15/06/2011 14:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 24416
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHÚ THÍCH THIỀN UYỂN TẬP ANH

BÀI TỰA IN LẠI
THIỀN UYỂN TẬP ANH  
 (1) Uy Âm Phật, tức Đức Phật đầu tiên của thế giới Không kiếp, trước đó không có một Đức Phật nào hết. Cho nên tên Đức Phật này được dùng để chỉ cho ranh giới giữa giai đoạn lúc chưa có sự phân biệt của chúng sanh và giai đoạn sau đó khi đã có sự phân biệt. Xem Pháp hoa thông nghĩa 6 và Tổ đình sự uyển 5.

 (2)  Ta bà: Phạn: Sahà, tên thế giới của chúng ta, được định nghĩa là thế giới “chịu nhận ba thứ độc (tức tham, sân, si) và các loại phiền não”. Xem Bi hoa kinh 5 tờ 119c 22-23

 (3)  Cửu kiếp lịch tu: Điển tích Phật Thích Ca, nhờ ngợi ca Đức Phật Phất Sa bằng bài tán:

Thiên thượng thiên hạ vô như Phật

Thập phương thế giới diệc vô tỉ

Thế gian sở hữu ngã tận kiến 

Nhất thiết vô hữu như Phật giả.

trong khi đang làm một vị Bồ tát trên đường đi tới giác ngộ, mà đã có thể thâu ngắn thời gian tu hành của mình bằng cách vượt được chín kiếp, để trở thành Phật Thích Ca, trong khi Di Lặc còn phải đợi chín kiếp nữa. Xem Đại trí độ luận 25 tờ 87b27.

 (4)  Lục đạo, cũng gọi là Lục thú, tức chỉ cho sáu con đường sống sáu lối sống, đây là con đường sống của thiên thần, của con người, của phi thiên, của súc sanh, của quỉ đói và của địa ngục.

 (5)  Tam đồ, tức ba con đường, đấy là: 1. con đường lửa chỉ cho chỗ lửa dữ của địa ngục, 2. con đường máu chỉ cho thế giới ăn nuốt lấy sinh mạng của nhau tức loài súc sanh và 3. con đường đao kiếm chỉ cho thế giới đấu tranh bức hiếp lẫn nhau tức loài quỷ đói. Xem Tứ giải thoát kinh.

 (6)  Tức Bồ Đề Đạt Mạ, Phạn Bodhidharma, đến Trung Quốc vào năm 520 và mất năm 528, người được coi thực sự khai sáng ra nền thiền Trung Quốc. Về sự tích, xem Truyền đăng lục 3 tờ 217a9-220b25 và Tục Cao tăng truyện 16 tờ 551b27-c26 và Lịch đại pháp bảo ký tờ 180 c3- 181a18.

 (7)  Tức Phật Đồ Trừng (232- 348). Chú sen có nghĩa là đọc chú làm cho hoa sen mọc lên từ một bát nước. Sự tích lấy từ chuyện Trừng gặp Thạch Lặc, và Lặc hỏi Trừng về chuyện “Đạo Phật có linh nghiệm gì? Trừng biết Lặc không hiểu tới lẽ sâu của Đạo, nên có thể dùng đạo thuật để làm bằng cớ, nhân đó nói rằng: “Đạo cả tuy xa, nhưng có thể lấy việc gần để làm chứng”. Bèn lấy một cái bình bát đựng đầy nước, đốt hương và niệm chú thì phút chốc mọc lên một hoa sen xanh, sắc đẹp sáng chói mắt. Lặc do đó tin phục. Xem Cao tăng truyện 9 tờ 383c3-10.

 (8)  Huyền trung chi huyền. Đây là một trong ba thứ huyền của phái Lâm Tế, đấy là: 1; Huyền trung huyền, 2; Thể trung huyền và 3; Cú trung huyền. Xem Nhân thiên nhãn mục 2 tờ 311b19. Xem thêm Lão Tử, Đạo đức kinh thượng thiên tờ 1b3, Huyền chi hựu huyền, Chúng diệu chi môn.

 (9)  Sáu trần, tức sáu đối tượng của sáu giác quan, mà thông thường thì gồm sắc là đối tượng của mắt, thanh là đối tượng của tai, hương là đối tượng của mũi, vị là đối tượng của lưỡi, xúc là đối tượng của thân, và pháp là đối tượng của ý.

Bốn tướng, tức bốn diễn trình của sự vật, đấy là sự sinh ra, sự trì giữ, sự thay đổi và sự diệt chết. Xem Câu Xá luận 5 tờ 27a12- 20a9.

 (10)        Chiên đường: Điển lấy từ việc Dương Chấn (?- 124) dạy học, trước nhà có treo bảng một con chim ngậm trong mỏ ba con cá chiên, nên sau này người ta gọi nhà chiên hay chiên đường, để chỉ chỗ các thầy đồ dạy học. Xem Hậu hán thư 84 tờ 1b5-9.

 (11)        Dẫn Chu dịch: “Quẻ Mông”: “Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã”. Xem Chu dịch 1 tờ 9a3.

 

1.        THIỀN SƯ VÔ NGÔN THÔNG
 

 (1)  Đối chiếu với các tư liệu Trung Quốc:

 (a). Truyền đăng lục 9 ĐTK. 2076, tờ 268a28- b13: Hoài Nhượng thiền sư, đệ tam thế Hồng châu Bách Trượng Hoài Hải thiền sư pháp tự Quảng Châu, An hòa tự, Thông thiền sư giả, Vụ châu, Song Lâm tự thọ nghiệp, tự ấu, quả ngôn, thời nhơn vị chi Bất Ngữ Thông dã. Nhân lễ Phật, hữu thiền giả vấn vân: “Tọa chủ lễ để thị thập ma?” Sư vân: “Thị Phật” Thiền giả nãi chỉ tượng vân: “Giá cá thị hà vật?” Sư vô đối. Chí dạ, cụ oai nghi, lễ vấn thiền giả vân” Kim nhật sở vấn, mỗ giáp vị tri ý chỉ như hà”. Thiền giả vân: “Tọa chủ kỷ hạ da?” Sư vân: “Thập hạ” Thiền giả vân: “Hoàn tằng xuất gia dã vị?” Sư chuyển mang nhiên. Thiền giả vân: “Nhược dã bất hội, bách hạ hề vi?” Thiền giả nãi mệnh Sư đồng tham Mã Tổ. Hành chí Giang Tây, Mã Tổ dĩ viên tịch. Nãi yết Bách Trượng, đôn thích nghi tình. Hữu nhân vấn: “Sư thị thiền sư phủ?” Sư vân: “Bần đạo bất tằng học thiền”. Sư lương cửu khước triệu kỳ nhân. Kỳ nhân ứng nặc. Sư chỉ tông lư thọ tử. (kỳ nhân vô đối). Sư nhất nhật linh Ngưỡng Sơn tương sàng tử lai. Ngưỡng Sơn tương đáo. Sư vân: “Khước tống hoàn bản xứ. Ngưỡng Sơn tùng chi. Sư vân: “Sàng tử na biên thị thập ma vật?” Ngưỡng Sơn vân: “Vô vật” Sư vân: “Giá biên thị thập ma vật?” Ngưỡng Sơn vân: “Vô vật” Sư triệu: “Huệ Tịch” Ngưỡng Sơn vân: “Nặc” Sư vân “Khứ”.

 (b). Liêu đăng hội yếu 7(Vạn 136 tờ 275a15), chép giản lược hơn, và nói Huệ Tịch lúc bấy giờ còn là một Sa di.

 (c). Đại Quang Minh tạng, quyển trung (Vạn 137 tờ 422b), chép từ đoạn “có người hỏi Sư có phải thiền sư?” vân vân, như Truyền đăng lục (đã dẫn), cuối cùng có lời bình của Bản Đàm: “Cổ nhân tự lợi căn thượng trí dĩ hoàn nhất đẳng phác mậu chi tư, đại lược tương tợ. Kỳ thọ đạo ký bất tương viễn, nhi dụng xứ diệc nhiên. Bất Ngữ Thông dĩ hạ chí vu Đại An chư sư, thân tự Bách Trượng lô bị trung lai, nhi đoàn liễu tinh kim, lược vô chỉ uế. Thử đản trước kỳ nhất thời ứng cơ nhi dĩ; yếu nghiệm kỳ khí lực tương địch, lợi độn tương ma, tự phi kỳ gia đệ huynh, thục cảm khinh xúc?”

 (d). Ngũ đăng hội nguyên 4 (Vạn 138 tờ 63b), chép như Truyền đăng lục, đã dẫn, từ đầu đến cuối, chi tiết đối thoại với Ngưỡng Sơn có khác một chút: “Sư nhất nhật triệu Ngưỡng Sơn: “Tương sàng tử lai”. Sơn tương đáo. Sư viết: “Khước tống bản xứ trước”. Sơn tùng chi. Sư triệu: “Huệ Tịch”. Sơn ứng nặc. Sư viết: “Sàng tử na biên thị thậm ma vật?”. Sơn viết: “Chẩm tử” giá biên thị thậm ma vật?” Sơn viết: “Vô vật” Sư phục triệu: “Huệ Tịch”. Sơn ứng nặc. Sư viết: “Thị thậm ma” Sơn vô đối. Sư viết: “Khứ”.

 (e). Ngũ đăng nghiêm thống 4 tờ 103b. và Chỉ nguyệt lục 11 tờ 125c cả hai bài đều chép như Ngũ đăng hội nguyên đã dẫn.

 (2) Tức huyện Tiên Du. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, nói: “Huyện Tiên Du ở xiên về phía đông bắc phủ lỵ Từ Sơn 10 dặm, rộng từ đông sang tây 18 dặm, nam xuống bắc 10 dặm, phía đông 10 dặm thì đến địa giới huyện Quế Dương, tây 7 dặm thì đến địa giới huyện Yên Phong, nam 11 dặm thì đến địa giới huyện Siêu Loại của phủ Thuận An, bắc 6 dặm đến địa giới huyện Yên Phong. Đời Trần về trước nguyên đã có tên huyện này. Sử ký nói Nguyễn Thủ Tiệp chiếm cứ Tiên Du, tức là ở đây4. Đời thuộc Minh, châu Vũ Ninh gồm lấy nó và thuộc phủ Bắc Giang. Đời Lê Quang Thuận, đổi nó thuộc phủ Từ Sơn. Triều ta nhân theo đấy. Nó gồm hai tổng, 56 xã thôn”. Nay tức là huyện Tiên Du, tỉnh Hà Bắc. Làng Phù Đổng ở tại huyện này. Chùa Kiến Sơ, như truyện của Cảm Thành xác định là do một nhà giàu họ Nguyễn của làng đấy đem  nhà mình cải thành chùa, rồi đem cúng cho Cảm Thành có lẽ khoảng năm 820 hay trước đó không lâu.

Huyện Tiên Du này, vào thời kỳ nhà Lý chắc gọi là quận Tiên Du, bởi vì trong truyện Cảm Thành nói Thành người Tiên Du, xuất gia ở núi Tiên Du quận mình”.

 (3)  Vụ châu, địa danh đời Đường, sau đổi là Tư châu. Nay là huyện lỵ huyện Vụ xuyên, Quý châu.

 (4) Tức Truyền đăng lục do Đạo Nguyên khởi viết năm 1004. Nó gồm cả thảy 30 quyển, mô tả lịch sử truyền thừa của thiền tông từ Phật Tỳ Bà Thi trở xuống cho tới thiền sư Huệ Thành (941- 1007). Năm Cảnh Đức thứ 4 (1007) là năm ông hoàn thành tác phẩm này. Vì nó được viết trong khoảng Cảnh Đức (1004- 1007) đời Tống Chân Tôn nên cũng có tên Cảnh Đức Truyền đăng lục, hiện ở trong Đại tạng kinh số ĐTK 2076.

 (5) Tức thiền sư Đạo Nhất (709- 788) ở Giang Tây, là học trò đắc pháp duy nhất của Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư người họ Mã, nên cũng thường gọi là Mã Tổ. Về tiểu sử, xem Truyền đăng lục 6 tờ 245 c23-246c6.

 (6) Giang Tây, vùng đất ở phía nam thuộc lưu vực trung bộ sông Dương Tử. Tương đương với phần đất tỉnh Giang Tây ngày nay.

 (7) Bách Trượng Hoài Hải (749- 814) là học trò của Mã Tổ. Sư người Trường Lạc, Phúc Châu. Sau khi đắc pháp với Mã Tổ rồi, bèn đến tại núi Đại Hùng ở Hồng Châu, vì ở ngọn núi này cao dốc nên cũng gọi là Bách Trượng. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 249b26- 250c. Ở Trung Quốc, Hải được coi như là vị thầy của hai người học trò đã khai sinh ra hai phái thiền lớn của Trung Quốc, đấy là Linh Hựu ở Qui Sơn, người đã cùng với học trò mình là Huệ Tịch ở Ngưỡng Sơn khai sinh ra phái thiền Qui Ngưỡng, và Hy Vận ở Hoàng Bá, người đã dạy cho học trò mình  là Nghĩa Huyền ở Lâm Tế thành lập nên phái thiền Lâm Tế. Ở đây, ta có thể nói Hải còn có một người học trò thứ ba cũng khai sinh ra một thiền phái lớn khác ngoài đất Trung Quốc, đấy là thiền phái Kiến Sơ của Vô Ngôn Thông ở Việt Nam.

 (8) Tham chiếu Truyền đăng lục 6 tờ 250a17: thiền sư Bách Trượng, có tăng hỏi: “Như hà thị Đại thừa đốn ngộ pháp môn?” Sư viết: “Nhữ đẳng tiên hiết chư duyên, hưu tức vạn sự; thiện dữ bất thiện, thế, xuất thế gian, nhất thiết chư pháp, mạc ký ,mạc ức, mạc duyên niệm, phóng xả thân tâm linh kỳ tự tại. Tâm như mộc thạch, vô sở biện biệt. Tâm vô sở hành. Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự hiển. Như vân  khai nhật xuất (....)”

 (9) Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (814-890); Xem Truyền đăng lục 11 tờ 282a-283c; Huệ Tịch Ngữ Lục ĐTK 1910,  tr. 582a và tr. 584c23.

 (10) Tức chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng.

 (11) Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744), đệ tử đắc pháp của Huệ Năng và thầy của Mã Tổ Đạo Nhất. Xem Truyền đăng lục 5 tờ 240c7-241a26.

(12)      Nguyên văn:

                   Nhất thiết chư pháp,

                   Giai tùng tâm sanh.

                   Tâm vô sở sanh,

                   Pháp vô sở trụ.

                   Nhược đạt tâm địa,

                   Sở tác vô ngại.

                   Phi ngộ thượng căn,

                   Thận vật khinh hứa.

So sánh Truyền đăng lục 5 tờ 241a13: (Nam Nhạc thiền sư nói:) Nhất thiết pháp giai tùng tâm sinh, tâm vô sở sinh, pháp vô năng trụ. Nhược đạt tâm địa, sở tác vô ngại. Phi ngộ thượng căn, nghi thận từ tai.

(13) Trà tỳ, cũng gọi là Xà duy, là những  phiên âm của chữ Phạn  savya, nghĩa là sự đốt xác người sau khi chết, tức hỏa táng.

Xá lợi, phiên âm của chữ phạn sàrìra, chỉ cho số xương cốt còn lại sau khi đốt, mà người ta thường gọi là linh cốt của đức Phật và các vị tổ.

 (14) Nguyên văn: Thời Đường Bảo Lịch nhị niên Bính ngọ chính nguyệt thập nhị nhật nhị thập bát niên. Câu này đoạn đầu thật quá rõ ràng, đây là “Bấy giờ ngày 12 tháng giêng năm Bính Ngọ. Đường Bảo Lịch thứ hai”. Điểm khó khăn nằm ở bốn chữ cuối cùng, mà nhiều người đã nhận thấy. Xem Gaspardone, Bibliographie annamite tr.174 chẳng hạn. Chúng tôi nghĩ rằng bốn chữ “nhị thập bát niên” nếu thêm chữ “thọ” vào trước chữ “nhị” và sửa chữ nhị  thành chữ “lục”, thì ta sẽ có “thọ lục thập bát niên”. Và tuổi thọ của Vô Ngôn Thông chắc chắn phải là 68, như ta có thể truy ra sau. Cứ vào tiểu sử, ta biết Thông xuất gia từ nhỏ, vì Thông “thiếu mộ không môn, bất trị gia sản”. Vậy, với tư cách  một đồng chân nhập đạo, với sự “quả ngôn mặc thức” của mình, Thông chắc chắn phải thọ giới Tỳ kheo, để thực sự làm một nhà sư Phật giáo vào lúc Thông 20 tuổi. Đến khi Thông gặp vị thiền khách thì bấy giờ theo chính lời Thông, Thông đã trải qua 10 hạ, nghĩa là đã trải qua 10 năm từ lúc thọ giới. Nói cách khác, khi gặp vị thiền khách Thông đã 30 tuổi. Năm Thông 30 tuổi này cũng là năm Thông được vị thiền khách vừa nói đem đến yết kiến Mã Tổ Đạo Nhất. “Nhưng vừa tới Giang Tây thì Tổ đã thị tịch”. Tổ đây tức Mã Tổ, và năm Mã Tổ mất là năm 788. Vậy, năm 788 này cũng là năm Thông 30 tuổi. Từ đó, suy ra năm sinh của Thông tức rơi vào năm 759. Bấy giờ, ta biết Thông mất vào năm 826. Như thế tuổi thọ của Thông tính theo lối đông phương đúng là 68 tuổi. Do đó, chúng tôi nghĩ “nhị thập bát niên” là một viết sai và thiếu của “thọ lục thập bát niên”. Viết thiếu chữ , trường hợp này Thiền uyển tập anh bản in năm 1715 có khá nhiều. Chẳng hạn, ở tờ 17b6 hai cái tên khá quen thuộc là Bảo Tính và Minh Tâm thì bị viết thành Bảo Tính Minh. Về việc chữ lục bị viết thành chữ nhị thì cũng khá dễ xẩy ra, vì tự dạng chúng rất dễ lầm. 

(15)   Nguyên văn: Hựu chí Khai Hựu Đinh Sửu nhị thập tứ niên. Câu này cùng có một trường hợp tương tự như câu trên, và chúng tôi đề nghị cách đọc và hiểu nó thế này. Thứ nhất, chữ hựu chắc phải là chữ dĩ viết lộn, bởi dáng chữ khá giống nhau. Tiếp đến, những chữ nhị thập tứ niên, chúng tôi nghĩ chúng là một viết lộn, sai và thiếu cũng có thể những chữ sau “phàm ngũ bách thập nhị niên”. Nhị thập là một viết ngược của thập nhị. Sự viết ngược này xuất hiện khá nhiều trong Thiền uyển tập anh, như Lương Nhiệm Văn thì viết thành Lương Văn Nhiệm trong truyện của Cửu Chi. Chữ tứ chắc là một viết sai và ngược của chữ bách, bởi dáng chữ chúng khác giống nhau. Như vậy, nhị thập tứ niên đúng ra phải đọc bách thập nhị niên. Cuối cùng, vấn đề thêm hai chữ “phàm ngũ” Ngó vào tự dạng của hai chữ đấy, ta thấy chúng có những nét rất giống với chữ sửu đi trước. Có thể, người hiệu đính bản in năm 1715 của Thiền uyển tập anh, vì để bản đã lu mờ hay bị mọt cắn, đã không thấy ý nghĩa của chữ phàm ngũ ấy và coi chúng như những điển tự của chữ sửu đứng trước, nên đã loại ra. Còn chữ bách thập nhị, một khi đã loại chữ phàm ngũ thì bỏ chữ bách, hoặc sửa nó lại thành chữ tứ hay một chữ gì đó. Trong trường hợp này, có lẽ họ đã sửa thành chữ tứ và tạo nên sự viết lộn ngược trên. Dầu sao đi nữa, chúng tôi nghĩ rằng một đề nghị giải quyết một đoạn văn như thế không đến nỗi hoàn toàn không có lý. Và lý do cho đề nghị ấy là sau.

Ta biết tác giả Thiền uyển tập anh biết khác nhiều về Truyền đăng lục của Đạo Nguyên. Mà cứ theo lối viết của Nguyên thì sau những vị tổ chính yếu của thiền tông Trung Quốc như Bồ Đề Đạt Mạ cho đến Huệ Năng mất, Nguyên đều tính từ năm mất của họ đến năm Nguyên đang viết Truyền đăng lục, tức năm Cảnh Đức thứ nhất (1004), và nói “đến nay năm Giáp Thìn Cảnh Đức thứ nhất, phàm bao nhiêu năm. Ví dụ, về Huệ Năng thì ông nói “đến nay năm Giáp thìn Cảnh Đức thứ nhất phàm 292 năm”. Năng mất năm 713, đến năm 1004 thì quả là 292 năm. Trường hợp Thiền  uyển tập anh cũng vậy. Tác giả muốn tính cho ta biết từ khi Vô Ngôn Thông mất đi cho tới lúc ông đang viết tác phẩm của mình gồm cả thảy bao nhiêu. Thông mất năm 826 đến đời Trần, Khai Hựu Đinh Sửu (1337), thì Thông cách ta đúng 512 năm theo lối tính phương đông. Đấy là lý do tại sao chúng tôi đề nghị sửa nhị thập tứ niên thành phàm ngũ bách thập nhị niên và dịch theo đó.

 (16) Nguyên văn: Ngã việt thiền học tự Sư chi thỉ. Câu này đã làm một số người như Gaspardone (sđd.). tự hỏi làm sao tác giả Thiền uyển tập anh có thể viết một câu như thế, trong khi biết rõ ràng rằng, thiền học Việt Nam không phải bắt đầu với Vô Ngôn Thông, mà là với Tỳ Ni Đà Lưu Chi như chính ông đã ghi lại. Phải chăng đã có những sai lầm văn cú trong lúc truyền bản? Thực ra, viết như thế, tác giả Thiền uyển tập anh muốn phơi bày quan điểm và lập trường viết sử của mình, để từ đó biện minh cho việc ông đã bắt đầu cuốn sử về thiền tông Việt Nam của mình bằng dòng Vô Ngôn Thông. Nói khác đi, thiền của Vô Ngôn Thông mới là phái thiền chính thống theo quan niệm của ông. Thiền của Tỳ Ni Đa Lưu Chi dù có xưa hơn vẫn không thể có danh dự đó được. Viết về lịch sử thiền tông Việt Nam cho đến thời ông đã có nhiều đánh giá khác nhau, mà việc nổi bật nhất là việc Thông Biện không thừa nhận có phái thiền của Nguyễn Bát Nhã, tức thiền phái Thảo Đường, và thiền phái của Nguyễn Đại Điên. Quan điểm này sau đó được Thường Chiếu, tác giả của Nam tông tự pháp đồ, chấp nhận, đến nổi Quách Thần Nghi phải tra hỏi. Nhưng đến tác giả Thiền uyển tập anh dù quan điểm vừa nói vẫn đang còn có giá trị, ông đã phải thêm vào phần ghi lại sự truyền thừa của phái Thảo Đường. Ta không biết, đây có phải là vì  ảnh hưởng của Huệ Nhật, tác giả Liệt tổ yếu ngữ, một người được tác giả Thiền uyển tập anh Tông trọng dẫn ra với một niềm  tôn trọng và tin tưởng khá vô biên? Và Huệ Nhật, một sử gia Phật giáo khác thời Lý Trần, phải chăng đã gồm thêm phái Thảo Đường trong cuốn sách của mình ?

Ngoài ra, như đã chứng minh trong phần nghiên cứu, tác giả Thiền uyển tập anh thuộc phái thiền Trúc Lâm. Mà phái thiền đấy xuất phát từ dòng Kiến Sơ. Cho nên không có gì là lạ khi ông bắt đầu thiền Việt Nam từ Vô Ngôn Thông.

 

2. THIỀN SƯ CẢM THÀNH
 

 (1)  Bản đời Lê viết “Tánh Thị”, thì Thị đây chỉ họ của Cảm Thành. Thành như vậy họ Thị. Họ Thị không phải là không biết đến trong lịch sử. Tam quốc chí 63 còn ghi lại một nhân vật của triều Tôn Ngô tên Thị Nghi, rồi chú rằng: Nghi nguyên có họ Thị nhưng sau viết cải lại thành Thị. Bản đời Nguyễn trước chữ “Tánh Thị”, viết thêm hai chữ “vị tường”. Đây chắc là một tăng bổ của Phúc Điền, nếu không phải là của Tiêu  sơn tự cổ bản.

 (2) Lịch triều hiến chương loại chí 3 tờ 2a6-7 nói: “Phật Tích ở tại huyện Tiên Du, lại có tên là núi Tiên Du. Xưa có tiều phu Vương Chất vào thấy hai ông già đánh cờ dưới bóng cây tùng, bèn dựa búa đứng xem. Xem xong cuộc cờ, ngó lại thì không thấy ai cả, mà cán búa đã mục bao giờ, nên lại tên là thôn Lạn Kha”. Vậy núi Tiên Du cũng có tên là núi Phật Tích hay núi Lạn Kha. Và núi Lạn Kha này, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, nói: “Núi Lạn Kha ở tại huyện Tiên Du về phía nam cách bốn dặm, trên núi có ao Thú Long, trên chóp Thất Sơn có bàn cờ đá. Tương truyền xưa có tiều phu Vương Chất vào núi thấy hai ông già đánh cờ dưới cây tùng bèn dựa búa đứng nhìn, đến khi cuộc cờ tan, mà không biết cán đã mục tan. Dưới núi có động tên Vạn Phúc, cảnh trí thanh vắng tương truyền đời Lý dựng nên. Sử ký nói “Triệu Đà đóng quân ở núi Tiên Du đánh với An Dương Vương, tức là nơi đây. Truyền kỳ lục nói Từ Thức cởi áo cừu cho Tiên nữ, tức cũng ở núi đây”. Tuy nhiên, An nam chí lược 1 tờ 22 cũng ghi: “Núi Tiên Du có bàn đá lấp loáng dấu những đường gạch, tương truyền Tiên đánh cờ trên đó, sau bọn con gái đi hái củi giao hợp ở trên đó nên nó lật xuống và vỡ ra”. Nay tức núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, Hà Bắc.

 (3)  Kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời”. Xem Diệu pháp liên hoa kinh 1 tờ 7a21. 

 (4) Truyền đăng lục 1tờ 205b.26-28 nói, khi Phật sắp nhập diệt, Phật  nói với đệ tử Ma Ha Ca Diếp rằng: “Ta đem thanh tịnh pháp nhãn, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu chánh pháp, đem giao cho ngươi, ngươi nên giữ gìn”.

 (6) Cả đoạn từ “Khi Đạt Mạ mới đến” cho tới “không nên truyền nữa” ở đây là dẫn y nguyên văn câu nói của Hoằng Nhẫn cho Huệ Năng lúc Nhẫn truyền ca sa cho Năng, mà cả Pháp bảo đàn kinh tờ 394a28 lẫn Truyền đăng lục 3tờ 223a20 đều có chép. Nguyên văn nó đọc: “Tích Đạt Mạ sơ chí, nhân vị chi tín, cố truyền y bát dĩ minh đắc pháp. Kim tín tâm di thục, y nãi tranh đoan. Chỉ ư nhữ thân, bất phục truyền dã”. Vì dẫn nguyên văn này, cho nên chữ ông trong đoạn này ta phải hiểu là chỉ Huệ Năng.

 (7) Sự truyền thừa nói đến trong đoạn này, ta có thể vẽ thành đồ biểu như sau:

 Thích Ca Mâu Ni

 Ma Ha Ca Diếp 

         Bồ Đề Đạt Mạ (?-528)

         Huệ Khả (487-593)

         Tăng Xán (?-606)

         Đạo Tín (580-651)

         Hoằng Nhẫn (601-674)

         Huệ Năng (638-713)

         Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744)

         Mã Tổ Đạo Nhất (709-788)

         Bách Trượng Hoài Hải (720-814)

 (8)  Nguyên văn: Nhất hoa khai ngũ diệp. Đạt Mạï truyền pháp cho Huệ Khả đọc bài kệ

 Ngô bản lai tư độ

    Truyền pháp cứu mê tình

Nhất hoa khai ngũ diệp

                Kết quả tự nhiên thành. 

Xem Truyền đăng lục 3 tờ 219c 17-18

 (9)  Nguyên văn: Tiềm phù mật chứng, thiên vạn hữu dư. Lời phú chúc của Đạt Mạï cho Huệ Khả cũng nói:

Tiềm  phù mật chứng 

Thiên vạn hữu dư

Nhữ đương xiển dương

Vật khinh vị ngộ

Xem Truyền đăng lục 3 tờ 219c15

 (10) Nguyên văn : Xúc đồ thành trệ. hòa thượng Bảo Chí, Thập tứ khoa tụng:

Ngu nhân bị tha cấm hệ

Trí giả tạo tác giai không

Thanh văn xúc đồ vi trệ

 Đại sĩ nhục nhãn viên thông

Xem Truyền đăng lục 29 tờ 450 c13-14. Xem thêm Bích nham lục 5 tắc 4 (tờ 182a5).

Nguyên văn: Ngã bản vô ngôn. Có thể dịch: ”Ta vốn không lời”. Vô Ngôn có thể chỉ Vô Ngôn Thông, cũng có thể chỉ cái chân lý không thể diễn tả được.

      

3. THIỀN SƯ THIỆN HỘI
 

 (1)  Đây chắc là một viết đảo của tên chùa Thiền Định tại làng Khương Tự huyện Siêu Loại ngày xưa, nay là huyện Thuận Thành, Hà Bắc. Đại nam nhất thống chí tỉnh Bắc Ninh, viết: “Chùa Diên Ứng ở tại xã Khương Tự, huyện Siêu Loại, có bốn pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện rất có dấu thiêng”. Đời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa một trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp, nền cũ nay hãy còn. Xét Pháp Vân Phật truyện thì thuở Sĩ Nhiếp làm thái thú đóng tại thành Luy Lâu, ở núi xanh phía tây thành ấy có một vị Sư tên Khâu Đà La. Có người con gái của Tu Định tên A Man bị Sư phạm đến mà có thai, sinh ra một đứa con gái. Sư đem giấu trong một cây to giữa núi sâu, sau bị gió mưa lớn, cây trốc gốc, nổi trong nước trôi đến bến Luy Lâu. Người ta cho là lạ, vớt cây lên bờ, đẽo thành bốn pho tượng Phật, rồi cất chùa tên là Thiền định, tức nay là chùa Diên Ứng để đặt bốn tượng ấy mà thờ. Về sau mỗi khi cầu mưa đếu có linh ứng, nên đặt tên là Pháp Vân. Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Thập di ký của Lý Tế Xuyên nói: “Người Cổ Châu mỗi năm mừng ngày Phật Đản đều họp nhau ở chùa Thiền Định”. Đời Trần Nghệ Tông có khen ban mỹ hiệu. Sử đời Lê chép Lê Nhân Tông vào năm Thái Hòa thứ 6 (1448) sai Lê Thái úy đến Cổ châu rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên tại kinh thành để  cầu mưa”.

 (2) Tức huyện Siêu Loại. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh viết: “Huyện Siêu Loại, từ đông sang tây 27 dặm, từ nam xuống bắc 9 dặm, đông đến địa phận huyện Lương Tài 7 dặm, tây đến địa phận huyện Gia Lâm thuộc phân phủ 6 dặm, bắc đến địa giới huyện Gia Bình 3 dặm, thuộc đất Luy Lâu đời Hán. Sử ký nói Sứ quân Lý (Lãng Công) chiếm cứ Siêu Loại, tức là ở đây. Năm Thiên Huống Bảo Tượng (1068) đổi làng Thổ Lôi làm làng Siêu Loại (xin ghi vào đây để tiện tham khảo), sau đổi làm huyện. Đời thuộc Minh nó thuộc Bắc Giang. Lê Quang Thuận cải thuộc phủ Thuận An và do phủ đó kiêm lý. Triều ta nhân theo. Nó coi 6 tổng 68 xã thôn”. Hiện nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 3 tờ 26b6 nói: “Làng Siêu Loại ở tại huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Thuận Quang”. Nhưng hiển nhiên xã Thuận Quang hiện không có chùa Thiền Định. Do đó, làng Siêu Loại đời Lý phải coi là tương đương với huyện Siêu Loại tức huyện Thuận Thành ngày nay.
 (3) Điển Lãnh, tên làng. Truyện này nói Thiện Hội “lúc nhỏ xuất gia với Sư Tiệm Nguyên chùa Đông Lâm cùng làng”. Vậy chùa Đông Lâm ở tại làng Điển Lãnh. Bây giờ cứ Cổ châu Pháp Vân phật viên hạnh ngữ lục tờ 16b 3-4 ta biết một ngôi chùa tên Đông Lâm ở Điển Lãnh, và đây là chùa thờ Phật Pháp Vân thời Lý Nhân Tông. Vậy Điển Lãnh cũng là Điển Linh và ở tại làng Khương Tự ngày nay. Ngoài chùa Đông Lâm, làng này còn có chùa Phúc Thánh mà Minh Trí (tức Thiền Trí) trụ trì.

(4)   Chùa này, Đại Việt sử lược 2 tờ 10b3 nói dựng vào năm Long Thụy Thái Bình năm thứ hai (1055), nhưng không nói rõ ở đâu. Cứ theo đây thì nó phải ở làng Điển Lãnh. Truyện của thiền sư Minh Trí ở dưới còn ghi thêm một chùa khác nữa cũng thuộc Điển Lãnh đó là chùa Phúc Thánh. Chùa này theo Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 6b4 ghi vào năm 1144 Lý Anh Tông cũng cho dựng một chùa tên Phúc Thánh. 

(5)    Giáo, chỉ Phật giáo được truyền thừa bằng kinh điển;  các tông phái ngoài thiền tông.

(6)   Tham chiếu, Phú pháp tạng nhân duyên truyện 1 tờ 297b6-8: Khi sắp diệt độ, Phật bảo đại đệ tử Ma Ha Ca Diếp: “Ngươi nay nên biết, trong vô lượng a tăng kỳ kiếp, ta vì chúng sanh, siêng tu khổ hạnh, một lòng chuyên tìm pháp không gì hơn. Nguyện xưa của ta như vậy, nay đã thỏa rồi”.

 (7)  Vị tằng thuyết nhất tự. Các thiền gia thường nói nó xuất xứ từ kinh Văn Thù. Hiện có một số kinh mang tên Văn Thù hay Văn Thù là người đối thoại chính. Nhưng không có kinh nào có câu đó. Ý nghĩa tương tự cũng có thể tìm thấy trong kinh Lăng già 3 tờ 498 c17-19: “Ngã tùng mỗ dạ đắc tối chánh giác nãi chí mỗ dạ nhập bát Niết bàn, trung gian nãi chí bất thuyết nhất tự”.
 (8)  Thiền sư Đại Châu Huệ Hải: “Tầm văn thủ chứng giả ích trệ, khổ hạnh cầu Phật giả câu mê, ly tâm cầu Phật dã ngoại đạo, chấp tâm thị Phật dã vi ma”. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 248a1-3.
 (9)  Thiền sư Đại Châu Huệ Hải: Hữu hành giả vấn: “Tức tâm thị Phật, na cá thị Phật?”. Sư vân: “Nhữ nghi na cá bất thị Phật chỉ xuất khán”. Vô đối. Sư vân: “Đạt tức biên cảnh thị, bất ngộ vĩnh quai sơ”. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247a22- 24 .
        

4. THIỀN SƯ VÂN PHONG
 

 (1)  Tây hồ chí, phần về Cổ tích, ghi: “Chùa Khai Quốc ở tại bờ sông Nhị Hà. Phía bắc của hồ (Tây), nay là bến Yên Phụ mé ngoài đê. Nguyên Nam Đế nhà Tiền Lý nhân nền cũ của chùa An Trì của triều Hồng Bàng, mà dựng lên, nên có tên Khai Quốc. Sau danh tăng triều Ngô là Nguyễn Vân Phong người Từ Liêm tu bổ lại. Trong khoảng hai triều Đinh và Lê, Quốc sư Ngô Khuông Việt thường trú trì tại đó. Nhà Lý trùng tu lại”. Đến phần về chùa chiền, Tây hồ chí lại ghi: “Chùa Khai Quốc do Nam Đế triều Tiền Lý nhân nền cũ chùa An Trì, mà dựng lên. Chùa ở bến Yên Phụ trên bờ sông phía ngoài đê thuộc mạn bắc hồ. Khi họ Lý dời đô đến, có sửa sang lại. Những danh tăng như Lý Thảo Đường, Ngô Thông Biện, đến Viên Học và Tịnh Không đều có ở đó. Triều Trần thường hay đến chơi. Trong khoảng Đại Bảo nhà Tiền (phải đọc là Hậu) Lê (1428-1789), vua ban tên An Quốc. Tiên nhân Trần Tú Uyên sinh ở đó nên có tên vậy. Trong khoảng Hoằng Định (1600- 1618) nhà Hậu Lê, bờ sông bị lở, người trong ấp dời vào bên hồ, nay là chùa Trấn Bắc”.
Về chùa Trấn Bắc này, nó viết tiếp: “Trấn Bắc là chùa An Quốc dời vào, đổi tên như vậy, nay ở trong phần đất phường Yên Phụ. Bãi Rùa trên hồ nguyên có điện Hàm Nguyên của triều Trần việc dựng điện có nói trong phần về cổ tích, nền cũ nó vẫn còn. Năm Lê Hoằng Định thứ 16 (1615) sông lở, chùa gần sụp. Người trong ấp dời vào dựng lại ở đấy. Trong khoảng Chính Hòa (1680- 1704), vua đến chơi, đổi tên chùa là Trấn Quốc. Trong khoảng Vĩnh Hựu (1735-1739) và Cảnh Hưng (1740- 1786) có những danh tăng như Hà Giác Quan, Đỗ Tu Ma, Đỗ Trung Nghĩa đều ở đó. Ba tháp Thông Quang, Linh Quang và Viên Quang cùng tượng của họ hiện còn. Đời Gia Long của triều ta, Bùi phương trượng kế đăng, tháp Tịch Quang của Sư này nay vẫn còn. Đầu đời Thiệu Trị, vua tuần du Bắc Hà, đổi tên chùa là Trấn Bắc, sắc cho quan tỉnh làm bảng vàng treo, nay còn”. Đó là lai lịch chùa Khai Quốc của thủ đô Hà Nội viết vào khoảng sau năm 1851, năm Nguyễn Đăng Giai được bổ làm kinh lược sứ sáu tỉnh miền Bắc, mà Tây hồ chí nhắc tới. Đây là niên đại chậm nhất xuất hiện trong nó. Về chùa Trấn Bắc này, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, viết: “Chùa Trấn Bắc vốn tên là chùa Trấn Quốc, ở bên hồ Tây, phường Yên Phụ, huyện Vĩnh Thuận, xây vào khoảng Lê Hoằng Định (1600-1618)  đến khoảng Vĩnh Tộ (1619-1628) thì trùng tu nên cơ sở trở nên rộng rãi, cảnh trí trở nên đẹp đẽ. Bi ký của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính viết đang còn. Năm Minh Mạng thứ hai (1821) triều ta vua ban cho chùa 20 lạng bạc. Đến năm Thiệu Trị thứ hai, vua xa giá đến chơi cúng chùa một đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền kẽm, đổi biển chùa làm chùa Trấn Bắc”.

 (2) Kiến văn tiểu lục 6 tờ 2a6 nói: “Vào thời Lý, Trần, đặt trấn Vĩnh Khương ở Từ Liêm”. Về huyện Từ Liêm, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, viết: “Huyện Từ Liêm, từ đông sang tây rộng 11 dặm, từ bắc xuống nam rộng 14 dặm, đông đến huyện Vĩnh Thuận một dặm, tây đến địa giới huyện Đan Phụng 10 dặm, nam đến địa giới huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín 5 dặm, bắc đến bờ sông Nhị Hà đối diện với địa giới huyện Đông Ngạn tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây 9 dặm. Đời Hán là đất huyện Luy Lâu. Đời Tùy đổi làm huyện Giao Chỉ. Đường Vũ Đức năm thứ tư (621) cắt ra, đặt tên huyện Từ Liêm, rồi đặt Từ Châu vì huyện đó có sông Từ và sông Liêm, nên gọi tên đó. Năm thứ 6 (623) đổi làm Nam Từ Châu. Năm đầu Trinh Quán (627) bỏ châu đó đi, đem ba huyện sáp nhập vào huyện Giao Chỉ thuộc Đô hộ phủ. Sau phục nguyên tên huyện chưa rõ đời nào. Đời thuộc Minh, nó thuộc phủ Giao Châu. Đời Lê Quang Thuận nó thuộc thống hạt của phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây. Năm đầu Gia Long Triều ta nhân theo. Năm Minh Mạng thứ 12 (1832) cải thuộc phủ Hoài Đức kiêm lý, gồm 13 tổng, 87 xã thôn sở”. Nay là đất huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

 (3)  Nhập thất đệ tử, chỉ người đệ tử đắc ý nhất. Ý nghĩa rút ra từ câu “Do giả thăng đường hỷ, vị nhập ư thất giả” của chương Tiên tiến trong Luận ngữ. Xem Luận ngữ 11 tờ 3b7.

 

5. ĐẠI SƯ KHUÔNG VIỆT
 (1)  Tây hồ chí, phần đền miếu, nhân nói về Sóc Thiên vương ghi rằng: “Vương là người ấp Sóc Sơn làng Thường Lạc”, rồi chú là “nay huyện Kim Anh”. Chú như thế có lý hay không? Chúng tôi nghĩ là có lý, vì hai cớ sau. Thứ nhất, trong truyện của thiền sư Trí Bảo đời thứ 11 dòng Kiến Sơ, thì Bảo ở chùa “Thanh Tước núi Du Hý làng Cát Lợi Hy, Thường Lạc”. Bây giờ, cứ Đại nam nhất thông chí, tỉnh Bắc Ninh, thì “núi Thanh Tước ở tại phía tây huyện lỵ Kim Anh 14 dặm, giáp giới huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây”. Núi Thanh Tước này, chúng tôi nghĩ là núi Du Hý mà Khuông Việt đã đến dựng chùa, và chùa Thanh Tước mà Trí Bảo ở, rất có thể  là do Việt dựng. Sau này, có lẽ vì tên Du Hý không được nghiêm trang cho lắm, nên người ta đã lấy chùa Thanh Tước, để gọi nó. Chứng cớ thứ hai là cái bia chùa Báo Ân tìm thấy tại xã Tháp Miếu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Trong phần ghi giới hạn ruộng của chùa này, ta có câu: ”Đông cận chí Lợi Hy xã vi giới ...phía đông gần đến xã Lợi Hy làm giới hạn. Cứ vào đây thì không cần phải bàn biết ruộng chùa Báo Ân lúc đó gồm những gì, ta có thể kết luận rằng, xã Lợi Hy ở phía đông huyện Yên Lãng và xã Tháp Miếu, nếu xã Lợi Hy đấy là thuộc làng Cát Lợi Hy của Thường Lạc nói trên. Quận Thường Lạc đời Lý như vậy chắc chắn phải bao gồm phần đất của huyện Kim Anh ngày nay.

Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh viết: “Huyện Kim Anh ở về phía tây hơi xiên nam của phủ Thiên Phúc 20 dặm, từ đông sang tây rộng 36 dặm, nam xuống bắc rộng 42 dặm, từ huyện lỵ sang phía đông tới địa giới huyện Đông Ngạn phủ Từ Sơn 22 dặm, phía tây tới địa giới huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây 14 dặm, phía nam tới địa giới huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn 9 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên 33 dặm. Đầu đời Lê Quang Thuận đặt gọi là Kim Hoa. Năm Thiệu Trị thứ nhất triều ta (1841) cải làm Kim Anh, lãnh 9 tổng 33 xã thôn”. Huyện Kim Anh ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

 (2) Thọ giới Cụ túc, tức nhận lấy đầy đủ những kỷ luật chi phối đời sống cá nhân và đời sống tập thể của tổ chức những người xuất gia Phật giáo. Thường thường, những kỷ luật ấy gồm số những điều luật, mà tùy theo tông phái và nam nữ, có thể bắt đầu từ khoảng hai trăm mấy chục giới cho đến 500 giới, dùng cho đời sống cá nhân. Khi một người nào chịu nhận số những điều luật đó, họ được gọi là Tỳ kheo nếu là nam, hay Tỳ kheo ni nếu là nữ, và họ là những người đã thọ Cụ túc giới.

 (3) Đại Việt sử lược 1 tờ 17a9 nói: “Năm Thái Bình thứ hai (971) đặt phẩm trật cho quan văn quan võ, thầy tu và đạo sĩ”. Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 3b6-8 cũng ghi: “Năm Thái Bình thứ 2 bắt đầu định phẩm cho văn võ Tăng đạo”, nhưng còn thêm: “Tăng thống Ngô Chân Lưu được vua ban hiệu là Khuông Việt đại sư”. Cứ vào đây thì cũng có thể thấy, dù cả hai bộ sử không ghi rõ năm nào Việt được phong làm Tăng thống, ta có thể kết luận dễ dàng là, Việt phải được phong làm Tăng thống vào chính năm Thái Bình thứ 2 (971), bởi và Tăng thống là một chức quan do triều đình thiết lập trong liên hệ với tổ chức Phật giáo, mà thời Đinh Tiên Hoàng thì đến năm (971) mới bắt đầu thiết lập những phẩm trật không những cho các quan văn vũ, mà còn cho cả tăng sĩ và đạo sĩ, do đó chức Tăng thống của Việt cũng phải ra đời vào năm đó.

 (4) Đây là lầu đầu tiên chức Tăng thống được nói đến trong lịch sử của nước ta. Về lai lịch chức này tại Trung Quốc, Đại Tống tăng sử lược quyển trung tờ 243a19-b12 viết: “Về sự bắt đầu của chức này, thì khi nhà Diêu Tần đặt chế độ ở Quan trung, bèn lập nên Tăng chính để làm người đứng đầu Phật giáo. Khi nhà Ngụy lên ngôi ở đất Bắc, bèn cải làm Tăng thống để thống lãnh sư sãi, tuy nêu một tên mới, nhưng chức vụ vẫn giữ. Trong khoảng Hậu Ngụy Hoằng Thỉ (396-397), Sa môn Pháp Quả ở Triệu quận, giới hạnh tinh nghiêm, mở trường thuyết pháp, vua Thái Tổ trưng làm Sa môn thống... Chức quan Sa môn thống bắt đầu từ Pháp Quả vậy. Lại có Sa môn Sư Hiền người Kế Tân, vốn dòng vương gia đông du đến đất Lương , rồi lại tới kinh đô, gặp lúc Phật pháp bị bãi bỏ (440-451), bèn tạm làm nghề bốc thuốc để giữ đạo không đổi. Đến ngày Phật pháp trùng hưng lại làm Sa môn cùng với năm người bạn. Vua Ngụy (Văn Thành Đế 452-465) tự mình cắt tóc cho Sư, xuống chiếu cho Hiền làm Tăng thống. Chức quan Tăng thống bắt đầu từ Sư Hiền vậy. Đến khi nhà Tùy trùng hưng Phật giáo, thay đổi hoàn toàn phong tục, mời Tăng Mãnh ở chùa Đại Hưng Thiện làm Tùy quốc đại thống... Lại có Sa di Hiệu Thánh, trước ở Lạc Dương giữ chức Quốc tăng đồ sau mời vào Nghiệp, ... đổi làm Quốc thống, tức Tăng thống của một nước vậy. Nhà Tống nhân theo chế độ nhà Đường, bỏ Tăng thống mà lập Tăng lục”.

Ở Trung Quốc như vậy, chức Tăng thống bắt đầu với Sư Hiền khoảng từ năm 452 cho đến đời Đường thì bỏ chức đó mà lập nên chức Tăng lục. Ở nước ta Đinh Tiên Hoàng đã thiết trí chức Tăng thống, nhưng đồng thời cũng đặt luôn chức Tăng lục, vì năm 971 này, sau khi ban Khuông Việt đại sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu, thì cùng lúc đã cử Trương Ma Ni làm Tăng lục.

 (5) Lịch triều hiến chương loại chí 3 tờ 4b2-3 viết: “Núi Vệ Linh ở tổng Kim Hoa bàn cứ giữa một số xã, trước núi có một ngọn hình giống cái lư hương, đầy núi có hàng ngàn cây từng xanh biếc, quang cảnh u tịch. Tương truyền (Phù Đổng) Thiên Vương phá giặc Ân rồi, đến đó, cỡi ngựa sắt bay lên trời mà đi mất, để lại một chiếc áo treo ở cây si. Nay bốn xã xung quanh núi đều phụng thờ. Nếu ở dưới chân núi, rất có tiếng thiêng”.

Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, viết: “Núi Sóc ở xã Vệ Linh huyện Kim Anh, cũng gọi là núi Vệ Linh. Địa dư chí của Nguyễn Trãi nói, sông Thiên Đức và Vệ Linh Kinh Bắc. Vệ Linh tức là núi đó. Tương truyền đó là chỗ Phù Đổng Vương đánh ngựa bay lên trời, nay có miếu thờ. Thế núi rộng quanh co, phía trước có một ngọn hình giống cái lư hương, cách bên bờ núi, cây cối xanh tốt, quang cảnh u tịch”. 

Núi Vệ Linh như vậy cũng có tên núi Sóc ở tại huyện Kim Anh tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Truyện thiền sư Trường Nguyên thuộc đời thứ 10 dòng Kiến Sơ của Thiền uyển tập anh nói Nguyên ở tại chùa Sóc thiên vương núi Vệ Linh chợ Bình Lỗ. Chùa này rất có thể là chùa do Khuông Việt dựng nên.

  (6) Cái tên Bình Lỗ xuất hiện xưa nhất trong Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 2b4-8 trong trận đánh với nghĩa quân Thân Lợi vào tháng 5 năm 1141. Nhưng phải đợi đến câu nói của Trần Quốc Tuấn rằng: “Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, Nam phương mới mạnh, Bắc phương mệt yếu, trên dưới cùng một chí, dân tâm không rã rời, đắp thành Bình Lỗ, mà phá quân Tống”, mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên  8 tờ 36b2-4 cũng ghi lại, rồi chú về thành Bình Lỗ như: “Thành Bình Lỗ, Cựu sử không ghi, chỉ Dư địa chí của Nguyễn Trãi chú rằng triều Lý đào sông Bình Lỗ để tiện việc đi lại ở Thái Nguyên”. Nhưng khảo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thì lời chú vừa dẫn không phải do Nguyễn Trãi hay những người thời ông viết ra. Ngược lại, nó do Nguyễn Thư Hiên của thế kỷ thứ 18 chép lại từ chính sử. Hiên đậu tiến sĩ năm 1721. Khảo chính sử tức Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 12a6 thì trong thời nhà Lý không bao giờ có việc đào một con sông nào tên Bình Lỗ hết. Ngược lại, chính vào thời Lê mới xảy ra việc ấy. Đại Việt sử ký toàn thư B11 tờ 77a và Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên  18 tờ 14b 4-8 viết: “Năm Thái Hòa thứ 7 (1449) sai tư khấu Lê Khắc Phục, đốc lĩnh Bách tác chư cục, Tứ sương thiên khai vệ quân và binh dân trấn Thái Nguyên đào sông Bình Lỗ từ Lãnh Canh đến cầu Phù Lỗ thông với Bình Than để tiện việc đi lại ở trấn Thái Nguyên”. Như vậy, chắc Nguyễn Thư Hiên đã cứ vào đoạn này để nói tới chuyện nhà Lý đào sông Bình Lỗ, bởi vì về một mặt Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 12a-6 có ghi là vào “năm Quảng Hựu thứ 5 (1089) đào sông Lãnh Kênh, và mặt khác đoạn vừa dẫn  lại bảo đào sông Bình Lỗ bắt đầu từ Lãnh Canh. Nói khác đi, theo Hiên và cứ vào hai đoạn đó thì sông Lãnh Kênh cũng là sông Bình Lỗ. Vậy sông Bình Lỗ là sông nào? Cứ vào đoạn Toàn thư vừa dẫn, ta phải đào sông Bình Lỗ từ Lãnh canh tới cầu Phù lỗ thông với Bình than. Thế thì cầu Phù lỗ ở đâu? Ngày nay tại huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú ta có một làng tên Phù lỗ. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, không những xác nhận có làng tên Phù lỗ, mà còn nói làng này có chợ, gọi là chợ Phù lỗ. Nó ở huyện Kim Anh. Làng này hiện có một con sông chạy ngang qua, đó là sông Cá Lồ. Vậy sông Bình Lỗ chắc là sông Cá Lồ này, chứ không gì khác. Quận Bình Lỗ từ đó phải gồm phần đất con sông này chảy qua, mà ta có thể tưởng tượng là rơi vào khoảng huyện Kim Anh ngày này.

 (7) Theo vũ trụ quan huyền thoại Phật giáo tiểu thừa thì trụ chia làm ba cõi, đó là cõi có tham dục, cõi có hình tướng, cõi không hình tướng. Cõi có tham dục hay dục giới lấy núi Tu Di làm trung tâm, và quả đất chúng ta ở về phía nam ngọn núi ấy, tên là Nam Diêm Phù Đề. Núi đó có bốn tầng. Tầng thứ nhất cho đến tầng thứ ba là chỗ ở của những loài dạ xoa. Tầng thứ tư là chỗ ở của bốn vị vua trời hay Tứ Thiên Vương ở tại bốn phương của tầng ấy, mà về phía bắc thì do vị vua tên Tỳ Sa Môn Thiên Vương, tức phiên âm của chữ vaisravâna, cũng gọi là Đa Văn Thiên Vương. Cuối cùng trên chóp đỉnh Tu Di là cõi trời Tam Thập Tam Thiên hay cũng gọi là trời Đao Lợi hay Đâu Suất, nơi ngự trị của Đế Thích. Đế Thích như vậy theo thần thoại này cai quản cõi Dục giới. Xem Trường a hàm 20 tờ 39c. 

Nhưng tên thần nói đến trong truyện đây là dẫn từ thần thọai vừa kể.

 (8) Đại Việt sử lược 1 tờ 19a8-10: “Năm Thiên Phúc thứ nhất (981) mùa xuân tháng ba, Hầu Nhân Bảo đem quân đến Lãng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng, vua tự làm tướng đem quân chống lại, đóng cọc ngăn sông. Quân Tống rút về giữ sông Ninh, Vua sai quân đánh giả hàng, để dụ Nhân Bảo lên phía Bắc. Nhân Bảo thua, Bảo bị bắt và chém. Khâm Tộ v.v...nghe Nhân Bảo thua, rút lui”. Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 14 a1-7 viết: “Năm Thiên Phúc thứ hai (981) mùa xuân tháng ba Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đem quân chống lại, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông. Quân Tống rút lui, lại đến sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ giả hàng để dụ Nhân Bảo, nhân thế bắt được Bảo, chém đi. Khâm Tộ v.v... nghe quân thủy bại, rút quân về. Vua đem các tướng đuổi đánh. Quân Khâm Tộ thua lớn, chết hơn phân nửa, thây rải đầy đồng, bắt tướng chúng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên  1 tờ16b5 -18a1 cũng chép chuyện này. Về sông Chi Lăng, nó chú rằng: “Chi Lăng thuộc Ôn Châu phủ Trường Khánh là ở đầu địa giới tỉnh Lạng Sơn. Sông Chi Lăng là sông của xã Chi Lăng”.

Xã Chi Lăng hiện nay ở về phía nam huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn, có dòng sông Thương chảy ngang qua nó ở khúc ải Chi Lăng sát dưới chân dãy núi đá vôi có tên Cai Kinh, rồi xuôi dòng xuống sông Lục Đầu. Vậy sông Chi Lăng của Đại Việt sử ký toàn thư tức là sông Thương ngày nay. Còn sông Ninh của Đại Việt sử lược là sông nào? Con sông này chắc là sông Chi Ninh, vì Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 30a8-9 ghi chuyện Lê Ngọa Triều cho cột người nơi mạn thuyền, rồi cho người chèo qua chèo lại để cho cá sấu ăn, ở tại sông Ninh, nhưng Đại Việt sử lược 1tờ 21b4 lại ghi việc đó xảy ra ở sông Chi Ninh. Vậy nó cũng là sông Hữu Ninh, mà Thiền uyển tập anh ở đây nói tới. Chữ chi và chữ hữu tự dạng rất giống nhau, và chữ hữu của bản in Thiền uyển tập anh ngày nay là một khắc lộn của chữ chi bởi vì cứ vào đoạn trích của nó trong Việt điện u linh tập tờ 42 thì nó ghi là Chi Giang. Như vậy, sông Ninh là sông Chi Ninh, và cứ những dẫn chứng trên, thì nó phải là sông Chi Lăng. Sông Chi Ninh có lẽ đến đời Lê vì kỵ húy của Lê Trang Tông (1533-1548) là Ninh, nên đã sửa lại là Chi Lăng, nhân ở cạnh đấy đã có ải Chi Lăng và xã Chi Lăng.

 (9) So sánh đoạn này với đoạn trích của nó nhan đề Sóc thiên vương sự tích ký do Nguyễn Văn Chất (1422-?) thêm vào trong Việt điện u linh tập tờ 39, mà sau này một “nho sĩ họ Đoàn” đã chép lại vào quyển thứ ba của Lĩnh nam chích quái truyện tờ 115 vì truyền bản cũ chứa nhiều chữ sai, nên tôi xin phiên âm ra đây để tiện việc đối chiếu:

“Án Thiền uyển tập thơ, tích Lê Đại Hành thời, hữu Khuông Việt thái sư bất sỹ, thường nhàn du Bình Lỗ quận Vệ Linh Sơn, ái kỳ cảnh trí u nhã, dục sáng am cư chi. Nhất nhật du lãm sơn am, giả mỵ kiến, thân phi kim giáp, thủ chấp kim thương, tùng giả sổ thiên nhân tự xưng thị Sóc Thiên Vương, quản lĩnh Dạ Xoa thần linh, phụng Thượng đế mạng, bảo thử thổ hộ phương dân, dự quân hữu duyên, cố tương kiến nhĩ. Thái sư kinh giác, văn sơn trung hát thanh, nhân nhập thâm sơn, kiến nhất đại mộc phồn mậu, thụy khí khả ái, nải tức kỳ xứ  lập miếu, phạt thủ đại mộc tố thần tượng, như mộng trung sở kiến giả.

Thiên Phúc niên gian, Tống binh nhập khẩu. Đại Hành hoàng đế tố văn kỳ sự đảo. Thời Tống binh trú Tây Kết thôn nội, lưỡng quân vị tiếp. Hốt kiến nhất nhân, thân trường trượng dư, phi phát nộ mục, tùng giang trung xuất, ba đào dũng kích. Tống binh đại cụ nhi thối. Tống tướng quân Quách Quỳ nãi ban Sư bắc hồi. Đại Hành mạng tăng lập từ vũ dĩ tạ chi”.

Đoạn trích trong Việt điện u linh tập, trừ hai câu cuối cùng mà Nguyễn Văn Chất hay những người sao chép về sau đã thêm vào một cách sai lầm, tương đối trùng hợp với bản văn của Thiền uyển tập anh. Bản trích của nho sĩ họ Đoàn trong Lĩnh nam chích quái, dù dựa vào Nguyễn Văn Chất, đã có nhiều xuất nhập văn cú, đặc biệt là đoạn về rút quân về giữ Chi Ninh giang của tướng Tống. Nó bảo: “Quân Tống bỗng thấy một người xuất hiện giữa sóng gió, cao hơn mười trượng, tóc tai dựng ngược lên, trừng mắt mà nhìn, ánh sáng thần chói lọi. Quân Tống thấy mà khiếp sợ, rút về giữ Chi (nó viết là kỳ) giang”.

 (10) Ngọc lang quy, mà bản đời Nguyễn tờ 5b10 gọi Vương lang quy, là tên Khuông Việt đặt cho bài từ, chứ đúng ra nó phải có tên Nguyễn lang quy, bởi vì thể tài, âm luật và nhạc điệu, của nó hoàn toàn đồng nhất với Nguyễn lang quy. Nguyễn lang quy chỉ sự từ biệt Đào Nguyên để trở về trần của Lưu Thần và Nguyễn Triệu. Chính nó dựa tích đó mà nó có tên, và từ đấy nó thường là một thứ nhạc từ tiễn đưa. Theo Từ luật 4 tờ 19b2-5 thì âm luật của loại từ Nguyễn lang quy thế này:

                        x    b    x     t     t     b     b  

                             x    b     x    t     b

                        x    b    x     t     t     b     b

                             x    b     x    t     b

                        b    t     t      t     b    b

                             x    b     x    t     b

                        x    b    x     t     t     b     b

                             x    b     x    t     b

trong đó b là vần bằng, t là vần trắc và x là có thể bằng hay trắc tùy ý. Như vậy, bài từ theo điệu Nguyễn lang quy đúng là có 4 vế, mỗi vế hai câu, mà câu đầu có 7 chữ và sau 5 chữ. Nhưng riêng câu đầu của vế thứ 3 thì chỉ có 6 chữ, nên tổng cộng số chữ của bài từ loại đấy tất có cả thảy 47 chữ. Bây giờ cứ vào âm luật vừa nêu, ta thử xét lại bài từ Ngọc lang quy do các bản chép lại của Khuông Việt. Bản in đời Lê, đời Nguyễn của Thiền uyển tập anh đều chép :

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương

      Thần tiên phục đế hương

      Thiên trùng vạn lý thiệp thương lương

      Cửu thiên quy lộ trường

      Nhân tình thảm thiết đối ly trường

      Phan luyến tinh tinh lang

      Nguyện tương thâm ý vị Nam cường

      Phân minh báo ngã hoàng.

Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 18b5-8 chép:

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương

      Diêu vọng thần tiên phục đế hương

      Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lương

      Cửu thiên quy lộ trường

      Tình thảm thiết đối ly trường

      Phan luyến sứ tinh lang

      Nguyện tương thâm ý vị biên cương

      Phân minh tấu ngã hoàng.

Việt sử tiêu án 1 tờ 70a3-6 chép giống y như Đại Việt sử ký toàn thư, chỉ trừ câu thứ nhất nó chép thiếu chữ quang và câu thứ bảy nó đối hai chữ biên cương thành biên phương. So hai bản chép Thiền uyển tập anh và Đại Việt sử ký toàn thư với bản âm luật nêu trên thì hiển nhiên bản chép của Thiền uyển tập anh tỏ ra dư một chữ, trong khi bản Đại Việt sử ký toàn thư dư đến hai chữ. Xét ra, câu thứ năm của bản Thiền uyển tập anh có đến bảy chữ, trong khi theo luật thì chỉ có 6 chữ thôi, như vậy dư một chữ. Bây giờ, so câu đó với câu tương đương trong Đại Việt sử ký toàn thư thì quả nó dư một chữ, và chữ đó là chữ nhân. Do đó, sau khi loại bỏ chữ nhân ra khỏi nó, và chúng tôi nghĩ chữ ấy là một diễn tự từ chữ trường đi trước nó mà ra, bản chép Thiền uyển tập anh tỏ ra hoàn toàn phù hợp  với bản âm luật trên. Bản chép Toàn thư, ngược lại, đi thêm vào câu thứ hai 2 chữ “diêu vọng”, và như vậy câu đấy có 7 chữ. Chúng tôi hiện chưa truy ra đâu là nguyên do của sự thêm hai chữ đó. Song cứ vào bản âm luật trên thì chúng dĩ nhiên là không phù hợp, và không phù hợp ngay cả với bản chép Thiền uyển tập anh. Vì thế, chúng tôi đề nghị nên lấy bản Thiền uyển tập  anh, sau khi đã loại bỏ chữ nhân trong câu 5, làm chuẩn cho việc nghiên cứu lịch sử từ và nhạc điệu từ Việt Nam.

Có thể nói bài Ngọc lang quy đây là bài từ xưa nhất thuộc loại Nguyễn lang quy hiện còn, không những của nước ta, mà còn của Trung Quốc nữa, bởi vì những bài từ Nguyễn lang quy xưa nhất hiện còn ghi trong các sách từ như Tống lục thập danh gia từ, Tuyệt diêu hảo từ thiêm, Từ tổng v.v... là của Âu Dương Tu và Tô Thức, Hoàng Đình Kiên và Yên Cơ Đạo. Trong Giáo phường ký tờ 5b7, Tồi Lịnh Khâm có ghi Nguyễn lang mê giữa những tên khúc không lưu hành trong giáo phường đời Đường. Chúng tôi nghi Nguyễn lang mê đấy là tiền thân của Nguyễn lang quy. Về nhạc điệu Bạch thạch đạo nhân ca khúc 2 tờ 2a8 liệt nó vào loại lịnh, nhưng đã không ghi lại nhạc bản của nó. Cho  nên, ngày nay ta khó biết đích xác nó phải hát như thế nào, dầu có sách nói nó thuộc chính khúc cung nam lữ v.v...

 (11) Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 18a5-b8 viết: “Năm Đinh hợi Thiên Phúc thứ 8 (987) Tống lại sai Lý Giác đến san phong. Bấy giờ, vua sai Pháp sư tên Thuận giả làm người chèo đò, đi đón. Giác rất giỏi bàn chuyện văn chương. Lúc ấy, gặp khi có hai con ngỗng bơi trên mặt sông, Giác vui ngâm:

Ngỗng ngỗng đôi con ngỗng

Ngoảnh mặt ngó ven trời.

                         Pháp sư đang lúc cầm chèo, cũng tiếp vần đọc:

                                        Lông trắng phơi dòng biếc

                Sóng xanh chân hồng bơi.

Giác càng lấy làm lạ. Đến khi về tới sứ quán, Giác làm một bài thơ gởi cho Sư rằng :

                      May gặp thời minh giúp việc vua

                      Một mình hai đợt sứ Giao Châu

                      Đông đô đôi biệt lòng lưu luyến

              Nam việt muôn trùng ngóng chửa bưa

              Ngựa đạp mây mù qua sóng đá

              Xe rời núi biếc thả buồm đưa

              Ngoài trời còn có trời soi rạng

              Sóng lặng khe đầm thấy trăng thu.

Thuận đem bài thơ dâng. Vua cho gọi Sư Ngô Khuông Việt đến xem. Khuông Việt nói: “Bài thơ này tôn trọng Bệ hạ cùng với chúa nó không khác”. Vua khen ý đó, sai tặng thưởng càng nhiều. Giác giã từ trở về, vua xuống chiếu cho Khuông Việt viết một khúc nhạc đến tiễn đưa. Lời nó thế này:

              Trời lành gió thuận bsuồm gấm trương

           Xa ngóng thần tiên về đế hương

           Muôn trùng sông núi vượt đại dương

           Chín trời hút dặm trường

           Lòng lưu luyến chén lên đường

           Cầm tay Sư hỏi  han

           Nguyện đem thâm ý vì biên cương

           Phân minh tâu thánh hoàng

Giác vái mà trở về.

Xem thêm Việt sử tiêu án 1 tờ 69b3-70a6 có chép đủ và y hệt những bài thơ ở đây. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 1 tờ 22b7-23a2 của năm Đinh hợi Thiên Phúc thứ 7 cũng không ghi việc Lý Giác đến san phong cho Lê Đại Hành. Đại Việt sử lược cũng thế.

 (12) Núi Du Hý của quận Thường Lạc này chắc là núi Thanh Tước của huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Truyện của thiền sư Trí Bảo thuộc đời thứ 11 dòng Kiến Sơ nói Bảo ở tại chùa “Thanh Tước, núi Du Hý, làng Cát Lợi Hy, Thường Lạc”. Như vậy, ngay thời Lý đã có chùa Thanh Tước tại núi Du Hý. Nó có lẽ do Khuông Việt dựng lên. Đất quận Thường Lạc ngày nay gồm một phần nếu không là toàn bộ vào huyện Kim Anh ngày nay. Đại nam nhất thống chí tỉnh Bắc Ninh nói: “Núi Thanh Tước ở phía tây huyện Kim Anh cách huyện lỵ 14 dặm, giáp giới với huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây”. Cái tên Du Hý có lẽ không được trang nghiêm lắm, nên có người đã đổi nó thành Thanh Tước, như tên nó ngày nay.

 (13) Cứ tiểu sử này thì Khuông Việt được phong làm Tăng thống lúc 40 tuổi. Nhưng theo Đại Việt sử lược 1 tờ17a10 cũng như Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 3b7-8 thì đến năm Thái Bình thứ hai, nghĩa  là vào năm 971 mới có việc định phẩm trật của văn võ và Tăng đạo. Cho nên, chức Tăng thống của Việt không thể phong trước năm 971. Vậy, Việt phải sinh vào năm 930. Bấy giờ, nếu Việt mất vào năm Thuận Thiên thứ hai nhà Lý, tức năm 1011, như thế thì tuổi thọ của Việt, tính theo tuổi Việt Nam, tất phải 82 tuổi. Cả ba bản in triều Lê và Nguyễn đều ghi thọ 52 tuổi. thọ ngũ thập hữu nhị. Chúng tôi nghĩ chữ “ngũ” chắc chắn là một viết sai của chữ “bát”, một điều rất dễ xảy ra, do thế, đề nghị sửa “thọ ngũ thập hữu nhị” thành “thọ bát thập hữu nhị” và dịch là “thọ 82 tuổi”.

 
6. THIỀN SƯ ĐA BẢO
 

 (1)  Về việc Đa Bảo đến ở chùa Kiến Sơ và có những liên lạc với Lý Công Uẩn, truyện Xung thiên dũng liệt chiếu ứng uy tín đại vương của Việt điện u linh tập tờ 205 viết: “Xét Báo cực truyện và Thế truyền nói, Vương thần thổ địa chùa Kiến Sơ giáng sanh. Xưa thiền sư Chí Thành (nghi là Cảm Thành) ở chùa Kiến Sơ tại làng Phù Đổng, lập nhà thờ thần thổ địa ở mé bên phải của chùa làm chỗ thanh tịnh để niệm Phật tụng kinh. Ngày tháng xoi mòn, phần lớn đã làm mất dấu cũ của nó, nên Sa môn thiền sư không do đâu mà biết được. Thổ nhân ưa thờ quỷ, đốt hương cầu đảo, gọi bậy là dâm từ. Đến khi thiền sư Đa Bảo trùng tu chùa, cho chỗ thờ là dâm từ, muốn phá hủy đi.

Một hôm, tại cây cổ thụ của đền thờ thần hiện một bài thơ đề kệ rằng:

                       Phật pháp ai hay giữ

                       Giữ đức tại Kỳ viên

                       Nếu không ta gây giống

                       Sớm theo xứ khác thiên

                       Chớ chở Kim cang bộ

                       Dấu kín  Na la diên

                       Đầy trời người như bụi

                       Chùa Phật thành oan khiên.

Ngày khác, một bài kệ khác lại hiện ra ở đó, thần ứng ra tám câu viết:

                       Phép Phật từ bi lắm

                       Oai quang khắp đại thiên

                       Muôn thần đều hướng hóa

                       Ba cõi thảy khắp truyền 

                       Thầy ta ra hiệu lịnh

                       Tà quỷ ai dám trên

                       Nguyện thường theo thọ giới

                       Lớn nhỏ giữ Kỳ viên.

Sư lấy làm lạ, bèn lại thiết đàn trì giới cho thần, cúng dùng đồ chay lạt. Lý Thái Tổ lúc còn tiềm long, biết Đa Bảo đức hạnh cao thượng, cùng làm đàn việt cho Bảo. Khi đã nhận ngôi, tự thân đến chơi chùa Bảo. thiền sư nghênh giá đi quá bên chùa. Sư lên tiếng hỏi: “Phật tử, ngươi sao không nhanh nhẹn đến chúc mừng đức tân thiên tử?”. Thần ứng thanh, hiện ra nơi da cây bốn câu rằng:

                   Đức đế càn khôn lớn

                   Oai thanh yên tám miền

                   Cõi âm nhờ ân huệ

                   Nhuần thấm phong Xung thiên.

Thái Tổ thấy đọc, rất biết ý của thần, ban hiệu là Xung Thiên Thần Vương. Bài thơ tự nhiên biến mất. Vua lấy làm lạ, sai thợ tạc tượng của thần, dung nghi hùng vĩ, và tướng hầu tám pho. Sơn thếp xong rồi, lại hiện ở dưới đại thụ một bài thơ bốn câu:

                     Một bát nước công đức

                     Tùy duyên hóa thế gian 

                     Sáng choang còn chiếu đuốc

                     Bóng mất trời lên non.

Sư đem bài kệ trình vua. Thái Tổ không hiểu nó nói gì. Về sau nhà Lý tám đời thì truyền ngôi cho nhà Trần. Chữ bát ¤K   cùng chữ bát ²Ú  giống nhau. Một tám tức như tám. Huệ Tông tên là Sám, đấy gọi là “trời lên non”. Nó thần diệu như vậy đó.

Truyện Xung thiên chiêu ứng thần vương của Lĩnh nam chích quái truyện cũng trùng trường hợp như vừa dẫn, trừ một số những sai khác về văn cú và điểm xuất phát, mà theo nó thì chuyện này rút ra từ Cổ Pháp ký và Kỷ đức ký. Tuy nhiên cứ Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 34a4-b1 trong lời bàn của Ngô Sỹ Liên về việc nhà Lý mất ngôi thì nhân vật chính của chuyện không phải là Đa Bảo, mà là Vạn Hạnh. Liên viết: “Thế truyền Lý Thái Tổ lúc mới được thiên hạ, xa giá trở về Cổ Pháp đến thăm chùa làng Phù Đổng. Có thần nhân đề thơ trên cột chùa rằng:

                      Một bát nước công đức

Tùy duyên hóa thế gian 

Sáng choang còn soi đuốc

Bóng mất trời lên cao.

Sư Vạn Hạnh đem  bài thơ dâng lên. Lý Thái Tổ xem, nói rằng: “Việc thần nhân không thể hiểu được”. Người đời truyền tụng nó, mà không biết nó nói gì. Đến khi họ Lý mất ngôi, mới biết bài thơ quả đúng. Bởi vì Huệ Tông trở lên đến Thái tổ có tám đời, mà Huệ Tông tên Sám, tức trời lên non thì bóng mất”. Như thế, nhân vật chính của cả truyện trên đúng ra phải là Vạn Hạnh, chứ không phải Đa Bảo. Và cứ vào đấy, thì những bài thơ trên cũng phải là của Vạn Hạnh. Chúng thực tế có thứ chất thơ phong thủy và sấm truyền của những bài thơ hiện còn lưu truyền mệnh danh là của Vạn Hạnh.

Việt sử tiêu án 1 tờ 128a6-9 cũng ghi lại chuyện Lý Thái Tổ gặp bài thơ vừa nói, nhưng không ghi ai dâng lên.

 
7. TRƯỞNG LÃO ĐỊNH HƯƠNG
 

 (1)  Đây nói Hương ở chùa Cảm Ứng tại Ba Sơn, nhưng truyện của Viên Chiếu dưới nói: “Chiếu đến học với Định Hương ở núi Ba tiêu”. Vậy, Ba Sơn tức cũng Ba Tiêu Sơn. Có lẽ vì sự sai khác vừa thấy, bản in đời Nguyễn thay vì có Ba Sơn, nó đã viết Tiêu Sơn. Nhưng cứ sử thì Ba Sơn và Tiêu Sơn cũng là một. Vạn Hạnh sau khi dựa vào sấm văn để tuyên bố là “nhà Lê đương mất, nhà Lý đương hưng”, thì “Lý Công Uẩn sợ lời nói đó tiết lộ, sai anh mình đem Vạn Hạnh đi mất”. Đại Việt sử lược 2 tờ 1b3 nói “dấu Vạn Hạnh ở Ba Sơn”. Song Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 32a6 thì nói “dấu Vạn Hạnh ở Tiêu Sơn”. Việt sử tiêu án 1 tờ 25 b7 cũng nói “dấu Vạn Hạnh ở Tiêu Sơn”. Thì rõ ràng Tiêu Sơn của thời Lê trở đi là Ba Sơn của thời Lý Trần.

Lịch triều hiến chương loại chí 3 tờ 2a5-6 nói: “Tiêu Sơn ở tại xã Tiêu Sơn huyện Yên Phong, trên có chùa Trường Liêu, triều Lý dựng theo chỗ tu trì của tể tướng thiền sư Vạn Hạnh. Lý Thái tổ đầu thai ở đó”. Đại nam nhất thống chí 38, tỉnh Bắc Ninh viết: “Tiêu Sơn ở phía tây nam huyện lỵ Yên Phong 14 dặm. Núi có chùa Thiên Tâm và chùa Trường Liêu. Mẹ Lý Thái Tổ có lần đến chơi chùa Tiêu Sơn, cùng giao hợp với thần nhân mà sinh ra vua. Quốc sư nhà Lý là Sư Vạn Hạnh có bài sấm cây bông gạo truyền ra từ nơi đây”. Núi Tiêu Sơn như vậy ở tại xã Tiêu Sơn, huyện Yên Phong tỉnh Hà Bắc ngày nay.

Còn về chùa Cảm Ứng. Lịch triều hiến chương loại chí cũng như Đại nam nhất thống chí không thấy nói tới. Bộ trước kê ra một chùa tên Trường Liêu cho núi Tiêu Sơn. Bộ sau thêm chùa Thiên Tâm. Vậy chùa nào là chùa Cảm Ứng? Về chùa Trường Liêu, Đại nam nhất thống chí 39, tỉnh Bắc Ninh viết: “Chùa Lục Tổ tức là chùa Trường Liêu. Sử ký nói: “Sư Vạn Hạnh trú trì chùa đó, sau mất, Lý Thái Tổ tự thân đến điếu viếng, dựng đàn siêu độ, cấp dân làm tự đinh, quanh năm cúng thờ”. Nhưng cứ truyện Thường Chiếu tờ 37b7 thì chùa Lục Tổ ở tại làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức, tức làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn hiện nay. Vậy chùa Trường Liêu dứt khoát không phải là chùa Lục Tổ. Cứ  Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ 7b1 thì chùa Trường Liêu tức chùa Tiêu Sơn . Còn chùa Thiên Tâm, Việt sử tiêu án 1 tờ 77a9-b1 viết: “Nguyên trước, viện Cảm Tuyển, chùa Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó sinh con sắc trắng có lông đen vằn vện có hai chữ ‘Thiên tử’, người ta bàn cho rằng đó là điềm năm Tuất sẽ sinh ra một người đại quý. Vua quả sinh vào năm Giáp Tuất Thái Bình thứ 5” Chuyện này Đại Việt sử lược 2 tờ 2a5-7 nói xảy ra ở “chùa Ứng Thiên, châu Cổ Pháp”, còn Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 1b6-2a1 thì ghi nói tại “viện Cảm Tuyển chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp”. Ngoài ra, Toàn thư B2 tờ 1a3 bảo mẹ Lý Công Uẩn thường đến chơi chùa Tiêu Sơn, cùng  giao hợp với thần nhân mà sinh Uẩn. Việt sử tiêu án 1 tờ 77b6-8 lại dẫn Ngoại truyện, rồi viết: “Mẹ vua năm tuổi hai mươi, nghèo khổ không chồng, đến nương tựa vị Sa môn già chùa Ứng Thiên, vị Sa môn già cho làm bếp, bèn giả ngủ, lửa tắt, vị Sa môn bỗng chạm đến, kinh hoảng đứng dậy, trong lòng biết mình có thai mà sinh ra vua”. Cứ vào những dẫn chứng đó thì chùa Tiêu Sơn cũng là chùa Ứng Thiên, cũng là chùa Ứng Thiên Tâm, cũng là chùa Thiên Tâm. Từ đấy ta cũng có thể nói chùa Cảm Ứng là nó bởi những sai khác tên gọi vừa thấy đồng bởi chùa Ứng Thiên Tâm. Lại có viện Cảm Tuyển, mà chính truyện của Vạn Hạnh của Thiền uyển tập anh viết thành Hàm Toại, nên rất có thể tự nguyên ủy người ta thường gọi tắt tên chùa là Cảm Ứng.

 (2)  Đại Việt sử lược 2 tờ 2b10 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 3a2 nói năm 1010 Lý Thái Tổ “đổi Cổ Pháp làm Thiên Đức”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ 6b3-6 chú: “Cổ Pháp tên Châu, từ Đinh về trước là châu Cổ Lãm, nhà Lê đổi là Cổ Pháp, nhà Lý nâng lên làm phủ Thiên Đức, đời Trần cải làm huyện Đông Ngạn, nhà Hậu Lê nhân theo, nay là huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh ấy vậy”. Đại nam nhất thống chí 38, tỉnh Bắc Ninh cũng chép vậy. Nhưng rõ ràng phủ Thiên Đức thời Lý không chỉ gồm có huyện Đông Ngạn, bởi vì Thiền uyển tập anh ở đấy nói Ba Sơn ở phủ Thiên Đức, nhưng Ba Sơn ngày nay và thời Đại nam nhất thống chí 1 ở tại huyện Yên Phong. Vậy, tối thiểu phủ Thiên Đức gồm ngoài huyện Đông Ngạn ra, còn có huyện Yên Phong và huyện Tiên Du nữa.

 (3)  Chu Minh là quê hương của bốn vị thiền sư khác ngoài Định Hương, ấy là Bảo Tính, Minh Tâm, Cứu Chỉ và Tín Học. Nó cũng là nơi có chùa Thông Thánh, ở đó Tức Lự đã sống và dạy dỗ học trò. Theo truyện của Tức Lự thì nó thuộc về phủ Thiên Đức. Truyện của Cứu Chỉ nói Chỉ người Phù Đàm, Chu Minh. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 1 có ghi một làng tên Phù đàm  quê hương của Quách Tán tiến sĩ khoa 1478 và nói Phù đàm thuộc huyện Đông Ngạn, Phù đàm như vậy là tên một làng thuộc huyện Đông Ngạn, tức huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc hiện nay. Cứ vào đồng nhất này và cứ vào việc Chu Minh thuộc phủ Thiên Đức, chúng tôi giả thiết Phù đàm và Chu Minh rất có thể bao gồm cả địa phận làng Phù đàm và vài làng kế cận thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc hiện nay. Thực tế, ngày nay ta đã biết Chu Minh thuộc địa phận làng Tân Hồng.

 (4)  Nguyên văn: Đệ tử liễu thời hoàn đồng vị liễu. thiền sư Qui Sơn Linh Hựu: “Cho nên Tổ sư nói: Biết rồi cũng giống như chưa ngộ”. Xem Truyền đăng lục 29 tờ 264b25. Xem thêm Long Nha hòa thượng, Cư độn tụng:

Ngộ liễu hoàn đồng vị ngộ nhân

Vô tâm thắng bại tự an thần

Tùng tiền cổ đức xưng bần đạo

Hướng thử môn trung hữu kỷ nhân.

Xem Truyền đăng lục 29 tờ 453a1-2.

 (5)  Nguyên văn: Sùng Hưng Đại Bảo tam niên Canh Dần. Nhưng cứ Đại Việt sử lược 2 tờ 9a2 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 37b1 thì Canh Dần phải nhằm năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ hai, chứ  không phải thứ ba. Chữ tam chắc chắn là một viết lộn của chữ nhị, chỉ cần thêm một nét thôi. Chúng tôi dịch theo đề nghị sửa sai này.

 (6)  Đồng An Sát thiền sư. Thập huyền đàm:

Diệu thể bản lai vô xứ sở

Thông thân hà cánh hữu tung do

 Xem Truyền đăng lục 29 tờ 455b9-10

 (7)  Về ý và từ, rút ra từ định nghĩa không không trong Đại trí độ luận, “Những gì là không không? Trả lời: Tất cả mọi vật đều không, cái không ấy cũng không nên gọi là không không” 

(Hà đẳng vi không không? Nhất thiết pháp không thời không diệc không, thị danh không không)

Đại trí độ luận còn định nghĩa thêm: “Không không là đem không mà phá vỡ nội không, ngoại không phá ba không đó gọi là không không” (3). Xem Đại trí độ luận 31 tờ 287c 24-27


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp