Chương2: Nguyên Do Và Chủng Loại Của Giới Luật Tăng Ni
I. NGUYÊN DO CỦA GIỚI LUẬT
Chúng ta đã nói giới luật của Phật giáo được chế định là do sự cần
thiết thật sự. Việc hoàn thành của giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni cũng không
phải là việc của một ngày. Trong Tăng đoàn Phật giáo buổi ban đầu vốn
không có điều văn giới luật ghi thành văn, đệ tử xuất gia thời ấy đều có
căn khí rất sâu, rất dày, thường thường đều ở ngay nơi hai ba lời khai
thị của Đức Phật liền ngộ chứng được Thánh vị, thấp thì được pháp Nhãn
tịnh, kiến đạo chứng Sơ quả, cao thì chứng thẳng Tứ quả A la hán. Như
nói: “Sơ quả cày đất côn trùng lìa lưỡi cày 4 tấc”, đây là đạo cộng giới
do đạo lực của Thánh vị mà ra. Trong Tăng đoàn phần nhiều là đệ tử
chứng Thánh quả, vì thế dưới đạo lực của Đạo cộng giới tự nhiên hợp với
yêu cầu của giới nên không phạm tội. Đã không phạm tội nên không cần
phải chế giới.
Căn cứ trong luật ghi chép, Ngài Xá Lợi Phất trước tiên thỉnh Phật
chế giới, Đức Phật nói không phạm không chế. Trong Ngũ Phần Luật quyển 1
Phật nói: “Này Xá Lợi Phất! Trong chúng của ta chưa từng có pháp hữu
lậu. Trong chúng này của ta người nhỏ nhất đắc Tu đà hoàn. Các Đức Phật
Như Lai không vì chưa có pháp hữu lậu mà kết giới cho các đệ tử”. Đây
cùng với Bồ tát giới bất đồng. Bồ tát giới là “Chư Phật pháp nhĩ”. Ba
đời chư Phật đều do Bồ tát giới mà thành Phật. Bồ tát giới không do một
vị Phật nào chế ra mà là chư Phật đồng chế, bản lai như vậy. Tỳ kheo
giới là căn cứ vào sự cần thiết của sự thật để chế định, Đức Phật tuy
biết cần phải chế những giới nào nhưng Ngài quyết chẳng chế định trước.
Điều này có lý do: Một là biểu thị dân chủ, hai là tôn trọng nhân cách
của các đệ tử. Nếu như không phạm mà chế, các đệ tử đương nhiên phải
tiếp thọ, nhưng đó không phải xuất phát từ ý tứ của các đệ tử mà lại
xuất phát từ sự cưỡng chế của Đức Phật. Phạm tội mới chế giới, đây là
xuất phát từ sự nhất trí của đại chúng trong Tăng đoàn. Từ trong luật
chúng ta thấy Đức Phật chưa từng chủ động chế qua một điều giới, chẳng
qua là vì do nơi người phạm lỗi lầm bị sự chê trách của người ngoài, rồi
do các đệ tử thiểu dục, tri túc, thích hạnh đầu đà, biết hổ thẹn, trình
bạch với Đức Phật. Đức Phật chế giới. Vì thuận theo yêu cầu của đại
chúng, Đức Phật lại còn đem những điều giới Ngài đã chế ra tu chính hai
ba phen, đây là biểu hiện tinh thần dân chủ một cách đầy đủ. Đức Phật
tuyệt nhiên không muốn các đệ tử có lỗi lầm, các đệ tử hảo tâm xuất gia
tự họ cũng không muốn trong Tăng đoàn có người phạm lỗi; đây là một thứ
yêu cầu của tâm tự trọng. Nếu Đức Phật dự bị chế giới trước thì biểu thị
sự khinh thường các đệ tử của Ngài và thấy chắc các đệ tử sẽ có lỗi lầm
xuất hiện; đây là đối với Tăng đòan dường như có nhiều lo lắng, thậm
chí làm cho người chưa phạm tội cảm thấy như bị chồng thêm một lớp xiềng
xích, và như thế là coi rẻ nhân cách của các đệ tử. Phạm lỗi lầm rồi
mới chế giới, đó là nguyên nhân từ nơi phạm giới mới chế giới, chứ không
phải Đức Phật cưỡng chế.
Tinh thần của Đức Phật chế giới nhìn trên bề mặt là ý của Đức Phật,
nhìn từ thực tế là ý của đại chúng trong Tăng đoàn. Đức Phật chỉ là
người chủ trì hoặc là người chứng minh trong quá trình chế giới. Giới là
phương thuốc phòng ngừa sự hư đốn của đại chúng. Người ra toa hoặc hốt
thuốc phòng ngừa sự hư đốn này là Đức Phật, người yêu cầu ra toa và xin
hốt thuốc chính là đại chúng trong Tăng đoàn. Đức Phật là vị thầy thuốc
khám bệnh cho chúng Tăng trong Tăng đoàn, đại chúng trong Tăng đoàn là
người bệnh hoạn nhờ Phật chữa bệnh. Do đó, nếu người không bệnh mà ra
toa hốt thuốc cho họ, họ sẽ nhất định mắng anh là xúc phạm đến họ. Người
mắc bệnh nếu được trị liệu, người ấy sẽ cảm kích muôn phần, đây là tâm
lý thông thường của chúng sinh.
Nhân đây chúng ta hiểu một cách sâu sắc rằng Đức Phật là một vị Đại
Đạo Sư rất vĩ đại và từ bi. Phật cứu hộ tất cả chúng sinh, dụng tâm
không có chỗ vi tế nào không đến; đã tôn trọng ý tứ đại chúng, lại luôn
luôn hộ niệm đến khuyết điểm của chúng sinh. Nghĩ đến điều này khiến
chúng ta cảm đông rơi nước mắt.
Trừ Đại thừa Bồ tát giới là chư Phật đồng chế; giới Tỳ kheo Tỳ kheo
ni của chư Phật chế không đồng nhau hết, chỉ có bốn điều đại giới căn
bản: Hành dâm, trộm cướp, giết người, đại vọng ngữ là chư Phật chế đồng
nhau. Như trong Thiện Kiến Luật Tỳ Bà sa quyển 8 nói: “Tất cả chư Phật
đối với tội Ba la di không kết khác nhau. Bốn Ba la di không thêm, không
bớt”. Trừ bốn điều này ra, chẳng những chư Phật chế bất đồng, mà chúng
ta cũng thấy trong các bộ Quảng Luật thu tập các điều giới khác cũng đều
riêng có nhiều ít, thêm bớt.
Căn cứ vào sự ghi chép của Tăng Kỳ Luật, Đức Phật vì các Tỳ kheo chế
một điều giới thứ nhất là giới dâm, đó là: “Đức Thế Tôn ở thành Tỳ Xá
Ly, thành Phật 5 năm, nửa tháng thứ 5 của mùa Đông ngày 12 sau khi dùng
bữa ăn giữa trưa, bóng mặt trời ngã về hướng Đông một người rưỡi, Phật
chế giới cho con trai của Trưởng giả Da Xá Ca Lan Đà.
Điều giới thứ hai là giới trộm cướp: Thế Tôn ở thành Vương Xá, thành
Phật 6 năm, nửa tháng thứ 2 của mùa Đông ngày mùng 10 sau bữa ăn trưa,
bóng mặt trời ngã về hướng Đông hai người rưỡi, Phật chế giới cho con
người thợ gốm tên Đạt Ni Ca, Bình Sa Vương và Tỳ kheo Phấn tảo y.
Điều giới thứ ba là giới sát sinh: Thế Tôn ở thành Tỳ Xá Ly, thành
Phật 6 năm, nửa tháng thứ 3 của mùa Đông, ngày mùng 9 trước bữa ăn trưa,
bóng mặt trời ngã về hướng Bắc, nhân Tỳ kheo tu tập bất tịnh quán đâm
ra chán ghét sắc thân, nhờ ngoại đạo Lộc Trượng giết, mà chế giới.
Điều giới thứ tư là đại vọng ngữ: Thế Tôn ở thành Xá Vệ thành Phật 6
năm, nửa tháng thứ 4 của mùa Đông, ngày 13 sau bữa ăn trưa, bóng ngã về
hướng Đông ba người rưỡi, vì nhiều Tỳ kheo đi vào xóm làng cùng nhau gọi
là A la hán (để được tín thí cúng dường nhiều) và vì Tỳ kheo tăng
thượng mạn mà chế giới”.
Trong các bộ Luật, chỉ có Tăng Kỳ Luật ghi rõ ràng ngày giờ tháng năm
chế giới, mà cũng chỉ ghi được ngày giờ tháng năm chế giới của bốn điều
giới Ba la di. Nhưng căn cứ vào Luật nói 12 năm đầu, chỉ có người phạm
một giới chế một giới, chứ không có người tái phạm.
Như thế, chúng ta đã biết rõ Đức Phật vì Tỳ kheo chế giới là từ cuối
mùa Đông của năm thứ 5 sau khi thành Phật. Điều này cũng nói lên cho
chúng ta biết trong Tăng đoàn của Phật giáo đến năm thứ 5 trở về sau,
phần tử dần dần phức tạp, có những người căn cơ hơi cạn tiến nhập vào
Tăng đoàn Tỳ kheo phát sinh ra vấn đề, vì thế cần phải chế giới đề phòng
sự hủ bại. Từ năm thứ 6 trở về sau, vấn đề càng nhiều, vì thế trong một
thời gian ngắn không đầy 50 ngày trong cuối mùa Đông lại liên tiếp chế
ra ba điều giới trọng. Do đó, sự chế ra Tỳ kheo giới có thể đứt đứt nối
nối một mạch đến trước lúc Đức Phật nhập diệt mới đình chỉ. Dường như
giới luật này hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu của tình huống thực tế đương
thời đương xứ mà chế thành, nhưng không cùng với giới luật của chư Phật
chế hoàn toàn giống nhau, cho nên cũng không thể đem toàn bộ điều văn
của giới luật này hoàn toàn thích ứng với sinh họat Tỳ kheo trong thời
đại và địa phương bất đồng. Vì thế, Đức Phật trong Ngũ Phần Luật quyển
22 đã nói: “Tuy là giới của ta chế, nhưng ở phương khác không cho là
thanh tịnh thì đều không được dùng. Tuy chẳng phải giới của ta chế,
nhưng ở phương khác phải nên làm thì không được chẳng làm”. Đây là Thánh
giáo sáng suốt biết bao!
Đến như Tỳ kheo ni giới, trừ bộ phận đặc biệt Phật chế riêng cho phái
nữ ra, đa số giới tướng đồng và giới tướng Tỳ kheo. Sự xuất hiện của Tỳ
kheo ni giới đương nhiên sau Tỳ kheo giới rất xa.
II. LÀM THẾ NÀO HOÀN THÀNH THÂN PHẬN TỲ KHEO VÀ TỲ KHEO NI?
Tỳ kheo và Tỳ kheo ni cố nhiên phải giữ gìn Tỳ kheo và Tỳ kheo ni
giới. Nhưng thân phận và tư cách của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni không phải do
sự thủ trì Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giới mà ra. Đức Phật thứ nhất, thứ
hai, thứ ba (Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Diệp La) trong 7 Đức
Phật quá khứ không có kiết giới cũng không thuyết giới. Các Ngài cũng có
7 chúng đệ tử (nhưng sau khi Phật diệt độ, Phật pháp cũng tiêu mất).
Năm năm đầu tiên sau khi Thích Ca Thế Tôn thành Phật chưa có chế giới,
nhưng đã có rất nhiều đệ tử Tỳ kheo, đủ biết Tỳ kheo và Tỳ kheo ni không
phải có ra là do nơi giới luật; trái lại, sự có mặt của Tỳ kheo và Tỳ
kheo ni giới là do nhu yếu của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Như vậy, thân phận
hoặc tư cách của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni làm sao hoàn thành ? Ở đây cần
phải nói đến chủng loại của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Trước hết là nói về
chủng loại của Tỳ kheo. Điều này trong các bộ luật cũng có ít nhiều bất
đồng.
A. Tứ Phần Luật có 11 thứ Tỳ kheo
1. Tỳ kheo xin ăn.
2. Tỳ kheo trì y hoại sắc có cắt rọc.
3. Tỳ kheo phá ác.
4. Tỳ kheo thật.
5. Tỳ kheo kiên cố.
6. Tỳ kheo thấy lỗi.
7. Tỳ kheo do một lời thọ giới.
8. Tỳ kheo do hai lời thọ giới.
9. Tỳ kheo do ba lời thọ giới.
10. Tỳ kheo thiện lai.
11. Tỳ kheo đúng như pháp bạch tứ yết ma thọ giới.
B. Căn Bản Tát Bà Đa Bộ Luật Nhiếp có 10 thứ Cận viên:
1. Không có thầy, như Phật Thế Tôn.
2. Chứng trí, như trường hợp 5 vị Bí sô.
3. Vấn tấn, như trường hợp ông Ô Đà Bi.
4. Quy y như trường hợp Đại Ca Diếp.
5. Năm người, là trường hợp ở vùng biên địa, 5 vị Luật sư có thể truyền thọ giới cho người.
6. Mười người, là trường hợp tại nơi Phật pháp thịnh hành (trung phương) phải đủ 10 vị luật sư truyền giới cho người.
7. Thọ kinh pháp, như trường hợp Đại Thế Chủ.
8. Khiến sứ, như trường hợp cô Đạt Ma Trần Na.
9. Hai chúng, nghĩa là hai bộ tập hợp.
10. Thiện lai nghĩa là chính Đại sư (Phật) đích thân nói.
Trên đây, ba pháp: 7, 8, 9 là pháp thọ giới của Tỳ kheo ni, 7 pháp kia đều là pháp thọ giới của Tỳ kheo.
C. Thập Tụng Luật có 10 thứ pháp thọ Cụ túc giới:
1. Phật Thế Tôn tự nhiên không có thầy đắc Cụ túc giới.
2. Năm Tỳ kheo đắc đạo tức đắc Cụ túc giới.
3. Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp tự thệ liền đắc Cụ túc giới.
4. Ông Tô Đà vì tùy thuận đáp Phật luận nên đắc Cụ túc giới.
5. Biên địa do 5 vị tăng trì luật truyền được thọ Cụ túc giới.
6. Tỳ kheo ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề thọ Bát kỉnh pháp liền đắc Cụ túc giới.
7. Bán Ca Thi Na sai sứ được thọ Cụ túc giới.
8. Phật nói thiện lai Tỳ kheo đắc Cụ túc giới.
9. Quy mạng Tam bảo rồi, ba lần xướng tôi theo Phật xuất gia tức đắc Cụ túc giới.
10. Bạch tứ yết ma đắc Cụ túc giới.
Trên đây, hai pháp 6 và 7 là pháp thọ giới của Tỳ kheo ni, 8 pháp kia là pháp thọ giới của Tỳ kheo.
D. Kinh Tỳ Ni Mẫu có 5 thứ pháp thọ Cụ túc giới
1. Thiện lai Tỳ kheo liền được thọ Cụ túc giới.
2. Ba lời (tức tam quy ) liền được thọ Cụ túc giới.
3. Bạch tứ yết ma tức đắc Cụ túc giới.
4. Phật chấp nhận cho thọ Cụ túc giới (Bát kỉnh pháp) liền được thọ Cụ túc giới.
5. Thọ Cụ túc giới bậc thượng, lúc Phật tại thế không có người truyền
giới mà chỉ trực tiếp ở bên Phật nghe pháp đắc quả A la hán.
E. Tứ Phần Luật có 8 thứ Tỳ kheo:
1. Danh tự Tỳ kheo.
2. Tương tự Tỳ kheo.
3. Tự xưng Tỳ kheo.
4. Thiện lai Tỳ kheo.
5. Khất cầu Tỳ kheo.
6. Tỳ kheo mặc y cắt rọc.
7. Tỳ kheo phá kiết sử (dứt bặt phiền não chứng A la hán).
8. Thọ đại giới bạch tứ yết ma, như pháp thành tựu được xứ sở Tỳ kheo.
Trên đây chỉ có ba thứ Tỳ kheo số 4, 7, 8 là thật Tỳ kheo đúng như
pháp, năm thứ kia là giả chứ không phải là Tỳ kheo đúng như pháp. Tuy
chủng loại Tỳ kheo trong năm bộ luật nêu trên đều có chút ít bất đồng,
nhưng có thể quy nạp làm 10 lọai:
1. Không có thầy.
2. Một lời.
3. Hai lời.
4. Ba lời.
5. Phá kiết sử.
6. Tự thệ.
7. Thiện lai.
8. Vấn tấn.
9. Luận đáp.
10. Baïch tứ yết ma ( bao hàm cả biên địa 5 vị Tăng truyền giới và trung phương 10 vị Tăng truyền giới).
Tỳ kheo đắc Cụ túc giới đại khái chẳng ra ngoài mười phương pháp này.
Nhưng lúc Phật còn tại thế, thông thường sử dụng chỉ có Thiện lai Tỳ
kheo và Bạch tứ yết ma Tỳ kheo. Tám loại kia là hạn cuộc vào căn tánh
đặc thù của nhân vật, so ra Tỳ kheo phá kiết sử có nhiều hơn 7 loại Tỳ
kheo kia. Ngoài ra, như trường hợp không có thầy thọ giới, chỉ có một
mình Đức Phật; tự thệ thọ giới, chỉ có một mình Ngài Đại Ca Diếp; vấn
tấn thọ giới, chỉ có một mình Ngài Ô Đà Di (tức là Ca Lưu Đà Di); tùy
thuận đáp Phật luận thọ giới, chỉ có một mình ông Tô Đà. Đến như Thiện
lai Tỳ kheo chỉ dùng một mạch đến khi Đức Phật nhập diệt là dứt. Sau khi
Phật diệt độ, chỉ có một phương pháp thọ giới của Bạch tứ yết ma thọ Tỳ
kheo giới. Trong thời đại Đức Phật, Thiện lai và Bạch tứ yết ma đều
dùng, đều làm, nhưng có một sự phân biệt: Đức Phật đích thân độ người
xuất gia, Đức Phật chỉ nói một tiếng “Thiện lai Tỳ kheo”, người được độ
nhờ túc căn của mình nương vào oai thân của Phật lập tức râu tóc tự
rụng, ca sa hiện trên thân, bình bát nơi tay, nghiễm nhiên giống oai
nghi Tỳ kheo của Thượng tọa lão tham. Nhưng đây cần phải là người túc
căn sâu dày có thể lập tức chứng quả mới làm. Ý nghĩa của Thiện lai Tỳ
kheo, căn cứ vào lý suy diễn phải có ba tầng:
1. Ông muốn xuất ly sinh tử, đến đây thật đúng thời cơ.
2. Ông đến làm Tỳ kheo thật là một việc rất tốt.
3. Ông đến xuất gia làm Tỳ kheo, Phật giáo vô cùng hoan nghinh ông.
Trong suốt cuộc đời Đức Phật, Ngài độ được bao nhiêu “Thiện lai Tỳ
kheo”? Các vị đại đệ tử được Đức Phật độ ở thời kì đầu tiên gần như đều
là Thiện lai Tỳ kheo, tỷ như năm người trong nhóm ông Kiều Trần Như, 30
người trong nhóm ông Mẫn Từ Tử, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp và 500 đệ tử. Dà
Da Ca Diếp và 200 đệ tử, Ưu Ba Tư Na và 250 đệ tử, Đại Mục Kiền Liên và
250 đệ tử, con cháu dòng Vương thất Thích Ca 500 người, nhóm ông Bạt Độ
Đế 500 người, nhóm quần tặc 500 người ( tư liệu này thấy trong Ma ha
Tăng Kỳ Luật). Do đây đủ thấy Thiện lai Tỳ kheo ở trong Tăng đoàn đương thời là giai tầng lãnh đạo, cũng là thành phần chủ yếu.
Tỳ kheo của bạch tứ yết ma thọ Cụ túc giới, đó là các vị đệ tử Tỳ
kheo của Đức Thích Ca độ cho các vị Tỳ kheo xuất gia đời thứ ba mới có.
Nhân vì khu vực đất đai của Ấn Độ rất rộng, các đại đệ tử của Phật mỗi
người giáo hóa một phương, mỗi phương đều có người cầu xin xuất gia, nếu
phải lặn lội từ xa đến xin Phật độ thì quá phiền phức, thậm chí ở dọc
đường phát sinh tai biến. Vì thế, Phật quy định các đệ tử Tỳ kheo cũng
được độ người xuất gia thọ Cụ túc giới. Người thọ Cụ túc giới cần phải ở
trong Tăng đoàn có 10 vị Tỳ kheo trở lên cầu được sự thông qua và thừa
nhận nhất trí, mới được kể là Tỳ kheo hợp pháp. Bạch tứ yết ma nghĩa là
một phen báo cáo, ba phen trưng cầu sự im lặng chấp thuận. Trong 10
người chỉ cần có một người phản đối là Tăng không hòa hợp bèn không
thành yết ma thọ giới và người thọ giới không đắc Cụ túc giới. Đây là
một nghi thức giản đơn mà thiêng liêng , mục đích là có được sự chấp
thuận của Tăng chúng, chứ chẳng phải truyền thọ riêng tư. Tuy nhiên,
trong Tăng đoàn lúc Phật còn tại thế, thọ Cụ túc giới cũng là Phật sự
bình thường, thông thường đều lấy cơ hội thuyết giới mỗi nửa tháng để cử
hành, vì đây là ngày quy định chư Tăng tập họp. Ngoài ra, các ngày an
cư và tự tứ cũng đều là cơ hội tốt để truyền thọ Cụ túc giới.
Như trong Ngũ Phần Luật quyển 16 nói, Phật nói “Cho phép nhân ngày Bố
tát tự tứ, lúc Tăng tự tập họp, truyền thọ Cụ túc giới”. Hoàn toàn
không giống như Phật giáo Trung Quốc phân thành Thiền tự, Giảng tự và
Luật tự ; chỉ có Luật tự học luật, trì luật và truyền giới ; còn Thiền
tự và Giảng tự không học, không trì, cũng không truyền giới. Điều này
hình thành đương nhiên là do nhân tố của bối cảnh xã hội, chúng ta chẳng
nên phiền trách, cho đến sự truyền giới của ngày nay lại cũng có chút
lạm.
Chủng lọai thọ giới của Tỳ kheo ni:
A. Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bí Sô Tỳ Naïi Da có 5 thứ Bí Sô Ni:
1. Danh tự Bí sô ni.
2. Tự nói Bí sô ni.
3. Khất cầu Bí sô ni (người nữ thế tục vì mưu cầu sinh sống).
4. Phá phiền não Bí sô ni.
5. Bạch tứ yết ma Bí sô ni.
(Hai loại thứ 4, 5 hợp pháp, ba lọai kia đều phi pháp)
B. Kinh Tỳ Ni Mẫu quyển 1, Tỳ kheo ni có 5 cách thọ Cụ túc giới:
1. Theo lời thầy dạy thực hành (Bát kỉnh pháp) gọi là thọ Cụ túc giới.
2. Bạch tứ yết ma mà được thọ Cụ túc giới.
3. Sai sứ đại diện mà được thọ Cụ túc giới.
4. Thiện lai mà được thọ Cụ túc giới.
5. Thượng thọ Cụ túc giới (phá kiết sử).
Thật ra trong hai bản luật liệt kê Tỳ kheo ni hợp pháp chỉ có bốn
loại: Phá kiết sử, Bát kỉnh pháp, Sai sứ, Bạch tứ yết ma. Thiện lai Tỳ
kheo ni, nếu chiếu theo lệ Đức Phật không đích thân tự độ ni (Luận Tát
Bà Đa quyển 2); đây không phải Đức Phật đích thân độ mà là do đại đệ tử
Tỳ kheo ni độ. Nhưng theo sự xuất hiện của Tỳ kheo ni sau Tỳ kheo 14 năm
hoặc hơn 20 năm, Tăng đoàn Tỳ kheo lúc ấy đã có nghi thức bạch tứ yết
ma độ người xuất gia, Tỳ kheo ni sao không làm theo? Không lẽ còn học
theo phương pháp Phật độ Tỳ kheo mà dùng thiện lai độ Tỳ kheo ni? Vì
thế, đây là một vấn đề còn đợi khảo chứng.
Ai là Tỳ kheo ni phá kiết sử? Chưa thấy văn tự ghi chép. Tỳ kheo ni
dùng Bát kỉnh pháp thọ Cụ túc giới chỉ có bà Đại Ái Đạo cùng 500 người
nữ dòng học Thích. Sai sứ thọ, trên Phật giáo sử chỉ có một người là Đạt
Ma Trần Na (Tạp Sự quyển 32 dịch là Pháp Dự), hoặc Bán Ca Thi Ni, vì cô
rất đẹp nhiều người nam nghe nói cô xuất gia muốn chặn đường phá cô,
nếu cô từ chùa Ni đích thân đi đến chùa Tăng thọ giới thì không thể xuất
gia được. Vì thế, Đức Phật đặc biệt cho người nữ đẹp tuyệt trần khi
xuất gia nếu ngại dọc dường bị phá, có thể phái đại biểu đi qua chùa
Tăng cầu được yết ma cũng đắc giới. Ngoài ra, các Tỳ kheo khác thọ Cụ
túc giới đều ở trong hai bộ Tăng bạch tứ yết ma thọ. Trong hai bộ Tăng
thọ là trước ở trong Tăng 10 Tỳ kheo ni bạch tứ yết ma mà thọ giới. Đắc
giới là tại trong Tỳ kheo Tăng đắc. Nếu không tác bổn pháp mà trực tiếp
qua Tỳ kheo Tăng thọ Cụ túc giới, có thể đắc giới nhưng Giới sư đắc tội.
Tỳ kheo ni giới Trung Quốc có từng kiến lập qua chế độ ở trong hai bộ
Tăng thọ hay không, đến nay không làm sao tra cứu. Có sử để kê cứu đều
là trực tiếp ở trong Tỳ kheo Tăng thọ. Giới sư Trung Quốc tuy trải qua
nhiều đời do vì truyền Tỳ kheo ni giới mà đắc tội, nhưng cũng cam chịu,
vì chưa có thể làm đúng pháp như luật.
Thọ Cụ túc giới là nói tiếp thọ toàn bộ Tỳ kheo giới hoặc Tỳ kheo ni
giới. Sau khi thọ trì toàn bộ có thể bước lên Thánh vị thẳng đến quả A
la hán và liễu thoát sinh tử. Không giống như thọ ngũ giới, bát giới,
thập giới, chỉ là một bộ phận của giới chứ chưa đầy đủ toàn bộ giới như
trong luật điển của Tân dịch không gọi là Cụ Túc giới mà gọi là Cận
viên. Viên là viên mãn tịch diệt, cũng là viên tịch, cũng là Niết bàn,
cũng là liễu sinh thoát tử, cũng là bất sinh bất tử, cũng là chỉ cho
cảnh giới của quả A la hán. Chữ “Cận” có thể giải theo hình dung từ,
nghĩa là ranh giới của viên tịch, cũng có thể giải theo động từ, nghĩa
là đi đến gần cảnh giới viên tịch. Nếu nói về công năng của Tỳ kheo ni
giới, thì chữ cận của cận viên, dùng động từ giải thích lại đúng hơn.
Chúng ta có thể nhờ sự thọ trì và kiên trì Tỳ kheo giới hoặc Tỳ kheo
ni giới để dần dần tiếp cận với viên tịch, và cũng từ tiếp cận với viên
tịch sau cùng tiếp nhập vào viên tịch. Do đây, Tỳ kheo giới là cây cầu
đưa chúng ta đến cảnh Niết Bàn. Viên tịch vốn là nghĩa của Niết bàn,
nhưng mà sau này Tăng tử vong đều gọi là viên tịch, nếu nói theo luật
thì đó là thay thế người chết vọng ngữ!