15/06/2011 14:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 24643
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

64. NI SƯ DIỆU NHÂN

 (1)  Tức Phụng Càn Vương, tước của Lý Nhật Trung do cha là Lý Thái Tông phong vào năm 1035. chữ Càn vì húy đời Trần, nên đổi ra chữ Yết. Đại Việt sử ký toàn thư B6 tờ 30a2-3: “Cửa Cần, trước gọi là Càn, vì tránh húy nên làm Cần”. 

 (2)  Duy ma cật sở thuyết kinh quyển trung tờ 544b21: “Dĩ nhất thiết chúng sanh bệnh, thị cố ngã bệnh”. 

(3)  Kim cang kinh tờ 752a17: 

“Nhược dĩ sắc kiến ngã 

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo 

Bất năng kiến Như Lai”

 (4)  Yến tọa, ngồi tĩnh lặng tư duy. Ở đây ám chỉ thiền thoại Tu Bồ Đề yến tọa mà các thiền gia thường nhắc tới như sau: “Tu Bồ Đề yến toạ trong một đống đá. Chư thiên mưa hoa tán thán”. Tôn giả hỏi: “Trong hư không làm mưa hoa tán thán là ai đó?” Thiên trả lời: “Tôi là Phạm Thiên. Tôi tôn trọng Tôn giả khéo nói Bát nhã ba la mật đa”. “Ta đối với Bát nhã chưa từng nói một chữ, làm sao ngươi tán thán?” Thiên nói: “Tôn giả không nói, tôi cũng không nghe. Không nghe, không nói, ấy là một chân thật về Bát nhã”. Xem Giáo ngữ lục tờ 680a5. 

 (5) Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 16a7-9: “(Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 4 (1113) mùa hạ tháng 6, phu nhân Châu mục châu Chân Đăng công chúa họ Lý mất. Phu nhân tên Ngọc Kiều là con gái lớn của Phụng Càn Vương. Thánh Tông nuôi trong cung đến lớn, gả cho châu mục họ Lê châu Chân Đăng. Họ Lê chết, cô tự thề ở góa, rồi xuất gia làm Ni. Đến đó mất, thọ 72 tuổi. Thần Tông tôn hiệu là Ni sư”.

 (6)  Bài kệ này Thái Tông hoàng đế ngự chế khóa hư quyển hạ tờ 33b 1-4 có chép và nói là bài kệ khuyên chúng của Trần Thái Tông:

Sinh lão bệnh tử

Lý chi thường nhiên

Dục cầu giải thoát

Giải phược thiêm triền

Mê nhi cầu Phật

Hoặc nhi cầu thiền

Thiền giả bất cầu

Đổ khẩu vong ngôn

Những chữ in đậm là khác với chữ trong bản Thiền uyển tập anh ở đây. Với những chữ khác ấy, chúng tôi nghĩ rằng Trần Thái Tông đã lấy lại bài kệ thị tịch của Ni sư Diệu Nhân, rồi đổi một vài chữ, để làm của mình, nhất là khi quan niệm “nhất hồi niêm xuất, nhất hồi tân” (mỗi hồi nêu ra, mỗi hồi mới) của các thiền gia đời Trần đối với các công án cũ rất là phổ biến. Trần Nhân Tông, khi có người hỏi sao mình cứ lập lại các công án cũ của người xưa như thế, đã trả lời: “Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi tân”. Xem Thánh đăng lục tờ 4b1-2.

 

65. THIỀN SƯ VIÊN HỌC
 

 (1) Tức huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Thuần Chân.

 (2)  Tức làng Như Nguyệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Nó không phải là lộ Như Nguyệt giang, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 ghi làng Như Nguyệt như là quê của Hứa Tam Tỉnh tiến sĩ khoa 1558.

 (3)  Chỉ kinh điển Phật giáo. Nhị giáo luận của Đạo An trong Quảng hoằng minh tập 8 tờ 136c11-16 viết: “Cố cứu hình chi giáo, giáo xưng vi ngoại, tế thần chi điển, điển hiệu vi nội... Thích giáo vi nội, Nho giáo vi ngoại”. 

(4)        Tức làng Phù Cầm, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Minh Trí. 

 (5)  Sáu thức tức sáu thứ nhận thức do sáu giác quan đem lại, đây là nhận thức của mắt, của tai, của mũi, của lưỡi, của thân và của ý.

 (6)  Ngô Thông Thiền đây không phải là cư sĩ Thông Thiền, thầy của Tức Lự, thuộc phái Kiến Sơ.

  

66. THIỀN SƯ TỊNH THIỀN 
      

 (1)  Tức sáu món giúp người ta vượt bến khổ đau, cũng gọi là Ba la mật, đó là bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ                                                     

 (2)  Tức tứ hoằng thệ nguyện, “Bốn thệ nguyện lớn”, đó là chúng sanh vô số lường thệ nguyện đều độ khắp, phiền não vô cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch, pháp môn không kể xiết thệ nguyện đều tu học, Phật đạo không gì hơn thệ nguyện đạt viên thành. Đấy là bốn lời nguyện tổng quát của Đại thừa. Xem Tâm địa quán kinh 7 và Vãng sanh yếu tập quyển thượng.

 (3)  Hương bôi, tức chén nước thơm dùng để cúng Phật, cũng gọi là a già bôi hay ư già bôi, chỉ cho chùa chiền.

 (4)  Tứ bộ hay tứ chúng, tức bốn thành phần của tăng đoàn Phật giáo, đó là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di.

 

67. QUỐC SƯ VIÊN THÔNG
 

(1)   Cứ Cựu đường thư 41 tờ 42b5-8 và Tân đường thư 43 thượng tờ 9b10 thì Nam Định là tên một huyện đặt lần đầu tiên vào năm 621 thuộc Tống Châu, mà ngoài nó ra còn gồm hai huyện khác, đó là Tống Bình và Hoằng Giáo. Đến năm sau thì chia huyện Tống Bình thành hai huyện Giao Chỉ và Hoài Đức. Đến năm 627 hiệp ba huyện Giao Chỉ, Hoài Đức và Hoằng Giáo lại thành huyện Tống Bình cùng với huyện Nam Định thuộc Giao Châu. Thông điển 184 tờ 50a9-13 của Đỗ Hựu (735- 812) nói: “An Nam đô hộ phủ nay đóng tại Tống Bình”. Như vậy, địa phận Tống Bình tức tương đương với phần đất thủ đô Hà Nội ngày nay với một phần những huyện ngoại vi của nó thuộc tỉnh Hà Đông. Từ đó, phần đất của huyện Nam Định tất cũng phải rơi vào khoảng tỉnh đấy.

Cứ Bắc thành địa dư chí lục 3 thì huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, thuộc trấn Sơn Nam thượng có một số xã tổng mang tên Cổ Hiền. Làng Cổ Hiền của Viên Thông chắc chủ yếu là rơi vào địa phận tổng Cổ Hiền đấy. Tổng có 9 xã thôn sau: Cổ Hiền (Thái Công), Cổ Hiền (Bảo Hiền), Dưỡng Hiền, Hưng Hiền, Nhụy Khê (Thượng Đình nam thôn), Nhụy Khê (Hạ thôn), Thụy Ứng, Nhân Hiền và Nhuệ Giang. Với những tên xã thôn như vậy vào thời Nguyễn thì ta không còn nghi ngờ gì nữa về vị trí của làng Cổ Hiền thời Lý nữa. Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam I tr.190 nói: “Hiện có hai làng Cổ Hiền, một thuộc phủ Thường Tín, một thuộc huyện Phú Xuyên, cùng ở tỉnh Hà Đông”. Nhưng nếu tra lại Bắc thành địa dư chí lục 3 thì những tổng xã thôn của huyện Phú Xuyên thời Nguyễn không có tổng xã thôn nào tên Cổ Hiền hết. Do thế, ta có thể dứt khoát xác định là làng Cổ Hiền của Viên Thông là tương đương với tổng Cổ Hiền, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thượng, tức nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Chúng tôi nói là “tương đương” bởi vì tổng Đông Cứu, thuộc huyện Thượng Phúc cũng có thôn tên Cổ Hiền.

Đất Nam Định đời Lý như  vậy là tương đương với địa phận huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông ngày nay. Và làng Cổ Hiền của Viên Thông là thuộc huyện đó.

(2)   Phường Thái Bạch của kinh đô Thăng Long hiện chưa thể khảo được. Cứ Dư địa chí cũng như Bắc thành địa dư chí lục 1 và Phương đình dư địa chí 2 ta không tìm thấy tên Thái Cực giữa những tên phố trại thuộc thủ đô Thăng Long. Phải chăng Thái Bạch đời Lý đã bị đổi thành phường Thái Cực, quê hương của Lê Kim Quế tiến sĩ khoa  1580, mà Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 và Bắc thành địa dư chí lục 1 ghi lại.

(3)   Thiền sư Bảo Giác, cha của Viên Thông đây chắc không phải Bảo Giác chùa Viên Minh, vị thầy của Tịnh Giới, mà truyện Tịnh Giới tờ 33b3 nói tới. Xem chú thích (4) truyện Tịnh Giới. Bảo Giác cũng không phải là tác giả những tác phẩm Chư Phật tích duyên sự, Tăng gia tạp lục và Viên Thông tập, như Nghệ văn chí của Lê Quí Đôn đã ghi. Văn tịch chí của Phan Huy Chú chỉ ghi Tăng gia tạp lục và Viên Thông tập là của Bảo Giác thôi. Chúng ta không biết Lê Quí Đôn và Phan Huy Chú đã lấy những thông tin sai lạc này từ đâu. Bởi vì Viên Thông tập, Tăng gia tạp lục và Chư Phật tích duyên sự thì dứt khoát không phải của Bảo Giác, mà là của Viên Thông, như Thiền uyển tập anh đã có.

(4)   Những kỳ thi tuyển đấy không thấy các sử sách khác ghi. Xem chú thích (3) truyện Thiền Nham.

 (5) Nguyên văn: Đại Khánh tam niên. Nhưng chữ “Đại Khánh tam” chắc là một sửa sai của người viết tựa cho bản in năm 1715, bởi vì cứ Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 25a7 thì “năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ 1 (1127) mùa thu tháng 7 ngày Đinh Tỵ khánh thành chùa Trùng Hưng Diên Thọ”. Chùa Trùng Hưng Diên Thọ như vậy khánh thành vào năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ nhất, chứ không phải là vào năm Đại Khánh thứ 3. Chữ “Đại Khánh tam niên” chắc là do chữ “Thiên Phù Khánh Thọ nguyên niên” mà ra. Có lẽ để bản của bản in năm 1715 có những chữ đó bị mờ hay bị mối mọt ăn, nên nhà Nho giữ chức vụ “Chính ký khuyết thất, trợ kỳ di lậu” cho bản in đó đã lầm tưởng những chữ  “Thiên Phù Khánh Thọ nguyên niên” ấy thành “Đại Khánh tam niên”, nhất là khi tự dạng 6 chữ trước rất giống với 4 chữ sau, một khi chữ  phù và chữ  thọ đã bị mờ hẳn hay bị mọt ăn đứt hoàn toàn. Còn lại chữ thiên thì rất dễ đọc thành chữ đại, và chữ  nguyên rất dễ đọc thành chữ tam. Chúng tôi do thế bằng vào Đại Việt sử ký toàn thư và coi năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ nhất là năm khánh thành chùa Trùng Hưng Diên Thọ.

 (6) Dẫn Chu dịch: “Quẻ khôn” “Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ do lai tiệm hỷ”. (Tôi giết vua, con giết cha, không phải chuyện một sớm một chiều mà nguồn gốc nó đã có từ lâu lắm). Xem Chu dịch 1 tờ 7a1

 (7) Đền Tây Cương này nghi là đền Hai Bà Trưng mà sau này Lý Anh Tông sai dựng “ở ngoài Tây Cương” như Đại việt sử lược 3 tờ 7b9 ghi lại. Việc cầu thần linh giữ gìn thai vua này, chúng tôi nghi là xảy ra vào nửa sau niên năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 3, bởi vì đến tháng 3 năm sau Lý Thiên Tộ sinh, tức Lý Anh Tông, có lẽ vì có tham dự việc đó nên dưới đây ta thấy nói tới chuyện mời Viên Thông vào thọ cố mạng. Và việc thọ cố mạng như Lý Thần Tông giao thì theo Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 41 b2 42a3 đã bị tham tri chính sự Từ Văn Thông cải mạng vì nhận hối lộ của “ba phu nhân”. Thực ra, qua việc đi cầu giữ thai trên “ba phu nhân” đã biết cách tạo dựng phe đảng cho mình và sự  lên ngôi của Lý Thiên Tộ bằng cách kéo Viên Thông đi với mình. Cho nên, không phải chỉ Từ Văn Thông trách nhiệm trong việc cải mệnh đó thôi. Nó còn có Viên Thông dù một phần rất nhỏ đi nữa

 (8) Nguyên văn: Cung xa yến giá. Hợp từ dùng trong truyện Phạm Huy của Sử ký, mà Bùi Ân dẫn Ứng Thiệu và Vỹ Chiêu viết: “Ứng Thiệu nói: “Thiên tử phải ban sáng dậy làm việc sớm, như vừa băng hà, nên gọi nghỉ xe”. Vỹ Chiếu nói: “Hễ vừa mới băng hà thì là muộn giá, vì lòng thần tử  còn muốn nghỉ xe vua đang buộc ngựa nên ra muộn”. Xem Sử  ký  79 tờ 9b 13-10a1.

(9)    Nguyên văn: Cập phụng di chiếu vương mạc hiến phó thác đẳng sự. Câu ấy có 3 chữ vương mạc hiến thật là khó hiểu. Chúng tôi thấy có một số cách hiểu chúng. Thứ nhất, chúng tôi coi chữ vương có khả năng là một khắc thiếu nét của chữ  chủ.  Coi chữ  hiến  có thể là một khắc sai của chữ du. Thứ hai, vì chữ mạc và du đều có nghĩa tính toán, xắp xếp, mưu tính. Nên cả câu vương mạc hiến phó thác đẳng sự có thể đọc dịch thành Chủ mạc du phó thác đẳng sự với nghĩa “chủ trì mọi việc sắp xếp phó thác”. Ý nói Viên Thông nhận di chiếu của Thần Tông về nên sắp xếp việc gửi gắm hoàng tử lên kế vị cho Viên Thông chủ trì.  

 (10) Thái hậu đây tức Cảm Thánh phu nhân họ Lê, mẹ của Lý Anh Tông. Việc Lê phu nhân khen thưởng Viên Thông tất cũng không có gì là lạ hết, như ta đã thấy ở chú thích (7) trên. Nhưng điều đáng lạ là không thấy sử sách nào khác ghi lại cả. Ngay cả việc “nhận cố mạng và phụng di chiếu” cũng không thấy ghi.

 (11) Nguyên văn: Thái hậu xưng chế. Thái hậu đây tức Cảm Thánh phu nhân họ Lê, mẹ Lý Anh Tông. Còn xưng chế là một từ  dùng chỉ cho việc nhiếp chính thay vua, Bản kỷ của Lữ Cao Hậu trong Tiền hán thư nói: “Thái hậu lâm triều xưng chế”. Nhan Sư Cổ giải thích: “Lời nói của Thiên tử, một gọi là chế thư, hai gọi là chiếu thư. Chế thư tức là những mệnh lệnh về chế độ, chẳng phải chỗ Hoàng hậu có thể có được. Nay Lữ thái hậu lâm triều làm việc Thiên tử quyết đoán mọi sự, nên xưng chế chiếu”. Xem Tiền hán thư 3 tờ 1a9-11. Việc nhiếp chính của Lê thái hậu, tuy cả Đại việt sử lược lẫn Đại Việt sử ký toàn thư không ghi rõ, nhưng khi viết về vụ triều biến năm 1148, Đại Việt sử lược 3 tờ 4a3-5 đã nói: “Nguyên trước, khi vua còn nhỏ dại, việc triều chính, không kể lớn nhỏ, đều giao cho (Đỗ) Anh Vũ, mà Anh Vũ lại tư thông với Thái hậu, nên càng trở nên kiêu ngạo phóng túng. Ở triều đình thì vung tay lớn tiếng sai quan lại thì nhếch mép truyền hơi, mọi người đều nghé mắt, không dám nói”. Ta cũng đủ rõ Lê thái hậu nhiếp chính như thế nào. Cũng cần thêm là, Lý Anh Tông lúc lên ngôi mới có 3 tuổi.

(12)  Nguyên văn: Tam thôn chi phí. Chúng tôi nghĩ chữ  thôn là một chép sai của chữ  tài, nên trong hiệu bản chúng tôi đã sửa tam thôn chi phí thành tam tài chi phí và dịch thành “phí tổn ăn uống”. Lý do việc sửa và dịch ấy là như thế này. Thiên Bản vị của Lã thị xuân thu có chữ  “ngũ vị tam tài”. Cao Dụ chua rằng: “Năm mùi là mặn, đắng, chua, cay và ngọt, tam tài là nước, củi và lửa”. Xem Lã thị xuân thu 14 tờ 4b11-12 Tam tài  chi phí do thế có nghĩa là “phí tổn về nước, củi và lửa” tức là phí tổn về việc ăn uống tiêu dùng hàng ngày tức tổn phí xây dựng.

(13)  Nguyên văn: Thần du, chữ du ở đây nghi là một nét sai của chữ hàn vì dạng chữ chúng khá giống nhau. Thần hàn như vậy có nghĩa là (chữ do bút vua viết). Điều này có nghĩa chùa của Viên Thông có được ngự bút của Anh Tông, để thêm sang quí.

 (14) Nghệ văn chí của Lê Quí Đôn nói: “Chư Phật tích duyên sự, 30 quyển, thầy Bảo Giác soạn theo lịnh của Lý Nhân Tông”. Đương nhiên,  Chư Phật tích duyên sự là không phải của Bảo Giác, mà là của Viên Thông. Bảo Giác là cha của Viên Thông. Ta không hiểu tại sao Lê Quí Đôn lại có thể chép sai như thế. Phải chăng Đôn đã dùng một bản thư tịch thiết lập từ trước? Đây  là một có thể, bởi Đôn có ghi thêm là Chư Phật tích duyên sự là soạn theo lịnh của Lý Nhân Tông, một việc Thiền uyển tập anh không nói tới. Văn tịch chí của Phan Huy Chú không thấy ghi tác phẩm này.

 (15) Nghệ văn chí ghi: “Tăng gia tạp lục 50 quyển, thầy Bảo Giác soạn” Văn tịch chí cũng ghi tác phẩm này và cho là Bảo Giác soạn.

 (16) Nghệ văn chí và Văn tịch chí đều ghi: “Viên Thông tập, 2 quyển thầy Bảo Giác soạn. Bảo Giác người Cổ Hiền”. Viên Thông tập tức không phải của Bảo Giác mà là của Viên Thông. Xem chú thích (9) trên.
 
 

68. THIỀN SƯ  Y SƠN
 

 (1) Đại Thông được nhiều sách sử ghi lại. Đại Việt sử lược 3 tờ 20a4- 5 ghi nó như một tên châu và một bến đò.  Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 6b1 nói nó là tên một trấn. Lĩnh ngoại đại đáp 2 tờ 16 bảo nó là tên một phủ. Nhưng không thấy nơi nào ghi Đại Thông trường cả. Với chữ trường đi sau nó, Đại Thông đây chắc phải liên hệ với một cửa sông hay một cửa bể  bởi vì ta thấy những địa danh thời Lý có chữ trường theo sau thường chỉ liên hệ đó. Chẳng hạn Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 291 nói: “Năm Thiên Thuận thứ nhất (1128) mùa xuân tháng giêng ngày Mậu Thân Quang Lang trường dâng chín chiếc thuyền của thương gia người Tống đạt tới”. Quang Lang trường đây dĩ nhiên không phải ở Lạng Sơn mà là ở cạnh cửa bể Liêm Hộ, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Bắc thành địa dư chí lục 4 có ghi một làng Quang Lang thuộc huyện Thụy Anh, trấn Sơn Nam hạ.

       Từ đó, Đại Thông trường chắc phải liên hệ với bến đò Đại Thông và châu Đại Thông do Đại Việt sử lược nói tới. Bến đò Đại Thông hay Đại Thông bộ được Đại Việt sử lược 3 nhắc nhiều lần như ở tờ 21a1, 22a2, 25a2 v.v... Nhưng đặc biệt có hai lần, mà ta cần chú ý. Một ở tờ 25a3 nói: “Năm Kiến Gia thứ 3 (1213) mùa xuân tháng giêng ngày Tân Dậu (Trần) Tự Khánh, dẫn quân vào trong cấm thành, đốt cầu Ngoạn Thiềm, rồi dẫn quân về bến Đại Thông”. Và một ở tờ  28a4 viết: “Năm Kiến Gia thứ 4 (1213) mùa hạ tháng 4 Tự Khánh đóng quân ở bến Đại Thông, xây lũy ở Nghĩa Trú”. Như vậy một mặt bến Đại Thông phải cách thủ đô Hà Nội không xa lắm. Mặt khác nó phải ở gần địa điểm Nghĩa Trú, để Tự Khánh có thể chỉ huy việc xây lũy. Mà Nghĩa Trú hiện nằm tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên hiện nay. Như vậy bến Đại Thông chắc nằm khoảng ranh giới huyện Gia Lâm với huyện Văn Giang, có thể chính tại xã Xuân Lâm, huyện Văn Giang, nơi những thượng lưu của sông Nghĩa Trú tập họp lại để chảy xuống sông Kinh Cầu. Từ đó, Đại Thông trường tất phải bao gồm xã Xuân Lâm cũng như một vài xã khác quanh vùng tại huyện Văn Giang.

Một khi đã xác định Đại Thông trường như thế, thì châu Đại Thông chắc phải là một bãi đất lồi tại Đại Thông trường. Đại Việt sử lược 3 tờ 28a5 nói: “Tháng tư năm Kiến Gia thứ 4 (1213) Trần Tự Khánh giết Phan Lân ở châu Đại Thông trong khi đang ở bến Đại Thông xây lũy Nghĩa Trú, vì Lân muốn liên kết với Nguyễn Nộn. Nhưng trước đó vào tháng giêng năm đó, Khánh giao cho Lân giữ Siêu Loại. Do vậy, châu Đại Thông hẳn phải ở vùng bến Đại Thông và không xa Siêu Loại bao nhiêu.

Kết luận đấy hoàn toàn tỏ ra đúng đắn, khi truyện Y Sơn đây nói Đại Thông trường thuộc Long Phúc, mà truyện Đạo Lâm tờ 66b3 lại nói Long Phúc có làng Siêu Loại. Từ đó, Long Phúc chắc là tên một quận đời Lý và địa phận nó gồm một phần huyện Siêu Loại và một phần huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh đời Nguyễn, tức một phần huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và phần đất phía bắc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay.

 (2)  Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Tăng Thích nói: “Thiền sư Y Sơn, người huyện Gia Lâm, nhỏ thông kinh sử, lại càng giỏi cả sách Phật, có chí lớn, làm lợi người, đến khi thị tịch, hoa cỏ chim muông đều bi cảm”. Rồi chua thêm là: “Nói rõ trong An nam chí, về thế đại của thiền sư chưa thể khảo được”.

An nam chí mà lời chua nói đến, là tác phẩm của Cao Hùng Trưng, mà bản in ngày nay gọi là An nam chí nguyên do một lầm lẫn. Khảo An nam chí nguyên 3 tờ 210 thì những ghi chú trên của Đại nam nhất thống chí về Y Sơn quả đã rút ra từ đấy. Đến lượt mình, An nam chí nguyên 3 tờ 208 nói là mình đã rút tài liệu từ “Cựu chí” và Quan báo các xứ cùng tương truyền của các phụ lão mà “Cựu chí” thì những bản hiện còn như An nam chí lược và Việt kiều thư không thấy sách nào nói đến Y Sơn cả. Phải chăng nó đã lấy từ những bản  đã mất như Giao Châu thông chí hay Các châu huyện chí v.v...? Dẫu rút từ đâu đi nữa, thì những ghi chú trên về Y Sơn cuối cùng cũng phải rút ra từ Thiền uyển tập anh, bởi vì văn cú giữa chúng và những chi tiết đều giống nhau. Nếu vậy, tại sao những ghi chú ấy lại có thể bảo Y Sơn là “người huyện Gia Lâm?”. Đó là vì Sơn hoạt động chính ở Gia Lâm.

 (3)  Làng Yên Lãng này nghi là làng Yên Lãng quê mẹ của Từ Đạo Hạnh, tức nay là làng Láng ở phía tây ngoại thành thủ đô Hà Nội. Xem chú thích (3) truyện Đạo Hạnh. Làng này hiện có chùa tên là chùa Chiêu Thiền, nơi thờ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông, mà Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, mục Tự quán, nói tới chùa đấy, Bắc thành địa dư chí lục 1 gọi là chùa Yên Lãng. Nhưng chưa thấy tài liệu nào, ghi hay nói làng Yên Lãng đấy có chùa Nam Mô. Phải chăng làng Yên Lãng đây là Yên Lãng thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây đời Nguyễn, tức huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay? Chúng tôi hiện chưa biết làng đấy có một ngôi chùa nào tên Nam Mô? 

 (4)  Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 52 tờ 274c29-275a17: “Phật tử Bồ tát ma ha tát ưng tri Như Lai thành chánh giác ư nhất thiết nghĩa, vô sở quán sát, ư pháp bình đẳng, vô sở nghi hoặc, vô nhị vô tướng, vô hành vô chỉ, vô lượng vô tế, viễn ly nhị biên, trú ư trung đạo, xuất quá nhất thiết văn tự ngôn thuyết (...), đắc nhất thiết chúng sanh lượng đẳng thân, đắc nhất thiết tam thế lượng đẳng thân, đắc nhất thiết Phật lượng đẳng thân, đắc nhất thiết ngữ ngôn lượng đẳng thân, đắc chân như lượng đẳng thân, đắc pháp giới lượng đẳng thân, đắc hư không giới lượng đẳng thân, đắc vô ngại giới lượng đẳng thân, đắc nhất thiết nguyện lượng đẳng thân, đăc nhất thiết hành lượng đẳng thân, đắc tịch diệt Niết bàn giới lượng đẳng thân”.

 (5)  Hồi hộ bất hồi hộ. Xem Thạch đầu tam đồng khế trong Nhân thiên nhãn mục 5 tờ 327a19.

 (6)  Nguyên văn: Kiến Gia tam niên Bính Tý. Nhưng cứ Đại Việt sử lược 3 tờ 24b9 và Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 30b6 thì Kiến Gia tam niên là năm Quí Dậu, chứ không phải Bính Tý. Bính Tý phải là Kiến Gia lục niên, như Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đã có. Chúng tôi nghĩ, chữ tam là một viết lộn của chữ lục, một việc rất dễ xảy ra, và đề nghị sửa lại thành Kiến Gia lục niên, như bản dịch đã có.

 

69. THIỀN SƯ THẢO ĐƯỜNG
 

 (1)  An nam chí lược 15 tờ 147 viết: “Thảo Đường theo Sư phụ đến sống khách ở Chiêm Thành. Xưa Lý Thánh Vương đi đánh Chiêm Thành, bắt được, đem cho vị Tăng lục làm đứa ở. Vị Tăng lục viết Ngữ lục, để trên bàn mà đi. Sư lén sửa lại. Vị Tăng lục lấy làm lạ về đứa ở, đem tâu vua. Vua bèn phong làm Quốc sư”.

An nam chí nguyên 3 tờ 209 viết: “Thiền sư Thảo Đường, rất có đạo hạnh, biết rành sách Phật, vua Lý tôn làm thầy, sau ngồi thẳng mà mất”. Vua Lý đây tức Lý Thánh Vương của An nam chí lược mà Lý Thánh Vương đấy tức Lý Thánh Tông. Cứ  Đại Việt sử lược 2 tờ 13b3-14a8 và Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 4b7-5a2 thì suốt đời mình Lý Thánh Tông chỉ đi chinh phạt Chiêm Thành một lần vào năm Thần Vũ thứ nhất (1069). Việc bắt được Thảo Đường chắc chắn xảy ra vào năm đó. Còn Thảo Đường được phong làm Quốc sư có lẽ vào năm 1070, hay cùng lắm là năm 1071, bởi vì đầu năm 1072, tức tháng giêng năm Thần Vũ thứ 4, Lý Thánh Tông bị bệnh nặng, rồi mất luôn. Vị Tăng lục, ngày nay ta chưa biết đích xác là ai. Rất có thể là Huệ Sinh, lúc bây giờ đã làm Tăng thống và theo Việt điện u linh tập, đã có tham dự vào cuộc viễn chinh Chiêm Thành ấy. 

Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 15b10 viết: “Thiền sư Thảo Đường rất có đạo hạnh, tinh thông kinh điển, Vua Lý tôn làm thầy, sau ngồi kiết già mà mất”. Tây hồ chí, tập Tự am, dưới mục chùa Khai Quốc và chùa Vạn Niên, nói Thảo Đường họ Lý, và nơi trú trì của Đường không phải chỉ có chùa Khai Quốc, mà có cả chùa Vạn Tuế, tức Vạn Niên nữa.

 (2)  Về chùa Khai Quốc, xem chú thích (1) truyện Vân Phong.

 (3)  Tức thiền sư Trùng Hiển (980-1052) núi Tuyết Đậu tại châu Ninh, Trung Quốc, đệ tử của Trí Môn Quang Tộ thuộc phái Vân môn. Xem Tục Truyền đăng lục 2 tờ 475a9- 476a25 và Tuyết đậu minh giác ngữ lục.

 

70. HOÀNG ĐẾ LÝ THÁNH TÔNG
 
          71. THIỀN SƯ BÁT NHÃ
 

 (1)  Tức Nguyễn Bát Nhã, đại diện cho thiền phái Thảo Đường, mà Quách Thần Nghi khi xem xong Chiếu đối bản của Thông Biện và Nam tông tự pháp đồ của Thường Chiếu đã hỏi Chiếu: “Sao không thấy nói tới hai phái Nguyễn Đại Điên và Nguyễn Bát Nhã?”. Chiếu trả lời: “Ắt Thông Biện có một ức ý nào đó”.

 (2)  Chùa Từ Quang Phúc Thánh này rất có thể là chùa Phúc Thánh mà Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 5b4 nói là dựng vào năm Đại Định thứ 5, tức năm 1154, cùng với chùa Vĩnh Long.

 (3) Tức huyện Đan Phụng, tỉnh Hà Đông hiện nay. Làng Dịch Vương, sau này gọi là Dịch Vọng của Hà Nội ngày nay.

 
72. Cư Sĩ NGỘ XÁ
 

 (1)  Làng Bảo Tài cũng như Long Chương, hiện chưa có thể khảo được.

 

73. THAM CHÁNH NGÔ ÍCH
 

74. THIỀN SƯ HOẰNG MINH
 

(1)   Làng Yên Lãng đây nghi làng Yên Lãng hay làng Láng tại ngoại thành Hà Nội, quê của mẹ Từ Đạo Hạnh. Xem chú thích (3) truyện Đạo Hạnh. Nhưng Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 20b1-2 viết: “Năm Thiên Thành thứ 3 (1030) mùa đông tháng mười được mùa lớn, vua đi xem gặt ở ruộng Ô Lộ, đổi tên ruộng là Vĩnh Hưng. Ngày đó vua hoàn cung”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ 35b6 chú rằng: “Ô Lộ, Vĩnh Hưng, chưa rõ đích xác chỗ nào. Xét huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên, nghi là đó”. Khảo Bắc thành địa dư chí lục 3 về những tên xã của tổng Vĩnh Hưng cũng như của huyện Đông Yên, ta không thấy có xã thôn nào tên Yên Lãng cả, tuy có những tổng xã mang tên Yên Cảnh, Yên Lịch,Yên Vĩ, Yên Viên. Do thế không phải là không có thể làng Yên Lãng của Vĩnh Hưng ở tại vùng huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên đấy. Thêm vào đó, truyện Cửu Chỉ nói núi Long Đội ở Yên Lãng. Như vậy, làng Yên Lãng đời Lý có thể gồm cả phần đất phía đông của huyện Duy Tiên, Hà Nam nữa.

 
 
 
75. THIỀN SƯ KHÔNG LỘ
 (1)  Tức chùa Thần Quang hay chùa Keo tại xã Dũng  Nghĩa, huyện Giao Chỉ, tỉnh Thái Bình. Xem chú thích (1) truyện Không Lộ.

 

76. THIỀN SƯ ĐỊNH GIÁC
 

77. THÁI PHÓ ĐỖ VŨ
 

 (1)  Có thể là Đỗ Anh Vũ (?-1158). Nhưng cứ Đại Việt sử lược 3 tờ 3a4 thì năm Thiệu Minh thứ 3 (1139) Đỗ Anh Vũ đã giữ chức Thái úy. Theo Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 1b1 thì năm sau, tức năm Đại Định thứ nhất (1140) “lấy Đỗ Anh Vũ làm Cung điện lịnh trị nội ngoại sự”, nhưng không bao giờ thấy nó ghi thêm chức tước gì cho Đỗ Anh Vũ cả. Dẫu thế, việc Đỗ Anh Vũ giữ chức Thái úy khoảng từ năm 1139 trở đi là một chắc chắn. Và cứ An nam chí lược 14 tờ 133 thì Thái úy phải là chức trên Thái phó. Đặc biệt là từ khi Hoàng Xuân Hãn phát hiện ra bia mộ của Đỗ Anh Vũ, thì có lúc rõ ràng Đỗ Anh Vũ đã giữ chức Thái phó. Do thế, Thái phó Đỗ Vũ chắc chắn là Thái úy Đỗ Anh Vũ.

78. THIỀN SƯ PHẠM ÂM
 

 (1) Tức địa phận tỉnh Thanh Oai, tỉnh Hà Đông hiện  nay. Làng Thanh Oai này, chúng tôi nghi là tương đương với làng Trung Thanh Oai do Bắc thành dư địa chí lục 3 liệt ra, bởi vì, làng đấy lúc bấy giờ có ba thôn, trong đó hai thôn mang tên Xa La và An Xá. An Xá và Xa La đây chắc là một phân xã của tên An La. Có thể An Xá và Xa La thời Lý là phủ trị của An La, và chúng là một chứng tích cho sự có mặt đó.

 (2)  Thiệu Minh đây, nghi là Hoằng Minh chép sai.

 
79. HOÀNG ĐẾ LÝ ANH TÔNG
 
80. THIỀN SƯ ĐỖ ĐÔ
 
81. THIỀN SƯ TRƯƠNG TAM TẠNG
 
82. THIỀN SƯ CHÂN HUYỀN
 
83. THÁI PHÓ ĐỖ THƯỜNG
 

 (1)  Đại Việt sử lược 3 tờ 24a6 nói trong lần lánh nạn năm1112, Lý Huệ Tông “đã đến nhà của Đại liêu ban Đỗ Thường ở Đông Ngạn”. Đại liêu ban dĩ nhiên là một tên gọi khác của Thái phó. Do sắc lịnh năm Đại Định thứ 20 (1159) của Lý Anh Tông thiết định, mà Đại Việt sử lược 3 tờ 6b3 đã ghi lại. Do đó Đại liêu ban Đỗ Thường cũng là Thái phó Đỗ Thường. Chỉ có vấn đề là chữ thường của Đại liêu ban Đỗ Thường, thông thường thì vẫn có thể đọc như chữ  thường, nhưng  cũng có thể đọc thành chữ thưởng. Vì vậy, Đại liêu ban Đỗ Thường rất có thể là Đại liêu ban Đỗ Thưởng chứ không phải Thái phó Đỗ Thường. Dầu sao đi nữa, chúng tôi vẫn nghĩ Đại liêu ban Đỗ Thường hay Thưởng là Thái phó Đỗ Thường ở đây.

 (2)  Nguyên văn: Tự Kiến Sơ Tịnh...thiền sư. Như vậy, ta chỉ biết “nối dõi thiền sư Tịnh... của phái Kiến Sơ”. Chúng tôi ghi thêm là Tịnh Giới, bởi nghĩ rằng thế hệ của Đỗ Thường còn có những người như Trương Tam Tạng được coi là đệ tử của Định Giác, tức Giác Hải của phái Kiến Sơ. Cho nên, nếu bảo Thường là một đệ tử của một Tịnh gì đấy của phái Kiến Sơ thì có lẽ không sai mấy khi ta đi tìm trong thế hệ của Giác Hải có một người nào tên Tịnh gì đấy không. Nhưng thế hệ Giác Hải có đến ba người có tên bắt đầu bằng chữ Tịnh, đấy là Tịnh Không (1091-1170), Tịnh Lực (1112-1175) và Tịnh Giới (1140?-1207). Chúng tôi chọn Tịnh Giới, không những vì Giới có một đời sống phù phép không kém gì Không Lộ và Giác Hải, mà còn vì truyện Tịnh Giới nói “có nơi nói Giới ở chùa Quốc Thanh, Hải Thanh”, nghĩa là Giới đến từ một chùa và một vùng với Không Lộ và Giác Hải.

 
 
84. THIỀN SƯ HẢI TỊNH
 

 (1)  Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 15b5-6 dưới mục Tuyết Đậu truyền pháp, viết: “Kinh đô Thăng Long, chùa Khai Quốc đại sư Thảo Đường, từ đó truyền tông phái Tuyết Đậu làm đời thứ nhất. Đời thứ hai truyền cho Bát Nhã. Đời thứ ba truyền cho Hoằng Minh. Đời thứ tư truyền cho bốn vị tổ, danh hiệu chưa rõ. Đời thứ năm truyền cho Chân Huyền. Đời thứ sáu truyền cho Hải Tịnh”.

Nói như thế, chứng tỏ rằng khi An Thiền viết và in xong Đạo giáo nguyên lưu khoảng năm 1845, ông chưa có “Cựu bản chùa Tiêu Sơn” của Thiền uyển tập anh, mà sau này vào năm 1859 ông đã in thành quyển thượng của bộ Đại nam thiền uyển truyền đăng của ông. Thế thứ lưu truyền của phái Thảo Đường do ông liệt, do thế có thể rút từ những tài liệu khác với Thiền uyển tập anh ở đây và vì vậy có một giá trị kiểm chứng nào đó.
 

85. HOÀNG ĐẾ LÝ CAO TÔN
 
86. XƯỚNG NHI QUẢN GIÁP NGUYỄN THỨC
 

87. PHỤNG NGỰ PHẠM ĐẲNG


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp