KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI


Lê Sỹ Minh Tùng PL. 2556 DL. 2012
30/06/2012 14:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 113780
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012

Chương Thứ Chín

Phẩm THỌ HỌC VÔ HỌC NHÂN KÝ

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà

 

Đến đây đức Phật bắt đầu thọ ký cho những người hữu học và vô học sẽ thành Phật. Hữu học có nghĩa là đang còn phải học hỏi và tu chứng. Đó là các vị tu chứng các quả như Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm. Còn những người vô học là những bậc đã chứng thánh quả A la hán.

Lúc bấy giờ A-nan và La-hầu-la nghĩ thầm:“Nếu mỗi chúng ta đều được thọ ký thì sung sướng biết bao”.  Hai vị liền đến trước Phật làm lễ, bạch rằng: “Chúng con nghĩ cũng có phần được thọ ký, vì bao giờ cũng quy hướng về Như Lai. Lại chúng con là người quen biết  của tất cả trời, người và A-tu-la trong thế gian. A-nan là người hầu và hộ trì tạng pháp, còn La-hầu-la là con của Phật, nếu hai chúng con được thọ ký thì nguyện của chúng con sẽ mãn mà chỗ trông mong của chúng con cũng được đầy đủ”.

Hai ngàn đệ tử Thanh Văn, bậc hữu học và vô học cũng đứng dậy lễ Phật, chấp tay  chiêm ngưỡng dung nhan Thế Tôn, tỏ ý cùng một sở niệm với A-nan và La-hầu-la.

Tôn giả A Nan và La Hầu La là hai người rất thân thích của đức Phật và là những vị Tỳ kheo rất trẻ so với các vị trưởng lão Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…Trong khi ngài A Nan xao lãng việc tu hành thì Tôn giả La Hầu La vừa mới ngoài hai muơi đã chứng Thánh quả, trở thành đệ nhất mật hạnh trong số 10 đại đệ tử của Phật Đà. Mật hạnh là giới hạnh, là đạo đức sâu kín bên trong chớ không biểu lộ ra ngoài. Một người bên ngoài thì nhìn rất bình thường, thậm chí đôi khi còn tầm thường nữa là khác, nhưng bên trong thì có đầy đủ đức hạnh từ bi hỷ xả, dứt trừ phiền não vô minh, tâm hồn trong sáng tự tại thì mới là mật hạnh. Ngược lại trong thế gian nầy có rất nhiều người bên trong thì dẫy đầy Tham-Sân-Si, mạn, nghi, tật đố, hỷ nộ ái dục nhưng bên ngoài thì làm ra vẽ trang nghiêm điềm đạm, nói năng đạo đức quân tử. Thời nay thì những người giả nhân giả nghĩa hay ngụy quân tử nầy rất nhiều nên nhà Phật mới có câu:

Giả trang thiền tướng,

  Cầu bỉ cung kính” là vậy.

Vì thế đạo Phật khuyên chúng sinh nên phát triển mật hạnh của chính mình vì đây chính là chất xúc tác để mở con mắt tâm mà thấy được Chân Lý.

Thấy hai vị đứng dậy mong được Phật thọ ký thì trong pháp hội có 2.000 đệ tử vừa hữu học vừa vô học đồng hưởng ứng cùng mong được Phật thọ ký.

Phật bảo A-nan:

-Đời sau, ngươi sẽ được làm Phật hiệu là Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai… Ngươi sẽ cúng dường 62 ức Phật, hộ trì tạng pháp, rồi sau được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác giáo hóa 20 ngàn muôn ức hằng hà sa Bồ tát…khiến những Bồ tát ấy thành tựu đạo Bồ đề.

Nước của Phật Sơn Hải Huệ tên là Thường Lập Thắng Phan, thanh tịnh đất bằng lưu ly. Kiếp của Phật tên Diệu Âm Biến Mãn, thọ mạng của Phật vô lượng và mười phương Như Lai đồng ca ngợi công đức của Phật”.

Trước hết Phật thọ ký cho Tôn giả A Nan sau khi cúng dường 62 ức Phật, hộ trí Chánh Pháp rồi sẽ thành Phật hiệu là Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai tại thế giới Thường Lập Thắng Phan và kiếp của Phật là Diệu Âm Biến Mãn có thọ mạng vô lượng.

Tôn giả A Nan tuy chưa thành A La hán, nhưng ngài nổi danh là đệ nhất đa văn nghĩa là sự hiểu biết của ngài rộng lớn, cao như núi, rộng như biển cho nên khi thành Phật thì Phật hiệu của ngài cũng tương xứng như vậy nghĩa là trí tuệ của ngài rộng lớn bao la sâu thẩm như biển rộng, cao siêu như núi lớn, thông suốt tự tại, bất tư nghì tức là Sơn Hải Tuệ.  Nhưng làm thế nào có thể  cúng dường 62 ức Phật được? Tìm đâu cho ra 62 ức Phật để cúng dường? Phật mà kinh nói ở đây không phải là ứng thân Phật như đức Phật Thích Ca trong thế giới Ta Bà này mà chính là Pháp thân Phật, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, là cái tâm Phật vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh. Vì thế khi làm một việc thiện, nói lời lành, ý nghĩ trong sáng thì ngay thời điểm đó chính ta đã cúng dường cho Phật tâm, Phật tánh của chúng ta rồi. Mỗi ngày trong tâm của chúng ta có biết bao tâm niệm, miệng ta nói biết bao nhiêu lời và thân ta làm biết bao hành động. Bây giờ nếu con người sống trong tĩnh thức chánh niệm thì mỗi ngày họ nên chuyển tất cả những ý niệm thành ra ý niệm lành, chỉ nói lời nói thiện và dĩ nhiên làm những việc tốt thì chính họ đã cúng dường vô lượng vô biên chư Phật trong tâm của họ rồi. Vì thế nếu chúng sinh biết giữ tâm ý khiến cho thân khẩu ý được thanh tịnh thì chính họ đã cúng dường cho vô lượng hằng sa Phật. Có được như vậy thì tâm mới Định và từ đó trí tuệ sẽ phát sinh để chứng nghiệm chân lý tức là thành Phật.

Có vài tư tưởng để trao dồi thân tâm, giữ vững chánh niệm:

- Sở dĩ con người đau khổ chính vì họ mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.

- Nếu ta không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho mình được. Vì chính tâm ta không buông xuống nỗi.

- Chính ta phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương ta, ta phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực.

-Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.

-Nói năng đừng có tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cán của mình, đừng phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa thù thành bạn.

- Thế giới vốn không thuộc về mình, vì thế ta không cần vứt bỏ nó, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.

- Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Bạn muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.

-Chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nhưng chúng ta có thể sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ.

-Khi ta vui, phải biết rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi ta đau khổ thì hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.

Tại sao thọ mạng của Phật Sơn Hải Tuệ là vô lượng? Không lẽ Phật sống đời không chết? Nếu nói về ứng thân Phật như Phật Thích Ca thì phải chịu sinh, lão, bệnh, tử của luật vô thường của tạo hóa. Nhưng Phật mà kinh nói ở đây chính là Pháp thân Phật. Trong thế giới bản thể Chơn Không thì không có khái niệm về không gian và thời gian nên tuổi thọ của Phật là vô lượng.

Cõi nước của ngài là Thường Lập Thắng Phan nghĩa là thường dựng cây cờ chiên thắng bởi vì với trí tuệ sâu thẳm như biển cả, núi cao thì không có tà thuyết ngoại đạo nào có thể địch nổi. Kiếp tên Diệu Âm Biến Mãn tức là kiếp đó có tiếng nhiệm mầu khắp cả.

Nói xong, Thế Tôn đọc một bài kệ lập lại nghĩa trên.

Lúc bấy giờ, 8.000 Bồ tát mới phát tâm, đều nghĩ:“Chúng ta chưa nghe các vị Bồ tát lớn được thọ ký như thế, cớ sao mà các Thanh Văn lại được như vậy”.

Đức Phật biết tâm niệm ấy, bèn bảo rằng:

-Nầy các thiện nam tử, ấy vì ở nơi Phật Không Vương, ta và A-nan đã đồng thời phát tâm cầu sự giác ngộ vô thượng. A-nan thường ưa học rộng, còn ta thì siêng cần tinh tấn, cho nên ta đã được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, còn A-nan thì theo bản nguyện, hộ trì pháp ta và trong tương lai, tiếp tục hộ trì pháp tạng của Chư Phật, để giáo hóa thành tựu chư Bồ tát. Bổn nguyện của ông như thế nên đặng thọ ký dường ấy.

Trong Phật giáo Đại thừa thì danh từ Bồ Tát được dùng cho tất cả mọi người phát tâm tu theo con đường đại hạnh vì người cứu độ chúng sinh. Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy thì danh từ Bồ Tát chỉ dành để gọi cho Thái tử Tất Đạt Đa trước khi tu thành Phật. Con số 8.000 Bồ Tát mới phát tâm là ẩn dụ của kinh bởi vì kinh lấy số 8 để ám chỉ cho bát thức tâm vương: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt na thức và A lại da thức. Mới phát tâm nghĩa là còn phải tu đến khi chuyển A lại da thức thành Như Lai Tạng, Bạch Tịnh Thức tức là Đại Viên Cảnh Trí thì công thành quả mãn.

Nhắn lại trong kinh Lăng Nghiêm, có 52 giai vị mà một Bồ Tát phải trải qua:

Ø    Thập Tíncó công năng giúp cho hành giả thành tựu tín hạnh.

1)Tín tâm: Nhất tâm quyết định, mong muốn thành tựu Phật quả.

2)Niệm tâm: Thường tu niệm Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, thiên.

3)Tinh tấn tâm: Nghe Bồ tát tạng, siêng năng tu tập thiện nghiệp không gián đoạn.

4)Định tâm: Tâm an trụ vào sự vào nghĩa, xa lìa cả hư ngụy, phù phiếm và nhớ tưởng phân biệt.

5)Huệ tâm:Nghe Bồ tát tạng, tư duy quán sát, rõ biết các pháp vô ngã vô nhân, tự tánh không tịch.

6)Giới tâm: Thọ trì giới luật của Bồ tát khiến cho thân, khẩu, ý thanh tịnh, không phạm các lỗi, nếu nó phạm thì sám hối trừ hết.

7)Hồi hướng tâm: Hồi hướng các thiện căn cho tất cả chúng sinh.

8)Hộ pháp tâm: Phòng hộ tâm mình, không khởi phiền não.

9)Xả tâm: Buông xả tất cả.

10)Nguyện tâm: Lúc nào cũng nguyện tu tập các điều thanh tịnh.

Ø    Mười Thánh vị sau là Thập Trụ:

1)Sơ Phát Tâm Trụ: Khi đã phát được tín tâm ở trên thì bây giờ Bồ Tát phát triển thêm trí tuệ, khế hợp với chân lý Và tin vào tự tâm của mình là Phật, phát tâm rộng lớn và tu hành viên mãn để hoàn thành Phật đạo.

2)Trị Địa Trụ: Nương theo tâm tánh chân thật để trừ sạch những thói quen, những tập khí mê lầm.

3)Tu Hành Trụ: Tâm tánh hiện tiền, mọi việc sáng tỏ, dạo khắp mười phương  làm Phật sự mà không chướng ngại.

4)Sinh Quý Trụ: Nhờ diệu hạnh ở trước khế hợp với diệu lý nên sinh vào nhà Phật làm Pháp vương tử.

5)Phương Tiện Cụ Túc Trụ: Tu tập vô lượng thiện căn, tự lợi, lợi tha, phương tiện đầy đủ.

6)Chính tâm trụ: Tâm tướng đồng như Phật, từ bi hóa độ chúng sinh cũng đồng như Phật.

7)Bất thoái trụ: Phát triển cả từ bi lẫn trí tuệ để cho ngày một thêm tiến mãi đến chỗ diệu viên.

8)Đồng Chân Trụ: Có đầy đủ mười thân của Như Lai là Bồ Đề thân, Nguyện thân, Hóa Thân, Lực thân, Trang nghiêm thân, Uy thế thân, Ý sanh thân, Phúc thân, Pháp thân và Trí thân. Tuy chưa được Nhất thiết Chủng trí, nhưng hành giả có đầy đủ trí thể nghĩa là tâm ấy là Phật.

9)Pháp Vương Tử Trụ: Ra khỏi thánh thai, chính mình làm Phật tử.

10)Quán Đảnh Trụ: Bồ Tát đã là Phật tử, làm được Phật sự cho nên Phật dùng nước trí  Quán Đảnh cho vị ấy.

Ø    Mười Thánh vị sau là Thập Hạnh:

1)Hoan hỉ hạnh: Hành giả dựa theo phương tiện đầy đủ tu hành, lìa bỏ được ý riêng mà tùy theo căn cơ dục vọng của chúng sinh mà hóa độ họ.

2)Nhiêu ích hạnh: Khi tiêu trừ hết các phiền não khổ đau thì có cái an lạc Bồ Đề để làm những việc lợi ích cho tất cả chúng sinh.

3)Vô sân hận hạnh: Phật giáo Đại thừa chủ trương tự giác cốt để giác tha nghĩa là tùy duyên, tùy thời hóa độ, không trái với căn cơ của chúng sinh.

4)Vô tận hạnh: Tùy thuận các loài mà hiện thân hóa độ, phát Bồ Đề nguyện rộng lớn không cùng.

5)Ly si loạn hạnh: Thấu hiểu thật tướng của vạn pháp là vô tướng tức là Không tướng nên tùy theo căn cơ mà dạy bảo tất cả pháp môn, không có sai lầm.

6)Thiện hiện hạnh: Biết không có pháp thì thân khẩu ý vắng lặng, không còn trói buộc, không đắm trước mà không bỏ việc giáo hóa chúng sinh.

7)Vô trước hạnh: Trải qua các cõi nhiều như số hạt bụi cho nên cúng Phật cầu pháp mà tâm không nhàm chán. Vì vắng lặng quan sát các pháp nên không đắm trước đối với tất cả.

8)Tôn trọng hạnh: Tôn quý tu tập các pháp như thiện căn, trí tuệ…nên tất cả đều thành tựu, nhờ đó càng tiến tu hạnh tự lợi và lợi tha.

9)Thiện pháp hạnh: Thành tựu các pháp như Tứ vô ngại…thành tựu các thiện pháp giáo hóa, giữ gìn chánh pháp, không là tuyệt hạt giống Phật.

10)Chân thật hạnh: Thành tựu Đệ Nhất Nghĩa Đế như lời nói mà thực hành, thực hành như lời nói tức là lời nói đi đôi với hành động. Tất cả các hạnh đều không rời thật tướng, không có sinh, không có ngăn trở, tất cả đều là tự tánh thanh tịnh bản nhiên.

Tóm lại, tu Thập Hạnh hành giả có 4 mục đích:

1)Nhàm chán thế giới hữu vi.

2)Cầu Bồ Đề, đầy đủ Phật đức.

3)Muốn cứu độ chúng sinh trong đời hiện tại và vị lai.

4)Cầu Thật tế, chứng Pháp Như.

Ø    Mười Thánh Vị sau đó là Thập Hồi Hướng:

1)Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sinh Ly Chúng Sinh Tướng Hồi Hướng: Hành giả tu hành, trí tuệ mở mang, phương tiện đầy đủ, trong Nhất Nhân Pháp Giới làm các Phật sự, đồng thời xa lìa những vọng tưởng còn lại. Trong khi hóa độ chúng sinh diệt cho hết các ý niệm tướng năng độ, sở độ mà xoay tâm vô vi hướng về tự tánh Niết bàn.

2)Bất Hoại Hồi Hướng: Diệt trừ những cái có thể diệt trừ và xa rời tất cả các sự xa rời.

3)Đẳng Nhất Thiết Phật Hồi Hướng: Đống với sự hồi hướng của chư Phật 3 đời nghĩa là tu hành không đắm sinh tử`, không lìa Bồ Đề.

4)Chí Nhất Thiết Xứ Hồi Hướng: Hồi hướng thiện căn tu được đến khắp mọi nơi, từ Tam Bảo đến chúng sinh để cúng dường làm lợi ích.

5)Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng: Tùy hỉ tất cả vô tận thiện căn, hồi hướng làm Phật sự để được vô tận công đức thiện căn.

6)Tùy Thuận Bình Đẳng Thiện Căn Hồi Hướng: Trong chỗ lý trí viên dung, đồng như Phật địa, pháthuy những nhân hạnh thanh tịnh, hồi hướng đạo Bồ Đề.

7)Tùy Thuận Đẳng Quán Nhất Thiết Chúng Sinh Hồi Hướng: Tăng trưởng tất cả thiện căn, hồi hướng làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hồi hướng thuận theo bản lai tự tánh, quán tất cả chúng sinh, tất cả chư Phật đều bình đẳng không sai không khác.

8)Như Tướng Hồi Hướng: Thuận theo tướng Chân Như mà hồi hướng thiện căn đã thành tựu.

9)Vô Phược Giải Thoát Hồi Hướng: Đối với tất cả các pháp không dính mắc, chấp trước, được tâm giải thoát. Hồi hướng thiện pháp, thực hành hạnh Phổ Hiền, đầy đủ các công đức.

10)Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng: Tu tập tất cả vô tận thiện căn rồi hồi hướng các thiện căn này, nguyện cầu vô lượng công đức trong  Nhất chân pháp giới vì trong đó tất cả sự vật đều bình đẳng như hư không.

Tóm lại, hồi hướng nghĩa là dùng tâm đại bi cứu độ tất cả chúng sinh.

Ø    Sau cùng, trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa nói lên mười giai vị của Bồ tát là:

1)Hoan hỷ địa (Sơ địa) (Pramudità): Khác với lý tưởng của Nguyên thủy là tìm sự giải thoát Niết bàn cho riêng mình thì ở đây Đại thừa giới thiệu một lý tưởng cao đẹp hơn nhằm giúp cho tất cả mọi chúng sinh giải thoát mọi phiền não vô minh. Khi diệt được các pháp tướng mê lầm, chỗ giác ngộ đã đến cùng tột, diệt trừ được phân biệt ngã chấp, pháp chấp nên tâm bắt đầu có được pháp lạc nên mới gọi là hoan hỷ địa tức là sơ địa.

2)Ly cấu địa (Uimada): là giác vị lìa bỏ tâm sai lầm, phá giới, phiền não cấu.

3)Phát quang địa (Prabhàkari): đến đây Bồ-tát thấu biết tánh vô thường của tất cả vạn vật trong thế gian vũ trụ nên nội tâm càng thanh tịnh thì trí tuệ càng sáng suốt.

4)Diệm huệ địa (Arcismati): trong giai đoạn này, Bồ-tát bắt đầu thực hành sự an nhiên tự tại và cắt dứt những thứ ô nhiễm, vô minh. Đến giai vị này hành giả đã lìa bỏ kiến giải phân biệt, dùng lửa trí tuệ thiêu đốt củi phiền não nhờ đó mà ngộ được bản thể trí tuệ. Lúc ấy trí tuệ được sáng suốt tỏ tường và dĩ nhiên sự giác ngộ được viên mãn.

5)Nan thắng địa (Sudurjayà): Đến đây, Bồ-tát bắt đầu phát huy tinh thần bình đẳng đồng nhất và giác ngộ nhờ vào thiền định giúp Bồ-tát biết thấu suốt tục đế và chân đế viên dung bất nhị.Giác vị này đã thành tựu trí xuất thế gian, nương vào năng lực phương tiện tự tại mà cứu độ các chúng sinh khó cứu độ.

6)Hiện tiền địa (Abhimukhi): Khi vào được giai đoạn này, Bồ-tát sẽ trực diện với thực tại và sẽ ý thức được sự đống nhất của tất cả mọi hiện tượng. Và bấy giờ Bồ-tát sẽ nhận biết rằng vô vi chân như hoàn toàn không nhiễm, không tịnh, thường hằng hiện tiền tức là tự tánh của chân như hiện rõcó được đại trí.

7)Viễn hành địa (Dùrangamà): Đến đây Bồ-tát có đủ dữ kiện để tiến vào giải thoát Niết bàn, nhưng họ dừng lại vì còn trách nhiệm cứu giúp tất cả chúng sinh cùng được giải thoát như mình. Họ biết rằng đến đây tất cả đều là chân như, không có gì không phải là chân như, vô cùng vô tận.

8)Bất động địa (Acalà): Đến đây Bồ-tát thấu biết rốt ráo sự bất sinh của tất cả hiện tượng vạn hữu trong thế gian. Khi đã trải qua “vô sanh pháp nhẫn” Bồ-tát thấu biết sự tiến hóa và thoái hóa của nhân sinh vũ trụ. Vì vậy, tâm Bồ-tát thường trụ không thay đổi, tuyệt đối không bị phiền não làm lay động.

9)Thiện huệ địa (Sàdhumti): Đến đây Bồ-tát có thể phát hiện ra vô số thân để hóa độ chúng sinh với đấy đủ bốn trí vô ngại. Đó là Ý thức thành ra Diệu Quan Sát Trí, tiền ngũ thức thành ra Thành Sở Tác Trí, Mạt na thức trở thành Bình Đẳng Tánh Trí và A Lại da thức sẽ thành Đại Viên Cảnh Trí.Bồ tát dùng năng lực vô ngại để thuyết pháp, hoàn thành hạnh lợi tha và trí tuệ được tự tại.

10)Pháp vân địa (Dharmameghà): Khi Bô-tát công phu đầy đủ, công đức trí tuệ và từ bi viên mãn có thể che chở cho vô lượng chúng sinh thì gọi là nhập vào Pháp vân địa tức là Thập địa Bồ-tát vậy. Lúc ấy Bồ tát được đại pháp thân, có năng lực tự tại.

Đến đây Bồ-tát đã có đồng một giác tánh bình đẳng với Như Lai nên gọi là Đẳng giác Bồ-tát. Sau cùng Bồ-tát chỉ cần giác ngộ sinh tướng vô minh thì tức thì chứng được Nhân địa Như Lai tức là đạt được Diệu giác. Bồ-tát chuyển Dị Thục thức thành ra Bạch Tịnh thức rồi vào Kim Cương địa mà phát sinh Nhất thiết chủng trí, Nhất thiết trí trí, tùy duyên hóa hiện, độ thoát chúng sinh mà không rời tự tánh thanh tịnh Niết bản cho đến tột đỉnh nhân quả đồng thời là hoàn thành Phật đạo tức là thành Phật.

Dựa theo Phật giáo Đại thừa thì sự chứng đắc của các vị Bồ Tát từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng còn thấp hơn các vị A la hán trong hàng Thanh Văn. Các vị Bồ Tát từ Sơ Địa đến Thập Địa thì gọi là Bồ Tát Đăng Địa trong đệ nhi A Tăng Kỳ. Và sau cùng Bồ Tát từ Bát Động Địa đến Pháp Vân Địa thì gọi là Bồ Tát đệ tam A Tăng Kỳ tức là Đại Bồ Tát hay Ma Ha Bồ Tát. Những vị Bồ Tát này trí tuệ cao hơn các vị A la hán.

Vì thế đoạn kinh trên nói rằng vào thời Phật Không Vương, Tôn giả A Nan cùng với Phật Thích Ca đồng phát tâm Vô thượng Bồ Đề. Nhưng A Nan chỉ thích học rộng nghe nhiều nên chưa thành Phật. Phật Thích Ca tinh tấn nỗ lực tu hành nên ngày nay Ngài đã thành Phật. Còn A Nan thì còn hộ trì pháp Phật, giáo hóa các vị Bồ Tát . Do vậy các vị   A la hán có thể giáo hóa cho Bồ Tát cho đến các vị Bồ Tát Đăng Địa.

Đạo Phật là đạo thực hành cho nên trước hết đức Phật giảng giải cho biết giáo lý Ngài muốn nói cho đến khi đệ tử thấu hiểu rõ ràng. Lần thứ hai hiểu rồi thì phải cố gắng tu. Lần thứ ba tu rốt ráo thì sẽ chứng đắc, tự mình nghiệm chứng được chân lý. Do đónếu người tu Phật dậm chân tại chỗ ở giai đoạn thứ nhất tức là chỉ học cho biết thì không bao giờ hưởng được hương vị giải thoát cũng như nói ăn mà không ăn thì không bao giờ no được. Tiến trình được gọi là Văn, Tư, Tu. Ngược lại, nếu người tu mà thiếu phần học thì cũng như người mù đi trong sa mạc dễ sa hầm sụp hố, chính mình không lợi ích mà cũng chẳng giúp được cho người. 

Lòng rất vui mừng, A-nan tức thời nhớ lại tạng pháp của vô lượng ngàn muôn ức Phật thuở quá khứ, luôn cả lời nguyện của mình.

Ở trước Phật, ông A Nan thay lời đại chúng, xin được nói lên một bài kệ tán dương Đức Phật, cùng phát nguyện và trình lên những điều tâm đắc của tận đáy lòng :

Diệu trạm tổng trì bất động Tôn

Thủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng

Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.

Nguyện kim đắc quả thành bảo vương.

Hoàn độ sa thị hằng sa chúng.

Tương thử thâm tâm phụng trần sát.

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập

Như nhất chúng sinh vị thành Phật.

Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn.

Đại hùng đại lực đại từ bi

Hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc

Linh ngã tảo đăng vô thượng giác

Ư thập phương giới tọa đạo tràng.

Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong

Thước-ca-la tâm vô động chuyển.

Dịch là :

 Cao quý hay! Thủ Lăng Nghiêm Vương ít có

Là pháp diệu trạm, bất động tổng trì

Đây là những lời tán thán Pháp thân thanh tịnh nhiệm mầu, vắng lặng ứng hiện đến khắp tất cả nên gọi là Diệu trạm. Tuy nói Pháp thân mà vẫn trọn vẹn ba thân. Vì Pháp thân là thể của các pháp và có đầy đủ ba đức nên gọi là Tổng trì. Thân Phật biến khắp pháp giới, ứng hiện đến với tất cả quần sanh và tùy duyên cảm ứng khắp mọi nơi mà luôn an trú ở cội Bồ-đề nên gọi là bất động. Trọn câu này là muốn chỉ cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Ông A Nan vì thấy Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp nên sanh tâm yêu thích mới phát tâm xuất gia nên Đức Phật mới chỉ cho ông thấy tuy thân Phật rực rỡ huy hoàng, nhưng cũng chỉ là ứng thân sinh diệt cho nên sự phát tâm xuất gia như vậy là hư vọng, không chính đáng. Nay nhờ ơn Phật khai thị nên diệu ngộ được tâm mình mà thấy được Pháp thân Phật. Ban đầu, A Nan thỉnh Phật khai thị con đường tu tập thiền định thì Phật dạy rằng : ”Có pháp tam-ma-đề gọi là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương” sẽ giúp ông phá vọng hiển chơn để thấu tột nguồn nhất chân mà chứng nhập chân lý. Vì đã ngộ được thể của định nên ông khen ngợi pháp này là hiếm có.

Trừ hết tướng điên đảo ức kiếp của con

Không trải A Tăng Kỳ mà được pháp thân

Xưa ông A Nan chấp vọng tưởng điên đảo mà cho là chân thật,  nay nhờ liễu ngộ nên phiền não biến mất, điên đảo tiêu trừ. Xưa chỉ biết thân tâm huyển vọng, nay cũng thân ngũ uẩn mà ngộ được pháp thân mà không cần trải qua A Tăng Kỳ kiếp.

Tôi nguyện từ nay cho đến khi thành Phật

Độ chúng sinh như số cát sông Hằng

Đem thân tâm phụng sự vi trần quốc

Thế mới đủ đáp đền thâm ân Phật.

Phật giáo Đại Thừa luôn khuyến khích người đệ tử Phật vì chúng sinh hoằng pháp độ sinh. Tâm niệm rằng : ”Thượng cầu thành Phật, hạ hóa chúng sinh” là cách đền ơn Phật thực tiễn nhất.

Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho :

Đời ác trược tôi thề vào trước

Còn một chúng sinh chưa thành Phật

Thì tôi không nhận hưởng Niết Bàn

Đời ác trược ngũ thế mà tôn giả A Nan nguyện vào để cứu chúng sinh còn trầm luân trong chốn bụi trần, thống khổ chớ không lo an lạc thanh tịnh Niết bàn cho riêng mình. Ngài nguyện độ tất cả chúng sinh rồi mới thành Phật. Đây là lời thề nguyện rộng lớn mà có lẽ chưa có vị A la hán nào trong hàng Thanh Văn phát nguyện như vậy. Ngài Địa Tạng Bồ-tát cũng phát nguyện rằng : ”Khi nào còn chúng sinh trong chốn u minh thì Ngài nguyện sẽ không thành Phật”.

Bạch đấng Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi

Tôi hy vọng xét trừ vi tế hoặc

Để sớm lên Vô Thượng Bồ-đề

Tôi sẽ làm Phật sự khắp mười phương

Tôn giả A Nan tuy ngộ được Pháp thân, nhưng đây mới chỉ là kiến đạo chớ chưa phải là chứng đạo. Vì thế trong A Nan vẫn còn vô minh vi tế ẩn núp thâm sâu rất khó tiêu trừ cần phải dùng oai lực dũng mãnh của thiền định mới có thể phá được. Một khi những kiến hoặc đã tiêu tan thì con đường để viên thành Phật quả sẽ không còn xa. Khi thành Phật thì Ngài sẽ độ chúng sinh mười phương thế giới bao la vô cùng vô tận.

Hư không dù hết, nguyện tôi không cùng.

Thuấn-nhã-đa là hư không. Thước-ca-la là kiên cố. Đây là lời thệ nguyện để nói lên tâm bất thối kiên cố. Tuy hư không, vô hình vô tướng, bao la vô cùng vô tận mà còn có thể tiêu tan, còn tâm kiên cố và nguyện lực của Ngài A Nan không bao giờ lay chuyển.

Bấy giờ Phật bảo La-hầu-la:

-Đời sau ngươi sẽ đặng làm Phật hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai.  Ngươi sẽ cúng dường chư Phật Như Lai đông như vi trần trong mười thế giới và thường vì các đức Phật mà làm trưởng tử như hiện nay.

Đức Phật Đạo Thất Bảo Hoa đó, cõi nước trang nghiêm, kiếp số thọ mạng, giáo hóa đệ tử, chánh pháp và tượng pháp cũng đồng như Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai không khác. Ngươi sẽ làm trưởng tử cho Phật Sơn Hải Huệ, rồi về sau sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng một bài kệ…

Sau đó Phật liền thọ ký cho Tôn giả La Hầu La sẽ cúng dường các đức Phật nhiều như số hạt bụi của mười thế giới. Vì Ngài trong đời quá khứ đã phát nguyện làm trưởng tử cho mỗi vị Phật ra đời cho nên trước khi thành Phật, ngài sẽ là trưởng tử cho Phật Sơn Hải Huệ. Khi tu mật hạnh viên mãn, Ngài sẽ thành Phật Ngài hiệu là Ðạo Thất Bảo Hoa Như Lai nghĩa là vị Phật bước đi trên hoa bảy báu. Đời này A Nan với La hầu La liên hệ tình chú cháu, nhưng vô lượng về sau thì La Hầu La sẽ làm con của A Nan trước khi La Hầu La thành Phật.

Thấy các bậc hữu học, vô học 2.000 người ý căn nhu nhuyễn, tịch nhiên thanh tịnh, một lòng nhìn Phật, Phật bèn nói với A-nan:

-Tất cả những người ấy sẽ cúng dường chư Phật Như Lai đông như  vi trần trong 50 thế giới, cung kính hộ trì pháp tạng, rốt sau đồng thời, ở các nước trong mười phương, mỗi mỗi đều được thành Phật, đồng một hiệu là Bảo Tướng Như Lai, sống lâu một kiếp, cõi nước trang nghiêm số đệ tử Thanh Văn, Bồ Tát và thời gian chánh pháp, tượng pháp thảy đều đồng nhau.

Lúc đó, các hàng hữu học, vô học nghe đức Phật thọ ký, vui mừng hớn hở như được rưới nước cam lộ.

Sau cùng đức Phật thọ ký cho tất cả 2.000 người hữu học và vô học cúng dường chư Phật hằng sa số trong 50 thế giới và cung kính hộ trì pháp tạng sẽ thành Phật và có chung Phật hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Trí tuệ quang minh của Phật như đèn sáng chiếu khắp. Con số 50 thế giới là kinh muốn dùng con số năm để ám chỉ cho ngũ uẩn mà kinh Lăng Nghiêm có nói 50 ngũ uẩn ma là không thật như hư đóm trong hư  không. Tại sao? Bởi vì một người khi đã chứng đắc quả A la hán thì tất cả các chủng tử hữu lậu đã tan biến và trong họ chỉ còn chủng tử vô lậu nghĩa là tất cả phiền não khổ đau và những nguyên nhân đưa đến phiền não khổ đâu cũng không còn. Đó là các ngài đã chứng chân lý Vô Ngã nghĩa là trong họ không hề có “Cái Ta” hay “Cái của Ta”. Trong thì Ngã không, ngoài thì Pháp không, trong ngoài tự tại thì hết chấp. Trong khi đó, phàm nhân thì tin chắc rằng thân ngũ uẩn của mình là thật, là Ta, là của Ta và là sở hữu của Ta, sống giữ chết mang theo cho nên có sống chết, tranh đấu để bảo vệ Ta và cái của Ta vì thế mới có phiền não, khổ đau. Vì thế kinh nói họ phải cúng dường chư Phật nhiều như vi trần trong 50 thế giới là họ phải tính tấn nỗ lực tu hành thì mới có giải thoát được. Cứ mỗi việc lành họ thực hành là cúng dường cho một vị Phật, một tư tưởng thiện là cúng dường cho một vị Phật và cứ thế mà làm. Mỗi ngày chúng ta phát sinh biết bao tư tưởng, nếu bây giờ chuyển hết hàng ngàn hàng vạn tư tưởng đó thành ra ý niệm lành thì chúng ta đã cúng dường cho vô số chư Phật rồi. Lời nói và hành động cũng thế.

Hai ngàn vị Thanh Văn được Phật thọ ký, lòng dâng lên bao nổi vui mừng cũng như thọ hưởng nước cam lộ mát dịu từ đức Thế Tôn. Con người cũng vì có ý niệm chấp ngã nên đại đa số ai cũng muốn sống lâu, sống thọ để hưởng những lạc thú trên thế gian. Phản ứng tự nhiên khi nghe đến chết là họ nghĩ ngay đến sự chia lìa những gì mình quý mến thương yêu nhất. Chết là bỏ lại tài sản mà mình vun bồi, xây dựng bao nhiêu năm, xa cách cha mẹ, vợ chồng, con cái, lo sợ cuộc hành trình đơn độc này sẽ như thế nào và dĩ nhiên không biết tương lai mình sẽ đi về đâu? Nhưng xét cho cùng thì thế gian là vô thường, do duyên giả hợp chớ có cái gì bền chắc muôn đời hay cái gì thật sự là của Ta đâu? Khi sanh ra Ta thì Ta đâu có vợ chồng con cái, nhà cao cửa rộng vì thế tất cả là của thế gian chớ đâu phải của riêng Ta cho nên khi duyên tan rã thì của thế gian trả lại hết cho thế gian ngay cả tấm thân mà Ta gọi là của Ta cũng phải trả lại cho đời. Đức Phật dạy rằng bóng cây hướng nào thì cây sẽ ngã theo hướng đó cho nên nếu đời này ta kiến tạo rất nhiều thiện phước thì kiếp sau sẽ được thọ báo vào chỗ an lành để hưởng lấy phước lợi. Ngược lại nếu ta tạo nhiều ác nghiệp thì đời sau phải chịu sinh vào chốn trầm luân, thọ khổ nhiều hơn vui. Do đó nếu không còn chấp ngã nghĩa là không còn tham luyến cái Ta và những gì thuộc về Ta thì sự sống chết là chuyện thường, xem chuyện tử sanh là trò dâu bể tức là Có trở thành Không và Không biến thành Có. Đó là vạn pháp sanh mà không thật sanh và diệt mà không bao giờ mất hẳn vì thế hãy sống nhẹ nhàng thanh thoát, an vui tự tại ngay giây phút này chớ đứng quá quan tâm chết sẽ đi về đâu tức là tự mình tạo ra cho mình thêm nỗi khổ. Vì vậy nếu chúng sinh diệt được ý niệm sinh diệt trong tâm thì chính họ sẽ có niềm vui tịch diệt tức là đạt đến cứu cánh Như Như bất động.

Tóm lại về phần thọ ký thì kinh Pháp Hoa có ba phẩm:

1)Trong phẩm Thí Dụ, đức Phật thọ ký cho Tôn giả Xá lợi Phất sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai rồi đến phẩm Thọ Ký, đức Phật bắt đầu thọ ký cho các đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Đại Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Mục Kiền Liên.

2)Phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký thọ ký thì Phật thọ ký Tôn giả Phú Lâu Na rồi đến 500 vị A la hán khác. 

3)Đến phẩm này, đức Phật lại thọ ký cho ngài A Nan và La Hầu La là hai vị Tỳ kheo trẻ nhất trong số những vị Tỳ kheo xuất sắc trong Tăng đoàn. Rồi sau đó Phật mới thọ ký cho tất cả mọi người.

Đức Phật thọ ký cho tất cả mọi người là vì trong mỗi chúng sinh đã có sẵn tri kiến Phật tức là chất Phật nên đức Phật mới thọ ký được chớ đừng hiểu rằng đức Phật là một đấng quyền uy tối thượng muốn ban ơn cho ai thì ban hoặc muốn giáng họa cho ai thì giáng. Đức Phật là đấng đại từ đại bi thì việc giáng họa cho người dĩ  nhiên không bao giờ có, nhưng còn thương người nào thì ban ơn, chú phúc cho họ thì cũng không có. Bằng chứng là Tôn giả A Nan cả đời theo chân làm thị giả cho đức Phật mà vẫn không chứng đắc Thánh quả vì A Nan không chịu tu mà chỉ muốn học rộng nghe nhiều. Tuy mang tiếng là đệ nhất đa văn, nhưng ông không tu thiền na, không có đại định nên không thể tiêu diệt những vẫn đục của thập triền, thập sử mà cứ dậm chân tại chỗ ở quả nhập lưu là Tu Đà Hoàn. Vì thế không thể hiểu Phật như là một đấng thần linh, một đấng siêu nhiên thì con đường học Phật mới tiến bộ được.       

1)Thập triền: là mười món phiền não nương vào tham, sân, si mà khởi, tương ưng với tâm nhiễm ô, tạo các ác hạnh để trói buộc chúng sinh trong sinh tử.

-Vô tàm: Không biết hổ thẹn.

-Vô quý: Không biết hổ thẹn đối với những tội lỗi do mình tạo ra khi bị người khác thấy biết.

-Tật: Tâm đố kỵ đối với những việc hưng thịnh của người khác.

-San: Bỏn sẻn, keo kiệt.

-Hối: Hối hận vì những lỗi xấu của mình đã làm, khiến tâm bất an.

-Miên: Mê ngủ khiến tâm mờ tối, không có năng lực tỉnh xét.

-Điệu cử: Thân dao động khiến tâm không yên, không thể nào thành tựu các thiền quán.

-Hôn trầm: Thần thức u mê, thân tâm không có năng lực an trụ trong thiện pháp.

-Phẫn: Đối với cảnh trái ý mình thì sinh tâm tức giận, đánh mất chánh niệm.

-Phú: Che đậy tội lỗi của mình.

Nếu hằng ngày chúng sinh không giữ vững chánh niệm, sống trong tĩnh thức thì mười món này sẽ trói buộc (triền) con người không có lối thoát.

2)Thập sử: Căn bản phiền não có sáu món là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Phần ác kiến lại chia làm năm phần: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ. Thập sử là tên gọi dựa theo Duy Thức Học còn tên thông thường là Tư Hoặc và Kiến Hoặc trong phần Tập Đế. Do đó con đường duy nhất để có giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi là phải phá cho được Tư Hoặc và Kiến Hoặc chứng đắc thánh quả A la hán. Năm món tham, sân, si, mạn, nghi gọi là năm món “độn sử” bởi vì nó ngấm ngầm sai sử con người cũng như than đỏ trong tro làm chướng ngại ba món vô lậu Giới Định Tuệ. Ví dụ, cũng vì muốn thỏa mãn lòng tham mà có người dám làm những chuyện tày trời, phạm luân thường đạo lý, không kể hậu quả sau này sẽ vào tù ra khám. Khi cơn giận nổi lên thì bất chấp phải trái ngay cả giết người họ cũng làm. Hoặc một khi lòng si mê tham đắm dục tình bùng cháy trong tâm, người đàn bà có thể giết chồng, bỏ con để chạy theo tiếng gọi của con tim. Nói chung hằng ngày tham, sân, si, mạn, nghi sai sử chúng ta trên mọi phương diện, từng giây từng phút, từng sát na. Vì thế chỉ có chánh niệm tỉnh thức mới đánh thức con người để quay về sống đúng với chơn tánh của mình tức là chính mình đã chặt đứt những  sợi dây vô hình cột chân cột tay chúng ta vào con đường bất thiện.

Tóm lại, học Phật là để nhận thức Chân lý, để chuyển hóa tất cả những vọng thức phân biệt đối đãi (vọng tâm điên đảo) để có cuộc sống an vui, tự tại và cuối cùng đạt đến cứu cánh tối thượng là giải thoát giác ngộ tức là giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi hệ lụy của phiền não khổ đau và tâm trí bừng sáng để thấy biết rốt ráo tận cùng, trực nhận Chân lý.

Âm lịch

Ảnh đẹp