15/06/2011 14:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 24419
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

55. THIỀN SƯ THIỀN NHAM

(1)  Chùa Trí Quả hiện nay ở làng Phương Quan trên hữu ngạn sông Dâu đối diện  với làng Văn Quan. Chùa đấy là nơi thờ Pháp Điện, một trong Tứ pháp. Nếu cứ vào địa điểm làng này, thì vị trí làng Cổ Châu thời Lý không phải chỉ gồm có làng Khương Tự và Đại Tự mà thôi. Trái lại, nó phải bao gồm phần lớn những làng xung quanh hai làng đấy, mà chính yếu là những làng Lũng Khê, Thanh Tương, Văn Quan, Phương Quan và Công Hà.

Vì chùa Trí Quả là chùa làng mình, nên Thiền Nham đúng ra là người Phương Quan, tức người làng Dàn ngày nay. Ta không biết làng này hiện còn ai họ Khương không?

 (2)  Phạn bối, tức một loại lễ nhạc dùng một số nốt giới hạn nào đó của âm nhạc Ấn Độ, sau này trở thành lễ nhạc của Phật giáo tại các xứ phương Đông. Về ý nghĩa và nguồn gốc chữ bối, xem chú thích (2) truyện Ma Ha.

 (3) Trong khoảng Hội Phong (1092-1099) không thấy sử ghi một cuộc điện thí nào. Nhưng truyện Viên Thông tờ 68b9-10 ghi một cuộc thi Tam giáo xảy ra vào năm Hội Phong thứ 6 (1097), mà Viên Thông đỗ hạng đầu. Như thế, Thiền Nham và Viên Thông rất có thể là hai người đồng khoa. 

 (4)  Chùa Thành Đạo nghi là chùa Thành Đạo hiện ở tại làng Đông Cốc, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, nơi có thờ Pháp Vũ, một trong Tứ pháp, bởi vì chùa Trí Quả, nơi trú trì của Thiền Nham là nơi thờ Pháp Điện, thì tất Nham phải có một liên hệ nào đó với các chùa có thờ Tứ Pháp khác. Tuy nhiên, tại làng Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông cũng có chùa Thành Đạo và chùa đấy cũng thờ Pháp Vũ. Dẫu thế, chúng tôi vẫn nghĩ, chùa Thành Đạo của Pháp Y tức chùa Thành Đạo tại làng Đông Cốc.

 (5)  Trong khoảng Đại Thuận, Đại Việt sử lược 3 tờ1b7-8 chỉ viết: “Đại Thuận năm thứ 3 (1130) tháng 6 hạn, cầu thì mưa”. Nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư B3 thì trong khoảng Thiên Thuận từ năm 1128 đến 1132 không năm nào là không có hạn nên Việt sử tiêu án 1 tờ 110a6, khi nhận xét về biện pháp chống hạn của triều Lý Thần Tông, đã phải nói: “Xét trong khoảng 10 năm (trị vì của Thần Tông) thì không năm nào là không có hạn”.

 (6)  An nam chí nguyên 3 tờ 210 viết: “Thiền sư Thiền Nham là vị sư huyện Siêu Loại, giới hạnh tinh nghiêm, ăn lá cây, uống nước suối, xác chết rồi vẫn tươi như khi sống. Người bấy giờ gọi là Phật sống”.

 

56. QUỐC SƯ MINH KHÔNG
 

 (1)  Tức đất huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Tịnh Giới. Chùa Quốc Thanh hiện chưa truy cứu được. 

 (2)  Tức xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Ninh Bình, mục Từ miếu, viết: “Đền Nguyễn Minh Không ở tại huyện Gia Viễn, xưa hai xã Đàm Xá và Điềm Giang cùng thờ. Thần người Điềm Xá, họ Nguyễn, tự Chí Thành. Xét Sử ngoại truyện thì thầy đi du học và được tâm ấn từ Đạo Hạnh, hiệu là thiền sư Minh Không, ở chùa Quốc Thanh. Trong khoảng Hội Tường Đại Khánh đời Lý Nhân Tông, Đạo Hạnh khi sắp tạ thế, dặn Minh Không rằng: “Ta sẽ ở ngôi nhân chủ, mắc bệnh khó tránh, ông nên cứu ta”. Sau Thần Tông bị bịnh hóa thành hình cọp. Trẻ nít ca nói: “Muốn chữa Lý cửu trùng, phải tìm Nguyễn Minh Không”. Mời đến, Không nói tiền duyên cho vua nghe. Vua giác ngộ. Minh Không nấu dầu một trăm cân, lấy tay khuấy rửa cho vua. Bệnh lành, phong làm Quốc sư, cho thuế vài trăm hộ. Đến năm Đại Định thứ 2 (1141) đời Anh Tông, Sư mất, thọ 76 tuổi. Người trong ấp lập đền thờ. Trước đền có một cây đèn đá cao độ một thước, tương truyền là đèn tụng kinh của Sư. Đền nổi tiếng là linh ứng. Nay các chùa ở Giao Thủy và Phổ Lại đều đắp tượng Sư mà thờ”.

 (3)  Những tình tiết diễn tiến cho tới lúc này, nghi là một phụ hội, bởi vì năm năm trước khi Minh Không đến chữa bệnh cho Thần Tông, tức năm Đại Thuận thứ 4 (1131), Đại Việt sử ký toàn thư  3 tờ 36a9 đã ghi việc vua “dựng nhà cho đại sư Minh Không”. Như vậy, chắc chắn không có chuyện Minh Không “về quê cày cấy 20 năm hay chuyện trẻ nít phải hát và phải sai sứ đi khắp dân gian mới gặp Sư”.

(4)   Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 39b7-9: “(Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 4 (1136) vua bệnh nặng, thuốc men không bớt, thầy Minh Không chữa lành, phong làm Quốc sư, cho thuế hộ vài trăm”. Rồi chua tiếp: “Đời truyền rằng thầy Từ Đạo Hạnh khi sắp thi giải, trong lúc bị bệnh, đem thuốc và chú giao cho đệ tử Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, nói rằng: “Hai mươi năm sau thấy Quốc vương gặp bệnh là thì đến chữa”. Bởi nó bắt nguồn từ việc này vậy”.
 

 (5) Nguyên văn có Đại Định nhị niên Tân Sửu. Nhưng cứ Đại Việt sử ký toàn thư 4 tờ 1b8 và 2b8-9 thì Đại Định nhị niên phải là năm Tân Dậu, và tháng 8 mùa thu năm đấy Minh Không mất.

 (6) Lĩnh nam chích quái tờ 31-33 chép một tiểu sử của Minh Không hoàn toàn đồng nhất với bản đây. Nhưng sau đó, nó lại ghi thêm một tiểu sử hoàn toàn khác và nói là lấy từ Minh Không biệt truyện. Truyện như sau:

“Làng Giao Thủy có chùa Không Lộ, xưa có nhà sư tên .... trong khoảng Trị Bình (1064-1067) xuất gia trụ trì chùa đó, nổi tiếng là đức hạnh. Một hôm, Minh Không từ ngoài đi vào, nhà sư cùng phòng, tức Đạo Hạnh, núp trong cửa nhảy ra, giả tiếng cọp để nhát Minh Không. Minh Không cười nói: “Người tu hành mà muốn làm cọp sao? Ta sẽ cứu ngươi”.

Sau nhiều năm, nhà Sư ấy bỗng chốc chết, hóa làm quốc vương, chẳng bao lâu bỗng hóa ra mọc lông, vùng vẫy gào thét, mặt giống như cọp, khắp tìm thầy thuốc, thầy bói, nhà sư, đạo sĩ, nhưng đều bó tay. Nghe Minh Không có phép thuật, sai người chèo thuyền đến mời. Minh Không lấy một chiếc om nhỏ nấu cơm để cho thủy thủ ăn. Vị sứ giả cười nói: “Sợ khó đủ hết”. Minh Không trả lời: “Không phải, để cho họ ăn mỗi người một ít, xem chút hậu tình của ta”. Rồi thủy thủ bốn năm chục người, ăn mãi mà không hết. Mọi người đều làm lạ. Đến chiều, họ sắp ra thuyền thì Sư lại bảo thủy thủ hãy ngủ ngon một đêm, đợi sáng mai rạng đông, bần tăng gọi dậy thì mới có thể bắt đầu ra thuyền. Nếu không thì ta sẽ không đi. Sứ giả nài nỉ không được, bèn nằm yên giả ngủ, thì chỉ nghe dưới thuyền tiếng gió thổi veo veo. Lúc lâu mặt trời mọc, Sư gọi dậy thì thuyền đã cập bến ở kinh đô.

Minh Không bay lên trời mà vào cung, đun nước tắm cho vua, lập tức lông rụng, thân thể bình phục. Vua hỏi lý do. Sư đáp: “Người tu hành, nếu một niệm mê thì sám hối là xong, không khó khăn gì hết”. Lại hỏi: “Sư làm sao có thần thông mà làm được như vậy?”. Minh Không trả lời: “Đấy chẳng phải phép thuật gì hết. Thần xưa có bệnh phong, phát ra thì không thấy, nên nhiều ít không biết thì cái gì cũng trống, mình cứ tin mà bước đi, chẳng phải thần thông gì thảy”. Bèn lại đi bằng đường không mà trở về, cho thưởng gì cũng không nhận, vua bèn ban hiệu là Thần tăng để ngợi khen”.

Tiểu truyện này của Minh Không, tuy Lĩnh nam chích quái bảo là rút từ Minh Không biệt truyện, nhưng chắc chắn là xuất phát từ truyện Minh Không thần dị trong Nam ông mộng lục tờ 20b10-21b9, vì văn cú nó hoàn toàn giống với truyện kể trong đó.

Việt sử tiêu án 1 tờ 108b7-109b9 cũng chép lại gần giống truyện trên và bảo là từ Ngoại truyện. Nó viết: “Thế truyền Đạo Hạnh khi sắp thi giải, đem thuốc có làm phù chú, giao cho đệ tử Nguyễn Chí Thành, tức Minh Không nói rằng: ‘Sau 20 năm quốc vương có bệnh thì đem mà trị’. Thuyết này xuất phát từ Lĩnh nam chích quái. Lại xét Ngoại truyện thì cha Đạo Hạnh là Từ Vinh dùng pháp thuật nên bị sư Thái Điên giết. Đạo Hạnh nghĩ cách báo thù cha, đến tu đạo tại tịnh xá Hương Tích. Trên đường gặp Khổng Minh Không, bèn kết làm bạn cùng đi đến chùa Vân Mộng. Vị thầy dạy cho thần thông quyết. Sau 3 năm, hai người giã từ trở về. Đạo Hạnh muốn thử thuật mình chơi, nấp vào một nơi hiểm, giả làm con cọp để dọa Minh Không. Minh Không biết, trách Hạnh dùng tà hạnh lại gồm có chú ngữ. Đạo Hạnh hổ thẹn và hối hận, đến tạ lỗi, vừa nói: ‘Nghiệp đời sau chưa trừ hết, xin phiền giải thoát cho’. Đạo Hạnh về am, Minh Không về Giao Thủy. Sau đó nghe Đạo Hạnh thi giải, Minh Không cười, nói rằng: ‘Ông hòa thượng ấy còn mê phú quý trần gian sao?’. Đến lúc ấy, Thần Tông bị bệnh kêu gầm, muốn biến thành cọp. Thuốc chữa không chịu. Trẻ con hát rằng: ‘Muốn chữa Lý cửu trùng, phải được Khổng Minh Không’. Thái hậu nghe được cho mời đến. Khi đã đến, bèn giảng chuyện nhân quả đời trước cho vua. Vua giác ngộ. Bệnh liền bớt, Minh Không có nói kệ:

                      Kỳ lân đồ hậu mạc

                      Nguyệt vọng đáo trung thiên

Người bấy giờ không hiểu. Sau vua ở ngôi và tuổi thọ, quả hiệp với lời kệ. Minh Không người Đàm Xá, huyện Gia Viễn. Nay chùa Phổ Lại và Giao Thủy có đắp tượng thờ. Năm Đại Định thứ 2 (1141) Sư mất, thọ 76 tuổi”.

Rồi Ngô Thời Sĩ đưa ra lời bình luận sau: “Triều Lý tôn sùng đạo Phật, từ khi Vạn Hạnh nổi tiếng, người ta mộ theo và bắt chước. Tiếp đó có Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải đều là người Hải Thanh, thờ Sa môn Hà Trạch làm thầy. Lại có Thông Huyền chân nhân cũng có đạo pháp cao tương tự, nên Nhân Tông có câu: “Giác Hải tâm như hải, Thông Huyền đạo hựu huyền”. Nhưng gọi rồng xuống, làm hổ phục không phải là tài bình loạn cứu nguy. Đi chỗ trống, bay lên không, không phải là sách lược trị dân giữ nước. Chỉ cũng là loại La Thập, Đồ Trừng đó thôi, có giúp gì cho thế đạo ư ? Thế mà các triều đại đã thần dị hóa giáo lý nó, để đến nỗi có việc tha thuế hộ để làm tự đinh, sự mê hoặc thật đã quá lắm”.

Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thật lục trong Việt điện u linh tập tờ 51 và Đại nam nhất thống chí tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên, cũng có chép chuyện Minh Không chữa bệnh cho Từ Đạo Hạnh, nhưng không có chi tiết gì đặc sắc cho lắm trừ sự cộng tác với Giác Hải trong việc chữa bệnh đấy.

Về nơi Minh Không thường sinh sống, Bắc thành địa dư chí lục 4, nhân viết về các đền thiêng của trấn Sơn Nam hạ, có ghi đền của thiền sư Đạo Pháp Minh Không nói: “Đền ở xã Cổ Đam huyện Ý Yên. Thế truyền Ngài bình sinh thường ở xã đó. Sau khi mất người trong thôn lập đền thờ”. Còn về nơi mất của Không, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, mục Từ miếu nói: “Đền thiền sư Minh Không ở xã Hán Lý huyện Vĩnh Lại. Sư họ Nguyễn, tự Chí Thành, người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, nhỏ kết bạn với Từ Đạo Hạnh đến chùa Vân Mộng thọ giới, sau làm cao tăng đời Lý. Vua Thần Tông mắc bệnh, Sư chữa liền lành, phong làm Quốc sư. Thế truyền Sư mất ở núi Tam Viên, xã Hán Lý, di tích nay còn”. Xã Hán Lý này theo nó cũng là quê mẹ Minh Không, nên có dựng chùa Hưng Long ở đó. Xem mục Tự quan.

Cuối cùng, cũng cần nhắc lại là, bản in đời Nguyễn không có bản tiểu sử của Minh Không, ở đây không liệt Minh Không vào dòng thiền Pháp Vân. Đương nhiên, truyện của Không đã bị bản in đời ấy góp vào trong truyện của Không Lộ. Xem chú thích (6) truyện Không Lộ. Nhưng có thể tờ có truyện Minh Không đã bị mất trong “Cựu bản Tiêu Sơn tự”. Xem thêm phần nghiên cứu.         

 

57. THIỀN SƯ BẢN TỊCH
 

 (1)  Tức phần đất thuộc hụyện Văn Giang và Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên ngày nay, bởi vì hai huyện đấy hiện đang có con kinh mang tên Nghĩa Trụ chảy qua. Tên Bình Lạc xuất hiện từ năm 621, khi Lý Uyên đặt ra Long châu gồm ba huyện Long Biên, Vũ Ninh và Bình Lạc. Xem Tân đường thư 43 thượng tờ 9b13. Đến thời Lý, nó là tên một đạo, như Đại Việt sử lược 3 tờ 25b7-8 ghi lại.

Làng Nghĩa Trú, chúng tôi cho là làng Nghĩa Trang, tổng Sài Trang, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương của Bắc thành địa dư chí lục 2, tức huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Những tài liệu Lý, Trần đều có nói ngôi làng này. Đại Việt sử lược 3 tờ 29a4 gọi nó là một cái ấp, viết: “Năm Kiến Gia thứ 5 (1215) người Nghĩa Trú là Chu Đình đem ấp mình phụ theo Nguyễn Nộn”. Tam tổ thực tục tờ 26a4 nói Nghĩa Trú còn có một ngôi chùa tên Phổ Quang.

 (2)  Hữu vô và đốn tiệm là những phạm trù lớn của tư tưởng Phật giáo Trung Quốc cũng như Viễn Đông. Hữu vô hay có không, nguyên là cặp phạm trù lớn của học thuyết Lão Trang, đấy là thuyết “Hữu vô tương sinh”. Xem Đạo đức kinh tờ 1-2a: “Vô danh thiên địa chi thỉ, hữu danh vạn vật chi mẫu... Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương giảo, cao hạ tương khuynh..”. Cặp phạm trù hữu vô đó, tới khi Phật giáo truyền nhập Trung Quốc, lại trở thành một trong những cặp phạm trù lớn của tư tưởng Phật giáo, bởi vì, như Đạo An (312-385) đã viết: “Người xứ đây (tức Trung Quốc) giáo thuyết Lão Trang đang thịnh hành... nên nhân theo phong trào mà phát triển”.
 

Còn đốn tiệm, hay mau chậm, là một cặp phạm trù lớn khác do kinh Lăng già giới thiệu vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ V, liên quan đến vấn đề người tu đạo có thể tức khắc giác ngộ sự thực toàn diện toàn phần hay chầm chậm giác ngộ từng bước từng phần.

Xem Phật thuyết nhập lăng già kinh tờ 596a23-29. Sự phân biệt đó sau này trở thành tiêu chuẩn duy nhất để phân biệt để xác định thế giá của hai trường phái thiền lớn của Trung Quốc sau Hoằng Nhẫn. Đó là trường phái thiền của Huệ Năng, thường gọi là Nam đốn, và trường phái thiền của Thần Tú, thường gọi là Bắc tiệm.

 (3)  Theo Đại Việt sử lược 3 tờ 3a2 mới có năm Kỷ Mùi Thiệu Minh thứ 3. Theo Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 1a7 thì năm Kỷ Mùi nhằm năm Thiệu Minh thứ 2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 4 tờ 34b4 cũng chép như Đại Việt sử ký toàn thư.

 

58. TĂNG THỐNG KHÁNH HỶ
 

 (1)  Tức làng Từ Liêm, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Vân Phong.

 (2)  Đại Châu Huệ Hải: “Sư vân: Đạt tức biến cảnh thị, bất ngộ vĩnh quai sơ”. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247a24.

 (3)  Phù Dung Linh Huấn: “Sư viết: Như hà bảo nhiệm. Tôn viết: nhất ế tại nhãn, không hoa loạn trụy”. Xem Truyền đăng lục 10 tờ 280c26.

 (4) Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ Đạo Nhất: “Nước không có gân cốt mà có thể thắng thuyền muôn hộc, lẽ ấy thế nào?”. Đạo Nhất đáp: Trong đó không có nước cũng không có thuyền thì gân cốt là cái gì?”.

Xem Truyền đăng lục 6 tờ 246a26-28.

 (5)  Bài kệ của thiền sư Cảnh Sầm: 

Bách trượng can đầu bất động nhân

              Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân

               Bách trượng can đầu tu tiến bộ

               Thập phương thế giới hiện toàn thân

               (Trăm trượng đầu sào kẻ đứng im

              Dẫu cho vào được chửa là chân

               Trăm trượng đầu sào thêm bước nữa

               Mười phương thế giới hiện toàn thân)

Xem Truyền đăng lục 10 tờ 274b 6-8

(6)     Duy Ma Cật sở thuyết kinh quyển trung tờ 546b 25-c18: “Nhược Bồ tát trú thị giải thoát giả, dĩ Tu Di chi cao quảng, nạp giới tử trung, vô sở tăng giảm... Hựu thập phương quốc độ sở hữu nhật nguyệt tinh tú, ư nhất mao khổng phổ sử hiện chi”. Xem Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 80 tờ 440c21-22: “Nhất mao khổng, tất hữu tam thiên đại thiên thế giới”.

 (7)  Thứ sử Giang Châu Lý Bột hỏi Qui Tôn: “Trong kinh, nếu nói núi Tu Di chứa hột cải thì Bột tôi không nghi, nhưng hạt cải chứa núi Tu Di, phải chăng là nói bậy?” Tôn đáp: “Người ta đồn Sứ quân đọc sách vạn quyển, chuyện đó có không ?”. Bột nói: “Phải”. Tôn hỏi: “Sờ từ đầu đến chân, ông chỉ lớn bằng cây dừa, thì sách vạn quyển treo đâu cho hết?”. Bột chỉ gật đầu mà thôi. Ngày khác, Bột hỏi: “Đại tạng kinh dạy rõ được việc gì?” Tôn đưa nắm tay lên cho Bột coi, rồi hỏi: “Hiểu không?”. Bột nói: “Không hiểu”. Tôn bảo: “Cái đấm to rứa, mà đầu nắm tay cũng không biết?”. Bột thưa: “Xin thầy chỉ bày”. Tôn nói: “Gặp người tức giữa đường trao cho. Không gặp thì thế đế bố khắp”. Xem Truyền đăng lục 7 tờ 256b 9-18.

 (8) Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt (Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài gòn, 1966, tr. 474) viết: “Thiền uyển tập anh chép rằng: ‘Khánh Hỷ mất ngày 27 tháng giêng năm Đại Định thứ ba, Nhâm Tuất 1142, thọ 76 tuổi’. Theo đó mà tính, thì ông sinh năm 1067 và ông có 10 tuổi, lúc Đạo Dung tới Thăng Long. Làm sao ông làm thầy Đạo Dung được? Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại vào năm 1135, việc Hầu Khánh Hỷ mất. Chắc rằng nguyên là chữ Tăng mà Đại Việt sử ký toàn thư chép lầm ra chữ Hầu. Người chú thích sách Thiền uyển tập anh, in đời Vĩnh Thịnh, cũng nói rằng: Theo Sử ký thì Tăng Khánh Hỷ mất năm 1135. Nếu theo thoại sau thì lúc bấy giờ Khánh Hỷ cũng chỉ mới 17 tuổi mà thôi. Tôi nghĩ rằng Thiền uyển tập anh chép lầm năm mất và tuổi thọ. Có lẽ thọ 96 tuổi, vì chữ cửu và chữ thất rất dễ lẫn. Với chữ cửu thì lúc Sư Đạo Dung ra học với Khánh Hỷ, vị này đã 37 tuổi. Như thế mới hợp lý”.

Thật ra Đại Việt sử ký toàn thư không chép việc Hầu Khánh Hỷ, mà là Hầu Khánh Thiện mất vào năm 1135.

 (8)  Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn và Văn tịch chí của Phan Huy Chú đều ghi: “Ngộ đạo thi tập, một quyển, thầy Khánh Hỷ soạn, người Cổ Giao, Long Biên”.

 

59. THIỀN SƯ GIỚI KHÔNG
 

(1)   Cứ An nam chí nguyên 3 tờ 210 thì “Thiền sư Giới Không là vị sư huyện Gia Lâm tu hạnh đầu đà, có thể sai khiến quỷ thần theo lệnh, thú dữ đến chầu. Sau ngồi thẳng mà mất”.

Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Tăng thích dẫn lại đoạn trích vừa dịch của An nam chí nguyên và sửa lại một đôi chữ thành “Giới Không người huyện Gia Lâm, chân tu đắc đạo, sau ông ngồi ngay thẳng mà tịch”. Nhưng truyện Giới Không ở đây nói Không “người quận Mãn Đẩu”. Mãn Đẩu chưa bao giờ là tên của quận hay huyện Gia Lâm cả. Chúng tôi nghĩ, có lẽ Giới Không được mời về ở chùa Gia Lâm vào khoảng những năm 1128-1132, nên Đại nam nhất thống chí đã ghi lầm là người Gia Lâm. Thế thì, quận Mãn Đẩu ở đâu ? 

Các sách sử khác không thấy có quyển nào nói tới một quận tên Mãn Đẩu cả. Về làng Tháp Bát thuộc quận này, chúng tôi cũng chưa gặp ở một nơi nào khác. Dẫu vậy, Kiến văn tiểu lục 6 tờ 14b 4-6 có viết: “Các núi của Tuyên Quang và Hưng Hóa, nơi nơi đều có cây mạn để, lá nó như của cây cổ độ tục gọi đát cây to tới hai hay ba thước, rất độc. Cây và lá nó trôi vào sông khe thì cá chạch đều chết”. Chúng tôi nghi, quận Mãn Đẩu là nơi có cây mạn để đấy. Mãn Đẩu chắc là một ghi âm khác mạn để, hay ngược lại, như Cứu Lan của Đại Việt sử lược đã biến thành Cứu Liên của Đại Việt sử ký toàn thư và Thiền uyển tập anh. Xem chú thích (1) truyện Mãn Giác. Nếu vậy, quận Mãn Đẩu nằm tại tỉnh Tuyên Quang ngày nay giữa hai lưu vực sông Chảy và sông Lô.

Xác định quê hương của Giới Không như thế, ta sẽ hiểu tại sao Không đã từng tu hành tại núi Lịch và có môn nhân là Châu mục Phong Châu là Lê Kiếm. Kiến văn tiểu lục 4 tờ 3a3 có ghi một bài bia có Hàn lâm quyền học sĩ Đỗ Nguyên Chương viết năm Long Khánh thứ 5 (1377) cho chùa Phúc Minh ở làng Mạn Để. Làng Mạn Để này chắc là quận Mãn Đẩu còn sót lại.

 (2)  Núi Chân Ma hiện không thấy các sách sử khác ghi. Nhưng cứ Kiến văn tiểu lục 6 tờ 6a3 có ghi một ngọn núi tên Đán Ma thuộc sơn hệ Tam Đảo. Chúng tôi nghi Chân Ma đó là Đán Ma, bởi vì từ Đán Ma đến Lịch Sơn không xa lắm. Lịch Sơn là núi sau này Giới Không dựng am tu.

 (3)  Kiến văn tiểu lục 6 tờ 6a4-b1 nói: “Núi Lịch tại xã Yên Lịch, huyện Sơn Dương, khởi từ núi Sư Khổng, huyện Đương Đạo mà xuống đến xã đó thì đất bằng bỗng nổi lên núi đất năm sáu ngọn, rẽ ngang phân một chi xuống lập thành Lãng Sơn, chi xuống huyện Tam Dương thành núi Hoàng Chỉ. Trong đó núi Lịch cao nhất. Trên đỉnh có đất bằng như điện đài năm sáu chỗ, có động vua Thuấn rất thiêng. Hoa quả trên núi người ta có thể hái mà ăn, nhưng không được mang về. Nếu có ai mang về, họ liền lạc đường, không thể ra được nữa. Bên trên vua Thuấn có đền vua Nghiêu, đều phải cúng chay. Ở đấy xưa có tự điền, để cung cấp cho người giữ đền. Xã Yên Lịch ở dưới núi lại có miếu vua Thuấn..”. Xem thêm Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên.

 (4) Hang Thánh Chúa này là hang núi Kính Chúa tại làng Kính Chúa huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương thời Nguyễn, tức hang núi Thạch Môn, làng Dương Nham, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày nay, ở đấy có hang và hang núi hiện vẫn còn là hang Kính Chủ. Bởi vì truyện đây nói Giới Không đi đến Nam Sách, mới vào ở hang Thánh Chúa. Và Nam Sách là tên một lộ đời Trần. An nam chí lược 1 tờ 19 ghi là lộ Nam Sách giang. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, mục Kiến trí diên cách nói: “Năm Lê Quang Thuận thứ 7 (1466) đặt Nam Sách thừa tuyên. Năm thứ 10 (1469) định bản đồ thiên hạ, gọi đó là Hải Dương thừa tuyên gồm bốn phủ, tức Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách và Kinh Môn, lĩnh 18 huyện..”. Và Nam Sách thừa tuyên hay lộ Nam Sách giang theo Dư địa chí đã nổi tiếng với núi Kính Chủ, nơi sản xuất đá hoa.

Viết về núi này Bắc thành địa dư chí lục 2 viết: “Núi Kính Chủ tại xã Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, một tên là núi Thắng Hóa Nham, cao 160 trượng, hang dài 60 trượng, rộng 20 trượng. Lại có chùa ở núi Lương Nham Tử, hướng nam, không biết dựng từ đời nào. Vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên có đóng quân trên núi đó... Hang bên phải dài 40 thước, rộng 50 thước thờ thiền sư Minh Không. Hang bên trái  dài 7 thước, rộng 20 thước thờ Lý Thần Tông. Thổ nhân tương truyền xưa có một người đánh cá bên sông Kính Chủ thấy một tượng gỗ mắc vào lưới mình, vứt ra mà tượng không ra, bèn khấn rằng nếu tượng có linh, xin giúp cho tôi nhiều cá thì tôi  sẽ thờ làm thần. Từ đó người ấy đánh được rất nhiều cá được lời, bèn rước tượng lên bờ. Người trong thôn đến xem thì thấy nó nói: “Ta là Lý Thần Tông, nhân đi chơi mà đến đây. Nhân thế, họ lập miếu ở động núi để thờ. Họ lấy tháng giêng và tháng 10 làm tháng kỵ”.

Sự tích vừa dẫn, dù đầy tính chất hoang đường quái đản, giải thích cho ta không ít tại sao ngọn núi Kính Chủ hay Thánh Chúa đã có tên như vậy. Thêm và đó, Đại Việt sử ký toàn thư B7 tờ 18b3 ghi: “Năm Thiệu Phong 15 (1355) mùa xuân tháng hai núi ở Trà Hương băng”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên tờ 10a5-7 cũng ghi việc đó, nhưng sửa lại là núi Kính Chủ, rồi chua như: Kính Chủ là Thánh Chúa ở tại xã Kính Chủ,  huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương.

 (5)  Niên hiệu Đại Thuận, chỉ Đại Việt sử lược ghi lại, còn Đại Việt sử ký toàn thư và tất cả các sử khác của ta gọi là Thiên Thuận, là của Lý Thần Tông kéo dài từ năm 1128-1132. Như vậy, tất không thể nào có chuyện “năm Đại Thuận thứ 8” được. Chúng tôi nghi năm Đại Thuận “thứ 8” chắc là một viết sai của năm Đại Thuận thứ hai hoặc thứ ba. Nhưng trong khoảng Đại Thuận, cả Đại Việt sử lược lẫn Đại Việt sử ký toàn thư không ghi một nạn dịch lớn nào xảy ra cả, nên không thể quyết đoán được. Do thế, chúng tôi vẫn để nguyên như nguyên văn đã có. Có thể năm Đại Thuận thứ 8 là một chép lộn của năm Đại Định thứ 8, nhưng trong khoảng Đại Định, các sử vẫn không thấy ghi một nạn dịch nào lớn cả.

 (6)  Tức cháu nội của châu mục Phong Châu Lê Thuận Tông và công chúa Kim Thành và là anh của thiền sư Trí Nhàn ở dưới đây. Cứ truyện Trí Nhàn, thì Kiếm giữ chức Châu mục của Phong Châu, chứ không phải một nơi nào khác.

 

60. THIỀN SƯ PHÁP DUNG
 

 (1)  Theo bia chùa Hương Nghiêm do Hoàng Xuân Hãn phát hiện và dẫn trong Lý Thường Kiệt tr.453-461 thì Dung đúng ra phải có tên Đạo Dung “nhưng những bản nay còn đều chép hiệu sư là Pháp Dung. Ấy vì đời Trần, kiêng húy Trần Hưng Đạo”. Thiền uyển tập anh, như một tác phẩm đời Trần, như vậy chắc đổi chữ Đạo thành chữ Pháp.

 (2)  Chùa Hương Nghiêm nay vẫn còn ở xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chính tại nơi đây, mà ta tìm tấm bia dựng vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 Giáp Thìn (1124) kể lại sự tích chùa và sự tích sư Đạo Dung. “Chùa này hoàn toàn mới, các vật trong chùa đều mới, trừ quả chuông đúc đời Gia Long. Trong vườn không thấy có tháp cổ. Còn có hồ”. Tấm bia chùa này còn đọc rõ được là nhờ một nhà Sư tên Lê Văn Nghị trú trì chùa đó đã thuê thợ đúc lại theo nét chữ xưa vào năm Lê Bảo Thái thứ 7 (1726).

“Ngày nay làng Phủ lý không có núi. Núi Càn Ni chép ở bia, có lẽ chỉ là mô đất cao hơn cánh đồng chung quanh”. Đấy là ý kiến của Hoàng Xuân Hãn. Núi Càn Ni ở bên chùa Hương Nghiêm, tức núi Ma Ni ở đây, vì chữ Càn là húy đời Trần. Đại Việt sử ký toàn thư B6 tờ 30a2-3 nói: “Cửa Cần trước đổi là Càn vì tránh húy nên gọi làm Cần. Càn Ni, do thế bị tác giả Thiền uyển tập anh đổi thành Ma Ni.

 (3)  Tức xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, bởi vì không những ngày nay xã đó đang có chùa Hương Nghiêm, trái lại còn về phía tây xã hiện có hai làng Viên Quang và Hồ Đàm, đất của giáp Viên Đàm, mà bia chùa Hương Nghiêm nói tới là đã có sự tranh chấp đất đai với giáp Bối Lý. Đất giáp Bối Lý có lẽ phải bao gồm cả những đất của làng Nhân Lý và Mỹ Lý nữa.

 (4) Theo bia chùa Hương Nghiêm thì Lê Lương là người đầu tiên dựng chùa Hương Nghiêm ở giáp Bối Lý vào thời Hậu Đường (923-937). “Ông thuộc một cự tộc ở quận Cửu Chân, châu Ái. Ông làm đến chức Trấn quốc bộc xạ. Nhà ông giàu rất có thế lực trong xứ. Thóc ông trữ đến 110 lẫm. Trong nhà ông nuôi 3000 người khách. Ông dốc một lòng thiện, rất sùng đạo Phật”. Đến khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vào năm 968, ông được phong Ái Châu Cửu Chân đô oai quốc dịch sứ, hàm Kim tử quang lộc đại phu, phong ấp. Ngoài chùa Hương Nghiêm ra, bia còn nói ông có dựng chùa Trinh Nghiêm và Minh Nghiêm nữa, nhưng nay ta chưa tìm thấy chúng. Chúng có thể ở hai làng Nhân Lý hay Mỹ Lý.

 (5)  Theo bia chùa Hương Nghiêm thì đến đời Lý, vua Lý Thái Tông đi chơi về phương nam tới Ái Châu có qua chùa ấy. Hoàng Xuân Hãn sđd. tr. 456, dựa vào Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư giả thiết Lý Thái Tông đến chùa Hương Nghiêm khoảng năm 1031. Nhưng chùa, trải mấy đời thờ cúng, rường cột đã đổ nát. Vua bèn sai sửa chữa lại. Vua lại ban cho cháu ông Bộc xạ, là Đạo Quang trưởng lão làm thiền chủ, cấp cho 5 tên giúp việc, và sai trụ trì ở đó”. Cha của Đạo Dung theo bia như vậy là Đạo Quang trưởng lão, có lẽ đây là một tên phong khác, ngoài Huyền Ngung và Tăng Phán.

 (6)  Bia chùa Hương Nghiêm: “Năm Bính Thìn (1076), Sư bỏ gia hương đi tìm bạn. Cỡi thuyền ra bể, rồi tới Thăng Long. Ở đó thiền sư gặp một vị tăng hiệu là Cao Tăng. Sư cảm phục, bèn theo học”. Xem Lý Thường Kiệt, tr. 457.

 (7)  Bia chùa Hương Nghiêm: Đạo Dung hỏi: “Điều gì cốt yếu trong pháp?” Cao tăng trả lời: “Pháp vốn không phép, ta lấy gì mà bảo ngươi”. Bỗng nghe Sư thấy trong lòng nở nang, bèn giác ngộ. Xem sđd. tr. 457.

 (8)  Bia chùa Hương Nghiêm: “Sư bèn ngược dòng sông Lô (Nhị Hà) trèo núi Thứu Đài. Ngắm xem cảnh đẹp ấy, Sư dừng chân lại, cho là rất vừa ý. Sư sai thợ chọn hướng, ghép đá làm nền, mà dựng nên chùa. Đặt tên là chùa Khai Giác. Xem sđd. tr.458.

 (9)  Hoàn Xuân Hãn, sđd, tr, 460, nhận xét: “Thiền uyển tập anh chép rằng: ‘Rồi Sư trở về nhà, dựng chùa để ở đến lúc già. Sư mất ngày mồng 5 tháng 2 năm Giáp ngọ 1174 đời Thiên Cảm Chí Báu’. Chép như vậy chắc lầm, vì rằng năm 1076 Sư đã ra Thăng Long. Nếu sống đến năm 1174, thì sư phải ít nhất cũng một trăm hai mươi tuổi”.

Cứ theo báo cáo của Hãn về cái bia chùa Hương Nghiêm này, thì quả thực nó đưa ra khá nhiều vấn đề cho chúng ta về niên đại của Đạo Dung, bởi vì theo nó thì năm 1076 Dung ra Thăng Long gặp Khánh Hỷ, năm 1087 (Hãn sửa lại là năm 1077) Dung trở về quê và yêu cầu tùng huynh Lưu Khánh Đàm sửa lại chùa Hương Nghiêm, cùng năm này Dung được vua Lý Nhân Tông mời ra Thăng Long lập đạo tràng trong cung, rồi năm 1122 Dung trở về quê, lại sửa chùa Hương Nghiêm để ở. Sửa xong, viết bia đó vào năm 1124. Đến lúc này, thế nào Dung cũng trên dưới 70 tuổi rồi. Không lẽ nào Dung còn sống thêm 50 năm nữa cho tới năm 1174 mới mất sao? Nhưng cũng cần lưu ý rằng năm Bính Thìn 1076 cũng có thể là năm Bính Thìn 1136, năm Đinh Mão 1087 cũng có thể là năm Đinh Mão 1147, và năm Nhâm Dần 1122 có thể là năm Canh Dần 1170.

 

61. THIỀN SƯ TRÍ NHÀN
 

 (1)  Cả hai bản in đời Lê lẫn bản in đời Nguyễn đều có “Trí thiền sư”. Nhưng Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 16a7-8 và Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Tăng thích, có ghi tên một vị thiền sư tên Trí Nhàn, mà chúng mô tả như: “Người huyện Yên Lãng, siêng tu hạnh lành, thấy một con cọp đuổi một con hưu bèn bảo: “Tất cả chúng sinh đều tiếc thân mình, mầy chớ hại nhau”. Con cọp cúi đầu xuống đất mà đi. Bọn mọi Lào gần núi họp nhau ăn trộm. Sư dẫn dắt khuyên dỗ, phần lớn cảm hóa theo lời sư dạy mà làm lành”.

Cứ vào mô tả đó, thì thiền sư Trí Nhàn của Đạo giáo lưu nguyên, Đại nam nhất thống chí, tức “Trí thiền sư” của Thiền uyển tập anh ở đây, chứ không ai khác, bởi vì không những hợp về quê quán, mà còn hợp về những tình tiết sống khác như chuyện nói chuyện với cọp và chuyện dạy “mọi Lào” đừng ăn trộm. Chúng tôi do thế nghi rằng: “Trí thiền sư” của ba bản in Lê, Nguyễn đã thiếu mất một chữ, đấy là chữ Nhàn, và tên đầy đủ của Trí thiền sư từ đó phải là Trí Nhàn thiền sư. Chỉ có vấn đề là Đạo giáo nguyên lưu và Đại nam nhất thống chí đã lấy tài liệu ở đâu đó có thể viết về thiền sư Trí Nhàn như vậy. Chúng tôi nghi nó lấy từ An nam chí nguyên và đúng là nó lấy ra từ sách đó. An nam chí nguyên 3 tờ 210 chép việc Trí Nhàn giống như Đại nam nhất thống chí dẫn trên. Từ đó, dĩ nhiên cuốn sách ấy tất phải sử dụng nếu không phải bản in Thiền uyển tập anh xưa nhất thì một tài liệu đã dùng bản in Thiền uyển tập anh trước bản năm 1715 xưa nhất của chúng ta hiện còn. Vì vậy, bản in trước năm 1715 chắc chắn phải có đầy đủ tên thiền sư Trí Nhàn, chứ không phải cái tên thiếu là thiền sư Trí, mà bản in năm 1715 do in sót tạo ra, rồi di lụy đến bản in đời Nguyễn. 

Chúng tôi do vậy đề nghị bổ sung tên thiền sư Trí thành thiền sư Trí (Nhàn), để cho tên các vị thiền sư ở đây được nhất quán. Thiền sư nào cũng có hiệu do hai chữ ghép lại cả, dĩ nhiên trừ thiền sư Ấn độ.

 (2) Yên Lãng đây dĩ nhiên không phải là trại Yên Lãng, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội đời Nguyễn, mà là huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây đời Nguyễn, bởi vì huyện Trí Nhàn ở đây nói “hai triều đại Anh và Cao Tông nhiều lần triệu thỉnh mà Nhàn không đáp”, đến nỗi Tô Hiến Thành và Ngô Hòa Nghĩa phải “đem lễ thầy trò đi tìm”, thì đủ rõ am của Nhàn tất không thể ở ngoại ô thành phố Hà Nội được. Theo Đại nam nhất thống chí tỉnh Sơn Tây, mục Kiến trí diên cách, thì Yên Lãng là tên huyện từ thời Đinh và Lý. Nay là huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chúng tôi hiện chưa truy ra một ngọn núi mang tên Cao đã thuộc huyện đấy.

 (3)  Tức gồm đất huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Xem chú thích (6) truyện Pháp Hiền. Đại nam nhất thống chí nói Nhàn người huyện Yên Lãng. Xem chú thích (1) trên.

(4)   Tức Lê Long Đĩnh, con thứ tư của Lê Đại Hành, được phong làm Ngự Man Vương ở Phong Châu vào năm 991. Xem Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 20a3 và Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 1 tờ 26b1. 

 (5) Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 24bb3-4 viết: “Thông Thụy năm thứ 3 (1036) tháng 3, đem công chúa Kim Thành gả cho Châu mục Phong Châu Lê Thuận Tôn”. Đại Việt sử lược 2 tờ 6b2 gọi công chúa Kim Thành là công chúa Khánh Thành. Lê Thuận Tôn như vậy là con của Lê Long Đĩnh và là cháu nội của Lê Hoàn.

 (6) Châu mục đây phải là Châu mục Phong Châu, bởi vì tính tập ấm của chức ấy dưới thời Lý. Nếu ông nội của Kiếm đã giữ chức Châu mục Phong Châu và Kiếm lại là chắt ngoại của Lý Công Uẩn, thì mỗi sự  tập ấm như vậy càng dễ dàng, như trường hợp giòng họ Thân ở Lạng Giang.

 (7)  Đại Việt sử ký toàn thư B7 tờ 40b8 viết: “Năm Long Khánh thứ 2 đình thí tiến sĩ”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 10 tờ 35a2 ghi: “Năm Long Khánh thứ 2 mùa xuân tháng 2 bắt đầu đặt khoa tiến sĩ”. Nhưng cứ truyện Trí Nhàn ở đây thì từ tiến sĩ đã xuất hiện dưới thời Lý Anh Tông, nếu không nói khoa tiến sĩ ra đời vào lúc ấy. An nam chí lược 14 tờ 133 có ghi chức cung hầu thư gia thuộc loại quan văn.

 (8)  Dẫn kinh Kim cang tờ 752b:

                      Nhất thiết hữu vi pháp

                      Như mộng huyễn bào ảnh

                      Như lộ diệc như điển

                      Ưng tác như thị quán

 (9)  Theo kinh Kim cang lời nói do đức Phật phát biểu ra có năm tính chất đây là tính chân, tính thật, tính đúng, tính không dối, tính không thần dị. Xem kinh Kim cang tờ 750b27: “Như Lai ngữ giả thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả”.

 (10) Đấy là thuyết chính danh của Nho giáo. Thuyết đấy cho rằng để thiết lập trật tự xã hội và phục vụ lợi ích xã hội, thì người làm vua phải ra làm vua, người làm cha phải ra người làm cha, người làm tôi phải ra người làm tôi, người làm chồng phải ra người làm chồng, người làm vợ phải ra người làm vợ v.v... nếu không được chính danh như vậy, xã hội sẽ loạn lạc, trật tự bị đảo điên.

 (11) Tức thuyết tự lợi, lợi tha của Phật giáo. Trong Phật giáo, thông thường chia làm hai phái, đấy là phái Thanh văn và phái Bồ tát. Phái Thanh văn có nghĩa là phái nghe lấy những lời của Phật Thích Ca Mâu Ni để tu hành nhằm giải phóng những khổ não do chính bản thân mình và chỉ nhằm sự giải phóng đó thôi. Do thế, có một phái khác chủ trương phải giải phóng những khổ não của những kẻ khác nữa, chứ không phải của chính mình. Phái này gọi là phái Bồ tát, tức phái của những người nhằm sự giác ngộ hoàn toàn.

 (12) Hy Di chi lý, tức đạo lý cao siêu. Đạo đức kinh chương 14 định nghĩa chữ Hy Di thế này: “Xem mà không thấy, gọi là Di, lắng mà không nghe gọi là Hi”. Xem Đạo đức kinh thượng thiên tờ 7b2-3.
 
 

62. THIỀN SƯ CHÂN KHÔNG
 

 (1)  Lịch triều hiến chương loại chí 3 tờ 2a7-b1 viết: “Núi Phổ Lại tại xã Phổ Lại, huyện Quế Dương, núi đá rất cao, ngó xuống dòng sông Lục Đầu, cảnh trí khoáng đãng. Trên núi có chùa Chúc Thánh, đó là nơi tu hành luyện tính của thiền sư Không Lộ. Thời Trần, vua quan thường hay đến đó ngâm vịnh..”.. Xem thêm Đại nam nhất thống chí tỉnh Bắc Ninh, mục Sơn xuyên. Nay là núi Phả Lại tại xã Phả Lại, huyện Quế Dương, tỉnh Hà Bắc.

Một khi đã xác định vị trí của núi Phả Lại như thế, thì vị trí của Phù Lan tất không thể giới hạn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 1 tờ27a4 được, bởi vì theo nó thì “Phù Lan là tên một trại, nay là xã Phù vệ thuộc huyện Đường hào, tỉnh Hải Dương”. Đất của trại Phù Lan đời Lê và Lý, ngoài huyện Đường hào ra, còn phải ăn thâm lên một phần nào đất huyện Quế Dương và có thể là huyện Chí Linh nữa.

 (2) Đại Việt sử lược 2 tờ 10b3-4 viết: “Năm Long Thụy Thái Bình thứ hai (1055) dựng chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu”. Lịch triều hiến chương loại chí 3 tờ 6a1 viết: “Núi Đông Cứu tại huyện Gia Định gồm nhiều ngọn núi đứng thẳng, ngó xuống dòng sông. Trên núi có chùa Thiên Thai, cảnh trí cũng đẹp. Trịnh Dụ Tổ thường đến chơi nơi ấy..”.. Huyện Gia Định năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đổi làm huyện Gia Bình, nên Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Sơn xuyên nói: “Núi Thiên Thai tại tây bắc huyện Gia Bình 5 dặm, một ngọn đứng cao chót vót, đá đất lẫn lộn, bên cạnh có những ngọn khác ngó xuống dòng sông. Trên núi có chùa, có thể gọi là đẹp đẽ. Nó một tên là núi Đông Cứu một tên là núi Đông cao”.

Vị sư Thảo Nhất của chùa này, mà truyện Chân Không đây nói tới, ta hiện không biết một tí gì.

 (3)  Qui mộc tương giao. Điển rút từ kinh Tạp a hàm: “Trong biển lớn có một con rùa đui, sống lâu vô lượng kiếp, cứ trăm năm thì ló đầu lên một lần. Lại có một khúc gỗ nổi chỉ có một lỗ hổng, trôi dạt theo sóng biển, tùy gió mà trôi đông hay trôi tây. Con rùa mù một trăm năm ló đầu ra một lần mà gặp lỗ hổng của khúc gỗ đó, thật là khó thay”. Xem Tạp a hàm kinh 16. Xem thêm kinh Niết bàn: “Sinh ra đời làm người là một chuyện khó. Gặp được thời cũng khó. Giống như con rùa mù trong biển lớn gặp được một lỗ hổng trên khúc cây”. Xem Đại bát niết bàn kinh 2.

 (4)  Tức phải chỉ Thân Đạo Nguyên, con của Thân Thiện Thái và công chúa Bình Dương, bởi vì không những Nguyên đồng thời với Lý Thường Kiệt, mà còn vì vợ của Nguyên là công chúa Thiên Thành dưới đây cũng đến cúng dường Chân Không. Theo Đại Việt sử lược 2 tờ 11a7-8 và 15a2 thì Nguyên cũng có tên là Thân Cảnh Nguyên, được Lý Thánh Tông chọn làm Phò mã năm 1059 và 1066 thì chính thức cưới công chúa Thiên Thành. Tục tư tri thông giám trường biên 279 tờ 11a gọi Nguyên là Thân Cảnh Phúc, còn Mộng khê bút đàm 2 thì gọi  là Thân Cảnh Long. Ta chưa hiểu rõ tại sao có nhiều sai chạy như vậy. Dẫu sao, Nguyên là một trong những vị tướng lãnh có công đầu trong trận chống quân xâm lược Tống năm 1075.

 (5)  Thiền sư Động Sơn Lương Giới, khi bước qua dòng nước thấy cái bóng mình mà ngộ đạo, bèn làm bài thơ:

                        Thiết kỵ tùng tha mích

                        Thiều thiều dữ ngã cư

                        Ngã kim độĂc tự vãng

                        Xứ xứ phùng đắc cừõ

                        (Rất kỵ tìm nơi khác

                        Cùng ta nó luôn đi

                        Ta nay riêng tự đến

                        Nơi nơi đều gặp y)

Xem Truyền đăng lục 15 tờ 321c19. Khái niệm “nơi nơi đều gặp y” là rút từ bài thơ vừa dẫn.

 (6)  Kiếp hỏa. Thế mạt luận Phật giáo nói vào lúc hủy diệt, thế giới sẽ bị thiêu rụi bởi một ngọn lửa có sức nóng bằng bảy mặt trời. Ngọn lửa đấy gọi là kiếp hỏa hay lửa kiếp. Xem A Tỳ Đạt Mạ Câu Xá Luận 12. Quan niệm thế mạt đó sau này thiền tông mượn để đặt thành công án. Công án thứ 29 của Bích nham lục đặt vấn đề thế này: “Khi lửa kiếp lẫy lừng, vũ trụ thiêu hoại, thì cái gì hoại, cái gì không hoại?”. Xem Bích nham lục 3 tờ 169a17-18.

(7)      Tuổi hạ mà từ Phật học Trung Quốc gọi là hạ lạp, là một thứ tuổi tính theo tiêu chuẩn tổ chức Phật giáo. Tuổi ấy bắt đầu tính từ khi một người được chính thức nhận vào tổ chức Phật giáo của những người xuất gia, thể hiện qua việc người đó chấp nhận những kỷ luật đầy đủ của một người sống hoàn toàn theo Phật giáo, tức kỷ luật Tỳ kheo. Chỉ khi nào chấp nhận kỷ luật đó, tức thường gọi là “Cụ túc giới”, tuổi hạ bắt đầu tính.

Mỗi tuổi hạ là tương đương với một tuổi đời, bởi vì nhận giới Tỳ kheo mỗi năm phải sống cấm túc ba tháng mùa mưa, còn những tháng khác họ phải đi lang thang hoạt động truyền giáo, nên nếu ai sống mỗi năm được ba tháng cấm túc đó thì được một tuổi hạ.

 (8)  Hoàng thái hậu đây tức Linh Nhân Hoàng thái hậu (?-1117), mẹ của Lý Nhân Tông. Xem chú thích (3) truyện Thông Biện. Còn Thiên Thành công chúa (?-1149) là con của Lý Thánh Tông và là vợ của Thân Đạo Nguyên. Xem chú thích (3) ở trên. 

 (9)  Cả hai bản in đời Lê lẫn bản in đời Nguyễn đều viết: “Đệ tử Mậu Nhân ni sư”. Nhưng truyện của Ni sư ở tờ 67a8 thì nói Ni sư tên Diệu Nhân. Chúng tôi nghi chữ Mậu là một sai khác của chữ Diệu, kỵ húy tên mẹ Trần Thái Tông là Lê Thị Diệu , nên Diệu đổi làm Mậu.

 (10) Kiến văn tiểu lục 4 tờ 13b3-6 chép y nguyên bài thơ, trừ câu thứ 5 mà nó chép thành: “Vân oanh bích thảo thiêm tân Pháp”. Về những bàn cãi liên quan tới tác giả bài thơ này cùng bài thơ ở truyện Quảng Trí xem chú thích (3).

 

63. THIỀN SƯ ĐẠO LÂM
 

 (1)  Cái tên Long Phúc được nhắc tới hai lần trong Thiền uyển tập anh một ở đây và một ở truyện Y Sơn tờ 70b1. Cứ vào thành phần cấu tạo nên nó, tức làng Siêu Loại và Đại thông trường, ta có thể xác định phần đất đó thuộc gồm hai huyện Siêu Loại và Gia Bình đời Nguyễn, tức huyện Thuận Thành và phần bắc huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc hiện nay. Về vị trí là làng Siêu Loại, xem chú thích (1) truyện Thiện Hội về Đại thông trường. Xem chú thích (1) truyện Y Sơn.

 (2)  Cương mục tiền biên 2 tờ 10b1-2 nói: “Huyện Chu Diên đời Hán đặt thuộc quận Giao Chỉ, đời Đường đổi làm Diên Châu, đời Lê là phủ Tam Đái, nay tức đất đất phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây”. Nhưng cả Tùy thư 21 tờ 7b8 lẫn Cựu đường thư 41 tờ 42b11 đều nói Chu Diên là đất quận Vũ Bình thời trước. Mà ta đã khảo ra đất quận Vũ Bình rơi vào khoảng tỉnh Hưng Yên ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Tịnh Lực. Ngoài ra Nguyên hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 13a1 và Thái Bình hoàn vũ ký 170 tờ 10a5 lại ghi Chu Diên ở về phía đông nam, trị phủ Giao Châu, nghĩa là đóng phía nam thành phố Hà Nội ngày nay. Chi tiết này Độc sửu phương dư kỷ yếu cũng chép y lại. Như vậy Chu Diên chắc chắn phải nằm phía đông nam thành phố Hà Nội, nhưng nó gồm phần đất những huyện nào?

Truyện Đạo Lâm đây nói Lâm “người Cửu Cao, Chu Diên”. Mà cứ Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 có ghi ba người đỗ tiến sĩ xuất thân từ làng Cửu Cao “hạt Gia Lâm”. Đây là Trần Văn Bính khoa năm 1505, Vũ Hữu Nghiêm khoa năm 1514 và Nguyễn Di khoa năm 1532. Làng Cửu Cao này đến khoảng năm 1685 thì đổi thành làng Thượng tốn bởi vì khoa năm đó có Đỗ Công Bật “người hạt Thượng tốn”, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân đến con của Bật là Đỗ Công Đỉnh cũng là đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa 1706 và Đỉnh lại ghi là người làng Thượng Tốn, hạt Gia Lâm. Mà ta biết làng Thượng Tốn là làng Cửu Cao đổi ra, vì Đại Việt lịch triều đăng khoa khi nói Trần Văn Bính là người làng Cửu Cao, thì có chua thêm tức làng Thượng Tốn”.

Như vậy, làng Cửu Cao, Chu Diên nay là làng Thượng Tốn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Địa phận của Chu Diên do thế phải ăn thâm vào phần đất của huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Vùng Chu Diên xưa từ đó có thể gồm phần đất của những huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh và huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay.

 (3)  Tức chỉ Phật giáo, bởi vì toàn bộ tư tưởng Phật giáo được xếp thành Hữu tông, Không tông và Tánh tông mà Tánh tông lại bao hàm cả hữu lẫn không tông. Nhưng Tánh tông và Không tông lại bị “các Thiền gia lộn cho là cùng một tông, một giáo”, nên Phật giáo gọi là không tông. Xem Tông cảnh lục 34 tờ 616a6-617a4.

 (4)  Truyện Tịnh Thiền tờ 68a7 nói: “Đến khi Lâm mất rồi, Thiền bèn đi khắp chốn thiền tìm bạn học thêm”. Mà Thiền mất vào năm 1139. Như vậy Lâm tối thiểu cũng phải mất trước năm đấy chừng mười năm, chứ đâu lại có chuyện mất vào năm 1203, nghĩa là sau khi Thiền chết đến những mười năm. Lại thêm vấn đề, niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu chỉ thấy ở Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 22b8 và 23a5, trong khi Đại Việt sử lược 3 tờ 14a1 v.v... viết là Thiên Tư Bảo Hựu. Chúng tôi do thế nghi rằng có thể người hiệu đính bản in năm 1715 đã sửa thêm niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu đấy vào, mà tự nguyên ủy có thể là Thiên Cảm Chí Bảo hay Chính Long Bảo Ứng. Vấn đề niên đại các vị sư ở đây thật nan giải. Trừ khi tìm thêm những bia văn mới, ta mới có thể giải quyết một phần nào.

Chúng tôi hiện biết tính chất ngược ngạo phi lý của niên đại 1203 đấy, nhưng không thể đề nghị một cách có căn cứ một niên đại giả thiết nào mới, vì niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ 2 đã nhằm đúng năm can chi của nó, tức năm Quý Hợi, như Đại Việt sử ký toàn thư đã có. Dẫu sao, ta phải giả thiết Lâm phải mất trước Thiền khoảng mười năm, tức có thể khoảng năm 1175.


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp