KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012
Chương Thứ Mười Hai
Phẩm ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA
Download Giọng Đọc: Nguyên Hà
Các nhà khảo cứu Phật học trong những năm
gần đây đã đưa là lời giải thích rằng những phẩm thứ 12, phẩm thứ 13 và
phẩm thứ 14 đã được người đời sau thêm vào tương đối trễ trong lịch sử
hình thành kinh Pháp Hoa vì những phẩm này không thuộc về phần Bổn môn.
Nếu dựa theo tinh thần phân tích Tích môn và Bổn môn của Thiên Thai tông
thì ba phẩm trên thuộc về phần Tích môn cho nên nếu nói theo thứ tự thì
nó phải đứng trước phẩm Hiện Bảo Tháp.
Đề Bà Đạt Đa không ai xa lạ mà chính là
anh em chú bác với đức Phật. Ông là con của Bạch Phạn Vương (Amitodana)
là em của vua Tịnh Phạn. Thưở nhỏ, ông cùng Thái tử Tất Đạt Đa học tập,
vì tài năng không xuất sắc nên tuy thường tranh tài với Thái tử nhưng
không thắng được nên ôm lòng căm hận. Sau khi thành đạo, đức Phật về lại
cung thành Ca Tỳ La Vệ thăm lại gia đình và cảm hóa và khuyến khích
những người trong dòng họ Thích Ca xuất gia tu đạo. Khi nhân duyên đã
đến, Đề Bà cùng em ruột là A Nan và năm vị vương tử khác là A Na Luật,
Kiếp Tân Na, Bà Sa, Bạt Đề, Nan Đề đồng lén bỏ nhà xuất gia theo Phật.
Trong khoảng 12 năm đầu, ông siêng năng
tu hành, nhưng không đạt được thánh quả nên thối tâm sinh lòng muốn học
thần thông để được lợi dưỡng và thích khoe những điều kỳ lạ để lòe
người. Tuy là anh em ruột, nhưng tánh tình mỗi người mỗi khác. A Nan thì
hiền hòa nhân hậu còn Đề Bà thì nham hiểm, tính toán và không an phận
thủ thường. Chính đức phật đã nhiều lần khuyên ông nên hoàn tục làm cư
sĩ chớ không nên ở trong Tăng đoàn để gây thêm nghiệp chướng, nhưng ông
không nghe. Vì ham thích sự kỳ bí nên ông ta yêu cầu Phật dạy về pháp
môn thần thông, nhưng Phật bảo ông trước hết phải lo tu tập cho thân tâm
thanh tịnh mà đừng tham cầu phép lạ. Lý do là thần thông và phép lạ
không đủ tiêu biểu cho đức hạnh. Sau khi nghe Phật từ chối, ông rất tức
giận bèn đến nài nỉ hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Các vị nầy
thừa biết tánh hung ác của ông nên đều từ chối. Ngược lại các vị chỉ dạy
cho ông tu quán đạo lý khổ, ý nghĩa chữ không, pháp vô thường và vô ngã
mà thôi. Do đó, Đề Bà Đạt Đa ôm lòng phản nghịch. Ông nghĩ rằng nếu
không tiêu diệt đức Phật thì ông ta không thể tự do tung hoành và thề
rằng đức Phật là kẻ thù không đội trời chung.
Sau đó, Đề Bà dẫn 500 đồ chúng thoát ly
tăng đoàn, tự xưng là Đại sư, lập ra 5 tà pháp, cho đó là con đường phạm
hạnh dẫn đến Niết bàn:
1)Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni suốt đời đi khất
thực chớ không được vào nhà thí chủ thọ trai. Phật bát bỏ bởi vì ngày
xưa có những vị trưởng giả hay vua chúa thường thỉnh Phật và chư tăng
vào cung để cúng dường và nghe pháp.
2)Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni phải mặc y phấn
tảo tức là chỉ mặc y lượm được ở nghĩa địa đem giặt sạch để may y chớ
không được nhận y cúng dường từ thí chủ. Đức Phật không chấp nhận mà cho
phép Tăng Ni được nhận tối đa là 3 y.
3)Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni không được ăn
thịt, cá. Đức Phật cũng không chấp thuận bởi vì Tăng chúng đi khất thực
ngày một bửa nếu thí chủ cúng dường vật thực gì thì cứ ăn, không có chọn
lựa. Vě thế vŕo thời đức Phật, Tăng đoàn không có ăn chay cho nên Phật
giáo Nguyên thủy gọi lối ăn chay của Phật giáo Đại thừa là đệ tử của Đề
Bà. Vì thế trong 250 Tỳ kheo giới không hề có giới ăn chay. Đệ tử Phật
sau giờ Ngọ không ăn, còn pháp của Đề Bà thì ăn giờ nào cũng được. Phật
không cho ăn bất tịnh nhục là không thấy, không nghe, không biết, không bảo ai giết và không tự mình giết con vật đó cho mình ăn, nhưng Phật cho ăn tịnh nhục
tức là được ăn thịt, cá đã chết. Từ khi hình ảnh Bồ Tát xuất hiện trong
kinh điển Đại thừa thì họ chủ trương và áp dụng lối thực hành của Ấn Độ
giáo mà ăn chay là một biểu tượng của lòng từ bi. Ấn Độ giáo lý luận
rằng Bồ Tát sao lại nở ăn thịt chúng sinh cho nên ngày nay người tu theo
Ấn Độ giáo chẳng những không ăn thịt cá mà họ còn không ăn uống những
gì làm bằng bơ, sửa nữa. Vegetarian tức là người không ăn thịt, cá. Còn vegan là người không ăn thịt, cá, bơ, sửa.
4)Chư Tăng Ni chỉ được ở trong rừng chớ
không được vào thành thị, xóm làng. Phật cũng không chấp thuận vì đạo
Phật là đạo tùy duyên, không cố chấp. Ai muốn vào rừng thanh vắng để tu
cũng được mà người nào muốn vào phố thị để hóa duyên thì Phật cũng không
cấm.
5)Chư Tăng Ni chỉ được ngủ ở dưới gốc
cây. Phật cũng không chịu bởi vì nếu chư tăng muốn ngủ dưới gốc cây cũng
được hoặc ngủ ở trong tịnh xá cũng được, tùy duyên chớ Phật không ép
chế.
Đề Bà vọng lập 5 pháp như thế để mê hoặc
đại chúng, lấy phi pháp làm chánh pháp, cho pháp là phi pháp, lấy phi
pháp làm luật, cho luật là phi luật nên gọi là Tà pháp.
Tại thành Vương Xá, Đề Bà thành lập giáo
đoàn riêng rẽ độc lập chống lại đức Phật. Với sự đãi ngộ của vua A Xà
Thế, con vua Tân Bà Xa La, thế lực của Đề Bà dần dần rộng lớn. Về sau,
Đề Bà xúi giục Thái tử A Xà Thế giết cha để đoạt ngôi. Rồi ông dựa vào
uy quyền của vua A Xà Thế mà mưu toan lãnh đạo Tăng đoàn.
Đề Bà muốn hãm hại đức Phật nên sai 500
người xô đá và dùng khí giới để giết Phật, nhưng chỉ có một mảnh đá nhỏ
văng ra làm trúng chân Phật chảy máu. Một lần nữa, thừa lúc Phật vào
thành Vương Xá, Đề Bà cho thả voi điên để sát hại Phật, nhưng vừa gặp
Phật voi liền quy phục nên việc cũng không thành. Ác tâm của Đề Bà
không dừng ở đây, ông ta còn đánh đập Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc đến chết.
Sau đó, Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khuyến dụ đồ chúng của Đề
Bà trở lại với Tăng đoàn của đức Phật. Ngay cả vua A Xà Thế cũng được
đức Phật giáo hóa bèn sám hối quy y và về sau nhà vua là một đại thí chú
cho Phật giáo. Tâm cùng trí quẩn, Đề Bà nhét chất độc vào trong mười
móng tay của mình, định thừa dịp lễ lạy để cào vào hai bàn chân mà hại
Phật, nhưng chân đức Phật lúc đó cứng như đá nên không bị chất độc hãm
hại. Ngược lại, 10 ngón tay của Đề Bà bị xây xát khiến chất độc ngấm vào
máu, chết tức thì.
Trong bộ TỨ PHẦN LUẬT, đức Phật có câu chuyện giải thích về tội phá hoại tăng đoàn của Đề Bà Đạt Đa như sau:
Tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật rằng:
-Tất cả người phá Tăng đều đọa địa ngục một kiếp để thọ khổ phải không?
Đức Phật nói với Ưu-ba-ly rằng:
-Tất cả những người phá Tăng không phải chỉ đọa địa ngục để thọ khổ một kiếp mà hết đâu.
Trong cuốn Đại Đường Tây Vực Ký của ngài
Huyền Trang (602-664TL) và cuốn Cao Tăng Pháp Hiển Truyện của ngài Pháp
Hiển, sinh vào đời Đông Tấn năm 340TL, có nói rằng khi hai ngài Huyền
Trang và Pháp Hiển du học ở Ấn Độ mà vẫn còn có người tuân hành theo di
huấn của Đề Bà Đạt Đa.
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại
Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến chuyện
Đề-bà-đạt-đa mặc áo cà-sa.
Vào độ ấy, hai vị đại-đệ-tử của đức Phật
là các Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên, từ Xá-vệ đến thành
Vương-xá, để giảng đạo. Dân-chúng ở thành Vương-xá tổ-chức một lễ
cúng-dường, dưng thực-phẩm lên hai vị Tôn-giả và chư Tăng tháp-tùng. Có
một người tín-chủ, nhơn dịp nầy, đem một khúc vải quí, giá đáng ngàn
vàng, trao cho ban tổ-chức, với lời dặn: đem bán đi để lấy tiền sung vào
quỹ, nếu quỹ còn thiếu, bằng không thì đem vải dưng cho vị tỳ-kheo nào
mà ban tổ-chức nhận thấy xứng đáng mặc vải ấy. Vì quỹ còn dư tiền, nên
ban tổ-chức đem dưng cho một vị tỳ-kheo. Hai tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại
Mục-kiền-liên sau đó rời Vương-xá trở về Xá-vệ, nên ban tổ-chức mới đem
trao cho Tôn-giả Đề-ba-đạt-đa là người thường-trú ở thành Vương-xá.
Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa liền đem cắt may thành áo cà-sa, và khoác lên đi đó
đây với niềm hãnh-diện.
Có một vị Tăng ở Vương-xá nhìn thấy
Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa có vẻ khoe-khoang về chiếc áo quí, khi đến đảnh-lễ
Phật, mới bạch cùng Đức Phật. Đức Phật bảo, đấy chẳng phải là lần thứ
nhứt Đề-bà-đạt-đa mặc chiếc áo cà-sa mà mình chẳng xứng đáng mặc. Rồi
đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa về Đề-bà-đạt-đa như sau:
Vào một thời xa xưa, Đề-bà-đạt-đa là một
người thợ săn voi trong rừng. Trong khu rừng ấy có một đàn voi đông-đảo,
mỗi khi thấy một vị Bích-chi Phật đi ngang qua, chúng liền qùi xuống
đảnh-lễ. Đề-bà-đạt-đa núp trong lùm cây, thấy thế, liền nghĩ ra một
mưu-kế để săn voi. Nhơn lúc vị Bích-chi-Phật cổi áo ra tắm bên bờ suối,
Đề-bà-đạt-đa liền lấy trộm chiếc áo cà-sa. Hôm sau, y lấy áo cà-sa khoác
lên mình, dấu mũi chiã nhọn bên trong, đi vào rừng. Đàn voi ngỡ là vị
Bích-chi-Phật đi đến, liền qùi xuống. Đề-bà-đạt-đa dễ-dàng phóng chĩa ra
giết thú. Ngày qua ngày, đàn voi càng thưa lần vì số voi bị giết, khiến
cho con voi đầu-đàn ngạc-nhiên, và theo trông chừng mỗi khi có người
vào rừng. Khi thấy voi cùng đàn bị phóng chĩa, voi đầu-đàn vượt lên
trước, dùng vòi quật ngã... người thợ săn gian-trá. Nhìn thấy chiếc áo
cà-sa trên mình người thợ săn, voi đầu-đàn ngừng lại, tha chết cho y.
Kể đến đây, đức Phật cho biết, vào thời
ấy, con voi đầu-đàn đó chính là tiền-thân của đức Phật, và ngày nay
Đề-bà-đạt-đa khoe-khoang chiếc áo cà-sa, đó chẳng phải là lần thứ nhứt
mà một người chưa xứng đáng lại lạm-dụng y-phục của nhà tu-hành
chơn-chánh.
Rồi đức Phật mới đọc lên hai bài Kệ sau đây:
Kẻ nào tâm vướng điều phiền-não,
Khoác lên thân chiếc áo cà-sa,
Thiếu kềm-chế, chẳng thật-thà,
Còn chưa đáng mặc cà-sa áo vàng.
(Kệ số 009-kinh Pháp Cú)
Kẻ nào tâm sạch điều phiền-não,
Thân vững-vàng, đạo-hạnh cao-xa,
Biết kềm-chế, lại thật-thà,
Là người xứng đáng cà-sa mặc vào.
(Kệ số 010-kinh Pháp Cú)
Như thế, dưới nhãn thức của phàm nhân hay
hàng Thanh Văn thì Đề Bà là người đầy tội lỗi, là hạng Nhất xiễn đề,
phạm tội ngũ nghịch tất phải bị đọa vào địa ngục như bộ TỨ PHẦN LUẬT đã
nói ở trên. Nhưng ở đây, giáo lý Đại thừa thì Đề Bà là bậc thiện tri
thức của đức Phật. Tại sao? Bởi vì nhờ Đề Bà mà đức Phật mới được viên
mãn công hạnh Bồ Tát rồi thành Phật. Đại thừa cho rằng trong mỗi chúng
sinh đã có sẵn Tri Kiến Phật cho nên người đó dầu có tạo tác tội nghiệp
gì đi chăng nữa thì cái Tri Kiến Phật vẫn nguyên vẹn tức là những tội ác
đó vẫn không làm mất đi cái hạt giống, cái khả năng thành Phật trong
tâm của người phạm tội, vì vậy trong họ đã có Phật nhân thì chắc chắn họ
sẽ đắc thành Phật quả. Đây có lẽ là trường hợp “khó khăn nhất” để chứng
minh rằng trong tất cả mỗi chúng sinh cho dù là bạc địa phàm phu vẫn có
sẵn Phật tánh. Vì thế hai quan điểm của Đại thừa và Nguyên thủy rất
khác biệt ở chỗ này.
Lúc bấy giờ Phật bảo các Bồ-Tát và bốn chúng:
-Trong quá khứ vô lượng kiếp, ta
đã tìm cầu kinh Pháp Hoa không hề biếng trễ. Nhiều kiếp tu thường làm
vua phát nguyện cầu đạo Bồ-đề lòng không thối chuyển vì muốn đầy đủ 6
pháp Ba-la-mật, ta siêng làm việc bố thí lòng không luyến tiếc một vật
gì, dù đó là tiền bạc, châu báu, đất đai, vợ con, tôi tớ hay thân thể
của ta. Vì lòng mến chánh pháp, ta nhường ngôi cho Thái tử và truyền rao
trong dân chúng, rằng ai nói được pháp Đại Thừa cho ta nghe, ta sẽ trọn
đời hiến thân làm tôi tớ hầu hạ.
Bấy giờ có vị Tiên, nhận tuyên
nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, nếu nhà vua không trái ý ông. Vua
chịu theo và hầu hạ vị Tiên làm đủ mọi việc, trải một ngàn năm hết lòng
siêng năng vì trọng pháp.
Phẩm này cũng giống như phẩm Hiện Bảo
Tháp ở phần trước có vẻ huyền bí mơ hồ, nhưng đây là lối kinh nói theo
thể Vị Tằng Hữu nghĩa là dùng những ẩn dụ để nói về những việc làm ít có
của Phật và các đệ tử chớ đừng hiểu theo lẽ thông thường mà sinh ra mê
tín. Đức Phật trong những đời quá khứ đã từng làm quốc vương, nhưng vì
muốn cầu đạo Bồ Đề Ngài đã thực hành rốt ráo lục độ Ba la mật. Ngài bố
thí từ ngoại tài như tiền bạc, châu báu, đất đai từ bỏ ngay cả vợ đẹp
con xinh và nội tài như thân thể và tánh mạng của mình. Ngài bố thí tất
cả, nhường uy quyền lại cho Thái tử, quyết chí xả thân cầu pháp. Đoạn
kinh này diễn tả một lý tưởng quá tuyệt vời. Đó là trước khi muốn thu
nhận một tư tưởng giải thoát thì trước nhất con người phải có ý chí để
dọn sạch những tư tưởng bất thiện đã huân tập từ bao nhiêu đời bao nhiêu
kiếp trong tâm của chúng ta. Thí dụ nếu muốn đổ nước thơm tinh khiết
vào cái bình thì trước hế phải đổ cho hết những nước dơ, củ trong bình
thì cái bình bây giờ mới có thể chứa được nước mới, nước thơm tho. Đạo
Phật là đạo buông xả vì thế ngày xưa đức Phật khi xuất gia thì Ngài cũng
bố thí tất cả, bỏ lại cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, quyền cao
danh vọng vì đây là những món trong thập triền thập sử, là những sợi dây
vô hình cột chặt con người vào chốn trầm luân. Vì thế đạo Phật mới gọi
là đạo giải thoát. Giải là cởi mở nghĩa là cởi mở những trói buộc để
thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ của cuộc đời.
Lúc đó, có vị tiên nhân đến nói với nhà
vua rằng “Ta có bộ kinh tên là Diệu Pháp Liên Hoa, nếu nhà vua không
trái lời ta dạy thì ta sẽ vì nhà vua mà nói. Nhà vua hài lòng bèn đi
theo vị tiên nhân, cung phụng những gì ông ta cần, lại đến núi hái trái
cây, gánh nước, nhặt củi, nấu cơm, ngay cả dùng thân của mình làm giường
cho vị tiên nằm. Vì kiên tâm cầu pháp nên nhà vua không bao giờ giải
đãi, cung cấp, phục vụ cho vị tiên chẳng thiếu món gì.
1)Bố thí ba la mật: Mục đích tu hạnh bố
thí là muốn giải trừ tâm tham của mình. Có cho bớt cho đời, có san sẽ
lại với đời thì lòng tham mới giảm cho ngược lại cái gì củng muốn đem về
cho mình, cho gia đình mình thì lòng tham sẽ tăng, không giảm. Có bố
thí thì tâm mới nhẹ nhàng, thanh thoát, vừa lợi cho người vừa lợi cho
mình và đây là cách vun bồi phước đức cho đời sau. Có như thế thì tự
tánh Bồ đề mới có thể phát triển để hiển bày.
2)Trì giới ba la mật: Thật ra trong thế
gian này không có cái gì là giới luật nếu con người làm đúng với chơn
tánh của mình. Vì thế trí giới là để nhắc nhở chúng sinh:
Chưác mạc tác
Chứng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Tức là nên làm tất cả các việc lành, lánh
xa các việc ác cho dù là một việc ác nhỏ và nên vun bồi tư tưởng cho
được trong sạch. Đó là giữ giới rồi vậy. Vì vậy giới là biệt biệt giải
thoát tức là giữ được một phần giới thì tâm có được một phần thanh tịnh
cho đến khi giữ gìn giới hoàn toàn tức là sống đúng với chơn tánh của
mình thì sẽ có giải thoát giác ngộ ngay.
Lục Tổ Huệ Năng dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn là chúng sinh muốn có tâm thanh tịnh thì phải áp dụng ba cái Vô :
1.Vô niệm vi tông : Phàm
là con người thì lục căn lúc nào cũng có thể tiếp xúc với sáu trần,
nhưng nếu muốn tâm đừng phát sinh vọng tưởng thì cho dù mắt thấy sắc,
tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương vị, lưỡi nếm mùi vị, thân cảm xúc nóng
lạnh hay ý có suy nghĩ gì mà tâm không khởi vọng niệm chạy theo. Nói
cách khác thấy thì cái gì cũng thấy mà không thấy cái gì hết, nghe thì
nghe tất cả mà như không nghe gì cả…Cảnh vật, âm thanh…cũng như gió
thoảng, mây bay có đến rồi lại đi, đừng chấp thủ, giữ lại trong lòng.
Con người làm chủ tâm mình thì có an lạc, thanh tịnh Niết bàn, ngược lại
nếu tâm làm chủ thì con người làm nô lệ cho vô minh phiền não, thế
thôi.
2.Vô tướng vi thể : Tất
cả vạn pháp trong thế gian này là từ nhân duyên kết hợp nên chúng không
có tự thể nghĩa là vô ngã tức là Không. Khi đã thấu hiểu vạn pháp là giả
dối, không thật, nay có mai không thì con người đừng chạy theo sắc trần
một các mù quáng làm tâm bất tịnh. Chỉ khi nào chúng sinh quán tưởng để
thấy biết bằng trí thật tướng của vạn pháp thì cái thấy biết này mới là
chân lý.
3.Vô trụ vi bổn : Vô trụ
là không dính mắc. Vậy không dính mắc cái gì? Sáu trần là những cục nam
châm có sức hút rất mãnh liệt làm cho sáu căn mê muội khiến tâm phát
sinh vọng tưởng sai lầm làm cho con người sống trong điên đảo khổ đau.
Vậy muốn có cuộc sống tự tại an nhàn thì từng giây, từng phút, từng giờ,
từng hơi thở con người nên giữ chánh niệm, sống trong tỉnh thức, đừng
để tâm buông lung chạy theo tham đắm dục tình.
3)Nhẫn nhục ba la mật: Đây là đức tính
cao quý nhất để giúp hành giả thành tựu trí tuệ Bồ đề bởi vì con người
có nhẫn nhục, có sức chịu đựng thì mới có thể vượt qua những thử thách
lớn lao mà có thành công vĩ đại. Vì thế trong chốn tùng lâm (thiền gia)
các bậc đạo cao đức trong, tu chứng thì gọi là bậc long tượng bởi vì chỉ
có voi hay rồng mới chịu nổi bảo táp phong ba chốn bụi trần.
4)Tinh tấn ba la mật: Bất cứ việc làm
nào trên thế gian mà muốn có kết quả tốt đẹp thì người thực hành phải có
niềm vui trong việc làm đó chớ không thể làm lấy lệ hay giải đãi mà
thành công được. Vì thế tinh tấn là năng lực để giúp hành giả cất bước
tiến nhanh tiến mạnh về mục tiêu mình mong muốn.
5)Thiền định ba la mật: Trong tâm của
chúng sinh dấy khởi biết bao vọng niệm từng giây, từng phút. Nhưng nói
chung tất cả vọng niệm cũng không ra ngoài phạm trù của chấp ngã, của sự
so sánh phân biệt đối đãi giữa ta và người, giữa cái của ta và thế giới
bên ngoài. Vì thế thiền định là phương pháp quay về với tự tâm của mình
để làm ngưng lại và giết chết những tư tưởng này.
Tu tập Thiền định dẫn con người đến những kết quả mỹ mãn như sau:
· Khi tu thiền một thời gian dài lâu thì ngũ căn được tịch tịnh và chánh định sẽ phát khởi.
· Nhờ Thiền định mà tâm Từ bi được phát triển để thương yêu tất cả chúng sinh và muốn cho tất cả được an vui hạnh phúc.
· Nhờ năng lực Thiền định mà các phiền não Tham-Sân-Si không còn phát sinh nữa.
· Khi tâm đã định thì lục trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp không còn lay động.
· Tìm lại an lạc thanh tịnh trong tâm hồn.
· Một khi tâm niệm đã lắng yên thì ái dục không còn phát sinh làm tâm không còn ô nhiễm.
· Điều quan trọng của kẻ tu thiền là tuy chứng được chân không nhưng không bao giờ bị rơi vào chỗ hư vô.
· Tận diệt tất cả những sự trói buộc để được phát khai trí tuệ, giải thoát và chứng ngộ Niết bàn.
6)Trí tuệ ba la mật: Trí tuệ là điều kiện
tối hậu để phá vô minh mà thấu triệt chân lý. Trong tam vô lậu học thì
Giới và Định chỉ có mục đích mở đường cho sự rèn luyện Trí tuệ. Giới có
thể làm cho thân và khẩu được thanh tịnh và Định giúp tâm được an trụ,
thanh tịnh và chân chính. Huệ tức là trí tuệ sẽ phát huy phần tâm linh
quan trọng nhất của con người là trí năng để đạt đến cứu cánh giải
thoát. Trong Phạn ngữ có rất nhiều danh từ được dịch là trí tuệ, nhưng ý
nghĩa của chúng đôi khi cũng có ít nhiều sai biệt. Đó là:
* Panna là biện tướng trí tức là trí tuệ phân biệt được chân tướng vô ngã, vô thường, khổ não của hiện tượng giới.
* Patisambhida là minh giải trí tức là trí tuệ giúp phân tích và biện giải các pháp một cách minh bạch rõ ràng.
* Nanalà phá tướng trí tức là trí tuệ trực nhận chân lý và phá chấp tướng của vạn hữu. Đây chính là trí tuệ của chư Phật và chư Bồ Tát bất thối.
* Bodhihay Bồ-đề tức là trí giác ngộ. Đây là trí tuệ của các bậc huyền thông đạo lý để dứt trừ phiền não, vọng chấp.
Tuy được dịch từ nhiều danh từ Phạn ngữ
có nghĩa sai khác, nhưng tồn trung đạo Phật chia trí tuệ ra làm hai loại
là Căn bản trí và Hậu đắc trí.
1)Căn bản trí: là giác
tánh minh diệu mà mỗi chúng sinh vốn đã có sẵn nhưng vì bị vô minh phiền
não che lấp nên chưa phát chiếu ra được. Có thể ví căn bản trí như chất
vàng còn nằm trong quặng lẫn lộn với đất, cát, sỏi, đá. Trong Phật giáo
Đại thừa, Bồ Tát Văn Thù là biểu tượng cho Căn Bản Trí.
2)Hậu đắc trílà trí tuệ có được nhờ công phu tu tập như trì giới, thiền định…
Phật nói tiếp:
-Nhà vua thuở ấy nay là ta, còn
vị Tiên nay là Đề-Bà Đạt-Đa đấy. Ta nay thành Phật là nhờ vị thiện tri
thức đó. Trong vô lượng kiếp về sau, Đề-bà Đạt-đa sẽ thành Phật hiệu là
Thiên Vương, nước của Phật là Thiên Đạo. Phật Thiên Vương trụ ở đời 20
trung kiếp, hằng hà chúng sanh nhờ pháp nhiệm mầu của Phật mà được quả
A-la-hán, quả Bích-chi-Phật và phát tâm Vô Thượng Bồ Đề được Vô-sanh
pháp nhẫn đến bậc bất-thối-chuỷên.
Sau khi Phật Thiên Vương nhật
Niết Bàn, chánh pháp trụ ở đơi 20 trung kiếp. Nhờ cúng dường tháp bảy
báu đựng toàn thân Xá lợi của Phật Thiên Vương mà chúng sanh được quả
A-la-hán, Bích-chi Phật và phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Bây giờ đức Phật mới bật mí cho đại chúng
biết rằng vị tiên nhân trong đời quá khứ đó không ai khác hơn là Đề Bà
Đạt Đa và vị quốc vương cầu đạo đó chính là đức Phật. Thế thì trong đời
quá khứ, Đề Bà là bậc thiện tri thức và cũng là bậc thầy của đức Phật.
Nhờ thiện tri thức Đề Bà mà vị quốc vương đó có cơ hội thực hành rốt ráo
lục độ ba la mật, tu hành viên mãn từ, bi, hỷ, xả, có đầy đủ công đức
và phát triển trí tuệ mà thành Phật. Tiếng Phạn chữ Đề Bà dịch là
“Thiện” tức là bậc thiện tri thức. Tuy Đề Bà trong đời này có phạm tội
ngũ nghịch, nhưng tinh phần Phật giáo là nhân quả vì thế những nhân
thiện Đề Bà đã gieo trong những đời quá khứ có thể giúp cho ông cải tà
quy chánh, quay trở về sống đúng với chánh pháp thì ông cũng như tất cả
chúng sinh trước sau sẽ thành Phật. Ở đây đức Phật Thích Ca thọ ký cho
ông trong vô lượng kiếp về sau sẽ thành Phật có nghĩa là sẽ có biết bao
kiếp về sau, chính ông sẽ phải trả cho hết tất cả những nghiệp bất thiện
mà ông đã gây ra trong đời này trước khi thành Phật. Luật nhân quả rất
công bằng hợp lý vì mình ăn mặn thì chính mình phải uống nước chớ không
có phép mầu gì ở đây cả. Vì thế đừng nghĩ rằng những tội ngũ nghịch mà
ông tác tạo tự nhiên biến mất mà ung dung thành Phật được. Lý do mà Phật
thọ ký cho ông cũng như cho tất cả chúng sinh là vì trong mỗi chúng ta
đều có sẵn Tri Kiến Phật cho nên nếu biết vun bồi trí tuệ, kiến tạo
phước đức công đức thì sẽ thành Phật chớ không thể nghiễm nhiên thành
Phật. Nói cách khác thọ ký chẳng qua lời lời khuyến khích để chúng sinh
tin tưởng vào mình, vào khả năng giải thoát giác ngộ của mình để cất
bước lên đường chớ thật ra Phật không cho ai bất cứ cái gì ngay cả Tri
Kiến Phật.
Khi tu chứng thì Đề Bà sẽ thành Phật hiệu
là Thiên Vương Như Lai và cõi Phật là Thiên Đạo. Thọ mạng của Phật
Thiên Vương và cõi Phật Thiên Đạo cũng giống như tất cả các cõi Phật
khác của các Tôn giả ở những phẩm trước. Vì Phật Thích Ca nói Phật là
Như Lai nên đừng hiểu rằng có ông Phật nào sống trên mấy chục triệu năm
hoặc cõi ấy làm toàn bằng vàng bạc hay kim cương chẳng những phản khoa
học mà còn lún sâu vào mê tín, tăng trưởng lòng tham đắm si mê. Như Lai
là Pháp thân, là bản thể chân như mà trong thế giới bản thể không có
khái niệm của thời gian và không gian nên không có vấn đề tuổi thọ hay
hình sắc. Vì đã là chân không nên nói sao cũng được, nói gì cũng trúng
mà nói gì cũng sai, chỉ là khái niệm chứ không phải là thực thể.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Trong vị lai thiện nam tử, thiện
nữ nhân nào nghe phẩm Đề-bà Đạt-đa mà sanh lòng trong sáng, kính tin
không nghi ngờ thì những thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy không đoạ vào ba
đường ác, được sanh nơi các nước Phật và chỗ người đó sanh thường được
nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nếu sanh vào cõi nhân thiên thì hưởng sự
vui sướng tột cùng. Nếu sanh ở trước mặt Phật thì từ hoa sen hoá sanh.
Tại sao nghe phẩm Đề Bà mà kính tin thì người đó sẽ không bị đọa vào ba đường ác và được hưởng phước lạc?
Đề Bà là hạng Nhất Xiễn Đề tức là người
xấu xa nhất dựa theo tinh thần Phật giáo. Thế mà vẫn được Phật thọ ký
huống hồ chúng ta những người bình thường thì chắc chắn chúng ta sẽ
thành Phật. Tin mà kinh nói ở đây không có nghĩa là người đọc phải lễ
bái phẩm kinh này. Mà tin vào sự thọ ký của Phật cho Đề Bà sẽ thành
Phật tức là tự tin rằng trong mỗi chúng ta cũng đã có sẵn Tri Kiến Phật.
Mà một khi biết mình đã có Tri Kiến Phật tức là chất Phật thì mình sẽ
không còn dấn thân làm những việc tội lỗi xấu xa cho nên kết quả là
không bao giờ sợ bị đọa vào tam ác đạo được. Cốt tủy của kinh Pháp Hoa
là muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều có Tri Kiến Phật vì thế Tri Kiến
Phật là Phật nhân giúp con người làm căn bản tu hành. Nếu biết tu thập
thiện thì sẽ sanh lên cõi trời. Còn nếu xa hơn nữa có thể hóa giải hết
Kiến Hoặc và Tư Hoặc thì chứng đắc A la hán quả. Sau cùng nếu biết hóa
giải hết Vô Minh Hoặc và Trần Sa Hoặc thì tiến thẳng về Phật quả.
Chẳng những thế, người tin vào phẩm này
còn có thể sanh vào cõi Phật. Vậy cõi Phật đó ở đâu? Nên nhớ rằng tất cả
những phiền não vô minh như tham , sân, si, mạn, nghi, phẫn, hận, phú,
não…những thứ như vui mừng, thương ghét, tốt xấu, thân sơ…không phải là
những thứ của mình, thuộc về mình, nhưng vì bị vô minh che lấp nên mình
mới chấp nó là của mình, thuộc về mình nên khổ lụy cả đời. Bây giờ tự
tin rằng mình có Tri Kiến Phật, có chất Phật thì chính mình bây giờ
quay trở lại sống với Tri Kiến Phật, với tâm thanh tịnh hằng sáng của
mình thì mình sống ở đâu tức thì nơi đó là cõi Phật thanh tịnh chớ còn
tìm cõi Phật đâu nữa. Bằng chứng là ngày xưa đức Phật cũng sống trong
thế giới Ta Bà này mà đối với Ngài thì đây là cõi Phật thanh tịnh đấy
chứ, trong khi tâm chúng sinh chất đầy vô minh, phiền não, tranh chấp
thì nhìn đâu cũng thấy phiền não, bất toại ý. Vậy cõi Phật là cõi của
người tỉnh thức, chánh niệm, không hề bị vô minh tác động hoành hành,
không hề bị dục vọng sai sử, bị ái dục lôi cuốn và lúc nào cũng làm chủ
tâm mình nên lúc nào cũng sống với tâm thanh tịnh đó.
Lúc bấy giờ Bồ-tát Trí-Tích thị
giả của Phật Đa Bảo bạch xin phép Phật Đa Bảo trở về nước. Đức Phật
Thích Ca mới bảo Bồ-tát Trí-tích: Thiện nam tử! hãy chờ giây lát ở đây
có Bồ-tát Văn Thù và ông cùng Văn Thù có thể cùng nhau ra mắt mà luận
nói pháp mầu, xong rồi sẽ về.
Phật Đa Bảo là Pháp thân, là Bổn Phật là
Chân Không thì làm gì có thị giả, nhưng ở đây kinh nói có thị giả tên là
Trí Tích. Một lần nữa, nhắc lại đây là lối diễn xuất dựa theo thể loại
Vị Tằng Hữu để diễn tả một triết lý nhiệm mầu bên trong chớ không phải
là cảnh thật. Tích là gom chứa lại và Trí là trí tuệ. Vì thế Trí Tích là
tích lủy, gom chứa tất cả trí tuệ lại. Thế thì cái trí tuệ này chính là
Hậu Đắc Trí tức là cái trí tuệ đạt được nhờ tu chứng sau này. Kinh Pháp
Hoa còn có một danh từ khác để chỉ cho Hậu Đắc Trí là Hữu Sư Trí nghĩa
là trí tuệ có được là nhờ thầy dạy. Do đó câu “thị giả Trí Tích bạch
Phật Đa Bảo trở về nước” có nghĩa là nhắc nhở chúng sinh hướng về Căn
Bản Trí tức là trí tuệ vốn đã có sẵn trong mỗi chúng sinh mà Đại Trí Văn
Thù là đại biểu cho căn bản trí này. Do đó tu hành dựa theo tinh thần
Phật giáo Đại thừa là trở về với Căn Bản Trí tức là Phật tánh vốn đã có
sẵn trong ta chớ không có thành đạt cái gì cả nên không có chứng đắc là ở
chỗ này. Câu “hai ông Trí Tích và Văn Thù gặp nhau mà nói pháp màu…”
rất hay và dễ bị hiểu lầm. Hai ông Bồ tát chỉ là biểu tượng chớ đâu phải
là người thật thì làm sao gặp nhau? Nếu gặp nhau thì gặp ở chỗ nào? Bồ
tát Trí Tích là biểu tượng cho Hữu Sư Trí tức là trí tuệ do huân tu mà
có. Còn Bồ tát Văn Thù là tượng trưng cho Căn Bản Trí nghĩa là trí tuệ
vốn có sẵn trong mỗi chúng sinh cũng như vàng nguyên chất còn trộn với
sỏi đá. Do đó khi Hữu Sư Trí gặp Căn Bản Trí nghĩa là Hữu Sư Trí bây giờ
trở về với cái trí tuệ hằng hữu trong sáng ban đầu thì lúc đó vàng trở
thành vàng ròng nguyên chất không còn sỏi đá lẩn lộn tức là thành Phật.
Vì thế câu nói “xong rồi sẽ về” ám chỉ hai thứ trí tuệ trên hòa nhập với
nhau thì người đó sẽ thành Phật tức là Thỉ giác thể nhập với Bổn giác
vậy.
Bồ Tát Trí Tích là đại diện cho Hậu Đắc
Trí tức là cái trí mới tu, mới học, mới bồi dưỡng mà thành cái trí tuệ
này mà thường gọi là Sai Biệt Trí. Trong khi đó Bồ Tát Văn Thù là đại
biểu cho Căn Bản Trí cũng gọi là Vô Phân Biệt Trí. Do đó với Căn Bản
Trí, ngài Văn Thù nhìn sự vật hiện tượng bằng thật tướng của sự vật,
bằng đệ nhất sát na tức là cái thấy biết chưa có sự phân biệt mà Duy
Thức gọi là Hiện lượng. Còn Bồ Tát Trí Tích thì nhìn sự vật hiện tượng
bằng sự phân biệt tức là cái thấy biết bằng đệ nhị sát na mà Duy Thức
gọi là Tỷ lượng nên không thấy rõ bản chất thật của nó. Thí dụ khi Bồ
Tát Trí Tích nhìn một đóa hoa thì ngài cho ðó là loại hoa gì, màu sắc ra
sao, đẹp xấu thế nào…nghĩa là cái nhìn của ngài là cái nhìn dựa theo sự
biến hoại của sự vật hiện tượng. Cái hoa tự nó là hoa chớ đâu cần con
người đặt cho nó tên này hay tên khác. Một người có thể gọi là hoa này,
nhưng người khác lại gọi là hoa khác. Vậy tên nào là tên thật? Vì thế
Hậu Đắc Trí là trí còn phân biệt tức là còn chấp nơi ngã và những đối
tượng ngoài ngã nên cái trí tuệ này không chân thật, dễ bị sai lầm.
Ngược lại, Căn Bản Trí của Bồ Tát Văn Thù là thứ trí tuệ vốn có sẵn
trong mỗi chúng sinh. Thí dụ như nhìn đóa hoa ở trên thì bản chất nó thế
nào thì Bồ Tát Văn Thù thấy biết nó như thế đó, không thêm không bớt,
không đặt tên đặt tuổi chi cả. Chẳng những thế Văn Thù còn nhìn sâu vào
thật tướng của đóa hoa, tánh duyên khởi của nó chớ không phải chỉ là sự
hình thành hoại diệt của hoa mà thôi. Đó là ngài nhìn trong đóa hoa có
trùng trùng duyên khởi như ánh sáng mặt trời, nước, gió, phân bón, hạt
giống…cho nên đối với ngài sự sinh chẳng phải là thật sinh và khi hoa
tàn thì cũng không phải là thật diệt. Do đó ngài Văn Thù nhìn đóa hoa
thì thấy tướng như vậy, tánh như vậy, thể chất như vậy, tác dụng như
vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả báo như vậy chớ không có cái gì là
hoa cả. Vì vậy khi đặt cho đóa hoa đó một cái tên thì thuộc về phân
biệt trí chớ không còn là căn bản trí nữa vì có phân biệt đối đãi giữa
chủ thể và đối tượng. Thí dụ đặt tên đóa hoa là hoa lài thì hoa lài phải
khác với hoa cúc, hoa sen, hoa hồng. Từ sự phân biệt này dẫn đến biết
bao sự phân biệt khác, nào là hoa này đẹp hơn hoa kia nên tôi thích hoa
này hơn hoa kia, nào là hoa này thơm hơn nên tôi thích hoa này hơn từ đó
trong tâm chất đầy phiền não, ưu bi. Do đó hằng ngày con người sống
bằng phân biệt trí nên không nhìn thấu triệt nguồn gốc của vạn pháp nên
sinh ra biết bao phiền não, đau sầu. Còn nếu biết sống với căn bản trí
thì nhìn thấu suốt thật tướng của vạn pháp, không cộng ngã kiến vào sự
vật hiện tượng nên cái thấy biết đó không bao giờ lầm lẫn, rất chân thật
nên tâm lúc nào cũng thanh tịnh.
Lúc bấy giờ Bồ-tát Văn Thù và các
bồ tát tùy tùng ngồi trên hoa sen lớn từ nơi cung rồng Ta-kiệt-la trong
biển lớn vọt lên trụ trong hư không, đến núi Linh-thứu từ hoa sen bước
xuống làm lễ đức Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca. Kế đến hỏi thăm Bồ tát
Trí-tích rồi quay qua một bên.
Bây giờ Bồ Tát Văn Thù và các Bồ Tát từ
dưới biển Ta-kiệt-la vọt lên trụ trong hư không. Kinh diễn tả cảnh giới
quá nhiệm mầu, nhưng một lần nữa đây là thể loại Vị Tằng Hữu chớ không
phải thật. Trong thế gian này không có chỗ nào là biển Ta-kiệt-la cả.
Nếu không phải là biển thật thì kinh nói ở đây là biển gì? Có phải biển
ái sông mê mà chúng sinh đang lặn hụp chăng? Hằng ngày con người bập bền
trong những đợt sóng tham đắm dục tình, trôi nổi bềnh bồng trong biển
ái si mê chớ chúng sinh đâu có sống trên đất liền, bình an thanh thoát.
Đây mới chính là biển ái mà Đại Trí Văn Thù vọt lên và trụ trong hư
không. Lối diễn xuất sống động tuyệt vời của kinh là dựa theo thể Vị
Tằng Hữu, là một trong 12 thể loại kinh của Phật giáo Đại thừa. Đó là
diễn tả những chuyện lạ lùng, chưa từng có để chứa đựng một triết lý sâu
thẳm tức là văn dĩ tải đạo chớ đừng chấp có thật một cung rồng nguy nga
lộng lẫy và Đại Trí Văn Thù có thần thông nên vọt từ lòng biển bay lên
hư không mà sống trong ảo tưởng hoang đường, không đúng ý kinh.
Vậy ý kinh như thế nào?
Phải chăng tất cả chúng sinh hiện đang
sống trong biển ái? nhưng nhờ Đại Trí Văn Thù giáo hóa nên phát sinh trí
tuệ mà vượt thoát khỏi ái hà. Khi họ sống trong tỉnh thức, chánh niệm,
tâm hằng thanh tịnh thì họ đang vọt lên trong hư không. Khi tâm không
còn dính mắc thì tâm trụ nơi vô trụ tức là hư không chớ không phải dùng
thần thông khiến cho mọi người lơ lửng trên không. Do đó nếu chúng sinh
học theo Căn Bản Trí của Đại Trí Văn Thù thì con người cũng có thể vọt
lên khỏi biển ái và trụ nơi hư không nghĩa là tâm lúc ấy không còn dính
mắc trong tài, sắc, danh, lợi, ăn, uống, ngủ, mặc nữa, tâm trụ nơi vô
trụ cũng như Đại Trí Văn thù và chư Bồ Tát khác. Ngày nào chúng sinh còn
trụ tức là tâm còn dính mắc, trụ nơi ngã chấp, còn thấy mình là ngã và
đối tượng là người và vạn pháp. Hễ mình còn nặng về tướng ngã của mình
thì mình thấy người khác ngoài mình, không phải mình thì lúc ấy những ý
niệm cạnh tranh, so sánh, đánh giá hơn thua về giàu nghèo, tốt xấu, địa
vị, danh vọng, tài sản, con cái khởi dậy liên miên không ngừng nghĩ. Khi
đã quý trọng bản ngã thì con người sẽ tham đắm thọ mệnh, không muốn nó
già đi hay chết vì thế khi thấy mình càng ngày càng già đi thì làm sao
họ an vui được. Do đó chủ yếu của kinh Kim Cang là phá cho được bốn chấp
tướng là: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả. Phá được chấp ngã thì biết
rằng mình là không tức là không có chủ thể để so sánh. Mình là không thì
dĩ nhiên người cũng là không và chúng sinh cũng là không tức là đối
tượng chấm dứt, hết còn đối đãi phân biệt, tâm sẽ được an vui tự tại.
Phật giáo Đại thừa chủ trương rằng Sắc
tức là Không và Không chính là Sắc cho nên cái sinh ngày nay không phải
là mới sinh mà thực ra con người đã có mặt trên quả địa cầu này từ vô
lượng kiếp rồi và cái sinh hiện hữu ngày nay chỉ là cái sinh mới nhất đó
thôi. Ví cũng như những đợt sóng ngoài biển mà chúng ta thấy được không
phải chỉ có ngày hôm nay mà bất cứ lúc nào từ khi khai thiên lập địa
trải qua biết bao triệu triệu năm hễ có gió, có nước là có sóng. Khi
không có gió thì sóng tan, biển lặng, nhưng khi duyên hợp tức là gió
khởi thì sóng liền nhấp nhô trở lại, không mất cái gì cả. Vì thế người
học Phật không hề chấp vào tướng thọ giả vì chẳng có ai thật mất hay
thật sinh, chẳng qua khi duyên hợp thì gọi là sinh và khi duyên tan rã
thì gọi là chết, nhưng chết không phải là mất hẳn vì khi duyên mới kết
trở lại thì sẽ tái sinh. Nhận thức được chân lý này thì tỏ ngộ được “Vô
sanh pháp nhẫn” rồi vậy nghĩa là thấy được bản thể của vạn pháp là không
sanh không diệt nghĩa là sanh không thật sanh nên lúc nó diệt thì cũng
không thật diệt. Người học Phật nếu tỏ ngộ chân lý này thì chắc chắn
sống không tham đắm và xem thường sự chết nên chắc chắn có cuộc sống nhẹ
nhàng thanh thoát, an vui tự tại ngay trong cái cõi đời có tan có hợp
này. Có phải một người chết là mất hẳn không? Phật giáo chủ trương rằng
người chết thật ra không mất một cái gì hết. Hãy nhìn lại, có phải trong
dáng dấp của con, của cháu, của nội, của ngoại có hình bóng của ông bà
trong đó chứ. Nếu không thì làm sao có người nói đứa bé này giống cha,
giống mẹ, giống ông nội, bà ngoại…Tâm thân thất đại thì trả về với những
nguyên tố nguyên thủy của nó. Thí dụ đất, nước, gió, lửa thì trở lại
với đất, nước, gió, lửa chớ có mất cái gì. Còn không, kiến và thức đại
thì trở về với hư không. Khi duyên kết đủ thì từ hư không kiến và thức
đại duyên với đất, nước, gió, lửa mà tạo thành hình hài mới, con người
mới thế thôi.
Tóm lại, tuy chúng sinh còn lặn hụp trong
biển ái, nhưng nếu biết bồi dưỡng trí tuệ, nhận chân được chân lý, quay
về với Căn Bản Trí của mình thì chính mình cũng có thể vượt thoát ra
khỏi biển ái sông mê mà trụ trên hư không giống như Bồ Tát Văn Thù vậy.
Chẳng những trụ trên hư không mà người tu Phật còn có thể đến núi Linh
Thứu để gặp Phật. Gặp Phật mà kinh nói ở đây không nhất thiết là phải
thấy cho được đức Phật Thích Ca mà lên núi gặp Phật là hướng về nội tâm
của mình để thấy được Phật tánh tức là Bổn Phật của chính mình.
Bồ-tát Trí-tích hỏi bồ tát Văn Thù:
-Ngài qua cung rồng hoá độ được bao nhiêu chúng sanh?
Bồ-tát Văn Thù đáp:
-Vô Lượng. Trong giây lát Ngài sẽ tự chứng biết.
Văn Thù nói chưa dứt lời, vô số
Bồ-tát ngồi hoa sen từ biển vọt lên, đến núi Linh-thứu, trụ trong hư
không. Tất cả đều do Bồ tát Văn Thù hoá độ.
Bồ-tát Trí-tích thấy vậy bèn nói một bài kệ tán thán:
Đức của Đại-trí thật mạnh mẽ
Hoá độ được vô lượng chúng sanh
Nay trong đại hội nầy
Tất cả nhận thấy rõ
Đại trí nói nghĩa “ Thật-tướng”
Mở bày pháp “ Nhất-thừa”
Rộng độ các chúng sanh
Khiến mau thành Chánh giác.
Thật tướng mà Bồ Tát Trí Tích nói ở đây
là Vô tướng nghĩa là vạn pháp không hề có tự ngã tức là Không tướng. Thí
dụ chúng ta gọi chiếc xe là vì con người đặt cho nó cái tên để phân
biệt nó với những sự vật khác chớ thật sự trong chiếc xe không có cái gì
thật sự là xe cả. Bốn cái bành là chiếc xe ư? Cũng không đúng. Cái máy
hay hộp số là chiếc xe ư? Cũng không đúng. Cái xe chẳng qua là do duyên
hợp từ biết bao thành phần mà tạo thành chớ không có cái gì thật sự là
chiếc xe cả.
Sau đó ngài Văn Thù xiễn dương giáo lý
Phật thừa tức là nhất thừa Phật đạo, là con đường duy nhất đưa người tu
tiến thẳng về Phật quả tức là thành Phật.
Bồ-tát Đại Trí Văn Thù nói:
-Ở biển tôi thường tuyên dạy Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Bồ-tát Trí-tích hỏi:
-Kinh nầy rất thâm diệu. Vậy có chúng sanh nào siêng tu theo kinh nầy mà mau thành Phật không?
Bồ tát Văn Thù đáp:
-Có con gái của Long Vương mới lên
tám tuổi mà đầy đủ trí-đức, trong khoảnh khắc pháp Bồ đề tâm là được bất
thối chuyển, biện-tài vô-ngại, từ bi rộng lớn, công đức đầy đủ, có khả
năng đến quả Bồ Đề.
Đến đây, không những người nam được Bồ
Tát Văn Thù giáo hóa cho thành Phật mà hàng nữ nhi như Long nữ cũng được
độ thành Phật. Long nữ chẳng những thuộc hàng nữ giới lại là loài rồng
tức là loài thú mới có tám tuổi nghĩa là Long nữ vùa là nữ, vừa là thú,
vừa là trẻ em mà nói thành Phật thì làm sao Bồ Tát Trí Tích tin được.
Thế thì cái trí tuệ của Trí Tích Bồ Tát là phân biệt trí dựa trên sự
tướng nên ông mới thấy có đàn ông đàn bà, có loài thú loài người, có
người lớn trẻ em nên cái thấy biết này không rốt ráo, dễ bị sai lầm.
Ngược lại Bồ Tát Văn Thù là căn bản trí tức là trí tuệ sâu thẳm từ trong
bản thể chân như cho nên ngài Văn Thù nhìn thấu suốt thật tướng của sự
vật hiện tượng. Vì thế người nào có thể nhìn thấu thật tướng của vạn
pháp thì người đó có được căn bản trí tức là sống được với chơn tâm Phật
tánh của chính mình rồi nghĩa là Thỉ giác thể nhập với Bổn giác tức là
thành Phật.
Lời nói của Đại Trí Văn Thù có lẽ là một
cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử con người vì vào thời đức Phật còn
tại thế xã hội Ấn Độ là một xã hội quá kỳ thị về giai cấp cho nên vai
trò của người nữ rất hạn hẹp. Đức Phật đưa ra tinh thần bình đẳng cho
con người bằng cách thu nhận Tôn giả Ưu Ba Ly thuộc giai cấp hạ tiện vào
Tăng đoàn và đặc biệt cho phép nữ giới được gia nhập Tăng đoàn là một
hiện tượng có một không hai. Ngay cả thời bây giờ những quốc gia theo
Hồi giáo thì người nữ gần như không có vai trò gì trong xã hội cả. Ở Á
Châu vào thời phong kiến thì người nữ cũng chẳng sáng sủa gì. Khi đức
Phật chấp thuận cho Dì mẫu và 500 mệnh phụ phu nhân được xuất gia thì
Ngài chế ra “Bát Kỉnh Pháp”. Đó là:
1. Dầu cho thọ đại giới 100 năm, một Tỳ
kheo Ni đối với một Tỳ Kheo mới thọ giới một ngày cũng phải đảnh lễ,
chấp tay, xử sự đúng pháp.
2. Tỳ kheo Ni không thể An cư tại nơi không có Tỳ kheo Tăng.
3. Nửa tháng một lần, Tỳ Kheo Ni cần phải thỉnh chúng Tỳ kheo hỏi ngày đến giáo giới.
4. Sau khi An-cư xong, Tỳ kheo Ni cần phải làm lễ Tự-tứ trước hai bộ chúng về ba vấn đề thấy, nghe và nghi.
5. Tỳ kheo Ni phạm trọng tội, nửa tháng phải hành pháp sám Ma-na-đọa.
6. Sau khi học tập sáu giới pháp trong hai năm, Tỳ Kheo Ni phải đến xin thọ Cụ túc giới trước hai bộ chúng.
7. Không vì duyên cớ gì, một Tỳ kheo Ni có thể mắng nhiếc hoặc chỉ trích một Tỳ Kheo.
8. Không có sự phê bình của Tỳ Kheo Ni với Tỳ Kheo mà Tỳ Kheo có quyền phê bình Tỳ kheo Ni.
Ngày nay với tinh thần nam nữ bình đẳng
trong thế giới văn minh khoa học, có rất nhiều luận giải cho rằng Bát
Kỉnh Pháp không phải là do đức Phật chế ra mà do người đời sau tạo tác
vì có nhiều điều không hợp lý trái với những gì Phật khả cho Dì mẫu. Thí
dụ điều thứ sáu nói rằng người nữ phải thọ giáo hai năm rồi mới được
thọ giới Tỳ kheo ni, nhưng trên thực tế Dì mẫu cùng 500 mệnh phụ phu
nhân đâu có đợi đến hai năm mà họ trở thành Tỳ kheo ni liền. Có trường
hợp những Tỳ kheo thiếu đạo hạnh mà dựa theo Bát Kỉnh Pháp thì tuy Tỳ
kheo Ni đạo đức, phẩm hạnh cũng phải cung kính họ. Xét cho cùng, người
có phẩm hạnh chẳng cần ai lễ bái cúng kính họ cả vì sự an lạc chính họ
đã có rồi. Nếu thật sự một vị Tỳ kheo đàng hoàng, đạo đức thì xứng đáng
nhận sự cung kính lễ bái, còn nếu vị đó không có phẩm hạnh thì cho dù có
người cung kinh lễ bái thì chính họ cũng chẳng được cái gì, không xứng
đáng, lừa lương tâm mình và lừa sự tin tưởng của người. Thật ra Bát Kỉnh
Pháp là một công cụ để giúp hành giả phá chấp ngã của mình, bỏ cống cao
ngã mạn thế thôi.
Đi xa hơn nữa, có người còn lý luận rằng cho dù có Bát Kỉnh Pháp thì cũng chẳng có Tỳ kheo Ni nào chấp thủ tuân theo.
Bồ tát Trí-tích nói:
-Chính đức Phật Thích Ca còn phải
trải qua vô lượng kiếp cần khổ chứa nhiều công đức làm những việc khó
làm mới thành được đạo Bồ-đề, làm sao tin được chuyện Long Nữ trong chốc
lát mà chứng thành Chánh giác. Luận đàm chưa dứt bỗng nhiên Long nữ
hiện ra lễ Phật rồi đứng qua một bên nói bài kệ tán thán Pháp-thân,
Báo-thân và Ứng-thân Phật và cho biết là nàng do đã nghe được nghĩa “
thật tướng” của nền giáo lý “ nhất thừa” mà được chóng thành Bồ-đề
đạo. Nhưng viện nầy chỉ có Phật mới chứng biết mà thôi.
Bấy giờ ông Xá-lợi-phất nói với Long
Nữ: Thân gái nhơ-uế có năm điều chướng ngại: không được làm Phạm Thiên,
Đế-Thích, Ma-Vương, Chuyển-luân-thánh-vương và Phật thì làm sao cô thành
Phật được? Vả lại con đường Phật xa vời phải trải qua vô lượng kiếp cần
khổ mới đi cùng mà cô nói tu không bao lâu là chứng quả Vô Thượng
Chánh Đẳng Chánh Giác làm sao tin được?
Chẳng những Bồ Tát Trì Tích không tin
Long nữ sẽ thành Phật mà ngay cả Tôn giả Xá Lợi Phất cũng không tin. Tuy
đã được đức Phật thọ ký, nhưng Tôn giả Xá Lợi Phất vẫn còn nhìn thế
gian qua sự tướng nên thấy người nữ có nhiều nghiệp chướng hơn người
nam. Đối với ngài Xá Lợi Phật, có 5 điều mà người nữ không thể thành tựu
được là làm đấng Phạm Thiên, làm trời Đế Thích, làm Ma Vương Ba Tuần,
làm Chuyển Luân Thánh Vương và dĩ nhiên không bao giờ thành Phật được.
Hai ngài Bồ Tát Trì Tích và Xá Lợi Phất đều có cùng quan niệm là con
đường viên thành Phật quả cần phải trải qua vô lượng kiếp chớ không thể
thành Phật nhanh chóng được. Tại sao? Bởi vì tuy cả hai đều là những bậc
đại trí tuệ, nhưng trí tuệ này là do huân tập mà có tức là nó còn nằm
trong vòng tương đối nên thấy có nghiệp chướng nặng nhẹ, chấp có thân
nam thân nữ, chấp có Phật quả để thành thì đây là phân biệt trí. Ngược
lại dựa theo Đại Trí Văn Thù thì Long nữ đã trực nhận được Tri Kiến Phật
của chính mình mà trong thế giới của bản thể chân như không hề có tướng
cho dù là nam hay nữ, không hề có nghiệp nặng hay nhẹ, không hề có quả
vị để chứng đắc. Vì thế Long nữ nhận ra Tri Kiến Phật của mình tức thì
thành Phật mà không phải tu hành trải qua hằng sa kiếp. Phật giáo Đại
thừa chủ trương không có chứng đắc, không có quả vị để chứng và không có
trí tuệ để thành. Trong khi đó hàng Thanh Văn thì cầu với chứng, nhưng
tất cả quả vị chứng đắc thật ra không ai ban cho và ngay cả Bồ Đề, Niết
bàn cũng không do Phật thưởng bởi vì phiền não tan, vô minh biến thì có
được an nhiên tự tại cũng như mây đen tan thì trời xanh hiện. Vì thế mà
Tâm Kinh có câu: “Dĩ vô sở đắc cố” là vậy. Con người
quên rằng trong họ có hòn ngọc Ma Ni rất quý báu mà không biết sử dụng
nên cả đời luônsống trong cảnh thiếu thốn, nghèo túng. Thật vậy trong
mọi chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tánh, chơn tâm, Pháp thân thanh
tịnh nhưng vì bị vô minh che lấp nên không thấy mà cứ chạy đi tìm cầu
Phật ở bên ngoài. Nếu thức tỉnh phá được cái màn vô minh thì Phật tánh
hiện bày, chơn tâm biểu lộ cũng như thò tay vô túi lấy viên ngọc ra thì
làm gì còn nghèo khổ. Tam khổ, bát khổ chỉ là giáo lý phương tiện, là
cách nói chớ chẳng có gì là khổ cả một khi tâm chúng sinh không còn chấp
trước mê lầm. Không vui là tại mình, khổ là do mình chớ đâu phải tại
đời hay do ở Phật trời. Nếu chúng sinh bỏ lối nhìn đời bằng đôi mắt thịt
mà tập nhìn đời bằng đôi mắt trí tuệ (Bát Nhã) thì dưới tuệ nhãn này
con người sẽ không còn quan tâm để ý đến “sự tướng” sinh diệt, không còn
quan trọng nhà to, xe tốt, áo lụa, quần là, tiền tài, danh vọng ngay cả
chùa to Phật lớn họ cũng không màn, tất cả chỉ là phương tiện. Mà tinh
yếu là quay về sống với “bản thể” thanh tịnh, cái ánh sáng trí tuệ hằng
sáng ở trong ta. Khi đã sống được với thể tánh thanh tịnh của mình thì
con người sẽ không còn chạy theo ảo ảnh phù du của nhân thế. Đó là tại
sao Đức Phật và những người giác ngộ thì cung vàng điện ngọc họ cũng
chẳng cần và tiền tài danh vọng họ xem như bọt biển phù du.Dựa theo giáo
lý Nhất thừa thì khi chúng sinh loại bỏ hết Kiến Hoặc, Tư Hoặc và Vô
Minh Hoặc thì họ sẽ trở về với Tri Kiến Phật vốn sẵn có của mình chớ
không có gì để chứng đắc. Cũng như mây tan thì trời sáng, nhưng ánh sáng
mặt trời thì lúc nào cũng sáng chớ đâu phải đến lúc mây tan mới có. Tri
Kiến Phật cũng vậy. Nó lúc nào cũng có trong ta chớ đâu phải tu đạt đạo
rồi mới có. Lý do con người không biết mình có Tri Kiến Phật là vì bị
phiền não vô minh che lấp cũng như mây đen che lấp ánh sáng mặt trời. Do
đó con người sau khi tu hành trải qua hằng sa kiếp thì thấy mới được
Tri Kiến Phật của mình. Ở đây, Long nữ không cần tu hành dài lâu như
thế, mà chỉ cần nghe kinh Pháp Hoa, tin và trực nhận Tri Kiến Phật của
mình thì thành Phật.
Phẩm Quán Chúng Sanh trong kinh Duy Ma Cật có đoạn đối thoại giữa Tôn giả Xá Lợi Phất và Thiên nữ:
Ông Xá Lợi Phất tán thán: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiên nữ! Cô đắc gì? Cô chứng được gì? Mà cô có được sức biện tài như thế?
-Tôi không đắc gì hết cũng không
chứng gì hết nên tôi mới có được biện tài như thế. Vì sao? Bởi vì có
chứng có đắc ở trong Phật pháp là người tăng thượng mạn.
Thói thường thì con người lấy bằng cấp,
chứng đắc để định giá trị trong nhân quần xã hội hay nhiều người nghĩ
rằng phải có chứng đắc mới có thần thông, trí tuệ, biện tài nhưng trong
giáo lý Đại thừa thì khẳng định rằng vì không có chứng đắc gì cả nên mới
có được những thứ như thần thông, trí tuệ và biện tài vô ngại. Tại sao?
Bởi vì khi chúng sinh đạt đến đỉnh cao của trí tuệ mà con người gọi là
chứng đắc thì thật ra chẳng có chứng đắc gì cả vì con người chẳng qua là
quay về với cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình đã có vậy thôi
tức là “bản lai diện mục”, trở về với Như Lai Viên Giác Diệu Tâm vốn
trong sáng mầu nhiệm của mình chớ không phải nó có từ bên ngoài hay là
do bất cứ một ai tặng cho mà được. Vì quả vị Phật là “vô tại vô bất tại”
nghĩa là nó ở đâu cũng có mà ở đâu cũng chẳng có. Nếu con người biết
dẹp tan vọng thức mê lầm, phiền não vô minh thì Bồ-đề hiển hiện trong
tâm của chúng ta ngay. Do đó người tu hành không hề mong cầu bất cứ điều
gì ngay cả việc chứng đắc, vì còn mong cầu là tâm còn tham tức là còn
khổ và dễ bị sa ngã.
Cũng trong kinh Duy Ma Cật, Tôn giả Xá
Lợi Phất đã biết chẳng có tướng nam, tướng nữ khả đắc thế thì tại sao
trong pháp hội Pháp Hoa ngài lại hoài nghi việc Long nữ thành Phật?
Ông Xá Lợi Phất hỏi:
-Tại sao Thiên nữ không chuyển đổi nữ thân?
Thiên nữ nói:
-Từ mười hai năm, tôi tìm cái tướng
nữ thân không có. Tôi biết phải chuyển gì? Ví như huyễn sư hóa làm người
nữ huyễn. Nếu có người hỏi:”Vì sao không chuyển nữ thân”. Câu hỏi đó có
đúng lý không?
Ông Xá Lợi Phất đáp:
-Không đúng. Đã huyễn thì không có tướng cố định. Biết chuyển cái gì.
Thiên nữ nói:
-Tất cả các pháp cũng như vậy. Không có tướng cố định. Thế tại sao ngài hỏi tôi:”Vì sao không chuyển đổi nữ thân?”
Liền đó, thiên nữ dùng sức thần thông
biến ông Xá Lợi Phất y như Thiên nữ. Thiên nữ hóa mình y như ông Xá Lợi
Phất và hỏi:”Vì sao ngài Xá Lợi Phất không chuyển nữ thân?”
Trong dáng mạo Thiên nữ, ông Xá Lợi Phất đáp:
-Tôi không biết chuyển thế nào mà biến làm thân nữ như vầy.
Thiên nữ nói:
-Ngài Xá Lợi Phất mà có thể chuyển ra
thân nữ như thế thì tất cả người nữ cũng sẽ có thể chuyển được. Ngài Xá
Lợi Phất không phải nữ mà hiện thân nữ thì tất cả người nữ không phải
nam lại cũng có thể hiện thân nam. Ngài Xá Lợi Phất dù hiện thân nữ mà
không phải nữ. Thế cho nên Phật nói:”Tất cả pháp phi nam phi nữ”.
Ngay bây giờ, Thiên nữ thâu nhiếp thần lực, ông Xá Lợi Phất hoàn hình như cũ.
Thiên nữ hỏi:
-Hình mạo nữ thân của ngài ở đâu?
-Hình mạo nữ thân của tôi không ở đâu, không đâu chẳng ở.
-Tất cả các pháp cũng lại như vậy. Không ở đâu, không đâu chẳng ở.
-Cái đạo lý: không ở đâu, không đâu chẳng ở là chân lý Đức Phật đã nói ra.
Tại sao Thiên nữ lại dùng con số mười hai
năm thay vì mười năm hay mười lăm năm? Mười hai năm ở đây là muốn ám
chỉ cho thuyết Thập nhị nhân duyên. Đó là Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc,
Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão-Tử. Chúng sinh vị bị cái
màn vô minh đen tối phủ lên tâm trí bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp nên
không thấu biết chân lý mà sống trong lầm lẩn, lấy khổ làm vui. Họ nghĩ
rằng thân họ là chắc thật, tài sản vật chất chung quanh cũng chắc thật
nên cuộc sống mới trở thành sô bồ điên đảo. Cũng vì thế mà nguyên nhân
của phiền não là Ái, Thủ, Hữu mới tha hồ sinh khởi mà phải chịu trầm
luân trong sinh tử luân hồi.
Theo quan niệm cổ xưa thì người nữ nặng
nghiệp hơn người nam vì nặng chữ “Ái” vì thế trước khi được giải thoát
giác ngộ thì họ phải chuyển thân nữ thành nam.Ông Xá Lợi Phất chấp hình
tướng bên ngoài nên thấy có sự phân biệt nam, nữ hay nói rộng rãi hơn là
trọng nam khinh nữ. Vì còn kẹt trong vòng phân biệt, chấp tướng nên ông
chưa tự tại biến hóa trong khi đó Thiên nữ tu theo Bồ-tát đạo nên tâm
không còn phân biệt chấp trước khiến cho có sức thần thông tự tại biến
hiện mọi thân hình. Nếu nhìn vạn pháp qua trí tuệ thì không có tướng nữ,
tướng nam vì chúng chỉ là do nhân duyên biến hiện. Mà đã là do nhân
duyên thì nam, hay nữ cũng đều là giả huyễn, là sinh diệt, là vô thường
vô ngã mà thôi.
Long-nữ liền lấy một hạt châu hiến dâng cho đức Phật. Phật nhận.
Long-nữ hỏi Trí-tích:
-Tôi hiến châu, Thế-tôn nhận lấy, việc ấy có mau chăng?
-Mau. Trí-tích đáp!
-Ông hãy lấy sức thần của ông xem đây, tôi thành Phật còn mau hơn việc đó.
Toàn thể chúng hội liền thấy Long-nữ
thoạt nhiên biến thành nam-tử, đủ hạnh Bồ-tát qua cõi Vô-cấu ở phương
Nam, ngồi toà sen báu thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Bồ tát Trí Tích và Văn Thù làm thinh.
Một lần nữa, kinh xác định rằng trong mỗi
chúng sinh đều có sẵn Tri Kiến Phật nên ai ai cũng có khả năng thành
Phật. Mà chúng sinh là ám chỉ cho mọi loài, nam có nữ có ngay cả loài
rồng cũng là chúng sinh. Vì thế người nam thành Phật, người nữ cũng có
thể thành Phật ngay cả loài rồng cũng thành Phật được. Tôn giả Xá Lợi
Phất dựa theo tri kiến thông thường nên còn chấp, nhưng Long nữ một khi
đã ngộ,nhập Phật tri kiến”nghĩa là đãtỏ ngộ và thâm nhập
cái thấy biết của Phật thì nàng thành Phật nhanh như một cái chớp mắt.
Tại sao có thể thành Phật nhanh như thế? Bởi vì Phật tánh đã có trong ta
rồi chớ đâu phải tu hành vạn kiếp mới có cho nên nếu chúng sinh trực
nhận tức là thấy biết được cái Tri Kiến Phật của mình thì tức thì chuyển
từ mê thành giác. Mê biến thì giác hiển bày tức là thành Phật. Ngược
lại, nếu không trực nhận Tri Kiến Phật của mình thì phải tu hành trải
qua vô lượng kiếp cho đến khi diệt trừ hết Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Vô Minh
Hoặc và Trần Sa Hoặc thì sẽ thành Phật.
Tóm lại, với tư tưởng tối thượng thừa của
kinh Pháp Hoa một lần nữa xác định rằng bất cứ ai cũng đều có Phật
tánh, Tri Kiến Phật giống y như Phật vì thế họ đều có khả năng thành
Phật. Những người bình thường, lương thiện tu hành thì thành Phật là
chuyện có thể tin được, nhưng ở đây kinh đưa ra thí dụ là ngay cả ông Đề
Bà Đạt Đa là người phạm tội ngũ nghịch theo lẽ thông thường thì phải bị
đọa vào địa ngục vô gián mà cũng được Phật thọ ký về sau sẽ thành Phật.
Lý do là hiện tại tuy ông đang làm rất nhiều việc ác, nhưng trong ông
Phật tánh không hề bị sức mẻ nên vô lượng kiếp về sau khi ông thức tỉnh
thì mê biến giác tự hiển bày tức là thành Phật. Kinh không dừng lại ở
đây mà còn giới thiệu Long nữ là một con rồng mới tám tuổi, mang thân nữ
mà lại thành Phật trước mắt mọi người. Đây quả thật là chuyện hy hữu
hiếm có trên đời nếu chúng sinh nhìn nó bằng một góc độ của phàm nhân.
Ngược lại nếu nhìn theo lăng kính Pháp Hoa thì bất cứ ai cũng đều có sẵn
Tri Kiến Phật vì thế nếu họ biết trực nhận cái tri kiến Phật ấy thì tức
thì thành Phật mà không cần tu hành trải qua vô lượng kiếp. Người trực
nhận Tri Kiến Phật của mình là người sống với tánh giác hằng sáng của
mình nghĩa là tâm mình là tâm Phật và từ đó những ý niệm đen tối hắc ám
như ý niệm tham lam vô độ, giận dữ hung hãn và si mê ám chướng không
còn. Nên nhớ không đợi đến lúc làm thân súc sanh hay bị đọa vào địa ngục
mới biết khổ mà ngay bây giờ trong cái thế giới có sinh có diệt này nếu
chúng sinh không biết thức tỉnh, không sống trong chánh niệm thì con
người hằng ngày vẫn bị đọa vào súc sanh hay địa ngục như thường. Thật
vậy, nếu chúng sinh sống bê tha, trụy lạc, trái với luân thường đạo lý,
bất chấp công lý, bất chấp phải trái thì chính họ đang sống trong si mê
vô liêm sĩ, vô minh hắc ám, mất hết nhân cách thì lúc đó họ đang đọa vào
hạng súc sanh rồi đó. Nếu có người sống với lòng tham lam vô độ, chỉ
biết lợi mình mà hại cho nhân quần xã hội, tạo hạnh phúc trên sự đau khổ
và nước mắt của kẻ khác thì họ đang sống với loại ngạ quỷ đó. Còn có
biết bao người sống trong lầm than, khổ sở, đau khổ không có lối thoát,
nỗi khổ này chưa xong thì nỗi khổ khác lại đến. Nếu họ không sống trong
địa ngục trần gian thì là gì? Do đó tinh thần Pháp Hoa giúp người tu
thêm nghị lực để chuyển mê thành ngộ và hóa giải hết những tư tưởng bất
thiện bởi vì “tội tòng tâm khởi tòng tâm diệt” vì thế khi tâm đã trong
sáng thì những cảnh giới súc sanh, ngạ quỷ ngay cả địa ngục trong tâm
biến mất. Càng hóa giải thì tâm càng thanh tịnh và ánh sáng chân lý sẽ
từ từ hiển lộ trong ta. Do đó một khi trực nhận Tri Kiến Phật của mình
thì mình sẽ không phiêu lưu mạo hiểm tạo ra những nhân bất thiện cho nên
cuộc sống sẽ chuyển sang thanh tịnh, nhẹ nhàng và tự tại.