KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI


Lê Sỹ Minh Tùng PL. 2556 DL. 2012
30/06/2012 14:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 110884
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012

Chương Thứ Mười Lăm

Phẩm TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà 

 

Phẩm này còn được gọi là Bồ Tát Tùng Địa Dũng Xuất, diễn tả những hiện tượng lạ lùng, đó là việc hàng sa Bồ Tát từ dưới đất vọt lên. Một lần nữa xin nhắn lại đây là thể kinh Vị Tằng Hữu nghĩa là diễn bày những hiện tượng hiếm có, chưa từng thấy để diển bày một triết lý sâu kín ẩn bên trong chớ Phật hay Bồ Tát không làm ảo thuật hay thần thông biến hóa gì trong đoạn kinh này cả.

Trong kinh điển Phật giáo, chữ Địa thường được dùng để ám chỉ cho tâm. Đất là do chữ Địa nên đất là Tâm vì thế mới có danh từ Tâm Địa tức là cõi đất tâm của chúng sinh cho nên nói người nầy tâm địa tốt và người kia tâm địa xấu là vậy. Tất cả muôn sinh vạn vật có sinh tồn cũng do đất. Cho nên đức Phật cũng dạy rằng:”Hãy học các hạnh của đất. Dù con người có dẫm đạp, đổ lên đất những thứ nhơ bẩn hôi tanh hay rưới xuống đất hương hoa thơm tho tinh khiết, đất cũng an nhiên không giận, chẳng mừng. Biết được như thế sẽ không còn bị mọi cảm thọ bám vào. Biết nhìn cảm thọ như đối tượng bị nhìn thay vì đồng hóa mình với cảm thọ thì sẽ luôn thanh thản an nhiên trước mọi sự”. Cây cỏ, ruộng lúa, hoa quả… cũng do đất sinh ra ví như những tư tưởng thiện ác, tốt xấu đưa con người lún sâu vào vòng sinh tử khổ đau hoặc hướng về cảnh giới giải thoát giác ngộ đều do Tâm tạo.

Trong kinh Duy Ma Cật có đoạn nói rằng: “Khi ấy Phật lấy ngón chân nhấn xuống đất, tức thì cõi Tam thiên đại thiên thế giới liền hiện ra bao nhiêu trăm nghìn thứ trân bảo trang nghiêm rực rỡ, như cõi Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của Phật Bảo Trang Nghiêm”.

Đức phật lấy ngón chân nhấn xuống đất có ý là muốn nhắn nhủ với chúng sinh phải đè ép cái tâm của mình xuống đừng cho vọng động nổi lên bởi vì tâm yên thì mới có Định. Tâm định thì trí tuệ sẽ phát sinh. Có trí tuệ thì tâm sẽ thanh tịnh và có cõi Phật thanh tịnh.Phật bây giờ nhắc ngón chân lên khỏi mặt đất có nghĩa là nếu con người không còn đè chặt cái tâm xuống thì vọng thức mê lầm tha hồ dấy khởi. Tâm bây giờ không còn Định nữa cho nên cõi Thanh tịnh biến mất và thế giới bất tịnh, ô nhiễm hiện lại như xưa.

Lúc bấy giờ,các Bồ-tát, nguyên từ các nước phương khác lại, đông hơn cát của 8 sông Hằng, ở trong đại chúng, đồng đứng dậy chấp tay bạch Phật:

 -Thế Tôn! Nếu Thế Tôn nhận lời, chúng con nguyện, sau khi Phật diệt độ, sẽ rộng nói kinh Pháp Hoa ở thế giới Ta Bà, để gia tăng tinh tấn và hộ trì những người đọc, tụng, sao, chép, cúng dừơng kinh này.

Phật đáp:

-Thôi khỏi. Này thiện-nam-tử! Không cần các ông hộ trì kinh này. Vì sao? Vì thế giới Ta Bà của ta tự có Bồ-tát đông như cát của sáu muôn sông Hằng. Những Bồ-tát và quyến thuộc ấy, sau khi ta diệt độ, sẽ có khả năng giữ gìn, đọc tụng, rộng nói kinh này.

Tại sao đức Phật từ chối lời thỉnh cầu của những vị Bồ Tát ở những thế giới khác muốn thọ trì, sao, chép kinh Pháp Hoa ở cõi Ta Ba này? Đức Phật dạy rằng Bồ Tát ở thế giới Ta Bà này nhiều hơn sáu muôn sông Hằng, thế thì con số này Phật có nói quá chăng? Bồ tát ở đâu mà nhiều đến thế?

Chủ đích của đoạn kinh này nhằm xiễn dương cái cốt lũy của đạo Phật là tinh thần và khả năng tự giác của mỗi chúng sinh chớ không tùy thuộc vào tha lực bên ngoài. Vì thế toàn bộ giáo lý Phật Đà là khuyến khích chúng sinh hồi quang phản chiếu, quay vào trong để phát huy tự lực ngỏ hầu trực nhận bản tâm của mình. Đó là “Cầu nhân bất như cầu kỷ” nghĩa là mong cầu ở người rất khó khăn cho nên tốt nhất là cầu nơi chính mình tức là tự lực tự cường. Đạo Phật là đạo tự giải thoát, ai ăn người đó no, ai uống nước người đó hết khác cho nên không có vấn đề cầu nguyện van xin trong Phật giáo. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có đoạn Phật hỏi A Nan rằng khi đức Phật ăn thì đại chúng có no được chăng? Dĩ nhiên là không! Phật độ trong Phật giáo không có nghĩa là mình cầu nguyện thì Phật sẽ ban cho mà Phật độ là Phật ban cho ta tấm hải đồ và từ đó chúng ta sẽ nương theo sóng mà trở về bờ an vui tự tại. Đức Phật đã cho ta giáo lý nhiệm mầu còn áp dụng để có an lạc hay không là tùy ở chúng sinh ví cũng như có người tặng cho ta một cái máy GPS, nhưng cầm trong tay chiếc máy không có nghĩa là chúng ta đã đến được nơi mình muốn đến. Nếu Phật có thể độ thì La Hầu La, Dì Mẫu và Công chúa Gia Du Đà La cần gì phải xuất gia, nhưng ai tu người ấy chứng vì thế La Hầu La cũng phải tự mình tu chứng để có giải thoát giác ngộ chớ Phật không độ cho Tôn giả được. Vì thế câu “Nhất nhơn chứng, cửu huyền thăng” nghĩa là một người tu chứng thì độ cho cả dòng họ là không đúng với giáo lý Phật Đà vì một người ăn thì người khác không thể no được. Con người vì ỷ lại nơi tha lực hữu hạn mà quên rằng trong họ có năng lực vô hạn vì thế nếu biết sử dụng cái năng lực quý báu này thì sẽ vượt qua hết mọi khó khăn trở ngại trong cuộc đời.

Ngày xưa, đức Phật học đạo với hai vị Thiền sư Alarama Kalama và Uddaka Ramaputta và tu chứng được những cấp thiền Phi tưởng Phi phi tưởng xứ định, nhưng Ngài vẫn không thỏa mãn vì những cấp thiền tưởng đó không giúp Ngài thoát khỏi sinh già bệnh chết. Sau cùng Ngài từ bỏ họ và đến ngồi dưới cây Bồ Đề. Suốt 49 ngày đêm thiền quán, Ngài hoát nhiên đại ngộ, chứng tam minh, đạt lục thông và tìm ra chân lý thoát ly sinh tử luân hồi. Do đó cái đạo Ngài học do hai vị Thiền sư là Hữu sư trí tức là cái trí do thầy dạy mới có. Còn chân lý lìa sinh tử thì do chính Ngài tu thiền định mà khám phá ra thì cái trí tuệ này là Vô sư trí tức là cái trí tuệ nơi mình phát hiện chớ không phải do huân tập sự hiểu biết từ bên ngoài. Đức Phật đã xác ðịnh rằng mỗi chúng sinh đều có sẵn Vô sư trí mà thường gọi là Căn bản trí, bất sinh bất diệt thường hằng trong sáng mà con người bỏ quên để chạy theo Hữu sư trí tức là phân biệt trí sinh diệt. Vì thế nếu chúng sinh tin tưởng vào khả năng tự giác của mình nghĩa là quay về để bồi dưỡng trí tuệ, loại bỏ cho hết tập khí ngã mạn, đốn sạch cái gốc tham sân si thì Căn bản trí tức thì hiển lộ, chơn tánh hiển bày. Thế thì đạo Phật dạy chúng sinh tự mình định đoạt số mệnh của mình, chớ không do ai khác. Chính mình phải phát huy cái tinh thần tự lực, tự giác vì vậy tinh thần Pháp Hoa cũng không ngoài mục đích khuyến khích chúng sinh phát huy cái Tri Kiến Phật vốn có của mình, cái tự tánh thanh tịnh Niết bàn ở trong ta.

Số Bồ Tát đông hơn cát của sáu muôn sông Hằng mà Phật muốn nói ở đây là Bồ Tát tâm của chúng ta đó. Nó thiên biến vạn hóa trùng trùng điệp điệp vì tâm không có ngằn mé, bao la vô cùng vô tận. Tuy mỗi chúng sinh đều có Bồ Tát tâm, Bồ Tát hạnh, nhưng nếu đức Phật không khai thị chỉ bày thì chính họ cũng không hề biết mình có những đức hạnh cáo quý đó. Cũng như trong mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng đâu có ai biết và sử dụng cái Phật tánh thiêng liêng của mình nên suốt cuộc đời cứ mãi sống trong điên đão khổ đau.

Lúc Phật nói lời này, trong ba ngàn thiên quốc-độ ở thế giới Ta Bà, đất đều rung nứt và từ trong lòng đất, vô lượng ngàn muôn ức Bồ-tát đồng thời vọt lên. Các Bồ-tát ấy, thân như vàng ròng, đầy đủ 32 tướng tốt, sáng ánh khôn lường, trước kia trú trong hư không ở chỗ thấp nhất của thế giới Ta-bà, này nghe tiếng của Phật Thích Ca, nên từ chỗ thấp ấy mà xuất hiện đến. Mỗi mỗi Bồ-tát đều là bậc thủ lãnh dẫn đường cho đại chúng và mỗi vị đều có hoặc 6, hoặc 5, 4, 3, 2, và một muôn Hằng sa quyến thuộc, hoặc một hằng hà sa, nửa hằng hà sa, một phần hằng hà sa hay một phần trong ngàn ức na-do-tha phần hằng-hà-sa, hoặc từ ngàn muôn ức na-do-tha sụt lần xuống cho tới một muôn, một ngàn, một trăm, mười, năm, bốn, ba, hai, một quyến thuộc đệ tử. Lại cũng có những Bồ-tát chỉ có một mình, thích hạnh “ viễn ly”. Tất cả các Bồ-tát ấy đông vô số kể.

Khi Phật nói rằng trong thế giới Ta Bà này có vô vàn Bồ Tát thì tức thì mặt đất rung động nghĩa là tâm địa của con người bắt đầu chuyển biến, bừng tỉnh ngộ để nhận biết rằng tâm Bồ Tát của mình lúc nào vẫn có mà ta không hề hay biết bởi vì đất là tâm cho nên đất chuyển động tức là tâm đang chuyển động. Vì thế kinh Hoa Nghiêm mới dạy rằng “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết do tâm tạo”. Khi tâm con người chạy theo tham đắm dục tình, làm nô lệ cho phiền não vô minh thì tâm của ta là tâm ở thế giới Ta bà. Ngược lại nếu chúng sinh diệt trừ hết vô minh phiền não, tâm không còn dính mắc nơi tài sắc danh lợi thì tâm của ta bây giờ đang ở trong thế giới cực lạc. Vì vậy kinh Duy Ma Cật có câu “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh” nghĩa là hễ tâm mình thanh tịnh thì nơi ấy là cõi Phật thanh tịnh chớ đừng mơ ước ảo huyền trong chờ về thế giới cực lạc này hay cõi thanh tịnh nọ mà tự mình không thanh lọc nội tâm cho được trong sáng. Phật dùng “quyền hiển thật” cho nên đừng chấp phương tiện mà hãy nhìn vào cứu cánh thì mới thấy được thâm ý của Phật.

Các Bồ Tát thân như vàng ròng. Vàng ròng là tượng trưng cho sự toàn vẹn, không có trộn lẫn với bất cứ thứ kim loại nào khác. Tánh chơn thường bất hoại của vàng ròng là để ám chỉ cho đức tánh tự giác vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh. Cũng như Bồ Tát tâm, Bồ Tát hạnh đã sẵn có ở trong trong tâm của tất cả mọi người. Đức tánh tự giác đó khi chúng sinh mê thì nó không mất và khi họ thức tỉnh giác ngộ thì nó cũng vậy, không phải là mới có. Nó lúc nào cũng có tức là bất hoại chân thường ví cũng như vàng ròng vậy. Vì vậy mà thân Phật hay Bồ Tát thường gọi là “thân kim sắc”. 

Chúng sinh lúc nào cũng có đủ đức tánh Bồ Tát tâm, Bồ Tát hạnh  thế mà tại sao họ vẫn còn chìm trong cảnh khổ? Tuy chúng sinh có đầy đủ những đức tánh đại từ đại bi đó, nhưng hằng ngày họ bị sai sử bởi phiền não vô minh nên những đức hạnh cao quý này không hiển bày được cũng ví như vàng còn trộn trong sỏi đá nên không thấy. Tuy không thấy, không biết, nhưng chất vàng đâu có mất.

Khi tâm của con người chứa đầy phiền não vô minh thì đất tâm của họ bây giờ trở thành đất của cõi Ta Bà tức là uế trược, đau khổ. Ngược lại nếu tâm của ta thật thanh tịnh thì tâm địa sẽ trở thành đất của cõi cực lạc. Do đó cũng cái tâm đó mà có lúc thành Ta Bà, có lúc thành tịnh độ. Thí dụ nếu để tâm chạy theo vui mừng, hờn giận, hơn thua, phải quấy, tốt xấu…thì cái tâm này là tâm địa ở thế giới Ta Bà. Còn nếu biết tri túc thiểu dục, không chạy theo sắc, tài, danh, lợi thì cái tâm bây giờ trở về với tự tánh thanh tịnh tức là thế giới tịnh độ, an lạc. Nên nhớ rằng không nhất thiết nghèo mới khổ, còn giàu sang thì được hưởng sung sướng. Thói thường càng giàu có thì càng cưu mang thêm ưu phiền vì con người phải lo giữ gìn cái giàu có của mình, lo sợ nó biến mất nên vật chất tuy có sung mãn, nhưng tinh thần căng thẳng tính toán lo lắng rất nhiều. Ở Hoa Kỳ có biết bao tỷ phú, triệu phú, nhưng sự giàu có của họ là dựa trên thị trường cổ phần mà giá cổ phần thay đổi từng giây, từng phút nên ông bà tỷ phú, triệu phú nào cũng  lo lắng, ưu phiền chớ thật sự có sung sướng như bề ngoài đâu. Từ ngày biến cố 11 tháng 9 năm 2001, thị trường chúng khoáng xuống rất thấp khiến cho biết bao người trở thành trắng tay, không thể về hưu được. Đó chưa kể làm giàu bằng hành vi bất chánh, lừa đảo thì tuy trong tay có tiền, nhưng lòng lúc nào cũng lo sợ, bị lương tâm cắn rứt thì ai bảo đây là hạnh phúc? Ngược lại người nghèo quá chạy cơm ngày hai bửa cũng khổ. Khổ là vì lo để có cho nên tinh thần cũng căng thẳng. Do đó người vừa biết đủ là có hạnh phúc, không cần lo lắng sợ mất mà cũng chẳng quan tâm đến việc tạo thêm. Cho nên:

Đa dục vi khồ

Sanh tử bì lao

Tùng tham dục khởi

Thiểu dục vô vi

Thân tâm tự tại.

Vì thế biết đủ, sống hạnh phúc với những gì mình có, không tham vọng nhiều, không làm gì trái với lương tâm, đạo đức gia đình trên thuận dưới hòa thì đây không là tịnh độ, là cực lạc thì là gì?

Các Bồ Tát trú trong hư không ở chỗ thấp nhất của thế giới Ta Bà là vì con người hằng ngày sống trong trong thế giới Ta Bà này luôn chạy theo vô minh phiền não làm che lấp tâm thanh tịnh nên không biết mình có hằng sa số Bồ Tất tâm, Bồ Tát hạnh. Vì thế tuy chúng sinh có những đức hạnh rất cao quý mà không biết chẳng khác nào Bồ Tát ở những nơi thấp nhất trong tâm của ta.Do đó khi những ô trược như Kiến Hoặc, Tư Hoặc không còn nữa tức là tiếng nói của Phật Thích Ca thì những Bổ Tát đó mới xuất đầu lộ diện. Bồ Tát có rất đông quyến thuộc là muốn nói rằng một khi tâm chúng ta phát khởi những niệm lành thì từ đó nó biến hóa thành ra nhiều phương thức rất huyền diệu để làm lợi ích cho chúng sinh. Phật giáo Đại thừa luôn khuyến khích chúng sinh phát triển tâm đại từ bi để cứu giúp kẻ khác cho nên Bồ Tát một khi đã biết mình có Bồ Tát tâm, Bồ Tát hạnh thì họ sẽ hoạt động tích cực không ngừng nghĩ để cứu giúp muôn loài. 

Từ dưới đất vọt lên rồi, các Bồ-tát ấy đều đến ngọn tháp bảy báu nhiệm mầu trên hư không, là chỗ Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca đang ngự, vập đầu xuống chân làm lễ, rồi lại đến toà sư tử, dưới cội báu, chỗ Phật ngồi mà làm lễ. Xong, các vị đi quanh bên mặt Phật ba vòng, rồi chấp tay cung kính chiêm ngưỡng Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca.

Khi tâm chúng sinh thanh tịnh tức là từ đất vọt lên hư không và sau đó đến ngọn tháp báu để đảnh lễ Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo. Kinh Pháp Hoa xác định rằng cứu cánh tối thượng của người tu hành là thành Phật vì thế sau khi Bồ Tát vọt lên khỏi mặt đất tức là con người bây giờ đang sống với Tri Kiến Phật tức là họ đang đối diện với Thỉ giác là Phật Thích Ca và Bổn giác là Phật Đa Bảo. Nói cách khác khi con nguời đạt đến trí tuệ viên mãn nghĩa là Thỉ giác là trí tuệ có được nhờ tu tập, thể nhập với Bổn giác là cái giác tánh vốn có của mình. Vì thế tuy nói Bồ Tát diện kiến hai Như Lai nhưng thực chất là một tức là Bổn Phật. Nhờ Thỉ giác mà thấy được Bổn giác nghĩa là nhờ công phu tu tập thiền định mà thấy được cái Căn bản trí (Bổn giác) thường hằng bất biến ở trong ta. Thế thì Bổn Phật là cái đích tối thượng, là cứu cánh sau cùng của người đi trên con đường giải thoát giác ngộ.

Từ lúc các Bồ-tát xuất hiện cho đến khi làm lễ xưng tán Phật, một khoảng thời gian trôi qua, lâu năm mươi tiểu kiếp.

Bấy giờ đức Thích Ca ngồi yên nín lặng bốn hạng đệ tử cũng đều nín lặng. Nhờ sức thần Phật, đại chúng thấy 50 tiểu kiếp trôi qua như nửa ngày. Cùng một lúc và cũng nhờ sức thần Phật, bốn chúng thấy Bồ-tát đầy khắp hư không của vô lượng ngàn muôn ức quốc độ.

Đến đây kinh đang nói đến thế giới của bản thể chân như bất sinh bất diệt nên trong đó không có khái niệm của không gian và thời gian. Thời gian và không gian là cho thế giới hữu vi vì con người dựa trên hình thể và sự xoay vần biến đổi của các hành tinh mà suy diễn ra thời gian. Cho nên thời gian không cố định, một ngày trên cung trăng rất dài hơn một ngày trên địa cầu. Một kiếp ở thế giới Ta Bà chỉ bằng một ngày trong những thế giới khác. Nói chung thời gian là những quy ước cụ thể do con người đặt ra như ngày, tháng, năm. Rồi từ đó mới có quá khứ, hiện tại và vị lai. Thập Huyền Duyên Khởi là mười sự duyên khởi huyền diệu của tất cả vạn pháp trong thế giới hữu vi này được giải thích trong kinh Hoa Nghiêm thì “Mười Đời Cách Pháp Dị Thành” như sau:

-Thời gian mặc dù cách biệt nhau từ quá khứ đến hiện tại qua tương lai, nhưng chính nhờ thế mà các pháp được thành tựu một cách dễ dàng. Đáng lẽ ra chỉ nói quá khứ, hiện tại và tương lai là đủ, nhưng muốn chia một cách rốt ráo, tinh vi thì kinh chia làm mười đời. Đó là trong quá khứ cũng gồm có quá khứ, hiện tại, vị lai, trong hiện tại và tương lai cũng thế. Như vậy có tất cả chín đời, nhưng nếu chia nhỏ như thế mà không có ý niệm tổng quát so sánh liên hệ với nhau thì cũng không có ý niệm với thời gian. Vì thế cho nên ngoài chín niệm riêng biệt cộng thêm một niệm tổng quát thành ra mười.

Khi nhìn thấy một vì sao ở trên không trung thì chúng ta thường nghĩ rằng mình đang thấy vì sao đó. Nhưng trên thực tế thì ánh sáng từ hành tình đó phải cần đến mấy ngàn năm ánh sáng mới đến được địa cầu để mắt con người nhận thấy biết vì khoảng cách giữa địa cầu và hành tinh đó rất xa có thể dài tới mấy tỷ cây số. Thế thì khi mắt mình thấy vì sao đó thì cái thấy lúc bấy giờ là cái thấy của mấy ngàn năm trước chớ đâu phải thấy bây giờ. Do vậy mắt thì mới nhìn thấy vì sao, nhưng biết đâu vì sao đó mà chết từ lâu rồi, đâu còn nữa. Vậy thời gian nào là thời gian thật?

Tóm lại, khi quán thế gian là huyễn hóa thì khái niệm về thời gian không còn nữa cho nên hành giả Pháp Hoa luôn sống trong tỉnh giác, với Tri Kiến Phật vĩnh hằng bất tử thì thời gian trở thành vô nghĩa.

Trong số Bồ-tát ấy, có bốn vị đứng đầu: 1. Thượng-hạnh; 2. Vô-biên-hạnh; 3. Tịnh-hạnh; 4. An-lập-hạnh. 

 Mặc dầu số Bồ Tát rất nhiều, nhưng đứng đầu mỗi hạnh có một vị:

1)Thượng hạnh: Hạnh của bậc thượng nhơn nghĩa là phải thường tư duy và hành động trong chiều hướng trong sáng, cao thượng và dĩ nhiên cùng hướng về giải thoát giác ngộ.

2)Vô biên hạnh: Công hạnh rộng lớn vô cùng vô tận. Bồ Tát lấy việc hoằng dương chánh pháp và lợi ích cho chúng sinh làm cứu cánh. Như thế Bồ Tát mới có thể trong thì phá chấp ngã và ngoài thì phá chấp pháp, trong ngoài tự tại.

3)Tịnh hạnh: Hạnh thanh tịnh. Muốn phát triển hạnh thanh tịnh đến mức cao độ, Bồ Tát phải thực hành Bát Chánh đạo thật rốt ráo. Đó là phải thấy biết chân chính, tư duy chân chính, nói lời chân chính, hành động chân chính, sống đời chân chính, siêng năng chân chính và định tâm chân chính. Có thực hành Bát Chánh đạo rốt ráo thì những trói buộc của Thập triền, Thập sử sẽ bị hóa giải đưa hành giả đến chỗ thanh tịnh, nhẹ nhàng thanh thoát.

4)An lập hạnh: Hạnh đứng rất vững chắc. Bồ Tát lấy giải thoát giác ngộ làm cứu cánh tiến tới.

Đồng chấp tay nhìn đức Thích Ca, bốn vị kính hỏi:

-Bạch Thế Tôn ! Thế Tôn có được ít bệnh, ít buồn, và được an vui không? Những người đáng độ, có thọ giáo dễ không? Họ không có làm cho Thế Tôn mệt nhọc chứ?

Thế Tôn nói:

-Đúng thế ! Đúng thế ! Này các thiện nam tử, Như Lai an vui, ít bệnh, ít buồn, các hàng chúng sanh dễ mà hoá độ, không có mệt nhọc. Tại sao thế? Vì những chúng sanh ấy, từ trước đến nay, đời đời thường được ta hoá độ cho và chính họ cũng đã cung kính  tôn trọng chư Phật trong thời quá khứ và trồng các gốc lành. Các chúng sanh ấy, thấy thân ta, nghe tiếng ta nói, là liền tin lãnh và nhập vào tuệ Phật, trừ những người trước  đã tu tập  theo Tiểu thừa. Đối với hạng người này, ta cũng sẽ khiến cho nghe được kinh Diệu Pháp Liên Hoa và đi vào tuệ Phật.

Mỗi khi kinh điển Đại thừa dùng chữ Như Lai là ám chỉ chỉ Pháp thân thường trụ vĩnh hằng chớ không phải nói đức Phật lịch sử, là ứng thân Phật vào thế giới Ta Bà. Vì Như Lai hiện hữu từ vô thỉ đến vô chúng nên không có lúc nào mà không có Như Lai giáo hóa chúng sinh.  Tuy Như Lai là Tri Kiến Phật của chúng sinh là một không khác, nhưng căn cơ chủng tánh chúng sinh không đồng nên sự giáo hóa của Như Lai có khác. Vì thế nếu chúng sinh làm nhiều việc thiện nghĩa là Như Lai đã giáo hóa cho chúng sinh đó nhiều. Như Lai chính là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm mà mỗi chúng sinh đều có sẵn cái tâm huyền diệu tròn đầy này. Ngay cả những người thuộc hàng Thanh Văn thì Như Lai cũng giáo hóa khiến cho họ nghe được kinh Diệu Pháp Liên Hoa và hoàn thành Phật đạo tức là thành Phật.  

Lúc bấy giờ Bồ-tát Di Lặc cùng tám ngàn hằng sa Bồ-tát trong Pháp hội đều thầm lấy làm lạ việc vô số Bồ-tát đã từ đất vọt lên. Muốn giải nghi cho tất cả và cho riêng mình, Bồ-tát Di Lặc bạch Phật:

-Nguyện Thế Tôn cho chúng con biết, vô lượng Bồ-tát này từ đâu mà đến và nhóm họp để làm gì? Ai đã thuyết pháp giáo hoá cho các vị? Các vị theo ai mà phát tâm, đã thọ trì và thực hành kinh điển thế nào? Lại tu tập Phật đạo nào mà có sức trí thần thông to lớn như thế? Bạch Thế Tôn, chúng con chưa từng thấy một việc như vậy. Con thường đi qua nhiều nước, gặp gỡ nhiều người, chưa hề biết một vị trong số Bồ-tát ấy. Vậy kính xin Thế Tôn nói cho con biết các Bồ-tát ấy ở nước nào đến mà hốt nhiên từ đất vọt lên.

Bồ Tát mà ngài Di Lặc nói ở đây là Bồ Tát hạnh và Bồ Tát tâm ở những nơi thấp nhất của thế giới Ta Bà thì làm sao Bồ Tát Di Lặc thấy hay gặp được. Đây là những Bồ Tát ở trong đất tâm của tất cả chúng sinh nên bên ngoài không thể nào thấy được. Thế nhưng khi con người mở rộng tâm từ bi làm lợi ích cho chúng sinh thì những Bồ Tát này tức thì phát hiện để giúp họ hoàn thành những hạnh nguyện đó.

Cùng lúc ấy, các phân thân Phật Thích Ca từ vô lượng  muôn ngàn ức cõi khác đồng đến ngồi xếp bằng trên toà sư tử, dưới các cội cây báu trong tám phương. Những thị giả của các phân thân Phật Thích Ca cùng bạch hỏi về lai lịch  của các Bồ-tát từ đất vọt lên. Chư phân-thân Phật đáp:

-Bồ-tát Di Lặc đã hỏi Phật Thích Ca. Phật sẽ đáp. Vậy hãy chờ!

Khi ấy Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Bồ-tát Di Lặc:

-Hay thay lời hỏi của Di Lặc ! Ta sẽ tuyên bày trí tuệ, thần thông, sức mạnh và uy thế của chư Phật, vậy hãy một lòng và tinh tấn nghe ta nói.

Sau khi nói một bài kệ lập lại lời vừa nói, Thế Tôn kêu Bồ-tát Di Lặc nói:

-Những Bồ-tát đông vô số kể đã từ đất vọt lên, đều do ta giáo hoá chỉ dẫn, sau khi ta đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tất cả đều là bậc đã điều phục tâm mình, lòng sanh ý đạo, và ở trong hư không phía dưới thế giới Ta-bà. Tất cả đã từng đọc tụng thông suốt kinh điển, phân biệt trong chỗ nghĩ suy và sửa cho ngay thẳng những nhớ tưởng của mình. Này Di Lặc, các Bồ-tát ấy không thích ở chổ đông người, ồn ào, mà thường ưa ở nơi vắng lặng, siêng tu tinh tấn, chưa hề ngơi nghĩ lại cũng không dừng bước ở cấp Nhân, Thiên mà thường thích được trí tuệ thâm sâu, không còn vướng phải một chướng ngại nào.  Lại cũng thường vui nơi pháp Phật, một lòng tinh tấn cầu tuệ Vô Thượng.

Bồ-tát Di Lặc và vô số Bô-tát, lòng sanh nghi hoặc, tự hỏi:

-Làm thế nào trong khoảng thời gian  ngắn mà Thế Tôn giáo hoá được một số Bồ-tát đông như thế?

 Nghĩ xong bèn bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn, từ ngày còn là Thế-tử bỏ cung điện ra đi, rồi đến khi ngồi dưới cội bô-đề đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, từ ấy đến nay, vừa hơn bốn mươi năm, vậy làm thế nào trong khoảng thời gian ngắn ấy Thế Tôn lại giáo hoá cho vô lượng vô biên Bồ-tát ấy được? Vì muốn thành tựu như Bồ-tát ấy phải là người trong ngàn  muôn ức kiếp, trồng các căn lành  ở vô lượng vô biên nước Phật và thường tu phạm hạnh. Thế Tôn thì thành đạo đến nay chưa bao lâu, các Bồ-tát kia thì phải tu hành trong vô lượng kiếp mới đặng thần thông lớn như vậy. Thế thì làm sao hiểu được câu chuyện cha trẻ con già này? Riêng chúng con một lòng tin Phật, vì Phật không bao giờ nói ngoa, nhưng các Bồ-tát mới phát tâm tu hành, sau Phật diệt độ, có thể không tin lời Phật dạy. Vậy kính xin Thế Tôn giải nghi cho hàng mới phát tâm này, để họ khỏi phải đọa vào nẻo ác.
          Đại chúng thấy các vị Bồ Tát xuất hiện nhiều như thế và không biết từ đâu mà đến nên liền bạch Phật thì Thế Tôn dạy rằng “Đây là những đệ tử của ta”. Trong số những người thắc mắc là Đại Bồ Tát Di Lặc vì ngài dựa vào khái niệm thời gian của thế giới Ta Bà nên nói Thế Tôn chỉ có hoằng pháp trên dưới 40 năm thì làm sao có thể giáo hóa một số quá đông Bồ Tát như thế được? Bồ Tát Di Lặc là biểu tượng cho Thức, là trí phân biệt nên khộng hiểu Tri Kiến Phật tức là Vô Sư trí.  Còn Đại Trí Văn Thù mới là tượng trưng cho Căn bản trí . Vì Bồ Tát Di Lặc nhận thức sự kiện bằng Thức nên thấy đức Phật Thích Ca hoằng pháp chỉ mới có 40 năm trong khi đó các Bồ Tát có phước đức, công đức quá sâu dày tương đương với Ba A tăng kỳ nên sinh tâm nghi ngờ lời Phật dạy là không thật. Phật hóa thân và Bồ Tát hóa thân là không thật, là biểu tượng của Căn bản trí nên không bị giới hạn của không gian và thời gian, không bị vô thường sinh diệt chi phối.

Phật giáo Đại thừa thì Duy thức nói về Có còn Bát nhã nói về Không. Tuy khác nhau về hình tướng, phương tiện nhưng cứu cánh vẫn như nhau. Người học Phật vì có bệnh chấp vào văn tự nên mới nói có sự khác biệt vì thế khi nghe nói Có thì tin thật có và khi nghe nói Không thì tin thật không mà không chịu suy tư quán chiếu để thấy cái cứu cánh của nó. Để phá hai căn bệnh chấp Có chấp Không, ngài Long Thọ căn cứ vào giáo phá tướng (Kinh Bát Nhã) mà rộng nghĩa Không để phá bệnh chấp Có. Còn ngài Vô Trước thì hiển bày lý diệu hữu để phá bệnh chấp Không. Do đó mà Phật giáo có hai tông: Không tông là tông Bát nhã và Tướng tông là duy thức tông hay còn gọi là Hữu tông. Hữu tông nói Có, Không tông nói Không, nhưng trên chỗ dung hội thì tuy hai nhưng mà một. Đó là nói Không thì biết cái Không của diệu hữu, còn nói Có thì biết chỉ cái Diệu hữu của Chơn không.

Đến đây là phần của thế giới Bổn môn là thế giới của bản thể chân như mà Bồ Tát Di Lặc còn kẹt ở thế giới Tích môn là thế giới có sinh có diệt. Vì thế muốn biết tuổi thật của đức Phật, Ngài thật sự sống thọ bao lâu thì đức Phật sẽ trả lời rõ ràng trong phẩm kế tiếp, là phẩm Như Lai Thọ Lượng.

Âm lịch

Ảnh đẹp