KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012
Chương Thứ Hai Mươi Hai
Phẩm CHÚC LỤY
Download Giọng Đọc: Nguyên Hà
Chúc là phó chúc, là giao phó.
Lụy là dặn dò cho nên Chúc lụy là di chúc, dặn dò hay phó thác cái trách
vụ nào đó cho người khác hay người đời sau để duy trì, bảo tồn cho được
dài lâu.
Bất cứ một bộ kinh nào thường
được trình bày theo thứ tự là phần Tựa, phần Chánh tông và sau hết là
phần Lưu thông. Cũng giống như sách vở ngoài đời thì có phần mở đầu,
phần thân bài và phần kết luận. Thế thì phẩm Chúc lụy phải thuộc về phần
Lưu thông tức là phần kết luận của bộ kinh. Nhưng ở đây kinh Pháp Hoa
còn có thêm sáu phẩm nữa vì thế nếu đúng theo thứ tự thì nó phải ở phẩm
cuối hay tối thiểu ở phẩm thứ 27 tức là phẩm kế chót và sau cùng phẩm
sau cùng là phẩm Phổ Hiền Hạnh để nhắc nhở chúng sinh Tri Hành phải hợp
nhất. Như đã trình bày trong phần giới thiệu, có rất nhiều phẩm của kinh
Pháp Hoa được người đời sau thêm vào chẳng hạn như phẩm Đề Bà Đạt Đa,
phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát…cho nên kinh không còn đúng theo thứ tự như lúc
ban đầu.
Lúc bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu
Ni, từ pháp toà đứng dậy, hiện sức thần lớn, dùng tay mặt xoa đầu vô
lượng đại Bồ-tát mà nói rằng:
-Trong vô lượng trăm ngàn muôn ức
A-tăng-kỳ kiếp, ta đã tu tập pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác khó
được nầy, nay đem giao cho các ngươi, các ngươi nên hết lòng truyền bá
để đem lại sự ích lợi cho nhiều người.
Nếu nói về sự thì đức Phật từ pháp tòa
đứng dậy dùng Phật lực lấy tay xoa đầu các Bồ Tát, thế thì đức Phật xoa
được bao nhiêu cái đầu? Nhưng thâm ý của kinh ở đây là bất cứ Bồ Tát nào
cũng đều có Phật tánh vô lượng vô biên cho nên bất cứ Bồ Tát ở đâu thì
thần lực của đức Phật tức là Phật tánh cũng xuất hiện ngay ở đó để xoa
đầu họ.
Vì thế trong mỗi chúng sinh đều có sẵn
Tri Kiến Phật tức là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm cho nên mỗi chúng sinh
phải phụng trì sống đúng với Tri Kiến Phật đó. Đức Phật từ trong vô
lượng kiếp đã tu tập pháp Vô Thượng Bồ Đề khó kiếm này, nay Ngài đem phó
chúc cho các Bồ Tát để sau này thọ trì đọc tụng tuyên nói pháp này cho
tất cả mọi nguời đều được nghe biết. Đoạn kinh này chứng minh rằng chính
đức Phật cũng phải trải qua vô lượng hằng sa kiếp tu hành mới thành tựu
pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là thành Phật vì thế người đệ
tử Phật đừng nghĩ rằng mình sẽ thành Phật ngay trong đời này. Chính đức
Phật nhờ tu pháp này mà thành Phật nên Ngài khuyên các đệ tử phải một
lòng tinh tấn tu tập để chứng nghiệm như Ngài chớ không phải truyền bá
suông thì không bao giờ biết được hương vị giải thoát. Bởi vì đạo Phật
là đạo thực hành vì có thực hành mới có thực chứng.
Đoạn kinh trên là dựa theo tư tưởng Đại
thừa, nhưng theo Nguyên thủy thì hành giả có thể chứng đắc quả A la hán
ngay trong đời này bằng chứng là vào thời đức Phật còn tại thế, có hàng
vạn vị A la hán. Đối với Nguyên thủy thì đức Phật là vị A la hán như tất
cả những vị A la hán khác, nhưng danh vị Phật chỉ dành cho đức Thế Tôn
vì Ngài là vị thầy của tất cả các vị A la hán và Ngài là người chứng quả
A la hán đầu tiên.
Đức Phật ba phen xoa đầu các Bồ-tát và ba phen lập lại câu nói trên.
-Như Lai có từ bi lớn,
không tham tiếc cũng không có điều sợ sệt, năng cho chúng sanh trí tuệ
Phật, trí tuệ Như Lai, trí tuệ tự nhiên. Như Lai là đại thí chủ của tất
cả chúng sanh, các ngươi nên thọ học theo pháp của Như Lai, chớ nên tham
tiếc. Đời sau, nếu có trai lành gái thiện nào tin trí tuệ Như Lai thì
các ngươi nên vì những người ấy mà diễn nói Kinh Pháp Hoa, để họ nghe
biết tu hành, thành tựu được Phật tuệ. Nếu gặp hạng chúng sanh không tin
lãnh lời kinh, thì nên dùng pháp khác trong các giáo pháp thâm diệu của
Như Lai mà chỉ dạy cho họ được lợi ích vui mừng. Làm được như thế là
các ngươi đã báo ân Phật rồi vậy.
Như Lai mà kinh nói ở đây là bản thể chân
như bao trùm khắp chớ không phải đơn thuần là đức Phật Thích Ca. Cái
bản thể chân như lúc nào cũng tồn tại hiện hữu suốt cả thời gian và
không gian. Vì sự bao trùm khắp cả nên Như Lai có đại từ bi để ban cho
tất cả chúng sinh sự an lành. Đó chính là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm lúc
nào cũng hiện hữu thường hằng trong tâm của mỗi chúng sinh. Vì thế khi
chúng sinh khởi ý niệm lành để cứu giúp kẻ khác thì Như Lai đang phát
tâm từ bi cứu độ chúng sinh đó. Nói chung Như Lai bố thí tất cả giúp
chúng sinh phát huy Nhất thiết chủng trí, Tự nhiên trí, Vô sư trí của
chính mình để thật sự có an lạc Niết bàn. Nhưng nếu nói Như Lai là vị
đại thí chủ thì Như Lai có bố thí tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến cho
chúng sinh không? Nếu Như Lai không cho thì làm sao gọi là đại thí chủ?
Đối với Như Lai thì thế gian là thanh tịnh bản nhiên nên không hề có
tham, sân, si, mạn, nghi…tức là không hề có ô nhiễm. Nhiễm là vì chúng
sinh còn mê đến khi sống trong tỉnh thức chánh niệm thì mê biến giác
hiển bày. Tại sao? Bởi vì sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tự nó là tự
tánh thanh tịnh bản nhiên không hề bị ô nhiễm nên tuy gọi là trần nhưng
chúng đâu có ô nhiễm. Nhiễm cấu là vì tâm chúng sinh còn tham đắm, còn
dính mắc nơi sắc, nơi thanh, nơi hương….còn Như Lai trong ngoài tự tại
thì tìm đâu ra ô nhiễm mà không ô nhiễm thì làm gì còn tham, sân, si. Vì
thế căn, trần đều thanh tịnh thì thế giới sẽ thanh tịnh, phù hợp với
Phật tánh thanh tịnh của vạn pháp, vũ trụ.
Đức Phật đã ba lần khẳng định rằng Pháp
Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chính là kinh Diệu Pháp Liên Hoa vì thế
kinh Pháp Hoa là kinh đưa người tu thành Phật, là kinh tối thượng thừa.
Đó là tại sao chư Phật xuất hiện trong thế gian này không ngoài mục đích
“khai thị” giúp chúng chúng sinh “ngộ nhập” cái Trí Tuệ Phật, Trí Tuệ
Như Lai, Trí Tuệ tự nhiên vốn đã có sẵn trong mỗi chúng sinh. Vì lòng từ
bi, đức Phật chỉ cho chúng sinh nhận biết Trí Tuệ Phật của mình mà kinh
gọi là “cho” chớ thật ra Ngài không bao giờ đem trí tuệ cho ai được.
Chỉ có kinh Pháp Hoa mới xiễn dương tình thần bình đẳng là mọi người đều
có Trí Tuệ Phật nên ai cũng có thể tu thành Phật.
Tuy Tri Kiến Phật là bổn tánh huyền diệu
thiêng liêng mà ai cũng có, tuy nhiên rất nhiều người căn cơ còn thấp
không thể lãnh hội được giáo lý tối thượng thừa của kinh Pháp Hoa thì
Phật dạy nên dùng giáo lý bất liễu nghĩa tức là giáo lý phương tiện để
giáo hóa họ mà mang lại sự lợi ích an lành thì cũng như đền đáp ơn Phật
rồi vậy. Giáo lý Phật Đà có năm thừa vì thế tùy theo căn cơ sở nguyện
chúng sinh có thể tu học bất cứ thừa nào cũng được. Cái huyền diệu ở đây
là phía thực hành cho nên tuy một người chỉ tu nhân thừa, giữ gìn tam
quy ngũ giới trọn vẹn tròn đầy thì chính họ sẽ có hạnh phúc an lành dựa
theo tinh thần nhân thừa rồi.
Tôn chỉ của đạo Phật là diệt khổ nghĩa là
không làm khổ mình, không làm khổ người. Vì thế thiên đường thì do ta
mà địa ngục thì cũng do ta cho nên người xưa có câu:
Thiên đường hữu lộ tùng tâm ngộ
Địa ngục vô oan tự tánh hôn.
Nghĩa là khi tâm tỉnh ngộ thì có cảnh
thiên đường rực rở, còn tâm mê muội thì nhìn đời khác chi là địa ngục A
tỳ. Nhưng người học Phật có thể chuyển địa ngục thành ra thiên đường bởi
vì thật tánh của vô minh là Phật tánh. Thật tánh của phiền não ưu bi là
tự tánh thanh tịnh bản nhiên cho nên mê là địa ngục A tỳ còn sống trong
thức tỉnh chánh niệm là có thiên đường ngay.
Khi nghe Phật nói xong, các Đại
Bồ-tát đều cảm thấy sự vui mừng lan khắp thân thể. Lòng thêm cung kính,
các Bồ-tát nghiêng mình cúi đầu, chấp tay hướng Phật đồng bạch:
-Chúng con sẽ làm đầy đủ theo lời Thế Tôn dạy, kính xin Thế Tôn đừng lo nghĩ nữa !
Lúc bấy giờ, đức Phật Thích Ca truyền cho các phân thân Phật đã từ mười phương đến, đều trở về nứơc mình và nói rằng:
-ChưPhật mỗi vị tuỳ chỗ an trú của mình mà trở về bổn độ tháp của Phật Đa Bảo hoàn nguyên bản vị.
Trong lúc Phật nói, mười phương vô
lượng phân tâm Phật đang ngồi trên toà sư tử dưới cây báu, cùng Phật Đa
Bảo với vô biên vô số Bồ-tát như Xá-lợi-phất… hàng Thanh Văn, bốn chúng
và tất cả thiên, nhân, a-tu-la, nghe lời Phật nói đều rất vui mừng.
Sau khi nghe lời phó chúc, các
vị Bồ Tát nguyện sẽ thực hành đúng như lời dặn của Thế Tôn. Đến đây thì
phần “Thị” và “Ngộ” Tri Kiến Phật đã xong cho nên đức Phật yêu cầu các
phân thân Phật đến từ mười phương để hợp lực cùng Phật Thích Ca mở tháp
Đa Bảo để cho đại chúng chiêm ngưỡng Phật Đa Bảo có thể trở về bản xứ để
tiếp tục công việc của mình. Và sau cùng xin Phật Đa Bảo mang bảo tháp
về chỗ cũ. Kinh đã dùng một hình ảnh tuyệt diệu để diễn tả những ý tưởng
thâm diệu mà ngoài hình ảnh đó có lẽ ngôn ngữ của con người không thể
nào diễn bày được. Đến đây là chấm dứt phần Khai, Thị, Ngộ. Phần duy
nhất còn lại là “Nhập” tức là phần thực hành cái Tri Kiến Phật đó. Phần
lý thuyết thì đức Phật đã chỉ bày xong cho nên phần thực hành thì chúng
sinh mỗi người phải tự mình hành trì và sống đúng với những tư tưởng
Khai, Thị, Ngộ để liễu ngộ chân lý.