KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI


Lê Sỹ Minh Tùng PL. 2556 DL. 2012
30/06/2012 14:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 110880
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012

Chương Thứ Mười Một

Phẩm HIỆN BẢO THÁP

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà 

 

Mục đích Phật nói kinh Pháp Hoa là để “khai thị” cho chúng sinh “ngộ nhập” được Tri Kiến Phật nghĩa là đức Phật muốn khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập cái thấy biết của Phật và cũng chính là cái thấy biết của Pháp Hoa vốn đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh.Đó là trong tất cả mọi chúng sinh, ai ai cũng có đầy đủ tri kiến Phật, là trí tuệ bổn lai đều giống như Phật.Trong mười phẩm đầu từ phẩm Tựa đến phẩm Pháp Sư là phần “khai” tức là khai mở để chúng sinh nhận biết Tri Kiến Phật. Từ những thí dụ cụ thể đến phần thọ kư cho các bậc vô học như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…, các vị hữu học như các ngài A Nan, La Hầu La và sau đó Phật thọ ký cho tất cả mọi người để xác định cái Phật tánh vốn sẵn có trong tất cả mọi chúng sinh. Đây là phần “khai” để mọi người nhìn thấu suốt con đường sẽ đi của mình tức là thành Phật.

Đến phẩm Hiện Bảo Tháp thì Phật bắt đầu tiếp nối phần “khai” là phần “thị” Phật Tri Kiến. Thị là chỉ bày cho người thấy để tỏ ngộ cái Phật Tri Kiến của mình. Tri Kiến Phật là tánh giác vốn có sẵn nơi mỗi chúng sinh. Vì là bản thể thanh tịnh nên nó không có tướng trạng, không có màu sắc, không có kích thước nên làm sao Phật chỉ cho chúng sinh thấy biết nó. Cũng giống như gió, biết là nó có đó vì nó làm cho người ta ta mát dịu nhưng đâu có ai thấy được gió vì nó là vô hình. Vì không thể chỉ bày trực tiếp cái Phật tánh thiêng liêng trong mỗi chúng sinh, ở đây đức Phật mới dùng biểu tượng Hiện Bảo Tháp để biểu trưng cho Tri Kiến Phật. Hiện là thấy, nhưng thấy có hai loại: một là thấy bằng mắt thịt, hai là dùng tâm để thấy. Vì thế Hiện Bảo Tháp là dùng tâm để thấy bổn tánh Như Lai tức là thấy bảo tháp của chính mình.

 

 

 

Lúc bấy giờ trước Phật có một ngôi tháp bằng thất bảo cao 500 rộng 250 do tuần từ dưới đất hiện lên rồi trụ lơ lửng giữa hư không. Ngôi tháp cực kỳ tráng lệ tỏa ra mùi thơm“ly cấu chiên đàn” khắp cùng cõi nước. Các hàng Thiên long bát bộ cùng đem các thứ phan lọng, hương hoa, chuỗi ngọc…của cõi trời để cúng dường tôn trọng và ngợi khen.

Tháp có nghĩa là Pháp mà Pháp này lại là trường tồn bất hoại theo thời gian và cũng không thay đổi theo không gian. Đó chính là Pháp tánh thanh tịnh bất sinh bất diệt.

Bảo tháp này xây bằng bảy thứ châu báu, bảo ngọc, cao 500 dặm và rộng 250 do tuần từ dưới đất nổi lên và an trú ở trong không trung. Ở đây bảo tháp bảy báu là tượng trưng cho thất đại: đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức. Nếu chúng sinh còn mê thì thân mình là thất đại nặng nề nên phải đứng trên mặt đất, còn thức tỉnh, nhận ra Tri Kiến Phật của mình thì thất đại biến thành thất bảo. Vì Tri Kiến Phật là chơn không, Phật tánh nên vọt lên từ mặt đất (thân phàm phu) mà an trụ lơ lửng trong hư không. 500 do tuần là biểu tượng cho chúng sinh thọ khổ trong 500 đường luân hồi sinh tử và bảo tháp rộng 250 do tuần là chỉ cho 250 điều giới luật của một vị Tỳ kheo. Bảo tháp vọt lên từ đất mà đất là để cho  tâm. Tất cả muôn sinh vạn vật có sinh tồn cũng do đất. Cây cỏ, ruộng lúa, hoa quả… cũng do đất sinh ra ví như những tư tưởng thiện ác, tốt xấu đưa con người lún sâu vào vòng sinh tử khổ đau hoặc hướng về cảnh giới giải thoát giác ngộ đều do tâm tạo.Cái tâm của con người thật là quan trọng, nó là trung tâm của sự sống, của vũ trụ và chứa nhóm tất cả muôn pháp. Nó là hào lũy ẩn náu của mọi tật xấu, nhưng cũng là mảnh đất phì nhiêu nẩy sanh mầm giống giác ngộ. Vì thế, chính tâm tạo nên hạnh phúc và cũng chính tâm tạo biết bao nỗi khổ đau. Vậy cái tâm của nó nằm ở đâu? Để trả lời câu hỏi nầytrong kinh Lăng Nghiêm đức Phật đã gạn hỏi ông A Nan bảy lần về nơi thường trụ của tâm để có cái nhìn rõ ràng về sự khác nhau giữa vọng tâm sinh diệt thay đổi từng giây từng phút, từng cảnh giới, chạy theo lục dục thất tình, tham đắm sắc tài danh lợi và sự thanh tịnh không thay đổi, lúc nào cũng an vui tự tại và luôn ở trong ta, là chơn tâm, là Phật tánh, là Tri Kiến Phật.

Vì vậy khi bảo tháp còn ở dưới đất ví như con người còn chạy theo  vọng tâm sinh diệt, còn sống trong mê mờ bất giác. Bây giờ bảo tháp vọt khỏi lòng đất và lơ lửng giữa hư không nghĩa là chúng sinh lìa tâm sinh diệt, quay về với chơn tâm, Phật tánh thanh tịnh của mình. Hiện tượng “vọt lên” của bảo tháp là chỉ cho sự dẹp sạch mọi vẫn đục trong tâm thức để tâm thức trở thành không gian cho bảo tháp hiển lộ. Đó chính là tâm trụ nơi vô trụ nghĩa là bản tâm bây giờ không còn dính mắc bởi sắc tài danh lợi, bởi lục dục thất tình, bởi thập triền thập sử nên nó ở lơ lửng không dính mắc mà trở về với bản thể thanh tịnh tức là Bổn Phật của chính mình. Vì thế kinh Kim Cang có câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Nhược tâm hữu trụ tức vi phi trụ” nghĩa là tâm có chỗ trụ thì không bao giờ thấy được chân lý. Tóm lại, khi tâm thức của chúng sinh trống rỗng bao la vô cùng vô tận như hư không thì ngay thời điểm đó tháp báu xuất hiện tức là Thủy Phật hòa nhập với Bổn Phật nghĩa là  chúng ta đang sống với chơn tâm, Phật tánh của chính mình. Lục Tổ Huệ Năng dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn là chúng sinh muốn có tâm thanh tịnh thì phải áp dụng ba cái Vô :

1) Vô niệm vi tông : Phàm là con người thì lục căn lúc nào cũng có thể tiếp xúc với sáu trần, nhưng nếu muốn tâm đừng phát sinh vọng tưởng thì cho dù mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương vị, lưỡi nếm mùi vị, thân cảm xúc nóng lạnh hay ý có suy nghĩ gì mà tâm không khởi vọng niệm chạy theo. Nói cách khác thấy thì cái gì cũng thấy mà không thấy cái gì hết, nghe thì nghe tất cả mà như không nghe gì cả…Cảnh vật, âm thanh…cũng như gió thoảng, mây bay có đến rồi lại đi, đừng chấp thủ, giữ lại trong lòng. Con người làm chủ tâm mình thì có an lạc, thanh tịnh Niết bàn, ngược lại nếu tâm làm chủ thì con người làm nô lệ cho vô minh phiền não, thế thôi.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

2) Vô tướng vi thể : Tất cả vạn pháp trong thế gian này là từ nhân duyên kết hợp nên chúng không có tự thể nghĩa là vô ngã tức là Không. Khi đã thấu hiểu vạn pháp là giả dối, không thật, nay có mai không thì con người đừng chạy theo sắc trần một các mù quáng làm tâm bất tịnh. Chỉ khi nào chúng sinh quán tưởng để thấy biết bằng trí thật tướng của vạn pháp thì cái thấy biết này mới là chân lý.

3) Vô trụ vi bổn : Vô trụ là không dính mắc. Vậy không dính mắc cái gì? Sáu trần là những cục nam châm có sức hút rất mãnh liệt làm cho sáu căn mê muội khiến tâm phát sinh vọng tưởng sai lầm làm cho con người sống trong điên đảo khổ đau. Vậy muốn có cuộc sống tự tại an nhàn thì từng giây, từng phút, từng giờ, từng hơi thở con người nên giữ chánh niệm, sống trong tỉnh thức, đừng để tâm buông lung chạy theo tham đắm dục tình.

Ngày xưa đức Phật Thích Ca khi chưa thành đạo, vào núi tuyết tu sáu năm khổ hạnh tức là Ngài tu sáu căn vậy. Do đó có thành người, thành thánh, thành Bồ-tát, thành Phật cũng do sáu căn. Mà có thành ma, thành ngạ quỷ súc sanh hay bị đọa vào đia ngục A tỳ cũng bởi do sáu căn. Do đó nếu con ngườivui thích theo ái dục, dong ruổi theo lục trầnthì chính họtự lao mình trong lưới buộc như nhện giăng tơ, tuy có hướng cầu an lạc, nhưng vẫn bị quanh quẩn trong chốn trầm luân. Chỉ có những ai dứt được sự ràng buộc, sáu căn thường sáng tỏ, thì sẽ xa mọi thống khổ để ngao du tự tại. Kinh điển Đại thừa là diễn về lý thâm nghĩa bên trong cho nên đừng chạy theo “tướng và tưởng” mà nghĩ rằng Phật dùng thần thông biến hóa như trong các phim thần thoại mà lạc mất ý kinh.

Bấy giờ trong tháp báu vang ra tiếng khen rằng:

- Hay lắm! Hay lắm! Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, có thể dùng tuệ bình đẳng vì đại chúng nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Đúng vậy! Lời Thích Ca Mâu Ni nói là chân lý chân thật!

Bảo tháp là tượng trưng cho Bổn Phật trong thế giới Ta Bà tức là cái bất sinh bất diệt trong cái thế giới có sinh có diệt này. Bảo tháp này là bảo tháp của một vị Phật tên là Phật Đa Bảo. Từ trong bảo tháp, Phật Đa Bảo vang ra tiếng khen Phật thích Ca nói kinh Pháp Hoa đúng và chân thật khiến cho đại chúng tin mà chẳng sinh tâm hoài nghi.

Trước sự kiện hi hữu nầy, đại chúng được pháp hỉ, đồng thời cho là chuyện lạ nhưng không ai nói ra đều cung kính chấp tay đứng qua một bên. Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết biết tâm niệm tứ chúng bèn bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Do duyên cớ gì mà có tháp từ đất hiện lên lại từ phía trong có tiếng vang ra như thế?

Đức Phật đáp: 

-Trong tháp báu nầy có toàn thân Như Lai.  Thời quá khứ, cách đây vô lượng lâu xa, tại nước Bảo Tịnh có Phật Đa Bảo, lúc còn hành đạo Bồ-tát, đã phát lời nguyện rằng, nếu được thành Phật thì, sau khi diệt độ, chỗ nào có nói kinh Pháp Hoa, tháp báu của Ngài sẽ hiện ra khen ngợi để chứng minh. Vì vậy, bất luận chỗ nào trong mười phương hễ có nói kinh Pháp Hoa thì tháp báu hiện ra, toàn thân Phật trong tháp nói: “ Hay lắm ! Hay lắm !”

Các phẩm trước người thưa hỏi đức Phật là những vị A la hán  tức là những người bằng xương bằng thịt có trong lịch sử thuộc về phần “khai”, nhưng đến phẩm này Phật bắt đầu chỉ phần “thị” Phật Tri Kiến nên người hỏi bây giờ không còn là A la hán mà là Bồ Tát. Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết nghĩa là vị Bồ Tát lớn hay nói, đứng ra thưa hỏi nhân duyên nào mà có tháp từ đất vọt lên mà lại có âm thanh vang ra như thế.

Phật Thích Ca giải thích rằng: Trong bảo tháp này có toàn thân Xá Lợi của Như Lai. Vị Phật này, trong thời quá khứ rất xa xưa, cách đây về phương Đông  trải qua vô lượng ngàn ức A Tăng kỳ thế giới, có cõi nước dùng bảy báu tạo thành tên là Bảo Tịnh, Phật hiệu Đa Bảo Như Lai. Khi vị Phật đó trong khi hành Bồ Tát đạo đã từng phát lời thệ nguyện rộng lớn rằng “Nếu tôi thành Phật, sau khi diệt độ, ở trong cõi nước chư Phật mười phương, chỉ cần nơi nào có Phật diễn nói kinh Pháp Hoa, vì nghe bộ kinh này mà bảo tháp của ta từ dưới đất vọt lên, hiện ra ở trước đạo tràng của chư Phật mười phương, làm chúng minh cho vị Phật đó nói kinh Pháp Hoa”. Phật Đa Bảo đã thành Phật rồi thì đâu cần nghe pháp nữa, nhưng lý do Ngài thị hiện là để ấn chứng những lời Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa là đúng, là chân lý. Đa Bảo là nhiều của báu. Bảo Tịnh là của báu trong sạch. Như thế tên Phật Đa Bảo và cõi Phật Bảo Tịnh nói lên những món quý báu trong sạch nhất, đó không gì khác hơn là Tri Kiến Phật. Bởi vì Tri Kiến Phật là bản thể thanh tịnh, sáng suốt nhiệm mầu xuyên suốt không gian và thời gian nên rất tôn quý, bảo báu. Vì thế Phật Đa Bảo xuất hiện ở đây không gì khác hơn là Tri Kiến Phật tức là Pháp thân, Phật tánh thanh tịnh ở ngay trong tấm thân thất đại của mỗi chúng sinh.

Bồ-tát Đại Nhạo Thuyết thay lời đại chúng bạch:

-Chúng con muốn thấy thân của đức Phật Đa Bảo.

Phật Thích Ca đáp:

-Theo đại nguyện của Phật Đa Bảo, khi tháp Ngài hiện ra mà có đức Phật nào muốn chỉ cho tứ chúng thấy thân của Ngài thì đức Phật ấy phải nhóm lại một chỗ tất cả “phân thân” của mình, rồi sau đó thân Phật Đa Bảo mới hiện ra. Vậy nay ta sẽ nhóm tất cả “phân thân” của ta hiện đang thuyết pháp ở các cõi nước trong mười phương.

Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết nghe trong bảo tháp lời khen ngợi đức Phật Thích Ca, chỉ nghe tiếng mà không thấy người bèn đại diện đại chúng muốn chiêm ngưỡng Phật Đa Bảo. Phật Đa Bảo là Pháp thân Phật, nhưng mỗi vị Phật phải có đủ ba thân là Pháp thân, Ứng thân và Báo thân. Đức Phật Thích Ca, vị Phật lịch sử giáng sinh ở Ấn Độ là Báo thân Phật. Còn Hóa thân Phật là những thân Phật phân ra đi nói pháp ở các cõi trong mười phương pháp giới. Vì vậy muốn thấy được Phật Đa Bảo thì các Hóa thân phải quy về hội nhập với Pháp thân, lúc ấy toàn thân của Ngài sẽ hiện rõ.

Bấy giờ đức Thích Ca phóng một đại hào quang từ tướng lông trắng giữa đôi mày, hằng sa cõi nước ở mười phương hiện bày, trong đó vô lượng Bồ-tát đang vì chúng sanh nói pháp.

Thấy ánh sánh ấy, chư Phật mười phương đều bảo các Bồ-tát         -Chúng ta phải qua thế giới Ta Bà, chỗ của đức Phật Thích Ca để cùng cúng dường tháp báu của Đa Bảo Như Lai”. Chư Phật ấy đều là phân thân của đức Thích Ca.

Lúc bấy giờ, cõi Ta Bà biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu ly, có cây báu, vàng ròng trang nghiêm, không có tụ lạc thành ấy, xóm làng, biển cả, sông ngòi, rừng núi.

Khi đức Phật Thích Ca phóng ra một đại hào quang sáng qua vô số cõi nước ở mười phương thì các Hóa thân Phật thấy hào quang liền biết Phật muốn các Ngài quy hội về. Khi các Hóa thân đều quy hội về với Phật thì cõi Ta Bà trở thành thế giới cực lạc trang nghiêm. Tại sao vậy?  Thân mà kinh nói ở đây không phải là thân vật chất, thân tứ đại nặng nề mà chính là thân tư tưởng. Chính Lục Tổ cũng dạy rằng:

Pháp thân là tự tánh thanh tịnh. Còn khởi niệm là Hóa thân. Khi khởi niệm mà tâm không dính mắc bên này bên kia, bên có bên không, bên tà bên chánh thì đây chính là Báo thân thanh tịnh. Vì thế khi chư Phật khởi niệm biết chúng sinh còn khổ nơi này chỗ kia thì các Ngài liền Hóa thân đến đó giáo cho họ lìa khổ được vui. Vì vậy nếu muốn thấy được Pháp thân Phật thì các Hóa thân phải quy về với Báo thân tức là tâm trở về với trạng thái thanh tịnh. Con người chúng ta cũng thế. Trong ta cũng có Pháp thân thanh tịnh giống y như chư Phật. Nhưng tâm của chúng sinh phát khởi vọng niệm liên tục, nào là thiện ác, tốt xấu, thân sơ, phải quấy, giàu nghèo…thì đây là những Hóa thân của phàm nhân chạy lăng xăng khắp cùng khiến chúng sinh tạo vô số phiền não, ưu sầu. Ngược lại, Phật cũng khởi niệm tức là Hóa thân, nhưng khởi trong giác ngộ chớ không khởi trong mê mờ như chúng sinh. Do đó Phật khởi vô số niệm thì có vô số Hóa thân vì vậy nếu muốn thấy được Pháp thân thanh tịnh thì những niệm đó cho dù là chánh niệm cũng phải dừng lại tức là tất cả Hóa thân phải quy về với Pháp thân thì lúc ấy Pháp thân thanh tịnh tức là Phật Đa Bảo hiển lộ hoàn toàn. Vì thế tiến trình để có giải thoát giác ngộ là Giới Định Tuệ nghĩa là giữ giới để đoạn sách hết mọi loạn tưởng thì tâm mới an định. Tâm định tức là tất cả những Hóa thân chạy theo vọng tưởng điên đảo quy về với bản tâm thanh tịnh. Từ định mà trí tuệ sẽ phát sinh tức là nhận ra Tri Kiến Phật của chính mình.

Khi tâm chưa tịnh thì thế giới mình đang sống sẽ trở thành toàn là gò nỗng, hầm hố, chông gai, sỏi sạn, đất đá, núi non nhơ nhớp dẫy đầy. Nhưng khi mọi vọng tưởng chấp trước không còn, tâm trở thành thanh tịnh thì cũng cái thế gian nhơ nhớp đó bây giờ trở thành nhẹ nhàng thanh thoát, êm diệu. Vì thế kinh Duy Ma Cật có câu “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh. Dục tịnh Phật độ tiên tịnh kỳ tâm” nghĩa là nếu tâm mình thật thanh tịnh, không còn bị vô minh phiền não quấy phá thì thế giới mình đang sống chính là cõi Phật thanh tịnh. Mà muốn có cõi Phật thanh tịnh thì trước hết phải hóa giải cho tâm mình được thanh tịnh, dừng hết mọi vọng tưởng nghĩa là phải gom hết Hóa thân về với Pháp thân Phật. Đây là cách xây dựng cõi Phật thanh tịnh bằng cách bồi dưỡng tâm mình cho thật thanh tịnh. Do đó mỗi khi chư Phật đến đâu thì cõi đó thành thanh tịnh mà họ không có dùng bùa phép hay thần thông gì hết.

Khi lòng không vui, đau khổ thì nhìn đâu cũng ảm đạm, thấy gì cũng chán chường, đen tối ngay cả nàng Kiều còn than thở rằng:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu?

Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!

Đôi phen nét vẽ, câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.

Vui thì vui gượng kẻo là,

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

  Nàng Kiều cũng cầm kỳ thi họa, cũng ngâm cũng vịnh, nhưng chỉ là gượng gạo cho người mua vui chớ lòng mình tê tái chẳng có gì thích thú cả. 

Thật vậy, khi vui ăn rau luộc mà còn ngon hơn là sơn hào hải vị, còn lòng lo âu, sợ hãi thì ngậm công danh phú quý như ngậm bòn hòn chớ có chi là sung sướng. Vì thế toàn bộ giáo lý Phật Đà là muốn khuyến khích chúng sinh tự thanh lọc thân tâm của mình cho được thanh tịnh thì cái thế gian họ đang sống tức thì sẽ biến thành thiên đường cực lạc mà khỏi trông chờ mong đợi gì hết.

Mỗi đức Phật có một Bồ-tát làm thị giả, các đức “ phân thân” qua đến Ta Bà, lên ngồi kiết già trên tòa sư tử đặt dưới cội mỗi cây báu, lần lượt như thế khắp tam thiên đại thiên thế giới mà vẫn không đủ chỗ ngồi.

Để dung chứa tất cả các phân thân đức Thích Ca bèn biến thêm ở tám phương, 200 muôn ức na-do-tha nước, nước nào cũng thanh tịnh trang nghiêm.

Khi các Hóa thân Phật ở khắp mười phương pháp giới cùng quy hội về đều ngồi lên tòa sư tử đặt dưới cội mỗi cây báu khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Vậy thế nào là tòa sư tử? Phải chăng mỗi lần chư Phật đến đâu thì phải có người đem những tòa sư tử chạm trổ rất công phu đẹp đẻ huy hoàng tráng lệ để các Ngài ngồi? Thật ra đâu có ai chạm trổ  hay chẳng có cái gì là cao sang tráng lệ cả. Tòa sư tử mà kinh Phật nói ở đây chẳng qua là những tảng đá, hay gốc cây cho nên Phật lấy cỏ hay rơm trải lên trên để ngồi cho êm mà thuyết pháp. Nhưng tại sao lại gọi là tòa sư tử? Bởi vì lời nói của Như Lai là Chánh pháp, là Chân lý nên những học thuyết của thiên ma ngoại đạo phải tránh xa, không dám đến gần cũng như nơi nào sư tử ngồi thì chồn, nhím, chuồn chuồn, chó, mèo, nai, heo chẳng dám lại gần. Ngày xưa đức Phật xin một nắm cỏ của người nông dân, trải lên gốc cây Tát Bạt La rồi ngồi thiền định 49 ngày đêm, chứng đạo Bồ đề. Do đó bất cứ cây nào Ngài ngồi là cây Bồ Đề tức là cây giác ngộ, cây tỉnh thức chớ trên thế gian này không có cây nào thật sự là cây Bồ Đề cả. Vì thế Bồ Đề là giải thoát giác ngộ tự trong tâm thức chớ cây không làm cho ai giác ngộ được. 

Phân thân Phật tức là Hóa thân Phật mà Hóa thân là niệm tưởng cho nên đức Phật Thích Ca có muôn vàn ức niệm tưởng, bao la vô cùng vô tận lan tỏa khắp tam thiên đại thiên thế giới chớ đừng nghĩ rằng Phật có thần thông biến hóa bay khắp nơi trong vũ trụ thì chúng ta đang sống trong ảo tưởng hoang đường. Bất cứ nơi nào Phật đến thì nơi ấy sẽ biến thành cõi thanh tịnh không có nghĩa là Phật dùng thần thông làm cho nơi ấy an bình mà đối với người có tâm thanh tịnh thì họ đến đâu thì cái thế giới đó “đối với họ” sẽ trở thành Cực lạc Niết bàn. Nếu Phật có bùa phép thì tại sai Ngài không ngăn cản vua Lưu Ly đừng giết hại dòng họ Thích Ca? Thí dụ trong xóm có hai người đang đánh đấm nhau, nhưng có vị thiện tri thức đến đem những lẽ thật của cuộc sống giảng giải cho hai người đó. Nghe xong hai người bắt tay hòa thuận, không còn tranh chấp nhau nữa. Không phải vị thiện tri thức có bùa phép gì, nhưng người đó dùng Chánh giác để chuyển mê khai ngộ, phá bức màn vô minh hắc ám trong tâm của hai người đó khiến họ thức tỉnh, thấy biết lẽ thật của cuộc đời nên thay vì giết hại nhau để gây thêm tội nghiệp thì họ bắt tay hòa giải tương thân tương trợ, sống trong hòa bình an lạc. Tóm lại, bất cứ vị Phật nào tâm cũng rất thanh tịnh cho nên họ đi đến đâu, ngồi chỗ nào thì chỗ đó cũng thanh tịnh theo.

Lại để có chỗ cho các phân-thân Phật sẽ đến, đức Thích Ca dời trời, người đi nơi khác, biến thêm 200 muôn ức na-do-tha nước khác, nước nào cũng thanh tịnh, trang nghiêm, bình đẳng như trên.

Đừng hiểu rằng đức Phật Thích Ca dùng thần thông dời trời, người đi nơi khác…nếu dời thì Ngài dời họ đi đâu? Thật ra nếu chúng sinh muốn tâm mình thật thanh tịnh như tâm Phật thì họ phải dời cho hết những tâm tài, sắc, danh, lợi, mừng, giận, thương, ghét, phải, quấy…lúc đó (tâm) Phật mới đến ngự trong tâm ta được. Nếu tâm chúng sinh chất đầy những vọng tưởng, chấp trước phân biệt thì Phật còn chỗ nào để vào? Cũng nhưng trong phòng khách nào là ông tham, ông sân, ông si, bà phẫn, bà hận, ông phú, ông não…ngồi chật nhà thì còn chỗ nào trống để Phật ngồi. Vì thế muốn Hóa thân Phật ngự trong tâm của mình thì chúng sinh phải hóa giải cho hết những tâm phàm phu, tâm cầu hưởng phước báu nhân thiên, tâm tham đắm dục tình. Do đó đức Phật Thích Ca không phải là phù thủy hay nhà ảo thuật có thể dời người này chỗ này người kia đến chỗ khác như David Copperfield làm biến mất tượng nữ thần tự do ở New York.

Chưphân-thân Phật trong mười phương tuần tự về đủ nhóm ngồi ở tám phương. Chư Như Lai ngồi đầy khắp 400 muôn ức na-do-tha cõi nước.

Khi tâm chúng sinh rỗng rang, không còn vọng chấp thì lúc ấy chư phân thân Phật tức là Hóa thân Phật sẽ ngự trong tâm của họ nghĩa là Pháp thân hiển bày.

Khi đâu vào đấy rồi, các phân-thân Phật sai thị giả qua cõi Ta Ba dâng hoa cúng dường Phật Thích Ca và dạy thị giả bạch rằng:

-Như Lai có được ít bệnh, ít khổ, sức khỏe an vui và các Bồ-tát Thanh-văn  đều được an-ổn chăng?” Sau khi cúng dường hoa, các thị-giả bạch với đức Thích Ca là chư phân-thân Phật  đều muốn mở tháp báu đang lơ lửng trên không. Đức Thích Ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy ngón tay mặt mở cửa tháp, làm vang ra một tiếng lớn như tháo khóa một cửa thành.

Tất cả các phân thân Phật đều đồng nhất muốn thấy đức Phật Thích Ca mở cửa tháp báu đang lơ lửng trên không. Tuy mở tháp là một hành động bình thường, nhưng ở đây cần phải có một sức mạnh phi thường mới mở được tháp. Tại sao? Vì đây là sự thể nhập giữa Bổn giác và Thủy giác nên đây là hiện tượng không phải nhỏ. Bản giác là Phật Đa Bảo và Thủy giác là Phật Thích Ca. Do đó Thủy giác muốn trở về hòa nhập vào Bản giác thì phải có điều kiện. Con người cũng thế, tuy ai ai cũng đều có Tri Kiến Phật, Phật tánh, Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, nhưng muốn trở về với Phật tánh, với Bản giác thiêng liêng đó thì chúng sinh phải buông xả hết tức là lơ lửng trên không, tâm không còn thập triền cột chặt, thập sử sai khiến, phải có ý chí cởi mở những ràng buộc vương vấn khổ đau của thế trần. Đó là tâm vô trụ bởi vì tâm còn trụ là còn dính mắc, chấp trước tức là còn khổ đau.

Tức thì tất cả chúng sanh trong hội đều thấy Đa Bảo Như Lai trong tháp báu ngồi trên tòa sư-tử tòan thân nguyên vẹn như người nhập định.  Lại nghe Đa Bảo Như Lai nói:“Hay lắm! Hay lắm! Thích Ca Mâu Ni  Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa hay quá. Vì muốn nghe kinh nên ta mới đến đây”. Hàng tứ chúng thấy việc chưa từng có, hân hoan đem các thứ hoa báu tung rải lên cúng dường Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca.

Phật Đa Bảo là Pháp thân Phật bất sinh bất diệt, tồn tại từ vô thỉ đến vô chung và hiện hữu vô cùng vô cực nên toàn thân như người nhập định. Đây chỉ là văn dĩ tải đạo để xiễn dương một giáo lý thậm thâm chớ trên thế gian này không có ai là Phật Đa Bảo và dĩ nhiên cũng không có bảo tháp nằm lơ lửng trên không để chờ Phật Thích Ca mở. Kinh điển  Phật giáo Đại thừa luôn chứa một giáo lý bên trong tức là lý kinh vì thế người học Phật phải thấu hiểu những đạo lý này để biết ứng dụng cho đúng cách thì sự học kinh mới thực sự mang lại cho mình sự thực dụng. Bằng không nếu y dựa vào sự kinh thì càng lún sâu vào mê tín, sống trong ảo tưởng hoang đường.

Như vậy, Phật Đa Bảo tức là Pháp thân có sẵn muôn đời trong tất cả mỗi chúng sinh. Khi chúng sinh biết dừng hết vọng tưởng điên đảo tức là Hóa thân quy trở về thì ngay nơi Báo thân này (thân thất đại) Pháp thân hiển hiện. Ngược lại nếu còn vọng tưởng, chấp trước tức là Hóa thân chạy tới chạy lui thì Pháp thân không bao giờ hiển hiện. Một ý nghĩa khác về Phật Đa Bảo là xác định rằng chính Phật Đa Bảo trong hằng sa kiếp cũng đã tu và đã từng nói kinh Pháp Hoa vì thế Phật thị hiện để minh xác rằng Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa rất hay và rất đúng mà nhà Phật gọi là ấn chứng.

Chia nửa tòa sư tử trong tháp báu, Phật Đa Bảo nói:

-Phật Thích Ca ! Xin mời lên ngồi trên tòa nầy

Tức thời đức Phật Thích Ca vào trong tháp ngồi kiết-già trên chỗ được Phật Đa Bảo nhường.

Phật Thích Ca là người đạt đạo ngày nay và Phật Đa Bảo thành Phật từ vô lượng kiếp bình đẳng nên mỗi vị ngồi nửa tòa sư tử. Điều này nói rằng vị trí của Thỉ giác và Bản giác ngang nhau nghĩa là Phật xưa và Phật nay địa vị bằng nhau, khả năng chứng ngộ chân lý cũng giống nhau.

Thấy hai Như Lai cùng ngồi xếp bằng trên tòa Sư Tử trong tháp, đại chúng thầm nguyện:“Phật ngồi cao quá, cúi mong Như Lai dùng sức thần thông làm cho bọn chúng con đều được gần Như Lai ở trên hư không”.

Đức Thích Ca bèn dùng thần thông tiếp đại chúng lên hư không, rồi nói lớn khắp bảo:

-Nay chính là lúc nói kinh Pháp Hoa cho những ai, ở cõi Ta Bà, có khả năng nói kinh ấy.

Phật Thích Ca dùng thần thông tiếp đại chúng lên hư không không có nghĩa là đức Phật dùng thần lực đưa tất cả mọi người từ mặt đất lên hư không để nghe Phật nói kinh Pháp Hoa. Tại sao? Bởi vì muốn lơ lửng trên không thì tâm phải vô trụ, vô chấp cho nên khi các Ngài đạt đến trình độ đó thì các Ngài hoàn toàn tự tại, tuy ở dưới đất mà tâm không dính mắc cũng như lơ lửng ở trên không. Phật dạy chúng sinh dùng trí Bát Nhã để quán tất cả các pháp là Không, đó là thần thông chớ Ngài không biến hóa đưa đại chúng lên cao được. Nếu Ngài có khả năng đó thì Ngài đã biến hóa giúp cho họ có trí tuệ Bồ Đề, có giải thoát Niết bàn mà khỏi cần tu hành cực khổ. Nhưng trên thực tế Ngài không làm được, bằng chứng con Ngài là La Hầu La cũng phải tu, vợ Ngài là Du Da Đà La cũng phải tu, dưỡng mẫu Ma Ha Ba Xa Ba Đề cũng phải tu, ngay cả A Nan cũng phải tu, anh em chú bác khác cũng phải tu. Vì thế đạo Phật mới gọi là đạo tự giác. Nhắc lại tháp của Phật Đa Bảo từ đất vọt lên lơ lửng trên hư không có nghĩa là Pháp thân Phật trụ ở chỗ “VÔ TRỤ” tức là trụ ở trên hư không, không dính mắc. Do đó nếu Phật Thích Ca muốn thấy được Phật Đa Bảo thì cũng phải thỏa mãn một điều kiện tiên quyết. Đó là tâm cũng trụ nơi “VÔ TRỤ” tức là tâm hoàn toàn thanh tịnh thì Thỉ giác mới thể nhập được với Bản giác. Vô Trụ nghĩa là không còn dính mắc nơi sắc, tài, danh, lợi, tham, đắm, dục, tình, phẩn, hận, phú, não…

Kinh Pháp Hoa diễn giải một triết lý sâu thẳm bên trong cho nên học kinh này phải thấu hiểu tường tận thì mới thấy lẽ thật của nó. Đức Phật dùng phương tiện giáo hóa chúng sinh sống trong tỉnh giác, thấy biết tận tường các pháp là do duyên hợp giả có, không có tự tánh nên tâm không còn chấp trước, vọng tưởng từ từ biến mất, tâm trở thành an định thì lúc đó Pháp thân sẽ hiển bày.

Tóm lại, đối với các Hóa thân của Phật Thích Ca thể nhập với Phật Đa Bảo tức là Bổn Phật là việc rất dễ vì các Ngài không còn dính mắc bởi các tướng trạng bên ngoài. Ngược lại, các vị trong hàng Thanh Văn, Duyên Giác vẫn còn chấp trước, tâm còn kẹt vào các tướng như có không, tốt xấu, trong ngoài…cho nên Phật mới đưa họ lên hư không là muốn giúp họ phá bỏ mọi sự dính mắc vào sự tướng mà nhìn thấu suốt vào bản thể chân như thì lúc đó thể nhập vào Bổn Phật sẽ không còn trở ngại.

Để diễn lại ý trên, đức Thích Ca nói một bài kệ mà đại ý như sau:

-Đức Phật Đa Bảo diệt độ đã lâu, nay vì muốn nghe kinh Pháp Hoa khó gặp mà hiện ra trong tháp báu, hà huống các người mà chẳng siêng nghe.

Phật Đa Bảo đã nhập diệt từ muôn kiếp mà nay còn muốn nghe Phật Thích Ca thuyết kinh Pháp Hoa, thế mà chúng sinh hiện đang sống trong thời có kinh Pháp Hoa mà không được nghe, không muốn nghe là một thiệt thòi to lớn. 

Ai nói được kinh nầy là đã thấy ta cùng Phật Đa Bảo và các vị phân-thân Phật.

Tại sao? Bởi vì nói được kinh này là biết rằng trong ta lúc nào cũng có Tri Kiến Phật tức là Phật Đa Bảo thường trụ trong ta vì thế người có trí thì chỉ cần hóa giải hết vọng tưởng, tâm vô trụ thì chính mình đang sống với Tri Kiến Phật của mình tức là Thỉ giác thể nhập với Bản giác rồi.  

Các thiện nam tử! Nên suy nghĩ, phải phát nguyện rộng lớn mới nói được kinh Pháp Hoa. Đó là một cái khó hơn tất cả các thứ khó khác. Thật vậy, nói được tất cả các kinh điển khác: dời núi Tu Di, lấy chân hất ba ngàn đại thiên thế giới, dùng sự tướng mà rộng chỉ chân lý, lấy tay nắm bắt hư không, đem cả đại địa để lên móng chân rồi bay lên cõi trời Phạm Thiên, mang cỏ khô vào lửa mà không bị cháy, trì tám muôn bốn ngàn kinh điển rồi vì người đem nói ra, khiến chứng được 6 thần thông, nói pháp làm cho vô lượng chúng sanh đều đắc quả A-la-hán, tất cả những việc làm ấy  rất khó, nhưng chưa khó bằng sau khi Phật diệt độ mà nói kinh Diệu Pháp, trong đời ác trược, biên chép nắm giữ được kinh nầy, vì một người mà nói kinh nầy, nghe lãnh và tìm thâm nghĩa trong kinh nầy, tôn trọng và thực hành kinh nầy.

Kinh Diệu Pháp là bậc nhất. Thọ trì, đọc tụng được ắt làm cho chư Phật hoan hỉ. Ai làm được là người dõng mãnh  tinh tấn.  Đó mới thật là người trì giới, tu khổ hạnh, là người được mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

Đời sau, ai đọc giữ kinh nầy là Phật tử chân chánh, là bậc thuần thiện.

Sau khi Phật diệt độ, ai hiểu được kinh nầy là mắt sáng suốt của Trời, Người trong thế gian.

Trong cảnh đầy sợ hãi, ai nói được kinh nầy trong chốt lát, là người đáng cho Thiên, Nhân cúng dường.

 

Phật đã nâng đại chúng lên cao, đã mở cửa bảo tháp và đại chúng đã thấy rõ được chân thân của Phật Thích Ca và Bổn Phật Đa Bảo. Nhưng có người vẫn nghĩ rằng Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo là hai cho nên kinh mới có đoạn Phật Đa Bảo nhường một nửa tòa sư tử cho Phật Thích Ca. Đây là Phật xiễn dương tinh thần bất nhị về Bản môn và Tích môn tức là tuy hai nhưng mà một, bất tức bất ly.

Tóm lại, phẩm Hiện Bảo Tháp là một phẩm diễn tả các hiện tượng xảy ra rất tuyệt vời chẳng khác nào như một vở tuồng mà trong đó mỗi tình tiết mang một ý nghĩa để giúp con người vượt thoát trong tiến trình thể nhập với Bản môn.

Trong tất cả mỗi chúng sinh cũng có một bảo tháp mà trong đó chứa toàn thân Như Lai tức là Pháp thân bất sinh bất diệt, là Phật Đa Bảo. Vì thế trên con đường tu tập, chúng sinh tự mình có thể mở được bảo tháp nghĩa là phải quy những Hóa thân đang chạy theo lục dục thất tình, làm nô lệ cho vô minh phiền não, trở về với Báo thân tức là tâm  thanh tịnh, không còn vọng tưởng chấp trước. Đến khi tất cả Hóa thân cùng quy về với Pháp thân thì Phật Đa Bảo sẽ hiện bày tức là mình đang sống với Tri Kiến Phật của chính mình. Do đó mức độ hay khả năng mở bảo tháp của chúng sinh tùy thuộc vào tiến trình quy Hóa thân tức là gom những vọng niệm về một chỗ. Người nào có cáng ít Hóa thân tức là có ít vọng niệm thì người đó càng gần với cửa của bảo tháp, đến khi người đó quy tất cả Hóa thân vào Báo thân thì chính tay họ mở tung cửa bảo tháp và ngồi trên tòa sư tử với Đa Bảo Như Lai tức là thành Phật.

Đối với chư Phật thì các Ngài cũng khởi niệm, nhưng tâm không dính mắc, không trụ vào bên này bên kia, không chánh không tà thì Hóa thân đã quy về với Báo thân thanh tịnh rồi. Vì thế các Ngài đã mở được bảo tháp và cùng ngồi trên tòa sư tử với Phật Đa Bảo tức là Thỉ giác thể nhập với Bản giác vậy.

Âm lịch

Ảnh đẹp