KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012
Lời Mở Đầu
Download Giọng Đọc Nguyên Hà & Mỹ Ngân
Diệu Pháp Liên Hoa có thể nói
là bộ kinh nổi tiếng nhất trong khu vườn kinh điển Phật giáo Đại thừa.
Kinh đạt đến địa vị tột cùng của nó là vua của tất cả các kinh vì kinh
ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc có lẽ vượt ra ngoài tầm tư duy, suy
luận của con người bình thường và có công năng đưa người tu thẳng đến
cứu cánh tối thượng là thành Phật. Trong kho tàng kinh điển Đại thừa,
kinh Pháp Hoa được truyền bá rất sớm và rất rộng rãi vào khoảng 700 năm
sau ngày đức Phật nhập diệt. Nếu dựa theo Hán tạng, kinh Pháp Hoa có tất
cả bảy quyển bao gồm hai mươi tám phẩm và có trên sáu vạn chữ với nghĩa
lý thâm sâu huyền diệu và được diễn tả như là một tác phẩm nghệ thuật
dưới dạng một vỡ kịch kết hợp tư tưởng rất chặt chẻ trải suốt chiều dài
của kinh. Tuy kinh có dài, ý nghĩa sâu xa, nhưng nội dung vẫn không ra
ngoài bảy chữ “Khai, thị, ngộ, nhập Tri Kiến Phật”.
Thật vậy, bản hoài của chư Phật xuất hiện trên thế gian này là khai mở,
chỉ bày khiến cho chúng sinh mở toang tri kiến Phật của mình và giúp cho
họ thanh tịnh hóa tri kiến Phật đó. Khai có nghĩa là mở ra cho nên “Khai”
Phật tri kiến là mở kho tàng tri kiến của Phật ra. Thị tức là chỉ cho
thấy cho nên “Thị” Phật tri kiến tức là chỉ cho chúng sinh thấy cái kho
tri kiến của Phật. Ngộ tức là bừng tỉnh mà thấy được sự thật (chân lý).
Sau cùng Nhập là đi vào, là chứng nghiệm chớ không phải chỉ đứng bên
ngoài mà nhìn vào mà phải chính mình nghiệm chứng sự thật đó. Do đó câu
“Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến” có nghĩa là Phật muốn đem
cái thấy biết của mình mà chỉ cho tất cả chúng sinh thấy để họ cũng có
thể tỏ ngộ được như Phật.
Kinh
Pháp Hoa nói về hoa sen, nhưng hoa sen ở đây phải chăng là hoa sen nơi
chính mình để có thể khai, thị, ngộ, nhập cái hoa sen Phật tánh ấy nơi
mình. Hoa sen sẽ vươn lên và nở rộ cũng như Phật tánh hiển bày cho nên
đạo Phật có mặt trên thế gian này để nhắn nhủ với nhân loại rằng tất cả
mọi người đã có đủ tri kiến Phật, giống y như Phật. Vì thế nếu con người
biết sử dụng tri kiến Phật thích đáng và hữu dụng vào trong cuộc sống
để hóa giải hết vô minh phiền não thì chính họ sẽ trở thành Phật chớ
không phải quả vị Phật là do bất cứ vị Phật nào ban thưởng cho ta được.
Trong Phật giáo không hề có con đường tắt, hay sự chứng đắc là do ai ban
cho ta mà phải bằng sự tinh tấn nỗ lực tu tập nghĩa là con người phải
tự mình cất bước bằng chính đôi chân của chính mình. Có đi sâu vào thiền
định, có tư duy quán chiếu, có gạn lọc ô nhiễm trong tâm thức, có sống
trong chánh niệm tỉnh thức để làm chủ được thân, khẩu, ý thì hoa sen từ
búp sẽ dần dần vươn lên khỏi mặt nước và nở rộ mà tỏa ra hương thơm khắp
cùng. Do đó đức Phật là đóa sen đã nở trước, nở toàn diện mà hiển bày
nhụy, gương, cánh, hột một cách viên mãn. Còn tất cả chúng sinh là những
búp sen, tuy chưa nở rộ, vẫn còn nằm dưới nước, nhưng nếu cố gắng vươn
lên thì một ngày nào đó sẽ vượt thoát khỏi chốn bùn nhơ mà thấy được ánh
sáng chân lý nhiệm mầu và nở rộ giữa ánh nắng bình minh trong lành
thanh thoát. Vì thế, đức Phật mới dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành nếu họ tinh tấn nỗ lực tu hành thì họ cũng sẽ thành Phật như ta vậy”.
Tuy cấu trúc của kinh Pháp Hoa bao gồm bảy chữ “Khai, thị, ngộ, nhập Tri Kiến Phật”, nhưng quan trọng nhất vẫn là bốn chữ “Nhập Tri
Kiến Phật”. Đó là phần thâm nhập tức là phần thực hành để hành giả có
thể tỏ ngộ và thực chứng được cái Phật tánh nhiệm mầu của mình và đây
được xem là phần quan trọng nhất của Diệu Pháp Liên Hoa kinh, bao gồm
sáu phẩm chót. Đến đây hành giả có thể sống trọn vẹn với trí tuệ Phật
hằng sáng thanh tịnh của chính mình.
Nhưng thế nào là Tri Kiến Phật, chơn tâm hay Phật tánh?
Tri
Kiến Phật là bản thể chân như, là vô nhất vật nên không thể dùng ngôn
ngữ văn tự của con người diễn giải được, nhưng ở đây kinh Pháp Hoa lần
đầu tiên trong kho tàng kinh điển Đại thừa đã hé mở bức màn bí mật để
hành giả Pháp Hoa có cái nhìn rõ ràng rốt ráo hơn về ý nghĩa của trí tuệ
Phật. Vì thế mục đích của người thọ trì kinh Pháp Hoa là phải đạt đến
cứu cánh tối thượng đó để mang lại cho mình sự thanh tịnh, an lạc, tự
tại, giải thoát và giác ngộ trong cái cõi đời có tan có hợp này.
Cấu
trúc của kinh Pháp Hoa rất rõ ràng mạch lạc, Bồ Tát Văn Thù tượng trưng
cho đại trí tuệ nên xuất hiện ở phẩm đầu để khai thị, chỉ bày khiến cho
chúng sinh tỏ ngộ và sống với tri kiến Phật của mình để chuyển khổ đắc
lạc và liễu sinh thoát tử. Nếu con người không chạy theo vô minh bất
giác làm nô lệ cho vật chất giả tạm mà sống theo chơn tánh hằng sáng
thanh tịnh của mình thì đời này làm gì còn khổ, thế gian này sẽ trở
thành cực lạc thanh tịnh Niết bàn. Con người có trở về với bổn tánh,
chơn tâm hay Phật tánh chỉ khi nào họ đạt được cái trí tuệ này và lúc đó
họ sẽ an trú trong sự thấy biết tánh bình đẳng của tất cả mọi sự vật
hiện tượng và tất cả khái niệm hay ý niệm về những cặp phạm trù đối đãi
phân biệt sẽ biến mất. Sau cùng Bồ Tát Phổ Hiền xuất hiện ở phần cuối để
khuyến khích, yểm trợ cho sự hành trì kinh Pháp Hoa trong hiện tại và
trong tương lai. Đó là “Tri Hành” hợp nhất vậy. Sự huyền diệu là ở cách
thực hành, sự hiểu biết rốt ráo để ứng dụng nó vào trong cuộc đời mà
lìa khổ đắc lạc. Cái lạc tối thiểu là có hạnh phúc cho chính bản thân và
cho gia đình mình và cái lạc tối đa là sống đúng với “Tri Kiến Phật” để
có được Vô thượng Bồ Đề Niết bàn giống như chư Phật vậy.
Vì
vậy muốn có kết quả viên mãn, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý Phật tử
đọc và tư duy từng phẩm một nhiều lần cho đến phẩm cuối cùng thì quý vị
sẽ tự mình tỏ ngộ được thâm nghĩa huyền diệu của kinh và sau đó tinh tấn
nỗ lực thực hành để trở về sống với trí tuệ Phật vĩnh hằng ở trong ta
nghĩa là hành giả Pháp Hoa phải Tri Hành hợp nhất thì mới đem lại kết
quả lớn lao cho mình được.
Kinh
thì thậm thâm vi diệu còn tri thức của chúng tôi thì nông cạn, thô
thiển cho nên trong bộ kinh giải này sẽ có nhiều chỗ thiếu sót, sai lầm.
Kính mong chư vị Thiện tri thức bổ túc cho. Chân thành cảm tạ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Viết tại Washington
Mùa Phật Đản 2556, năm Nhâm Thìn 2012
Lê Sỹ Minh Tùng