15/06/2011 14:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 24644
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

23. THIỀN SƯ MINH TRÍ

(1)  Làng Điển Lãnh tức làng Khương Tự, nơi có chùa thờ Phật Pháp Vân, chùa Phúc Thánh, cứ Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 6b4, do Lý Anh Tông lập vào năm 1184.

 (2)  Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, giữa những bến đò của sông Nguyệt Đức tức sông Cầu ngày nay, có ghi bến đò Phù Cầm. Bến đò này nằm giữa hai bến Phù Yên và Đẩu Hàn. Đẩu Hàn là quê hương của Đỗ An Vĩnh tiến sĩ khoa 1499, còn Phù Yên là của Lê Doãn Chấp tiến sĩ khoa 1505, cả hai làng ấy Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi là thuộc “hạt Yên Phong” tức thuộc huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Phù Cầm do thế cũng phải thuộc huyện đó. Làng Phù Cầm đời Lý như vậy cũng là làng Phù Cầm huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

 (3)  Tức Phật thuyết nhân vương bát nhã ba la mật kinh, Cưu Ma La Thập dịch, 2 quyển ĐTK 245, giả thiết rằng bản dịch này là bản lưu hành nhất vào thời Lý, bởi vì có một bản dịch thứ hai do Bất Không thực hiện khoảng năm 765 cũng có tên Phật thuyết Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật kinh, 2 quyển, ĐTK 246.

 (4)  Thiền sư Ẩn Phong (...), một hôm, trong khi Thạch Đầu cắt cỏ, Sư khoanh tay đứng một bên. Thạch Đầu liệng cái liềm đến trước mặt Sư, làm đứt một cọng cỏ. Sư nói: “Hòa thượng cắt được cái này, không cắt được cái kia”. Thạch Đầu đưa cái liềm lên. Sư đón bắt được, làm thế cắt cỏ. Thạch Đầu nói: “Ngươi cắt được cái kia,  không cắt được cái này”. Xem Truyền đăng lục 8 tờ 259b11.

 (5)  Văn Thù, Duy Ma Cật và 32 vị Bồ tát thảo luận về pháp bất nhị. Các vị kia, mỗi vị, tùy trường hợp, đều nói, lìa đối đãi là bất nhị. Văn Thù nói: “Vô ngôn, vô thuyết, vô thị, vô thức, vượt ngoài đối đáp là bất nhị”. Rồi hỏi Duy Ma Cật. Duy Ma im lặng. Nhân đó Văn Thù tán thán. Xem Duy Ma Cật sở thuyết kinh quyển trung, phẩm Bất nhị pháp môn tờ 550 b28-551c27.

 (6)  Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch trong lúc đang nói chuyện với một vị tăng; một vị tăng khác đứng bên cạnh, nói: “Nói là Văn Thù, im lặng là Duy Ma”. Sư nói: “Không nói không im lặng, há không phải là ông sao?”. Vị tăng im lặng. Sư nói: ”Sao không hiện thần thông?” Tăng nói: “Không từ chối gì sự hiện thần thông, chỉ sợ hòa thượng thâu vào giáo điển”. Sư nói: “Xét chỗ ngươi đến, thì chưa có con mắt ở ngoài giáo điển”. Xem Truyền đăng lục 11 tờ 283b9-c3.

 (7)  Nguyên văn: Dương diệm mích cầu yên. Dương diệm tức là thứ ánh nắng mùa xuân có trộn lẫn với bụi mờ giữa nội. Những con nai khát nước nhìn thấy ánh nắng đó tưởng là nước, rồi cứ đuổi theo cho đến lúc chết. Xem Lăng già kinh 2.

 

24. THIỀN SƯ TÍN HỌC
 

 (1)  Chính thọ là một dịch nghĩa của chữ tam muội (samàdhì). Quán kinh huyền nghĩa phần nói: “Gọi là chính thọ, khi tưởng và tâm đều dứt, duyên và lự đều quên, tương ưng với tam muội, thì gọi là chính thọ”. Xem thêm Đại thừa nghĩa chương 13.

 (2)  Nguyên văn: Thiên Tư Gia Thụy ngũ niên Canh Thân. Nhưng cứ Đại Việt sử lược 3 và Đại Việt sử ký toàn thư B4 thì Thiên Tư Gia Thụy năm thứ 5 tất phải nhằm năm Canh Tuất, chứ không phải năm Canh Thân. Nếu là năm Canh Thân, thì nó phải năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 15 (1200). Ở đây, chúng tôi nghĩ rằng vì chữ tuất khó viết lộn thành chữ thân nên cho rằng nguyên văn có lẽ thiếu chữ thập trước chữ ngũ, nên để nghị đọc lại thành Thiên Tư Gia Thụy thập ngũ niên, và dịch theo đó.

 (3)  Nguyên văn: Tử tối mẫu trác. đại sư Hương Nghiêm Tập Đăng, Trí nhàn tụng, “Độc cước”:

                   Tử tối mẫu trác

                   Tử giác vô xác

                   Mẫu tử câu vong

                   Ứng duyên bất thác

                   Đồng đạo xướng hòa

                   Diệu vân độc cước.

Xem Truyền đăng lục 29 tờ 452b16-18. Xem thêm Bích nham lục 16 tờ 156a21-24 về cái công án “kêu mỗ”: Có vị sư hỏi Kỉnh Thanh: “Học nhân kêu, xin sư mỗ”. Thanh đáp: “Có sống lại được không?” Vị sư đáp: “Nếu không sống thì gặp người là chuyện  lạ”. Thanh nói: “Ấy là tên giữa đám cỏ”.

 

25. THIỀN SƯ TỊNH KHÔNG
 

 (1)  Phúc Xuyên, Đại việt lịch triều đăng khoa lục 2 có ghi một làng tên Phúc Xuyên, quê hương của Phan Nhuệ, tiến sĩ khoa 1748, nhưng lại ghi làng Phúc Xuyên ở hạt Tiên Phong. Song Tiên Phong là tên một huyện ở Sơn Tây. Điều chắc chắn là nó phải nằm ở phía bắc phủ Thiên Đức, bởi vì trước khi đến ở tại chùa Khai Quốc phủ Thiên Đức, Tịnh Không đã phải “hành cước nam phương”. Bây giờ, truyện của Không cũng nói rằng Không “ban đầu xuất gia ở viện Sùng Phúc châu mình. Nếu viện Sùng Phúc ở đây là chùa Sùng Phúc dựng tại làng Siêu Loại vào năm 1115, mà Đại Việt sử lược 2 tờ 21a2-3 ghi lại, thì làng Siêu Loại như vậy thuộc vào Phúc Xuyên. Và Phúc Xuyên tên một châu đời Lý mà địa phận có thể gồm huyện Siêu Loại, tức huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc ngày nay, với một số huyện khác chưa thể xác định được. Có lẽ Sùng Phúc nguyên trước là một cái viện nhỏ. Đến năm 1115 nó được Linh Nhân thái hậu xây dựng lại và đổi thành chùa. Chắc vào năm này Không đã rời Sùng Phúc để hành cước xuống chùa Khai Quốc ở phía nam, bởi vì ta biết Không mất vào năm 1170, lúc ông hơn 80 tuổi, mà ông bắt đầu hành cước lúc ông 30 tuổi.

 (2)  Thiền sư Giáp Sơn Thiện Hội: “Một hôm Đạo Ngô cầm gậy đến gặp Sư thượng đường. Tăng hỏi: “Như hà thị pháp thân?”. Sư viết: “Pháp thân vô tướng”. Viết: “Như hà thị pháp nhãn?”. Sư viết: “Pháp nhãn vô hà”. Sư hựu viết: “Mục tiền vô pháp, ý tại mục tiền. Bất thị mục tiền pháp, phi nhĩ mục sở đáo”. Đạo Ngô nãi tiếu. Sư nãi sinh nghi, vấn Ngô: “Hà tiếu?”. Ngô viết: “Hòa thượng nhất đẳng xuất thế, vị hữu sư, khả vãng Chế trung, Hoa Đình huyện, tham Thuyền Tử hòa thượng khứ”. Sư viết: “Phỏng đắc hoạch phủ?”. Đạo Ngô viết: “Bỉ Sư, thượng vô phiến ngõa già đầu, hạ vô trác chùy chi địa”. Sư toại dịch phục trực nghệ Hoa Đình..... Xem Truyền đăng lục 15 tờ 323c25- 324a7.

 (3)  Giáp Sơn Thiện Hội. Đạo Ngô viết: “Bỉ sư, thượng vô phiến ngõa già đầu, hạ vô trác chùy chi địa”. Xem Truyền đăng lục 15 tờ 324a1.

 (4)  Tùng thượng trực chỉ, vi thập ma thuyết? Giáp Sơn Thiện Hội tăng vấn: “Tùng thượng lập Tổ ý, Giáo ý, hòa thượng thử gian vi thập ma ngôn vô?” Sư viết: “Tam thiên bất thực phạn, mục tiền vô cơ nhân”. Xem Truyền đăng lục 15 tờ 324a20- 21.

 (5) Nguyên văn:

Trí  nhân vô ngộ đạo

              Ngộ đạo tức ngu nhân

              Thân cước cao ngọa khách,

              Hề thức ngụy kiêm chân.

So sánh Giáp Sơn Thiện Hội: Sư nói bài tụng:

              Minh minh vô ngộ pháp

              Ngộ pháp khước mê nhân

              Trường thư lưỡng cước thụy

              Vô ngụy diệc vô chân.

 (6)  Thiền sư Giáp Sơn Thiện Hội: Một tiểu sư hầu hạ lâu năm, sau đó bỏ đi tham phương nhưng không có chỗ dụng tâm. Tiểu sư nghe đồn mọi người đang đổ xô về Thiện Hội học thiền, bèn trở về nói với Thiện Hội: “Hòa thượng có sự kỳ đặc như vậy, sao không sớm nói cho con biết?”. Sư đáp: “Ông nấu cơm, tôi thổi lửa, ông khất thực, tôi cầm bát, thì chỗ nào là chỗ cô phụ ông?”. Vị tiểu do đó mà ngộ nhập. Xem Truyền đăng lục 15 tờ 324b2-7.

 (7)  Giáp Sơn Thiện Hội: “Ngày 7 tháng 11 năm Tân sửu Đường Trung Hòa thứ nhất (881), Sư mời chủ sự tới nói: “Ta cùng với chúng tăng nói đạo nhiều năm, ý chỉ sâu sắc của Phật pháp, mỗi một người phải tự biết lấy, ta nay thân huyễn hết thời tức phải đi. Các ngươi nên khéo giữ gìn, như khi ta còn sống, chớ có ùa theo người đời mà sinh ra buồn bã. Nói xong, đến nửa đêm Sư lặng lẽ mất”.

 (8)  Tức truyện của hòa thượng (mà nguyên văn ở đây viết là hòa cái) Thiện Hội ở Giáp Sơn, Phong Châu, trong Truyền đăng lục 15 tờ 323c20-324b28 ngày nay. Hội họ Liêu, người Kiến Đình, Quảng Châu, đệ tử của Đức Thành. Hội sinh năm 805 và mất năm 881, thọ 77 tuổi, Với những dẫn chứng trên, rõ ràng cơ duyên thoại ngữ, tức những đối thoại giữa hai thầy trò thiền sư nhằm tạo một cơ duyên cho sự giác ngộ, cho đến câu nói cuối cùng trước khi mất của Tịnh Không đều phần lớn lấy ra từ truyện của Thiện Hội.

 (9)  Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật, Thiền uyển tập anh dẫn hai lần, một ở đây và một ở truyện Nguyện Học. Cứ vào hai dẫn chứng này thì có thể nói đa số, nếu không tất cả những cơ duyên thoại ngữ của Thiền uyển tập anh đều lấy ra từ Liệt tổ yếu ngữ. Bởi vì ngay cả trong cả hai trường hợp dẫn đây, mặc dù cơ duyên thoại ngữ của Tịnh Không cũng như của Nguyện Học hầu như hoàn toàn đồng nhất với cơ duyên thoại ngữ của Giáp Sơn Thiện Hội và Huệ Tư trong Truyền đăng lục, tác giả vẫn không thể loại bỏ, với lý do là: “chúng đã chép đủ trong Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật”. Huệ Nhật này là ai và sống vào khoảng nào, ngày nay ta hiện chưa biết. Về nội dung của Liệt tổ yếu ngữ, ta đã biết một phần nào.

26. THIỀN SƯ ĐẠI XẢ
 

 (1)  Tức Trâu Sơn, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, viết: ”Trâu Sơn, một tên là núi Vũ Ninh ở phía đông huyện lỵ Quế Dương 12 dặm, hình núi liên tiếp, trên núi có Việt Tỉnh. Tương truyền đời Hùng Vương, vua nhà Ân đến xâm lăng, đóng quân ở dưới núi, Đổng thần vương đánh phá, vua Ân chết tại núi đó, thổ nhân lập đền thờ, lâu năm đền bỏ hoang. Đến đời Tần, Thôi Lượng lại sửa sang miếu thờ. Ân Vương cảm bội, khiến tiên Ma Cô trao cho Lượng một món thuốc tiên, trị được bệnh ngọc kinh xà lũ. Bên núi có đền thờ tiên Ma Cô, lại có đền thờ Triệu Vũ Đế và Triệu Việt Vương”. An nam chí nói: “Núi Vũ Ninh ở tại châu Vũ Ninh, núi có Tỉnh cương, có rắn đá tên Ngọc kinh tử, có mộ Việt vương”. Sử ngoại ký nói: “Triệu Đà lấy núi Vũ Ninh để cùng với An Dương Vương giảng hòa, tức là ở đây”. Núi Vũ Ninh như vậy là núi Trâu ở tại huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

Về chùa Báo Đức, Đại Việt sử lược 2 tờ 11a8 viết: “Năm Long Thụy Thái Bình thứ 6 (1059) mùa xuân tháng ba, vua đi săn ở sông Nam Bình tại Lạng Châu, nhân đó đến thăm nhà phò mã Thân Cảnh Nguyên, dựng chùa Sùng Nghiêm Báo Đức ở châu Vũ Ninh”. Chùa Báo Đức như vậy gọi cho đủ phải là Sùng Nghiêm Báo Đức và do Lý Thánh Tông dựng vào năm 1059. Hiện không biết có còn vết tích gì của chùa này tại Trâu Sơn hay không?

 (2)  Bắc thành địa dư chí lục 1 có chép tên phường Đông Tác giữa những phố phường của thành phố Hà Nội đầu thời Gia Long. Trong bốn tổng của huyện Thọ Xương, đây là những tổng Hữu Túc, Hậu Túc, Tiền Nghiêm và Tả Nghiêm, nó đều ghi là phường Đông Tác. Phường này như vậy có thể là một đường dài ăn thông qua bốn tổng, hay cũng có thể là nó ở vào nơi bốn tổng ấy giáp giới nhau. Vì thiếu bản đồ, chúng tôi chưa thể xác định được. Nhưng cứ Phương đình dư địa chí 2 thì phường Đông Tác ở vào tổng Hữu Túc. Mấy tổng khác không thấy ghi.

 (3)  Hoa nghiêm diệu môn Phổ Hiền thần chú, tức Tốc tật mãn Phổ Hiền hạnh nguyện đà là ni, có lẽ do Bất Không thêm vào trong lời nguyện của Phổ Hiền trong bản dịch kinh Hoa nghiêm 40 ĐTK 293 tờ 847a2-848b9 của ông và sau này đã trích thành một bản văn riêng rẽ, mà người ta gọi là Phổ Hiền bồ tát hạnh nguyện tán  ĐTK 297 tờ 880a1-882c17. Nó đọc: “Nẵng ma tát để rị giả địa vỹ ca nam đát tha nghiệt đa nam. Án a mậu phạ ra vĩ nghì dỉ sa phạ ha”. 

 (4)  Đại Việt sử lược 3 tờ 11a6-8 viết: “Năm Trinh Phù thứ 10 (1185) mùa xuân, Kiến Ninh Vương Long Ích đem quân 12 ngàn người hơn, đi đánh Lào núi ở Linh Sách để trả thù trận La Sách. Quân đến thôn Đỗ Gia, bèn sai người đi chiêu dụ. Thủ quân Đinh Vũ, quan lang Đinh Sáng v.v... đều hàng. Long Ích bắt hết...”.

Kiến Ninh Vương như vậy là tước của Lý Long Ích, con của Lý Anh Tông. Về sự việc đó, Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 21a8 viết: “Trinh Phù năm thứ 10 mùa thu tháng 7, sai Kiến Khương Vương Long Ích đem quân đi đánh các bọn mọi Viêm sách, bình định được”. Thế thì Kiến Ninh Vương và Kiến Khương Vương là một người. Ta không hiểu tại sao Đại Việt sử ký toàn thư lại có Kiến Khương Vương. Có lẽ bị người đời Lê Trung Hưng cải chữ Ninh thành chữ Khương để tránh húy của Lê Trang Tông chăng ?.

Đại Việt sử lược 3 tờ 7b2-3 viết: “Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167) gả Thiên Cực công chúa cho châu mục Lạng Châu Hoài Trung Hầu”. Đến năm Trị Bình Long ứng thứ năm (1209) nó lại viết ở tờ 19b4-7: “Vua sai Phạm Du đến Hồng Lộ huấn luyện quân sĩ, ý muốn đánh người Thuận Lưu. Khi người Hồng Lộ tới đón đã đúng hẹn, thì Du đang còn cùng Thiên Cực công chúa thông dâm, không biết hẹn đã quá lúc, bèn cùng với người Hồng Lộ mất nhau”. Du bèn lên thuyền do đường sông mà đi, tới bến Cổ Châu lên bộ đi tới xã A Cảo ở Ma Lãng thì bị người Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nãi bắt, đưa tới vương tử Sám giết”. Không những Phạm Du đã chết trên tay cô công chúa này, mà một tay kiệt hiệt khác cùng số người khác cũng sắp mất, đây là Tô Trung Tự. Đại Việt sử lược 3 tờ 22a7-8 viết:  “Năm Kiến Gia thứ nhất (1211) tháng 6 Tô Trung Tự đêm đến nhà ở Gia Lâm cùng Thiên Cực công chúa thông dâm, bị chồng nàng là Quan nội hầu Vương Thượng giết”. Năm sau, nhà cô ở Lạng Châu bị nghĩa quân Đinh Cỗi lấy của cải. Đến năm 1214, Lý Huệ Tông cùng mẹ đến ẩn ở nhà cô. Đấy là những gì ta hiện biết về cô công chúa khá đào hoa này của triều Lý.

 (6)  Nguyên văn: Tuyên minh Hổ Nham. Có người dịch là “hang Tuyên minh hổ”. nhưng Tuyên minh vốn là tên một trại, mà Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 2a5 nói tới khi kể ra việc tham dự trận đánh chống nghĩa quân Thân Lợi của chủ đô trại Tuyên Minh là Trần Thiềm, còn Hổ Nham thì Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, dẫn Thiên hạ quân quốc lợi bệnh, nói: “Năm Minh Vĩnh lạc thứ 5 (1407) mới đặt phủ Giao Châu thì châu Tuyên Giang lãnh ba huyện Tây lAn, Đông Lan và Hổ Nham. Năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415) sáp nhập huyện Hổ Nham vào châu Tuyên Giang”. Vậy Hổ Nham là tên một huyện thời thuộc Minh, và cứ truyện Đại Xả ở đây thì nó có thể là tên huyện thời Lý, Trần nữa.
 

Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Từ quán, còn chép  một ngôi chùa tên Hổ Nham. Nó viết: “Chùa Hổ Nham ở tại sơn phần xã Vân Nham  huyện Hùng Quan, trên vách đá có đề ba chữ lớn “Hổ Nham cương”, gần phía đông núi có Mãn, phía tây có sông Lô và ngọn núi Ám chạy bên cạnh, là thắng cảnh của một phương. Khoảng năm Lê Hồng Đức, thổ dân dựng lầu ở trên động, mỗi năm ngày mồng năm tháng giêng, sĩ nữ đều hội lại để đi xem chơi. Khoảng năm Đại Chính đời Nhuận Mạc, trùng tu lại, mới đổi tên là chùa Hổ Nham, có đủ bia ký”.

Như thế, Hổ Nham không những là tên huyện Hổ Nham và từ đó chắc có làng Hổ Nham, mà còn có gò Hổ Nham, hay Hổ Nham cương tại phần núi của xã Vân Nham, huyện Hùng Quan tỉnh Sơn Tây thời Nguyễn, tức phần đất phía nửa đông bắc tại huyện Đoan Hùng tỉnh Vĩnh Phú hiện nay tại tả ngạn sông Lô và sông Cháy. Xã Vân Nham hiện ở phía nam chỗ hợp lưu của hai con sông đấy. Dù Đại nam nhất thống chí có nói cái tên chùa Hổ Nham đến thời Mạc mới có tên, ta vẫn có thể giả thiết nó rất có thể dựng từ thời Lý và chắc bắt đầu với nhà sư Đại Xả nói tới ở đây. Một cuộc nghiên cứu hiện địa tương lai sẽ giải đáp vấn đề đó cho ta.

 (7)  Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 14a4 nói: “Đại Định năm thứ 19 (1158) mùa thu tháng 8 Đỗ Anh Vũ chết”. Nếu vậy, làm gì có chuyện “trong khoảng Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175) Thái úy Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt Đại Xả vào trong cung cấm và hết lời nghiêm trách” nói tới ở đây. Phải chăng, Đại Việt sử ký toàn thư chép sai năm mất của Anh Vũ?  Đây là một có thể, cứ vào một số trường hợp sai khác đã xảy ra.

 (8)  Phép mười hai nhân duyên hay đạo lý 12 nhân duyên là một phạm trù cơ bản của tư tưởng Phật giáo nhằm giải thích sự sống chết của con người. Khởi hành từ cái thực tiễn già chết, ta hỏi nguyên nhân tại sao, thì câu trả lời là vì có sự sinh ra. Hỏi tại sao có sự sinh ra, ta trả lời vì sự có thai. Hỏi tại sao có thai, ta trả lời vì có sự giao cấu. Hỏi tại sao có sự giao cấu, ta trả lời vì có sự thương yêu. Hỏi tại sao có yêu thương, trả lời vì có cảm giác. Hỏi sao lại có cảm giác, ta trả lời vì có va chạm. Tại sao có va chạm, ta trả lời vì có sáu giác quan. Tại sao có sáu giác quan, ta trả lời vì có những điều kiện tâm lý và vật lý. Hỏi tại sao có những điều kiện tâm lý và vật lý, ta trả lời vì có thức. Hỏi tại sao có thức, ta trả lời vì có hành động liên tục. Hỏi tại sao có hành động, ta trả lời vì vô minh. Đây là một dây chuyền 12 khâu kết nối với nhau, mà từ ngữ Phật học Trung Quốc thường gọi là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Sự liên hệ giữa 12 khâu này, từ Phật học Trung Quốc thường diễn tả bằng chữ duyên. Do thế, khi nói vô minh duyên hành, có nghĩa vô minh làm điều kiện cho hành động xuất hiện. Hay nói, hành duyên thức,tức cũng nói, hành làm điều kiện cho thức ra đời... cho đến sự ra đời của lo buồn, khổ não tức bắt nguồn từ sự sinh ra. Vì có một liên  hệ nhân quả liên tục như thế, nghĩa là một sự liên hệ trong đó nhân trở thành quả và quả trở thành nhân, nên 12 khâu trên được gọi là 12 nhân duyên. 

Kinh sách Phật giáo khẳng định rằng đạo lý 12 nhân duyên vừa mô tả có thể được khám phá trong những lúc và tại những nơi không có tư tưởng hay kinh sách Phật giáo. Những người khám phá ra đạo lý đó không dựa hay nhờ Phật giáo thì Phật giáo gọi họ là những Bích Chi Phật, tức những người giác ngộ nhờ vào chính mình và chỉ một mình mình mà thôi. Bích Chi Phật là một phiên âm chữ Phạn Pratyekabuddha, mà từ Phật học Trung Quốc dịch là “Độc Giác”.

 (9)  Lương Vũ Đế hay vua Vũ Đế nhà Lương, tên thật là Tiêu Diễn, người đã lật đổ nhà Tề tại miền nam Trung Quốc và lập nên nhà Lương vào năm 502. Đến năm 549, Hầu Cảnh khởi nghĩa và bức tử tại Đài thành. Lương Vũ Đế thường được coi là vị vua sùng thượng Phật giáo nhất trong lịch sử các vua chúa Trung Quốc. Xem Lương thư 1-2.

 (10) Bảo Chí (419?-515), một nhà sư có những hành tung tương tự như của Đại Xả ở đây, có những liên hệ sấm ngữ với Lương Vũ Đế. Về cuộc đời ông xem Truyền đăng lục 27 tờ 429c18- 430a23. 

 (11) Đoạn đối thoại giữa Lý Anh Tông và Đại Xả ở đây hoàn toàn lấy ra từ truyện của Bảo Chí trong Truyền đăng lục 27 tờ 430a6-11, theo đấy  (Lương Vũ) Đế một hôm hỏi Bảo Chí rằng: “Đệ tử phiền hoặc, lấy gì mà chữa?” Sư đáp: “Lấy 12. Kẻ hiểu biết cho rằng 12 nhân duyên là thuốc trị phiền hoặc”. Lại hỏi về ý chỉ của 12. Sư đáp: “Ý chỉ ở tại trong 12 chữ viết chỉ thì giờ của đồng hồ. Kẻ hiểu biết cho rằng nó được viết vào trong 12 giờ khắc”. Lại hỏi: “Đệ tử lúc nào thì được tĩnh tâm mà tu hành?” Sư đáp: “An lạc tâm. Kẻ hiểu biết cho rằng tu hành những giới cấm là để làm dừng nghỉ, nghĩa là đến lúc tới được cho sung sướng rồi thì mới thôi”.

 (12) Hình ảnh lấy từ phẩm Quang Minh biến chiếu cao quý đức vương Bồ tát của kinh Đại bát niết bàn, theo đấy có một ông vua đem bốn con rắn độc đựng chung vào một cái lồng, bảo người thị thần nuôi dưỡng. Nếu để cho chúng không vừa lòng thì người đó bị xử tử. Người đó bỏ chạy, vua cho năm người chiên đà la đuổi bắt lại. Đuổi không kịp, bèn sai một người giả bộ hiền lành đi dụ dỗ, thì người kia đi đến một làng trống vắng. Vừa tới, người kia nghe nói đêm đó sẽ có sáu tên cướp đến cướp. Bèn sợ hãi, chạy đến gặp một con sông cuồn cuộn nước. Bèn quyết ý vượt qua, bấy giờ mới giải thoát thảnh thơi. Bốn con rắn độc đấy, kinh này nói là dụ cho bốn nhân tố vật chất tạo nên con người, đấy là đất, nước, gió, lửa. Từ Phật học Trung Quốc gọi là tứ đại. Xem Đại bát niết bàn kinh 23.

 (13) Hình ảnh lấy từ phẩm Sư Tử Hống Bồ tát của kinh Đại bát niết bàn, ở đấy, sự sinh, già, bệnh, chết của con người được ví với bốn ngọn núi lớn “từ bốn phương đến muốn hại nhân dân”. Xem Đại bát niết bàn kinh 29.

Ngũ ấm, tức năm nhân tố tâm vật lý tạo nên con người, đấy là vật chất, cảm giác, tưởng tượng, ý chí, và tri giác hay nhận thức. Từ Phật học Trung Quốc thường gọi sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

 (14) Ngựa đá, trâu đất, Thiền gia thường dùng để chỉ cho công vị của thiền. Thiền sư Thúy Nham, Công huấn vấn đáp:         

         “Nê ngưu ẩm tận trừng đàm nguyệt

      Thạch mã gia tiền bất chuyển đầu”.

       (Trâu đất uống hết trăng đầm lặng

      Ngựa đá roi quất chẳng ngoảnh đầu).

Xem Nhân thiên nhãn mục  3 tờ 316b5-6.

 

27. THIỀN SƯ TỊNH LỰC
 

 (1)  Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Sơn Xuyên, trong khi viết về Trâu Sơn, nói: “Trâu Sơn, một tên là núi Vũ Ninh”, rồi dẫn An nam chí rằng: “Núi Vũ Ninh ở châu Vũ Ninh, có Tỉnh cương và có Thạch xà gọi là Ngọc kinh tử, lại có mộ của Việt Vương.

Tỉnh Cương như vậy là một cái gò trên núi Trâu hiện nay. Cái gò này vì có một cái giếng, nên gọi là gò Giếng hay Tỉnh Cương. Bên cạnh gò có lẽ có một cái đầm và vì nó ở gần mộ của Việt Vương, nên gọi là Việt Vương trì hay Vương Trì. Còn Vũ Ninh, cái tên đặt ra từ thời Tôn Ngô, đến thời Lý vẫn còn dùng để gọi một châu. Đại Việt sử lược 2 tờ 11a8 nói: “Năm Long Thụy Thái Bình thứ 6 (1059) vua dựng chùa Sùng Nghiêm Báo Đức ở châu Vũ Ninh”. Đất châu này ngày nay thuộc địa phận hai huyện Quế Dương và Vũ Giang tỉnh Bắc Ninh.

 (2)  Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục tiền biên 3 tờ 15a1-4 thì “Vũ Bình vốn đất huyện Phong Khê, khoảng đầu đời Ngô đặt ra, gồm có 7 huyện. Đời Tùy bỏ quận, đổi làm huyện Long Bình, đời Đường đổi làm huyện Vũ Bình, sau đó lại đặt làm Đằng Châu. Đời Đinh và Lê lấy làm phủ Thái Bình. Đời Trần đổi làm Khoái Lộ. Đời Lê đổi làm hai phủ Tiên Hưng và KhoÁi Châu, nay là đất tỉnh Hưng Yên vậy”.

Đại nam nhất thống chí tỉnh Hưng Yên, mục phần dã cũng có một ý kiến tương tợ, đấy là đặt Đằng Châu và KhoÁi Châu làm tên cho quận Vũ Bình đời Lương, Rồi chú là “chép trong sử Lý Cao Tông”. Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 25a8 có ghi “Năm Trị Bình Long Ứng thứ 5 (1209) mùa xuân tháng giêng Phạm Bỉnh Di đem người Đằng Châu và KhoÁi Châu đi đánh Phạm Du”. Nhưng không nói gì đến chuyện đặt tên Đằng Châu và KhoÁi Châu cho Vũ Bình hết. Mà truyện Tịnh Lực ở đây xác nhận là cái tên Vũ Bình cho tới thời Lý vẫn đang còn dùng.

Các sử sách Trung Quốc thì Nguyên hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 12b4-9 nói “Huyện Vũ Bình, từ huyện lỵ đến phủ lỵ (Giao Châu) phía tây nam 19 dặm, vốn là đất thành bọn mọi Phù Nghiêm. Năm Kiến Hoạch thứ 3 (271) đời Quy Mạng Hầu nhà Ngô đánh tan bọn mọi Phù Nghiêm, đặt quận Vũ Bình, năm Khai Hoàng thứ 10 (590) bỏ quận, lập huyện Sùng bình thuộc Giao Châu. Năm Vũ Đức thứ 4 (621) đổi tên là Vũ Bình”. Huyện Vũ Bình như vậy ở vào phía đông bắc của phủ trị Giao Châu, mà vào thời Lý Cát Phủ viết Nguyên hòa quận huyện đồ chí, tức những năm 806-820, thì đã ở tại phần đất của thủ đô Hà Nội ngày nay. Cứ vào mô tả đó thì huyện Vũ Bình có thể ở vào địa phận tỉnh Hưng Yên lắm.

Thái Bình hoàn vũ ký 170 tờ 8b9-9a3 cũng có những mô tả tương tự. Nó viết: “Huyện Vũ Bình, nhà Ngô đặt quận Vũ Bình, nhà Tùy đổi thành huyện. Nó vốn là huyện Phong Khê thời Hán. Khoảng đầu năm Kiến Vũ, người con gái huyện Mê Linh tên Trưng Trắc làm phản, đánh hãm Giao Chỉ. Mã Viện đem quân tới đánh, ba năm mới bình. Vũ đế bèn đặt thêm hai huyện Vọng Hải và Phong Khê. Phong Khê tức huyện này. Đời Tùy gọi nó là Long Bình. Đường Vũ Đức năm thứ 4 (621) đổi nó làm huyện Vũ Bình”. Những mẫu tin của Nhạc Sử ở đây đều chép lại nguyên văn của phần địa lý về huyện Vũ Bình trong Cựu đường thư 41 tờ 43a8-11, Tân Đường thư 43 thượng tờ 10a1 cũng không một điểm gì mới lạ.

Chúng tôi nghĩ rằng, cứ vào những tài liệu Trung Quốc vừa dẫn thì huyện Vũ Bình đời Đường cho đến đời Lý vẫn là một địa phận với những thêm bớt cắt xén nào đó. Vũ Bình thời nhà Lý rất có thể là tên một quận hay một châu, và nó nằm tại phần đất tỉnh Hưng Yên ngày nay. Bắc thành địa dư chí lục 3 tờ 18b2 và 19a2 có kê một tổng xã tên Cát Dương thuộc huyện Phù Dung và một tổng xã tên Cát Lăng thuộc huyện Tiên Lữ, phủ KhoÁi Châu. Cát Lăng quê hương của Tịnh Lực ở đây có thể gồm địa phận các tổng Cát Dương và Cát Lăng vừa nói.

 (3)  Niệm Phật tam muội, Phạn: Buddhànusmrti-samàdhi. Phương pháp thiền định bằng cách nhớ nghĩ đến Phật. Sự nhớ nghĩ này hoặc bằng một lòng quán tưởng những nét đẹp của xác thân Phật hay thật tướng của pháp thân Phật thì gọi là quán tưởng niệm Phật, hoặc bằng một lòng đọc tụng tên Phật thì gọi là xưng danh niệm Phật. Đây là nhân hành của việc niệm Phật. Đến khi vào thiền định mà thấy được chính Phật hiện ra trước mắt hay thấy được pháp thân Phật, thì đấy là kết quả của việc niệm Phật tam muội. Xem Quán vô lượng thọ kinh ĐTK 365 và Niệm Phật tam muội kinh 7 ĐTK 1996. 

 (4)  Hùng hoàng theo Thần nông bản thảo kinh là một loại đá có thể làm cho người ta “nhẹ người thần tiên” và chống lại được bệnh do “tà ma quỉ quái” tạo ra. Ngô Phổ giải thích nó là thứ hùng của các loại đan nên gọi là hùng hoàng. Xem Thần nông bản thảo kinh 2 tờ 2b1-11 và Bản thảo cương mục 9 tờ 21b9-28b1.

 (5)  Thừa Tiên là tự của Lâu Huyền đời Tôn Ngô và của Thái Hựu đời Bắc Chu. Họ đều là những trung và công thần của hai triều đại ấy. Xem Ngô chí 20 tờ 2a2-3a1 và Chu thư 27 tờ 2b13-4b6.  

(6)       Nguyên văn: Vị ngộ hiện long vi Phật tử. Hiện long là một từ lấy từ quẻ càn của Chu dịch: “Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân”. (Rồng ra ở ruộng, lợi thấy đại nhân). Khổng tử giải thích: Đức rồng ở chính trung thì lời nói thường mà tin, việc làm thường mà cẩn thận, tránh điều tà mà giữ lòng thành, giỏi việc đời mà không khoe khoang, đức hạnh rộng để giáo hóa. Dịch nói: “Rồng ra ở ruộng, nên thấy đại nhân, đó là đức của vua vậy”. Xem Chu dịch 1 tờ 2b7-10

(7)       Nguyên văn: Hốt tào thử xuất tịch vô cùng. Chuột trong câu này là chỉ bọn bầy tôi phá hoại quốc dân, một từ lấy ra ở thiên Chính lý của Thuyết uyển: “Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng: “Nước có nạn  gì?” Quản Trọng đáp: Nạn là nạn chuột xã. Hoàn Công hỏi: Sao gọi thế? Quản Trọng đáp: Cái xã là do bó cây mà trét đất lên. Chuột nhân đó đến ở gá vào. Đốt chúng đi thì sợ cháy cây. Tạt chúng đi thì sợ lở đất. Chúng do đó không thể giết được làvì ngôi xã. Nước cũng có loại chuột xã, tức là kẻ hầu hạ hai bên vua vậy. Bên trong thì chúng bưng bít việc thiện  ác đối với vua. Bên ngoài thì chúng mua bán quyền hành đối với dân. Không diệt chúng thì nước loạn, mà giết chúng thì bị vua xét hỏi. Nên chúng cứ chiếm lấy vua mà sống. Đấy tức là bọn chuột xã của nước vậy”. Xem Thuyết uyển 7 tờ 11a1-7.

 

28. THIỀN SƯ TRÍ BẢO
 

 (1)  Những tư liệu thời Lý, Trần hiện còn thì hoặc có tên Cát Lợi, hoặc có tên Lợi hy, chứ chưa thấy tài liệu nào có tên Cát Lợi Hy. Về tên Cát Lợi, Đại Việt sử lược 3 tờ 24a2, ghi lại việc “năm Kiến Gia thứ 2 (1212) tháng 2 Nguyễn Tự tấn công người Cát Lợi là Ngô Thưởng ở Vũ Cao, bị tên độc trúng, bèn trở về xóm Tây Dương, tuần hơn lỡ giao cấu với đàn bà, khí độc phát lại mà chết”. Còn tên Lợi Hy, văn bia của chùa Báo Ân tại xã Tháp Miếu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú dựng năm Trị Bình Long Ứng thứ 5 (1210) triều Lý Cao Tông thì ghi nó như một tên xã. Về vị trí nó, xem chú thích (2) truyện Khuông Việt.

 (2)  Cương mục tiền biên 4 tờ 12a4-6 viết: “Ô Diên là đất Giao Chỉ xưa, năm Đường Vũ Đức thứ 4 (621) đặt huyện Ô diên cùng với Từ Liêm và Vũ lập là ba huyện đều thuộc Giao Chỉ. Sử cũ chùa Ô diên là xã Hạ mỗ ở Từ Liêm. Xã ấy có đền thờ Bát Lang thần, “đó tức là đền thờ Nhã Lang vậy”. Sử cũ mà Cương mục dẫn ra đây, tức là Đại Việt sử ký toàn thư  N4 tờ 20a1. Kiến văn tiểu lục 6 tờ 1b5-7 cũng lập lại những gì Đại Việt sử ký toàn thư đã nói, như Cương mục đã dẫn. Nó viết: “Xã Hạ Mỗ, sử nói tức là thành Ô diên, nơi ở của Triệu Việt Vương”. Xã đó có đền thờ của Bát Lang thần, tức là Lý Nhã Lang, rể của Triệu Việt Vương. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, mục Từ miếu cũng ghi thế. Quê hương của Trí Bảo như vậy phải là làng Hạ Mỗ, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây ngày nay. 

 (3)  Tô Hiến Thành (?-1179). Cứ Đại Việt sử lược 3 và Đại Việt sử ký toàn thư B4 thì trong trận đánh chống nghĩa quân Thân Lợi vào năm 1139 (Đại Việt sử ký toàn thư ghi vào năm1141) Tô Hiến Thành mang chức Thái phó. Đến năm 1159, Đại Việt sử ký toàn thư  B4 tờ 14a7 nói: “Vua phong Hiến Thành làm Thái úy”.

(4)     Ý và chữ lấy ra từ câu nhận xét về Vô Nghiệp của Đạo Nhất. Khi Nhất lần đầu tiên gặp Nghiệp, thấy vóc dáng Nghiệp cao lớn, tiếng nói như chuông, Nhất bảo: “Chùa Phật vòi vọi, mà trong không có Phật” (Nguy nguy Phật đường, kỳ trung vô Phật). Xem Truyền đăng lục 8, tờ 257a8-9. Xem thêm chuyện Thân Tán, theo đó Tán, sau khi bỏ thầy mình đến học với Bách Trượng rồi trở về, thầy Tán hỏi: “Con bỏ chỗ ta đi rồi, giờ có được sự nghiệp gì không?” Tán đáp: “Không có sự nghiệp gì ráo”, nên bị thầy sai hầu hạ. Một hôm ông bắt Tán tắm cho ông, Tán vỗ vào lưng ông nói: “Điện Phật đẹp mà Phật không thiêng”. (Hảo sở Phật điện, nhi Phật bất thánh). Xem Truyền đăng lục 9 tờ 168a10-14.  

(5)     Có người hỏi Tôn Triệt: “Tính địa nhiều u tối làm sao hiểu rõ?” Triệt đáp: “Mây nổi gió cuốn, bầu trời bỗng trong”. Xem Truyền đăng lục 12 tờ 293a 22-23.

(6)     Trường Sinh hỏi Huyền Sa Sư Bị: “Hòa thượng có thấy rõ ràng chỗ thấy không?” Bị đáp: “Biết nhau khắp thiên hạ”. (Tương thức mãn thiên hạ). Xem Truyền đăng lục 18 tờ 347a13-14. Xem thêm Viên Ngộ Phật Quả thiền sư ngữ lục 1tờ 715b24 thiền sư Kế Bằng thượng đường, chập tay hỏi:

 “Biết nhau khắp thiên hạ,

Tri âm được mấy người”

      (Tưởng thức mãn thiên hạ

      Tri âm năng kỷ nhân)

Xem Truyền đăng lục 2 tờ 476b 20-21.

Câu sau từ Ngũ đăng hội nguyên. Xem thêm câu hỏi trong truyện Diên Chiểu ở Truyền đăng lục 12 tờ 302a 24-25.

      Can mộc phụng Văn hầu

      Tri âm hữu kỷ nhân

 (7) Ý và chữ  của đoạn văn và bài kệ trên đây rút ra từ  chương Ly cấu của phẩm Thập địa trong kinh Hoa nghiêm: “Bồ tát ư tự tư tài, thường tri chỉ túc, ư tha từ thứ, bất dục xâm tổn. Nhược vật thuộc tha, khởi tha vật tưởng, chung bất ư thử, nhi sanh đạo tâm. Nãi trí thảo diệp, bất dự bất thủ, hà huống kỳ dư, tư sinh chi cụ. Tính bất tà dâm. Bồ tát ư tự thê tri túc, bất cần tha thê. Ư tha thê thiếp tha sở hộ nữ, thân tộc môi định, cập vi pháp sở hộ, thượng bất sinh ư tham nhiễm chi tâm, hà huống tùng sự, huống ư phi đạo”. (Bồ Tát đối với của cải mình, biết vừa đủ, đối với của người, thì thương yêu tha thứ, không muốn lấn hại. Nếu vật thuộc của người mình dấy lên cái ý tưởng là vật của người thì rốt cuộc không sinh lòng trộm cắp. Cho đến ngọn cỏ, lá cây, người không cho, mình không lấy, huống nữa là những vật dùng cho đời sống khác. Bồ tát biết đủ đối với vợ mình, mà không vợ ngườẵi. Đối với thê thiếp của người, con gái do người bảo hộ, do thân tộc môi định và do pháp luật bảo hộ, mình còn không móng lòng tham nhiễm, huống nữa là tùng sự dâm dục, huống nữa là nơi phi đạo). Xem Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 35 tờ 185a 25-b2.

 
29. THIỀN SƯ TRƯỜNG NGUYÊN
 

 (1)  Về Bình Lỗ và núi Vệ Linh, xem chú thích (5) truyện Khuông Việt.

 (2)  Về Tiên Du, xem chú thích (2) truyện Vô Ngôn Thông.

 (3 ) Thiện Hội ở Giáp Sơn, có người hỏi về cảnh Giáp Sơn, đáp:

    “Viên bảo tử quy thanh chướng lý

      Điểu hàm hoa lạc bích nham tiền”.

     (Vượn bồng con về trong núi xanh

      Chim ngậm hoa rơi trước hang biếc) 

                Xem Truyền đăng lục 15 tờ 324b20-21.

(7)     Những từ chủ yếu trong 4 câu đều lấy từ chương 56 của Đạo đức kinh: “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri, tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần, thị vị huyền đồng, cố bất khả đắc nhi thân, bất khả đắc nhi sơ, bất khả đắc nhi lợi, bất khả đắc nhi hại, bất khả đắc nhi quí, bất khả đắc nhi tiện, cố vị thiên hạ vi”. (Người biết không nói, người nói không biết, ngậm miệng lưỡi, bịt tai mắt, nhụt bén nhọn, bỏ chia phân, hòa ánh sáng, đồng bụi bậm, ấy gọi là huyền đồng cho nên không thể được mà thân, không thể được mà sơ, không thể được mà lợi, không thể được mà hại, không thể được mà sang, không thể được mà hèn, không nên thành vật quý của thiên hạ). Xem Đạo đức kinh hạ thiên tờ 12a13-b6.

 (5)  Những từ chủ yếu trong 6 câu đây lấy ra từ chương 51của Đạo đức kinh, “Đạo sinh chi, đức súc chi...trưởng chi, dụ chi, đình chi, dưỡng chi, phú chi..”. (Đạo sinh đó, đức nuôi đó, ..., lớn đó, nắn đó, đúc đó, dưỡng đó, che đó). Xem Đạo đức kinh hạ thiên tờ 9b6-10a6. Xem thêm Biên mệnh luận của Lưu Tuấn trong Văn tuyển Lý Thiện chú 54 tờ 7b13- 8a8: “Rằng sinh hết muôn vật thì gọi là đạo, sinh mà không có chủ thì gọi là tự nhiên, tự nhiên là vật thấy mình vậy mà không biết tại sao mình vậy... , sinh ra, không có lòng nắn đúc, chết đi há có ý giết bỏ..”. (Phù thông sinh vạn vật, tắc vị chi đạo, sinh nhi vô chủ, vị chi tự nhiên, tự nhiên giả, vật kiến kỳ nhiên, bất chi kỳ sở dĩ nhiên...., sinh chi, vô đình  độc chi tâm, tử chi, khỉ kiền lưu chi chí)

 (6)  Gái sắt, người gỗ, thiền gia dùng để mô tả diệu dụng của thiền. Thiền sư Đồng An Sát, Thập Huyền Đàm:

          “Mộc nhân dạ bán xuyên ngoa khứ

             Thạch nữ thiên minh đái mạo quy”

            (Người gỗ nửa đêm xỏ dép đi

             Sáng mai gái đá đội nón về)

Xem Truyền đăng lục 29 tờ 455c6-7. Xem thêm Cổ túc thập trí đồng chận vấn đáp:

     “Mộc nhân tuy bất ngữ

      Thạch nữ dẫn hồi đầu”

      (Người gỗ tuy không nói 

      Gái đá hết ngoảnh đầu)

Xem Nhân thiên nhãn mục 1 tờ 305c5-6.

 

30. THIỀN SƯ TỊNH GIỚI
 

 (1)  Trong mấy chục ngọn núi của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ghi trong Đại nam nhất thống chí 13-15, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An, không thấy ghi ngọn núi nào tên Bí Linh cả. Phải chăng nó đã bị đổi tên? Trong tình trạng hiểu biết và tư liệu hiện tại, chúng tôi chưa thể trả lời được.

 (2)  Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ 11a2 nói: “Phủ Trường An, đời Lý là phủ, đời Trần và Lê nhân theo, nay là phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình vậy”. Phủ Yên Khánh, theo Đại nam nhất thống chí, tỉnh Ninh Bình, mục phần dã thì đời Nguyễn gồm bốn huyện, đây là Yên Khánh, Gia Viễn, An Mô và Kim Sơn. Nó như vậy tương đương với phần đất của những huyện Yên Khánh, Gia khánh, Gia Viên và Yên Mô, tỉnh Ninh Bình hiện nay. Phủ Trường Yên là do Lý Công Uẩn đổi thành Hoa Lư, kinh đô của nhà Đinh và Lê, vào năm 1010 mà ra.

 (3)  Lô Hải đây chắc phải nằm trong địa phận những huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa ngày nay, bởi vì, Đại nam nhất thống chí 16, tỉnh Thanh Hóa, mục Sơn Xuyên, tờ 43a4-6 có kể tên một con sông tên Ngung Giang. Nó viết: “Ngung Giang ở tại ranh giới của ba huyện Hoằng Hóa, Mỹ Hóa và Hậu lộc, một tên là Ngung Giang. Nguồn nó bắt từ hai sông Mã và Lương mà tới, đến cửa An Phái thì phân dòng mà chảy qua những huyện Hoằng Hóa và Mỹ Hóa, rồi ngoặt qua huyện Hậu Lộc thì có nước Khe Trà,... một tên Bào Giang chảy vào, rồi đổ vào cửa Ỷ Bích. Cái gọi là sông Nhị, sông Cát, sông Bút, sông Bích đều là những tên khác của sông này. Sử nhà Lê nói trong khoảng Thiên Hựu (1557) Mạc Kính Điển đánh bị thua, về giữ sông Bút Cương, tức nơi đây”.

Ngung Giang ở đây chắc là Ngung Giang của chúng ta, bởi vì cả chữ Ngu lẫn chữ Ngung đều có âm phù ngu. Âm phù đó cũng đọc ngung, cho nên trị sở của Quảng Châu thời Hán đúng ra phải đọc Phiên Ngu, nhưng chúng ta cũng thường đọc là Phiên Ngung. Chúng tôi do đó coi Ngu Giang cũng là Ngung Giang. Vào thời Lý, việc lấy tên sông mà đặt tên cho một địa phận cũng thường xảy ra, đặc biệt là tại vùng Thanh Hóa. An nam chí lược 1 tờ 21 nói: “Phủ lộ Thanh Hóa là quận Cửu Chân đời Tây Hán, Ái Châu đời Tùy Đường. Những thuộc ấp của nó ngày nay gọi là giang, trường, giáp, xã”.

Về vị trí thực sự của Lô Hải, cũng như của Ngung Giang, chúng tôi nghĩ rằng nó nằm khoảng vào tổng Lỗ Hương, mà trước năm 1839 thuộc huyện Hoằng Hóa mà sau đó thì bị cắt làm huyện Mỹ Hóa cùng những tổng khác, rồi đến năm 1850 lại thuộc huyện Hoằng Hóa. Từ tổng Lỗ Hương đó đi ra phía đông đến biển và cửa Ỷ bích có thể là địa phận của Lô Hải xưa thời Lý. Nói khác đi nó bao gồm phần lớn đất do Ngung Giang chảy qua. Ngung Giang ngày nay là sông Lạch Trường. Cửa Ỷ Bích là cửa Lạch Trường. Nên Lô Hải là Ngung Giang nằm tại vùng Lạch Trường đó.

Những địa danh như Mão Hương, Ngung Giang và Lô Hải bàn cãi ở đây, chúng tôi chưa thấy một sách sử nào nói tới. Do thế không cần phải nói là những bàn cãi trên có tính chất tạm thời và giả thiết.

Cứ An nam chí nguyên 3 tờ 209 thì “Thiền sư Tịnh Giới là vị Sư huyện Đông Quan, tu hạnh đầu đà, cảm hóa như thần, Giao Châu có hạn, họ Lý sai sứ đi đón về. Nửa đêm Sư đứng giữa sân đốt hương. Mưa ngọt đổ lớn. Họ Lý khen, tặng làm thầy Mưa”. Nói là gốc huyện Đông Quan, bởi vì Giới về ở chùa Báo Thiên, tại Hà Nội, chứ thật sự không phải.

 (4)  Lãng Sơn đây nghi là Lãng Sơn ở huyện Lập Thạch, tỉnh Sơn Tây thời Nguyễn tức nay là huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú. Dù chữ Lãng trước viết với bộ thủy và Lãng sau viết với bộ nguyệt. Thiền uyển tập anh thường có cái tật thay chữ đồng âm này với một chữ đồng âm khác, mà không sợ đổi nghĩa, nhất là trong những trường hợp danh từ riêng. Ví dụ ở tờ 4b1 chữ hoài chứa hết 1 chữ hán của Bách Trượng Hoài Hải thì bị viết thành hoài.

                Về Lãng Sơn Kiến văn tiểu lục 6 tờ 6a4-b8 nói: “Núi Lịch ở tại xã An Lịch, huyện Sơn Dương, bắt từ núi Sư khổng của huyện Đương Đạo chạy xuống đến xã đây thì giữa đất bằng nổi lên năm sáu ngọn núi đất, rồi rẽ ngang thành một nhánh chạy xuống huyện. Lập Thạch thành Lãng Sơn. Trên Lãng Sơn - tục gọi là núi Lạng - cũng có đền thờ vua Thuấn. Trước núi lại nổi lên một ngọn núi đất hơi thấp. Trên đỉnh nó, như hình cây giao nhau bên trong rộng ước độ vài sào, có thể trồng loại tiêm nha 100 bông - 1 bông 40 bó, 100 bông 4000 bó - tục truyền đó là chỗ vua Thuấn trồng, nhân đó gọi là núi Bách Bông”. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên, cũng dẫn đoạn vừa viết của Kiến văn tiểu lục, khi nói về Lịch sơn.

Lãng Sơn như vậy là chi nhánh của núi Lịch ở tại huyện Lập Thạch. Ngày nay huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú còn có Lãng Sơn, mà người ta thường gọi là núi Hạng. Ta hiện chưa biết núi Hạng này còn có một ngôi chùa nào chăng?  Truyện Tịnh Giới ở đây nói khi Giới đã xách gậy đông du, tức từ Thanh Hóa đi ra miền Bắc, để đến tại Lãng Sơn thì “trải bảy năm tham học, Giới gặp Bảo Giác chùa Viên Minh”. Thế thì phải chăng Giới đã gặp Bảo Giác tại Lãng Sơn? Phải chăng chùa Viên Minh ở tại núi đó? Chúng tôi hiện chưa rõ.

 (5)  Tiểu sử của Viên Thông thuộc đời thứ 18 của phái Pháp Vân nói: “Cha của Viên Thông là Huệ Dục, làm quan dưới triều Lý Nhân Tông đến chức tả hữu nhai tăng lục, đạo hiệu là Bảo Giác”. Phải chăng Bảo Giác chùa Viên Minh nói ở đây là cha của Viên Thông? Thật khó mà trả lời. Viên Thông mất năm 1151 lúc đã 72 tuổi. Cha của Viên Thông do thế không thể sống quá năm 1151 này, có quá lắm thì sống sau đó khoảng năm hay mười năm là cùng, nghĩa là tới khoảng năm 1161. Nhưng Bảo Giác chùa Viên Minh ở đây lại mất vào năm 1173, như vậy khó có thể làm cha Viên Thông.

Thế thì phải chăng Bảo Giác chùa Viên Minh  đây là một viết lộn cái tên của Bảo Giác chùa Bảo Phúc tại Đa Vân thuộc thế hệ thầy của Tịnh Giới? Đây là một có thể, bởi vì tiểu sử của Bảo Giám nói Giám mất vào năm1173 cùng năm với Bảo Giác chùa Viên Minh, chỉ khác tháng mà thôi. Một bên mất vào tháng 10, một bên mất vào tháng 5. Nhưng không quan trọng cho lắm, bởi vì chữ ngũ có thể viết lộn thành chữ thập và ngược lại. Có khác chăng là khác chùa, một bên chùa Bảo Phúc, một bên chùa Viên Minh, nhưng cũng không thiết yếu lắm với sự dời đổi thường xuyên của  phần lớn những vị thiền sư.

Dầu sao, cuối tiểu sử của Tịnh Giới ở đây, người viết đã chú thích là “truyện của Giới đại khái so với Quốc sử và văn bia không giống, nay xin khảo chính lại”, thì cũng đủ thấy, ngay từ thời Thiền uyển tập anh ra đời, cuộc đời của Giới cũng đưa ra khá nhiều vấn đề, đến nổi cần phải khảo chính lại. Vì thế, Tịnh Giới cuối cùng có thể là đệ tử của Bảo Giác, cha của Viên Thông.

 (6)  Nguyên văn:

            Vạn pháp quy không vô sở y

            Quy tịch chơn như mục tiền ky

            Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ

            Thủy băng tâm nguyệt mẫn tâm nghi

Câu 2 theo luật thơ phải là “Chân như quy tịch mục tiền ky”. Còn chữ “nghi” trong câu 4 nguyên đọc là nghĩa. Nhưng chữ nghĩa cũng đọc là nghi. Xem thiên Tứ sử, phần Xuân quan của Chu lễ 19 tờ 6b 12-13 và nghi cũng có nghĩa là “hướng đến”. Xem Ngoại thích truyện của Tiền hán thư 97 thượng tờ 18b 13-19a1. Nên “mẫn tâm nghi” chúng tôi dịch là “dứt mọi xen”, tức dứt mọi thú hướng của tâm.

Tư tưởng “vạn pháp qui không” là một tư tưởng lớn và căn bản của những trường phái Đại thừa Phật giáo. Nhưng chữ không đó có nghĩa gì thì mọi trường phái giải thích khác nhau. Nó cũng trở thành công án của thiền. Xem Truyền đăng lục 8 tờ 262c5. Phúc Khê có người hỏi: “Duyên tán qui không, không qui hà sở?”. Sư đáp: “Ta”. “Mục tiền ky” là cơ duyên trước mắt, thuật ngữ lấy bài kệ Lăng hành bà gởi Triệu Châu trong Truyền đăng lục 8 tờ 263a 12-13.

Khốc thanh sư dĩ hiểu

Dĩ hiểu phục thùy tri

Đương thì Ma kiệt quốc

Kỷ táng mục tiền ky.

                     Đương thì ma kiệt quốc

                     Kỷ tắng mục tiền ky

 (7)  Về chùa Báo Thiên, xem chú thích (6) truyện Đạo Huệ.

 (8)  Truyện Nhị Trưng phu nhân trong Việt điện u linh tập tờ 11 có đoạn nói về chuyện Tịnh Giới cầu mưa này, nhưng lại bảo nó xảy dưới thời Lý Anh Tông. Truyện đó viết: “Lý Anh Tông, nhân có hạn, sai thiền sư Tịnh Giới cầu mưa, chốc lát thì được mưa, khí mát thấm người. Vua mừng đến xem, bỗng thấy buồn ngủ, mộng thấy hai người con gái mặt hoa mày liễu, áo xanh quần đỏ, mũ đỏ mang đai, cỡi ngựa sắt mà đến gặp. Vua lấy làm lạ hỏi thì họ đáp: “Thiếp là hai chị em họ Trưng, vâng lệnh Thượng đế đến làm mưa”. Vua thức dậy, cảm động, sai sửa lại đền miếu, sắm đủ lễ để đến tế, sau rồi sai nghênh về phía bắc thành trong đại nội, dựng đền Vũ Sư để thờ. Sau thác mộng cho vua xin lập đền thờ ở xã Cổ Lai, vua nghe theo, sắc phong là Trinh Linh phu nhân”.

Truyện Tịnh Giới ở đây nói Giới cầu mưa vào Trinh Phù thứ 2 (1177). Nhưng cả Đại Việt sử lược lẫn Đại Việt sử ký toàn thư không ghi một lần hạn nào cả cho đến 1188. Năm đấy, Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 19b9-220a1 nói: “Thiên Tư Gia Thụ năm thứ 3, mùa hạ tháng 5 hạn, vua thân hành đến chùa Pháp Vân ở Luy Bà (bà, nghi là viết sai của chữ lâu. LMT chú) cầu mưa, nhân đó nghênh tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên. Như vậy, phải chăng chuyện cầu mưa Tịnh Giới thực sự bắt đầu dưới thời Lý Anh Tông? Chúng tôi nghĩ đây là một có thể, bởi vì cứ Đại Việt sử lược 3 tờ 7b9 thì “năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (1172) mùa đông, dựng đền Trinh Linh phu nhân ở ngoài cầu Tây Dương”. Mà danh hiệu Trinh Linh phu nhân, cứ truyện Nhị Trưng phu nhân dẫn trên, là do Lý Anh Tông phong. Hơn nữa, vì đền này xây ở “ngoài cầu Tây Dương”, nó chắc phải xảy ra sau khi việc cầu mưa của Tịnh Giới thành công khoảng một thời gian vài ba năm, bởi vì đền nguyên nằm trong Đại nội ở tại đền Vũ Sư. Nói khác đi, phải có hạn trước năm 1172.

Cứ Đại Việt sử lược 3 và Đại Việt sử ký toàn thư B4 thì dười triều Lý Anh Tông ta có những năm hạn sau đây:

1140 “Từ xuân đến hạ không mưa, vua mới cầu mưa.

1142 “Từ xuân đến hạ hạn, vua thân hành cầu, tháng 6 Đinh Sửu mới mưa.

1146 “Mùa hạ tháng 4 trâu bò bị dịch chết, hạn, cầu thì mưa”.

1150 “Mùa xuân tháng 3 hạn. Mùa thu tháng 7 hạn”.

            1148 “Mùa hạ hạn, cầu thì mưa”.

1165 “Mùa hạ tháng 6 đại hạn, dân chúng bị bệnh dịch lớn, trâu, bò chết phần lớn, giá gạo nhảy vọt”.

Như thế, trong vòng 10 năm đầu hơn của Lý Anh Tông, năm lần hạn đã xảy ra, khoảng cách cứ hai năm một lần. Và những lần hạn này lại kéo dài thường từ ba đến sáu tháng. Với những cơn hạn kiểu đó, mới có việc “vua ban chiếu cho danh tăng khắp trong thiên hạ cầu mưa” như truyện Tịnh Giới đã ghi. Ngoài ra, Tịnh Giới tham dự việc cầu mưa theo tục truyền, như chính truyện đã viết, là để hợp thức hóa số thuế của Giới, mà “người chị Giới là Chu Thị thường năm thay Giới nạp thuế”. Với môt mục đích đấy, Giới tất tìm cách thực hiện khi có dịp. Do thế, không phải là không có lý, khi nói Tịnh Giới có cầu mưa dưới thời Lý Anh Tông, như Việt điện u linh tập đã có.

Tuy nhiên, bởi vì Giới xuất gia năm 26 và mất vài ba năm ở chùa  làng mình cùng 7 năm sống ở Lãng Sơn và 6 năm tu hạnh đầu đà ở chùa Quốc Thanh. Ta có thể chắc chắn là khi hành đạo Giới lúc bấy giờ cũng phải ít nhất trên 40 tuổi. Mà Giới lại mất năm 1207, nên giả sử Giới có sống trên 90 tuổi đi nữa, thì việc cầu đảo của Giới cùng lắm phải xảy ra bắt đầu từ những năm 1160 trở đi mà thôi. Nói cách khác, truyện Tịnh Giới ở đây, nói Giới cầu mưa vào khoảng Trinh Phù không phải là hoàn toàn vô căn cứ.

 (9)  Đại Việt sử lược 3 tờ 9b9-10 viết: “Năm Trinh Phù thứ 4 (1179) tháng 5 sửa thêm chùa Chân Giáo, xuống chiếu lấy chùa đó làm nơi hành hương vào ngày kỵ của Anh Tông”. Việc này, Đại Việt sử ký toàn thư và các sử khác không ghi.

Về chùa Chân Giáo tại núi Vạn Bảo, Tây hồ chí, phần Tự am tập viết: “Chùa Chân Giáo xưa tại đỉnh ngọn Phục Tượng của núi Vạn Bảo trong thành Đại La. Chùa dựng vào mùa thu năm Thuận Thiên thứ 15 (1024) để làm nơi vua ngự xem tụng kinh. Nay chùa chỉ còn một gian, biển cũ cũng mất, vì vậy ít người biết gốc tích. Tục chỉ gọi chùa Tượng Sơn. Núi và chùa nay ở tại trại cần bảo huyện Vĩnh Thuận, phía tây ngoài thành. Lại xét chỗ đất trũng trước chùa có nước đọng, thời xưa là ao Ngoạn Thiềm, triều Trần bắc cầu Lâm Ba trên nó, nay di tích không còn”.

Về núi Vạn Bảo, Tây hồ chí, mục Sơn xuyên, viết: “Núi Vạn Bảo gồm 15 ngọn ở về phía nam của hồ, nay thuộc tổng Vĩnh Thuận nội, các ngọn chia thuộc 16, 17 trại, điếm. Những cung điện, chùa miếu của ba triều Lý, Trần, Lê, nền cũ phần nhiều còn đó. Có nói rõ trong Thăng Long chí. Ba ngọn Phục Tượng, Phục Hổ và Thần Bút là chi nhánh núi Vạn Bảo.

 (10) Kiến văn tiểu lục 4 tờ 13b6-8 chép:

         Thu lai lương khí giáp khâm trung

         Bát đẩu tài cao hướng nguyệt ngâm

       Kham tiếu thiền gia si độn khách

         Vị tương hà ngữ dĩ truyền tâm

Những chữ đậm là đọc khác với bản của Thiền uyển tập anh

 (11) Nguyên văn: Thử truyện lược dự Quốc sử cập bi văn bất đồng, kim phục khảo chính. Quốc sử đây chắc phải là Đại việt Sử ký của Trần Chu Phổ và Lê Văn Hưu. còn văn bia của Tịnh Giới hiện ta chưa tìm lại được. Vì Quốc sử là của Phổ và Hưu, cho nên qua những bàn cãi trên, ta thấy những sự việc ghi trong truyện Tịnh Giới không thấy nói tới trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ngược lại, một trong những việc ấy lại do Đại Việt sử lược, một tác phẩm sử học đời Trần hiện còn chép.


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp