KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI


Lê Sỹ Minh Tùng PL. 2556 DL. 2012
30/06/2012 14:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 110880
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012

Chương Thứ Mười Sáu

Phẩm NHƯ LAI THỌ LƯỢNG

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà 

 

Đức Phật nói phẩm Như Lai Thọ Lượng là để trả lời cho Bồ Tát Di Lặc rằng tại sao số Bồ Tát xuất hiện từ dưới đất đông như thế mà những vị đó có uy đức, trí tuệ phải là những người đã tu tập đến đệ tam A tăng kỳ tức là gần thành Phật. Thế thì trải qua quá trình tu tập dài lâu như vậy thì ai là thầy giáo hóa cho họ? Khi đức Phật Thích Ca trả lời chính Ngài đã giáo hóa họ thì đại chúng và Bồ Tát Di Lặc không khỏi hồ nghi. Bởi vì dựa theo sự nhận xét qua hình tướng thì đức Phật mới thành đạo trên bốn mươi năm thì làm sao Ngài có thể giáo hóa cho vô số Bồ Tát trong suốt thời gian gần như vô tận được? Nói thế chẳng khác nào người già tóc bạc mà gọi chàng thanh niên ngoài hai mươi là cha của mình?

Lượng là số lượng và thọ là tuổi thọ. Vì vậy Như Lai Thọ Lượng là đức Phật dạy cho chúng sinh biết về tuổi thọ của Như Lai. Tuổi thọ của đức Phật Thích Ca là 80 tuổi thế thì tuổi thọ của Như Lai là bao nhiêu?

Phật giáo Đại thừađược chia làm hai trường phái triết học chính là phái Trung Luận của triết gia Long Thọ và phái Du già của sư Vô Trước. Ở Ấn Độ trường phái Du Già được gọi là Du Già hành tông, nhưng tại Trung Hoa và Việt Nam thì thường gọi là Duy thức tông hay Duy thức học. Nói chung cả hai trường phái Trung quán tông của Long Thọ và Du Già hành tông của Vô Trước, Thế Thân đều cùng chung một ý niệm rằng tất cả vạn hữu trên thế gian này được tạo thành đều không có tự tánh cho nên không có vật gì trường tồn bất biến cả. Tư tưởng Du Già đã bắt đầu hình thành vào thời Long Thọ, nhưng mãi đến mấy thế kỷ sau triết lý này mới được phát huy đến mức tận cùng bởi Vô Trước và người em là sư Thế Thân. Phái Du Già tin vào chủ nghĩa “duy tâm siêu hình” mà theo đó tâm thức sáng tạo ra đối tượng của nó nhờ vào những năng lực tiềm ẩn nội tại. Thế Thân lý luận rằng tất cả vạn hữu trong thế giới hữu vi này mà con người biết được, trong thực tế đều chỉ là cấu trúc của tâm thức bởi vì những vật thể đó cũng chỉ là sự thông giải do tâm trí của con người đặt ra. Dưới mắt các học giả Tây phương, Du Già là một triết học mang tính duy tâm chủ nghĩa (idealism) vì nó lấy sự thông giải tâm thần các kinh nghiệm của con người làm điểm phát xuất. Nói cách khác, tâm thức tự nó hiện hữu mà không cần có bất cứ đối tượng nào. Sự giải thoát chỉ có thể thực hiện được khi nào con người có thể tạo ra được một nhận thức thuần túy nghĩa là chỉ thuần có tâm thức và không lệ thuộc vào phạm trù đối đãi của nhị nguyên. Chẳng những Vô Trước là nhà biện luận xuất sắc, sư có người em là Thế Thân tài trí cũng không kém. Công trình chính của Thế Thân là hệ thống hóa tư tưởng Du Già hành tông của sư huynh Vô Trước thành Duy thức tông và là tác giả cuốn Duy Thức tam thập tụng mà một trong những công dụng là giải thích những khúc ẩn trong bát thức tâm vương, đặc biệt là Mạt-na thức và A-lại-da thức.

Phái Trung Quán được thành lập bởi ngài Long Thọ vào những năm 150 sau dương lịch. Ngài được xem là một trong những kỳ tài vào thời đại đó của xứ Ấn Độ. Chính tư tưởng Trung Quán là xương sống cho Phật giáo Đại thừa khi truyền sang Trung Hoa và cũng là yếu chỉ cho Phật giáo Mật tông Tây Tạng và Mông Cổ. Triết lý Trung Quán Luận là một học thuyết biện luận đưa đến sự hoài nghi tất cả mọi hiện sinh và cho rằng tất cả mọi sự vật đều là giả tạo vì chúng không có tự tánh, không có chủ thể nên chúng là vô ngã tức là Không. Vì thế con đường giải thoát là phải buông bỏ hết cho đến khi chỉ còn lại cái tánh không tuyệt đối thì lúc ấy giải thoát sẽ được đạt đến. Long Thọ giới thiệu tư tưởng Bát Nhã và được diễn tả khá rõ ràng trong Luận Đại Trí Độ. Ngài khai triển về tánh Không và dựa theo khuynh hướng Bát Nhã của Đại Trí Văn Thù là Căn Bản Trí trong khi Du Già hành tông của Vô Trước thì chú trọng về Thức mà Bồ Tát Di Lặc tức là biểu tượng. Nhưng tiến trình viên thành Phật đạo thì Bồ Tát  phải chuyển tám thức thành bốn trí.

Sở dĩ tư tưởng Như Lai tạng được thành lập là vì Đại thừa muốn thuyết minh cái “khả năng tánh” thành Phật tức là cái “bản giác” đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Đặc biệt tư tưởng A lại da thức được ra đời với chủ đích thuyết minh cái khuynh hướng trở về cảnh “ngộ” mà những kinh Lăng Già và kinh Mật Nghiêm lấy nó làm trung tâm điểm. Mặc dù tư tưởng Như Lai tạng và A lại da thức được ra đời sau Long Thọ, nhưng những tư tưởng đó đã manh nha ngay từ trong những tư tưởng của Thượng tọa bộ và Đại Chúng bộ. Tư tưởng Như Lai tạng phát xuất từ thuyết “Tâm tính bản tịnh” của Đại chúng bộ và A lại da thức có rất nhiều điểm tương quan với thuyết “Sinh cơ - Sinh mệnh” của Thượng tọa bộ.

Sau thời đại của Long Thọ, trong những kinh Giải Thâm Mật, kinh A-Tỳ-Đạt-Ma Đại thừa có khuynh hướng giới thiệu tư tưởng Như Lai Tạng và A lại da thức, nhưng trên thực tế về ý nghĩa các kinh đó vẫn chưa đạt chỗ triệt để. Mãi đến khi sự xuất hiện và thông giải của Vô Trước và Thế Thân thì ý nghĩa của nó mới được thấu hiểu tột cùng.

Dựa theo triết lý Trung Quán, Long Thọ đã giới thiệu lý tưởng “PHÁP THÂN” và sau đó Vô Trước của phái Du Già đề ra khái niệm về “BÁO THÂN”. Long Thọ phủ nhận quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy về đức Phật lịch sử cho rằng đức Phật cũng bắt đầu bằng thân phận bình thường của một con người, cũng chia sẻ tất cả mọi hệ lụy của kiếp người. Ngài cũng phải đương đầu với sanh, lão, bệnh, tử như tất cả mọi chúng sinh khác. Sau cùng, Ngài tìm kiếm một con đường giải thoát và đạt đến hạnh phúc Niết bàn, chứng đắc trí tuệ viên mãn và thoát ly sinh tử luân hồi. Ngài chỉ rõ cứu cánh này cho mọi người biết và những ai đi theo con đường này cũng sẽ đạt đến cứu cánh tối thượng giống như Ngài. Chân lý mà đức Phật chứng nghiệm dưới cội Bồ Đề là Tứ Đế. Ngài dạy chúng sinh đời là biển khổ, nhưng không vì thế mà sống trong tiêu cực yếm thế. Đức Phật dạy chúng sinh diệt khổ để có an lạc trong cái thế giới có sinh có diệt này chớ Ngài không dạy chúng sinh trốn khổ vào những cõi cực lạc mà không lo tiêu trừ lậu hoặc. Dựa theo Phật giáo Nguyên thủy thì đức Phật là vị A la hán đầu tiên của tất cả các vị A la hán bởi vì sau khi thuyết giảng Chân lý Tứ Đế cho năm anh em ngài Kiều Trần Như thì Ngài tự xưng là Như Lai. Vì thế Như Lai có nghĩa là “Người đã trở thành như thế” tức là người đã tỉnh thức và giác ngộ.

Nhưng ở đây, Long Thọ cho rằng đức Phật lịch sử chỉ là ứng thân của Phật vào trong thế giới Ta Bà để cứu độ chúng sinh. Vì vậy dựa theo Long Thọ, đức Phật không phải là một nhân vật lịch sử, mà đức Phật chân chính là một thực thể siêu việt, vượt hiện thế, vĩnh hằng và vô hạn tức là “Pháp thân”. Cho nên đức Phật lịch sử chỉ là nhân vật được “đức Phật chân chính” gởi đến với thế gian để tạo thành một nhân vật có hình thể là một con người, có một đời sống sinh hoạt giống hệt như một con người thường tục để thuyết giảng Chánh Pháp cho nhân thế. Do đó đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước chớ không phải mới thành Phật tại thế giới này nhờ công phu tu thiền định. Đây chính là ý nghĩa của “Như Lai” dựa theo tinh thần Phật giáo Đại thừa.

Dựa theo Phật giáo Nguyên thủy thì không thể có 2 đức Phật cùng xuất hiện nên chủ trương thuyết “Nhất Phật”, đó là chỉ có duy nhất Phật Thích Ca trong thế giới này mà không hề có Phật A Di Đà, Phật Dược Sư hay bất cứ vị Phật nào khác. Nhưng Phật giáo Đại thừa thì cho rằng có nhiều vị Phật xuất hiện cùng lúc, phía Tây có Phật A Di Đà, phía Đông có Phật A Súc và vô số Phật tồn tại mà kinh điển gọi là “Thập phương hằng sa chư Phật”. Từ đó Phật giáo Đại thừa giới thiệu thuyết “Tam thân” là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân cho mỗi vị Phật.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có ba thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân.

1) Pháp thân(Dharmakaya) là pháp giới thanh tịnh của các Đức Như Lai lan tỏa trong khắp không gian làm sở y bình đẳng cho Báo thân và Ứng thân. Pháp thân thì luôn thường trụ, bất sinh bất diệt cũng được gọi là Pháp giới tánh, Như Lai Tạng…Phật lấy Pháp Tánh Chân Như làm thân nên gọi là Pháp thân. Pháp thân là chỗ sở y chứa tất cả công đức trong Pháp giới. Vì Pháp thân là thường trụ nên Pháp thân ở khắp mọi nơi. Cho dù Phật nhập thế cứu độ chúng sinh thì Pháp thân cũng không tăng hay Phật có xuất thế thì nó cũng không giảm, lúc nào cũng vậy mà thôi. Cái Pháp thân nầy Phật và chúng sinh đều có như nhau, nhưng ở Phật thì nó sáng suốt chiếu soi rực rỡ còn ở chúng sinh thì nó bị vô minh che mờ nên không hiển lộ. Pháp thân chính là cái mà con người sẽ trở về sau khi diệt hết vô minh phiền não để phát huy trí tuệ sẳn có của mình. Vậy Pháp thân chính là cội nguồn, là Bản Thể của tất cả muôn sinh vạn vật. Đây chính là Bản Lai Diện Mục, là Phật tánh, là Như Lai Tạng có sẵn trong mỗi chúng sinh.

2) Báo thân(Sambhogakaya) là thân tốt đẹp do công phu tu hành trãi qua bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp mà có. Vì thế mà Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp rực rỡ là vậy. Báo thân còn được gọi là tự thọ dụng thân.

Nếu chúng sinh đoạn trừ mọi vô minh phiền não thì tâm được hoàn toàn thanh tịnh. Cái thanh tịnh an lạc tự tại nầy chỉ có người đó biết và hưởng được còn người khác không hề cảm nhận hay san sẻ được thì cái quả thanh tịnh an nhàn nầy là tự thọ dụng thân. Cũng như uống một tách trà thơm ngon thì chỉ người uống trà mới biết được hương vị thơm ngon như thế nào mà thôi. Do đó nếu chúng ta bớt được một phần vô minh phiền não thì có được một phần thanh tịnh tức là có được một phần tự thọ dụng thân.

Còn Báo thân của chúng sinh thì gọi là Karmakaya tức là thân nầy là do quả nghiệp của tiền kiếp tạo thành. Muốn có thân thể khỏe mạnh sống lâu thì đừng bao giờ sát sinh. Muốn có giọng nói thanh tao trong trẻo thì đừng nên vọng ngữ. Muốn thân hình được đoan trang, đẹp đẻ thì đừng nghĩ tới tà dâm. Muốn gia đình được ấm no hạnh phúc thì đừng trộm cướp gian tham.

3) Ứng thân hay biến hóa thân(Nirmanakaya) Chư Phật do trí thành sở tác mà biến hóa ra thành vô lượng thân, ứng theo căn cơ của chúng sinh mà hóa độ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ứng thân của Phật trong cõi Ta bà nầy. Vì Ứng thân là thân thị hiện nên phải ảnh hưởng bởi luật vô thường là sinh lão bệnh tử. Ứng thân cũng được gọi là tha thọ dụng thân.

Đối với Phật giáo Đại thừa thì báo thân hay tự thọ dụng thân có giá trị tuyệt đối vì chỉ có người được thức tỉnh giác ngộ mới hưởng được cái hương vị thanh tịnh an vui tự tại của giải thoát giác ngộ mà không một người nào khác có thể biết được. Khi chư Phật hay Bồ-tát thị hiện để hoằng dương đạo pháp thì chúng sinh có cơ hội học hỏi, tu sửa và sống theo Chân lý để tự mình giải thoát giác ngộ thì ứng thân để cứu độ chúng sinh ra khỏi bể khổ sông mê gọi là tha thọ dụng thân.

Tóm lại ba thân của Đức Phật là: Pháp thân là Thể, Báo thân là Tướng và Ứng thân là Dụng. Tuy nói ba mà là một, tuy một mà ba tức là một là tất cả và tất cả là một.

Ngài Thiền sư Xuyên Lão cũng có bài kệ rằng:

Ứng Phật, Hóa Phật đều không thật

Bóng hình muôn thử thảy là quyền

Cái gì có tướng đều hư vọng

Chân Phật không hình vốn tự nhiên.

Trong kinh Kim Cang có câu “Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” nghĩa là Như Lai đi không chỗ từ, đến không chỗ tới thì mới thật là Như Lai. Thế thì Như Lai là bản thể chân như của hiện tượng vạn pháp cho nên Phật Đa Bảo là biểu tượng cho Pháp thân thường trụ của Như Lai. Do đó Như là bất biến và Lai là hiện tượng tùy duyên của vạn pháp. Vì thế Như Lai hiện hữu từ vô thỉ đến vô chung, không có điểm bắt đầu và dĩ nhiên không có ngày cùng tận. Từ cái bản thể vô thỉ vô chung lúc nào cũng tồn tại và hiện hữu (Như) để duyên khởi sanh ra vạn pháp (Lai). Đó là bất biến (Như) rồi tùy duyên (Lai). Kinh Kim Cang lại dạy thêm rằng:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai.

Dịch là:

Nếu thấy Ta bằng sắc tướng

Nghe Ta bằng âm thanh

Người nầy đi đường tà

Không thấy được Như Lai.

Một lần nữa chính đức Phật dạy chúng sinh phải phá trừ Vô minh vọng chấp để đạt được trí tuệ Bát Nhã thì mới thật thấy và thật nghe được Phật. Trái lại, nếu còn vô minh vọng chấp có nghĩa là chấp có sắc tướng hay âm thanh của Phật thì không bao giờ thấy được Phật. Bởi thế nên Phật mới quở là “Người nầy đi đường tà” tức là vọng thì sẽ không bao giờ thấy được Như Lai. Như thế nếu từ cửa Bát Nhã là cửa “Không” chúng ta bước vào trong nhà thì bây giờ mới thấy được tâm Phật của mình. Nếu sống với tâm Phật nầy là mở rộng cánh cửa giải thoát để chứng ngộ Niết bàn. Nhưng đây là một thứ Niết bàn tự tánh thường vắng lặng mà thường sáng suốt. Nó vẫn thường bộc lộ sáng suốt nơi chư Phật mà vẫn thường sẵn có nơi mọi loài chúng sinh. Mà kinh gọi là Phật tánh, là Chơn tâm, là Như Lai tạng. Chính tự tánh Niết bàn nầy có đầy đủ bốn đức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. “Thường” nghĩa là không bị chi phối bởi tánh vô thường, khi nào cũng như khi nào, không lên bổng xuống trầm, không còn già trẻ, sống chết đổi thay.“Lạc” là không còn khổ não lo buồn, an vui tự tại. “Ngã” là được hoàn toàn tự chủ và không bị nội tâm hay ngoại cảnh chi phối. “Tịnh” là không còn ô nhiễm, luôn luôn thanh tịnh, trong sáng.

Vì vậy đức Phật Thích Ca là Ứng thân của Như Lai nên có tuổi thọ là 80 tuổi trong khi Pháp thân của Như Lai có tuổi thọ vô lượng từ vô thỉ đến vô chung. Nếu đứng về mặt hiện tượng thì Như Lai cũng đi, đứng, nằm, ngồi, khất thực, ăn uống, tham thiền, tư duy như tất cả những vị Tỳ kheo khác, nhưng bên trong Như Lai có một trí tuệ Vô thượng, có Niết bàn Vô thượng mà người khác không thể nào nhìn thấy. Chỉ duy nhất Như Lai biết được cái trí tuệ Bồ Đề nó sâu rộng đến đâu và chỉ có Như Lai mới hưởng được Vô thượng Niết bàn mà người khác không hề biết Như Lai thọ hưởng sự an lạc đó như thế nào. Đó chính là Báo thân của Như Lai. Còn nếu đứng về mặt bản thể thì Như Lai thường trụ vĩnh hằng về mặt thời gian. Từ đó có vô lượng phân thân tức là Hóa thân Phật Thích Ca khắp hàng hà sa cõi nước mười phương là biểu tượng về Pháp thân của Như Lai về mặc không gian vậy.

Bấy giờ đức Phật Thích Ca bảo các Bồ-tát và đại chúng:

-Các ngươi hãy tin lời chân thật của Như Lai ! Nói xong, Phật lập lại hai lần câu nói đó.

Tại sao Phật bảo tới ba lần là hãy tin lời chân thật của Như Lai? Bởi v́ tuy đức Phật nói chân lý, nhưng cái chân lý này vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người cho nên đức Phật phải lập đi lập lại đến ba lần để mọi người chú ý lắng nghe.

Đứng đầu các Bồ-tát đã ba phen cầu thỉnh, đức Phật nói:

-Hãy nghe đúng như sự thật, sức mạnh thần thông bí mật của Như Lai.  Tất cả thế gian, trời, người cùng A-tu-la đều nói rằng Phật Thích Ca, rời cung họ Thích, đến thành Già-da cách đó không xa, ngồi nơi đạo tràng, chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nhưng nầy các thiện nam tử, ta từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp đã trôi qua. Giả sử có người đem năm trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ tam-thiên đại-thiên thế-giới, tán nhỏ thành bụi, rồi đem hạt bụi ấy đặt nơi hướng Đông, sau khi vượt qua năm trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ nước. Đặt xong, trở lại lấy một hạt khác và cũng đem đặt ở hướng Đông y như trước, cho đến khi nào số bụi nói trên bị dời đi hết. Này các thiện nam tử, ý các ngươi thế nào? Có thể tưởng tượng, đếm, tính số thế giới trên đó các hạt bụi được đặt lên không?

Dựa theo Phật giáo Nguyên thủy thì Thái tử Tất Đạt Đa rời cung vua Tịnh Phạn xuất gia tu hành và thành Phật dưới cội Bồ Đề. Bây giờ Phật giáo Đại thừa lý luận rằng trong tất cả mọi chúng sinh đều có sẵn Tri Kiến Phật tức là Căn bản trí hay Vô sư trí cho nên khi họ phá sạch vô minh phiền não thì Căn bản trí hiển hiện tức là thành Phật. Vì thế nếu dụa trên sự tướng thì Thái tử Tất Đạt Đa nhờ công phu thiền định mà thành đạo dưới cội Bồ Đề, nhưng dựa trên bản thể chân như thì đức Phật cũng như tất cả mọi chúng sinh đều đã thành Phật. Thông thường khi nghe nói chúng sinh “sẽ thành Phật” thì mọi người chấp nhận và cố gắng tu hành để thành Phật, nhưng nếu nói chúng sinh “đã thành Phật” thì chẳng ai dám tin. Lý do rất đơn giản và thực tế là vì ai cũng nghĩ rằng mình là bạc địa phàm phu, tham sân si dẫy đầy mà nói đã thành Phật thì làm sao tin được. Thật vậy, Căn bản trí hay Tri Kiến Phật thì lúc nào cũng có sẵn trong mỗi chúng sinh ví cũng như ánh sáng mặt trời lúc nào cũng chiếu sáng. Nhưng con người không thấy ánh sáng mặt trời là vì bị màn mây đen che lấp chớ ánh sáng mặt trời đâu có mất. Cũng như tuy chúng sinh còn tập khí ngã mạn, còn tham sân si ví như màn mây đen, nhưng trong tâm họ lúc nào cũng có Phật tánh ví như ánh sáng mặt trời lúc nào cũng chiếu sáng. Do vậy khi lau sạch bụi vô minh, đánh tan giặc phiền não thì chân tánh hiển lộ, Phật tánh hiển bày tức là thành Phật cũng ví như mây đen tan thì ánh sáng mặt trời chiếu rọi thế thôi. Nếu không có ánh sáng mặt trời thì dù cho mây đen tan biến thì bầu trời vẫn tối đen chớ đâu có sáng. Thế thì Như Lai trụ trong thế giới Ta Bà này giáo hóa chúng sinh từ vô lượng hằng sa kiếp và không có lúc nào Như Lai vắng bóng. Vì thế Phật ở đâu và ở bất cứ lúc nào cũng có trùm khắp trong không gian và thời gian. Khi mê con người sống với vô minh phiền não đến khi thức tỉnh mới biết rằng mình có Phật tánh chớ Phật tánh lúc nào cũng có, đâu có mất.

Con người thường có bệnh chấp nên nói rằng tu hành để diệt vô minh, phá trừ pháp chấp. Nhưng thực ra mê giác là một, không ngoài tham-sân-si thì không có giới-định-tuệ, không có Phật tánh nào khác.

Khi nói mê là mê đối với ngộ, cũng như ngộ là ngộ nơi mê. Nói cách khác do bỏ quên cái ngộ thì mê, những bây giờ rõ mê thì được ngộ. Nhưng mê ngộ không có thật thể cho nên người có chánh kiến biết rõ tâm là rỗng không tức là vượt khỏi mê ngộ. Bình thường, chúng sinh còn thấy có niệm mê, niệm ngộ nghĩa là mình chưa khỏi mê. Cho dù chính mình thấy ngộ được cái mê, nhưng vẫn còn thấy có cái mê để ngộ thì cũng chưa hết mê tức là bởi chưa hết mê nên mới còn thấy cái mê để cho mình ngộ vì thế khi nào còn ý niệm mê ngộ là chưa sạch cái mê. Cũng như hễ có sáng thì không có tối, còn có tối thì không có sáng chớ không phải dùng cái sáng mà soi cái tối được. Thí dụ nếu nói tu hành để có Bồ-đề, Niết bàn nghĩa là còn thấy cái mê để ngộ thì vẫn còn mê vì thật ra Bồ-đề, Niết bàn là tự tánh sẵn có, đâu cần phải tu mới có vì thế người biết đạo thì chỉ cần sống thật với tự tánh thì không tìm ngộ mà cũng chẳng cần bỏ mê thì niệm mê ngộ tan biến, thanh tâm mới hiện bày. 

Vì thế nếu chúng sinh đem tâm cầu pháp ấy là mê, còn chẳng đem tâm cầu pháp là ngộ. Chúng sinh chẳng kẹt vào văn tự gọi là giải thoát vì Phật tánh là bản thể chân như thì làm sao nói được. Chúng sinh chẳng khởi vọng tưởng thì có Niết bàn vì phiền não và Niết bàn là một, bất tức bất ly. Khi mê thì còn thấy có bờ bên này là khổ đau, bờ bên kia là giải thoát đến khi ngộ thì hai bờ biến mất vì tâm chẳng trụ bên này bên kia. Cũng như khi mê thì thấy có thế gian cần thoát ra để về cõi cực lạc, khi ngộ thì thế gian là cực lạc.

Khi không vọng tưởng một tâm là một cõi Phật. Ngược lại khi có vọng tưởng thì một tâm là một địa ngục. Chúng sinh vì xây dựng vọng tưởng tức là đem tâm sanh tâm nên lúc nào cũng ở trong địa ngục. Bây giờ thức tỉnh, sống trong tỉnh thức chánh niệm tức là không đem tâm sanh tâm thì tâm quay về Không, niệm niệm trở về tịnh nên vào cõi Phật. Nếu một thoáng tâm dấy lên, có thiện có ác nên có thiên đường có địa ngục. Bây giờ tâm không khởi niệm, không thiện không ác thì  thiên đường và địa ngục biến mất chỉ còn lại cõi Phật thanh tịnh.

Tổ Đạt Ma dạy rằng : ”Khi mê thì có Phật có Pháp, khi ngộ thì không có Phật Pháp”. Như thế khi ngộ thì Phật Pháp bỏ ở đâu mà không có? Chúng sinh vì còn mê mới thấy có Phật, có Pháp ở ngoài tâm nên mới dong ruỗi mong cầu đến khi thức tỉnh giác ngộ thì mới biết rằng tâm mình là Phật, tâm mình là Pháp nên nói không có Phật Pháp là vậy.

Bồ-tát Di Lặc và tất cả đều bạch:

-Thế Tôn các thế giới ấy vô lượng vô biên, làm sao đếm tính cho được, cũng không thể dùng sức tâm mà tưởng tượng được. Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác đến bậc “ vô lậu” A-la-hán còn không thể suy tưởng được con số thế giới ấy, huống chi chúng con mới là “ a-bệ-bạt-trí” thì làm sao biết được.

Bồ Tát Di Lặc tu theo Duy thức và hàng Thanh Văn, Duyên giác còn vào chấp sự tướng nên thấy có thời gian lâu mau, nhanh chậm. Ở đây Pháp thân Phật thuộc về thế giới bản thể chân như mà trong đó không còn khái niệm về thời gian và không gian cho nên Bồ Tát Di Lặc cùng các vị A la hán  muốn hiểu được thế giới Chơn không diệu tánh thì các ngài phải chuyển tám thức thành bốn trí.

Như Lai còn gọi là Như Lai Tạng (Tathagata garbha) hay là Như Lai chủng tánh tức là pháp tánh, là chơn như, là Phật tánh…Tạng là cái kho để chứa tất cả những chủng tử (hạt giống) của vạn pháp và từ những chủng tử này mới sinh khởi ra bốn khoa (ngũ uẩn, lục nhập, mười hai xứ và mười tám giới) và cũng là cái bọc chứa để giấu kín, che phủ phiền não mê lầm và cũng giấu kín, che phủ Phật tánh là cái mầm giác ngộ vốn có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Tạng cũng là chất chứa cho nên Như Lai Tạng là chất chứa mọi công đức quyền năng của Như Lai, là tất cả pháp do Phật giảng giải kết hợp lại thành Như Lai Tạng. Vì thế mà Như Lai Tạng cũng là thức thứ tám tức là A lại da thức.

Đứng về mặt ô nhiễm, Như Lai Tạng là tượng trưng cho thế giới luân hồi sinh diệt. Còn dựa theo phía thanh tịnh, Như Lai Tạng là biểu hiện cho Niết bàn giải thoát. Trong Khởi Tín Luận, Như Lai Tạng được gọi là “pháp giới đại tổng tướng” nghĩa là nghiếp thâu các pháp của toàn bộ pháp giới gồm có nhiễm và tịnh. Tịnh là chơn như, nhiễm là vô minh, nhưng chân như và vô minh kết thành một khối bất khả phân ly trong tâm của chúng sinh. Do đó, nếu chúng sinh biết tháo gỡ tất cả những sở tri chướng và phiền não chướng thì sẽ có Niết bàn an lạc, ngược lại nếu chúng sinh chạy theo tham đắm dục tình thì dĩ nhiên phải chịu sinh tử trầm luân. Thêm nữa, đứng về mặt tuyệt đối, Như Lai Tạng là chơn như, là cái tâm bất sinh bất diệt, tâm ấy là tâm nhất thể và nhiếp thâu tất cả pháp thế gian cũng như xuất thế gian. Còn về mặt tương đối, Như Lai Tạng gồm có: Tự thể là tương đồng với bản thể: Tự tướng là cái tướng của tự thể và Tự dụng là công năng sinh ra nhân quả lành thế gian và xuất thế gian.

Khi nói tâm động thì đây chúng ta muốn nói đến tướng động tức là Như Lai Tạng động, nhưng tự thể của tâm thì không động. Thí dụ, vì có gió (phiền não, vô minh) làm cho nước biển (tánh giác) nổi sóng (tâm thức). Thế thì sóng và gió đều động và không rời nhau, nhưng tánh nước không động khi gió hết sóng lặn. Do đó nếu tướng của nước động nên mới có sóng lớn sóng nhỏ nhấp nhô, còn tướng của tâm tức là Như Lai Tạng thì cũng thế. Nếu tướng của tâm động thì sóng thức dấy khởi, đợt này tan đợt khác đến liên tiếp mãi không ngừng nên có tâm sinh diệt (tàng thức). Chính cái tàng thức (A lại da) thức này sinh ra sinh diệt tâm và cũng từ A lại da thức này hiển lộ Chân như tâm (Như Lai Tạng).

Tất cả hiện tượng vạn pháp đều phát nguyên từ bản thể chơn như mầu nhiệm, nhưng con người phải lìa văn tự, ly ngữ ngôn, hồi quang phản chiếu để thấy được bản tâm thanh tịnh thì Bồ-đề, Niết bàn mới hiển lộ. Tuy nhiên, người đệ tử Phật khi tu hành để muốn được chứng đắc nên dùng tâm muốn lấy, muốn kiến, muốn đắc thì họ lại lọt vào vọng rồi. Thí dụ, tham thiền để muốn được kiến tánh tức là kiến tánh thành Phật hay niệm Phật để muốn được nhất tâm thì tâm này là vọng tâm. Tại sao? Bởi vì Phật của mình đã thành sẵn rồi chớ không phải khi kiến tánh mới đắc được, do vậy mà chư Tổ đã dạy rằng : ”Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” là vậy. Nếu còn hy vọng chứng đắc là vọng. Người đệ tử Phật phải tin rằng mình đã sẵn có diệu tâm sáng tỏ, không phải do tu mới thành, do chứng mới đắc. Tất cả kinh điển của Phật chỉ là phương tiện dùng để phá tư tưởng chấp thật của mình. Vì thế, khi thức tỉnh thì mới biết mình có tất cả. Tự tánh Bồ-đề, tự tánh Niết bàn thì lúc nào cũng sẵn có trong tất cả mọi chúng sinh cũng như mây tan thì trời sáng hay đào ao có nước thì ánh trăng sẽ hiện mà không cần phải trông chờ mong đợi gì hết. 

Đức Phật nói:

-Này các thiện nam tử, ta sẽ nói rạch ròi cho các ngươi nghe. Cứ kể mỗi hạt bụi là một kiếp, thì từ ta thành Phật đến nay, số kiếp trôi qua còn nhiều hơn số trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ hạt bụi ấy. Từ ấy tới nay, ta luôn ở tại thế giới Ta-bà thuyết pháp, giáo hóa, lại cũng ở nơi khác tại trăm ngàn muôn ức na-do-tha nước, dắt dẫn chúng sanh một cách ích lợi. Này thiện nam tử, trong khoảng thời gian đó, ta có nói  Phật Nhiên Đăng… và cũng nói có chư Phật nhập Niết Bàn, nhưng tất cả đều là phương tiện mà phân biệt nói có thành Phật, có nhập Niết Bàn. Này các thiện nam tử, nếu có chúng sanh nào đến chỗ ta ở, ta lấy Phật nhãn  xem coi các căn của chúng sanh ấy nhụt bén thế nào, rồi theo đó mà độ.  Mỗi nơi, ta tự xưng  với những danh hiệu bất đồng và cho biết tuổi tác lớn nhỏ cũng khác, lại nói sẽ nhập Niết Bàn và còn dùng nhiều phương tiện khác để nói bày pháp vi diệu, hầu làm cho chúng sanh phát tâm hoan hỷ. Này các thiện nam tử, vì thấy chúng sanh thích nơi “ tiểu pháp”, đức mỏng, phiền não dày cho nên Như Lai phải vì hạng ấy mà nói rằng ta lúc trẻ xuất gia, rồi đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thật ra từ ta thành Phật đến nay, lâu hơn thời gian ấy nhiều. Đây chẳng qua là phương tiện mà nói như vậy thôi, để giáo hoá chúng sanh và khiến họ nhập Phật đạo. 

Trong phẩm Hiện Bảo Tháp diễn tả rõ ràng đức Phật Thích Ca có muôn triệu hóa thân đang thuyết pháp, đang hoàng dương Phật pháp trong mười phương thế giới nghĩa là đức Phật đã và đang có mặt ở khắp không gian vô biên vô tận. Vì thế đến phẩm này, chúng ta thấy đức Phật không những chỉ có mặt giảng pháp trong thời gian trên 40 năm tại xứ Ấn Độ, mà thật ra Ngài đã có mặt trong vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp. Tuy tựa của phẩm là Như Lai thọ lượng là nói về tuổi thọ của Phật tức là đứng về mặt thời gian, nhưng trên thực tế nội dung của nó diển bày rất rõ ràng đức Phật hiện diện ở trong thời gian vô tận và trong không gian vô cùng. Khi Phật thuyết thì Ngài nói về thế giới hiện tượng nên mới có Phật Nhiên Đăng ở chặng giữa và có chư Phật nhập Niết bàn. Đó là Ngài dựa trên hình tướng của thân tứ đại nên mới nói có gần có xa khác nhau. Phật dùng phương tiện để dẫn dắt những người căn cơ thấp nên mới nói rằng Ngài lúc trẻ xuất gia, ngồi thiền định suốt 49 ngày đêm dưới cội Bồ Đề rồi thành Phật. Phật nói pháp phương tiện, chúng sinh lại tin là pháp cứu cánh. Phật dạy pháp bất liễu nghĩa, chúng sinh lại chấp cho là pháp tối thượng thừa.

Ngày xưa tông Thiên Thai có ngài Trí Giả Đại sư chuyên trì kinh Pháp Hoa. Ngài tụng liên tiếp trong 21 ngày đến khi tụng đến phẩm Dược Vương Bồ Tát thì ngài nhập Pháp Hoa tam muội. Trong định ngài thấy Phật đang thuyết pháp cho hội chúng ở hội Linh Sơn trên núi Linh Thứu. Nhập Pháp Hoa tam muội nghĩa là mình đang thức tỉnh có chánh niệm để biết rằng mình có Phật tánh và mình sẽ thành Phật. Vì thế khi hành giả không nhất thiết ngồi thiền, mà họ sống trong mọi sinh hoạt của đời sống hằng ngày mà tâm mình phát sáng và biết rõ ràng mình đang sống với Tri Kiến Phật, với Phật tánh nhiệm mầu trong ta thì lúc đó mình đang nhập vào Pháp Hoa tam muội.

Trong cuộc sống hằng ngày nếu mình biết thấu suốt được tánh vô thường của vạn pháp thì mình đang có Vô thường tam muội soi sáng. Nhìn vạn pháp biết rõ ràng các pháp không có tự thể nghĩa là các pháp tuy có mà tự tánh là Không thì lúc ấy tuệ giác về Vô ngã tam muội đang phát chiếu rực rỡ trong tâm của ta rồi.

Vì vậy người vào trong đại định, sống với tuệ giác hằng sáng của mình thì thấy Phật là Phật tánh vĩnh hằng bất sanh bất diệt. Ngược lại phàm nhân tuy có qua tận Ấn Độ thì chỉ thấy được Phật tướng sinh diệt, đản sinh và nhập diệt ở Ấn Độ cách nay trên 2500 năm về trước mà thôi.

Phật dạy tiếp:

-Này các thiện nam tử, kinh  điển của Như Lai nói ra đều nhằm chổ độ thoát chúng sanh. Khi thì nói về thân mình, khi thì nói về thân người khác, hoặc chỉ thân mình, hoặc chỉ thân người khác, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người khác, nhưng dầu trong trường hợp nào, tất cả lời của Như Lai đều chân thực, chẳng dối. Tại sao vậy? Vì đúng như thật, Như Lai thấy tướng của ba cõi không có sanh tử, không lui không xuất, không ở đời mà cũng không diệt độ, chẳng phải thật, chẳng phải hư, chẳng phải như, chẳng phải khác, chẳng phải ba cõi mà thấy có ba cõi. Các việc như thế, Như Lai thấy rõ, không bao giờ có sự sai lầm. Nhưng vì chúng sanh  tâm tánh khác nhau, cho nên phải dùng nhân duyên, thí dụ, lời nói khác nhau để thuyết pháp khiến họ sanh căn lành. Những việc Phật làm (Phật sự) chưa từng dừng bỏ. Như vậy, từ ta thành Phật đến nay, thật rất lâu xa, còn thọ mạng thì dài vô lượng a-tăng-kỳ kiếp và luôn luôn thường trú bất diệt. Này các thiện nam tử, những việc làm theo Bồ-tát đạo  của ta, đến nay chưa phải là hết, vì vậy, thọ mạng  của ta còn dài gấp mấy lần con số nói trên. Tuy nhiên dầu chưa thực diệt độ, ta vẫn nói là sẽ diệt độ, để làm phương tiện giáo hoá chúng sanh. Tại sao vậy? Vì nếu Phật ở lâu tại thế thì hạng đức mỏng không chịu trồng căn lành, cứ giữ mãi  thói bần cùng, hạ-tiện, tham đắm năm món dục lạc ( tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghĩ). Đã mắc vào lưới  nhớ tưởng vọng kiến mà nếu thấy Như Lai ở đây mãi mãi không diệt độ, thì làm sao không sanh kiêu mạn, phóng tâm, giải đãi, và như vậy thì không tưởng đến và cũng không sanh lòng cung kính Phật như một bậc khó gặp.

Ở đây đức Phật muốn chúng sinh có cái nhìn thật rõ ràng về Sự tướng và Bản thể. Nếu nhìn theo Sự tường thì thế giới bây giờ trở thành sinh diệt bởi vì hữu sinh tất phải hữu diệt. Bất cứ sự vật gì có hình sắc thì phải chịu sự biến hoại của luật vô thường. Nhưng tại sao Như Lai thấy tướng của ba cõi không sinh tử? Chúng sinh nhìn tướng của vạn pháp nghĩa là nhìn hình sắc sinh diệt của nó cho nên hình sắc đó hễ có sinh ắt có diệt. Nhưng Như Lai không nhìn vạn pháp bằng hình tướng sinh diệt biến đổi bên ngoài, mà Ngài nhìn suốt vào thật tướng của nó mà thật tướng là vô tướng, bất sinh bất diệt cho nên Như Lai thấy tướng của ba cõi là không hoại diệt.

Phật là vị Pháp Vương nên Ngài tùy theo phương tiện, nhân duyên mà thuyết. Đức Phật dùng “quyền hiển thật” , dùng phương tiện để xiễn dương cứu cánh cho nên Ngài nói đản sanh và nhập diệt. Nhưng Như Lai sống vô lượng vô biên A Tăng kỳ kiếp nghĩa là Như Lai từ trước tới giờ đâu có tùng sanh và đâu có từng diệt. Nhưng Như Lai nói “Ta sắp nhập Niết bàn” để nhắc nhở chúng sinh cố gắng tinh tấn tu hành. Còn đối với những chúng sinh có tâm khinh lờn, giải đãi thì Ngài nói “Khó gặp được Phật” để họ khởi tâm tôn quý Phật pháp và cố gắng nương theo kinh điển mà nỗ lực tu hành. Chớ Phật có diệt độ bao giờ!!!

-Này các Tỳ-kheo, nên biết chư Phật xuất thế là điều khó gặp. Vì sao? Những người đức mỏng trải qua vô lượng trăm ngàn ức kiếp, có khi gặp Phật mà có khi cũng không gặp. Vì vậy cho nên ta nói Như Lai khó thấy. Nghe lời nói này, chúng sanh tất nghĩ đến lẽ ngàn năm một thủơ mà sanh lòng luyến mộ khao khát mà trồng căn lành.  Bởi có, tuy không thật diệt độ,  mà vẫn nói là diệt độ. Lại nữa, này thiện nam tử, Pháp của chư Phật Như Lai cũng vậy, đều chân thực, không hư dối và chỉ có một mục đích là đưa dắt chúng sanh. Thí dụ có một ông thầy thuốc giỏi, trí tuệ sáng suốt, phương dược khéo luyện, bệnh nào cũng trị hết, nhà con cái rất đông. Gặp lúc ông có việc phải đi ra nước ngoài, các con ở nhà uống phải thuốc độc, cơn điên nổi lên, té nằm xuống đất. Ngay lúc đó, ông cha về đến nhà. Các con của ông, có đứa mất tâm, có đứa còn tâm. Nhưng khi thấy cha về, tất cả đều vui mừng, quỳ lạy chào hỏi và thưa : “rằng vì ngu si nên uống phải độc dược , xin cha cứu tử”. Cha thấy con khổ não như vậy, bèn theo các phương đã kinh nghiệm mà chế thuốc, màu sắc hương vị đều tốt đẹp và bảo các con uống: “Đây là lương dược, mùi ngon sắc đẹp, các con hãy uống đi  thì sẽ mau trừ khổ não và bao nhiêu khổ hoạn sẽ không tái phục”. Những đứa không mất tâm nghe xong liền uống và được hết bệnh. Còn những đứa mất tâm, tuy thấy cha cũng vui mừng, cầu xin chữa bệnh, nhưng thuốc thì không chịu uống. Vì sao? Vì bị độc thấm sau, đã mất tâm trí rồi, cho nên thuốc ngon sắc đẹp lại cho  là không ngon không đẹp. Ông cha thấy vậy mới suy nghĩ: Những đứa con này mới đáng thương, thấy cha vui mừng cầu cứu, nhưng khi cho thuốc lại không chịu uống. Ấy cũng vì bị chất độc cho nên tâm trí đều điên đảo.  Vậy phải dùng chước mới được. Nghĩ xong ông mới nói rằng: “ Cha nay già yếu, sắp chết nay mai, có mấy món thuốc hay để lại, các con nên giữ mà dùng, khỏi sợ lầm thuốc dở. Nói rồi ông bỏ nhà ra đi  qua nước khác và cho người về báo tin ông đã chết. Hay tin dữ, các con mất tâm của ông mới nghĩ, cha lành đã chết thì nay còn ai đâu mà cứu hộ cho mình! Vì thường nhớ thương như thế, tâm bèn tỉnh ngộ, biết thuốc của cha để lại là hay, liền lấy ra dùng, bao nhiêu độc bệnh đều lành hết. Nghe tin này, ông cha trở về xứ cho con cái thấy mặt.

-Này thiện nam tử, các ngươi nghĩ thế nào? Nói dối như ông lương y kia, có phải là một tội không?

Bạch Thế Tôn, không

Để làm sáng tỏ vấn đề, bây giờ Phật bèn đưa ra một thí dụ. Có một ông lương y rất giỏi, bệnh gì cũng chửa khỏi. Vì có việc đi xa, ở nhà những đưa con của ông uống nhầm độc dược nên phát bệnh điên. Thấy ông trở về, các con bèn cầu xin cha chế thuốc cho chúng uống để giải độc. Ông tùy theo căn bệnh mà chế ra thuốc để cứu các con của ông. Có những đứa bị bệnh nhẹ thì uống thuốc liền khỏi ngay. Còn những đứa con bị nhiễm độc nặng lại từ chối không chịu uống. Vì thương con, ông lương y dùng phương tiện nói dối với chúng rằng ông phải đi xa. Và khi đã đi xa rồi ông liền nhắn tin về nhà cho các con của ông biết là ông đã chết. Nhưng trước khi ra đi, ông đã chế ra thuốc để lại ở nhà và nói các con ông cứ lấy thuốc ra mà uống. Vì nghe tin cha đã chết nên những đứa con không còn ỷ lại nên lấy thuốc ra uống và được lành bệnh. 

Vị lương y, người cha đó chính là đức Phật. Những đứa con bị nhiễm độc nhẹ ám chỉ cho những bậc thượng trí như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na…là những người biết mình bị phiền não vô minh sai sử nên khi được Phật giáo hóa liền tin nhận tu hành mà có được giải thoát Niết bàn tự tại. Còn những chúng sinh hạ căn thì tuy có nghe Phật nói giáo pháp mà không có lòng tin tu tập nên vẫn còn nằm trong vòng sai sử của phiền não vô minh, sống trong ưu bi đau khổ. Đến khi Phật nhập Niết bàn mới quay về nương tựa nơi kinh điển, tinh tấn nỗ lục tu hành để diệt hết vô minh phiền não. Mê biến thì giác hiển bày nghĩa là tâm thanh tịnh thì Phật tánh hiển lộ.

Người học Phật đừng nên chấp phương tiện mà hãy nhìn cứu cánh. Chúng sinh vì căn tánh bất đồng nên Phật phải dùng vô số phương tiện, tùy theo căn nghiệp và khả năng thu nhận Phật pháp của họ mà nói pháp. Vì thế có khi Phật nói cao, có khi Phật nói thấp. Có lúc Phật nói quyền (thí dụ), nhưng cũng có lúc Phật nói thật. Con đường lên núi có hàng vạn cách, nhưng chỉ có một đỉnh núi là giải thoát giác ngộ vì thế Phật chỉ đường nào lên núi cũng đúng nếu hành giả thực hành rốt ráo để đạt được cứu cánh tối thượng là thành Phật.

Đức Phật nói:

-Ta cũng thế. Từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, nhưng vì muốn cứu độ chúng sanh, cho nên phương tiên mà nói là sẽ diệt độ. Như vậy đối với sự thật, cũng không thể nói rằng ta đã phạm tội nói sai, nói dối.
          Sau cùng, đức Phật khẳng định rằng Ngài đã thành Phật từ vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, nhưng vì muốn cứu độ chúng sinh nên Phật mới phương tiện nói rằng Như Lai sẽ diệt độ để chúng sinh thức tỉnh mà nỗ lực tinh tấn tu hành. Chớ thật ra Như Lai đâu có diệt độ.

Trong ba phẩm Hiện bảo tháp, Tùng địa dũng xuất và Như Lai thọ lượng đưa hành giả vào thế giới Bồn môn. Đó là thế giới bất sanh bất diệt, vượt ra khỏi bất cứ khái niệm nào của không gian và thời gian. Tuy con người không sờ mó, nếm ngữi được cái thế giới này, nhưng họ có thể chuyển tâm thức từ cái thế giới sinh diệt, lo lắng, buồn phiền, ưu bi, khổ não vào trong thế giới hoàn toàn vắng lặng, thanh tịnh mà nơi đó con người không còn lo lắng về chuyện thành bại, không còn chạy đua với cuộc sống vật chất, không còn tranh chấp về những khía cạnh của cuộc đời.

Chúng sinh nếu biết sống trong tỉnh thức, biết thực hành chánh niệm trong từng hơi thở để thấy biết rốt ráo những biến hành của tâm thì chính họ đang chuyển dần sang thế giới bất sinh bất diệt, nhẹ nhàng thanh thoát, an vui tự tại của thế giới Bổn môn đó. Vì thế thế giới Bổn Môn có hiện ra rõ ràng hay mù mờ tùy theo trình độ chánh niệm của con người. Nếu chúng sinh chỉ có chánh niệm trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thì sự an lạc có đến rồi đi rất nhanh. Còn nếu họ có khả năng giữ vững chánh niệm, luôn sống trong tỉnh thức, tâm trí bừng sáng tức là họ đang sống trong chánh định thì thế giới Bổn môn sẽ từ từ hiện rõ. 

Như thế tuy đức Phật Thích Ca có nói vị Phật này, vị Phật kia, ở thế giới này thế giới nọ chỉ là cách nói, nhưng tất cả cũng đều ở trong lòng của Phật Thích Ca bởi vì tất cả tất cả chư Phật đều cùng bản thể chân như, không sai không khác.

Trên con đường giải thoát giác ngộ, Ngộ tức là không mê đã là khó. Mà “giải ngộ” là một bước tiến khó hơn. Nếu chúng sinh có một quá trình tư duy quán chiếu thật sâu sắc thì đây là “thâm ngộ”. Cho đến khi nào khai tâm mở tánh hoàn toàn thì mới gọi là “chứng ngộ”.

Âm lịch

Ảnh đẹp