PHẦN II. BẢN DỊCH THIỀN UYỂN TẬP ANH
(1a1) BÀI TỰA IN LẠI THIỀN UYỂN TẬP ANH
Thiền uyển tập anh, sao dùng nghĩa đó? Xin thưa, dùng sự anh tú của nó làm nghĩa vậy.
Sao thế ?
Người
theo thiền tông cố nhiên là nhiều, nhưng kẻ biết lẽ huyền thật ra lại
hiếm; Chính như một con phụng giữa bầy gà, một cây lan trong đám cỏ. Nếu
chẳng phải phú bẩm anh dị, tri kiến siêu quần, làm sao thấu được ý chỉ
huyền vi, để có thể làm lãnh tụ cho kẻ hậu học và mô thức cho người đời
sau?
Đáng
tin thay! Trong vườn Thiền, người anh kỳ là hiếm, nhân đấy trích lấy
những bậc danh công, thạc đức để làm tỏ sự tổ thuật của thiền học. Nên
cái nghĩa của Tập anh chính do đó mà có tên.
Kể
từ hỗn độn bắt đầu, bấy giờ có Phật Uy Âm xuất thế (1), sáng làm tị tổ
của thiền tông. Nhưng thời ấy, tục còn thuần hậu, người nhiều chất phác,
kinh giáo ở tại hư không (1b1), không cần nói ra để làm máy hóa độ. Kẻ
nào lấy ma làm Phật kẻ đó trá ngụy ngày càng sinh, gian dâm ngày càng
dấy, nghiệp nợ kết đầy, chướng tội thêm thẳm. Nếu chẳng dùng đến thuyền
từ cứu vớt, thì chẳng thể được.
Cho
nên cha cả Thích Ca xuất hiện ở Ta bà (2), vì họ mà nói ra kinh kệ, dạy
dỗ chúng sanh, chín kiếp vượt tu (3), công thành quả mãn. Do thế, Phật
giáo đại hành, thiền tông tiếp nối, như gió thổi qua sáu nẻo (4), để đem
mát lành, tuyết rơi trên ba đường (5) để dẹp nóng dữ. Bí quyết thành
Phật làm Tổ, từ đó mới mở được mối manh.
Nước
Đại Việt ta, lời Phật thấm nhuần khắp cả, mưa pháp sóng gội nhiều nơi,
cắt tóc xuất gia, chứng ấn ngộ không thì cũng có người. Về hành tích,
lòng thiền họ sáng như mặt trời, gương đạo trong như băng giá. Có người
ra đời để giúp nước an dân, có kẻ nhập thế để đỡ ngã, vớt chìm. Có người
sớm ngộ ấn tâm, chống gậy làm thần diệu cơ mầu của Đạt Mạï (6) (2a1).
Có kẻ muộn vào cửa thiền, chú sen (7) khiến hiển hiện bí quyết của Đồ
Trừng. Còn những kẻ, chim rừng chuộng niềm đức, nghe kinh trong cửa, dã
thú mến lòng nhân, cửa bếp dâng cơm. Đó là lòng thành cảm cách đã hiệp,
chỗ học thần hóa được xong, há chẳng là sự mầu nhiệm của bốn mắt nhìn
nhau ư! Thật đã đủ để làm bậc anh tú trong vườn thiền vậy.
Ôi!
Phật đạo chí huyền, mà lòng lại huyền ở trong huyền. (8) Phật đạo rất
lớn mà lòng lại lớn ở trong lớn. Lòng ư! Lòng ư! Nó là cái chủ tể của sự
tu đạo ư!
Một
sách Thiền uyển này, bắt đầu từ việc thiền sư Vô Ngôn Thông truyền đạo,
đèn đèn nối nhau, ánh ánh huy hoàng, song rút gọn lời dài, làm ngắn
chuyện rộng thì cũng đều cái lòng ấy là Chánh giác vô thượng vậy. Xét
nguyên do nó, nếu chẳng phải gột rửa sáu trần, rời bỏ bốn tướng (9) mà
có thể được như thế sao ?
Tôi
ròng học sách Nho, xem (2b1) thêm kinh Phật, xét về lý hữu vô của
chúng, tuy nói là hai đường, nhưng khảo về chỗ quy kỉnh thì tợ cùng một
lẽ. Nhân khi rảnh rỗi giảng dạy ở trường (10), gặp một bạn thiền đến bàn
lời Phật, đối thoại hồi lâu, là những vấn đề lông rùa sừng thỏ. Y nhân
đó lấy ra từ trong tay áo, có Tập anh một tập nhờ tôi chỉnh cú, để tiện
in lại, nhằm khỏi sai lầm. Tôi xem trong sách ấy có nhiều cao thiền,
danh tổ, học tu hết sức, chứng ngộ rất thiêng, bất giác trong lòng vừa
kính vừa phục. Họ bàn không, nói giác, đấy đương nhiên không phải nằm
trong phần việc của tôi.
Nhưng
kinh Dịch có nói: “Trẻ nhỏ cầu ta” (11). Cho nên, tôi không thể không
theo lời xin của Y để sửa lại những chữ thiếu và mất, thêm vào những chỗ
sót và thoát lạc. Trong khoảng tuần nhật, lời văn nghĩa lý của sách này
rõ ràng trở lại như xưa, không kém gì ánh trăng thêm sáng. Y nhân đó
xin tôi một bài tựa dùng để khắc vào đầu sách, nhằm hiển dương Phật giáo
(3a1). Tôi không tiếc công, cho gọi đứa ở đến trước mặt, bảo lấy bút
giấy, chuẩn bị viết lách, rồi thảo một thiên lời quê. Y nhân đó vái chào
mà nhận. Cẩn tự.
In lại vào ngày tốt tháng tư năm Lê Vĩnh Thạnh thứ 11 (1715).
(3b1) Thác tích của thiền tông: Thích tử Như Trí
Môn đồ:
Sa di Tính Nhu
Thiện nam tử Tính Phận
Tính Xuyến
Tính Thành
Tính Trung
Tính Từ
Tính Huy
Tính Hưng
Tính Kiến
Tính Minh
Tính Bổn
Tính Băng
Tính Phụng
Thiện nữ nhân: hiệu Diệu Tặng
hiệu Diệu Đạo
Tính Phụng