KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI


Lê Sỹ Minh Tùng PL. 2556 DL. 2012
30/06/2012 14:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 110870
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012

Chương Thứ Hai Mươi Bốn

Phẩm DIỆU ÂM BỒ TÁT

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà 

 

          Diệu Âm là âm thanh vi diệu, âm thanh mầu nhiệm. Phẩm này diễn tả lại cuộc hành trình của Bồ Tát Diệu Âm từ thế giới Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm nghĩa là trí tuệ không bị ô nhiễm, xa xôi vời vợi đến thăm viếng cõi Phật Ta Bà của Đức Thích Ca Như Lai rồi sau đó trở về cố quốc nên có thể gọi phẩm này là Diệu Âm Bồ Tát Vãng Lai. Lai là đến, vãng là trở về. Tại sao ngài lại có Diệu Âm? Bởi vì trong quá khứ vô lượng kiếp, ngài đã từng dùng mười vạn thứ kỹ nhạc và bát bảy báu để cúng dường Phật Vân Lôi Âm Vương nên có tiếng nhiệm mầu. Đây là lối giải thích theo nghĩa thông thường, còn nói theo “Lý” thì Diệu Âm là âm thanh vi diệu, là tiếng nói huyền diệu trong tâm của tất cả mọi chúng sinh. Đó là tiếng nói của chơn tâm, tiếng nói thánh thiện để giúp con người sống gần và sống đúng với chơn tánh thanh tịnh của mình.

Lúc bấy giờ, đức Phật Thích Ca, từ nơi nhục kế phóng một đạo hào quang, rồi từ giữa đôi lông mày cũng phóng một đạo hào quang rực rỡ khắp soi một trăm tám muôn ức na-do-tha hằng sa thế giới chư Phật ở phương Đông. Xa hơn số thế giới này, có một thế giới tên là Tịnh Quanh Trang Nghiêm. Tại nước ấy, có Phật hiệu là Tịnh Hoa Tú Vương Trí đang thuyết pháp cho vô lượng vô biên Bồ-tát cung kính vây quanh nghe. Hào quang lông mày của đức Phật Thích Ca soi khắp nước Tịnh Quang.

Thông thường đức Phật phóng hào quang ở hai chỗ:

-Một là từ nơi nhục kế ở trên đỉnh đầu là chỗ cao tột nhất của con người nên đây là biểu trưng cho trí tuệ của Phật, là kết quả tột cùng của sự giác ngộ.

-Hai là ở giữa chặn mày là biểu trưng cho trí tuệ vô phân biệt tức là căn bản trí, là trí tuệ không còn chấp bên này bên kia.

Đức Phật phóng hào quang từ nhục kế ở trên đỉnh đầu rồi sau đó từ giữa đôi lông mày Ngài phóng một đạo hào quang rực rỡ tức là dùng trí tuệ cao tuyệt nhất mà chiếu khắp hằng sa thế giới chư Phật ở phương Đông. Nơi đó có một thế giới là Tịnh Quang Trang Nghiêm và vị Phật hiệu là Tịnh Hoa Tú Vương Trí. Điều này nói lên rằng tuy đức Bổn Phật hiện hữu khắp nơi trong vũ trụ, nhưng chúng sinh chỉ có thể biết sự hiện hữu của Ngài qua giáo lý của đức Phật Phật Thích Ca.

Ngày nay con người đang sống trong thế giới thần thông nên có thể nói chuyện trực tiếp bằng điện thoại di động với người thân tận bên kia quả địa cầu. Khi trung tâm không gian NASA của Hoa Kỳ phóng những phi thuyền con thoi vào trong quỷ đạo của địa cầu thì họ trực tiếp truyền hình tất cả những sinh hoạt của những phi hành gia qua hệ thống  vệ tinh viễn thông nên tuy xa ngàn dặm mà cứ tưởng như đang nhìn thấy họ rất gần. Hệ thống vệ tinh viễn thông rất chính xác nên giúp con người thấy biết rõ ràng trực tiếp những tin tức, biến cố bất cứ nơi nào trên thế giới cho nên những tiến bộ văn minh khoa học đem con người gần lại với nhau hơn.

Nói về “Sự” thì đức Phật Thích Ca ở thế giới Ta Bà này và cõi Tịnh Quang Trang Nghiêm của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí nghĩa là cái trí của vị Phật này đẹp đẽ, thơm tho, thanh tịnh giống như những loài hoa, cách xa một trăm tám mươi ức na do tha hằng sa thế giới nghĩa là đức Phật Thích Ca cho chúng ta một khái niệm về không gian rất xa giữa hai thế giới. Tuy xa nhưng định lực của Phật rất mạnh nên có thể phóng hào quang đến đó và Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí cùng chư Bồ Tát liền tiếp nhận. Nhưng thật ra xa là bao nhiêu? Có thể đo được bằng mấy ngàn năm ánh sáng chăng? 

Nhưng thật ra thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm tuy xa mà rất gần nếu đứng về phương diện “Lý”. Bởi vì Tịnh Quang Trang Nghiêm là thế giới mà tâm rất thanh tịnh, nhẹ nhàng thánh thoát tự tại cho nên một khi chúng ta có tâm thanh tịnh, sống gấn với Chơn tánh của mình thì mình đang sống trong thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm đó. Ngược lại nếu con người chạy theo sắc, tài, danh, lợi thì chắc chắn sẽ bị ái dục nhậm chìm và cõi tâm của họ lúc đó chính là cõi Ta Bà vậy. Vì vậy thế giới là Nhất Chân, Bất nhị nghĩa là thế giới nào và bất cứ ở đâu cũng vậy, không sai khác chỉ khác là ở cõi tâm của con người. Do đó chúng sinh không cần phải cầu để về bất cứ cõi nào mà chỉ cần huân tập cho tâm được trong sáng, thanh tịnh thì thế giới họ đang sống sẽ là cõi thanh tịnh Niết bàn. Nói cách khác hễ tâm thanh tịnh, ngồi đâu thì chỗ đó thành cực lạc, ngược lại nếu tâm còn ưu tư phiền muộn, ngồi đâu thì chỗ ấy trở thành cõi Ta Bà. Do đó, chúng sinh cố gắng tịnh tâm thì cực lạc là đây, Niết bàn là thế giới này.

Vào thời đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ và những quốc gia lân cận đâu phải ai cũng theo đạo Phật và nghe theo lời dạy của Phật vì thế chỉ có người “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thì mới biết Phật và nghe theo lời Phật dạy cho nên kinh mới có câu:”Dược y bất tử bệnh, Phật hóa hữu duyên nhơn” nghĩa là thuốc là để trị bệnh không chết chớ còn bệnh chết thì không có thuốc chữa. Cũng như Phật chỉ hóa độ chúng sinh là những người có duyên còn những người vô duyên thì Phật cũng không hóa độ được. Mà đã có duyên với Phật pháp thì xa mà gần còn không có duyên với Phật pháp thì tuy ở sát bên đức Phật mà như  ngàn trùng xa cách.

Bây giờ trong nước Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm có một Bồ-tát tên là Diệu Âm, từ lâu đã trồng cội đức, cúng dường, gần gũi vô lượng chư Phật, cho nên đã thành tựu trí tuệ rất sâu và được nhiều thứ tam muội là: diệu tràng, pháp hoa, tịnh đức, túc vương trí, vô duyên,  trí ẩn, giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn, tập nhất thế công đức, thanh tịnh, thần thông du hí, huệ cự, trang nghiêm vương, tịnh quang minh, tịnh tạng, bất cộng và nhật triền. Bồ-tát Diệu Âm được trăm ngàn muôn ức hằng hà sa đại tam muội như thế. 

Trong tiến trình khai, thị, ngộ, nhập Phật Tri Kiến thì thâm nhập là phần chót, tức là thực hành cái trí tuệ Phật. Trong phần thực hành, kinh lần lược giới thiệu từ Bồ Tát Thường Bất Khinh là một sứ giả Như Lai đem một thông điệp duy nhất đến cho nhân loại là “các ông, các bà, các anh, các chị đều sẽ thành Phật”. Rồi kinh giới thiệu Bồ Tát Dược Vương thực hiện một tam muội là Hiện Nhất Thiết Sắc Thân nghĩa là có khả năng thấy mình trong nhiều sắc thân khác nhau. Chẳng những thế, Bồ Tát Dược Vương còn thực hiện một tam muội khác là Giải Nhất Thiết Chúng Sinh Ngôn Ngữ Đà La Ni nghĩa là có khả năng hiểu được ngôn ngữ của mọi loài chúng sinh. Đến đây kinh giới thiệu Bồ Tát Diệu Âm chẳng những có khả năng thực hiện những tam muội ở trên, mà ngài còn đi xa và xa hơn nữa.

Vậy thế nào là tam muội và Bồ Tát Diệu Âm có những tam muội gì?

Tam muội tức là chánh định nghĩa là an trụ tâm vào một chỗ, một cảnh, không cho tán loạn, giữ gìn sự an tĩnh, chỉ cho trạng thái thiền định. Định Nguyên thủy thì có Tứ tĩnh lự (Tứ thiền) , Tứ vô sắc định lấy Thiện đẳng trì (tam-ma-địa, tam muội) làm thể. Kinh A Hàm cho rằng ngoài Tứ thiền Bát định còn có Tam tam muội (tam giải thoát môn): Không, Vô tướng, Vô nguyện. Còn Đại thừa thì có có trên mấy trăm ngàn thứ tam muội, nhưng ở đây kinh Pháp Hoa chỉ giới thiệu mười sáu tam muội chính:

-Diệu tràng tướng tam muội: là có niềm tin vững chắc và không lay chuyển rằng kinh Pháp Hoa là cốt tủy của giáo lý Phật Đà.

-Pháp Hoa tam muội: là tin thâm sâu vào các giáo lý của kinh Pháp Hoa và sau đó chính mình thực hành các giáo lý ấy cho đến chỗ tột cùng. Tam muội Pháp Hoa bao gồm cho mười lăm tam muội còn lại vì những tam muội kia là những thành phần của Pháp Hoa tam muội. Tam muội này giúp hành giả nhận ra Bổn Phật là vị Phật vĩnh hằng và Tích Phật là đức Phật Thích Ca tuy hai, nhưng mà một cũng như hoa sen vậy nghĩa là hoa nở sen hiện và hoa tàn thì sen thành.

-Tịnh đức tam muội:  Tuy người có đức hạnh thanh cao có tâm thanh tịnh, nhưng họ không chấp vào sự đức hạnh của mình.

-Tú vương hí tam muội: Tú vương là vua của các vì sao (tinh tú). Đây là thứ chánh định dùng trí tuệ quyền xảo làm phương tiện để làm việc hí kịch tức là có người diễn xuất và có người xem để chiếu soi căn cơ của chúng sinh.

-Vô duyên tam muội: Bất cứ duyên hay vô duyên đều được độ khắp, không phân biệt thân sơ.

-Trí ấn tam muội: là tập trung để cho tâm an trú vào một trạng thái tâm thức khiến cho trí tuệ sâu xa của mình có thể tạo nên một ảnh hưởng tốt đẹp và mãnh mẽ đối với những người ở gần chúng ta.

-Giải nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn tam muội: là chánh định giúp hành giả thấu biết tất cả ngôn ngữ của tất cả mọi loài chúng sinh.

-Tập nhất thiết công đức tam muội: là tập trung tâm mình vào một ý niệm cho rằng tất cả công đức đều quy về một để cho mình và tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật.

-Thanh tịnh tam muội: là thanh tịnh sáu căn, không còn nhiễm cấu.

-Thần thông du hí tam muội: Dùng sức thần thông tự tại diệu dụng mà hiện ra các sắc tướng để giáo hóa chúng sinh và du hí nhân gian.

-Huệ cự tam muội: là tâm niệm ước mong phóng ánh sáng trí tuệ của mình vào những người chung quanh giống như một ngọn đuốc tỏa ánh sáng ra xa.

-Tịnh quang minh tam muội: giữ tâm mình được tràn đầy thanh tịnh.

-Trang nghiêm vương tam muội: luôn hướng tâm mình vào ý niệm sẽ là người đức hạnh để mạng lại ảnh hưởng tốt đến cho mọi người.

Tịnh tạng tam muội: trong một niệm đắc được thanh tịnh, khéo nhiếp vạn đức.

-Bất cộng tam muội: là có ý tưởng cố gắng để đạt được trạng thái tâm giống như đức Phật rồi sau đó thực hành lý tưởng đó đến chỗ rốt ráo tận cùng.

-Nhật triền tam muội: tuy tâm còn dao động, nhưng ao ước đạt đến một trạng thái trí tuệ thanh tịnh như mặt trời chiếu khắp.

Tuy kinh nói rất nhiều tam muội, nhưng trên nguyên tắc một khi hành giả đi sâu vào thiền định để có chánh định mà đốt thân hay đốt hay cánh tay như Bồ Tát Hỷ Kiến để phá cho sạch Ngã chấp, pháp chấp và những cặp phạm trù đối đãi nhị nguyên để không còn thấy Ta và người thì người đó đạt được tam muội vững chắc nhất.

Chính đức Phật dạy rằng:

-Này các Tỳ kheo, đối với bất cứ những gì là thân xác, là cảm giác, thuộc về nhận thức, thói quen thường nhật, là tri thức dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, thuộc nội tâm hay bên ngoài, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnhthì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng : "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không phải là cái Ngã của tôi".

Vì thế một khi đã thực sự nhận biết rốt ráo rõ ràng rằng trong ta không hề có “Cái Ta” hay “Cái của Ta” thì lúc đó hành giả sẽ khám phá một chân lý tuyệt vời độc nhất vô nhị, là tinh hoa cốt tủy của Phật giáo mà ngày xưa chính đức Phật đã chứng dưới cội Bồ Đề là Chân lý Vô Ngã. Vì tất cả các pháp là vô ngã nên không có vật gì trên thế gian này có tự ngã, có chủ thể cả cho nên vạn pháp là do duyên sanh nên chúng là huyễn tức là Không. Từ nhận thức đó con người dễ dàng xa lìa tất cả sự tham luyến, đam mê vật chất thì chính mình đã có tất cả tam muội rồi.

Tam muội là chánh định mà thường được ví như lửa tức là lửa tam muội chơn hỏa. Hành giả dùng lửa tam muội này để đốt hết lòng tham, lòng sân và lòng si mê để không còn dính mắc. Thế gian tuy có trăm hình vạn tướng, nhưng không ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và nó không hề làm ô nhiễm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của người giác ngộ. Vì thế thế gian đối với người tỉnh thức giác ngộ thì không có gì gọi là trần cả. Họ cũng nhìn thấy sắc, tai vẫn nghe âm thanh, mũi vẫn ngữi hương vị, lưỡi vẫn nếm mùi vị, thân vẫn tiếp xúc và ý vẫn tiếp xúc với pháp, nhưng họ tuệ tri, giữ vững chánh niệm nên tâm sẽ không còn bám víu vào thân xác, không còn bám víu vào giác cảm, không còn bám víu vào sự nhận thức, không còn bám víu vào thói quen thường nhật, không còn bám víu vào tri thứcnên họ loại bỏ được những tham vọng và sau cùng tự giải thoát ra khỏi mọi dục vọng thì chính họ đã có tam muội rồi đó.

Thân tắm trong ánh sáng đức Phật Thích Ca, Bồ-tát Diệu Âm liền bạch với Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí rằng:

-Thế Tôn ! Tôi sẽ sang thế giới Ta-bà, lễ bái, gần gũi cúng dường Phật Thích Ca cùng ra mắt các Bồ-tát Văn Thù, Dược Vương, Dũng Thí,  Tú Hoa Vương, Thượng Hành Ý, Trang Nghiêm Vương và Dược Thượng.

Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí nói với Bồ-tát Diệu Âm: 

Ngươi chẳng nên xem rẻ nước kia ( thế giới Ta-bà) mà tưởng là thấp kém. Này thiện nam tử, thế giới Ta-bà cao thấp không bằng thẳng, dẫy đầy núi đất, núi đá và những nhơ xấu, thân Phật thấp nhỏ, hình các Bồ-tát cũng nhỏ như vậy, còn thân người thì cao đến 42.000 do-tuần, thân ta đến 680.000 vạn do-tuần; thân ngươi mà còn đoan chánh bậc nhất. Như thế, được trăm ngàn muôn phước làm cho hết sức sáng rỡ. Vì vậy sang đến cõi Ta-bà, chớ nên xem khinh đừng sanh lòng nghĩ tưởng rằng Phật, Bồ-tát cùng nhân dân cõi nước này là thấp thỏi yếu đuối.

Nếu nói theo “Sự” thì thế giới Ta Bà này rất nhỏ bé so với thế giới của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, nhưng nếu nói về “Lý” thì hai thế giới chẳng có gì khác biệt bởi vì khác biệt là do tâm con người còn thế giới là Nhất chân, Bất nhị nên không hề có khác biệt. Khi tâm còn người còn phiền não vô minh thì thấy cõi Ta bà là xấu xa, nhỏ bé. Nhưng bây giờ biết sống với chánh niệm, có tuy duy tỉnh thức thì cõi Ta Bà sẽ trở thành trang nghiêm, thanh tịnh không khác gì thế giới của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí.

Ngày xưa khi Huệ Năng vào yết kến ngũ Tổ Hoàng Nhẫn thì được hỏi:

-Ngươi từ đâu đến?

Huệ Năng thưa:

-Từ Lãnh Nam đến.

-Đến đây để cầu việc gì?

-Con đến đây chỉ cầu làm Phật chớ không cầu việc gì khác. Người Lãnh Nam không có Phật tánh thì làm sao cầu làm Phật được?

-Người thì có Nam Bắc, chớ Phật tánh há có Nam Bắc sao?.

Thế thì nếu nhìn từ hình tướng bên ngoài thì thấy có người phương Nam, phương Bắc, người văn minh hay kẻ man rợ, nhưng nếu xoay vào bản thể chân như tức là Phật tánh thì nó bao trùm khắp cả, không hình tướng thì làm gì còn phân biệt ai là người văn minh còn kẻ nào là người man rợ. Cái nhìn này mới là cái nhìn bình đẳng nhất.

Ẩn dụ của kinh là nếu còn nhìn vào sắc tướng sinh diệt thì còn tâm phân biệt cho nên thấy có cao có thấp, có lớn có nhỏ, có thanh tịnh có phiền não, có cực lạc có Ta Bà. Còn Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí là biểu tượng cho chơn tâm, Phật tánh cho nên không còn những phạm trù đối đãi phân biệt cũng như Bồ Tát Hỷ Kiến đốt thân và đốt hay cánh tay để đốt cho hết chấp Ngã và những gì thuộc về chấp ngã và chấp pháp.

Bồ-tát Diệu Âm bạch:

-Thế Tôn ! Con nay qua cõi Ta-bà là do sức thần Như Lai, do thần thông du-hí của Như Lai, do công đức trí tuệ, trang nghiêm của Như Lai.

Ở đây Bồ Tát Diệu Âm nhờ sức thần của Phật mới có thể qua cői Ta Bŕ, cňn chúng sinh nếu không nhờ sức thần của sự thức tỉnh giác ngộ của Phật tâm thě chính měnh sẽ không bao giờ biết được cõi tâm đang ở trong thế giới phiền não Ta Bà. Vì thế nếu có chánh niệm tỉnh thức để biết rốt ráo những biến hành của thân, thọ, tâm, pháp thì chính họ sẽ biết ngay lúc nào họ ở cõi cực lạc và lúc nào đang bị đắm chìm trong biển ái sông mê.

Lúc ấy, Bồ-tát Diệu Âm không rời khỏi chỗ ngồi, thân chẳng lay động, nhập chánh định, dùng sức mạnh của chánh định, tại núi Kỳ-xà-quật, cách chỗ Bồ-tát ngồi không xa, hoá ra 84.000 hoa sen báu, cộng bằng vàng diêm-phù-đàn, cành bằng bạc, nhụy bằng kim cương và đài bằng bảy báu.

Khi Bồ Tát Diệu Âm nhập chánh định và dùng thần định này  chuyển đến thế giới Ta Bà hiện ra hoa sen nghìn cánh, ngụy, bông, lá, cộng đều làm bằng bảy báu, gần núi Linh Thứu nơi Phật Thích Ca đang nói kinh Pháp Hoa.

Bồ-tát Văn Thù thấy vậy mới bạch với đức Thích Ca:

-Thế Tôn ! Do đâu mà có điềm tốt này?”

Đức Phật đáp:

-Đó là điềm Bồ-tát Diệu Âm, từ nước của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí muốn cùng 84.000 Bồ-tát đến cõi Ta-bà, để cúng dường, gần gũi, lễ lạy ta và cũng muốn cúng dường nghe kinh Pháp Hoa.

Bồ-tát Văn Thù bạch:

-Thế Tôn ! Bồ-tát đó trồng cội lành gì, tu công đức gì mà được sức đại thần thông như thế? Tu tam muội gì? Cúi xin Thế Tôn nói cho chúng con biết tên tam-muội đó vì chúng con muốn tu tam-muội ấy để thấy được sắc tướng và oai nghi tiến, dừng tự tại của Bồ-tát Diệu Âm. Khi Bồ-tát tới, cúi xin Thế Tôn dùng sức thần thông làm cho chúng con thấy được Bồ-tát. 

Ngay cả Bồ Tát Văn Thù là biểu tượng cho căn bản trí mà còn kinh ngạc về công năng chánh định của Bồ Tát Diệu Âm nên yêu cầu Phật nói cái nhân tu hành của Bồ Tát Diệu Âm để các ngài tu theo và nhân tiện muốn nhận diện Bồ Tát Diệu Âm luôn.

Đức Thích Ca đáp:

Đức Đa Bảo Như Lai đã diệt độ từ lâu, sẽ vì các ngươi mà hiện bày thân tướng của Bồ-tát Diệu Âm.

Tức thời Phật Đa Bảo bảo Bồ-tát Diệu Âm:

-Thiện nam tử ! Hãy đến đây, Văn Thù muốn thấy thân của người đấy.

Tại sao Phật Thích Ca không chỉ bày thân tướng Bồ Tát Diệu Âm cho thính chúng thấy mà phải đợi đến khi Phật Đa Bảo gọi thì Bồ Tát Diệu Âm mới xuất hiện? Khi chưa có hào quang của Phật chiếu đến thì thế giới Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm và cõi Ta Bà xa xôi vời vợi, nhưng khi hào quang đã chiếu đến rồi thì hai thế giới bây giờ là Bất nhị, không còn ngăn ngại. Điều này có nghĩa gì? Khi chúng sinh biết hồi quang phản chiếu, quay vào tự tâm để thật sự sống với chơn tâm, Phật tánh tức là sống với Bổn Phật Đa Bảo thì tất cả các tánh như tánh nghe, tánh thấy, tánh nếm, tánh ngữi, tánh biết, tánh xúc đều hiễn bày rõ ràng. Vì thế kinh nói ở đây chỉ khi nào Phật Đa Bảo (Đa là vô cùng, Bảo là quý giá cho nên Phật Đa Bảo là vị Phật vô cùng quý giá tức là Pháp thân Phật, bất sinh bất diệt) tức là Phật tánh của mình gọi nghĩa là mình đang sống với chơn tâm thì tánh nghe tức là Bồ Tát Diệu Âm mới xuất hiện. Còn Phật Thích Ca là Ứng thân, là chỉ cho tướng sinh diệt nên không làm cho tánh giác hiễn bày được.

Đoạn kinh này rất sâu sắc tuyệt vời để nhắc nhở chúng sinh rằng Phật Đa Bảo lúc nào cũng hiện hữu trong tâm của tất cả mọi người cho nên nếu biết sống đúng với chân lý, sống trong chánh niệm tỉnh thức thì lúc nào cũng sống với tánh Phật của chính mình. Ngược lại cả đời nếu chạy theo vô minh phiền não, làm nô lệ cho tư kỹ cá nhân thì cũng cái không gian này mà vĩnh viễn không bao giờ thấy được Phật nghĩa là khoảng cách giữa tâm ta và Phật nghìn trùng xa cách.

Nếu quán chiếu xa một chút nữa thì khi mê thấy có Phật có pháp đến khi thức tỉnh thì không có Phật pháp chi cả. Như vậy khi ngộ Phật pháp bỏ ở đâu mà không có? Khi mê thì chúng sinh luôn dong ruỗi mong cầu cho nên Phật pháp ở bên ngoài đến khi thức tỉnh thì lúc đó biết rằng tâm mình chính là Phật, tâm mình là pháp. Nói rộng ra khi mê thì còn thấy có Phật A Di Đà xa cách 42 cõi ức Phật nên mong cầu vãng sanh sang đó đến khi thức tỉnh giác ngộ thì tâm mình chính là Phật A Di Đà và thế giới mình đang sống chính là cõi cực lạc rồi.

Bấy giờ Bồ-tát Diệu Âm, đang ẩn mặt ở nước kia, bèn cùng 84.000 Bồ-tát đồng qua cõi Ta-bà. Trải qua các nước, đâu đâu đất cũng chuyển động 6 cách, hoa sen bảy báu rưới như mưa, trăm ngàn nhạc trời chẳng trổi tự kêu, mắt của  Bồ-tát như cánh hoa sen xanh rộng lớn, diện mạo tốt đẹp hơn trăm ngàn muôn mặt trăng họp lại, thân sắc vàng ròng trang nghiêm bằng vô lượng công đức, oai đức rất thạnh, ánh sáng chói rực, đầy đủ các tướng như thân bền chắc của Na-la-diên.

Mới nghe chúng ta cứ nghĩ rằng vì có oai thần nên Bồ Tát Diệu Âm đi đến đâu thì các cõi nước đó trở thanh trang nghiêm, cao quý, đẹp đẽ…nhưng thâm ý của kinh là muốn nhắn nhủ chúng sinh rằng chính mình phải tự thanh lọc thân tâm cho thật thanh tịnh thì Bồ tát Diệu Âm mới xuất hiện và chính ta mới có thể nghe được những âm thanh huyền diệu phát xuất từ bản tâm thanh tịnh nhiệm mầu.

Bồ-tát Diệu Âm vào đài bảy báu, bay lên hư không cách đất bảy cây đa-la và cùng chư Bồ-tát vây quanh, đến núi Kỳ-xà-quật ở cõi Ta-bà.  Tới nơi rồi, Bồ-tát xuống đài, lấy chuỗi ngọc giá trị trăm ngàn cúng dường đức Phật Thích Ca mà bạch rằng:

-Thế Tôn ! Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí có lời hỏi thăm Thế Tôn ít bệnh, ít buồn, đi đứng thơ-thới, và hoạt động trong sự an-lạc không? Bốn đại có điều hoà chăng? Việc đời nhẫn được chăng? Chúng sanh dễ độ chăng? Không có nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn xẻn, kiêu mạn, phải vậy chăng? Không còn điều bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính Sa-môn, tà kiến, tâm chẳng lành, năng hàng phục các ma oán chăng? Đa Bảo Như Lai diệt độ từ lâu và trong tháp bảy báu, có đến nghe pháp chăng? Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí lại dặn tôi hỏi thăm Đa Bảo Như Lai có an ổn, ít buồn hay chịu đựng và ở lâu được chăng? Thế Tôn ! Tôi muốn thấy thân Phật Đa Bảo, cúi xin Thế Tôn chỉ cho tôi được thấy.

Bồ Tát Diệu Âm và rất nhiều Bồ Tát từ thế giới khác đến để đảnh lễ đức Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo thì theo thể lệ thông thường là trước vấn an chư Phật sau là hỏi thăm việc giáo hóa chúng sinh ở thế giới Ta Bà. Nhưng những lời vấn an chư Phật của Bồ Tát Diệu Âm là những tiếng lòng mầu nhiệm trong tất cả mọi người để nhắc nhở chúng sinh phải sống đời đạo hạnh, biết điều phục thân tâm, không chạy theo ái dục, tránh xa tham dục, ngu si, giận hờn, ganh ghét, bỏn xẻn, kiêu mạn. Đạo Phật lấy trí tuệ và đạo đức làm nền tảng nên trước khi tu đạo thánh thì phải thực hành đúng đạo làm người nghĩa là phải biết hiếu để với cha mẹ, nhu hòa với tất cả mọi người, tránh xa tà kiến. Đó là “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác” là vậy. Nói một cách tổng quát là đạo Phật là đạo không làm khổ mình, không làm khổ người.

Vì thế tất cả những lời nói phát xuất từ Bồ Tát Diệu Âm ở trên phải được hiểu đó là tiếng lòng mầu nhiệm của ta để nhắc nhở cho ta sống đúng với chân lý, luôn sống trong chánh niệm tỉnh thức để diệt trừ vô minh phiền não và hướng về thế giới thanh tịnh Niết bàn.

Lúc đó, đức Phật Thích Ca nói với Phật Đa Bảo:

-Bồ-tát Diệu Âm muốn ra mắt Ngài

Đức Phật Đa Bảo liền nói với Bồ-tát Diệu Âm: 

-Hay lắm !Hay lắm ! Vì cúng dường Phật Thích Ca, cùng nghe kinh Pháp Hoa và thấy Văn Thù …mà ngươi đến cõi nầy !.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Hoa Đức bạch Phật Thích Ca:

-Thế Tôn! Bồ-tát Diệu Âm trồng cội lành gì, tu công đức nào mà có sức thần thông như thế?

Đức Phật đáp:

-Thuở quá khứ có Phật hịêu Vân Lôi Âm Vương, nước tên là Hiện Nhất Thiết Thế Gian, kiếp tên Hỉ Kiến Suốt 12.000 năm, Bồ-tát Diệu Âm dùng 10.000 thứ kỹ nhạc cúng dường Phật Vân Lôi Âm Vương cúng dâng 84.000 bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó mà nay sanh tại nước của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí và có sức thần như thế. Này Hoa Đức, ngươi nghĩ sao? Diệu Âm Bồ-tát thuở xưa đó, chính nay là Bồ-tát Diệu Âm đây. Bồ-tát Diệu Âm này đã từng cúng dường, gần gũi vô lượng Phật, từ lâu vun trồng công đức, lại gặp hằng hà sa Phật. 

Phần này kinh nói về sắc tướng và âm thanh bởi vì hằng ngày hai yếu tố làm cho con người đau khổ nhiều nhất là sắc và thanh tức là thấy và nghe. Tuy hương, vị, xúc, pháp cũng tác hại, nhưng tầm quan trọng của nó không bằng sắc và thanh.

 Khi Phật Vân Lôi Âm Vương xuất hiện thì Bồ Tát Diệu Âm đã sử dụng 10.000 thứ kỹ nhạc để cúng dường và có lẽ cũng vì sự kiện đó mà ngài có tên là Diệu Âm tức là âm thanh vi diệu. Bồ Tát Diệu Âm đã dùng nhiều loại âm nhạc khác nhau để cúng dường Phật trong suốt mười hai ngàn năm và đồng thời cũng cúng dường Phật Vân Lôi Âm Vương 84.000 cái bát ăn cơm làm bằng châu báu. Âm nhạc mà Bồ Tát Diệu Âm sử dụng để cúng dường Phật không phải là loại âm nhạc than mây, khóc gió, sầu thảm đau buồn hay thát loạn mà đó là những bản nhạc biểu lộ cái giải thoát, cái tự tại thanh thoát của mình. Do đó âm nhạc của Bồ Tát Diệu Âm được dựa trên nền tảng của trí tuệ bởi vì cái trí tuệ đó là khả năng hiểu được lòng người và hiểu hiểu được tiếng người cho nên âm nhác đó có thể đi thẳng vào lòng người nghe và chuyển hóa được người nghe theo Chánh pháp.

Ở phẩm trước, Bồ Tát Hỷ Kiến tức là tiền thân của Bồ tát Dược Vương đã đốt thân và đốt hai cánh tay tức là bố thí nội tài để cúng dường Phật. Đốt thân và đốt hay cánh tay là đốt hết những quan hệ về chấp ngã và những cặp phạm trù đối đãi phân biệt nhị nguyên là nguồn gốc phát sinh ra vô minh phiền não. Nhưng bây giờ Bồ Tát Diệu Âm chỉ cúng dường âm nhạc và những bát bảy báu là những món ngoại tài mà công đức lại thù thắng hơn Bồ Tát Dược Vương?

Ngoại tài mà kinh muốn nói ở đây không nhất thiết là những thứ âm nhạc bình thường hay những bình bát quý báu để cúng dường cho Phật. Thật ra chư Phật đâu cần những thứ này, các Ngài sống đời đơn giản, thanh tịnh nên tâm không còn chấp vật nào là đồ quý báu hay thứ âm thanh nào là huyền diệu. Mà ngoại tài là ám chỉ cho sự cảm thọ từ nhân duyên bên ngoài. Con người có khổ, có trầm luân cũng vì thích cảm thọ rồi đưa những cảm thọ đó vào tâm, từ đó vọng tưởng phát khởi khiến họ chạy theo tham đắm, dục tình và cuối cùng bị nhận chìm trong ái dục. Thí dụ lục căn tiếp xúc với lục trần chẳng hạn như khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngữi mùi vị, lưỡi nếm mùi vị, thân cảm xúc nóng lạnh, mềm mại…Trong sáu căn đó thì mắt và tai là hai căn nhạy bén nhất và tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn cho nên nó có nhiều cảm thọ hơn. Nhưng giữa mắt và tai thì lỗ tai nghe âm thanh là nhạy bén hơn và ít bị ngăn ngại. Thí dụ ở trong căn phòng, nhưng chúng ta có thể nghe được âm thanh chó sủa rất xa mặc dầu không thể nào thấy được con chó. Hằng ngày nếu nghe lời khen, tiếng tốt thì ta cảm thấy dễ chịu nên bám vúi vào cái dễ chịu đó mà cho rằng đó là hạnh phúc. Nghe lời cay đắng, chữi mắng thì cảm thấy bức rức, khó chịu rồi cho rằng cuộc đời là đau khổ, đáng chán. Vì vậy kinh giới thiệu Bồ Tát Diệu Âm cúng dường âm nhạc là để nhắn nhủ với chúng sinh rằng nghe thì nghe tất cả, nhưng đừng dấy niệm phân biệt tốt xấu, khen chê vì chúng là ngoại trần, không phải là ta hay cái của ta, thì không cảm thọ vui buồn. Còn Bồ Tát Diệu Âm cúng dường bát bảy báu là chỉ cho sắc pháp nghĩa là mắt tuy có thấy hình tướng, màu sắc mà không cảm thọ vui hay buồn thì tâm sẽ được an tịnh. Thí dụ hiện tại chúng ta đang sống trong thế giới đầy vật chất nên con người chạy theo sắc tướng, đắm say theo hình sắc một cách mù quáng là chuyện thường. Khi thấy một chiếc xe lộng lẫy thì sinh ra mê đắm. Thấy cái nhà đẹp lòng si mê không muốn rời. Một chàng trai trẻ nhìn một cô gái đẹp chân tay rụng rời chẳng muốn dời chân. Thấy người bạn đeo một chiếc nhẫn kim cương to, bóng lộng khiến lòng ta không vui, tủi thân. Vì thế Bồ Tát Diệu Âm cúng dường đến 84.000 bát bảy báu cho Phật là kinh muốn nhắn nhủ rằng trong thế gian này có vô số vật chất như trân châu, đồ quý báu, nhưng cho dù là quý báu đến đâu thì chúng cũng là loại vô thường hoại diệt, nay có mai không. Nếu người tu Phật biết quán chiếu và sống với chánh niệm tỉnh thức thì mắt vẫn thấy tất cả những vật thể trên thế gian, nhưng xem nó chẳng có gì quan trọng thì không có những cảm thọ vui buồn. Từ đó mới có thể làm chủ tâm mình mà tiến về thế giới thanh tịnh Niết bàn được.

Âm thanh còn tác hại nhiều hơn sắc tướng cho nên Bồ Tát Diệu Âm mới dùng đến 10.000 thứ kỹ nhạc trong suốt 12.000 năm để cúng dường Phật. Con người nghe tiếng rồi phân biệt tốt xấu, khen chê, thị phi, phải quấy vì thế kinh muốn nhắn nhủ rằng tuy thế gian có rất nhiều loại âm thanh, tiếng nói, nhưng chúng đều là loại sinh diệt bên ngoài nên đừng chấp đem vào tâm rồi tạo sự phân biệt tốt xấu, khen chê cho nên nghe thì nghe tất cả, biết tất cả, nhưng không chấp vào nó, không phân biệt thì sẽ không có cảm thọ vui buồn. Đó là ý nghĩa của sự cúng dường âm nhạc.

Thật vậy, khi tai nghe những âm thanh, tiếng nói không hài lòng khiến tâm bực bội, khó chịu. Ngược lại nghe những lời bùi tai thì say đắm. Thí dụ như vợ chồng, con cái bất ổn, thường hay cải vã, lời quatiếng lại cũng vì tư tưởng khác đồng chuyển qua lời nói làm cho người nghe chịu không nổi, đâm ra bực tức, rồi sinh ra chửi bới, đánh đấm…cuối cùng dẫn nhau ra tòa ly dị…hoặc vào tù ra khám. Đó cũng tại vì chấp lời nói kia là thật nên bị ngăn ngại. Bây giờ nếu hiểu Phật pháp thì không chấp vào lời nói thị phi của người khác. Tại sao? Bởi vì trên thế gian này chỉ có ta mới thật sự hiểu rõ ta mà thôi, không một người nào khác có thể biết ta bằng ta được 

Thí dụ có người chê ta là người xấu hoặc khen ta là người tốt thì họ chỉ dựa theo kiến giải và kinh nghiệm bản thân của họ mà so sánh, đánh giá người khác chớ làm sao họ biết ta bằng chính ta. Mình tốt bao nhiêu mình biết, mình xấu bao nhiêu thì cũng chính mình biết. Vì thế nếu mình là người xấu mà có người khen tặng mình mà mình nhận chẳng khác nào chính mình tự lừa dồi mình, sống trong ảo tưởng. Ngược lại nếu mình là người tốt, luôn nghĩ thiện, nói lời lành và làm việc thiện mà có ai chê ta thế này thế kia thì ta cứ mặc họ vì cuộc sống nhẹ nhàng, thánh thoát, an vui, tự tại thì chính ta đã có rồi đâu cần người đời trao tặng nữa. Nên nhớ những tiếng thị phi, những lời khen chê thì ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có chẳng khác nào thời tiết nóng lạnh bất thường. Do đó người biết tự chủ tâm mình là người không chạy theo khách trần phiền não cho nên nghe thì nghe tất cả mà như không nghe gì hết, trong ngoài tự tại, không còn ngăn ngại tức là “Vân thanh bất thị thanh” thì chính ta đã cúng dường âm thanh phiền não, đau khổ đó cho chư Phật rồi.

Cùng lý luận ấy, thấy thì cái gì cũng thấy, thấy tất cả mà như không thấy gì hết, tâm không dính mắc, không còn ngăn ngại là chúng ta cúng dường những cái thấy phiền não cho chư Phật đó. Vì thế chúng sinh hằng ngày nên bồi dưỡng trí tuệ của mình bằng cách sống trong tỉnh thức chánh niệm để biến cuộc đời từ phiền não ưu bi trở thành thanh tịnh, thánh thoát, an vui, tự tại. Thí dụ hằng ngày mắt vẫn thấy sắc như nhà to, xe đẹp, áo lụa, quần là…Nếu là người thường thì dễ bị nó lôi cuốn, nhận chìm, mê hoặc vào đó, nhưng đối với người có tư duy chánh niệm thì nhận thức được hiện tượng của vạn pháp là vô thường nên tâm họ không hề bị dính mắc. Họ quán rằng vạn pháp là không nghĩa là tất cả mọi vật thể trong thế gian này dù to lớn như mặt trời, mặt trăng hay nhỏ như hạt cát như vi trần đều do duyên khởi tác tạo mà thành chớ không vật nào tự nó sinh khởi hay tồn tại được cho nên vật thể là vô ngã, không có tự thể nên tuy là có, là thấy sờ sờ ở đó nhưng một ngày nào đó nó sẽ bị biến hóa, tiêu hoại nên gọi là không. 

Do đó, cái không của Phật giáo là không tham đắm, si mê, không chấp thủ chạy theo hình sắc sinh diệt chớ không phải dùng thần thông hay quán làm biến đi tất cả. Người có tư duy, chánh niệm khi thấy đóa hoa đẹp thì họ vẫn biết cái đẹp của hoa đấy chứ, nhưng họ quán rằng đóa hoa là do trùng trùng duyên khởi mà thành vì vậy đến tuần sau đóa hoa bắt đầu héo úa, tàn phai rồi trở thành phân bón cho nên nhìn đóa hoa thì họ cũng nhìn, cũng biết nó đẹp, nhưng không đắm nhiễm say mê, lúc nào cũng tự tại với sắc đẹp. Lấy đóa hoa làm tiêu chuẩn để nhìn tất cả những hình sắc khác trên thế gian này cho nên tuy mắt có nhìn các loại trân châu bảo ngọc quý báu, đẹp đẽ đến đâu thì nó cũng là loại vô thường hoại diệt. Ngược lại nếu nhìn theo con mắt của phàm nhân thì tham đắm, say mê rồi chấp thủ đem về làm của riêng cho mình đưa đến tranh chấp, chiến tranh giết hại lẫn nhau. Nói tóm lại, người biết đạo thấy đẹp thì cũng biết là đẹp, nhưng họ biết vật chất đó từ “Không” mà “Có” vì thế một ngày nào đó từ “Có” sẽ trở thành “Không” cho nên thấy tất cả vật chất nhưng không bị chúng lôi cuốn nhận ch́m nên họ mới có an nhiên tự tại được. Đó chính là “Kiến sắc phi can sắc” vậy.

Đối với phàm nhân thì sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là trần, là ô nhiễm vì nó lôi cuốn nhận chìm con người vào trong bể ái sông mê. Nhưng thật ra sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là tự tánh thanh tịnh bản nhiên, không có ô nhiễm tội lỗi chi cả. Thí dụ đóa hoa đâu có mê hoặc ai, nhưng khi con người nhìn đóa hoa thì lòng tham phát khởi muốn chiếm hữu đóa hoa đó làm của riêng cho mình. Vì thế cái nhìn có tham đắm trong đó chớ đóa hoa chỉ là đóa hoa, vô tội họa. Vì thế người giác ngộ thì sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vẫn là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chớ không phải là lục trần, không có gì là ô nhiễm.

Diệu Âm là tiếng nói thanh tịnh của lòng ta để nhắc nhở cho nên khi con người làm việc thiện thì có Diệu Âm nhắc nhở khuyến khích. Ngược lại nếu chúng sinh chạy theo tham đắm, dục tình tạo những việc ác thì trong ta cũng có những tiếng Vân Lôi Âm gào thét nhắc nhở chúng ta đừng dấn thân vào tội lỗi. Nhưng màn vô minh dày đặc che lấp tâm tánh thuần lương khiến con người bất chấp mà tạo ra tội nghiệp.

Tóm lại, ở phẩm trước, Bồ Tát Dược Vương đốt thân và đốt hai cánh tay là để phá chấp Ngã và những cặp phạm trù đối đãi thuộc về chấp ngã và chấp pháp tức là phá sắc uẩn. Đến phẩm này, Bổ Tát Diệu Âm cúng dường âm nhạc và bát bảy báu để phá những cảm thọ về thấy và nghe phát xuất từ thế giới bên ngoài khi lục căn tiếp xúc với nó. Đây là phá thọ uẩn để xoay về sống với Tri Kiến Phật hằng hiện hữu. Vì cảm thọ rất tế nhị và sâu sắc nên kinh điển diễn tả thân tướng Bồ Tát Diệu Âm trang nghiêm hơn thân tướng Bồ Tát Dược Vương là vậy.

Sau cùng đức Phật xác định rằng Diệu Âm Bồ Tát thửa xưa chính là Bồ Tát Diệu Âm ngày nay. Giống như Thường Bất Khinh Bồ Tát xưa kia nay đâu phải ai xa lạ mà chính là đức Phật Thích Ca. Và xưa kia là Bồ Tát Nhất Thiết Chúng sinh Hỷ Kiến thì nay là Bồ tát Dược Vương. Đây là thể loại kinh Bổn Sự nói về những đời quá khứ xa xưa của những người đệ tử Phật và của đức Phật. Vậy kinh Bổn Sự nói lên điều gì? Nó nói lên một chân lý là con người có mặt trên quả địa cầu hôm nay không chỉ là một lần mà đã trải qua không biết bao nhiêu đời, lăn lộn, lên xuống, trôi nổi trong  biển luân hồi và sẽ còn tiếp nối như thế mãi mãi. Người học Phật không những thấy biết rõ ràng sự hoại diệt, vô thường của thế gian mà còn thấy rốt ráo sự trường tồn vĩnh cửu tức là tánh vô sanh vô diệt của vạn pháp nữa. Bởi vì khi con người chết thì từ cái diệt này bắt đầu cho sự sanh khác để tạo thành con người mới. Đó là hiện tượng quy về bản thể và bản thể duyên khởi thành ra hiện tượng cho nên không có cái gì là thật sinh hay cái gì là thật diệt nghĩa là sinh để rồi diệt, diệt rồi lại sinh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận nên sinh diệt, sống chết là chuyện thường, chẳng có gì quan trọng nên không còn lo sợ, buồn phiền. Chúng sinh khi thấy mình già yếu, bệnh tật thì đau khổ, lo âu, sợ sệt. Ngược lại, đối với người biết đạo thì sống chết là chuyện bình thường, tử sanh là trò dâu biển nằm trong chu kỳ bất biến tùy duyên rồi tùy duyên bất biến thế thôi. Vì vậy với Phật nhãn của chư Phật thì nhìn vạn pháp sanh mà không thật sanh và diệt nhưng không phải là mất hẳn nghĩa là sinh để rồi diệt và diệt rồi để lại sanh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận. Tất cả các pháp luôn vận hành biến chuyển chớ không có pháp nào đứng yên, tồn tại, cố định cả nghĩa là tất cả mọi hiện tượng trên thế gian này đều thuộc về hành, pháp hết. Hành có nghĩa là biến chuyển, không bao giờ cố định, vĩnh cữu. Nhưng dựa theo giáo lý Phật Đà thì  “Chư hành vô thường, Thị sanh diệt pháp”  nghĩa là tất cả hiện tượng vật chất đều là hành pháp nên nó sanh diệt, diệt sanh liên tục từng sát na, biến đổi khôn lường. Vì thế người đi trên con đường giải thoát để có an lạc Niết bàn, có cái vui tịch diệt thì phải diệt đi cái quan niệm sinh diệt nghĩa là đừng sợ chết và đừng tham sống. Thế thì mục đích Phật nói kinh Bổn Sự là để nhắc nhở chúng sinh về sự sinh tử, tử sinh trong cuộc đời nghĩa là không riêng gì chúng ta mà chính đức Phật cũng đã trải qua biết bao nhiêu lần sinh tử cho nên sinh, lão, bệnh, tử là một chân lý nên con người đừng sợ mỗi khi mình có bệnh hay chết thì cuộc sống sẽ có an vui tự tại.

-Này Hoa Đức, ngươi chỉ thấy thân hình của Diệu Âm ở tại đây, chẳng dè Bồ-tát ấy hiện các thứ thân hình, nơi nơi đều vì chúng sanh mà nói kinh điển này. Diệu Âm có thể hiện thân Phạm Vương, Đế Thích, Tự tại thiên, Đại tự tại thiên, Thiên đại tướng quân, Tỳ sa môn thiên vương, Chuyển luân thánh vương, Tiểu vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà la môn, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, hoặc hiện thân vợ tể quan, hoặc hiện thân trai, gái, trời, rồng, dạ xoa, người cùng không phải loài người mà nói kinh này. Bao nhiêu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và ở đâu có tai nạn, Diệu Âm đều có khả năng cứu giúp, thậm chí đến trong hậu cung vua chúa, Bồ-tát cũng biến làm thân người nữ mà nói kinh nầy.

          Nếu nói về “Sự” thì Bồ Tát Diệu Âm vì lòng đại từ đại bi, thương xót chúng sinh nên hiện đủ loại thân để hòa đồng và cứu giúp họ. Nhưng hiện thân thế nào? Đây là chỗ đáng để ý bằng không thì chẳng những không thấu hiểu được thâm ý của kinh mà còn dễ rơi vào mê tín dị đoan, trái với luật nhân quả của đạo Phật. Đừng bao giờ nghĩ rằng Bồ Tát Diệu Âm hiện thân bằng hình tướng thật của con người để nói chuyện, an ủi, cứu giúp chúng sinh. Mà hiện thân thuyết pháp độ sanh ở đây là chính Bồ Tát Diệu Âm ở trong mọi người chúng ta. Chúng ta có thể là vua, là quan, là công chức, là người nông phu, là vị bác sĩ, ông kỷ sư, cô thư ký, người thợ dệt, kẻ lái đò, hay bất cứ là ai trên thế gian này thì lúc nào trong tâm hồn cũng có tiếng nói huyền diệu của Bồ Tát Diệu Âm luôn nhắc nhở chúng ta tiến tu trên con đường thánh thiện. Không có người nào mà không có. Đây mới chính là thâm ý của kinh và là sự mầu nhiệm của Phật pháp. Nói cách khác bất cứ giai cấp nào, trình độ nào, căn cơ nào, con người thuộc bất cứ chủng tộc nào hay ở bất cứ chỗ nào trên quả địa cầu này đều có những ý niệm lành tức là có Diệu Âm trong họ rồi.

          Nhưng Bồ Tát Diệu Âm cứu nhân độ thế như thế nào?

          Khi chúng ta sắp làm việc thiện thì lắng nghe trong ta đã có âm thanh nhắc nhở, khuyến khích chúng ta hoàn thành việc thiện đó. Ngay cả việc ác thì từ trong lòng cũng có tiếng nói để nhắc nhở cảnh báo chúng ta đừng làm việc ác. Cả hai đều là Bồ Tát Diệu Âm đã hiện ra từ trong căn tánh của chúng ta để nhắc nhở từng hành động thiện, ác của chúng ta. Nếu con người biết nghe theo những âm thanh huyền diệu đó và thực hành đúng như vậy thì chính mình sẽ có biết bao lợi ích và tránh xa biết bao tai họa. Thí dụ khi đi chợ thấy có vật đẹp, tâm tham liền nổi dậy muốn đánh cắp vật đó. Ngay vào sát na đó, Diệu Âm tức là tiếng lòng của mình cảnh báo làm cho ta thức tỉnh nên ý niệm tham biến mất. Đó là Bồ Tát Diệu Âm đã cứu nạn cho chúng ta rồi đó. Tại sao? Nếu con người chạy theo lòng tham mà đánh cắp đồ vật của kẻ khác, rủi bị bắt thì sẽ vào tù ra khám, nhục nhã biết bao. Đó là chưa kể sự cắn rứt của lương tâm. Khi có người chữi mắng thì lúc đó Diệu Âm cũng hiện lên để nhắc nhở chúng ta thực hành tánh nhẫn nhục, không cần lời qua tiếng lại đi đến đánh đấm nhau rồi phải vướng mắc tai họa, nên mọi chuyện qua đi. Đó là Bồ Tát Diệu Âm đã cứu nạn cho chúng ta rồi đó. Do đó Bồ Tát Diệu Âm đã hiện ra trong thân của chúng ta để nhắc nhở chúng ta làm việc thiện và tránh xa việc ác thì cuộc đời sẽ vô cùng hạnh phúc mà không cần phải cầu nguyện, van xin ai hết. Sự huyền diệu ở đây là chúng sinh có chịu lắng nghe tiếng nói Diệu Âm trong lòng của mình hay không? Nếu biết nghe theo tiếng nói Diệu Âm huyền diệu ấy thì trong sát na đó chính mình đang sống trong tỉnh thức chánh niệm, làm chủ lấy những biến hành của thân, thọ, tâm, pháp thì không bao giờ những điều bất hạnh hay tai họa có thể xảy ra cho họ được. Đấy là Bồ Tát đã cứu chúng ta vậy chớ đừng mơ ước ảo huyền nghĩ rằng bình thường thì chịu không làm lành lánh giữ, chạy theo tham đắm dục tình đến khi đối diện với tai họa mới cầu nguyện, van xin thì Bồ Tát nào đến cứu ta đây?

          Nếu tin rằng có vị Bồ Tát Diệu Âm thật sự có thể cứu rỗi chúng sinh tránh khỏi tai họa thì khi lở giết người rồi ngồi đó cầu Bồ Tát để cảnh sát đừng bắt chúng ta vào tù có được không? Thật vậy ngay cả những người làm điều sai trái, tội lỗi đều được Bồ Tát Diệu Âm nhắc nhở cảnh báo trước chứ, nhưng họ không nghe theo nên chân mới sa vào vũng bùn tội ác.

          Cũng vậy, trên thế gian này đâu có bậc cha mẹ nào dạy con những điều hư hỏng, nhưng nghe hay không là do người con cho nên đứa con nào biết nghe lời cha mẹ thì nó trở thành người tốt, có cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Ngược lại, đứa con nào không nghe lời mà chạy theo cờ bạc, hút xách, rượu chè, ăn chơi, bê tha, trụy lạc thì tương lai đen tối, chẳng những nó làm khổ đời nó mà còn làm khổ cho cha mẹ suốt cả cuộc đời. Nhưng tại sao cha mẹ có hai đứa con mà một đứa ngoan còn đứa kia thì hư hỏng? Đây chằng có gì mới lạ mà chỉ là nhân duyên quả bảo cho nên tuy cùng cha mẹ, nhưng mỗi đứa con đến thế giới này bằng hai căn nghiệp khác nhau nên sự hấp thụ và hành xử  không giống nhau. Mặc dù là đứa con hư hỏng, nhưng trong nó cũng có đầy đủ tiếng nói Diệu Âm khuyến khích, réo gọi làm điều lành và lánh xa điều ác, nhưng nghiệp chướng của nó quá nặng nề thành ra những tiếng nói Diệu Âm đó không có tác dụng, không thể thay đổi cuộc đời nó được vì vậy nó phải chịu khổ.

          Kinh có câu:”Dược y bất tử bệnh, Phật hóa hữu duyên nhơn” nghĩa là thuốc là để trị bệnh không chết chớ còn bệnh chết thì không có thuốc chửa. Cũng như Phật chỉ hóa độ cho những ai có duyên với Phật pháp còn những người vô duyên thì Phật cũng không hóa độ được. Nói thế có nghĩa là tuy Phật pháp thậm thâm vi diệu nhiệm mầu, nhưng nếu chúng sinh không quay về nương tựa Phật pháp thì Phật pháp cũng không giúp gì cho họ được. Nhưng làm sao để quay về? Khi chúng sinh nhận thức được rằng cuộc đời là những chuổi dài đau khổ, cái hạnh phúc đang có là cái mầm cho những nỗi khổ về sau cho nên muốn hết khổ, có an vui tự tại thì Phật pháp sẽ là cứu cánh của cuộc đời. Nương theo Phật pháp để làm chủ lấy thân tâm, luôn sống trong tỉnh thức chánh niệm thì cuộc đời sẽ hoàn toàn thay đổi, chuyển mê thành ngộ, chuyển đau khổ thành an lạc Niết bàn.

          Vì sự huyền diệu đó mà Bồ Tát Diệu Âm có thể hiện trên sáu tỷ thân người là như vậy nghĩa là thế giới có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu hiện thân của Bồ Tát Diệu Âm. Tiếng nói Diệu Âm này không nhất thiết chỉ dành cho Phật tử, những người quy y Tam Bảo, mà nó có trong tất cả mọi chúng sinh. Người theo đạo Thiên Chúa giáo cũng có tiếng nói này, kẻ theo đạo Bà la môn cũng nghe rất rõ Diệu Âm này. Thậm chí, những người không theo bất cứ tôn giáo nào thì tiếng nói Diệu Âm vẫn réo gọi trong tâm hồn họ rất huyền diệu chằng sai khác vì tất cả mọi chúng sinh đều có sẳn Phật tánh (Buddha Nature) rồi.

          Bồ Tát Diệu Âm thành tựu được như thế là vì ngài có tam muội “Hiện Nhất Thiết Sắc Thân” là biểu tượng cho tiếng nói thánh thiện, trong sáng trong tâm hồn của tất cả mọi chúng sinh. Vì vậy, chúng sinh không cần phải đi tìm đâu xa, không cần van xin cầu nguyện, mà chỉ cần xoay vào trong lắng nghe tiếng nói thánh thiện đó để nhắc nhở, réo gọi ta luôn làm lành lánh dữ, giữ tâm ý thanh tịnh thì cuộc đời chắc chắn sẽ trong sáng, nhẹ nhàng, thanh thoát, an vui và tự tại.

-Hoa Đức, Bồ-tát Diệu Âm này hay cứu hộ các chúng sanh trong cõi Ta-bà, vì chúng sanh mà nói kinh Pháp Hoa, tuy vận dụng thần thông biến hoá như thế mà trí tuệ sáng soi cõi Ta-bà, khiến tất cả chúng sanh, mỗi mỗi đều được sự hiểu biết của mình, còn trong hằng hà sa thế giới mười phương cũng đều được như vậy. Nếu phải dùng hình Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát hay Phật để độ thoát chúng sanh thì Diệu Âm liền hiện ra hình ấy mà nói pháp. Thậm chí phải diệt độ để độ thoát chúng sanh thì cũng thị hiện diệt độ.

Đoạn kinh này rất hay, ý nghĩa tuyệt vời, nhưng đừng hiểu rằng Bồ Tát Diệu Âm khi nghe chúng sinh gặp hoạn nạn cầu cứu thì ngài hiện thân cứu giúp. Trên thế giới ngày nay có biết bao thiên tai, động đất, núi lửa, sóng thần…là do sự chuyển động của trái đất.Đó là chưa kểdo lòng tham của con người phá hũy môi trường sống của chính mình qua chiến tranh, qua những cuộc thí nghiệm nguyên tử, qua tàn phá thiên nhiên, đốt rừng tiêu hủy cây cối…tạo nên những ảnh hưởng dây chuyền nguy hiểm cho nhân sinh. Con người cũng vì muốn thỏa mãn lòng tham mà đi ngược lại với thiên nhiên nên hàng ngày lấy lên từ lòng đất, từ lòng biển hàng triệu thứ từ kim cương đến vàng, bạc, nhôm, sắt, khí đốt, dầu hỏa rồi lại thải ra hàng triệu tấn chất độc tác hại gây ra lầm than qua thiên tai, động đất, sóng thần, bảo lụt, hạn hán. Khi tai họa xảy ra, con người lo sợ nên cầu nguyện, van xin mà vẫn chết. Ở Hoa Kỳ hàng năm những cơn gió lốc và những cơn bảo tố đã giết chết biết bao người. Mới đây nhất ngày 11 tháng 3 năm 2011 ở Nhật Bản có trận động đất với cường độ 9.0 mang theo nhiều ngọn sóng thần cao đến 40 thước (133 ft) đã quét sạch nhiều thành phố dọc theo bờ biển về phía Đông Bắc. Có trên 15.846 người chết, 3.320 người mất tích và trên 125.000 tòa nhà lẫn cao ốc bị hủy diệt. Nhật Bản là quốc gia Phật giáo cho nên khi gặp biến cố tai trời ác nước như thế thì dĩ nhiên ai cũng cầu nguyện Bồ Tát Diệu Âm đến cứu giúp, nhưng nếu có thì tại sao số người chết và sự tàn phá cao đến như vậy? Bồ Tát có thần thông diệu dụng thì tại sao lại không chống nổi sức của sóng thần để cứu muôn dân? Thật ra, sự sống chết của con người là do ân oán nhân quả của họ cho nên Phật trời không bao giờ can dự vào.

Vì thế cứu độ ở đây phải được hiểu là Bồ Tát Diệu Âm phát ra tiếng nói thánh thiện từ trong lòng của mỗi chúng sinh để nhắc nhở, khuyến khích, động viên họ làm việc lành, tránh việc ác và giữ tâm ý cho được thanh tịnh thì cuộc sống sẽ có an vui, tự tại. Nên nhớ ngày xưa đức Phật Thích Ca hằng ngày cũng phải ôm bình bát đi xin cơm thính chúng, nếu Ngài có thần thông diệu dụng thiên biến vạn hóa, chỉ cần niệm thần chú thì bát cơm tự đầy cần gì phải đi xin. Nếu đức Phật không làm được thì không có một vị Bồ Tát nào có thể làm được. Cái tinh hoa của Phật giáo là phát triển trí tuệ và sống bằng trí tuệ nên Phật giáo là khoa học và vượt hẳn khoa học vì tất cả những gì đức Phật tìm ra con đường giải thoát giác ngộ rất phù hợp với tiến trình khám phá của khoa học. Vì thế đừng đem những ảo tưởng mê tín hoang đường làm oen ố truyền thống thanh cao của Phật giáo.

Vậy thế nào là cõi Ta Bà?

Khi tâm của chúng sinh đang bị dày vò, buồn bực, đau khổ, phiền muộn, đau thương, trắc trở, rối rắm, bất bình, bất mãn, bất an thì lúc đó chúng ta đang ở trong thế giới Ta Bà. Nhưng khi chúng sinh nhớ đến Bồ Tát Diệu Âm nghĩa là chúng ta nhớ đến Chánh niệm nên quay về sống với tỉnh thức thì tất cả những ưu phiền đó tan biến vì vậy kinh mới nói Bồ Tát độ chúng sinh trong cõi Ta Bà là vậy.

Vậy cõi Ta Bà ở đâu? Cõi cực ở đâu?

Cõi Ta Bà là cõi tâm của chúng sinh. Nếu chúng sinh bị đau khổ, buồn phiền, ray rức dày vò thì lúc đó tâm họ trở thành cõi Ta Bà và từ đó nhìn ra ngoài họ thấy toàn thế giới này cũng đầy dẫy khổ đau như vậy. Nói cách khác khi tâm mình bực bội, buồn phiền thì nhìn đâu cũng không bao giờ thấy có an vui, đẹp đẽ. Mà Bồ Tát Diệu Âm đến thì cõi Ta Bà trở thành trong sáng, thanh tịnh, đẹp đẽ. Tại sao? Bất cứ lúc nào tâm ta đau khổ mà chúng ta quay vào trong để nghe tiếng nói mầu nhiệm, thanh tịnh của lòng mình thì tất cả những buồn phiền kia tức thì tan biến. Do đó khi tâm không còn buồn phiền, đau khổ thì lúc đó tâm họ sẽ nhẹ nhàng, thanh thoát và từ đó họ nhìn thế giới bây giờ rất tự tại, không còn tranh chấp, buồn phiền nữa nghĩa là cũng cái thế giới đó mà bây giờ biến thành cõi cực lạc. Vì vậy tâm an thì thế giới an và tâm bình có thế giới bình là vậy.

Thế giới vũ trụ là nhất chân, bất nhị cho nên nếu cõi Ta Bà đã an tịnh thì tất cả những thế giới kia cũng sẽ an tịnh.

Bồ-tát Hoa Đức bạch Phật:

-Thế Tôn ! Bồ-tát Diệu Âm ở trong tam muội nào có thể biến hiện ở các nơi và trong nhiều thân hình như thế?

Phật đáp:

-Tam muội đó gọi là: Hiện nhất thiết sắc thân.

Lúc nói phẩm Diệu Âm Bồ-tát này, 84.000 Bồ-tát cùng đi với Bồ-tát Diệu Âm đều được tam muội Hiện Nhất Thiết Sắc Thân.

Khi Bồ-tát Diệu Âm cúng dường đức Phật Thích Ca và tháp Đa Bảo xong rồi trở về nước mình, các nước của Bồ-tát trải qua đều chấn động, trên hư không mưa hoa sen báu, nhạc trời tự trổi như lúc đi. Về đến nước rồi, Bồ-tát cùng 84.000 Bồ-tát vây quanh đến trước Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí bạch rằng: Thế Tôn ! Con đến cõi Ta-bà làm lợi ích cho chúng sanh, đã ra mắt lễ lạy, cúng dường đức Phật Thích Ca, ra mắt tháp Phật Đa Bảo lại gặp các Bồ-tát Văn Thù, Dược Vương, Dũng Thí và cũng đã làm cho 84.000 Bồ-tát này được tam muội Hiện nhất thiết sắc thân.

Lúc nói phẩm Diệu Âm Bồ-tát này 42.000 người cõi nhân thiên được vô sanh pháp nhẫn, còn Bồ-tát Hoa Đức được Pháp Hoa tam muội.

          Tam muội Hiện Nhất Thiết Sắc Thân là Bồ Tát tâm của tất cả mọi người, ai cũng có, cho nên Diệu Âm Bồ Tát ở trong tâm của mọi người tức là của nhất thiết sắc thân vì vậy bất cứ ai cũng có Diệu Âm. Lúc Phật nói phẩm Diệu Âm Bồ Tát thì 84.000 Bồ Tát cùng đi với Bồ Tát Diệu Âm đều chứng được “Hiện Nhất Thiết Sắc Thân” tam muội nghĩa là bất cứ Bồ Tát nào cũng đều có trong tâm của chúng sinh. Trở lại phẩm Tùng Địa Dũng Xuất thì trong tâm của chúng sinh có hằng hà vô số Bồ Tát hạnh, nhưng bình thường chúng sinh sống trong vô minh phiền não nên không biết, đến khi Phật khai thị thì Bồ Tát từ trong đất (tâm) ào ào xuất hiện. Số Bồ Tát đông hơn cát của sáu muôn sông Hằng chính là Bồ Tát tâm của chúng ta đó. Nó thiên biến vạn hóa trùng trùng điệp điệp vì tâm không có ngằn mé, bao la vô cùng vô tận. Tuy mỗi chúng sinh đều có Bồ Tát tâm, Bồ Tát hạnh, nhưng nếu đức Phật không khai thị chỉ bày thì chính họ cũng không hề biết mình có những đức hạnh cáo quý đó. Cũng như trong mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng đâu có ai biết và sử dụng cái Phật tánh thiêng liêng của mình nên suốt cuộc đời cứ mãi sống trong điên đão khổ đau.

          Bây giờ đã biết trong tâm có hàng hà vô số Bồ Tát, con người có thể biểu hiện bằng đem tâm đại từ, đại bi ấy phục vụ chúng sinh mà mang lại lợi ích cho mình, cho người và cho tất cả.

          Phật Thích Ca là thỉ giác còn Phật Đa Bảo là bổn giác nghĩa là Phật Thích Ca là sự hiễn lộ của Phật Đa Bảo trong một không gian, thời gian nhất định. Vì thế mới nghe tưởng là có hai vị Phật, nhưng trên thực tế thì tuy hai mà một. Thí dụ Phật Đa Bảo là dầu hỏa còn nằm sâu dưới lòng đại dương cả mấy ngàn năm chưa được khai phá. Đến khi con người có đủ kỷ thuật tân tiến nên lấy nó lên khỏi lòng đất thì dầu hỏa bây giờ chính là thỉ giác tức là Phật Thích Ca. Đó là lý do tại sao Phật giáo Đại thừa lý luận rằng không có chứng đắc hay thành Phật bởi vì chứng đắc hay thành Phật chẳng qua là trở về với bổn giác tức là Phật Đa Bảo đã có sẵn chớ không phải thành tựu cái gì mà mình chưa bao giờ có. Cũng như tấm kiếng vốn đã trong sáng, nhưng vì bụi bám làm cho nó mờ mịt. Đến khi lau sạch bụi mờ (vô minh phiền não) thì tấm gương sáng (Phật tánh) trở lại chớ đâu phải tấm gương chưa bao giờ sáng. Vì vậy Phật Đa Bảo hay Phật tánh thì lúc nào cũng có trong mỗi chúng sinh, nhưng con người không nhận biết nó vì họ đang bị màn vô minh hắc ám che đậy. Đến khi thanh lọc thân tâm thanh tịnh thì Phật tánh hiễn bày tức là Phật Đa Bảo hiện thành Phật Thích Ca. Nếu không có Phật tánh này thì không bao giờ có kinh Pháp Hoa và dĩ nhiên không có phần thọ ký.

          Thế nào là vô sanh pháp nhẫn?

Vô sanh pháp nhẫn nghĩa là nói lên tánh vô sanh của vạn pháp tức là sanh mà không thật sanh, sanh để rồi diệt và diệt mà không phải thật diệt, diệt để rồi lại sanh, sanh sanh diệt diệt vô cùng vô tận. Nói cách trong thế gian nhân duyên trùng trùng nương gá tác động hình thành thì gọi là sanh và khi nhân duyên trùng trùng tan rã thì gọi là diệt. Vì thế sanh không thật sanh và diệt cũng không thật diệt. Vì ngộ được chân lý vô sanh nên xem tấm thân thất đại này cũng như mây tụ tán hợp tan vậy thôi. Mà đã là “Ngũ uẩn phù hư không khứ lai” thì con người chẳng có gì phải sợ khi tấm thân này còn và chẳng có gì đau khổ khi nó mất. 

Khi chúng sinh đã thấu hiểu vô sanh pháp nhẫn thì họ sẽ không còn điên cuồng nhắm mắt chạy theo sắc, tài, danh, lợi một cách mù quáng vì có tranh giành chiếm đoạt thì vạn pháp từ “Có” một ngày nào đó sẽ trở thành “Không” ngay cả tấm thân của họ cũng không thoát khỏi định luật này. Vì thế cuộc sống bây giờ trở nên nhẹ nhàng thanh thoát thanh tịnh hơn nhiều và con đường tiến về giải thoát sẽ dễ dàng, ít chông gai hơn.

Bồ Tát Diệu Âm trở về thế giới Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm cho nên cõi Ta Bà không còn rực rỡ nữa nghĩa là nếu chúng ta không còn lắng nghe tiếng nói thánh thiện trong lòng của mình thì chắc chắn mình sẽ chạy theo ái dục và chìm trong biển ái sông mê nên tâm bây giờ không còn trong sáng nữa tức là mình đang sống trong cõi tâm Ta Bà rồi. Vì vậy nếu chúng sinh không có khả năng lắng nghe Diệu Âm tức là tiếng nói mầu nhiệm của chơn tâm thanh tịnh thì cõi lòng của ta sẽ trở về với bao nghiệt ngã đau thương, với cuộc sống của vô minh phiền não vô cùng vô tận.

Âm lịch

Ảnh đẹp