Chương 2: Ngày Lục Trai Và Giới Trai Thanh Tịnh
I. NGÀY LỤC TRAI LÀ GÌ?
Đoạn trước đã nói, các ngày mùng 8, 14, 15, 23 và 2 ngày cuối tháng
âm lịch là ngày lục trai. Trong 6 ngày này, người thế tục nên thọ trì
Bát quan giới trai.
Không ăn phi thời là điều Phật giáo và ngoại đạo cùng thực hành, ngày
lục trai cũng là điều Phật giáo và ngoại đạo cùng thủ trì. Ở đây chúng
ta cần phải hiểu rõ Phật pháp và ngoại đạo trong nhiều quan niệm về pháp
nhân thiên có thể tương đồng. Ngoại đạo tuy không sâu rộng bằng Phật
pháp, nhưng nhận thức của ngoại đạo trong pháp nhân thiên có nhiều điểm
Phật giáo có thể thừa nhận. Chỉ cần là đúng chánh pháp, thì dù ngoại đạo
nói vẫn phải được tôn trọng. Nếu như không đúng, tuy là Phật tử nói
cũng không thể tin. Đây là chỗ vĩ đại của Phật giáo.
Ngày lục trai, Phạn ngữ gọi là Bô sa tha (Posadha), cùng với Bố tát
của Phật giáo (mỗi nửa tháng Bố tát thuyết giới) đồng một nghĩa là
trưởng tịnh, nghĩa là trưởng dưỡng thiện pháp, thanh tịnh phạm hạnh. Kỳ
thật, Tỳ kheo nửa tháng Bố tát thuyết giới cùng với 6 ngày trai có quan
hệ rất sâu xa, như Tát Bà Đa Bộ Tỳ Ni Ma Đắc Lặc Già quyển 6: “Các
ngoại đạo ở thành Vương Xá ngày mùng 8, 14, 15, tập họp một chỗ tụng
Kinh được nhiều lợi dưỡng, quyến thuộc thêm đông. Bình Sa Vương tin Phật
pháp Tăng đi đến chỗ Phật… Phật nói cho các Tỳ kheo ngày mùng 8, 14,
15, tập họp một chỗ tụng kinh thuyết pháp”. (Ấn Độ đương thời đem một
tháng chia làm 2 tháng gọi là bạch nguyệt và hắc nguyệt, mỗi tháng chỉ
có 15 ngày từ 1 đến 15, không có 16 đến 30). Đến việc Bố tát, nguyên
nhân cũng vì “các ngoại đạo Phạm chí ở thành Vương Xá mỗi tháng 3 lần
tập họp, những người quen biết quây quần cúng dường thức ăn uống. Phật
khuyên Bình Sa Vương đặt pháp chế, có Tỳ kheo thuyết pháp cho bạch y,
bạch y thí thực cho Tỳ kheo, nguyên mỗi tháng 2 lần, dần dần tăng lên 6
ngày trai, 8 ngày trai (xem Phật học Đại Từ điển, trang 862 của Đinh
Phúc Bảo) cho đến tăng lên 10 ngày trai.
Đủ thấy việc nửa tháng Tỳ kheo Bố tát 1 lần và nửa tháng 3 lần thọ bát của Bát giới đồng phát xuất từ một nguyên nhân.
Vậy vì sao phải chọn 6 ngày này làm ngày trai?
Kinh Đại Bát Nhã quyển 14: “Sáu ngày trai trong tháng là mùng 8, 14,
15, 23, 29, 30, chư thiên hội họp”. Kinh Tứ Thiên Vương ghi: “Ngày trai
chư Thiên xem xét người thiện ác: Tu Di Thiên Vương tức là đệ nhị thiên,
Thiên đế tên Thích Đề Hoàn Nhân phước đức vòi vọi, Điển chủ tứ thiên,
Tứ thiên Thần vương, tức là Nhân Tứ Trấn Vương mỗi người quản một
phương, thường thường mỗi tháng vào ngày mùng 8 sai sứ giả xuống đi khắp
thiên hạ dò xét đế vương, thần dân, long quy, các loài côn trùng, tâm
nghĩ miệng nói thân làm thiện ác. Ngày 14, sai Thái tử xuống; ngày 15,
Tứ Vương xuống; ngày 23, Sứ giả xuống; ngày 29, Thái tử lại xuống; ngày
30, Tứ vương tự xuống”.
Luận Đại Trí Độ quyển 13, hỏi: “Vì sao ngày lục trai phải nên thọ giới, tu phước đức?”
Đáp: “Những ngày ấy ác quỷ theo người muốn đoạt mạng người, tật bệnh
hung suy khiên người không an, cho nên từ kiếp sơ, Thánh nhân dạy người
trì trai tu phước để tránh hung suy”.
Về nguyên do của 6 ngày trai có nhiều truyền thuyết, trong các bộ
kinh phần nhiều nói giống nhau, Luận Đại Trí Độ nêu ra rõ ràng nhất; nếu
thích, bạn có thể tham duyệt Đại Chánh Tạng tập 25 trang 60.
Luận Tỳ Bà Sa quyển 41: “Thường thường vào ngày 14, hoặc ngày 15 của
bạch nguyệt, hắc nguyệt mỗi tháng, Tam thập tam thiên tập họp ở Thiện
Pháp đường đánh giá thế gian thiện ác nhiều ít. Thấy người làm thiện ủng
hộ, thấy người ác làm thì cùng nhau ghét bỏ”.
Chúng ta không cần nêu ra thêm nữa, thật ra mục đích ta trì giới trai
chẳng phải sợ thiên thần đến dò xét thiện ác, chẳng phải sợ bệnh tật
hung suy, cũng chẳng sợ thiên thần ghét bỏ, mà là vì gieo trồng cái nhân
xuất thế. Nhưng trong mỗi tháng đã có 6 ngày này là trọng yếu hơn các
ngày khác, vì thế Đức Phật cũng chọn 6 ngày này làm ngày trai của Bát
quan trai giới. Tuyệt chẳng phải nói chỉ có 6 ngày này mới có thể làm
ngày trai. Và cũng chẳng phải nói: chỉ có 6 ngày trai này phải nên trì
giới trai, các ngày khác chẳng nên làm ngày giới trai.
Nhân vì thọ trì giới trai, mỗi ngày thọ trì, mỗi ngày đều có công
đức. Sáu ngày trai chỉ trì một ngày cũng có công đức một ngày. Nếu chẳng
trì giới trai, lại tạo ác nghiệp, bình thường làm ác còn phải chịu khổ
báo, huống chi 6 ngày trai làm ác, cố nhiên đắc tội. Đức Phật cũng dùng 6
ngày như ngoại đạo Ấn Độ, nhưng lại khuyên đệ tử tại gia thọ trì giới
trai. Đây cũng là một thứ phương tiện khéo léo.
II. THẾ NÀO LÀ GIỚI TRAI THANH TỊNH?
Bát quan trai giới chỉ có 8 điều, song muốn thọ trì thanh tịnh thật
cũng chẳng phải dễ. Thân chẳng làm ác: Không sát sinh, không trộm cướp,
không dâm dục, không đeo tràng hoa thơm, không xoa dầu thơm, không ca
múa và biểu diễn các môn nghệ thuật cũng không cố đến xem nghe, không
nằm giường lớn cao rộng. Miệng chẳng làm ác: Không vọng ngữ, không uống
rượu, không ăn phi thời. Những điều này chỉ cần quyết tâm làm thì cũng
có thể làm được. Đến như muốn cho ý không nghĩ ác mới rất là khó. Rất
khó khống chế vọng niệm cuồn cuộn nổi dậy bất duyệt, tâm chí lơi lỏng
một chút không tập trung, vọng niệm liền thừa kẽ hở xen vào. Trong vọng
niệm có thiện, có ác, có vô ký; thiện thì không hại, vô ký cũng không
tổn bao nhiêu, chỉ có ác niệm như niệm sát sinh, niệm trộm cướp, niệm
dâm dục, niệm vọng ngữ, niệm uống rượu, cho đến niệm ăn phi thời, chỉ
cần một niệm khởi, bất luận quá khứ, niệm vị lai đều là trai không thanh
tịnh, chỉ vì chưa phát ra hai nghiệp thân miệng nên chưa phải là phá
giới.
Nếu có người chuẩn bị ngày mai thọ trì Bát quan trai giới cho rằng
ngày mai chẳng thể làm các việc sát sinh, trộm cướp, dâm dục cho đến
chẳng thể ăn phi thời, nên hôm nay cố ý phóng túng một phen. Người như
thế, ngày mai tuy có thể thọ trì giới trai thanh tịnh cũng không kể là
thanh tịnh. Hoặc có người hôm nay thọ trì Bát quan trai giới thanh tịnh
lại có ý ngày mai làm các việc sát sinh, trộm cướp, dâm dục cho đến
chuẩn bị ăn phi thời, cũng không kể là thanh tịnh. Người trì giới trai
quý ở tâm là niệm xuất ly thế gian, quý ở sự buông bỏ ràng buộc của ngũ
dục. Nếu tâm không thanh tịnh, trai sẽ không thanh tịnh, đâu có thể ôm
tâm tham đắm ngũ dục thọ trì giới trai!
Do đó, Phật ở trong kinh Ưu bà Tắc giới quyển 5 có nói: “ Nếu muốn
thọ trai, trước hết phải dạy ngăn các điều ác mới được thành tựu. Nếu
trước chẳng ngăn điều ác mà thọ trai thì không gọi là đắc trai”. Đủ thấy
trước khi thọ trai, chẳng những phải chuẩn bị thân tâm thanh tịnh, lại
còn phải chính miệng mình nói với người khác để cho người khác cũng biết
mình thọ trì giới trai.
Làm thế nào để được giới trai thanh tịnh?
Đại sư Ngẫu Ích ở cuối quyển Ưu bà tắc Ngũ Giới Tướng Kinh Tiên Yếu
nói: “Ngày trai giới không được đánh chúng sinh, không được thân miệng
làm việc mất oai nghi, không được khởi các phiền não tham dục, sân nhuế,
tà ác, lại cần phải tu lục niệm. Bốn điều cấm kể trên nếu phạm, tuy
không phá trai nhưng trai giới cũng không thanh tịnh”.
Sáu ngày trai thọ Bát quan giới trai vì đề phòng vọng niệm sinh tử,
vì tăng công đức giới trai, phương pháp tốt nhất là chuyên trì lục niệm.
1. Niệm Phật: Phật là đấng Đạo sư từ bi, pháp môn niệm Phật trừ được
ngu si. Niệm thật tướng Phật trừ được ác ý. Niệm tướng hảo Phật trừ được
thói quen giận hờn.
2. Niệm Pháp: Pháp là mẹ của chư Phật, pháp của Phật nói ra vô lượng
vô biên, dùng 37 đạo phẩm có thể tuần tự tiến lên hòan thành sự tu
chứng, vì thế nên niệm 37 đạo phẩm, nội dung như sau:
- Tứ niệm xứ: Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.
- Tứ chánh cần: Ác chưa sinh không cho sinh, ác đã sinh phải diệt,
thiện chưa sinh phải làm cho sinh, thiện đã sinh phải làm cho tăng
trưởng.
- Tứ như ý túc: Dục (hâm mộ pháp tu trì), niệm (nhất tâm chánh trụ
niệm sở quán), tinh tấn (tu tập không biếng nhác), huệ (tư duy tâm không
tán loạn).
- Ngũ căn: Tín (tin vào chánh đạo), tinh tấn (siêng năng cầu đạo
không dừng), niệm (nhất tâm quán tưởng), định (nhất tâm tịch định), huệ
(tánh bên trong tự chiếu soi)
- Ngũ lực: Do ngũ căn mà phát sinh ra 5 thứ lực lượng phá trừ năm
chướng: Tín lực phá từ phiền não, tấn lực phá trừ biếng nhác, niệm lực
phá trừ tà tưởng, định lực phá trừ vọng tưởng, huệ lực phá trừ tất cả tà
ngoại.
- Thất giác chi: Niệm (suy niệm tu các đạo pháp để cho định huệ quân
bình), trạch pháp (dùng trí giản trạch sự chân ngụy của pháp), tinh tấn
(dùng tâm dõng mãnh lìa tà hạnh, hành chánh pháp), hỷ (tâm được pháp
thiện liền sinh hoan hỷ), khinh an (đoạn trừ sự thô trọng của thân tâm,
thân tâm nhẹ nhàng thơ thới), định (tâm trụ một cảnh), hành xả (xả bỏ
các sai lầm, xả bỏ tất cả pháp).
- Bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh định, chánh niệm, chánh mạng.
3. Niệm tăng: Căn cứ vào Kinh Phật Thuyết Trai, Tăng là phước điền
của Trời, người, ở nay nói niệm Tăng là niệm Chân thật Tăng hoặc Thắng
nghĩa Tăng là Thánh Tăng tứ song bát bối chứng đắc được tứ quả và Tứ
hướng quả. Nhưng đối với Tỳ kheo phàm phu Tăng, cũng phải cung kính cúng
dường. Ở đây nói niệm là niệm công đức của Tăng. Vì thế, muốn niệm
Thắng nghĩa chân thật Tăng, ngày thường y chỉ học tập vẫn phải lấy thế
tục Tăng trì giới biết hổ thẹn làm chủ. Nhân vì Phạn ngữ: Tăng già
(Sangha) nghĩa là Hòa hợp chúng, hoặc dịch là chúng. Ở Ấn Độ, 4 người
trở lên gọi là chúng; vì thế, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni từ 4 người trở lên có
thể gọi là Tăng già. Người thế tục, từ 4 người trở lên cũng có thể gọi
là Tăng già, do đó đệ tử Phật nói chung phân ra làm 7 chúng cho đến 9
chúng. Vì thế Kinh A Hàm có đem “quy y Tăng” dịch thành “quy y chúng”.
Nhân đây có người cho rằng: Đã gọi là quy y chúng đâu cần quyết định quy
y người xuất gia? Thật ra, đây là một lập luận sai lầm, mang tội rất
lớn. Vì Đức Phật chưa từng nói quy y Tăng tức là quy y chúng tại gia, mà
lúc nào cũng nói: “Quy y Tỳ kheo Tăng”. Khi mới thành đạo, Phật chưa độ
Tỳ kheo Tăng, nhưng khi độ đệ tử tại gia, Ngài cũng dạy cho họ quy y Tỳ
kheo Tăng vị lai. Đây chính là điều chứng minh quan trọng hơn hết. Vì
có nơi hiểu lầm định nghĩa của chữ Tăng, nên ở đây tôi nói thêm cho rõ.
4. Niệm thiên: trên cõi trời sống lâu an lạc, nhân vì thọ trì công
đức ấy cảm được thọ báo sinh lên đệ lục thiên của Dục giới, nếu nhất tâm
niệm, được quả báo sinh lên trời sống lâu an lạc.
5. Niệm giới: Trì giới ba nghiệp được thanh tịnh. Bát quan trai tuy
chỉ 8 điều, nhưng phạm vi của sức giới có thể lớn đến vô cùng vô cực,
trì một giới sát là có thể ở trên một phần tất cả chúng sinh được công
đức không sát sinh; ngoài ra, các giới khác cũng có thể theo đây đoán
biết. Cứu cánh của Bát giới cũng gồm đủ Định cộng giới (do Định khai
phát nên gọi là Thiền giới, do định lực tự nhiên không phạm gọi là Định
cộng giới), Đạo cộng giới (chứng được thánh quả lên thánh vị, tuy không
thọ giới, trì giới cũng có thể cùng giới tương ưng là luôn luôn thanh
tịnh, cho nên gọi là đạo cộng giới). Nhân vì ngũ giới là nền tảng của
tất cả giới cho nên công đức lớn nhỏ tùy theo sự phát tâm mà được, nếu
dùng tâm Bồ tát trì ngũ giới; ngũ giới tức thành đại thừa giới, còn nếu
cầu phước báo nhân thiên mà trì Bồ tát giới thì Bồ tát giới cũng đồng
như ngũ giới.
6. Niệm thí: Cứu giúp tất cả người nghèo. Nghèo nàn có 3 thứ: Nghèo
nàn về của cải, nghèo nàn về phương pháp tu phước tu đạo, nghèo nàn về
kiến thức làm người xuất thế. Vì thế, Bố thí cũng có 3 thứ: Bố thí tài
vật, bố thí pháp, bố thí vô úy. Tài vật làm cho sinh hoạt vật chất chúng
sinh cải thiện. Phật pháp làm cho sinh hoạt tinh thần của chúng sinh
sung mãn. Vô úy làm cho chúng sinh kê vai gánh vác đạo nghĩa, chọn thiện
mà theo, dõng mãnh tiến tới. Căn cứ vào sự giải thích của Luận Trì Độ:
“Người trì giới không phạm tài vật của người còn đem tài vật của mình
thí cho người khác gọi là Tài thí; hay vì người khác thuyết pháp khiến
họ khai ngộ đắc đạo gọi là Pháp thí; tất cả chúng sinh đều có tâm sợ
chết, người trì giới không có tâm sát hại, hay khiến cho chúng sinh
không sợ hãi gọi là Vô úy thí”.
Đoạn văn trên giới thiệu nhiều danh tướng khô khan vô vị, đối với
người mới vào cửa Phật mà nói, thì thật là khó khăn. Chỉ đem nội dung
của lục niệm phân biệt rành rẽ đã chẳng phải dễ, lại thêm cần phải nhất
tâm nhất ý niệm pháp lục niệm này lại càng khó hơn. Nhưng đây là một thứ
quy định của pháp môn tu Bát quan trai giới, nếu có thể làm đúng như
pháp thì tốt lắm. Nếu như dụng công phu lục niệm không nổi thì nên dùng
phương pháp trì danh niệm thánh hiệu Phật trong kinh Tiểu thừa, tức là
niệm công đức tướng hảo của Phật; hay là niệm Phật trong tông Tịnh độ,
đó là chuyên tâm trì niệm thánh hiệu Phật A Di Đà. Nếu có phương tiện
khác, tỷ như trì chú, tụng kinh, lễ sám cũng được. Như trong Kinh Địa
Tạng Bồ tát Bổn Nguyện nói: “Nếu chúng sinh đời vị lại, mỗi tháng vào
ngày mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30, trong 10 ngày trai này
đối trước tượng Phật, Bồ tát, chư Hiền Thánh đọc Kinh Địa Tạng này một
lần thì Đông, Tây, Nam, Bắc trong trăm do tuần không có tai nạn, ngay
trong gia đình hoặc lớn hoặc nhỏ, hiện tại, vị lai trong trăm ngàn năm
hằng lìa đường ác!”. Chúng ta thấy 10 ngày trai là ngoài 6 ngày trai ra
còn thêm 4 ngày mùng 1, 18, 24, 28. Mười ngày này nên đọc tụng Kinh Địa
Tạng thì 6 ngày trai cũng nên đọc tụng Kinh Địa Tạng.
Trong Kinh Dược Sư cũng nói: “Thọ bát phần trai giới lại phải nên
niệm công đức bổn nguyện của đức Như lai (Dược Sư), đọc tụng kinh (Dược
Sư) này, tư duy nghĩa lý, diễn nói khai thị”. Do đây chứng minh ngày thọ
trì bát giới có thể tụng kinh. Nguyên do của 6 ngày trai là Bình Sa
Vương thỉnh Phật thuyết pháp trong 6 ngày này để thấy trưng dẫn ở trên.