền là tín-nữ, tất cả ngưòi tin vào đạo Phật

- Tham-dục = ham-muốn; ở đây chỉ vào mối dục-tình trong lòng chú rể khi thấy cô dâu.

- Nội-tâm: Nội = bên trong;Tâm = lòng. Nội-tâm: trong lòng mình.

- Sân-hận = giận-hờn, oán-giận.

- Thân-tâm năm uẩn = Thân Tâm có năm phần, gọi là năm uẩn, hay năm ấm: (1) sắc-uẩn, thân vật-chất; (2) thọ-uẩn, các tình-cảm; (3) tưởng-uẩn, các tư-tưởng; (4) hành-uẩn, các hành-động; (5) thức-uẩn, các hiểu-biết. Vì tập-hợp lại mà có, nên thân-tâm chẳng bền, có ngày sẽ tan-rả đi, khiến cho đời sống phải chịu khổ nhiều, hưởng sướng ít.

- Niết-bàn: tiếng Phạn là Nirvana, ra khỏi rừng u-tối. Rừng nào?- Rừng phiền-não tham, sân, si. Niết-bàn là tâm-trạng người đã dứt bỏ hết phiền-não, hết bị tái-sanh trong Luân-hồi nữa, tự-tại trong an-lạc.

- Tối-thượng: Tối = hơn hết; Thượng = cao; Tối-thượng = cao nhứt.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một chàng trai đi làm rể, quá mê cô dâu nên chẳng để hết lòng thành vào việc cúng-dường Phật và chư Tăng. Được Phật nhắc-nhở, chàng tỉnh-ngộ, và sau đó nghe lời Phật giảng dạy, chú rể, và cả cô dâu, đều chứng được quả-vi Tu-đà-huờn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 202:

Ba câu đầu nêu sự Khổ, câu chót chỉ cảnh An-lạc vô-biên:

1.- Lửa nào sánh lửa tham: Ví lòng tham như ngọn lửa, nung-nấu, thúc-dục người tham phải dành lấy cho được đìều mình muốn.

2.- Ác nào bằng ác sân: Ví sự tức-giận với sự độc-ác, vì muốn diệt-bỏ cho tiêu mất điều mình ghét.

3.- Khổ nào so khổ năm ấm = khổ nào bằng mang lấy thân nầy.

4.- An-lạc nào hơn tối-thượng Niết-bàn = chẳng có gì an-lạc hơn, sung-sướng hơn là cõi Niết-bàn tối-thượng.

(161).- Tích chuyện người chăn mất con bò.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề cập đến một người chăn bò nghèo khổ ở làng Anh-huy.

Thuở ấy, ở làng Anh-huy, có một người chăn bò nghèo khổ. Một hôm, Đức Phật du-hành đến làng nầy, lại nhằm lúc anh chăn bò đang lạc mất một con bò. Suốt buổi sáng, anh chạy đi lùng khắp nơi từ lùm cây bụi cỏ của khu rừng thưa mà chẳng tìm thấy. Mãi đến gần trưa, anh mới thấy bò đang gậm cỏ bên bờ suối. Mừng quá, anh đuổi bò quay lại nhập đàn, rồi ghé vào nơi Đức Phật cùng chư Tăng đang thọ-trai, tại nhà một tín-chủ. Bấy giờ, sau buổi ngọ-trai, chư tỳ-kheo và dân-chúng đang ngồi im, chờ được nghe Đức Phật giảng pháp. Nhưng Ngài lại bảo gia-chủ dọn cơm cho người chăn bò ăn. Sau khi người chăn bò ăn xong, Đức Phật mới bắt đầu thuyết-pháp. Lần-lượt Ngài nói đến bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu dẫn đến con đường thánh của Bát-Chánh-Đạo. Người chăn bò lẳng-lặng, chăm chú nghe xong, chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn.

Trên đường quay về tịnh-xá, có vị tỳ-kheo thắc-mắc, tại sao Đức Phật chẳng thuyết-giảng ngay sau buổi ngọ-trai, mà lại bảo dọn cơm cho kẻ chăn bò ăn xong, rồi mới giảng. Ngài bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, chẳng có bịnh nào bằng bịnh đói, chẳng có khổ nào bằng khổ năm uẩn. Nếu bụng đang đói cào mà nghe Chánh-pháp, thì làm sao mà thâu-thập được hết lẽ nhiệm-mầu?"

Rồi đó, Đức Phật liền nói lên bài Kệ sau đây:

Đói là bịnh tối-trọng,
Thân năm uẩn là khổ tối-đa.
Điều nầy như-thật hiểu qua,
Là chứng an-lạc Niết-bàn tối-thượng,
(Kệ số 203.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Anh-huy: tên làng nầy, tiếng Pali là Àlavi

- Du-hành = đi dạo đến, đi thăm-viếng.

- Thọ-trai = đang ăn cơm chay vào buổi trưa. Ngọ = 12 giờ trưa

- Tín-chủ: Tín = tin-tưởng; nói về người tin vào đạo Phật, thường dưng-cúng thực-phẩm, vật-dụng hay tiền-bạc cho chùa.

- Gia-chủ = chủ nhà. (Gia = nhà)

- Bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu = Tứ-Diệu-Đế, gồm có (1)Khổ-đế, về sự Khổ; (2)Tập-đế, nguyên-nhơn của Khổ; (3) Diệt-đế, dứt hết Khổ, tức là chứng cõi an-lạc Niết-bàn; (4) Đạo-đế, con đường Bát-chánh-đạo dẫn đến sự diệt hết khổ-đau.

- Bát-Chánh-Đạo = con đường thánh-đạo, đưa đến cõi Niết-bàn an-lạc, gồm 8 ngành: (1)Chánh-kiến; (2) Chánh tư-duy; (3)Chánh-ngữ; (4) Chánh-mạng; (5) Chánh-nghiệp; (6) Chánh tinh-tấn; (7) Chánh-niệm; (8) Chánh-định.

- Tối-trọng = quan-trọng nhứt.

- Tối-đa = nhiều nhứt.

- Như-thật: đúng như Sự-Thật; hiểu thật đúng theo Chơn-lý.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc người chăn bò bụng đói đến nghe giảng kinh, được Đức Phật bảo dọn cơm ăn no xong mới nghe Pháp. Nhờ no dạ, tỉnh-táo, nên người ấy hiểu được lời Phật giảng mà chứng quả.

Ý- nghĩa của Tích chuyện là khi nghe giảng hay đọc kinh, chẳng nên để đói quá, vì như thế, sẽ thiếu mất sự chú-tâm.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 203:

Những chữ khó đã được tìm hiểu ở phần Nghĩa Chữ.

Riêng hai câu chót, mới đọc qua thấy lủng-củng, xin viết lại cho suông: Nếu đã hiểu đúng như Sự-thật: "Đói là bịnh nặng; mang thân năm uẩn nầy là khổ nhiều", thì mới có cơ chứng được cảnh an-lạc của Niết-bàn.

Ý-nghĩa bài Kệ nầy cũng giống ý-nghĩa bài Kệ trước, số 202.

(162).- Tích chuyện vua Ba-tư-nặc bớt ăn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một giảng-pháp, có đề-cập đến vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la.

Một hôm, vua Ba-tư-nặc, sau khi ăn sáng thật no-nê, đến chùa Kỳ-viên yết-kiến Đức Phật. Vì còn đang nặng bụng, nên khi Đức Phật giảng-pháp, nhà vua cảm thấy buồn ngủ, gục lên gục xuống nhiều lần. Sau thời pháp, Đức Phật hỏi nhà Vua có phải vì quá no nên buồn ngủ chăng. Vua Ba-tư-nặc đáp phải. Đức Phật khuyên nhà vua nên bớt ăn từ từ, mỗi bữa bớt đi chừng nửa chén, lần lần giảm xuống đến một phần ba số lượng thực-phẩm dùng hàng ngày. Nhà Vua tuân theo lời Phật dạy. Ba tháng sau, thân-thể nhà Vua thon lại, trở nên gọn-gàng, bụng chẳng còn phệ xuống, đi đứng khoan-thai, nhẹ-nhàng, tinh-thần cảm thấy sảng-khoái vì sức khoẻ dồi-dào. Nhà Vua bạch Phật sự tiến-bộ về thể-xác đó. Đức Phật bảo: "Nầy Đại-vương, sức-khoẻ là món quà tốt-đẹp nhứt; sự biết-đủ là tài-sản quí-báu nhứt; một người bạn thân trung-thành là họ-hàng gần-gũi nhứt và Niết-bàn là hạnh-phước an-lạc nhứt."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Sức-khoẻ là tặng-phẩm tối-hảo,
Biết đủ là tài-sản tối-bảo,
Bạn thành-tín là họ-hàng tối-thân,
An-lạc là Niết-bàn tối-thượng.
(Kệ số 204.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vua Ba-tư-nặc xứ Câu-tát-la: vị vua nầy rất tôn-sùng đạo Phật, tên tiếng Pali là Pasenadi, nước Kosala.

- Sảng-khoái: Sảng = trong-sáng; Khoái = vui-vẻ, lanh-lợi.

- Sự biết-đủ: dịch từ chữ Hán-Việt là Tri-túc, biết vừa đủ, chẳng quá độ, chẳng lạm dùng.

- Niết-bàn: xin nhắc lại: tiếng Phạn là Nirvana, ra khỏi rừng phiền-não u-tối. Đây là tâm-trạng của người đã dứt sạch phiền-não, hết bị tái-sanh, tự-tại trong cảnh an-lạc tịch-diệt.

- Tối-hảo: Tối = vào bực nhứt; Hảo = tốt. Tốt vào bực nhứt.

- Tối-bảo: Bảo = quí. Quí vào bực nhứt.

- Tối-thân = thân-thiết vào bực nhứt.

- Tối-thượng = cao vào bực nhứt.

- Thành-tín: Thành = thành-thật; Tín = tin.Thành-tín = đáng tin-cậy.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại vua Ba-tư-nặc vì ăn sáng quá nhiều, đến nghe Đức Phật giảng-pháp, chẳng thể chú-ý được vì buồn ngủ. Được Đức Phật khuyên, nên bớt ăn lại, để giữ-gìn sức khoẻ tốt, nhà Vua tuân theo lời, nhờ đó mà sức-khoẻ trở nên dồi-dào.

Ý-nghĩa của Tích chuyện khuyên ta chớ nên ăn nhiều quá; đồng thời nêu ra bốn thứ quí-báu: (1) sức khoẻ, (2) sự biết-đủ; (3) có bạn thân trung-thành với mình và (4) cõi Niết-bàn an-lạc.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 204:

Thử phân-tách từng câu:

1) Sức-khoẻ là tặng-phẩm tối-hảo: Tại sao gọi sức-khoẻ là một tặng-phẩm? Vì sức-khoẻ do sự ăn-uống điều-độ mang đến cho ta. Tại sao lại tối-hảo? sức khoẻ mang đến hạnh-phước cho người.

2) Biết-đủ là tài-sản tối-bảo: Người biết-đủ là người cần-kiệm, chẳng phung-phí, chẳng lạm-dụng, nên giỏi việc giữ-gìn tài-sản; dó đó đức-tánh biết-đủ được xem như một tài-sản tinh-thần.

3) Bạn thành-tín là họ-hàng tối-thân: Một người bạn trung-thành giúp-đỡ, bảo-vệ mình còn hơn cả bà-con thân-tộc nữa.

4) An-lạc là Niết-bàn tối-thượng: giản-dị mà nói, được an-lạc ( =yên-vui), đó là hạnh-phước ở trần-gian rồi; có lẽ cảnh Niết-bàn cũng an-vui như thế, có hơn chăng là ở chỗ bền-lâu và vững-chắc của cõi Niết-bàn mà thôi.

Ý-nghĩa của bài Kệ đề-cao sự chứng-đắc Niết-bàn, hơn cả ba điều trước: (1) sức-khoẻ, (2) biết-đủ và (3) bạn trung-thành.

(163).- Tích chuyện Trưởng-lão Thi-sa ngồi Thiền.

(Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện Trưởng-lão Ất-tha-đạt)

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại thành Tỳ-da-ly, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Thi-sa.

Thuở ấy, khi nghe Đức Phật tuyên-bố, trong bốn tháng nữa, Ngài sẽ nhập Niết-Bàn, các vị tỳ-kheo chưa chứng-đắc đạo-quả rất lo-ngại. Họ chẳng biết phải làm gì, cả ngày chỉ quanh-quẩn bên cạnh Đức Phật. Trái lại, Trưởng-lão Thi-sa quyết-tâm chứng đắc quả-vị A-la-hán, ngay lúc Phật còn tại-thế, nên Trưởng-lão liền rút vào nơi rừng sâu, xa vắng bóng người, để hành Thiền. Các vị tỳ-kheo khác chẳng hiểu được ý-định của Trưởng-lão Thi-sa, cho rằng thái-độ của Trưởng-lão chẳng chút nào tỏ ra mến-tiếc Đức Phật cả, mới thưa trình cùng Đức Phật. Khi nghe Trưởng-lão Thi-sa trình-bày lý-do cố-gắng tu-tập để chứng quả A-la-hán trước ngày Đức Phật nhập Niết-bàn, Đức Phật bảo chư Tăng: "Nầy chư Tỳ-kheo, những ai kính-trọng và quí-mến Như-Lai, nên bắt chước mà làm theo như Thi-sa. Quí-vị đừng tưởng rằng đem hương hoa đến cho ta là tỏ lòng ngưỡng-mộ ta. Thực-hành đúng theo Chánh-pháp, đến nơi xa vắng nỗ lực Thiền-định theo lời dạy của ta, đó mới thật là biết cách trả ơn ta."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người nếm hương-vị đời ẩn-dật,
Hưởng an-lạc tịch-tĩnh Niết-bàn.
Nhiễm-ô và sợ-hãi đều thoát,
Vị pháp-hỷ, người ấy thấm-nhuần.
(Kệ số 205.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tỳ-da-ly: tên thành nầy, tiếng Pali là Vesàli.

- Nhập Niết-Bàn = theo nghĩa thông-thường, Nhập Niết-bàn là chết đi; nhưng theo nghĩa trong Phật-học, là lià bỏ thân-xác nầy, đi vào cõi tịch-diệt, vắng-lặng, tự-tại mãi trong cảnh an-lạc.

- Thi-sa: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Tissa.

- Còn tại-thế: Thế = thế-gian. Theo nghĩa thường là còn sống ở đời.

- Quả-vị A-la-hán: Quả-vị = kết-quả khi tu thành; A-la-hán (Arahant) = quả-vị cao nhứt trong hàng đệ-tử sống gần Phật, dứt hết phiền-não, chẳng bị tái-sanh trong vòng Luân-hồi, sống trong an-lạc.

- Như-Lai: Như = như thế; Lai = đến. Chữ Như-Lai, tiếng Pali là Tathàgatha, có nghĩa là bực đã đến đây như thế đó. Thường Đức Phật tự xưng là Như-Lai, trong khi các đệ-tử gọi Ngài là Thế-tôn.

- Ẩn-dật = sống nơi xa vắng, ít người biết đến mình.

-Tịch-tĩnh: Tịch = vắng; Tĩnh = yên-lặng. Tịch-tĩnh là vắng-lặng.

- Nhiễm-ô: Nhiễm = dính dơ, Ô = dơ-dáy, đen-đúa. Chữ Nhiễm-ô ở đây dùng theo nghĩa bóng, chỉ sự vướng-bận vào các phiền-não.

- Vị pháp-hỷ: Vị = mùi vị; Pháp = Chánh-pháp, pháp-tu; Hỷ = niềm vui. Vị pháp-hỷ là niềm vui khi hiểu-biết về Chánh-pháp, do Chánh-pháp đem lại cho người tu-tập.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại sự hiểu-lầm về thái-độ của Trưởng-lão Thi-sa: thấy Trưởng-lão rút vào nơi xa vắng, cho rằng thiếu sự thương-mến Đức Phật khi Ngài sắp nhập Niết-bàn. Nào ngờ, đó mới là thái-độ đáng khen, vì Trưởng-lão đang nỗ-lực theo lời Phật dạy, vào nơi xa-vắng để tu thiền hầu chứng-quả cho kịp trước ngày Phật nhập-diệt.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: muốn trả ơn cho Thầy, phải làm cho đúng, cho vẹn, lời Thầy đã dạy.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 205:

Bài Kệ đề-cao cuộc đời ẩn-dật của bực tu-sĩ thấm-nhuần pháp-vị. Thử phân-tách từng câu:

1) Người nếm hương-vị đời ẩn-dật: Hương-vị nầy là sự vắng-lặng, thuận-tiện cho việc sống với nội-tâm;

2) Hưởng an-lạc tịch-tĩnh Niết-bàn: sống hạnh-phước trong cảnh yên-tịnh của cõi Niết-bàn tại thế-gian.

3) Nhiễm-ô và sợ-hãi đều thoát: dứt hết phiền-não, lậu-hoặc

4) Vị pháp-hỷ, người ấy thấm-nhuần: tự nuôi sống bằng niềm vui trong Chánh-pháp.

(164).- Tích chuyện vua Trời Đế-Thích săn-sóc Phật.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại làng Tre, gần thành Tỳ-da-ly, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Vua Trời Đế-Thích.

Vào khoảng mười tháng trước ngày nhập Niết-bàn, vào muà hè tại làng Tre, gần thành Tỳ-da-ly, Đức Phật mắc bịnh kiết. Khi hay tin, vua Trời Đế-Thích liền hiện đến bên cạnh Ngài để săn-sóc. Đức Phật bảo vua Trời chớ quá lo, vì xung quanh còn nhiều tỳ-kheo, nhưng vị vua Trời vẫn tiếp-tục hầu-hạ Đức Phật cho đến khi Ngài lành hẳn bịnh.

Bấy giờ, nhiều tỳ-kheo ngạc-nhiên thấy vị vua Trời theo hầu luôn bên cạnh Phật như thế. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, chẳng có chi đáng ngạc-nhiên cả. Vào kiếp trước, khi thấy mình có tướng suy-thoái sắp chết, vua Đế-Thích đến nghe Ta giảng Chánh-pháp và theo đó mà tu-tập, nên mới chứng được quả Tu-đà-huờn. Sau khi chết đi, được tái sanh lên Trời lần nữa, như hiện nay. Nầy chư tỳ-kheo, được gần bên bực Thánh là một nguồn an-lạc; sống bên người ngu là sự khổ-sở."

Rồi đó Đức Phật nói lên ba bài Kệ sau đây:

Lành thay, mừng gặp Thánh-nhơn!
Sống được bên Ngài là chơn hạnh-phước.
Người ngu, khỏi gặp, mừng thay!
Khỏi gần bên họ, lâu dài hưởng vui.
(Kệ số 206.)

Quả thật,
Cùng đi với người ngu,
Sầu như sống với kẻ thù.
Được theo bên người trí,
Vui như sống với họ-hàng.
(Kệ số 207.)

Do đó,
Với những người thông-suốt, trí-huệ,
Giới-hạnh trang nghiêm, biết tự-chế;
Với các bực Thánh-nhơn như thế,
Ta nên cùng kết-hợp tình-thân,
Như trăng chiếu theo đường sao sáng.
(Kệ số 208.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vua Trời Đế-Thích: Vua cõi trời Đao-lợi (Pali: Tavatimsa), còn gọi là cõi Trời Tam-thập-tam thiên. Tên bằng tiếng Pali là Sakka.

- Làng Tre: tên làng nầy, tiếng Pali là Veluva.

- Thành Tỳ-da-ly: tên thành nầy, tiếng Pali là Vesàli; chính tại thành nầy, một trăm năm sau khi Phật mất, có cuộc kết-tập kinh-điển lần thứ hai.

- Tướng suy-thoái: các hình-tướng suy-yếu về thân-thể của bực Trời, khi gần hết phước sắp chết, như tóc rối, thân dơ, chảy mồ-hôi...

-Chơn hạnh-phước = hạnh-phước chơn-chánh, thật-sự sung-sướng

- Giới-hạnh trang-nghiêm: giũ đúng theo giới-luật.

- Tự-chế: tự giữ lấy kỷ-luật, đè-nén sự ham-muốn của mình

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại vua Trời Đế-Thích đến hầu-hạ săn-sóc Đức Phật, khi Ngài bị bịnh kiết ở làng Tre gần thành Tỳ-da-ly. Các tỳ-kheo tỏ vẻ ngạc-nhiên khi thấy Vua Trời Đế-Thích bên cạnh Phật. Đức Phật bảo, kiếp trước nhờ gặp Phật, nghe pháp tu-hành chứng quả mà vua Đế-Thích, khi hết phước lại được tái-sanh lên Trời.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật; nên thân-cận với bực Thánh, nên tránh xa chớ gần người ngu.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 206:

Bài Kệ số 206 cho rằng hạnh-phước to lớn là việc được gần bên bực Thánh và nguồn vui lâu dài là khỏi phải gặp người ngu.

(3) Ý-nghĩa bài Kệ số 207:

Bài Kệ số 207 so sánh: sống với nguuời ngu như sống khổ bên cạnh kẻ thù; còn sống bên người Trí như sống yên vui với bà-con.

(4) Ý-nghĩa bài Kệ số 208:

Bài Kệ số 208 khuyên ta nên tìm cách thân-cận với bực trí-giả, có giới-đức cao, biết tự-kềm-chế, để học-hỏi về đường tu. Biết làm được như thế, cũng như được ánh trăng sáng soi khắp nẻo đường.

-ooOoo-

Âm lịch

Ảnh đẹp