IV. NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP VIẾT SỬ
Như
đã thấy, cho đến những năm 1310 tình trạng sử liệu Phật giáo Việt Nam
tương đối đã bị thất lạc một phần lớn, dẫn tới những phát biểu lịch sử
rời rạc và thiếu sót trong Lược dẫn thiền phái đồ. Từ đó nảy sinh một ý
thức và một nỗ lực mới nhằm giải quyết tình trạng ấy mà kết quả là sự ra
đời của Thiền uyển tập anh. Để viết nó, người viết đã sưu tầm lại được
một số lớn tài liệu, mà chủ yếu là gồm hai loại sau đây. Thứ nhất là
những tác phẩm sử học Phật giáo Việt Nam ra đời trước nó như Chiếu đối
lục của Thông Biện và Biện Tài, Nam tông tự pháp đồ của Thường Chiếu và
Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật. Đây là loại tư liệu cơ sở mà Thiền uyển
tập anh đã dùng. Tiếp đến là loại tư liệu phụ bao gồm những tác phẩm sử
học Việt Nam như Sử ký và Quốc sử, những tác phẩm của những tác gia Việt
Nam kể cả những tác phẩm của các thiền sư, mà nó viết tới, những tài
liệu trong bia, và cuối cùng là những tác phẩm thiền tông Trung Quốc, mà
nổi bật nhất là Truyền đăng lục của Đạo Nguyên.
NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU CƠ SỞ
Về
loại thứ nhất thì Chiếu đối lục không được Thiền uyển tập anh trực tiếp
dẫn ra như một sử liệu kiểm soát những sử liệu khác. Điều này có nghĩa,
hoặc Chiếu đối lục đã không được tác giả nó dùng đến, hoặc ngược lại,
tác giả nó đã sử dụng Chiếu đối lục như một sử liệu chính để viết về
những vị thiền sư ghi trong nó. Hai trường hợp này, chúng tôi nghĩ
trường hợp sau tỏ ra gần sự thật hơn, bởi vì trong một chú thích ở
truyện Định Huệ tờ 53b1, Thiền uyển tập anh viết: “Xét Nam tông tự pháp
đồ nói Huệ là pháp tự của Vạn Hạnh, điều này sợ sai, nay cứ bản truyện”.
Ta biết Định Huệ là thầy của Huệ Sinh, mà Huệ Sinh thì được Thông Biện
nhắc tới trong buổi thuyết trình vào ngày 15 tháng 2 năm Hội Phong thứ 5
(1096). Do thế, Huệ Sinh cũng như Định Huệ chắc chắn phải được Biện ghi
lại trong Chiếu đối lục. Cái gọi là bản truyện trong chú thích vừa dẫn
mà tác giả Thiền uyển tập anh dựa và để nghi ngờ lối xếp đặt của Nam
tông tự pháp đồ về thứ tự thừa kế của Huệ hẳn phải xuất phát từ Chiếu
đối lục đó, chứ không thể một nơi nào khác. Bởi vì xuất phát từ đấy, nó
mới có một sức thuyết phục tác giả Thiền uyển tập anh về sự đúng đắn của
nó hơn Nam tông tự pháp đồ.
Dẫu
sao chăng nữa, Chiếu đối lục là một tác phẩm chung của Thông Biện và
Biện Tài. Chúng tôi nói là tác phẩm chung vì lẽ tác phẩm của Thông Biện
nguyên có tên là Chiếu đối bản, như truyện Thần Nghi, tờ 40a9 đã ghi,
còn Chiếu đối lục thực sự là tên của một tác phẩm của Biện Tài do vua ra
lệnh “biên tu”, nhưng Biện Tài là học trò nối pháp của Thông Biện. Do
thế, Chiếu đối lục thực chất là do Chiếu đối bản mà nhào nặn nên, và
không khác gì nó cho lắm, để sau này, trong lịch sử truyền thừa, Thường
Chiếu đã dùng Chiếu đối bản của Thông Biện để truyền lại cho đệ tử của
mình là Thần Nghi. Bản truyền này dù vẫn gọi là Chiếu đối bản chúng tôi
chắc rằng nó cũng bao gồm cả những “biên tu” do vua ra lệnh cho Biện
Tài. Ngày nay, cả Chiếu đối lục lẫn Chiếu đối bản đã mất, nên ta không
thể bàn cãi gì thêm về những nội dung của chúng được. Song nếu cách hiểu
trên của chúng tôi về chữ “bản truyện” trong chú thích vừa dẫn trước
được chấp nhận, thì Chiếu đối bản lẫn Chiếu đối lục chủ yếu là ghi lại
một cách đơn sơ những nét chính về cuộc đời của các vị thiền sư Việt Nam
từ Tỳ Ni Đa Lưu Chi trở xuống cho tới Viên Chiếu (999-1090) và Huệ Sinh
(?-1064), sau khi đã mở đầu bằng một giới thiệu đại cương về lai lịch
và nguồn gốc của Phật giáo Việt Nam từa tựa như những gì mà Thông Biện
đã thuyết trình trong buổi hội năm 1096 nói trên.
Về
Nam tông tự pháp đồ, tác giả Thiền uyển tập anh dẫn ra cả thảy bốn lần,
trong đó ba lần gọi tắt là Nam tông đồ ở những truyện Không Lộ tờ
25b11, truyện Ma Ha, tờ 51a5 và truyện Định Giác tờ 72a1, còn một lần
gọi đủ tên trong truyện Định Huệ, tờ 53b1 dẫn trước. Căn cứ vào những
dẫn chứng ấy, ta có thể rút ra hai kết luận khá rõ rệt về vị trí cũng
như nội dung nó trong liên hệ với Chiếu đối lục. Thứ nhất, nó không phải
là một chép lại hoàn toàn và y nguyên văn những gì Chiếu đối lục đã
ghi. Điều này thể hiện dứt khoát nhất trong những dẫn chứng ở truyện Ma
Ha và truyện Định Huệ. Ma Ha theo nó là thuộc pháp tự của Nam Dương,
nhưng Thiền uyển tập anh đã xếp ông vào hàng đệ tử của Pháp Thuận. Việc
xếp đấy tất phải đến từ Chiếu đối lục bởi vì ngoài Chiếu đối lục, nó
không có một tài liệu nào khác có thể giúp xếp đặt được, mà ta có thể
biết. Về Định Huệ thì ta đã bàn cãi ở trên. Thứ hai, vì nó không là một
sao chép hoàn toàn Chiếu đối lục, Nam tông tự pháp đồ do thế đã có tham
vọng trở thành một cuốn sử thứ hai song hành với Chiếu đối lục. Thực
vậy, cũng cứ vào những dẫn chứng trên, thì nó đã không ghi lại tiểu sử
và hệ phái không những của những người sống từ thời Thông Biện (?-1134)
đến thời tác giả nó là Thường Chiếu (?-1203) một điều Chiếu đối lục
không thể làm được, mà còn của những người đã được Thông Biện và Biện
Tài chép ở Chiếu đối lục .
Như
thế, qua hai kết luận đó thì Nam tông tự pháp đồ rõ rệt có tham vọng
trở thành một cuốn sử đầy đủ và có thể thay thế cho Chiếu đối lục. Nội
dung nó do vậy không phải chỉ đơn thuần bao gồm những bản đồ chỉ ra thứ
tự các thế hệ truyền pháp của các dòng thiền Việt Nam, mà còn bao gồm
chắc chắn cả những tiểu truyện về họ ghi rõ nơi ở, quê quán, niên đại,
và hành tích nếu có, của họ. Có lẽ nhờ viết nó trên một qui mô loại đó,
nên đến hậu bán thế kỷ 15 Lương Thế Vinh (1441-?) đã viết tựa cho việc
in lại, như Văn tịch chí của Lịch triều hiến chương loại chí 45 tờ
105a6-7 đã ghi. Truyền bản của nó, qua bản in có bài tựa của Lương Thế
Vinh chắc chắn đang còn lưu hành vào tiền bán thế kỷ thứ 19, lúc Phan
Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí bởi vì chính trong tác phẩm
ấy Chú nói đến việc “Nam tông tự pháp đồ, 1 quyển, thầy Viên Chiếu
soạn, trạng nguyên Lương Thế Vinh viết tựa”, một điều mà Nghệ văn chí
của Lê Quí Đôn không chép ra. Có thể, Đôn chưa có dịp thấy Nam tông tự
pháp đồ như một truyền bản. Ông chỉ ghi lại nó theo những gì mà Thiền
uyển tập anh đã báo cáo mà thôi.
Cuối
cùng là Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật. Cả Chiếu đối lục lẫn Nam tông tự
pháp đồ hình như cung ứng cho Thiền uyển tập anh những xương sườn tiểu
sử của các vị thiền sư. Còn việc viết nên những tiểu sử như chúng xuất
hiện ngày nay trong Thiền uyển tập anh, tác giả chúng đã phải dùng đến
Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật. Nguyên do cho một suy nghĩ như vậy bắt
nguồn từ hai trường hợp khá đặc biệt sau đó là truyện Tịnh Không và
truyện Nguyện Học. Đặc diểm nổi bật nhất của hai truyện ấy là chúng có
hoặc cơ duyên thoại ngữ, hoặc kệ thị tịch giống với cơ duyên thoại ngữ
hoặc kệ thị tịch trong Truyền đăng lục của Đạo Nguyên. Cho nên, cuối
truyện Tịnh Không, Thiền uyển tập anh đã viết câu chú ở tờ 29a5-6 thế
này: “Cơ duyên thoại ngữ của truyện này cùng với truyện của hòa thượng
Giáp Sơn trong Truyền đăng rất hiệp, nay xét Liệt tổ yếu ngữ của Huệ
Nhật thì đều đã chép đủ, nên không dám cải chính”. Còn ở truyện Nguyện
Học, nó viết ở tờ 36a9: “Truyện này cùng với truyện của Huệ Tư trong
Truyền đăng đại khái giống nhau. Nay cứ vào những gì do Liệt tổ yếu ngữ
của Huệ Nhật chép”.
Bằng
hai chú thích đó, ta có thể rút ra hai kết luận khá rõ rệt, đấy là 1-
Chính Liệt tổ yếu ngữ đã cung cấp những “yếu ngữ”, tức những lời nói
chính yếu của các Tổ sư cho Thiền uyển tập anh, và 2- Tác giả Thiền uyển
tập anh có một đánh giá cao về quyền uy của những gì do Liệt tổ yếu ngữ
ghi lại. Về kết luận thứ nhất, mặc dù truyện của các thiền sư khác
không ghi là yếu ngữ của họ lấy ra từ Liệt tổ yếu ngữ, chúng tôi nghĩ
chúng ta phải giả thiết là một sự thực như thế đã xảy ra. Lý do cho một
giả thiết đó nằm ở chỗ không lẽ Liệt tổ yếu ngữ chỉ độc nhất chép yếu
ngữ của Tịnh Không và Nguyện Học mà thôi chăng. Đương nhiên, nó không
chỉ gồm yếu ngữ của hai người ấy. Vì nó còn chép lại yếu ngữ của những
vị khác có tên trong Thiền uyển tập anh, nên ngay khi cả yếu ngữ của
Tịnh Không và Nguyện Học không gì hơn là yếu ngữ của Thiện Hội và Huệ Tư
trong Truyền đăng lục của Đạo Nguyên nó vẫn được chấp nhận là đã chép
trung thực yếu ngữ của những vị đó. Do thế, tác giả Thiền uyển tập anh
đã có thể “dựa vào” những gì Liệt tổ yếu ngữ chép, mà “không dám cải
chính” chúng. Ông đã đánh giá rất cao quyền uy của tác phẩm đấy.
Điều
đáng ngạc nhiên là, ngoài Thiền uyển tập anh ra không thấy một tác giả
nào khác nhắc tới Liệt tổ yếu ngữ. Ngay cả tác giả nó là Huệ Nhật, ta
ngày nay hiện chưa phát hiện được một tài liệu nào có ghi tên đó. Dẫu
thế, chúng tôi nghi Huệ Nhật là người cùng thời với Ứng Thuận, vì lẽ
những người kế thừa cuối cùng của hai dòng thiền Pháp Vân và Kiến Sơ như
Tức Lự, Hiện Quang và Y Sơn thì đều có ghi “yếu ngữ” của họ cả, trừ một
mình Ứng Thuận, là người kế thừa cuối cùng nhất của dòng thiền Kiến Sơ
đã không có ghi lại một yếu ngữ nào. Nói khác đi, Huệ Nhật đã không gồm
Ứng Thuận vào số những vị tổ mà mình chọn lọc yếu ngữ. Dĩ nhiên, không
phải chỉ một mình Ứng Thuận là không có yếu ngữ trong Thiền uyển tập
anh. Điểm đáng kể là ông là người nối dõi sau cùng dòng thiền Kiến Sơ và
là một trong vị khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm, mà lại không có yếu
ngữ. Đó là lý do cho ta đề nghị Huệ Nhật sống cùng thời với Ứng Thuận và
viết Liệt tổ yếu ngữ khoảng những năm 1250 trở đi.
Về
nội dung, thì trong số 68 vị thiền sư thuộc hai dòng thiền Pháp Vân và
Kiến Sơ có tên trong Thiền uyển tập anh thì có 13 vị là không có một
yếu ngữ nào hết. Lối văn mô tả cuộc đời 13 vị đó mang nặng tính chất
biền ngẫu của loại văn bia. Còn lại 55 vị kia thì đều có yếu ngữ dưới
một hình thức này hay nọ, trong đó riêng về Viên Chiếu, thì có lẽ là
không, chứ tất cả những vị khác, Thiền uyển tập anh rút yếu ngữ của họ
ra từ Liệt tổ yếu ngữ. Thật ra, dẫu ta muốn có một nguồn tài liệu khác
cho nó rút ra, ta hiện cũng không thể đề nghị đích danh nguồn tài liệu
đấy được. Từ đó, nội dung của Liệt tổ yếu ngữ ghi chép lại những lời nói
chính yếu của khoảng 54 vị thiền sư hiện có tên trong Thiền uyển tập
anh. Vấn đề ta chưa thể giải quyết là Huệ Nhật đã lấy tài liệu ở đâu để
viết nên Liệt tổ yếu ngữ.
2. NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU PHỤ
Trên
đây, chúng tôi đã giới thiệu sơ ba tư liệu chủ yếu, đấy là Chiếu đối
lục của Thông Biện và Biện Tài, Nam tông tự pháp đồ của Thường Chiếu và
Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật, mà tác giả Thiền uyển tập anh đã dùng để
viết tác phẩm mình. Trong số ba tư liệu đây thì Chiếu đối lục và Nam
tông tự pháp đồ cung cấp cho ông những dữ kiện tiểu sử như nơi ở, quê
quán, niên đại và hành tích còn Liệt tổ yếu ngữ giúp ông có được những
đối thoại giữa các thầy trò thiền sư cũng như những bài thơ và những bài
kệ thị tịch và thị chúng. Ngoài những tư liệu cơ sở ấy, ông còn tham
cứu và sử dụng bốn loại tư liệu phụ sau mà Thiền uyển tập anh ghi rõ lại
tên hay để lại một số dấu vết và ta có thể suy luận ra.
Hầu
hết là những tư liệu lịch sử chính trị Việt Nam, về loại này Thiền uyển
tập anh đã dẫn rõ hai tên, đó là Quốc sử và Sử ký. Quốc sử được dẫn ba
lần ở những truyện Tịnh Giới tờ 34b7, truyện Vạn Hạnh tờ 53a8 và truyện
Đạo Hạnh tờ 56b2. Cứ vào hai lần dẫn sau, ta có thể chắc chắn là, Quốc
sử, đấy không chỉ tác phẩm nào khác hơn là Đại Việt sử ký của Lê Văn
Hưu, tức bộ sử cổ Trần Thái Tông sai Hưu trùng tu lại bộ sử của Trần Chu
Phổ và đến năm 1272 mới hoàn thành dưới triều Trần Thánh Tông, “chép
việc từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, phàm 30 quyển”. Thực vậy, lấy
lần dẫn ở truyện Đạo Hạnh làm thí dụ. Thiền uyển tập anh viết: “Xét Quốc
sử thì năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117) các con của Sùng Hiền Hầu,
Thành Khánh Hầu, Thành Chiêu Hầu, Thành Quảng Hầu và Thành Hưng Hầu được
đón vào trong cung để nuôi dạy. Con của Sùng Hiền Hầu năm ấy mới hai
tuổi. Vua rất yêu thương, bèn lập làm Thái tử... Đại Việt sử ký toàn thư
B3, tờ 18a8-b3 cũng chép tương tợ. Đủ rõ Quốc sử không gì khác hơn là
Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu”.
Còn
về Sử ký vấn đề hơi rắc rối hơn. Nó chỉ được dẫn một lần ở chuyện Khánh
Hỷ tờ 62a11, ghi rằng: “Sử ký nói năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 3 (1135)
Sư mất”. Cần mở ngoặc để nói thêm là hai bản in đời Lê và Nguyễn đều
viết chữ Sử thành chữ Lại, nên trước đây có người đọc là Lại ký rồi tự
hỏi có phải là Sử ký hay không. Chi tiết này, ngày nay ta có thể giải
quyết một cách ổn thỏa với khẳng định rằng chữ Lại là một cách viết sai
của chữ Sử, bởi vì truyện Đạo Hạnh tờ 56b3 cũng có trường hợp tương tự, ở
đấy, Quốc sử bị viết thành Quốc lại. Thế thì, Sử ký của truyện này muốn
chỉ cho cuốn sử nào? Trước đây, giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho lời chua vừa
dẫn là của người đứng in bản in năm 1715 của Thiền uyển tập anh nên ông
đồng nhất Sử ký với Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng hiển nhiên đó là một
quan niệm sai lầm, vì tất cả những lời chua trong bản in đấy phải là
của chính tác giả Thiền uyển tập anh. Do thế, Sử ký đấy tất không thể
chỉ Đại Việt sử ký toàn thư. Nếu vậy phải chăng nó chỉ Đại Việt sử ký
của Lê Văn Hưu? Theo chúng tôi, không phải vì lẽ Đại Việt sử ký đã được
gọi bằng Quốc sử, như vừa thấy trên. Ấy thì, Sử ký chỉ cuốn sử nào?.
Chúng
tôi nghĩ, nó chỉ cuốn Sử ký của Đỗ Thiện, mà Việt điện u linh tập dẫn
đích danh tới những bốn lần ở những truyện Trương Hống và Trương Hát tờ
24, truyện Lý Phục Nan tờ 25, truyện Cao Lỗ tờ 29 và truyện Thần Đằng
Châu tờ 38. Ngoài những lần dẫn đích danh này, những truyện Hai Bà Trưng
tờ 11, truyện Tô Lịch tờ 18, truyện Phạm Cự Lượng tờ 19 và truyện Mục
Thận tờ 22 trong đấy cũng đều nói là xuất phát từ Sử ký, Việt điện u
linh tập, như chính bài tựa nó xác định, là một tác phẩm vào năm Khai
Hựu thứ 1 (1329) do Lý Tế Xuyên thực hiện. Mặc dù niên đại ấy bị một số
người nghi ngờ, sự nghi ngờ đó không dựa trên một bằng chứng xác đáng
nào, ngoài trừ cứ vào việc kyỹ húy, mà chủ yếu là cái họ Lý của Lý Tế
Xuyên. Tuy nhiên, vì truyền bản đời Trần của Việt điện u linh tập ngày
nay không còn nữa, ta khó có thể dựa vào kỵ húy đó để bác bỏ niên đại
1329 vừa nêu. Thực sự, thì tất cả những sách vở đời Trần cải họ Lý thành
họ Nguyễn đều bị các tác giả đời Lê chữa lại thành họ Lý hết. Việc
Nguyễn Tế Xuyên đời Trần bị đổi lại thành Lý Tế Xuyên đời Lê tất cũng
không có gì đáng ngạc nhiên. Một khi Việt điện u linh tập đã viết vào
năm 1329 và đã dẫn Sử ký như một tác phẩm của Đỗ Thiện thì Sử ký do
Thiền uyển tập anh dẫn năm sau đó chắc chắn không thể chỉ một cuốn sách
nào hơn là cuốn sách của Đỗ Thiện.
Nhân
vật Đỗ Thiện này cùng Sử ký của ông cũng gây ra khá nhiều bàn cãi.
Nguyên do là Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 27a có ghi tên một nội nhân
Đỗ Thiện được Thần Tông giao cho nhiệm vụ cùng xá nhân Bồ Sùng đi báo
việc lên ngôi của mình cho Sùng Hiền Hầu, cha của Thần Tông, vào năm
1127. Như vậy, nếu Đỗ Thiện của Sử ký là nội nhân Đỗ Thiện đây, thì ông
phải sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XII và viết Sử ký vào khoảng
thời gian đó. Song, vì Việt điện u linh tập đã dẫn Sử ký với những thêm
thắt của mình cho nên có người dựa vào những thêm thắt đấy để quả quyết
có một Đỗ Thiện sống vào nửa sau thế kỷ thứ XIII cho đến nửa đầu thế kỷ
thứ XIV, còn Sử ký của Đỗ Thiện đây chắc chắn phải viết vào khoảng đầu
thế kỷ XIV, tức khoảng giữa những năm 1287-1329. Những quả quyết như
thế, đương nhiên là sai lầm, do không phân biệt được đâu là những trích
dẫn từ Sử ký và đâu là những thêm thắt của Việt điện u linh tập. Một khi
đã phân biệt được, thì Đỗ Thiện của Sử ký chính là nội nhân Đỗ Thiện
phục vụ dưới triều Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông. Và Sử ký dẫn trong
truyện Khánh Hỷ của Thiền uyển tập anh chính là Sử ký của Đỗ Thiện.
Cuốn
Sử ký ấy ngày nay đã mất, nhưng cứ tám truyện dẫn trong Việt điện u
linh tập và truyện Khánh Hỷ trong Thiền uyển tập anh, ta có thể nghĩ
rằng nó có lẽ là một bộ sử mô phỏng theo lối Sử ký của Tư Mã Thiên. Nói
khác đi, nội dung nó rất có thể đã bao gồm những bộ phận chính của một
cuốn sử viết theo lối đó, tức phần Bản kỷ ghi tóm tắt những sự việc của
một đời vua, phần Chí chép lại các chế độ của một triều đại, và phần
Liệt truyện ghi chép hành tích và sự nghiệp của những công thần và
nghịch tiếm thần. Truyện Khánh Hỷ và truyện của tám người nói trên chắc
được trích từ phần Liệt truyện của cuốn Sử ký đó. Tám truyện đấy, đều đề
cập tới những việc xảy ra trước thời Lý Thần Tông. Trừ truyện Hai Bà
Trưng có ghi việc dưới triều Lý Anh Tông. Lời dẫn trong truyện Khánh Hỷ
nói: “Sử ký viết năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 3 (1135) Hỷ mất..”. Như
thế, Đỗ Thiện chắc chắn phải viết Sử ký sau năm1135, nếu không là dưới
triều Lý Anh Tông.
Điều
này giải thích không ít cho ta, tại sao những truyện do Sử ký ghi lại
và dẫn trong Việt điện u linh tập quả đã phủ trong một không khí u linh
đáng sợ. Đỗ Thiện đã phục vụ một triều đại cực kỳ ưa thích việc lạ lùng,
đó là triều đại Thần Tông nhà Lý. Cho nên, dù Thần Tông chỉ trị vì có
10 năm, sử ghi tới những 29 “việc lạ” như chuyện “đào bốn tấc sanh hoa”
hay “phướn chùa không gió mà nhảy múa”, “hươu trắng xuất hiện” v.v...
Với một triều đại chú trọng đến những “việc lạ” loại đó, Đỗ Thiện tất
không thể nào không chịu ảnh hưởng. Do thế, khi viết Sử ký khoảng dưới
triều Lý Anh Tông, Thiện đã viết nó theo xu hướng chính đó của triều
đại. Và có lẽ vì viết theo xu hướng đấy, Sử ký đã tự đánh mất giá trị
mình đi rất nhiều trước những cặp mắt phê bình lịch sử khách quan, dẫn
cuối cùng đến một sự quên lãng hầu như hoàn toàn, nếu không nhờ những
cây bút có ít nhiều thiện cảm với sự u linh của nó nhắc tới như Việt
điện u linh tập hay Thiền uyển tập anh.
Tiếp
đến là những tài liệu trong tác phẩm của các tác giả sống trước năm
1337. Về loại này, Thiền uyển tập anh chỉ nêu đích danh một tác phẩm,
đấy là Tự Ngu Tập, ở truyện Hiện Quang tờ 42b5. Tự ngu tập đây, ngày nay
ta không thấy một sách sử nào ghi lại hết. Chỉ biết chắc chắn là, nó
phải viết giữa giai đoạn khi Hiện Quang mất vào năm 1221 và lúc Thiền
uyển tập anh ra đời. Về tác giả, thì cứ nhan đề Tự ngu tập, chúng tôi
đoán là nó do Ngu Ông viết. Lược dẫn thiền phái đồ tờ 7b có kê một đệ tử
của Tiêu Diêu tên Ngu Ông sống đồng thời với Tuệ Trung cùng chín đệ tử
khác như Vị Hài, Đạo Tiềm, Thủ Nhân, Thạch Đầu, Thần Tán v.v... Tuệ
Trung, cứ vào Hành trạng do Trần Nhân Tông viết trong Thượng sĩ ngữ lục
tờ 42 b1, ra đời năm 1230 và mất năm 1291. Niên đại của Ngu Ông chắc
cũng rơi vào khoảng đó, tức khoảng giữa những năm 1221-1337. Về nội
dung, cứ vào câu dẫn ở truyện Hiện Quang vừa nói, theo đấy khi Quang
“mất, không biết ở đâu”, ta có thể tưởng tượng nó là một tập hợp thi văn
ghi chú đủ loại, đặc biệt là những gì liên hệ với núi Yên Tử, trung tâm
xuất phát của phái thiền Trúc Lâm.
Ngoài
Tự ngu tập ra, Thiền uyển tập anh đã sử dụng một số tác phẩm khác của
các tác gia trước nó, nhưng không nêu rõ tên đề. Trường hợp tiêu biểu
nhất là những cơ duyên thoại ngữ, tức câu hỏi và câu trả lời giữa hai
thầy trò thiền sư, chép trong truyện Viên Chiếu. Đây là một tập đại
thành những thoại ngữ đó lớn nhất và xưa nhất trong lịch sử thiền tông
Việt Nam hiện còn. So với đối cơ của Thượng sĩ ngữ lục, nơi chép những
thoại ngữ giữa Tuệ Trung và những học trò của mình, thì về số lượng cũng
như chất lượng, những thoại ngữ của truyện Viên Chiếu đã vượt hẳn.
Truyện Viên Chiếu chứa đựng đến những 118 câu hỏi và trả lời, trong khi
phần đối cơ chỉ gồm vẻn vẹn có 92. Bây giờ, khảo về nguyên lai chúng,
ban đầu chúng tôi tưởng chúng được rút ra từ Liệt tổ yếu ngữ của Huệ
Nhật. Nhưng sau đọc kỹ lại phần Phương Ngoại trong An nam chí lược 15 tờ
147, ở đây, Lê Tắc đã ghi một vài dòng sơ lược về Mai Viên Chiếu chúng
tôi mới hiểu ra và tin chắc rằng những 118 thoại ngữ đấy đều phải trực
tiếp rút ra từ tác phẩm Tham đồ hiển quyết của chính Viên Chiếu. Tắc
viết: “Thiền sư Mai Viên Chiếu thường viết Tham đồ hiển quyết, đại lược
nói rằng: Một hôm trong lúc đang ngồi trước nhà, bỗng có vị tăng đến
hỏi: ‘Phật cùng với Thánh nghĩa ấy thế nào?’ Trả lời:
‘Cúc trùng dương dưới dậu
oanh thục khí đầu cành’.
Sách
đó phần lớn gồm những loại như thế”. Rõ rằng, hai thoại ngữ Tắc dẫn như
tiêu biểu cho nội dung và loại văn chương của Tham đồ hiển quyết là hai
thoại ngữ bắt đầu cho 116 thoại ngữ tiếp theo trong truyện Viên Chiếu.
Như vậy, kết luận tất yếu phải là, 118 thoại ngữ trong truyện Viên Chiếu
chính là Tham đồ hiển quyết, chứ không gì nữa. Nói chúng là Tham đồ
hiển quyết, vì qua sự so sánh trên, ta thấy ngay cả phần đối cơ của
Thượng sĩ ngữ lục cũng chỉ gồm có 92 câu hỏi và đáp, do thế, 118 thoại
ngữ tự chúng có thể tạo thành ra một tác phẩm, và tác phẩm đó là Tham đồ
hiển quyết. Quả vậy, cái tên Tham đồ hiển quyết có nghĩa “làm rõ những
bí quyết (giác ngộ) cho những đồ đệ học tham thiền” và từ đó, biểu dương
khá rõ rệt bản chất của những thoại ngữ, mà nó chứa đựng. Những thoại
ngữ đấy không nhằm một mục đích nào khác hơn là “làm rõ cái bí quyết
tiến tới giác ngộ cho những ai tham thiền”.
Với
kết luận đấy, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, ta đã tìm thấy lại
một tác phẩm đời Lý với tất cả thịt xương nó. Tham đồ hiển quyết có thể
nói là tác phẩm đó. Nó duy nhất được bảo tồn có lẽ một cách hoàn toàn
giữa 18 tác phẩm khác liệt ra trong Thiền uyển tập anh như Dược sư thập
nhị nguyện văn, Tán viên giác kinh, Thập nhị bồ tát hạnh chứng đạo
trường và Viên Chiếu tập của Viên Chiếu, Chiếu đối bản của Thông Biện,
Chiếu đối lục của Biện Tài, Nam tông tự pháp đồ và Thích đạo khoa giáo
của Thường Chiếu, Bồ tát hiệu sám hối văn của Pháp Thuận, Pháp sự trai
nghi, Chư đạo tràng khánh tán văn và Bia văn của Huệ Sinh, Ngộ đạo thi
tập của Khánh Hỷ và Chư Phật Tích duyên sự, Hồng chung văn bia ký, Tăng
gia tạp lục, Viên Thông thi tập của Viên Thông. Ngoài Tham đồ hiển quyết
ra, ta chưa biết Thiền uyển tập anh có trích dẫn tác phẩm khác của
những người vừa dẫn không, vì không có vết tích nào để có thể truy cứu.
Thứ ba là những tài liệu văn bia, Thiền uyển tâp anh hai lần dẫn rõ tên
loại tư liệu đấy. Ở cuối truyện Tịnh Giới tờ 34b7, người viết chua thêm:
“Truyện này đại khái cùng với Quốc sử và Bia văn không giống, nay khảo
chính lại”. Còn ở cuối truyện Tịnh Thiền tờ 68a10-b3, ông không những
nói văn bia của Tịnh Thiền là do môn đồ Pháp Ký soạn, mà còn chép nguyên
lại một đoạn tiêu biểu cho những gì viết trong đó. Như thế, Thiền uyển
tập anh sử dụng văn bia vào hai mục đích chính, đấy là: 1- để kiểm tra
giá trị sử liệu những loại tư liệu khác, và 2- là để bổ sung cho những
gì đã biết về một nhân vật. Ngoài hai mục đích đó, hình như nó cũng dùng
văn bia để viết lại tiểu truyện của một người trong trường hợp người ấy
không có được đề cập tới qua những loại tư liệu khác. Chẳng hạn, truyện
Bản Tịch tờ 60b2-11 với những câu “Từ đó, Sư không vướng mắc hữu vô,
gồm rõ đốn tiệm, đến đâu cũng gieo khắp mưa pháp, xa gợi gió huyền, quan
lại dốc theo, anh hào ngưỡng mộ”, rõ rệt thể hiện một thứ văn bia, mà
tác giả Thiền uyển tập anh đã nhào nặn lại. Việc sử dụng văn bia cho mục
đích cuối cùng này chắc xảy ra nhiều, nhưng ta hiện chưa thể phát hiện
nó hết được.
Cuối
cùng là loại tài liệu Trung Quốc, mà chủ yếu là Truyền đăng lục do Đạo
Nguyên viết vào khoảng năm 1004-1007 của niên hiệu Cảnh Đức đời Tống
Chân Tông, nên cũng gọi Cảnh Đức Truyền đăng lục. Thiền uyển tập anh
chắc đã tham khảo Truyền đăng lục một cách rất kỹ càng, thể hiện qua các
lời chua trong các truyện Vô Ngôn Thông, Tịnh Không và Nguyện Học, nhất
là hai truyện sau. Bởi vì hai truyện sau chứa đựng những cơ duyên thoại
ngữ và kệ thị chúng có trùng hợp với những gì do hai thiền sư Trung
Quốc phát biểu và chép lại trong Truyền đăng lục. Đây là một nỗ lực đối
chiếu cố ý nhằm không những xác định vị trí tư tưởng của các vị thiền sư
Việt Nam mà còn giúp ta kiểm soát được cả truyền bản của Thiền uyển tập
anh lẫn truyền bản Truyền đăng lục bằng cách dựa vào những trường hợp
vừa nói. Ngoài Truyền đăng lục ra, Thiền uyển tập anh còn nói tới Tuyết
đậu ngữ lục của Trùng Hiển (980-1052), nhưng không dẫn ra trong một lời
chua nào. Về những tác phẩm thiền tông Trung Quốc nổi danh khác như Bích
nham lục của Viên Ngộ Khắc Cần, Vô môn quan của Vô Môn Huệ Khai, Nhân
thiên nhãn mục của Hối Nham Trí Chiếu v.v... mà các thiền sư đời Trần
nghiên cứu và giảng thuyết khá rộng rãi, Thiền uyển tập anh chắc có
tham khảo, nhưng đã không thấy nhắc tới hay dẫn ra.
Ngoài
những loại tư liệu chính và phụ vừa kể, tác giả Thiền uyển tập anh còn
sử dụng cả đến những tư liệu truyền khẩu, phản ảnh không ít những quan
niệm và đánh giá của quần chúng nhân dân đối với những nhân vật lịch sử
mà nó viết về. Điển hình nhất là lời chua ở truyện Tịnh Giới tờ 34a3-6,
nói về việc “tục truyền” Tịnh Giới nhờ cầu được mưa, mà thoát khỏi nạn
đóng thuế. Ghi lại một sự kiện truyền khẩu như thế, Thiền uyển tập anh
đã cho ta một cảnh tượng bòn rút của cải từ nhân dân lao động bằng chế
độ thuế khóa khắc nghiệt của chính quyền Lý Cao Tông. Cũng cần thêm là,
Thiền uyển tập anh nói Giới “xuất thân trong một gia đình hàn vi” nghĩa
là trong một gia đình nghèo hèn không có một tấc đất. Sử dụng đến tư
liệu khẩu truyền để viết về Tịnh Giới, nó do thế đã phản ảnh khá trung
thực những quan niệm và đánh giá của nhân dân lao động đối với những
nhân vật lịch sử, mà các sử sách khác thường bỏ qua.
3. PHƯƠNG PHÁP VIẾT SỬ
Trên
đây, chúng tôi đã phân tích những nguồn tư liệu chính và phụ mà tác giả
Thiền uyển tập anh sưu tập và sử dụng. Trong lối viết sử thì thông
thường sau khi đã lựa chọn đề tài công tác sưu tầm tài liệu lịch sử liên
hệ, nếu hoàn thành, là đã xác định không ít phương pháp viết sử của một
sử gia. Ở trường hợp Thiền uyển tập anh đây, vì ngày nay bài tựa của
chính tác giả cuốn sách đã bị thất lạc không biết tự đời nào, cho nên ta
rất khó mà biết một cách đích xác quan niệm và phương cách viết sử của
ông. Dẫu thế, qua những nguồn sử liệu vừa phân tích trên, ta có thể nói
ông muốn đạt đến một lối viết sử khách quan khoa học, nhằm trình bày lại
quá khứ vừa như một thực tế sinh động có những màu sắc của riêng nó,
vừa như một khí cụ giáo dục rút tỉa những kinh nghiệm có ích không những
cho công tác tu hành, mà còn cho những công tác chính trị xã hội khác.
Một quan niệm viết sử như thế, đương nhiên không có gì là lạ, nhất là
khi Kim Sơn, một nhà sư thân cận và được tin cậy của Trần Minh Tông, quả
đã viết ra Thiền uyển tập anh. Lối viết sử của ông chủ yếu là như thế
này.
Ông
dùng ba tài liệu sử học chính yếu trước thời ông, đấy là Chiếu đối lục,
Nam tông tự pháp đồ và Liệt tổ yếu ngữ, để nhào nặn nên những người kế
thừa hai dòng thiền chính của Việt Nam, từ lúc chúng bắt đầu cho đến đời
Lý và bước sang đời Trần khoảng năm mười năm. Trong khi nhào nặn, ông
có lẽ đã sử dụng những tài liệu của Chiếu đối lục và Nam tông tự pháp đồ
làm những xương sườn tiểu sử, rồi chắc chắn sử dụng Liệt tổ yếu ngữ để
bôi phết thịt da lên cho những bộ xương sườn đó. Song, ông dùng những
tài liệu phụ gồm từ Quốc sử cho đến văn phẩm các tác gia hay tục truyền
và Bia văn cùng tài liệu Trung Quốc để kiểm tra sự thực cùng mức độ sự
thực của những truyện ông vừa nhào nặn nên, đồng thời bồi dưỡng cho
chúng thêm những mẫu tin và dữ kiện mới góp phần làm cho chúng phong phú
hơn lên. Đấy là lối sử dụng mà ông đã để lộ ra một cách công nhiên
trong Thiền uyển tập anh. Với một lối sử dụng như thế, ta phải thành
thực nhìn nhận tác giả nó đã đạt được vào thời đại ông, một mức độ viết
sử khoa học khách quan nhất định.
Nhưng
tiếp đến, vấn đề bố cục cuốn sách và viết nên truyện các thiền sư thì
tác giả Thiền uyển tập anh đã phạm phải một số khuyết điểm làm cản trở
việc triển khai những ưu điểm có sẵn trong phương thức sử dụng sử liệu.
Thứ nhất, về bố cục, ông đã để cho quan điểm trường phái ông chi phối
cách xếp đặt và tổ chức tư liệu, dẫn đến một hiện tượng khá lạ kỳ trong
một cuốn sách về lịch sử thiền tông Việt Nam là, thứ tự niên biểu của
các dòng thiền bị đảo ngược. Dòng thiền Pháp Vân, dù xuất hiện trước đến
hơn 200 năm, đã bị xếp lui sau dòng thiền Kiến Sơ, dòng thiền của người
viết Thiền uyển tập anh. Rồi tới việc viết nên tiểu sử các thiền sư,
mặc dù người viết đã biết sưu tầm và sử dụng những sử liệu, ông đã để
cho ảnh hưởng phương pháp sử thiền tông của Truyền đăng lục, một phần
nào lấn át khả năng phán đoán của mình, từ đó chưa vận dụng hết những ưu
điểm tư liệu sẵn có cho việc tạo dựng nên những tiểu sử đầy đủ hơn.
Cuối cùng, ông chưa vượt khỏi những cản ngăn của quan điểm sử học Phật
giáo của Thông Biện và Thường Chiếu, cho nên vẫn tiếp tục bỏ rơi, không
ghi lại một cách đầy đủ hai dòng thiền khác của nền Phật giáo thời Lý,
đấy là dòng thiền Nguyễn Đại Điên và dòng thiền Nguyễn Bát Nhã. Đương
nhiên, việc ông ghi kèm theo Thiền uyển tập anh bảng danh sách các thiền
sư của dòng thiền Nguyễn Bát Nhã, đã tỏ ra ông có một đánh giá mới đối
với dòng thiền này, mà trước đây đã không được ngay cả kể tới tên. Đấy
là một tiến bộ đáng kể. Dẫu thế, ông đã bỏ lỡ cơ hội để viết một cách
đầy đủ về các dòng thiền ấy, như ông đã làm đối với dòng thiền Pháp Vân
và Kiến Sơ. Nguyên do của tình trạng ấy tất nhiên không phải vì tác giả
Thiền uyển tập anh thiếu tài liệu về chúng. Tên phản quốc Lê Tắc còn có
thể ghi lại một vài nét về Thảo Đường trong An nam chí lược, đang khi
sống vất vưởng nơi quê người. Sau này, Tây hồ chí còn cho ta biết Thảo
Đường họ Lý, và chính bản thân Thiền uyển tập anh đã đề cập tới Đại Điên
trong truyện Đạo Hạnh. Do thế, ta phải kết luận là, chính những quan
điểm sử học Phật giáo thời Thông Biện và Thường Chiếu đang còn chủ trì
xu thế sử quan những người viết sử Phật giáo thiền tông Việt Nam đời
Trần.
Đấy
là những giới hạn và khuyết điểm cụ thể của phương pháp viết sử của tác
giả Thiền uyển tập anh. Dĩ nhiên, con người làm nên lịch sử, nhưng lịch
sử cũng phát triển theo nhưng qui luật tất yếu của nó. Cho nên, những
giới hạn và khuyết điểm ấy cũng đã xuất hiện trong một thời kỳ lịch sử
nhất định.
Vấn đề đánh giá phương pháp viết sử của tác giả Thiền uyển tập anh cũng phải giải quyết theo chiều hướng đó.