KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI


Lê Sỹ Minh Tùng PL. 2556 DL. 2012
30/06/2012 14:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 113776
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012

Chương Thứ Mười Bảy

Phẩm PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà 

 

Công đức là tiếng ghép của công phu và đức hạnh. Đây là hai đức tính căn bản cho người hành trì để khai tâm mở tánh mà thấy được chân lý. Công phu và đức hạnh đưa hành giả thẳng về thế giới vô lậu, thanh tịnh hóa thân tâm và đây là những chất liệu không thể thiếu cho những ai đi trên con đường giải thoát giác ngộ. Pháp Hoa là loại kinh tối thượng thừa của Phật giáo Đại thừa tức là Đại thừa viên giáo thế thì tại sao lại còn phân biệt cho dù đó là công đức?

Vậy phân biệt công đức là công đức gì?

Danh từ phân biệt nghĩa là sự so sánh giữa cao và thấp, nhiều hay ít, tốt hay xấu…Vậy ở đây kinh muốn so sánh cái gì? Trong phẩm Như Lai Thọ Lượng nếu chúng sinh nhận thức sâu sắc thì có rất nhiều công đức, nhận thức vửa vừa thì công đức bậc trung bình còn nhận thức cạn thì tuy cũng có công đức, nhưng rất nhỏ. Tại sao? Bởi vì khi hiểu Phật qua Pháp thân, Báo thân và Ứng thân thì lúc đó người đệ tử Phật sẽ biết rằng Pháp thân Phật tức là Như Lai thì lúc nào cũng thường trụ trong thế gian này nghĩa là ở đâu cũng có Phật và bất cứ lúc nào cũng có Phật. Vì thế Phật thường trụ về mặt thời gian chính là Phật Đa Bảo và Phật thường trụ về mặt không gian là hằng hà sa số phân thân của Phật Thích Ca. Do đó, Phật thường trụ trong thế gian mà đặc biệt là Phật thường trụ trong tâm của tất cả chúng sinh. Nhận thức rằng mình có Tri Kiến Phật tức là mình là Phật cho nên con người có thể chuyển hóa hết những vô minh phiền não của mình để trở về với thanh tịnh tâm tức là thành Phật. Vì thế kinh dùng chữ “phân biệt” chỉ là phương tiện để khuyến khích người tu nỗ lực thế thôi chớ công đức thuộc về thế giới vô lậu thì làm gì có thể so sánh phân biệt ðýợc. Dựa theo đệ nhất nghĩa tất đàn thì hành giả làm tất cả mọi việc mà không bao giờ thấy mình là người làm công đức lành nghĩa là tuy có độ vô lượng chúng sinh, nhưng không được thấy mình là người độ và chúng sinh là những người được độ. Thế thì nếu đứng về mặt bản thể thì không có công đức gì cả. Tu hành mà còn thấy có công đức hay còn mong mỏi có công đức thì cũng không đúng vì đó là biểu tượng của lòng tham. Nhưng ở đây, đứng về mặt hiện tượng thì người nhận ra được Tri Kiến Phật nơi mình có công đức rất lớn không thể nghĩ bàn. Cái công đức này chắc chắn lớn hơn người tu theo các hạnh khác như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ…vì các pháp tu đó thuộc về pháp hữu vi có sinh có diệt nên có giới hạn. Trong khi đó Tri Kiến Phật là pháp vô vi, bất sinh bất diệt, không hình không tướng, vượt ra ngoài phạm trù đối đãi của không gian và thời gian nên đây mới là công đức vô lượng không thể nghĩ bàn.

Khi đó, Thế Tôn bảo Bồ-tát Di Lặc:

-Này A-dật-đa! Lúc ta nói về thọ mạng lâu dài của Như Lai, thì có:

·       Sáu trăm tám muôn ức na-do-tha Hằng sa chúng sanh được  “Vô sanh pháp nhẫn”.

Thế nào là ngộ vô sanh pháp nhẫn?

Khi tư duy quán chiếu để nhìn vạn pháp vô sanh thì cũng có nghĩa là nhìn vạn pháp vô diệt. Thí dụ khi nhìn một nụ hoa thì làm sao biết được tánh vô sanh của nó? Khi nhìn đóa hoa mới nở thì chắc chắn là nụ hoa sanh và vài tuần sau, hoa tàn thì nói rằng nụ hoa diệt. Nhưng đây chỉ là cái nhìn thiển cận của phàm nhân, còn cái nhìn của Bồ-tát tu hành chứng đắc, ngộ được vô sanh là ngay trong lúc nụ hoa mới nở thì cái sinh đã có diệt trong đó rồi. Ngược lại trong lúc nó tàn úa thì các vị Bồ-tát lại nhìn cái diệt là bắt nguồn cho cái sinh khác. Đó là hiện tượng quy về bản thể và bản thể duyên khởi thành ra hiện tượng thành ra có cái gì là thật sinh hay cái gì là thật diệt đâu. Nói cách khác sinh để rồi diệt, diệt rồi lại sinh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận nên sinh diệt, sống chết là chuyện thường, chẳng có gì quan trọng nên không còn lo sợ, khổ đau. Chúng sinh khi thấy mình già yếu, bệnh tật thì đau khổ buồn phiền. Ngược lại, đối với Bồ-tát thì sống chết là chuyện bình thường, tử sanh là trò dâu biển nằm trong chu kỳ bất biến tùy duyên rồi tùy duyên bất biến thế thôi. Vì vậy với tuệ nhãn của Bồ-tát hay Phật nhãn của chư Phật thì nhìn vạn pháp sanh mà không thật sanh và diệt nhưng không phải là mất hẳn nghĩa là sinh để rồi diệt và diệt rồi để lại sanh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận. Đây là chứng ngộ chân lý vô sanh pháp nhẫn vậy.

·       Một số đại Bồ-tát ngàn lần gấp đôi được môn “ văn trì đà-la-ni”.

Đà la ni là năng lực của trí tuệ gồm thâu và giữ gìn vô lượng Phật pháp không để cho quên sót. Đà la ni còn có năng lực giữ gìn các pháp lành và ngăn chận các pháp ác.

Dựa theo Luận Đại Trí Độ của Long Thọ thì Đà la ni có bốn loại:

1)Văn trì Đà la ni: Ngước đắc Đà la ni thì nghe các pháp không thể quên được.

2)Phân biệt tri Đà la ni: Có năng lực phân biệt tất cả tà, chánh, tốt, xấu…

3)Nhập âm thanh Đà la ni: Nghe tất cả âm thanh ngôn ngữ đều hoan hỉ, không sân hận.

4)Tự nhập môn Đà la ni: Nghe Đà la ni liển thấu đạt thật tướng của các pháp.

Bây giờ dựa theo Luận Du Già Sư Địa của Vô Trước thì Đà la ni cũng chia làm bốn loại:

1)Pháp Đà la ni: Ghi nhớ câu kinh không quên.

2)Nghĩa Đà la  ni: Lý giải nghĩa kinh không quên.

3)Chú Đà la ni: Nhờ sức thiền định mà có khả năng phát khởi chú thuật để tiêu trừ tai ách cho chúng sinh.

4)Nhẫn Đà la ni: Thông đạt thật tướng các pháp là lìa văn tự ngôn ngữ, an trụ nơi pháp tánh mà không bao giờ quên.

·       Một số đại Bồ-tát  đông như một thế giới vi trần được “ nhạo thuyết vô ngại biện tài”.

Đại Nhạo Thuyết là vị Bồ Tát thành tựu tứ vô ngại biện tài:

1) Pháp vô ngại : Khi đã thành tựu trí tuệ thì nhìn vạn pháp thấy cái gì cũng đúng với chân lý nên khi thuyết pháp biến tất cả các pháp trở thành Phật pháp. Thí dụ như khi thấy lá rụng, tuyết rơi thì nghĩ ngay đến sự tạm bợ, vô thường. 

2) Nghĩa vô ngại : là biết đúng nên nói đúng, nói chánh ngữ, đúng nghĩa, không sai chân lý.

3) Từ vô ngại : là lời nói trôi chảy, không ngăn ngại.

4) Lạc thuyết vô ngại là càng nói càng thêm phấn khởi, dồi dào phong phú chớ không bao giờ bị bế tắc.

Đứng về phương diện ý thức, tư tưởng thì tứ vô ngại được gọi là tứ vô ngại trí tức là do trí tuệ mà phát sinh ra bốn thứ vô ngại. Còn dựa trên ngôn từ diễn đạt mà nói thì gọi là tứ vô ngại biện tức là tứ vô ngại biện tài. Sau cùng khi chúng sinh nhìn kinh điển mà có thể nhận thức, thấy biết ngay thì gọi là tứ vô ngại giải, nghĩa là đọc kinh thì biết ngay ý nghĩa mà khỏi cần  nghiên cứu.

·       Một số đại Bồ-tát đông như một thế giới vi trần được trăm ngàn muôn ức vô lượng môn “triền đà-la-ni”.

·       Một số đại Bồ-tát đông như vi trần của tam thiên đại thiên thế giới chuyển được “ pháp luân bất thối”.

Có số Bồ Tát nhiều như số hạt bụi của ba ngàn đại thiên thế giới chuyển được bánh xe pháp bất thối nghĩa là tinh tấn hướng về trước, không bao giờ thoái bước.

·       Một số đại Bồ-tát đông như vi trần của nhị thiên quốc độ chuyển được “ pháp luân thanh tịnh”.

·       Một số đại Bồ-tát đông như vi trần của tiểu thiên quốc độ, trong 8 đời tái sanh, sẽ được “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” .

·       Một số đại Bồ-tát nhiều như  vi trần của bốn tứ thiên hạ, trong bốn đời tái sanh, sẽ được “ Chánh Đẳng Chánh Giác” .

·       Một số đại Bồ-tát nhiều như vi trần của ba tứ thiên hạ, trong ba đời tái sanh, sẽ được “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

·       Một số đại Bồ-tát nhiều như vi trần của hai tứ thiên hạ, trong hai đời tái sanh, sẽ được “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

·       Một số đại Bồ-tát nhiều như vi trần của một tứ thiên hạ, trong một đời tái sanh, sẽ được “ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

·       Một số chúng sanh nhiều như vi trần của tam thế giới, đều phát tâm “ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Người tu học Phật pháp nhất định phải phát tâm Bồ Đề tâm. Đó là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Đến đây đức Phật nhắc lại kết quả sau khi Phật nói về thọ lượng của Như Lai. Các hàng Bồ Tát Thánh chúng nhiều hằng sa số không sao kể xiết đều phát tâm bất thối, hoặc còn một đời, hai đời…thì sẽ chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật nói xong, một trận mưa hoa báu từ hư không rơi xuống trên vô lượng trăm ngàn muôn ức Phật ngồi trên toà sư tử, dưới cội cây báu, trên đức Phật Thích Ca và đức Phật Đa Bảo đang ngồi trong tháp bảy báu, và trên tất cả Bồ-tát và bốn bộ chúng. Lại có trận mưa hương bột chiên đàn, hương trầm thủy, và trống trời tự vang. Lại có trận mưa thiên y và trên không thòng xuống các thứ chuỗi ngọc, các lò hương báu đốt hương vô giá để cúng dường đại chúng.

Trên mỗi đức Phật có các Bồ tát tay cầm phan lọng, trước sau lên đến  trời Phạm-thiên, dùng âm thanh vi diệu, ca vô lượng bài kệ tán thán chư Phật.

Đức Phật vừa mới nói xong thọ lượng của Như Lai thì mưa hoa từ trời rơi xuống cúng dường vô lượng trăm nghìn muôn ức đức Phật ngồi ở tòa sư tử dưới cội cây báu. Bấy giớ đức Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo cùng ngồi trong tháp báu có vô lượng Bồ Tát và đại chúng vây quanh. Các Bồ Tát cầm phan lọng, dùng âm thanh vi diệu ca ngâm vô lượng bài kệ tán thán chư Phật. Thế thì Như Lai thường trụ trong thời gian vô tận và không gian vô cùng cho nên đại chúng càng tin vào Như Lai thì càng thêm công đức.

Khi ấy Bồ-tát Di Lặc đứng dậy lễ Phật rồi nói một bài kệ nhắc lại và xưng tụng những lời Phật vừa dạy.

Bồ-tát Di Lặc nói kệ xong, Phật nói:

-Này A-dật-đa ! Chúng sanh nào nghe Phật thọ mạng lâu dài như thế mà chỉ sanh được một niềm tin tưởng, thì đặng công đức  không thể hạn lượng. Công đức này lớn lao cho đến nỗi đem công đức tu 5 Ba-la-mật đầu (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục,  tinh tấn, thiền định) trong 80 muôn ức na-do-tha kiếp ra so sánh thì trong muôn ức ngàn phần công đức tu Ba-la-mật không kịp một. Lại nữa ai được công đức tin tưởng như trên thì không bao giờ thối bước trên đường dẫn đến Chánh Giác.

Đức Phật lại xác định rất rõ ràng rằng nếu có chúng sinh nào nghe thọ mạng của Phật dài lâu như thế mà có lòng tin thì công đức quá lớn không thể lường được. Tại sao?  Bởi vì nếu chúng sinh tin rằng trong ta có sẵn Tri Kiến Phật thì người đó sẽ thành Phật vì Tri Kiến Phật thuộc về vô lậu nên công đức không thể đo lường được. Ngược lại tuy chúng sinh có tu theo hạnh Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định trong 80 ức na-do-tha kiếp đi chăng nữa thì công đức đức này vẫn không bằng một phần công đức của người nhận ra Tri Kiến Phật của mình. Vì tu theo năm hạnh ở trên thuộc về pháp hữu vi, có tướng, có sinh có diệt nên quả báo có giới hạn. Trong khi đó Tri Kiến Phật thì không hình không tướng, thuộc về pháp vô vi bất sinh bất diệt, không giới hạn bởi thởi gian và không gian nên quả báo vô lượng không có pháp nào sánh kịp. Thật vậy, người lãnh hội được Pháp Hoa, sống với Tri Kiến Phật của mình thì tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày đều sáng suốt, tỏ tường và trí tuệ quang minh. Còn người tu theo từng pháp môn của lục độ thì phải trải qua từng giai đoạn để khai tâm mở tánh, tuy tốn rất nhiều công mà kết quả không được bao nhiêu. Đó là hai phương pháp khác nhau giữa Đốn và Tiệm tức là nhanh và chậm. 

Sau khi nói một bài kệ lập lại ý trên, đức Phật nói tiếp:

-Này A-dật-đa! Người nào nghe nói về thọ mạng lâu dài của Phật mà hiểu được cái ý thú trong lời nói đó, thì người ấy được công đức vô lượng, lại có thể phát khởi trí tuệ vô thượng của Như Lai.  Huống là người hiểu rộng nghe nhiều về kinh Pháp Hoa, hoặc bảo người nghe hoặc tự thọ trì, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, hoặc dùng mọi thứ  hương hoa … cúng dường kinh. Người ấy đặng công đức vô biên có thể sanh “ nhất thiết chủng trí”.

Phật lại dạy rằng người nào nghe thọ mạng của Phật dài lâu như thế mà hiểu thấu suốt thì người đó đã có công đức quá lớn rồi, nhưng  công đức càng lớn hơn nếu người đó chẳng những hiểu thấu mà còn đem sao chép, thọ trì, truyền tụng kinh Pháp Hoa thì người ấy nhất định sẽ thành Phật tức là có “Nhất thiết chủng trí”. Bởi vì thọ, trì, sao chép, cúng dường ở đây là ám chỉ sự tin nhận mình có Tri Kiến Phật. Từ đó luôn khéo léo giữ gìn và phát triển cái trí tuệ Phật ngày càng thêm tròn đầy và trong sáng, không cho vô minh phiền não che phủ lu mờ thì chắc chắn người ấy sẽ thành Phật.

Nhất Thiết Chủng Trí: Hàng Thanh văn thì chấp Pháp có và các vị Bồ-tát thì vẫn còn chấp Không. Nếu bây giờ bỏ được chấp Pháp có và chấp Không tức là không còn chấp có pháp môn để tu, có Niết bàn để chứng, có quả vị Bồ-đề để thành và không còn chấp thế gian vũ trụ là Không thì có được trí tuệ viên mãn, dung thông tự tại mà nhà Phật gọi là Nhất Thiết Chủng Trí. Nhất Thiết Chủng Trí thì thấy vạn pháp là Có nhưng không phải là Có thật, còn Không nhưng không phải là không của cái trống không. Vì vạn pháp do nhân duyên hòa hợp nên vạn pháp sanh và khi nhân duyên tan rã chia ly thì vạn pháp diệt. Thế thì vạn pháp do nhân duyên hòa hợp nên sanh sanh diệt diệt, diệt diệt sanh sanh mà người được Nhất Thiết Chủng Trí thì luôn luôn tự tại trước sự sanh diệt, diệt sanh của hiện tượng vạn pháp nên không cần phải tiêu cực như hàng Thanh văn và cũng không cần phủ nhận tất cả như các vị Bồ-tát mà phải thấy vạn pháp nầy có mà không phải có thật. Mặc dầu không phải có thật mà hiện giờ nó vẫn có vì thế nên người có Nhất Thiết Chủng Trí làm bất cứ cái gì cần làm để giúp đở cho tất cả chúng sinh mặc dù chúng sinh là không có thật. Đây chính con đường trung đạo dung thông giữa cái Có và cái Không và chỉ có Phật mới đạt được cái trí tuệ nầy.

-Này A-dật-đa ! Còn thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe ta nói mà sanh lòng tin hiểu chắc về thọ mạng lâu dài của Phật, thì người ấy ắt thấy Phật thường trụ tại Kỳ-xá-quật nói Pháp cho các Đại Bồ-tát và Thanh Văn vây quanh nghe. Chẳng những thế mà còn thấy đất cõi Ta-bà bằng lưu ly, mặt liền bằng thẳng, tám nẻo rào bằng  dây vàng ròng, bảy cây báu và lâu đài cũng đều bằng bảy báu họp thành, trong có Bồ-tát ở. Ai mà quán tưởng được như thế, thì nên biết đó là biểu hiện của một lòng tin tường sâu sắc.

Đến đoạn này, Phật một lần nữa lại xác định rằng những người mà tin chắc chắn lời Phật nói về thọ mạng Như Lai thì người ấy thấy Phật đang thuyết pháp ở núi Linh thứu. Ngày nay nếu chúng sinh có duyên qua tận Ấn Độ, đến núi Linh thứu thì sẽ thấy cái gì? Vì là phàm nhân nên nhãn căn chỉ thấy một dãy nùi chạy dài có con đường cong vo đi dần lên núi. Đến đỉnh núi sẽ thấy có những hang động trống không mà ngày xưa các vị Thánh giả dùng để tham thiền nhập định. Trên đỉnh núi trống không chỉ còn lại dấu tích ngày xưa Thế Tôn thuyết pháp với bao thính chúng bao quanh. Nhưng đối với người giác ngộ và đã tin sâu nơi mình có Tri Kiến Phật thì Phật ở trong tâm cho nên nhìn đâu cũng thấy Phật, nghĩ gì cũng đều là Pháp Phật. Thế thì tâm thanh tịnh thì nhìn đâu cũng là cõi Phật thanh tịnh, nghe âm thanh như nghe Phật thuyết pháp. Ngược lại nếu tâm ô nhiễm bởi tham sân si, sắc tài danh lợi thì nhìn đời bằng đôi mắt thịt của thân ngũ uẩn đầy phiền não nên thấy gì cũng ô trược.

Ngày xưa tông Thiên Thai có ngài Trí Giả Đại sư chuyên trì kinh Pháp Hoa. Ngài tụng liên tiếp trong 21 ngày đến khi tụng đến phẩm Dược Vương Bồ Tát thì ngài nhập Pháp Hoa tam muội. Trong định ngài thấy Phật đang thuyết pháp cho hội chúng ở hội Linh Sơn trên núi Linh Thứu. Nhập Pháp Hoa tam muội nghĩa là mình đang thức tỉnh có chánh niệm để biết rằng mình có Phật tánh và mình sẽ thành Phật. Vì thế khi hành giả không nhất thiết ngồi thiền, họ sống trong mọi sinh hoạt của đời sống hằng ngày mà tâm mình phát sáng và biết rõ ràng mình đang sống với Tri Kiến Phật, với Phật tánh nhiệm mầu trong ta thì lúc đó mình đang nhập vào Pháp Hoa tam muội.

-Lại nữa, sau khi Phật diệt độ, ai nghe kinh này mà không chê bai, sanh lòng tuỳ hỉ, thì đó cũng là biểu hiện của một lòng tin hiểu sâu chắc. Còn đi đọc, tụng, lãnh, giữ kinh này thì người đó đầu đội Như Lai.

Nếu chúng sinh ngộ được Tri Kiến Phật thì người đó có đủ lòng tin nên tâm thường hoan hỉ mà thọ, trì, đọc, tụng, lãnh và giữ gìn kinh. Vì sống với Tri Kiến Phật nên lòng thanh tịnh, tâm thanh thoát nhẹ nhàng, không còn bị phiền não quấy phá thì cũng như đầu đội Như Lai rồi.

-Này A-dật-đa! Tin hiểu được như thế, thì không cần vì ta mà dựng chùa tháp, cũng không cần cất tăng phường và dùng “tứ sự” cúng dường chúng tăng. Vì sao? Vì thọ trì, đọc, tụng được kinh này là đã dựng tháp, tạo lập tăng phường, là đã dùng hương hoa, chuỗi ngọc, tràn phan, kỹ nhạc… tán thán chư Phật trong muôn ngàn ức kiếp rồi.

Tất cả những việc làm như dựng chùa tháp, cất tự viện hay cúng dường tứ sự cho Tăng Ni cũng không ngoài mục đích tăng trưởng phước đức, bảo trì Tam Bảo cửu trụ thế gian. Nhưng ở đây người sống được với Tri Kiến Phật của mình là đã trở về với Bản lai diện mục nghĩa là đã qua những giai đoạn dựng tháp, cúng dường tràn phan, kỹ nhạc…vì tất cả những tiến trình đó chỉ nhằm vào mục đích vun bồi phước đức và công đức tròn sáng để trực nhận được Phật tánh của chính mình. Tóm lại, sống với Tri Kiến Phật là đã cúng dường chư Phật rồi đó.

-Này A-dật-đa! Thọ, trì, đọc, tụng kinh này được công đức như thế, hà huống còn tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn , thiền định và trí tuệ, thì công đức này không còn gì hơn.

-Nếu thọ trì, đọc tụng kinh này mà còn tạo tháp, xây dựng tăng phường, cúng dường, khen ngợi chúng Thanh Văn và Bồ-tát, hoặc giải nói Kinh Pháp Hoa rồi còn thanh tịnh trì giới, nhẫn nhục, quí việc ngồithiền, tinh tấn mạnh mẽ, căn lành trí sáng, thì đó là những người đã đến Đạo tràng, gần ngồi dưới cội cây Đạo để chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tới đây, đức Phật nói một bài kệ nhắc lại ý trên.
          Đến đây đức Phật xác định rằng chúng sinh có cất chùa, tạo tháp, cúng dường các hàng Thánh chúng mà còn thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa thì công đức quá lớn không thể nghĩ bàn. Đạo Phật dạy chúng sinh Sự Lý viên dung vì thế phần trên đức Phật nói không có việc làm nào của thế gian như là xây chùa, đúc tượng, hộ trì Tăng Ni có thể sánh bằng công đức trực nhận Tri Kiến Phật là bản thể chân như. Để dung hòa giữa “lý và sự”, đức Phật bây giờ mới cộng thêm phần lập chùa, xây tượng để khuyến khích chúng sinh tục truyền thống hoằng pháp độ sinh, truyền lưu Phật pháp mãi mãi về sau. Chúng sinh chẳng những ngộ nơi mình có Tri Kiến Phật mà còn phải tu thêm hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tại sao? Bởi vì ngộ Tri Kiến Phậtlà nhận ra Phật nhân của mình còn đến Phật quả thì dĩ nhiên cần phải trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp tu nữa mới thành chớ không phải ngộ Tri Kiến Phậtthì tức thì thành Phật được. Đó làvì trong ta, tập khí ngã mạn, tham sân si kết nhóm sâu dày nên không dễ gì một sớm một chiều mà nhỗ tận gốc. Vì thế, tuy chúng sinh ngộ được Tri Kiến Phật của mình, nhưng  lòng còn tham đắm si mê, trong chấp ngã ngoài chấp pháp, tranh chấp, đố kỵ không tan thì con đường đến Phật quả phải cần nhiều công phu và đức hạnh mới mong thành tựu được.

Tóm lại, ngày nay người đệ tử Phật khắp năm châu bốn bể đừng nên nghĩ rằng mình không có duyên đến núi Linh thứu hay đối diện với Phật vì Phật đã diệt độ trên mấy ngàn năm rồi. Thật ra nếu chúng ta biết sống với Tri Kiến Phật của mình thì cho dù chúng ta ở đâu và bất cứ lúc nào thì Bổn Phật Đa Bảo và phân thân Phật Thích Ca cũng ở ngay trong tâm của chúng ta. Thời điểm đó chúng ta nghe Pháp Phật, sống với Phật không khác gì chúng ta đang ở trên núi Linh thứu và đang thấy Phật như mấy ngàn năm về trước.

 

Âm lịch

Ảnh đẹp