KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI


Lê Sỹ Minh Tùng PL. 2556 DL. 2012
30/06/2012 14:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 113795
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012

Chương Thứ Hai Mươi Tám

Phẩm PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHUYẾN PHÁT

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà 

 

Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho đại hạnh tức là phần thực hành. Khuyến có nghĩa là khuyên, phát có nghĩa là phát tâm. Phổ Hiền Bồ Tát khuyến phát có nghĩa là khuyên hành giả Pháp Hoa phát tâm học, tìm hiểu và sau cùng thực hành để rồi chứng đạo. Phổ Hiền Bồ Tát là biểu trưng cho hạnh tinh tấn, dũng mãnh trong các hạnh của Bồ Tát.

Mười đại hạnh Phổ Hiền là :

1.Lễ kính chư Phật :

Lễ kính chư Phật ở đây không có nghĩa là lễ lạy tượng Phật, mà chư Phật ở đây là ám chỉ cho tất cả mọi chúng sinh vì ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau. Giáo lý liễu nghĩa đại thừa thì chú trọng Phật tánh tức là tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mỗi chúng sinh. Đó là:

-Pháp trí thanh tịnh lễ: Chúng sinh phải nhìn thấy cho được sự thanh tịnh của nội tâm để kiểm tra tư tưởng của mình. Tâm thức tức là tư tưởng thì biến chuyển không ngừng cho nên chúng sinh phải biết nó đang nghĩ gì, nó đang nói gì và nó đang muốn làm gì. Nếu ý thiện thì lấy còn ý xấu, ý ác thì bỏ ngay.

-Chánh quán tâm thành lễ: Hằng ngày trong mọi uy nghi như đi, đứng, nằm, ngồi chúng sinh đều có thể suy tư quán chiếu hay gọi là hành thiền, tọa thiền hay ngọa thiền để xoay tâm mình trở về với chánh đạo và tránh xa tà kiến.

-Biến nhập pháp giới lễ: Biến tâm mình trở thành rỗng rang để hòa nhập vào vủ trụ bao la mà không cần một đối tượng để không còn vui buồn, hờn giận, thương ghét, nhân ngã bỉ thử…Tâm hồn con người hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh được xem như hòa tan vào trong hư không vô tận để buông bỏ tất cả. Trạng thái sống như vậy trong thời gian đó là biến nhập pháp giới lễ vậy.

-Thực tướng bình đẳng lễ: Chúng sinh phải thấy cho được tính cách vô tướng của vạn pháp vì thật tướng là vô tướng. Tất cả các pháp là do duyên sanh nên không có chủ tể hay tự tánh nên không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại, bền chắc vì thế chúng sinh dễ buông xả tất cả. Vì vạn pháp giai không duyên sanh như huyễn nên con người có thể coi thường cả sinh, lão, bệnh, tử của mình, coi thường cả sự thành, trụ, hoại, không của vủ trụ và coi thường ngay cả sinh, trụ, dị, diệt của cuộc đời nên lúc nào cũng an vui tự tại.

Thực hành được như thế thì tuy không lễ lạy trước Đức Phật mà chính chúng ta đã lễ lạy rồi vậy. Nếu chúng sinh không nhận thức được Phật tâm của mình để sống với cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên để có an vui tự tại mà cầu Phật tướng bên ngoài thì chỉ gởi gắm tâm hồn vào nơi vô định. Tu hành theo hình tướng bề ngoài thì dĩ nhiên không có kết quả.

2. Khen ngợi Như Lai

3. Cúng dường khắp cả

4. Sám hối nghiệp chướng

5. Tùy hỷ công đức

6. Thỉnh Phật chuyển pháp luân

7. Thỉnh Phật thường ở đời

8. Thường theo học Phật

9. Hằng tùy thuận chúng sinh

10.Hồi hường khắp hết.

Cấu trúc của kinh Pháp Hoa rất rõ ràng mạch lạc, Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho đại trí tuệ nên xuất hiện ở phẩm đầu để khai thị, chỉ bày khiến cho hành giả Pháp Hoa mở toang tri kiến Phật của họ và thanh tịnh hóa tri kiến Phật đó. Thế thì cái tri kiến Phật mà kinh nói ở đây chính là trí tuệ tức là cái biết như thật về tánh Vô Ngã và lý Duyên Khởi của các pháp sau khi đã phá tan ngũ uẩn. Con người có trở về với bổn tánh, chơn tâm hay Phật tánh chỉ khi nào họ đạt được cái trí tuệ này thì lúc đó họ sẽ an trú trong sự thấy biết tánh bình đẳng của tất cả mọi sự vật hiện tượng và tất cả khái niệm hay ý niệm về những cặp phạm trù đối đãi phân biệt sẽ biến mất. Sau cùng Bồ Tát Phổ Hiền xuất hiện ở phần cuối để khuyến khích, yểm trợ cho sự hành trì kinh Pháp Hoa trong hiện tại và trong tương lai. Đó là “Tri – Hành”  hợp nhất vậy.

Thế thì Văn Thù tượng trưng cho Trí còn Phổ Hiền tượng trưng cho Lý. Văn Thù là Tri còn Phổ Hiền là Hành. Văn Thù là hướng về với trí tuệ sẵn có trong mỗi chúng sinh, nhưng vì bị vô minh, phiền não che lấp. Bây giờ hãy thức tỉnh quay về với trí tuệ sẵn có của mình và dùng thanh gươm trí tuệ để chặt đứt lưới tham ái để vượt ra khỏi bể khổ thâm sâu. Thấy Phổ Hiền Bồ Tát là thấy chân lý cho nên con người phải tránh xa mọi ảo vọng để trở về với chân lý. Gạt bỏ mọi vô minh, đừng lấy chân làm giả mà hãy dùng trí tuệ mà nhìn thẳng vào chân lý để được giác ngộ như chư Phật.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Phổ Hiền dùng sức thần thông tự tại oai đức danh văn, cùng vô lượng vô số Bồ-tát và chư Thiên Long… đến núi Kỳ-xà-quật cõi Ta-bà, làm lễ và bạch Phật:

-Thế Tôn ! Con ở nơi nước của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương, xa nghe ở cõi Ta-bà này có thuyết kinh Pháp Hoa, nên cùng vô lượng Bồ-tát đến nghe lãnh, cúi mong Thế Tôn vì chúng con, nói kinh cho nghe!  Sau khi Như Lai diệt độ, các trai lành gái tốt làm thế nào mà được kinh Pháp Hoa?

Đức Phổ Hiền Bồ Tát từ cõi Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương  cùng với vô lượng Bồ Tát đến để nghe Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa. Ở đây Bồ Tát Phổ Hiền không dùng tai để nghe mà ngài dùng tâm để nghe nên kinh mới nói “dùng sức thần thông tự tại oai đức danh văn”. Thế thì Bồ Tát Phổ Hiền không phải là người thật mà là vị Bồ Tát tâm cho nên trong mỗi chúng sinh đều có thể dùng sức thần để triển khai Phổ Hiền hạnh trong nội tâm của mình. Mỗi khi chúng sinh phát tâm tinh tấn dũng mãnh thì Bồ Tát Phổ Hiền đang ở trong ta rồi đó.

Ngài Phổ Hiền đang ở thế giới của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương cách thế giới Ta Bà vô cùng vô cực mà có thể nghe được lời thuyết pháp của Phật Thích Ca, thế thì ngài nghe bằng cách nào? Đây là lối diễn đạt của kinh để giới thiệu cách sử dụng tánh nghe vì một khi chúng sinh đã tinh tấn dũng mãnh thì lúc đó Bồ Tát Phổ Hiền “hiển hiện” trong tâm của họ chớ đâu có nghìn trùng xa cách bằng không gian hữu hạn của con người. Nếu thực sự cách xa đến mấy ngàn năm ánh sáng thì không có một ai có thể nghe được vì vận tốc âm thanh rất chậm so với vận tốc của ánh sáng. Thí dụ nếu hiện tại thấy ánh sáng phát ra từ một hành tinh nào đó cách xa chúng ta vài ngàn năm ánh sáng thì cái thấy bây giờ là cái thấy cách đây mấy ngàn năm về trước chớ đâu phải ngay bây giờ bởi vì ánh sáng cần đến mấy ngàn năm để di chuyển từ hành tinh đó đến trái đất với khoảng cách mấy tỷ tỷ cây số. Vì vậy tuy mắt mới nhìn thấy ánh sáng từ hành tinh đó, nhưng đôi khi hành tinh đó đã chết từ lâu rồi. Diệu Âm Bồ Tát trong những phẩm trước cũng giống như vậy. Bồ Tát Diệu Âm từ cõi Tịnh Quang Trang Nghiêm của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí nghĩa là cái trí của vị Phật này đẹp đẽ, thơm tho, thanh tịnh giống như những loài hoa, cách xa một trăm tám mươi ức na do tha hằng sa thế giới mà vẫn nghe thấy tiếng thuyết pháp của Phật Thích Ca nên đến thế giới Ta Bà. Trên đường Bồ tát đi ngang tới đâu thì cảnh giới đó đều trang nghiêm đẹp đẽ. Vậy thâm ý như thế nào? Con người bình thường chạy theo tham đắm dục tình nên bị vô mình phiền não sai sử, bây giờ nếu thức tỉnh quay về sống với chánh niệm để lắng nghe tiếng nói Vi Diệu ở trong ta thì vô minh biến mất, phiền não tiêu trừ và cuộc sống sẽ trở nên an vui tự tại. Thế thì Bồ Tát Diệu Âm, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quán Thế Âm hay Bồ Tát Địa Tạng cũng chỉ là ở trong nội tâm của chúng sinh chớ không ở ngoài. Nếu chúng sinh biết xoay về sống với chơn tánh của mình thì các ngài hiển hiện, ngược lại sống theo vô minh bất giác thì vĩnh viễn không bao giờ biết trong ta có Bồ Tát. Nói cách khác nếu tâm chúng sinh phát khởi một niệm lành là ta có an lành ngay tức khắc và khi ta làm hoàn toàn việc lành đó rồi thì ta có sự an lành hạnh phúc kỳ diệu mà người thường không có được. Ngược lại, những người xấu xa, keo kiệt, bỏn xẻn, độc ác không bao giờ có được sự an lành vì họ luôn sống trong lo lắng, ưu bi, phiền não…

Đây là lối diễn xuất của kinh điển Đại thừa cho nên nếu không thông hiểu thì chắc chắn sẽ biến thành tín ngưỡng rồi sinh ra cầu nguyện, van xin, mê tín dị đoan.

Phật giáo Đại thừa bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên tức khoảng năm, sáu trăm năm sau ngày đức Phật nhập diệt. Nhắc lại, khi triều đại Sunga được thành lập với sự lên ngôi của vị vua Pusyamitra (187-151 trước dương lịch), Phật giáo đã trải qua nhiều cuộc khủng bố vô cùng dã man. Ông là kẻ thù dữ tợn nhất của Phật giáo. Vì muốn phục hưng đạo Hindu, là tiền thân của Bà la môn và là Ấn Độ giáo ngày nay, ông tàn phá tháp miếu, hỏa thiêu nhiều tu viện từ Madhyadesa cho đến Jalandhar ở vùng Punjab và không ngần ngại giết chết rất nhiều tu sĩ đức hạnh. Với sự trợ lực của các vị vua của triều đại Sunga, Ấn Độ giáo bắt đầu khởi xướng một chiến dịch phục hưng rầm rộ và sau cùng đạo Hindu dành được thế thượng phong và dĩ nhiên tập quán thờ cúng đa thần được họ xiễn dương tối đa trở lại. Trên thực tế, khuynh hướng thờ cúng thần linh đã hấp dẫn và có sức mạnh lôi cuốn một số lượng quần chúng khổng lồ trong đó có cả tín đồ Phật giáo. Để đối phó với vấn đề nan giải liên quan đến sự tồn vong của Phật giáo lúc bấy giờ, vô số hình tượng Bồ Tát khác nhau vốn được xem như là thần thánh được đưa vào trong Phật giáo. Kết quả là nhiều thánh thần của Ấn Độ giáo (Hindu) đã từng bước, từng bước thay thế hình ảnh của đức Phật giữa xã hội Ấn Độ. Sau đó, kinh điển Đại thừa ra đời cũng dựa theo lý tưởng Bồ Tát này. Ban đầu các vị triết gia lỗi lạc của Phật giáo thời ấy nghĩ rằng Bồ Tát chỉ là những biểu tượng cho từ bi, trí tuệ và những đức năng của đức Phật, nhưng thực tế đa số Phật giáo đồ sau đó chỉ thích quỳ lạy, cầu xin thay vì nghiên cứu, hành trì cầu đạo Vô thượng Bồ-đề. Thậm chí họ biết đến Quán Thế Âm Bồ Tát còn nhiều hơn đức Phật không phải vì Bồ Tát Quán Thế Âm dạy họ thực hành từ, bi, hỷ, xả mà vì Bồ Tát có ngàn tay ngàn mắt, có công nang nghe được tiếng cầu xin và dang tay ra cứu độ. Nếu cầu Bồ tát Quán Thế Âm mà cái gì cũng được thì thế gian này làm gì còn nghèo khổ, bệnh tật, tai nạn, chiến tranh, giết chóc, thiên tai, động đất, bảo lụt, sóng thần…?

Phật giáo Đại thừa lý luận rằng đức Phật Thích Ca chỉ là ứng thân của chư Phật trong thế giới này vì Ngài đã thành Phật từ vô thỉ. Nói cách khác Pháp thân mới đúng là thân Phật, còn nhục thân thì chưa đích thật là Phật thân. Khi Đại thừa biến đức Phật từ một người bình thường thành một siêu nhân, một Superman của thế giới, của vũ trụ thì tự nhiên giữa chúng sinh và Phật có sự xa cách. Tại sao lại có sự xa cách? Bởi vì Ngài không phải là người bình thường như muôn vạn chúng sinh trong thế giới này cho nên những điều Phật làm, chỉ có Phật mới thực hiện được, còn phàm nhân thì đành bó tay, đừng nên mơ ước viễn vong. Việc thần thánh hóa đức Phật đã khiến cho người đệ tử Phật trở thành tiêu cực, thay vì tinh tấn nỗ lực tu hành giống như các vị A la hán ngày xưa để trở thành Thánh giả, đa số Phật giáo đồ trở thành người cầu xin, van vái.

Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy cho rằng đức Phật chỉ là một người như trăm vạn người khác trên quả địa cầu này. Ngài cũng bắt đầu bằng thân phận bình thường của một con người, cũng chia sẻ tất cả mọi hệ lụy của kiếp người, cũng phải đương đầu với sanh, lão, bệnh, tử như tất cả mọi chúng sinh khác, nhưng nhờ dũng mãnh tu tập thiền định đoạn trừ tận gốc tham-sân-si, lậu hoặc, tâm trí bừng sáng khiến Ngài đắc thành chánh quả, có được giải thoát Niết bàn. Ngài chỉ rõ cứu cánh này cho mọi người biết và những ai đi theo con đường này cũng sẽ đạt đến cứu cánh tối thượng giống như Ngài. Vì thế bất cứ ai cũng có thể noi theo con đường đức Phật đã đi và đạt được những thành quả như Phật. Bằng chứng là vào thời đức Phật đã có hàng vạn vị A la hán chớ đâu chỉ có mình đức Phật chứng Thánh quả. Chính đức Phật là vị A la hán đầu tiên trong số các vị A la hán vì thế theo Nguyên Thủy không có vấn đề Hóa thành hay Bảo sở vì chứng đắc quả vị A la hán là Bảo sở tức là đến chỗ trân quý rồi.

Trong hệ Phật giáo Nguyên Thủy, đức Phật Thích Ca (lịch sử)  giảng pháp, được lưu lại trong ngũ bộ kinh Nikayas, trong những hoàn cảnh xã hội bình thường, những bài pháp thoại phản ảnh phong tục, tập quán và những tư tưởng dị biệt của những tôn giáo cùng thời. Trong đó những hình ảnh thiên nhiên như núi rừng hùng vĩ, mùa khô nước đổ, cây cỏ, chim bay, cá lặn…Đặc biệt từ người ăn xin, nhà tu khổ hạnh, ông hoàng bà chúa, thương gia, phú hộ thậm chí những kẻ trộm cướp, giết người ngay cả gái giang hồ thì ai ai cũng được đức Phật thu nhận làm đệ tử. Đây là một bức tranh sống động trong xã hội Ấn độ lúc bấy giờ.

Ngược lại trong kinh điển Đại thừa, hoàn cảnh phản ảnh lại nền văn hóa xứ Ấn độ bây giờ chỉ còn là một bức tranh mờ nhạt. Đức Phật không còn là người khất sĩ, y bát tầm thường xốc xết hay thuyết giảng cho những đệ tử bình thường trong cái xã hội đầy bất công đau khổ. Ngược lại đức Phật bây giờ uy nghi ngồi trên tòa sen, hào quang sáng chói chiếu rọi đến vô vàn thế giới và chung quanh Ngài có hàng ngàn hàng vạn Bồ-tát, chư Thiên đứng hầu. Khi Phật thuyết pháp, trái đất rung chuyển, mưa hoa mạn đà la từ trời rơi xuống. Thật là thế giới đầy ánh sáng rực rỡ, nhiệm mầu bí mật tuyệt đẹp không có bút mực nào diễn tả được. Thế giới quá mầu nhiệm huyền bí vượt ngoài cái tâm nghĩ bình thường của con người nhất là con người cách nay trên mấy ngàn năm.

Vậy Bồ Tát Phổ Hiền sử dụng tánh nghe như thế nào? Nghe bằng tự tánh không phải là lối nghe thông thường bằng nhĩ căn mà chỉ là tánh nghe trong nhĩ căn tức là cái lý thể vô phân biệt. Với tánh nghe này, dù có âm thanh hay không vẫn được sáng tỏ rõ ràng, không sai sót cũng như tấm kiếng cho dù có hình hay không thì kiếng vẫn sáng tỏ. Khi con người chú tâm vào tự tánh thì gọi là nhập lưu, vọng ngoại theo tiếng là xuất lưu. Do đó, khi có thể lìa bỏ mọi âm thanh (thanh trần) cũng còn gọi là phủi bỏ trần cảnh, dùng cách nhập lưu trở về tự tánh nghĩa là hành giả không chú tâm vào tiếng bên ngoài mà chỉ hướng vào trong tánh nghe, an trụ lặng lẽ thì những phân biệt thô thiển không còn nữa và lúc đó tánh nghe sẽ hiện rõ như mặt trăng mùa thu trong sáng. Nếu trong một thoáng, con người chú tâm đến âm động bên ngoài thì tánh nghe sẽ mờ mịt, không còn sáng suốt nữa. Vì vậy khi nhập lưu hành giả đừng bao giờ quan tâm đến động tịnh thì mới thành tự tánh bổn định được.

Phổ Hiền Bồ Tát liền đặt câu hỏi rằng “Sau khi Như Lai diệt độ, các trai lành gái tốt làm thế nào mà được kinh Pháp Hoa?”.

Phật bảo Bồ-tát Phổ Hiền:

-Sau Như Lai diệt độ, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn được kinh Pháp Hoa thì trước phải thành tựu 4 pháp (hội đủ 4 điều kiện) là:

1)Được chư Phật hộ niệm.

2)Trồng các cội công đức.

3)Vào trong chánh định.

4)Phát tâm cứu tất cả chúng sanh.

Để trả lời nghi vấn của Phổ Hiền Bồ Tát ở trên, đức Phật dạy rằng muốn được kinh Pháp Hoa thì thiện nam, tín nữ ở đời sau phải thực hành đủ bốn pháp như sau:

1)Được chư Phật hộ niệm: Trong mỗi chúng sinh đều sẵn có Tri Kiến Phật, tuy có nhưng vì quên nên họ sống trong điên đão nên không có Phật hộ niệm. Bây giờ thức tỉnh quay về sống với trí tuệ Phật hằng sáng của mình thì lúc nào cũng có Phật hộ niệm. Nếu chúng ta làm bất cứ việc gì sai chân lý thì đó là nguyên nhân đưa đến phiền não, khổ đau về sau cho nên nếu luôn sống với tỉnh thức chánh niệm là có Phật hộ niệm ngay. Ngược lại nếu làm sai mà không biết mình làm sai, không biết mình sắp sa chân vào vũng bùn tội lỗi đau thương mà trông cậy vào chư Phật trên bàn thờ hộ niệm là tà kiến, là sống trong vô minh bất giác.

Chánh niệm là biết rất rõ mọi biến hành của thân và tâm. Ngược lại người không sống trong tỉnh thức chánh niệm thì ăn không biết mình ăn, mặc không biết mình đang mặc, thở không biết mình đang thở. Chánh niệm là trạng thái trước khi biểu tượng hình thành và nó vượt ra ngoài mọi lý luận của ý thức. Chánh niệm phản chiếu những gì đang xảy ra ngay trong sát na hiện tại và không có chút thiên vị vì vượt ra ngoài tầng ý thức phân biệt. Chánh niệm là sự quan sát không có phán đoán, là sự theo dõi vô tư, không bị mê đắm bởi những trạng thái tâm tốt và không cố gắng lẫn tránh những trạng thái tâm không tốt  và nó cũng không bám theo theo sự dễ chịu hay trốn chạy cảm giác khó chịu. Vì thế Chánh niệm không phải là ý thức suông việc làm của mình mà phải thấu biết rõ ràng tức là tuệ tri những biến hành từng sát na cho nên Chánh niệm phải được thực hiện rất tỉ mỉ từng giây, từng phút, từng sát na theo từng hơi thở ra vào. Nói chung Phật dạy chánh niệm để đối trị với những tâm hành sinh diệt, nhưng cốt tủy vẫn đưa chúng sinh đến một cứu cánh tột đỉnh là thức tỉnh tức là “BIẾT”. Vậy biết cái gì? Khi tâm tham phát khởi là biết có tham, không tham thì cũng biết trong tâm không có tham. Sân và si cũng vậy. Do đókhi lục căn tiếp xúc với sắc thanh hương vị xúc pháp thì vọng tâm dấy khởi. Ở đây đức Phật dạy chúng sinh thực hành chánh niệm để biết rốt ráo tận cùng những biến đổi của tâm mà không cần phải tiêu diệt chúng. Thí dụ thấy tiền nhiều tâm tham liền nổi dậy, nhưng nếu có chánh niệm thì biết ngay sự hiện hữu hình thành trạng thái tham của tâm cho nên tâm tham bây giờ không còn tác động hoành hành được nữa. Vì thếbất cứ một ý niệm vừa khởi lên, chánh niệm cho ta “biết” đó là vọng tưởng. Khi đã biết bộ mặt thật của ý thức thì con người chỉ cần không theo vọng thì vọng tự mất mà không cần phải tiêu diệt chúngnghĩa làkhông theo vọng, vọng tự tiêu tan tức là mê biến thì thời điểm đó giác tự hiển bày. Biết được như vậy là có chư Phật hộ niệm rồi đó.

2)Trồng các cội công đức: Những việc nào có lợi cho mình, cho người và lợi cho tất cả chúng sinh thì làm nghĩa là đạo Phật là đạo không làm khổ mình, không làm khổ người. Hằng ngày chúng sinh gieo trồng công đức qua việc tự giác và giác tha vì thế bất cứ lúc nào những hiện tượng của thập triền, thập sử xuất hiện thì phải dẹp nó ngay. Đó là thực hành rốt ráo câu “Chư ác mạc tác, chứng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” vậy.

3)Vào trong chánh định: Chánh định là chi thứ sáu của Bát Chánh  Đạo. Mà muốn thực hành Chánh Định thì hành giả phải hoàn tất Chánh Niệm tức là thực hành thiền Tứ Niệm Xứ.

Sau khi tâm đã an trú trong Tứ Niệm Xứ (Chánh niệm) bây giờ hành giả có thể đem tâm an trú vào các tầng thiền na tức là Chánh định (chi thứ tám của Bát Chánh Đạo). Từ đó hành giả có thể vào thiền Chỉ (an định) và sau cùng vào thiền Minh Sát (trí tuệ) để chứng ngộ chân lý. Nên nhớ thiền an định (Chỉ) và thiền Minh Sát (Quán) phải đi đôi với nhau, không thể tách rời được, bất khả phân ly vì có định thì trí tuệ mới phát sinh và ngược lại. Ngày nay rất nhiều người tu thiền Minh Sát mà không lo dẹp vọng tưởng, chấp trước thì không bao giờ có trí tuệ được. Do đó nếu hành giả thực hành giới luật trang nghiêm, chuyên tu Chỉ-Quán (Samatha-Vipassana) thì sẽ chứng nghiệm Chân lý. Thiền định (Chỉ) (Samatha) chỉ có thể đưa hành giả đến những cơn định (Samàdhi) mà trong đó hành giả hưởng sự an lạc nhất thời. Vì tâm định nên hành giả không tạo thêm nghiệp mới, nhưng trí tuệ không phát triển nên những gốc của vô minh phiền não chưa diệt được. Trong khi đó, thiền Tứ Niệm Xứ thuộc về thiền tuệ giúp hành giả phát sinh trí tuệ, thấy rõ được thật tướng của vạn hữu và diệt trừ tận gốc vô minh phiền não đưa người tu thẳng đến giải thoát giác ngộ. Đây là liễu ngộ, chứng ngộ chớ không phải đốn ngộ của Tổ sư thiền. Thế thì ngộ đạo hay giải ngộ tức là kiến tánh dựa theo Thiền tông chỉ là bước đầu trong tiến trình tu Phật. Vì thế kinh Pháp Hoa xác định rằng “Khai, thị, ngộ, nhập Tri Kiến Phật” nghĩa là “ngộ” rồi mới tinh tấn tiếp tục tiến tu đến khi “nhập” mới thôi. Vì thế “đốn ngộ” hay “kiến tánh” đã là rất khó, nhưng nó mới chỉ là Chánh kiến trong Bát Chánh Đạo mà “thâm nhập” tức là “thực hành Chánh niệm, Chánh định cho đến khi liễu ngộ tức là chứng ngộ thì mới được hoàn toàn giải thoát sinh tử luân hồi.

Tóm lại, thiền Tứ Niệm Xứ đưa hành giả thành tựu tri kiến thật (tuệ tri) bằng cách quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm và quán pháp trên pháp để thấy như thật thân, như thật thọ, như thật tâm, như thật pháp. Nếu hành giả chuyên cần vào đó cả ngày lẫn đêm không ngừng nghĩ, không vướng vào tham tâm, sân tâm, si tâm thì người đó sẽ có tâm thật thanh tịnh an lạc và có giải thoát giác ngộ. Đến đây hành giả thấu triệt thật tướng của vạn pháp, hoàn toàn nhận thức bản chất thật sự của ngũ uẩn nên không còn dính mắc, bám vúi vào bất cứ thứ gì trên thế gian.

Ngày xưa đức Phật không để ý đến lý luận, không chạy theo ý thức, không cần nói chuyện siêu hình mà hoài bảo của Ngài là tìm con đường giải thoát vì thế toàn bộ giáo lý Phật Đà diễn tả lại những pháp hội rất đơn giản, rất dễ hiểu, nhưng đi thẳng vào vấn đề để giúp đệ tử Ngài dễ thực hành mà có thực chứng. Cốt lũy của giáo lý Phật Đà là Tứ Diệu Đế mà Bát Chánh Đạo là tám nhánh đưa hành giả từ phàm đến Thánh thì Tứ Niệm Xứ là chi thứ bảy tức là Chánh Niệm. Thông thường con người có thói quen thấy biết vạn pháp bằng tưởng tri hoặc thức tri  nghĩa là thấy biết qua ký ức hay kiến thức mà phần lớn là thủ đắc từ vay mượn bên ngoài, nên chỉ thấy được nghĩa khái niệm hay danh tự khái niệm mà phần lớn chỉ là ảo tưởng không thật, chứ không thấy được thực tánh hay chân diện mục của pháp. Trong khi đối tượng của trí tuệ thiền tuệ, dưới hình thức tuệ tri trong chánh niệm (sati), tỉnh giác thì đó phải là “thực tánh pháp” .

Do đó không có một hành giả nào trên thế gian này từ ngày đức Phật thành đạo cho đến nay mà muốn đạt đến cứu cánh tối thượng giải thoát giác ngộ mà không thực hành Tứ Niệm Xứ.

4)Phát tâm cứu tất cả chúng sinh: Chúng sinh có hai loại: Chúng sinh bên ngoài là con người hay những loài hữu tình, còn chúng sinh ở bên trong nội tâm của mình là tư tưởng về: Noãn sanh, Thai sinh, Thấp sinh, Hóa sinh, Hữu sắc, Vô sắc, Hữu tưởng, Vô tưởng, Không phải có sắc mà có sắc, Không phải vô sắc mà vô sắc, Không phải có tưởng mà có tưởng, Không phải vô tưởng mà vô tưởng. Độ sinh là một nghệ thuật sống cao đẹp, phát sinh từ tâm từ bi. Nếu không có tâm từ bi thì không thể thực hành hạnh bố thí. Ngoài ra, muốn bố thí đạt đến cứu cánh, thì phải hợp với tinh thần Ba la mật mà kinh Kim Cang gọi là “Bố thí vô tướng, độ sinh vô ngã” nghĩa là khi giúp người mà chúng ta hoàn toàn không thấy mình là người ban ơn, chúng sanh là kẻ chịu ơn. Có như vậy chúng ta mới phục vụ người khác bằng một tấm lòng trong sáng, không có tính toán, mưu mô.

Nhưng độ chúng sinh mà kinh ám chỉ ở đây là độ những chúng sinh ở trong tâm của mình. Có những lúc tâm ta biến thành chúng sinh ngạ quỷ cực tham cực si, có lúc khác biến thành chúng sinh địa ngục đau khổ muôn vàn, thành A tu la…thì chúng ta phải độ nó, phải chuyển hóa nó trở về với Tri Kiến Phật, với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình. Ngay cả những lúc bình thường như chúng sinh nhân thừa thì chúng ta cũng cố gắng độ nó biến nó lên cao, đạo đức thánh thiện hơn. Và sau cùng chúng sinh muốn hướng về giải thoát thì chúng ta cũng độ nó, thực hành thiền quán thanh lọc thân tâm trí tuệ bừng sáng thì có giải thoát giác ngộ.

Vì vậy nếu chúng ta độ chúng sinh bên ngoài mà quên không độ chúng sinh bên trong thì cái gốc vô minh phiền não vẫn còn. Thí dụ như chúng ta bỏ ra biết bao tiền của để cứu giúp người nghèo, bệnh tật, bảo lụt, động đất, xây chùa…nhưng nếu chúng ta không độ chúng sinh tâm như tham, sân, si, mạn, nghi, phú, não, tật, đố…thì vẫn bị phiền não hoành hành như thường, không bao giờ có an lạc được. Vì thế người có tâm an định bên trong thì sẽ không lo sợ giặc phiền não bên ngoài bởi vì nếu mình không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho mình được.

Bồ-tát Phổ Hiền bạch Phật:

-Thế Tôn ! Năm trăm năm về sau, trong đời ác trược, nếu có người thọ trì kinh Pháp Hoa, con sẽ bảo hộ họ, trừ các suy tổn, hoạn-hoạn, lảm cho họ được an ổn và khiến các loài ma quỷ đều không có dịp làm hại.  Ai trong lúc đi đứng mà thọ trì đọc tụng kinh này, thì con sẽ cỡi tượng trắng cùng chư Đại Bồ-tát, hiện ra trước người đó để cúng dường, bảo hộ và an ủi tâm người đó, bởi lẽ  phải cúng dường kinh Pháp Hoa.  Nếu người đó ngồi suy gẫm nghĩa kinh, thì con cũng cỡi voi trắng hiện ra cùng người ấy chung đọc tụng và làm  cho họ thông thuộc,  nếu có người quên mất một câu hay một bài kệ của kinh. Người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa mà được thấy thân con thì lòng rất vui mừng, lại thêm tinh tấn và được tam muội cùng các “ triền đà-la-ni”, “ pháp âm đà-la-ni…

Tại sao lại phải năm trăm năm sau mà không là 1.000 năm hay con số khác? Kinh dùng con số năm trăm là ám chỉ cho con số năm tức là ngũ uẩn. Con người vì tin chắc rằng thân mình là thật, là Ta, là của Ta và là sở hữu của Ta, sống giữ chết mang theo cho nên có sống chết, tranh đấu để bảo vệ Ta và cái của Ta vì thế mới có phiền não, khổ đau. Vì thế mới phát sinh ra đời ngũ trược tràn đầy đau khổ. Do đó nếu chúng sinh biết tinh tấn dũng mãnh, biết Chánh tư duy, Chánh niệm quán chiếu biết rằng ngũ uẩn là không thật, là do duyên giả hợp chớ không có gì là chân thật thì người đó sẽ trở về với thọ trì kinh Pháp Hoa để sống với Tri Kiến Phật của chính mình. Lúc đó tâm trí bừng sáng để nhận chân rằng mình là vô ngã, và thế giới cũng là vô ngã thì sẽ không có gì ngăn ngại, cuộc sống sẽ vô cùng an nhiên tự tại. Như vậy vào thời điểm mình thọ trì kinh thì Phổ Hiền hiện ra nghĩa là tâm tánh mình là Phổ Hiền và nhờ sức tinh tấn tư duy thiền định đó sẽ mở mang trí tuệ cho thêm trong sáng bởi vì có định thì sẽ sinh ra trí tuệ. Nói cách khác cái tâm tinh tấn dũng mãnh thọ trì học kinh Pháp Hoa  là đã có Bồ Tát Phổ Hiền giúp đở ta rồi nghĩa là Phổ Hiền chính là Ta và Phổ Hiền đã vào trong lòng Ta rồi đó.

-Thế Tôn !  Năm trăm năm về sau, trong đời ác trược, trong hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nếu có người  cần mẫn thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh này mà muốn tu tập, thì trong 21 ngày, phải một lòng tinh tấn.  Mãn 21 ngày rồi, con sẽ cỡi voi trắng sáu ngà cùng vô lượng Bồ-tát vây quanh, hiện ra trước người đó để nói pháp chỉ dạy sự lợi ích vui mừng và cho chú đà-la-ni. Được chú này rồi, thì không có loài phi-nhân nào có thể phá hoại được, cũng không bị nữ nhân hoặc loạn.

Khi nói về giáo nghĩa phương tiện, Bồ-tát Phổ Hiền thường thị hiện cỡi voi trằng sáu ngà có nghĩa là ngài dùng đại hạnh hóa độ chúng sinh, đưa họ từ bờ mê đến bến giác. Con voi trắng sáu ngà tượng trưng cho Lục độ là Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ. Mặc dù bể khổ thì rộng lớn mênh mông còn chúng sinh thì vô lượng, nhưng ngài vẫn không ngại nhọc nhằn tiếp tục cứu vớt chúng sinh kiếp này sang kiếp khác. Với chiếc chèo bố thí, cánh buồm tinh tấn, mục tiêu thiền định, tay lái trí tuệ, Phổ Hiền Bồ-tát luôn kiên nhẫn tiến tới mà chẳng ngại sóng gió để cứu giúp chúng sinh.

Trong Phật giáo 7 ngày, 14 ngày hay 21 ngày là thời gian làm chuẩn để tu tập. Nếu công phu được thành tựu, trí tuệ bừng sáng để trực nhận chân lý thì tất cả ma quỷ, vọng kiến tình thức sẽ không còn quấy phá họ được nữa. 

Trong thế gian nầy có rất nhiều loại ma mang nhiều hình tướng khác nhau để làm cho con người khiếp sợ, nhưng đại để có những loại ma như sau:

1)Phiền não ma: Kiến hoặc và tư hoặc là những nguyên nhân để phát khởi những phiền não khổ đau trong tâm của con người. Phải thấu hiểu vạn pháp giai không, duyên sanh như huyễn để loại bỏ tánh tham, tật đố, tránh xa tham dục thì tâm được thanh tịnh.

2)Ngũ uẩn ma: Năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức quay cuồng, thay đổi không ngừng nên chấp thân này là Ta, là của Ta khiến vọng tưởng phát sinh làm cho con người đau khổ. Bây giờ quán chiếu ngũ uẩn giai không để sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình thì tuy có thân tâm mà không chạy theo ngoại trần. Trong Ngã không ngoài Pháp không, trong ngoài tự tại là có an lạc.

3)Pháp hành ma: Con người vì chạy theo tham dục nên gây ra nghiệp mà phải chịu quả khổ đời đời. Chính mình là người thợ tự vẻ cho cuộc đời của mình ở kiếp sau cho nên nếu muốn được an vui hạnh phúc thì đừng tạo nghiệp. Thực hành rốt ráo câu: “Nên làm tất cả các điều lành, tránh xa các  điều ác, giữ tâm ý thanh tịnh”.

4)Tứ diệt ma: Vì thân là vô thường nên con người phải đối diện với sinh lảo bệnh tử. Cứ một giây trôi qua, chúng ta già đi một chút. Con người hàng ngày chết lần chết mòn chứ đâu phải đợi đến xuôi tay nhắm mắt mới gọi là chết. Biết thân là vô thường thì tâm không lo âu, phiền muộn.

5)Tử ma: Có sinh là có tử ngay cả ông Bành Tổ mà còn phải chết thì luật vô thường không thương xót một ai. Có người khéo tu thì khi chết mình làm chủ được thần thức trong thân trung ấm nên dễ dàng đi tái sinh vào cõi lành. Còn người tạo nhiều nghiệp bất thiện thì nghiệp lực đưa đẩy thần thức họ tái sinh vào nơi xứng đáng với quả nghiệp của họ để thọ nhận cảnh khổ. Vấn đề chết là một đề tài tranh luận khá sôi nổi của các bộ phái. Có câu hỏi rằng thời điểm chết của mỗi người có luôn luôn được xác định trước bởi nghiệp quả của người ấy, hay một cái chết đến sớm hay muộn hơn và không được xác định trước bởi nghiệp quả cũng có thể xảy ra? Nói cách khác con người trong quá khứ đã tạo biết bao hành nghiệp. Mỗi nghiệp chính là một nét vẽ, một vết mực điểm tô dần dần để hoàn thành bức tranh cho cuộc đời của mình ở đời sau. Vì thế khi nhắm mắt lìa đời thì bức tranh do chính tự tay họ vẽ đã hoàn tất tức là tất cả những nghiệp quả quyết định tương lai của người đó sẽ tái sinh về đâu “tức thì” hay phải cần thời gian để nó gom đủ trước khi chuyển theo nghiệp lực.

Ngay trong thời kỳ bộ phái,có 5 trường phái tuyệt đối tin rằng việc tái sinh vào một thân xác mới “tức thì” xảy ra ngay sau khi chết. Trong khi đó, cũng có 5 trường phái khác lại tin rằng phải có một giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết có thể kéo dài đến 49 ngày. Và trong suốt thời gian đó, tâm thức dần dần chuẩn bị đời sống mới cho chính mình tùy theo nghiệp lực. Ngoài ra thời gian này được dùng để các vị thánh đạt đến Niết bàn mà khi còn sống họ chưa đạt đến được.

Trong Phật giáo không có địa ngục thật và dĩ nhiên không bao giờ có cảnh súc sanh, ngạ quỷ địa ngục cho những người không có tâm tham-sân-si, mà địa ngục là chỉ do Nghiệp Thức biến hiện. Khi người mới chết thì thần thức thấy những hình tượng đầy vẻ ma quái rùng rợn như muốn nhảy tới phanh thây, nhai nuốt người chết. Tất cả những hiện tượng kinh hoàng đó thật ra đều do nghiệp lực  chiêu cảm, nhưng Thần thức không biết nên tin là thật. Do đó địa ngục là do tâm biến hiện chớ không do đấng thiêng liêng nào kiến tạo sẵn để trừng trị tội hồn. Vì thế dựa theo tinh thần Phật giáo, không có ai đủ tư cách bắt tội, định tội kẻ khác nên không có ông nào là quỷ sử Diêm Vương cả bởi vì:

“Tội là chi, phước là chi

Đa mang chi hai gánh nặng như chì

Ai bắt tội và ai là người chịu tội?”.

6)Chưthiên ma: Loại ma nầy có nhiều phước đức nên được ở trên các cõi Trời để hưởng ngũ dục lạc. Họ có nhiều thần thông nhưng tâm không thiện nên thường quấy phá hay gây những chướng ngại cho người tu hành cao.

Ma thì có nội ma và ngoại ma. Tuy ngoại ma đôi khi hóa hiện nhiều hình tướng ma quái khác nhau để hảm hại hay hù dọa con người, nhưng thật ra nội ma thì quan trọng hơn nhiều. Nội ma tuy không hình không tướng mà có đủ nội lực để sai khiến và đẩy con người vào hố thẳm của tội lỗi đau thương nên đạo Phật chỉ chú trọng đến nó để thanh lọc thanh tâm của mình. Người đạo tâm yếu thì bị ma quái chọc ghẹo, quấy phá và đôi khi còn bị hảm hại nữa. Còn những bậc đức độ cao dầy và ý chí sắt đá chẳng những không khiếp nhược trước bọn ma quỷ nầy mà họ còn đem lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình để hóa độ chúng trở về với chánh đạo.

Tóm lại, Bồ Tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà cùng vô lượng Bồ-tát vây quanh, hiện ra trước người đó để nói pháp có nghĩa là do chính mình công phu tu tập, trí tuệ sẽ phát sanh và chính mình sẽ có sự lợi ích vui mừng. Tuy nói là thần lực của Bồ Tát Phổ Hiền, nhưng thật ra đây là  thần lực của sự tinh tấn dũng mãnh tu tập của mình mà thành tựu được kết quả đó.

Thế gian, vũ trụ, muôn sinh, vạn vật, trời, Phật, thánh, thần, A tỳ, súc sinh, địa ngục tuy có rộng lớn, muôn hình vạn tướng nhưng đều phát khởi từ tâm. Do đó cứ mỗi giây, mỗi phút con người sống một trong thập pháp giới đó. Thật vậy, tâm là cội nguồn của chư Phật, là biển của muôn pháp, là đất tánh của chúng sinh. Đất thì sinh ra muôn sinh vạn vật còn tâm thì bao gồm muôn pháp, trăm khéo ngàn hay, huyền cơ diệu lý, mỗi mỗi đều từ tâm dựng lập. Vì thế khi chúng sinh phát hạnh tinh tấn thì tâm ấy chính là tâm Phổ Hiền chớ đừng hiểu là ngài Phổ Hiền vì nghe biết nguyện vọng chúng sinh nên từ xa đến để xoa diệu niềm đau nỗi khổ. Đây là lối “văn dĩ tải đạo” nghĩa là dùng lời văn mà chuyên chở đạo lý bên trong thế thôi. Còn con voi trắng sáu ngà phải được hiểu là tượng trưng cho sự kiên cường, sức chịu đựng bền bỉ của Bồ-tát. Do đó dựa theo liễu nghĩa đại thừa thì Phổ Hiền Bồ-tát cỡi voi trắng sáu ngà là ám chỉ cho chúng sinh đã phát tâm tinh tấn, kiên cố, chịu đựng bền bỉ không thoái bước trên con đường Vô thượng Bồ-đề chớ đừng sống trong ảo tưởng cho rằng có ngài Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà thật mà trông chờ, mong đợi, van xin, cầu lạy. Vì sao vậy? Bởi vì trong mỗi chúng sinh đã có sẵn Tri Kiến tức là Trí Tuệ Phật rồi, chỉ cần mình tinh tấn dũng mãnh tu tập (hạnh Phổ Hiền) thì cái trí tuệ đó sẽ hiển hiện. Đạo Phật dạy chúng sinh tin sâu vào nhân quả nghĩa là mình đầu tư cái nhân bao nhiêu thì chỉ gặt hái chừng ấy quả, không cầu không xin ai cả vì có cầu cũng chẳng được nào chỉ tăng trưởng lòng tham tức là tăng thêm nỗi khổ mà thôi.Vì thế ”Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết” nghĩa là dựa vào văn tự của kinh điển mà nói theo đó là oan cho ba đời chư Phật, còn rời bỏ kinh điển mà nói cho dù là một chữ cũng là ma nói. Khi nói về voi (tượng) thì trong Phật giáo có nhiều thứ tượng: Thứ nhất là tượng thường, rồi đến bạch tượng có sức mạnh bằng một ngàn tượng thường. Sau đó có hương tượng bằng một ngàn bạch trượng và sau cùng long tượng có sức mạnh bằng một ngàn con hương tượng. Vì thế các bậc chứng đắc, các vị giải thoát thường được gọi là các bậc long tượng. Ngày xưa đức Phật sau khi thành đạo, Ngài không cỡi con vật nào hết mà Ngài đi đâu cũng chính bằng đôi chân đạp đất của Ngài cho nên không có vị Bồ Tát nào cỡi con vật nào cả. Chẳng qua Phật giáo Đại thừa dùng những con vật đó là ám chỉ cho những đức tính đặc biệt mà thôi. Thí dụ con voi là ẩn dụ cho đức tính tinh tấn, kiên cố, dũng mãnh, chịu đựng bền bỉ. Ngoài con voi, con sư tử cũng là biểu tượng rất thông dụng trong Phật giáo như Bồ Tát Văn Thù cỡi sư tử hay đức Phật ngồi trên tòa sư tử. Vậy tòa sư tử hình dáng ra sao và do ai đúc hay khắc để đức Phật ngồi thuyết pháp? Thật ra vào thời đức Phật, Ngài thường ngồi trên tảng đá để nói pháp chớ chẳng có tòa sư tử gì cả. Nhưng những lời thuyết pháp của đức Phật dũng mãnh đã làm cho tất cả ma vương ngoại đạo phải lánh xa cũng giống như mỗi khi có tiếng rống của sư tử thì các loài hưu, nai, chồn, nhím biến mất không dám bén mảng thế thôi. 

Bạch xong, Bồ-tát Phổ Hiền đọc bài chú và tiếp thưa:

-Thế Tôn ! Bồ-tát nào nghe được chú nầy, phải biết đó là sức mạnh thần thông của Phổ Hiền. Ai thọ trì được kinh Pháp Hoa, thì đó là nhờ sức oai-thần của Phổ Hiền. Ai thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chính, hiểu nghĩa lý và chỉ thú của kinh, đúng theo lời kinh mà tu hành, thì người đó tu hạnh Phổ Hiền, ở nơi vô lượng Phật sâu trồng cội lành và được Như Lai lấy tay xoa đầu. Nếu chỉ biên chép không, thì khi mệnh chung, sẽ sanh lên trời Đao lợi, được thiên nữ trổi nhạc đón rước, vui chơi khoái lạc, đầu đội mũ bảy báu. Còn ai thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa, thì khi mạng chung, được ngàn đức Phật đưa tay tiếp dẫn khiến chẳng sợ sêt, chẳng đoạ vào nẻo dữ liền lên cung trời Đâu Suất được cùng chư Đại Bồ-tát và trăm ngàn muôn ức chư thiên cùng ở.

-Thế Tôn ! Con xin đem sức thần thông thủ hộ kinh Pháp Hoa để sau khi Như Lai diệt độ, tại cõi Diêm-phù-đề, làm cho kinh này lưu truyền rộng không cho đoạn tuyệt.

Nếu chúng sinh không để tâm nơi tư duy thiền định, không có chánh niệm thì không thể nào học kinh nầy, hành kinh này và sống theo kinh này được. Vì thế chúng sinh phải tinh tấn, dũng mãnh thọ trì, tu học kinh thì cũng như được Bồ Tát Phổ Hiền giúp đở. Từ sự tu tập, học và thực hành kinh Pháp Hoa đứng đắn thì cũng như được Như Lai lấy tay xoa đầu và lấy y trùm rồi đó. Bởi vì tu học và thực hành kinh Pháp Hoa là trở về sống với Tri Kiến Phật, là trí tuệ hằng sáng của mình. Thế thì cái tri kiến Phật mà kinh nói ở đây chính là trí tuệ tức là cái biết như thật về tánh Vô Ngã và lý Duyên Khởi của các pháp. Con người sẽ thoát khổ, theo Bát-nhã, khi thực hành trí tuệ Bát-nhã sâu xa, soi rọi rõ ngũ uẩn là Vô ngã tức là Không. Thấy biết ngũ uẩn là Vô ngã là thấy biết tất cả các pháp là Vô ngã nghĩa là khổ là Vô ngã và người cảm thọ khổ cũng là Vô ngã, bởi cả hai đều là duyên sinh. Quan trọng nhất là chúng sinh thấy rõ ngũ uẩn là Vô ngã thì không còn chấp thủ ngũ uẩn là mình, là của mình, hay là tự ngã của mình. Chấp thủ diệt thì ái diệt, khổ diệt. Đấy là đường vào giải thoát. Con người có trở về với bổn tánh, chơn tâm hay Phật tánh chỉ khi nào họ đạt được cái trí tuệ này. Lúc đó họ sẽ an trú trong sự thấy biết tánh bình đẳng của tất cả mọi sự vật hiện tượng và tất cả khái niệm hay ý niệm về những cặp phạm trù đối đãi phân biệt sẽ biến mất.

Ngũ uẩn đã phá thì con người sẽ sống vô cùng an vui tự tại thanh tịnh Niết bàn và dĩ nhiên con đường đi đến đến Phật quả không còn khó khăn nữa.

Vì tầm quan trọng đó của kinh Pháp Hoa nên chỉ cần biên chép kinh thôi cũng được phước báu sinh lên cõi trời, được đội mão bảy báu và được Thiên nữ  trổi nhạc đón chào. Còn những ai biết thọ trì, tu hành thì công đức to lớn không thể lường được. Công đức to lớn là vì họ biết thanh tịnh hóa thân, tâm nên sống gần với chơn tánh cho nên họ có nhiều an lạc tự tại.

Lúc bấy giờ, đức Thích Ca khen:

-Hay thay ! Hay thay ! Phổ Hiền ! Ông có khả năng hộ trợ Kinh này, làm cho chúng sanh được an vui lợi ích. Vì đã thành tựu nhiều công đức không thể nghĩ bàn, vì tâm từ-bi của ông đã sâu lớn vì từ lâu xa ông đã phát tâm cầu Vô-thượng-giác, cho nên nay mới năng phát nguyện thần thông thủ hộ kinh này. Ta sẽ dùng sức thần thông mà bảo vệ người thọ trì danh hiệu của Bồ-tát Phổ Hiền.

Người nào tinh tấn dũng mãnh thọ trì kinh Pháp Hoa là do Bồ Tát Phổ Hiền hổ trợ và dĩ nhiên được đức phật tán dương khen ngợi. Đức Phật hứa sẽ bảo hộ cho những người phát tâm trọ trì danh hiệu Bồ Tát Phổ Hiền để họ khởi lòng đại bi quán xét căn cơ chúng sinh rồi đi vào đời ngũ trược để tiếp độ chúng sinh khiến cho họ quay về tu học Pháp Hoa để sống với trí tuệ Phật của mình mà có giải thoát.

-Này Phổ Hiền ! Ai thọ trì, đọc tụng, sửa đổi những nhớ tưởng của mình cho chân chính, tu tập, biên chép kinh Pháp Hoa này, nên biết người ấy ắt thấy Phật Thích Ca nói ra, nên biết người ấy được Phật khen ngợi, nên biết người ấy được Phật Thích Ca lấy áo trùm thân. Người như thế thì không còn trở lại ham mê những vui sướng của thế gian, chẳng ưa thích kinh sách của ngoại đạo, cũng chẳng còn vui gần gũi ngoại đạo, kẻ ác, hàng thịt, người nuôi heo, dê, gà, chó, hoặc thợ săn, kẻ buôn nữ sắc. Người có tâm ý chân chất ngay thẳng, những nhớ tưởng đều chân chính, có phước đức lớn. Người đó chẳng bị ba món độc tham, sân, si làm não hại. Người đó ít ham muốn, biết đủ có khả năng tu hạnh Phổ Hiền.

Những người biết kính quý, đọc tụng, thọ trì kinh Pháp Hoa thì họ sống với Tri Kiến Phật của mình nghĩa là họ luôn sống trong tỉnh thức chánh niệm nên tránh xa những ảo tượng về thị dục, không chạy theo tham dục làm mê mờ chân tánh, thấu triệt chân lý Vô Ngã nên không chấp thân mình là thật, là Ta, là của Ta và thế gian cũng là duyên giả hợp nên lòng thênh thang tự tại không dính mắc, bám vúi, chấp thủ. Vì thế những người này được đức Phật khen ngợi, lấy tay xoa đầu và lấy y trùm cho. Bản hoài của đức Phật là muốn chúng sinh trực nhận ra Tri Kiến Phật của chính mình cho nên bất cứ ai thực hành theo bản hoài của Phật thì chắc chắn được Ngài khen ngợi và tán thán. Còn nói về “Lý” thì những ai nhận ra Tri Kiến Phật là cái thể sáng suốt, trí tuệ bừng sáng nên những thú vui tạm bợ của thế gian không làm cho họ nhiễm trước được. Lòng tinh tấn, sức dũng mãnh trong tâm hồn là những chất liệu nung nấu ý chí sắc đá giúp họ thanh tịnh hóa thân, tâm và sau cùng có được giải thoát giác ngộ thì đây là tu theo hạnh Phổ Hiền, lợi mình và lợi ích cho tất cả chúng sinh.

-Phổ Hiền ! Năm trăm năm sau khi Phật diệt độ, thấy người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa, thì phải nghĩ rằng người ấy chẳng bao lâu sẽ đến đạo tràng, phá các thứ ma, thành Vô Thượng Giác, chuyển pháp luân đáng trống pháp, thổi loa pháp, rưới mưa pháp, sẽ ngồi trên pháp toà sư tử trong đám trời người.

-Phổ Hiền ! Ở đời sau, ai thọ trì đọc tụng kinh này thì người đó chẳng còn ham ưa về quần áo, giường nằm, ăn uống.

Nói tóm là không còn thiết tha với những vật cần cho sự sống, còn có mong ước gì thì cũng không mong ước những việc hư huyễn, lại ngay trong hiện đời, được phước báo và thẳng tiến trên đường giải thoát.

-Thấy người thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa mà chê là người vô trí, điên cuồng, rốt cuộc không lợi ích gì, ai phạm tội ấy sẽ có báo ứng, đời đời không mắt. Trái lại, ai cúng dường khen ngợi, thì ngay trong hiện đời được quả báo tốt.

-Thấy người thọ trì, đọc tụng và vạch bày lỗi lầm của người ấy, dầu có dầu không, thì ngay trong hiện đời phải mắc bệnh cùi. Còn khinh cười thì đời đời răng nướu thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay chân cong queo, mắt lé, thân thể hôi dơ, ghẻ độc máu mủ, bụng thủng, thở ngắn và các bệnh nặng khác. Vì vậy, này Phổ Hiền, nếu thấy người thọ trì kinh nầy thì phải đứng dậy ra xa tiếp rước, như kính đón Phật vậy.

Người thực sự tiếp thu trọn vẹn kinh Pháp Hoa thì người này trồng sâu căn lành cho nên Phật mới nói người đó có thể đánh trống pháp, thổi loa pháp, rưới mưa pháp tức là người đó đủ tư cách chuyển pháp luân. Một khi biết sống với Tri Kiến Phật thì trí tuệ bừng sáng, tư tưởng trong sáng thanh tịnh và gần gủi với Phật tánh hơn người bình thường. Chẳng những họ đang đi trên con đường giải thoát giác ngộ mà họ còn khuyến khích, giúp đở tất cả mọi người cùng đi đến cứu cánh tối thượng đó.

Một người thấu hiểu Pháp Hoa, sống đúng với tinh thần Pháp Hoa thì nhìn cuộc đời giản dị hơn, không còn ham muốn, thích cuộc sống bình dị, nhẹ nhàng. Tại sao? Người bình thường thì còn chấp Ngã rất nặng nên quý trọng thân mình và những gì thuộc về mình. Thậm chí họ còn sống chết vì những thứ đó. Ngược lại một khi đã sống với tinh thần Pháp Hoa là sống với tinh thần Vô Ngã. Đó là Ta là không và thế gian vũ trụ cũng là không nên không còn dính mắc, bám vúi, chấp thủ vì thế cuộc sống trở thành đơn giản nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy đơn giản, nhưng rất thảnh thơi tự tại.

Trên thế gian này có hai con đường rất rõ ràng: Một là công danh phú quý, hai là chọn con đường giải thoát giác ngộ thì hành giả phải an phận thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp. Đây là hai con đường hoàn toàn khác nhau như hai con đường thẳng chạy song song, nhưng không bao giờ gặp nhau. Bạn không thể vừa làm vua vừa làm Phật được. Vào thời đức Phật tuyệt đối không hề có hiện tượng này. Điều này đức Phật không thực hành thì không một ai có thể làm được. Lý do rất đơn giản là một người giải thoát giác ngộ tức là đã chứng đắc chân lý Vô Ngã thì họ không còn ham hố danh vị của cuộc đời nữa. Khi công danh, địa vị, tiền tài không tách ra mà cùng với con đường tu hành để mong có sự an lạc giải thoát là điều không có thật. Vì thế người tu Phật là người dùng trí tuệ để biết chớ không phải để tin. Biết là trí tuệ, tin là cảm tình. Ngay cả Ôn Như Hầu cũng thốt lên rằng:

Mồi phú quý dữ làng xa mã,

Bả vinh hoa lừa gã công khanh,

Giấc Nam  Kha khéo bất bình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.

Thế nào là câm điếc tối tăm? Con người hằng ngày nói rất nhiều và nghe cũng lắm, nhưng thật ra cái nghe, thấy, biết này chỉ nằm trong vòng lẩn quẩn của vô minh phiền não, của sự phân biệt đối đãi, của hơn thua phải quấy lợi mình hại người. Do đó nói mà không đúng với sự thật, không hợp với chân lý thì lời nói kia chẳng có giá trị gì, đâu khác chi người câm. Còn tai chỉ muốn nghe lời ngọt diệu êm đềm, thị phi hoặc khi nghe lời mắng chửi thì khó chịu, bực mình. Nhưng trên đời hễ trung ngôn thì nghịch nhĩ, lời thật thường mất lòng tức là thuốc đắng mới đả tật. Vì vậy người không nghe nổi chân lý, không nghe được lời dạy của Thánh hiền th́ tuy có tai mà khác chi là người điếc. Thêm nữa, chân lý là sự thật vĩnh hằng, là ngọn đuốc tuệ soi sáng tâm chúng sinh cho nên nếu không nhận biết được chân lý thì tuy là ánh sáng mặt trời vẫn chiếu sáng, nhưng người đó có khác gì người đi trong tăm tối. Thêm nữa, nếu có chúng sinh chê bai, phỉ báng kinh Pháp Hoa thì sẽ bị quả báo là đui, điếc, câm, ngọng, thân hình lở loét hôi tanh, miệng thúi, răng xéo…là theo ý ở trên chớ không phải là đui, điếc thật. Vì hiểu biết một chiều nên có người lý luận rằng nếu không có Phật thị hiện ở thế gian thì đâu có kinh Pháp Hoa để chúng sinh đọc mà không hiểu thấu nên mới chê bai mà phải chịu quả báo đui điếc…Lý luận như vậy chẳng khác nào nói rằng đức Phật Thích Ca truyền lại bộ kinh Pháp Hoa làm cái bẩy để hại chúng sinh mang lấy bệnh tật sau này hay sao? Nói thế thì làm sao giải thích cho đúng với chân lý được. Thâm ý của kinh là cái thấy của một người mà không nhận thức đúng chân lý, không thấy được con đường giải thoát giác ngộ thì tuy mắt vẫn còn, nhìn rất rõ nhưng đây là cái thấy của vô minh, vọng chấp thì có khác gì người đui. Lỗ tai không nghe chân lý, không nghe nổi kinh liễu nghĩa thượng thừa thì lỗ tai tuy còn đó, nghe rất rõ, nhưng không chịu nghe lời thiện thì khác gì người điếc. Miệng tuy nói nhiều, nói rất hay, nhưng không nói lời thiện, nói đúng theo chân lý thì khác gì người câm.

Như vậy, người chê bai kinh Pháp Hoa có nghĩa là người đó không tiếp thu nổi chân lý, không nghe nổi chân lý, không thấy nổi chân lý, không đọc tụng nói ra chân lý được thì bản thân cuộc sống của người này có con mắt mà không tiếp nhận nổi chân lý thì khác gì người đui, có tai mà không nghe được chân lý thì khác chi là người điếc, có miệng mà không nói được chân lý thì khác gì người câm, hay nói những lời không có giá trị chẳng ai muốn nghe cả. Đó là chưa kể nếu trong cuộc sống mà không thực hành chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng, chánh niệm, chánh định thì người hiền, người trí xa lánh,  không muốn giao du với họ chẳng khác nào người có bệnh truyền nhiễm, ít có người muốn giao tiếp. Đừng bao giờ nghĩ rằng người chê bai kinh này thì bị Phật trời đọa nên bị những chứng bệnh nan y đó. Phật và Bồ Tát không bao giờ can dự vào chuyện ân oán nhân quả của chúng sinh.

Một khi chúng sinh biết xoay về sống với Tri Kiến Phật của mình để cho thân, tâm được trong sáng như lưu ly nghĩa là không còn vướng mắc vọng chấp mê lầm thì người đó đã thực hành đúng hạnh Phổ Hiền vậy.

Lúc Phật nói phẩm “ Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát này” có hàng hà sa Bồ-tát được muôn ức đà-la-ni. Chư Bồ-tát đông như bụi trong 3.000 đại thiên thế giới được đầy đủ hạnh Phổ Hiền.

Phầm Phổ Hiền đưa hành giả thẳng đến Thập địa Bồ Tát. Đến đây thì phần tự giác đã xong, nhưng phần giác tha chưa được viên mãn cho nên hành giả phải phát khởi lòng từ để làm lợi ích cho chúng sinh bằng cách noi theo hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền để khuyến khích chúng sinh tinh tấn dũng mãnh tiến tu và vượt qua những khó khăn trở ngại mà tiến thẳng về hướng giải thoát giác ngộ. Đến khi công hạnh tự giác và giác tha viên mãn thì thành tựu quả vị Phật.

 

NamMô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát.

NamMô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

NamMô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát.

Âm lịch

Ảnh đẹp