V. VẤN ĐỀ HIỆU BẢN, PHIÊN DỊCH VÀ CHÚ THÍCH
Trong
khi bàn về vấn đề truyền bản, chúng tôi đã vạch ra là giữa ba truyền
bản hiện còn lưu hành, đấy là bản đời Lê I, bản đời Lê II và truyền bản
đời Nguyễn, thì bản đời Lê I có nhiều ưu điểm vượt hẳn lên so với bản đờ
Lê II và bản đời Nguyễn, đáng được chấp nhận làm bản đáy cho bản dịch
của chúng tôi. Tuy nhiên, bản đời Lê I này vẫn còn chứa đựng những sai
lầm và thiếu sót. Do thế, để thực một hiện bản dịch nghiêm chỉnh và đầy
đủ, chúng tôi đã hiệu đối bản đáy đó với bản đời Lê II và bản đời Nguyễn
cũng như trích từ truyền bản đời Trần trong Lĩnh nam chích quái, bản
đời Hồ trong An nam chí nguyên và tham khảo thêm những sách sử khác, khi
cần thiết, mà hầu hết, đều có ghi lại và giải thích trong phần chú
thích, trừ một số rất ít chúng tôi đã hiệu lại theo cách của chúng tôi.
Trong hiệu bản này, dấu * đi với chữ nào là muốn chỉ chữ đó sau đấy vẫn
tiếp tục được hiệu như thế. Còn những chữ viết tắt thì có ý nghĩa như
sau:
Al = An nam chí lược
An = An nam chí nguyên
Đ = Đại Việt sử lược
H = Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh
Ty = Truyền đăng lục
L = Lĩnh nam chích quái truyện
T = Đại Việt Sử ký toàn thư
Tr = Trần thư
V = Việt sử tiêu án
Về
phương pháp phiên dịch, chúng tôi cố gắng dịch sát theo hiệu bản chúng
tôi về cả văn xuôi lẫn văn vần. Về văn vần thì chúng tôi giữ đúng tể thơ
và số chữ của nguyên bản trong khi dịch. Trong phần dịch nếu có chú
thích dấu hoa thị * ở cuối trang thì đó là nguyên chú của Thiền uyển tập
anh.
Về chú thích, chúng tôi nhắm vào những mục đích sau.
§ Một là, để đính chính, khảo chính bản văn, nhằm giải thích những sai lầm trong nguyên bản.
§
Hai là, để giúp cho những người nghiên cứu ở những bộ môn khác nhau sử
dụng Thiền uyển tập anh có những tư liệu liên quan tới những điểm họ
muốn khảo cứu trong tác phẩm đây. Điểm này, chúng tôi muốn nhắm tới
trước hết những người nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam và lịch sử
Phật giáo Việt Nam, để họ có những tư liệu nhằm phát hiện những nét dị
biệt giữa Phật giáo cùng tư tưởng nước ta và Phật giáo cùng tư tưởng
Trung Quốc. Ngoài ra nhằm bổ sung một số kiến thức mới về lịch sử dân
tộc ta, chúng tôi cố gắng thu thập một số tài kiệu khác có liên quan tới
các vị thiền sư trong Thiền uyển tập anh. Thí dụ những văn kiện ngoại
giao mà vua Lê Đại Hành gởi cho vua Tống mà theo tác giả Thiền uyển tập
anh thì có thể chính bản thân thiền sư Pháp Thuận đã thảo ra. Cũng như
chúng tôi chú thích rõ và xác định tại sao bài từ đầu tiên của văn học
cũng như ngoại giao của nước ta là gồm bao nhiêu chữ cấu trúc từ pháp
như thế nào, nhờ nghiên cứu điệu từ Nguyễn lang quy của đời Tống bên
Trung Quốc.