Chương 2: Nội Dung Và Phân Biệt Của Bồ Tát Giới
I. BỒ TÁT GIỚI LÀ GÌ?
Sau khi chúng ta đã hiểu rõ ý nghĩa về Bồ tát tiếp theo dây cần phải
thảo luận về vấn đề Bồ tát giới, bởi vì lý do của Bồ tát xưng là Bồ tát
chẳng phải vô cớ, cũng không tự mình cho mình là Bồ tát, người khác là
Bồ tát. Danh từ Bồ tát xuất phát từ Phật pháp, như muốn thành Bồ tát tự
nhiên phải cầu điều ấy nơi Phật pháp. Nói một cách giản đơn Bồ tát là do
thọ Bồ tát giới mà ra. Lại, vì thế, Bồ tát giới là cái nôi dưỡng dục
tam thế chư Phật.
Vậy Bồ tát giới là gì? Giới của Bồ tát thọ, gọi là Bồ tát giới. Muốn
làm Bồ tát trước tiên phải thọ Bồ tát giới, như trong Kinh Phạm Võng
nói: “Bồ tát giới là bản nguyên của chư Phật, là căn bản của Bồ tát, là
căn bản của đại chúng Phật tử”. Người không hành Bồ tát đạo tuy tìm Phật
nhưng vĩnh viễn không thể thành Phật. Muốn hành Bồ tát đạo phải thọ Bồ
tát giới. Vì thế, Bồ tát giới là nguyên nhân căn bản của tất cả chư Phật
thành Phật, cũng là chỗ căn bản của Bồ tát để thành Bồ tát. Một từ
“Phật tử” trong các kinh luận Đại thừa, Tiểu thừa giải thích rất nhiều,
căn cứ vào kinh luận Đại thừa cho rằng phải là Bồ tát mới có thể nhân vì
có chủng tử thành Phật mới xưng là Phật tử. Tỷ như Kinh Lăng Già gọi Bồ
tát Đệ bát địa là Tối thắng tử, Luận Phật Tánh gọi Bồ tát Sơ địa là
Phật tử. Kinh Phạm Võng nói người phát bồ đề tâm thọ Bồ tát giới
đều được gọi là Phật tử. Căn cứ vào quan điểm của Tiểu thừa như Tứ Phần
Luật cho rằng: Người tiếp nhận vào biển lớn Phật pháp, dù là Tiểu thừa,
cho đến chỉ thọ tam quy ngũ giới của Tiểu thứa, đều là Phật tử. Chúng
ta có thể thấy, Đại thừa lấy chủng tử thành Phật làm Phật tử. Nay giảng
Đại thừa Bồ tát giới, chỗ gọi là “Căn bản của Phật tử” đương nhiên là
chỉ căn bản của chủng tử thành Phật.
Trong Kinh Phạm Võng lại nói: “Tất cả người có tâm đều nên thọ Phật
giới, tức nhập vào địa vị chư Phật, vì đồng bậc Đại giác, chân thật là
Phật tử”. Bồ tát giới là nguyên nhân căn bản của tất cả chư Phật thành
Phật. Vì thế, từ trên nhân vị nói, gọi là Bồ tát giới; từ trên quả vị
nói, gọi là Phật giới. Cho nên, trong điều thứ 41 của Kinh Phạm Võng còn
gọi: “Bồ tát giới là Đại giới của ngàn Phật”, ý muốn nói ngàn Phật ở
trong kiếp Trang Nghiêm thời quá khứ do thọ trì Bồ tát giới mà thành
Phật, ngàn Phật ở trong kiếp Tinh Tú thời vị lai cũng thọ trì Bồ tát
giới mới được thành Phật, cho đến suy ra ngàn Phật của quá khứ tam thế
tam kiếp, ngàn Phật của vị lai tam thế tam kiếp, ngàn Phật của quá khứ
vô lượng tam thế tam kiếp. Tóm lại, tất cả chúng sinh, tất cả Bồ tát,
tất cả chư Phật, không một ai không do thọ trì Bồ tát giới mà được thành
Phật. Do đây đủ biết sự lớn lao của công năng Bồ tát giới không thể
nghĩ bàn.
II. NỘI DUNG CỦA BỒ TÁT GIỚI
Bồ tát giới đáng tôn đáng quý là do vì nó bao hàm và còn vượt hơn tất
cả giới. Bồ tát giới là Ba la đề mộc xoa (Biệt giải thoát giới), ngoài
giới của 7 chúng Ưu bà tắc, Ưu bà di, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na
ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Thân phận của Bồ tát có thể trong 7 chúng, cũng
có thể ở ngoài 7 chúng. Ưu bà tắc, Ưu bà di được thọ Bồ tát giới, cho
đến Tỳ kheo, Tỳ kheo ni cũng được thọ Bồ tát giới, đây là trong 7 chúng
thọ thêm Bồ tát giới. Theo Kinh Phạm Võng nói: “Chỉ cần hiểu được lời
nói của Pháp sư đều được thọ giới”. Vì thế, súc sinh cho đến người biến
hoá như quỷ thần đều có tư cách thọ Bồ tát giới và được gọi là Bồ tát,
đây là đơn thọ Bồ tát giới ngoài 7 chúng. Những Bồ tát đơn thọ này, trên
trình độ phát tâm mà nói, tuy vượt qua 7 chúng của Tiểu thừa, nhưng
những người ấy không có địa vị trong 7 chúng, nên cũng không được đặt
trước 7 chúng. Bởi vì thứ tự của Phật chế, lấy 7 chúng làm chuẩn chứ
không lấy Bồ tát làm chuẩn.
Nội dung của Bồ tát giới là Tam tụ tịnh giới, cộng chung chỉ có ba
câu nhưng lại bao quát hết pháp môn tự độ, độ tha, trên cầu thành Phật,
dưới hoá độ chúng sinh. Ba câu này là:
1. Trì tất cả tịnh giới, không một tịnh giới nào chẳng trì.
2. Tu tất cả thiện pháp, không một thiện pháp nào chẳng tu.
3. Độ tất cả chúng sinh, không một chúng sinh nào chẳng độ.
Trong kinh, Phật gọi Tam tụ tịnh giới này là Nhiếp luật nghi giới,
Nhiếp thiện pháp giới và Nhiều ích hữu tình giới. Tam tụ tịnh giới nghĩa
là tập hợp tất cả Phật pháp vào ba môn lớn: Trì luật nghi, Tu thiện
pháp, Độ chúng sinh làm cấm giới để thọ trì. Trong 7 chúng của Tiểu thừa
thì làm ác là có tội, không tích cực tu thiện không có tội, sát sinh là
có tội, không tích cực cứu hộ sinh mạng cũng không có tội. Vì thế, Tiểu
thừa chỉ tích cực bỏ ác, tiêu cực làm thiện, tích cực giới sát, tiêu
cực cứu hộ sinh mạng. Bồ tát giới thì phải tích cực bỏ ác làm thiện,
cũng phải tích cực giới sát, cứu hộ sinh mạng, đem không tu thiện và
không cứu hộ sinh mạng liệt vào phạm vi của cấm giới, nhân đây Bồ tát
giới không những bao hàm thất chúng giới mà còn vượt hơn thất chúng
giới.
Nội dung của Tam tụ tịnh giới có thể nói là bao hàm hết thảy: Nhiếp
luật nghi giới hàm dung tất cả giới luật và oai nghi của Đại thừa, Tiểu
thừa; Nhiếp thiện pháp giới bao hàm 8 vạn 4 ngàn pháp môn xuất ly; Nhiêu
ích hữu tình giới bao quát từ bi hỷ xả hoằng nguyện và tinh thần rộng
độ tất cả chúng sinh.
Vì thế, Tam tụ tịnh giới cũng bao quát cả tinh thần của Tứ hoằng thệ nguyện.
Nội dung của Bồ tát giới là Tam tụ tịnh giới. Tinh thần của Tam tụ
tịnh giới là pháp môn học Phật tích cực, làm tất cả điều thiện, đầy đủ
các đức, bao hàm muôn pháp thảy đều không sót, không công đức nào không
thành tựu.
III. CHỦNG LOẠI CỦA BỒ TÁT GIỚI
Bồ tát giới là Biệt giải thoát giới ngoài thất chủng giới, vì thế
người thọ thất chúng giới rồi cố nhiên được thọ thêm Bồ tát giới, người
chưa từng thọ thất chúng giới cho đến người không đủ tư cách thọ thất
chúng giới cũng được thọ Bồ tát giới. Cho nên, tính chất của Bồ tát giới
cũng tương tự như Bát giới. Bát giới cũng là một thứ Biệt giải thoát
giới ngoài thất chúng giới, điều này trong thiên Bát Quan Giới Trai đã
có nói đến.
Nhưng, trong Bồ tát giới có điểm tương tợ với Bát giới là Đốn lập
giới, lại có điểm bất đồng với Bát giới mà tương tợ với Tiệm thứ giới
của thất chúng giới. Do đó, chủng loại của Bồ tát đại thể phân ra làm
hai tính chất: Một loại là Bồ tát giới đốn lập có thể đơn thọ, một loại
là Bồ tát giới tiệm thứ, thọ thêm sau khi đã thọ tam quy ngũ giới.
Từ xưa đến nay, trong Tạng Kinh đã thu tập Bồ tát Giới Bổn hoặc Bồ tát Giới Kinh dịch thành Hán văn, gồm có 6 loại:
1. Kinh Bồ tát Anh Lạc Bổn Nghiệp.
2. Phạm Võng Kinh Bồ tát Giới Bổn.
3. Du Già Luận Bồ tát Giới Bổn.
4. Bồ tát Địa Trì Kinh Giới Bổn.
5. Bồ tát Thiện Giới Kinh Giới Bổn.
6. Ưu bà tắc Giới Kinh Giới Bổn.
Nếu phân loại theo Đốn, Tiệm, thì Kinh Anh Lạc, Phạm Võng thuộc loại Đốn lập. Kinh Anh Lạc quyển hạ
nói: “Người mới hành đạo Bồ tát, hoặc trong tín nam, tín nữ các căn
không đủ, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ, nô tỳ, người tiến hóa đều thọ đắc
giới”. Đủ thấy chẳng hạn cuộc nơi loài người đều được thọ Bồ tát giới.
Kinh Phạm Võng quyển hạ cũng có nói: “Người thọ Phật giới, không kể là
Quốc vương, Vương tử, bá quan, tể tướng, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, 18 cõi
phạm Thiên, Thiên tử 6 tầng trời cõi Dục, thứ dân, huỳnh môn, dâm nam,
dâm nữ, nô tỳ, bát bộ quỷ thần, thần kim cang, súc sinh, cho đến người
biến hóa, hễ hiểu được lời của Pháp sư đều thọ đắc giới”, mà không nói
chẳng thọ thất chúng giới thì không được thọ Bồ tát giới, chỉ cần nghe
hiểu lời của Pháp sư giảng về nội dung của giới pháp Bồ tát, giả sử
người chưa từng tiếp xúc với Phật pháp cũng có thể thọ giới, đắc giới.
Vì thế nói đây là Đốn lập.
Còn 4 loại Giới Kinh: Du già, Địa Trì, Thiện Giới, Ưu bà tắc là thuộc về Tiệm thứ giới. Kỳ thật nguyên bản chữ Phạn của 4 bộ này chỉ có 2 thứ, vì Du già, Địa Trì, Thiện Giới đều thuộc đồng bổn dị dịch của phẩm Bồ tát Địa trong Luận Du già sư địa, vì thế đồng một hình thức, chỉ cần nêu ra một loại là gồm cả ba.
Như trong Thiện Giới Kinh nói: “Bồ tát Ma ha tát nếu muốn thọ trì Bồ
tát giới, trước tiên phải tịnh tâm thọ thất chúng giới”. Điều này nói rõ
ràng: Bồ tát giới không được đơn thọ hoặc đốn thọ, trước tiên phải thọ
toàn bộ hay thiểu bộ của thất chúng giới, hoặc một phần của một chúng
giới rồi sau đó mới được thọ Bồ tát giới.
Bồ tát giới của Ưu bà tắc Giới Kinh vốn là Đại thừa giới của người
tại gia chứ chẳng phải là Bồ tát giới. Đây cũng là một loại Tiệm thứ
giới rất khó được thọ của Đại thừa giới. Trước khi thọ giới phải theo
thứ tự lớp cúng dường cha mẹ, sư trưởng, vợ con, hiện tại tri thức, nô
tỳ, đạo nhân xuất gia, và hỏi chín thú giá nạn: Gia thuộc không cho,
thiếu nợ người khác, thân tâm có bệnh, ô tịnh phạm hạnh, làm tội ngũ
nghịch, trộm pháp tặc trụ, khó phân biệt phái nam hay phái nữ, giết
người có tâm đạo, vọng ngữ trước chúng. Nếu phạm một điều thì không được
thọ giới. Trước khi thọ Bồ tát giới 6 trọng, 28 khinh, phải thực hành
tam quy ngũ giới. Tuy đã thọ ngũ giới, cũng phải trải qua 6 tháng xem
xét, rồi ở trong 20 Tỳ kheo tăng làm pháp yết mà thọ giới. Đủ thấy ở đây
không phải không phân phẩm loại mà thọ được Bồ tát giới. Tại sao phải
nghiêm khắc như thế? Trong phẩm Thọ Giới của Kinh này quyển ba nói:
“Giới Ưu bà tắc này làm căn bản của Sa di thập giới, Đại Tỳ kheo giới,
Bồ tát giới, cho đến A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Chí tâm thọ trì Ưu
bà tắc giới sẽ được vô lượng lợi ích của các giới ấy”. Đây là nói bản
thân của Ưu bà tắc giới là căn bản của Sa di giới, Tỳ kheo giới, Bồ tát
giới; thọ Ưu bà tắc giới rồi mới được vô lượng lợi ích của Sa di giới,
Tỳ kheo giới, Bồ tát giới.
Nói đến vấn đề giới tại gia và giới xuất gia, chúng ta cần phải phân
biệt nói thêm. Căn cứ vào tinh thần của Bồ tát giới mà nói, đã là Bồ tát
đều phải đoạn trừ dâm dục, hoặc vì phương tiện độ chúng sinh mà có hành
vi dâm dục, song không được có niệm dâm. Tiểu thừa trọng giới hạnh, Bồ
tát trọng giới tâm, Bồ tát tại gia của Thánh vị vì bi tâm độ chúng sinh
mà không ngại hành dâm, tuyệt không đồng với phàm phu vì tham luyến
khoái lạc dâm dục nên hành dâm. Vì thế, tinh thần căn bản của Bồ tát
giới là đoạn dâm, đã đoạn dâm thì sự phân biệt tại gia, xuất gia cũng
chỉ là hình tướng hóa hiện bất đồng mà thôi. Nhưng trong 6 loại Bồ tát
Giới Bổn do nơi đối với cơ nghi bất đồng nên có sự phân biệt tại gia,
xuất gia và thiên khinh, thiên trọng.
Sự phân biệt tại gia và xuất gia là lấy giới dâm làm tiêu chuẩn. Giới
dâm của Kinh Anh Lạc là “không được cố dâm”. Du già Giới Bổn nói: “Bồ
tát xuất gia không được hành phi phạm hạnh”. Bồ tát tại gia “thấy có nữ
sắc, lúc đó tâm không dính mắc, dù làm pháp dâm dục mà tâm của Bồ tát
vẫn tiếp tục không dính mắc”, “nếu thỏa mãn dâm dục của người nữ kia một
cách tự tại rồi thì khéo dùng phương tiện dẫn dắt khiến cho người nữ
kia vun trồng thiện căn”, “Bồ tát trụ tâm từ mẫn hành phi phạm hạnh”.
Giới khinh của Địa Trì Kinh Giới Bổn tuy giới mục đồng với Du già
Giới Bổn, chỉ riêng chưa liệt kê điều văn tánh giới nói về phương tiện
khai phạm 7 chi của thân miệng (sát sinh, trộm cướp, dâm dục, vọng ngữ,
lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ), vì thế xem đồng như chỉ có giá mà không có
khai. Trong giới khinh của Thiện Giới Kinh Giới Bổn có nêu ra: Giới vào nhà bạch y chẳng
được thuyết pháp, giới đồng đi một đường với Tỳ kheo ni, giới chứa đồ
vật của bạch y, giới giường cao quá tám ngón tay, đều thuộc giới hạnh
của người xuất gia. Giới trọng của Ưu bà tắc Giới Kinh là giới Tà dâm,
giới khinh là giới Phi thời phi xứ hành dâm.
Từ những điều văn đã nêu ra ở trên, chúng ta có thể phân biệt một
cách đại khái: Anh Lạc và Phạm Võng là đoạn dâm mà chẳng phải tuyệt
không dâm hạnh, lấy người xuất gia làm chủ và kiêm cả tâm hạnh tại gia;
Du già thì gồm ca tại gia và xuất gia; Địa Trì và Thiện Giới thì xuất gia; Ưu bà tắc Giới Kinh thì tại gia.
Nay đem tính chất của 6 loại giới bổn này lấy đốn lập và tiệm thứ, xuất gia và tại gia liệt kê theo biểu đồ như sau:
Ở đây chúng tôi cần phải nói thêm: Tinh thần căn bản của Bồ tát giới
là tuyệt đối ly dục, song không ngại gì thị hiện có vợ con mà hành phạm
hạnh, vì thế, có thể hiện hình tướng tại gia; Ưu bà tắc giới là căn bản
của Bồ tát giới, nhưng không phải là Bồ tát giới, chỉ thuộc về Đại thừa
giới, người đã thọ Đại thừa giới, thực hành lục độ, cho nên cũng có thể
gọi là Bồ tát tại gia. Đây là điều cần phải biết rõ.
Căn cứ theo sự phân loại của Luật sư Linh Chi: “Bồ tát giới có hai
tông, một là tông Hoa Nghiêm bộ, hai là Pháp Hoa bộ” (Chi Uyển Di Biên,
quyển 2). Ngài cho rằng Phạm Võng gồm cả hai môn đốn tiệm, thuộc Hoa
Nghiêm bộ; Thiện Giới Kinh tiệm thứ thọ, thuộc Pháp Hoa bộ. Biểu đồ bút
giả liệt kê ở trên cũng chỉ là phân biệt đại thể mà thôi.
IV. NGUYÊN DO CỦA BỒ TÁT GIỚI
Nói đến nguyên do của Bồ tát Giới có thể phân biệt làm ba loại: Anh Lạc và Phạm Võng là một loại; Du Già, Địa Trì, Thiện Giới là một loại; Ưu bà tắc Giới Kinh riêng thành một loại. Nay phân ra thuật như sau:
1. Loại Anh Lạc, Phạm võng
Có người cho rằng Kinh Phạm Võng thuộc Hoa Nghiêm bộ: Phật mới thành
Chánh giác ở Diệu Quang Đường tụng ra Phạm Võng. Thái Hiền Cổ Tích Ký
nói:
“Diệu Quang Đường, Kinh Hoa Nghiêm gọi là Phổ Quang Đường, nhân Phật
phóng quang mà đặt tên, tại nước Ma Già Đà nơi đạo tràng tịch diệt, cách
cây bồ đề 3 dặm”. Đủ biết Phạm Võng Giới, Phật thuyết trong nước Ma Già
Đà dưới quyền cai trị của vua Tần Bà Sa La, cách cây bồ đề của Phật
thành đạo chỉ có 3 dặm.
Duyên khởi thuyết pháp của Kinh Anh Lạc cũng là: “Một thuở nọ, Đức
Phật trở lại nước của vua Bình Sa tức là Tần Bà Sa La, nơi thành Chánh
giác dưới cội Bồ đề Ngài ngồi lại chỗ cũ, lại phóng ra 42 tia sáng”. Sau
khi phóng quang, Ngài nói cảnh giới 52 ngôi vị Bồ tát, tiếp theo ở
quyển hạ, Ngài nói về phương pháp thọ giới của Thập Vô Tận Tạng Giới.
Thời gian nói Kinh Phạm Võng tuy sớm hơn Kinh Anh Lạc, nhưng địa điểm phóng quang trước khi nói kinh thì giống nhau. Kinh Phạm Võng cũng trước phóng quang minh, kế
nói về ngôi vị của Bồ tát, rồi đến quyển hạ nói điều văn giới tướng của
10 trọng, 48 khinh. Chỗ không đồng nhau là Kinh Anh Lạc không có phương
pháp thọ giới, nhưng Anh Lạc và Phạm Võng vẫn còn nhiều chỗ đồng nhau.
Phạm Võng Giới Kinh là một loại Bồ tát Giới Kinh được lưu
thông rộng rãi ở Trung Quốc hơn hết. Nhưng đối với vấn đề chân ngụy của
Phạm Võng là việc đã có từ xưa, các nhà kinh lục cựu thời đã đem Phạm Võng liệt vào loại nghi phẩm. Theo bài tựa Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới nói: “Kinh này gồm có 112
quyển, 61 phẩm”. Trong Bồ Tát Giới Bổn Sớ quyển 1 của Đại sư Pháp Tạng
nói: “Nếu luận về bản đầy đủ, Ngài La Thập tương truyền, nói Tây Vức có
61 phẩm 10 vạn bài tụng, dịch đủ thành 300 quyển”. Vì Đại Bộ của Kinh Phạm Võng 2 quyển thượng, hạ của
Trung Quốc là do Ngài Tam Tạng La Thập miệng tụng phẩm thứ 10 là phẩm
Bồ Tát Tâm Địa Pháp Môn của toàn bộ Kinh Phạm Võng. Nhưng văn tự của
quyển thượng rất khó giải thích, văn của bài tựa và hậu ký cũng có khả
nghi, điều văn giới tướng cũng rất khó hiểu, đến nỗi bị các học giả cho
là người Trung Quốc ngụy tạo. Tuy nhiên đây là một bộ Bồ Tát Giới Kinh
rất được hoan nghinh, vì thế trải qua nhiều thời đại có nhiều sự tranh
luận. Thời gần đây, Đại sư Thái Hư cũng có một bài “Phạm Võng Kinh và
Thiên Bát Kinh Quyết Ẩn”, Ngài cho rằng: “Văn tự của Kinh Phạm Võng quyển thượng nói về Thập phát thú, Thập địa cùng với nửa quyển thứ 7 đến quyển thứ 9 của Kinh Đại thừa Kim Cương Tánh Hải Mạn Thù Thất Lỵ Thiên Tý Thiên Bát Đại Giáo Vương nói về 40
tâm vị thập phát thú v.v… văn tự rõ ràng hơn và ý nghĩa đồng với phẩm
Tâm Địa của Kinh Phạm Võng quyển thượng”, và Ngài nói: “Chỗ nói Kinh
Phạm Võng 112 quyển hoặc Kinh Thiên Bát để chứng minh có Phạn văn căn
cứ, thì có thể bỏ được cái ý kiến nghi nó là ngụy tạo”. Đây là kiến giải
chủ trương Kinh Phạm Võng là chân thật chứ không phải ngụy. Nhưng theo
ý kiến của Pháp sư Tục Minh lại có một lối nhìn riêng, Ngài nói:”Do nơi
văn của bài tựa và hậu ký có nhiều dấu tích giống nhau, dường như không
phải của Ngài Tăng Triệu viết, cho nên có người nghi kinh này không
phải do Ngài La Thập dịch, lại nghi bài tựa không phải do Ngài Tăng
Triệu viết, do nghi bài tựa nên càng nghi kinh!”. Lại nói: “Kinh Phạm
Võng quyển thượng, xét về văn tự cùng với các kinh sách do Ngài La Thập
phiên dịch không hợp, tra cứu lại thì thấy có một đoạn văn nghĩa tương
đồng với Kinh Thiên Bát Đại Giáo Vương dịch vào đời Đường. Nhưng vì ngoài hai
kinh ấy ra còn thiếu những chứng cứ khác, nên khó luận đoán như thế
nào” (xem Giới Học Thuật Yếu). Căn cứ vào sự khảo chứng của Pháp sư Tục
Minh, Ngài nhận rằng văn bài tựa và hậu ký của Kinh Phạm Võng là có vấn đề. Kinh văn quyển thượng cũng
chẳng phải là của Ngài La Thập dịch, và suy đoán theo hình thức, Ngài
cho rằng Kinh Phạm Võng chắc chắn cũng có căn cứ của Đại Bổn, đồng thời
Ngài cũng nói: “10 trọng 48 khinh của Phạm Võng giới không phải như
tương truyền nói là một phần của phẩm Tâm Địa Pháp Môn, mà từ trong các phẩm của Đại Bổn trích ra”. Một phát minh này rất đáng quý!
Tôi cũng muốn bổ sung vào một chút ý kiến: Đoạn trước đã nói, chỗ
tương đồng của Phạm Võng và Anh Lạc rất nhiều, cả hai đều là đốn lập
giới, đều ở tại nước Ma Già Đà gần Bồ đề đạo tràng, một lúc nói ra đồng
là nói 10 điều giới trọng như nhau. Vậy chúng ta có thể tin rằng Kinh
Phạm Võng của bản dịch hai quyển là do chịu ảnh hưởng hình thức của Kinh
Anh Lạc và phụ thêm vào quyển thượng của bản một quyển. Lại, nhân trong
quyển hạ Kinh Phạm Võng đối với tên gọi chung có 42 vị Hiền thánh Bồ
tát là Thập phát thú, Thập trưởng dưỡng, Thập kim cương, Thập địa, là
dùng một bộ phận của Kinh Thiên Bát làm quyển thượng của Kinh Phạm Võng.
Nhưng ở đây cũng có vấn đề là Kinh Phạm Võng của bản hai quyển Lịch Đại Tam Bảo Kỷ của Phí Trường Phòng (Đời Tuỳ, niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 17) đã có rồi. Kinh Thiên Bát do Tam Tạng Bất Không đời Đường dịch
ra, điều này trên thời gian bị đảo ngược, cũng có thể cho rằng Kinh
Thiên Bát hoặc đồng một tính chất của bản chữ Phạn đã đến Trung Quốc sớm
hơn.
Ngoài ra, Pháp sư Tục Minh còn cho rằng Phạm Võng giới có thể do từ
trong tác phẩm của Đại Bổn trích ra, đây là thường lệ của giới Thanh
văn. Như tôi thấy trong Ưu bà tắc Giới Kinh của Đại thừa giới: Sáu giới
trọng và 28 giới khinh đều tập trung vào một phần của phẩm Thọ Giới, đủ
thấy hình thức của luật Đại thừa và luật Thanh văn có chỗ bất đồng, vì
thế đây là vấn đề còn đợi nghiên cứu. Đồng thời, 10 điều giới trọng của
Kinh Anh Lạc cũng là nói một cách tập trung chứ không phải giải thích.
Nhưng mặc dầu như thế nào, tính tồn tại và tính chân thật của Bồ Tát
giới là điều không thể phủ nhận. Bồ Tát giới tại Tây Vức cũng đã sớm lưu
hành, nhưng trong Bồ Tát Giới Bổn Sớ của Pháp Tạng nói: “Lại nghe ở Tây
Vức, các chùa Tiểu thừa lấy Ngài Tân Đầu Lô làm Thượng tọa, các chùa
Đại thừa lấy Ngài Văn Thù Sư Lợi làm Thượng tọa, khiến đại chúng đều trì
Bồ Tát giới, yết ma thuyết giới đều tác Bồ Tát pháp sư, Luật tạng
thường tụng không dứt”.
2. Loại Du già
Trong loại Du già bao quát ba loại: Du già, Địa Trì, Thiện Giới. Ba loại giới bổn này đều là cùng một phẩm
của Luận Du Già Sư Địa, nhưng có nhiều bản dịch khác nhau, cùng có thể
do lối nhìn của dịch giả bất đồng hoặc do bản Phạn các Ngài thấy bất
đồng, vì thế mà có tường tận hay giản lược, hoặc thiên trọng hay thiên
khinh bất đồng. Tuy nhiên, lai lịch loại Du già này không thể hoài nghi, chỗ bất đồng lớn nhất
của loại Du già và loại Anh Lạc, Phạm Võng là duyên khởi và sự tổ thành
của Giới Kinh. Anh Lạc, Phạm Võng là do chính miệng Phật nói ra, còn
cuối Du già Giới Bổn có nói về loại Du già như sau: “Các việc khởi ra
như thế này: Bồ tát học xứ (giới) trong các Kinh Phật đã tùy cơ rải rác
tuyên nói, đó là y luật nghi giới, Thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu
tình giới, nay nói Luận Bồ Tát này là nói tổng hợp”. Nói một cách khác,
loại Du già là do Bồ Tát Di Lặc căn cứ vào các kinh Phật nói rải rác
những gì quan hệ đến bộ phận của giới luật góp nhặt biên tập thành. Vì
thế, đồng là Bồ Tát giới của Phật nói, loại trước trực tiếp hình thành,
loại sau gián tiếp biên thành. Đây chỗ không đồng nhau ở trên nguyên
nhân thành lập, nhưng vẫn đều là Bồ Tát giới Phật nói.
3. Loại Ưu bà tắc Giới
Đây là do trưởng giả Thiện Sanh cầu Phật, hỏi pháp, rồi do chính
miệng Phật nói ra, gồm có 7 quyển 28 phẩm, rất hợp với căn khí của người
tại gia cho đến ngoại đạo đương thời. Đây là một bộ kinh điển rất hay,
lịch trình từ một người tục mới phát tâm tin Phật thẳng đến thành Phật
đều được chỉ dẫn kỹ càng. Nhưng từ trên nhân duyên thọ giới, đắc giới mà
nói, thì đây là một thứ Đại thừa giới rất khó thọ, khó đắc.