XXIII.- Phẩm VOI.
(232).- Tích chuyện bà Mã-can-di-hoa.
Tích chuyện nầy hơi giống với Tích chuyện số (15): Hoàng-hậu Sa-mã-hoa.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tu-viện Cô-si-ta, nước Cô-sâm-bi, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà Mã-can-di-hoa.
Thuở ấy ở nước Cô-sâm-bi có một thiếu-nữ tên là Mã-can-di-hoa nhan-sắc rất lộng-lẫy, được nhiều vương-tôn, công-tử gấm-ghé. Cha cô còn chưa ưng gả cho ai, đến khi ông trông thấy dáng-mạo trang nghiêm của Đức Phật, trên đường khất-thực, ông liền ngỏ lời cầu-thân cùng Đức Phật. Đức Phật từ chối và
bảo: "Đối với tấm thân bên trong đầy chất dơ-bẩn, nước tiểu và phẩn, ta
chẳng muốn để chơn ta đụng phải." Trước lời nói thẳng-thắn của Đức Phật, cha mẹ cô Mã-can-di-hoa sực tỉnh-ngộ, hiểu được lẽ vô-thường của sắc-thân, chứng được quả-vị A-na-hàm; nhưng cô Mã bị chạm tự-ái, rất căm-hận Đức Phật, nguyện sẽ trả thù.
Về sau, cô Mã được chọn vào hoàng-cung, vua Ưu-đề-na phong làm vương-phi. Khi hay tin Đức Phật và chư Tăng đến xứ Cô-sâm-bi, cô Mã liền cho thuê nhiều tay du-đãng cứ đi theo sau lưng Đức Phật, dùng lời thô-tục mà nhục-mạ Ngài. Tôn-giả A-nan chịu chẳng nổi các lời bỉ-ổi, hỗn-láo với Đức Phật như thế, mới xin Phật hãy rời thành Cô-sâm-bi đi sang xứ khác. Đức Phật từ-tốn nói: ‘Nầy A-nan, đi sang nơi khác, rồi cũng bị nhục-mạ nữa, thì phải làm sao? Chi bằng, cứ giải-quyết vấn-đề khó-khăn ngay tại đây. Cũng như con voi xông-pha tên đạn tứ phía ngoài mặt trận, ta vẫn thản-nhiên kiên-nhẫn hứng chịu các lời nói nhục-mạ kia, từ cửa miệng của bọn người còn thiếu đạo-đức!"
Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây, khiến cho bọn du-đãng biết hối lỗi mà tự giải-tán:
Như voi chiến xông ngoài trận-mạc,
Hứng lằn tên, mũi đạn tơi-bời,
Như-Lai chịu phỉ-báng mọi lời
Của những người vẫn còn đức bạc.
(Kệ số 320.)
Voi, ngựa thuần mới đem dự hội.
Con nào nhuần-nhã được Vua cởi.
Quí nhứt, người đã luyện tinh-thông
Nhẫn-nhịn chịu mọi lời chửi-bới.
(Kệ số 321.)
Ngựa rặc giống, la con thuần nết,
Đại-tượng ngà dài, đều quí hết.
Nhưng tối-thượng lại chính là người
Trang-nghiêm giới-đức, tự điều-tiết.
(Kệ số 322.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Mã-can-di-hoa: tên người đẹp nầy, tiếng Pali là Màgandiyà.
- Tu-viện Cô-si-ta, nước Cô-sâm-bi: tên ngôi chùa nầy, tiếng Pali là Ghositàràma, ở nước Kosambi, thuộc miền Bắc Ấn-độ xưa.
- Vương-tôn = cháu vua; Công-tử = con quan.
- Gấm-ghé: muốn xin cưới làm vợ.
-Cầu-thân: nghĩa rộng ở đây là muốn gả con để làm thân với nhau
- Tỉnh-ngộ: Tỉnh = hết mê; Ngộ = hiểu được Sự-thật. Người tỉnh-ngộ là người nhận ra trước mình lầm, nay biết được Sư-thật.
- Sắc-thân = tấm thân vật-chất.
- Vô-thường: chẳng bền-chặt, hay biến-đổi để đi đến hoại-diệt
- A-na-hàm: quả-vị thứ ba, còn được dịch là Bất-lai, chẳng phải bị tái-sanh vào cõi người nữa, sanh lên trời, tu tiếp để chứng A-la-hán. A-na-hàm, tiếng Pali là Anàgàmi.
- Vua Ưu-đề-na: tên vua xứ Cô-sâm-bi, tiếng Pali là Udena.
- Vương-phi = vợ vua.
- Du-đãng = côn-đồ, bọn du-côn hay phá làng, phá xóm.
- Từ-tốn: nói-năng chẫm-rãi, điềm-đạm, chẳng hề tức-giận.
- Thản-nhiên: tâm yên-tịnh, lời nói hiền-hoà, lòng chẳng hờn-giận, dửng-dưng.
- Kiên-nhẫn = bền-chí.
- Nhục-mạ = nói lời xấu-ác nặng-nề để người nghe buồn-lòng.
- Giải-tán = bỏ đi chỗ khác.
- Trận-mạc = bãi chiến-trường, nơi đánh giết nhau.
- Như-Lai: tiếng Đức Phật tự xưng khi nói với kẻ khác; tiếng Pali là Tathàgata.(Như = như thế; Lai = đến; Người đã đến đây như thế vậy.)
- Đức bạc = thiếu đức-hạnh, đạo-đức còn mỏng-mảnh.
- Thuần = Nhuần-nhã = được luyện tập kỹ-lưỡng rồi, dễ sai-khiến.
- Rặc giống = (loài thú) chẳng lai giống, thuần một nòi, rất quí.
- La = giống lai giữa ngựa và lừa.
- Đại-tượng = con voi lớn.
- Ngà = một cặp răng nanh dài của voi, màu trắng đục, rất đẹp.
- Tối-thượng: Tối = hết sức, bực nhứt; Thượng = cao, trên. Tối-thượng là cao-quí nhứt, chẳng chi hơn được.
- Tự điều-tiết: Tự = chính mình; Điều = điều-phục, điều-khiển; Tiết = tiết-chế, chế-phục. Tự điều-tiết là tự mình biết giữ lấy kỷ-luật nghiêm-khắc, chẳng để sơ-hở mà phạm lỗi.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc bà Mã-can-di-hoa căm-hận Đức Phật đã chẳng khen bà đẹp, lại thẳng-thắn nói lên Sự-thật về tấm thân bất-tịnh của bà, bên trong chứa nhiều chất dơ-bản, nên bà mướn du-đãng theo chủi-rủa Đức Phật. Ngài thản-nhiên, kiên-nhẫn chịu đựng các lời nhục-mạ thô-tục của bọn côn-đồ mất dạy.
Ý-nghĩa của Tích chuyện dạy ta phải biết nhẫn-nhục khi nghe lời mắng-nhiếc, chẳng hờn-giận, chẳng để dạ thù-oán.
(2) Ý-nghĩa của ba bài Kệ số 320, 321 và 322:
Cả ba bài Kệ đều dạy ta nên nhẫn-nhục, nghe lời nhục-mạ mà chẳng khởi tâm lên tức-giận, chẳng hề để dạ căm-thù. Thái-độ nhẫn-nhục nầy được Đức Phật so-sánh với sự dõng-mãnh của con voi trận, sẵn-sàng hứng chịu lằn tên, mũi đạn chẳng chút nao-núng.
Ý-nghĩa của các bài Kệ khuyên ta nên cố-gắng tập-luyện cho tinh-thông sự nhẫn-nhục; đây là một đức-tánh rất quí-báu cho người tu-hành: tự chiến-thắng được lòng sân-hận bên trong tâm mình, hơn là cố tranh thắng với người đang làm nhục mình. Tự chiến-thắng đó mới là chiến-thắng "tối-thượng", vẻ-vang nhứt.
(233).- Tích chuyện người quản-tượng.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo trước kia làm nghề quản-tượng.
Thuở ấy, có hai vị tỳ-kheo đang đi dọc bờ sông A-xi-ra, trông thấy một người quản-tượng dẫn voi xuống sông tắm. Con voi lún bùn, rút chơn lên chẳng được, người quản-tượng lúng-túng chẳng biết làm thế nào để kéo voi ra giữa dòng. Một vị tỳ-kheo, nguyên trước làm nghề quản-tượng, cười bảo vị đồng-tu, mách cách thúc voi sao cho nó biết rút chơn khỏi bùn. Người quản-tượng nghe thấy, liền làm theo lời chỉ-dạy, con voi mới ngoan-ngoãn ngâm mình xuống nước.
Khi về đến tịnh-xá, vị tỳ-kheo thuật lại tài khéo điều-phục voi của bạn mình lên Đức Phật nghe. Đức Phật bảo: "Nầy chư Tăng, chẳng phải khoe tài khéo huấn-luyện voi mà kẻ tu-hành sớm đến được cảnh-giới Niết-bàn. Chỉ những ai khéo tự huấn-luyện mình mới sớm chứng được cảnh vô-sanh, an-lạc ấy."
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
Chẳng phải cởi voi, ngựa ấy lên đàng,
Mà ta đến được Niết-bàn vô-sanh.
Chỉ có người tự-ngã khắc-phục
Đến được mục-tiêu, nhờ thuần-thục.
(Kệ số 323.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Quản-tượng: Quản = cai-quản, điều-khiển; Tượng = voi lớn. Người quản-tượng là kẻ chăn voi, huấn-luyện voi.
- Sông A-xi-ra: tên con sông nầy, tiếng Pali là Aciravatì.
- Mách: chỉ bảo cho.
- Điều-phục: Điều = điều-khiển; Phục = thâu-phục. Điều-phục voi là huấn-luyện voi, bắt nó theo lịnh của mình.
- Cảnh-giới Niết-bàn: Cảnh-giới = nơi, vùng, trong giới-hạn; Niết-Bàn: tiếng Phạn là Nirvana, tiếng Pali là Nibbana; đây
là tâm-trạng (chớ chẳng phải một cõi nào trong không-gian) của bực
tu-hành đã diệt xong các phiền-não, chướng-ngại, lìa mọi ham-muốn,
chứng được vô-sanh ( =chẳng còn tái-sanh trong Luân-hồi), nay sống an-vui.
- Mục-tiêu: Mục = con mắt; Tiêu = cái mốc. Có nghĩa là mục-đích.
- Tự-ngã khắc-phục: Khắc-phục = thắng được và bắt theo lịnh của mình; Tự-ngã = cái "Ngã", cái "Ta" của mình. Người đã khắc-phục tự-ngã của mình là người đã quên mình, xem thân-tâm nầy tạm-bợ, dẹp hết các phiền-não và tuân theo giới-luật đầy-đủ.
- Thuần-thục = nhuần-nhã, rành-rẽ lắm rồi.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc một vị tỳ-kheo, trước làm nghề quản-tượng, nhơn đi dọc bờ sông, thấy một người chăn voi lúng-túng chẳng biết làm sao thúc-đẩy voi ra khỏi vũng bùn, để ra sông tắm. Vị ấy cười nói với bạn đồng-tu cách-thức phải điều-phục voi làm sao cho nó ngoan-ngoãn theo lịnh mình. Người chăn voi nghe được, làm theo, dắt voi khỏi chỗ sa lầy. Khi Đức Phật nghe được sự-việc đó, Ngài quở vị tỳ-kheo cựu-quản-tượng và dạy rằng: "Chẳng phải nhờ điều-phục voi mà ta đến Niết-Bàn được, chỉ những ai biết điều-phục tự-ngã của chính mình mới chứng được Niết-bàn an-vui và tự-tại."
Ý-nghĩa của Tích chuyện: chớ xao-lãng việc khắc-phục tự-ngã của mình, có tuân-hành giới-luật, nỗ-lực tu-tập mới chứng được Niết-Bàn.
(2).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 323:
1) "Chẳng phải cởi voi, ngựa ấy lên đàng, Mà ta đến được Niết-Bàn vô-sanh": vì Niết-bàn chẳng phải là nơi chốn, mà là một tâm-trạng của mình đã dứt hết phiền-não, cho nên chẳng có voi, có ngựa, hay phương-tiện chuyên-chở nào, đưa ta đến cảnh-giới ấy được.
2) "Chỉ có người tự-ngã khắc-phục": người khắc-phục được tự-ngã là người làm chủ được thân-tâm mình, chẳng xem cái"Ta", và những sự-vật "của Ta" là quí nữa.
3) "Đến được mục-tiêu, nhờ thuần-thục": mục-tiêu nào? Đó là cảnh-giới an-vui tự-tại của Niết-bàn, khi tâm thanh-tịnh đã dứt xong các phiền-não, vượt mọi chướng-ngại và lià mọi ham-muốn.
(234).- Tích chuyện người cha già bị các con ruồng-bỏ.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một cụ-già bị bốn người con trai ruồng-bỏ.
Thuở ấy, ở nước Xá-vệ có một vị Bà-la-môn nhà giàu-có, sanh được bốn người con trai; gia-tài lên đến tám mươi vạn đồng. Khi mỗi người con trai lập gia-đình riêng, cụ tặng cho mười vạn đồng. Đến khi bà vợ chết, cụ còn được bốn mươi vạn. Các con mới thưa, cha nay già-cả quá rồi, cứ đem số tiền chia cho chúng con, chúng con sẽ thay phiên nhau phụng-dưỡng cha. Cụ nghe lời, đem của cải ra phân-chia hết cho các con. Rồi cụ về ở chung với người con cả. Chưa đầy một tháng, người con dâu lớn đã bảo: "Cha có cho con trai trưởng của cha thêm vài ngàn đồng nào đâu, mà sao cha cứ ở lì tại đây mãi vậy? Bộ cha chẳng biết đường đi đến ở nhà mấy chú khác hay sao?" Nghe lời nói đó, tội-nghiệp! cụ già tủi thân đi sang nhà người con thứ. Cũng vậy, chưa được ba tuần-lễ, người con dâu thứ lại cũng nói với cụ những lời tương-tợ như lời của chị dâu lớn. Cụ lại dọn sang nhà đứa con thứ ba, rồi đến đứa con út, mà cũng chẳng được đối-xử khá hơn chút nào. Buồn lòng, cụ mang một cái bát, chống một cây gậy, đi xin ăn, lần bước đến chùa, vào thưa với Đức Phật.
Sau khi nghe cụ kể-lể nỗi lòng, bị các con lấy hết tiền, rồi hất-hủi, Đức Phật nói: "Nầy Bà-la-môn, nay ta dạy cho ông một bài thơ, cứ vừa đi xin, vừa đọc lên, nhứt là vào chỗ đông người:
Tôi nay có bốn người con,
Miệng thưa "Cha!" ngọt, mà lòng chẳng thương.
Nghe lời vợ, đuổi ra đường.
Tay cầm chiếc bát, thân nương gậy nầy.
Ai thương cảnh khổ già đây,
Nhớ cho bát, gậy hơn bầy con hư!"
Cụ chống gậy, ôm bát, nghêu ngao hát cả ngày. Dân-chúng nghe thấy, động lòng
thương cụ và trách bốn người con trai quá bất-hiếu, hất-hủi cha già.
Các người con hổ-thẹn, rước cha về nhà, mỗi ngày mỗi ngưòi dâng một mâm
cơm đầy-đủ thức ăn ngon. Cụ chẳng dùng hết mỗi ngày đến bốn mâm, mới bảo con mang hai mâm đem vào chùa cúng-dường Đức Phật và chư Tăng. Nhơn đó, Đức Phật giảng Chánh-pháp cho họ nghe, Ngài lại nói đến lòng hiếu-thảo của con voi rừng tên là Tài-Hộ, bị bắt, bỏ cả ăn-uống, lòng thường nghĩ đến voi cha, voi mẹ trong rừng xanh.
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
Voi tên Tài-Hộ rất hung-hăng,
Khi phát-dục tiết mùi hôi-thối,
Bị bắt nhốt, chẳng chịu uống ăn,
Tưởng nhớ rừng voi, hằng mong-mỏi.
(Kệ số 324.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Ruồng-bỏ = đuổi đi, chẳng săn-sóc, chẳng giúp đỡ chi cả.
- Bà-la-môn: tiếng Pali là Brahmana, giai-cấp tu-sĩ ở Ấn-độ xưa.
- Phụng-dưỡng = chăm nuôi người bề trên.
- Con trai trưởng = người con trai lớn nhứt trong nhà.
- Con thứ = người con kế, sau người con trưởng.
- Hất-hủi = tỏ ra lạnh-nhạt, chẳng đối-xử tốt nữa.
- Bất-hiếu: Bất = chẳng; Hiếu = lòng thương cha-mẹ, biết lo săn-sóc, phụng-dưỡng cha mẹ.
- Cúng-dường = đọc trại hai chữ Hán-Việt cung-dưỡng; cung = cung-cấp;dưỡng =nuôi-dưỡng. Tiếng nhà chùa chỉ sự dưng-cúng lễ vật
- Tài-Hộ: tên con voi nầy, dịch nghĩa chữ Pali là Dhanapàla. (Dhana = tài sản; pàla = bảo-hộ, giữ-gìn)
- Phát-dục: Phát = khởi lên; Dục = dục-tình, ý-muốn giao-hợp với kẻ khác phái. Đây nói về con voi đang khởi dục-tình, muốn giao-hợp, phát ra mùi hôi-thối.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại một cụ-già, vì chia hết tài-sản cho các con
đến sống ở nhà các con. Vì nghe lời vợ cứ nói ra nói vào, các con cụ
hất-hủi cha, nên cụ buồn lòng cầm bát, chống gậy đi xin ăn. Cụ gặp Đức
Phật, được dạy cho một bài thơ về con bất-hiếu, để đến chỗ đông người
hát lên. Bị dân-chúng chê-bai, các người con hổ-thẹn mới rước cha về
nuôi-dưỡng. Khi gặp các người con, Đức Phật kể lại chuyện con voi Tài-Hộ, mặc dầu hung-hăng, nhưng khi bị bắt, nó bỏ cả ăn-uống, lòng chỉ nhớ nghĩ đến voi cha, voi mẹ trong rừng.
Ý-nghĩa của Tích chuyện là làm con phải hiếu-thảo với cha mẹ, kẻo
lại thua con voi Tài-Hộ, dầu là thú-vật, còn biết thương cha mẹ.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 324:
Ý-nghĩa của bài Kệ là nêu lên lòng hiếu-thảo của một con voi, để làm gương cho những kẻ hất-hủi mẹ cha lúc tuổi già.
(235).- Tích chuyện vua Ba-tư-nặc ăn quá no.
Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (162).
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc vua Ba-tư-nặc ăn quá no.
Thuở ấy, vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la, sau một bữa ăn rất thịnh-soạn, đến chùa Kỳ-viên đảnh-lễ Đức Phật. Nhà vua ăn mỗi bữa cả mấy tô cơm, nhai cả đùi dê nấu cà-ri. Khi ngồi nghe Phật giảng, nhà Vua buồn ngủ, đầu cứ gật lên gật xuống, hai mắt muốn sụp lại. Sau thời pháp, Vua thưa: "Bạch Thế-tôn, hôm nay vì ăn no quá, buồn ngủ, con cảm thấy nhọc-mệt, chẳng chú tâm nghe pháp được." Đức Phật bảo: "Nầy Đại-vương, những người tham ăn quá cũng đều cảm thấy nặng bụng và buồn ngủ như thế cả."
Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó vua Ba-tư-nặc biết bớt ăn, bụng thon lại, hăng-hái hoạt-động và vui-vẻ hơn xưa:
Người khờ lười-biếng, tham ăn
Vật-vờ, vất-vưởng, nằm lăn cả ngày.
Giống như con lợn mập thây,
Luân-hồi phải chịu, biết ngày nào ra.
(Kệ số 325.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Vua Ba-tư-nặc xứ Câu-tát-la: tên vị vua cai-trị xứ nầy, tiếng Pali là vua Pasenadi, nước Kosala, ờ miền Bắc Ấn-độ xưa.
- Thịnh-soạn = nói về bữa ăn có nhiều thức ăn ngon.
- Đảnh-lễ: cúi đầu làm lễ ra mắt bực trưởng-thượng.
- Thế-tôn: Thế = thế-gian; Tôn = tôn-trọng. Đức Phật được gọi là Thế-tôn, bực được cả thế-gian tôn-trọng.
- Vật-vờ, vất-vưởng = lừ-đừ, chẳng muốn làm gì cả, lười-biếng.
- Luân-hồi: Luân = bánh xe; Hồi = quay trở lại. Theo giáo-lý nhà Phật, chúng-sanh khi chết đi, lại sanh trở lại, để rồi lại chết nữa; cuộc sống lẩn-quẩn chịu khổ nhiều, sướng ít đó gọi là Luân-hồi, như bánh xe cứ quay một vòng rồi lăn trở lại mãi. Vì thế, người tu-hành phải lo diệt hết các phiền-não, dẹp mọi tham-muốn, để chứng được vô-sanh, dứt khoát ra khỏi cảnh tái-sanh lẩn-quẩn của Luân-hồi, đó là giải-thoát mọi khổ đau, được tự-tại mãi trong cảnh an-vui của Niết-Bàn.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại vì ăn quá no, nên vua Ba-tư-nặc mệt-mỏi và buồn ngủ, chẳng nghe được bài pháp của Đức Phật.
Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật, nên ăn-uống vừa phải, chớ tham ăn và chớ lười-biếng.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 325:
Bài Kệ so-sánh kẻ tham ăn, lười-biếng như con heo ăn mập thây. Kẻ chỉ biết ăn cho sướng miệng, mập thây, sẽ mắc vòng Luân-hồi, vì chẳng chọn con đường tu-hành giải-thoát: đó là ý-nghĩa của bài Kệ.
HỌC TẬP:
1) Ăn-uống là để bồi-bổ cơ-thể; ăn quá mức, số dư tích-trữ lại sẽ gây ra phì-béo, chậm-chạp và lười biếng. Tập cho trẻ con ăn-uống đúng giờ, bỏ thói ăn quà vặt.
2) Ngoài thức ăn vật-chất ra, con người còn cần thức-ăn về tinh-thần: mỗi tuần siêng đi chùa, lạy Phật, nghe giảng kinh, đó là nuôi-dưỡng, bồi-bổ tinh-thần. Nên dắt con cháu nhỏ theo khi đi chùa.
(236).- Tích chuyện Sa-di Sà-nhu.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị Sa-di tên là Sà-nhu.
Thuở ấy, Sa-di Sà-nhu tuy còn nhỏ tuổi nhưng cũng thông-thuộc nhiều
kinh-kệ. Một hôm, các vị tỳ-kheo trộng tuổi bảo Sa-di Sà-nhu bước lên đài cao, ngồi tụng-đọc kinh-kệ cho đại-chúng nghe. Sa-di Sà-nhu vâng lời, sau khi tụng xong, chấp tay nói: "Nguyện đem công-đức nầy hướng về tất cả các cha mẹ đời nầy, đời trước của đệ-tử được hưởng nhiều phước-lạc." Vào lúc đó, có một vị nữ-phi-thiên, vốn là mẹ của Sa-nhu trong tiền-kiếp, nghe được lời hồi-hướng, mới thốt lên rằng: ‘Lành thay! Lành thay! Nay được chia-xẻ phước-báu với con ta là Sà-nhu." Nhờ công-đức hồi-hướng đó mà vị ấy được các hàng phi-thiên kính-trọng.
Mấy năm sau, Sà-nhu thọ giới tỳ-kheo một thời-gian, lại bỗng nẩy ra ý-định hoàn-tục.
Sà-nhu trở về nhà cũ, xin mẹ trao lại cho mình y-phục của thường-nhơn.
Người sanh-mẫu buồn lòng, thấy con có ý thoái-chuyển, mới khóc mà nói
rằng: "Nay con đã xuất-gia, gia-nhập Tăng-đoàn, cầu đường giải-thoát, sao con lại thối-chí quay về cuộc sống khổ-lụy của thế-tục?"
Cùng lúc ấy, vị phi-thiên, mẹ trong tiền-kiếp của Sa-nhu cũng nghe
thấy, mới nghĩ, nếu con mình hoàn-tục, mình sẽ bị các phi-thiên khác
chê-cười; bà mới nhập vào Sà-nhu, khiến Sà-nhu té ngửa xuống, sùi bọt
mép. Cả nhà hoảng-hốt, cấp-cứu, đến khi tỉnh-dậy, Sà-nhu còn nghe tiếng mẹ cũ đang nói văng-vẳng: "Con đừng hoàn-tục, hãy mau trở lại chùa tu-hành để tìm đường giải-thoát, ra khỏi cảnh Luân-hồi lận-đận."
Sau đó, khi Sà-nhu trở về tịnh-xá, các vị tỳ-kheo khác trình sự-việc lên Đức Phật. Sà-nhu được gọi đến, nghe Đức Phật dạy rằng: "Nầy tỳ-kheo, chẳng nên trở lại cuộc sống buông-lung của người thế-tục. Con muốn được an-vui, thì phải biết điều-phục tâm-ý, theo con đường Chánh-đạo, như anh quản-tượng dùng móc sắt răn-dạy và kiểm-soát con voi hung-hăng."
Rồi Đức Phật mời nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó Sà-nhu sực-tỉnh, biết nỗ-lực tu-hành, chẳng bao lâu chứng được quả-vị A-la-hán:
Ngày trướcc, tâm lang-thang, lêu-lổng,
Đuổi theo thú-vui cùng dục-vọng.
Ngày nay, bằng chánh-niệm, kềm tâm
Như quản-tượng tay cầm móc dạy voi.
(Kệ số 326.)
TÌM HIỂU:
chùa chỉ số đông người đang ngồi nghe giảng-pháp.
- Phi-thiên: Phi = chẳng phải; Thiên = Trời. Phi-thiên là hạng thần-linh.
A.- Nghĩa Chữ:
- Sa-di: tiếng Pali là Sàmanera, người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ giới tỳ-kheo. Trong chùa thường gọi là chú tiểu.
- Sà-nhu: tên vị sa-di nầy, tiếng Pali là Sànu.
- Đại-chúng: Đại = lớn; Chúng = số đông. Đại-chúng là tiếng nhà chưa phải là Trời, còn gọi là A-tu-la (Asura), có thần-thông, tánh hay nóng-giận, thường gây tranh-chiến với chư Thiên.
- Tiền-kiếp: Tiền = trước; Kiếp = đời sống trước. Tiền-kiếp là những đời sống trước, trước đời hiện nay.
- Hồi-hướng: Hồi = trở về; Hướng = hướng về, quay về phiá. Hồi-hướng là xin hướng công-đức đến người mình đang cầu-nguyện cho.
- Lành thay: lời khen đã làm việc thiện; dịch tiếng Pali là Sàdhu.
- Hoàn-tục = Hoàn =trở lại; Tục = đời sống thế-tục. Hoàn-tục là thôi chẳng đi tu nữa, quay về sống lại trong gia-đình như trước.
- Sanh-mẫu: Sanh = đẻ ra; Mẫu = mẹ; Sanh-mẫu là người nẹ sanh mình ra trong cõi đời hiện nay.
- Thoái-chuyển: Thoái = lùi lại; Chuyển = động chuyển; Thoái-chuyển là đi thụt lùi; trở lại chỗ thấp-kém. Đối-nghĩa với chữ Tinh-tấn.
- Tăng-đoàn: Tăng = tu-sĩ Phật-giáo; Đoàn = đoàn-thể. Một tăng-đoàn gồm có ít nhứt bốn vị tăng-sĩ tu chung. Tiếng Pali là Sangha.
- Khổ-lụy = Khổ = đau-khổ; Lụy = phiền-lụy. Khổ-luỵ = phiền-khổ.
- Thế-tục = Thế = đời; Tục = thường; Thế-tục là đời sống thường, có gia-đình, chẳng tu-hành.
- Cấp-cứu: Cấp = gấp, mau; Cứu = cứu-giúp. Cấp-cứu là cứu ngay.
- Lận-đận = đau buồn, gặp nhiều khó khăn, khổ-sở.
- Buông-lung: thiếu kềm-chế, lười-biếng; đồng-nghĩa = phóng-dật
- Tịnh-xá = Tînh = yên-tịnh; Xá = nhà. Tịnh-xá là ngôi chùa nhỏ.
- Đìều-phục tâm-ý: giữ-gìn tâm chẳng cho khởi bụng quấy.
- Chánh-đạo = Chánh = chơn-chánh; Đạo = đường; tức là Bát-chánh-đạo, con đường Thánh tám ngành đưa ta ra khỏi cảnh Luân-hồi.
- Quản-tượng: Quản = cai-quản; Tượng = voi lớn; Quản-tượng là người chăn voi, huấn-luyện voi, điều-khiển voi.
- A-la-hán: quả-vị Thánh, chẳng còn tái-sanh nữa; tiếng Pali là Arahant. A-la-hán có ba nghĩa: (1) ứng-cúng = xứng đáng được Trời, Người cúng-dường; (2) sát-tặc = giết giặc, giặc phiền-não; (3) vô-sanh = chẳng còn tái-sanh nữa, ra khỏi Luân-hồi, vào cảnh Niết-bàn.
- Dục-vọng = Dục = muốn; Vọng = mong; Dục-vọng là các ham-muốn thấp-hèn về vật-chất.
- Chánh-niệm: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Niệm = ý-nghĩ. Người có chánh-niệm đang làm, nói hay nghĩ việc gì, thì biết rõ và chú-tâm vào việc đang làm, nói, nghĩ đó và chỉ việc đó mà thôi.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc vị Sa-di Sà-nu thông-thuộc nhiều kinh-kệ, sau khi thọ-giới tỳ-kheo một thời-gian, lại muốn hoàn-tục. Được cả hai bà mẹ, mẹ đương-thời và mẹ kiếp trước, cản-ngăn, Sà-nu trở lại chùa. Nghe Đức Phật dạy, phải kềm-chế tâm-ý mình như người quản-tượng điều-khiển voi, Sà-nu nỗ-lực tu-hành, chứng được quả-vị Thánh.
Ý-nghĩa của Tích chuyện là đang tu mà có ý-định hoàn-tục, thì đó cũng như đang từ chỗ sáng mà quay về trong bóng tối, bỏ mất con đường giác-ngộ và giải-thoát để ra khỏi cảnh khổ của Luân-hồi.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 326:
Ý-nghĩa của bài Kệ so-sánh việc kềm-chế tâm-ý cũng như việc điều-khiển voi bằng móc sắt; lòng phải cương-quyết chẳng thối-chí. Kềm-tâm bằng cách nào? Luôn luôn giữ chánh-niệm trong tâm.
1) Hai câu đầu: Ngày trước, tâm còn vọng-động, chạy theo các thú-vui cùng dục-vọng( =ham-muốn), để tâm thả lỏng;
2) Hai câu chót: Ngày nay, biết dùng chánh-niệm kềm tâm lại, như người quản-tượng dùng móc sắt điều khiển con voi hung-hăng.
(237).- Tích chuyện con voi già.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề cập đến con già tên là Ba-vi-gia.
Voi Ba-vi-gia khi còn trẻ là một con voi chiến rất mạnh-mẽ, nay đã già-yếu. Một hôm, voi Ba-vi-gia ra bờ ao định xuống uống nước, rủi thay, chân bị sa lầy, chẳng rút ra khỏi bùn được.
Vua Ba-tư-nặc xứ Câu-tát-la hay tin, liền sai một người quản-tượng đến
giúp. Người quản-tượng đến nơi, nhận ra voi chiến Ba-vi-gia, mới cho
gọi đoàn quân-nhạc tới. Rồi tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chiêng
khua vang lên thành một nhạc bản quân-hành hùng-dũng. Voi Ba-vi-gia cảm
thấy như đang lâm trận, tinh-thần hăng lên, nhẹ-nhàng rút chơn ra khỏi vũng bùn, giữa tiếng hoan-hô vang-dậy.
Khi các tỳ-kheo thuật lại sự-việc trên, Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, cũng như con voi rút chơn ra khỏi vũng bùn, các ông nên sớm thoát ra khỏi vũng sình kết-sử."
Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó nhiều vị tỳ-kheo nỗ-lực tu-tập, chứng được quả-vị A-la-hán:
Trong chánh-niệm, hãy tìm thích-thú,
Tâm-ý nên hết lòng phòng-thủ.
Như voi sa lầy cố rút chơn ra,
Hãy tự kéo khỏi vũng sình kết-sử.
(Kệ số 327.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Voi chiến Ba-vi-gia: tên con voi đánh giặc nầy, tiếng Pali là Pàveyyaka.
- Sa lầy: bị lún bùn, kẹt chơn dưới bùn chẳng rút ra được.
- Vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la: tên vị vua nầy, tiếng Pali là Pasenadi, cai-trị xứ Kosala, ở miền Bắc Ấn-độ xưa.
- Quản-tượng: Quản = cai-quản, điều-khiển; Tượng = voi lớn. Quản-tượng là người chăn voi, huấn-luyện và điều-khiển voi.
- Quân-nhạc = ban nhạc nhà-binh.
- Chiêng = một loại nhạc-khí bằng đồng, hình giống cái mâm lớn
- Bản quân-hành: bản nhạc hành-quân, tấu lên trong khi quân lính đi ra trận, để làm tinh-thần chiến-sĩ phấn-khởi lên.
- Lâm trận = sắp giao-chiến, sắp đánh giặc.
- Chánh-niệm: ý-nghĩ chơn-chánh. Người giữ chánh-niệm là người đang làm, nói, nghĩ gì, thì trong tâm chú-ý, biết đến việc đang làm, nói, nghĩ đó và chỉ việc ấy mà thôi, chẳng lo ra đến chuyện khác.
- Kết-sử: Kết = ràng-buộc lại; Sử = sai-sử, sai khiến. Kết-sử còn được gọi là thúc-thằng (thúc = trói-buộc; thằng = sợi dây), tiếng Pali là Sanyojana, là những tình-cảm, tư-tưởng có tánh-cách ràng-buộc, gây ra phiền-não, và thúc-dục ta làm đìều quấy.
Theo giáo-lý Bắc-tông, có mười kết-sử, phân ra:
a) Ngũ độn-sử, năm mối kết-sử thấp: (1) thân-kiến ( = chấp thân nầy làm Ta, Pali: Sakkàyaditthi); (2) nghi ( = nghi ngờ Chánh-pháp, Pali: Vicikiccha); (3) giới-cấm-thủ ( = tin vào các nghi-thức cúng-tế tà-đạo, Pali: Silabhataparàmàsa); (4) tham (Kàmaràga); (5) sân ( = giận-hờn, Pali: Patigha). Diệt xong ngũ độn-sử, chứng quả A-na-hàm
b) Ngũ lợi-sử, năm mối kết-sử cao: (6) sắc-ái ( = mê-luyến cõi sắc-giới; Pali: Rùparàga); (7) vô-sắc-ái ( = mê-luyến cõi vô-sắc-giới; Pali: Arùparàga); (8) mạn ( =kiêu-căng, Phạn: mano); (9) trạo ( = giao-động, bối-rối; Pali: Uddaccha); (10) vô-minh ( = si-mê; Pali: Avijja). Diệt xong nốt ngũ lợi-sử, chứng quả A-la-hán.
Giáo-lý Nam-tông chia 10 thúc-thằng ( =kết-sử,Pali: Sanyojana) ra:
- ba thúc-thằng đầu-tiên, diệt xong, chứng quả-vị thứ nhứt là Tu-đà-huờn (Pali: Sotàpatti);
- hai thúc-thằng kế-tiếp, diệt xong, chứng quả-vị thứ hai là Tư-đà-hàm (Pali: Sakàdagàmi);
- cả năm thúc-thằng đầu-tiên ( = ngũ độn-sử), diệt xong, chứng quả-vị thứ ba là A-na-hàm (Pali: Anàgàmi);
- cả năm thúc-thằng chót ( = năm lợi-sử), diệt nốt, chứng quả thứ tư, cao nhứt là A-la-hán (Pali: Arahant).
Nhớ đủ cả mười kết-sử thì khó, chỉ cần nhớ ba mối chánh, gọi là tam độc ( = ba món thuốc độc): tham, sân, si.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện kể lại việc con voi Ba-vi-gia bị sa lầy, nhờ nghe tiếng quân-nhạc, hăng-hái tinh-thần lên mà rút chơn ra khỏi vũng bùn. Nhơn chuyện nầy, Đức Phật dạy các tỳ-kheo cũng nên rút chơn mình ra khỏi vũng sình kết-sử.
"Rút chơn ra khỏi vũng sình kết-sử", có nghĩa là, đã diệt xong năm độn-sử và năm lợi-sử, tức là tất cả mọi phiền-não đã tận-diệt, như thế là đang chứng-đắc được quả-vị A-la-hán, thoát khỏi vòng tái-sanh lẩn-quẩn của Luân-hồi, hoàn-toàn được giải-thoát.
(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 327:
Ý-nghĩa bài Kệ nhắc nhở đến công-việc tu-tập của vị tỳ-kheo, diệt hết mười kết-sử để chứng quả-vị A-la-hán, thoát được vòng sanh-tử lận-đận của Luân-hồi.
Xin phân-tách từng câu bài Kệ:
1) Trong chánh-niệm, hãy tìm thích-thú: lời khuyên nầy khó thực-hiện được, nếu chẳng nỗ-lực bền-bỉ. Tại sao? Vì giữ chánh-niệm thì phải luôn luôn chú-ý đến bên trong tâm, mau mệt trí, dễ chán. Nhưng người hay xao-lãng, lơ-là, sống cũng như cái máy; chánh-niệm khiến ta sống trọn-vẹn với ta.
2) Tâm-ý nên hết lòng phòng-thủ: Phòng-thủ chống lại việc gì? Chống lại ác-ý, vì ác-ý xúi ta phải sa vào tội-lỗi, tạo nghiệp dữ. Chống lại vọng-tưởng, các ý vẩn-vơ, dắt tâm đi lang-thang, chạy theo ngoại-cảnh, đuổi theo các thú-vui thấp kém. Vậy phòng-thủ tâm-ý ở đây có nghĩa là thanh-lọc tâm-ý để sớm đạt được tâm thanh-tịnh.
3) Như voi sa lầy cố rút chơn ra: Voi phải tự mình nỗ-lực rút lấy chơn ra; đây là ý Phật dạy ta phải tự mình nỗ-lực, chớ chẳng phải chờ người khác đến ... cứu-độ mình, cỏng giùm mình sang bờ giác.
4) Hãy tự kéo khỏi vũng sình kết-sử: Trong số mười món kết-sử, quan-trọng là ba món độc tham, sân, si vì chúng chi-phối các món kia. Có hai món dễ trừ là: (1)nghi, hễ tin vào Chánh-pháp thì hết nghi; (2)giới-cấm-thủ, bỏ được mê-tín dị-đoan, đừng xin xâm, chẳng cúng ông Địa nữa, đâu có khó!
(238).- Tích chuyện con voi hầu-hạ Phật.
Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (5).
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại rừng Bà-li-lai, trong xứ Cô-sâm-bi, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến con voi Bà-li-gia.
Thuở ấy, chư Tăng ở Cô-sâm-bi chia rẻ thành hai nhóm, tranh-cãi nhau: một nhóm cho rằng Giới-luật là hơn, còn một nhóm bảo Kinh-tạng mới quí. Họ cãi nhau sôi-nổi, náo động cả nơi tu-hành. Đức Phật đã nhiều lần ngăn-cản chẳng được, Ngài bỏ đi, sống qua mùa hè một mình trong rừng, có con voi tên là Bà-li-gia phục-vụ.
Mãn mùa an-cư, Tôn-giả A-nan cùng chư tỳ-kheo đi vào
rừng, thỉnh Phật trở về tịnh-xá. Tôn-giả A-nan thưa: "Bạch Thế-tôn, ba
tháng mùa mưa, Thế-tôn ở một mình trong rừng, chắc thiếu-thốn nhiều." Đức Phật bảo: "Nầy A-nan, đừng nói thế! Trong ba tháng qua, voi Bà-li-gia đã tận-tụy phục-vụ Như-Lai, như một người bạn tốt. Được một người bạn tốt như thế, ta nên chung sống với nhau; còn nếu gặp bạn chẳng hiền, thà cứ sống lẻ-loi một mình nơi rừng vắng còn hơn."
Rồi Đức Phật nói lên ba bài Kệ sau đây:
Nếu gặp người hiền-trí hạnh lành,
Thích-hợp nhau làm bạn đồng-hành,
Hãy sống chung vui và giác-tỉnh,
Mọi hiểm-nguy sẽ vượt an-lành.
(Kệ số 328.)
Nếu chẳng gặp người đạo-đức cao,
Trí-huệ nhiều đáng kết thâm-giao,
Thà như Vua bỏ nước vừa chinh-phục,
Như voi giữa rừng, hãy sống lẻ-loi.
(Kệ số 329.)
Chẳng thà phải sống cô-đơn
Còn hơn kết bạn với phường người ngu.
Chẳng lo-âu, khước-từ ác-hạnh,
Sống thong-dong như cảnh voi rừng.
(Kệ số 330.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Rừng Bà-li-lai, xứ Cô-sâm-bi: tên khu rừng nầy, tiếng Pali là Pàlileyya, ở xứ Kosambi, miền Bắc Ấn-độ xưa.
- Voi Bà-li-gia: tên con voi nầy, tiếng Pali là Pàlileyyaka.
- Giới-luật, Kinh-tạng: Tất cả kinh-điển Phật-giáo gọi là Tam tạng, gồm có: (1)Luật-tạng ( =các giới-luật,Vinaya); (2)Kinh-tạng( =các Kinh Kệ,Suttanta); (3)Luận-tạng ( = luận về Chánh-pháp, Abhidhamma.) (Tam = ba; Tạng = cái giỏ đựng sách; tiếng Pali Tam-Tạng = Tipitaka.)
- Muà an-cư: Trong ba tháng mùa mưa, chư Tăng chẳng đi ra ngoài, sợ đạp chết con trùng sinh-sản nhiều, ở yên tu trong tịnh-xá.
- Thế-tôn, Như-Lai: Các đệ-tử Phật gọi Đức Phật là Thế-tôn ( = bực được cả thế-gian tôn-trọng), và Đức Phật tự xưng là Như-Lai ( = người đến đây như thế đó) khi nói chuyện với đệ-tử.
- Hạnh lành = đức-hạnh hiền-lành.
- Đồng-hành = cùng đi với nhau, bạn đường.
- Giác-tỉnh, Tỉnh-giác = trong tâm luôn giữ chánh-niệm, chẳng phút nào lơ-là, hằng chú-tâm.
- Kết thâm-giao: Thâm = sâu-đậm; Kết thâm-giao là kết tình bạn thân-mật, thấm-thiết.
- Chinh-phục = đánh thắng, thâu-phục được.
- Khước-từ ác-hạnh: Khước-từ = rời bỏ; Ác-hạnh = tánh dữ.
- Thong-dong = được tự-do, chẳng bị ràng-buộc.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc Đức Phật rời tịnh-xá vào rừng sống một mình, vì chư Tăng chẳng biết nghe lời Ngài để chấm dứt sự cãi-vã quá ồn-ào về Luật-tạng và Kinh-tạng. Mãn mùa an-cư, Tôn-giả A-nan khi thỉnh Phật trở về, có hỏi Đức Phật ba tháng qua có bị thiếu thốn nhiều chăng. Đức Phật đáp, không, vì Ngài được Voi Bà-li-gia hết lòng hầu-hạ. Nhơn đó Đức Phật bảo, gặp bạn hiền nên vui chung sống; còn gặp kẻ dữ, thà sống lẻ loi một mình chốn rừng hoang.
Ý-nghĩa của Tích chuyện: gặp bạn-đạo tốt, nên chung sống; chớ kết thâm-giao với kẻ kém đức-hạnh.
(2) Ý-nghĩa của ba bài Kệ số 328, 329 và 330:
Cả ba bài Kệ đều nói về sự lựa chọn bạn hiền để sống chung với nhau và tránh xa những người thiếu trí-huệ và đức-hạnh.
Xin phân-tách từng câu trong mỗi bài Kệ.
Bài Kệ số 328:
1) Nếu gặp người hiền-trí hạnh lành: Người hiền-trí hạnh lành, ở đây, chính là bực thiện-tri-thức, đã thông-hiểu Chánh-pháp, đức-hạnh cao-dày; nếu gặp được, đó là cơ-duyên may-mắn lớn, nên theo học;
2) Thích-hợp nhau làm bạn đồng-hành: Đồng-hành, hiểu theo nghĩa rộng là chẳng những cùng đi chung một đường mà còn theo chung một lối tu-hành, vì thế thích-hợp với nhau, nên kết bạn ngay;
3) Hãy sống chung vui và giác-tỉnh: Nhờ hợp nhau nên cuộc sống chung vui-vẻ; nhưng mỗi người phải tỉnh-giác, luôn luôn chú-ý, quán-sát bên trong tâm mình, để giúp nhau tự kềm-chế;
4) Mọi hiểm-nguy sẽ vượt an-lành: Nhờ chung-sức nhau nên khi gặp trở-ngại, sẽ vượt qua an-toàn. Trong việc tu-hành, hiểm-nguy to lớn nhứt là sự thoái-tâm, chán-nản; có bạn lành an-ủi, sẽ nung-chí lên.
Bài Kệ số 329:
1) Nếu chẳng gặp người đạo-đức cao, Trí-huệ nhiều, đáng kết thâm-giao: đây là thiếu thuận-duyên, chẳng có người xứng-đáng, đầy-đủ đức-hạnh, để kết thân-tình
2) Thà như Vua bỏ nước vừa chinh-phục: đây là thái-độ chẳng luyến-tiếc những gì mình vừa có được thêm, dứt khoát bỏ ra đi.
3) Như voi giữa rừng, sống lẻ-loi: Tuy lẻ-loi, nhưng được tự-do, chẳng bị phiền-lụy ràng-buộc, đó là "người biết sống một mình".
Bài Kệ số 330:
1) Chẳng thà phải sống cô-đơn, Còn hơn kết bạn với phường người ngu: Tuy sống đơn-độc một mình, nhưng khỏi phải bị bọn người ngu theo phiền-nhiễu, thì còn chi tốt hơn nữa.
2) Chẳng lo-âu, khước-từ ác-hạnh: đây là hai đức-tánh quí trên đường tu: một là chẳng lo-âu, vì tâm đã an-định; hai là khước-từ điều ác, khiến thân-tâm thanh-tịnh, sớm dứt được nghiệp dữ.
3) Sống thong-dong như cảnh voi rừng: Cảnh thong-dong của voi rừng, đây chính là cảnh an-nhiên, tự-tại của bực đã chứng Niết-Bàn.
(239).- Tích chuyện Ma-vương cám-dỗ Phật.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại một tịnh-xá gần núi Tuyết-sơn, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc Ma-vương tới cám-dỗ Đức Phật.
Thuở ấy, Đức Phật cư-trú gần dãy núi Hi-mã-lạp-sơn. Ngài nhận thấy dân-chúng trong vùng bị ngược-đãi, các vị lãnh-chúa thì tàn-ác, bất-công. Đức Phật nghĩ cách giúp-đỡ dân-chúng thoát khỏi cảnh bị đàn-áp và khiến cho các vị lãnh-chúa phải cai-trị trong công-bằng luật-pháp. Bấy giờ, Ma-vương đoán biết ý-định của Đức Phật, mới hiện lên thưa với Phật: "Bạch Thế-tôn, sao Ngài lại chẳng lên làm Vua, cai-trị toàn-dân trong thanh-bình, an-lạc!" Đức Phật nhìn biết Ma-vương đến cám-dỗ, mới đáp: "Nầy Ma-vương hiểm-độc, chớ có cám-dỗ Như-Lai. Giáo-pháp của Như-Lai chẳng giống với lời dạy của ông chút nào cả. Đây hãy lắng nghe Chánh-pháp của Ta."
Rồi đó, Đức Phật mới nói lên ba bài Kệ sau đây, Ma-vương nghe xong, bẽn-lẽn bỏ đi, biết chẳng khuấy-rối nổi Đức Phật:
Vui thay, gặp bạn khi cần!
Vui thay, biết đủ với ngần nầy đây!
Vui thay, thiện-nghiệp dầy khi chết!
Vui thay đau khổ diệt-trừ xong!
(Kệ số 331.)
Vui thay, phụng-dưỡng mẹ già!
Vui thay, hiếu-kính với cha trên đời!
Vui thay, phục-vụ Sa-môn!
Vui thay, thừa sự Thánh-nhơn ra đời!
(Kệ số 332.)
Vui thay, giữ giới tới già!
Vui thay, tín-niệm rất là bền lâu!
Vui thay thành-đạt trí mầu!
Vui thay ác-hạnh từ lâu khước-từ!
(Kệ số 333.)
TÌM HIỂU:
A.- Nghĩa Chữ:
- Ma-vương = Vua Ma; theo kinh-sách, đây là vị Thiên-vương ở cõi Trời Tha-hoá tự-tại, thường thích đi cám-dỗ kẻ khác làm điều quấy. Tiếng Pali là Màra.
- Hi-mã-lạp-sơn = Tuyết-sơn = dãy núi cao nhứt thế-giới (hơn tám ngàn mét), tuyết đóng quanh-năm, dọc theo biên-giới Ấn-độ và Trung-hoa. Tiếng Pali là Himalaya.
- Ngược-đãi: Ngược = bạo-ngược, ác; Đãi = đối xử.
- Lãnh-chúa: vị vua chúa cai-trị một vùng đất.
- Hiểm-độc: Hiểm = ác ngầm; Độc = dữ ác. Kẻ hiểm-độc hại ngầm người khác, mà làm bộ như thương-yêu, giúp-đỡ bề ngoài.
- Giáo-pháp: Giáo = dạy; Pháp = phép. Giáo-pháp, giáo-lý, là lời dạy trong Đạo khuyên người tu-hành.
- Chánh-pháp: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Pháp = phép tu. Trong Phật-học, chữ Chánh-pháp chỉ lời dạy của Đức Phật.
- Biết đủ với ngần nầy đây: biết đủ với những gì mình có, chỉ cần đến ngần ấy, chẳng tham đòi thêm. Biết đủ, tiếng Hán-Việt là tri-túc.
- Thiện-nghiệp: Thiện = lành; Nghiệp = tất cả hành-động, lời nói và ý-nghĩ của một người, có ảnh-hưởng đến vận-mạng người ấy.
- Phụng-dưỡng = nuôi-nấng, săn-sóc.
- Hiếu-kính: tỏ lòng kính-trọng và thương-yêu, giúp đỡ.
- Sa-môn: phiên-âm chữ Pali là Samana, nghĩa là tu-sĩ Phật-giáo. Có ba nghĩa: (1) cần-giả, siêng làm lành; (2)tức-giả, ngưng làm ác; (3) bần-giả, nguyện chịu nghèo-khó để tu-hành.
- Thánh-nhơn: bực Thánh, từ quả-vị A-la-hán trở lên (thoát khỏi tái-sanh của Luân-hồi.) Tiếng Pali là Ariya. Đối-nghĩa với phàm-phu.
- Giới: điều răn-cấm trong Đạo. Tiếng Pali là Sila.
- Tín-niệm: Tín = tin-tưởng; Niệm = ý-tưởng. Tín-niệm là niềm tin; ở đây là niềm tin vững chắc vào Tam-Bảo: Phật, Pháp và Tăng.
- Trí mầu = Trí-huệ nhiệm-mầu. Đây là Trí-huệ Bát-nhã Ba-la-mật, Prajna pàramità, thường dịch là Trí-Độ, cái Trí đưa ta đến bờ giác-ngộ.
- Ác-hạnh = hạnh-kiểm xấu-ác; cùng nghĩa với ác-nghiệp.
- Khước-từ: từ bỏ hẳn.
- Phục-vụ = hầu-hạ; giúp-đỡ.
- Thừa-sự = nhận làm việc giúp cho ai.
B.- Nghĩa Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:
Tích chuyện thuật lại việc Ma-vương đến cám-dỗ Đức Phật, thỉnh Ngài ra làm Vua. Đức Phật từ-chối mối danh-lợi nầy và giảng Chánh-pháp cho Ma-vương nghe.
(2) Ý-nghĩa của ba bài Kệ số 331, 332 và 333:
Cả ba bài Kệ đều nói đến niềm vui của bực tu-hành theo con đường giác-ngộ và giải-thoát. Xin vạch các niềm vui đó ở mỗi bài Kệ:
Bài Kệ số 331: niềm vui sống yên, chết lành.
1) Vui thay, gặp bạn khi cần!: đây là niềm vui có được bạn hiền giúp-đỡ mỗi khi cần đến;
2) Vui thay, biết đủ với ngần nầy đây!: niềm vui tri-túc, lòng thoả-mãn với những gì mình đang có, chẳng tham-cầu đòi hỏi thêm.
3) Vui thay, thiện-nghiệp dầy khi chết!: lià đời mà vui vì biết thiện-nghiệp sâu dầy của mình sẽ đưa mình đến cõi an-lành.
4) Vui thay đau khổ diệt-trừ đã xong!: đây là niềm vui thoát khổ Luân-hồi, vì đã diệt-trừ mọi phiền-não, chứng được vô-sanh.
Bài Kệ số 332: niềm vui báo bốn trọng-ân.
1. Vui thay, phụng-dưỡng mẹ già; Vui thay hiếu-kính với cha trên đời!: đây là niềm vui báo trọng-ân của cha-mẹ ngay khi còn sống.
2) Vui thay phục-vụ Sa-môn; Vui thay, thừa-sự Thánh-nhơn ra đời!: đây là niềm vui báo trọng-ân của Thầy, Tổ, được cúng-dường các bực Hiền-Thánh.
Bài Kệ số 333: niềm vui chuyên tu đến ngày viên-mãn.
1) Vui thay, giữ giới tới già!: đây là niềm vui trọn được giới-đức thanh-tịnh suốt đời.
2) Vui thay, tín-niệm rất là bền lâu!: niềm vui có đức tin kiên-cố
3) Vui thay thành đạt trí mầu!: niềm vui chứng Trí-huệ Bát-nhã Ba-la-mật đưa đến bờ giác-ngộ và giải-thoát.
4) Vui thay, ác-hạnh từ lâu khước-từ!: niềm vui đã từ lâu hoàn-toàn xa lánh con đườn